Chức năng của tri thức triết học là nhận ra mối quan hệ giữa tri thức và thực tại (reality), mục tiêu là đạt tới chân lý, do đó người ta cũng gọi tri thức triết học là một cuộc tìm kiếm siêu hình về chân lý (a metaphysical inquiry into truth) nghĩa là có cùng tầm mức (coextensive) với siêu hình học, nếu siêu hình học nghiên cứu triết học về hữu thể (being), thì tri thức triết học nghiên cứu khía cạnh tri thức hữu thể (knowledge of being) nghĩa là hữu thể xét theo phương diện trí năng con người có thể tri thức được chúng. Nói cách khác, một đàng là siêu hình học về hữu thể, đàng khác là siêu hình học về tri thức hữu thể và giá trị của nó. Nói gọn hơn một đàng là phán đoán về thực tại, (judgement of reality) một đàng là phán đoán về giá trị (judgement of value).
Trong lịch sử tri thức học, người ta đặt cho môn học này nhiều tên gọi khác nhau: phê bình luận (criticism); tiêu chuẩn luận (criteriology), nhưng hai tên gọi này thường gợi lên màu sắc duy tâm do Descartes và Kant chủ xướng, người trước muốn đi từ tư tưởng để bắt liên lạc với thực tại (cogito ergo sum), người sau nhằm mục tiêu phê bình lý trí thuần túy, trong khi phê bình tri thức có chân trời rộng lớn hơn.
Tương tự như thế, hạn từ nhận thức luận (epistemology), nguyên nghĩa của nó ám chỉ triết học về khoa học (philosophy of science), không bao hàm toàn thể vấn đề liên quan tới khả năng tri thức con người.
Tuy nhiên từ khi tác phẩm: “Institutes of metaphysics: the theory of knowing and Being” (1854) của Ferrier xuất hiện thì các nước nói tiếng Anh thường xử dụng tên gọi này (epistemology) với ý nghĩa bao hàm: một ngành triết học không những nhằm mô tả, phân tích các sự kiện tri thức nhưng còn đảm nhiệm việc tra cứu chính tài năng tri thức với tất cả chức năng tiềm tàng.
Các vấn đề căn bản của tri thức học
1. Thoạt tiên, hầu như mọi người đều muốn hiểu biết hay nhận thức thế giới quanh mình. Họ nhận ra có những sự kiện xác thực cách tự phát, dựa trên kinh nghiệm sống thường ngày.
Tuy nhiên phần lớn họ chỉ dừng lại và thỏa mãn ở mức độ hiểu biết căn bản, theo nhu cầu và tính chất thiết thực của cuộc sống mà thôi.
Trái lại các triết gia bị thực tại cuốn hút, muốn hiểu biết uyên nguyên của thực tại nên họ cố gắng xây dựng những lý thuyết để giải thích những gì họ đã lãnh hội. Từ đó xuất hiện những thái độ khác nhau: khẳng định, phủ định hoặc hoài nghi hay dè dặt (agnosticism) về khả năng nhận thức của con người trước thực tại.
2. Những khảo hướng khẳng định khả năng tri thức lại đưa ra những quan điểm khác nhau, phát sinh những dạng thức tri thức khác nhau:
– Thuyết duy nghiệm (empiricism) cho rằng tri thức phát sinh từ dữ kiện kinh nghiệm (data of experience).
– Thuyết duy lý (rationalism) cho rằng tâm trí con người khẳng định chân lý thiết yếu và phổ quát từ chính nó chứ không phải từ kinh nghiệm.
– Duy tâm ( Idealism) cho rằng trí tuệ là điều kiện của mọi tri thức, là sân khấu để mọi sự xuất hiện, không thể biết sự vật là gì nếu chúng không xuất hiện trong ý thức. Ngoài ý thức, sự vật kể như không có đối với con người. Nói cách khác tri thức là hành vi của chủ thể. Nên biết duy lý và duy tâm khác nhau: một đàng là phương tiện nhận thức, một đàng là tầm mức nhận thức.
– Thuyết duy thực (realism) chiết trung cho rằng: chúng ta nhận thức chân lý không chỉ nhờ kinh nghiệm cũng không chỉ nhờ trí năng không thôi, nhưng nhờ kinh nghiệm và trí năng phối hợp với nhau.
3. Tiếp đến, vấn đề được đặt ra một cách trực tiếp: Vậy tri thức là gì? Là tiến trình nội tại trong tâm thức và luôn qui chiếu về thực tại ngoài tâm thức, đồng thời biểu thị chính những thực tại ấy (realism)? hay chỉ là hoạt động nội tại của tâm thức, biểu thị chính mình (Idealism)? hoặc chỉ là những ấn tượng giác quan, còn ý tưởng chỉ là những bản dao yếu ớt của các ấn tượng mà thôi (empiricism)?
4. Cuối cùng, dù khẳng định tri thức có khả năng đạt tới chân lý thực tại, nhưng cũng không thể phủ nhận sự kiện sai lầm (the fact of error). Vậy cái gì là tiêu chuẩn phân biệt chân lý với sai lầm? Dựa vào dấu hiệu nào để khẳng định sự xác thực có thể biện minh được hay không?
Để trả lời cho những vấn nạn này, tuy nhiên, giáo trình này không đi theo nẻo đường truyền thống, khởi đi từ các triết thuyết về tri thức như duy tâm, duy nghiệm, hoài nghi thuyết… vì lối đi đó có thể gây ngộ nhận: vấn đề tri thức là do Descartes và Kant khởi xướng. Thực ra chỉ có thể nói hai ông đã đặt vấn đề theo viễn tượng duy tâm … Vì từ thời cổ đại, các triết gia đã đặt vấn đề tri thức như một phần của khoa siêu hình học.
– Plato trong théetète đã tìm hiểu điều kiện để có một tri thức khoa học thực sự.
– Aristote trong De Anima (in Soul) đã phân tích những chức năng khác nhau của tri thức.
– Thánh Âu Tinh tiền phong của Descartes phi bác hoài nghi chủ nghĩa với câu nói nổi tiếng: nếu tôi sai lầm, chứng tỏ tôi hiện hữu: Si fallor sum.
– Tôma Aquinô, Bonaventura, Dons Scot đã có những lý thuyết toàn diện hơn về vấn đề tri thức.
– Descartes đặt vấn đề tri thức theo một viễn tượng khác. Ông viết: “người ta không thể biết gì trước khi biết về trí tuệ của mình, vì chính nhờ trí tuệ mà người ta biết được mọi sự khác” Cogito ergo sum: từ tư tưởng bước sang hiện hữu.
– Kant gọi lập trường của Descartes là thuyết duy tâm có vấn đề. Theo Kant, sự vật tự thân thì bất khả tri nên tất cả nhận thức của chúng ta bị giới hạn vào các hiện tượng của sự vật bằng cách nối kết những hiện tượng đó theo qui luật của trí tuệ (phạm trù).
– Ngày nay, trong thông điệp: “Đức tin và lý trí” Đức Gioan Phaolô II đã nhận xét “Có những dấu hiệu cho thấy một thái độ hồ nghi, ngờ vực phổ biến đối với những khẳng định tổng quát và tuyệt đối, đặc biệt nơi những người cho rằng chân lý là kết quả của sự đồng tình chứ không phải là sự tương hợp giữa trí khôn và thực tại khách quan” (56) như khảo hướng của thánh Tôma Aquinô đã viết trong Tổng luận thần học I, q-21, a. 2c; nên ngài đã mời gọi mọi Kitô hữu trở lại với khảo hướng của thánh nhân, một mô hình nhận thức chiết trung về thực tại con người và vũ trụ, thích hợp với tâm thức Kitô giáo.
– Còn Đức Bênêđictô 16 trong tác phẩm thứ II nghiên cứu về Đức Giêsu với tựa đề: “Jesus Nazareth: Tuần thánh – từ biến cố vào đền thánh Jerusalem đến biến cố Phục sinh _ phát hành giữa tháng 3 năm 2011, đã nhắc lại câu hỏi Philatô đặt ra cho Đức Giêsu: “chân lý là gì?”. Theo ngài, đây là câu hỏi rất hệ trọng, liên quan chặt chẽ tới số phận loài người. Ngài nhắc lại định nghĩa của thánh Tôma Aquinô như vừa trích dẫn trên đây “chân lý là sự tương ứng giữa trí năng và thực tại”, ngài giải thích thêm: “nếu trí năng con người phản ánh được thực tại tự thân (thực tại vượt trên kinh nghiệm giác quan) thì con người sẽ khám phá được chân lý, mặc dù chưa phải là chân lý toàn diện, mà chỉ là một phần thực tại. Ngài cũng nhắc lại khẳng định của thánh Tôma Aquinô: “Chân lý nơi trí năng Thiên Chúa là chân lý đích thực và nguyên ủy, còn chân lý nơi trí năng con người cũng đích thực nhưng chỉ là thứ phát (derivatively). Ngài than phiền “ngày nay chỉ có chân lý chức năng (functional truth) về con người là được quan tâm và khám phá (như mã di truyền chẳng hạn). Còn chân lý về chính con người: Con người là ai? Từ đâu tới? Điều gì đúng, điều gì sai, thì con người thường tránh né, không muốn giáp mặt như chân lý chức năng.
Theo sự hướng dẫn của Giáo hội, chúng tôi cũng lấy tri thức học thánh Tôma Aquinô làm điển hình. Trước hết xem xét lập trường của các triết gia kim cổ về vấn đề tri thức, rồi đối chiếu với lối đi của thánh Tôma để xác định mục tiêu hướng tới là chân lý như Đức Bênêđictô 16 đã khẳng định “Thiên Chúa đã đi vào thế gian và đã thiết lập tiêu chuẩn chân lý giữa dòng lịch sử”, “nếu con người sống mà không có chân lý thì cuộc sống sẽ trôi dạt và cuối cùng chân lý sẽ thuộc về những ai mạnh thế hơn.