Phanxicô Xaviê Phú Anh Quốc, OP. tổng hợp
Con người là sinh vật có lý trí và ý chí. Trong đó, lý trí giúp con người nhận biết hoặc xác định mục đích tối hậu của mình; và ý chí điều phối các hoạt động để đạt đến mục đích đó. Không thụ động như các thụ tạo khác, con người tự mình hành động, tự làm chủ vận mạng đời mình, tự coi mình là chủ thể và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. [1] Để có chủ thể tính đó, nhất thiết đòi hỏi đặc tính tự do nơi con người. Tự do này là tự do triết lý, bên trong mỗi người, khác với tự do bên ngoài của bối cảnh xã hội, chính trị. Theo nghĩa này, tự do là hành động phát xuất từ bên trong con người, là khả năng chọn lựa cách thức hành động mà không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài; mọi hành động phải do tôi quyết định và tự tôi đảm lấy. [2]
I. Tự do siêu nghiệm và tự do thực hành
1. Tự do siêu nghiệm
Theo Kant, ba khái niệm “tự do”, “Thượng Đế” và “sự bất tử” (của linh hồn) làm nên mục đích nghiên cứu của siêu hình học. Chúng là các ý niệm siêu việt và vượt hẳn ranh giới của mọi kinh nghiệm, vì trong kinh nghiệm, không bao giờ có một đối tượng có thể tương ứng trọn vẹn với các ý niệm này. Kant gọi đó là các ý niệm siêu nghiệm. Giữa ba ý niệm siêu nghiệm này có sự nối kết và thống nhất với nhau. Trong đó, khái niệm “tự do” kết hợp với khái niệm “Thượng Đế” tất yếu dẫn đến khái niệm “bất tử”.[3]
Khái niệm về tự do tạo nên viên đá đỉnh vòm (Schlußstein) cho toàn bộ toàn nhà của của một hệ thống lý trí thuần tuý, kể cả của lý tính tư biện; và mọi khái niệm khác (về Thượng Đế và về sự bất tử) – vốn không có chỗ tựa trong lý tính thuần tuý nếu chỉ như là các ý niệm đơn thuần – nay cũng tự gắn mình vào với khái niệm này và nhờ đó mà có được sự vững chắc và thực tại khách quan.[4]
Trong cuốn Phê phán Lý tính Thuần tuý, Kant định nghĩa tự do như sau: “Sự tự do – tức sự độc lập với những định luật của tự nhiên – là sự giải phóng khỏi mọi cưỡng chế, nhưng đồng thời cũng là sự thoát ly khỏi sự hướng dẫn của mọi quy luật.”[5] Nhưng, trong thế giới của không gian – thời gian mà Kant gọi là thế giới hiện tượng lại vận hành theo luật nhân quả, tức là bất cứ sự kiện nào xảy ra đều giả định có một nguyên nhân đi trước nó. Cái quả này được sinh ra bởi cái nhân khác, cái nhân khác đó lại là cái kết quả của các nguyên nhân trước đó nữa, và cứ như thế, tạo thành chuỗi dài các nguyên nhân và kết quả nối tiếp nhau, không có chỗ cho sự hiện diện của tự do.
Vậy mà, cứ đi ngược trở lại trong chuỗi nhân quả ấy, ắt hẳn phải có một “sự tự khởi tuyệt đối” là nguyên nhân cho mọi nguyên nhân mà không có nguyên nhân nào tạo ra nó, bởi nếu không, sẽ không có khởi điểm cho chuỗi dài các nhân quả. Ở đây, sự tự khởi này không phải là sự khởi đầu trong trật tự thời gian nhưng theo trật tự logic. Như vậy, trong thế giới hiện tượng, khả thể suy tưởng về một thứ tự do mà Kant gọi là “tự do siêu nghiệm” (Transzendentale Freiheit), bởi lẽ trong thế giới hiện tượng không có một đối tượng hay kinh nghiệm cảm giác nào tương ứng với ý niệm này của lý trí. Kant gọi đó là “vật tư tưởng” (Gedankending) trống rỗng vì chỉ được nhận biết chỉ nhờ suy luận đơn thuần chứ không nhờ một quan năng nào.[6] Vậy, với tính cách là một ý tưởng siêu nghiệm, tự do mang hai đặc tính căn bản là tất yếu và “rỗng”.[7]
Khi lập luận như thế, lý trí tự mâu thuẫn với chính mình. Bởi lẽ, giả thiết ban đầu khẳng định tính nhân quả – bất kỳ sự kiện nào cũng giả định có nguyên nhân đi trước – nhưng kết quả của suy luận là khả thể có một “sự tự khởi tuyệt đối” gọi là “tự do siêu nghiệm” lại không do một nguyên nhân nào tạo ra. Hơn nữa, tự do siêu nghiệm hoàn toàn đi ngược lại định luật tự nhiên về nhân quả; và cả hai khác nhau như giữa tính hợp quy luật và vô quy luật.[8] Phải chăng lý trí tự mâu thuẫn và gặp phải nghịch lý (Antinomie)?
Để giải quyết vấn đề này, Kant dựa vào sự phân biệt giữa vật tự thân (Ding an sich) và hiện tượng (Erscheinung). Hiện tượng là thực tại mà chúng ta kinh nghiệm bằng giác quan, còn vật tự thân là nền tảng cho thế giới hiện tượng, là thực tại chỉ nhận thức bằng lý trí thuần tuý chứ không phải bằng tri giác vì nó khả niệm và thuộc bản chất của sự vật.[9] Về mặt lý thuyết, nếu những hiện tượng là những vật tự thân, thì tự do quả là không thể nào cứu vãn được, vì thế-giới hiện tượng chịu chi phối bởi luật nhân quả. Nhưng tự do siêu nghiệm, vốn là vật tư tưởng lại thuộc về thế giới của vật tự thân.[10] Cho nên, “quy luật của tự nhiên không tác động đến quy luật của tự do, do đó cả hai đều có thể tồn tại độc lập với nhau và không gây trở ngại gì cho nhau.”[11]
Còn về phương diện thực hành, Kant đề cập đến hai tính năng của chủ thể trong hành vi: thường nghiệm và khả niệm. Trong thế giới hiện tượng, tính năng thường nghiệm làm cho hành vi của chủ thể như một hiện tượng được nối kết với các hiện tượng khác theo luật nhân quả. Còn tính năng khả niệm thuộc thế giới vật tự thân, vượt trên thời gian và không gian, làm cho chủ thể là nguyên nhân của các hành vi nhưng lại không bị chi phối bởi nguyên nhân nào khác. Đây chính là sự tự khởi tuyệt đối, nơi ta “được phép” bàn về tự do.[12] Ví dụ, một người nhảy xuống nước cứu người sắp chết đuối. Ta chỉ có thể quan sát được khía cạnh thường nghiệm của hành vi này (nhảy xuống nước, bơi, đưa người vào bờ, cứu thương…) chứ không quan sát sự tự do, ý hướng hoặc động lực thúc đẩy anh ta hành động mà chỉ có thể suy luận bằng lý trí mà thôi.[13]
Vậy, theo tính năng thường nghiệm, chủ thể này, với tư cách là hiện tượng, phục tùng mọi quy luật của sự nối kết nhân quả, và trong chừng mực đó, không gì khác hơn là một bộ phận của thế giới cảm tính, mà những kết quả của nó, giống như bất kỳ hiện tượng nào khác, phát xuất từ tự nhiên một cách bắt buộc. […] Nhưng theo tính năng khả niệm thì chủ thể ấy lại phải được giải phóng ra khỏi mọi ảnh hưởng của cảm năng và khỏi sự quy định bởi những hiện tượng. […] Tự do và tự nhiên, mỗi cái trong ý nghĩa hoàn chỉnh trọn vẹn của mình, đều có thể được bắt gặp một cách đồng thời và không có mâu thuẫn nào ngay trong cùng những hành vi.[14]
Qua việc giải quyết được nghịch lý của lý trí thuần tuý, Kant cho thấy ít ra tất định của tự nhiên không mâu thuẫn với tự do.[15] Mặt khác, “lý trí thuần tuý, không có quyền và cũng không có khả năng đi sâu vào những thực tại siêu hình của lãnh vực của vật tự thân.”[16] Cho nên, sự tự do mà lý trí thuần tuý có thể đề cập đến là tự do siêu nghiệm chứ không phải tự do thực hành. Trong giới hạn của mình, lý trí thuần tuý chỉ có thể suy tưởng về tự do thực hành trong phạm vi thế giới hiện thượng mà thôi, chứ không thể nhận thức được nó hay chứng minh sự tồn tại hiện thực (real) của tự do như là của một quan năng chứa đựng nguyên nhân cho những đối tượng của thế giới cảm tính của chúng ta.[17] Lý trí thuần tuý chỉ thấy vai trò thiết yếu không thể thiếu của tự do mà không thể hiểu nổi nội dung của ý niệm này.[18]
Tóm lại, vì “ý niệm chỉ có mục đích duy nhất là được lý tính sử dụng một cách đơn thuần lý thuyết, và vì sự tiếp cận một khái niệm không bao giờ đạt được trong khi thực hiện nên ý niệm cũng không khác gì một khái niệm không có thật”[19], nên xét cách chặt chẽ, trong phạm vi thế giới hiện tượng, không thể tồn tại tự do. Vì vậy, “lý trí con người không thể sai khiến các luật thiên nhiên theo sở thích của mình.”[20]
2. Tự do thực hành
Trong cuốn Phê bình Lý tính Thực hành, Kant đã xét lại khái niệm “tự do” dưới góc độ thực hành của lý tính. Tuy nhiên, đây không phải là sự bổ sung khiếm khuyết của cuốn Phê bình Lý tính Thuần tuý nhưng làm nổi bật sự liên kết của hệ thống phê bình.[21] Thực vậy, với Phê bình Lý tính Thuần tuý, lý trí mới chỉ quan niệm về tự do như một cái gì không theo luật nhân quả nhưng không mâu thuẫn với luật ấy, tức là làm rõ tính tất yếu của tự do; còn trong Phê bình Lý tính Thực hành, tự do được xét trong thực tại tính (reality) của nó, và khả thể có một kinh nghiệm làm đầy ý niệm “tự do” về mặt nội dung, tức là tự do là có thực. Nên, có thể nói, Phê bình Lý tính Thực hành là một luận đề về tự do.[22]
Với quan năng này [lý tính thuần tuý thực hành], sự tự do siêu nghiệm từ nay cũng được xác lập vững chắc, và là sự tự do được nắm lấy theo nghĩa tuyệt đối mà lý tính tư biện [thuần tuý lý thuyết] đã cần đến trong khi nó sử dụng khái niệm về tính nhân quả nhằm thoát khỏi nghịch lý vốn không thể tránh nếu lý tính tư biện muốn suy tưởng về cái vô-điều kiện trong chuỗi nối kết nguyên nhân và kết quả.[23]
Kant định nghĩa tự do thực hành như sau:
Tự do theo nghĩa thực hành là sự độc lập của ý chí trước sự thúc bách do các xung động của cảm năng gây ra. […] Tự do thực hành giả định tiên quyết rằng, dù một điều gì đó không xảy ra, nhưng nó phải (sollen) được xảy ra, và vì thế, nguyên nhân của nó ở trong thế giới hiện tượng không phải có tính quy định nghiêm ngặt đến nỗi trong ý chí chúng ta không có một tính nhân quả nào tạo ra được một cái gì độc lập với những nguyên nhân tự nhiên và bản thân đi ngược lại sức mạnh và ảnh hưởng của tự nhiên, tức bị quy định bên trong trật tự thời gian theo những quy luật thường nghiệm, do đó không thể hoàn toàn tự mình khởi đầu một chuỗi các sự kiện.[24]
Nếu trong lãnh vực lý trí thuần tuý, tự do siêu nghiệm chỉ có thể được suy tưởng, chứ không được nhận thức, thì trong lãnh vực của lý trí thực hành, Kant đề cập đến “cái phải là” (sollen) như là điều thiết yếu làm cho ta có nhận thức thực sự về sự tự do thực hành, nghĩa là con người có năng lực hoàn toàn tự mình làm nguyên nhân cho một chuỗi sự kiện thường nghiệm.[25] “Cái phải là” chính là quy luật thực hành hay quy luật luân lý, đạo đức trong mỗi người. Ông khẳng định: Ai đó phán đoán rằng mình có thể làm một việc chỉ vì có ý thức rằng mình phải (soll) làm việc ấy thì nhận ra sự tự do nơi chính mình – một điều mà nếu không có quy luật luân lý ắt anh ta không bao giờ nhận ra được.[26]
Như thế, tự do có mối liên hệ chặt chẽ với quy luật luân lý, hay quy luật đạo đức hoặc quy luật thực hành. Thật vậy, chỉ khi có tự do, con người mới có thể chọn lựa làm việc tốt hoặc việc xấu; mặt khác, khi thấy con người tự ý làm điều lành điều ác người ta mới chứng nghiệm rằng con người là hữu thể tự do.[27] Một cách hàn lâm hơn, tự do là ratio essendi (cơ sở bản chất) của quy luật đạo đức, còn quy luật đạo đức là ratio cognoscendi (cơ sở nhận thức) về tự do. Nghĩa là, tự do đặt cơ sở hay điều kiện cho quy luật đạo đức tồn tại; trái lại, ta chỉ có thể nhận thức về tự do khi ta ý thức về quy luật đạo đức.[28]
II. Tự do tiêu cực
Khi định nghĩa tự do, người ta có thể hiểu theo hai khía cạnh. Theo khía cạnh tiêu cực, tự do chỉ sự thiếu vắng những cưỡng chế từ bên ngoài; còn theo khía cạnh tích cực, tự do là khả năng tự quyết của ý chí, thoát khỏi mọi ràng buộc của luật tất định.[29] Khi phân tích quy luật đạo đức như là cơ sở nhận thức tự do, Kant cho thấy hai khía cạnh này. Trước hết, theo nghĩa tiêu cực, sự cưỡng chế từ bên ngoài cần phải dẹp bỏ là sự thúc bách do các xung động của cảm năng gây ra.[30] Bởi vì, “ý chí là ý chí tự do, đơn thuần chỉ bị quy định bởi quy luật thực hành mà thôi, không chỉ không có sự tham gia tác động nào của những động lực cảm tính mà còn gạt bỏ tất cả chúng đi cũng như mọi xu hướng trong chừng mực chúng có thể đi ngược lại với quy luật.”[31]
Trong thực hành, ý chí bị quy định bởi các nguyên tắc thực hành vốn là sản phẩm của lý trí. Nếu các nguyên tắc thực hành này mang tính chủ quan, tức là chỉ có giá trị cho một ý chí cụ thể nào đó, hay một vài người thì chúng mới chỉ là các châm ngôn (Maximen). Trái lại, nếu các nguyên tắc thực hành này mang tính khách quan, nghĩa là có giá trị ràng buộc với bất kỳ ý chí nào, ai ai cũng phải công nhận thì được gọi là quy luật thực hành (Pratische Gesetze).[32] Chẳng hạn, nếu tôi đưa ra nguyên tắc thực hành là được phép nói dối để bảo đảm lợi ích cho bản thân thì nguyên tắc này chỉ là một châm ngôn, vì nó chỉ có giá trị với tôi, không thể áp dụng cho mọi người; nếu nói dối trở thành quy luật thực hành phổ quát thì bất kỳ ai cũng có thể nói dối vì lợi ích riêng của mình, lúc đó tôi không thể biết sự thật được.
Qua ba định lý hoạt động của lý trí thực hành, Kant phân biệt châm ngôn và quy luật thực hành bằng cách phân biệt chất thể (materia) và hình thức/mô thể (forma). “Chất thể của ý chí là một đối tượng, mà việc hiện thực hoá nó được người ta ham muốn”[33]. Châm ngôn là các nguyên tắc thực hành chất thể, thường nhắm đến một đối tượng cụ thể. Còn quy luật thực hành là nguyên tắc thực hành hình thức/mô thể không dựa trên cảm năng nhưng dựa trên tính hợp lý. Mọi nguyên tắc thực hành lấy một đối tượng (chất thể) làm cơ sở quy định cho ý chí đều là nguyên tắc về lòng yêu chính mình hay về hạnh phúc riêng tư. Chúng có giá trị thường nghiệm và bất tất.[34] Bởi lẽ, đối tượng của lựa chọn là cơ sở của nguyên tắc thì phải có trước nguyên tắc, nên nguyên tắc không quy chiếu vào điều gì ngoài những người hoặc những việc ưa thích, tức là dựa trên kinh nghiệm thường nghiệm; do đó, không thể áp dụng cho tất cả mọi người. Trong khi đó, sở dĩ quy luật đạo đức lại tất yếu một cách khách quan chỉ vì nó có hiệu lực với bất kỳ ai có lý trí và ý chí.[35]
Theo Kant, một hành động thiên lệch theo sở thích, nghiêng chiều về lý do của bản thân, nhắm đến lợi ích cá nhân, thì đó là hành vi hạ cấp, tầm thường, vẫn bị ràng buộc bởi các yếu tố bên ngoài và chưa thể hiện được đặc tính tự do của hữu thể hữu lý. Để có tự do, con người phải hành động theo lý trí cách tuyệt đối, không vị kỷ, tư lợi, thiên tư mà chỉ xét đến hành động đó trong hình thức nguyên tắc của nó.[36] Khi quyết định thực thi hay không thực thi một hành động nào đó, điều cần thiết duy nhất là xét xem nguyên tắc của hành động đó có hợp với quy luật đạo đức, có áp dụng cho mọi người được không, chứ không xét đến những gì sẽ xảy ra hay vịn vào các lý do trần gian.[37]
Như thế, để một nguyên tắc thực hành trở thành quy luật thực hành thì nó phải được phổ quát hoá bằng cách vượt qua trắc nghiệm “loại bỏ cái tôi”: liệu nguyên tắc của tôi có thể áp dụng cho tất cả mọi người được không?[38] Khi đó, quy tắc thực hành là một nguyên lý thuần tuý hình thức, là một mệnh lệnh tuyệt đối (Kategorische imperativen) mang đặc tính của cái “phải là” (Sollen) biểu thị sự bắt buộc khách quan đối với mọi người và không bị quy luật tất định của kinh nghiệm chi phối.[39] Chính tính phổ quát của quy luật thực hành giúp lý trí chiếm vị thế độc quyền trong việc điều khiển ý chí. Và, con người trở thành nguyên nhân cho chính mình mà không bị một nguyên nhân bên ngoài nào chi phối. Nhờ vậy, con người có thể đạt được tự do thực hành xét theo nghĩa tiêu cực.
Tóm lại, tự do tiêu cực là loại bỏ chất thể của nguyên tắc thực hành, phổ quát hoá châm ngôn thành quy luật thực hành, giải trừ mọi cảm năng để ý chí lấy hình thức của quy luật thực hành làm tôn chỉ hành động.[40]
Nhưng cần lưu ý rằng, mặc dù phải loại bỏ mọi cảm năng để đạt được tính phổ quát của quy luật thực hành, Kant vẫn còn giữ lại một tâm tình là lòng tôn kính (Achtung); và ông gọi đó là “một tình cảm luân lý (ein moralisches gefühl).”[41] Chính tính phổ quát của quy luật thực hành tạo ra trong con người một tình cảm kính trọng, giúp ý chí tuân phục mệnh lệnh của quy luật này. Do đó, nó là “một tình cảm được tạo ra bởi nguyên nhân trí tuệ”[42] (do lý trí tác động) và thể hiện một sự phục tùng tự do của ý chí với quy luật thực hành. Trong thực hành, lòng tôn kính là động cơ cảm tính duy nhất của hành động, biến quy luật luân lý thành phương châm hành động; nhưng khác với mọi xu hướng cảm tính thường nghiệm, nó không bị nguyên tắc “vui sướng – không vui sướng” hướng dẫn. Cho nên, tình cảm này không xâm hại sự tự do của ý chí, thậm chí rất cần thiết vì nếu không, ta sẽ dửng dưng với mọi quy luật luân lý.[43]
Tâm tình tôn kính không trói buộc ý chí vào lý trí một cách tất định để hạ cấp phẩm tính tự do nơi con người, nhưng ngược lại, nó kiện toàn phẩm tính ấy. Bởi vì, như trên đã nói, tự do có mối liên hệ mật thiết với quy luật luân lý; tính phổ quát của quy luật giải phóng con người khỏi các xu hướng mang tính tất định, thường nghiệm bên ngoài. Nhưng, quy luật đó không tất yếu áp đặt ý chí một cách máy móc. Ý chí có tự do chọn lựa đón nhận quy luật đó hoặc không. Nhưng, con người, một khi biết sử dụng tự do, sẽ chọn lựa hành động tự quyết chứ không để cho các xu hướng khống chế. Chính tâm tình tôn kính giúp ý chí tự đặt mình dưới sự quy định của quy luật luân lý.[44] Nhờ đó, tâm tình này gia tăng chủ quyền của chủ thể trên chính mình, củng cố sự tự do của mình theo nghĩa: tự do là do tự mình[45], tự mình trở thành nguyên nhân cho hành vi của mình.
III. Tự do tích cực
1. Tự trị và ngoại trị
Trong định lý 4 về nguyên tắc của lý tính thực hành, Kant đề cập đến sự tự trị (Autonomie) của ý chí, đối lập với tính ngoại trị (Heteronomie).[46] Sự tự trị của ý chí là khả năng tự ra luật cho mình, độc lập với các yếu tố bên ngoài.[47]
Trong thực hành, ý chí bị quy định bởi một điều gì đó, có thể bởi chất liệu, hoặc bởi hình thức của châm ngôn hành động. Nếu bởi chất liệu, ta có các nguyên tắc thực hành chủ quan, tức là các châm ngôn mang tính thường nghiệm, bất tất; chúng không có khả năng phổ quát hoá và chịu sự dẫn dắt của các đối tượng bên ngoài lý trí. Kant gọi đó là sự ngoại trị. Còn nếu bởi hình thức, ta có các quy luật luân lý hay mệnh lệnh tuyệt đối mang tính phổ quát, và độc lập với các yếu tố bên ngoài. Nhờ tâm tình tôn kính, ý chí chỉ chịu sự quy định của lý trí mà thôi. Đó là sự tự trị.[48]
Kant phê bình những học thuyết đạo đức xây dựng trên sự ngoại trị một cách tỉ mỉ.[49] Ông đưa ra bảng liệt kê sau:
Chủ quan | |
Ngoại tại Giáo dục (Montaigne) Hiến pháp dân sự (Mandeville) |
Nội tại Xúc cảm vật chất (Epicure) Xúc cảm luân lý (Hutcheson) |
Khách quan | |
Nội tại Sự hoàn hảo (C. Wolff và các nhà Khắc kỷ) |
Ngoại tại Ý chí của Thượng Đế (Crusius và các nhà đạo đức thần học khác) |
Kant phủ nhận, thậm chí khinh chê các nguyên tắc thực hành không lấy tính tự trị làm cơ sở mà dựa vào các yếu tố bên ngoài lý trí. Trước hết, ông đả kích học thuyết dựa trên tình cảm vật lý của Epicure. Tình cảm vật lý ở đây là lợi ích và hạnh phúc cá nhân. Một khi để những tình cảm này chi phối, lý trí dễ dàng mất đi vị thế làm chủ để trở thành nô bộc, công cụ biện minh cho hành động, cho lợi ích cá nhân. Nó chỉ có thể đưa ra những châm ngôn mà không thể trờ thành quy luật cho ý chí. Kant cũng tỏ ra khinh chê những hành động dựa trên tình cảm đạo đức. Những tình cảm này cần được nuôi dưỡng nhưng nó không thể trở thành cơ sở hình thành nguyên tắc thực hành được. Kant cũng bàn đến sự thưởng phạt do luật pháp của các tổ chức. Cần phải có luật là để bảo đảm trật tự chung và bảo vệ lợi ích cá nhân, cũng như tập thể, nhưng nếu lấy sự thưởng phạt của luật để cưỡng chế con người thì ý chí con người trở thành một cỗ máy không có tự do. Còn về giáo dục, Kant không phủ nhận vai trò và sự cần thiết của giáo dục, nhưng ông phi bác những nguyên tắc thực hành dựa trên giáo dục đại loại như: tôi làm vì đã được dạy như thế. Đó là các nền tảng mang tính chủ quan. Ngoài ra, Kant cũng phê bình hai nguyên tắc khách quan và thuần lý như sự hoàn hảo, nghĩa là con người hành động vì muốn đạt tới một điều tốt lành, hoặc vì ý muốn của Thượng Đế truyền phải làm như vậy. Hai nền tảng này gặp bất cập ở chỗ: khó để xác định điều gì là tốt lành, mức độ nào được gọi là thiện hảo; cũng thế, không có cách nào để biết được ý muốn của Thượng Đế, nên người ta dễ dàng biến ý muốn, tình cảm của mình thành ý muốn của Thượng Đế và áp đặt cho mọi người.[50]
2. Tự trị – đặc trưng của tự do
Ở khía cạnh tiêu cực, tự do như là một sự giải phóng, là phủ định mọi sự chi phối mang tính thường nghiệm. Còn ở khía cạnh tích cực mang tính khẳng định, tự do là sự tự trị, nghĩa là tự làm chủ, tự quyết định. Ở đây, tự trị mang lại một ý nghĩa rõ ràng và đặc trưng của tự do.[51] Bởi vì, con người tự do hành động vì mục đích do chính mình xác lập.[52]
Trong thế giới hiện tượng, mọi vật đều chịu tác động của luật nhân quả. Lý trí thuần tuý suy tưởng về tự do như là sự tự khởi tuyệt đối – nguyên nhân của mọi nguyên nhân mà không do bất kỳ sự kiện nào tạo thành. Đây là tự do siêu nghiệm với hai đặc tính là tất yếu và rỗng về nội dung, vì khả thể suy tưởng nhưng lại không có một kinh nghiệm nào trong thế giới hiện tượng có thể tương hợp với ý niệm này. Tự do không mâu thuẫn với luật nhân quả vì nó thuộc lãnh vực của vật tự thân (Noumenon). Nguyên nhân của hành vi tự do, xét như là hiện tượng, thì phục tùng các quy luật tự nhiên, còn xét như là vật tự thân, thì vô điều kiện, tự mình làm nguyên nhân cho mình. Ý niệm về tự do trong lý trí thuần tuý được làm đầy bởi quy luật luân lý của lý trí thực hành.[53] Lý trí thực hành thể hiện tính tự khởi tuyệt đối của tự do qua khả năng tự trị, nghĩa là tự ban bố quy luật, tự trở thành nguyên nhân cho chính mình.[54] Con người là nguyên nhân tuyệt đối cho hành vi của chính mình. Đây là cơ sở để quy gán trách nhiệm cho chủ thể của hành vi.[55]
Sự tự trị làm nên định nghĩa của tự do theo nghĩa tích cực, kiến tạo nội dung cho tự do siêu nghiệm,[56] đạt đến chóp đỉnh về quan niệm tự do.[57] Thực vậy, nó không chỉ diễn tả tự do theo nghĩa tích cực nhưng nó còn biểu thị cho bản tính của con người. Thực vậy, khi bàn về những động cơ của lý tính thực hành, Kant cho rằng, khác với các sự vật vốn được sử dụng đơn thuần như một phương tiện, con người, với tư cách là một hữu thể hữu lý, lại là một cứu cánh tự thân (Zweck an sich selbst). Nhờ sự tự trị của tự do, con người là chủ thể của quy luật luân lý trong mình, chứ không làm nô lệ cho một yếu tố ngoại tại nào.[58]
Con người không thể trở thành phương tiện hay công cụ cho bất kỳ ai: người khác, bản thân và cả Thượng Đế. Kant đưa ra tuyên bố này dựa trên sự tôn kính đối với nhân tính (Menschheit).[59] Ở đây, ta lại gặp lại tâm tình tôn kính với tư cách là một tình cảm tạo nên tính liên chủ thể. Trong giới hạn của lý tính thuần tuý, ta chỉ biết tha nhân như là hiện tượng xuất hiện trước các cơ quan cảm giác, mà không thể biết và cũng không cần biết tha nhân như là vật tự thân.[60] Dầu vậy, ta vẫn tạo được mối liên hệ với họ qua niềm tin và tâm tình tôn kính cứu cánh tự thân nơi họ.[61] Điều này dẫn đến nguyên tắc thực hành: “Anh hãy hành động cách nào để đối xử với nhân tính nơi anh và nơi tha nhân như một cứu cánh chứ đừng bao giờ sử dụng nhân tính đó như một phương tiện”[62], xem mỗi người là “một cứu cánh tại thân mà tôi phải tôn kính, […] một cứu cánh mà tôi phải đứng đó để kính phục, […] một tuyệt đối đích thực.”[63]
Như thế, tự do tích cực với tính tự trị đẩy ta đến một thái độ tôn trọng quy luật thực hành và tôn trọng nhân vị của mình cũng như của người khác. Tự trị làm cho con người ý thức được rằng, mỗi khi hành động, mình vừa là người làm luật và vừa có bổn phận thi hành; đồng thời mình cũng phải cư xử với bản thân và tha nhân như những cứu cánh tự thân.[64] Tự do vừa củng cố chủ thể tính của cá nhân nhưng cũng đặt cá nhân đó trong tương quan với các chủ thể tự do khác. Đây là viễn cảnh về một Vương quốc của các cứu cánh (A realm of ends).[65]
IV. Tự do và tất định
Như Kant đã nhận định, tất định và tự do là hai khái niệm đối nghịch với nhau, một bên là tính hợp quy luật và một bên là vô quy luật.[66] Nếu tất định là đúng thì sẽ không có tự do và trách nhiệm luân lý.[67] Sự đối nghịch này gây ra một nghịch lý khi suy tưởng về tự do siêu nghiệm. Kant đã giải quyết được nghịch lý này theo trường phái Tất định “mềm” (Soft Determinism).[68] Thật vậy, Kant đặt con người vào thế lưỡng diện: con người là một hữu thể có lý trí sinh hoạt trong thiên nhiên. Mọi hành vi của con người vừa chịu sự chi phối của luật tất định của tự nhiên xét như một hữu thể trong thế giới hiện tượng, vừa tự do xét như một vật tự thân.[69]
Một mặt, thế giới của không gian – thời gian là thế giới của quy luật nhân quả. Trong đó, một điều gì được coi là thực nếu có một kinh nghiệm tương ứng tồn tại trong tự nhiên. Thế nhưng, trong thế giới tràn ngập tính nhân quả, ta không thể tìm thấy một kinh nghiệm nào về tự do, nên không thể chứng minh sự tồn tại của tự do. Tự do là khái niệm phi lý, ảo tưởng. Con người không thể sai khiến nhưng phải chấp nhận các luật tự nhiên theo ý muốn của mình, và các quy luật này được đảm bảo. Ở chừng mực nào đó, Kant đồng ý với những người theo thuyết Cơ giới, xem thế giới này là một cỗ máy hoạt động theo các quy luật tất định.[70] Điều này là không thể phủ nhận.
Mặt khác, Kant xem sự tự do lại thuộc về thế giới vật tự thân khả niệm.[71] Và vì ta không thể tri thức về vật tự thân nên ta không thể nhận biết bản chất của tự do. Tuy nhiên, ta có thể chấp nhận hữu thể khả niệm trong tương quan của chúng với thế giới khả giác. Chẳng hạn, ta không thể biết gì về bản chất linh hồn xét như hữu thể khả niệm nhưng lại biết những hành vi của linh hồn nơi thế giới khả giác; từ đó, ta có thể nhận thức về sự hiện hữu của linh hồn. Cũng vậy, ta có thể nhận biết mình tự do qua các quy luật đạo đức, qua sự chọn lựa, vốn chỉ khả hữu khi giả định có tự do. Con người không sinh hoạt một cách tất định như các sự vật vô tri hay như các loài động-thực vật, nhưng như một hữu thể tự do, tự quyết định, tự làm chủ và tự chịu trách nhiệm về mình.[72]
Như vậy, sự tự do của con người không chống lại luật tất định của vạn vật trong thiên nhiên, kể cả thân xác con người. Tự do và tất định không những không mâu thuẫn với nhau mà còn phù hợp với nhau.[73]
Trong cách phân chia của Kant, lý trí thuần tuý lý thuyết nhận biết con người như các sự vật khác chịu tác động của tất định, lý trí thực hành lại nhận biết con người như một hữu thể tự do. Tuy nhiên, không phải con người có hai lý trí mà là một lý trí duy nhất với hai chức năng: chức năng tri thức vạn vật và chức năng tri thức bản thân. Một bên là cơ sở xây dựng các khoa học, một bên là nền tảng để thiết đặt khoa siêu hình học.[74]
[1] x. Tomas Alvira, Luis Clavel và Tomas Melendo, Siêu hình học, Dg. Giuse Đỗ Ngọc Bảo (Học viện Đa Minh, 2005), tr. 139.
[2] x. Trần Thái Đỉnh, Triết học Hiện sinh (Hà Nội: Văn học, 2015), tr. 29-31.
[3] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thuần tuý, Dg. Bùi Văn Nam Sơn (Hà Nội: Văn học, 2004), tr. 452-454.
[4] Immanuel Kant, Phê phán Lý tính thực hành, Dg. Bùi Văn Nam Sơn (Hà Nội: Tri thức, 2015), tr.2.
[5] Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thuần tuý, tr. 552.
[6] x. Sđd., tr. 550-555.
[7] x. Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant (Hà Nội: Văn học, 2014), tr. 132.
[8] x. Immanuel Kant, Sđd., tr. 551-552.
[9] x. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết học và Các Luận đề, Dg. Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy (Hà Nội: Lao động, 2004), tr. 251.
[10] x. Bùi Văn Nam Sơn, “Mấy lời giới thiệu và lưu ý của người dịch” trong Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, Dg. Bùi Văn Nam Sơn (Hà Nội: Tri thức, 2015), tr. XXV.
[11] Immanuel Kant, Sđd., tr. 617.
[12] x. Sđd., tr. 606.
[13] x. Bùi Văn Nam Sơn, Sđd., tr. XXVI (Chú giải số 8).
[14] Immanuel Kant, Sđd., tr. 607.
[15] x. Sđd., tr. 618.
[16] Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 214.
[17] x. Immanuel Kant, Sđd., tr. 617.
[18] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, tr. 8.
[19] Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thuần tuý, tr. 447.
[20] Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 214. Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 72.
[21] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, Dg. Bùi Văn Nam Sơn (Hà Nội: Tri thức, 2015), tr. 8.
[22] x. Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 215.
[23] Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, tr. 1.
[24] Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thuần tuý, tr. 603-604.
[25] x. Bùi Văn Nam Sơn, Sđd., tr. XXVII.
[26] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, tr. 56.
[27] x. Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 215-216.
[28] x. Bùi Văn Nam Sơn, “Chú giải dẫn nhập 1” trong Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, Dg. Bùi Văn Nam Sơn (Hà Nội: Tri thức, 2015), tr. 29.
[29] x. P. Emonet, Sđd., tr. 147-148.
[30] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thuần tuý, tr. 603.
[31] Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, tr. 141.
[32] Sđd., tr. 39-40.
[33] Sđd., tr. 42.
[34] x. Bùi Văn Nam Sơn, “Chú giải dẫn nhập 2” trong Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, Dg. Bùi Văn Nam Sơn (Hà Nội: Tri thức, 2015), tr. 94.
[35] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, tr. 64.
[36] x. Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 217.
[37] x. Sđd., tr. 229.
[38] x. Joseph Tân Nguyễn,OFM,“Đạo đức học tổng quát”(Giáo trình, Học viện Phanxicô, 2015), tr. 96.
[39] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, tr. 40.
[40] x. Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 232.
[41] Sđd., tr. 144.
[42] Sđd., tr. 142.
[43] x. Bùi Văn Nam Sơn, “Chú giải dẫn nhập 4” trong Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, Dg. Bùi Văn Nam Sơn (Hà Nội: Tri thức, 2015), tr. 187.
[44] x. Sđd., tr. 189.
[45] x. “Tự” và “Do”, Hán – Việt Từ điển, Thiền Chửu (Tp.HCM: Tp.HCM, 2001), tr 529 và 401.
[46] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, tr. 60.
[47] cf. Paul Guyer, Kant (USA: Routledge, 2006), p. 204-205
[48] x. Bùi Văn Nam Sơn, “Chú giải dẫn nhập 2” trong Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, Dg. Bùi Văn Nam Sơn (Hà Nội: Tri thức, 2015), tr. 98.
[49] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, tr. 69-71.
[50] x. Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 237-242.
[51] x. Sđd., tr. 235.
[52] x. P. Emonet, Sđd., tr. 160.
[53] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, tr. 80-81.
[54] x. Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 236.
[55] cf. Allison, “Kant on Freedom of the Will,” The Cambridge Companion to Kant and Modern Philosophy, Ed. Paul Guyer (USA: Cambridge, 2007), p.391.
[56] x. Bùi Văn Nam Sơn, Sđd., tr. 97.
[57] x. Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 251.
[58] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, tr. 160.
[59] x. Sđd., tr. 231.
[60] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thuần tuý, tr. 404-405.
[61] cf. Paul Guyer, Ibid., p. 242-243.
[62] Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 247.
[63] Alquié, La morale de Kant (Centre de documentation universitaire, 1996), p. 67 được trích trong Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 251.
[64] x. Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 257
[65] cf. Paul Guyer, Ibid., p. 204.
[66] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thuần tuý, tr. 552.
[67] cf. “Determinism,” The Blackwell Dictionary of Western Philosophy, Ed. Nicholas Bunnin and Jiyuan Yu (USA: Blackwell Publishing, 2004), p. 177.
[68] cf. “Soft and hard determinism,” Ibid., p. 178.
[69] x. Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 72.
[70] x. S.E. Frost, Sđd., tr. 192.
[71] x. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thực hành, tr. 169.
[72] x. Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr. 72-75.
[73] x. Sđd., tr. 272-273.
[74] x. Sđd., tr. 271-272.