Tuổi Trẻ Dưới Cái Nhìn Lịch Sử, Văn Hóa

0
2020

(Bài liên quan đến Thượng hội đồng Giám mục về giới trẻ)

Alessandro Cavalli

Tóm lược mục từ “Giovani” trên Enciclopedia delle scienze sociali (1994)[1]. Tác giả là giáo sư xã hội học tại đại học Pavia (Italia) và giáo sư thỉnh giảng tại Paris, Heidelberg. Bài nghiên cứu này cho chúng ta theo dõi lịch sử của tuổi trẻ trong các xã hội sơ khai cũng như trong các xã hội châu Âu. Chúng tôi bỏ qua những biểu đồ thống kê thực hiện tại các quốc gia châu Âu vào cuối thế kỷ XX.

Bố cục.

1/ Khái niệm về tuổi trẻ

2/ Những khía cạnh lịch sử

a) Các nhóm trẻ trong các xã hội sơ khai và các xã hội thời cổ.

b) Tuổi trẻ tại châu Âu thời tiền công nghệ.

c) Tuổi trẻ trong xã hội công nghệ.

3/ Thanh niên trong các xã hội tiến bộ ngày nay :

a) Kéo dài giai đoạn tuổi trẻ.

b) Mở rộng điều kiện sinh viên.

c) Chậm bước vào giai đoạn lao động.

d) Từ gia đình gốc đến việc thành lập một gia đình mới.

4/ Văn hóa tuổi trẻ.

a) Kiến tạo căn cước.

b) Quan niệm về thời gian.

c) Thời gian nhàn rỗi và tiêu khiển.

d) Những lối ứng xử tập thể.

e) Sự bất mãn của tuổi trẻ.

______________________________________

1. Khái niệm về tuổi trẻ

Trong ngôn ngữ thông thường cũng như trong môn xã hội học, các từ « tuổi trẻ / thanh niên » mang nhiều ý nghĩa hàm hồ. Trong ngôn ngữ thông thường, các từ ấy ám chỉ một giai đoạn chuyển tiếp từ thiếu nhi đến trưởng thành : thanh niên là những người không còn là thiếu nhi nữa nhưng chưa trưởng thành. Việc sử dụng từ ngữ cũng thường kèm theo sự lượng giá tích cực hoặc tiêu cực. Đối với những người già, tuổi trẻ tượng trưng cho thời hoàng kim trong cuộc đời mà họ nhìn lại cách luyến tiếc (tuổi xuân đã qua rồi) ; nhưng cũng có người coi tuổi trẻ như là biểu tượng của sự suy đồi (tuổi trẻ thời nay … không như thời xưa). Đôi khi tuổi trẻ còn mang theo những màu sắc chính trị : họ tượng trưng cho thế hệ mới, do chế độ mới (cách mạng) đào luyện, khác với lớp già mang nặng đầu óc của chế độ cũ. Trong các xã hội cổ điển thì ngược lại: người cao niên được tôn trọng vì tượng trưng cho quyền bính; ngược lại, lớp trẻ còn non nớt chưa đủ khả năng đảm đương trách nhiệm.

Trong các khoa học xã hội, việc dùng từ ngữ cũng chưa thống nhất, cách riêng khi phân biệt giữa “giới trẻ” (gioventù) và “thanh niên” (adolescenza): có tác giả dùng như đồng nghĩa, và có tác giả gắn một ý nghĩa riêng cho mỗi từ (chẳng hạn như adolescenza ám chỉ những thay đổi về hình dong thể chất bắt đầu từ lúc “dậy thì”, còn gioventù được hiểu về khả năng đảm nhiệm vai trò trong xã hội). Tuy nhiên, vấn đề trở nên phức tạp khi chuyển từ khía cạnh thể chất sang khía cạnh tâm lý, bởi vì thời nay xem ra các bạn trẻ triển nở về thể chất sớm hơn (so với thế kỷ trước) nhưng lại non nớt hơn về mặt tâm lý. Cho đến nay, các học giả chưa thống nhất tiêu chuẩn để định nghĩa tuổi trẻ (nghĩa là lứa tuổi không còn là thiếu nhi nữa nhưng chưa đạt đến mức độ trưởng thành). Thật ra, như sẽ thấy, việc xác định tuổi trưởng thành thay đổi tùy theo mỗi xã hội, và thậm chí tùy theo thời đại ngay trong cùng một xã hội. Như M. Mead (1935) đã nhận xét: một thanh niên không thể nào tuyên bố “nay tôi đã thành người” nếu xã hội không chấp nhận như vậy. Việc xác định tiêu chuẩn “trưởng thành” thay đổi tùy theo không gian và thời gian.

2. Những khía cạnh lịch sử

a) Các nhóm trẻ trong các xã hội sơ khai và trong xã hội thời cổ

Hầu như trong tất cả các xã hội sơ khai, không có một giai đoạn nào trong cuộc đời được định nghĩa là “tuổi trẻ”, bởi vì sự chuyển tiếp từ tuổi thơ ấu đến tuổi trưởng thành rất nhanh chóng, được thể hiện qua những nghi thức. Van Gennep (1909), nhà dân tộc học tiên phong nghiên cứu những nghi thức “chuyển đời”, đã phân biệt ba chặng: các nghi thức tách biệt, các nghi thức ngoài lề, các nghi thức hội nhập. Với nghi thức “tách biệt”, các cá nhân được tách ra khỏi tình trạng trước đó; với nghi thức “ngoài lề”, chúng được dẫn đưa vào một giai đoạn trung chuyển; các nghi thức “hội nhập” đánh dấu tình trạng trưởng thành. Các nghi thức “ngoài lề”, đánh dấu giai đoạn trong đó một cá nhân được tách ra khỏi tình trạng trước đó tuy chưa thuộc về giai đoạn kế tiếp. Các bạn trẻ được tách ra khỏi nhà và làng, và đưa đến sống chung với nhau thành từng nhóm cùng lứa tuổi và phái tính. Chúng được huấn luyện để thi hành các vai trò của người trưởng thành, tuy vẫn còn ở trong điều kiện vị thành niên. Việc sống chung thành nhóm sẽ tạo nên tâm tình liên đới mà họ sẽ tiếp tục duy trì về sau. Đặc biệt là ở tộc Nuba (nước Sudan), các bạn trẻ được phân ra thành bốn nhóm tuổi, mỗi nhóm được huấn luyện riêng và được trao những công tác riêng: nhóm thứ nhất (15-18 tuổi) giúp công tác trồng trọt và cất bờ rào cho súc vật; họ phải thi đấu sức lực và có thể đính hôn; nhóm thứ hai (18-21 tuổi) có những công tác quan trọng hơn và có thể kết hôn nhưng không thể cất nhà riêng; nhóm thứ ba (21-23 tuổi) có thể cất nhà cho mình và cho vợ con; nhóm thứ bốn (23-26 tuổi) có đủ quyền lợi của người trưởng thành và có thể giữ các chức vụ trong làng (x. Eisenstadt, 1956).

Trong các xã hội cổ thời, việc quy tụ các bạn trẻ thành nhóm thỉnh thoảng cũng xảy ra nơi các giai cấp thượng lưu. Một trường hợp tiêu biểu là thể chế efebia ở Hy-lạp, dành để đào tạo quân sự và dân sự cho các công dân tự do. Vào lúc đầu (khoảng năm 370 trước CN), các bạn trẻ (những công dân tự do) khi lên 18 tuổi, được đăng ký vào những danh sách đặc biệt, và được tuyển chọn để theo đuổi các lớp huấn luyện quân sự, văn chương và âm nhạc, nhằm bảo vệ quê hương và thi hành các nghĩa vụ công dân. Về sau, thể chế này mất tính cách huấn luyện quân sự, và trở thành câu lạc bộ cho các thanh niên nhà giàu tập luyện thể dục hoặc tranh luận về chính trị.

Đế quốc Rôma cũng có những thể chế tương tự. Các collegia iuvenum, lúc đầu nhằm đào tạo quân sự cho các thanh niên thuộc tầng lớp thượng lưu, nhưng dần dần mất đi mục tiêu quân sự, và biến thành những câu lạc bộ tranh luận chính trị hoặc thi đấu thể thao, nhằm huấn luyện những lớp lãnh đạo chính trị và hành chánh cho Đế quốc.

b) Các thanh niên ở châu Âu tiền-công-nghệ

Vào cổ thời, chúng ta có thể nói đến một giai đoạn thanh niên trong đời người và các định chế dành cho các thanh niên thượng lưu, nhưng từ thời Trung đại cho đến thời hiện đại, không còn giai đoạn ấy nữa. Đối với đa số thành phần nông dân, không còn tuổi thanh niên nữa. Các thiếu nhi, ở độ 7-8 tuổi, đã bắt đầu ra đồng làm việc hoặc gửi đến phục vụ cho các gia đình khá giả. Vì thế họ ở trong tình trạng bán-lệ-thuộc cho đến khi kết hôn hoặc được thừa kế đất đai khi người cha qua đời, điều mà thường không xảy ra trước khi họ được 25-30 tuổi (v. Gillis, 1974, trang 15). Ngay cả đối với con nhà quý tộc hoặc tư sản, tình trạng thanh niên kết thúc với việc truyền lại tước hiệu hoặc gia tài. Trong nhiều trường hợp, khi áp dụng quy luật trưởng nam, thì những đứa con thứ không được hưởng thừa kế vẫn sống trong tình trạng lệ thuộc, hoặc là họ đi tìm một nghề nghiệp nào khác, kể cả đi tu. Đừng kể giai cấp nông nô, nói chung, đa số người trẻ sinh sống ở nông thôn được coi là trưởng thành khi họ được thừa kế đất đai, khi kết hôn hoặc thủ đắc một điều kiện tự lập nào đó.

Hoàn cảnh của giới thủ công nghệ tại các thành thị thì khác. Khi lên 7 tuổi, các bé trai phải rời xa gia đình và được giao cho một gia đình khác, thường là ở một thành phố hoặc vùng khác, để tập nghề. Trong suốt thời tiền-hiện-đại và đối với tất cả mọi giai cấp xã hội, thể chế tập nghề này đã khiến cho  phần đông các con trai không có những mối dây ràng buộc tình cảm với cha mẹ (v. Ariès, 1960). Ít là cho đến đầu thế kỷ XVIII, thể chế tập nghề hàm ngụ rằng việc giáo dục và dạy nghề không phải là trách nhiệm của cha mẹ tự nhiên song là của gia đình của thầy dạy nghề. Các thiếu nhi tập nghề không lãnh lương, mà chỉ được nuôi ăn ở tại gia đình của thầy. Có những luật, chẳng hạn như bên Đức, ngăn cấm kết hôn trước khi mãn thời kỳ tập nghề. Nhiều lần, người tập sự không dừng lại ở xưởng mà mình đã đến khi còn nhỏ, nhưng sẽ chuyển sang thành thị khác để rèn luyện thêm kỹ năng, cho đến khi nào đạt đủ điều kiện được thu nhận vào nghề (theo quy tắc do nghiệp đoàn đặt ra), đôi khi tại chính thành thị mà chàng ta đã rời bỏ cách đó 10-15 năm về trước. Chỉ lúc ấy, người trẻ mới thoát ra cảnh lệ thuộc, có thể kết hôn, lập gia đình riêng, và bước sang tuổi trưởng thành.

Điều kiện của các thiếu nữ thì hoàn toàn khác : hoặc các cô ở nhà hoặc là đi phục vụ ở các nhà láng giềng hay bà con cho tới khi kết hôn. Còn những ai không lập gia đình thì (nếu không đi tu hoặc làm nghề mãi dâm) sẽ ở nhà của cha mẹ hay của các anh chị. Như vậy, đối với các thiếu nữ, thật là khó xác định thế nào là tuổi trẻ.

Kể từ thế kỷ XIV, hoặc đôi khi trước nữa, một thể loại thanh niên ra đời, đó là các sinh viên đại học, một thể chế bắt đầu lan rộng tại các thành phố lớn với nhiệm vụ là đào tạo các nghề nghiệp trí thức (linh mục, công chức, luật gia, y sĩ). Những đại học đầu tiên là tổ hợp các giáo sư và sinh viên. Các sinh viên xuất thân từ các tầng lớp thượng lưu (quý tộc, thương gia). Không có ấn định hạn tuổi để gia nhập và tốt nghiệp đại học; các sinh viên thuộc vào lứa tuổi từ15 đến 30 hay hơn nữa. Cũng như các công đoàn, các đại học được hưởng những đặc ân tự trị do hoàng đế ban cấp. Vì thế đại học có những quy luật nội bộ và cắt cử các chức vụ. Các giáo sư và nhất là các sinh viên thường di chuyển từ trường này sang trường khác, với hậu quả là họ đã tạo ra một mạng lưới các nhà trí thức cho toàn thể lục địa châu Âu (với ngôn ngữ chung là tiếng Latinh).

Các học sinh đang tập nghề cũng như các sinh viên đại học thiết lập những đoàn thể dưới hình thức “hiệp hội” (compagnonnages bên Pháp, GesellenverbändeBrüderschaften bên Đức, brotherhoods bên Anh), được điều hành theo cấp bậc thâm niên. Việc gia nhập các hiệp hội tuân theo những lễ nghi khai tâm. Các nhóm này giữ vai trò kết nạp các hội viên mới và kiểm soát cách sinh hoạt, và đề cử những đại biểu để bảo vệ cho các quyền lợi tập thể trước mặt chính quyền. Nói chung, các tổ chức thanh niên có chức năng hỗ trợ liên đới cho các thành viên ở một giai đoạn của cuộc sống khi mà họ chưa được hưởng tình trạng của người trưởng thành. Tuy nhiên, sự hiện diện của các nhóm ấy thường gây ra xung đột với cộng đồng. Trong các ký sự và niên sử, người ta đọc thấy nhiều cuộc rối loạn gây ra bởi các nhóm trẻ nhân dịp các lễ hội; những xung đột này thường biểu lộ các tranh chấp ngấm ngầm giữa các trường học với nhau (x. Gillis, 1974; x. Levi và Schmitt, 1994).

c) Thanh niên trong xã hội công nghệ

Điều kiện của thanh niên đã biến đổi sâu đậm khi xã hội bước sang thời công nghệ. Ở nông thôn, với sự bành trướng của công nghệ gia dụng (nghĩa là bên cạnh việc canh nông còn có các nghề thủ công do các thương gia đặt hàng, mang tên là putting out bên Anh và Verlag bên Đức), các thanh niên có cơ hội tự lập về kinh tế, và có thể lập gia đình, mà không bị lệ thuộc vào sự thừa kế khi người cha qua đời hay phân chia gia tài. Mặt khác, đa số những người rời bỏ nông nghiệp về thành thị hay các trung tâm công nghiệp mới đều là giới trẻ, và họ có cơ hội để thoát ly khỏi những dây ràng buộc với gia đình theo khuôn mẫu gia trưởng trước đây.

Tại các thành thị, thể chế tập nghề (giả thiết một tương quan cá nhân lâu bền giữa thầy và trò) rơi vào khủng hoảng bởi vì không thể dung hợp với cách thức tổ chức sản xuất phức tạp, đòi hỏi một lớp thợ lâu bền, được trả lương. Mãn thời hạn tập sự, người thụ huấn không có hy vọng trở thành thầy dạy nghề hoặc chủ xưởng, mà cứ ở mãi trong tình trạng của công nhân. Vì thế, các hiệp hội học sinh thường trở thành những nhóm hoạt động trong các phong trào đấu tranh xã hội, hoặc là để bảo vệ nghề cổ truyền (chẳng hạn như để chống lại việc du nhập máy móc), hoặc là mầm mống cho các cuộc đấu tranh giai cấp.

Tuy vậy, đối với đám đông các công nhân vô sản trong các xí nghiệp, khó mà nói đến giai đoạn thanh niên trong chu kỳ đời sống.  Người ta bắt đầu đi làm khi vừa mãn tuổi thiếu nhi (hoặc có khi còn sớm hơn nữa), và các công nhân trẻ tuổi thực sự đã là những “người lớn”, bởi vì họ phải tuân theo những điều kiện làm việc giống như các công nhân lớn tuổi. Đối với các người con (trai) của thành phần tư sản, thanh niên vẫn còn là một giai đoạn lâu dài để chuẩn bị và chờ đợi đảm nhận các chức vụ: hoặc đi theo các nghề nghiệp quân sự hành chính, hoặc là tiếp nối nghề nghiệp của cha, hoặc là tập sự để điều khiển những cơ sở của gia đình.

Các trường tiểu học và trung học phát triển (đa số là của các dòng tu) nhưng hầu như chỉ dành cho con em các gia đình thượng lưu. Trong thế kỷ XIX, các đại học cũng chuyển mình: bên cạnh các phân khoa cổ điển (luật, triết, y, thần), nhiều phân khoa và học hiệu về khoa học và công nghệ được thiết lập để đào tạo những người điều hành các cơ cấu sản xuất phát sinh do cuộc cánh mạng công nghệ. Như thế các lớp trẻ thuộc các giai cấp thượng lưu sẽ trải qua một thời kỳ lệ thuộc dài hơn, dưới sự kiểm soát của cha mẹ hoặc cơ quan giáo dục, trước khi ra làm việc. Các thiếu nữ thì ở nhà, dưới sự chăm sóc của cha mẹ, cho đến khi kết hôn.

Các thanh niên được ăn học sẵn sàng chấp nhận kỷ luật nghiêm khắc bởi vì họ nghĩ tới những lợi lộc mà mình sẽ được mai sau (danh vọng, quyền hành, tiền bạc). Nguyên tắc giáo dục thanh thiếu niên một đàng nhắm “rèn luyện ý chí” (hiểu như là khả năng theo đuổi những công việc khó khăn, đương đầu với những trở ngại) và “đình hoãn hưởng thụ” (chấp nhận hy sinh trong hiện tại, để đạt thành quả trong tương lai), “tách rời hai phái” trước khi kết hôn (tiết chế tình dục, không giao du với phụ nữ). Người ta muốn cho các bạn trẻ (thượng lưu) cố gắng chấp nhận các nguyên tắc luân lý, và sự vi phạm có thể đưa tới việc khai trừ  khỏi giai cấp. Như vậy, tuổi trẻ vừa tượng trưng cho sự “hứa hẹn” vừa được nhìn như “nguy cơ”.

Tại các cơ sở giáo dục, các bạn trẻ được liên kết chặt chẽ với những người đồng môn (và đồng giới), từ đó thành hình những nhóm trẻ mang nhiều sắc thái khác nhau: thể thao, tôn giáo, trí thức, chính trị.  Cũng từ các nhóm trẻ này mà nảy sinh những kiểu sống, những trào lưu văn hóa và những phong trào chính trị, đối lập với trật tự luân lý, xã hội và chính trị của “những người lớn”. Từ cuối thế kỷ XVIII đến suốt thế kỷ XIX, nhiều tư tưởng cách mạng xã hội phát sinh từ những phong trào thanh niên này, chuẩn bị cho những cuộc canh tân tinh thần cho toàn thể cộng đồng.  Mặt khác, vào cuối thế kỷ XIX, các chính phủ bắt đầu quan tâm đến các phong trào thanh niên, và thường tìm cách lái họ theo các ý thức hệ. Các thanh niên cũng trở thành “lực lượng” nằm trong tay chính phủ để sử dụng vào những cuộc chiến tranh. Những điều này càng được thể hiện rõ rệt hơn nữa khi bước sang thế kỷ XX, được ghi dấu bởi những cuộc đại chiến cũng như những phong trào thanh niên được huy động bởi các chính thể độc tài quốc xã, phát xít, cộng sản.

3. Thanh niên trong các xã hội tiến bộ hiện nay

a) Kéo dài giai đoạn tuổi trẻ

Trong các xã hội công nghệ, lằn ranh giữa các lứa tuổi trở thành bất định hơn so với thời cổ. Không còn những “nghi thức chuyển tiếp” đánh dấu giai đoạn bước vào giai đoạn trưởng thành. Việc trao bằng cấp hoặc hôn nhân, tuy đánh dấu những chặng quan trọng, nhưng không đương nhiên đánh dấu sự chuyển sang một giai đoạn mới trong đời sống. Như ta đã thấy, mỗi xã hội và mỗi thời đại đưa ra những định nghĩa khác nhau để xác định ai là người trưởng thành và ai chưa trưởng thành. Thí dụ tại các nước tiến bộ, tuổi trưởng thành bắt đầu  từ khi lên 18 tuổi, gắn liền với việc thủ đắc những quyền công dân quan trọng (quyền đầu phiếu, khả năng ký kết hợp đồng, vv), nhưng không vì thế mà kết thúc giai đoạn thanh niên. Nói chung, có thể nói rằng một người (nam hoặc nữ) trưởng thành khi đã vượt qua một vài “ngưỡng cửa”: 1) đã kết thúc phần đáng kể nhất của tiến trình đào tạo; 2) chiếm giữ một chỗ đứng tương đối bền vững trong việc phân chia việc làm trong xã hội; 3) không còn sống trong nhà của cha mẹ nữa; 4) đã kết hôn; 5) đảm nhận trách nhiệm đối với một thế hệ mới, qua việc sinh con đẻ cái (x. Cavalli e Galland, 1993).

Trong vòng 20 năm gần đây, tại hầu hết các xã hội tiến bộ, người ta nhận thấy một sự thay đổi triệt để trong cách thức vượt qua 5 ngưỡng cửa vừa kể. Thứ nhất, có khuynh hướng kéo dài các sự « chuyển tiếp » : kết thúc việc học ở độ tuổi cao hơn, bắt đầu đi làm muộn hơn, rời bỏ nhà cha mẹ trễ hơn, kết hôn và sinh con trễ hơn so với các thập niên trước đó. Thứ hai, không có luật lệ nào buộc phải vượt qua các ngưỡng cửa. Thứ ba, thời gian giữa ngưỡng cửa đầu tiên và ngưỡng của cuối cùng thường kéo dài thêm.

Hẳn nhiên, đây là một hiện tượng bắt nguồn từ nhiều sự thay đổi cơ cấu lớn lao: về dân số (tăng thêm tuổi trung bình), về kinh tế (di chuyển hoạt động sản xuất từ nông nghiệp và công nghệ sang ngành thứ ba), về văn hóa (phổ biến nền giáo dục đại chúng). Tuy nhiên, hiện tượng này không được phân phối đồng đều trong dân gian: sự kéo dài thời gian chuyển tiếp tăng dần từ các tầng lớp thấp lên các tầng lớp cao ở trong xã hội.

Khi phân tích một cuộc điều tra ở Italia giữa các thanh niên ở lứa tuổi 15 và 29 (x. Cavalli và De Lillo, 1993), người ta nhận thấy rằng những người chưa vượt qua bất cứ một ngưỡng cửa nào của tuổi trưởng thành (nghĩa là vẫn còn trẻ dưới mọi mặt) lên tới 70% các bạn trẻ thuộc tầng lớp cao, nhưng chỉ tới 32% các bạn trẻ ở tầng lớp thấp. Một cách tương tự như vậy, phần lớn các bạn trẻ đã vượt qua một vài, hoặc hầu như tất cả các ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành, đều thuộc về các thành phần tầng lớp thấp hoặc trung, nhiều hơn là thuộc tầng lớp cao.

Nói chung, các bạn trẻ thuộc các thành phần tầng lớp thấp có ít thời gian hơn cho việc học hành, phải lo đi làm sớm hơn, và nhất là, đối với các thiếu nữ, kết hôn và sinh con sớm hơn. Như vậy, một cách nào đó, việc kéo dài tuổi trẻ là một đặc ân của những con cái thuộc thành phần trung và thượng lưu, và con số này càng ngày càng tăng. Mặt khác, điều này cũng xảy ra cho các thành phần hạ lưu do một nguyên nhân khác, đó là vì ít học hơn cho nên càng ngày càng khó kiếm việc làm chuyên nghiệp, khiến cho họ rơi vào tình trạng thất nghiệp.

b) Sự mở rộng điều kiện sinh viên

Những tiến trình vừa kể xảy ra cho tất cả các xã hội công nghệ tiền tiến; tuy vậy cũng có sự khác biệt đáng kể từ nước này sang nước khác. Chẳng hạn như tỉ lệ các bạn trẻ ở trong giai đoạn học đường do việc mở rộng giáo dục đã xảy ra vào những thời điểm lịch sử khác nhau: tại Hoa kỳ, vào năm 1960, khoảng 70% dân số từ 25 đến 35 tuổi đã tốt nghiệp trung học (high school), trong khi bên Anh, tỉ lệ vào khoảng 50%, bên Pháp thì dưới 30% và bên Ý chưa đến 12%. Ba mươi năm sau, vào năm 1990, tại Hoa kỳ, khoảng 85% dân số đã tốt nghiệp trung học phổ thông, bên Anh lên đến 79%, bên Pháp 66% và Ý là 43%. Như vậy trong vòng ba mươi năm, tỉ lệ ở nước Ý đã tăng gia rất nhiều nhưng vẫn chưa đạt đến mức độ như các quốc gia khác.

Dù sao đi nữa, sự phổ biến giáo dục và kéo dài thời gian đào tạo là một tiến trình đang lan rộng, và nói được là tuổi thanh niên hầu như đồng nghĩa với tuổi học đường. Nhiều yếu tố đã góp phần vào tiến trình này: một đàng, kinh tế hiện đại, do sự tiến bộ công nghệ thúc đẩy, đòi hỏi một công việc chuyên môn hơn và thời gian huấn luyện lâu dài hơn; đàng khác, các bạn trẻ được khuyến khích kéo dài việc học với hy vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến xã hội; sau cùng, việc học hành và đào tạo không còn  là đặc ân dành cho một giai cấp thiểu số như trước đây. Như vậy, sự kéo dài tuổi thanh niên là một hậu quả của tiến trình mở rộng nền giáo dục đại chúng ở các nước tiến bộ.

c) Việc bước vào giai đoạn lao động

Sự kết thúc giai đoạn đào tạo không đồng nghĩa với việc bước vào giai đoạn lao động ổn định. Thứ nhất, khó nói được là chừng nào kết thúc giai đoạn học hành. Nhiều bạn trẻ rời bỏ học đường mà chẳng đạt được bằng cấp nào; một số khác sẽ trở lại nhà trường liền sau đó; một số nữa sẽ trở lại sau một thời gian đi làm để lấy thêm kinh nghiệm. Hiện tượng pha trộn giữa đào tạo và làm việc cũng như hiện tượng đào tạo thường xuyên, tuy còn hạn chế, cho thấy rằng khó xác định sự kết thúc giai đoạn đào tạo. Thứ hai, càng lúc càng ít bạn trẻ đi làm việc liền ngay sau khi kết thúc học đường, hoặc bởi vì khó kiếm việc làm (nạn thất nghiệp của thanh niên), hoặc do khó kiếm công việc phù hợp với khả năng  và ước vọng (với nguy cơ của nạn bán-thất-nghiệp hoặc làm công việc không thích hợp với sự đào tạo), hoặc vì nhiều bạn trẻ còn dò dẫm những cơ hội may rủi để chọn lựa trước khi quyết định chấp nhận một việc làm sẽ ảnh hưởng suốt cả cuộc đời. Vì những lý do ấy, sau khi rời bỏ hoặc cắt đứt giai đoạn đào tạo, nhiều bạn trẻ trải qua giai đoạn không có việc làm (họ đang đi tìm việc làm), hoặc giai đoạn thất nghiệp (không tìm kiếm việc làm bởi vì không hy vọng có thể kiếm được), hoặc giai đoạn làm việc tạm thời (theo thời vụ, bán phần, vv). Đối với nhiều bạn trẻ, việc kiếm được việc làm ổn định chỉ xảy ra sau nhiều năm kể từ khi kết thúc việc học hành, và điều này có nghĩa là kéo dài thời gian lệ thuộc về kinh tế cũng như về tâm lý đối với gia đình gốc của mình.

d) Từ gia đình gốc đến thiết lập một gia đình mới

Nếu việc kéo dài sự chuyển tiếp từ học đường đến chỗ làm việc đánh dấu một giai đoạn mới trong chu kỳ đời sống nhìn dưới khía cạnh “công”, thì sự chuyển tiếp từ gia đình gốc đến việc thiết lập một gia đình mới cũng có đặc tính tương tự như vậy nhìn dưới khía cạnh “tư”. Chắc hẳn việc rời bỏ gia đình của cha mẹ đánh dấu một chặng quan trọng trong việc thủ đắc tình trạng người trưởng thành. Tuy nhiên, chỉ riêng tại các quốc gia Tây Âu mà thôi, hiện tượng rời bỏ nhà cha mẹ cũng mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nói chung, ta có thể phân biệt hai khuôn mẫu chính: Địa-trung-hải và Bắc Âu. Theo khuôn mẫu Địa-trung-hải, người ta chứng kiến cảnh các bạn trẻ ở lại nhà của cha mẹ; theo khuôn mẫu Bắc Âu, các bạn trẻ sớm rời bỏ “tổ ấm” (tuy dù khuynh hướng ở lại nhà cha mẹ càng ngày càng tăng).

Chúng ta có thể đan cử hai trường hợp điển hình cho hai khuôn mẫu vừa nói. Ở Italia (khuôn mẫu Địa-trung-hải), cho đến 29 tuổi, 50% các thanh niên (nam) vẫn sống với cha mẹ. Lý do là vì họ chỉ lìa bỏ cha mẹ khi kết hôn. Các sinh viên theo học đại học thường ghi danh tại trường nào gần nhà. Tỉ lệ các bạn trẻ sống một mình rất thấp (2% vào năm 1983). Các đôi bạn trẻ sống chung không có hôn phối cũng rất thấp. Nhưng đến khi bước sang các nước Bắc Âu, thì các bạn trẻ sớm rời bỏ nhà cha mẹ để sống tự lập. Tại Đan mạch (cũng như Anh và Pháp), hầu như 50% trẻ em ra đời do các đôi bạn trẻ sống chung với nhau không có hôn thú. Tỉ lệ này có khuynh hướng tăng thêm, và làm thay đổi sự chuyển tiếp cổ truyền. Trước đây, các bạn trẻ rời bỏ gia đình gốc để lập gia đình mới; bây giờ họ rời nhà của cha mẹ để sống một mình hoặc sống chung với một người bạn (gái hay trai). Mãi đến sau khi đã có đứa con đầu lòng thì họ mới quyết định kết hôn. Dù sao đi nữa, khuynh hướng chung tại các quốc gia công nghệ hiện nay là tuổi kết hôn càng ngày càng tăng lên cao hơn.

Với việc kéo dài thời gian sống tại gia đình gốc, mối tương quan giữa các bạn trẻ với cha mẹ cũng biến đổi: một đàng, các bạn trẻ càng ngày càng ít chịu sự kiểm soát của cha mẹ hơn; đàng khác, các bạn vẫn lệ thuộc vào cha mẹ, ít là về nhu cầu kinh tế. Thực ra sự tự lập và lệ thuộc không hẳn đối chọi với nhau nhưng bổ túc cho nhau. Thật vậy, nhờ tương quan lệ thuộc, các bạn cảm thấy an toàn hơn để khám phá thế giới bên ngoài, và tập sống tự lập dần dần. Sự giằng co giữa lệ thuộc và tự lập có thể làm ngăn cản hoặc phát huy sự tự lập, tùy theo cách thức cha mẹ thi hành quyền bính của mình.

Bản chất của mối tương quan giữa cha mẹ và con cái có thể tỏ lộ qua việc giao lưu giữa con cái với các bạn và cách riêng là các bạn khác phái. Đối với bạn trẻ, “nhóm đồng tuổi” rất quan trọng bởi vì nơi đó họ làm quen với mối tương quan giữa những người đồng vai đồng vế, trải nghiệm về sự hợp tác, và học biết cách tôn trọng tha nhân và làm sao cho mình cũng được tôn trọng, tìm được sự nâng đỡ nơi những người cũng gặp các khó khăn như mình.

Trong thời gian thiếu niên và thanh niên, cơ cấu và thành phần của các nhóm đồng trạc tuổi có sự thay đổi : trong giai đoạn đầu tiên, thường các thành phần đều thuộc về cùng một phái tính;  dần dần các nhóm có cả hai phái; cuối cùng thì nảy sinh những cặp đôi tương đối bền vững, đang khi đó những tương quan bạn bè của các giai đoạn trước đó trở thành lỏng lẻo tuy không hoàn toàn xóa nhòa.

Thái độ của các bậc cha mẹ đối với bạn bè của các con cái thường mang tính nhập nhằng. Tuy biết rằng chơi với bạn bè là điều quan trọng, nhưng cha mẹ cũng khó chịu khi không kiểm soát được hoạt động của con cái. Dĩ nhiên, khi các con càng lớn thì chúng càng bớt lệ thuộc, mặc dù vẫn còn sống trong nhà. Trước đây, con cái được tự lập khi họ rời bỏ gia đình để ra ở riêng; ngày nay, con cái thủ đắc sự tự lập, dưới phương diện nào đó,  ngay từ trong gia đình. Thời gian và cách thức của tiến trình này thay đổi rất nhiều từ gia đình này sang gia đình khác: nói chung, nơi các gia đình thuộc cấp trung lưu và thượng lưu, sự kiểm soát của cha mẹ kéo dài thời gian hơn, và không có gì khác biệt giữa con trai và con gái; nơi các gia đình lao động, con trai được hưởng tự do sớm hơn, và chỉ con gái mới chịu kiểm soát nhiều hơn.

4. Văn hóa tuổi trẻ

a) Kiến tạo căn cước

Chúng ta thấy rằng trong các xã hội hiện đại, một phần khá lớn của dân số đang sống trong một tình trạng nửa vời, được định nghĩa cách tiêu cực: “thanh niên là những người không còn là thiếu nhi nhưng chưa là thành niên”; họ đã đạt được một sự trưởng thành về sinh lý và tâm lý (ngoại trừ các trường hợp bệnh hoạn) nhưng chưa trưởng thành về xã hội. Sự kéo dài thời gian và sự bành trướng hiện tượng chậm bước vào giai đoạn thành niên đã trở thành nền tảng cho sự phát triển những giá trị, những định hướng, những lối sống được đặt tên là “văn hóa tuổi trẻ”, tuy rằng có lẽ nên gọi là “tiểu văn hóa” (subculture) thì đúng hơn (x. Rositi, 1978; x. Lüdtke, 1989). Để hiểu được những nét của văn hóa nhóm, cần hiểu biết những thay đổi của các điều kiện diễn ra sự hình thành căn cước cá nhân.

Vì chưa đảm nhận những vai trò của người trưởng thành (hoặc chỉ mới đảm nhận một phần nào mà thôi), các bạn trẻ sống trong điều kiện chờ đợi mà ta có thể gọi là “bấp bênh lý lịch” (incertezza biografica). Khi bàn về những cơ chế tâm lý xã hội trong tiến trình đào tạo giới trẻ vào trước thời hiện đại, chúng tôi đã nhấn mạnh đến nguyên tắc hoãn lại sự hưởng thụ tức thời, nhằm đạt đến một vị trí cao hơn (tức là thừa hưởng địa vị nghề nghiệp hoặc xã hội của người cha). Trong xã hội hiện đại, tiến trình tăng trưởng và đào luyện không còn mang lại một kết quả rõ ràng chắc chắn và có thể lượng trước được. Đối với những ai còn đang trong vòng đào tạo, tương lai bao gồm rất nhiều kết quả hầu như vô hạn. Vì thế, tuổi thanh niên không còn được nhìn như một tiến trình nhằm đạt tới tình trạng thành niên, nhưng nó cũng trở thành một điều kiện (tuy không thường trực nhưng khá lâu dài) đủ để phát sinh những hình thức văn hóa đặc trưng của lứa tuổi kèm theo những mức thang mới về giá trị.

Một trong những nét đặc trưng của văn hóa ấy là sự đánh giá cao “bản ngã” của mình. Phần lớn các bạn trẻ không còn phải đối diện với một địa vị xã hội cố định (như đã xảy ra cho các thế hệ trước đây) là phải đi theo bước đường của cha ông, nhưng họ thấy mở ra nhiều cơ may (thực sự hoặc tưởng tượng) để lựa chọn. Tuy nhiên, để chọn lựa, họ phải tự chất vấn về  những khát vọng của mình: thế nào là thể hiện chính mình? Đâu là bậc thang giá trị? Cái gì có ích lợi cho mình? Do đó, tuổi trẻ trở thành tuổi của thăm dò bản ngã, xây dựng căn cước cá nhân. Khát vọng thể hiện chính mình trở thành một giá trị cơ bản, bởi vì các bạn trẻ muốn tự mình nhào nặn vận mệnh của mình, không còn chịu lệ thuộc vào những điều kiện bên ngoài. Vài tác giả đã đặt tên là các giá trị “hậu duy vật” (x. Inglehart, 1977), “tân cá nhân chủ nghĩa” và  “văn hóa yêu mình” (narcisism) (x. Lasch, 1978).

Việc thăm dò bản ngã hàm ngụ khả năng “soi mình trong gương”, nhận biết mình qua những thái độ và cách đối xử của tha nhân đối với mình. Các tha nhân trở nên tấm gương để ta nhận ra sự phản chiếu hình ảnh của mình. Trong tiến trình này, việc « chia sẻ » trở thành giá trị quan trọng : họ không chỉ chia sẻ cho nhau những tin tức và ý tưởng mà cả những tâm tình cảm xúc. Các bạn trẻ ưa thích gặp gỡ những người đồng lứa tuổi, để chia sẻ với nhau hoặc chỉ để chuyện trò với nhau.

b) Quan niệm về thời gian

Một khía cạnh quan trọng của văn hóa tuổi trẻ là mối liên hệ đối với thời gian. Đối với nhiều bạn trẻ, thời gian mang một chiều kích vô hạn định. Tương lai, tức là những lựa chọn không thể thay đổi (việc làm ổn định, gia đình, con cái) xem ra xa vời, hoặc ít là có thể hoãn lại. Đối với họ, thời gian quan trọng là hiện tại. Nhân tiện, ta cũng có thể nói đến “hội chứng tháo gỡ thời gian” (x. Cavalli, 1985), nghĩa là một quan niệm thời gian không có liên tục giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Các biến cố (thường chỉ giới hạn vào lãnh vực cá nhân) xảy ra được kể lại chẳng có đầu đuôi, không mang tính cách ký ức cũng chẳng phải là dự phóng tương lai. Thời gian có nghĩa là  giây phút đang sống, không có kế hoạch nhất định, phó mặc cho tình cờ may rủi.

Quan niệm về thời gian vừa nói còn được gắn kết với những đặc trưng của môi trường xã hội của gia đình và tính tình của cá nhân, đưa đến hai biến thể như sau: có những bạn trẻ không nghĩ đến các dự phóng trung hạn hoặc dài hạn bởi vì họ không muốn thu hẹp những lựa chọn tương lai; có những bạn trẻ thiếu khả năng ý chí để quyết định sự lựa chọn. Hình thái thứ nhất thường xảy ra nơi các tầng lớp trung và thượng lưu, đặc biệt là các gia đình có vốn liếng văn hóa cao; hình thức thứ hai thường xảy ra nơi các tầng lớp trung và hạ lưu.

c) Thời giờ nhàn rỗi và những tiêu khiển

Thời gian tương đối khắt khe (do học hành hoặc đôi khi do công việc làm) đã chừa lại những khoảnh khắc “nhàn rỗi” mà các bạn trẻ muốn dành cho các sinh hoạt giao lưu, giải trí, thể thao, và một số ít bạn trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc chính trị. Trong số những hoạt động trong thời gian rãnh rỗi, nổi bật hơn cả là âm nhạc. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng phần lớn các bạn trẻ ưa thích nghe nhạc, hoặc riêng tư hay tập thể. Các nhóm bạn trẻ thường được phân biệt với nhau qua những sở thích, thể loại và các ca sĩ thần tượng. Nhân tiện nên ghi nhận hiện tượng tập trung đông đảo các bạn trẻ chung quanh những ca sĩ hoặc những băng nhạc, vượt lên trên biên cương quốc gia. Điều này cũng được cổ động bởi các phương tiện quảng cáo và các chương trình truyền hình nhắm đến giới trẻ.

Các nhóm thanh niên không chỉ được biểu lộ qua các buổi tham dự âm nhạc, nhưng còn qua lối ăn mặc, cách rẽ mái tóc, ngôn ngữ mà họ trao đổi với nhau. Đó là những dấu hiệu bên ngoài để chứng tỏ sự thuộc về nhóm, và các thế hệ khác nhau của tuổi trẻ. Dù sao, không có gì đáng ngạc nhiên khi các bạn trẻ thường thay đổi thời trang : bởi vì họ là những người còn đang mò mẫm trên đường xác định căn cước cá nhân, và họ tự đồng hóa với căn cước tập thể tạm thời để phân biệt với các thế hệ trước đó không bao lâu. Các chuyên gia  marketing và quảng cáo tìm thấy nơi các bạn trẻ một thị trường thuận lợi để giới thiệu các mặt hàng thể thao, âm nhạc, áo quần, xe cộ (đặc biệt là xe môtô). Trên thực tế, các bạn trẻ nắm trong tay một số tiền không nhỏ (mà họ kiếm được do việc làm hoặc do cha mẹ cho) và có thể tự ý mua sắm. Ngoài ra, một vài hiện tượng thời trang có khuynh hướng lan truyền từ thế hệ trẻ đến thế hệ lớn tuổi: các thế hệ không còn trẻ tuổi cũng muốn sử dụng thời trang tuổi trẻ để chứng tỏ rằng mình còn trẻ. Nhưng khi một thời trang tuổi trẻ đã được phổ biến nơi lớp người lớn tuổi, thì lập tức bị giới trẻ bỏ rơi và tìm ra những mốt (look) mới, và nhờ vậy mà chu kỳ thời trang tiếp tục.

d) Những lối ứng xử tập thể

Tại vài giai đoạn lịch sử, nền “tiểu văn hóa” (subculture) của tuổi trẻ được nhìn như « phản văn hóa » (counterculture) chống lại các giá trị và lối sống trong xã hội người lớn, và trở thành nền tảng cho sự phát triển các phong trào và lối ứng xử tập thể. Chẳng hạn vào thập niên 60 (của thế kỷ XX) tại Âu và Mỹ châu đã nổi lên những phong trào thanh niên mang màu sắc chính trị được phát triển tại các đại học ở các thành phố. Sự ra đời của các phong trào này có thể liên kết với một chuỗi các sự kiện : những dấu hiệu hòa hoãn quốc tế sau thời kỳ căng thẳng của chiến tranh lạnh, cuộc chiến tranh Việt Nam và sự phản đối lệnh cưỡng bách tòng quân, cuộc khủng hoảng các tổ chức đại học do số đông sinh viên đăng ký, sự khó khăn dung nạp các thanh niên có bằng cấp với thị trường lao động.

Bước sang thập niên 70, bên Tây phương không còn những phong trào cách mạng chính trị nơi các thanh niên nữa. Thay vào đó là các cuộc tập họp đông đảo các bạn trẻ dưới hình thức khác: một bên là những buổi đại hội nhạc rock với những đám đông ôn hòa; một bên là các trận đấu thể thao gây ra những cuộc xô xát giữa các phe ủng hộ. Hiện tượng này có khuynh hướng gia tăng trong thập niên 80 tại tất cả các quốc gia Âu châu, tuy chỉ lôi cuốn một số ít bạn trẻ, biểu lộ tiềm lực bạo động âm ỉ giữa giới trẻ (x. Roversi, 1990).

Tuy nhiên, nói chung, văn hóa tuổi trẻ tự bản chất không mang tính cách đối kháng văn hóa của người lớn; đúng hơn, nó biểu lộ một khoảng cách thế hệ phát sinh do những biến chuyển quá nhanh chóng. Nói đúng ra, chức năng của chúng là tạo ra căn cước và sự thuộc về tạm thời cho những người đang tách khỏi khu vực an toàn của gia đình gốc để đương đầu một hành trình dài hướng về tuổi trưởng thành.

e) Sự bất mãn của tuổi trẻ

Chúng ta đã thấy rằng việc kéo dài giai đoạn thanh niên của cuộc đời, với tỉ số càng ngày càng gia tăng của các bạn trẻ còn đang ở trên đường thành hình căn cước của người trưởng thành, tượng tưng cho một “bấp bênh lý lịch”. Không phải tất cả các bạn trẻ đều có khả năng đương đầu với những nguy cơ của giai đoạn “tuổi thiếu nhi kéo dài” (x. Keniston, 1968). Không ít bạn trẻ gặp phải nhiều trở ngại đáng kể, khiến họ “khựng lại” ở giai đoạn chuyển tiếp, hoặc vẫn còn mang trong người những khúc mắc chưa giải quyết ổn thỏa khi bước sang giai đoạn kế tiếp. Từ đó nảy sinh những hiện tượng bất mãn nơi các bạn trẻ, có thể dẫn đến những tình trạng lạc lối. Người ta đặt tên cho tình trạng này là “rủi ro”, bắt nguồn từ nhiều nhân tố: hoàn cảnh gia đình bất ổn (cha mẹ ly dị hoặc vắng mặt, bạo hành trong gia đình), những thất bại trong việc học hành thi cử, sự giao du với những thành phần hoặc băng đảng phi pháp, những khó khăn trong việc kiếm công ăn việc làm, vv. Từ đó, các bạn trẻ gặp cùng một cảnh ngộ lập ra những nhóm “đồng nghiệp”, càng tiến sâu hơn vào hành động phạm pháp, dưới nhiều hình thức khác nhau, từ chỗ sử dụng và buôn bán ma túy đến chỗ gây án mạng. Hiện tượng nghiện ma túy tăng gia tại khắp các quốc gia Tây phương, từ thập niên 70 (thế kỷ XX), cách riêng là giữa các bạn trẻ (chẳng hạn 80% người nghiện ngập ở độ tuổi từ 19 đến 30 tuổi).

Tuy rằng hiện tượng thanh niên phạm pháp tiếp tục gia tăng đáng ngại, nhưng cũng nên biết rằng chỉ ảnh hưởng đến một số nhỏ các bạn trẻ mà thôi (khoảng độ 8% có khuynh hướng phạm pháp: x. Cavalli e De Lillo, 1993).

————————-

Thư mục

Allerbek, K., Rosenmayr, L., Einführung in die Jugendsoziologie, Heidelberg 1976.

Ariès, P., L’enfant et la vie familiale sous l’ancien régime, Paris 1960.

Cavalli, A. (a cura di), Il tempo dei giovani, Bologna 1985.

Cavalli, A., De Lillo, A. (a cura di), Giovani anni ’90, Bologna 1993.

Cavalli, A., Galland, O. (a cura di), L’allongement de la jeunesse, Poitiers 1993.

Eisenstadt, S. N., From generation to generation, Glencoe, Ill., 1956.

Erikson, E. H., Identity: youth and crisis, New York 1968.

Galland, O., Sociologie de la jeunesse, Paris 1991.

Gillis, J., Youth and history, New York 1974.

Inglehart, R., The silent revolution: changing values and political style among Western publics, Princeton,N.J., 1977.

ISTAT (Istituto Centrale di Statistica), Indagine sulle strutture e i comportamenti familiari, Roma 1985.

Keniston, K., Young radicals, New York 1968.

Lasch, C., The culture of narcissism, New York 1978.

Levi, G., Schmitt, J.-C. (a cura di), Storia dei giovani, 2 voll., Roma-Bari 1994.

Lüdtke, H., Jugend – Gesellschaft in der Gesellschaft: die These Subkultur, in Handbuch der Familien und Jugendforschung (a cura di M. Markeva e R. Nave-Herz), vol. II, Neuwied-Frankfurt a.M. 1989, pp. 113-124.
Mead, M., Sex and temperament in three primitive societies, New York 1935.

Ravenna, M., Adolescenti e droga, Bologna 1993.

Rositi, F., La cultura giovanile, in AA.VV., Socializzazione e cultura giovanile, Milano 1978, pp. 83-133.
Roversi, A. (a cura di), Calcio e violenza in Europa, Bologna 1990.

Schurz, H., Alterklassen und Männerbünde, Berlin 1902.

Van Gennep, A., Les rites de passage, Paris 1909.

Zoll, R., Ein neues kulturelles Modell, Opladen 1992.

[1] Nguồn: http://www.treccani.it/enciclopedia/giovani_(Enciclopedia-delle-scienze-sociali)/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here