Vài cảm tưởng chung quanh các bài suy niệm của Cha Timothy Radcliffe

0
1295

Vài cảm tưởng chung quanh các bài suy niệm của Cha Timothy Radcliffe

trong ba ngày tĩnh tâm chuẩn bị Thượng hội đồng giám mục khóa XVI thường lệ

(Fano, từ  ngày 1 đến 3 tháng 10, năm 2023)

Phan Tấn Thành

Thượng hội đồng giám mục năm 2023 có nhiều cái bất thường, một trong số đó là cuộc tĩnh tâm ba ngày trước khi bắt tay vào việc: chuyện này chưa từng xảy ra! Các bài tĩnh tâm được giao cho Timothy Radcliffe O.P., nguyên bề trên tổng quyền Dòng Đaminh (1992-2001) đảm trách. Các bài suy niệm này đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Tôi xin mạn phép ghi nhận vài cảm tưởng, đặc biệt dành cho những ai không quen với tổ chức của Dòng Đa Minh. Tôi xin chia bài này làm ba phần: 1/ Từ ngữ; 2/ Não trạng; 3/ Nội dung các bài suy niệm.

I. Từ ngữ

Từ mấy năm qua, các văn bản của Hội đồng giám mục Việt Nam dịch synodality là “hiệp hành”. Đến lúc họp Synod thì lại gọi nó là  “Thượng hội đồng”.  Điều trớ trêu là Synod lần này bàn về synodality  mà dịch là “Thượng hội đồng bàn về tính hiệp hành” thì quả là chẳng ăn khớp với nhau! Vì thế, hoặc là phải đổi “hiệp hành” hoặc là phải đổi “Thượng hội đồng”, làm sao cho thấy có sự tương ứng với nhau.

Theo tôi nghĩ, dịch synodality là “hiệp hành” là không chuẩn, bởi vì “hành” có thể hiểu là “đi” (bộ hành, hành trang, lữ hành), mà cũng có thể hiểu là “làm” (hành động, thi hành, thực hành). Thiết tưởng nên dịch là “hiệp nghị”  thì đúng hơn (nghị là bàn luận; “hội nghị” là họp bàn,  để đưa đến “quyết nghị”). Như vậy synodus episcoporum (Giáo luật đ.342) sẽ dịch là “Hiệp nghị các giám mục”, còn synodus diocesana (Giáo luật đ.460) sẽ dịch là “Hiệp nghị giáo phận”.

II. Não trạng

Trên thực tế, theo ý Đức Thánh Cha Phanxicô, khóa họp lần này nhằm thay đổi một não trạng, ngõ hầu khám phá rằng bản chất của Giáo hội là synodalitas, nghĩa là có sự tham gia của tất cả các phần tử, chứ không phải chỉ tùy thuộc vào sự điều hành của các cấp lãnh đạo. Sự khó khăn của việc thay đổi não trạng nằm ở chỗ làm thế nào gây được ý thức về sự cần thiết phải lắng nghe nhau, bàn thảo với nhau. Đây là một điều cực kỳ khó khăn, bởi vì đã bị lãng quên từ nhiều thế kỷ rồi, trong đời sống Giáo hội, cũng như trong đời sống các Dòng tu.

A. Trong đời sống Giáo hội

Vào các thế kỷ đầu, các giám mục họp nhau thường xuyên. Thế nhưng, các cuộc họp ấy trở nên thưa dần, rồi bỏ luôn. Nên biết là những cuộc họp này không chỉ là “gặp gỡ thân hữu”, mà còn đi đến các quyết nghị lập pháp. Vài thí dụ.

1/ Công đồng giáo tỉnh

Ngay từ thế kỷ III, các Giám mục thuộc cùng giáo tỉnh đã quen gặp nhau trong các “công đồng” (concilium, synodus) để cùng nhau giải quyết những vấn đề chung. Tập tục ấy trở thành luật pháp khi công đồng Nicea I (325) truyền các công đồng giáo tỉnh phải họp mỗi năm hai lần, vào đầu mùa Chay và mùa thu. Tổng Giám mục có bổn phận phải triệu tập, và các Giám mục có nghĩa vụ phải tham dự nếu không thì sẽ mắc vạ tuyệt thông. Những vấn đề thường đem ra bàn thuộc phạm vi kỷ luật, phụng vụ địa phương, chuẩn nhận các cuộc bầu cử Giám mục, thành lập giáo phận, vân vân. Thế nhưng, theo dòng thời gian, hạn kỳ nhóm họp được từ từ giãn ra. Mặc dù công đồng Calxêđonia (451) lặp lại lệnh truyền họp mỗi năm hai lần như Nicêa,  nhưng sang thế kỷ sau, Adge (505), Toledo (589) chỉ buộc mỗi năm một lần. Trong suốt thời Trung cổ, hạn kỳ mỗi năm một lần còn được công đồng Laterano IV (1215) nhắc lại, nhưng công đồng Constanza (1414-18) và Trento (1542-63) kéo dài ra ba năm. Sang thế kỷ XIX, công đồng Vaticanô I cho phép 5 năm mới họp, và bộ giáo luật 1917 còn rộng hơn nữa: 20 năm. Bộ giáo luật hiện hành lại càng lỏng lẻo: chừng nào đa số các Giám mục của giáo tỉnh xét là thuận lợi (đ.440 §1). Nói thế thì cũng hầu như khai tử cho định chế này vậy

2/ Công nghị giáo phận

Chúng ta không rõ nó ra đời từ hồi nào. Công nghị sớm nhất được chứng tích lịch sử lưu lại là Auxerre vào năm 585. Công nghị truyền rằng mỗi năm các linh mục phải tụ họp vào tháng 5 để tìm cách thực thi các nghị quyết của công đồng giáo tỉnh và để báo cáo cho Giám mục về tình hình của giáo phận. Tưởng nên ghi nhận là các hội nghị lập pháp trong Giáo hội bên Tây phương thường mang danh là concilium (công đồng), thế nhưng không hiểu vì lý do gì các tài liệu cổ đã gọi các hội nghị giáo phận là synodus (công nghị). Trong thời Trung cổ, các công nghị thường họp hằng năm, mỗi lần kéo dài chừng ba bốn ngày, và đã có những quyển nghi thức về cách cử hành (Pontificale Romanum. Ordo ad Synodum) được phát hành. Mục tiêu của công nghị có tính cách kỷ luật: thi hành các nghị quyết của các công đồng chung hay công đồng giáo tỉnh, sửa phạt các vi phạm giáo luật. Công đồng Laterano IV (1215) đã buộc cử hành công nghị giáo phận hằng năm. Hạn kỳ ấy vẫn còn được duy trì bởi công đồng Trentô (Sắc lệnh cải tổ, khóa 24, 1563), vì nhận thấy tầm quan trọng của nó trong việc chấn hưng Giao hội. Thánh Carôlô Borrômêô nổi tiếng về việc tổ chức các công nghị giáo phận. Nhằm giúp cho các Giám mục biết phương cách thực thi quyết nghị của công đồng, ĐTC Bênêđictô XIV đã viết một tác phẩm tựa đề De Synodo dioecesana xuất bản tại Rôma năm 1748. Tuy nhiên với thời gian, nhiều giáo phận tỏ ra lơ là với việc tổ chức công nghị; đàng khác các Giám mục cũng không muốn triệu tập thường xuyên vì e sợ ảnh hưởng của thuyết chủ-công-đồng (conciliarismus) đặt hội nghị lên trên Giám mục. Vào hồi công đồng Vaticano I, một số giám mục đã đề nghị họp ba năm một lần, nhưng công đồng chưa có dịp xét tới. Bộ giáo luật 1917 kéo dài thời hạn triệu tập ra mười năm, nhưng trên thực tế không được tuân giữ cho lắm. Một thí dụ cụ thể là chính giáo phận Rôma mãi tới năm 1959 mới mở công nghị, (nghĩa là hơn 40 năm sau khi bộ luật được ban hành). Điều 461 của bộ giáo luật hiện hành thì để tùy cho Giám mục xét, sau khi đã bàn hỏi với Hội đồng linh mục. Với lối hành văn co dãn như vậy, ắt là công nghị giáo phận dần dần sẽ được khai tử. Thử hỏi: xưa nay ở Việt Nam có bao nhiêu giám mục triệu tập công nghị?

3/ Các công đồng hoàn vũ

Chỉ cần đối chiếu vài con số thì đủ rõ.  Thời trung cố, một thế kỷ 3 công đồng . Thế kỷ XII: Latêranô I (1123); Latêranô II (1139); Latêranô III (1179). Thế kỷ XIII: Latêranô IV (1215); Lyon I (1245); Lyon II (1274). – Thời  cận đại, 3 thế kỷ một công đồng: từ  Trentô (1545-63) đến Vaticanô I (1869-70).

B. Đời sống các Dòng tu

Chỉ xin lấy thí dụ từ Dòng Đa Minh để đối chiếu. Trong các thế kỷ đầu tiên, các tổng tu nghị họp hằng năm, (vào ngày thứ hai sau lễ Hiện Xuống), đang khi dòng Phan-sinh 3 năm mới họp một lần. Vào thời ấy, bề trên tổng quyền không có nhiệm kỳ, nhưng có thể từ chức hoặc bị bãi chức. Từ năm 1368, nhịp độ các khóa họp tăng lên hai năm, và qua năm 1553, tăng lên ba năm (được Giáo hoàng Julius II chấp thuận); năm 1635 Giáo hoàng Urbano VIII cho giãn ra sáu năm, nhưng đến năm 1679, giáo hoàng Innocentê XI truyền trở lại ba năm, và điều này vẫn còn hiệu lực cho đến nay. Duy có điều là đức Piô IX ấn định nhiệm kỳ tổng quyền là 12 năm (chứ không vô hạn như trước). Vì thế thứ tự các khóa họp sẽ là: a) bầu cử  (giám tỉnh và đại biểu họp chung); b) đại biểu; c) giám tỉnh; d) đại biểu. Năm 1974, nhiệm kỳ tổng quyền giảm xuống còn 9 năm, và thứ tự xếp lại như sau: a) bầu cử (giám tỉnh và đại biểu họp chung); b) đại biểu; c) giám tỉnh.

Để thấy rõ nét đặc sắc của dòng Đa Minh, ta hãy đối chiếu với các dòng được thiết lập vào thời cận đại.

  • Dòng Tên chỉ còn tổng hội (gọi là congregatio generalis) được triệu tập khi nào cần bầu tổng quyền. Các cuộc họp khác (tổng hội hoặc tỉnh hội) bị dẹp vì tốn kém và mất thời giờ!
  • Các dòng tu với lời khấn đơn (được thành lập do sắc lệnh bộ tu sĩ năm 1901) còn phân biệt hai loại tổng tu nghị: a) bầu cử; b) bàn việc. Tổng tu nghị “bầu cử” thì bắt buộc phải có; còn tổng tu nghị “bàn việc” thì để tùy luật riêng.
  • Trên thực tế, hiện nay, trong các dòng tu, các tổng tu nghị chỉ họp nhau để bầu bề trên tổng quyền; và có nghĩa là 4 hay 6 năm mới họp một lần.

Tóm lại, khuynh hướng chung của Giáo hội và của các Dòng tu là ngại “hiệp nghị”, tránh các buổi hội họp bao nhiêu có thể. Vì thế, đến lúc “bất đắc dĩ” phải gặp nhau, thì họ cảm thấy nhiều lúng túng. Thiết tưởng đó là một não trạng mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn thay đổi. Các bài suy niệm của cha Timothy Radcliffe được soạn theo hướng đó. Chúng ta cần gặp gỡ nhau, kể cả cãi nhau mà chẳng đưa đến kết luận nào! Điều cần là làm thế nào nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện trong cuộc cãi nhau đó! Thật vậy, các hiệp nghị của chúng ta không giống như các buổi họp chính trị, dựa trên những lý luận tự nhiên tìm cách thắng đối phương, nhưng dựa trên ánh sáng và sức mạnh của Thánh Linh: Ngài nói qua những người tham dự.

III. Nội dung các bài suy niệm

Sáu bài suy niệm của cha Timothy Radcliffe nhằm chuẩn bị tinh thần cho các người tham dự Hiệp Nghị chấp nhận những khó khăn có thể gặp trên tiến trình “hiệp nghị”.

Đề tài của các bài suy niệm có thể tóm gọn vào các từ sau: Hy vọng; Nhà ở; Tình bạn; Đàm thoại, Thẩm quyền, Chân lý.

1/  Hy vọng

Mở đầu loạt bài suy niệm, cha Radcliffe ghi nhận rằng nhiều người đến với hiệp nghị với nỗi lơ sợ sẽ gặp nhiều xáo trộn, sợ rằng những thay đổi sẽ đưa tới chia rẽ, ly giáo. Nhưng có người lại hy vọng rằng Giáo hội sẽ canh tân triệt để. Dù sao đi nữa, chúng ta cần nhớ lại những lời trong Tin mừng: “Đừng sợ!”. Vì thế chúng ta cần xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi. Mỗi người chúng ta mang những niềm hy vọng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Chúng ta hãy chia sẻ cho nhau những hy vọng ấy, giống như các môn đệ tại bữa Tiệc Ly. Và họ đã nhận được niềm hy vọng vượt quá mọi niềm hy vọng, như thánh Phaolô nói (Rm 4,18: spem contra spem: hy vọng mặc dù không còn gì để hy vọng), đó là  “Hy vọng Thánh Thể”, khi Chúa Giêsu đã trao hiến mình và máu của Người để nhân loại được cứu độ. Niềm hy vọng này vượt quá óc tưởng tượng của chúng ta, vượt quá những ước mong của chúng ta. Chúng ta tin tưởng kể cho nhau nghe những hy vọng ấy, lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau để tìm hiểu ý Chúa dành cho Giáo hội và cho nhân loại. Nhờ vậy chúng ta sẽ hợp nhất với nhau trong một niềm hy vọng vượt lên trên những bất đồng ý kiến của chúng ta. Thiên Chúa sẽ dự liệu vượt quá sự ước mong của chúng ta, tựa như các môn đệ khi phải giải quyết cơm bánh cho đám dân trong nơi hoang địa (Mc 8,1-10).

2/ Nhà ở

Đừng kể cuộc khủng hoảng về chỗ trú ngụ mà nhiều người đang gặp, cuộc khủng hoảng “nhà thiêng liêng” còn trầm trọng hơn. Nhiều người thiếu “tổ ấm” của gia đình, sống trong cảnh cô quạnh. Giáo hội hiện nay cũng gặp khủng hoảng về nhà ở, theo nghĩa là nhiều người không còn cảm thấy Giáo hội như là nhà của mình; họ cảm thấy lạc lõng. Người thì cho rằng Giáo hội đã mất căn tính cổ truyền. Đối lại, người khác lại ước mơ một Giáo hội đổi mới và mở rộng đến thế giới hơn nữa. Cả hai quan điểm đều có phần đúng. Dù nói sao đi nữa, chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa, Đấng Emmanuel, đã đến cư ngụ giữa chúng ta. Chúng ta cần giúp cho mọi người cảm thấy Giáo hội như là nhà của mình; đừng người nào cảm thấy mình bị loại trừ. Có người lo rằng chấp nhận hết mọi người vào trong Giáo hội là làm méo mó căn tính của Giáo hội. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng căn tính của Giáo hội có một phần đã được biểu lộ, nhưng còn một phần phải khám phá, như thánh Giaon tông đồ đã viết: Hiện nay chúng ta đã là con cái Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào thì chưa được tỏ lộ (1Ga 3,2). Không lạ gì mà có những căng thẳng không thể nào tránh được. Một đàng Chúa hứa sẽ đến cư ngụ trong nhà của ta (Ga 14,23); đàng khác, thì Ngài hứa sẽ đem ta vào nhà của Chúa (Ga 14,2).

3/ Tình bạn

Hiệp nghị sẽ coi là thành công nếu đưa chúng ta đến tình bạn sâu xa hơn với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau. Thế giới ngày nay khao khát tình bạn, vì bị xáo trộn bởi những yếu tố gây chia rẽ, khiến cho con người chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Đối lại, tình bạn phải giúp nhau nhìn về một mục tiêu, cho dù không đồng ý với nhau về giải đáp cho các câu hỏi. Chính khi can đảm chia sẻ những nghi ngờ và cùng nhau tìm kiếm chân lý mà nảy ra tình bạn.

4/ Nói chuyện

Dựa theo trình thuật hai môn đệ trên đường Emmaus, cha Radcliffe cho thấy rằng trong Giáo hội cũng có nhiều người bực bội vì những cảnh chướng tai gai mắt. Họ hy vọng hiệp nghị lắng nghe các đòi hỏi của họ. Cuộc đàm thoại được coi là đích thực khi không đi từ những câu trả lời đã chế sẵn, nhưng cần phải nhảy vọt để đi vào cảm nghiệm của người khác bằng cách lắng nghe họ, từ đó gây ra một chiều kích mới. Chúng ta cần chấp nhận sự khác biệt phong phú, nảy sinh những tương quan mới.

5/ Thẩm quyền

Giáo hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng quyền bính, mất uy tín do những chuyện lạm dụng về tình dục và tài chính. Thật ra, cuộc khủng hoảng quyền bính xảy ra cho tất cả mọi thể chế xã hội hiện nay. Người ta chạy theo những tài tử, những diễn viên và kể cả các nhà độc tài, hơn là nghe theo chính quyền. Thế nhưng chính trong bối cảnh này, mà người ta cảm thấy khát khao được nghe tiếng nói có thẩm quyền để hướng dẫn họ về ý nghĩa cuộc đời. Nói đến quyền bính trong Giáo hội, cha Radcliffe nhắc lại rằng tất cả mọi người được rửa rội đều có thẩm quyền trong Chúa Kitô. Chúng ta đừng nên quên ba khía cạnh cơ bản của thẩm quyền. Một là  cái Đẹp (Mỹ), mở óc tưởng tượng đến cõi siêu việt; hai là cái Tốt (Thiện), đòi hỏi sự can đảm và dấn thân; ba là con đường của sự Thật (Chân) cần được thông đạt cách thành thật. Cả ba con đường đều cần thiết, bởi vì cái đẹp mà không có sự thật và sự thiện thì có nguy cơ trở thành trống rỗng; nếu thiếu chân lý, thì cái tốt rơi vào cảm tình, còn sự thật mà thiếu sự thiện thì đưa đến pháp đình tôn giáo. Ước gi Giáo hội là một cộng đồng mang thẩm quyền hỗ tương, và cuối cùng, Giáo hội cần mang uy tín của Chúa để hướng dẫn nhân loại đang khát khao sự chân thật.

6/  Thánh Thần chân lý

Dù trên đường đi, chúng ta gặp những xung khắc, nhưng chúng ta tin rằng Thánh Thần chân lý sẽ dẫn đưa Giáo hội đến chân lý vẹn toàn. Thần khí thổi ở đâu ngài muốn. Mong sao Ngài sẽ dẫn chúng ta qua những con đường của đón tiếp, ban cho chúng ta khả năng lắng nghe, đối thoại và hiểu biết. Đừng sợ đối diện với những chân lý chướng tai, nhưng hãy bình tĩnh chứ không để cho sự tức giận đè nặng.

Trong những cuộc suy niệm này, cha Radcliffe đã thuật lại nhiều kinh nghiệm từ cuộc sống Đaminh. Như đã nói ở đầu. Dòng Đaminh họp tổng tu nghị ba năm một lần; nhưng các quyết định của phiên họp có thể sẽ bị phiên họp tới xóa bỏ. Theo hiến pháp, một quyết định cần được phê chuẩn bởi ba tổng hội liên tiếp (với thành phần tham dự khác nhau) thì mới có giá trị. Một kinh nghiệm khác là trong các khóa họp, không ai được gạt bỏ ý kiến người khác vì bị coi là vớ vẩn. Có thể là ý kiến ấy sai, vô lý, tuy vậy, dù có sai đi nữa, vẫn có cái gì đáng được tôi chú ý, để tìm hiểu xem họ muốn nói cái gì, tuy có lẽ chưa tìm được cách thích hợp để diễn tả. Cuối cùng, chúng ta đều là những kẻ “ăn mày chân lý”, chứ không phải là chủ nhân của chân lý.

Cha Radcliffe kể lại rất nhiều kinh nghiệm nhờ những cuộc tiếp xúc với nhiều người, và không ngại kể lại cảm nghiệm cá nhân lúc bị bệnh. Những câu chuyện ấy được phân tích dưới ánh sáng của Lời Chúa, nhờ kinh nghiệm dạy học lâu năm.

——————————–

Phụ thêm

Cha Timothy Radcliffe sinh ngày 22-8-1945, gia nhập dòng Đa Minh năm 1971. Trong thời giam giữ nhiệm vụ Bề trên tổng quyền, cha đã đi thăm anh em ở khắp các đại lục, và đã để lại 16 thư chung, được LM Nguyễn Cao Luật sưu tập trong bộ Can đảm hướng tới tương lai (Học viện Đa Minh, 2017): 1/ Dấn thân thi hành sứ vụ (Phục sinh 1994): tr. 267. 2/ Công viên kỷ Jura và bữa Tiệc ly (Tháng 6/1994): tr. 297. 3/ Hãy đi và giảng thuyết (21/5/1996): tr. 315. 4/ Ơn gọi tu trì hôm nay (8/8/1996): tr. 324. 5/ Suối nguồn hy vọng. Học hỏi và loan báo Tin mừng  (tháng 11/1995): tr. 345. 6/ Tự do theo tinh thần Đa Minh và trách nhiệm. Hướng tới một linh đạo về quản trị: tr. 377. 7/ Lời hứa ban sự sống (25/2/1998): tr. 419. 8/ Kinh Mân côi (tháng 10/1998): tr. 463. 9/ Con gấu và chị đan sĩ. Ý nghĩa đời tu trì ngày hôm nay (tháng 10/1998): tr. 479. 10/ Giai đoạn đào tạo sơ khởi (13/2/1999): tr. 502/ 11/ Thánh Catarina Siena, bổn mạng châu Âu (tháng 4/2000): tr. 534. 12/ Ngai Thiên Chúa. Với các viện phụ Biển Đức (6/9/2000): tr. 541. 13/ Tôn vinh, chúc tụng, giảng thuyết. Sứ vụ của gia đình Đa Minh (tháng 12/2000): tr. 562. 14/ Sứ vụ trong một thế giới trốn chạy. Những công dân tương lai của vương quốc (tháng 12/2000): tr. 584. 15/ Đời sống chiêm niệm của các nữ đan sĩ (29/4/2001): tr. 609. 16/ Dụ ngôn Người Samari tốt lành (30/6/2001): tr. 643.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here