Tông Huấn Sacramentum Caritatis (Bí Tích Tình Yêu) Của ĐGH Benedict XVI (Ngày 22-02-2007) – (2)

0
1723


TÔNG HUẤN SACRAMENTUM CARITATIS

(BÍ TÍCH TÌNH YÊU)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICT XVI

NGÀY 22 THÁNG 02 NĂM 2007

***

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI

***

PHẦN THỨ HAI

THÁNH THỂ, MẦU NHIỆM ĐƯỢC CỬ HÀNH

“Thật, tôi bảo thật các ông: không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu; mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực” (Ga 6,32)

 

Luật cầu nguyện (lex orandi) và luật đức tin (lex credendi)

34. Thượng Hội Đồng Giám Mục đã suy tư thấu đáo mối liên hệ nội tại giữa đức tin Thánh Thể và cử hành Thánh Thể, làm nổi bật sự nối kết giữa qui luật cầu nguyện (lex orandi)qui luật đức tin (lex credendi), và nhấn mạnh vị trí hàng đầu của hành động phụng vụ (actionis liturgicae). Thánh Thể cần được cảm nghiệm như một mầu nhiệm đức tin, được cử hành một cách chân thực và với một ý thức rõ ràng rằng “sự hiểu biết của đức tin (intellectus fidei) liên hệ chặt chẽ với hành động phụng vụ của Hội Thánh”.[1] Trong lãnh vực này, suy tư thần học không bao giờ có thể bỏ qua trật tự Bí tích do chính Chúa Giêsu thiết lập. Mặt khác, không quan tâm đến mầu nhiệm đức tin thì hành động phụng vụ cũng không thể có được cái nhìn bao quát. Đức tin của chúng ta và phụng vụ Thánh Thể, cả hai đều bắt nguồn từ cùng một biến cố: đó là Đức Kitô tự hiến chính mình trong Mầu nhiệm vượt qua.

Cái đẹp và phụng vụ

35. Mối liên hệ giữa mầu nhiệm được tin nhận và được cử hành biểu lộ cách đặc biệt nơi giá trị thần học và phụng vụ của cái đẹp. Như được chứng minh trong mạc khải Kitô giáo, phụng vụ vốn có mối liên hệ với cái đẹp: đó là ánh rạng ngời chân lý (veritatis splendor). Phụng vụ là ánh rạng ngời của mầu nhiệm Vượt qua, trong mầu nhiệm này Đức Kitô lôi kéo chúng ta đến với Người và mời gọi chúng ta hiệp thông. Như thánh Bônaventura nói, trong Chúa Giêsu chúng ta chiêm ngắm cái đẹp và ánh rạng ngời tại chính cội nguồn của chúng.[2] Đây không phải là tính thẩm mỹ đơn thuần, nhưng là cách thức cụ thể để chân lý về tình yêu của Thiên Chúa đến với chúng ta, hấp dẫn chúng ta và làm chúng ta hân hoan, khi đưa chúng ta ra khỏi chính mình và hướng chúng ta đến với ơn gọi đích thực của chúng ta: là tình yêu.[3] Ngay trong tạo dựng Thiên Chúa đã để người ta thoáng thấy Ngài qua cái đẹp và sự hài hoà của vũ trụ (x. Kn 13,5; Rm 1,19-20). Trong Cựu Ước chúng ta tìm thấy nhiều dấu chỉ vẻ huy hoàng của quyền năng Thiên Chúa khi Ngài thể hiện vinh quang của Ngài nơi những công trình kỳ diệu giữa Dân Được Tuyển Chọn (x. Xh 14; 16,10; 24,12-18; Ds 14,20-23). Trong Tân Ước cái đẹp được tỏ hiện cách tuyệt đối trong sự mạc khải Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô:[4] Đức Kitô chính là sự tỏ hiện trọn vẹn vinh quang Thiên Chúa. Qua việc tôn vinh Chúa Con, vinh quang của Chúa Cha tỏa sáng và được thông truyền (x. Ga 1,14; 8,54; 12,28; 17,1). Tuy nhiên đây không phải là sự hài hoà về tỷ lệ và hình thức; “Người vô song tuyệt mỹ giữa thế nhân” (Tv 45[44],3), một cách mầu nhiệm, cũng là người “chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn đáng chúng ta ưa thích” (Is 53,2). Đức Giêsu Kitô cho chúng ta thấy chân lý về tình yêu có thể biến đổi ngay cả mầu nhiệm sự chết đầy đen tối thành ánh sáng phục sinh huy hoàng. Ở đây ánh rạng ngời của vinh quang Thiên Chúa vượt qua tất cả cái đẹp trần gian. Cái đẹp đích thực nhất là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải trọn vẹn chính mình cho chúng ta trong mầu nhiệm Vượt qua.

Cái đẹp của phụng vụ là thành phần của mầu nhiệm này; đó là một sự biểu hiện tuyệt vời vinh quang của Thiên Chúa và, theo một nghĩa nào đó, là một thoáng của thiên đàng trên trần gian. Chính việc tưởng niệm hy tế cứu độ chứa đựng những nét đặc trưng của vẻ đẹp mà Thầy Giêsu đã cho Phêrô, Giacôbê và Gioan chứng kiến, khi biến hình trước mắt họ trong cuộc hành trình lên Giêrusalem (x. Mc 9,2). Do đó, cái đẹp không phải là một yếu tố dùng để trang hoàng, nhưng chính là một thành phần thiết yếu của hành động phụng vụ, bởi lẽ nó là một thuộc tính của Thiên Chúa và thuộc tính do Ngài mạc khải. Tất cả những điều đó phải làm cho chúng ta ý thức sự quan tâm cần phải có để hành động phụng vụ được rạng rỡ theo đúng bản chất của nó.

CỬ HÀNH THÁNH THỂ, CÔNG TRÌNH CỦA “ĐỨC KITÔ TOÀN THỂ” (CHRISTUS TOTUS)

Đức Kitô toàn thể nơi đầu và nơi thân mình

36. Chủ thể của cái đẹp nội tại của phụng vụ là chính Đức Kitô phục sinh và được tôn vinh trong Thánh Thần, Người cho Hội Thánh tham dự vào trong hành động của Người.[5] Ở đây sẽ rất hữu ích nhắc lại lời của thánh Augustin, những lời diễn tả rất hiệu quả tính năng động của đức tin Thánh Thể. Vị thánh cả của thành Hippone, khi nói đặc thù về Mầu nhiệm Thánh Thể, làm nổi rõ cách thế Đức Kitô đồng hóa chúng ta với Người: “Tấm bánh mà anh chị em thấy trên bàn thờ, được thánh hiến nhờ lời Thiên Chúa, là mình Đức Kitô. Bằng những dấu chỉ này Đức Kitô đã muốn trao phó cho chúng ta mình và máu Người, đã đổ ra cho chúng ta để được ơn tha tội. Nếu anh chị em lãnh nhận cách sốt sắng, thì chính anh chị em trở thành điều mà anh chị em đã lãnh nhận”.[6] Do đó, “chúng ta không chỉ trở thành Kitô hữu, mà chúng ta trở thành chính Đức Kitô”.[7] Từ đây chúng ta có thể chiêm ngắm hành động nhiệm mầu của Thiên Chúa đã tạo nên sự hợp nhất sâu xa giữa chúng ta và Chúa Giêsu: “Thật sự Đức Kitô không chỉ ở nơi đầu mà không ở nơi thân mình, nhưng Người là nguyên vẹn cả nơi đầu và nơi thân mình”.[8]

Thánh Thể và Đức Kitô phục sinh

37. Bởi vì phụng vụ Thánh Thể thiết yếu là hành động của Thiên Chúa gắn kết chúng ta với Chúa Giêsu nhờ Chúa Thánh Thần, cấu trúc cơ bản của nó không thuộc thẩm quyền thay đổi của chúng ta, cũng như không thể chịu sự nhào nặn của trào lưu thời đại. Ở đây cũng nên áp dụng những lời lẽ hết sức minh bạch của thánh Phaolô: “Không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1Cr 3,11). Cũng vị Tông đồ của dân ngoại khi nói về Thánh Thể đã đảm bảo với chúng ta rằng Người không thông truyền cho chúng ta một học thuyết cá nhân, nhưng là điều chính ngài đã lãnh nhận (x. 1Cr 11,23). Cử hành Thánh Thể thật sự bao hàm cả Truyền Thống sống động. Hội Thánh cử hành hy tế Thánh Thể vì vâng theo lệnh truyền của Đức Kitô, bắt nguồn từ kinh nghiệm về Đấng Phục Sinh và việc trao ban Thánh Thần. Vì thế, cộng đoàn Kitô giáo từ lúc khởi đầu hợp nhau bẻ bánh vào Ngày của Chúa. Ngày mà Đức Kitô đã phục sinh từ cõi chết, tức Chúa Nhật, cũng là ngày thứ nhất trong tuần, ngày mà truyền thống cựu ước xem là khởi đầu của sự sáng tạo. Giờ đây ngày sáng tạo đã trở nên ngày “sáng tạo mới”, ngày chúng ta được giải thoát khi tưởng niệm Đức Kitô khổ nạn và phục sinh.[9]

NGHỆ THUẬT CỬ HÀNH (ARS CELEBRANDI)

38. Các tài liệu của Thượng Hội Đồng Giám Mục thường xuyên khẳng định cần phải tránh chia cắt nghệ thuật cử hành, tức là nghệ thuật cử hành đúng cách, và sự tham dự tràn đầy, tích cực và hữu hiệu của các tín hữu. Cách thức đầu tiên thúc đẩy sự tham dự của Dân Chúa vào Nghi Lễ Thánh là sự cử hành cách xứng hợp chính Nghi Lễ đó. Nghệ thuật cử hành (Ars celebrandi) là điều kiện tốt nhất làm cho sự tham dự được sống động (actuosa participatione).[10] Nghệ thuật cử hành là kết quả của sự trung thành tuân giữ các qui luật phụng vụ trong mọi khía cạnh phong phú của nó; thật vậy, suốt hai ngàn năm qua cách thức cử hành này đã nâng đỡ đời sống đức tin của mọi tín hữu, những người được kêu gọi tham dự vào việc cử hành với tư cách là Dân Chúa, một hàng tư tế vương giả, một dân tộc thánh thiện (x. 1Pr 2,4-5.9).[11]

Giám mục, nhà phụng vụ tiêu biểu nhất

39. Nếu thật sự tất cả Dân Chúa tham dự vào phụng vụ Thánh Thể, thì những người đã lãnh Bí tích Truyền Chức có nhiệm vụ không thể chối từ trong việc giữ cho nghệ thuật cử hành được đúng đắn. Các Giám mục, linh mục và phó tế, mỗi người theo chức năng của mình, phải xem việc cử hành như bổn phận chính của mình.[12] Trên hết, Giám mục giáo phận: “như một người quản lý chính các mầu nhiệm của Thiên Chúa trong Giáo Hội địa phương đã được ủy thác cho ngài, ngài là người hướng dẫn, thúc đẩy, và gìn giữ tất cả đời sống phụng vụ”.[13] Tất cả những điều đó có tính quyết định cho đời sống của Giáo hội địa phương không chỉ vì sự hiệp thông với Giám mục là điều kiện để mọi cử hành trong Địa Phận được hợp pháp, mà còn vì chính ngài là nhà phụng vụ tiêu biểu nhất trong Giáo Phận của ngài.[14] Ngài có bổn phận đảm bảo tính thống nhất và hài hòa trong các cử hành diễn ra trong địa phận của ngài. Do đó, Giám mục phải “chắc chắn rằng các linh mục, phó tế và các Kitô hữu giáo dân nắm bắt ngày càng sâu ý nghĩa đích thật của các nghi lễ và các bản văn phụng vụ, và như thế họ đạt tới sự tham dự Thánh Thể tích cực và hữu hiệu”.[15] Cách riêng, tôi kêu gọi phải làm tất cả những gì cần thiết để các cử hành phụng vụ của Giám mục trong nhà thờ chánh tòa được thực hiện trong sự tôn trọng đầy đủ nghệ thuật cử hành, làm sao cho những cử hành này được xem như mẫu mực cho tất cả các nhà thờ trong Địa Phận.[16]

Tôn trọng các sách phụng vụ và sự phong phú của các dấu chỉ

40. Nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật cử hành cũng làm sáng tỏ giá trị của các qui luật phụng vụ.[17] Nghệ thuật cử hành phải giúp tăng cường ý thức linh thánh và đẩy mạnh việc sử dụng các hình thức bên ngoài nhằm giáo dục ý thức ấy, ví dụ như sự hài hòa về nghi lễ, phẩm phục phụng vụ, đồ đạc trưng bày và không gian thánh. Cử hành Thánh Thể mang lại nhiều ích lợi khi các linh mục và những người có trách nhiệm về mục vụ phụng vụ dấn thân phổ biến các sách phụng vụ hiện hành và các qui luật tương ứng, bằng cách làm sáng tỏ những sự phong phú cao vời trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ RômaOrdinis Các Bài Đọc trong Thánh Lễ. Nơi các cộng đoàn giáo hội của chúng ta, có lẽ người ta nghĩ rằng đã biết và có thể đánh giá các nguồn tài liệu này, nhưng thường không phải là như vậy. Những bản văn này chứa đựng những kho tàng đã lưu giữ và diễn tả đức tin và kinh nghiệm của Dân Chúa suốt hai ngàn năm lịch sử. Cũng quan trọng như thế, nếu muốn có được một nghệ thuật cử hành đúng đắn, là lưu tâm đến những hình thức ngôn ngữ khác nhau được ứng dụng trong phụng vụ: lời nói và âm nhạc, các cử chỉ và sự thinh lặng, sự di chuyển, màu sắc phụng vụ dành cho phẩm phục. Do chính bản chất của mình phụng vụ có nhiều mức độ diễn đạt khác nhau làm cho nó có khả năng hội nhập trọn vẹn con người. Tính đơn giản của những cử điệu và sự trang nhã của những dấu chỉ thể hiện trong trật tự có sức truyền đạt và tác dụng hơn bất kỳ những gì thêm vào mà không thích hợp. Lưu tâm và trung thành với cấu trúc đặc biệt của nghi lễ vừa diễn tả một sự hiểu biết về bản chất của Thánh Thể như một quà tặng, vừa biểu lộ ý muốn của thừa tác viên đón nhận quà tặng vô giá đó bằng lòng biết ơn đầy vâng phục.

Nghệ thuật nhằm phục vụ cho phụng vụ

41. Mối liên hệ sâu xa giữa cái đẹp và phụng vụ phải làm cho chúng ta lưu tâm đến những cách diễn tả nghệ thuật trong các buổi cử hành.[18] Chắc chắn một trong những yếu tố quan trọng của nghệ thuật thánh là kiến trúc thánh đường,[19] có thể tạo nên sự duy nhất giữa các đồ dùng trong gian cung thánh: bàn thờ, thánh giá chịu nạn, nhà tạm, toà giảng và ghế chủ tế. Ở đây cần phải nhớ rằng mục đích của nghệ thuật thánh là tạo cho thánh đường một không gian thích hợp cho việc cử hành các mầu nhiệm đức tin, đặc biệt là Thánh Thể.[20] Bản chất đúng nghĩa của một ngôi thánh đường Kitô giáo được xác định do chính hành động phụng vụ, nghĩa là sự qui tụ của các tín hữu (ecclesia), những viên đá sống động của Đền Thánh (x. 1Pr 2,5).

Nguyên tắc này có giá trị cho tất cả nghệ thuật thánh nói chung, và cách riêng cho hội họa và điêu khắc, trong đó sự mô tả bằng hình tượng tôn giáo phải được hướng đến nhiệm huấn Bí tích. Những người có trách nhiệm sắp đặt các tác phẩm nghệ thuật dùng trong phụng vụ của các nghệ sĩ và điêu khắc gia, cần có một sự hiểu biết sâu xa về các tác phẩm mà nghệ thuật thánh đã làm ra trải dài trong lịch sử. Do đó rất cần thiết cho các chủng sinh và linh mục được học về lịch sử nghệ thuật thánh, đặc biệt liên quan đến việc xây cất nơi thờ phượng theo các tiêu chuẩn phụng vụ. Trong tất cả những gì có liên quan đến Thánh Thể người ta phải có thẩm mỹ. Lưu tâm và kính trọng đặc biệt đến phẩm phục, đồ dùng và các bình thánh, làm sao cho nhờ sự sắp đặt hài hòa và trật tự, chúng gìn giữ lòng kính trọng đối với các mầu nhiệm của Thiên Chúa, biểu lộ sự duy nhất của đức tin và củng cố lòng đạo đức.[21]

Phụng ca

42. Trong nghệ thuật cử hành, phụng ca chiếm vị trí nổi bật.[22] Thánh Augustin nói trong một bài giảng nổi tiếng “con người mới hát bài ca mới. Hát là biểu hiện của niềm vui và, nếu chúng ta suy nghĩ một chút về việc này, thì hát còn là một biểu hiện của tình yêu”.[23] Dân Chúa họp nhau cử hành phụng vụ hát những lời ca ngợi Chúa. Xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử, Hội Thánh đã và đang sáng tạo âm nhạc và những bài ca tạo nên một gia sản đức tin và tình yêu không thể để mất được. Chắc chắn trong phụng vụ chúng ta không thể nói rằng bài ca nào cũng hay như bài ca nào. Nên tránh những sự ứng khẩu nói chung hoặc đưa ra những loại nhạc không tôn trọng ý nghĩa của phụng vụ. Vì là một yếu tố phụng vụ, bài hát phải hòa nhập vào hình thức của buổi cử hành.[24] Do vậy mọi sự – bản văn, giai điệu, cách trình bày – phải phù hợp với mầu nhiệm được cử hành, với các phần của nghi lễ, và với mùa phụng vụ.[25] Sau hết, mặc dù tôn trọng các khuynh hướng và những truyền thống khác nhau và rất đáng khen, tôi ao ước, theo như các Nghị Phụ thượng hội đồng đã đòi hỏi, rằng nhạc bình ca (chant grégorien) được đánh giá đúng mức,[26] như thánh ca riêng biệt của phụng vụ Rôma.[27]

CẤU TRÚC CỬ HÀNH THÁNH THỂ

43. Sau khi đã gợi lại những yếu tố giàu ý nghĩa của nghệ thuật cử hành nổi lên trong các tài liệu thượng hội đồng, tôi muốn tập trung vào một số phần trong cấu trúc cử hành Thánh Thể, đang cần đến sự quan tâm đặc biệt trong thời đại của chúng ta, nhằm mục đích trung thành với ý định sâu xa canh tân phụng vụ của Công Đồng Vatican II, trong sự tiếp nối tất cả truyền thống vĩ đại của Hội Thánh.

Sự duy nhất nội tại của hành động phụng vụ

44. Trước hết suy tư về sự duy nhất nội tại của nghi thức thánh lễ là cần thiết. Cả trong giáo lý và trong cách thức cử hành, cần tránh tạo nên ngộ nhận cho rằng hai phần của Thánh Lễ chỉ được đặt kề bên nhau. Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, cùng với các nghi thức mở đầu và kết thúc, “được nối kết chặt chẽ với nhau đến nỗi thành một hành động duy nhất”.[28] Có một mối liên hệ nội tại giữa Lời Thiên Chúa và Thánh Thể. Từ việc lắng nghe Lời Chúa, đức tin được sinh ra và lớn lên (x. Rm 10,17); trong Thánh Thể, Lời-thành-xác-phàm ban chính mình cho chúng ta như lương thực thiêng liêng.[29] Do đó, “từ hai bàn tiệc Lời Chúa và Mình Chúa Kitô, Hội Thánh lãnh nhận và trao cho các tín hữu bánh sự sống”.[30] Vì vậy cần ghi nhớ thường xuyên rằng Lời Chúa, được Hội Thánh đọc và công bố trong phụng vụ, dẫn đến Thánh Thể như là mục đích tự nhiên của mình.

Phụng vụ Lời Chúa

45. Cùng với Thượng Hội Đồng, tôi mong rằng phụng vụ Lời Chúa luôn luôn được chuẩn bị và cử hành cách cẩn thận. Theo đó tôi xin hãy cố gắng hết sức để đảm bảo cho việc công bố Lời Chúa trong phụng vụ được ủy thác cho những người đã được chuẩn bị chu đáo. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “khi Thánh Kinh được đọc trong Hội Thánh, chính Thiên Chúa nói với Dân của Ngài, và chính Đức Kitô, hiện diện trong lời của Người, công bố Tin Mừng”.[31] Khi hoàn cảnh đòi hỏi, có thể thêm vài lời dẫn ngắn để tập trung sự chú ý của các tín hữu. Nếu hiểu cách đúng đắn, lời Chúa phải được lắng nghe và đón nhận trong tinh thần hiệp thông với Hội Thánh và với nhận thức rõ ràng sự duy nhất của nó với Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, lời mà chúng ta công bố và đón nhận là Lời-đã trở thành-xác phàm (x. Ga 1,14); Lời đó được nối liền không tách rời với ngôi vị Đức Kitô và với hình thái Bí tích của sự hiện diện trường tồn của Người ở giữa chúng ta. Đức Kitô không nói trong quá khứ mà trong hiện tại của chúng ta, cũng như chính Người hiện diện trong hành động phụng vụ. Dựa trên cái nền Bí tích của mạc khải Kitô giáo,[32] sự hiểu biết và nghiên cứu Lời Chúa cho phép chúng ta yêu mến, cử hành và sống Thánh Thể tốt hơn. Chính nơi đây lời khẳng định “không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”[33] được chứng thực là rất đúng.

Để đạt đến mục tiêu này, các tín hữu cần được giúp đỡ để đánh giá đúng những kho tàng Thánh Kinh chứa đựng trong sách bài đọc nhờ vào những sáng kiến mục vụ, những buổi cử hành Lời Chúa và đọc thánh kinh cầu nguyện (lectio divina). Hơn nữa, cũng không quên thăng tiến những hình thức cầu nguyện đã được truyền thống xác nhận: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nhất là Kinh Sáng, Kinh Chiều, Kinh Tối và các buổi canh thức. Cầu nguyện bằng thánh vịnh, các bài đọc thánh kinh và các bài đọc theo đại truyền thống được trình bày trong Kinh Thần Vụ có thể làm phát sinh một kinh nghiệm sâu sắc về biến cố Đức Kitô và nhiệm cục cứu độ mà, từ đó, có thể làm chúng ta hiểu biết và tham dự vào Cử Hành Thánh Thể một cách phong phú hơn.[34]

Bài giảng

46. Vì tầm quan trọng của Lời Chúa mà chất lượng của bài giảng cần được thăng tiến. Bài giảng thật sự là “thành phần của hành động phụng vụ”;[35] có chức năng tạo thuận lợi cho Lời Chúa được hiểu biết và tác dụng sâu rộng hơn trong đời sống người tín hữu. Vì vậy các tác viên có chức thánh “phải chuẩn bị kỹ lưởng bài giảng, dựa trên sự hiểu biết Thánh Kinh tương xứng”.[36] Nên tránh những bài giảng chung chung và trừu tượng. Đặc biệt, tôi kêu gọi các thừa tác viên làm sao cho bài giảng tạo được mối liên hệ giữa Lời Chúa với cử hành Bí tích[37] và với đời sống của cộng đoàn, bằng cách ấy Lời Chúa thật sự trở thành nơi nương tựa và nguồn sống của Hội Thánh.[38] Hơn nữa cũng đừng quên mục đích huấn giáo và khích lệ của bài giảng. Suốt năm phụng vụ, sẽ thích hợp nếu trình bày cho các tín hữu những bài giảng theo chủ đề, một cách khôn ngoan và dựa trên sách bài đọc theo chu kỳ ba năm, đề cập đến những chủ đề lớn của đức tin Kitô giáo, rút ra từ những gì được Huấn Quyền đề nghị trong bốn “cột trụ” (phần) của Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo và trong Bản Toát Yếu của Sách Giáo Lý (Compendium) vừa phát hành gần đây: tuyên xưng đức tin, cử hành mầu nhiệm Kitô giáo, đời sống trong Đức Kitô và kinh nguyện Kitô giáo.[39]

Dâng lễ vật

47. Các Nghị Phụ thượng hội đồng cũng đã đề nghị chú ý đến việc dâng lễ vật. Đây không đơn giản nói đến một “phần chuyển tiếp” giữa phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể. Hơn nữa, làm như thế là làm yếu đi ý nghĩa của một nghi lễ duy nhất được tạo nên bởi hai phần có liên quan. Cử chỉ khiêm tốn và đơn giản này thật sự rất có ý nghĩa: trong bánh và rượu chúng ta dâng lên bàn thờ mọi tạo vật đều được Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, đón nhận để được biến đổi và dâng lên Thiên Chúa Cha.[40] Trong cách nhìn này chúng ta cũng đưa lên bàn thờ tất cả những đau khổ và khốn cùng của thế giới, trong niềm xác tín rằng tất cả đều đáng quý trọng trước mặt Thiên Chúa. Để được sống đúng ý nghĩa của cử chỉ này không cần nhấn mạnh thêm bằng những hình thức rườm rà không thích hợp. Cử chỉ này làm cho chúng ta nhận ra Thiên Chúa mời gọi con người tham dự vào việc hoàn thành công trình của Ngài, và khi làm việc này, lao công của con người có được một ý nghĩa tràn đầy, bởi vì qua cử hành Thánh Thể, lao công của con người được kết hợp với hiến tế cứu độ của Đức Kitô.

Kinh nguyện Thánh Thể

48. Kinh nguyện Thánh Thể là “trung tâm và chóp đỉnh của toàn bộ cử hành”.[41] Tầm quan trọng của nó đáng được nhấn mạnh cách xứng hợp. Các kinh nguyện Thánh Thể khác nhau trong Sách Lễ được lưu truyền cho chúng ta từ Truyền Thống sống động của Hội Thánh và đáng lưu tâm vì sự phong phú vô tận về thần học và thiêng liêng. Cần làm cho các tín hữu lãnh hội được sự phong phú này. Về việc này, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma giúp chúng ta bằng cách nhắc chúng ta những yếu tố cơ bản của mỗi kinh nguyện Thánh Thể: hành động tạ ơn, tuyên xưng, cầu khẩn Chúa Thánh Thần, tường thuật việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, thánh hiến, tưởng niệm, dâng hiến, chuyển cầu và vinh tụng ca kết thúc.[42] Đặc biệt, linh đạo Thánh Thể và suy tư thần học sẽ được sáng tỏ nếu chúng ta suy niệm trong kinh nguyện Thánh Thể sự duy nhất sâu xa giữa lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần và lời tường thuật việc thiết lập Bí tích Thánh Thể,[43] trong sự hiệp nhất này “hiến tế do chính Chúa Giêsu thiết lập trong bữa Tiệc Ly được thực hiện”.[44] Thật vậy, “Hội Thánh khẩn nài quyền năng Chúa Thánh Thần để lễ vật do tay con người dâng tiến được thánh hóa, nghĩa là trở nên Mình và Máu Đức Kitô, và để Lễ Hy Sinh tinh tuyền được lãnh nhận khi rước lễ trở nên ơn cứu độ cho những người tham dự”.[45]

Trao ban bình an

49. Thánh Thể tự bản chất là một Bí tích bình an. Trong Thánh Lễ, mầu nhiệm Thánh Thể diễn tả cách đặc biệt chiều kích này trong việc trao ban bình an. Chắc chắn dấu chỉ này có giá trị to lớn (x. Ga 14,27). Trong thời đại của chúng ta, đầy sợ hãi và xung đột, cử chỉ này đã trở nên quan trọng đặc biệt, khi Hội Thánh không ngừng ý thức trách nhiệm của mình là cầu xin ơn bình an và hợp nhất cho chính mình và cho toàn thể gia đình nhân loại. Hòa bình là một khát vọng không thể tan biến trong mỗi trái tim. Hội Thánh trở thành tiếng nói kêu gọi hòa bình và hòa giải dâng lên từ tâm hồn của mỗi người thiện tâm, hướng tiếng đó lên Đấng là “bình an của chúng ta” (Ep 2,14) và có thể hoà giải các dân tộc và con người, ngay cả khi những nỗ lực của con người thất bại. Từ tất cả những điều này, chúng ta hiểu xúc cảm được nghiệm thấy khi thực hiện dấu chỉ ban bình an trong buổi cử hành phụng vụ. Dù vậy, Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng lưu ý cần điều tiết khi thực hành cử chỉ này, vì rất thường mang những hình thức thái quá và làm cho bầu khí cộng đoàn loãng đi trước lúc hiệp lễ. Nên nhớ rằng không có gì mất mát nếu bình an được trao ban bằng một cử chỉ thanh tao cần thiết để duy trì bầu khí thích hợp cho buổi cử hành, ví dụ, giới hạn việc trao ban bình an cho những người ở gần nhất.[46]

Trao và nhận Thánh Thể

50. Một khoảng thời gian khác trong buổi cử hành cần được nhắc đến là trao và nhận Thánh Thể. Tôi kêu gọi mọi người, cách riêng các thừa tác viên có chức thánh và những ai, sau khi đã được chuẩn bị hoặc trong trường hợp cần thiết thật sự, được ban tác vụ trao Mình Máu Thánh, cố gắng hết sức để hành động đơn sơ này nói lên tầm quan trọng của nó là sự gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trong Bí tích. Tôi cũng muốn nhắc đến những tài liệu được xuất bản gần đây liên quan đến những hướng dẫn thực hành đúng hành động này.[47] Tất cả các cộng đoàn tín hữu đang trung thành giữ các qui luật này, nhìn thấy nơi những qui luật này sự biểu lộ đức tin và lòng mến mà tất cả chúng ta phải có đối với Bí tích cực trọng này. Hơn nữa, không nên bỏ qua những phút cám ơn rất quý báu sau hiệp lễ: ngoài việc hát một bài thánh ca thích hợp, cũng rất ích lợi cho cộng đoàn cùng thinh lặng.[48]

Về vấn đề này, tôi muốn lưu ý một vấn đề mục vụ được tranh cãi gần đây. Tôi đang đề cập đến sự kiện là vào những dịp nào đó – như lễ cưới, lễ an táng hay những dịp tương tự – ngoài các tín hữu thực hành còn có những người đã từ lâu không tham dự Thánh Lễ hoặc đang sống trong tình trạng không cho phép họ rước lễ. Vào những dịp khác các tín hữu kitô khác hoặc thuộc tôn giáo khác cũng hiện diện. Hoàn cảnh tương tự cũng có thể xảy ra tại các nhà thờ có nhiều khách thăm viếng, đặc biệt trong các nơi du lịch. Trong những trường hợp này, cần tìm một cách thức ngắn gọn và rõ ràng để nhắc những người hiện diện về ý nghĩa của sự hiệp thông Bí tích và những điều kiện cần có để rước lễ. Bất kỳ nơi đâu không thể chắc chắn rằng người ta hiểu được ý nghĩa của Thánh Thể cách đúng đắn, nên thay thế việc cử hành Thánh Thể bằng một cử hành Lời Chúa.[49]

Lời giải tán: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” (Ite, missa est)

51. Sau hết, tôi muốn nhận định ngắn gọn về những gì các Nghị phụ thượng hội đồng đã nói về lời giải tán sau cử hành Thánh Thể. Sau phép lành, phó tế hoặc linh mục giải tán dân chúng bằng những lời: “Thánh Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an”. Những lời này giúp chúng ta hiểu được mối liên hệ giữa Thánh Lễ vừa được cử hành và sứ mệnh của các Kitô hữu trong thế giới. Thời xưa “missa” đơn giản có nghĩa là “giải tán”. Tuy nhiên khi được sử dụng trong Kitô giáo nó dần dần có ý nghĩa sâu xa hơn. Từ “giải tán” ám chỉ một “sứ mệnh”. Những lời này diễn tả cách xúc tích sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh. Dân Chúa có thể được trợ giúp để hiểu được rõ ràng hơn chiều kích chính yếu của đời sống Hội Thánh, nhận lời giải tán như một điểm khởi đầu. Trong bối cảnh này, sáng tác những bản văn mới cho lời nguyện trên dân chúng và phép lành cuối cùng, được chấp thuận hợp lệ, là rất có ích nhằm làm cho sự liên kết này được rõ ràng.[50]

SỰ THAM DỰ TÍCH CỰC (ACTUOSA PARTICIPATIO)

Sự tham dự đích thực

52. Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh một cách thích đáng sự tham dự tích cực, ý thức và hữu hiệu của toàn thể Dân Chúa trong cử hành Thánh Thể.[51] Chắc chắn, sự canh tân đươc thực hiện trong những thập kỷ qua đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện ước muốn của các Nghị phụ Công Đồng. Tuy nhiên chúng ta không được bỏ qua sự kiện là đôi khi xảy ra một vài hiểu nhầm ý nghĩa chính xác của sự tham dự. Cần giải thích rõ rằng từ “tham dự” không có ý nói đến một họat động đơn thuần bên ngoài trong buổi cử hành. Thật ra, sự tham dự tích cực theo cách gọi của Công Đồng phải được hiểu bằng những thuật ngữ chuẩn xác hơn, dựa trên nền tảng một hiểu biết rộng lớn hơn về mầu nhiệm đang được cử hành và mối liên hệ của nó với đời sống hàng ngày. Hiến chế của Công Đồng về Phụng Vụ Thánh khuyến khích các tín hữu tham dự vào phụng vụ Thánh Thể không phải “như những khách bàng quan, câm lặng”, mà như những người tham dự “hành động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động”.[52] Giá trị của lời thúc giục này chưa hề suy giảm. Công Đồng còn nói rằng các tín hữu “được đào tạo bởi Lời Chúa, được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Đức Kitô Đấng Trung Gian, họ được cuốn hút vào trong tình liên kết với Thiên Chúa và với nhau”.[53]

Sự tham dự và chức tư tế thừa tác

53. Cái đẹp và sự hài hoà của phụng vụ được diễn tả đầy ý nghĩa trong trật tự mà theo đó mọi người được mời gọi tham dự cách tích cực. Điều này bao hàm sự hiểu biết về các vai trò có tính phẩm trật phân biệt nhau trong buổi cử hành. Cũng hữu ích khi nhắc lại rằng sự tham dự tích cực tự nó không tương đương với việc thực thi một tác vụ chuyên biệt nào. Sự tham dự tích cực của người tín hữu sẽ không ích lợi gì nếu như lẫn lộn vì không thể phân biệt được trong sự hiệp thông Hội Thánh các chức năng khác nhau thuộc riêng từng người.[54] Cần làm rõ những chức năng chuyên biệt của linh mục. Chỉ một mình ngài, mà không ai khác, như truyền thống Hội Thánh đã làm chứng, chủ tọa toàn bộ cử hành Thánh Thể, từ lời chào đầu lễ đến phép lành cuối lễ. Nhờ việc lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh, ngài đại diện Đức Giêsu Kitô, là Đầu của Hội Thánh, và một cách đặc biệt, cũng là chính Hội Thánh.[55] Mọi việc cử hành Thánh Thể đều thật sự do Giám mục hướng dẫn, “hoặc đích thân hoặc qua các linh mục là cộng sự viên của ngài”.[56] Giám mục sẽ được các phó tế giúp đỡ; các phó tế có những phần vụ đặc biệt trong buổi cử hành: chuẩn bị bàn thờ, phụ giúp các linh mục, công bố Tin Mừng, đôi khi giảng, xướng các ý của lời nguyện tín hữu, và cho các tín hữu rước lễ.[57] Cùng với những tác vụ có liên quan đến Bí tích Truyền Chức, còn có những tác vụ khác giúp trong phụng vụ có thể được đảm nhiệm rất đáng khen do các tu sĩ và các giáo dân được huấn luyện cách thích hợp.[58]

Cử hành Thánh Thể và hội nhập văn hóa

54. Dựa trên những tuyên bố căn bản của Công Đồng Vatican II, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham dự tích cực của các tín hữu trong Hy Tế Thánh Thể. Để thúc đẩy sự tham dự này, có thể dự liệu những thích nghi cho các bối cảnh và văn hóa khác nhau.[59] Sự kiện đã có một vài lạm dụng vẫn không làm giảm giá trị của nguyên tắc rất hiển nhiên này, là điều phải được duy trì phù hợp với các nhu cầu thực tế của Hội Thánh sống và cử hành cùng một mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô trong những bối cảnh văn hóa khác nhau. Trong mầu nhiệm nhập thể, Đức Giêsu Kitô, được người nữ sinh ra và làm người trọn vẹn (x. Gl 4,4), có liên hệ trực tiếp không những với các ước vọng trong Cựu Ước, mà còn với những trông đợi của tất cả mọi dân tộc. Do đó Người tỏ cho thấy rằng Thiên Chúa ao ước gặp chúng ta trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta. Vì thế sẽ có ích cho các tín hữu tham dự hiệu quả hơn vào các mầu nhiệm thánh nhờ tiến trình hội nhập văn hóa trong lãnh vực cử hành Thánh Thể, phải lưu tâm đến những khả thể thích ứng được trình bày trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma,[60] được giải thích theo những tiêu chuẩn được xác định bởi Huấn thị thứ Tư của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí tích về hội nhập văn hóa Varietates Legitimae ngày 25 tháng 01 năm 1994,[61] và những hướng dẫn do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày trong các tông huấn hậu thượng Hội Đồng Giám Mục Giáo Hội tại Châu Phi, Giáo Hội tại Châu Mỹ, Giáo Hội tại Châu Á, Giáo Hội tại Châu Đại DươngGiáo Hội tại Châu Âu.[62] Đến đây tôi kêu gọi các Hội Đồng Giám Mục nỗ lực duy trì sự quân bằng giữa các tiêu chuẩn và hướng dẫn đã được công bố với những thích ứng mới,[63] luôn luôn thống nhất với Tông Tòa.

Những điều kiện cá nhân để có được sự tham dự tích cực

55. Khi cân nhắc sự tham dự tích cực của các tín hữu trong phụng vụ, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng thảo luận các điều kiện riêng cần thiết để sự tham dự có hiệu quả đối với từng cá nhân.[64] Một trong những điều kiện này chắc chắn là tinh thần hoán cải thường xuyên, là đặc điểm đời sống của tất cả các Kitô hữu. Khó mà hy vọng có được sự tham dự tích cực trong phụng vụ Thánh Thể, nếu như chỉ tiếp cận ở bề mặt, mà không hề rà xét đời sống. Sự điều chỉnh nội tâm có thể được nâng đỡ nhờ hồi tưởng và thinh lặng ít nhất đôi phút trước khi phụng vụ bắt đầu, nhờ chay tịnh và, nếu cần thiết, nhờ Bí tích Hoà Giải. Một tâm hồn hoà giải với Thiên Chúa mới có thể tham dự phụng vụ đúng nghĩa. Các tín hữu cần được nhắc bảo rằng không thể có được sự tham dự tích cực vào các mầu nhiệm thánh nếu không có kèm theo một nỗ lực tham dự tích cực vào đời sống của toàn thể Hội Thánh, bao gồm dấn thân truyền giáo đem tình yêu của Đức Kitô vào đời sống xã hội.

Rõ ràng, sự tham dự toàn vẹn vào Bí tích Thánh Thể chỉ xảy ra khi các tín hữu đích thân tiến đến bàn thờ rước lễ.[65] Tuy nhiên cần lưu ý điều này là có những tín hữu cho rằng chỉ đơn giản hiện diện trong nhà thờ suốt buổi cử hành phụng vụ là tự động có quyền hay thậm chí bó buộc đến bàn thờ rước lễ. Ngay cả trong những trường hợp không thể rước lễ, việc tham dự Thánh Lễ vẫn là điều cần thiết, quan trọng, có ý nghĩa và sinh hiệu quả. Trong những trường hợp như thế, ấp ủ khao khát hiệp thông trọn vẹn với Đức Kitô qua việc thực hành rước lễ thiêng liêng cũng đem lại nhiều ơn ích, như Đức Gioan Phaolô II từng ca ngợi[66] và được các thánh, những bậc thầy về đời sống thiêng liêng, đề nghị.[67]

Sự tham dự của các Kitô hữu không phải Công Giáo

56. Cùng với chủ đề tham dự Thánh Thể, chúng ta không thể không bàn đến vần đề các Kitô hữu thuộc các Giáo hội và những Cộng đoàn giáo hội không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công Giáo. Về điều này, phải nói rằng mối liên kết nội tại giữa Thánh Thể và sự hợp nhất của Hội Thánh thúc đẩy chúng ta trông chờ ngày mà chúng ta có thể cử hành Thánh Thể chung với tất cả những người tin vào Đức Kitô, và bằng cách này có thể diễn tả một cách rõ ràng sự hợp nhất trọn vẹn mà Chúa Giêsu mong muốn cho các môn đệ của Người (x. Ga 17,21). Mặt khác, sự kính trọng cần phải có đối với Bí tích Mình và Máu Đức Kitô không cho phép chúng ta dùng Bí tích này như một “phương tiện” đơn thuần để đạt đến sự hiệp nhất mà không hề có sự suy xét nào.[68] Thật ra Thánh Thể không chỉ diễn tả sự hợp nhất cá nhân với Đức Giêsu Kitô, mà còn bao hàm sự hợp nhất trọn vẹn với Hội Thánh. Đó là lý do tại sao, cho dù đáng buồn nhưng không phải không có hy vọng, chúng ta kêu gọi các Kitô hữu không phải Công Giáo hiểu và tôn trọng xác tín của chúng ta, xác tín được đặt trên nền tảng Thánh Kinh và Truyền Thống. Chúng ta tin rằng sự hiệp thông Thánh Thể và sự hiệp thông Giáo hội được liên kết chặt chẽ đến nỗi các Kitô hữu không Công Giáo không thể lãnh nhận sự hiệp thông Thánh Thể khi chưa có được sự hiệp thông Giáo hội. Việc đồng tế với những thừa tác viên của các Giáo hội hay các Cộng đoàn giáo hội không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công Giáo lại càng mất đi ý nghĩa. Tuy vậy, vì ơn cứu độ của họ, các Kitô hữu không Công Giáo xét như cá nhân vẫn được chấp nhận cho lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, Hoà Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân. Nhưng điều này chỉ được phép trong những hoàn cảnh ngọai lệ và đặc biệt, với những điều kiện nào đó rõ rệt.[69] Những điều kiện này đã được chỉ rõ trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo[70] và trong Bản Toát Yếu của Sách này.[71] Mọi người đều bị bó buộc tuân giữ trung thành những qui luật này.

Tham dự qua các phương tiện truyền thông

57. Nhờ vào sự phát triển đáng kể của các phương tiện truyền thông, từ ngữ “tham dự” trong những thập niên gần đây đã mang một nghĩa rộng hơn. Tất cả chúng ta đều lấy làm vui mừng vì truyền thông đã mở ra những khả năng mới cho việc cử hành Thánh Thể.[72] Điều này đòi hỏi một chuẩn bị đặc biệt và một ý thức trách nhiệm vững vàng nơi những người hoạt động mục vụ thuộc lãnh vực này. Khi Thánh Lễ được truyền hình, là nhắm đến việc đưa ra một gương mẫu, do đó cần có sự chú ý đặc biệt để bảo đảm rằng việc cử hành tôn trọng các Quy Chế phụng vụ hiện hành, thêm vào đó là Thánh Lễ được diễn ra tại những địa điểm thích hợp và được trang bị tốt.

Sau hết, về giá trị của việc tham dự Thánh Lễ bằng phương tiện truyền thông, những người nghe truyền thanh hay xem truyền hình nên biết rằng, theo những hoàn cảnh bình thường, họ không chu toàn luật buộc tham dự Thánh Lễ. Những hình ảnh sống động có thể cho thấy đúng sự kiện, nhưng không thật sự tái diễn sự kiện ấy.[73] Trong khi việc những người cao tuổi và bệnh nhân tham dự Thánh Lễ qua truyền thanh và truyền hình là một điều rất đáng khen, không thể nói như vậy đối với những người nghĩ rằng các phương tiện truyền thông miễn cho họ khỏi đến nhà thờ và thông phần với cộng đoàn Thánh Thể giữa lòng Hội Thánh sống động.

Sự tham dự tích cực của các bệnh nhân

58. Khi nghĩ đến những người vì lý do sức khỏe hay tuổi tác không thể đi đến các nơi thờ tự, tôi mong mỏi toàn cộng đoàn Hội Thánh lưu tâm đến tầm quan trọng mục vụ này là nâng đỡ tinh thần cho các bệnh nhân, cả những người đang sống tại gia lẫn trong bệnh viện. Thượng Hội Đồng Giám Mục thường nhắc đến hoàn cảnh của họ. Những anh chị em này cần thường xuyên có cơ hội hiệp thông Bí tích. Nhờ đó mối liên kết của họ với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh được củng cố, và họ cảm thấy hội nhập đầy đủ vào đời sống và sứ vụ của Hội Thánh bằng việc dâng hiến những đau khổ của họ kết hợp với hy lễ của Chúa chúng ta. Cần quan tâm đặc biệt đến người khuyết tật. Nếu điều kiện của họ cho phép, cộng đoàn Kitô hữu nên giúp họ đến các nơi thờ tự. Việc xây cất nên được thiết kế có lối đi cho người khuyết tật. Cuối cùng, bất cứ khi nào có thể, nên cho những người thiểu năng thần kinh được hiệp thông Bí tích, nếu họ đã lãnh Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức: họ rước lễ trong đức tin của gia đình hay của cộng đoàn đồng hành với họ.[74]

Chăm sóc các tù nhân

59. Truyền thống thiêng liêng của Hội Thánh, dựa trên chính lời của Đức Kitô (x. Mt 25,36), đã định rõ việc thăm viếng tù nhân là một trong các mối thương người về phần xác. Các tù nhân rất cần được Chúa Giêsu Thánh Thể viếng thăm cách đặc biệt. Cảm nghiệm cộng đoàn Hội Thánh gần gũi, thông phần vào Bí tích Thánh Thể và rước lễ trong thời điểm khó khăn và đau khổ này chắc chắn có thể góp phần làm thăng tiến cuộc hành trình đức tin và phục hồi đời sống xã hội trọn vẹn của một tù nhân. Nhấn mạnh đề nghị của Thượng Hội Đồng, tôi yêu cầu các Giáo Phận hãy làm bất cứ điều gì có thể để sự chăm sóc thiêng liêng cho các tù nhân có được những trợ giúp mục vụ đầy đủ.[75]

Những người di cư và sự tham dự Thánh Thể

60. Hướng đến những người vì nhiều lý do khác nhau buộc phải rời khỏi quê hương, Thượng Hội Đồng đặc biệt biết ơn những người dấn thân chăm sóc mục vụ cho những người di cư. Cần đặc biệt chú ý đến các di dân thuộc các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương; cùng với việc ở xa nhà, họ cũng phải đương đầu với khó khăn này là không thể tham dự phụng vụ Thánh Thể theo nghi lễ của họ. Vì thế, bất kỳ nơi nào có thể, họ nên được các linh mục thuộc nghi lễ của họ phục vụ. Trong mọi trường hợp, tôi xin các Giám mục đón tiếp những anh chị em này với tình yêu của Đức Kitô. Những mối liên lạc giữa các tín hữu thuộc những nghi lễ khác nhau có thể là một nguồn làm phong phú cho nhau. Cách riêng tôi đang nghĩ đến lợi ích có thể có, đặc biệt cho các giáo sĩ, nhờ hiểu được các truyền thống khác nhau.[76]

Những cuộc đồng tế lớn

61. Thượng Hội Đồng đã xem xét phẩm chất việc tham dự trong các cử hành có qui mô lớn được tổ chức vào những dịp đặc biệt và bao gồm không chỉ một số đông đảo giáo dân, mà còn nhiều linh mục đồng tế.[77] Một mặt, dễ dàng đánh giá cao tầm quan trọng của những thời điểm này, đặc biệt khi chính Giám mục cử hành, xung quanh là linh mục đoàn và các phó tế. Mặt khác, trong những trường hợp như thế không phải luôn luôn dễ dàng diễn tả rõ ràng sự hợp nhất của linh mục đoàn, cách riêng khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể và cho rước lễ. Cần phải cố gắng để những cuộc đồng tế lớn không bị phân tán. Điều này có thể làm được bằng sự phối hợp và sắp xếp nơi thờ tự để các linh mục và giáo dân thật sự có thể tham dự đầy đủ. Tuy nhiên, phải luôn ghi nhớ rằng ở đây chúng ta đang nói đến những cuộc đồng tế đặc biệt, giới hạn vào những hoàn cảnh ngoại thường.

Tiếng Latin

62. Không một nhận xét nào trên đây gây nghi ngờ về tầm quan trọng của những phụng vụ có qui mô lớn. Ở đây một cách đặc biệt tôi đang nghĩ đến những cuộc cử hành qui tụ có tính quốc tế, mà ngày nay được tổ chức thường xuyên hơn. Những dịp này phải được đánh giá cao. Để diễn tả cách rõ ràng hơn sự hiệp nhất và tính phổ quát của Hội Thánh, tôi tán thành đề nghị của Thượng Hội Đồng Giám Mục, phù hợp với những hướng dẫn của Công Đồng Vatican II[78] rằng, ngoại trừ các bài đọc, bài giảng và lời nguyện tín hữu, những buổi phụng vụ như thế có thể được cử hành bằng tiếng Latin. Tương tự, những kinh được biết đến nhiều trong truyền thống của Hội Thánh[79] nên được đọc bằng tiếng Latin và, nếu có thể, cũng nên hát một số bài bình ca (grégorien) được tuyển lựa. Nói chung, tôi đề nghị các linh mục tương lai, từ khi ở trong chủng viện, được chuẩn bị để hiểu và cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latin, và cũng sử dụng các bản văn Latin và thực hành nhạc bình ca Grégorien; chúng ta cũng không quên rằng các tín hữu có thể được hướng dẫn đọc nhiều kinh thông thường bằng tiếng Latin, và cũng có thể hát một phần phụng vụ theo bình ca grégorien.[80]

Các cử hành Thánh Thể theo nhóm nhỏ

63. Thêm một hoàn cảnh rất khác biệt là khi, để giúp cho việc tham dự ý thức, tích cực và hiệu quả hơn, một số hoàn cảnh mục vụ đòi hỏi có những cuộc cử hành dành cho nhóm nhỏ. Trong khi chấp nhận phương pháp này có giá trị đào tạo, phải xác định rằng những cuộc cử hành như thế phải hoà hợp với toàn bộ hoạt động mục vụ của Giáo Phận. Những cuộc cử hành này sẽ thật sự đánh mất giá trị huấn giáo nếu làm cho người ta cảm thấy chúng đi ngược, hay đi song song với đời sống của Giáo hội địa phương. Về việc này, Thượng Hội Đồng nêu ra một số tiêu chuẩn cần thiết: các nhóm nhỏ phải giúp hợp nhất, chứ không chia cắt cộng đoàn; điều đó phải được thể hiện trong thực tế cụ thể; những nhóm nhỏ này phải thúc đẩy việc tham dự hiệu quả của cả cộng đoàn, và gìn giữ được càng nhiều càng tốt sự thống nhất về đời sống phụng vụ trong các gia đình.[81]

SỰ THAM DỰ NỘI TÂM VÀO VIỆC CỬ HÀNH

Giáo lý nhiệm huấn

64. Truyền thống phụng vụ cao cả của Hội Thánh dạy chúng ta rằng sự tham dự hiệu quả trong phụng vụ đòi hỏi con người phải thích ứng với mầu nhiệm đang được cử hành, dâng hiến chính đời sống mình cho Thiên Chúa trong sự hợp nhất với hy lễ của Đức Kitô nhằm cứu độ tất cả thế giới. Vì lý do này, Thượng Hội Đồng Giám Mục yêu cầu các tín hữu được trợ giúp để chuẩn bị nội tâm tương xứng với các cử chỉ và lời nói của họ. Nếu thiếu chuẩn bị nội tâm, thì dù cho có được sắp đặt và thực hiện cẩn thận thế nào đi nữa, các buổi phụng vụ của chúng ta đều có nguy cơ rơi vào một loại chủ nghĩa nghi thức nào đó. Do đó nhu cầu giáo dục đức tin vào Bí tích Thánh Thể có thể làm cho tự bản thân các tín hữu có khả năng sống những gì họ cử hành. Cần đến những phương pháp đào tạo nào, trước tầm quan trọng của sự tham dự cá nhân và ý thức này? Về việc này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhất trí trình bày phương pháp nhiệm huấn cho việc huấn giáo, phương pháp này có thể hướng dẫn các tín hữu hiểu các mầu nhiệm đang được cử hành một cách sâu sắc hơn.[82] Đặc biệt, trước mối liên hệ giữa nghệ thuật cử hành và tham dự tích cực, trước hết phải nói rằng “bài giáo lý hay nhất về Bí tích Thánh Thể là chính Bí tích Thánh Thể, khi được cử hành một cách tốt đẹp”.[83] Tự bản chất, phụng vụ có thể có hiệu quả về mặt giáo dục trong khi giúp các tín hữu tiến sâu hơn vào mầu nhiệm đang được cử hành. Đó là lý do tại sao, theo truyền thống cổ xưa nhất của Hội Thánh, việc đào tạo Kitô giáo luôn luôn có đặc tính cảm nghiệm. Trong khi không coi nhẹ việc học hỏi nội dung đức tin một cách có hệ thống, việc đào tạo tập trung trên việc gặp gỡ sống động và đầy thuyết phục với Đức Kitô, như đã được các chứng nhân đích thực công bố. Trước hết và trên hết chính vị chứng nhân dẫn đưa người khác đến với các mầu nhiệm. Theo lẽ tự nhiên, việc gặp gỡ đầu tiên này đạt đến chiều sâu nhờ huấn giáo và dẫn lên đến tận nguồn gốc và chóp đỉnh của nó trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Cấu trúc căn bản giúp hấp thụ kinh nghiệm Kitô giáo này đòi hỏi một tiến trình nhiệm huấn luôn luôn gắn liền với ba yếu tố sau:

a/. Giáo lý nhiệm huấn giải thích các nghi lễ trong ánh sáng của các biến cố cứu độ, phù hợp với truyền thống sống động của Hội Thánh. Bí tích Thánh Thể, trong sự phong phú vô tận của nó, luôn quy chiếu vào lịch sử cứu độ. Trong Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, chúng ta thực sự cử hành trọng tâm thâu kết mọi sự (x. Ep 1,10). Từ ban đầu, cộng đoàn Kitô giáo đã giải thích các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu, và đặc biệt Mầu nhiệm Vượt qua, trong tương quan với toàn bộ lịch sử Cựu Ước.

b/. Giáo lý nhiệm huấn cũng phải quan tâm đến việc trình bày ý nghĩa của các dấu chỉ chứa đựng trong các nghi lễ. Điều này đặc biệt quan trọng cho thời đại kỹ thuật cao như thời đại của chúng ta, một thời đại có nguy cơ đánh mất khả năng cảm kích các dấu chỉ và biểu tượng. Hơn cả việc truyền đạt thông tin, giáo lý nhiệm huấn phải có khả năng làm cho các tín hữu nhạy cảm hơn đối với ngôn ngữ các dấu chỉ và cử chỉ mà, cùng với lời đọc, làm nên nghi lễ.

c/. Cuối cùng, giáo lý nhiệm huấn phải quan tâm diễn tả tầm quan trọng của nghi lễ đối với đời sống Kitô giáo trong tất cả mọi chiều kích của nó – việc làm và trách nhiệm, tư tưởng và cảm xúc, hoạt động và nghỉ ngơi. Giáo lý nhiệm huấn có một phần việc là làm sao nêu bật được mối quan hệ giữa các mầu nhiệm được cử hành trong các nghi lễ với trách nhiệm truyền giáo của các tín hữu. Nhiệm huấn đạt đến kết quả hoàn thiện khi gây được ý thức rằng đời sống của con người đang được biến đổi dần bởi các mầu nhiệm được cử hành. Hơn nữa, mục đích của tất cả việc giáo dục Kitô giáo là huấn luyện cho người tín hữu có một đức tin trưởng thành, một đức tin có thể làm cho họ thành một “tạo vật mới”, có khả năng làm chứng trong môi trường xung quanh về niềm hy vọng Kitô giáo đã thôi thúc họ.

Nếu muốn thực hiện thành công công việc giáo dục này trong các cộng đoàn giáo hội, những người có trách nhiệm đào tạo phải được chuẩn bị cách tương xứng. Thật vậy, toàn thể Dân Chúa phải cảm thấy mình có trách nhiệm với công cuộc đào tạo này. Mỗi cộng đoàn kitô được kêu gọi trở thành địa chỉ nơi mà người ta có thể học biết các mầu nhiệm được cử hành trong đức tin. Về điều này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng yêu cầu sự dấn thân nhiều hơn của các cộng đoàn sống đời thánh hiến, các phong trào và các nhóm mà, nhờ vào đặc sủng của mình, có thể tạo nên sức bật mới cho việc đào tạo Kitô giáo.[84] Cũng trong thời đại của chúng ta, Chúa Thánh Thần tự do tuôn đổ các ân huệ của Ngài để nâng đỡ việc tông đồ truyền giáo của Hội Thánh, có trách nhiệm loan truyền đức tin và giáo dục đức tin đến mức độ trưởng thành.[85]

Lòng tôn kính đối với Bí tích Thánh Thể

65. Một dấu hiệu thuyết phục cho thấy hiệu quả của huấn giáo về Thánh Thể chắc chắn là cảm thức ngày càng tăng về mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta. Điều này có thể được diễn tả qua những dấu chỉ cụ thể bên ngoài biểu lộ lòng tôn kính đối với Bí tích Thánh Thể mà tiến trình nhiệm huấn đã in sâu vào các tín hữu.[86] Cách chung tôi đang nghĩ tới tầm quan trọng của các cử chỉ và thái độ, như là quì gối trong những phần chính của kinh nguyện Thánh Thể. Giữa các dấu chỉ đa dạng phù hợp với quy chế được sử dụng trong các bối cảnh văn hóa khác nhau, mọi người phải cảm nghiệm và biểu lộ được ý thức rằng trong mỗi buổi cử hành chúng ta đứng trước vẻ uy phong vô biên của Thiên Chúa, Đấng đến với chúng ta cách khiêm nhu trong các dấu chỉ Bí tích.

SỰ THỜ PHƯỢNG VÀ LÒNG SÙNG KÍNH THÁNH THỂ

Mối liên hệ nội tại giữa cử hành và thờ phượng

66. Một trong những giây phút đánh động nhất của Thượng Hội Đồng là khi chúng tôi họp nhau tại Đền Thờ Thánh Phêrô để chầu Thánh Thể cùng với đông đảo các tín hữu. Trong hành động cầu nguyện này, và không chỉ bằng lời, sự họp nhau của các Giám mục đã nói lên mối liên hệ nội tại giữa cử hành Thánh Thể và chầu Thánh Thể. Khía cạnh đầy ý nghĩa này trong đức tin của Hội Thánh được đánh giá ngày càng cao, điều đó là một phần quan trọng trong kinh nghiệm của chúng tôi ở những năm tiếp theo sau cuộc canh tân phụng vụ của Công Đồng Vatican II. Trong những giai đoạn đầu của cuộc canh tân, mối liên hệ cố hữu giữa Thánh Lễ và chầu Bí tích Cực Thánh đã không phải lúc nào cũng được hiểu rõ đầy đủ. Ví dụ, trong thời gian đó đã có sự phản đối rất phổ biến cho rằng bánh Thánh Thể không phải để ngắm nhìn, nhưng để ăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm cầu nguyện của Hội Thánh soi sáng, sự chia đôi như vậy là sai lầm. Như thánh Augustin đã nói: “nemo autem illam carnem manducat, nisi prius adoraverit; peccemus non adorando – Không ai ăn thịt này mà trước đó đã không thờ lạy; nếu không thờ lạy chúng ta sẽ có tội”.[87] Trong Bí tích Thánh Thể, Con Thiên Chúa đến thăm chúng ta và khao khát trở nên một với chúng ta; chầu Thánh Thể đơn giản là hiệu quả tự nhiên của cử hành Thánh Thể, và chính Thánh Lễ là hành vi thờ phượng tối cao của Hội Thánh.[88] Rước lễ là thờ lạy Đấng chúng ta đón nhận. Duy chỉ bằng cách này chúng ta trở nên một với Người, và một cách nào đó được ban cho nếm hưởng trước vẻ đẹp của phụng vụ thiên quốc. Hành động thờ lạy ngoài Thánh Lễ kéo dài và làm sâu sắc thêm tất cả những gì diễn ra trong chính cử hành Thánh Thể. Thật vậy, “một sự tiếp nhận chân thật và sâu sắc chỉ có thể chín chắn trong việc thờ lạy. Và chính sự gặp gỡ cá nhân với Chúa củng cố sứ vụ xã hội hàm chứa trong Bí tích Thánh Thể, một Bí tích cố phá vỡ không chỉ bức tường ngăn cách Chúa với chính chúng ta, mà còn, và đặc biệt là những bức tường ngăn cách chúng ta với nhau”.[89]

Thói quen chầu Thánh Thể

67. Do đó, cùng với Thượng Hội Đồng, tôi tha thiết kêu gọi các vị mục tử của Hội Thánh và Dân Chúa hãy thực hành chầu Thánh Thể, vừa chầu riêng vừa chầu chung trong cộng đoàn.[90] Nhiều ơn ích sẽ được phát sinh nhờ vào việc dạy giáo lý cách đúng đắn giải thích được tầm quan trọng của việc thờ phượng này, một hành động làm cho các tín hữu có khả năng cảm nghiệm việc cử hành phụng vụ một cách trọn vẹn và hiệu quả hơn. Bất cứ nơi nào có thể, đặc biệt trong những vùng tập trung dân cư, thiết lập những nhà thờ hoặc nguyện đường dành riêng cho việc chầu Thánh Thể là điều thích đáng. Tôi cũng đề nghị rằng các trẻ em, trong thời gian học giáo lý và cách riêng khi đang chuẩn bị rước lễ lần đầu, được dạy về ý nghĩa và nét đẹp của những giây phút ở bên Chúa Giêsu, và được giúp đỡ để vun trồng tâm tình ngưỡng mộ trước sự hiện diện của Người trong Bí tích Thánh Thể.

Ở đây tôi muốn diễn tả sự ngưỡng mộ và nâng đỡ tất cả các Tu Hội Sống Đời Thánh Hiến đã có các thành viên dâng một phần thời gian đầy ý nghĩa để chầu Thánh Thể. Bằng cách này họ nêu lên một mẫu gương về đời sống được nhào nặn bởi sự hiện diện thật của Chúa. Tôi cũng muốn động viên các hiệp hội dành cho các tín hữu và các đoàn thể dấn thân đặc biệt cho việc chầu Thánh Thể; họ phục vụ như là men chiêm niệm cho toàn thể Hội Thánh và như một lời kêu gọi các cá nhân và cộng đoàn hãy đặt Đức Kitô ở trung tâm cuộc đời họ.

Những hình thức sùng kính Thánh Thể

68. Mối liên hệ cá nhân mà từng người tín hữu thiết lập với Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể hướng họ ra khỏi chính mình để đạt đến sự hiệp thông toàn vẹn của Hội Thánh và nuôi dưỡng một ý thức tư cách thành viên trong Thân Thể Đức Kitô được phong phú hơn. Vì lý do này, ngoài việc khuyến khích từng tín hữu dành thời gian để cầu nguyện riêng trước Bí tích Bàn Thờ, tôi cảm thấy bắt buộc phải thúc đẩy các giáo xứ và các nhóm giáo hội khác lập những giờ chầu chung. Dĩ nhiên, đã có những hình thức tôn sùng Thánh Thể vẫn còn nguyên giá trị của chúng. Ví dụ, tôi đang nghĩ đến những cuộc kiệu Thánh Thể, cách riêng kiệu Thánh Thể theo truyền thống vào ngày lễ Mình Máu Đức Kitô, dâng hiến Bốn mươi giờ chầu, những đại hội Thánh Thể địa phương, quốc gia và quốc tế, và những sáng kiến tương tự khác. Nếu được cập nhật một cách phù hợp và được thích nghi với các hoàn cảnh địa phương, những hình thức sùng kính này ngày nay vẫn đáng được thực hành.[91]

Vị trí của nhà tạm

69. Khi cân nhắc tầm quan trọng của việc lưu giữ và chầu Thánh Thể, của việc tôn kính dành cho Bí tích hy tế của Đức Kitô, Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng thảo luận vấn đề vị trí thích hợp của nhà tạm trong các nhà thờ.[92] Đặt nhà tạm đúng chỗ giúp nhận biết sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Do đó, vị trí nơi cất giữ bánh Thánh Thể phải được mọi người trông thấy ngay khi bước vào nhà thờ, một phần cũng nhờ ánh đèn chiếu sáng liên tục làm dấu hiệu. Vì vậy cần lưu ý đến kiến trúc tòa nhà: trong các nhà thờ không có nhà nguyện cất giữ Thánh Thể, và những nơi đã sắp đặt nhà tạm trên bàn thờ giữa, có thể tiếp tục sử dụng cấu trúc này để cất giữ và tôn thờ Thánh Thể, như vậy tránh đặt ghế chủ toạ phía trước nhà tạm. Trong các nhà thờ mới, sẽ là điều tốt nếu sắp đặt nhà nguyện Thánh Thể gần cung thánh; nơi nào không thể làm như thế, thì ưu tiên đặt nhà tạm trong gian cung thánh, trên một nơi khá cao, ở trung tâm của phần cuối cung thánh, hay tại một nơi khác cũng có thể trông thấy dễ dàng như vậy. Lưu ý đến những cân nhắc này sẽ nâng cao phẩm giá của nhà tạm, nơi luôn luôn phải được chăm sóc cẩn thận, ngay cả dưới quan điểm nghệ thuật. Hiển nhiên cần phải theo những điều khoản trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma về vấn đề này.[93] Trong mọi trường hợp, phán quyết cuối cùng về vấn đề thuộc thẩm quyền Giám mục.

***

PHẦN THỨ BA

THÁNH THỂ, MẦU NHIỆM ĐỂ SỐNG

“Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57).

 

KHUÔN MẪU THÁNH THỂ CỦA ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Việc phượng tự thiêng liêng – logiké latreía (Rm 12,1)

70. Nói về việc hiến ban sự sống của chính mình, Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên lương thực chân lý và tình yêu cho chúng ta, đã đảm bảo với chúng ta rằng “ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51). Nhưng “sự sống vĩnh cửu” này đã khởi sự nơi chúng ta trong thời gian, nhờ sự biến đổi mà hồng ân Thánh Thể sinh ra nơi chúng ta: “Kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57). Những lời này của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu rằng chính trong mầu nhiệm chúng ta tin và cử hành chứa đựng một sự năng động làm nên nguyên lý của đời sống mới nơi chúng ta và làm nên khuôn mẫu cho đời sống Kitô hữu. Khi hiệp thông với Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, chúng ta luôn được thông dự vào sự sống thần linh cách trưởng thành và ý thức hơn. Ở đây chúng ta có thể áp dụng điều thánh Augustin đã nói trong quyển Tự Thuật của ngài về Lời (Logos) vĩnh cửu như là lương thực của linh hồn; nhấn mạnh đến tính nghịch lý của lương thực này, vị thánh tiến sĩ tưởng như mình được nghe: “Ta là lương thực cho những người cao thượng. Hãy trở nên cao thượng, và con sẽ ăn Ta, con sẽ không biến đổi Ta thành con, giống như lương thực thân xác con; nhưng con sẽ được biến đổi thành Ta”.[94] Thực vậy, không phải của ăn Thánh Thể biến thành chúng ta, nhưng chính chúng ta được biến đổi cách mầu nhiệm bởi Thánh Thể. Đức Kitô nuôi dưỡng chúng ta bằng cách nối kết chúng ta với Người; “Người lôi kéo chúng ta đến với Người”.[95]

Việc cử hành Thánh Thể, với tất cả sức mạnh của mình, tỏ hiện như là nguồn suối và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, vì nó đồng thời vừa là khởi đầu vừa là hoàn tất phượng tự mới và tối hậu, “Logiké latreía”.[96] Về điều này, những lời của thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma là cách trình bày tổng hợp nhất về cách thức nhờ đó Thánh Thể biến đổi tất cả đời sống chúng ta thành việc phượng tự thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Ngài” (Rm 12,1). Trong lời khuyên nhủ này, hình ảnh phượng tự mới tỏ hiện như là việc hiến dâng trọn vẹn con người trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh. Sự lưu tâm của vị Tông đồ đối với việc hiến dâng thân xác của chúng ta nhấn mạnh tính cụ thể và nhân bản của việc phượng tự không chút coi thường thân xác. Cũng liên quan đến điểm này, vị thánh thành Hippone còn nhắc nhở chúng ta rằng nơi “hy lễ của những người Kitô hữu, dù đông đảo đến đâu, nhưng trong Đức Kitô, chúng ta chỉ làm nên một thân thể duy nhất. Như người tín hữu biết, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm ấy trong Bí tích bàn thờ, nơi Hội Thánh nhận ra mình được hiến dâng trong chính hy lễ mình dâng hiến”.[97] Thực tế, giáo lý Công Giáo khẳng định rằng Thánh Thể, với tư cách là hy lễ của Đức Kitô, cũng là hy lễ của Hội Thánh, và như thế là của mọi tín hữu.[98] Việc nhấn mạnh đến hy lễ ở đây – nghĩa là “làm cho nên thánh thiêng” – nói lên tất cả chiều sâu hiện sinh bao hàm trong sự biến đổi thực tại nhân loại của chúng ta, một thực tại được chiếm hữu bởi Đức Kitô (x. Pl 3,12).

Hiệu quả toàn vẹn của việc tôn thờ Thánh Thể

71. Việc phượng tự mới của người Kitô hữu bao trùm hết mọi khía cạnh của đời sống, bằng cách biến đổi chính đời sống này: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Trong mọi hành vi của đời sống, người Kitô hữu được mời gọi bày tỏ việc phượng tự đích thực dành cho Thiên Chúa. Chính trong việc phượng tự đích thực mà căn tính Thánh Thể của đời sống Kitô hữu bắt đầu hình thành. Vì liên hệ đến cả thực tại nhân loại của tín hữu trong đời sống cụ thể hằng ngày, Thánh Thể có khả năng ngày qua ngày tạo nên sự biến đổi nơi con người, được mời gọi trở nên hình ảnh của Con Thiên Chúa (x. Rm 8,29tt). Chẳng có gì thực sự nhân loại mà không tìm thấy trong bí thích Thánh Thể khuôn mẫu thích hợp để được sống cách sung mãn, từ tư tưởng và tình cảm cho đến lời nói và việc làm. Tất cả giá trị nhân loại của sự mới mẻ triệt để mà Đức Kitô mang đến trong Thánh Thể tỏ hiện ở đây: việc phượng tự dành cho Thiên Chúa trong đời sống con người không thể bị đóng khung trong một thời khắc đặc biệt và riêng tư nào đó, nhưng do tự bản chất, việc phượng tự này hướng tới việc thấm nhập từng khía cạnh của thực tại con người. Vì thế việc phượng tự đẹp lòng Thiên Chúa trở thành một cách thức mới mẻ để sống mọi hoàn cảnh của cuộc đời, ở đó mọi nét đặc thù đều được thăng hoa trong mức độ chúng được sống trong tương quan với Đức Kitô và được hiến dâng cho Thiên Chúa. “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa”.[99]

“IUXTA DOMINICAM VIVENTES” – SỐNG ĐÚNG THEO NGÀY CHÚA NHẬT

72. Tính mới mẻ triệt để mà Thánh Thể mang đến cho đời sống con người đã thể hiện nơi ý thức Kitô hữu ngay từ buổi đầu. Các tín hữu đã sớm nhận ra tầm ảnh hưởng sâu sắc của việc cử hành Thánh Thể trên lối sống của họ. Bởi thế, thánh Inhaxio thành Antiokhia đã diễn tả chân lý này khi gọi Kitô hữu là những người “đã đạt tới niềm hy vọng mới”; thánh nhân đã giới thiệu họ như là những người sống “đúng theo ngày Chúa Nhật” (iuxta dominicam viventes).[100] Công thức của vị tử đạo cao cả thành Antiokhia rõ ràng đã làm sáng tỏ mối liên quan giữa thực tại Thánh Thể và cuộc đời Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày. Thói quen đặc thù của những người Kitô hữu họp nhau lại ngày thứ nhất sau ngày sabát để cử hành sự phục sinh của Đức Kitô – theo tường thuật của thánh Justinô tử đạo – [101] cũng là yếu tố xác định khuôn mẫu của đời sống được đổi mới nhờ gặp gỡ Đức Kitô. Công thức của thánh Inhaxio – “Sống đúng theo ngày Chúa Nhật” – cũng nhấn mạnh giá trị mô phạm của ngày thánh này so với những ngày khác trong tuần lễ. Thật vậy, sự khác biệt của Chúa Nhật không đơn giản là việc ngừng các hoạt động thường ngày, như thể một đóng mở ngoặc xen vào giữa nhịp sống bình thường của các ngày. Những người Kitô hữu đã luôn xem ngày này như là ngày thứ nhất của tuần lễ, bởi vì trong ngày này họ tưởng nhớ đến sự mới mẻ triệt để được Đức Kitô mang đến. Vì thế Chúa Nhật là ngày mà người Kitô hữu nhận ra khuôn mẫu Thánh Thể của đời sống mình, theo đó họ được gọi để sống luôn mãi. “Sống đúng theo ngày Chúa Nhật” có nghĩa là sống trong ý thức về sự tự do mà Đức Kitô mang đến và hoàn tất cuộc sống mình như một hiến lễ dâng lên Thiên Chúa, để sự chiến thắng của Người được tỏ bày cách trọn vẹn cho mọi người bằng một lối sống được đổi mới tận sâu thẳm.

Sống giới răn ngày Chúa Nhật

73. Ý thức về nguyên lý sống mới mà Thánh Thể mang đến cho người Kitô hữu, các Nghị phụ đã khẳng định lại tầm quan trọng của giới răn giữ ngày Chúa Nhật đối với mọi tín hữu như là nguồn tự do đích thực, hầu có thể sống những ngày khác trong tuần tùy thuộc vào điều họ đã cử hành vào “Ngày của Chúa”. Thật vậy, đời sống đức tin sẽ gặp nguy hiểm khi người ta không còn cảm thấy khao khát tham dự vào việc cử hành Thánh Thể, là lúc tưởng niệm chiến thắng phục sinh. Tham dự vào cộng đoàn phụng vụ Chúa Nhật, cùng với mọi anh chị em của chúng ta làm nên một thân thể duy nhất trong Đức Giêsu Kitô, là đòi buộc của lương tâm Kitô hữu đồng thời cũng đào luyện lương tâm Kitô hữu. Mất ý thức về ngày Chúa Nhật như là Ngày của Chúa cần phải thánh hóa là triệu chứng mất đi ý thức chân chính của tự do Kitô hữu, sự tự do của những người con cái Thiên Chúa.[102] Về điều này, những nhận xét liên quan đến những chiều kích khác nhau của ngày Chúa Nhật đối với người Kitô hữu trong Tông thư Ngày của Chúa (Dies Domini),[103] của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị tiền nhiệm của tôi, vẫn còn giá trị quý báu: Chúa Nhật là Ngày của Chúa (Dies Domini), khi quy chiếu vào công trình sáng tạo; Chúa Nhật là Ngày của Đức Kitô (Dies Christi) với tư cách là ngày của sáng tạo mới và của hồng ân Thánh Thần mà Chúa Phục Sinh trao ban; Chúa Nhật là Ngày của Hội Thánh (Dies Ecclesiae) hiểu như là ngày cộng đoàn Kitô hữu họp nhau để cử hành; Chúa Nhật là Ngày của con người (Dies hominis) hiểu như là ngày vui mừng, nghỉ ngơi và bác ái huynh đệ.

Một ngày như thế rõ ràng là ngày lễ quan trọng hàng đầu, ngày mà mọi tín hữu có thể chứng tỏ trong môi trường mình sống như là người loan báo và gìn giữ ý nghĩa của thời gian. Thật vậy, ý nghĩa Kitô giáo của cuộc sống và một cách thức mới mẻ sống chiều kích thời gian, các mối tương quan, công việc, sự sống và sự chết bắt nguồn từ ngày này. Vì thế thật thích hợp khi vào Ngày của Chúa, cùng với việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật, các nhóm trong Hội Thánh tổ chức những cách biểu lộ đặc thù của cộng đoàn Kitô hữu: gặp gỡ thân mật, sáng kiến giáo dục Kitô giáo cho các trẻ em, những người trẻ và những người trưởng thành, những cuộc hành hương, việc bác ái và các loại gặp gỡ cầu nguyện khác. Dù rằng chiều thứ Bảy, kể từ Kinh chiều I, đã thuộc về ngày Chúa Nhật, và bởi đó được phép hiểu là đã chu toàn giới răn giữ ngày Chúa Nhật từ chiều thứ Bảy, nhưng vì những lý do rất quan trọng nêu trên, nên thật cần thiết nhắc lại rằng chính ngày Chúa Nhật đáng được thánh hóa, để ngày này không kết thúc như một ngày “vắng bóng Thiên Chúa”.[104]

Ý nghĩa của nghỉ ngơi và lao động

74. Sau hết, đối với thời đại của chúng ta, thật khẩn thiết để nhắc lại rằng Ngày của Chúa cũng là ngày nghỉ làm việc. Chúng tôi rất ước mong điều đó cũng được nhìn nhận bởi xã hội dân sự, sao cho mỗi người dân được nghỉ làm việc mà không phải bị phạt. Thật vậy, những người Kitô hữu, khi đối chiếu với ý nghĩa của ngày sabát nơi truyền thống Do Thái, đã luôn xem Ngày của Chúa như ngày nghỉ ngơi, thoát khỏi những lao nhọc thường ngày. Điều đó có một ý nghĩa rõ ràng được thiết định cho con người, xác nhận tính tương đối của lao động: lao động là vì con người chứ không phải con người vì lao động. Từ nguyên lý này, thật dễ dàng nhận ra sự bảo vệ cho chính con người, để họ được giải thoát khỏi một hình thức nô lệ nào đó. Như tôi đã có dịp khẳng định, “lao động có tầm quan trọng hàng đầu cho việc thành toàn của con người và sự phát triển của xã hội, chính vì thế, lao động nên được tổ chức và thực hiện trong sự kính trọng toàn vẹn phẩm giá con người cũng như nhằm phục vụ công ích. Đồng thời, không thể chấp nhận việc con người bị nô lệ hóa bởi lao động, thần tượng hoá lao động, muốn tìm thấy nơi lao động ý nghĩa chung cuộc và quyết định của đời sống”.[105] Chính trong ngày được thánh hiến cho Thiên Chúa mà con người hiểu được ý nghĩa cuộc sống và lao động của mình.[106]

Tụ họp ngày Chúa Nhật khi thiếu vắng linh mục

75. Khi đã khám phá lại ý nghĩa của việc cử hành ngày Chúa Nhật đối với đời sống của những người Kitô hữu, thì đương nhiên phải đặt vấn đề về những cộng đoàn Kitô hữu thiếu vắng linh mục, và vì thế không thể cử hành Thánh Lễ vào Ngày của Chúa. Về vấn đề này, phải nhận rằng chúng ta đang đối diện với những hoàn cảnh rất khác biệt nhau. Trước hết, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã khuyên nhủ các tín hữu hãy đi đến một trong những nhà thờ của giáo phận, nơi chắc chắn có linh mục dâng Thánh Lễ, cho dù điều đó đòi hỏi phải hy sinh.[107] Trái lại, nơi đâu vì quá xa nhà thờ có linh mục dâng lễ, làm cho các tín hữu trong thực tế không thể đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật được, thì điều quan trọng là các cộng đoàn Kitô hữu phải tụ họp lại để chúc tụng Chúa và để tưởng niệm ngày đã được thánh hiến cho Chúa. Tuy nhiên, khi thực hành điều đó, cần phải có sự giáo dục thích đáng về sự khác biệt giữa Thánh Lễ và những buổi tụ họp ngày Chúa Nhật khi thiếu vắng linh mục. Trong trường hợp này, việc săn sóc mục vụ của Giáo hội phải tỏ ra quan tâm sao cho phụng vụ Lời Chúa phải được tổ chức dưới sự chủ toạ của một phó tế hoặc một người đã được trao phó trách nhiệm cộng đoàn cách hợp pháp bởi người có thẩm quyền, và phải diễn ra theo một nghi thức đặc biệt dùng cho việc cử hành này, được soạn thảo và chuẩn y bởi các Hội Đồng Giám Mục.[108] Tôi lặp lại, việc cho phép được trao Mình Thánh Chúa trong các buổi phụng vụ này thuộc về các Đấng Bản Quyền, sau khi thẩm định cách cẩn thận những giải pháp thích đáng để thi hành. Ngoài ra, còn phải lo liệu sao cho những buổi tụ họp như thế không đưa đến sự lẫn lộn về vai trò trung tâm của linh mục và về phương diện Bí tích trong đời sống giáo hội. Vai trò quan trọng của người giáo dân cần phải được nhìn nhận cách thích đáng vì sự quảng đại của họ nhằm phục vụ các cộng đoàn Kitô hữu, nhưng chẳng bao giờ có thể làm mờ nhạt đi thừa tác vụ không thể thay thế của các linh mục đối với đời sống của Hội Thánh.[109] Vì thế, phải quan tâm cẩn thận sao cho những buổi tụ họp khi thiếu vắng linh mục không tạo cơ hội cho những cách nhìn về Hội Thánh không còn trung thành với chân lý Phúc âm và truyền thống của Hội Thánh. Đúng hơn, những buổi tụ họp này phải là những dịp cầu nguyện đặc biệt dâng lên Thiên Chúa để xin Ngài ban cho những linh mục thánh thiện như lòng Ngài mong ước. Về điều này, thật cảm động khi đọc lại những lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Thư gửi các linh mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 1979, nhắc đến những nơi mà các tín hữu, khi bị tước mất linh mục bởi một chế độ độc tài, vẫn qui tụ lại trong một nhà thờ hay trong một cung thánh, trưng bày dây các phép mà họ còn giữ được, đọc những lời nguyện của phụng vụ Thánh Thể, giữ thinh lặng “lúc truyền phép”, để chứng tỏ rằng họ hết sức khao khát “nghe những lời mà duy chỉ có môi miệng của các linh mục mới có thể công bố một cách hữu hiệu”.[110] Trong cách nhìn này, và vì sự thiện hảo không thể sánh ví bắt nguồn từ việc cử hành Hy Tế Thánh Thể, tôi xin tất cả các linh mục hãy sẵn lòng thực sự và cụ thể đi viếng thăm thường xuyên nhất có thể những cộng đoàn được trao phó cho mình chăm sóc mục vụ, sao cho các cộng đoàn này không phải thiếu vắng quá lâu Bí tích Tình Yêu.

Một khuôn mẫu Thánh Thể của đời sống Kitô hữu: thuộc về Hội Thánh

76. Tầm quan trọng của Chúa Nhật hiểu như là Ngày của Hội Thánh (Dies Ecclesiae) dẫn chúng ta vào mối tương quan nội tại giữa chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự dữ cũng như sự chết và sự tùy thuộc của chúng ta vào Thân Thể Người là Hội Thánh. Thật vậy, trong Ngày của Chúa, mọi người Kitô hữu cũng tìm lại được chiều kích cộng đoàn của đời sống được cứu chuộc của mình. Tham dự vào hành vi phụng vụ, hiệp thông với Mình và Máu Đức Kitô cũng có nghĩa là làm cho chúng ta thuộc về Đấng đã chết vì chúng ta ngày càng mật thiết và sâu xa hơn (x. 1Cr 6,19tt; 7,23). Quả thật, ai ăn Đức Kitô sẽ sống bởi Người. Ý nghĩa sâu xa của sự hiệp thông các thánh (communio sanctorum) được hiểu trong mối tương quan với mầu nhiệm Thánh Thể. Sự hiệp thông luôn có một nghĩa không thể tách rời giữa chiều đứng và chiều ngang: hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với anh chị em của chúng ta. Hai chiều kích này gặp nhau cách Bí tích trong hồng ân Thánh Thể. “Ở đâu sự hiệp thông với Thiên Chúa, nghĩa là với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, bị phá hủy, ở đó cội rễ và nguồn suối của sự hiệp thông giữa chúng ta cũng bị phá hủy. Và ở đâu chúng ta không sống mối hiệp thông với nhau, ở đó sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi không còn sống động và cũng không còn chân thật”.[111] Được kêu gọi trở nên chi thể của Đức Kitô và bởi đó cũng là chi thể của nhau (x. 1Cr 12,27), chúng ta hợp thành một thực tại tự bản chất được xây dựng trên Bí tích Rửa Tội và được nuôi dưỡng bởi Bí tích Thánh Thể, một thực tại cần phải có cách diễn tả hữu hình trong đời sống các cộng đoàn của chúng ta.

Rõ ràng, khuôn mẫu Thánh Thể của đời sống Kitô hữu là một khuôn mẫu giáo hội và cộng đoàn. Qua Giáo Phận và các giáo xứ hiểu như là cấu trúc cơ bản của Hội Thánh trên một lãnh thổ riêng, mọi tín hữu có thể có kinh nghiệm cụ thể rằng mình thuộc về Thân Thể Đức Kitô. Những hiệp hội, những phong trào trong Hội Thánh và những cộng đoàn mới – với sự sinh động của đặc sủng được Chúa Thánh Thần ban tặng cho thời đại chúng ta, cũng như những Hội Dòng sống đời thánh hiến – có bổn phận góp phần đặc biệt của mình để giúp các tín hữu nhận thức được rằng họ thuộc về Chúa (x. Rm 14,8). Dù rằng không phải do ngẫu nhiên mà có, nhưng hiện tượng tục hoá mang nặng tính cá nhân chủ nghĩa đã gây ra những hệ quả tai hại, nhất là nơi những người sống cô lập vì thiếu hiểu biết ý nghĩa của sự tùy thuộc. Ngay từ lúc khởi đầu, Kitô giáo luôn mang tính cộng đoàn, một hệ thống những mối tương quan không ngừng được thông truyền sức sống bởi việc lắng nghe Lời, cử hành Thánh Thể, và được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần.

Linh đạo và văn hóa Thánh Thể

77. Một cách đầy ý nghĩa, các Nghị phụ đã khẳng định rằng “các tín hữu kitô cần có một sự hiểu biết sâu sắc hơn những mối tương quan giữa Thánh Thể và đời sống thường ngày. Linh đạo Thánh Thể không chỉ là là việc tham dự Thánh Lễ và tôn sùng Thánh Thể. Linh đạo này bao trùm toàn bộ đời sống”.[112] Việc nhấn mạnh này mặc lấy một ý nghĩa đặc biệt đối với tất cả chúng ta ngày nay. Phải nhận ra rằng một trong những tác hại trầm trọng nhất của sự tục hóa vừa được nhắc đến là đã đẩy đức tin Kitô giáo ra bên lề cuộc sống, như thể đức tin là vô ích cho tiến trình cụ thể của đời sống con người. Thất bại của lối sống “như thể không có Thiên Chúa” giờ đây hiện ra nhan nhãn trước mắt mọi người. Ngày nay, thật cần thiết khám phá lại rằng Đức Giêsu Kitô không đơn giản chỉ là một xác tín cá nhân hay một học thuyết trừu tượng, nhưng là một con người đích thực, mà sự hội nhập của Người vào trong lịch sử có khả năng làm mới mẻ đời sống của mọi người. Chính vì thế, Thánh Thể, hiểu như là nguồn suối và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, phải được thể hiện trong linh đạo và đời sống “theo Thánh Thần” (Rm 8,4tt; x. Gl 5,16.25). Thật ý nghĩa khi thánh Phaolô, trong một đoạn của Thư gửi tín hữu Rôma, mời gọi sống việc phượng tự thiêng liêng mới mẻ, cùng lúc nhắc nhở sự cần thiết thay đổi lối sống và cách suy nghĩ: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Bằng cách này, vị Tông đồ dân ngoại nhấn mạnh mối liên hệ giữa việc phượng tự thiêng liêng đích thực và sự cần thiết có được một cách thức mới mẻ nhận thức cuộc sống và định hướng đời sống mình. Đổi mới cách suy nghĩ là thành phần của khuôn mẫu Thánh Thể của đời sống Kitô hữu, “Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” (Ep 4,14).

Thánh Thể và việc loan báo Tin Mừng cho các nền văn hóa

78. Hệ quả của tất cả những điều đã nói trên là: Mầu nhiệm Thánh Thể dẫn chúng ta vào cuộc đối thoại với các nền văn hóa khác biệt, nhưng cũng đưa chúng ta vào trong chiều hướng thách đố các nền văn hóa này.[113] Phải nhận ra tính cách liên văn hóa của việc phượng tự mới này, của việc phượng tự xứng hợp (Logiké latreía). Sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô và việc ban tràn đầy Chúa Thánh Thần là những biến cố có thể không ngừng đối chiếu với mọi thực tại văn hóa, để gieo vào đó men Phúc Âm. Điều đó bao hàm một sự dấn thân đầy xác tín để cổ võ việc loan báo Tin Mừng cho các nền văn hóa, với ý thức rằng chính Đức Kitô là chân lý của mọi người và của toàn thể lịch sử nhân loại. Thánh Thể trở thành tiêu chuẩn phân định tất cả những điều Kitô giáo phải đối diện nơi các nền văn hóa khác biệt. Chính trong tiến trình quan trọng này mà chúng ta có thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa những lời của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thesalônica: “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ” (5,2).

Thánh Thể và tín hữu giáo dân

79. Trong Đức Kitô, Đầu của Hội Thánh là Thân Thể Người, mọi người Kitô hữu hợp thành “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Ngài” (1Pr 2,9). Là mầu nhiệm để sống, Thánh Thể được hiến ban cho mỗi chúng ta trong điều kiện hiện tại, làm cho hoàn cảnh sống của chúng ta trở nên nơi sống hằng ngày sự mới mẻ của Kitô giáo. Nếu Hy Tế Thánh Thể nuôi dưỡng và làm lớn lên nơi chúng ta điều đã được trao ban trong Bí tích Rửa Tội, nhờ đó tất cả chúng ta được mời gọi đến sự thánh thiện,[114] điều đó phải xuất hiện và bày tỏ cách đích thực nơi những hoàn cảnh hoặc tình trạng sống của mỗi người Kitô hữu. Ngày qua ngày, họ trở nên một phượng tự đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách sống ơn gọi của chính mình. Khởi điểm từ sự tập hợp phụng vụ, chính Bí tích Thánh Thể dẫn đưa chúng ta vào trong thực tại hằng ngày để mọi sự được thực hiện vì vinh quang của Thiên Chúa.

Bởi vì thế giới là “cánh đồng” (Mt 13,38) trong đó Thiên Chúa gieo vào hạt giống tốt là con cái Ngài, các Kitô hữu giáo dân, do Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, và được củng cố nhờ Thánh Thể, được mời gọi sống tính mới mẻ triệt để được Đức Kitô mang đến ngay giữa lòng cuộc sống của họ.[115] Họ cần nuôi dưỡng ước muốn này: Thánh Thể luôn biểu bộ ngày càng sâu xa hơn trong đời sống thường ngày của họ, làm cho họ trở thành những chứng nhân nhất quán trong môi trường làm việc của họ và trong khắp xã hội.[116] Tôi đặc biệt khuyến khích các gia đình, để họ có thể tìm thấy nguồn cảm hứng và sức mạnh nơi Bí tích này. Tình yêu giữa người nam và người nữ, việc tiếp nhận sự sống, nhiệm vụ giáo dục con cái, tỏ ra là những nơi ưu tiên, nơi mà Thánh Thể có thể thực hiện khả năng biến đổi và dẫn đưa cuộc sống đến sự tròn đầy ý nghĩa của nó.[117] Các mục tử đừng bao giờ quên sót bổn phận trợ giúp, giáo dục và khuyến khích các tín hữu giáo dân sống cách trọn vẹn ơn gọi nên thánh của họ giữa thế gian này, thế gian mà Thiên Chúa đã quá yêu thương đến nỗi trao ban Con của Ngài làm Đấng Cứu Độ (x. Ga 3,16).

Thánh Thể và linh đạo linh mục

80. Quả thật, khuôn mẫu Thánh Thể của đời sống Kitô hữu thể hiện cách đặc biệt trong đời sống linh mục. Linh đạo linh mục tự bản chất là Thánh Thể. Hạt mầm của linh đạo này đã được tìm thấy nơi những lời Đức Giám mục công bố trong phụng vụ Phong Chức: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm thánh giá Chúa”.[118] Để làm cho đời sống mình trở nên một khuôn mẫu Thánh Thể mỗi ngày càng hoàn hảo hơn, linh mục phải dành một vị trí ưu tiên cho đời sống tu đức ngay từ giai đoạn đầu của việc đào tạo, và trong những năm tiếp theo.[119] Linh mục luôn luôn được gọi trở nên người thật sự đi tìm Thiên Chúa, đồng thời vẫn gần gũi với những bận tâm của con người. Một đời sống tu đức vững mạnh sẽ cho phép người linh mục bước vào trong sự hiệp thông sâu thẳm hơn với Chúa và sẽ giúp người linh mục sẵn sàng để mình bị chiếm hữu bởi tình yêu của Thiên Chúa, và trở nên chứng nhân của Ngài trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong lúc khó khăn hay u tối. Với mục đích này, tôi, cùng với các Nghị Phụ, khuyên nhủ các linh mục hãy “dâng Thánh Lễ mỗi ngày, cho dù không có giáo dân tham dự”.[120] Trước hết, lời khuyên nhủ này phù hợp với giá trị khách quan vô tận của mỗi lần cử hành Thánh Thể; kế đến, lời khuyên này được thúc đẩy bởi hiệu quả thiêng liêng vô song của Thánh Lễ, bởi vì nếu được chú tâm sống với niềm tin, Thánh Lễ trở nên nơi đào luyện, với ý nghĩa sâu sắc nhất của từ này, theo mức độ Thánh Lễ thúc đẩy việc trở nên đồng hình với Đức Kitô và củng cố linh mục trong ơn gọi của mình.

Thánh Thể và đời sống thánh hiến

81. Trong khung cảnh của những mối tương quan giữa Thánh Thể và những ơn gọi khác nhau trong Hội Thánh rực sáng lên cách đặc biệt “chứng từ tiên tri của các tu sĩ, những người tìm thấy trong cử hành và tôn thờ Thánh Thể sức mạnh để bước theo Đức Kitô cách triệt để trong đời sống vâng phục, nghèo khó và khiết tịnh.[121] Khi xả thân phục vụ trong lãnh vực đào tạo nhân bản và săn sóc những người nghèo, trong ngành giáo dục và trong việc trợ giúp những bệnh nhân, các tu sĩ biết rằng mục đích chính của đời sống họ là “chiêm ngưỡng chân lý thần linh và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa”.[122] Sự đóng góp chính yếu mà Hội Thánh chờ đợi nơi đời sống thánh hiến thuộc trật tự hiện hữu hơn là trật tự hoạt động. Về điểm này, tôi muốn nhắc lại tầm quan trọng của chứng từ về sự khiết tịnh, đặc biệt trong tương quan với mầu nhiệm Thánh Thể. Cùng với mối liên hệ với sự độc thân linh mục, mầu nhiệm Thánh Thể cũng có một tương quan nội tại với đức khiết tịnh của tu sĩ, trong mức độ sự khiết tịnh này là cách diễn tả sự hiến dâng trọn vẹn của Hội Thánh cho Đức Kitô và đón nhận Người như Hôn phu của mình với một lòng trung tín tuyệt đối và phong nhiêu.[123] Trong Thánh Thể, sự khiết tịnh của tu sĩ tìm gặp nguồn cảm hứng và lương thực cho sự dâng hiến trọn vẹn cho Đức Kitô. Sự khiết tịnh của tu sĩ cũng múc được từ Thánh Thể nguồn trợ lực và sự thúc đẩy trở nên dấu chỉ tình yêu nhưng không và phong nhiêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Cuối cùng, qua chứng từ đặc biệt này, đời sống thánh hiến khách quan trở nên lời nhắc nhở và sự tham dự trước vào “tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,7-9), và đó cũng là mục đích của toàn thể lịch sử cứu độ. Theo nghĩa này, đời sống thánh hiến quy chiếu cách hiệu quả vào viễn tượng cánh chung mà mọi người cần có để có thể định hướng những chọn lựa và những quyết định của đời mình.

Thánh Thể và sự biến đổi luân lý

82. Khi khám phá ra vẻ đẹp của khuôn mẫu Thánh Thể cho đời sống Kitô hữu, chúng ta cũng được thúc đẩy suy nghĩ về những năng lực luân lý khởi đi từ khuôn mẫu này như một trợ giúp cho tự do đích thực của con cái Chúa. Tôi ước muốn lấy lại ở đây một chủ đề đã được đề cập ở Thượng Hội Đồng Giám Mục liên quan đến mối liên hệ giữa khuôn mẫu Thánh Thể của cuộc sốngsự biến đổi luân lý. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng đời sống luân lý “có một giá trị phượng tự thiêng liêng” (Rm 12,1; x. Pl 3,3), kín múc và được nuôi dưỡng từ nguồn suối thánh thiện và hiển vinh không hề vơi của Thiên Chúa là các Bí tích, đặc biệt là Thánh Thể: thật vậy, “khi tham dự vào Hy tế thập giá, người Kitô hữu hiệp thông vào tình yêu tự hiến của Đức Kitô, được trang bị để dấn thân sống đức ái trong mọi hành động và mọi cư xử của đời sống mình”.[124] Cuối cùng, chính trong việc phượng tự và việc rước lễ mà người Kitô hữu nhận ra mình được yêu thương, để rồi đến lượt mình cũng phải yêu thương người khác. “Bí tích Thánh Thể mà không đưa đến hành động thực tiễn của tình yêu thì không còn nguyên vẹn”.[125]

Việc nhắc lại giá trị luân lý của phượng tự thiêng liêng không thể được giải thích theo kiểu giáo hóa luân lý. Điều cốt yếu trước tiên là việc vui mừng khám phá ra tính năng động của tình yêu bằng một con tim biết đón nhận hồng ân của Chúa, hiến thân cho Ngài và tìm thấy sự tự do đích thực. Sự biến đổi luân lý, bao hàm trong việc phượng tự mới, được thiết lập bởi Đức Kitô, là một sự vươn lên và là một khát vọng sâu thẳm muốn đáp trả tình yêu Chúa bằng trọn cả con người mình, trong khi vẫn hoàn toàn ý thức sự mỏng giòn của bản thân. Điều chúng ta vừa nói phản ánh rõ nét trong trình thuật phúc âm liên quan đến Giakêu (x. Lc 19,1-10). Sau khi đã đón Chúa Giêsu vào nhà mình, người thu thuế cảm thấy hoàn toàn được biến đổi: anh ta quyết định trao tặng nửa phần gia tài mình cho những người nghèo và trả lại gấp bốn cho những người mà anh ta đã từng chiếm đoạt. Sự vươn lên về mặt luân lý nẩy sinh từ sự đón tiếp Chúa Giêsu trong đời sống, phát xuất từ lòng biết ơn do được kinh nghiệm về sự gần gũi thân tình của Chúa, chứ không do chút công trạng nào của chúng ta.

Sự nhất quán Thánh Thể

83. Thật quan trọng nêu lên điều mà các Nghị Phụ đã gọi là sự nhất quán Thánh Thể (congruentiam eucharisticam), phẩm chất mà đời sống chúng ta được mời gọi đạt tới. Thật vậy, việc phượng tự đẹp lòng Thiên Chúa chẳng bao giờ là một hành vi thuần tuý cá nhân, chẳng ảnh hưởng gì đến các mối tương quan xã hội của chúng ta: việc phượng tự này đòi hỏi một chứng từ công khai của đức tin chúng ta. Dĩ nhiên điều đó đòi buộc mọi người đã được rửa tội, nhưng đòi buộc cách đặc biệt hơn những người, do địa vị xã hội hoặc chính trị của họ, phải đưa ra những quyết định liên quan đến những giá trị căn bản, như tôn trọng và bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai đến khi chết cách tự nhiên, như xây dựng gia đình trên nền tảng hôn nhân giữa người nam và người nữ, tự do giáo dục con cái và thăng tiến công ích dưới mọi hình thức.[126] Những giá trị này là không thể thỏa hiệp. Bởi đó, những nhà chính trị và những nhà lập pháp Công Giáo, ý thức về trách nhiệm xã hội nặng nề này, phải để cho mình đặc biệt được chất vấn bởi lương tâm được đào luyện cách thích đáng, để giới thiệu và bảo vệ những luật lệ lấy cảm hứng từ những giá trị được xây dựng trên bản tính con người.[127] Điều đó có một liên hệ khách quan với Thánh Thể (x. 1Cr 11,27-29). Các Giám mục được đòi hỏi phải không ngừng nhắc lại những giá trị này; đó là một phần trong trách nhiệm đối với đoàn chiên được trao phó cho các ngài.[128]

THÁNH THỂ: MẦU NHIỆM ĐỂ LOAN BÁO

Thánh Thể và sứ vụ

84. Trong bài giảng Thánh Lễ khởi đầu cách lọng trọng thừa tác vụ của tôi trên ngai toà Phêrô, tôi đã nói: “Chẳng có gì đẹp hơn việc được gặp gỡ và được cuốn hút bởi Tin Mừng, bởi Đức Kitô. Chẳng có gì đẹp hơn việc nhận biết Đức Kitô và thông truyền cho người khác tình bạn với Người”.[129] Khẳng định này sẽ đạt tới một cường độ mạnh mẽ nếu chúng ta nghĩ đến mầu nhiệm Thánh Thể. Thật vậy, chúng ta không thể chỉ giữ cho riêng mình tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí tích này. Tự bản chất, Bí tích này đòi được thông truyền cho mọi người. Điều mà thế giới cần chính là tình yêu Thiên Chúa, là gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người. Chính vì thế, Thánh Thể không chỉ là nguồn suối và chóp đỉnh đời sống của Hội Thánh; Thánh Thể cũng là nguồn suối và chóp đỉnh sứ vụ của Hội Thánh: “Một Hội Thánh thật sự sống Thánh Thể là một Hội Thánh truyền giáo”.[130] Chính chúng ta có bổn phận phải nói cho anh chị em chúng ta với niềm xác tín: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1Ga 1,3). Thực tế, chẳng có gì đẹp hơn việc gặp gỡ Đức Kitô và thông truyền Đức Kitô cho mọi người. Hơn nữa, chính việc thiết lập Thánh Thể báo trước trọng tâm sứ vụ của Chúa Giêsu: Người được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc thế gian (x. Ga 3,16-17; Rm 8,32). Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ Bí tích hiện tại hóa hy tế mà chính Người đã thực hiện, bởi vâng phục Chúa Cha, vì phần rỗi của tất cả chúng ta. Chúng ta không thể đến gần Bàn tiệc Thánh Thể mà không để cho mình được dẫn đưa vào trong việc thi hành sứ vụ, một sứ vụ bắt nguồn từ chính trái tim của Thiên Chúa và muốn liên kết mọi người lại với nhau. Vì thế, định hướng truyền giáo là yếu tố cấu tạo nên khuôn mẫu Thánh Thể của đời sống Kitô hữu.

Thánh Thể và việc làm chứng

85. Sứ vụ đầu tiên và căn bản, bắt nguồn từ những Mầu nhiệm thánh mà chúng ta cử hành, là làm chứng bằng chính đời sống của chúng ta. Sự kinh ngạc thích thú trước hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng chúng ta trong Đức Kitô in sâu vào đời sống chúng ta một sự năng động mới, thúc đẩy chúng ta trở nên những chứng nhân cho tình yêu của Ngài. Chúng ta chỉ trở nên những chứng nhân khi có một Đấng khác tỏ hiện và thông truyền qua hành động, lời nói và thái độ của chúng ta. Chúng ta có thể nói rằng việc làm chứng là phương thế nhờ đó chân lý về tình yêu của Thiên Chúa gặp gỡ con người trong lịch sử, mời gọi họ tự do đón nhận tính mới mẻ triệt để này. Trong việc làm chứng, Thiên Chúa chấp nhận chuốc lấy nguy cơ, nếu có thể nói như thế, trước tự do của con người. Chính Chúa Giêsu là vị chứng nhân trung thành và chân thực (x. Kh 1,5; 3,14); Người đã đến để làm chứng cho sự thật (x. Ga 18,37). Ở đây, tôi rất muốn lặp lại một khái niệm quý báu đối với những người Kitô hữu tiên khởi, nhưng cũng liên quan đến tất cả chúng ta, những người Kitô hữu hôm nay: làm chứng đến tự hiến chính mình, đến cả việc tử đạo, luôn được xem là chóp đỉnh của việc phượng tự thiêng liêng mới: “Hãy hiến dâng thân mình anh em” (Rm 12,1). Chẳng hạn, thử nghĩ đến trình thuật về sự tử đạo của thánh Polycarpe thành Smyrne, một đồ đệ của thánh Gioan: mọi diễn tiến bi thảm đều được diễn tả như một phụng vụ, mà chính vị tử đạo muốn nên như Thánh Thể.[131] Chúng ta cũng nghĩ đến ý thức Thánh Thể mà thánh Inhaxio thành Antiokhia mô tả nhắm đến cuộc tử đạo của mình: ngài tự coi mình như là “hạt lúa mì của Thiên Chúa”, và qua cuộc tử đạo ngài muốn trở nên “tấm bánh tinh tuyền của Đức Kitô”.[132] Người Kitô hữu hiến dâng mạng sống mình qua việc tử đạo bước vào trong sự hiệp thông trọn vẹn với cuộc Vượt qua của Đức Giêsu Kitô, và như thế họ trở nên Thánh Thể cùng với Người. Ngày nay vẫn còn đó những vị tử đạo giữa lòng Hội Thánh, nhờ họ tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ cách chóp đỉnh. Cho dù chúng ta không phải chịu thử thách tử đạo, nhưng chúng ta vẫn biết rằng việc phượng tự đẹp lòng Chúa đòi hỏi tận trong sâu thẳm sự sẵn sàng này,[133] và phải được thể hiện qua chứng tá đầy vui mừng và tin tưởng trước thế giới bằng một đời sống Kitô hữu nhất quán trong những môi trường mà Chúa mời gọi chúng ta loan báo Ngài.

Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất

86. Nhấn mạnh mối tương quan nội tại giữa Thánh Thể và sứ vụ cũng giúp chúng ta khám phá ra nội dung chung cuộc của việc loan báo của chúng ta. Khi lòng yêu mến Thánh Thể càng sống động trong tâm hồn của dân Kitô giáo, thì sứ vụ loan báo càng trở nên rõ ràng hơn đối với họ: mang Đức Kitô đến cho mọi người. Sứ vụ loan báo đó không phải là một ý tưởng, cũng chẳng phải là một mệnh lệnh luân lý được Đức Kitô ban ra, nhưng là việc tặng ban chính bản thân Người. Ai chưa loan truyền chân lý về Tình yêu cho anh chị em mình thì vẫn chưa cho đi đủ. Với tư cách là Bí tích cứu độ của chúng ta, chắc chắn Thánh Thể hướng chúng ta đến tính duy nhất của Đức Kitô và của ơn cứu độ mà Người đã hoàn tất bằng giá máu. Bởi đó, từ Mầu nhiệm Thánh Thể mà chúng ta tin và cử hành phát sinh nhu cầu phải thường xuyên giáo dục cho mọi người bổn phận truyền giáo mà trọng tâm là loan báo Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất.[134] Việc truyền giáo hiểu như thế sẽ tránh được cái nhìn giản lược và thuần túy xã hội, vì sự thăng tiến con người luôn luôn có trong mọi tiến trình loan báo Tin Mừng đích thực.

Tự do tôn giáo

87. Trong tinh thần này, tôi ước ao làm vang lên điều mà các Nghị phụ đã khẳng định suốt những buổi họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục liên quan đến những khó khăn trầm trọng đè nặng các cộng đoàn Kitô hữu đang sống trong tình trạng thiểu số hoặc bị tước đoạt tự do tôn giáo.[135] Chúng ta phải hết lòng cảm tạ Thiên Chúa vì những Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tìm mọi cách để loan báo Tin Mừng và sống đức tin dù phải gặp nguy hiểm đến tính mạng. Trên thế giới ngày nay không thiếu những vùng mà việc cử hành Thánh Lễ hoặc chỉ việc đi đến nhà thờ thôi đã là một chứng tá anh dũng, vì hậu quả là có thể hứng chịu sự loại trừ hoặc bạo lực. Với những chứng tá như thế, tôi muốn khẳng định lại tình liên đới của toàn thể Hội Thánh với tất cả những người chịu đau khổ vì thiếu tự do tôn giáo. Như chúng ta biết, nơi nào thiếu tự do tôn giáo, nơi đó rốt cuộc sẽ thiếu sự tự do tròn đầy ý nghĩa nhất, bởi vì trong niềm tin, con người biểu lộ quyết định sâu kín nhất liên quan đến ý nghĩa chung cuộc của đời họ. Vì thế chúng ta hãy cầu nguyện cho những không gian tự do tôn giáo được mở rộng ra trong mọi quốc gia, để cho những người Kitô hữu cũng như những tín đồ của các tôn giáo khác có thể tự do sống niềm xác tín của họ, cách cá nhân cũng như cộng đoàn.

THÁNH THỂ: MẦU NHIỆM ĐỂ TRAO BAN CHO THẾ GIỚI

Thánh Thể, bánh được bẻ ra cho sự sống thế giới

88. “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Bằng những lời này, Chúa mạc khải ý nghĩa đích thực của việc trao hiến sự sống của chính Người cho mọi người. Những lời này cũng chứng tỏ cho chúng ta thấy lòng cảm thương sâu sắc của Người đối với mọi người. Thật vậy, các Phúc Âm nhiều lần thuật lại cho chúng ta những tình cảm của Chúa Giêsu đối với con người, đặc biệt đối với những người đau khổ và những người tội lỗi (x. Mt 20,34; Mc 6,34; Lc 19,41). Qua tình cảm nhân loại sâu sắc, Người bày tỏ ý định cứu độ của Thiên Chúa dành cho mọi người, để họ đạt được sự sống đích thực. Mọi cử hành Thánh Thể hiện tại hoá cách Bí tích việc Chúa Giêsu hiến ban mạng sống trên thập giá cho chúng ta và cho toàn thể nhân loại. Đồng thời, trong Thánh Thể, Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mỗi người anh chị em của chúng ta. Như thế, từ mầu nhiệm Thánh Thể sinh ra việc phục vụ trong đức ái đối với tha nhân. “Tình yêu đó hệ tại ở điều này là, trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, tôi yêu người thân cận, cả khi tôi không thích hoặc chưa biết người đó. Điều này chỉ có thế thực hiện được từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ trở thành hiệp thông ý chí, đến độ thấm nhập vào trong tình cảm. Bấy giờ tôi học cách nhìn người khác, không phải chỉ bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Đức Giêsu Kitô”.[136] Với cách thức này, tôi nhận ra những người tôi gặp gỡ như là những anh chị em mà Chúa đã trao ban chính sự sống Người cho họ bằng cách yêu thương họ “đến cùng” (Ga 13,1). Bởi thế, khi cử hành Thánh Thể, những cộng đoàn của chúng ta phải ngày càng ý thức hơn rằng hy tế của Đức Kitô là cho mọi người, và vì thế Thánh Thể thúc đẩy mọi tín hữu cũng phải trở nên “bánh được bẻ ra” cho những người khác và dấn thân cho một thế giới ngày càng công bằng và huynh đệ hơn. Khi nghĩ đến phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, chúng ta phải hiểu ra rằng, ngày nay Đức Kitô vẫn còn tiếp tục khuyến khích các môn đệ của Người phải tự mình biết dấn thân: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16). Ơn gọi đích thực của mỗi người chúng ta hệ tại ở việc trở nên tấm bánh được bẻ ra cho sự sống của thế giới cùng với Chúa Giêsu.

Những hệ quả xã hội của Mầu nhiệm Thánh Thể

89. Việc kết hợp với Đức Kitô, Đấng hiện diện trong Bí tích, cũng mở ra cho chúng ta một tính cách mới mẻ trong những mối tương quan xã hội: “tính thần bí của Bí tích mang một đặc tính xã hội”. Thật vậy, “sự kết hợp với Đức Kitô đồng thời cũng là sự kết hợp với những người mà Chúa tự hiến thân cho họ. Tôi không thể dành riêng Đức Kitô cho một mình tôi; tôi chỉ có thể thuộc về Người trong sự kết hợp với tất cả những ai đã hoặc sẽ thuộc về Người”.[137] Về điểm này, cần phải làm sáng tỏ mối tương quan giữa Mầu nhiệm Thánh Thể và việc dấn thân xã hội. Thánh Thể là Bí tích hiệp thông giữa những anh chị em chấp nhận hoà giải với nhau trong Đức Kitô, Đấng đã làm cho những người Do Thái và những dân ngoại nên một dân duy nhất, bằng cách phá đổ bức tường thù hận chia cắt họ ra (x. Ep 2,14). Chỉ có thái độ thường xuyên hướng đến sự hoà giải mới cho phép kết hợp cách xứng đáng với Mình và Máu Đức Kitô (x. Mt 5,23-24).[138] Bằng việc tưởng niệm hy tế của Người, Người củng cố mối hiệp thông huynh đệ, và đặc biệt Người thúc đẩy những ai đang sống bất hoà sớm thực hiện việc hoà giải bằng cách mở lòng ra với đối thoại và dấn thân phục vụ công bằng. Không còn nghi ngờ gì nữa, tái lập công bằng, hoà giải và tha thứ là những điều kiện để xây dựng một nền hòa bình đích thực.[139] Từ ý thức này cũng nẩy sinh ý muốn biến đổi những cơ chế bất công để tái lập sự kính trọng phẩm giá con người vốn được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Chính nhờ việc phát triển cụ thể trách nhiệm này mà Thánh Thể hiện thực hoá trong đời sống ý nghĩa của việc cử hành. Như tôi đã có dịp khẳng định, Hội Thánh không có vai trò riêng biệt đảm nhận cuộc đấu tranh chính trị để thiết lập một xã hội công bằng nhất có thể; tuy nhiên, Hội Thánh không thể và cũng không được phép đứng bên ngoài cuộc đấu tranh cho công bằng. Hội Thánh “phải dấn thân vào cuộc đấu tranh này bằng con đường lý luận dựa theo lý trí, và phải đánh thức những sức mạnh tinh thần, mà nếu không có những sức mạnh này thì sự công bằng, vốn luôn đòi hỏi phải hy sinh, không thể được thực thi và phát triển”.[140]

Trong viễn cảnh về trách nhiệm xã hội của mọi người Kitô hữu, các Nghị phụ đã nhắc lại rằng hy tế của Đức Kitô là mầu nhiệm giải thoát không ngừng chất vấn và thách thức chúng ta. Vì thế tôi kêu gọi tất cả mọi tín hữu hãy thật sự trở nên những người kiến tạo hòa bình và công lý: “Ai thông dự vào Thánh Thể phải thật sự dấn thân xây dựng hòa bình cho thế giới chúng ta đang sống, một thế giới được ghi dấu bởi quá nhiều bạo lực và chiến tranh, và đặc biệt ngày nay bởi khủng bố, sự hủ hoá kinh tế và việc khai thác tình dục”.[141] Những vấn đề này, đến lượt chúng lại sản sinh ra những hiện tượng hèn hạ khác làm chúng ta hết sức lo lắng. Chúng ta biết rằng không thể đối phó với những tình trạng này cách hời hợt bên ngoài. Chính trong Mầu nhiệm chúng ta cử hành mà chúng ta phải đẩy lui những tình trạng đối nghịch với phẩm giá con người, mà vì họ Đức Kitô đã đổ máu mình ra để khẳng định giá trị cao trọng của mỗi con người.

Lương thực chân lý và nỗi khốn cùng của con người

90. Chúng ta không thể dửng dưng trước một vài tiến trình toàn cầu hoá thường tạo ra sự cách biệt quá đáng giữa người giàu và người nghèo ở tầm vóc quốc tế. Chúng ta phải tố giác những ai phung phí sự sung túc của trái đất, gây ra những bất công kêu thấu tới trời cao (x. Gc 5,4). Chẳng hạn, chúng ta không thể thinh lặng trước “những hình ảnh đau lòng của những trại to lớn chứa người di cư hoặc tị nạn rải rác đó đây trên thế giới, họ chỉ được tập hợp lại trong những điều kiện tạm bợ, để tránh khỏi những tình trạng còn tồi tệ hơn nhiều, trong khi họ lại có nhu cầu về mọi thứ. Những con người này không phải là anh chị em của chúng ta sao? Con cái của họ lại chẳng được sinh ra với những chờ mong hạnh phúc chính đáng như bao người khác sao?”.[142] Chúa Giêsu, Bánh hằng sống, thôi thúc chúng ta phải lưu tâm đến những tình cảnh khốn cùng mà một phần lớn nhân loại vẫn còn gặp phải: đó là những tình cảnh mà nguyên nhân của chúng thường liên quan đến một trách nhiệm rõ ràng và đáng lo ngại của loài người. Thật vậy, “dựa trên những dữ liệu thống kê sẵn có, người ta có thể khẳng định rằng chưa đầy một nửa tổng số tiền kếch sù dành để trang bị vũ khí có thể còn lớn hơn cả số tiền cần để giúp đám đông vô số những người nghèo thoát khỏi nỗi cùng khốn. Lương tâm nhân loại bị chất vấn về điều đó. Đối với những cư dân sống dưới ngưỡng cửa nghèo đói, vì tình trạng lệ thuộc vào các quan hệ quốc tế về chính trị, thương mại và văn hóa hơn là vì hậu quả của những hoàn cảnh không làm chủ được, sự dấn thân chung trong thực tế của chúng ta có thể tạo cho họ những niềm hy vọng mới”.[143]

Lương thực chân lý thôi thúc chúng ta phải đẩy lui những hoàn cảnh bất xứng với con người, trong đó người ta chết bởi thiếu lương thực vì sự bất công và sự bóc lột. Lương thực chân lý cũng gia tăng sức mạnh và sự can đảm luôn mới mẻ, để chúng ta làm việc không ngừng nhằm xây dựng nền văn minh tình thương. Ngay từ lúc ban đầu, những người Kitô hữu đã biết quan tâm chia sẻ tài sản của họ (x. Cv 4,32) và giúp đỡ những người nghèo (x. Rm 15,26). Việc quyên góp được thực hiện trong các buổi họp nhau cử hành phụng vụ là một kỷ niệm sống động về điều đó, nhưng cũng là một nhu cầu của ngày hôm nay. Những cơ quan từ thiện của Hội Thánh, đặc biệt cơ quan Caritas ở những tầm vóc khác nhau, thể hiện sự phục vụ quý báu là giúp những người có nhu cầu, nhất là những người nghèo hơn hết. Kín múc được nguồn cảm hứng từ Thánh Thể là Bí tích tình yêu, các cơ quan từ thiện trở thành cách diễn tả cụ thể tình yêu này, và vì thế đáng được tán dương và cổ võ vì sự dấn thân liên đới của họ trên thế giới.

Học thuyết xã hội của Hội Thánh

91. Mầu nhiệm Thánh Thể làm cho chúng ta có khả năng và thôi thúc chúng ta tiến đến một sự dấn thân can đảm trong những cơ chế của thế giới chúng ta, để mang vào đó những mối tương quan mới mẻ đến từ nguồn suối không hề vơi là hồng ân Thiên Chúa. Kinh nguyện mà chúng ta lặp lại trong mỗi Thánh Lễ: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, đòi buộc chúng ta phải làm hết sức có thể, trong sự hợp tác với các cơ quan quốc tế, các tập thể và những cá nhân, để chấm dứt hoặc ít ra để giảm bớt sự ô nhục của nghèo đói và thiếu hụt lương thực làm đau khổ hàng triệu người trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển. Đặc biệt người Kitô hữu giáo dân, được đào luyện từ trường học Thánh Thể, được kêu gọi đảm nhận cách trực tiếp trách nhiệm chính trị và xã hội của mình. Để họ có thể chu toàn bổn phận cách thích đáng, nên chuẩn bị cho họ bằng việc giáo dục cụ thể về đức ái và đức công bằng. Chính vì thế, như Thượng Hội Đồng Giám Mục đã yêu cầu, việc giảng dạy và cổ võ học thuyết xã hội của Hội Thánh trong mỗi Giáo Phận và trong các cộng đoàn Kitô hữu là rất cần thiết.[144] Trong gia sản quý báu khởi đầu từ truyền thống xa xưa của Hội Thánh, chúng ta tìm thấy những yếu tố hướng dẫn cách rất khôn ngoan thái độ của những người Kitô hữu khi đối diện với những vấn đề xã hội nóng bỏng. Học thuyết này, chín dần suốt chiều dài lịch sử hai ngàn năm của Hội Thánh, thể hiện rõ tính thực tế và sự quân bằng của nó, giúp tránh được những thoả hiệp sai lầm hoặc những ảo tưởng mơ hồ.

Thánh hóa thế giới và bảo vệ vũ trụ

92. Cuối cùng, để phát triển một linh đạo Thánh Thể sâu sắc, có khả năng ảnh hưởng đầy ý nghĩa trên cơ cấu xã hội, những con người tạ ơn nhờ Thánh Thể là dân Kitô giáo cần thiết phải có ý thức cử hành Thánh Thể nhân danh toàn thể vũ trụ, khát mong thánh hóa thế giới và làm việc hăng say vì mục đích này.[145] Chính Thánh Thể soi sáng tỏ tường lịch sử nhân loại và toàn thể vũ trụ. Trong cách nhìn mang tính Bí tích này, từng ngày một chúng ta học biết rằng mọi biến cố của Hội Thánh đều mang tính dấu chỉ, qua đó Thiên Chúa tự bày tỏ chính Ngài và chất vấn chúng ta. Như thế, khuôn mẫu Thánh Thể của đời sống có thể hỗ trợ cho việc thay đổi não trạng đích thực qua cách thức chúng ta đọc lịch sử và nhìn thế giới. Chính phụng vụ giáo dục chúng ta điều đó lúc dâng các lễ vật, khi vị linh mục dâng lên Thiên Chúa một lời nguyện chúc lành và cầu xin liên quan đến bánh và rượu, “hoa mầu của đất”, “của cây nho”“của lao công con người”. Bằng những lời này, nghi lễ không chỉ bao hàm việc hiến dâng cho Thiên Chúa mọi hoạt động và nỗ lực của nhân loại, mà còn thôi thúc chúng ta nhìn nhận trái đất như là tác phẩm của Thiên Chúa, nơi đó sản sinh ra lương thực cần thiết cho đời sống của chúng ta. Trái đất không còn là một thực tại trung lập, một vật chất thuần tuý để chúng ta sử dụng cách vô tội vạ theo bản năng con người. Trái đất nằm ở chính trung tâm ý định nhân lành của Thiên Chúa, trong ý định này, tất cả chúng ta được mời gọi trở nên con cái trong người Con duy nhất là Đức Giêsu Kitô (x. Ep 1,4-12). Những bận tâm chính đáng liên quan đến những điều kiện sinh thái của vũ trụ tại nhiều nơi trên thế giới có những điểm tựa trong quan điểm của niềm hy vọng Kitô giáo, một niềm hy vọng đòi buộc chúng ta làm việc cách có trách nhiệm để bảo vệ vũ trụ.[146] Quả vậy, trong mối tương quan giữa Thánh Thể và vũ trụ, chúng ta có thể khám phá ra ý định duy nhất của Thiên Chúa và thấu hiểu mối liên hệ sâu thẳm giữa vũ trụ này và “vũ trụ mới”, được hoàn tất trong sự phục sinh của Đức Kitô, Adam mới. Hiện tại chúng ta đã tham dự vào mối liên hệ này qua Bí tích Rửa Tội (x. Cl 2,12tt); như thế, trong đời sống Kitô hữu được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể đã mở ra cái nhìn về một thế giới mới, một trời mới và đất mới, một Giêrusalem mới từ trời, từ nơi Thiên Chúa xuống, “sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21,2).

Ích lợi của một Bản Toát Yếu về Thánh Thể

93. Vào lúc kết thúc những suy tư này, những suy tư trong đó tôi đã muốn dừng lại ở những định hướng được trình bày trong Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi cũng muốn đón nhận thỉnh nguyện của các Nghị Phụ để giúp dân Kitô giáo tin, cử hành và sống ngày càng tốt hơn Mầu Nhiệm Thánh Thể. Một Bản Toát Yếu sẽ được công bố nhờ những cố gắng ân cần của các Bộ có thẩm quyền; Bản Toát Yếu này sẽ bao gồm những bản văn của Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, những kinh nguyện, những giải thích về các Kinh Nguyện Thánh Thể của Sách Lễ Rôma và tất cả những gì xét thấy hữu ích cho việc hiểu đúng, việc cử hành và việc tôn thờ Thánh Thể tại bàn thờ.[147] Tôi ước mong sao dụng cụ này có thể góp phần làm cho việc tưởng niệm cuộc Vượt qua của Chúa ngày càng trở nên nguồn suối và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh. Điều đó sẽ động viên mọi tín hữu làm cho đời sống mình trở nên một phượng tự thiêng liêng đích thực.

***

KẾT LUẬN

 

94. Anh chị em thân mến, Thánh Thể là cội rễ của mọi hình thức thánh thiện, và mỗi người chúng ta được kêu gọi đến đời sống viên mãn trong Thánh Thần. Biết bao nhiêu vị thánh đã thăng tiến trên con đường thánh thiện nhờ vào lòng sùng kính Thánh Thể! Từ thánh Inhaxio thành Antiokhia đến thánh Augustin, từ thánh Antôn Tu viện trưởng đến thánh Benedict, từ thánh Phanxicô thành Assisi đến thánh Thomas Aquinas, từ thánh Clara thành Assisi đến thánh Catarina thành Siena, từ thánh Paschal Baylon đến thánh Peter Julian Eymard, từ thánh Anphongsô Ligori đến chân phước Charles de Foucauld, từ thánh Gioan Maria Vianê đến thánh Têrêsa thành Lisieux, từ thánh Piô Pietrelcina đến chân phước Têrêsa thành Calcutta, từ chân phước Piergiorgio Frassati đến chân phước Ivan Mertz, trưng dẫn một số ít trong vô số danh tánh để thấy rằng trung tâm của sự thánh thiện luôn luôn được tìm thấy nơi Bí tích Thánh Thể.

Do đó Mầu Nhiệm rất thánh này cần được xác tín vững chắc, được cử hành sốt sắng, và được sống cách mạnh mẽ trong Hội Thánh. Sự tự hiến chính mình của Chúa Giêsu trong Bí tích tưởng niệm cuộc Vượt qua của Người nói với chúng ta rằng sự thành công của cuộc đời chúng ta hệ tại ở việc chúng ta được thông phần vào sự sống ba ngôi đã được ban cho chúng ta một cách thật sự và dứt khoát trong Người. Sự cử hành và thờ phượng Thánh Thể làm cho chúng ta có khả năng tiến lại gần tình yêu của Thiên Chúa và lưu lại trong tình yêu ấy cho đến khi chúng ta được kết hợp với Chúa, Đấng mà chúng ta yêu mến. Lễ dâng cuộc đời chúng ta, tình thân với toàn thể cộng đoàn tín hữu và sự liên đới với tất cả mọi người nam nữ là những khía cạnh thiết yếu của Logiké latreía, sự thờ phượng thiêng liêng, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), một sự thờ phượng biến đổi mọi khía cạnh nhân sinh của chúng ta, để làm vinh danh Thiên Chúa. Do đó tôi yêu cầu tất cả các mục tử đừng bỏ qua bất kỳ một nỗ lực nào để thăng tiến một linh đạo Kitô giáo có tính Thánh Thể xác thực. Các linh mục, phó tế và tất cả những người đang thực hiện một tác vụ thánh thể, khi thực thi việc phục vụ này với sự quan tâm và có chuẩn bị, phải luôn tìm thấy trong đó sức mạnh và cảm hứng cần thiết cho hành trình nên thánh của bản thân và của cộng đoàn. Tôi khuyên nhủ các Kitô hữu giáo dân, và cách riêng các gia đình, hãy tìm kiếm không ngừng nơi Bí tích tình yêu của Đức Kitô năng lượng cần thiết để làm cho đời sống của họ thành một dấu chỉ đích thực sự hiện diện của Chúa phục sinh. Tôi yêu cầu tất cả các tu sĩ hãy biểu lộ bằng đời sống mang tính thánh thể của mình ánh huy hoàng và vẻ đẹp được thuộc trọn về Chúa.

95. Vào đầu thế kỷ thứ tư, phượng tự Kitô giáo vẫn còn bị các nhà cầm quyền của đế quốc cấm cách. Một số Kitô hữu ở Bắc Phi, cảm thấy thiết thân với việc cử hành Ngày của Chúa, đã coi thường sự ngăn cấm. Họ đã chịu tử đạo sau khi tuyên xưng rằng họ không thể nào sống thiếu Thánh Thể, lương thực của Chúa: sine dominico non possumus – Chúng tôi không thể sống thiếu Chúa Nhật.[148] Xin các thánh tử vì đạo của Abitène, hiệp thông cùng rất nhiều các thánh và chân phước đã đặt Thánh Thể làm trung tâm cuộc đời của các ngài, chuyển cầu cho tất cả chúng ta và dạy chúng ta trung thành đến gặp Đức Kitô phục sinh. Chúng ta cũng không thể sống nếu không tham dự vào Bí tích của ơn cứu độ chúng ta; chúng ta cũng khao khát trở nên những người sống đúng theo ngày Chúa Nhật – Iuxta dominicam viventes, nghĩa là ứng dụng vào đời sống của chúng ta những gì chúng ta cử hành vào Ngày của Chúa. Ngày đó là ngày chúng ta được hoàn toàn giải thoát. Thế rồi, mỗi ngày chúng ta ao ước sống đời sống mới do Đức Kitô mang đến cho chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể; đó chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên lắm sao?

96. Xin Mẹ Maria Rất Thánh, Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, hòm bia của giao ước mới và vĩnh cửu, đồng hành với chúng ta trên đường đi gặp Chúa, Đấng đang đến. Nơi Mẹ, chúng ta thấy được bản chất của Hội Thánh đã được biểu lộ một cách hoàn hảo nhất. Hội Thánh nhìn thấy nơi Đức Maria – “Người Nữ của Thánh Thể”, như Đấng tôi tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô II đã gọi Mẹ[149] – hình ảnh đẹp nhất của mình, và Hội Thánh chiêm ngắm Đức Maria như gương mẫu phi thường của đời sống thánh thể. Vì thế, trước sự hiện diện trên bàn thờ của Thân Mình thật sự được Trinh Nữ Maria sinh ra (verum Corpus natum de Maria Virgine), nhân danh cộng đoàn phụng vụ, linh mục khẳng định bằng những lời trong kinh nguyện Thánh Thể: “Chúng con kính nhớ trước hết Đức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh, Mẹ của Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con”.[150] Danh thánh của Mẹ còn được kêu cầu và tôn kính ngay cả trong các kinh nguyện Thánh Thể thuộc các truyền thống Kitô giáo đông phương. Phần các tín hữu, họ “phó thác cho Đức Maria, Mẹ Hội Thánh, đời sống và lao động của họ. Khi cố gắng để có được những tâm tình như Đức Maria, họ giúp cho cả cộng đoàn trở thành lễ vật sống động đẹp lòng Chúa Cha”.[151] Mẹ là toàn mỹ (tota pulchra), vì nơi Mẹ tỏa sáng ánh huy hoàng của vinh quang Thiên Chúa. Vẻ đẹp của phụng vụ thiên quốc, vẻ đẹp phải được chiếu tỏa trong chính cộng đoàn của chúng ta, được phản chiếu cách trung thực nơi Mẹ. Nơi Đức Maria, chúng ta phải học trở nên những con người của Thánh Thể và của Hội Thánh, để từ đó, như lời thánh Phaolô, trình diện trước mặt Chúa “thánh thiện và không gì đáng trách”, như Người đã ước mong cho chúng ta ngay từ nguyên thủy (x. Cl 1,22; Ep 1,4).[152]

97. Nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Chúa Thánh Thần nhóm lên trong chúng ta cùng ngọn lửa nóng mà các môn đệ trên đường Emmaus đã cảm nghiệm (x. Lc 24,13-35) và canh tân “lòng ngưỡng mộ Thánh Thể” qua ánh rạng ngời và vẻ đẹp chiếu tỏa từ nghi thức phụng vụ, dấu chỉ hữu hiệu về vẻ đẹp vô biên của mầu nhiệm thánh của Thiên Chúa. Hai môn đệ ấy đã trỗi dậy và vội vã trở lại Giêrusalem để chia sẻ niềm vui với các anh chị em của họ trong đức tin. Niềm vui chân thật có được khi nhận ra rằng Chúa vẫn ở với chúng ta, là người bạn đồng hành trung tín trên đường đời của chúng ta. Thánh Thể làm cho chúng ta khám phá ra rằng Đức Kitô, sau khi phục sinh từ cõi chết, là người đang sống với chúng ta trong mầu nhiệm Hội Thánh, thân thể của Người. Chúng ta đã trở nên chứng nhân cho mầu nhiệm tình yêu này. Chúng ta hãy khuyến khích nhau hân hoan bước đi, tâm hồn tràn ngập niềm vui và sự ngưỡng mộ, đến với Bí tích Thánh Thể, để cảm nghiệm sự thật về những lời Chúa Giêsu đã nói khi rời bỏ các môn đệ, và để loan báo cho những người khác: “Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

 

Ban hành tại Rôma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô,

ngày 22 tháng 02 năm 2007, nhân lễ kính Lập Tông Tòa Thánh Phêrô,

trong năm thứ hai triều đại Giáo Hoàng của Tôi.

+ BENEDICTUS XVI

Giáo Hoàng

 

 

 


[1] Relatio post disceptationem, số 4: L”Osservatore Romano, 14-10-2005, tr. 5.

[2] x. Sermo 1, 7; 11, 10; 22, 7; 29, 76: Sermones dominicales ad fidem codicum nunc denuo editi, Grottaferrata 1977, tr. 135, 209tt, 292tt, 337; Benedict XVI, Sứ điệp gửi cho các Phong Trào Giáo Hội và các Cộng Đoàn Mới (22-5- 2006): AAS 98 (2006), tr. 463

[3] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ về Hội Thánh trong thế giới ngày nay Gaudium et spes, số 22.

[4] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum, số 2. 4.

[5] Propositio 33.

[6] Sermo 227, 1: PL 38, 1099.

[7] Th. Augustin, In Iohannis Evangelium Tractatus 21, 8: PL 35, 1568.

[8] Ibidem, 28,1: PL 35, 1622.

[9] x. Propositio 30. Ngay cả Thánh Lễ mà Hội Thánh cử hành trong tuần, và các tín hữu được mời gọi tham dự, cũng có hình thức chính yếu của Ngày của Chúa, ngày phục sinh của Đức Kitô; Propositio 43.

[10] x. Propositio 2.

[11] x. Propositio 25.

[12] x. Propositio 19. Propositio 25 ghi rõ: “Một hành động phụng vụ đích thực diễn tả tính thánh thiêng của Mầu Nhiệm Thánh Thể. Hành động này phải tỏ lộ trong lời nói và hành động của linh mục chủ tế, trong khi ngài chuyển cầu cùng Thiên Chúa Cha vừa với các tín hữu vừa cho các tín hữu”.

[13] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 22; x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 41; Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật các Bí tích, Huấn thị Redemptionis Sacramentum (25-3-2004), số 19-25: AAS 96 (2004), tr. 555-557.

[14] x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Hội Thánh Christus Dominus, số 14; Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 41.

[15] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 22.

[16] x. ibidem.

[17] x. Propositio 25.

[18] x. Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 112-130. (123(124)

[19] x. Propositio 27.

[20] x. ibidem.

[21] Về tất cả những gì liên quan đến các khía cạnh này, cần tuân thủ trung thành những gì đã được chỉ định trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 319-351.

[22] x. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 39-41; Công Đồng Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 112-118.

[23] Sermo 34,1: PL 38, 210.

[24] x. Propositio 25: “Như tất cả các diễn tả nghệ thuật, ngay cả ca hát phải được hài hòa cách mật thiết với phụng vụ, góp phần một cách có hiệu quả vào mục đích của phụng vụ, nghĩa là phải diễn tả đức tin, sự cầu nguyện, sự cảm mến, tình yêu đối với Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể”.

[25] x. Propositio 29.

[26] x. Propositio 36.

[27] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 116; Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 41.

[28] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 28; x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 56; Thánh bộ Nghi lễ, Huấn thị Eucharisticum Mysterium (25-5-1967), số 3: AAS 57 (1967), tr. 540-543.

[29] x. Propositio 18.

[30] Ibidem.

[31] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 29.

[32] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio (14-9-998), 13: AAS 91 (1999), tr. 15-16.

[33] Th. Giêrônimô, Comm. in Is., Prol.: PL 24, 17; x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum, số 25.

[34] x. Propositio 31.

[35] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 9; x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum, số 7. 33. 52.

[36] Propositio 19.

[37] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 52.

[38] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum, số 21.

[39] Vì mục đích như thế, Thượng Hội Đồng đã kêu gọi soạn thảo những trợ giúp mục vụ, dựa trên Sách Bài Đọc phân chia theo ba năm, giúp nối kết một cách nội tại sự công bố các bài đọc đã được soạn trước với giáo lý đức tin: x. Propositio 19.

[40] x. Propositio 20.

[41] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 78.

[42] x. ibidem, số 78-79.

[43] x. Propositio 22.

[44] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 79d.

[45] Ibidem, 79c.

[46] Xét đến các thói quen cổ xưa và đáng kính cùng với những ước muốn của các Nghị Phụ thượng hội đồng, tôi đã đề nghị các Bộ có thẩm quyền nghiên cứu khả năng đặt việc chúc bình an vào lúc khác, ví dụ trước khi dâng lễ vật lên bàn thờ. Hơn nữa việc lựa chọn như thế làm nhớ lại một cách ý nghĩa lời khuyên răn của Chúa Giêsu về sự hòa giải cần có trước khi dâng lễ vật cho Thiên Chúa (x. Mt 5,23tt): x. Propositio 23.

[47] x. Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật các Bí tích, Huấn thị Redemptionis Sacramentum (25-3-2004), số 80-96: AAS 96 (2004), tr. 574-577.

[48] x. Propositio 34.

[49] x. Propositio 35.

[50] x. Propositio 24.

[51] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 14-20; 30tt; 48tt; Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật các Bí tích, Huấn thị Redemptionis Sacramentum (25-3-2004), số 36-42: AAS 96 (2004), tr. 561-564.

[52] Ibid., Số 48.

[53] Ibidem.

[54] x. Thánh bộ Giáo sĩ và các Thánh bộ khác của Giáo triều, Huấn thị về vài vấn đề cộng tác của giáo dân trong tác vụ của các linh mục Ecclesiae de mysterio (15-8-1997): AAS 89 (1997), tr. 852-877.

[55] x. Propositio 33.

[56] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 92.

[57] x. ibidem, số 94.

[58] x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh về tông đồ giáo dân Apostolicam actuositatem, số 24; Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 95-111; Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật các Bí tích, Huấn thị Redemptionis Sacramentum (25-3-2004), số 43-47: AAS 96 (2004), tr. 564-566; Propositio 33: “Những thừa tác vụ này phải được cắt đặt theo một sự uỷ thác đặc biệt và theo những nhu cầu thực tế của cộng đoàn cử hành. Những người được uỷ thác những công việc phục vụ lâu dài có tính phụng vụ phải được chọn lựa cách kỹ lưỡng, được đào tạo chu đáo và được huấn luyện thường xuyên. Sự bổ nhiệm phải có thời hạn. Những người này phải được cộng đoàn biết đến và cũng phải nhận được lòng biết ơn từ phía cộng đoàn”.

[59] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 37-42.

[60] x. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 386-399.

[61] AAS 87 (1995), 288-314.

[62] Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Africa (14-9-1995), số 55-71: AAS 88 (1996), tr. 34-47; Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in America (22-1-1999), số 16.40.64.70-72: AAS 91 (1999), tr. 752-753; 775-776; 799; 805-809; Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Asia (6-11-1999), số 21-22: AAS 92 (2000), tr. 482-487; Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Oceania (22-11-2001), số 16: AAS 94 (2002), tr. 382-384; Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Europa (28-6-2003), số 58-60: AAS 95 (2003), tr. 685-686.

[63] x. Propositio 26.

[64] x. Propositio 35; Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 11.

[65] x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1388; Công Đồng Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 55.

[66] x. Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003), số 34: AAS 95 (2003), tr. 456.

[67] Ví dụ, Th. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, III, q. 80, a.1,2; T. Têrêsa Chúa Giêsu, Đường hoàn thiện, chương 35. Giáo thuyết này được chính thức xác nhận bởi Công Đồng Trentô, phiên họp XIII, c. VIII.

[68] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ut unum sint (25-5-1995), số 8: AAS 87 (1995), tr. 925-926.

[69] x. Propositio 41; Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh về hiệp nhất Unitatis redintegratio, số 8, 15; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ut unum sint (25-5-1995), số 46: AAS 87 (1995), tr. 948; Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003), số 45-46: AAS 95 (2003), tr. 463-464; Bộ Giáo Luật, đ. 844 §§ 3-4; Bộ Giáo Luật cho các Giáo Hội Đông Phương, đ. 671 §§ 3-4; Hội đồng Giáo Hoàng về Hiệp nhất các Kitô hữu, Chỉ nam để áp dụng các nguyên tắc và tiêu chuẩn về đại kết (25-3-1993), số 125, 129-131: AAS 85 (1993), tr. 1087, 1088-1089.

[70] x. số 1398-1401.

[71] x. số 293.

[72] x. Ủy Ban Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, Huấn thị mục vụ về truyền thông xã hội nhân sinh nhật lần thứ 20 của “Communio et progressio”, Aetatis novae (22-02-1992): AAS 84 (1992), tr. 447-468.

[73] x. Propositio 29.

[74] x. Propositio 44.

[75] x. Propositio 48.

[76] Sự hiểu biết này cũng có thể được tích lũy trong những năm đào tạo các ứng sinh lên chức linh mục, trong chủng viện, bằng những sáng kiến thích hợp: x. Propositio 45.

[77] x. Propositio 37.

[78] x. Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, các số 36 và 54.

[79] Propositio 36.

[80] x. ibidem.

[81] x. Propositio 32.

[82] x. Propositio 14.

[83] Propositio 19.

[84] x. Propositio 14. (189)

[85] x. Benedict XVI, Bài giảng giờ Kinh Chiều I ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (3-6-2006): AAS 98 (2006), tr. 509.

[86] x. Propositio 34.

[87] Enarrationes in Psalmos 98,9 CCL XXXIX, 1385; x. Benedict XVI, Diễn văn cho giáo triều Rôma (22-12-2005): AAS 98 (2006), tr. 44-45.

[88] x. Propositio 6.

[89] Benedict XVI, Diễn văn cho giáo triều Rôma (22-12-2005): AAS 98 (2006), tr. 45.

[90] x. Propositio 6; Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật các Bí tích, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ. Nguyên tắc và hướng dẫn (17-12-2001), số 164-165, Vatican, 2002; Thánh bộ Nghi lễ, Huấn thị Eucharisticum Mysterium (25-5-1967): AAS 57 (1967), tr. 539-573.

[91] x. Relatio post disceptationem, số 11: L’Osservatore Romano, 14-10-2005, tr. 5.

[92] x. Propositio 28.

[93] x. số 314.

[94] VII, 10, 16: PL 32, 742.

[95] Benedict XVI, Bài giảng tại cánh đồng Marienfeld (21-8-2005: AAS 97 (2005), tr. 891; x. Bài giảng canh thức lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (3-6-2006): AAS 98 (2006), tr. 505.

[96] x. Relatio post disceptationem, 6.47: L’Osservatore Romano, 14-10-2005, tr. 5-6; Propositio 43.

[97] De civitate Dei, X,6: PL 41,284 (202)

[98] x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1368.

[99] Th. Irené, Adversus Haereses IV,20,7: PG 7, 1037.

[100] Ad Magnes., 9, 1: PG 5, 670.

[101] x. I Apologia, 67,1-6: PG 6,430tt. 427, 430.

[102] x. Propositio 30.

[103] x. AAS 90 (1998), tr. 713-766.

[104] Propositio 30.

[105] Bài giảng (19-3-2006): AAS 98 (2006), tr. 324.

[106] Toát yếu Học thuyết Xã hội của Hội Thánh ghi nhận cách đúng đắn: “Được liên kết với sự cần thiết của lao động, sự nghỉ ngơi mở ra cho con người viễn tượng về một sự tự do tròn đầy hơn, đó là sự tự do của ngày sabát vĩnh cửu (x. Dt 4,9-10). Sự nghỉ ngơi cho phép con người nhớ đến và sống lại những kỳ công của Thiên Chúa, từ cuộc Tạo dựng cho đến công trình Cứu chuộc, nhận ra chính mình như là tác phẩm của Chúa (x. Ep 2,10) và tạ ơn Đấng là tác giả của sự sống mình” (số 258).

[107] x. Propositio 10.

[108] x. ibidem.

[109] x. Benedict XVI, Diễn văn cho các Giám mục vùng Québec, Canađa, trong cuộc viếng thăm ad limina apostolorum (11-5-2006): x. L”Osser-vatore Romano, 12-5-2006, tr. 5.

[110] Số 10: AAS 71 (1979), tr. 414-415.

[111] Benedict XVI, Buổi tiếp kiến ngày 29 tháng 3 năm 2006: L’Osser-vatore Romano, 30-3-2006, tr. 4.

[112] Propositio 39.

[113] x. Relatio post disceptationem, số 30: L’Osservatore Romano, 14-01-2005, tr. 6.

[114] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen gentium, số 39-42.

[115] x. Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Christifideles Laici (30-12-1988), số 14-16: AAS 81 (1989), tr. 409-413; 416-418.

[116] x. Propositio 39.

[117] x. ibidem.

[118] Sách Nghi thức Giám mục, Phong chức Giám mục, linh lục, phó tế, Nghi thức phong chức linh mục, số 135.

[119] x. Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores dabo vobis (25-3-1992), số 19-33; 70-81: AAS 84 (1992), tr. 686-712; 778-800.

[120] Propositio 38.

[121] Propositio 39. x. Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Vita consecrata (25-3-1996), số 95: AAS 88 (1996), tr. 470-471.

[122] Bộ Giáo luật, đ. 663, § 1.

[123] x. Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng Vita consecrata (25-3-1996), số 34: AAS 88 (1996), tr. 407-408.

[124] Thông điệp Veritatis splendor (6-8-1993), số 107: AAS 85 (1993), tr. 1216-1217.

[125] Benedict XVI, Thông điệp Deus caritas est – Thiên Chúa là Tình Yêu (25-12-2005), số 14: AAS 98 (2006), tr. 229.

[126] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitae (25-3-1995): AAS 87 (1995), tr. 401-522; Benedict XVI, Diễn văn cho Học viện Giáo Hoàng về sự sống (27-2-2006): AAS 98 (2006), tr. 264-265.

[127] x. Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Lưu ý về giáo lý liên quan đến sự dấn thân và thái độ của những người Công Giáo trong đời sống chính trị (24-11- 2002): AAS 96 (2004), tr. 359-370.

[128] x. Propositio 46.

[129] AAS 97 (2005), tr. 711.

[130] Propositio 42.

[131] x. Sự tử đạo của thánh Polycarpe, XV,1: PG 5, 1039. 1042.

[132] Th. Inhaxio thành Antiokhia, Thư gửi giáo đoàn Rôma, IV,1: PG 5,690.

[133] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen gentium, số 42.

[134] x. Propositio 42; x. Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn Dominus Iesus về tính duy nhất và tính phổ quát cứu độ của Đức Giêsu Kitô và của Hội Thánh (6-8-2000), số 13-15: AAS 92 (200), tr. 754-756.

[135] x. Propositio 42.

[136] Benedict XVI, Thông điệp Deus caritas est – Thiên Chúa là Tình Yêu (25-12-2005), số 18: AAS 98 (2006), tr. 232.

[137] Ibidem, số 14.

[138] Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục, chúng tôi đã cảm động lắng nghe những chứng từ rất có ý nghĩa liên quan đến hiệu quả của Bí tích trong việc hoà giải. Về điều này, Đề nghị số 49 khẳng định: “Nhờ những buổi cử hành Thánh Thể, những người đang mâu thuẩn với nhau đã có thể tụ họp lại bên Lời Chúa, lắng nghe lời loan báo tiên tri về sự hoà giải nhờ ơn tha thứ nhưng không, đón nhận ơn hoán cải cho phép hiệp thông vào cùng một bánh và một chén”.

[139] x. Propositio 48.

[140] Benedict XVI, Thông điệp Deus caritas est – Thiên Chúa là Tình Yêu (25-12-2005), số 24: AAS 98 (2006), tr. 239.

[141] x. Propositio 48.

[142] x. Benedict XVI, Diễn văn cho ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh (9-01-2006): AAS 98 (2006) tr. 127.

[143] Ibidem.

[144] x. Propositio 48. Trong viễn cảnh này, cuốn Toát yếu Học thuyết Xã hội của Hội Thánh tỏ ra đặc biệt hữu ích.

[145] x. Propositio 43.

[146] x. Propositio 47.

[147] x. Propositio 17.

[148] Martyrium Saturnini, Dativi et aliorum plurimorum, 7, 9, 10: PL 8, 707.709-710.

[149] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003), số 53: AAS 95 (2003), tr. 469.

[150] Kinh nguyện Thánh Thể I (Lễ Quy Rôma).

[151] Propositio 50.

[152] x. Benedict XVI, Bài giảng (8-12-2005): AAS 98 (2006), tr. 15.