Anh Nguyễn, OP.
HVĐM (07-10-2016) – Hòa chung với toàn thể Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, vào lúc 17g30, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P., Giám mục Giáo Phận Vinh, đã đến chủ tế thánh lễ mừng bổn mạng Tu viện và Giáo xứ Mai Khôi. Đặc biệt, đây cũng là dịp Anh Em Đaminh cộng đoàn Tu viện Mai Khôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, nhân kỷ niệm 60 năm hiện diện tại địa chỉ hiện nay.
Cùng hiệp dâng thánh lễ với Đức Cha Phaolô, còn có Quý Cha, Quý Thầy thuộc Tu viện Mai Khôi và cộng đoàn Curia; Quý Tu sĩ nam nữ thuộc các cộng đoàn: Nữ Tử Bác Ái, Phaolo thành Chartres, Regina Mundy (Dòng Đức Bà), Mến Thánh Giá Cái Nhum, Phaolô Thiện Bản, Nô Tỳ Thiên Chúa, Mến Thánh Giá Tân Việt,…; Quý Hội Đồng Mục Vụ; Quý Khách và thân hữu cùng cộng đoàn anh chị em Giáo xứ Mai Khôi.
Ngỏ lời trước thánh lễ, Đức Cha Phaolô nói đến ý nghĩa của ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi. Trong Giáo Hội có rất nhiều cách thức tôn kính Đức Maria; nhưng có lẽ cách riêng và đặc biệt nhất là việc sùng kính Đức Maria qua tràng chuỗi Mân Côi. Đồng thời, qua thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi và nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ, Đức Cha Phaolô mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho Tu viện và Giáo xứ Mai Khôi mỗi ngày một thăng tiến và phát triển; cho Hòa bình thế giới, đặc biệt cho đất nước quê hương Việt Nam; cho mỗi gia đình và từng người trong cộng đoàn.
Chia sẻ trong thánh lễ, Cha Giuse Nguyễn Văn Hiển, O.P. khởi đi từ truyền thống tôn sùng kinh Mân Côi trong Giáo Hội, cho đến việc hình thành và thiết lập ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi như ngày hôm nay:
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Sách Phần riêng Phụng vụ Dòng Đaminh trong ngày lễ Đức Mẹ Mai Khôi (hay còn gọi là Đức Mẹ Mân Côi) cung cấp một số những bài đọc Tin mừng được trích trong Tin mừng theo thánh Luca để suy niệm trong ngày lễ hôm nay. (Chẳng hạn bài đọc Truyền Tin, bài đọc nói về Đức Maria đi thăm ngưòi chị họ là bà Elisabeth, ngay sau biến cố Truyền tin). Và bài đọc mà chúng ta vừa công bố nói đến chuyện làm lạc mất trẻ Giêsu của ông Giuse và bà Maria. Thế rồi, họ phải ngược lại Đền Thờ để tìm cậu trẻ, và cuối cùng thì ngạc nhiên thấy cậu đang ngồi giữa những vị kinh sư và thầy dạy trong Đền Thờ và đối đáp trước những dạy bảo của họ (x. Lc 2, 46-47).
1.- Lịch sử ngày lễ Mân Côi
Về lịch sử của ngày lễ này, tôi tin rằng rất nhiều người trong quý vị đã biết và đôi khi biết rất rõ vì quý vị một cách nào đó yêu mến Kinh Mân Côi. Nhưng tôi cũng xin được vắt tắt về ngày lễ. Truyền thống thường gắn kết việc phát triển Kinh Mân Côi với Anh Em Dòng Giảng Thuyết hay Dòng Thánh Đaminh. Điều này thật chính xác, bởi vì quý vị thấy phía bên phải bàn thờ là tượng Đức Maria trao tràng mân côi cho thánh Đaminh (ở một số tượng khác lại có thêm hình ảnh của thánh nữ Catherina de Sienna). Hình ảnh này cho thấy Thánh Đaminh là người rất yêu mến Đức Maria và chuỗi Mân Côi. Điều này thật chính xác, bởi vì chính Anh Em Đaminh là những người quảng bá và thiệt lập các hội Đức Maria và kinh Mân Côi, đồng thời rao giảng về Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi. Và cũng chính trong những khoảng khắc đen tối của lịch sử Giáo hội, các Anh Em Đaminh cũng đã kêu cầu với Mẹ Rất Thánh bằng chuỗi Mân Côi và cổ vỡ những người khác làm như vậy.
Nhưng cũng cần nhớ rằng, không phải các Anh Em Dòng Giảng Thuyết là những người tạo ra chuỗi Mân Côi này, vì nó đã được thực hành trong thời của thánh Đaminh. Vào năm 1547, hình thành một lễ Mân Côi mang tính địa phương và được cử hành vào Chúa nhật thứ 3 của tháng 4.
Khi thánh Giáo hoàng Pio V, từ hành lang của Vatican, sau khi đã nhận tin thắng trận từ vịnh Lepante, của các kitô hữu trước những người Thổ (những người Hồi Giáo), đã nhìn xuống quảng trường và thấy một đoàn người của các Hiệp Hội Maria đang rước Đức Maria cùng với chuỗi mân côi, ngài đã nghĩ liền: chiến thắng này là do sự can thiệp của Đức Maria. Và vì thế, ngài đã truyền thiết lập một ngày lẽ để tưởng nhớ và cảm ơn Đức Maria, lễ có tên Đức Maria Chiến Thắng (ngày 07/10/1571), thường trùng vào Chúa nhật 1 của tháng 10. Nhưng lễ này lại mang tính địa phương. Cũng chính vì thế mà đã xuất hiện một lời cầu “Đức Maria, Đấng cứu chữa các tín hữu”.
Các Đức Giáo hoàng kế vị Đức Pio V, từ thời Đức Grêgôriô 13 tiếp tục giữ thói quen này và cùng với những biến cố lịch sử khác của Giáo hội đã khẳng định vai trò của Đức Maria với Giáo hội nên đã truyền cử hành lễ này trong tất cả các nhà thờ hay nhà nguyện tại Roma có tước hiệu Đức Maria Mân Côi kèm theo những cuộc rước Đức Mẹ Mân côi đối với các Hiệp hội Mân Côi. Lễ này được nâng thành lễ Kính bởi Đức Leô XIII và thích nghi Kinh Phụng Vụ của Dòng Đaminh vào trong ngày lễ năm 1887. Và cuối cùng, Đức Pio X vào năm 1913 đã ấn định ngày lễ Đức Maria Mân Côi vào ngày 07/10 hằng năm thay vì lễ Đức Maria Chiến Thắng được thiết lập bởi Đức Pio V. Dĩ nhiên tất cả hai lễ này đều có sự tương đồng về ý nghĩa sự can thiệp Đức Maria vào Giáo hội của Chúa và giá trị của lời Kinh Mân Côi.
2.- Bước đi theo Lời….
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với trích đoạn Tin mừng mà chúng ta vừa đọc.
Thưa quý vị, chúng ta không dừng lại để phân tích câu nói của trẻ Giêsu với cha mẹ của ngài. Nhưng chúng ta được mời gọi suy niệm về ơn gọi của những con người được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào công trình Yêu Thương của Người với con người.
Tin mừng cho chúng ta thấy, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã ngạc nhiên trước câu trả lời của trẻ Giêsu, ngay sau lời quở trách của họ: “Tại sao cha mẹ lại đi tìm con? Cha mẹ không biết rằng, con phải ở nhà cha của con sao?”. Quý vị có thể tưởng tượng sự thay đổi trên khuôn mặt của hai vị lúc đó: ngơ ngác và có lẽ xen lẫn cả sự bực bội nữa! Hãy nghe Tin mừng thuật lại: “Hai ông bà chẳng hiểu gì về những lời Hài nhi nói với họ” (Lc 2,50)
Tôi trộm nghĩ, dường như Thiên Chúa có một quy tắc cho tất cả những ai muốn đáp lại tiếng gọi của Người, để trở nên môn đệ của Người và cộng tác vào công việc của Người đó là: “không hiểu gì” hay “đừng hỏi gì”, vì “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của ngươi” và “đường lối của Ta không phải là đường lối của ngươi”. Quả thật, từ Abraham cho đến Môsê, từ Dacaria cho đến Giuse; đặc biệt đối với những người phụ nữ như Sara, vợ của tổ phụ Abraham đã cười thầm trước lời loan báo của những sứ giả của Thiên Chúa rằng: bà sẽ thụ thai một người con; hay bà Elisabeth vợ của của tư tế Dacaria cũng đã cao niên mà lại có thể có thai và cả Đức Maria nữa. Và vì thế, niềm tin của họ cũng xen lẫn là sự nghi ngờ.
Làm sao người ta có thể bỏ quê cha đất tổ, nơi họ đang có một đời sống ổn định để đi theo một lời đề nghị vốn chẳng có gì rõ rằng, chắc chắn để đến một “miền đất màu mỡ” nào đó! Tuổi già như Abraham thì sao có thể bắt đầu lại cuộc sống ở một vùng đất vô định nào đó. Thật “chẳng hiểu gì cả” vì tôi và bà nhà tôi đã già, chẳng thể sinh con được nữa và nhất là tại sạo Chúa lại muốn tôi sát tế đứa con duy nhất mà Chúa đã ban cho tôi làm người thừa tự?
Tại sao lại không nghi ngờ, vì tôi vốn thế này mà Chúa lại sai tôi đến gặp Pharaô, vua Người Ai cập và dẫn dân của Chúa ra khỏi đó (Môsê đã đối thoại với Chúa như vậy); tại sao tôi không nghi ngờ, bởi tôi là kẻ bẻ nhỏ và kém tài ăn nói mà Chúa lại muốn tôi đi công bố sứ điệp của Chúa cho một dân hay phản loạn; sao lại không nghi ngờ, vì này, “tôi không biết đến chuyện vợ chồng” thì sao sinh con (Đức Maria đã trả lời với Sứ Thần như thế!)… Chúng ta có thể thấy rất nhiều những hình ảnh tương tự trong chiều dài lịch sử cứu độ của Thiên Chúa!
Vì không hiểu gì cả nên rất nhiều lần, tôi đã bước đi trong sự chệnh choạng của đêm tối: những đêm tối của Đức tin. Nhưng thưa quý vị, cho dù nghi ngờ, nhưng những tiền nhân của chúng ta vẫn tin và bước đi trong sự tin tưởng. Chắc chắn, các ngài đã xin cho “kế hoạch” của Chúa được thể hiện nơi chính tôi. Đây chẳng phải là điều mà chúng ta đang đọc hằng ngày trong Kinh Lạy Cha: “Xin cho Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời”. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó mà là: “xin cho ý Cha được thể hiện trong con” và qua con. Và đó cũng là một lời cầu nguyện tươi đẹp, chân thật, thể hiện tinh thần tín thác trọn vẹn vào điều người đang nói. Abraham, Mosê, các ngôn sứ, Giuse, Đức Maria, tất cả đã bước đi theo tiếng gọi và theo sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa, trong tin yêu và hy vọng. Tất cả đã đặt để toàn thể tâm trí và con người của mình vào trong Lời mình vừa nghe và trong sự dẫn dắt của Lời, cùng với tất cả sự xao xuyến, lắng lo của mình.
Thưa quý vị,
Hôm nay chúng ta qui tụ ở đây trước hết là để tán tụng Thiên Chúa vì điều tốt lành Người đã ban cho Đức Maria và chúng ta cũng tán dương Đức Maria vì được ân nghĩa với Thiên Chúa, vì đã tin vào “Lời của Chúa”. Nhưng chúng ta tụ họp hôm nay trong cử hành Phụng vụ này cũng là để tạ ơn Chúa với toàn thể Anh Chị Em trong Đại Gia Đình Đa Minh hay còn gọi là Dòng Giảng Thuyết, vì năm nay là Năm Thánh kỷ niệm 800 năm ngày châu phê thành lập Dòng Giảng Thuyết; chúng ta tạ ơn Chúa với Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam mừng 50 năm thành lập tại Việt Nam và cách riêng với Tu Viện Mai Khôi, kỷ niệm 60 năm hiện diện của các anh em Đaminh tại mảnh đất này. 800 năm, 60 năm và 50 năm, những con số cố định nhưng lại là những con số chuyển tải những thông tin về một điều gì đó.
Thánh Đaminh đã thiết lập trong Giáo hội một Hội Dòng, những người Giảng Thuyết, và tôi tin rằng, Ngài đã chẳng viết trong di chúc rằng, “Anh Em hãy đi đến Việt Nam”, nhưng ngài sai Anh Em đi như chính Chúa đã sai các môn đệ đi để “rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng thế giới”. Ngài sai Anh Em đi để rao giảng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho một thế giới đang bị xâu xé vì loạn lạc, chiến tranh, ly khai; một thế giới mà con người đang phải đối diện với những vết thương trầm trọng từ tâm hồn đến thể xác. Ngài muốn Anh Em nói với muôn dân rằng: Thiên Chúa yêu thương mỗi người và từng người. Ngài muốn Anh Em nói với về Chúa cho thế giới, và đồng thời nói với Thiên Chúa về thế giới mà Anh Em được sai đến. Và các anh chị em của thánh Đaminh đã hiện diện tại Việt Nam! Điều này được thực hiện nếu không phải chính do bàn tay của Thiên Chúa dẫn dắt?
Tôi muốn nói đến sự hiện diện của các anh em tại mảnh đất này. Đã 60 năm kể từ ngày hiện diện đầu tiên. Chắc rằng, đối với các anh em Đaminh, thuở ấy thuộc Tỉnh Dòng Lyon, tại Pháp đã chẳng mường tượng được viễn cảnh phải rời bỏ miền đất truyền giáo tại phía Bắc để chuyển vào Sàigòn. Và chắc chắn, trong số những anh em tiên khởi mà giờ đây là những nhân chứng sống động về một thời của thời ấy đã nghĩ rằng, họ sẽ được chứng kiến những bầu khí như trong lúc này. Bởi vì, bầu khí thuở ấy không bảo đảm cho các anh một tương lại nhất định. Và có thể nói, các anh đã bước đi như có lời: hãy đi và đi đến nơi “ta sẽ chỉ cho các anh”. Niềm tin vào Thiên Chúa dù vững vàng nhưng cũng đầy xao xuyến và âu lo; và những bước chân đi thì chông chênh sỏi đá! Hoặc đã có ai đó trong những khoảng khắc xao xuyến ấy đã thốt lên: “Đường lối Ngài, lạy Chúa, xin chỉ cho con” và ngay cả “ý Ngài là gì?” Hãy chỉ cho con, con đường của Chúa và con đường mà Chúa muốn chúng con đi!
Rõ ràng, các vị đã không có một lời đề nghị trực tiếp như Abraham, như Môsê hay như Đức Maria, nhưng hẳn nhiên, các vị cũng được đề nghị bởi chính những dấu chỉ của thời cuộc, cuả bầu khí xã hội… Các vị cũng đã bước đi trong sự tín thác vào sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, Đấng mà các vị phục vụ và loan báo. Để rồi, ngày hôm nay những chứng nhân còn lại có thể cùng với Abraham, với Môsê dâng lễ tế tạ ơn vì sự dẫn dắt của Chúa và cùng với Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Dẫu rằng, chưa trọn vẹn, dầu rằng chưa hoàn thành nhưng tất cả cùng đang hướng tới sự Thành Toàn Trọn Vẹn đó, ngày mà tất cả chúng ta, không phân biệt chức vụ, địa vị, màu da, giai cấp, chúng ta cùng với những người đã đi trước và cả những người sẽ đến sau chúng ta cùng hát bài ca của các Thiên Thần: “Sanctus, Sanctus, Dominus Deus Sabaoth…”; và lời tán tụng: “Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại, ta thấy mình chan chứa một niềm vui”.
Thưa quý vị,
Những gì chúng ta vừa nói đến cũng được áp dụng cho hành trình đời kitô hữu của mỗi người trong chúng ta. Là kitô hữu, là môn đệ của Đức Kitô, tôi được mời gọi bước đi trong sự tín thác trọn vẹn vào Lời Người mời gọi. Tôi được mời gọi để cho Thiên Chúa hướng dẫn bước đi của mình. Trong khi phải đối diện với những khó khăn của phận người, với những mỏng mòn yếu đuối của kiếp phàm nhân, nhưng tôi vẫn được mời gọi hãy tin và luôn tin rằng, Thiên Chúa ở đó, bên cạnh tôi và chính Người sẽ chỉ cho tôi con đường mà tôi phải bước đi.
Vậy, hãy thưa cùng Chúa hai tiếng “xin vâng” như Đức Maria đã thưa và xin Chúa chỉ dạy cho chúng ta lối mà chúng ta cần phải bước đi; xin Người dạy chúng ta cách mà chúng ta phải sống. Bởi vì, tất cả chúng ta là những sứ giả của Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa và bởi vì trong trái tim của Thiên Chúa, từng người là một báu vật và được mời gọi sống hạnh hạnh phúc. Cho dù cuộc đời đã bao lần chúng ta “chẳng hiểu gì cả”, nhưng hãy tin-tín thác vào quyền năng và sức mạnh của Người, và nhất là hãy mở rộng cõi lòng để đón nhận những hướng dẫn của Thiên Chúa khơi lên từ nơi sâu kín nhất của mình với tất cả sự khiêm hạ của con tim và kinh nguyện phó thác.
Hãy xin với Đức Mẹ Mai Khôi mà chúng ta mừng kính hôm nay dạy chúng ta điều đó: học cách tin, học cách tín thác và cả học cách yêu mến điều Chúa nói.
Vậy, hãy đọc với tôi lời kinh vốn đã góp phần hình thành nên lễ hôm nay và là một báu vật đạo đức của Giáo hội, là một thứ vũ khí hiệu nghiệm cho tất cả chúng ta trong mọi ngày, nhằm nâng đỡ đời sống đạo đức của chúng ta: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng bà gồm phúc lạ, Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Amen.
Trước khi kết thúc thánh lễ, vị đại diện cộng đoàn có lời cám ơn Đức Cha Phaolô và chúc mừng Quý Cha, Quý Thầy trong Tu viện nhân dịp bổn mạng. Sau đó, Cha Antôn Trần Thanh Long, O.P., Bề trên Tu viện, đại diện Anh Em trong Tu viện và cộng đoàn Giáo xứ Mai Khôi có lời cám ơn Đức Cha Phaolô đã đến chủ tế thánh lễ; đồng thời, Cha Antôn cũng hiệp thông với Đức Cha Phaolô cũng như Giáo phận Vinh, Giáo phận đông Giáo dân nhất Giáo Tỉnh Hà Nội, khi đang phải trải qua thời kỳ đầy những khó khăn, những cam go và thử thách trong đời sống hằng ngày, đặc biệt trong đời sống đức tin cũng như tiếng nói công lý và hòa bình.
Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Maria Mai Khôi, xuống muôn ơn lành trên cộng đoàn Tu viện và Giáo xứ Mai Khôi.