Vai Trò Của Lương Tâm Trong Những Quyết Định Luân Lý Liên Quan Đến Gia Đình

0
539


Đức Cha Matthew Nguyễn Văn Khôi,

Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

(Khóa thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn 2016)

 

 

Theo sự phân tích và tổng hợp của linh mục James Martin, S.J, Tông huấn Amoris laetitia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gồm 10 điểm chính, trong đó vai trò quan trọng của lương tâm đối với những quyết định luân lý được xếp vào điểm thứ hai. Lương tâm được minh nhiên đề cập đến ở các số 37, 42, 83, 222, 265, 279, 298, 300, 302, 303 và được gián tiếp liên hệ đến ở nhiều số khác trong Tông huấn. Từ những đoạn qui chiếu ấy, chúng ta có thể tổng hợp giáo huấn của Tông huấn về lương tâm thành những điểm chính yếu như sau:

Trước hết, Tông huấn đưa ra một nhận định tổng quát về những khó khăn nói chung mà lương tâm cá nhân gặp phải khi đứng trước những hoàn cảnh đặc thù và phức tạp của cuộc sống. Tiếp đến, Tông huấn đề cập đến sự vận dụng lương tâm trong hai hoàn cảnh đặc thù và phức tạp mà các gia đình Công Giáo đang gặp phải và muốn có một sự soi sáng hướng dẫn từ phía huấn quyền của Giáo Hội: một là trách nhiệm trong việc sinh sản có kế hoạch, hai là những giải pháp cho trường hợp những người Công Giáo ly dị tái hôn. Điểm thứ hai này là vấn đề nóng bỏng đang gây tranh cãi nhiều nhất trên toàn thế giới. Giáo huấn của Tông huấn đang góp một phần rất quan trọng trong việc đưa ra những giải đáp, nhưng đồng thời vẫn mở ra cho những suy tư và đóng góp của mọi thành phần dân Chúa.

I. LƯƠNG TÂM ĐỨNG TRƯỚC NHỮNG HOÀN CẢNH ĐẶC THÙ VÀ PHỨC TẠP

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã dạy: “Con người có quyền hành động cách tự do theo lương tâm, để có thể đảm nhận những quyết định luân lý một cách cá vị”.[1] Theo thần học, lương tâm là một khả năng mà con người tiếp nhận từ Thiên Chúa Tạo Hóa cùng với sự sống và các tài năng khác. Đã là người ai ai cũng được Thiên Chúa phú bẩm một lương tâm để có thể phân biệt thiện ác, nhờ đó thực hiện được cứu cánh tối hậu của mình.

1. Vai trò và giá trị của lương tâm đối với các hành vi luân lý

Lương tâm là qui luật gần của luân lý tính và được coi như nhà lập pháp thường xuyên lên tiếng để thông tri cho ta biết các qui luật đạo đức mà ta phải tuân giữ. Luân lý tính của một hành vi chỉ có được và tùy theo mức độ tham dự của những phán đoán của lương tâm về hành vi đó. Lương tâm có khả năng và nhiệm vụ áp dụng những qui luật luân lý phổ quát vào những hoàn cảnh đặc thù và phức tạp của mình, nhưng việc áp dụng các nguyên tắc ấy không phải lúc nào cũng giống nhau đối với một người hay như nhau đối với tất cả mọi người.

Đó cũng là nhận định của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Amoris laetitia: “Quả là hạn hẹp, khi chỉ dừng lại xét xem liệu hành động của một người có phù hợp với một khoản luật hoặc một qui tắc chung hay không, bởi lẽ điều đó không đủ để phân định và bảo đảm việc trung tín trọn vẹn với Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể của một con người”.[2]

Những phán đoán chắc chắn của lương tâm chính là chuẩn mực chủ quan và gần gũi của các hành vi con người. Con người có bổn phận phải trung thành và nghe theo phán đoán ấy, nếu hành động ngược lại thì không thể không phạm tội. Nếu đã có bổn phận phải nghe theo lương tâm, thì con người cũng có quyền được hành động theo lương tâm. Nói cách khác, con người có quyền tự do lương tâm. Công Đồng Vatican II đã tuyên bố rằng một người “không thể bị buộc hành động ngược với lương tâm mình, cũng không thể bị cản trở không cho hành động phù hợp với lương tâm mình”.[3] Trong các quyết định luân lý của mình, con người phải được hoàn toàn tự do, không bị áp lực bởi một sự cưỡng chế nào, nhưng trái lại cần được thúc đẩy bởi ý thức trách nhiệm. Tôn trọng tự do lương tâm và phẩm giá con người là điều hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Tin Mừng.[4]

Quyền tự do lương tâm bao gồm hai yêu sách:

– Một là có quyền không bị cưỡng bức hành động ngược với lương tâm mình; quyền này không bị hạn chế.

– Hai là có quyền không bị cấm cản hành động theo lương tâm mình; quyền này có thể bị hạn chế khi va chạm với quyền lợi của kẻ khác hay với công ích.

Mỗi người có bổn phận nghe theo lương tâm, ngay cả trong trường hợp lương tâm sai lầm bất khả thắng, nhưng xã hội vẫn có quyền bảo vệ chính mình trước sự lan tràn tai hại của những sai lầm ấy, vì một lý do rất đơn giản là sai lầm thì không có quyền đòi hỏi như chân lý. Cũng thế, trong phạm vi quyền tài thẩm của mình, Giáo Hội có quyền đưa ra những biện pháp chống lại những phần tử nào trong Giáo Hội với lương tâm sai lầm có thể đe dọa thiện ích chung của cộng đoàn. Chẳng hạn Giáo Hội có quyền rút lại quyền giảng dạy của các nhà thần học nào giảng dạy không phù hợp với đức tin và luân lý Kitô giáo.

Ngày nay người ta nói nhiều đến tự do lương tâm và coi đó như một trong những quyền căn bản của con người, vì lương tâm là một trong những yếu tố quan trọng làm nên phẩm giá của con người. Mỗi người được tự do hành động theo tiếng lương tâm. Tuy nhiên việc áp dụng quyền này không đơn giản và thường tạo ra vấn đề, vì lương tâm có thể bị sai lầm và lệch lạc vì nhiều nguyên nhân.

Lương tâm có thể sai lầm vì chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục lệch lạc, của những luật lệ xã hội sai trái, của môi trường không lành mạnh, của tư lợi, dục vọng, tính tự ái, kiêu căng hay thiếu quân bình tâm lý,v.v… Ngoài ra, vì bị chi phối bởi các ảnh hưởng tiêu cực và bị cám dỗ bởi tội lỗi, con người thích làm theo ý riêng hơn và khước từ những đạo lý được đưa ra một cách có thẩm quyền; họ có khuynh hướng bóp méo tiếng lương tâm hay tự trấn an lương tâm bằng những lập luận chủ quan. Một lương tâm sai lầm hay lệch lạc méo mó không thể là cơ sở để đưa ra những hành động đúng đắn và tốt lành. Nếu sự sai lầm hay lệch lạc là do lỗi của cá nhân, thì người đó phải mắc tội vì những điều sai lỗi họ phạm. Trong trường hợp sai lầm bất khả thắng hoặc không do trách nhiệm của chủ thể luân lý, thì cá nhân không thể bị qui tội về điều xấu họ đã làm. Tuy nhiên điều xấu ấy vẫn là một điều xấu, một khiếm khuyết, một sự vô trật tự. Trong cả hai trường hợp, điều cần thiết là phải làm sao để lương tâm được sửa chữa khỏi những sai lầm của nó. Trong khi chưa thể loại bỏ sự sai lầm thì ít ra họ phải được đào tạo để có một lương tâm ngay thẳng và chắc chắn, vì con người luôn phải tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình.[5]

2. Bổn phận đào tạo lương tâm

Để lương tâm trở thành chuẩn mực chủ quan hướng dẫn đời sống luân lý, điều cần thiết là chuẩn mực ấy phải phù hợp với chuẩn mực khách quan, tức là trật tự luân lý mà Thiên Chúa đã thiết lập. Có ý hướng chân thành muốn làm điều tốt vẫn chưa đủ, con người còn phải phục tùng thẩm quyền của chân lý và có bổn phận tìm kiếm chân lý.

Chính vì thế quyền tự do lương tâm phải đi liền với bổn phận nghiêm nhặt buộc mỗi người phải đào tạo lương tâm của mình, để nhờ đó mọi hành động của mình được đúng đắn. Nếu mỗi người phải chịu trách nhiệm trước lương tâm, thì mỗi người cũng phải chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa về lương tâm của mình, tức là có bổn phận phải làm sao cho lương tâm mình được luôn sáng suốt và đúng đắn, có khả năng nhận biết luật luân lý và đưa ra những phán đoán phù hợp với luật ấy trong mỗi hoàn cảnh cụ thể. Hơn nữa, muốn nại tới phán đoán của lương tâm mà không cố gắng cho lương tâm có những qui chiếu thích đáng, thì đó là một sự lạm dụng đáng tội. Các nguồn qui chiếu của lương tâm là Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội.

Để mỗi cá nhân có thể đưa ra những áp dụng đúng đắn trong những vấn đề khó khăn thuộc lãnh vực hôn nhân và gia đình là nơi đang chịu ảnh hưởng bởi những nhân tố đặc thù, lương tâm của họ phải được giáo dục và đào tạo theo những qui chiếu kể trên như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Khởi đi từ việc nhìn nhận mức ảnh hưởng của những yếu tố cụ thể của hoàn cảnh, đối với một số hoàn cảnh mà người ta không thể hiện một cách khách quan về quan niệm hôn nhân của chúng ta được, thì trong thực hành, Hội Thánh cần xét đến lương tâm của người ta nhiều hơn. Tất nhiên chúng ta cần khuyến khích sự trưởng thành của một lương tâm được khai sáng, được huấn luyện và được đồng hành nhờ sự phân định có trách nhiệm và nghiêm túc của người mục tử, và khích lệ ngày càng tin tưởng hơn nữa vào ơn sủng Chúa”.[6]

Việc giáo dục và đào tạo lương tâm cần phải được bắt đầu từ gia đình bằng một đường lối giáo dục cởi mở, tránh mọi áp đặt độc đoán của cha mẹ, và phải được tiếp nối nơi môi trường học đường, nhất là tại các giáo xứ, bắt đầu từ những lớp khai tâm Kitô giáo cho đến khi trưởng thành trong đức tin, như lời Tông huấn: “Để hiệu quả của việc làm cha và làm mẹ được nối dài đến với một thực tại rộng lớn hơn, các cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi để hỗ trợ cho sứ mạng giáo dục của gia đình, cách đặc biệt qua huấn giáo khai tâm. Để hỗ trợ một nền giáo dục toàn diện, chúng ta cần làm sống lại giao ước giữa gia đình và cộng đoàn Kitô hữu. Thượng Hội Đồng đã muốn nêu rõ tầm quan trọng của các trường Công Giáo, vốn đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cha mẹ hoàn tất bổn phận giáo dục con cái… Theo nghĩa đó, cần được khẳng định cách dứt khoát về quyền tự do của Hội Thánh về việc dạy đạo lý và quyền phản đối theo lương tâm của các nhà giáo dục”.[7]

Có thể nói “niềm vui” là từ khóa trong toàn bộ giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, nên đối với ngài, việc giáo dục lương tâm tốt nhất không hệ tại ở việc áp đặt những nguyên tắc luân lý, hay chỉ giúp khám phá những điều đúng đắn và tốt nhất, cũng không phải chỉ tạo nên cho lương tâm một sự ngay thẳng để biết đón nhận những điều ấy và tự buộc mình đem ra thi hành, nhưng còn phải làm thế nào để mỗi người cảm thấy được niềm vui và thích thú thực hiện những điều tốt đẹp ấy, nhằm đáp ứng một xu hướng về điều thiện đang lớn lên trong họ mà không cần bất kỳ một sự bắt buộc nào từ bên ngoài. Vì thế ngài dạy:

“Để hành động tốt thì phán đoán đúng hoặc chỉ biết rõ những gì phải làm thôi cũng chưa đủ, cho dù đó là điều ưu tiên. Nhiều lúc chúng ta không thấy nhất quán với những xác tín riêng của mình, ngay cả khi chúng chắc chắn. Ngay cả khi lương tâm nói cho ta về một phán đoán luân lý nhất định, thì những thứ khác hấp dẫn hơn có khi sẽ lôi cuốn mạnh hơn, nếu ta chưa đạt được tới mức sự thiện vốn được tâm trí nắm bắt đã bén rễ trong ta như một thiên hướng tình cảm thâm sâu, như ước muốn hướng thiện vượt trổi hơn những điều hấp dẫn kia và cho ta cảm thấy rằng sự thiện mà ta đã nhận biết cũng là sự thiện cho chúng ta tại đây và lúc này”.[8]

Việc giáo dục lương tâm ấy chẳng những phải được thực hiện liên tục và lâu dài, mà còn phải tôn trọng qui luật tiệm tiến, vì con người khi được sinh ra đã “là người”, nhưng họ còn phải nỗ lực “làm người” mỗi ngày. “Theo hướng đó, thánh Gioan Phaolô II đã đề ra điều gọi là ‘luật tiệm tiến’, với nhận thức rằng con người ‘hiểu biết, yêu mến và thực thi sự thiện luân lý theo những giai đoạn phát triển khác nhau’.[9] Đó không phải là một ‘sự tiệm tiến của luật’, nhưng là một sự tiệm tiến trong việc thực hiện một cách khôn ngoan những hành động tự do nơi những chủ thể không ở trong điều kiện hiểu biết, đánh giá hoặc thực hành cách đầy đủ các đòi hỏi khách quan của luật”.[10]

Cuối cùng, mặc dù nhấn mạnh vai trò giáo dục và đào tạo lương tâm để mỗi người có thể hành động đúng và tốt trong mọi hoàn cảnh, nhưng Đức Thánh Cha vẫn nhìn nhận rằng những hành động như thế vẫn không dễ dàng đối với con người khi họ sống trong những hoàn cảnh đặc thù và phức tạp: “Trong một số hoàn cảnh nhất định, người ta rất khó hành động cách khác… Việc phân định mục vụ, trong khi có lưu ý đến lương tâm được đào tạo đúng đắn của con người, còn phải xét đến những hoàn cảnh này nữa”.[11]

II. VAI TRÒ CỦA LƯƠNG TÂM TRONG VIỆC SINH SẢN CÓ KẾ HOẠCH

Trước hết Tông huấn đưa ra một nhận định về tình trạng ngừa thai trên toàn thế giới. Ngày nay việc ngừa thai trở thành một tình trạng phổ biến trên toàn thế giới và xu hướng này đã ảnh hưởng đến cả các gia đình Công Giáo. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết đó là hệ luận của chủ nghĩa hưởng thụ: người ta không muốn có con để khỏi phải bận tâm và tạo cho mình một sự tự do. Xu hướng này được hỗ trợ bởi cuộc cách mạng tình dục, phong trào giải phóng phụ nữ, nỗi lo sợ nạn nhân mãn, những khó khăn về kinh tế và chương trình điều giảm dân số của các nước, ngay cả tại những nước có sinh suất thấp. Ngoài ra việc phát triển công nghệ sinh học cũng có tác động lớn đối với tỷ lệ sinh sản.[12]

1. Vai trò của lương tâm trong việc sinh sản có kế hoạch nói chung

Trong quá khứ, để giải quyết những vấn đề thuộc lãnh vực gia đình và truyền sinh, Giáo Hội thường chỉ nhấn mạnh đến qui luật luân lý và ít để ý đến vai trò của lương tâm cá nhân: “Từ khá lâu rồi, chúng ta vẫn cứ tin rằng chỉ cần nhấn mạnh những vấn đề đạo lý, đạo đức sinh học và luân lý, mà không cần khuyến khích người ta mở lòng ra với ơn sủng, cũng là điều đã nâng đỡ các gia đình, củng cố mối dây liên kết vợ chồng và mang lại cho cuộc sống chung của họ một ý nghĩa… Chúng ta cũng cảm thấy khó khăn khi muốn dành chỗ cho lương tâm của các tín hữu, là những người rất thường đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng cách tốt nhất ngay giữa những giới hạn của họ, và họ cũng có khả năng phân định cá nhân tốt trước những tình huống khi mọi kế hoạch bị đổ vỡ. Chúng ta được mời gọi để đào tạo lương tâm chứ không thay thế các lương tâm”.[13] Vì thế, “sự chọn lựa làm cha mẹ có trách nhiệm giả thiết người ta phải được huấn luyện lương tâm”.[14]

Để thực hiện việc sinh sản có kế hoạch này, Giáo Hội cổ vũ việc sử dụng các phương pháp dựa vào các luật tự nhiên và cơ hội có thể sinh nở, vì các phương pháp này tôn trọng thân xác vợ chồng, khuyến khích tình âu yếm giữa họ với nhau và khích lệ việc giáo dục tự do chân chính.[15] Các nhà chuyên môn gọi đây là phương pháp “tránh thai” tự nhiên, bằng cách lợi dụng cách hợp pháp sự xếp đặt của tự nhiên, không phải do sự ích kỷ mù quáng chỉ muốn hưởng thụ, nhưng do ý thức trách nhiệm đối với gia đình và con cái.

Trong khi đó Giáo Hội không chấp nhận việc “ngừa thai nhân tạo”, tức là việc sử dụng những phương pháp nhân tạo, nhằm ngăn cản việc thụ thai trước hoặc trong khi giao hợp, hay làm trở ngại diễn tiến tự nhiên của việc thụ thai. Ngày 25 tháng 07 năm 1968, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành Thông điệp Humanae vitae, trong đó ngài nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội về việc ngừa thai nhân tạo khi tuyên bố: “Trong thực tế phải công nhận rằng thỉnh thoảng người ta có quyền chấp nhận một tai hại nhỏ để tránh một tai hại lớn, hoặc để thực hiện một việc tốt đẹp. Nhưng không bao giờ được phép làm một việc ác để đạt được một sự thiện (x. Rm 3,8), nghĩa là tùy ý làm một việc tự bản tính là xấu hoặc một việc bất xứng với nhân cách, dù với mục đích bảo vệ hay tạo ra điều tốt cho cá nhân, gia đình hay xã hội”.[16]

Trong Tông huấn Amoris laetitia, số 68, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trích dẫn Thông điệp này để làm nổi bật vai trò của lương tâm trong việc điều hòa sinh sản như một hành vi có trách nhiệm: “Tình yêu hôn nhân đòi hỏi đôi vợ chồng ý thức đúng đắn về sứ mạng làm cha mẹ có trách nhiệm của mình, điều mà ngày nay người ta có lý để nhấn mạnh rất nhiều, nhưng cũng là điều cần phải được hiểu đúng… Cho nên việc làm cha mẹ có trách nhiệm đòi vợ chồng nhận biết các bổn phận của mình đối với Thiên Chúa, với chính mình, với gia đình mình và xã hội, phù hợp với một nấc thang giá trị đúng đắn”.[17]

2. Áp dụng vào những trường hợp đặc thù

Trên nguyên tắc, ngừa thai nhân tạo không bao giờ là điều tốt, vì nó luôn là một sự xáo trộn. Vợ chồng sẽ phạm tội khi không có thiện chí hay không chịu cố gắng tuân theo giáo huấn của Giáo Hội, mà cố tình sử dụng những phương pháp ngừa thai nhân tạo khi có thể áp dụng các phương pháp tránh thai tự nhiên. Thực ra, Thông điệp Humanae vitae và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo chỉ xác định ngừa thai nhân tạo là điều “chúng ta không có quyền chấp nhận” hay “bào chữa”,[18] là “điều xấu tự bản chất”, nhưng không nói rõ tội ấy là nặng hay nhẹ. Chính Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng công nhận rằng “nếu không có ơn Chúa nâng đỡ, thêm sức mạnh cho, con người sẽ không sao tuân hành được”.[19] Đó cũng là một lý do khiến cho tội ấy trở nên nhẹ hay không bị qui trách trong một số trường hợp và do đó vai trò của lương tâm cũng được gián tiếp nhắc đến.

Nhiều người đã có thiện chí áp dụng các phương pháp tránh thai tự nhiên theo giáo huấn của Giáo Hội nhưng không đạt kết quả, khiến họ buộc lòng phải áp dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo trong một số trường hợp nào đó mà họ cảm thấy vô phương tránh khỏi, để vừa bảo vệ hạnh phúc vợ chồng, vừa bảo đảm sự ổn định của gia đình. Các nhà luân lý đồng ý rằng khi hành động như thế không có nghĩa là họ được phép lấy mục đích biện minh cho phương tiện, và việc họ làm mặc dù không được phép theo luật, nhưng có thể họ không bị qui trách. Trong những hoàn cảnh khó khăn như thế, mỗi người hãy tự xét cách chân thành trước mặt Thiên Chúa theo sự soi sáng của lương tâm và đừng bao giờ nghĩ rằng mình đã tách lìa khỏi tình yêu Thiên Chúa.

Cũng vậy, khi có lý do nghiêm trọng, chẳng hạn như để chồng khỏi đi ngoại tình, để tránh những cuộc cãi vã kinh khủng, để hôn nhân không bị phá hủy, người phối ngẫu vô tội có thể đồng lõa cách chất thể, miễn là xét theo lương tâm họ không đồng ý chút nào về cách hành động như thế và sau khi đã làm mọi cách để khiến cho người kia đừng làm như thế, nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, nếu thấy rằng việc cương quyết từ chối không gây ra một nguy hiểm nào nhưng có thể khiến cho người kia khỏi phạm tội, thì phải từ chối. Trong trường hợp này ngay cả sự đồng lõa chất thể cũng bị nghiêm cấm.

Cuối cùng, vì việc sinh sản có kế hoạch thuộc về lương tâm của các đôi vợ chồng, nên nhà nước không có quyền cưỡng bức: “Đã đành là với lương tâm ngay thẳng của mình, các cặp vợ chồng, vốn rất quảng đại trong việc truyền sinh, nên có thể hướng họ đến quyết định hạn chế số con vì những lý do đủ hệ trọng, mà luôn luôn vì lòng yêu mến phẩm giá lương tâm này, Hội Thánh hết sức phản bác những can thiệp có tính áp đặt của nhà nước buộc người ta phải ngừa thai, triệt sản hoặc ngay cả phải phá thai”.[20]

III. VAI TRÒ CỦA LƯƠNG TÂM TRONG TRƯỜNG HỢP LY DỊ TÁI HÔN

Nhiều người nghĩ rằng trong Tông huấn Amoris laetitia Đức Giáo Hoàng Phanxicô đổi mới giáo huấn, đường hướng mục vụ và kỷ luật của Giáo Hội đối với những người ly dị tái hôn. Tuy nhiên, chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác nhận trong Tông huấn này rằng: “Không nên mong đợi từ Thượng Hội đồng hoặc từ Tông huấn này một khoản luật chung mới về Giáo luật có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp. Ở đây chỉ có thể là một sự khích lệ mới, cổ võ một sự phân định cá nhân và mục vụ, với tinh thần trách nhiệm, đối với các trường hợp đặc biệt, trong đó ta phải nhìn nhận rằng vì mức độ trách nhiệm không như nhau trong mọi trường hợp, nên các hệ quả hoặc các hiệu quả của một luật lệ không nhất thiết phải luôn giống nhau”.[21]

Chúng ta hãy thử lược qua giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về vấn đề này, rồi đem giáo huấn của Tông huấn Amoris laetitia đối chiếu từng điểm một với giáo huấn truyền thống ấy để biết được lập trường của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

1. Về việc rước lễ của người ly dị tái hôn

Vấn đề rước lễ của những người ly dị tái hôn đã được đề cập đến ngay từ những thời kỳ đầu của lịch sử Giáo Hội qua giáo lý và Giáo luật. Đây vừa là vấn đề của lương tâm người tín hữu, vừa là vấn đề thuộc kỷ luật và mục vụ của Giáo Hội. Ngay từ những thế kỷ đầu, các giáo phụ và các công đồng đều nhất trí về việc những người ly dị tái hôn không thể rước lễ, vì thấy rằng điều đó không phù hợp với giáo huấn của Đức Kitô. Chỉ có điều, kỷ luật của Giáo Hội có lúc không được áp dụng cách nghiêm nhặt và được coi như một giải pháp mục vụ cho những trường hợp tranh tối tranh sáng rất hiếm hoi.

Đứng trước tình trạng ly dị tái hôn ngày càng gia tăng của thời đại ngày nay, trong Tông huấn Familiaris consortio ban hành ngày 22 tháng 11 năm 1981, số 84, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra một giáo huấn làm nền tảng cho đường hướng mục vụ của Giáo Hội đối với những người ly dị tái hôn. Trước hết ngài nhận định rằng đây là một đại họa ngày càng lan rộng, nên cần phải cấp bách đương đầu với tất cả sự quan tâm.

Ngài đòi hỏi các chủ chăn cần phải phân biệt rõ ràng các hoàn cảnh khác nhau. “Thật thế, những người đã thành tâm cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân thứ nhất nhưng đã bị ruồng bỏ một cách bất công, thì khác hẳn với những người vì sai lỗi trầm trọng đã phá hủy cuộc hôn nhân thành sự theo Giáo luật. Hơn nữa, cũng có trường hợp những người đã lấy một người khác để giáo dục con cái và đôi khi trong lòng cứ chủ quan tin chắc rằng cuộc hôn nhân trước, mà bây giờ đã bị phá hủy không sao cứu vãn được, lâu nay vẫn không hề thành sự”.

Đồng thời ngài mời gọi các chủ chăn cùng với cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ những người ly dị tái hôn để họ không cảm thấy mình bị lìa xa Giáo Hội, bằng cách mời họ lắng nghe Lời Chúa, tham dự hy tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các hoạt động công bình bác ái của Giáo Hội, giáo dục con cái trong đức tin Kitô giáo, vun trồng tinh thần đền tội để nài xin ơn thánh của Thiên Chúa. Toàn thể Giáo Hội hãy cầu nguyện cho họ, khích lệ họ và tỏ ra là một người mẹ nhân từ đối với họ, nhờ đó giữ họ trong đức tin và đức cậy.

“Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn xác nhận kỷ luật của mình vốn được xây dựng trên Thánh Kinh, theo đó Giáo Hội không thể chấp nhận cho những người ly dị tái hôn được hiệp thông Thánh Thể. Họ đã tự làm cho mình mất đi khả năng dự phần vào đó vì tình trạng của họ và vì điều kiện sống của họ mâu thuẫn cách khách quan với sự hiệp thông yêu thương giữa Đức Kitô và Giáo Hội, như nó vẫn được diễn tả và hiện tại hóa qua bí tích Thánh Thể. Ngoài ra, còn một lý do mục vụ đặc thù khác là nếu chấp nhận cho họ được rước lễ sẽ khiến cho các tín hữu hiểu sai giáo lý về sự bất khả phân ly của hôn nhân”.

Như vậy, theo giáo huấn của Tông huấn Familiaris consortio, những người ly dị tái hôn không được rước lễ. Tuy nhiên trong Bộ Giáo Luật mới, được ban hành 2 năm sau đó, tức năm 1983, “không thấy có khoản luật riêng biệt nào minh nhiên cấm như thế cả”, chỉ có 2 khoản luật chung về những trường hợp bị cấm rước lễ:

– Điều 915: “Những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường, không được rước lễ”.

– Điều 916: “Người nào ý thức mình đang mắc tội trọng thì không được cử hành thánh lễ và cũng không được rước Mình Máu Chúa…”.

Giáo luật không có khoản nào phạt những người ly dị tái hôn bị vạ tuyệt thông hay cấm chế. Tông huấn Familiaris consortio không cho phép những người ly dị tái hôn được rước lễ cũng không dựa trên hai khoản Giáo luật này, vì nó được ban hành trước Bộ Giáo Luật hai năm. Như thế, việc những người ly dị tái hôn không thể rước lễ phát xuất từ một lý do nội tại dựa trên giáo lý truyền thống về bí tích Thánh Thể, từ tình trạng sống khách quan của họ khiến họ mất đi khả năng lãnh nhận bí tích, chứ không phải một qui định mang tính trừng phạt theo Giáo luật hay phân biệt đối xử. Có lẽ vì đây là một điều rõ ràng trong giáo lý, nên Giáo luật chỉ nhắc lại cách chung trong hai khoản luật trên, mà không cần phải đưa ra một điều khoản riêng biệt nào nữa. Như vậy, đây chủ yếu là vấn đề của lương tâm dựa trên thiên luật, thứ đến mới là vấn đề của Giáo luật.

Trung thành với giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, như được minh định trong Tông huấn Familiaris consortio và Bộ Giáo Luật 1983, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố năm 1992, đã dạy: “Nhiều người Công Giáo, ở một số nơi, đã ly dị và tái hôn theo luật đời. Giáo Hội, vì trung thành với lời của Chúa Giêsu Kitô (“Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác thì cũng phạm tội ngoại tình”: Mc 10,11-12), nên không thể công nhận việc tái hôn như vậy là thành sự. Nếu những người đã ly dị tái hôn theo luật đời, thì họ ở trong tình trạng vi phạm luật Thiên Chúa một cách khách quan. Kể từ lúc đó, họ không được rước lễ, bao lâu còn sống trong tình trạng này…”.[22]

Ngày 24 tháng 06 năm 2000, Ủy Ban Giáo Hoàng Về Giải Thích Pháp Luật đã đưa ra Công bố về việc cho những người ly dị tái hôn rước lễ. Bản công bố này dựa trên Tông huấn Familiaris consortio, số 84, Bộ Giáo luật, điều 915, và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1650, đã đưa ra phán quyết gồm 5 điểm như sau:

– 1. “Sự nghiêm cấm mà điều luật này đưa ra tự bản chất phát xuất từ thiên luật và vượt lên trên văn mạch của những luật chế định thuộc thẩm quyền của Hội Thánh: những luật này không thể đưa ra những thay đổi về mặt pháp chế chống lại giáo lý của Hội Thánh. Bản văn Kinh Thánh mà truyền thống Giáo Hội không ngừng qui chiếu về là bản văn của thánh Phaolô: ‘Vì thế, bất cứ ai ăn bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình rồi hãy ăn bánh và uống chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình’ (1Cr 11,27-29). Bản văn này trước tiên nhằm đến chính người tín hữu và lương tâm luân lý của họ và cũng từ đó mà khoản luật 916 được thành hình… Việc lãnh nhận Mình Thánh Chúa của những người ly dị tái hôn là một gương xấu, có thể được hiểu như là hành vi thúc đẩy kẻ khác làm điều xấu, vừa có liên quan đến bí tích Mình Thánh Chúa và sự bất khả phân ly của hôn nhân. Gương xấu này vẫn hiện diện, cho dù rất đáng tiếc là một hành vi như thế không còn làm ai ngạc nhiên nữa; trái lại, chính vì đối diện với tình trạng lương tâm dày vò mà các mục tử cần phải kiên nhẫn và cứng rắn để bảo vệ sự thánh thiện của bí tích, để bênh vực nền luân lý Kitô giáo và để đào tạo những tín hữu ngay thẳng”.

– 2. “Tất cả mọi giải thích điều 915 đi ngược lại với nội dung chính yếu của nó, đã được quyền giáo huấn và luật pháp của Hội Thánh không ngừng công bố qua nhiều thế kỷ, rõ ràng là đã sai lệch. Người ta không thể lẫn lộn sự tôn trọng từ ngữ của Giáo luật (x. điều 17) với việc sử dụng sai lạc các từ ngữ này như phương tiện để tương đối hóa hoặc làm cho các huấn lệnh không còn ý nghĩa nữa. Câu ‘những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường’ thật là rõ ràng và cần phải được hiểu trong một ngữ cảnh không làm sai lệch ý nghĩa của nó, làm cho khoản luật không thể áp dụng được. Cần phải có ba điều kiện sau đây:

+ a) “Tội trọng: được hiểu cách khách quan, bởi vì chủ tế cho rước lễ không thể phán quyết để buộc tội cách chủ quan được”.

+ b) “Sự cố chấp: phải được hiểu là ở trong tình trạng tội cách khách quan, kéo dài trong thời gian, mà người tín hữu không muốn chấm dứt, đồng thời không cần phải đòi hỏi những điều kiện khác (như thái độ thách thức, sự cảnh cáo trước,v.v…) để cho hoàn cảnh trở nên thực sự là nghiêm trọng theo quan điểm Giáo Hội”.

+ c) “Tính cách công khai của tội nặng được hiểu trong tình trạng thường xuyên…”.

– 3. “Thông thường, sự khôn ngoan mục vụ tha thiết khuyên các vị chủ chăn nên tránh tình trạng dẫn đến việc từ chối cho rước lễ cách công khai. Các mục tử phải cố gắng giải thích cho các tín hữu liên hệ biết rõ ý nghĩa đích thực của khoản luật này trong Hội Thánh, để họ hiểu được hoặc ít ra là tôn trọng. Tuy nhiên, khi xảy ra những hoàn cảnh mà sự phòng ngừa này không mang lại kết quả hoặc không thể đề phòng trước được, chủ tế trao Mình Thánh Chúa phải từ chối cho những ai công khai bất xứng. Chủ tế sẽ làm việc này với lòng bác ái cao cả và sẽ tìm cơ hội thuận tiện để giải thích lý do tại sao ngài bị buộc làm như vậy…”.

– 4. “Dựa trên bản tính của điều luật nói trên (x. số 1), không một quyền bính nào của Hội Thánh có thể chuẩn chước, trong bất cứ trường hợp nào, cho vị chủ tế trao ban Thánh Thể khỏi sự bó buộc này, cũng không thể đưa ra những chỉ thị trái ngược với khoản luật này”.

– 5. “Hội Thánh tái khẳng định sự quan tâm từ mẫu đối với các tín hữu đang sống trong hoàn cảnh này hoặc trong những hoàn cảnh tương tự, không cho phép họ được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể… Trái lại, bổn phận tái khẳng định sự không thể cho phép rước lễ là một điều kiện tất yếu của mục vụ đích thực, là quan tâm thực sự đến lợi ích của các tín hữu này và của toàn thể Hội Thánh. Bởi vì đó là những điều kiện cần thiết dẫn đến sự hoán cải trọn vẹn…”.

Bản công bố trên đây cũng đã đưa ra một câu trả lời rất rõ ràng cho những người cho rằng đây không phải là vạ cấm chế dành cho Tòa Thánh, nên Đấng Bản Quyền Giáo phận có thể ban phép cho những người ly dị tái hôn được rước lễ trong một số trường hợp nào đó. Thực ra, như chúng ta đã nói trên đây, trong Giáo luật không có một vạ cấm chế nào đối với việc rước lễ của những người ly dị tái hôn, cho nên cũng không thể nói đến vạ không dành cho Tòa Thánh ở đây. Việc những người ly dị tái hôn không được rước lễ mà hai khoản luật 915 và 916 đề cập đến là việc thuộc về thiên luật vượt trên những luật chế định thuộc thẩm quyền của Hội Thánh và do đó không một quyền bính nào của Hội Thánh có thể chuẩn chước, trong bất cứ trường hợp nào, như bản công bố đã khẳng định ở điểm 1 và điểm 4.

Trong Tông huấn Sacramentum caritatis, ban hành ngày 22 tháng 2 năm 2007, số 29, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tái xác nhận rằng: “Thượng Hội Đồng Giám Mục xác định việc thực hành của Giáo Hội, dựa trên Kinh Thánh (Mc 10,2- 12), không chấp nhận cho những người li dị và tái hôn đón nhận các bí tích, bởi vì tình trạng và điều kiện đời sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, được biểu thị và tái hiện trong bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, những người li dị và tái hôn vẫn thuộc về Giáo Hội, Giáo Hội luôn đồng hành với họ trong sự quan tâm đặc biệt và khuyến khích họ hết sức sống đời sống Kitô hữu bằng việc thường xuyên tham dự thánh lễ, mặc dù không được rước lễ, lắng nghe Lời Chúa, chầu Thánh Thể, cầu nguyện, tham gia vào đời sống cộng đồng, đối thoại tin tưởng với một linh mục hay một vị linh hướng, nhiệt thành với việc bác ái và thực hành việc thống hối, dấn thân vào việc giáo dục con cái của họ…”.

Trước khi Tông huấn Amoris laetitia được ban hành, nhiều người nghĩ rằng trong Tông huấn này Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cho phép những người ly dị tái hôn được rước lễ trong một số trường hợp, mà không buộc họ phải từ bỏ mối dây hôn nhân bất hợp pháp, hoàn toàn tiết dục và sống với nhau như anh em, như giáo huấn truyền thống đã qui định. Khi đọc Tông huấn, chúng ta không thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến việc những người ly dị tái hôn không được rước lễ, tuy nhiên điều này không cho phép chúng ta suy diễn rằng ngài cho phép như người ta nghĩ. Bởi lẽ nếu Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ý định hủy bỏ kỷ luật có gốc rễ sâu xa và quan trọng đến thế, thì chắc hẳn ngài đã nói lên một cách rõ ràng và đưa ra các lý do biện hộ cho nó rồi. Thế nhưng trong Tông huấn không có chỗ nào đề cập đến điều ấy cả.[23]

Tuy nhiên, việc những người ly dị tái hôn không được rước lễ chỉ là một biện pháp chứ không phải là một giải pháp. Có lẽ Đức Thánh Cha không muốn dừng lại ở biện pháp, nhưng cố gắng tìm kiếm những giải pháp. Vì thế, Tông huấn dạy rằng: “Một mục tử không thể cảm thấy hài lòng chỉ bằng cách áp dụng cho những người sống trong những hoàn cảnh “bất qui tắc” các luật luân lý, như những viên đá ném vào cuộc sống của con người”.[24]

2. Về giải pháp “tòa trong”

Thường hôn nhân thứ hai bất hợp pháp của những người ly dị tái hôn kéo dài lâu hơn hôn nhân thứ nhất và có con cái phải chăm sóc. Đối với nhiều tín hữu, việc không được rước lễ là nỗi đau của họ, điều này khiến một số Giám mục và thần học gia đề nghị giải pháp “tòa trong” hoặc “lương tâm tốt” cho một số trường hợp đặc biệt của các các cặp vợ chồng ly dị tái hôn, như được nói đến trong Thư của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin gửi các Giám mục của Giáo Hội Công Giáo về việc rước lễ của những tín hữu ly dị tái hôn, ngày 14 tháng 9 năm 1994.[25]

Trước hết, việc giải quyết vấn đề rước lễ của người ly dị tái hôn có thể được áp dụng theo “tòa trong”, với thực hành đã có trong truyền thống Giáo Hội, cho trường hợp thứ nhất được nói đến trong Tông huấn Familiaris consortio, số 84: “Việc giao hòa bằng bí tích Thống Hối, là bí tích mở đường cho bí tích Thánh Thể, chỉ có thể được ban cho những người biết hối cải vì đã phạm đến dấu hiệu của giao ước và của sự trung thành với Đức Kitô, và thành thật sẵn lòng chấp nhận một hình thức sống không mâu thuẫn với sự bất khả phân ly của hôn nhân. Nói như thế là mặc nhiên cho rằng khi có những lý do hệ trọng, chẳng hạn để làm gương và giáo dục con cái, người nam và người nữ không thể lìa xa nhau như luật buộc, thì họ có thể quyết tâm sống hoàn toàn tiết dục, nghĩa là tránh hẳn những hành vi dành riêng cho vợ chồng”.

Giải pháp tòa trong chỉ có thể áp dụng cho những trường hợp được nêu lên trong Tông huấn Familiaris consortio trên đây, chứ không phải cho những người ly dị tái hôn không ý thức tình trạng tội lỗi của mình do một lương tâm sai lệch hay quá rộng rãi. Vì thế Thư của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 14 tháng 9 năm 1994, số 6, đã minh xác: “Người tín hữu nào thường xuyên sống “như vợ chồng” với một người không phải vợ hay chồng chính thức của mình thì không thể rước lễ. Nếu người ấy nghĩ rằng mình có thể rước lễ, thì vì tính trầm trọng của vấn đề cũng như những đòi hỏi của thiện ích thiêng liêng của con người, các vị mục tử và các cha giải tội có bổn phận nặng nề là phải cho người ấy biết rằng một phán đoán lương tâm như thế rõ ràng trái nghịch với giáo lý của Giáo Hội. Các vị ấy cũng phải nhắc lại giáo lý ấy khi giảng dạy cho tất cả các tìn hữu được giao phó cho các vị”.

Như chúng ta đã nói ở trên, mỗi người được quyền không bị cấm cản hành động theo lương tâm mình; tuy nhiên quyền này có thể bị hạn chế khi va chạm với quyền lợi hay thiện ích của kẻ khác. Khi những người ly dị tái hôn nhân danh tự do lương tâm để lên rước lễ trong tình trạng sống bất hợp pháp như thế, họ đã làm tổn thương đến thiện ích thiêng liêng của Giáo Hội là sự hiệp thông được diễn tả qua bí tích Thánh Thể và giáo lý thánh thiện của Giáo Hội, vì họ khiến người ta nghĩ rằng Giáo Hội mặc nhiên phủ nhận tính bất khả phân ly của hôn nhân, hay “nghĩ rằng Giáo Hội ủng hộ một nền luân lý hai mặt”.[26]

Những tín hữu ly dị tái hôn, vì nhiều lý do nghiêm trọng, chẳng hạn như để giáo dục con cái, không thể xa lìa nhau như luật buộc nhưng quyết tâm sống hoàn toàn tiết dục, tránh hẳn những hành vi vợ chồng, và dựa trên quyết tâm đó họ được coi như không ở trong tình trạng tội nặng thường xuyên và ngoan cố, nên có thể xưng tội chịu lễ. Tuy nhiên, việc họ quyết tâm không sống như vợ chồng là việc tòa trong không ai biết, chỉ có cha giải tội biết, trong khi đó tình trạng hôn nhân bất hợp pháp của họ là chuyện bên ngoài ai cũng biết, nên việc xưng tội rước lễ cách công khai của họ có thể gây ra hiểu lầm và gương xấu ở một mức độ nào đó.[27] Do đó họ chỉ có thể xưng tội rước lễ tại những nơi không ai biết họ, để khỏi gây ra hiểu lầm và gương xấu.[28]

Trong Tông huấn Sacramentum caritatis, số 29, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI còn nói đến giải pháp tòa trong cho một trường hợp thứ hai: đó là trường hợp những người tái hôn tin chắc theo lương tâm rằng hôn nhân trước của mình không đủ yếu tố thành sự. Nếu họ muốn được xưng tội rước lễ thì phải được tòa án hôn phối có năng quyền cứu xét và tuyên bố hôn nhân trước của họ vô hiệu. Đó là cách giải quyết cần thiết thuộc tòa ngoài, bởi lẽ hôn nhân không phải chỉ là mối liên hệ riêng tư giữa hai người với nhau và với Thiên Chúa, mà còn mang tính Giáo Hội, vì là một bí tích được cử hành trước sự chứng kiến của vị đại diện Giáo Hội, do đó các cá nhân liên hệ không có quyền phán quyết về tính thành sự của nó, vì quyền ấy thuộc về Giáo Hội. Nếu việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu không thể thực hiện được, không phải vì không có lý do đủ mạnh, nhưng vì thiếu nhân chứng, thì theo tập tục đã có và đã được chấp thuận trong Giáo Hội, họ có thể được hưởng giải pháp tòa trong với điều kiện họ phải sống như bạn bè hay anh em và tuân thủ những qui định thực hành như trong trường hợp thứ nhất.

Đối với cả hai trường hợp trên, nếu hai người đã sống cách biệt thì có thể kể như họ đã tách lìa nhau như luật buộc và có thể xưng tội rước lễ bình thường; nếu hai người vẫn còn sống chung với nhau, nhưng sự tiết dục của họ đã được bày tỏ cách rõ ràng, chẳng hạn họ đã quá già hoặc bệnh tật không còn khả năng sinh hoạt vợ chồng, và họ sống với nhau như anh em, thì sự việc có thể giải quyết ở tòa ngoài để tránh gây gương xấu vì sự hiểu lầm của mọi người và hai người có thể xưng tội rước lễ bình thường.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô không đưa ra một quyết định mới nào cho giải pháp tòa trong này, ngài chỉ nhắc đến hai trường hợp trên đây: “Những người đã ký kết một kết ước thứ hai nhằm mục đích nuôi dạy con cái, và đôi khi trong lương tâm họ chủ quan tin rằng cuộc hôn nhân trước đây của họ đã đổ vỡ vô phương cứu vãn, chưa bao giờ thành sự”.[29] Khi nói “người ta không thể nói rằng tất cả những người đang ở trong một hoàn cảnh gọi là trái qui tắc là đang sống trong tình trạng tội trọng, mất ơn thánh hóa”,[30] chắc chắn Đức Thánh Cha trước hết muốn ám chỉ đến trường hợp những người ly dị tái hôn có thể xưng tội chịu lễ theo giải pháp tòa trong nói trên. Đối với những trường hợp bất qui tắc và giảm khinh khác được nói đến trong các số từ 296 đến 303 của Tông huấn, cũng không thấy Đức Thánh Cha nói gì đến giải pháp tòa trong, nhưng ngài chỉ nói rằng họ vẫn có thể không hoàn toàn bị kết tội, hoặc được Chúa tha thứ và hưởng ơn thánh hóa ở một mức độ và theo một cách nào đó.[31]

Như vậy, điều có thể được coi là mới của Tông huấn đối với những người ly dị tái hôn là lời kêu gọi đổi mới trong việc biện phân các trường hợp đặc thù một cách có trách nhiệm, để có thể đánh giá mức độ trách nhiệm của họ trong từng trường hợp. Lời kêu gọi biện phận ấy trước hết được gửi đến chính những người ly dị tái hôn để mời gọi họ đối diện với chính lương tâm của mình.

Vì thế, Đức Thánh Cha viết tiếp: “Trong tiến trình này sẽ rất hữu ích nếu ta thực hiện một cuộc xét mình qua những lúc hồi tâm và thống hối. Những người ly dị tái hôn nên tự hỏi xem mình đã sống thế nào đối với con cái khi mối kết hợp vợ chồng đi vào khủng hoảng; mình đã có những nỗ lực hòa giải hay không; xem người phối ngẫu bị bỏ rơi đang sống thế nào; mối quan hệ mới có những hậu quả gì trên những người khác trong gia đình và cộng đoàn tín hữu; xét xem mẫu gương nào mình đang cống hiến cho các bạn trẻ đang chuẩn bị hôn nhân. Một sự hồi tâm chân thành có thể củng cố niềm tín vào lòng thương xót của Thiên Chúa vốn không từ chối bất cứ ai”.[32]

3. Về việc xưng tội của những người ly dị tái hôn

Cũng liên quan đến lương tâm và tòa trong, một câu hỏi khác đã được đặt ra là: những người ly dị tái hôn không được phép rước lễ, nhưng họ có được phép xưng tội không?

Có ý kiến cho rằng những người ly dị tái hôn không được phép rước lễ vì cuộc sống của họ mâu thuẫn với mầu nhiệm hiệp thông của bí tích Thánh Thể, nhưng không thấy khoản Giáo luật nào cấm họ xưng tội, và hai khoản luật chung 915 và 916 cũng chỉ đề cập đến việc cấm rước lễ đối với những người phạm tội nặng mà chưa xưng thú. Hơn nữa, trong Tông huấn Familiaris consortio, số 84, có câu: “Việc giao hòa bằng bí tích Thống Hối, là bí tích mở đường cho bí tích Thánh Thể, chỉ có thể được ban cho những người biết hối cải…”; có người cho rằng câu này có thể được hiểu là việc xưng tội được gắn liền với việc rước lễ. Vậy trong trường hợp việc xưng tội không gắn liền với việc rước lễ thì có được phép không? Nói cách khác, những người ly dị tái hôn chấp nhận không được rước lễ, nhưng nếu họ muốn xưng tội thì có được phép không?

Câu trả lời có thể được tìm thấy trong giáo lý và Giáo luật. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã dạy: “Nếu những người đã ly dị tái hôn theo luật đời, thì họ ở trong tình trạng vi phạm luật Thiên Chúa một cách khách quan. Kể từ lúc đó, họ không được rước lễ, bao lâu còn sống trong tình trạng này… Sự giao hòa qua bí tích Thống Hối chỉ có thể được ban cho những ai thống hối vì mình đã vi phạm dấu chỉ của giao ước và của sự trung thành với Đức Kitô và tự buộc mình sống tiết dục trọn vẹn”.[33]

Trong đoạn này chúng ta không thấy có sự gắn liền bí tích Thống Hối với bí tích Thánh Thể, nhưng việc xưng tội vẫn bị cấm đối với những người ly dị tái hôn bao lâu họ chưa thực sự thống hối và quyết tâm từ bỏ tình trạng tội lỗi của mình. Giáo luật cũng có những qui định và những chỉ dẫn rõ ràng về vấn đề này.

a/. Về phía hối nhân

– Giáo luật điều 959 đã qui định: “Trong bí tích Sám Hối, các tín hữu nào thú tội mình với một thừa tác viên hợp pháp, ăn năn về những tội ấy và quyết tâm sửa mình, thì nhờ việc xá giải do chính thừa tác viên ấy ban, họ được Thiên Chúa tha thứ các tội đã phạm sau khi chịu phép rửa tội, và đồng thời được hòa giải với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội”.

– Điều 1347 §2: “Phải kể như là phạm nhân đã hết ngoan cố, khi phạm nhân thật lòng hối hận về tội phạm của mình, và hơn nữa đã sửa chữa các thiệt hại và gương xấu cách xứng hợp, hay ít là đã nghiêm chỉnh hứa làm điều ấy”.

Xưng tội là để được tha tội, nhưng bí tích Giải Tội không phải là một thứ phù phép, trái lại nó đòi buộc người xưng tội phải ăn năn sám hối và quyết tâm sửa mình thì mới được tha. Nếu người ly dị tái hôn đi xưng tội nhưng vẫn tiếp tục sống trong tình trạng tội lỗi và bất hợp pháp, tức là vẫn còn ngoan cố, chưa có lòng sám hối chân thành, chưa có quyết tâm sửa lỗi và gương xấu. Như vậy, chẳng những họ không được tha tội mà còn mắc tội phạm sự thánh vì làm hư bí tích Thống Hối.

Có ý kiến cho rằng mặc dù người ấy chưa có quyết tâm từ bỏ tội ngoại tình công khai trong cuộc sống tái hôn, nhưng nếu họ phạm những tội nặng khác như phá thai, trộm cắp, giết người,v.v… họ không thể đi xưng tội để được tha những tội ấy sao?

Về vấn đề này, Giáo luật điều 988, § 1, đã dạy: “Sau khi đã xét mình kỹ lưỡng và ý thức được tội của mình, người Kitô hữu buộc phải xưng các loại tội trọng và số tội trọng đã phạm sau khi lãnh nhận bí tích rửa tội mà chưa được quyền tháo gỡ của Giáo Hội tha trực tiếp và họ chưa xưng trong lần xưng tội riêng”. Khoản luật này chỉ là nhắc lại giáo lý truyền thống bất biến của Giáo Hội mà thôi. Nếu hối nhân chỉ sám hối và xưng một số tội trọng, mà đồng thời không sám hối và xưng thú các tội trong khác, thì cũng làm hư bí tích Giải Tội và mắc tội phạm sự thánh. Làm sao một người ly dị tái hôn có thể được tha các tội trọng khác trong khi không sám hối, xưng thú và quyết tâm từ bỏ tình trạng ngoại tình của mình?

b/. Về phía thừa tác viên bí tích Giải Tội

– Giáo luật điều 843 § 1 đã dạy: “Các thừa tác viên có chức thánh không thể từ chối ban các bí tích cho những người xin lãnh nhận các bí tích cách thích đáng, đã được chuẩn bị đầy đủ và không bị luật cấm lãnh nhận các bí tích”.

– Điều 980: “Nếu cha giải tội không hồ nghi về sự chuẩn bị của hối nhân, và nếu hối nhân xin xưng tội, thì ngài không được từ chối và cũng không được hoãn ban ơn xá giải”.

Như thế, thừa tác viên không được từ chối ban bí tích Giải Tội cho những hối nhân đến xin xưng tội khi biết họ đã chuẩn bị đầy đủ và không bị vạ cấm chế. Nhưng đối với những người dù không bị cấm chế, nhưng thừa tác viên có lý để nghi ngờ sự chuẩn bị đầy đủ của họ thì sao? Dĩ nhiên trong trường hợp đó thừa tác viên cũng không thể ban bí tích Giải Tội cho họ. Thế nhưng, thế nào là chuẩn bị đầy đủ? Việc chuẩn bị đầy đủ không chỉ có nghĩa là biết cách xưng tội, đã xét mình kỹ lưỡng, mà quan trọng nhất là đã có lòng sám hối và quyết tâm chừa cải, như Giáo luật điều 987 đã minh định: “Để hưởng nhờ phương dược cứu độ của bí tích sám hối, người Kitô hữu phải được chuẩn bị thế nào để trở về với Thiên Chúa bằng cách từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình”. Như vậy làm sao một người ly dị tái hôn có thể được coi là đã chuẩn bị đầy đủ để lãnh ơn tha tội, khi họ chưa dứt khoát từ bỏ tình trạng tội lỗi của mình?

Dù không thể lãnh nhận bí tích Giải Tội để được tha thứ, nhưng những người này vẫn được Thiên Chúa và Giáo Hội dự liệu những phương thế khác ngoài bí tích, đó là việc ăn năn tội cách trọn và sẵn sàng chấp nhận mọi phương dược Chúa gửi đến để chữa lành linh hồn, như đau khổ, bệnh tật và mọi thứ thánh giá khác, với lòng tin cậy phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Trong Tông huấn, Đức Thánh Cha không đề cập gì đến việc xưng tội của những người ly dị tái hôn, ngài chỉ mời gọi thực hiện một tiến trình biện phân và “trong tiến trình này sẽ rất hữu ích nếu ta thực hiện một cuộc xét mình, qua những lúc hồi tâm và sám hối”.[34]

Ngoài ra, dựa vào giáo huấn Thánh Kinh, ngài cũng đề nghị thực thi đức ái như là một phương thế để được ơn tha thứ của Thiên Chúa: “Chúng ta đừng quên lời hứa của Thánh Kinh: ‘Trước hết anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi’ (1Pr 4,8); ‘hãy đoái công chuộc tội bằng cách làm việc nghĩa, là tỏ lòng từ bi đối với người nghèo’ (Đn 4,24); ‘nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi’ (Hc 3,30)”.[35]

 

 

 

 

 


[1] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1782.

[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 304.

[3] Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (Nhân phẩm), số 3.

[4] Xc. Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (Nhân phẩm), số 11; Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), số 41.

[5] Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các số 1783, 1790-1793, 1800-1801.

[6] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 303.

[7] Ibid., số 279.

[8] Ibid., số 265.

[9] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio (Gia Đình Kitô Hữu), Ngày 22-11-1981, số 34.

[10] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 295.

[11] Ibid., số 302.

[12] Xc. Ibid., số 42.

[13] Ibid., số 37.

[14] Ibid., số 222.

[15] Xc. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2370.

[16] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Humanae vitae (Sự sống con người), Ngày 25-07-1968, số 14.

[17] Ibid., số 10.

[18] Ibid., số 14; Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2370.

[19] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Humanae vitae (Sự sống con người), Ngày 25-07-1968, số 20.

[20] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 42.

[21] Ibid., số 300.

[22] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1650.

[23] Theo LifeSiteNews ngày 9 tháng 5 năm 2016, trong cuộc ra mắt Tông huấn Amoris laetitia, Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte, thư ký đặc biệt do chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên tiếp đề cử trong hai Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới vừa qua, đã tiết lộ: tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với với ngài rằng: “Nếu ta nói một cách minh nhiên đến việc rước lễ của những người ly dị tái hôn, Đức Cha không biết ta sẽ gây ra sự rắc rối kinh khủng nào đâu. Nên, ta đừng nói tới nó một cách thẳng thừng, hãy nói đến nó một cách cho thấy các tiền đề có sẵn đó rồi, ta chỉ cần rút ra các kết luận mà thôi”.

[24] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 305.

[25] Trong Thư của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin gửi các Giám mục của Giáo Hội Công Giáo về việc rước lễ của những tín hữu ly dị tái hôn do Đức Hồng Y J. Ratzinger, Tổng trưởng Thánh Bộ đã ký, và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II châu phê ngày 14 tháng 9 năm 1994, số 3, có viết: “Trong những năm gần đây, ở nhiều vùng, các giải pháp mục vụ trong lĩnh vực này đã được đề xuất, theo đó, chắc chắn việc chấp nhận chung cho những người ly dị tái hôn được rước lễ là không thể được, nhưng họ có thể đến với bí tích Thánh Thể trong các trường hợp đặc biệt, khi họ tự thấy có thể làm như vậy theo phán quyết của lương tâm. Đây là trường hợp khi họ đã bị bỏ rơi cách hoàn toàn bất công, mặc dù họ đã chân thành cố gắng để cứu vãn cuộc hôn nhân trước, hoặc khi họ xác quyết hôn nhân trước đây của họ là không thành sự, mặc dù không thể chứng minh nó ở tòa ngoài, hoặc khi họ đã trải qua một thời gian dài suy tư và sám hối, hoặc cũng có khi vì những lý do chính đáng về luân lý họ không thể đáp ứng thỏa đáng việc bắt buộc phải sống cách biệt. Ở một số nơi, có những đề xuất để khách quan kiểm xét tình huống thực tế của họ, người ly dị tái hôn phải trao đổi ý kiến với một linh mục khôn ngoan và có chuyên môn. Tuy nhiên linh mục này phải tôn trọng quyết định cuối cùng của chính họ khi đến với bí tích Thánh Thể, điều này không ngụ ý một sự cho phép chính thức”.

Tuy nhiên ở số 4 tiếp theo, bức thư này đã khẳng định rằng, những giải pháp đó mặc dù đã được một số Giám mục đề nghị và đưa vào thực hành ở một mức độ nào đó, vẫn chưa bao giờ đạt được sự đồng thuận của các Giám mục và chưa bao giờ trở thành học thuyết chung và kỷ luật của Giáo Hội. Chỉ có huấn quyền phổ quát của Giáo Hội mới có quyền giảng dạy và giải thích cách chính thức kho tàng đức tin, trong sự trung thành với Thánh Kinh và Thánh Truyền.

[26] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 300.

[27] Công bố về việc cho những người ly dị tái hôn rước lễ của Ủy Ban Giáo Hoàng Về Giải Thích Pháp Luật, ngày 24-6-2000, điểm 2, c.

[28] Ngày 11-4-1973, Đức Hồng Y Franjo Seper, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã viết thư cho Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, nói về “các ý kiến mới, vốn phủ nhận hoặc cố gắng ngờ vực giáo lý của Huấn Quyền Giáo Hội về sự bất khả phân ly của hôn nhân”. Ngài kết luận với các chỉ dẫn thiết thực sau đây: “Về việc lãnh nhận các bí tích, các Đấng Bản Quyền được yêu cầu, một đàng nhấn mạnh việc chấp hành kỷ luật hiện hành, và đàng khác chăm lo cho các mục tử để các ngài quan tâm đặc biệt đến sự tìm kiếm các người đang sống trong một hôn nhân bất thường, bằng cách áp dụng cho các trường hợp này, ngoài các phương cách chính đáng khác, sự thực hành đã được Giáo Hội chấp thuận ở tòa trong (probatam Ecclesiae praxim in foro interno)”.

Một số Giám mục đã yêu cầu giải thích rõ ràng thế nào là “sự thực hành đã được Giáo Hội chấp thuận ở tòa trong”. Ngày 21-3-1975, Đức Tổng Giám mục Jean Hamer, Thư ký Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã trả lời: “Tôi muốn nói rằng cụm từ này (probata praxis Ecclesiae) phải được hiểu trong bối cảnh của thần học luân lý truyền thống. Các cặp vợ chồng (người Công Giáo sống trong hôn nhân bất thường) có thể được phép nhận lãnh các bí tích với hai điều kiện: họ cố gắng sống theo các đòi hỏi của nguyên tắc luân lý Kitô giáo, và họ nhận lãnh các bí tích trong các nhà thờ, mà ở đó không ai biết họ để họ không gây ra cớ vấp phạm nào”.

[29] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 298.

[30] Ibid., số 301.

[31] Ibid., số 305.

[32] Ibid., số 300.

[33] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1650.

[34] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 300.

[35] Ibid., số 306.