TỔNG QUAN VỀ “NGÀY CỦA ĐỨC CHÚA” TRONG SÁCH XII

0
2298

Fr. Giuse Nguyễn Đình Chiến, OP.

“Ngày của ĐỨC CHÚA” là một diễn tả đặc trưng của sách các Ngôn sứ và đặc biệt là một chủ đề gần như xuyên suốt trong sách XII (trừ cuốn Gn). Khái niệm này gắn liền với yếu tố cánh chung ngôn sứ, thậm chí, có thể được coi là khái niệm cô đọng của cánh chung. Theo đó, “ngày của ĐỨC CHÚA” không những ám chỉ một ngày lịch sử cụ thể (có thể hiểu là cánh chung trong lịch sử), nhưng còn kéo dài đến cánh chung siêu lịch sử. Quan tâm của các nghiên cứu trước đây đều tập trung vào xem xét nguồn gốc của khái niệm, nhưng không đạt được sự thống nhất ý kiến. Do vậy, trong thời gian gần đây, các nghiên cứu quay sang chú trọng đến việc phân tích bản văn cụ thể và bối cảnh văn chương, ngõ hầu hiểu rõ được bản chất thực sự của khái niệm.

1. Từ nguyên

Ngôn ngữ Híp-ri sử dụng thành ngữ yôm yhwh [יוֹם לַיהוָה] “ngày của ĐỨC CHÚA” để nói về sự can thiệp tích cực hay tiêu cực của Thiên Chúa trong lịch sử Ít-ra-en. Xét theo niên đại, nó xuất hiện lần đầu tiên trong Am 5,18 và lần cuối cùng, theo trật tự liên tiếp của sách XII, được thấy trong Ml 3,24. Trong toàn bộ sách các Ngôn sứ, thành ngữ xuất hiện cả thảy 16 lần: Is 13,6.9; Ed 13,5; Ge 1,15; 2,11; 3,4; 4,14; Am 5,18 (*2).20; Ôv 15; Dcr 1,7.14 (*2); Ml 3,24.

Không dừng lại ở thành ngữ cố định trên đây, khái niệm “ngày của ĐỨC CHÚA” còn được diễn tả qua các thành ngữ khác, với chút ít thay đổi: “một ngày cho ĐỨC CHÚA” (yôm lyhwh [יוֹם לַיהוָה]: Is 2,12; Ed 30,3), “một ngày đến cho ĐỨC CHÚA” (yôm-Bä´ lyhwh [ יוֹם-בָּא, לַיהוָה]: Dcr 14,1), “ngày của ĐỨC CHÚA gần kề” (qärôb yôm yhwh [כִּי קָרוֹב יוֹם יְהוָה]: Ge 1,15; 2,1; 4,14; Ôv 15; Xp 1,7.14*2) và “ngày của ĐỨC CHÚA thì lớn” (yôm-yhwh haGGädôl  [ יוֹם יְהוָה, הַגָּדוֹל]: Ge 2,11; 3,4; Xp 1,14; Ml 3,23).

Ý tưởng về “ngày của ĐỨC CHÚA”, ngoài những thành ngữ trên, còn được diễn tả trong hình thức vắn gọn hơn hoặc thêm vào một trạng từ hay động từ: “ngày đó” (Mk 7,11.12; Xp 1,15), “trong ngày đó” (Am 9,11; Hs 2,18; Ôv 8), “trong những ngày ấy” (Ge 3,2; Dcr 8,6), “(trước) những ngày ấy” (Dcr 8,10), “những ngày đang đến” (Am 4,2; Ge 2,1), “lúc tận cùng của những ngày” (Hs 3,5; Mk 4,1). Đàng khác, ý tưởng còn được ẩn chứa trong hạn từ “thời” (`ët [עֵת]) và, trong các thành ngữ kèm theo của nó “trong thời ấy” (Bä`ët hahî´ [וּבָעֵת הַהִיא]: Ge 4,1; Am 5,13; Mk 2,3; Xp 3,19.20).

Nghiên cứu phê bình bản văn còn tìm thấy nhiều hạn từ cung cấp thêm nội dung cho khái niệm đang bàn và phần lớn chúng ám chỉ đến khía cạnh tiêu cực của ngày này: ngày thịnh nộ, ngày báo oán, ngày đau khổ, ngày tăm tối, ngày u ám, ngày bão tố, ngày chiến tranh, ngày hủy diệt, ngày điêu tàn, ngày đảo lộn, ngày tai họa, ngày sụp đổ, ngày khốn quẫn, …

Thành ngữ “ngày của ĐỨC CHÚA”, với hạn từ “ngày” và danh Thiên Chúa ở dạng sở hữu[1], giải thích rằng ĐỨC CHÚA có một thời gian để hành động, một thời gian để can thiệp vào lịch sử (nhân loại). Duy một mình Người sẽ quyết định điều xảy ra trong ngày này. Khía cạnh tương lai của thời gian được hiểu cách tổng quát. Thế nhưng, yếu tố quan trọng nhất mà thành ngữ muốn đề cập vẫn là hành động của ĐỨC CHÚA[2].

2. Nguồn gốc

Như đã nói, thành ngữ xuất hiện lần đầu tiên trong Am 5,18, nhưng có lẽ ý tưởng về ngày này đã tồn tại trước đó. Thật vậy, người đương thời với A-mốt đã nghĩ rằng “ngày của ĐỨC CHÚA” sẽ là ngày giải thoát, giống như Người đã làm cho Ít-ra-en trong quá khứ. Thế nhưng, khía cạnh tiêu cực của ngày này, theo lời vị ngôn sứ, đã cho thấy một ý nghĩa quan trọng thực sự của nó: đó cũng là ngày của xét xử và trừng phạt. Ý nghĩa này là nền tảng của sứ điệp các ngôn sứ. Do vậy, việc tìm hiểu nguồn gốc của thành ngữ là cần thiết, nếu không muốn nói là quan trọng, nhằm giúp hiểu đúng khái niệm của nó. Tuy nhiên, ý kiến của các học giả về nguồn gốc của ngày này không có sự thống nhất.

H. Gressmann cho rằng nguồn gốc của nó phát xuất từ những khái niệm huyền thoại của Ba-by-lon liên quan đến một tai họa vũ trụ[3]. Lịch sử thế giới này được chia thành nhiều giai đoạn liên tiếp. Mỗi giai đoạn chấm dứt bằng cách phá hủy thế giới cũ và tạo ra một thế giới mới. Theo quan điểm này, “ngày ĐỨC CHÚA”, trong viễn tượng cánh chung, sẽ là ngày Người tiêu diệt kẻ thù của Ít-ra-en và thống trị trên các thế lực sự dữ.

Một nhóm các nhà nghiên cứu khác tìm thấy nguồn gốc của thành ngữ trong phụng tự của Ít-ra-en. Nó chịu ảnh hưởng của quan niệm Ba-by-lon về ngày lễ akîtu, là ngày đăng quang của vua và của thần Mác-đúc, vào ngày đầu tiên trong năm. Theo truyền thống Ít-ra-en, “ngày của ĐỨC CHÚA” là ngày tôn vinh Người là Vua, cũng được cử hành vào ngày đầu năm. Trong chiều kích cánh chung, đây sẽ là ngày vinh thắng của ĐỨC CHÚA, khi Người tiêu diệt mọi thù địch của Ít-ra-en và đem lại cho dân ơn giải thoát. Ý tưởng này, theo S. Mowinckel, được gặp thấy trong các Tv 47; 96–99, thường được gọi là các Tv vương quyền của ĐỨC CHÚA[4].

Một đề nghị khác đến từ G. von Rad[5]. Theo ông, thành ngữ có nguồn gốc từ một thể chế cổ xưa, được gọi là “chiến tranh thánh”. Ông trích dẫn một số bản văn Kinh Thánh liên quan đến cuộc thánh chiến này, vốn đã được biết rõ trong truyền thống cổ của Ít-ra-en: Is 13 (sấm ngôn chống Ba-by-lon); Is 34 (sấm ngôn chống Ê-đôm); Ed 7 (sấm ngôn chống toàn cõi đất); Ed 30 (sấm ngôn chống Ai-cập); Ge 2 (sấm ngôn chống Giu-đa); Xp 1,7-18 (sấm ngôn chống Giu-đa). Tác giả rút ra hai kết luận vắn gọn: (1) “Ngày của ĐỨC CHÚA” nhắc nhớ một sự kiện thuần túy chiến tranh, sự can thiệp của ĐỨC CHÚA chống lại kẻ thù của dân Người, cũng như sự vinh thắng của Người; (2) truyền thống về cuộc “chiến tranh thánh” của ĐỨC CHÚA, trong đó Người xuất hiện để tiêu diệt các kẻ thù và với ngôn ngữ thần hiện, là truyền thống chung có nguồn gốc cổ thời. Dầu sao, chúng ta cũng phải tính đến lời ngôn sứ còn loan báo chiến tranh đánh xuống Ít-ra-en, vốn đã được thêm vào trong lịch sử khái niệm “ngày của ĐỨC CHÚA” sau này.

Nhóm thứ bốn, trong số đó có F.C. Fensham và F.J. Héléwa, nối kết nguồn gốc “ngày ĐỨC CHÚA” với thể chế giao ước[6]. Giao ước là ý tưởng căn bản giúp hiểu rõ hơn thành ngữ và khái niệm cánh chung trong Cựu Ước. Theo đó, “ngày của ĐỨC CHÚA” là ngày xét xử và trừng phạt Ít-ra-en, do tội bất trung với giao ước đã được ký kết. Không chỉ Ít-ra-en mà thôi, cả kẻ thù của nó cũng bị trừng phạt vì đã đối xử bất công với Ít-ra-en, dân riêng của ĐỨC CHÚA. Sự trừng phạt dành cho hai đối tượng này là thực tại hóa những lời khốn của giao ước (x. Đnl 28). Giống như khô hạn nghiêm trọng, tiếng rên rỉ trên đường phố, tăm tối bao trùm (x. Am 5,18), như là cụ thể hóa của những lời khốn, chiến tranh cũng là một trong những hiện tại hóa lời khốn đánh xuống kẻ vi phạm giao ước.

Sự bất đồng ý kiến về nguồn gốc của thành ngữ đã dẫn các nhà nghiên cứu hiện đại đi vào tìm hiểu nó qua chính những hạn từ của Cựu Ước, đặc biệt qua các bản văn liên quan và trong một bối cảnh văn chương cụ thể. Chúng ta kết luận phần này bằng một nhận xét quan trọng của G. de Carlo:

Khởi từ các bản văn Kinh Thánh, người ta có thể đề nghị rằng thành ngữ đã được A-mốt sáng chế và rồi được Xô-phô-ni-a sử dụng cố định. Ngày của ĐỨC CHÚA chủ yếu là một ngày tang tóc của xét xử và trừng phạt (dành cho Ít-ra-en hoặc cho các kẻ thù). Các ngôn sứ hậu lưu đày đã thêm vào khía cạnh cứu độ trước hết dành cho Ít-ra-en và sau đó dành cho cả các dân[7].

3. Đặc điểm

Khi phân tích chủ đề trong các bản văn ngôn sứ, thuộc ba giai đoạn lịch sử, chúng ta có một nhận xét như sau[8]: thời tiền lưu đày (x. Am 5,18-20; Is 2,6-22; Xp 1,7–2,3; Gr 46,10) với một tương lai gần kề của “ngày này”; trong lưu đày (x. Is 13; Ed 7,19; 13,3-5; 30,1-3; Ôv 15) với diễn tả “ngày” như một biến cố xảy ra trong lịch sử (cho Ít-ra-en và chư dân); hậu lưu đày (x. Ôv 17; Ge 1–4; Dcr 14; Ml 3,23-24) với viễn tượng siêu lịch sử của “ngày này”. Theo đó, chúng ta rút ra được những yếu tố chính liên quan đến “ngày của ĐỨC CHÚA”.

Sự “gần kề” của ngày này được đặc trưng hóa bằng cách nói “ngày của ĐỨC CHÚA gần kề” (qärôb yôm yhwh [כִּי קָרוֹב יוֹם יְהוָה]), với 11 lần tái diễn của tính từ “gần kề”[9]. Ngày đó sẽ đến trong một tương lai không xa và phụ thuộc sáng kiến của ĐỨC CHÚA.

Cuộc thần hiện của ĐỨC CHÚA. Những hiện tượng khác thường trong vũ trụ và tự nhiên cũng xuất hiện trong ngày đó (x. Ge 2,11; 4,16; Kb 3,11; có lẽ Am 5,18.20)[10]. Sự hủy diệt, cái chết và việc trở về với hỗn mang thuở ban đầu được coi là hệ quả của chúng. Giữa những hiện tượng kinh khiếp đó, ĐỨC CHÚA sẽ được nhận biết như là Thẩm phán uy quyền và công minh. Con người phải kính sợ khiếp vía, khi đứng trước nhan Người.

Những kẻ bị xét xử và trừng phạt không chỉ là Ít-ra-en, mà còn là các quốc gia (Át-sua, Ba-by-lon, Ai-cập, Ê-đôm, Phi-li-tinh, …), và thậm chí tất cả chư dân trên cõi đất (x. Xp 2,8; Ed 7). Lý do chính đáng của sự trừng phạt kép như thế được tham chiếu về giao ước: Ít-ra-en bất trung và chư dân làm điều bất công với dân ĐỨC CHÚA.

Ơn cứu độ cho Ít-ra-en và sự hoán cải của chư dân. Đây là hai nét độc đáo chứa đựng trong lời ngôn sứ hậu lưu đày về “ngày của ĐỨC CHÚA”. Thật vậy, vượt qua những xét xử và trừng phạt, lời công bố bây giờ còn được lồng thêm chiều kích cứu độ và hy vọng. Với việc phạt kẻ thù của Ít-ra-en, ngày của ĐỨC CHÚA trở thành ngày cứu độ cho dân Thiên Chúa. Trái lại, sự trừng phạt chư dân từ phía ĐỨC CHÚA gợi lên nơi chúng tâm tình hoán cải trở về với Người (x. Dcr 14,16).

4. Cánh chung ngôn sứ

Một đặc điểm khác vừa quan trọng vừa phức tạp liên quan đến chủ đề là khía cách cánh chung được chứa đựng trong thành ngữ. Dĩ nhiên, việc hiểu ý nghĩa cánh chung này được đặt trên quan điểm ngôn sứ: cánh chung ngôn sứ[11].

4.1. Cánh chung là gì?

Hạn từ “cánh chung” được sử dụng để chỉ khái niệm liên quan đến “những sự sau cùng”. Đối với tính từ “sau cùng”, (1) theo nghĩa tuyệt đối, nó là số phận sau cùng của nhân loại nói chung, và của mỗi cá nhân nói riêng và (2) theo nghĩa tương đối, nó nói đến việc kết thúc một thời kỳ nào đó của  lịch sử nhân loại hay lịch sử của một quốc gia, và sau đó là việc chuyển tiếp sang một thời kỳ lịch sử mới, hoàn toàn khác (với thời kỳ lịch sử cũ).

Để diễn tả khái niệm “cánh chung”, Kinh Thánh sử dụng thành ngữ ´aHárît hayyämîm (בְּאַחֲרִית הַיָּמִים): Hs 3,5; Mk 4,1; Is 2,2; Gr 30,24; Ed 38,16; Đn 10,14. Tuy nhiên, “cánh chung” này cũng được hiểu với nghĩa “một tương lai” (x. Đnl 4,30; 31,29; Gr 29,11).

4.2. Cánh chung ngôn sứ

Chúng ta có 2 cách giải thích cánh chung ngôn sứ:

(1) Theo nghĩa chặt, nó là việc kết thúc thời gian, là một bước nhảy quan trọng từ thế giới này sang chiều kích siêu việt (cái nhìn khải huyền của thực tại). Đây là cánh chung siêu lịch sử.

(2) Theo nghĩa rộng, đó là một tương lai hoàn toàn khác với hiện tại, một sự thay đổi tình trạng của sự vật, nhưng luôn được bố trí trong lịch sử.

Cánh chung trong lịch sử tiêu biểu nơi các ngôn sứ cổ thời, trong khi cánh chung siêu lịch sử nổi bật với văn chương khải huyền.

4.3. Trong các sách ngôn sứ

Đối với các ngôn sứ tiền lưu đày (Am, Hs, Is 1–39, Mk [tk VIII], Xp, Nk, Kb, Gr [tk VII]) và trong lưu đày (Ed, Is 40–55, Ôv [tk VI]), cánh chung trong lịch sử là rõ nét, với mục đích gợi lên nơi dân tâm tình hoán cải. Tuy nhiên, nếu các lời ngôn sứ của thời lưu đày có sử dụng những hình ảnh cánh chung hay khải huyền, thì toàn bộ lời ngôn sứ đó, thực chất, nhắc nhớ đến một cánh chung trong lịch sử.

Trái lại, các ngôn sứ hậu lưu đày (Kg, Dcr 1–8, Is 56–66, Ml, Ôv, Gn [tk VI-V] cũng đề cập đến cánh chung trong lịch sử và, hơn nữa, còn để một không gian cho cánh chung siêu lịch sử. Cách riêng, Ge, Dcr 9–14, (Br), Đn (164 tCn) thiên về khía cạnh khải huyền nhiều hơn.

5. Sứ điệp

Để có một cái nhìn chính xác về sứ điệp ngôn sứ chứa đựng trong cách nói tiêu biểu “ngày của ĐỨC CHÚA”, chúng ta không dừng lại ở việc chỉ xem xét thành ngữ đó cách độc lập, nhưng cần phải đặt nó trong toàn bộ sứ điệp ngôn sứ[12].

5.1. Giao ước

Truyền thống niềm tin của Ít-ra-en đã sẵn có ý tưởng về “ngày của ĐỨC CHÚA” và được hiểu là ngày chiến thắng kẻ thù của dân và là ngày cứu độ cho dân. Đó là ký ức vĩnh viễn về những ngày can thiệp kỳ diệu mà ĐỨC CHÚA đã thực hiện cho dân: ngày ra khỏi Ai-cập (x. Xh 12,42; 14,30), ngày thần hiện tại Xi-nai với việc ký kết giao ước (x. Xh 19 và 24), ngày chiếm đất Ca-na-an (x. Gs 6,2-5). Những ký ức đó nhằm củng cố niềm tin và được nhắc nhớ trong phụng tự.

Công thức giao ước cho biết ĐỨC CHÚA sẽ là Thiên Chúa của Ít-ra-en và, ngược lại, Ít-ra-en sẽ là dân riêng của Người. Việc trung thành hay bất trung với giao ước, từ phía Ít-ra-en, sẽ hiện tại hóa lời chúc lành (x. Đnl 28,1-14; Lv 26,3-13) hay lời nguyền rủa (x. Đnl 28,15-68; Lv 26,14-46). Trong nhãn quan giao ước, việc cứu độ hay sự trừng phạt mà ĐỨC CHÚA thực hiện cho Ít-ra-en, vốn được thấy rõ trong “ngày của ĐỨC CHÚA”, sẽ tìm thấy lời giải thích thỏa đáng.

Trong khía cạnh trừng phạt, “ngày đó” sẽ là ngày thực hiện những lời nguyền rủa dành cho dân bất trung với giao ước, ngày ĐỨC CHÚA thực thi công lý của Người. Tuy nhiên, đó cũng là ngày thanh luyện (x. Ml 3,3) và mời gọi tâm tình hoán cải (x. Ml 3,7), ngày ĐỨC CHÚA biểu lộ cách tinh tế lòng thương xót của Người (x. Ge 2,13; Mk 7,18; Nk 1,2-3).

5.2. Hoán cải

Lời mời gọi hoán cải được ẩn chứa trong lời công bố trừng phạt vào “ngày của ĐỨC CHÚA”. Khi nhận ra được điểm chính yếu này, độc giả thực sự cũng rút ra được ý nghĩa quan trọng của sứ điệp về lời công bố này.

Mặc dù sự trừng phạt trong ngày đó là rất khủng khiếp, xét vì Ít-ra-en đã khước từ lời mời gọi hoán cải, nhưng ĐỨC CHÚA vẫn luôn sẵn sàng tha thứ, miễn là dân quyết định hoán cải dứt khoát. Yếu tố cuối cùng này là quan trọng, bởi vì nó đảm bảo một sự trở lại của lời chúc lành ban đầu vào “ngày của ĐỨC CHÚA”.

Lời mời gọi hoán cải được cụ thể hóa trong những chỉ dẫn cụ thể của các ngôn sứ dành cho dân. Hoán cải chính là chân thành tìm kiếm ĐỨC CHÚA và từ bỏ lối thực hành đạo đức giả tạo (x. Am 5,4-6a). Hoán cải cũng có nghĩa là quyết định thi hành công lý (x. Xp 2,3). Kêu cầu danh ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa duy nhất cũng là một cách hoán cải (x. Ge 3,5). Tựu trung, “hãy làm điều lành và ghét bỏ sự dữ” (Am 5,14-15).

————————————

[1] Cách nói “ngày của …” cũng gắn liền với tên gọi của nơi chốn. Nó diễn tả lịch sử tính của một sự kiện nào đó và tính hiệu quả (tích cực và tiêu cực) của sự kiện ấy. Chúng ta có, chẳng hạn, “ngày của Ma-đi-an” (Is 9,3) = ngày ĐỨC CHÚA ban cho ông Ghít-ôn chiến thắng trên dân Ma-đi-an (x. Tl 7,15); “ngày của Gít-rơ-en” (Hs 2,2) = ngày dòng dõi A-kháp, vị vua xấu xa, bị tiêu diệt; “ngày của Ghíp-a” (Hs 9,9; 10,9) = ngày mà dân thành Ghíp-a phạm tội ác với một người Lê-vi và người tỳ thiếp của ông (x. Tl 19–20); “ngày của Ma-xa” (Tv 95,8) = ngày ĐỨC CHÚA trừng phạt Ít-ra-en trong sa mạc, vì đã thử thách Người (x. Xh 17,7; Ds 20,13); “ngày của Giê-ru-sa-lem” = ngày Giê-ru-sa-lem bị phá hủy bởi tay người Ba-by-lon vào năm 587 tCn (x. 2 V 25,8-21).

[2] X. W. von Soden – J. Bergman – M. Sæbø, “~Ay yôm”, Theological Dictionary of the Old Testament, Bt. G.J. Botterweck – H. Ringgen, tập 6 (Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans Publishing Co., 1990), tr. 30.

[3] X. H. Gressmann, Der Ursprung der jüdisch-israelitisch Eschatologie (Forschungen zur Religion und Literatur des Alten und Neuen Testament [= FRLANT] 6; Göttingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 1905).

[4] X. S. Mowinckel, He That Cometh: The Messiah Concept in the Old Testament and Later Judaism, Dg. G.W. Anderson (Nasville, TN: Abingdon Press, 1956), tr. 145.

[5] X. G. von Rad, Teologia dell’Antico Testamento, tập 2: Teologia delle tradizioni profetiche d’Israele, Dg. F. Ronchi (Biblioteca Teologica 7; Brescia: Paideia, 1974), tr. 146-152.

[6] X. F.J. Héléwa, “L’origine du concept prophétique du ‘Jour de Yahvé’”, Ephemerides Carmeliticae, số 15 (1964): tr. 3-36; F.C. Fensham, “A Possible Origin of the Day of the Lord,” Bibilical Essays of Die Ou Testamentiese Werkgemeenskap in Suid-Africa 1966, Bt. … (Pro Rege – Pers Beperk: Potchefstroom, 1967), tr. 90-97.

[7] G. de Carlo, “Giorno del Signore”, Temi teologici della Bibbia, Bt. R. Penna – G. Perego – G. Ravasi (Cinisello Balsamo, MI: San Paolo, 2010), tr. 579. Phần chữ in đậm và in nghiêng là của chúng ta.

[8] Tại sao sách Đn không nói đến “ngày của ĐỨC CHÚA” ?

[9] Is 13,6; Ed 7,7; 30,3*2; Ge 1,15; 2,1; 4,14; Ôv 15; Xp 1,7.14*2.

[10] X. J. Jeremias, Theophanie: Die Geschichte einer alttestamentlichen Gattung (Neukirchener: Neukirchen Kreis Moers, 1965), tr. 99-100; J. Bourke, “Le Jour de Yahvé dans Joël”, Revue Biblique, số 66 (1959): tr. 23-28.

[11] X. Mục từ “Eschatology”. Truy cập ngày 18-01-2019, https://www.jewishvirtuallibrary.org/eschatology.

[12] X. G. de Carlo, “Giorno del Signore”, tr. 579-580.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here