Tuyên Xưng Đức Tin Đại Kết

0
1468


Bình Hòa

 

Trước hết, cần lưu ý hai biến cố quan trọng lãnh vực thần học đại kết. Thứ nhất là việc Hội đồng Tòa thánh đặc trách hợp nhất các Kitô hữu công bố bản chỉ nam về việc áp dụng các nguyên tắc và quy chuẩn về công tác đại kết (25/3/1993). Công tác này bao trùm nhiều lãnh vực: từ việc cầu nguyện chung với nhau cho đến việc chia sẻ các kho tàng thiêng liêng bí tích; từ việc công tác với nhau trong việc dịch Kinh thánh cho đến những hoạt động chung giữa các Kitô hữu trong các cuộc gặp gỡ với các tôn giáo khác, hoặc những dự án văn hóa xã hội.

Biến cố thứ hai là Đại hội quốc tế lần thứ V của Ủy ban Đức Tin và Định chế (Foi et Constitution, Faith and Order) tại Santiago de Compostela từ 4 đến 13 tháng 8 năm 1993. Ủy ban này chuyên trách về thần học trong Hội đồng Đại kết các Giáo hội. Tuy Giáo hội Công giáo không phải là thành viên thực thụ của Hội đồng đại kết, nhưng có đại biểu chính thức trong Ủy ban Đức tin và Định chế. Lần Đại hội lần thứ IV tại Montréal năm 1963, Giáo hội Công giáo chỉ gửi 3 quan sát viên; nhưng tại Santiago thì phái đoàn công giáo có 32 hội viên (kể cả 4 Giám mục) trong tổng số 205 đại biểu. Những thành phần khác của Đại hội gồm có 50 đại biểu của Chính thống, 45 của Giáo hội cải cách, 38 Luther, 27 Anh giáo, 27 Metodist, 25 thuộc các Giáo hội khác. Từ hồi thành lập đến nay đã có 4 Đại hội: Lausanne (Thụy sĩ, 1927), Edinburg (Anh 1937), Lund (Thụy điển 1952), Montréal (Canada 1963). Những phiên nhóm thường lệ của Ủy ban thì diễn ra thường xuyên hơn (3-4 năm một lần), trong đó có 12 đại biểu Công giáo trong tổng số 120 thành viên. Vai trò của Ủy ban Đức tin và Định chế là nghiên cứu những khía cạnh thần học nhằm tiến tới sự hiệp nhất các Kitô hữu. Theo quan điểm của Ủy ban, sự hợp nhất các Kitô hữu có nghĩa là sự thông hiệp trong đức tin, trong đời sống làm chứng tá Phúc Âm và trong sứ mạng truyền giáo. Để tiến tới sự thông hiệp đó, cần phải qua ba chặng sau đây:

1) Cùng nhau tuyên xưng một đức tin tông truyền;

2) nhìn nhận rằng các Giáo hội khác cũng có chung những yếu tố tông truyền đó, đặc biệt là: bí tích rửa tội, Thánh thể và những tác vụ;

3) thiết lập những cơ cấu chung nhằm bảo đảm việc chung nhau làm chứng tá, cũng như những cơ quan có thẩm quyền quyết định về đường lối hành động và giảng dạy.

Tại Santiago, Ủy ban chú trọng đến chặng đầu tiên: việc tuyên xưng đức tin tông truyền. Đại hội đã chấp thuận bản văn giải thích kinh Tin kính, kết quả của 10 năm làm việc và tham khảo. Trước khi đi vào chi tiết, tưởng cũng nên biết là chặng thứ hai (nhìn nhận các bí tích) cũng đã tiến hành từ năm 1982, với văn kiện gửi tới khắp các Giáo hội mang tựa đề: Baptism. Eucharist and Ministry (quen gọi tắt bằng ba chữ đầu là BEM). Chúng ta hãy theo dõi văn kiện giải thích kinh Tin kính, với tựa đề: Tuyên xưng một niềm tin. Cắt nghĩa đại kết đức tin tông truyền, nhu đã được tuyên xưng trong tin biểu Nicea-Constantinopoli (381) (Confessing the One Faith. An Ecumenical Explication of the Apostolic Faith as is confessed in the Nicene-Constantinopolitan Creed).

Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo cũgn đã dựa trên kinh Tin kính để cắt nghĩa đức tin Công giáo. Nhưng giữa hai văn kiện ta thấy có những khác biệt đáng kể về phương pháp.

1) Sách Giáo lý dựa trên Tín biểu các thánh tông đồ (mà nguồn gốc là tín biểu rửa tội của Giáo hội Rôma); còn ủy ban Đức tin và Định chế thì dùng kinh Tin kính của công đồng Nicea Constantinopoli, là một bản tuyên xưng đức tin được dùng trong cả các Giáo hội Tây phương lẫn Đông phương.

2) Sách Giáo lý trình bày đạo lý của Giáo hội Công giáo; còn văn kiện này thì không những nêu lên những điểm đồng nhất và dị biệt giữa các Giáo hội, nhưng còn vạch ra những thách đố của thời đại nữa. Đường lối trình bày theo thứ tự như sau:

Trước hết, tìm hiểu ý nghĩa của lời tuyên tín, đặt trong bối cảnh lịch sử của nó, cũng như xét tới nền tảng Kinh thánh của lời tuyên tín. Sau đó, cần phải giải thích cho các Kitô hữu ở thời đại hôm nay, vạch ra những điểm đồng nhất và những điểm tranh luận giữa các Giáo hội, đồng thời với việc tìm hiểu những thách đố của thời đại đứng trước lời tuyên xưng ấy.

Toàn thể Kinh tin kính được chia ra làm ba phần tương tứng với hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong mỗi phần, một vài điểm nổi bật được nêu lên để bình giảng.

I. TRONG PHẦN THỨ NHẤT (CHÚNG TÔI TIN KÍNH MỘT THIÊN CHÚA), CÓ BA ĐIỂM SAU ĐÂY:

– Một Thiên Chúa;

– Cha toàn năng;

– Đấng tạo thành và sự tạo dựng.

II. TRONG PHẦN THỨ HAI (CHÚNG TÔI TIN KÍNH MỘT CHÚA GIÊSU KITÔ), CŨNG CÓ BA ĐIỂM ĐƯỢC NÊU LÊN:

– Đức Giêsu Kitô đã nhập thể vì phần rỗi chúng ta;

– Chịu đau khổ và chết vì chúng ta;

– Đã sống lại và toàn thắng mọi lực lượng cảu sự dữ.

III. TRONG PHẦN THỨ BA (CHÚNG TÔI TIN KÍNH THÁNH THẦN, HỘI THÁNH VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU), THÌ BẢN VĂN NÓI TỚI 4 ĐIỂM:

– Chúa Thánh Thần;

– Hội thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền;

– Một phép rửa để tha tội;

– Người chết sống lại và sự sống đời sau.

Như vậy tổng cộng lại tất cả có 10 điểm, nghĩa là 10 tiết mục bình giải.

Trước khi đi vào từng tiết mục, nên lưu ý một điểm. Thường thì lời tuyên xưng đức tin bắt đầu bằng tiếng “tôi tin kính” (credo), ở số ít. Thế nhưng kinh Tin kính của công đồng Nicea Constantinopoli bắt đầu với động từ ở số nhiều (“Chúng tôi tin kính”, credimus in; nguyên bản hy lạp: Pisteuomen eis). Lý do của sự khác biệt là tại chỗ trong các tín biểu dùng vào nghi thức rửa tội, chủ từ đặt ở số ít (“Credo, Tôi tin kính”) vì muốn nói lên sự thâm tín của người dự tòng; còn tín biểu của công đồng thì đặt chủ từ ở số nhiều: “Chúng tôi tin kính”, hiểu ngầm là sự tuyên xưng đức tin của toàn thể các nghị phụ. Nhưng ngày nay, khi đọc tín biểu ấy, bắt đầu bằng tiếng “chúng tôi” (nhu trong các nhà thờ nói tiếng Anh: we believe), người tín hữu bày tỏ sự thông hiệp với toàn thể Giáo hội trong cùng một niềm tin. Đức tin là một hồng ân Chúa ban cho mỗi người, nhưng không phải lẻ loi mà là trong sự thông hiệp với các phần tử khác trong Giáo hội.

Sau đây là nội dung từng phần với những tư tưởng chính của Văn kiện dày hơn 100 trang chữ nhỏ này.

***

PHẦN I:

CHÚNG TÔI TIN KÍNH MỘT THIÊN CHÚA

Phần này được chia làm ba tiết mục:

* Một Thiên Chúa;

* Cha toàn năng;

* Đấng Tạo thành và sự tạo dựng.

TIẾT 1: CHÚNG TÔI TIN KÍNH MỘT THIÊN CHÚA

A. Những thách đố

Lời tuyên xưng đức tin có một Thiên Chúa gặp những khó khăn sau đây:

– Những người vô thần. Họ không chấp nhận có thực thể nào ngoài thế giới hữu hình này. Theo họ, ý niệm Thiên Chúa chỉ là sự phóng dọi của những mơ ước và sợ sệt của con người.

– Có những người hữu thần, tuy nhìn nhận có những lực lượng vượt trên thế giới hữu hình, nhưng tự hỏi không biết các lực lượng ấy có một hay nhiều, ở bên trên vũ trụ hoặc nội tại trong vũ trụ.

– Các tôn giáo nhất thần (cách riêng Do thái giáo và Hồi giáo) khó chấp nhận đạo lý Chúa Ba Ngôi, vì xem ra nó trái với niềm tin nơi một Chúa duy nhất.

– Chính nhiều người Kitô hữu cũng thấy khó hiểu đạo lý về Chúa Ba Ngôi: họ đòi hỏi phải tìm một ngôn ngữ nào đơn giản hơn.

B. Ý nghĩa của lời tuyên xưng

Người Kitô hữu tuyên xưng có một Thiên Chúa: nhưng đồng thời Thiên Chúa duy nhâta được hiểu như là Cha, Con và Thánh Thần. Giáo hội tiên khởi đã tiếp nhận đưc tin có một Chúa từ cựu ước, và sang thế kỷ thứ hai, đã khẳng định lòng tin nơi một Chúa tạo thành và cứu chuộc, chống lại Marcion (tách rời Chúa của Cựu ước và Cháu của Tân ước). Sang thế kỷ thứ 4, tiếp theo những lạc giáo khác nhau (nhất là của Ario), Giáo hội mới phát biểu mối tương quan giữa Tam vị với những từ ngữ chính xác. Công đồng Nicea (325) khẳng định rằng Con “bởi bản thể của Cha” (homousios tou Pstros). Công đồng Constantinopoli (381) tuyên bố Thánh Thần là Thiên Chúa, “xuất phát từ Cha, được phụng thờ và tôn vinh với Cha và với Con”. Sự duy nhất của Thiên Chúa được khẳng định trong bản thể (ousia); còn sự phân biệt xảy ra giữa các ngôi vị (hypostasis). Dù sao sở dĩ Thiên Chúa duy nhất mà lại được hiểu như ba là vì duặ vào sự mạc khải của các công trình cứu chuộc trong lịch sử. Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha, và nmói rằng Cha với Con là một (Ga 10, 30; 17,11). Đức Kitô đã cầu xin Cha sai Thánh Thần xuất phát từ Cha (Ga 15,26) đến thế giới để ban sự sống và dẫn đưa tới chân lý toàn vẹn (Ga 16,7).

Đức tin về Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là kết quả của suy tư triết học, nhưng là toát lược mạc khải về Thiên Chúa mà chúng ta biết được nhờ Đức Kitô. Thiên Chúa tỏ mình ra như là sự sống và tình yêu, muốn thông ban mình cho thế giới đã xa lìa Chúa vì tội lỗi. Thiên Chúa Cha giao hòa thế giới với mình qua sự nhập thể, sứ vụ và cuộc khổ nạn của Con hằng hữu của mình. Chính trong Con mà Thiên Chúa chia sẻ thân phận con người kể cả cái chết, ngõ hầu ban cho nhân loại ơn tha tội, phục sinh và đời sống bất diệt (Ga 3,16). Qua Thánh Thần, Thiên Chúa đã làm cho Đấng chịu chết trên thập giá được sống lại bất tận, và sẽ hoàn tất cuộc biến đổi tất cả hoàn vũ. Tóm lại, chính Đức Kitô đã nói cho ta biết rằng nơi Thiên Chúa sự sống hằng hữu đồng nghĩa với trao ban hỗ tương và thông hiệp; nói khác đi, Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu hằng hữu giữa Cha và Con được tỏ hiện nơi thập giá của Đức Kitô và nơi sự phục sinh nhờ quyền năng Thánh Thần. Mầu nhiệm Chúa Ba ngôi không thể tách rời khỏi thập giá và sự phục sinh. Thập giá là sự khẳng định rằng tình yêu của Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự chết. Sự phục sinh xác nhận rằng tình yêu ấy bao giờ cũng thắng.

Đức tin có một Thiên Chúa trong thời đại hôm nay:

– Ngôn ngữ diễn tả tín điều trở thành khó hiểu. “Substantia” trong ngôn ngữ cận đại có khi được dùng theo nghĩa là “chất thể, vật liệu”; “essentia” trở thành xa lạ vì coi như quá siêu hình; “persona” thì được hiểu như là ý thức cá biệt trong tâm lý hiện đại.

– Không thiếu Kitô hữu đồng hóa Thiên Chúa với Cha, còn Con và Thánh Thần thì hoặc là dưới quyền của Cha, hoặc là hai cách thế mà Cha tỏ mình cho nhân loại. Đức tin Kitô giáo tuyên xưng sụe duy nhất trong Thiên Chúa đồng thời với sự thông hiệp giữa Ba ngôi ngya từ muôn thủa cũng như trong công trình tạo dựng, cứu chuộc. Không có ngôi nào hoạt động riêng rẽ.

– Đứng trước trào lưu vô thần hiện đại, các tín hữu cần phải tìm hiểu các hình thức và căn nguyên khác nhau của nó. Tuy nhiên sự phản ứng lại thuyết vô thần không thể dừng lại ở cấp độ lý thuyết. Luận cứ hùng hồn hơn cả dẫn tới sự minh chứng Thiên Chúa hiện hữu là đời sống của người tín hữu, thí dụ khi họ đương đầu với một thảm cảnh của cuộc đời, hoặc qua một sức sống phong phú bắt nguồn từ đức tin. Mặt khác, không thiếu những lý chứng lý đối kháng với các hình thức vô thần.

1) Đối lại với những chủ trương rằng khoa học có thể giải thích vũ trụ cách hữu lý, cần vạch ra rằng sự giải thích ấy không bao giờ đầy đủ: vũ trụ xét như là một toàn thể không có lý hữu do nội tại.

2) Đối lại với những người phủ nhận Thiên Chúa xét vì thế giới đầy dẫy tội ác và đau khổ, thì có thể nói rằng chính sự ác và đau khổ là dấu hiệu của cái hữu hạn, và vì vậy thúc đẩy lý trí con người phải đi tìm cách giải thích lý do ở bên trên thế giới. Người Kitô hữu không có nắm trong tay chìa khóa để giải quyết vấn đề tội ác và sự dữ; nhưng họ tin rằng nơi thập giá của Đức Kitô, Thiên Chúa đã chia sẻ sự đau khổ và cái chết của con người. Nhờ tình liên đới đó Ngài đã mở đường cho chúng ta lướt thắng sự tuyệt vọng.

3) Đối lại với những người cho rằng tôn giáo chỉ là sản phẩm của ảo tượng, hay nói khac đi con người không cần chỉ tới tôn giáo, cần nhận thấy rằng lịch sử đã chứng minh ngược lại. Thực vậy, không có thời đại hay nơi nào mà con người không có tôn giáo, tuy không hẳn theo nghĩa là gia nhập một đạo nào, nhưng theo nghĩa là nhận thức về một thực tại tối hậu, tuyệt đối. Trải qua mọi thời đại ta thấy con người gặp thấy lòng tin vào Thiên Chúa nền tảng cảu sự hiện hữu và ý nghĩa sự sống. Niềm tin ấy trở nên nguồn hy vọng giữa những đau khổ, thất bại, cũng như nâng đỡ những nỗ lực kiến tạo những hình thức công bằng trong xã hội.

– Đứng trước những thách đố của các tôn giáo nhất thần, chúng ta phải tỏ bày rằng niềm tin nơi Thiên Chúa Ba Ngôi không đi ngược với niềm tin nơi tính cách duy nhất của Thiên Chúa. Do thái giáo cũng có nói tới vài thực tại biểu hiện của Thiên Chúa Siêu việt muốn gần gũi với chúng ta, thí dụ: Danh thánh Chúa, Vinh quang Chúa (Shekinah), Luật Chúa (Torah), Sự Khôn ngoan Thượng trí. Đối với những tôn giáo ở Á châu và Phi châu coi thần tính xuất hiện nơi nhiều nhân vật hay kể cả động vật hay thảo mộc, người Kitô hữu tự vấn xem phải chăng chúng ta đã để Thiên Chúa ở nơi quá cao siêu, xa cách với đời sống thường nhật của con người? Làm sao chứng tỏ rằng Thiên Chúa rất gần gũi với con người, bởi vì Ngài là Thiên Chúa đã tỏ mình ra như là Cha, Con và Thánh Thần.

TIẾT 2: CHA TOÀN NĂNG

Tiết thứ hai bày tỏ lòng tín thác, khi tuyên xưng rằng sự sống và sự chết của chúng ta đều nằm trong bàn tay săn sóc của Chúa, vừa là Cha yêu thương chúng ta, vừa là đấng toàn năng nắm giữ tất cả sự vận hành của vũ trụ và lịch sử.

A. Thách đố

Nhiều người gắn chặt hình ảnh “cha” với người gia trưởng trong chế độ phụ hệ, quyết định mọi sự cách độc đoán.

B. Ý nghĩa niềm tin

Trong kinh Tin kính, Thiên Chúa được tuyên xưng là “Cha toàn năng”, còn các ưu phẩm khác (tỉ như: hằng hữu, khôn ngoan, trung thành) không được nói tới. Chữ “toàn năng” có thể hiểu nhu ưlà một danh từ (Chúa là Cha và là Đấng Toàn năng), hoặc như một tính từ (Chúa là Cha toàn năng). Vào thời sơ khởi của Giáo hội, có rất nhiều chủ thuyết về quyền năng tuyệt đối trên đời tựa như: định mạng, các thần thánh và thậm chí tại Rôma. Hoàng đế cũng được tôn sùng như thần linh. Đối lại với các thyết ấy, người Kitô hữu quả quyết rằng: chỉ có một Đấng Toàn năng, đó là Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Kitô.

Trong cựu ước, Thiên Chúa đã được gọi là cha của dân Israel (Đnl 32,6) bởi vì Ngài đã tạo dựng và lập thành nên họ; tình cha có nghĩa là lòng chăm nom săn sóc và thương xót (Hs 11,1t; Gr 3,19), chính vì vậy mà mối tình đó cũng được so sánh với lòng mẹ (Is 49,15; 66,13); tuy nhiên Israel không bao giờ kêu cầu Chúa là “Mẹ”.

Trung tâm của Tân ước là giáo huấn về Thiên Chúa như là Cha. Đức Kitô gọi Thiên Chúa là Cha từ lúc còn thơ ấu cho tới khi hấp hối trong vườn cây dầu, và những lời phó thác trước khi trút hơi trên thập giá. Cách riêng Phúc Âm theo thánh Gioan cho thấy rằng tiếng Cha không phải chỉ là một trong những danh xưng của Chúa, mà là một lối xưng hô độc đáo nhất của Đức Giêsu, Đức Giêsu không chứng tỏ ra mối liên lạc thắm thiết của mình với Cha, nhưng còn tỏ ra tình thương của Cha với nhân loại khi trao ban Con của Ngài cho nó. Trong Phúc Âm, Đức Giêsu dạy chúng ta hãy gọi Thiên Chúa là “Cha của chúng con”. Theo thánh Phaolô, Thiên Chúa là cha chúng ta bởi vì Ngài là Cha của Đức Giêsu, người đã cho phép chúng ta chia sẻ vào mối tình thắm thiết cha con qua dưỡng hệ. Thánh thần liên kết chúng ta với Con thì cũng gắn chặt chúng ta với nhau như anh chị em cùng cha, không còn kỳ thị chia rẽ nữa (x. Rm 8,14-15; Gl 4,6).

Tiếng “Toàn năng” (Pantokrator) được dùng trong Cựu ước để nói về quyền năng của Thiên Chúa vượt thắng kẻ thù, vượt thắng mọi hình thức hỗn lộn; quyền năng ấy được biểu lột cách đặc biệt trong việc tạo dựng vũ trụ, và sẽ tỏ lộ vào thời cánh chung (Is 9,6). Trong Tân ước, tiếng “Pantokrator” xuất hiện 2 lần (2 Cr 6,18-19 và Kh 1,8), trong khung cảnh phụng vụ, ngợi khen, bày tỏ lòng tin tưởng, hy vọng dựa vào Thiên Chúa Đấng trung tín, làm chủ thời gian và mọi biến cố lịch sử. Dù sao, Tân ước tuyên xưng Thiên Chúa toàn năng không phải một cách trừu tượng, nhưng là qua việc cứu chuộc. Quyền năng Thiên Chúa tỏ lộ qua việc Nhập thể, đi vào thế giới mà Ngài đã dựng nên, để đương đầu với lực lượng xem ra muốn phủ nhận quyền của Ngài khi đóng đinh Đức Giêsu. Thiên Chúa bày tỏ quyền năng trên tội lỗi và sự chết khi cho Đức Kitô sống lại. Do đó Thiên Chúa là Đấng Toàn năng bởi vì Ngài nắm giữ định mạng của thế giới và vạn vật, tuy dù chúng ta thấy có sự dữ, tội lỗi, sự chết trước mắt. Quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ được bộc lộ hoàn toàn vào lúc thời gian chấm dứt, khi mọi sự được kiện toàn trong Đức Kitô.

C. Trong thời đại hôm nay

Cần phân biệt hình ảnh với thực chất. Khi gọi Thiên Chúa là cha, tiên vàn ta nói tới liên hệ hằng hữu với Chúa Con, một liên hệ về nguyên ủy chứ không phải về sinh sản (nhu quan niệm của vài tôn giáo đa thần). Nhiều giáo phụ đã muốn diễn tả mối liên hệ ấy bằng những hình ảnh khác, tựa như nguồn với dòng sông, mặt trời với tia sáng. Từ ngữ “cha/con” được Đức Giêsu sử dụng để nói lên mối liên hệ đặc biệt của Ngài đối với Thiên Chúa, mối liên hệ đã có từ muôn thủa, và được bày tỏ ra trong sự Nhập thể. Ngoài ra sự mạc khải Thiên Chúa là cha cũng có ảnh hưởng đến chúng ta, những người Kitô hữu, vì được gọi chia sẻ cùng với Đức Kitô vào tình cha con ấy; hậu nhiên, chúng ta liên kết với nhau thành một gia đình đức tin, yêu mến và cầu nguyện lẫn cho nhau, tuy rằng chúng ta không được quên rằng Thiên Chúa cũng là cha của hết mọi loài (1 Cr 8,6), yêu thương săn sóc hết mọi thụ tạo. Do đó mà người Kitô hữu cũng được kêu gọi chia sẻ những niềm vui nỗi khổ với hết mọi người trong gia đình nhân loại, bất luận là bạn hay thù. Đó là nội dung gói ghém trong cái danh xưng “cha”; từ ngữ này không có liên hệ tới một phái tính nào (nam hay nữ), cũng như không gói ghém hình ảnh của một người cha vô đoán. Xét vì Đức Giêsu đã gọi Chúa là cha, nên khó có thể bỏ tiếng ấy, hoặc đổi lại thành “Mẹ”.

Cũng vậy, khi gọi Thiên Chúa là “Đấng Toàn năng”, chúng ta không hiểu là Ngài muốn làm gì thì làm: nhưng theo như nguồn gốc Hy lạp “Pantokrator”, chúng ta tin rằng Ngài cầm giữ và cai quản mọi vật. Chúng ta tin rằng Ngài an bài hết mọi sự. Việc tuyên xưng rằng chỉ có Ngài mới là Đấng Toàn năng mang lại niềm tin rằng những thế lực khác (chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ nghệ, quân sự, ý hệ và kể cả tôn giáo) sẽ không đứng vững khi phải đối chất với Ngài vào lúc chung thẩm.

Tuy nhiên lòng tin nơi Thiên Chúa Cha toàn năng gặp sự thách đố của những người nghi ngờ khi đứng trước những tai ương và bất công xã hội. Truyền thống Kitô giáo trả lời rằng sự dữ là hậu quả của tự do, một hồng ân Chúa ban cho con người. Thực ra, sự trả lời ấy không thỏa đáng lắm, xét vì có những sự dữ xảy ra ngoài tầm trách nhiệm của con người. Câu trả lời cuối cùng nằm ở chỗ Thiên Chúa đã thắng sự dữ, đau khổ và sự chết nơi công cuộc giao hòa do Con Chúa thực hiện. Đức Kitô đã lãnh lấy sự đau khổ của thế giới, và đã toàn thắng các lực lượng của tội lỗi và sự chết; cuộc toàn thắng ấy sẽ hoàn tất trong thế giới mai hậu. Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Trong hiện tại, người Kitô hữu cầu xin Thiên Chúa sức mạnh để đương đầu chống lại với quyền lực sự dữ.

TIẾT 3: THIÊN CHÚA ĐẤNG TẠO THÀNH

Lời tuyên xưng này nói lên rằng vũ trụ không tự nó mà có, song do Chúa đã dựng nên. Thiên Chúa không những đã ban cho vũ trụ sự hiện hữu vào lúc khởi nguyên, nhưng Ngài vẫn còn tiếp tục là nguồn sống và cứu cánh của nó.

A. Thách đố

Có những người dựa vào khoa học để quả quyết rằng vũ trụ này tự lập, chẳng có nguồn gốc nào và cũng chẳng cần ai nâng đỡ. Một trào lưu khác thì tuy tin rằng vũ trụ này bắt nguồn từ Thiên Chúa nhưng nay đã thoát sự kiểm soát của Ngài: những sự khai thác thiên nhiên bừa bãi, những tiến bộ của kỹ thuật và y học gây ra những vấn đề ô nhiễm, chiến tranh hóa học, đe dọa tới sự sống trên địa cầu.

B. Ý nghĩa

Lời tuyên xưng “Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình” nhằm đáp lại những lạc giáo nhị nguyên xuất hiện vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo; họ phân biệt thế giới hữu hình đối lại với vô hình, loài vật chất đối lại với loài thiêng liêng, Chúa của Cựu ước và tạo dựng đối lại với Chúa của Tân ước và của Đức Kitô. Lời tuyên xưng cũng muốn chống lại những triết thuyết Hy lạp chủ trương vũ trụ tự hữu hay đã có từ đời đời.

Niềm tin vào Thiên Chúa tạo thành vũ trụ đã có từ Cựu ước, từ những trang đầu của sách Sáng thế. Vũ trụ này được thành hình nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Ngài đã tác thành và gìn giữ vũ trụ do lòng thương và thượng trí. Tân ước lồng việc tạo dựng trong bối cảnh cứu chuộc và cánh chung, cũng như trong liên hệ với Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa Đấng tác tạo lúc khởi nguyên, hằng tác tạo liên lỉ và sẽ tái tạo trong tương lai (Mc 13,19; Ep 2,10; Kh 1,8): Cuối cùng Chúa sẽ là tất cả trong vạn vật (1Cr 15, 28) và sẽ có trời mới đất mới (2 Pr 3,13; Kh 21,1). Ngoài ra Thiên Chúa tạo dựng, cứu chuộc trong Đức Kitô, trung tâm của mọi thu sinh (Ga 1,1-18; Cl 1, 15-17; Ep 1,9-10; Dt 1,2-3).

C. Trong thời đại hôm nay

Lòng tin nơi Thiên Chúa Đấng Tạo thành hàm ngụ rằng thế giới này là món quà của Chúa ban, tự bản chất là tốt. Lòng tin nơi Thiên Chúa “Đấng tạo thành trời đất muôn loài hữu hình và vô hình” nhìn nhận rằng thế giới này không phải chỉ gồm những gì giác quan nhìn thấy được, mà còn có những thực tại ở trên giác quan và thậm chí ở trên tầm trí của chúng ta. Lòng tin ấy cũng hàm ngụ rằng mạng sống của ta cũng như mọi loài hiện hữu đều có tính cách mỏng dòn, và tất cả đều tùy thuộc vào quyền năng của Chúa.

Vũ trụ này mang dấu tích của tình thương và thượng trí của Chúa. Giáo hội ca ngợi vinh quang của Thiên Chúa phản ánh nơi vạn vật, cũng như tạ ơn Ngài vì Ngài luôn bảo tồn mọi loài cho được hiện hữu.

Mặt khác, Thiên Chúa muốn trao cho con người, được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, trách nhiệm cộng tác vào việc quản trị vũ trụ. Điều đó có nghĩa là con người được tự do để phát triển thế giới văn hóa (trong đó bao gồm nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật). Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy con người đã ngạo mạn muốn dành quyền bá chủ vạn vật, lạm dụng tự do của mình qua những sự khai thác tài nguyên vô độ hoặc phá hủy môi sinh. Nhờ việc cứu chuộc và tái tạo trong Đức Kitô, người tín hữu cần phải ý thức trách nhiệm đối với thiên nhiên. Lòng tin nơi sự tạo dựng đòi hỏi việc sử dụng khoa học và kỹ thuật cách thận trọng và trách nhiệm, chống lại những gì phá hoại sự sống, và đề cao giá trị của mạng sống con người quý hơn vật chất.

***

PHẦN II:

CHÚNG TÔI TIN KÍNH MỘT CHÚA GIÊSU KITÔ

 

Phần này gồm có 3 tiết:

* Đức Giêsu Kitô đã nhập thể vì phần rỗi chúng ta,

* chịu đau khổ và chết vì chúng ta,

* đã sống lại và toàn thắng mọi lực lượng của sự dữ.

TIẾT 1: ĐỨC GIÊSU KITÔ NHẬP THỂ VÌ PHẦN RỖI CHÚNG TA

A. Thách đố

Khi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, chúng ta tin rằng nơi Đức Giêsu chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa như là Đấng cứu chuộc chúng ta. Lời tuyên xưng ấy hàm ngụ ba điều sau đây:

1) Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho chúng ta dưới một quan hệ mới.

2) Đức Giêsu không những là con hằng hữu của Chúa Cha, mà còn là con người; trong Ngài, bản tính con người được phục hồi và biến đổi nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa.

3) Nhờ cuộc nhập thể của Đức Kitô, Thiên Chúa hiện diện và sống giữa những cảnh hướng của con người, kể cả cảnh nghèo nàn, đau đớn, chết chóc.

Niềm tin ấy gặp phải ba thách đố sau đây:

1) Có người cho rằng chuyện một vị thần trên trời xuống thế có tính cách huyền thoại; vì vậy họ muốn thay đổi việc Thiên Chúa nhập thể bằng những qua niệm khác, tựa như Đức Kitô một lãnh tụ cách mạng, một nhà mô phạm, một mẫu gương xả kỷ.

2) Trong cuộc đối thoại với các tôn giáo khác, việc tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa nhập thể trở thành gai góc, bởi nó đặt Đức Giêsu Kitô lên trên mọi giáo chủ khác.

3) Việc tuyên xưng Con Thiên Chúa nhập thể để cứu rỗi chúng ta xem ra không có tương ứng với thực tại, xét vì bao nhiêu tai ương sự dữ vẫn còn hoành hành trên thế giới; nói khác đi, công cuộc Nhập thể không có mang lại sự thay đổi nào trên đời hết.

B. Ý nghĩa

Từ ngữ then chốt trong lời tuyên xưng là Đức Kitô đồng bản tính (“homoousios”) với Chúa Cha. Từ ngữ này được công đồng Nicea (325) đặt ra (chống lại lạc thuyết Ario), nhằm nói lên rằng Chúa Con không phải là một thụ tạo, trước không có và rồi sau đó mới có. Không phải thế, tuy lệ thuộc vào Cha, nhưng con không hề tách rời khỏi Cha, và cùng hiện hữu với và như Cha: Người là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, được sinh ra chứ không phải tạo thành, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành’. – Sang thế kỷ thứ 5, công đồng Calcedonia xác định rõ hơn về hai bản tính nơi Đức Kitô, hợp nhất trong một ngôi vị (unio hypostatica).

Đức tin vào thiên tính hằng hữu của Đức Kitô dựa trên Kinh thánh, cách riêng Phúc Âm theo thánh Gioan; đoạn mở đàu thư gửi người Do-thái; những thánh thi trong các thư thánh Phaolo (Colosse 1,15-17.19; Philipphê 2,6-8), cũng như những lời tuyên xưng chúc tụng Đức Kitô như là Thiên Chúa (1 Cr 16,22; Kh 5,13; 7,10; 22,20; Rm 9,5).

Giải thích:

1) Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta. Các Kitô hữu đầu tiên đã tuyên xưng điều đó dựa trên biến cố Ngài đã được sống lại Sự phục sinh củng cố rằng cuộc đời, các lời tuyên bố, các việc làm của Đức Giêsu thực là lời hằng hữu của Thiên Chúa nói với loài người. Do đó, hết mọi loài phải suy phục Đức Kitô, Chúa duy nhất.

2) Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Đức Giêsu đã nói đến tình thân mật của mình với Thiên Chúa dưới từ ngữ “cha con” (Mt 11,27: Không ai biết Cha ngoại trừ Con và kẻ mà Con muốn tỏ ra). Tuy nhiên Tân ước không những chỉ nói tới Đức Giêsu là Con Thiên Chúa xét như là con người, nhưng còn áp dụng cho một vị đã hiện hữu từ trước và được Cha sai đến thế gian (Rm 8,3; Gl 4,4; Pl 2,6). Do đó, mối liên hệ cha con không phải chỉ xuất hiện từ khi Đức Giêsu ra đời, nhưng đã có từ muôn thủa. Đấng là Con hằng hữu của Cha hằng hữu đã xuất hiện trong lịch sử nơi Đức Giêsu Kitô. Lời tuyên xưng Đức Giêsu Nazareth là Con hằng hữu của Thiên Chúa mang một ý nghĩa cứu chuộc đối với chúng ta, xét vì con Thiên Chúa đã ở với Thiên Chúa từ muôn thủa, cho nên chính là Thiên Chúa trong Con của Ngài đã đến chia sẻ cảnh sống, sự đau khổ của loài người: do quyền lực của Thánh Thần. Thiên Chúa tiếp tục hiện diện và tác động giữa chúng ta. Đành rằng trong Kinh thánh, có những nhân vật được gọi là con Thiên Chúa, (thí dụ vua Đavít hoặc dân Israel), nhưng Đức Giêsu là con Thiên Chúa một cách độc đáo: con từ muôn thủa, hằng hữu với Thiên Chúa. Để diễn tả mối liên hệ độc đáo ấy, kinh Tin kính dùng các diễn ngữ: “Con một Thiên Chúa, sinh bởi Cha từ trước muôn đời, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật; được sinh ra mà không phải tạo thành”. Sau khi đã nói tới mối liên hệ hằng hữu giữa Cha với Con như vậy, kinh Tin kính thêm rằng “đồng bản tính với Chúa Cha” không những nhằm tuyên xưng rằng Con không ở dưới Cha, mà còn muốn nói tới bản tính duy nhất của Thiên Chúa: nơi Thiên Chúa chỉ có sự khác biệt do liên hệ ngôi vị chứ không phải theo bản tính; nói khác đi chỉ có một chứ không có hai Thiên Chúa.

3) Bởi quyền năng Thánh Thần, Người nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria. Kinh thánh nói tới vai trò của Thánh Thần trong việc tạo dựng và tái tạo. Khi gắn việc nhập thể với quyền năng của Thánh Thần (dựa trên Lc 1,35), kinh Tin kính muốn lồng biến cố đó trong toàn thể dự án tạo dựng, canh tân và hoàn tất vũ trụ. Về Đức Maria tất cả các tín hữu đồng tuyên xưng như công đồng Ephesô (431) rằng Nguời là “Theotokos”, nghĩa là mẹ của một người cũng là Thiên Chúa. Điều đó hàm ngụ rằng Con Thiên Chúa là một người như chúng ta, đã sinh ra và được nuôi dưỡng cách âu yếm do một bà mẹ. Tuy nhiên Đức Maria cũng là môn sinh lắng nghe và tuân hành lời Chúa, vì vậy trở thành mẫu gương cho chúng ta về việc làm môn đệ của Đức Kitô. (Ngày nay có những Kitô hữu đặt vấn nạn về sự đồng trinh của Đức Maria, viện lẽ vì không muốn bắt Chúa làm phép lạ khác thường đang khi Ngài muốn chia sẻ hoàn toàn thân phận như chúng ta; người khác thì lấy lẽ rằng Phúc Âm không có ý quả quyết sự đồng trinh của Đức Maria mà chỉ muốn nói rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa). Dù sao, khi gắn việc nhập thể của Đức Giêsu với Thánh Thần (de Spiritu) và Đức Maria (ex Maria virgine), kinh tin kính tuyên xưng Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người.

TIẾT 2: ĐỨC KITÔ CHỊU KHỔ HÌNH VÀ ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ VÌ CHÚNG TA

A. Thách đố

Sự tuyên xưng rằng Đức Kitô chịu khổ vì chúng ta gặp sự thách đố trong thế giới đang bị giằng co trong cuộc tranh chấp giữa sự sống và sự chết: làm sao mà điều kiện tội lỗi lan tràn khắp nơi có thể được thay đổi nhờ sự đau khổ của Đức Kitô? dân Do thái có trách nhiệm gì trong cái chết của Đức Kitô? Sự tuyên xưng Đức Kitô đã chịu khổ vì chúng ta có ảnh hưởng gì tới sự đau khổ của nhân loại ngày nay và tới những nỗ lực đương đầu với chúng?

B. Ý nghĩa

Trong kinh Tin kính, tiết nói về cuộc tử nạn ngắn hơn tiết nói về nhập thể, có lẽ vì Giáo hội nguyên khởi không gặp lạc giáo nào đối kháng trong vấn đề này. Giáo hội tuyên xưng Đức Kitô đã chịu chết và chịu mai táng dưới thời Phongxio Philato, nhằm khẳng định rằng đây là một biến cố đã diễn ra trong lịch sử loài người.

Công thức “Đức Kitô chết vì chúng ta” (nghĩa là: vì tội của chúng ta) đã đọc thấy nhiều nơi trong Tân ước (1 Cr 15,3-4; Rm 3,25,v.v…). Nó diễn tả ý tưởng đã nói ở Isaia chương 53 về một người chết thay cho người khác. Thêm vào đó Tân ước cũng giải thích cái chết của Đức Kitô như là “hy lễ” (Rm 3,24 tt; 1 Cr 5,7; 2 Cr 25,21), “chiên hiến tế” (Ga 1,29; Kh 5,6); hy lễ đó có tính cách tình nguyện (Gl 1,4; 2,20; Pl 2,7). Ngoài ra cần lưu ý là thánh Phaolo gấn sự đau khổ và cái chết của Đức Kitô vào thập giá. Thập giá không phải chỉ là biểu tượng của đau khổ, nhưng còn là biểu tượng của ô nhục trong xã hội Lamã; thế nhưng Phaolo không hổ thẹn khi rao giảng rằng Thập giá ô nhục ấy lại là nguồn phúc lành (Gl 3,3), và là trọng tâm của Tin Mừng (1 Cr 1,13.17-18.23; 2,2; Gl 3,1; 6,12). Thánh Gioan còn tiến xa hơn khi đồng hóa việc Đức Kitô chịu treo lên thập giá với sự tiến vào vinh quang.

C. Trong thời đại hôm nay

1) Đức Kitô chịu đóng đinh vì chúng ta. Tân ước coi cái chết như hậu quả của tội lỗi, xét vì tội tách lìa con người khỏi Thiên Chúa nguồn mạch sự sống. Thực ra kinh nghiệm cũng cho thấy rằng khi con người tự đặt mình làm trung tâm vũ trụ, thì sớm muộn gì cũng tìm hết cách để tranh giành quyền hành, đè bẹp người khác, bóc lột tha nhân; từ đó đưa tới hận thù, chiến tranh và chém giết. Chính vì vậy mà một khi tiêu diệt được tội lỗi thì Đức Kitô cũng giải thoát con người khỏi quyền lực của sự chết. Phải hiểu thế nào về sự liên hệ giữa cái chết của Đức Kitô với sự tiêu diệt tội lỗi? Trải qua lịch sử dẫ có ba cách giải thích:

a) Theo các Giáo phụ và thần học Đông phương, thì cái chết của Đức Giêsu (vừa là Thien Chúa vừa là người) có ý nghĩa như là giết chết ảnh hưởng của cái chết đang đè bẹp nhân loại; sự chết và phục sinh nói lên sự chiến thắng giải thoát nhân loại khỏi sự chết và quyền lực của tối tăm.

b) Thần học trung cổ bên Tây phương coi cái chết của Đức Kitô như hy lễ đền tội, với hiệu lực xóa bỏ hình phạt mà con người đáng lãnh vì tội của mình.

c) Thần học cận đại coi cái chết của Đức Giêsu trong viễn ảnh của lòng tin và vâng phục: Đức Giêsu đã trung thành với sứ mạng cho đến chết; vì vậy Người trở nên khuôn mẫu của kẻ không lùi bước trong sự tận tụy cho Thiên Chúa và tha nhân, và làm chứng cho Thiên Chúa lân tuất qua sự trung kiên của mình.

Thiết tưởng cả ba lối giải thích đều có thể bbỏ túc cho nhau. Đức Kitô chịu đau khổ vì chúng ta, cho dù gặp những trở ngại chống đối, nhưng Ngài không chùn bước trong sứ mạng yêu thương. Ngài đi vào trần thế để mang tình thương của Chúa đến cho nhân loại, và Ngài kiên trung với sứ mạng đó. Ngài cũng muốn chấp nhận thân phận của con người, phải chịu chết như hậu quả của tội lỗi: tuy là Chiên vô tội. Ngài bị coi như một tội nhân, chuốc lấy cho mình những nguyền rủa của tội (Rm 8,3; Gl 3,13). Hy lễ do sự đau khổ và sự chết của Đức Kitô đẫ trở thành sự cứu rỗi cho thế giới bởi vì nó mang lại sự giao hòa thế giới với Thiên Chúa: con người được tha thứ tội lỗi, được lãnh cuộc sống mới trong Thánh Thần khi thông dự vào cái chết và sự sống lại của Đức Kitô nhờ tin và rửa tội. Cũng nhờ sự thông hiệp ấy, con người lướt thắng sự sợ hãi, sống trong tin tưởng và sẵn sàng tha thứ, nhờ vậy mà dám đương đàu với những lực lượng của tử thần quen gieo rắc thù hận.

2) Dưới thời Phongxiô Philato. Lời tuyên xưng đức tin này không những muốn nêu bật tính cách lịch sử của cuộc tử nạn của Đức Kitô, nhưng còn muồn nhắc tới tính cách bất công của cuộc hành quyết, vi phạm những quyền lợi của con người nhân danh những mụ tiêu chính trị xu thời (x. Mc 15,6-15). Riêng về trách nhiệm vủa dân Do thái trong cái chết của Đức Kitô (Mt 27,25), cần phải phân biệt giữa những người Do thái thời ấy với những thế hệ sau đó: không thể dùng những đoạn văn Kinh thánh để biện minh phong trào bài Do thái. Chúng ta không nên quên rằng Đức Giêsu là người Do thái, và Ngài chết để quy tụ dân Israel cũng như muôn vàn dân khác vào một gia đình (Ga 11,51-53; Ep 2,13-18).

3) Người chịu khổ hình. Đức Giêsu đã chịu khổ và chịu chết để phụng sự nước Chúa, để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. Vì vậy sự đau khổ của Đức Giêsu trở thành Tin Mừng cho những ai đang phải đau khổ của Đức Giêsu trở thành Tin Mừng cho những ai đang phải đau khổ dưới mọi hình thức (thể lý, tâm thần, do mình hay do tai nạn hay người khác gây ra), cũng như cho những ai tự nguyện chấp nhận rủi ro tính mạng để phạu vụ tha nhân. Ơn cứu rỗi được ban cho con người qua sự đau khổ của Đức Kitô: điều đó có nghĩa là nơi Con của Ngài Thiên Chúa đã lãnh lấy những đau khổ của con người, liên đới chia sẻ nhũng đau khổ ấy, đứng sát bên con người trong cuộc chiến đấu chống lại những quyền lực của tội lỗi và sự chết. Thiên Chúa muốn tỏ cho con người thấy rằng Ngài cũng chịu đau khổ với họ, đồng thời ban cho họ niềm hy vọng vào một cuộc sống không còn mang vết tích của chết chóc nữa. Ngoài ra, người môn đệ của Đức Kitô được kêu gọi thông phần vào số phận của Ngài, không chùn bước trong việc phục vụ cho tình thương kể cả khi nguy hiểm đến tính mạng.

TIẾT 3: ĐỨC GIÊSU KITÔ SỐNG LẠI VƯỢT THẮNG MỌI QUYỀN LỰC SỰ DỮ

A. Thách đố

Giữa thời đại cơ khí kỹ thuật hôm nay, làm sao tin được người chết sống lại, tin vào sự sống mai hậu? Quyền lực của Đức Kitô phục sinh có sức nâng đỡ cố gắng và hy vọng của chúng ta đến đâu, khi phải đối kháng với những lực lượng xã hội, kinh tế, y thức hệ muốn làm bá chủ thế giới?

B. Ý nghĩa

Trong kinh Tin kính, những lời tuyên xưng về sự Phục sinh của Đức Kitô đều trích từ những lời của Tân ước. Hơn thế nữa, biến cố Phục sinh được gắn liền với việc lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha và quang lâm. Ta biết rằng sự phục sinh của Đức Kitô là trung tâm của lời giảng của các thánh Tông đồ. Việc Chúa sống lại được thuật lại trong Phúc Âm cũng như trong các tác phẩm khác của Tân ước. Đức Kitô sống lại không chỉ có nghĩa là một cuộc cải tử hoàn sinh, nhưng tiên vàn nó là cuộc tôn vinh: Đức Kitô là Chúa (Mt 28,18.20; Lc 24,49; Ga 17; 20,21-23; Cv 2,36; Rm 1,4; 10,9; 1 Cr 12,3; Pl 2,11). Do đó mà việc Phục sinh được gắn liền với việc ngự bên hữu Chúa Cha và việc phán xét vũ trụ.

C. Trong thời đại hôm nay

1) Người sống lại và lên trời. Tuy rằng có những giải thích khác nhau về mầu nhiệm Phục sinh, nhưng tất cả cac Kitô hữu đều đồng thanh tuyên xưng rằng Đức Giêsu đã sống lại. Cuộc sống mới của Chúa Phục sinh là một thực tại mà người Kitô hữu cảm nghiệm qua những đườn lối khác nhau: qua những buổi cử hành phụng vụ và các bí tích, qua sự chia sẻ huynh đệ trong cộng đồng, qua những niềm vui và sức mạnh lãnh nhận nhằm làm chứng cho Tin Mừng kể cả lúc gặp thử thách. Niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh mang lại cho ta sự vui mừng và hy vọng, hy vọng vào sự sống vượt qua cái chết. Lòng hy vọng đó giúp cho người tín hữu không chịu buông trôi, nhưng cố gắng tìm cách cải tiến thế giới hiện tại.

2) Người ngự bên bữu Chúa Cha. Đức Kitô đã tuân phục Chúa Cha cho đến chết, và nay được Cha tôn vinh, tặng ban danh hiệu là Chúa (Pl 2,10). Khi tuyên xưng Đức Kitô là Chúa, chúng ta xác quyết rằng bất chấp tội lỗi của con người với những hậu quả của nó. Thiên Chúa luôn chiến thắng các quyền lực của sự dữ và cái chết. Chúng ta cũng tin rằng Đức Kitô chuyển cầu cho chúng ta. Sống giữa cuộc đời còn mang dấu hiệu của tội lỗi và tang tóc, người Kitô hữu cảm thấy những dấu hiệu của sự hiện diện và quyền năng của Đức Kitô Phục sinh nơi những chứng nhân can đảm đi theo con đường thập giá của Ngài, những người hy sinh dấn thân xây dựng xã hội, hàn gắn chia rẽ hận thù, giải phóng những kẻ bị áp bức.

3) Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống vàkẻ chết. Lời tuyên xưng này không chỉ có nghĩa là vũ trụ sẽ có lúc chấm dứt, nhưng nhất là dòng lịch sử sẽ đi tới cùng đích nơi Đức Kitô. Đó là lúc hoàn tất cuộc tạo dựng và tái tạo, khi nhân loại và vũ trụ sẽ được hưởng tất cả hồng ân công chính và sự sống mới mà cuộc Phục sinh của Đức Kitô mang lại. Chúng ta tin rằng tất cả sẽ phải trình diện trước sự phán xét của Đức Kitô. Tuy nhiên khi nói tới Đức Kitô là vị thẩm phán xét xử, chúng ta đừng lên quên rằng Ngài cũng là trạng sư của chúng ta, cầu bầu cho chúng ta trước tòa Chúa. Chúng ta dễ bị cám dỗ phán xét người khác theo đầu óc của chúng ta, mà quên rằng sự phán xét làmột đặc quyền của Thiên Chúa, nơi mà sự công bình và tình thương không thể tách rời. Xét về thời giờ và cách thức của việc phán xét, thì giữa các Giáo hội có những ý kiến khác nhau, phần nào bắt nguồn từ những cách giải thích khác nhau về các bản văn Tân ước.

* Có người cho rằng thời cánh chung đã thực hiện rồi; có người thì đặt nó vào lúc tận thế

* Có người nhấn mạnh tới sự sống lại cá nhân liền ngay sau khi sự chết.

* có người nói rằng sự phán xét và phục sinh sẽ xảy ra vào thời chung tất của thời gian.

4) Nước Người sẽ không bao giờ cùng. Tuy rằng nước Chúa sẽ tỏ hiện vào lúc quang lâm, nhưng Giáo hội tin rằng Nước Chúa đã hiện diện và tác dụng ngay từ bây giờ rồi. Thực ra, khi còn ở thế, Đức Kitô đã tuyên bố rằng nước Thiên Chúa đã đến (Lc 17,21): Đức Kitô phục vụ Nước của Chúa bằng việc suy phục Cha. Đức Kitô không hề muốn chiếm đoạt quyền hành cho mình. Việc tuyên xưng nước Đức Kitô ban hàm việc đả kích tất cả những chủ nghĩa hay ý thức hệ nào đòi làm bá chủ thống trị nhân loại mãi mãi; nhưng đồng thời việc tuyên xưng nước Kitô, nước của công lý và hòa bình, cũng khuyến khích những chế độ nào đang cố gắng họa theo tiêu chuẩn đó trong thế giới.

***

PHẦN III:

CHÚNG TÔI TIN KÍNH THÁNH THẦN,

HỘI THÁNH, ĐỜI SỐNG TRONG THẾ GIỚI ĐÃ ĐẾN

 

Phần này gồm bốn tiết:

* Chúa Thánh Thần;

* Hội thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền;

* Một phép rửa để tha tội;

* Người chết sống lại và sự sống đời sau.

TIẾT 1: TÔI TIN KÍNH THÁNH THẦN

A. Thách đố

Hội thánh tuyên xưng Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban sự sống: chính nhờ quyền năng của Ngài mà chúng ta có thể tin và tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta được dẫn đưa vào sự thông hiệp với Cha và Con. Lời tuyên xưng ấy gặp phải những thách đố sau đây:

a) cuộc tranh luận thần học giữa các Giáo hội Đông phương với Tây phương chung quanh từ ngữ “filioque”;

b) sự liên hệ giữa Thánh thần của Chúa với tinh thần và ý thức của con người;

c) sự liên hệ giữa Thánh Thần với ơn ngôn sứ trong Cựu ước và trong Hội thánh;

d) tác động của Thánh Thần ngoài biên cương của Hội thánh.

B. Ý nghĩa

Vào thời công đồng Constantinopoli I (381). Giáo hội phải đương đầu với những học thuyết chối bỏ thiên tính của Thánh Thần. Nên ghi nhận là công đồng không có ơn gọi Thánh Thần là “Thiên Chúa” (Theos, Deus) như là khi nói về Đức Kitô (Deum de Deo); công đồng cũng không áp dụng tiếng “đồng bản thể” (consubstantialis) cho Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên thiên tính của Thánh Thần được khẳng định khi Ngài được gọi là “Chúa” (To kyrion, Dominus).

Tân ước quả quyết sự can thiệp của Thánh Thần trong công cuộc nhập thể của Đức Kitô (Lc 1,35), cũng như trong suốt hoạt động thiên sai của Người (Mt 12, 28; Lc 4,14; Ga 1,32), và khi Phục sinh Đức Kitô từ cõi chết (1 Cr 15,45). Hơn thế nữa, các tín hữu nhìn nhận rằng Ngài cũng chính là Thần khí đã tham dự vào công cuộc tạo dựng vạn vật (Kn 1,2), đã nói qua các ngôn sứ, đã xương lên các lời cầu nguyện của chư dân. Đặc biệt, từ ngày Hiện xuống, các Kitô hữu cảm thấy Ngài tác động trong Hội thánh, trong lời giảng của các tông đồ, trong các linh ơn khác nhau để phục vụ cộng đoàn. Chính Ngài gợi dậy đức tin (1 Cr 12,3), tâm tình cầu nguyện (Rm 8,12-16). Thánh Thần thực là Đấng An ủi mà Đức Kitô hứa sẽ phái đến; Thánh Thần sẽ dẫn dắt Giáo hội và vũ trụ tới sự sống lại và vinh quang của Chúa. Vì vậy Thanh Thần không phải là một động lực, nhưng là một ngôi vị Thiên Chúa, tác độn trong lịch sử cứu rỗi (Tv 33,6; Ed 37,1-4; Rm 1,3-5; 8,14-17). Ở đâu mà Cha và Con tác động, thì đấy cũng có Thánh Thần: toàn thể công cuộc tạo dựng và hết mọi sự chúc lành đều phát nguồn từ Cha và Con trong Thánh Thần.

1) Thánh Thần, Thần khí của Thiên Chúa được gọi là thánh bởi vì Ngài thuộc về Thiên Chúa, Đấng rất thánh, và bởi vì mục tiêu của mọi tác động cảu Ngài nhằm đưa con người nên thánh qua sự thông hiệp với Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Thần đối chọi với hết mọi thứ thần dữ khác, bởi vì Ngài thánh hóa con người, ban cho con người được sự tự do của con cái Chúa; ngược lại, các thứ thần khác chỉ muốn đô hộ, xâm chiếm, đè bẹp con người.

Về sự hiện diện của Thánh Thần ở ngoài Hội thánh, thì giữa các người Kitô hữu có những ý kiến khác nhau: có người cho rằng Thần khí của Đức Kitô chỉ tác động trong cộng đồng Kitô hữu; ý kiến khác thì quả quyết rằng đâu có chân lý công bằng thì ở đấy có Thánh Thần của Chúa.

2) Ban sự sống. Nhờ và trong Thánh Thần mà tạo vật lãnh nhận sự sống (Tv 104,29-30). Vì vậy chúng ta phải tôn trọng sự sống dưới mọi hình thức, tuy không được rơi vào những thuyết muốn thần thánh hóa thiên nhiên hay ý thức con người. Cách riêng Thánh Thần ban cho các Kitô hữu sự sống mới trong Đức Kitô qua bí tích rửa tội; nhờ đó họ được tái sinh làm con của Chúa, chia sẻ vào sự thông hiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Thần cũng là Đấng ban sinh lực cho Hội Thánh qua các đặc sủng (charisma) để kiến tạo Hội thánh và phục vụ thế giới (1 Cr 12,4-11, 27-30; Ep 4,4-5).

3) Xuất phát bởi Chúa Cha. Khi tuyên xưng rằng Thánh Thần xuất phát bởi Chúa Cha thì cũng hàm ngụ có một liên hệ giữa Thánh Thần với Con, vì Con được Cha sinh ra. Trong lịch sử, các Giáo hội bên Tây đã thêm tiếng “Filioque” vào kinh Tin kính nhằm nói lên mối tương quan ấy. Các cuộc đối thoại ngày nay cho thấy hai bên Đông và Tây phương đều tin như nhau về tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa; nhưng cần chờ đợi thời gian để tìm ra một phương thức biểu lộ niềm tin đồng nhất ấy. Mặt khác, dần dần tất cả các Giáo hội nhận thức rõ rệt hơn về sự tôn vinh dâng lên cả Ba Ngôi Thiên Chúa: không thể có phụng vụ và linh đạo dành riêng cho Thánh Thần tách biệt khỏi Cha và Con: đối lại không thể có sự thờ phượng và chúc vinh lên Cha cà Con mà bỏ qua Thánh Thần.

4) Thánh Thần với các ngôn sứ. Lời tuyên xưng “Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy” nhìn nhận rằng chính Thánh Thần đã thúc đẩy các ngôn sứ trong Cựu ước; vì thế không thể gạt bỏ các sách Cựu ước ra khỏi số bộ Kinh thánh tuy dù biết rằng Đức Kitô mới là sự viên mãn của Cựu ước. Mặt khác ơn ngôn ngiều dạng thức; những người tuyên bố lời Chúa trong những hoàn cảnh áp bức bất công; những người xây dựng Hội thánh bằng việc phụng tự: những người tham gia vào các hình thức canh tân đặc sủng; nhất là không hề thiếu những người chia sẻ số phận gian nan của chúng tá ngôn sứ. Mặt khác, không phải bất cứ ai tự xưng là được linh ứng đều đáng tin: các tín hữu cần phải biết thhực thi ơn phân định để nhận ra đâu là ngôn sứ chân chính của Thánh Thần (1 Cr 14,22).

TIẾT 2: HỘI THÁNH DUY NHẤT, THÁNH THIỆN, CÔNG GIÁO VÀ TÔNG TRUYỀN

A. Thách đố

Việc tuyên xưng ơn cứu rỗi của Đức Kitô được ban trong Hội thánh gặp nhiều thách đố trong thời buổi này.

* Có những người muốn đi tìm Đức Kitô ngoài Giáo hội;

* Có người tuy muốn thuộc về Hội thánh nhưng họ không thể chấp nhận nhưng luật lệ mà giáo quyền đặt ra;

* Có những phong trào đặc sủng không chấp nhận bất cứ hình thức quyền bính nào trong Hội thánh.

Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu cũng làm giảm uy tín của Giáo hội rất nhiều.

B. Ý nghĩa

Hội thánh được gắn liền với lời tuyên xưng về Chúa Thánh Thần, nhằm nêu bật sự lệ thuộc của Hội thánh vào tác động của Thánh Thần. Bản kinh Tin kính của công đồng Constantinopoli chứa đựng lời tuyên xưng phong phú về Hội thánh nhất so với các tín biểu khác. Hội thánh được tuyên xưng là “một” trước bao nhiêu chia rẽ vào thế kỷ thứ 4; sự thánh thiện của Hội thánh dựa trên sự kiện nền tảng là Hội thánh thuộc về Thiên Chúa chí thánh; Hội thánh gọi là Công giáo là ơn của Chúa ban cho hết mọi người bất kỳ thuộc sắc dân, chủng tộc ngôn ngữ nào; còn tính cách tông truyền đòi hỏi Hội thánh phải trung thành với mẫu mực Phúc Âm mà các thánh tông đồ đã rao giảng.

Tân ước đã nói rất nhiều về Hội thánh, cách riêng trong mối liên hệ với Thiên Chúa: Hội thánh là chi thể của Đức Kitô, nghĩa là thông dự vào sức sống mới của Đấng Phục sinh; Hội thánh là Dân mới được Chúa chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh (1 Pr 2,9) để loan báo và làm chứng cho Nước trời giữa nhân loại. Hội thánh là một sự thông hiệp họa theo sự thông hiệp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, hợp nhất trong sự đa dạng của các ngôi vị.

C. Trong thời đại hôm nay

1) Hội thánh. Hội thánh là cộng đoàn những người thông hiệp với Đức Kitô và trong Ngài, thông hiệp với nhau. Mỗi người gia nhập cộng đoàn ấy qua lòng tin vào Đức Kitô và lĩh bí tích rửa tội. Cộng đồng ấy được nuôi dưỡng bằng lời và mình của Đức Kitô, được gọi làm chứng và phục vụ Tin Mừng. Xét vì là một cộng đồng hiện diện trong lịch sử loài người đã không thiếu lần sai sót ơn gọi của mình, Hội thánh được Chúa liên lỉ nhắc nhở, và tăng sức để canh tân đời sống. Thực ra, có những lối hiểu khác nhau về tính cách thánh thiện và yếu đuối của Hội thánh: truyền thống bên Đông phương nhìn Hội thánh trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, nên không muốn nghe nói đến những khiếm khuyết của Hội thánh; còn Tây phương thì quen duy trì sự đối chọi giữa đức tin về mầu nhiệm Hội thánh với thực tại lịch sử của cộng đồng con người.

Hội thánh là một, bởi vì thuộc về một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Phúc Âm. Sự duy nhất của Hội thánh không có nghĩa là đồng nhất nhưng là sự kết tu hữu cơ của các Giáo hội là thánh vì có Thánh Thần ngự trong đó, cũng như vì lòng trung tín của Chúa đối với Dân của Ngài sẽ không để cho sa ngã dưới quyền lực ác thần; tuy gồm nên bởi những con người tội lỗi, nhưng mỗi lần lắng nghe lời Chúa, cử hành bí tích, Giáo hội được Chúa chiếm ngự và thanh tẩy cho nên sạch. Giáo hội là Công giáo (catholica) bởi vì Đức Kitô, đầy tràn ân sủng và chân lý, hiện diện trong mỗi Giáo hội địa phương, và thúc đẩy nó thông hiệp với hết mọi Giáo hội trên hoàn cầu. Tính cách vũ hoàn đó vượt lên trên mọi biên cương của chủng tộc và quốc gia, tuy bao trùm hết những nét phong phú của các truyền thống văn hóa. Giáo hội là tông truyền vì liên tục với các tông đồ trong sứ mạng rao giảng, phụng tự, chứng tá. Về tính cách tông truyền, trong lãnh vực đại kết, có những Giáo hội nhấn mạnh tới sự liên tục về Giáo huấn của các tông đồ; có những Giáo hội (thí dụ Công giáo và Chính thống) còn đòi hỏi thêm sự kế truyền về chức thánh nữa.

TIẾT 3: MỘT PHÉP RỬA ĐỂ THA TỘI

A. Thách đố

Tuy tuyên xưng chỉ có một phép rửa, nhưng các Giáo hội Kitô chưa có thể cử hành chung bí tích thánh tẩy, hoặc không nhìn nhận việc cử hành trong các Giáo hội khác, hoặc không nhất thống với nhau về việc rử tội cho các em bé. Một thách đố khác là phải chăng Thánh Thần Chúa chỉ ban ơn tha tội qua bí tích rửa tội mà thôi.

B. Ý nghĩa

Kinh Tin kính dùng động từ “tuyên xưng” (Confitemur, homologoumen) khi nói về phép rửa, khác với động từ “tin kính” (cretiums in… dành cho Ba Ngôi Thiên Chúa). Kinh tin kính chỉ nhắc tới một bí tích, vì vào thời nguyên thủy, nó được coi là quan trọng nhất trong việc con người bước từ tình trạng tội lỗi sang cuộc sống mới. Dĩ nhiên vào thời Giáo hội nguyên thủy cũng đã có bí tích thống hối để tha tội, nhưng bí tích này được coi như lặp lại sự cải hoán đã bắt đầu nơi phép rửa tội.

Tân ước nói tới bí tích rửa tội không phải chỉ dưới khía cạnh tha tội mà thôi. Bí tích này còn đưa con người tham dự vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô (Rm 6, 1-11; Cl 2,11-12), mặc lấy Đức Kitô (Gl 3,27), được canh tân trong Thánh Thần (Tt 3,5).

C. Trong thời đại hôm nay

1) Một phép rửa. Ngoài những tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, phép rửa còn đưa con người vào Giáo hội. Do đó mà có sự liên hệ mật thiết giữa một phép rửa với một Giáo hội. Sự khó khăn mà nhiều người Kitô hữu cảm thấy hiện nay là tuy họ được rử tội nhưng họ không cảm thấy tha thiết mấy với Giáo hội.

2) Để tha tội. Phép rửa chỉ là bước đầu tien đưa con người từ tội lỗi và tăm tối bước sang sự sống mới, một sự sống cần được phát triển mãi. Trong cuộc đối thoại đại kết có những vấn đề sau đây được nêu lên:

a) Truyền thống lâu đời của các Giáo hội Đông phương và Tây phương gắn liền ba bí tích rửa tội, thêm sức và thánh thể như toàn bộ của tiến trình khai tâm vào đức tin; tuy nhiên, nhiều Giáo hội Tây phương cử hành thánh tẩy tách rời khỏi hai bí tích kia.

b) Vấn đề rửa tội cho nhi đồng: có những Giáo hội không chấp nhận rửa tội cho trẻ em vì chúng chưa có thể bày tỏ lòng tin đón nhận ơn cứu rỗi; tuy nhiên những Giáo hội thực hành việc rửa tội cho các em thì lập luận rằng ơn thánh cứu rỗi của Chúa đi trước và vượt lên trên cả sự đón nhận về phía con người.

c) Việc tha tội được hiểu như thếnào: dây là cuọc tranh luận về sự công chính hóa bên Tây phương từ Lutero.

Cho dù hiểu thế nào đi nữa, ta không thể phủ nhận những giáo huấn của Tân ước về hậu quả của bí tích rửa tội, nhờ đó con người được tái sinh trong Thánh Thần, do đó cần sống cuộc đời mới theo Thánh Thần hướng dẫn.

TIẾT 4: TÔI TRÔNG ĐỢI KẺ CHẾT SỐNG LẠI VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU

A. Thách đố

Lời tuyên xưng cuối cùng của kinh Tin kính nói về niềm hy vọng của người Kitô hữu vào một tương lai vượt lên trên những biến thiên của lịch sử. Niềm hy vọng này gặp những thách đố của những người không tin vào sự sống lại, cũng như của bao người hãi hùng trươc cái chết hoặc trước viễn ảnh của thế giới bị đe dọa bởi nạn nhân mãn, ô nhiễm môi sinh, đói kém.

B. Ý nghĩa

Trong kinh Tin kính, những lời tuyên xưng về thế giới mai hậu cần được móc nối với phần bàn về Đức Kitô, Đấng sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết. Chúng ta tin rằng người chết sẽ sống lại nghĩa là tin rằng ơn cứu rỗi không phải chỉ có ảnh hưởng tới linh hồn mà còn tới cả thế giới hữu hình vật chất nữa. Niềm tin vào việc người chết sẽ sống lại còn lờ mờ trong cựu ước, nhưng đã trở thành rõ rệt trong Tân ước. Thánh Phaolo đã gắn liền sự phục sinh của Đức Kitô với sự phục sinh của chúng ta (1 Cr 15,12 tt), và coi đó như căn bản của Tin Mừng.

C. Trong thời đại hôm nay

Đức ti Kitô giáo gắn kiền với hy vọng: niềm hy vọng ấy dựa trên Đức Kitô, nơi Người Thiên Chúa đã thực hiện chương trình cứu rỗi dành cho nhân loại và thế giới.

1) Người chết sống lại. Niềm tin này có nghĩa là tin người chết sẽ lãnh lại sự sống toàn vẹn (hồn xác), và như vậy tin rằng Thiên Chúa hứa cho con người một tương lai sau khi chết. Thiên Chúa muốn sự sống cho hết mọi người. Tuy nhiên, ta cũng không thể không để ý tới những đoạn văn của Tân ước cảnh cáo nguy cơ của những người bị luận phạt đời đời.

2) Sự sống trong thế giới sẽ đến. Kinh thánh còn nói tới việc tái tạo vũ trụ: toàn thể vũ trụ sẽ được canh tân trong nước chung kết của Chúa, khi mà các lực lượng của sự dữ, tội lỗi và sự chết bị diệt trừ; Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự.

Các Kitô hữu chia sẻ trong một niềm hy vọng chung ấy, và cố gắng làm chứng cho niềm hy vọng giữa thế giới hôm nay. Giáo hội phải trở nên dấu chỉ của sự hiện diện của những thực tại mai hậu nhờ quyền năng của Thánh Thần: hòa bình, công chính, sự hòa giải yêu thương. Niềm hy vọng đó thúc bách chúng ta dấn thân vào trần thế qua việc xây dựng một thế giới nhân đạo hơn, tuy không bao giờ được đồng hóa một thực tại nhân loại nào với Nước cánh chung của Chúa.