Trình bày lòng thương xót của Thiên Chúa: huấn giáo

0
2155

Lm Pr Nguyễn Văn Hiền

Dẫn nhập

Trong Tông Chiếu ấn định Năm Thánh Ngoại Thường Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Giáo Hội biết rằng, trong một thời đại vừa chất chứa những niềm hy vọng to lớn vừa có đầy những mâu thuẫn nghiêm trọng, nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội là dẫn đưa tất cả mọi người đi vào mầu nhiệm cao cả của Lòng Thiên Chúa Xót Thương, bằng cách chiêm ngưỡng dung mạo của Đức Kitô. Giáo Hội được mời gọi trước tiên trở nên chứng nhân đáng tin cậy của lòng thương xót, bằng cách tuyên xưng và sống lòng thương xót như là chủ điểm trong mạc khải của Chúa Giêsu Kitô”[1]. Là một hoạt động của Giáo Hội, huấn giáo sẽ làm gì và làm thế nào để giúp Giáo Hội hoàn thành nhiệm vụ này.

Với chức năng và nhiệm vụ của mình[2], huấn giáo trước hết phải giúp cho các tín hữu thấu hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, đặc biệt là chiêm ngưỡng Đức Kitô, dung mạo của lòng thương xót; kế đến, giúp họ đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc gặp gỡ và hiệp thông với Đức Kitô trong việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Giao Hòa; nhờ đó, họ được lớn lên trong Đức Kitô nhờ tăng trưởng trong đức ái, nghĩa là được biến đổi trong Đức Kitô nhờ thực thi lòng thương xót; cuối cùng, họ tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội bằng cách tham gia vào việc cử hành Năm Thánh và trở nên thừa tác viên hay thừa sai của lòng thương xót, những người được sai đi để phục vụ cho lòng thương xót.

Thiết nghĩ huấn giáo có thể dùng những gì Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trình bày trong Tông Chiếu “Dung Mạo Lòng Thương Xót” để trình bày lòng thương xót của Thiên Chúa cho các tín hữu trong Năm Thánh này. 

Huấn giáo giúp cho các tín hữu thấu hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa 

Huấn giáo được hiểu như là hoạt động của Giáo Hội làm cho Lời Chúa âm vang trong tâm hồn của các tín hữu hay làm cho Chúa Giêsu được trở nên sống động trong tâm hồn và cuộc sống của họ. Tông Chiếu cho thấy Lời Chúa cần phải được âm vang trong lòng của các tín hữu chính là “lòng thương xót của Thiên Chúa” và Chúa Giêsu phải lớn lên trong tâm hồn và cuộc sống của họ chính là “dung mạo của lòng thương xót”.

Vì thế, Tông Chiếu “Dung mạo lòng thương xót”, đã vận dụng Lời Chúa, đặc biệt các Thánh vịnh trong Cựu Ước và các Dụ ngôn trong Tin Mừng, để diễn tả không chỉ khái niệm mà còn dung mạo của lòng thương xót của Thiên Chúa. Theo Thánh Tô-ma A-qui-nô, lòng thương xót của Thiên Chúa, là dấu chỉ sự toàn năng của Ngài chứ không phải là một dấu chỉ của sự yếu đuối. Thiên Chúa tỏ quyền năng tối thượng của Ngài qua việc thực thi lòng thương xót. Trong suốt lịch sử của nhân loại, Thiên Chúa luôn là Ðấng hiện diện, gần gũi, quan phòng và thương xót[3].

Trong Tông Chiếu, Đức Thánh Cha đã dùng các thánh vịnh 103, 145, và 147 để mô tả lòng thương xót của Thiên Chúa. Đối với các tác giả Thánh vịnh, “lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, qua đó, Ngài mạc khải tình yêu của Ngài như của một người cha hay một người mẹ, rung động đến tận những sâu thẳm của tình yêu dành cho con cái mình” [4]. Thánh vịnh 136 cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa tồn tại đến muôn đời, vì “không chỉ trong lịch sử, nhưng cho đến muôn đời, con người sẽ luôn luôn ở dưới cái nhìn thương xót của Chúa Cha”[5].

Thế rồi lòng thương xót của Thiên Chúa đã trở nên sống động và hữu hình nơi Ðức Giêsu thành Na-da-rét, và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài. Ðức Giêsu chính là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha[6]. Qua lời nói và hành động cũng như toàn bộ con người, Ngài đã bày tỏ cách sống động lòng thương xót của Thiên Chúa đến độ chúng ta có thể chiêm ngưỡng và chạm đến tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo Đức Thánh Cha, “các mối quan hệ Ðức Giêsu hình thành với những người tiếp cận Ngài thể hiện một điều gì đó hoàn toàn độc đáo và không thể lặp lại được. Các dấu chỉ Ngài thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh, và những người đau khổ, tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi thứ nơi Ngài nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Ngài thiếu vắng lòng từ bi … Ngài đọc được trái tim của những người Ngài gặp gỡ và đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của họ”[7]. Ngài chạnh lòng thương xót đám đông dân chúng bơ vơ không người chăn dắt, bà góa thành Na-im, người bị thần ô uế ám tại miền quê Ghê-ra-sa, ông Mát-thêu – viên sĩ quan thu thuế vv…

Qua các dụ ngôn về lòng thương xót như ba dụ ngôn “con chiên lạc, đồng tiền bị mất, và người cha có hai người con trai” trong Tin Mừng Lu-ca 15, 1-32, Đức Giêsu diễn tả “Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót … Thiên Chúa tràn đầy niềm vui khi tha thứ”[8]. Dụ ngôn người “đầy tớ tàn nhẫn”, được chủ tha nợ nhưng sau đó đã không tha nợ cho bạn mà còn ném y vào tù, chất chứa một giáo lý sâu sắc: “Lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nhưng còn trở thành tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài”[9].

Tông Chiếu còn làm sáng tỏ khái niệm lòng thương xót trong quan hệ của nó với công lý. Lòng thương xót và công lý “không phải là hai thực tại mâu thuẫn, nhưng là hai chiều kích của một thực tại duy nhất mở ra dần dần cho đến khi đạt đến đỉnh điểm trong sự viên mãn của tình yêu. Công lý là một khái niệm cơ bản cho xã hội dân sự, có nghĩa là được chi phối bởi quy tắc pháp luật … Trong Kinh Thánh, có rất nhiều tham chiếu về công lý của Thiên Chúa và về Thiên Chúa như một vị “thẩm phán”… Một tầm nhìn như vậy, [làm cho] ý nghĩa ban đầu của công lý bị bóp méo và những giá trị sâu sắc của công lý bị làm lu mờ. Ðể khắc phục những quan điểm mang tính pháp lý này, chúng ta cần phải nhớ lại rằng trong Thánh Kinh, công lý được hiểu một cách cơ bản là sự thành tâm phục tùng thánh ý Chúa”[10].

Về phần mình, Đức Giêsu luôn nhấn mạnh đến đức tin hơn là việc tuân giữ lề luật, lòng nhân từ hơn là của lễ. Ngài đến trong trần gian để tìm kiếm, tha thứ và cứu độ người tội lỗi. Nói cách khác, Ngài đến để mang cho họ những ân sủng tuyệt vời của lòng thương xót.  Còn những người Pharisêu và các thầy thông luật, khi cố gắng trung thành với lề luật, chỉ chất gánh nặng trên vai của những người khác và hạ thấp lòng thương xót của Chúa Cha. Đức Giêsu đi xa hơn lề luật khi đồng hành với những người bị lề luật xem là những kẻ tội lỗi. Thánh Phao-lô cũng coi đức tin trọng hơn lề luật: “Chúng ta được nên công chính là nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy” (Gl 2,16). Thánh nhân đặt đức tin lên hàng đầu, chứ không phải công lý. Đối với ngài, công lý của Thiên Chúa chính là sức mạnh giải thoát những ai bị nô lệ cho tội lỗi và mang lấy những hậu quả của nó[11].

Như thế, “lòng thương xót không mâu thuẫn với công lý nhưng vượt trên công lý… Nếu Thiên Chúa tự giới hạn mình trong công lý, Ngài sẽ không còn là Thiên Chúa … Thiên Chúa đi xa hơn công lý với lòng thương xót và tha thứ của Ngài. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là công lý bị hạ thấp giá trị hay bị xem là thừa thãi. Trái lại, bất cứ ai làm ra một sai lầm thì phải trả giá. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu của hoán cải, không phải là chung cục của nó, vì ta bắt đầu cảm thấy sự dịu dàng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phủ nhận công lý. Thay vào đó, Ngài bao bọc nó và vượt qua nó với một biến cố lớn hơn, trong đó, chúng ta cảm nghiệm tình yêu như là nền tảng của công lý đích thực … Công lý của Thiên Chúa là tình thương của Ngài ban cho tất cả mọi người như một ân sủng tuôn tràn từ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Như thế, Thánh Giá của Ðức Kitô là phán định của Thiên Chúa trên tất cả chúng ta và trên toàn thế giới, vì qua đó Ngài đã ban cho chúng ta sự chắc chắn của tình yêu và cuộc sống mới.”[12].

Tóm lại, nhiệm vụ đầu tiên của huấn giáo là giúp cho các tín hữu hiểu rằng “lòng thương xót là lời mạc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, là hành động cuối cùng và tối thượng qua đó Thiên Chúa đến gặp chúng ta, là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi con người đang nhìn chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời, và là cầu nối liên kết giữa Thiên Chúa và con người, trong khi mở lòng chúng ta ra cho một niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, bất chấp tội lỗi ngập tràn của chúng ta”[13]. 

Huấn giáo giúp cho các tín hữu đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa 

Huấn giáo không chỉ giúp cho các tín hữu hiểu mà còn dẫn họ vào mầu nhiệm, đúng hơn, để chính mầu nhiệm hướng dẫn đời sống của họ. Cụ thể, huấn giáo phải dẫn các tín hữu đến sự hiệp thông với Đức Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội qua việc “cầu nguyện bằng chính những tâm tình Ngài đã bày tỏ khi thân thưa với Chúa Cha” cũng như qua việc “cử hành sự diện diện cứu độ của Ngài trong các bí tích”[14].

Để dẫn các tín hữu vào mầu nhiệm Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta “liên tục chiêm ngắm mầu nhiệm của lòng thương xót”[15], bằng cách “dán mắt vào Chúa Giêsu và ánh mắt xót thương của Ngài”; bằng cách này, chúng ta “cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh”[16] và “có thể trở thành một dấu chỉ thuyết phục hơn cho tác động của Chúa Cha trong cuộc sống”[17]. Ðể được như vậy, chúng ta phải đặt mình trong việc lắng nghe Lời Chúa, khám phá lại giá trị của sự im lặng để có thể suy gẫm Lời Chúa; nhờ đó, chúng ta “có thể chiêm ngưỡng lòng thương xót của Thiên Chúa và chấp nhận điều đó như lối sống của chúng ta”[18].

Trong Tông Chiếu, không thiếu những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha dâng lên Thiên Chúa: “Xin Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt từng bước đi của các tín hữu trong việc cộng tác vào công trình cứu độ do Chúa Kitô thực hiện, luôn hướng dẫn và giúp đoàn Dân Chúa chiêm ngưỡng dung mạo của lòng thương xót”[19]; những lời cầu nguyện dâng lên Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót: “Chúng ta hãy hướng về Mẹ trong lời kinh ‘Lạy Nữ Vương’ (Salve Regina) … để Mẹ không mệt mỏi ghé mắt xót thương nhìn đến chúng ta và làm cho chúng ta xứng đáng để chiêm ngưỡng khuôn mặt của lòng thương xót, là Chúa Giêsu Con Mẹ”[20]; những lời cầu nguyện dâng lên các Thánh và những Chân Phước đã dâng hiến đời mình rao truyền lòng thương xót Chúa, đặc biệt vị tông đồ vĩ đại của lòng thương xót Chúa là Thánh Faustina Kowalska: “Xin thánh nữ, là người đã được mời gọi để bước vào những chiều sâu thẳm của lòng thương xót Chúa, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta và nài xin cho chúng ta ân sủng để sống và tiến bước luôn luôn theo lòng thương xót của Thiên Chúa và với một niềm tin vững chắc vào tình yêu của Ngài[21]. Những lời cầu nguyện này giúp cho việc trình bày lòng thương xót được thực hiện trong bầu khí cầu nguyện, một bầu khí cần thiết để giúp cho các tín hữu đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Trong Tông Chiếu, Đức Thánh Cha không chỉ công bố Năm Thánh mà còn đặt Năm thánh trong khung cảnh phụng vụ. Năm thánh được khai mạc với phụng vụ Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội nhắc lại việc Thiên Chúa đáp lại tội lỗi của Ađam và Eva bằng việc chọn Ðức Maria làm Mẹ của Ðấng Cứu Chuộc loài người; rõ ràng lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn bất cứ tội lỗi nào và không ai có thể đặt ra những giới hạn cho tình yêu của Thiên Chúa, Ðấng luôn sẵn sàng tha thứ. Năm Thánh sẽ bế mạc với phụng vụ Lễ Chúa Kitô Vua trong tâm tình phó thác đời sống của Giáo Hội, của nhân loại và của toàn bộ vũ trụ cho quyền Chủ Tể của Chúa Kitô; xin Ngài tuôn đổ lòng thương xót trên chúng ta như sương mai, để mọi người có thể làm việc cùng nhau hầu xây dựng một tương lai tươi sáng hơn[22]. Phụng vụ Mùa Chay trong Năm Thánh cũng là một “thời điểm thuận tiện để cử hành và trải nghiệm lòng thương xót Chúa”[23]. Đặc biệt, sáng kiến “24 giờ cho Chúa,” cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, là cơ hội giúp các tín hữu khám phá con đường trở về với Chúa và tìm lại bình an đích thực cho tâm hồn qua Bí tích Hòa Giải.

Đức Thánh Cha còn dẫn các tín hữu vào mầu nhiệm của lòng thương xót bằng cách sử dụng việc đạo đức truyền thống; đó là hành hương, hành hương đến Cửa Thánh để lãnh ân xá. Hành hương đến Cửa Thánh, theo Đức Thánh Cha, là hành trình vượt qua từ tình trạng “đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng lên án để khỏi bị lên án” sang tình trạng “tha thứ để được tha thứ, cho đi sẽ được Thiên Chúa cho lại” (x. Lc 6,37). Hành trình này cho thấy lòng thương xót cũng là một mục tiêu cần vươn tới và đòi hỏi sự dâng hiến và hy sinh; nó có thể trở thành động lực cho hoán cải: “vượt qua ngưỡng cửa của Cửa Thánh, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và hiến mình cho lòng thương xót tha nhân như Chúa Cha đã thương xót chúng ta”[24]. Còn ân xá thì được hiểu như là sự xá miễn của Chúa Cha, qua Giáo Hội, vươn đến các tội nhân được tha thứ và giải phóng họ khỏi mọi ảnh hưởng tiêu cực của tội lỗi trong cách suy nghĩ và hành động; nhờ đó, họ có thể hành động với lòng bác ái và lớn lên trong tình yêu, hơn là rơi trở lại vòng tội lỗi[25].

Huấn giáo giúp cho các tín hữu được biến đổi trong Đức Kitô nhờ thực thi lòng thương xót

Việc hoán cải hay trở lại với Đức Giêsu bao hàm việc bước theo Ngài. Vì thế, huấn giáo phải truyền đạt cho các tín hữu những thái độ sống của Đức Giêsu, đồng thời giúp họ bước theo một lộ trình biến đổi nội tâm nhờ tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, bằng cách vượt qua từ con người cũ tới con người mới trong Đức Giêsu[26].

Trên nguyên tắc, lòng thương xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội và không thể thiếu vắng trong lời rao giảng cũng như chứng tá của cộng đoàn. Thiếu lòng thương xót, Giáo Hội không còn khả tín và đời sống Giáo Hội sẽ trở nên cằn cỗi. Thế nhưng, trong thực tế, Giáo Hội dường như lãng quên việc sống và làm chứng về lòng thương xót, vì tập trung quá nhiều vào công lý và vì tác động của nền văn hóa không mấy quan tâm đến việc thực thi lòng thương xót. Vì thế, Giáo Hội cần phải đi xa hơn, cố gắng vươn đến một mục tiêu cao hơn và quan trọng hơn; đó là thực thi lòng thương xót và loan báo sự tha thứ [27]. Ngôn ngữ và hành động của Giáo Hội phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ tìm được lối về với Thiên Chúa là Cha. Nhờ đó, nơi nào Giáo Hội hiện diện, mọi người sẽ gặp thấy một nơi chan hòa lòng thương xót[28] (x. DMLTX, s.12).

Trong Tông Chiếu, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta: mở to mắt để nhận ra tình trạng khốn khổ của thế giới, để thấy những vết thương của anh chị em đang bị tước mất nhân phẩm; mở lòng tiếp nhận những người đang sống tại những vùng ven  của kiếp nhân sinh, những người nghèo khổ, những người không có tiếng nói bởi tiếng kêu của họ bị át đi bởi sự thờ ơ của chúng ta; và mở rộng đôi tay để chữa lành và xoa dịu những vết thương với tình liên đới và sự quan tâm chăm sóc. Hơn nữa, chúng ta còn được mời gọi thức tỉnh lương tâm bằng những hành vi của lòng thương xót về phần xác cũng như về phần hồn: về phần xác như cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết; về phần hồn như lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Chúng ta sẽ phải trả lẽ với Chúa về các việc yêu thương này[29].

Đức Thánh Cha lấy lại đoạn sách tiên tri I-sai-a mà Đức Giêsu đã đọc và diễn giải trong hội đường Na-da-rét để nêu ra những điều chúng ta cần thực hiện trong Năm Thánh; đó là lời nói hay cử chỉ an ủi kẻ nghèo khổ, loan báo tự do cho những người bị khống chế bởi những hình thức nô lệ mới trong xã hội ngày nay, trả lại thị lực cho những người không còn khả năng nhìn thấy gì khác vì chỉ lo nhìn vào bản thân, và phục hồi phẩm giá cho những người đã bị mất nhân phẩm[30].

Huấn giáo giúp cho các tín hữu tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội

Ngoài việc giúp cho các tín hữu thấu hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa, đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và được biến đổi trong Đức Kitô nhờ thực thi lòng thương xót, huấn giáo còn mang lại cho người tín hữu khả năng tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội[31].

  • Tham gia cách tích cực vào đời sống của Giáo Hội bây giờ đồng nghĩa với tham gia cách tích cực vào việc cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót, bởi vì Năm Thánh đã được mở ra như một thời gian thuận lợi cho việc canh tân đời sống thiêng liêng và làm cho chứng tá của các tín hữu trở nên mạnh mẽ và hữu hiệu hơn[32]. Đức Thánh Cha mong Năm Thánh này cũng như “những năm sắp tới được ngập tràn lòng thương xót, đưa chúng ta đến với mọi người, mang lại cho họ lòng nhân từ và khoan hậu của Thiên Chúa. Chớ gì hương thơm của lòng thương xót lan tỏa đến tất cả mọi người, các tín hữu cũng như những người đang còn xa cách, như là dấu chỉ của Vương quốc Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta”[33].

Để hương thơm của lòng thương xót lan tỏa đến mọi người, đặc biệt những người trong cộng đoàn, chúng ta phải để cho lòng thương xót của Thiên Chúa bao phủ lấy chúng ta và nỗ lực thực thi lòng thương xót đối với nhau như Chúa Cha đã thương xót chúng ta. Trước tiên, đừng phán xét cũng đừng lên án, đừng biến mình thành quan án cũng đừng xét đoán cách thiển cận, đừng ghen tương đố kỵ cũng đừng nói xấu anh chị em vắng mặt, để rồi đẩy người ấy vào bóng tối, làm mất thanh danh và gây tiếng xấu cho họ. Thứ đến, hãy nhận ra điều tốt vẫn có nơi mọi người, tha thứ và sẵn sàng cho đi[34].

Để hương thơm của lòng thương xót lan tỏa đến những anh chị em đang còn xa cách, lòng thương xót của chúng ta phải vượt khỏi ranh giới của Giáo Hội, để nối kết với Do Thái giáo và Hồi giáo, những tôn giáo vẫn tin nhận lòng thương xót là một trong những thuộc tính cao cả nhất của Thiên Chúa. Nơi Do Thái giáo, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đặc biệt trong những thời điểm khó khăn nhất của lịch sử. Nơi Hồi giáo, Đấng Tạo Hóa cũng được gọi là Đấng xót thương nhân hậu và không ai có thể đặt giới hạn cho lòng thương xót của Thiên Chúa, vì những cánh cửa của lòng thương xót ấy luôn được rộng mở. Đức Thánh Cha mong ước Năm Thánh thúc đẩy chúng ta gặp gỡ hai tôn giáo này, cũng như các truyền thống tôn giáo cao quý khác, để có thể biết và hiểu nhau hơn; đẩy xa chúng ta thái độ khép kín và thiếu trân trọng cũng như mọi hình thức bạo lực và kỳ thị[35].

  • Tham gia cách tích cực vào sứ vụ của Giáo Hội bây giờ đồng nghĩa với việc trở nên những thừa tác viên hay thừa sai của lòng thương xót. Nếu như linh mục là thừa tác viên hay thừa sai chính yếu của lòng thương xót qua việc cử hành bí tích giải tội, thì người tín hữu cũng là thừa tác viên hay thừa sai của lòng thương xót qua việc trở thành dấu chỉ và khí cụ cho lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Vì thế, những gì Tông Chiếu nói về tâm tình và thái độ linh mục giải tội cần có đối với hối nhân, cách nào đó, cũng có thể được hiểu và áp dụng cho người giáo dân trong Giáo Hội.

      Để trở thành thừa tác viên hay thừa sai của lòng thương xót của Thiên Chúa, trước tiên “chúng ta cần xác tín vững vàng về tầm quan trọng đặc biệt của bí tích Hòa Giải, một bí tích cho phép chúng ta như được chạm tay vào sự cao cả của lòng thương xót … nguồn suối an bình nội tâm thực sự cho mọi hối nhân”; kế đến, chúng ta phải “để cho chính mình trở thành những hối nhân đang nài xin ơn tha thứ”; sau hết, chúng ta phục vụ như người tông đồ cho lòng thương xót và ơn tha thứ  của Thiên Chúa qua việc ân cần tiếp đón và giúp đỡ các hối nhân trở về với Thiên Chúa và đến với bí tích Hòa Giải để nhận được lòng thương xót và tha thứ của Ngài[36].

Trong Tông Chiếu, Đức Thánh Cha đặc biệt lưu tâm đến những người đang sống xa rời ân sủng của Thiên Chúa, đang cần đến lời cầu nguyện và sự quan tâm giúp đỡ của chúng ta, để có thể trải nghiệm lòng thương xót và thay đổi cuộc sống. Trước hết, là “những người đang tham gia vào một hình thức tổ chức tội phạm nào đó”. Họ cần ý thức rằng tiền bạc không phải là giá trị duy nhất và cao nhất, tiền bạc không đem lại quyền lực và hạnh phúc đích thực, không giúp chúng ta khỏi chết và không thể mang vào cõi chết. Thu tích tiền bạc bằng bạo lực dã man là một tội ác mà sớm hay muộn đều phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Kế đến, là “những người là thủ phạm hoặc đồng lõa trong nạn tham nhũng”. Tham nhũng “là một trọng tội … hủy hoại nền tảng của cuộc sống cá nhân và xã hội, … làm tiêu tan dự định của những người yếu kém, và giẫm nát những người nghèo khổ nhất… Để loại trừ tham nhũng khỏi cuộc sống cá nhân và xã hội, cần phải khôn ngoan, tỉnh thức, trung thực, lương thiện, kèm theo sự can đảm để tố giác điều sai trái. Nếu không công khai loại trừ, thì sớm hay muộn, tham những cũng biến chúng ta thành người đồng lõa và sẽ hủy hoại cuộc sống”[37].

Kết luận 

          Khi trình bày lòng thương xót của Thiên Chúa, Huấn giáo không chỉ chỉ tìm được nơi Tông Chiếu “Dung mạo lòng thương xót” nội dung cốt yếu và căn bản để thực hiện các nhiệm vụ của mình như giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý, dạy cầu nguyện, giáo dục đời sống cộng đoàn và khai tâm cho việc truyền giáo; nhưng còn tìm được nơi đây cách thức cũng như phương pháp trình bày nữa.

Trước hết, Đức Thánh Cha không trình bày lòng thương xót như một khái niệm để suy tư, nhưng như một dung mạo để chiêm ngắm. Để thực hiện điều này, Ngài đã dùng các Thánh vịnh và Dụ ngôn là những thể văn rất giầu hình ảnh và rất gần với kinh nghiệm của con người, nó không chỉ dễ hiểu mà còn chạm đến lòng người. Rõ ràng Đức Thánh Cha  không chỉ nhấn mạnh đến sự thật nhưng còn chú ý đến cái đẹp, vì nó là phương tiện làm rung động lòng người và giúp cho sự thật cũng như sự tốt lành của Thiên Chúa trở nên rạng rỡ trong lòng họ[38].

          Kế đến, khi tập trung vào việc chiêm ngắm, Đức Thánh Cha đưa huấn giáo ra khỏi khuôn khổ của một “lớp học”, đồng thời đặt nó trong bầu khí cầu nguyện, một bầu khí cần thiết cho một cuộc gặp gỡ thân tình với Đức Giêsu và được biến đổi trong Ngài. Như một giáo lý viên, Đức Thánh Cha dẫn các tín hữu đến gần Chúa hơn, dẫn họ bước vào chiều sâu của lòng thương xót Chúa và bước theo lòng thương xót của Chúa trong niềm tin vững chắc vào tình yêu của Ngài[39].

          Sau cùng, khi dẫn các tín hữu đến với những người đang sống tại những vùng ven xa xôi, đến gặp gỡ những truyền thống tôn giáo cao quý khác, và hiện diện với tư cách là những thừa tác viên hay thừa sai của lòng thương xót trong xã hội, Đức Thánh Cha đã làm cho huấn giáo mở ra cho năng động truyền giáo và việc đồng hành thiêng liêng phục vụ cho sứ mạng truyền giáo[40]. Chính Đức Giêsu đã đồng hành với người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng Gia-cóp và kết cuộc người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và mời người ta đến gặp Ngài (Ga 4,1-27.39-42).

      Với nội dung và hình thức trình bày như vậy, huấn giáo không những có khả năng dẫn mọi người đi vào mầu nhiệm cao cả của lòng Chúa thương xót, mà còn có khả năng sống và làm chứng cho lòng thương xót của Ngài như Đức Thánh Cha mong ước khi mở Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

——————————————–

[1] ĐGH Phan-xi-cô, Tông Chiếu “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, số 25.

[2] x. Bộ Giáo Sĩ, “Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý”, 1997, các số 85 – 86.

[3] x. ĐGH Phan-xi-cô, Tông Chiếu “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, số 6.

[4] Sđd, số 6.

[5] Sđd, số 7.

[6] x. Sđd, số 1.

[7] Sđd, số 8.

[8] Sđd, số 9.

[9] Sđd, số 9.

[10] Sđd, số 20.

[11] x. Sđd, số 20.

[12] Sđd, số 21.

[13] Sđd, số 2.

[14] x. Bộ Giáo Sĩ, “Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý”, 1997, số 85.

[15] ĐGH Phan-xi-cô, Tông Chiếu “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, số 2.

[16] Sđd, số 8.

[17] Sđd, số 3.

[18] Sđd, số 13.

[19] Sđd, số 4.

[20] Sđd, số 25.

[21] x. Sđd, số 25.

[22] x. Sđd, số 5.

[23] Sđd, số 17.

[24] x. Sđd, số 14.

[25] x. Sđd, số 22.

[26] x. Sđd, số 85.

[27] x. Sđd, số 10.

[28] x. Sđd, số 12.

[29] x. Sđd, số 15.

[30] x. Sđd, số 16.

[31] x. Bộ Giáo Sĩ, “Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý”, 1997, số 86.

[32] x. ĐGH Phan-xi-cô, Tông Chiếu “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, số 3.

[33] Sdb, s.5.

[34] x.Sdb, s.15.

[35] x.Sdb, s.22.

[36] x.Sdb, s.17.

[37] Sdb, s.19.

[38] x. ĐGH Phan-xi-cô, Tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng”, số 167.

[39] x. Sđd, số 170.

[40] x. Sđd, số 173.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here