Tu Viện – Đền Thánh Martino: Đại Lễ Hành Hương Kính Thánh Martino de Porres Năm 2016
Anh Nguyễn, OP.
HVĐM (04-11-2016) – Ngày 03/11 hàng năm, Giáo Hội mừng kính Thánh Martino de Porres; một Vị Thánh “da màu” sinh trưởng tại Peru được mệnh danh “Martino Bác Ái”, như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nhắc đến ngài trong Đại lễ tuyên Hiển Thánh.
Thánh Martino de Porres là một tu sĩ Dòng Anh Em Giảng Thuyết, được nhiều người biết đến với lòng khiêm nhường, yêu thương và bác ái. Cuộc đời của ngài là những chuỗi ngày hy sinh phục vụ cho những anh chị em nghèo khó, khốn cùng và khổ đau với lòng chân thành yêu mến. Là một tu sĩ Đaminh, với ơn gọi Tu Huynh, Thánh Martino de Porres đã dấn thân thi hành sứ vụ Giảng Thuyết cách tuyệt hảo bằng chính những hành động cụ thể qua đời sống chân thành, bác ái, khiêm nhường,…; qua đó, Chân Lý Tình Yêu của Thiên Chúa được tỏa rạng cách hữu hiệu với hết thảy mọi người.
Chính vì sự hy sinh tận tụy, lòng bác ái yêu thương gắn kết với một đời sống khiêm nhu, đơn thành, nên rất nhiều anh chị em đã chạy đến với Thánh Martino de Porres khấn cầu, đặc biệt những anh chị em nghèo khó, khổ đau, bệnh tật, bất hạnh, cùng khốn,… để xin Thánh Nhân cầu thay nguyện giúp cùng Thiên Chúa được nhiều ân phúc và những ân sủng cần thiết.
Trong ngày mừng sinh nhật trên Thiên Quốc của Thánh Martino, đến hẹn lại lên, từng đoàn người từ nhiều nơi, trong nước cũng như hải ngoại, gần cũng như xa, cùng hành hương về Tu viện – Đền Thánh Martino (Hố Nai – Biên Hòa) để mừng đại lễ Kính Thánh Martino và dâng lời khấn cầu lên vị Thánh da màu. Ngay từ chiều 02/11, nhiều anh chị em ở nơi xa xôi đã có mặt tại Đền Thánh Martino. Trong ngày 03/11, ước tính khoảng 150.000 anh chị em và khách hành hương từ: Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ, Lâm Đồng – Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Kontum, Nha Trang, Bình Thuận, Sài Gòn, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Biên Hòa – Đồng Nai… trẩy hội hành hương về kính viếng và tham dự các Thánh lễ trọng thể mừng kính Thánh Martino.
Cách đặc biệt, đại lễ hành hương kính Thánh Martino de Porres năm nay diễn ra trong dịp Giáo Hội mừng Năm Thánh Lòng Chúa Xót Thương, Dòng Anh Em Giảng Thuyết mừng Năm Thánh kỷ niệm 800 năm được Tòa Thánh châu phê, Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam mừng Kỷ niệm 50 năm thành lập. Do đó, hòa chung với lời tạ ơn Thiên Chúa của toàn thể Giáo Hội và Dòng Anh Em Giảng Thuyết, cũng như diễn tả nhân đức cao vời của Thánh Martin de Porres, chủ đề trong ngày đại lễ năm nay được chọn: “Thánh Martino: Khí Cụ Bình An Của Thiên Chúa”.
***
MỘT VÀI HÌNH ẢNH
CỦA NGÀY ĐẠI LỄ HÀNH HƯƠNG KÍNH THÁNH MARTINO
NĂM 2016
1/. Thánh Lễ 1: 05g00 – Cầu nguyện cho Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam và Tu Viện Thánh Martino. Thánh lễ do Cha Phêrô Lâm Phước Hùng, OP., Bề trên Tu viện Thánh Martino chủ tế.
Bài giảng của Cha Phêrô:
Trọng tâm của bài giảng xoay quanh ý chính: Cuộc sống mỗi người có bình an không? Và mỗi người có mang bình an cho người khác không? Câu trả lời chung cho 2 câu hỏi: Lãnh nhận Bình an của Chúa, và loan truyền bình an đó cho người khác. Thánh Martino là mẫu gương cho các Kitô hữu.
Cha Bề trên tu viện đã lấy hình ảnh của Hoa sen giữa đầm lầy: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, để ví với nhân đức của Thánh Martino. Thánh Martino đã sống trong một gia đình bất ổn, giữa cuộc sống bấp bênh, giữa xã hội bất an của sự phân biệt kỳ thị, giữa lòng người bất tín và bất nghĩa. Nhưng ngài đã không bất mãn, mà đã trở thành “Dấu Chỉ Của Lòng Thương Xót” và “Khí Cụ Bình An Của Chúa” bằng chính “Tâm Thiện” của mình.
Cha Phêrô đặc biệt nhấn mạnh đến “Sự Bình An” mà con người cần phải trao ban cho nhau, đó chính là sự “Bình An” mà Thánh Phaolo đã viết trong thư gởi giáo đoàn Thexalonica: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó” (1Tx 5,23-24).
Sự “Bình An” đích thực chính là “Sự Bình An Có Chúa”. Đó chính là “Sự Bình Tâm” giữa những sự bất ổn xảy ra xung quanh mình. Chỉ khi chúng ta có được sự “Bình An”, thì chúng ta mới có thể trao ban “Bình An” cho người khác.
Cha chủ tế mong rằng, tất cả anh chị em hành hương đến với Thánh Martino ngày hôm nay, sẽ có được “Sự Bình An”, có được sự “May Lành” như lời khấn nguyện, để sự “Bình An” đó xóa tan đi những bất hòa, hận thù, ghen ghét,… ngay trong chính gia đình, cộng đoàn và những người bên cạnh chúng ta…
2/. Thánh Lễ 2: 07g30 – Cầu nguyện cho Giáo phận và khách hành hương. Thánh lễ do Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, chủ tế.
Rước kiệu Xương Thánh và cung nghinh Thánh Martino trước Thánh lễ
do Giới gia trưởng và Hiền mẫu phụ trách
3/. Thánh Lễ 3: 10g00 – Cầu nguyện cho các bệnh nhân, những người nghèo khó và đau khổ. Thánh lễ do Cha Giuse Nguyễn Đức Hòa, OP., Bề trên Giám tỉnh Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam chủ tế.
Bài giảng của Cha Giuse:
Giảng trong Thánh lễ, Cha Giám tỉnh khởi đầu bằng cách so sánh nhỏ giữa Thánh Phanxico và Thánh Martino: Nếu Giáo hội gọi Thánh Phanxico Assisi là sứ giả Hòa Bình, vì ngài có lòng bác ái yêu thương, không những đối với con người, mà còn đối với loài vật, cỏ cây nữa, thì Thánh Martino mà chúng ta mừng lễ hôm nay cũng xứng danh là khí cụ bình an của Chúa, vì ngài cũng hiền hòa yêu thương hết mọi người và cả các loài vật như vậy. Thánh Phanxico cảm thấy thương tâm vô cùng mỗi khi có người hành hạ cây cỏ, hay đối xử tàn bạo với loài vật, thì Thánh Martino cũng tận tâm chăm sóc các loài vật khi chúng đói hay bị thương. Các nhân chứng về cuộc đời củaThánh Martino đều khẳng định tình yêu dành cho thú vật là một biểu hiện của lòng bác ái vốn có nơi Thánh Martino.
Ngày nay, người ta còn lưu giữ một bức tranh trong đó Thánh Martino cúi xuống cho những con chó, những con mèo, những chú chim và đàn chuột cùng ăn chung một đĩa cơm mà không con nào cắn con nào! Chúng ta biết những con vật này là những kẻ thù truyền kiếp của nhau. Có bao giờ mèo thấy chuột mà lại không vồ cho bằng được, có bao giờ mèo và chó lại ăn chung với nhau, vậy mà thánh Martino đã biến những con vật không đội trời chung này sống chung với nhau và ăn cùng một đĩa với nhau.
Và nếu đối vời loài vật mà Thánh Martino còn cư xử hiền hòa dễ thương như thế, thì đối với con người Thánh nhân sẽ còn đối xử hiền hòa nhân từ như thế nào nữa? Mang trong mình hai dòng máu Tây Ban Nha và Peru, Thánh Martino đã nên cầu nối và người hòa giải giữa thực dân và dân bản địa, giữa người da trắng và người da màu, không phân biệt chủng tộc, màu da, văn hóa và ngôn ngữ.
Những việc và cách thức mà Thánh Martino giúp đỡ người nghèo khổ thì chúng ta đã nghe nhiều rồi. Hôm nay chỉ xin kể lại một câu chuyện nho nhỏ để chứng minh Thánh Martino yêu thương và lo lắng cho người nghèo như thế nào. Tối nào cũng vậy, khi mà đám đông kéo đến cổng tu viện, thì với một cái bát lớn và một cái ấm, thánh nhân vào trong phòng ăn và bếp tu viện thu gom tất cả những gì mà ngài thu được sau bữa ăn tối của các tu sĩ, trong đó có phần ăn của ngài, rồi đem phân phát cho mọi người.
Song song với việc giúp đỡ những người nghèo khổ bằng lương thực vật chất, Martino cũng chữa bệnh cho nhiều người, không phân biệt trẻ già, nam nữ, giàu sang hay nghèo hèn. Bất cứ bệnh nhân nào cũng được thánh nhân cứu chữa bằng các loại thuốc mà ngài có trong tay, nhưng rất nhiều lần ngài chữa lành họ bằng lời cầu nguyện, kể cả những bệnh nhân mang bệnh hiểm nghèo. Mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân kéo đến cổng tu viện để xin Martino chữa bệnh. Chữa bệnh ở ngoài cổng chưa đủ, Thánh Martino còn đưa một số bệnh nhân mắc bệnh nặng về phòng riêng của ngài để chữa trị cho họ.
Một buổi chiều mùa đông lạnh giá, Martino gặp một ông lão ăn mày mình đầy ung nhọt, ăn mặc rách rưới hầu như không có gì để che thân. Martino động lòng thương và đưa ông lão về phòng mình và đặt trên giường để chăm sóc, còn Martino thì nằm dưới sàn nhà. Một tu sĩ thấy thế thì chỉ trích Martino là mất vệ sinh. Martino trả lời: “Thưa thầy, con nghĩ lòng thương, xót phải quí hơn sự sạch sẽ chứ? Chỉ cần một chút xà bông con có thể giặt tấm ra giường cách dễ dàng, nhưng dù với một suối nước mắt, con cũng không thể gột sạch vết nhơ khỏi tâm hồn con, khi con không biết thương xót những người bất hạnh”.
Thánh Martino cũng quan tâm chăm sóc cả những người nhập cư thất nghiệp, giúp họ có công ăn việc làm. Một ngày năm1635, Thánh Martino bắt gặp một thiếu niên mới 14 tuổi tên là Gioan Vazquez, quần áo rách rưới và không có công ăn việc làm. Ngài đưa vào tu viện, cho cậu ăn uống, cho quần áo và bảo cậu: “Từ ngày mai con cứ đến đây mỗi ngày thầy sẽ cho con ăn, nhưng con phải tìm cho mình một công việc”. Cậu bé nói đã tìm khắp thành phố Lima mà không tìm được công ăn việc làm. Thế là thánh nhân dạy cậu nghề hớt tóc là chính công việc mà ngài đã làm trước đây. Sau khi học thành tài cậu bé xin ở lại để làm phụ tá cho ngài.
Kính thưa cộng đoàn, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất ốn, hận thù và bạo lực: bất ổn, hận thù và bạo lực ngay từ trong gia đình cho đến trường học, ngoài đường phố và xã hội. Chỉ một va chạm nho nhỏ cũng dẫn đến cãi vã, ẩu đả, thậm chí chém giết nhau. Chúng ta có cảm tưởng như con người chỉ có một cách duy nhất để giải quyết những tranh chấp là dùng bạo lực. Nhưng kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng, bạo lực không bao giờ chấm dứt bạo lực mà chỉ làm cho bạo lực thêm; hận thù không bao giờ chấm dứt hận thù mà chỉ làm cho hận thù lan rộng và khủng khiếp hơn mà thôi.
Chỉ có sự hiền hòa mới có thế chấm dứt bạo lực, cũng như chỉ có lòng yêu thương tha thứ mới chấm dứt được sự thù hận. Khi phải chọn giữa một bên là kẻ thù và một bên là người bạn, chắc chắn chúng ta sẽ chọn người bạn. Nhưng muốn biến kẻ thù thành người bạn thì chính chúng ta phải trở thành người bạn của kẻ thù trước đã thì mới hy vọng cảm hóa được kẻ thù. Có nghĩa là, nếu chúng ta muốn kẻ thù yêu thương mình, thì chúng ta phải yêu thương kẻ thù trước đã.
Chuyện kể rằng, có một người nông dân nuôi cừu và một người thợ săn là hàng xóm của nhau. Người thợ săn có một đàn chó săn rất dữ tợn, chúng thường nhảy sang hàng rào rượt đuổi đàn cừu của người nông dân. Người nông dân nhiều lần yêu cầu người hàng xóm đừng để lũ chó săn phá phách đàn cừu của ông, nhưng xem ra những lời yêu cầu đó đều bị bỏ ngoài tai. Ngày nọ, đàn chó nhảy vào đàn cừu và cắn nhiều con cừu bị thương. Người nông dân liền báo cho quan phủ. Vị quan nói ta có thể phạt người thợ săn và bắt anh ta xích đàn chó lại, nhưng anh sẽ mất đi một người bạn và thêm một kẻ thù. Vậy anh muốn điều gì hơn, bạn hay kẻ thù làm hàng xóm của mình? Người nông dân trả lời rằng anh muốn một người bạn. Vị quan phủ liền nói: Ta sẽ bày cho ngươi một cách vừa bảo vệ được đàn cừu, vừa giữ được một người bạn. Người nông dân liền nghe theo lời hướng dẫn của quan.
Anh ta bắt ba con cừu con đẹp nhất và tặng cho ba cậu con trai nhỏ của người thợ săn. Đám trẻ rất vui thích quấn quýt vui đùa bên mấy con cừu. Để bảo vệ những con cừu của lũ trẻ, người thợ săn đã làm một cái cũi chắc chắn để nhốt đàn chó lại. Từ đó trở đi, đàn chó không bao giờ quấy rầy đàn cừu của người nông dân nữa. Cảm kích trước lòng tốt của người nông dân, người thợ săn thường đem chiến lợi phẩm anh ta săn được biếu người nông dân. Người nông dân đáp lại bằng thịt cừu và pho-mai anh ta làm ra. Hai người trở thành bạn thân của nhau từ đó (Vị quan phủ sáng suốt). Chỉ một nghĩa cử đẹp của người nông dân đã cảm hóa được người hàng xóm vốn bị coi là kẻ thù từ trước tới nay và biến anh ta thành một người bạn tốt.
Kính thưa cộng đoàn, thế giới nói chung, Giáo hội và các tín hữu nói riêng và cả những người không công giáo, nhưng đã nghe biết về Thánh Martino hay đã được ngài ban ơn đều ca ngợi Thánh Martino, nhất là lòng bác ái yêu thương, đức hiền hòa và sự đồng cảm sâu sắc của ngài đối với những người nghèo khổ bệnh tật. Điều này thật là chính đáng vì Thánh Martino xứng đáng được mọi người ca tụng, và xứng đáng trở thành mẫu gương của lòng bác ái yêu thương, trở thành sứ giả và khí cụ bình an của Chúa. Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những lời ca tụng tán dương mà không có hành động cụ thể làm theo mẫu gương của ngài, thì những lời tán dương đó chẳng có ý nghĩa gì, chẳng đem lại lợi ích thiêng liêng gì cho chúng ta, và chắc chắn cũng chẳng làm cho Thánh Martino hài lòng. Như một vị thánh đã từng nói: “Nếu chúng ta ca tụng các thánh, thì hãy bắt chước nhân đức của các ngài. Còn nếu không bắt chước nhân đức của các ngài thì đừng ca tụng!”.
Chúng ta đã ca tụng nhiều rồi. Chúng ta cảm kích và xúc động trước tấm gương bác ái cao cả của Thánh Martino, và bây giờ là lúc chúng ta thực hiện những điều mà Thánh Martino đã làm: Yêu thương mọi người, đối xử nhân ái hiền hòa với mọi người, thông cảm và chia sẻ nỗi khổ đau của những người nghèo khổ, thiếu thốn, bệnh tật. Mỗi người chúng ta hãy trở nên người bạn thân thiết của những người xung quanh, trở nên khí cụ bình an của Chúa, đem yêu thương và niềm vui đến cho tất cả mọi người. Hay mỗi người chúng ta hãy bắt chước anh nông dân trong câu chuyện kể trên. Hãy làm một cử chỉ đẹp, một sự giúp đỡ, thậm chí một lời chào hỏi chân thành đối với người hàng xóm chúng ta không ưa, hay nở một nụ cười thân thiện với chị bán hàng dễ ghét,… thì rồi những người đó sẽ trở thành người bạn của chúng ta lúc nào không hay. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đã từng nói: “Sự bình an bắt đầu bằng một nụ cười!”. A-men.
- Trang trước
- Trang sau >>