Tử Đạo Thư

0
1367

Tử-đạo-thư trong tiếng Việt được dịch sát từ danh từ Martyrologium trong tiếng Latinh (được chuyển dịch sang tiếng Anh là martyrology, tiếng Pháp là martyrologe). Nếu xét theo tầm nguyên, thì martyrologium chỉ có nghĩa là “lời bàn” hoặc “danh mục” về các vị tử đạo. Tuy nhiên với sự tiến triển qua dòng thời gian, nó đã trở thành một “sách phụng vụ” ghi nhớ tất cả các vị thánh – tử đạo cũng như không tử đạo – được xếp theo việc kính nhớ nhân “ngày sinh về trời”. Chúng ta hãy ôn lại vắn tắt nguồn gốc hình thành và sự tiến triển của quyển sách này.

A/ Nguồn gốc

Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tín hữu quen tụ họp  bên cạnh mồ của các vị tử đạo vào dịp giáp năm ngày bị sát hại (được coi như là “ngày sinh về trời”: dies natalis) để cử hành Thánh lễ. Vào dịp này, đức giám mục sở tại thường có một bài giảng ca ngợi vị tử đạo. Người ta cũng đọc lại biên bản của vụ án (Acta martyrum) hoặc tường thuật cuộc “thụ nạn” (passiones) của vị ấy; nếu có, các tín hữu cũng thêm phần tường thuật các phép lạ xảy ra từ khi vị thánh bị sát hại.

Việc tôn kính các thánh dần dần vượt ra ngoài biên cương của giáo hội địa phương, thường là do các phép lạ xảy ra quanh các di tích của các ngài. Điều này thu hút các người hành hương cũng như việc phân phát các thánh tích. Thật là dễ hiểu nếu các giáo hội khác cũng thu thập hạnh tích của các thánh tử đạo. Đó là nguồn gốc của các Tử-đạo-thư (martyrologium), nhờ sự trao đổi rộng rãi giữa các giáo hội địa phương. Kế đó, nội dung các sách này được mở rộng, bao gồm cả các giám mục, linh mục, đan sĩ, trinh nữ, giáo dân, nói chung là những người “tuyên xưng đức tin” (confessores fidei) được mừng kính vào “ngày sinh về trời” (dies natalis). Lối hành văn không thống nhất; có khi chỉ nhắc đến tên tuổi và nơi qua đời, có khi thêm đôi hàng tiểu sử.

B/ Martyrologium Romanum

Những cuốn Tử-đạo-thư mang tầm mức “siêu giáo phận” đã xuất hiện từ thời các giáo phụ, trong số đó nổi tiếng hơn cả là Martyrologium Hieronymianum được gán cho thánh Hiêronimô, tổng hợp các nguồn khác nhau của Rôma, Phi châu và Syria. Bên Đông phương, tác phẩm tương tự mang tên là Menologion.

Thời Trung cổ đã chứng kiến sự ra đời của nhiều Tử-đạo-thư. Tòa Thánh cũng mong có một Tử đạo thư mang tính phổ quát cho toàn thể Giáo hội. Ý định này được thực hiện với việc xuất bản quyển Martyrologium Romanum lần đầu tiên vào năm 1583 dưới thời ĐTC Grêgôriô XIII trong kế hoạch cải tổ phụng vụ dựa theo chỉ thị của công đồng Trentô. Kể từ đó, tác phẩm được bổ sung và tái bản nhiều lần, đặc biệt vào năm 1630 (ĐTC Urbanô VIII), 1748 (ĐTC Bênêđictô XIV). Ấn bản này trở thành tiêu chuẩn, và căn bản vẫn được duy trì trong những lần bổ sung trong thế kỷ XX (ĐTC Piô X năm 1913, Bênêđictô XV năm 1924, Piô XI năm 1928, Piô XII năm 1948 và 1956). Công đồng Vaticanô II  ước mong duyệt lại Tử-đạo-thư, dựa trên những cơ sở lịch sử (Hiến chế về phụng vụ số 63). Ý nguyện này mãi đến năm 2001 mới được hoàn tất, và được tái bản vào năm 2005 (được bổ sung với danh sách các vị thánh mới được tôn phong dưới thời Đức Gioan Phaolô II)[1]. Nội dung bao gồm khoảng 7.000 vị thánh và chân phước (chính xác là 6.538 vị) đã được Giáo hội nhìn nhận và tôn kính.

C/ Cách sử dụng

1/ Trước Công đồng Vaticanô II, Tử-đạo-thư là cuốn sách phụng vụ được sử dụng tại các cộng đoàn đan sĩ và tu sĩ: mỗi ngày vào giờ Kinh Giờ Nhất (Hora Prima: 6 giờ sáng), đọc đoạn văn liên quan đến lễ kính các thánh của ngày hôm sau. Công đồng Vaticanô II đã bãi bỏ Kinh Giờ Nhất, cho nên việc đọc Tử-đạo-thư cũng chịu chung số phận. Sách Tử-đạo-thư năm 2001 không mang tính cách bắt buộc, và đề nghị có thể đọc vào những buổi cử hành khác nhau trong ngày.

– Giờ Kinh Sáng: sau lời nguyện, trước khi ban phép lành kết thúc (nên biết là đọc vị thánh sẽ được kính ngày hôm sau).

– Giờ Kinh Trưa. Tương tự như vậy, sau lời nguyện, trước khi kết thúc.

– Ngoài Giờ Kinh Phụng vụ. Đọc “lời rao”, tiếp theo là đoạn Sách thánh, và kết thúc với lời nguyện.

2/ Mỗi ngày có bài “rao” các vị thánh được kính, kèm theo đôi lời nhắc nhớ tiểu sử. Thí dụ ngày 24 tháng 11:

Kính nhớ thánh Anrê Dũng Lạc linh mục và các bạn tử đạo. Trong một ngày lễ duy nhất, chúng ta tôn kính 117 vị tử đạo thuộc nhiều vùng khắp nước Việt Nam, trong đó có 8 giám mục, rất nhiều linh mục, và một số đông giáo dân nam nữ, thuộc nhiều lứa tuổi. Họ đã cam chịu lưu đày, tù ngục, tra tấn và chịu chết chứ không chịu xúc phạm đến thập giá và từ bỏ đức tin Kitô giáo.

Ở chú thích cuối trang, danh tính 117 vị tử đạo được kính nhớ. Nên lưu ý là ngày 24 tháng 11 ghi nhớ tất cả là 13 danh sách, trong đó số 11 nhắc đến: “Tại Đồng Hới, Việt Nam, các thánh tử đạo Pierre Dumoulin-Borie, giám mục thuộc MEP, hai linh mục Phêrô Võ Đăng Khoa và Vinh-sơn Nguyễn Thế Điểm, một người bị xử trảm, một người bị xử giảo, theo lệnh vua Minh Mạng. Như vậy, có những người được nhắc đến hai lần (như phần lớn các thánh tử đạo Việt Nam): một lần vào ngày lễ kính phụng vụ (24 tháng11) và một lần vào “ngày sinh về trời”. Ở cuối sách, có mục lục danh tính. Đối với các thánh Việt Nam, có người được xếp theo tên thánh (thí dụ: Anrê Phú Yên 22-7-1644; Anrê Nguyễn Kim Thông 15-7-1855; Anrê Trần Văn Trông 28-11-1835; Anrê Tường 16-6-1862, theo vần A) ; có người được xếp theo họ người Việt (thí dụ Tạ Đức Thịnh 8-11-1840; Trần Văn Thiện Tôma 21-9-1838; Trần Văn Trông Anrê 28-11-1835; Trần Văn Trung Phanxicô 6-10-1858; Trương Văn Đường Phêrô 18-12-1830; Trương Văn Đường Phêrô 21-12-1839; vần T) ; tuy nhiên cũng ở vần T ta đọc thấy những vị được xếp theo tên riêng là Tuân Giuse 7-1-1862; Tuấn Giuse 30-4-1861;Túc Giuse 1-6-1862; Tước Đaminh 2-4-1839; Tường Anrê 16-6-1862; Tường Vinh-sơn 16-1862), và tên thánh (Tôma Đinh Viết Dụ 28-11-1839; Tôma Nguyễn Văn Đệ 19-12-1838.

[1] ĐTC Gioan Phaolô II đã tôn phong 1338 chân phước và 482 hiển thánh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here