Vài Nét Đại Cương Về Việc Hình Thành Lịch Sử Môn Thần Học Luân Lý

0
1228


Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang, Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Trung Tâm Học Vấn Đaminh
 

—-***—–

 

Viết theo :

1. La Loi du Christ, Vol. I, trg 12-61 của Bernard Haring Cssr.

2. Chương “How free and creative was and is Moral Theology” từ tác phẩm Free and Faithful in Christ, Vol. I,
Nxb. Seabury, New York, 1978, trg 32-58 của Bernad Haring Cssr. Chương này được trích lại trong “Introduction to Christian Ethics” do Ronald P.Hamel và Kenneth R.Himes, OFM. xuất bản, Nxb. PauliSt. Press, 1989, trg 33-48.

3. Précis de Théologie morale générale, Tome I,
Nxb. Mame, trg 120-165 của Jean Louis Bruguès.

4. Les Sources de la moral chrétienne, Nxb. Universitaires Suisse và Du Cerf Paris, 3è Ed. 1993, trg 203-285 của Servais Pinckaers OP.
 

—-***—–

I. LÒNG TRUNG TÍN MANG TÍNH SÁNG TẠO CỦA  GIÁO HỘI THỜI SƠ KHAI

1. Một trong những thí dụ đầu tiên về sự tự do và lòng trung thành mang tính sáng tạo của Giáo hội thời sơ khai đó là cuộc xung khắc nảy sinh từ những khác biệt về văn hóa nơi các tín hữu. Sự va chạm đầu tiên giữa những tín hữu gốc Do Thái sinh trưởng ở Giuđêa với những tín hữu gốc Do Thái sinh trưởng ở hải ngoại đã đi đến giải pháp sáng tạo đó là cho những đại biểu của các tín hữu gốc Do Thái ở hải ngoại phần tham dự lớn hơn vào những quyết định trong cộng đoàn. Giải pháp thiết lập tác vụ phó tế đã làm phong phú Giáo hội thời sơ khai (Cv. 6,1-8). Trong biến cố này, ta thấy các tông đồ sử dụng quyền hành cách can đảm, sáng tạo để giải quyết những bất đồng trong nội bộ Giáo hội.

2. Biến cố quan trọng thứ hai là Thánh Phêrô, người lãnh đạo các tông đồ có vai trò đoàn sủng mang tính sáng tạo nhất. Rõ ràng là bằng cách nào đó đoàn sủng của Chúa đã áp đặt trên Phêrô qua thị kiến (một loại cảm nghiệm về Thiên Chúa) trong đó ông được mời gọi rao giảng Tin mừng cho gia đình của Cornêliô, một viên sĩ quan Rôma. Cho tới lúc ấy ông cũng không biết kết quả sẽ ra sao. Cho nên Phêrô cần đến sự can thiệp của Thiên Chúa là Đấng ban tặng ơn huệ Thánh Thần cho những người tín hữu mới, ngay cả truớc khi họ được rửa tội. Dưới sự linh hứng của Chúa, Phêrô đã không bắt họ phải cắt bì hay giữ những tục lệ của người Do Thái. Lịch sử thời Giáo hội sơ khai cho thấy Phêrô không phải dễ dàng gì để có được sự ưng thuận của Giáo hội tại Giêrusalem. Nhưng ở đây ta thấy sự tự do mang tính sáng tạo đã đi song song với tính kiên nhẫn và nhẹ nhàng được thể hiện nơi con người Phêrô (Cv. 10,1-11,8). Có thể nói đây là điều hiếm thấy nơi con người Phêrô

3. Sự kiện thứ ba mang tính đột phá sáng tạo đó là thánh Phaolô. Ông đã thách thức Giáo hội khi thánh Phêrô nhượng bộ trước sức ép của nhóm tín hữu gốc Do Thái bảo thủ. Sự kiện xảy ra tại thành Antiôkia và Phaolô đã chống lại thái độ không rõ ràng của Phêrô trong cách cư xử (Gl. 2,9-21). Làm như thế Phaolô không có ý chống lại quyền tối cao của Phêrô, nhưng ông đã công khai khiển trách thái độ không nhất quán của Phêrô. Cho dù việc này suýt làm rạn nứt Giáo hội còn non trẻ. Đối với Phaolô phải đặt địa vị ưu tiên hàng đầu cho Đức Kitô, Ngài là sự sống, chân lý và luật lệ của chúng ta. Sự tự do mang tính sáng tạo của Phaolô đã có liên quan đến sứ vụ của Giáo hội xuyên qua những giải pháp chung được bàn đến trong Công đồng tại Giêrusalem (Cv. 15,1-35).

* Với những biến cố trên, Kitô giáo đã lan rộng khắp nơi trên thế giới (thế giới của đế quốc La Mã) vào thời lúc bấy giờ. Tất cả đều nhắm phục vụ cho địa vị tối thượng của chân lý cứu độ.

II. THỜI CÁC THÁNH GIÁO PHỤ

1. Thánh Justinô (+161)

Ngài là Giáo phụ đầu tiên gặp gỡ và đối thoại với nền triết học của Platon thịnh hành lúc bấy giờ và với văn hóa Do Thái (tử đạo vào năm 161). Ngài đã trình bày cho người Do Thái và dân ngoại Đức Giêsu là Ngôi Lời và Lề Luật. Hạt giống của Ngôi Lời hiện diện nơi mọi tạo vật và trong cõi lòng con người. Nên mọi người đều có hiểu biết nào đó về tình yêu và lề luật của Thiên Chúa. Trong tác phẩm “Dialogue with the Jew, Tryphon”, ngài trình bày Đức Kitô là “Lề luật và Giao ước”, với sự tiếp nối hoàn hảo vai trò trung tâm của mô hình giao ước trong Lề luật thời Cựu Ước.

2. Thánh Clêmentê thành Alexandria (+ 214)

Thánh nhân là một trong những thần học gia can đảm nhất trong cuộc đối thoại với những mô hình suy tư thịnh hành về văn hóa vào thời của ngài. Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của ngài đối với lịch sử luân lý Kitô giáo.

Tin vào Kinh thánh, ngài khai triển những mô hình chính như việc làm môn đệ Chúa, sự công chính, thực tại bao gồm tất cả của tình yêu như quà tặng, mục đích và giới răn, mối liên hệ giữa đức tin và tự do. Những tác phẩm chính yếu của ngài: Protrepticus (Huấn dụ), Paedagogos (Người huấn thị), Stromateis (Hợp tuyển).

a. Trung tâm và đỉnh cao trong giáo huấn của ngài đó là sự hiểu biết đích thực về Đức Giêsu Kitô. Trong cuộc đấu tranh chống lại thuyết ngộ đạo (Gnosticism), thánh nhân trình bày người Kitô hữu như là người sống hình thức đích thực nhất của Tri thức (Gnosis). Ngài có mối liên hệ tốt với những suy tư triết học, nhưng luôn lồng vào trong đó viễn tượng và ý hướng cứu độ. Trong khi sử dụng triết học Platon, ngài cẩn thận tránh những nguy hiểm. Chẳng hạn ngài từ bỏ tính đối kháng giữa thân xác và linh hồn của trường phái khắc kỷ và nhấn mạnh đến những điều tốt của thân xác.

b. Thần học của ngài đặt vị trí tối thượng cho tình yêu: “Hành vi yêu mến Chúa Cha hết sức của mình làm cho ta tự do thoát khỏi tình trạng sa sút. Một người càng yêu mến Thiên Chúa thì càng đi vào trong Thiên Chúa cách gần gũi hơn”.

c. – Chủ đề chính của thánh nhân đó là con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Nên đời sống luân lý được coi như lời đáp trả ơn gọi này “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”  (Mt. 5,48).

– Đồng thời ngài không cho phép người Kitô hữu tránh trách nhiệm đối với trần thế vì ơn gọi của họ là muối cho trần thế. Họ không bị ép buộc phải chối từ sự thịnh vượng sung túc ở trần thế. Với mục đích trên, ngài đã viết tác phẩm “Quis Dives salvetur” (Người giàu có nào có thể được cứu độ). Ngài nhấn mạnh đến sứ vụ của người môn đệ Đức Kitô là trở nên ánh sáng cho trần gian.

– Chống lại thuyết Manicheism, ngài lên tiếng bảo vệ sự tốt lành của đời sống hôn nhân cũng như ơn gọi độc thân vì Nước Trời.

* Tóm lại, người ta coi ngài như cha đẻ của nền thần học luân lý và ngài cho là có thể dùng triết học để phục vụ cho Tin mừng và đức tin Kitô giáo.

3. Origène (184-254)

Có lẽ ông là học trò của thánh Clêmentê thành Alexandria và là một thần học gia có óc sáng tạo nhất của Giáo hội Hy lạp thuở ban đầu. Đối với ông, Đức Kitô là trung tâm của lịch sử, và ông đề cập đến chuyện mọi người Kitô hữu có ơn gọi sống thánh thiện, và ông có thể được coi như người sáng tạo ra nền thần học linh đạo. Không những rao giảng Tin mừng nhưng ông còn có dịp làm chứng nhân cho Tin mừng. Khi phải chịu những bách hại và cực hình không những do các kẻ thù của ông gây ra mà còn do chính giáo quyền thời ấy gây ra cho ông.

Trong tác phẩm tựa đề “Peri Archon” quyển thứ ba, ông bàn đến những đề tài căn bản của thần học luân lý như tự do, tội lỗi và việc tái lập mọi sự trong Chúa. Ý tưởng chủ đạo của ông là đời sống Kitô hữu dù là hoạt động hay chiêm niệm phải là sự bắt chước Chúa.

4. Thánh Basiliô (330-379)

Đối với thánh nhân, người tín hữu đích thực là người ước ao nồng nhiệt theo Đức Kitô. Ngài là cha đẻ của lối sống đan sĩ ở Đông phương, như một hình thức phản kháng tính chất thế tục của Giáo hội liên kết với thế quyền thời bấy giờ.

Cốt lõi linh đạo và nền luân lý của ngài là tình yêu trong tư cách người môn đệ Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Khi đề cập đến sự công chính, ngài nhấn mạnh đến sự tuân phục Thánh Thần. Chịu ảnh hưởng của Platon, ngài coi thân xác như nhà tù của linh hồn, cho dù ngài là người rất ngưỡng mộ công trình sáng tạo của Chúa. Ngài tin tưởng vào luật bẩm sinh hiện diện nơi mọi người, nên ngài có tầm ảnh hưởng tích cực đối với truyền thống theo lý thuyết luật tự nhiên. Nền luân lý của ngài mang tính chất nghiêm khắc.

5. Thánh Gioan Kim Khẩu (+407)

Ngài được đề cập đến ở đây vì hai lý do: thứ nhất Ngài tỏ ra là một vị giải tội có một không hai và trở thành mẫu gương hướng dẫn lương tâm cho mọi thời đại. Kế đến, ngài biết rõ cõi lòng cũng như sự yếu đuối mong manh của con người và cương quyết sửa dạy những tính xấu với tấm lòng tế nhị.

a. Ngài đưa ra quan điểm về nhân loại học Kitô giáo với ba giai đoạn như sau: Thứ nhất được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người có ơn gọi từ trời cao và được ban tràn đầy các ơn huệ: kiến thức, sự khôn ngoan, sự làm chủ dục vọng, tự do và biết lành dữ. Thứ hai, tội lỗi làm con người thiếu mất vinh quang Thiên Chúa, và để cho mình làm nô lệ dục vọng. Thứ ba, con người có thể được chữa lành và cứu độ nhờ ơn huệ của vị Hôn phu cứu chuộc là Đức Giêsu.

b. Ngoài ra, ngài khai triển luật tự nhiên và nhấn mạnh đến việc con người được phú bẩm kiến thức về luân lý: “Ngay từ đầu, khi Thiên Chúa dựng nên con người, Ngài đã ban cho họ luật tự nhiên. Vậy luật tự nhiên là gì ? Nó định hướng và sửa dạy lương tâm chúng ta khi nó cung cấp sự hiểu biết có thể phân biệt điều gì là tốt với điều gì là không tốt” (x. On Statues, 12,3. PG. 49,131).

6. Thánh Ambrôsiô (339-397)

Với tư cách là một mục tử, ngài đề ra nhiều vấn đề luân lý với cung cách thực dụng. Ngài viết tác phẩm nhan đề “De officiis” (mượn tựa đề của Cicéron để nhắc nhở hàng giáo sĩ trong giáo phận của ngài những bổn phận của họ). Người ta coi thánh nhân là người đầu tiên xây dựng nên luân lý giải nố lương tâm (giải nghi, casuistique) và nhấn mạnh đến sự siêu việt của luân lý Kitô giáo nếu đem so sánh với nền triết học ngoại giáo. Thánh nhân tỏ ra thán phục tình trạng luân lý trổi vượt của các vị tổ phụ. Ngài có ảnh hưởng đến Giáo hội Tây phương ngang qua người môn đệ của mình là thánh Augustinô.

7. Thánh Augustinô (354-430)

Vị giám mục thành Hippone này có lẽ được coi là nhà tư tưởng sáng tạo nhất của Kitô giáo thời thượng cổ. Ngài là sự kết thúc vinh quang của Kitô giáo thời đó và là nhà tư tưởng cuối cùng và vĩ đại nhất của thời này.

Tuy không viết một tác phẩm có hệ thống theo kiểu Tổng luận của thánh Tôma, nhưng ngài vẫn được coi như nhà luân lý vĩ đại nhất của mọi thời đại.

a. Ngài tán dương sự hào phóng của ân sủng Chúa, đức tin như món quà không cân xứng, sự tự do của con người và tội lỗi. Tội lỗi là một thực tại khủng khiếp, con người không thể tự tha thứ cho chính mình, nhưng Thiên Chúa ban ân sủng của Ngài cho mọi người; người ta có thể cầu nguyện và đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa và sẽ lãnh nhận được sự tự do nơi Đức Kitô. Giống như các giáo phụ Phương đông, ngài giảng dạy luật tự nhiên, qua đó Thiên Chúa hướng dẫn lương tâm mọi người. Giống như Cicéron, ngài định nghĩa sự nhận thức như trạng thái tự nhiên phù hợp với bản tính và lý trí (của con người). Ngài đã thành công khi đưa bốn nhân đức trụ (khôn ngoan, công bình, tiết độ, dũng lực) hội nhập vào trong nhãn quan tình yêu cứu độ. Không có tình yêu, mọi nhân đức không đáng kể. Tình yêu liên kết ta với Thiên Chúa và với bằng hữu. Và câu nói của ngài được người ta trích dẫn nhiều nhất: “Hãy yêu đi, rồi hãy làm điều bạn muốn”. Tình yêu ở đây là tình yêu trong sáng và đúng đắn. Ta phải thận trọng về việc người ta yêu và yêu cách nào. Về chuyện này ta phải học nơi Đức Giêsu sự hướng dẫn của Thánh Thần. Ngài còn đề cập đến tình yêu thượng giới đối nghịch với sự ham hố “tự nhiên”.

b. Ngài thừa hưởng di sản triết học Platon, Plotin và đạo đức học của phái Khắc kỷ, nhưng ngài đã biết Kitô hóa những luồng tư tưởng đó để phục vụ cho thần học. Theo ngài, tương lai của đời sống luân lý là được nên giống Chúa. Con người là hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên cho Chúa, luôn tìm về với Chúa và chỉ được an nghỉ trong tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Cho nên việc nên giống Chúa và hạnh phúc con người được hoàn tất tại điểm cuối cùng đó.

c. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị của ý hướng, đến tác phong theo lương tâm, theo đức tin và tình yêu. J.Mausbach diễn tả rất đúng ý hướng của thánh nhân như sau: “Không phải tác phong bên ngoài nhưng ý hướng của cõi lòng mới đáng kể. Tính xác thực của ý hướng tình yêu của con người được thể hiện nơi việc tuân phục lề luật Chúa. Theo ngài, Thiên Chúa là sự thiẹân hảo tối cao, từ đó phát sinh mọi sự thiện hảo khác. Chúa là cùng đích mà mọi người phải quy hướng về. Theo viễn tượng đó, thì nền tảng cuối cùng của luân lý là lề luật vĩnh cửu tức là Trí năng và Ý muốn tối thượng của Thiên Chúa. Chính vì thế nguồn gốc mọi nghĩa vụ luân lý phải bắt nguồn nơi uy quyền tối thượng của Thiên Chúa. Cộng thêm vào đó, như đã vừa nói ở trên, đức ái là thước đo lường mọi nhân đức khác, là trung tâm phát xuất mọi nghĩa vụ khác”.

d. Một trong những nét đặc trưng của nền luân lý theo thánh Augustinô đó là Đức Ái. Con người đối diện với hai loại tình yêu mà mình phải chọn lựa: lòng yêu mến Thiên Chúa đến độ khinh dể mình để xây dựng thành đô Thiên Chúa và tình yêu bản thân mình đến độ khinh chê Thiên Chúa để xây dựng thành đô nhân loại (x. Civitatis Dei, XV. 28).

8. Thánh Grêgoriô Cả (+604)

Với óc thực dụng của người Lamã, ngài có một đường lối khác hẳn với thánh Augustinô trong vấn đề luân lý. Ngài chủ yếu hướng về những dữ kiện thực hành của đời Kitô giáo. Ngài tìm thấy trong Kinh thánh những mẫu gương cụ thể và những lời khuyên trực tiếp cho đời sống luân lý. Tác phẩm điển hình của ngài là quyển “Moralia in Job”. Tinh thần của ngài đã có một tầm ảnh hưởng không thể chối cãi được cho những thế kỷ sau đó.

III. THỜI ĐẠI SAO CHÉP

Từ cuối thế kỷ VI đến thế kỷ XII, nội dung thần học nói chung và luân lý nói riêng thực cằn cỗi, chẳng có gì mới lạ. Người ta hiểu sai lòng trung thành như việc sao chép lại chẳng có gì thay đổi. Người ta hài lòng với việc sắp xếp những quan điểm thực dụng của các giáo phụ, nên không có một tác phẩm lớn nào trong lãnh vực luân lý. Chỉ toàn những bài giảng, những huấn dụ của Đức Giáo Hoàng, Giám Mục để gìn giữ lý tưởng luân lý vẹn toàn.

Chỉ có một sự kiện đáng lưu ý: dưới ảnh hưởng của các tu sĩ ở Ái Nhĩ Lan và Tô Cách Lan, những tập cáo giải chỉnam (Libri poenitentiales) để giúp các cha giải tội ra việc đền tội cho từng loại tội trong một bảng danh mục. Với nội dung như thế, những loại sách vừa kể thiếu hẳn những phần trình bày cơ bản về luân lý.

IV. KỶ NGUYÊN THẦN HỌC SÁNG TẠO VÀ CUỘC CANH TÂN

1. Thần học Kinh viện

a. Vào thế kỷ XII, thần học có một cuộc cách mạng về phương pháp luận, khởi đầu với Pierre Lombard và sau đó với nền thần học Kinh viện.

Thần học Kinh viện trở về với Kinh thánh và truyền thống (các giáo phụ) như cội nguồn nền tảng cho kiến thức của con người. Nền thần học Kitô giáo tiếp cận với triết học của Aristote và thử hội nhập nền triết học này vào mạc khải. Ta tạm gọi đây là một thứ “hội nhập văn hóa” đối với luân lý và cũng mang tính chất quyết định giống như ảnh hưởng của trường phái Khắc kỷ của thời kỳ trước.

b. Đồng thời vào thời kỳ này người ta say mê luật Rôma và vì thế Bộ Giáo luật hình thành và các nhà giáo luật theo gương Gratien đã đề cập đến vấn đề luân lý. Người ta vẫn còn tiếp tục soạn ra những loại sách Summae Confessariorum, một loại tổng luận dành cho các vị giải tội vào đầu thế kỷ XIII, vào thời điểm này môn luân lý chịu ảnh hưởng của luật pháp. Từ đó người ta có thói quen là trình bày luân lý khởi đi từ vấn đề tội lỗi, và khuynh hướng này còn ảnh hưởng cho các sách giáo khoa về luân lý mãi cho đến thế kỷ XX.

c. – Thần học Kinh viện tán dương lý trí của con người và coi lý trí này như là sự tham dự vào lý trí của Thiên Chúa (raison divine).

– Vào đầu thế kỷ XIII, thánh Albertô Cả OP. (1193-1280) cùng đồng quan điểm với các thần học gia thuộc trường phái Phanxicô là Alexandre de Halès (1186-1245) và thánh Bonaventura (1221-1274) cho rằng thần học chỉ là một tổng thể duy nhất bàn về Thiên Chúa và con người. Cho nên thần học không chỉ để chiêm ngắm nhưng còn để ta sống tốt hơn.

2. Thánh Tôma Aquinô

Không phải như hiện nay Giáo hội tôn kính thánh Tôma như sự vinh quang và là người bảo vệ đức tin công giáo. Theo Hồng y Avery Dulles SJ., thì vào thời của ngài, thánh nhân không phải là vị “tiến sĩ quen thuộc”, nhưng là một nhà canh tân gây nhiều tranh cãi, không phải là người được phong thánh nhưng là người cung cấp các nhãn hiệu mới lạ và nguy hiểm của nền triết học đời, không phải là người bảo vệ vững chắc nhưng là một nhà giảng dạy bị nhiều người nghi ngờ là lạc giáo. Khi ngài học tại Paris, thì nhà dòng Đaminh ở đấy được coi như dấu chỉ của sự chống đối.

Rồi khi ngài chấp nhận Aristote như vị thầy cho phương pháp thần học và khoa học. Với lập trường như thế ngài đã bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của ngài trong bối cảnh tranh luận dữ dội. Nhiều lần các sinh viên đại học bị cấm tham dự giờ lớp của ngài. Sau khi ngài chết, Đức giám mục Paris và Tổng giám mục Canterbury đã lên án rất nhiều luận đề mà ngài đã từng bảo vệ.

a. Nhưng theo một nghĩa nào đó thánh nhân là nhà canh tân thần học luân lý hệ thống, và theo nghĩa mục vụ ngài thực là một nhà sáng tạo. Trong quyển sách nhan đề Chú giải Sách luận về các quan điểm (Sentences), trong đó có bàn về luân lý ở điểm phân biệt 33 trong quyển thứ hai, ngài đã đặt và giải quyết 41 câu hỏi: đây được coi như khảo luận đầu tiên về luân lý được xây dựng và là phác họa đầu tiên cho phần II trong Bộ tổng luận thần học của ngài (x. Avery Dulles S.J. với tác phẩm The Revolutionary Spirit of Thomas Aquinas trong Origins, Feb. 1975, 543f. và Chenu OP. với tác phẩm Introduction à l’étude de St. Thomas d’Aquin trg. 233).

Thánh nhân đạt tới suy tư chín mùi về thần học luân lý trong phần thứ hai của Bộ tổng luận thần học. Đoạn nhất củaphần thứ hai (Prima secundae) bàn về luân lý tổng quát với những suy tư về cứu cánh cuối cùng, sự tự do, các đam mê, thói quen và các nhân đức nói chung, về tội lỗi, lề luật và ân sủng. Còn Đoạn hai phần II (Secunda Secundae) bàn về phần luân lý chuyên biệt.

b. Chịu ảnh hưởng rất lớn triết gia Aritote, thánh nhân cho lý trí một tầm quan trọng tích cực trong đời sống luân lý. Nhưng xét chung, nền luân lý của thánh nhân được bén rễ trong nền thần học truyền thống.

c. Tư tưởng thần học của ngài mang tính chất qui thần (théocentrique) và qui Kitô (christocentrique). Theo thánh nhân, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên luân lý phải đưa con người về Kiểu mẫu là chính Thiên Chúa (Nguyên lý và cứu cánh của mọi sự) và về Đức Kitô mà qua Ngài con người được đồng hóa (assimilation) với Thiên Chúa một cách siêu nhiên. Cho nên việc bắt chước Đức Kitô và mối liên hệ của ân sủng bí tích với Đức Kitô được coi như điểm chủ yếu trong nền thần học luân lý của thánh nhân.

* Nói cách khác, luân lý có mục đích làm cho con người trở nên giống Thiên Chúa (phần thứ hai). Mà việc con người trở nên giống Thiên Chúa giả thiết con người phải biết Kiểu mẫu và Nguyên lý của mình (phần thứ nhất). Nhưng người ta chỉ có thể thực hiện được tiến trình trên nhờ Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế và các bí tích của Ngài (phần thứ ba).

Nên ta sẽ phản bội lại tư tưởng của thánh Tôma nếu đem phần thứ hai tách ra khỏi toàn thể bộ Tổng luận thần học của ngài.

d. Khi triển khai phần tổng hợp về luân lý, ngài đã nhấn mạnh đến hạnh phúc có vai trò trọng yếu trong việc xây dựng nên thần học luân lý. Theo mạc khải và phù hợp với lý trí, hạnh phúc hệ tại việc hưởng kiến yêu mến Thiên Chúa. Tất cả hành vi nhân linh đều nằm trong ý hướng nền tảng nói trên. Thần học của thánh Tôma lấy lại những trực giác lớn của thời các thánh Giáo phụ, đặc biệt là của thánh Augustinô, đến mức độ một vài người cho rằng thánh nhân là một trong những vị giáo phụ cuối cùng. Theo thánh Tôma luân lý Kitô giáo tự nền tảng là một cuộc tìm kiếm hạnh phúc.

Nếu đem so sánh thánh Tôma với thánh Bonaventura và Duns-Scot (1266-1308) của trường phái Phanxicô, ta thấy có những điểm nhấn mạnh khác biệt nhau : thánh Tôma nhấn mạnh đến lý trí, trí năng và cuối cùng mới nói đến tình yêu. Còn trường phái Phanxicô nhấn mạnh đến ý chí, tình yêu và cho rằng tình yêu phải được lý trí hướng dẫn.

Tuy có khác nhau nhưng hai quan điểm này bổ túc cho nhau và làm phong phú thêm cho nền thần học nói chung và cho nền thần học luân lý nói riêng.

V. THỜI ĐẠI ĐỔ VỠ

1. Thuyết Duy danh (Nominalisme)

Trường phái Phanxicô đã cho ra đời một triết gia có một tầm ảnh hưởng khác thường đó là Guillaume d’Ockham, còn gọi là Ockham (từ cuối thế kỷ thứ XIII đến 1349). Ông đã sáng lập ra một hệ thống tư tưởng rất cách mạng. Tư duy triết học của ông đã ngự trị thời đại mình và làm cho ông trở thành cha đẻ của Thời hiện đại.

a. Tất cả khởi đi từ cá nhân. Ý niệm nền tảng của thuyết này là nhấn mạnh đến giá trị duy nhất của những gì là đặc thù, cá biệt, nghĩa là của con người cụ thể. Còn những điều phổ quát chỉ là cách gọi đơn thuần, không có thực, nên chỉ có trên danh nghĩa mà thôi.

Trong luân lý, thực tế chỉ nằm trong những quyết định đặc thù của tự do. Theo ông tự do là khả năng chọn lựa giữa những điều trái nghịch nhau, và độc lập với mọi nguyên do khác không phải là ý chí.

Nên đời sống luân lý chỉ là một chuỗi những hành vi quyết định, chứ không phải là sự tăng trưởng của các nhân đức. Người ta chỉ lưu tâm đến từng quyết định với nội dung và hoàn cảnh rõ ràng của nó mà thôi. Học thuyết này có nguy cơ chỉ dừng lại ở việc giải nố lương tâm mà thôi.

b. Một dữ kiện quan trọng khác của học thuyết này là đối tượng của hành vi tự do là sự thiện. Sự thiện chính là lề luật, phát xuất từ ý muốn quyền năng của Thiên Chúa. Nên mối lưu tâm của luân lý không phải là đời sống các nhân đức nhưng lại là các giới răn và lề luật. Họ nhấn mạnh đến những nghĩa vụ luân lý, nên luân lý không còn là cuộc đối thoại tình yêu với Thiên Chúa nữa, nhưng lại rơi vào khuynh hướng vụ luật (Légalisme).

Người ta không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng rộng lớn của học thuyết này về luân lý trong thời đại của nó, đồng thời cũng phải nhìn nhận những lợi ích thực tiễn do viêc khảo sát những hành vi cụ thể của con người đem lại.

2. Tin Lành (Protestantisme)

Nền thần học này được khởi xướng đầu tiên với Martin Luther (1483-1556). Người ta có thể nhận ra sự liên tục giữa thuyết Duy Danh và Tin Lành. Tự nền tảng học thuyết của Luther chống lại chủ nghĩa Nhân bản.

a. Sự công chính hóa chiếm vị trí trung tâm trong nền thần học này: con người chỉ được công chính hóa nhờ một mình niềm tin vào Đức Kitô mà thôi, chứ không nhờ vào công việc của mình. Sự công chính hóa thuần túy phát xuất từ ân sủng được Đấng Cứu Độ loài người ban tặng cho.

b. Đang khi đó một vị sáng lập khác của Tin Lành là Calvin (1509-1564) đã đề ra một câu trả lời khác về vấn đề này như sau: những việc làm tốt diễn tả lòng biết ơn đối với Đức Kitô là Đấng ân cần ban cho ngưòi tín hữu sự công chính hóa (x. G. Vincent, Exigence éthique et interprétation dans l”oeuvre de Calvin, Nxb. Labor et fides, Genève, 1984).

c. Sự đối nghịch giữa hai nhà sáng lập có thể bị đẩy đi xa hơn:

– Luther được coi như một người theo thuyết Duy danh, vì đối với ông, điều thiện và điều ác không có sự hiện hữu thực thể (substantielle). Một hành động được gọi là tốt không phải vì nó được thực hiện phù hợp với luật Chúa, nhưng nó chỉ trở thành tốt khi nó đưa tới sự công chính hóa và được ân sủng Chúa đón nhận.

– Còn Calvin nhấn mạnh đến ý niệm luật luân lý. Đời sống Kitô giáo tạo nên một loại chứng minh cho tầm ảnh hưởng của sự công chính hóa : sự công chính hóa gợi lên trong con người tính hữu trách luân lý và sự thánh hóa (x. E. Fuchs, La Morale Selon Calvin, Nxb Cerf, Paris 1986).

d. Thần học Tin Lành chống lại nguy hiểm giản lược luân lý Kitô giáo vào thuyết nhân bản đơn thuần. Họ ủng hộ việc cần thiết quay lại Thánh kinh. Nền thần học này cũng phản ứng chống lại khuynh hướng Duy luật (Légalisme) của Giáo hội thời trung cổ. Khi nói niềm tin vào Đức Kitô là nguồn mạch đầu tiên của sự công chính hóa và của đời sống Kitô hữu, nền thần học này vẫn luôn trung thành với thánh Phaolô. Sự công chính hóa được hiểu như từ bên ngoài đến với ta (tha lực) và không biến đổi nội tâm của con người. Học thuyết này làm tăng giá trị khái niệm tội lỗi và ân sủng mà bỏ qua ý niệm nhân đức và công nghiệp.

e. Thần học Tin Lành cho rằng bản tính con người bị tội nguyên tổ làm hư hỏng tự nền tảng nên không thể gợi lên hay bảo đảm cho một nền luân lý nhân bản và tự nhiên. Họ không qui chiếu vào những khái niệm triết học về bản tính con người, lề luật và những hướng chiều tự nhiên được các thế hệ Kitô giáo đầu tiên đón nhận và hấp thụ. Chính vì sự hư hỏng nền tảng này mà lý trí của con người không thể đạt đến sự hiểu biết xác thực về Thiên Chúa.

VI. SỰ PHỤC HƯNG CỦA HỌC THUYẾT THÁNH TÔMA Ở THẾ KỶ XVI VÀ NHỮNG THẦN HỌC GIA LUÂN LÝ NỔI TIẾNG CỦA DÒNG TÊN

1. Vào đầu thế kỷ XVI, ở Đức, Ý, Pháp người ta lại bắt đầu phục hồi học thuyết thánh Tôma, trong đó có việc canh tân thần học luân lý.

a. Trước tiên ở Đức có Conrad Koellin (+1538) viết sách chú giải trọn bộ Đoạn nhất của phần thứ hai (Prima Secundae) trong bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma.

b. Kế đến ở Ý, Hồng y Cajetan (+1534) xuất bản sách chú giải trọn bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma với những tác phẩm “Opuscules” và “Summula” tạo nên một tổng thể rất quan trọng cho nền thần học luân lý.

c. Còn ở Pháp, tại đại học Paris, Pierre Crockaert đã cho thay bộ các Án quyết của Pierre Lombard bằng phần Tổng luận của thánh Tôma.

2. a. Ngoài ra ta còn phải nhắc đến Francois de Victoria, người khai sáng trường phái thần học ở Salamanca (Tây Ban Nha). Ông này đã đưa vào thần học luân lý của thánh Tôma những điều thủ đắc được của Thuyết Duy danh, đó là sở thích những điều cụ thể và những thích nghi cho thời cận đại.

b. Những người thực sự nối tiếp trường phái Salamanca là các thần học gia Dòng Tên vào thế kỷ XVI. Những vị này chú giải rất tuyệt về Bộ tổng luận thần học của thánh Tôma, nhưng đồng thời cũng tỏ rõ họ muốn độc lập về suy tư, điển hình là Francois Suarez (+1617) như cha Sertillanges OP. nhận định: “Hình như ông này muốn hòa giải trường phái thánh Tôma với những học thuyết ngự trị từ thời Ockham”. Thậm chí khi bàn về luật, ông này còn mang dáng dấp của thuyết Duy danh (x. Le Christianisme et les Philosophies, II, 1941, trg. 19-21).

* Rõ ràng có sự phục hưng học thuyết của thánh Tôma nhưng đồng thời đã xuất hiện những luồng suy tư độc lập.

VII. THỜI ĐẠI CỦA NHỮNG BỘ TỔNG LUẬN DÀNH CHO CÁC VỊ GIẢI TỘI VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA NHỮNG SÁCH THIẾT LUẬT LUÂN LÝ (INSTITUTIONS morales)

1. Song song với thời cải cách của anh em Tin Lành và sự phục hưng của học thuyết thánh Tôma, ta có thể gặp những khuôn mặt điển hình soạn thảo những Bộ tổng luận dành cho các vị giải tội tiếp theo sau thời các sách cáo giải chỉ nam: thế kỷ XIII có Robert de Flamesbury (1207-1215) với tập Poenitentiale. Thế kỷ XIV có Barthélémy de Pise (1338) với bộ Summa Pisana. Đến thế kỷ XV có thánh Antonin (1389-1459) với bộ Summa Théologica và cuối cùng thế kỷ XVI có Hồng y Cajetan (1523) với bộ Summula như ta đã vừa nói ở trên.

Với khuynh hướng giúp cho các vị giải tội tiện dùng, những bộ sách này sắp xếp các đề mục luân lý theo thứ tự vẫn như kiểu tự điển và xoay quanh những đề mục quan trọng, cho nên chúng không phải là những bộ sách giáo khoa về thần học luân lý cho đúng nghĩa. Chúng giống như những sách chỉ nam để dễ tham khảo, với những chỉ dẫn rộng rãi.

2. a. Đến cuối thế kỷ XVI, các thần học gia dòng Tên đã ra những loại sách cẩm nang dành cho các vị giải tội, điển hình là cuốn Instructio Sacerdotum của Tolet (+1596).

b. Với hoàn cảnh vừa nêu và giữa những bộ sách thực dụng và các bộ sách chú giải chuyên môn, người ta ao ước một loại khảo luận vừa chắc chắn vừa thực dụng với phần khai tâm mang tính khoa học đầy đủ giúp giải quyết tốt những trường hợp cụ thể bằng cách quy chiếu vào các nguyên tắc. Dòng Tên lúc bấy giờ đã đáp ứng được chiều hướng này khi cho ra đời Ratio Studiorum Societatis Jesu vào năm 1586, trong đó chỉ thị cho những giáo sư thần học trong các học viện của họ lo đọc bộ tổng luận thần học của thánh Tôma và nghiên cứu những mục chuyên ngành về luân lý dành cho những vị lo giải quyết những ca lương tâm với những khái niệm tổng quát về hành vi nhân linh, luật, lương tâm và tội lỗi.

Một linh mục dòng Tên người Tây Ban Nha là Juan Azor (1536-1603), là một trong 6 người đã soạn ra tậäp Ratio nêu trên, đã ảnh hưởng khuynh hướng nêu trên cách mạnh mẽ. Sau đó người ta đã thấy những loại sách Institution độc lập mang tính chất ngắn gọn chứ không đồ sộ như những giảng trình ở đại học (vì thời bấy giờ các linh mục không có thời giờ theo học chương trình đại học kéo dài 12 năm), nhưng lại đầy đủ những đề mục cần thiết hơn nếu đem so sánh với các thủ bản dành cho các vị giải tội trước đó. Nhưng loại sách này cung cấp những khái niệm căn bản với sự sắp xếp các đề mục có phương pháp hơn là sắp xếp theo vần, cộng thêm một bản danh sách đề cập đến các điều răn của Chúa và của Giáo hội. Tuy thành công do việc tiện dụng và phổ thông của chúng với danh nghĩa là thần học luân lý thực dụng, nhưng cách nào đó những loại sách này tự tách ra khỏi những bộ môn triết học, thần học tín lý và linh đạo. Nội dung chúng có vẻ cồng kềnh với những khái niệm chuyên về luật, đầy dẫy những nét tinh tế ngả chiều về khuynh hướng giải nố lương tâm. Cho nên chúng không thể được coi là nền thần học luân lý mang tính chất đức ái được.

c. Những khuôn mặt nổi tiếng trong lĩnh vực này tiêu biểu có Hermann Busenbaum (1600-1668) với tác phẩm Medulla Theologiae Moralis (1650). Chính tác phẩm này sau đó lại trở thành điểm xuất phát cho thần học luân lý của Thánh Anphong Liguori.

d. Trong tập Ratio Studiorum của mình, dòng Tên phân biệt Cursus Major đề cập đến những nền tảng tổng quát của luân lý (ngày nay ta gọi là luân lý cơ bản) trong đó đề mục các mối phúc và ân sủng không còn được đề cập đến nữa. Kế đến là Cursus Minor quan tâm hơn đến phần luân lý chuyên biệt. Chính Cursus Minor này đưa đến sự xuất hiện những tập Institutions Morales như vừa nói ở trên. Người ta gọi những tập sách này là nền luân lý luật lệ dựa trên 4 khái niệm cơ bản sau đây:

– Trước tiên con người được hưởng sự tự do chứa đựng việc thực hành ý chí.

– Kế đến là lề luật đối diện với tự do và giới hạn tự do từ bên ngoài (nghĩa là ngoài những gì mà lề luật cấm thì tất cả đều được phép), lề luật can thiệp với sức mạnh của những nghĩa vụ và cố tạo nên một mạng lưới chặt chẽ với những giới hạn luật và những điều cấm kỵ để hướng dẫn lương tâm.

– Còn tội lỗi xuất hiện như một sự vi phạm lề luật là cái đã đưa ra những giới hạn cho phép hay cấm kỵ. Cho nên tòa giải tội lại trở thành nơi quan trọng cho việc suy tư về luân lý.

– Chính vì thế mà mọi chú tâm của các thần học gia đều tập trung vào lương tâm được trình bày cách mới lạ gồm 3 đợt như sau:

+ Lương tâm bắt đầu với sự nhận biết lề luật.

+ Kế đến nó áp dụng vào những hoàn cảnh đặc thù.

+ Cuối cùng lương tâm phán đoán về hành vi và về con người liên quan đến hành vi đó.

VIII. CUỘC KHỦNG HOẢNG TRONG HAI THẾ KỶ XVII – XVIII VÀ THÁNH ANPHONG LIGUORI

Trong khoảng thời gian này xuất hiện những trường phái liên quan đến vần đề lương tâm:

1. a. Phóng thứ thuyết (Laxisme) và Nghiêm nhặt thuyết (Rigorisme)

b. Cái nhiên thuyết (Probalisme) và Cánh trị nhiên thuyết (Probaliorisme)

c. Thánh Anphong Ligôri (1696-1787)

Thánh nhân được Giáo hội tôn kính như quan thầy của thần học luân lý và của các vị giải tội. Công việc và sự đóng góp của ngài cho nền thần học luân lý được đánh giá cao khi người ta quan tâm đến hoàn cảnh Giáo hội và xã hội thời của ngài, trong đó thánh nhân nỗ lực đem lại cân bằng cho thần học luân lý và đấu tranh chống lại thuyết Jansénisme. Ngài lưu tâm đến những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người nghèo, những người bị bỏ rơi và những người bị áp bức. Sứ điệp chính yếu của thánh nhân đó là: “Công trình cứu độ với Chúa thì dư dật”.

Khi bắt đầu viết sách, ngài không chủ ý đưa ra một nền thần học luân lý hệ thống cho mọi thời đại, nhưng chỉ thúc đẩy do lòng nhiệt thành mục vụ mà thôi. Vào thời đấy, cái nhiên thuyết bị ghi ngờ, đang khi đó ngài được một tu sĩ dòng Đaminh theo Cánh trị nhiên thuyết giảng dạy. Nhưng khi ngài hiến cuộc đời mình cho người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội thì ngài thấy Cánh trị nhiên thuyết không phù hợp với mục đích của mình, nên ngài ngả theo Cái nhiên thuyết nhưng đồng thời lưu tâm đến những hoàn cảnh trong Giáo hội và ngài gọi lập trường này là Đồng cái nhiên thuyết (Aequiprobabilisme). (xin xem chương Lương tâm, phần VI, trg 251-252)

* Dù được cảnh báo từ nhiều phía, nhưng thánh nhân vẫn cương quyết dạy rằng các vị giải tội không nên gây bối rối cho những lương tâm ngay lành của hối nhân bằng việc quy chiếu về lề luật (tự nhiên, Giáo hội, dân sự) khi vị giải tội thấy trước hối nhân không thể tiếp thu được những luật này.

– Thần học luân lý của thánh nhân giúp cho các vị giải tội huấn luyện lương tâm trưởng thành và an bình cho người ta, đừng đưa hối nhân vào những lo âu không cần thiết.

Nhìn toàn bộ nền luân lý do thánh Anphong đề xướng, ta thấy ngài chủ trương khảo sát những hoàn cảnh cụ thể của hành vi luân lý luôn thắng thế đối với việc áp dụng cách máy móc một hệ thống, cho dù hệ thống ấy có chính đáng mấy đi chăng nữa. Ngài quả là một nhà giải nố lương tâm, nhưng theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này: ngài được phú bẩm tính thận trọng trong việc phân định các nố lương tâm.

– Những tác phẩm luân lý của ngài trở thành loại sách kinh điển trong thời của ngài:

+ “Theologia moralis”, đây là tác phẩm chính đề cập đến mọi vấn đề luân lý, xuất bản 1748 và tính đến nay đã được tái bản hơn 70 lần.

+ “Homo apostolicus” nói về các nguyên tắc lý thuyết và thực hành dành cho các vị giải tội. Có lẽ đây là tác phẩm hoàn hảo nhất của ngài và được tái bản hơn 118 lần.

+ “Confessor of Country People” chống lại khuynh hướng coi các vị giải tội như một quan tòa xét xử và nhấn mạnh vai trò đầu tiên của các vị giải tội là làm cho tình yêu thương xót của Chúa Cha trên trời trở nên hữu hình như Đức Giêsu đã từng làm.

+ “The art of Loving Jesus Christ”. Đây là loại thần học luân lý cho dân dã cũng như cho linh mục, trong đó trình bày bộ mặt đích thực của tình yêu và những áp dụng của tình yêu theo hình thức chú giải chương 13 trong thư I Corintô.

IX. THẾ KỶ XIX VỚI TRÀO LƯU HIỆN ĐẠI

Cách trình bày Thần học luân lý của hai thế kỷ XVII và XVIII với khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa và những công thức quá thiên về luật pháp gây ra những cuộc tranh cãi triền miên giữa các trường phái khác nhau. Hình như điều này đã không đủ sức giúp cho các tín hữu đứng vững trước sức công phá của thuyết Duy lý (Rationalisme).

Vào thời điểm này, các đại học ở Đức nỗ lực một cách có khoa học và hệ thống canh tân lại môn thần học luân lý, với một lý do rất đơn giản là ở môi trường đại học các phân khoa thần học được hưởng một sự tự do nhiều hơn các vị giảng dạy tại các chủng viện. Bấy giờ các Thần học gia tại đại học Tubingen họ cho rằng cần phải trình bày lại thần học luân lý theo một cách khác, nghĩa là phải xây dựng một hệ thống suy tư, trong đó trình bày được lý tưởng của toàn bộ đời sống Kitô giáo và đưa ra những điểm có thể thực hiện được cách tiệm tiến. Đường hướng này dựa trên Tin mừng, cho nên loại ngôn ngữ mang tính pháp lý không còn thích hợp nữa. Nói thế không có nghĩa là trường phái này coi thường lề luật trong Giáo hội, nhưng dụng tâm của họ là đưa ra cho được tinh thần Kitô giáo đích thực, và mọi lề luật cũng phải lệ thuộc vào tinh thần này.

1. Jean Michel Sailer (1751-1832)

Với tác phẩm nhan đề : “Cẩm nang luân lý Kitô giáo cho những mục tử tương lai coi sóc các linh hồn, nhưng cũng cho các Kitô hữu có học thức nữa”. Đây được coi như quyển sách nhập môn vào đời sống thiêng liêng, trong đó ông trình bày tổng quát về đời sống Kitô hữu, chứ không dừng lại ở những lời khuyên thực hành, để giúp tiến tới trên con đường nhân đức. Vì ông nhấn mạnh đến sự xác tín sâu xa nơi nội tâm con người về những điều Thiên Chúa và Hội thánh buộc. Cho nên người ta coi đây như một loại “Theologia cordis”.

Ông nhấn mạnh người tín hữu phải trung thành cách sáng tạo và ngay thẳng trong việc đáp lời Thiên Chúa, và việc làm môn đệ Chúa và tình yêu đối với Ngài như là một lời đáp trả trọn gói đối với Thiên Chúa.

Chương trình và dự định của ông là xây dựng lại toàn bộ việc giảng dạy đời sống Kitô giáo và trình bày có hệ thống mục tiêu toàn hảo của đời sống này. Trung tâm của nền thần học này là sựhoán cải. Ông còn nhấn mạnh đến việc sử dụng và khai triển những ơn huệ Chúa ban cho từng người và tinh thần liên đới để xây dựng Nhiệm thể  Chúa Kitô.

Với tinh thần sáng tạo và sự trung thành với Giáo hội như thế thì hầu như khó có thể tin được ông cũng phải chịu đau khổ trong Giáo hội và ngay cả một vài vị thánh thời ấy cũng tố cáo ông là một thần học gia gây tranh cãi và đáng nghi ngờ.

* Nhưng cuối cùng Giáo hội vẫn chấp nhận ông và bổ nhiệm ông làm Giám mục Ratisbonne.

2. JB. Hirscher (1788-1865)

Ông trình bày toàn bộ việc giảng dạy luân lý Kitô giáo dựa trên Tin mừng Nhất Lãm với việc thực hiện Nước Thiên Chúa ở trần thế này. Tuy không sâu sắc bằng Sailer là người ông kính trọng, nhưng với lối nhìn sâu sắc, nhận xét tâm lý tinh tế, lý luận xác đáng, ông đã đưa thần học luân lý đến những viễn tưởng rộng mở. Ở tư thế khai phá như thế, ông chấp nhận những phê bình và cải thiện học thuyết mình trong mọi lần tái bản. Cho nên ông đã được cả hai giới Công giáo và Tin Lành đón nhận.

* Nhưng trong một cuốn sách của mình có lần ông đã phê bình phương pháp của trường phái Tân kinh viện thì ngay sau đó quyển sách đó bị liệt vào mục sách cấm ngay (Index) và ông bị mất giá đối với giới Công giáo và cả sự tự tin nữa, cho dù ông rất lương thiện và trung thành với Giáo hội. Tác phẩm chính của ông là “Die Christliche Moral…” (1835).

3. Một số tác giả thuộc trường phái này

Điển hình là Moehler đặt nền tảng luân lý Kitô giáo trong việc Thiên Chúa ban ân sủng như lời mời gọi đến cuộc sống hoàn thiện. Ông coi việc hoán cải cũng như sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng như nguyên lý của cuộc sống luân lý. Đây là một nền luân lý mang tính năng động với việc người tín hữu hành xử tự do của người con cái Chúa trong cuộc chiến giữa ơn Chúa và những thế lực tội lỗi.

4. FX. Linsenmann (1835-1898)

a. Ông này được coi như người tiếp nối nổi bật đường hướng của Sailer và Hirscher đã đề xướng. Ông khảo cứu rất nhiều những vấn đề nền tảng liên quan đến tự do và lề luật. Lấy ý từ tư tưởng của thánh Phaolô ông đã viết tác phẩm “Recherches sur la Doctrine de la Foi et de la Charité” trong đó ông chủ trương lấy tự do của con cái Thiên Chúa chống lại khuynh hướng pháp lý hóa thần học luân lý. Ông nhấn mạnh nghĩa vụ hàng đầu của thần học luân lý là tỏ cho thấy sự tự do kết hợp với Thiên Chúa ở trong lãnh vực lời khuyên, cho dù vẫn thừa nhận các nố lương tâm và việc qui chiếu vào lề luật. Nhưng ông cho rằng thần học luân lý chỉ liên quan đến những luật cấm thì nghèo nàn và vô ích: “Chỉ một phần nhỏ của điều tốt được ta mong đợi là bị giới hạn bởi lề luật. Còn lãnh vực bao la của hoạt động luân lý của sự tự do lại mở rộng trước chúng ta” (x. Tubinger Theol. Quartalschrift, số 54 (1872), trang 45).

b. Nhiệm vụ chính yếu của thần học luân lý là phát hiện ý nghĩa sâu xa hơn của sự tự do như việc theo Đức Kitô dưới ân sủng của Thánh Thần. Ông luôn nhấn mạnh đến giá trị mang tính qui luật của việc hoán cải.

* Lập trường linh hoạt của ông đã không được nhìn nhận vì không phù hợp với bầu không khí tĩnh của Giáo hội thời sau Vatican I, bởi vì lúc đó nhiều người Kitô hữu và ngay cả thánh bộ cũng chống lại mọi thay đổi coi đó như tội lỗi và nguy hiểm.

X. THẾ KỶ XIX VỚI CUỘC CANH TÂN TRƯỜNG PHÁI THOMISME; DI SẢN CỦA THÁNH ANPHONG VÀ NHỮNG SÁCH THIẾT LUẬT LUÂN LÝ

1. Song song với cuộc canh tân thần học luân lý ở Đức, ta có thể thấy các thần học gia của trường phái Thomisme tuy trình bày lề luật và nghĩa vụ trong đời sống Kitô giáo mang tính chất tĩnh hơn trường phái ở Tubigen, nhưng dầu vậy họ tránh được nguy cơ của khuynh hướng giảm thiểu lề luật cách tối đa. Có hai gương mặt tiên biểu cho trường phái này đó là:

a. Joseph Mausbach (1861-1931) với tác phẩm nhan đề “La théologie morale catholique” (1915-1918), ông chủ trương: “Vinh danh Chúa” là qui luật tối thượng cho phong hoá và đạo đức. Kế đó sự hoàn thiện của hữu thể là đối tượng của luân lý Kitô giáo.

b. Người thứ hai là Otto Schilling. Ông này chống lại chủ nghĩa duy tĩnh (statisme) và duy luật của luân lý “cổ điển”. Trong tác phẩm “Théologie morale” (1922) cho thấy ông tiếp tục nỗ lực của trường phái Tubinge nhưng cơ bản vẫn theo tinh thần của thánh Toma và Anphong. Ông đề cao vai trò năng độnghơn của các nhân đức và nhấn mạnh đến Đức Ái như nguyên lý của thần học luân lý.

2. a. Mãi đến năm 1832 ảnh hưởng của thánh Anphong mới du nhập vào nước Pháp với gương mặt Gousset, sau đó trở thành Hồng Y Tổng Giám Mục thành Reims. Ngài viết hai tác phẩm. Quyển thứ nhất nhan đề “Justification de la théologie morale du B. Anphong Liguori”, và quyển thứ hai rất nổi tiếng trình bày học thuyết của thánh Anphong với tựa đề “Théologie morale à l ùusage des curés et des confesseurs” (1844) gồm hai tập.

b. Ngoài ra cũng còn phải kể đến những lập trường theo chiều hướng mục vụ- giáo luật, nghĩa là đặt vấn đề cuộc sống hiện tại theo như giáo luật đòi hỏi với Noldin và Tanquerey theo Cái nhiên thuyết, hay so với Merkelbach và Prummer OP. theo Cánh trị nhiên thuyết, hay với J. Aertnys và C. Damen Cssr. theo Đồng cái nhiên thuyết.

XI. CÓ CẦN PHẢI CANH TÂN NỀN THẦN HỌC LUÂN LÝ?

THỬ NGHIỆM CỦA TILLMANN

1. Trước tiên có những tác giả thử nghiệm

Như Georges Leclercq với “La conscience chrétien” (1946), Gérard Gilleman SJ. với “Le Primat de la charité en théologie morale”, Jacques Leclercq với “L’enseignement de la morale chrétienne” (1949), Dom Lottin với “Morale fondamentale” (1954). Những tác giả này đã làm một phác họa cho hướng giải quyết.

2. Nhưng phải nhắc đến F. Tillmann

Là nhà chú giải Kinh thánh người Đức, cho nên những tác phẩm của ông đều dựa trên Kinh thánh. Các tác phẩm nhan đề “Idée de L’imitation du Christ”, “Epanouissement de l’imitation du Christ” và đặc biệt quyển “Manuel de morale catholique” của ông được mọi người nồng nhiệt đón nhận. Ông chủ trương một nền thần học luân lý Đức Ái Kitô giáo, thần học luân lý dựa trên bài giảng trên núi coi như bắt buộc đối với mọi tín hữu. Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi theo sát Đức Giêsu Kitô.

3. Théodore Steinbuchel (1888-1949)

Nhấn mạnh đến tính cách hiện thời của phán đoán luân lý trong hoàn cảnh cụ thể và dưới tác động của ân sủng. Bởi vì có những lãnh vực thoát khỏi tay của luật lệ thành văn thì khi ấy chỉ còn những đòi hỏi của ân sủng và tình yêu mà thôi.

4. Sau cùng là Bernard Häring Cssr.

Với bộ sách nhan đề “La Loi du Christ” gồm 3 quyển, trong đó ông muốn tổng hợp những khuynh hướng muốn trình bày thần học luân lý Kitô giáo theo một cách thức mới dựa trên Kinh thánh và Triết học.

XII. NHỮNG HƯỚNG MỞ CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Không có bản văn Công đồng nào bàn công khai đến vấn đề luân lý và người ta cũng không thể tìm thấy nơi Công đồng một trình bày đầy đủ và có cấu trúc về luân lý Kitô giáo. Tuy nhiên một vài bản văn Công đồng được coi như những chỗ mà những ai quan tâm đến nền luân lý Kitô giáo phải ưu tiên qui chiếu đến.

– Hiến chế Gaudium et Spes (1965) được coi như bản văn bàn về luân lý cách ý nghĩa nhất.

– Hiến chế Lumen Gentium.

– Sắc lệnh Optatam Totius về việc huấn luyện các linh mục.

– Tuyên ngôn Nostra Aetate (1965) về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

1. Những đổi mới của Công đồng về môn Luân Lý

Có một vài viễn tượng được Công đồng phác thảo như những hướng mở không thể chối cãi được.

a. Thần học luân lý phải có tính chất khoa học hơn (x. Optatam totius số 16): với một hiểu biết tốt hơn về khoa chú giải đương thời, về truyền thống luân lý, về diễn biến những ý niệm luân lý qua các thế kỷ trước đây, về thế giới hiện nay, để luân lý có thể gần gũi với “thế giới” này hơn.

b. Làm sống lại khuynh hướng khẳng định con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa (đây là điều bị lãng quên trong các thủ bản luân lý từ thế kỷ XVI) với một nền nhân học trong hiến chế Gaudium et Spes  số 12).

c. Một nền thần học luân lý đáp lời trước sáng kiến của Thiên Chúa, nhằm cho phép người tín hữu họa lại hình ảnh của Thiên Chúa. Việc bắt chước Thiên Chúa và tháp nhập vào Ngài được gọi là đồng nhất hóa (indentification) với Chúa được thực hiện đưới tác động của Thánh Thần.

d. Công đồng phác họa những nét lớn về một nền “luân lý nhân vị”, (người ta vẫn thường nói đến thuyết nhân vị (personnalisme) của Công đồng.

– Vì được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa nên nhân vị được hưởng một phẩm giá nội tại, phẩm giá này bao gồm thân xác, lý trí, lương tâm (GS số 14,15,16), sự tự do của mỗi người (GS số 17); Dignitatis Humanae (số 3). Tất cả những thứ đó tạo nên nơi con người một mầm mống vĩnh cửu (GS số 18.1).
Ngoài ra còn có một sự giống nhau nào đó giữa sự kết hiệp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với tình huynh đệ giữa con người với nhau (GS số 24,3). Trong một thời đại thiên về cá nhân chủ nghĩa, việc nhấn mạnh đến nhu cầu con người cần đến đời sống xã hội được coi như điểm mới mẻ nhất của Công đồng.

– Con người chỉ thực hiện được tình huynh đệ trên khi tham dự vào cuộc sống xã hội, và thái độ tận tâm với công ích. (GS số 27). Công đồng còn đề cập đến công bằng xã hội, sự tôn trọng con người và sự bình đẳng giữa con người với nhau. (GS. số 27, 29, 51).

– Công đồng nhấn mạnh đến tình liên đới với nhau. Đây được coi như đòi hỏi trực tiếp của tình huynh đệ nhân bản và siêu nhiên.

2. Còn một vài điểm còn được tranh cãi, chưa nhất trí hoàn toàn với nhau về những vấn đề được nêu ra trong Công đồng

a. Theo nhiều nhà chú giải có thể cho rằng Công đồng khẳng định một thần học luân lý Qui Kitô (christo-centrique).

b. Vấn đề thứ hai gay cấn hơn: người ta cho rằng Công đồng nói rất quá ít về luật tự nhiên, hầu như là bỏ rơi truyền thống. Nhưng sau Công đồng, khi Thông điệp Humanae Vitae lại trưng dẫn luật tự nhiên thì lại bị người ta cho là phản bội. Từ đó gây ra sự bất đồng ý kiến trong nội bộ Giáo hội Công giáo. Nhưng thực ra Công đồng cũng đề cập đến luật tự nhiên trong các văn kiện của mình (x. Gs số 16,74 và 89).

XIII. KHUÔN MẶT MỚI CỦA THẦN HỌC LUÂN LÝ THEO SÁCH GIÁO LÝ CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Trước khi ấn hành, thì bản dự thảo bộ sách này được gởi đến các giám mục trên toàn thế giới. Nhưng có một sự kiện chung ai cũng biết là phần bị phê bình gay gắt nhất lại là phần luân lý và các giám mục đã gởi về ủy ban soạn thảo 9.000 modi để duyệt xét lại. Sự kiện nổi bật thứ hai là khi phát hành thì phần được mọi người trên thế giới chú ý nhất cũng lại là phần luân lý, vì người ta muốn biết xem Giáo hội hiện nay nghĩ gì về những điểm luân lý nóng bỏng mang tính thời sự liên quan đến giới tính, gia đình, chính trị, chiến tranh, hòa bình, công việc làm ăn.

1. Một kiểu mẫu mới trong cách trình bày

Khi trả lời bản tham khảo ý kiến, thì các giám mục cho là việc trình bày luân lý khởi đi từ bảng danh sách 10 giới răn là không hợp thời và các chuyên gia đề nghị ủy ban soạn thảo những kiểu trình bày khác như nói về các mối phúc và các nhân đức. Nhưng Đức Hồng y chủ tịch J. Ratzinger, bây giờ là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, đã chặt ngang và nói phải tiếp tục trìnhbày luân lý khởi đi từ Thập Giới.

Tuy nhiên sau đó lại thấy xuất hiện có hai sửa đổi:

a. Điểm thứ nhất: là mỗi giới răn sau khi trình bày đều được giải thích bằng các nhân đức. Ta có thể nói phớt qua ở đây: giới răn thứ nhất nhắc đến các nhân đức đối thần; giới răn thứ tư được lý luận xoay quanh những nhân đức liên quan đến đời sống gia đình và đời sống chính trị; giới răn thứ năm được trình bày khởi đi từ những nhân đức yêu thương bản thân mình với việc bảo vệ chính đáng và kính trọng nhân phẩm con người; giới răn thứ sáu xoay quanh trục các nhân đức liên quan đến sự khiết tịnh; giới răn thứ bảy bao gồm phần lớn những nhân đức liên quan đến công bình; tôn trọng của cải người khác, tôn trọng sự toàn vẹn của công trình sáng tạo, liên đới giữa con người với nhau, lòng yêu thương người nghèo; giới răn thứ tám nói đến việc ứng dụng nhân đức chân thực; giới răn thứ chín bàn về sự trong sạch trong tâm hồn và giới răn thứ mười khai mở hướng về sự nghèo khó trong tâm hồn.

b. Điểm sửa đổi thứ hai: mang tính quyết định hơn, đó là canh tân lại toàn bộ luân lý tổng quát khởi đi từ những trực giác của Vatican.

2. Các Chuyên gia

a. Cố gắng đưa ra một cái nhìn tổng hợp liên kết, hài hòa và kính trọng giữa những điều thủ đắc trong luân lý Kitô giáo và những điều đổi mới do Công đồng đem lại. Họ triển khai một kiểu mẫu mới cho nền luân lý công giáo.

b. Sách Giáo lý công giáo lấy lại truyền thống với hai con đường: Con đường dẫn đến sự sống và con đường dẫn đến sự hư mất, mà con người phải chọn lựa. Con người không thể chọn thế đứng ở giữa hay thái độ thờ ơ trong luân lý (indifférentisme moral) vì đây là vấn đề sinh tử nên con người phải chọn lựa dứt khoát. Cho nên phần đầu mới có nhan đề: “Ơn gọi của con người: cuộc sống trong Thánh Thần”.

c. Nhưng ơn gọi này trước tiên không phải là tổng hợp các luật lệ nhưng nằm trong chính bản thân con người và làm cho con người có một phẩm giá có một không hai trong các loài tạo vật hữu hình. Con người có phẩm giá nơi chính bản thân mình, cho nên chương I của phân đoạn nhất mang tựa đề: “Phẩm giá con người”.

3. Thần học luân lý tổng quát theo sách Giáo lý đó là “Cuộc sống trong Đức Kitô”

a. Phẩm giá con người (chương 1)

Phẩm giá con người có hai nguồn mạch :

– Vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

– Con người được mời gọi hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế luân lý trước tiên không phải là lãnh vực nghĩa vu,ï nhưng là lãnh vực ước ao, nó giống như một nền sư phạm về hạnh phúc.

Con người phải thực hành những phương thế để nhờ đó trở thành nghệ nhân cho chính định mạng của mình. Những phương thế đó là:

– Sự tự do với tinh thần trách nhiệm.

– Những hành vi và những đam mê làm nên cuộc sống.

– Lương tâm cho phép nhận định xấu tốt, đánh giá trị sự lựa chọn và những hành vi của mình.

– Những nhân đức hoặc do thủ đắc được (nhân đức luân lý) hay do thiên phú (nhân đức đối thần) nó cho phép ta đi từ tình trạng tiềm năng đến điêu luyện đó là sống hòa điệu với tác động của Thánh Thần.

Chính phẩm giá này làm cho hành vi nhân linh mang một chiều kích bi kịch. Nó thúc đẩy con người đáp lời ơn gọi của mình hay chống lại, và tội lỗi trở thành bộ mặt tăm tối của phẩm giá con người.

b. Phẩm giá con người trong mối tương quan với tha nhân (chương 2)

Phần này trung thành lặp lại chương nhất và hai của Hiến chế Gaudium et Spes.

– Con người cần đời sống xã hội, đây được coi như đòi hỏi của bản tính con người.

– Phẩm giá con người làm cho ta có khả năng tham dự vào đời sống xã hội, và thi hành tính hữu trách về chính trị lẫn kinh tế cũng như hoạt động cho công ích.

– Phẩm giá con người tạo nên sự công bằng xã hội : gồm quyền con người, sự bình đẳng giữa con người với nhau, sự liên đới với nhau.

c. Bước đầu rèn luyện phẩm giá con người

– Con người buộc phải có chương trình luân lý để đạt đến tầm cao của phẩm giá của mình.

– Nỗ lực trên vượt quá sự hiểu biết và ý chí của con người, nên Thiên Chúa giáo dục con người bằng lề luật của Ngài và công chính hóa con người bằng ân sủng của Ngài.

– Đến đây ta thấy rõ vai trò của Giáo hội trong đời sống luân lý. Giáo hội giải thích lề luật (vai trò của Huấn quyền) phân phát ân sủng của Chúa trong các Bí tích và lời cầu nguyện của mình. Người Kitô hữu học hỏi mẫu gương thánh thiện nơi Giáo hội.