Tự Do Tôn Giáo – Quyền Căn Bản Của Mỗi Con Người

0
1294


Đinh Quang Bàn

 

“Chính trong tự do tôn giáo có biểu lộ đặc tínhcủa con người, nhờ tự do ấy con người có thể xếp đặt đời sống bản thân và xã hội của mình theo Thiên Chúa: dưới ánh sáng của Chúa, con người hiểu được trọn vẹn căn tính, ý nghĩa và cùng đích của mình. Phủ nhận hoặc giới hạn tự do tôn giáo một cách độc đoán có nghĩa là nuôi dưỡng một quan niệm hẹp hòi về con người, làm lu mờ vai trò công cộng của tôn giáo có nghĩa là tạo nên một xã hội bất công, vì không hợp với bản chất đích thực của con người; điều này có nghĩa là làm cho sự khẳng định một nền hòa bình chân chính và lâu bền của toàn thể nhân loại trở thành điều không thể thực hiện được.

Vì vậy, tôi nhắn nhủ những người nam nữ thiện chí hãy canh tân quyết tâm xây dựng một thế giới trong đó tất cả mọi người đều được tự do tuyên xưng tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình và sống tình yêu của mình đối với Thiên Chúa một cách hết lòng, hết linh hồn và tâm trí (xc. Mt 22,37)” (Đức Giáo hoàng Bênêđictô, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2011).

Hội thánh Công giáo tổng hợp suy tư của mình về tự do tôn giáo trong Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo của Công đồng Vatican II, Dignitatis Humanae, ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1965 (“Tuyên ngôn”).

Trước đó, trong Thông điệp Pacem in Terris ngày 11 tháng 4 năm 1963, đức Giáo hoàng Gioan XXIII long trọng tuyên bố mọi người có “quyền thờ phượng Thiên Chúa theo tiếng nói ngay chính của lương tâm mình”.

Là văn kiện cuối cùng của Công đồng Vatican II (họp tại Roma từ 1962-1965) và được đức Giáo hoàng Phaolô VI ký ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1965, Tuyên ngôn khẳng định tự do tôn giáo là quyền của mọi người. Giáo huấn này đánh dấu một sự thay đổi lớn so với lập trường trước đó của Hội thánh là người không Công giáo không có quyền thờ phượng bởi vì “sai lầm không có quyền”.

I. BỐ CỤC TUYÊN NGÔN

Văn kiện này rất ngắn, gồm phần mở đầu và hai chương, tổng cộng 15 số. Tuy nhiên, tên gọi đầy đủ thì khá dài: Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo Dignitatis Humanae về Quyền Tự do Xã hội và Dân sự của Cá nhân và Cộng đồng trong các Vấn đề Tôn giáo.

– Phần mở đầu khẳng định quyền tự do tôn giáo được đặt cơ sở trên phẩm giá của nhân vị (1).

– Chương 1 xác định “nguyên tắc tổng quát về tự do tôn giáo” (2-8).

– Chương 2 xem xét “tự do tôn giáo dưới ánh sáng mạc khải” (9-15).

Cha Pietro Pavan, đồng tác giả Tuyên ngôn, xác định các “yếu tố chính” của văn kiện như sau:

1. Mọi nhân vị đều có quyền tự do tôn giáo.

2. Quyền này có đối tượng hoặc nội dung là sự đặc miễn mọi cưỡng bách khỏi các bàn tay cá nhân, đoàn thể hoặc công quyền.

3. Sự đặc miễn được hiểu theo hai nghĩa:

a. không ai bị buộc phải hành động trái lương tâm trong những vấn đề tôn giáo;

b. không ai bị hạn chế cũng trong chính các vấn đề tôn giáo.

4. Quyền tự do tôn giáo có nền tảng trong phẩm giá của nhân vị.

5. Quyền này đòi hỏi sự công nhận và phê duyệt trong luật hiến pháp.

II. NỘI DUNG CHÍNH CỦA TUYÊN NGÔN

Tuyên ngôn khẳng định tự do tôn giáo là một quyền căn bản của con người.

1. Tự do tôn giáo, một quyền căn bản

Tự do tôn giáo, trước hết là quyền của mỗi cá nhân.

Tự do của mọi cá nhân

Mọi người đều có quyền tự do tôn giáo, một quyền có nền tảng ở trong chính phẩm giá của con người.

“Công Ðồng Vatican này tuyên bố con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này nghĩa là con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách của cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng.

Hơn nữa, Công Ðồng còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên phẩm giá con người, một phẩm giá đúng như lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết được. Quyền tự do tôn giáo của con người trong cơ cấu pháp lý của xã hội phải được chấp nhận là một quyền lợi dân sự” (2).

Mọi người phải được tự do tìm kiếm chân lý không bị ép buộc. Ngoài ra, Công Ðồng còn đề cập chủ thể xã hội được hưởng quyền tự do này còn là những tập thể tôn giáo.

Tự do của cộng đoàn tôn giáo

Tuyên ngôn lập luận: “Quyền tự do hay quyền đặc miễn khỏi mọi cưỡng bách trong lãnh vực tôn giáo được nhìn nhận cho mỗi cá nhân, thì cũng phải được chấp nhận trong khi họ hành động chung với nhau vì bản tính xã hội của con người cũng như bản chất của tôn giáo đều đòi phải có những cộng đoàn tôn giáo” (4).

Cũng trong đoạn 4, Tuyên ngôn khẳng định cộng đoàn tôn giáo:

– được tự do để hoạt động theo những quy luật riêng, công khai phụng thờ Ðấng Tối Cao giúp đỡ các tín hữu trong việc thực thi đời sống tôn giáo, nuôi dưỡng họ bằng giáo lý, phát triển các tu hội, trong đó các phần tử cộng tác với nhau để tổ chức đời sống riêng theo những nguyên tắc tôn giáo của họ;

– có quyền đòi các cơ quan lập pháp, hành pháp dân sự không có quyền ngăn cản việc chọn lựa, đào tạo, bổ nhiệm và thuyên chuyển các viên chức riêng của mình, việc liên lạc với giáo quyền và những cộng đoàn tôn giáo ở những nơi khác trên hoàn cầu, việc thiết lập các cơ sở tôn giáo cũng như thu hoạch và quản trị những tài sản thích hợp; và

– có quyền công khai giảng dạy và minh chứng đức tin của mình bằng lời nói và bằng chữ viết mà không bị cấm cản”.

Các gia đình cũng là những chủ thể xã hội hưởng quyền này.

Tự do tôn giáo của gia đình

Tuyên ngôn nêu rõ rất cụ thể về quyền này:

“Mỗi gia đình, với tư cách là xã hội được hưởng quyền lợi riêng biệt và tiên quyết, có quyền tự do tổ chức đời sống tôn giáo trong gia đình mình, dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Cha mẹ cũng có quyền ấn định việc giáo dục cho con cái theo tôn giáo mình tin tưởng. Vì thế, quyền bính dân sự phải chấp nhận quyền tự do thực sự của cha mẹ trong việc lựa chọn trường học và những phương tiện giáo dục khác, và không có quyền vì lẽ được tự do lựa chọn mà bắt họ phải chịu đựng những gánh nặng bất công dù trực tiếp hay gián tiếp. Ngoài ra, quyền lợi của cha mẹ sẽ bị xâm phạm, nếu con cái họ bị cưỡng bách theo học những môn học không đáp ứng với niềm xác tín về tôn giáo của họ, hay bắt phải theo một lề lối giáo dục duy nhất hoàn toàn loại bỏ việc giáo dục tôn giáo” (5).

2. Trách nhiệm của Nhà nước

Chính phủ phải bảo vệ các quyền và sự bình đẳng của tất cả công dân. Điều này nằm trong vai trò chính yếu của Nhà nước là phục vụ công ích và thăng tiến các quyền con người. Sẽ là một sai phạm và xâm hại đến tự do tôn giáo khi chính phủ cưỡng bách hay áp đặt việc tuyên xưng hay loại trừ bất kỳ tôn giáo nào.

“Nhiệm vụ thiết yếu của quyền bính dân sự là bảo vệ và phát huy những quyền lợi bất khả xâm phạm của con người. Do đó, quyền bính dân sự phải bảo vệ cách hữu hiệu quyền tự do tôn giáo của mọi công dân bằng những đạo luật chính đáng và những phương tiện thích hợp khác, phải tạo nên những điều kiện thuận lợi giúp phát triển đời sống tôn giáo. Nhờ đó, các công dân có thể thực sự hưởng dụng những quyền lợi và chu toàn những nhiệm vụ đối với tôn giáo, đồng thời xã hội sẽ được hưởng nhờ những lợi ích của công lý và hòa bình, phát sinh do lòng trung thành con người đối với Thiên Chúa và thánh ý Ngài.

Ðối với những dân tộc, vì hoàn cảnh riêng, mà đặc biệt chỉ chấp nhận một cộng đoàn tôn giáo nào đó theo thể chế pháp lý của quốc gia, thì đồng thời cũng phải nhìn nhận và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng đối với tất cả các công dân và cộng đoàn tôn giáo.

Sau hết, quyền bính dân sự phải lo liệu sao cho quyền được bình đẳng trên phương diện pháp lý của các công dân, là quyền liên quan đến công ích xã hội, không bao giờ bị xâm phạm dù cách công khai hay kín đáo vì những lý do tôn giáo, cũng như phải tránh mọi sự chia rẽ giữa các công dân.

Do đó, công quyền không được phép dùng bạo lực, đe dọa hay những phương tiện khác để bắt buộc người dân phải tuyên xưng hay chối bỏ một tôn giáo nào, hoặc ngăn cản không cho họ gia nhập hay rời bỏ một cộng đoàn tôn giáo” (6).

3. Tự do tôn giáo và đức tin Kitô giáo

Tuyên ngôn nói tự do tôn giáo tuy có nền tảng trong phẩm giá con người, nhưng nguồn gốc sâu xa ở trong mạc khải của Thiên Chúa. Do đó, các Kitô hữu lại càng có lý do để tôn trọng tự do tôn giáo.

“Trung thành với chân lý Phúc Âm, Giáo Hội noi theo con đường của Chúa Kitô và của các Tông Ðồ, khi nhìn nhận và bênh vực quan điểm tự do tôn giáo như một quan điểm phù hợp với phẩm giá con người và những gì Thiên Chúa đã mạc khải. Qua dòng thời gian, Giáo Hội vẫn duy trì và truyền dạy giáo thuyết đã nhận lãnh nơi Thầy Chí Thánh và các Tông Ðồ. Mặc dầu đời sống của Dân Thiên Chúa, trải qua những cuộc thăng trầm của lịch sử nhân loại lữ thứ, một đôi khi cũng có những phương cách hành động ít thích hợp, hay hơn nữa trái với tinh thần Phúc Âm, tuy nhiên giáo lý Giáo Hội luôn dạy rằng không ai cưỡng ép phải tin” (12).

Giáo hội khẳng định về việc hành xử quyền tự do tôn giáo của mình:  “Trong số những điều có liên quan đến lợi ích của Giáo Hội, và ngay cả đến lợi ích của xã hội trần thế, những điều cần phải được tôn trọng mọi nơi và mọi đời cũng như phải được bảo vệ khỏi mọi bất công, thì chắc chắn điều quan trọng nhất là Giáo Hội phải được toàn quyền tự do hành động tương xứng với việc đem ơn cứu rỗi cho mọi người” (13).

KẾT LUẬN

Là văn kiện duy nhất trong số 16 văn kiện Công đồng ngỏ lời với thế giới (15 văn kiện kia chỉ bàn về những vấn đề trong Hội Thánh) một đề tài thế tục hết sức nóng bỏng cũng như rất được sự quan tâm các các giới tôn giáo, Tuyên ngôn xác quyết lập trường của Giáo hội là ủng hộ và bảo vệ tự do tôn giáo. Tuyên ngôn ra đời trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh, giữa lúc những người theo chủ thuyết vô thần đang tìm cách loại bỏ tự do tôn giáo ra khỏi hành tinh này. Để đáp lại, các giám mục đã lên tiếng: “Công quyền sẽ đi ngược với ý định của Thiên Chúa và những quyền lợi thiêng liêng của cá nhân cũng như của gia đình các dân tộc, nếu dùng bạo lực dưới bất cứ hình thức nào để tiêu diệt hay cấm đoán một tôn giáo trong toàn thể nhân loại, trong một miền hay một nhóm người nào đó” (6).

Tuyên ngôn là văn kiện cuối cùng được ban hành, nhưng cũng là văn kiện gây tranh cãi nhiều nhất. Các nghị phụ đã biểu quyết với kết quả 2.308 phiếu thuận và 70 phiếu chống. Trong số 70 phiếu chống, có phiếu của Tổng giám mục Marcel-François Lefèbvre, nghị phụ tham gia cả bốn khóa Công đồng.