Vài Nét Khái Quát Về Sự Cam Kết Đời Tu Trì – Vấn Đề 39

0
450


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 39

ĐỜI TU TRÌ VÀ SỰ XA CÁCH THẾ GIAN

VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ SỰ CAM KẾT ĐỜI TU TRÌ

(đ. 607§3; 666-667; 669; 672)

 

Chứng tá công khai của các tu sĩ cho Chúa Kitô và Giáo Hội đòi hỏi một thứ xa cách nào đó đối với thế gian, dựa theo đặc tính và mục tiêu của mỗi Dòng (đ. 607 §3).

Giáo Hội, – và các tu sĩ của Giáo Hội – , càng ngày càng ý thức rằng mình được hội nhập vào thế giới và vì thế phải chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của con người.[1] Vì thế, nhiều tu sĩ “bắt buộc phải sống, ít là một thời gian, trong một thế giới đang cố gắng tách biệt con người ra khỏi chính mình họ, và làm phương hại đến việc kết hiệp với Thiên Chúa cùng với sự thống nhất thiêng liêng của cuộc sống”.[2] Bởi vậy các Tu Hội và mỗi tu sĩ cần phải dành những điều kiện sinh sống khả dĩ cho phép sống trung thành với ơn gọi của mình.

A- Nội vi (đ. 667)

Danh từ này (clausura, clôture) có thể gây ngạc nhiên khi được Giáo Luật dùng cho các Dòng hoạt động; thực ra, nó chỉ muốn đến những khu vực riêng tư dành riêng cho cộng đoàn ở trong mỗi tu viện.

Trước tình trạng xáo trộn của sống hiện đại, các tu viện cần được tổ chức làm sao để khung cảnh giúp cho sự hồi tâm, sự thống nhất của tâm trí, và sống kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa.[3]

Các đan viện sống đời chiêm niệm cần tuân giữ một kỷ luật chặt chẽ hơn.

Các nữ đan viện hoàn toàn sống đời chiêm niệm phải tuân giữ “nội vi Giáo Hoàng”, nghĩa là dựa theo những quy tắc do Tòa Thánh ban hành (đ. 667 §3).

Các nữ đan viện khác phải giữ nội vi thích hợp với đặc tính riêng của mình, chiếu theo quy định của Hiến Pháp.

Đức Giám mục Giáo phận có quyền (đ. 667 §4):

– a/. Vào trong nội vi các nữ đan viện nằm trong Giáo phận, khi có lý do chính đáng;

– b/. Khi có lý do nghiêm trọng và có sự đồng ý của Bề trên, cho phép những người khác vào trong nội vi, và cho phép các nữ tu ra ngoài nội vi trong một thời gian thật sự cần thiết.

Xem lại vấn đề 36. Quy tắc về nội vi của các nữ đan viện được duyệt lại với Huấn thị “Verbi Sponsa” của Bộ Đời sống thánh hiến (13-5-1999). Xem “Theo Chúa Kitô, Những văn kiện đời tu”, tập II, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2015, trang 167-210.

B- Sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (đ. 666, 822-823)

Trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, cần có sự phân định, biết giữ quân bình một bên là sự cởi mở cần thiết, một bên là duy trì những điều kiện nhằmg giúp tạo ra bầu khí hồi tâm và trưởng thành cá nhân cũng như cộng đoàn.

C- Tu phục (đ. 669)

Y phục của nam nữ tu sĩ phải là dấu chỉ sự thánh hiến của họ, và là chứng từ về khó nghèo, phù hợp với các hoàn cảnh mỗi nơi và mỗi thời cũng như tuỳ theo nhu cầu của việc tồng đồ.[4] Luật riêng sẽ xác định chi tiết của tu phục.

Các tu sĩ giáo sĩ của một Dòng không có tuphục riêng, sẽ mang y phục của hàng giáo sĩ (đ. 284).

Trái với Bộ Giáo Luật 1917, Bộ Giáo Luật hiện hành không nói gì về việc miễn chuẩn: điều này không có nghĩa là trong những trường hợp cá biệt và có lý do chính đáng, Bề Trên Cao Cấp không có quyền chuẩn miễn việc mặc tu phục, trong suốt thời gian mà lý do ấy đòi hỏi.

D- Những nghĩa vụ khác của các tu sĩ

Các tu sĩ phải tuân giữ những gì buộc các giáo sĩ, bởi vì chung quy đó là những quy luật hợp tình hợp lý.

Phải thận trọng trong các giao tiếp, tuân theo các quy tắc của Đức Giám mục Giáo phận đã ban hành (đ. 282), tránh những gì không xứng hợp với bậc sống của mình (đ. 285 §l và 2).

Không được đảm nhiệm một chức vụ công quyền bao hàm sự tham gia vào việc hành sử quyền bính dân sự (đ. 285 §3). Không được tham gia các đảng phái chính trị hoặc các vai trò lãnh đạo nghiệp đoàn, trừ khi, theo sự nhận định của Bề trên có thẩm quyền trong Giáo Hội, việc này cần thiết để bảo vệ các quyền lợi của Giáo Hội hoặc để thăng tiến công ích (đ. 287 §2).

“Không có phép Đấng bản quyền của họ, các giáo sĩ (và phải hiểu cả các tu sĩ nữa), không đuợc nhận việc quản lý những tài sản của giáo dân, hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nhiệm vụ phải tường trình sổ sách; họ không được đứng ra bảo lãnh, dù dựa vào tài sản riêng mình, khi chưa tham khảo Đấng bản quyền riêng; họ cũng phải tránh không được ký vào các thương phiếu tài chánh vì đó mà họ buộc phải trả tiền, dù không các định lý do định” (đ. 285, §4). Trong các Dòng giáo dân thuộc luậtGiáo Hoàng, Bề Trên Cao Cấp của tu sĩ có thẩm quyền cấp những phép này.

Không được hành nghề kinh doanh buôn bán, dù lớn hay nhỏ, nếu không có phép của Bề trên hợp pháp (đ. 286).

Không được tình nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự nếu không có phép của Đấng bản quyền (đ. 289).

Nếu là giáo sĩ, các tu sĩ phải tiếp tục việc đào tạo về mụcvụ và đạo lý, theo đòi hỏi của thừa tác vụ thánh.[5]

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 1.

[2] Đức Giáo Hoàng Phaolo VI, Tông huấn Evangelica Testificatio (Chứng Tá Tin Mừng), số 33.

[3] Ibid., số 33, 34 và 35.

[4] Xc. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (Canh Tân Thích Nghi Dòng Tu), số 17.

[5]Xem thêm vấn đề 62.