Tông Huấn Reconciliatio Et Paenitentia (Hòa Giải Và Sám Hối) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 02-12-1984)

0
4139


TÔNG HUẤN RECONCILIATIO ET PAENITENTIA

(HÒA GIẢI VÀ SÁM HỐI)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

GỞI CÁC GIÁM MỤC, GIÁO SĨ VÀ TÍN HỮU

HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG

NGÀY 02 THÁNG 12 NĂM 1984

***

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

DẪN NHẬP

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA VĂN KIỆN

 

1. Đối với người thời này khi nói về Hòa giải và Sám hối là mời gọi họ tái khám phá và chuyển ra ngôn ngữ riêng của mình, những lời mà Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ và là Thầy chúng ta đã khai mạc cuộc giảng thuyết: “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”[1] nghĩa là đón nhận tin mừng tình yêu, tin mừng được làm con cái Chúa và trở thành anh em với nhau.

Vì sao một lần nữa Hội Thánh lại đề cập đến chủ đề và lời mời gọi này?

Mối quan tâm để biết rõ hơn và am hiểu con người thời đại và thế giới hiện nay, giải quyết những khúc mắc và khai mở những bí ẩn của họ cũng như phân định những mầm mống tốt lành và xấu xa, trong đó, đã khiến từ lâu bao người băn khoăn nhìn vào con người và thế giới. Có cái nhìn của sử gia, nhà xã hội học, triết và thần học, nhà tâm lý và nhân học, thi sĩ và nhà thần bí, nhất là cái nhìn lo âu nhưng đầy hy vọng của người mục tử.

Điều này được biểu lộ điển hình trong mỗi trang của Hiến chế Mục Vụ quan trọng của Công Đồng Vatican II “Vui Mừng và Hy Vọng” nói về Hội Thánh trong thế giới ngày nay, cách đặc biệt trong phần dẫn nhập rất bao la và sâu sắc. Điều này cũng biểu lộ trong vài văn kiện đầy khôn ngoan và bác ái của các vị tiền nhiệm khả kính của tôi, mà triều Giáo Hoàng đã ghi dấu bằng biến cố lịch sử và ngôn sứ của Công Đồng ấy.

Cùng với những người khác, người mục tử cũng có thể nhận thấy, trong số các đặc trưng bất hạnh của thế giới và nhân loại thời nay, sự hiện hữu của những mối chia rẽ sâu rộng và đau thương.

Một thế giới bị xâu xé

2. Những mối chia rẽ này biểu lộ trong các mối tương quan giữa các cá nhân và các nhóm và cả ở bình diện các nhóm lớn hơn: giữa các quốc gia với nhau, cũng như giữa các khối quốc gia đối nghịch, trong cuộc tranh giành quyền thống trị. Ở cội nguồn của sự phân rã này, không khó gì nhận ra những xung khắc mà thay vì được giải quyết bằng đối thoại lại càng trở nên nghiêm trọng hơn trong sự đối đầu và thù nghịch.

Các người quan sát tinh tế, khi nghiên cứu những yếu tố gây chia rẽ, đã khám phá các nguyên do thuộc nhiều loại rất khác nhau: từ sự mất cân đối đang gia tăng giữa các nhóm người, các tầng lớp xã hội và các quốc gia với nhau, cho đến sự kìch địch dai dẳng về ý thức hệ; từ sự cạnh tranh về lợi tức kinh tế đến những phân cực về chính trị; từ sự phân biệt sắc tộc đến những kỳ thị vì lý do tôn giáo và xã hội. Hơn nữa, một vài sự kiện xem ra hiển nhiên đa cho thấy bộ mặt thảm não của những mối chia rẽ vốn là nguyên nhân của những sự kiện đó, và cho thấy tính cách trầm trọng không thể nào làm ngơ được.

Một số hiện tượng xã hội đáng quan ngại đang xảy ra trong thời đại chúng ta là:

– Sự chà đạp những quyền lợi căn bản của con người, tiên vàn quyền được sống và được mức sống xứng đáng với nhân phẩm; điều trớ trêu là sự chà đạp này vẫn tồn tại bên cạnh những lời hoa mỹ về nhân quyền.

– Ngấm ngầm tấn công và đàn áp quyền tự do của các cá nhân và các nhóm, kể cả quyền tự do tin, tuyên xưng và thực hành lòng tin của con người. Đây là quyền tự do thường bị vi phạm và đe dọa nhất.

– Những hình thức kỳ thị khác nhau: chủng tộc, văn hóa và tôn giáo,.v.v…

– Bạo lực và khủng bố.

– Sử dụng tra tấn và những phương thức đàn áp bất công và phi pháp.

– Tàng trữ vũ khí qui ước và nguyên tử, cuộc chạy đua vũ trang đã tiêu hao vào mục đích quân sự những số tiền lẽ ra có thể dùng để xoa dịu nỗi thống khổ oan ức của đám người bị chèn ép về mặt xã hội và kinh tế.

– Sự phân chia không đồng đều các nguồn tài nguyên trên thế giới và những kho tàng văn hóa, đạt tới đỉnh cao trong một tổ chức xã hội, trong đó khoảng cách giữa người giàu và người nghèo càng ngày càng gia tăng.[2] Sức mạnh ghê gớm của sự chia rẽ này làm cho thế giới chúng ta đang sống trở thành một thế giới bị xâu xé tận chính nền tảng của nó.[3]

Hơn nữa, Hội Thánh tuy không đồng hóa với thế giới hoặc thuộc về thế giới nhưng ở trong thế giới và dấn thân đối thoại với thế giới.[4] Cũng không có gì ngạc nhiên khi người ta nhận thấy rằng ngay trong chính cơ cấu của Hội Thánh cũng có những tàn tích và dấu hiệu của sự chia rẽ đang chi phối xã hội loài người. Trước hết phải kể đến sự chia rẽ giữa các Cộng đoàn Kitô giáo đã gây tác hại đáng tiếc từ bao thế kỷ qua. Hội Thánh ngày nay cũng chứng kiến mối chia rẽ còn rải rác giữa các thành viên của mình, xuất phát từ những quan điểm và lựa chọn khác nhau, trong lãnh vực đạo lý và mục vụ.[5]

Những chia rẽ này đôi khi cũng có thể có vẻ nan giải. Thoạt đầu người ta có thể bất an trước những điều chia rẽ này, nhưng chỉ cần thẩm định lại kỹ càng, người ta có thể truy ra căn nguyên của chúng: căn nguyên được tìm thấy trong “vết thương” nơi chính bản tính thâm sâu của con người. Trong ánh sáng của niềm tin, chúng ta gọi đó là tội: khởi đi từ tội nguyên tổ, vốn tất cả mọi người chúng ta đều mang lấy từ lúc sơ sinh như một sự thừa kế từ cha mẹ “tiên khởi” của chúng ta, cho đến tội mà mỗi chúng ta phạm khi lạm dụng sự tự do của riêng mỗi người.

Khát mong hòa giải

3. Tuy nhiên, cùng một cái nhìn dò hỏi tương tự, nếu phân tách đủ, sẽ tìm thấy trong những sự chia rẽ đó một khát vọng dễ nhận ra trong số những người có thiện ý và trong những Kitô hữu đích thực muốn hàn gắn những chia rẽ đó, muốn chữa lành những vết thương và muốn tái thiết một sự hiệp nhất tất yếu ở mọi mức độ. Khát vọng này dậy lên trong nhiều người một mong muốn thực tâm cho một sự hòa giải, ngay cả trong những trường hợp khi không sử dụng trực tiếp từ ngừ này.

Một vài người coi việc hòa giải như một giấc mơ viễn vông vốn có lẽ trở thành thang giá trị nhằm biến đổi thực sự xã hội một cách lý tưởng. Đối với những người khác, việc hòa giải đạt được bởi những nỗ lực gian khổ, và vì vậy mục đích phải đạt được bằng vô vàn, vô số những ưu tư và hành động.

Dù trong trường hợp nào đi chăng nữa, mong muốn một sự hòa giải thành thực và thích hợp là một sức mạnh lay chuyển cơ bản trong xã hội chúng ta, phản ảnh một khát vọng hòa bình không thẻ kìm hãm. Nó cũng mạnh mẽ ngang với những nhân tố gây chia rẽ, dù đây là một (so sánh) nghịch lý.

Nhưng sự hòa giải không thẻ kém sâu xa hơn chính sự chia rẽ. Mong muốn hòa giải và chính sự hòa giải, sẽ chỉ hoàn thiện và hữu hiệu trong phạm vi mà nó đạt đến đẻ chữa lành tội nguyên tổ, vốn là căn nguyên của mọi vết thương khác: còn gọi đó là “tội”.

Quan điểm của Thượng Hội Đồng

4. Vì thế, mỗi định chế hay tổ chức quan tâm đến việc phục vụ con người và bảo vệ họ trong những chiều kích căn bản, cần phải nghiên cứu cẩn thận tiến trình hòa giải, ngõ hầu thấu hiểu đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, đồng thời rút ra những kết luận cần thiết.

Hội Thánh Kitô không thể nào lẫn tránh việc nghiên cứu vần đề này. Với sự tận tâm của Người Mẹ và sự hiểu biết của Nhà giáo, chính Hội Thánh phải sốt sắng và cẩn thận nghiên cứu để khám phá trong xã hội không chỉ các dấu vết của sự chia rẽ mà còn những dấu hiệu không kém ý nghĩa và hấp dẫn của việc mưu cầu hòa giải. Thực vậy, Hội Thánh biết rằng mình được trao ban khả năng và sứ vụ trình bày ý nghĩa đích thực, và thâm thúy về mặt tôn giáo, của việc hòa giải cũng như sự toàn vẹn của nó. Chỉ nguyên công việc đó Hội Thánh đã đóng góp nhằm làm sáng tỏ những lãnh vực chính yếu của vấn đề hiệp nhất và hòa bình.

Các vị tiền nhiệm của tôi đã không ngừng rao giảng sự hòa giải và kêu mời hòa giải toàn thể nhân loại, cũng như từng vùng và từng thành phần thuộc cộng đồng nhân loại, mà các ngài nhận thấy đang bị phân rã và bị chia rẽ.[6] Và chính bản thân tôi, với sự thúc đẩy nội tâm mà tôi xác tín là tuân theo cả thần hứng từ trên cao lẫn những tiếng kêu của nhân loại, tôi đã quyết định nhấn mạnh đến đề tài Hòa giải, và tiến hành việc này theo hai cách; mỗi cách thức đều có tính long trọng và cam go của nó. Trước hết là triệu tập Đại hội lần thứ sáu của Thượng Hội Đồng Giám Mục; kế đến là đặt việc Hòa giải như là trọng tâm của Năm Toàn xá được cử hành mừng kỷ niệm lần thứ 1950 của biến cố Cứu chuộc.[7] Khi phải chỉ định đề tài cho Thượng Hội Đồng, tôi hoàn toàn đồng ý với chủ đề đã được nhiều anh em trong hàng giám mục gợi ra, một đề tài rất phong phú, đó là hòa giải, được nối kết chặt chẽ với đề tài sám hối.[8]

Hạn từ và khái niệm đúng đắn về Sám hối quả là phức tạp. Nếu chúng ta nối kết sám hối với hoán cải (metanoia) được nói trong Tin Mừng Nhất lãm, thì chúng có nghĩa là sự thay đổi tận căn của con tim dưới ảnh hưởng của Lời Chúa và trong viễn cảnh Nước Trời.[9] Thế nhưng sám hối cũng có nghĩa là thay đổi đời sống mình cho hài hòa với sự thay đổi của con tim; cũng theo ý nghĩa này, việc thực thi sám hối được kiện toàn với việc phát sinh hoa trái chứng tỏ lòng sám hối:[10] toàn thể cuộc sống trở thành sám hối, nghĩa là cố gắng liên tục hướng tới cái tốt hơn. Thế nhưng, thực thi sám hối chỉ trở thành chân chính và hiệu nghiệm nếu được diễn tả bằng những hoạt động và những hành vi sám hối. Theo nghĩa này sám hối trong ngôn ngữ thần học và tu Đức Kitô giáo, có nghĩa là khổ chế, nghĩa là một nỗ lực cụ thể và thường ngày của một người, nhờ ân sủng của Thiên Chúa trợ giúp, nhằm từ bỏ mạng sống mình vì Đức Kitô, như là phương thế duy nhất để lấy lại nó;[11] một nỗ lực lột bỏ con người cũ mặc lấy con người mới;[12] một nỗ lực nhằm khắc phục nơi chính mình những gì thuộc về xác thịt để cho những gì thuộc thần khí có thể vượt thắng;[13] một nỗ lực liên tục nhằm vươn lên từ những gì thuộc hạ giới để tới những gì thuộc hạ giới nơi Đức Kitô đang ngự trị.[14] Như thế sám hối là sự hoán cải di chuyển từ con tim đến hành động, và sau cùng tới toàn thể đời sống người Kitô hữu.

Trong mỗi ý nghĩa vừa nói trên, sự sám hối được nối kết chặt chẽ với sự hòa giải, bởi vì việc hòa giải với Thiên Chúa, với bản thân và với tha nhân bao hàm việc khắc phục sự đổ vỡ căn bản là tội lỗi. Và việc này chỉ đạt được nhờ sự thay đổi nội tâm hay hoán cải để sinh hoa trái trong đời sống cá nhân qua những hành vi sám hối.

Văn kiện sơ khởi của Thượng Hội Đồng (được gọi là “Lineamenta”), được soạn thảo với mục đích duy nhất là trình bày đề tài và nhấn mạnh đến vài chiều kích nền tảng của nó, đã giúp cho các Giáo Hội trên khắp thế giới có thể suy tư trong suốt hai năm trời về những khía cạnh của một vấn đề có liên quan đến mỗi người, tức là vấn đề hoán cải và hòa giải. Nó cũng giúp họ rút ra được một động lực mới cho đời sống Kitô hữu và công tác tông đồ. Cuộc suy tư ấy được đào sâu hơn nữa trong việc chuẩn bị gần cho hoạt động của Thượng Hội Đồng, nhờ vào Tài Liệu làm việc (Instrumentum Laboris) đã được kịp thời gởi cho các giám mục và những cộng sự viên của các ngài. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của những người tham dự các phiên họp, các nghị phụ của Thượng Hội Đồng đã dành trọn một tháng để bàn kỹ lưỡng về chính đề tài đó cùng với nhiều vấn đề có liên quan tới nó. Từ những cuộc tranh luận, công tác nghiên cứu chung và sự làm việc cần cù và cẩn thận, đã thâu lượm được một kho tàng phong phú và quý giá, được tổng hợp vào các Propositiones (kiến nghị).

Quan điểm Thượng Hội Đồng đã không xem thường các hành vi hòa giải (một số đó diễn ra cách bình thường không được ai chú ý) mà trong những cấp độ khác nhau đã giúp giải quyết nhiều căng thẳng, vượt qua nhiều xung đột và hàn gắn bao chia rẽ cả lớn lẫn bé, qua việc tái lập sự hiệp nhất. Tuy nhiên mối quan tâm chính của Thượng Hội Đồng là khám phá giữa những hành động rải rác này, căn rễ ngấm ngầm – tạm gọi là sự hòa giải ở cội nguồn – đang diễn ra trong tâm trí của mọi người.

Đứng trước vấn đề hòa giải, dù phải thực hiện ở cấp độ nào đi nữa, thì đoàn sủng và tính độc đáo của Hội Thánh nằm ở chỗ Hội Thánh luôn phải quay về sự hòa giải tận cội nguồn nói trên. Bởi vì do sứ vụ thiết yếu của mình, Hội Thánh có bổn phận phải đi tới tận gốc rễ của vết thương nguyên thủy là tội lỗi ngõ hầu mang lại sự chữa trị, và tái lập sự hòa giải nguyên thủy, nguyên uỷ hiệu nghiệm của mọi hòa giải đích thực. Đây là sự hòa giải Hội Thánh quan niệm và khai triển nhờ Thượng Hội Đồng.

Kinh Thánh trình bày cho chúng ta về sự hòa giải này, khi mời gọi chúng ta cố gắng hết sức để đạt tới nó.[15] Thế nhưng, Kinh Thánh cũng nói tiên vàn đó là hồng ân thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại.[16] Lịch sử cứu độ, cho dù là của toàn thể nhân loại hay của từng cá nhân đều là lịch sử tuyệt vời về sự hòa giải: Sự hòa giải trong đó Thiên Chúa là Cha qua bửu huyết và thập giá của Con Ngài làm người đã giao hòa thế gian với chính Ngài, và như thế Ngài thiết lập một gia đình mới gồm những ai đã được giải hòa.

Việc hòa giải trở nên cần thiết bởi vì đã có những đổ vỡ do tội, từ đó phát sinh ra mọi hình thức đổ vỡ khác trong con người và xung quanh con người. Chính vì thế để sự hòa giải được hoàn toàn thì cần phải có sự giải phóng khỏi tội lỗi, tội lỗi cần phải nhổ tận rễ. Như vậy có một mối liên kết chặt chẽ nội tại giữa sự hoán cải với việc hòa giải, không thể nào tách rời hai thực thể đó, hay nói về cái này mà không nói về cái kia.

Thượng Hội Đồng đã đồng thời đề cập đến sự hòa giải của toàn thể gia đình nhân loại và sự thay đổi nơi con tim của từng cá nhân, đến việc trở về với Thiên Chúa. Thượng Hội Đồng làm như thế là vì muốn thừa nhận và cho thấy sự kiện là không thể có sự hiệp nhất giữa con người, nếu không có sự thay đổi nội tâm của từng cá nhân. Sự hoán cải bản thân là con đường cần thiết dẫn tới sự hòa hợp giữa các cá nhân.[17] Khi công bố Tin mừng về sự hòa giải hoặc đề nghị thực hiện việc hòa giải nhờ các bí tích, Hội Thánh đang thi hành vai trò đích thực của mình là ngôn sứ, lên án những sự dữ nơi con người trong cội nguồn nhiễm độc của chúng, phơi bày cội rễ của những phân rẽ và mang lại niềm hy vọng có thể vượt thắng những căng thẳng và tranh chấp mà vươn đến tình huynh đệ thuận thảo và an bình ở mọi cấp độ, mọi tầng lớp của xã hội con người, Hội Thánh đang chuyển đổi điều kiện lịch sử của hận thù và bạo lực thành một nền văn minh tình yêu. Hội Thánh đang cống hiến cho mỗi người nguyên lý của Tin mừng và có tính bí tích về một sự hòa giải tại nơi cội nguồn của nó. Từ cội nguồn này mới phát sinh được các cử chỉ và hành động hòa giải khác, ngay cả trên bình diện xã hội.

Chính sự hòa giải đó là kết quả của sự hoán cải, là nội dung của Tông huấn này. Vì, như đã diễn ra khi kết thúc ba khóa họp Thượng Hội Đồng trước đây lần này các nghị phụ cũng đệ trình kết luận của Thượng Hội Đồng lên Giám mục Roma, vị chủ chăn toàn cầu của Hội Thánh và là người đứng đầu giám mục đoàn, với tư cách là chủ tịch Thượng Hội Đồng. Như là một bổn phận nghiêm minh và quý mến của tác vụ của tôi, tôi đã chấp nhận công tác phải soạn ra, từ nguồn phong phú lớn lao của Thượng Hội Đồng, một sứ điệp tín lý và mục vụ về đề tài sám hối và hòa giải để cống hiến cho dân Chúa như thành quả của Thượng Hội Đồng.

Trong phần một, tôi sẽ nói về Hội Thánh trong công tác thực hiện sứ mạng hòa giải của mình, trong việc làm cho các tâm hồn có thể quay về trong vòng tay Thiên Chúa, làm cho con người nối lại vòng tay với con người, với toàn thể vũ trụ.

Trong phần hai, tôi sẽ cho thấy nguyên nhân cội rễ gây nên mọi vết thương, mọi phân rẽ giữa con người với con người, nhất là giữa con người với Thiên Chúa: đó là tội lỗi.

Sau đó, tôi sẽ đề ra các phương tiện hỗ trợ cho Hội Thánh trong việc cỗ vũ và khích lệ một sự hòa giải tròn đầy giữa con người với Thiên Chúa và từ đó giữa con người với nhau.

Tông Huấn mà giờ đây tôi muốn trao đến tay các con cái của Hội Thánh cũng như tất cả những người dù có tín ngưỡng hay không, đang thành tâm chú ý đến Hội Thánh, là một lời đáp trả tương xứng với những gì Thượng Hội Đồng yêu cầu tôi. Và tôi nói rõ, vì đây là một bổn phận đối với sự thật và sự công bằng, Tông Huấn này cũng là một tác phẩm của chính Thượng Hội Đồng. Vì rằng nội dung của những trang sau đây phát xuất từ Thượng Hội Đồng, từ công việc chuẩn bị xa gần của Thượng Hội Đồng, từ bản “Tài liệu làm việc” (Instrumentum Laboris), từ những sự can thiệp của phòng họp hay trong các nhóm (Circuli Minores) của Thượng Hội Đồng, và nhất là từ “tập kiến nghị” (Propositiones). Ở đây chúng tôi có được thành quả công việc hợp tác của các Nghị phụ, trong đó có đại diện của các Giáo Hội Đông Phương với di sản thần học, tu đức và phụng vụ rất phong phú và đáng kính trọng kể cả trong đề tài chúng ta bàn luận ở đây. Hơn nữa chính ban Thư ký Thượng Hội Đồng đã đánh giá cao trong hai khóa họp quan trọng, những thành quả và những phương hướng do cuộc họp Thượng Hội Đồng đề ra sau khi bế mạc. Chính ban Thư ký làm nổi bật tính năng động của những Propositiones trên, và đã vạch ra những đường nét thích hợp nhất cho việc soạn thảo Tông Huấn này. Tôi chân thành biết ơn tất cả những ai đã cộng tác trong việc biên soạn bản thảo này và, trung thành với sứ mệnh của tôi, tôi muốn trao lại những điều rút ra từ kho tàng tín lý và mục vụ của Thượng Hội Đồng, mà theo tôi có tính cách quan phòng cho cuộc sống con người vào thời điểm huy hoàng tuy cam go này của lịch sử.

Thật là thích hợp và ý nghĩa để làm điều này trong khi ký ức về Năm Thánh vẫn còn đậm nét trong tâm trí người dân, một năm đã được sống trong tinh thần sám hối, hoán cải và hòa giải. Ước gì khi được gởi đến anh em của tôi trong giám mục đoàn, đến các cộng viên của ngài như các linh mục, và phó tế, đến các nam nữ tu sĩ, và tất cả những ai có lương tâm chính trực, Tông Huấn này là một phương tiện để đức tin được thanh luyện, phong phú hóa và đào sâu. Ước gì Tông Huấn này cũng là chất men kích thích giữa lòng thế giới sự tăng trưởng của hòa bình, tình huynh đệ, hy vọng và niềm vui, – những giá trị nảy sinh từ Tin mừng được đón nhận, suy gẫm và sống ngày này qua ngày nọ theo gương Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà Thiên Chúa đã vui lòng hòa giải tất cả mọi sự với mình.[18]

***

PHẦN I

HOÁN CẢI VÀ HÒA GIẢI: BỔN PHẬN VÀ SỰ DẤN THÂN CỦA HỘI THÁNH

 

CHƯƠNG I

DỤ NGÔN VỀ SỰ HÒA GIẢI

 

5. Mở đầu Tông Huấn này, tôi nghĩ đến một đoạn văn tuyệt vời của Tin mừng theo thánh Luca mà tôi đã cố gắng giải thích tính cách sâu thẳm về đạo nghĩa cũng như về nhân bản trong một văn kiện trước đây.[19] Tôi muốn nói đến dụ ngôn “người con hoang đàng”.[20]

Từ người em bị lạc mất…

Đức Giêsu nói: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”, và Người bắt đầu kể câu chuyện bi thương về người con thứ: bỏ nhà mạo hiểm ra đi, quẳng hết phần tài sản vào một cuộc sống buông thả và trống rỗng, những ngày tha hương đen tối và đói khát, nhất là mất hết cả phẩm giá, nhục nhã, tủi khổ và rồi nỗi nhớ nhà, can đảm đứng lên trở về, người cha giang tay đón rước. Chắc hẳn người cha đã không quên con, luôn cất giữ mối tình trìu mến và qúy trọng đối với con. Vì thế ông ta đã luôn ngóng đợi con, và giờ đây giang tay ôm choàng lấy con, truyền lệnh mở tiệc chiêu đãi con trở về, người con “đã chết nay sống lại, đã lạc mất nay lại tìm thấy”.

Người con hoang đàng này là con người, là mỗi một con người: bị mê hoặc do cám dỗ tách lìa khỏi Cha để sống tự lập; bị thất vọng về những ảo ảnh trống rỗng đã làm mình mê muội; cô đơn, bị hạ nhục, bị khai thác khi cố xây dựng một thế giới cho riêng mình; bị nỗi ước muốn trở về hiệp thông với cha dày vò trong khi lặn hụp trong hố sâu khốn khổ. Như người cha trong dụ ngôn, Thiên Chúa ngóng trông đợi con mình trở về, và khi nó đến ôm choàng lấy nó trong vòng tay, mở tiệc mừng sự giao hòa phát sinh từ sự tái ngộ.

Yếu tố đánh động nhất trong dụ ngôn là sự tiếp đón tưng bừng và đầy yêu thương dành cho người con trở về: đây chính là biểu hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ. Chúng ta hãy nói ngay rằng: hòa giải chủ yếu là ân huệ của Cha trên Trời.

… đến người anh ở lại nhà

6. Nhưng dụ ngôn cũng họa nên bức tranh người anh từ chối không ngồi vào bàn tiệc. Anh ta chê trách người em đã lêu lổng và anh ta cũng trách cả người cha đã nồng hậu đón tiếp người con hoang đàng, còn bản thân anh, một người sống chừng mực làm việc cần cù, luôn trung thành với cha, với gia đình – theo như anh nói – thì lại không bao giờ có được một bữa tiệc liên hoan với bạn bè. Điều này chứng tỏ anh ta không hiểu được tấm lòng nhân hậu của người cha. Bao lâu mà người anh quá cầm chắc về mình, về những đức tính tốt của mình, nhưng lại ganh tỵ, kiêu căng, chua chát và giận dữ, đã không trở về và không giao hòa với cha và em mình, thì bữa tiệc vẫn chưa phải là một bữa tiệc mừng vui của sự đoàn tụ và tái khám phá.

Con người, mỗi một con người cũng là hiện thân của người anh cả. Tính ích kỷ làm anh ta trở thành ganh tỵ, làm chai cứng con tim, làm mù mắt anh ta và làm anh ta đóng chặt cửa tách biệt khỏi người khác và tách lìa khỏi Thiên Chúa. Lòng nhân hậu yêu thương và thương xót của người cha làm anh ta tức tối nổi khùng. Đối với anh ta, niềm hạnh phúc của việc tìm lại được đứa em thấm vị chua chát.[21] Từ quan điểm này, anh ta cũng cần phải được trở lại để hòa giải.

Dụ ngôn “người con hoang đàng”, trước hết là câu chuyện về tình yêu khôn tả của người cha, của Thiên Chúa, của Đấng đã ban cho người con quà tặng của sự hòa giải hoàn toàn khi nó quay về với Người. Nhưng dụ ngôn, qua bức chân dung của người anh cả, cũng làm nổi bật tính ích kỷ làm anh em chia rẽ nhau, đây cũng là câu chuyện của gia đình nhân loại: nó nói lên hiện trạng của chúng ta và vạch cho chúng ta con đường phải theo…

Đứa con hoang đàng, trong niềm ao ước hoán cải và trở về trong vòng tay của người Cha để được tha thứ, tiêu biểu cho những ai ý thức tận trong tâm khảm họ sự hiện diện của lòng khao khát hòa giải ở mọi khía cạnh và không chút dè dặt, và những ai trong thâm tâm nhận ra được một cách chắc chắn rằng sự hòa giải này chỉ có thể có được nếu nó bắt nguồn từ sự hòa giải tiên khởi và nền tảng, sự hòa giải mang con người từ tình trạng phân ly đến tình thân hữu con cái với Thiên Chúa, Đấng mà họ nhìn nhận là có lòng thương xót không bờ bến. Nhưng nếu dụ ngôn được đọc từ một quan điểm của người anh, nó miêu tả sinh động một hoàn cảnh gia đình nhân loại bị chia rẽ bởi những hình thức ích kỷ. Nó nêu rõ những sự việc khó khăn hàm chứa trong việc thể hiện lòng ước ao và khát mong được thấy một gia đình được hòa giải và đoàn kết. Bởi vậy nó nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải biến đổi con tim thật sâu xa để tái khám phá ra được tấm lòng nhân hậu của người cha và qua việc vượt thắng những hiểu lầm và thù nghịch giữa anh chị em với nhau.

Dưới ánh sáng của dụ ngôn bất tận về lòng nhân hậu rửa sạch tội lỗi, Hội Thánh đón nhận tiếng kêu gọi mà câu chuyện này chứa đựng, và hiểu thấu được sứ mạng của mình, noi gương Chúa Kitô, phải hoạt động nhằm cải hoán các tâm hồn và hoà giải con người với Chúa và với nhau. Hai ý thực tại này liên kết với nhau một cách chặt chẽ.

***

CHƯƠNG II

TÌM VỀ NHỮNG NGUỒN MẠCH CỦA SỰ HÒA GIẢI

 

Dưới ánh sáng Đức Kitô Đấng hòa giải

7. Từ dụ ngôn đứa con hoang đàng chúng ta kết luận rằng sự hòa giải là quà tặng của Thiên Chúa, là sáng kiến của Người. Nhưng đức tin dạy chúng ta rằng sáng kiến đó được cụ thể hóa trong mầu nhiệm của Đức Kitô, Đấng cứu thế, Đấng hòa giải và Đấng giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi dưới hết mọi hình thức của nó. Thánh Phaolô đã không ngần ngại tóm tắt trong nhiệm vụ và chức phận ấy tất cả sứ mạng vô song của Đức Giêsu Nazareth, Ngôi Lời và Con Thiên Chúa làm người.

Chúng ta cũng có thể bắt đầu với mầu nhiệm trọng yếu của kế hoạch cứu rỗi, chìa khóa của Kitô học theo Thánh Phaolô, ngài viết: “Khi chúng ta còn là thù nghịch chúng ta đã được giao hòa với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con của Người. Phương chi, bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Con của Người, không phải chỉ có thế, chúng ta còn được vui mừng hoan hỷ trong Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người giờ đây chúng ta được sự hòa giải”,[22] bởi vì trong Đức Kitô Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với mình, Thánh Phaolô cảm thấy hứng khởi khuyên nhủ các tín hữu Côrintô: “Xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa”.[23]

Sứ mạng hòa giải này thông qua cái chết trên thập giá được Thánh Gioan phát biểu với diễn ngữ khác, khi ông nhận xét rằng Đức Kitô phải chết, “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”.[24]

Nhưng một lần nữa, Thánh Phaolô cho phép chúng ta mở rộng tầm mắt về công trình của Chúa ra chiều kích của vũ trụ, khi viết rằng trong Đức Kitô, Chúa Cha hòa giải với mình toàn thể thụ tạo trên trời dưới đất.[25] Có thể nói một cách xác đáng về Đức Giêsu Kitô rằng: “Trong cơn giận dữ Người đã đứng ra giao hòa,[26] và nếu Người là “Sự bình an của chúng ta[27] thì Ngài cũng là “Sự hòa giải của chúng ta”.

Thật là hữu lý khi phụng vụ gọi cuộc khổ nạn và cái chết của Người, được tái diễn trong Bí tích Thánh Thể, là “Hy tế hòa giải”:[28] hòa giải với Thiên Chúa, và với anh em, vì Đức Giêsu dạy rằng: phải hòa giải với anh em trước khi dâng của lễ.[29]

Bởi vậy, từ những điều này và những đoạn đầy ý nghĩa khác trong Tân Ước, chúng ta có thể tập trung cách hợp lý những suy nghĩ của chúng ta về toàn bộ sứ mệnh của Đức Kitô như là Đấng hòa giải. Vì vậy, phải được công bố một lần nữa niềm tin của Hội Thánh vào công việc cứu chuộc của Đức Kitô, trong mầu nhiệm Vượt Qua của cái chết và sự phục sinh như là nguyên nhân sự hòa giải nhân loại, dưới hai khía cạnh: giải thoát con người khỏi tội lỗi và hiệp thông ơn nghĩa với Thiên Chúa.

Chính khi đứng trước cảnh tượng buồn thảm của những chia rẽ và những khó khăn trong cuộc hòa giải giữa “con người” mà tôi muốn mời gọi mọi người hãy ngước nhìn lên “mầu nhiệm Thập giá” như cao trào của vở kịch, trong đó Đức Kitô cảm nhận và hứng chịu tột độ bi kịch của việc con người tách rời khỏi Thiên Chúa, cho nên Người đã kêu lên những lời sau đây trong Thánh Vịnh: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi, sao Ngài bỏ tôi!”,[30] và đồng thời Người hoàn tất sự hòa giải của chúng ta. Với cặp mắt nhìn cắm lên mầu nhiệm Gôngôtha luôn luôn phải nhắc nhở chúng ta về “chiều thẳng đứng” của sự chia rẽ và sự hòa giải trong mối tương quan con người và Thiên Chúa. Chiều kích đó, với cặp mắt đức tin luôn luôn đi trước “chiều ngang”, nghĩa là đi trước thực tại về sự chia rẽ giữa con người với nhau và về sự cần thiết phải hòa giải với nhau. Chúng ta biết rằng sự hòa giải giữa con người chỉ là, và chỉ có thể là kết quả của hành động cứu chuộc của Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng vương quốc tội lỗi, để tái lập giao ước với Thiên Chúa và phá đổ bức tường ngăn cách mà tội lỗi đã dựng nên giữa con người.[31]

Hội Thánh hòa giải

8. Bàn về cuộc khổ nạn của Đức Kitô, Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả nói: “Tất cả những điều mà Con Thiên Chúa đã làm và đã dạy về sự hòa giải của thế giới thì chúng ta không chỉ biết được từ những hành động của Người trong lịch sử đã qua, nhưng chúng ta cũng cảm nghiệm được hiệu năng qua những điều mà Người đang thể hiện trong hiện tại”.[32] Chúng ta cảm nghiệm được sự hòa giải mà Người đã hoàn tất trong nhân tính của mình qua hiệu quả của những mầu nhiệm thánh, được cử hành trong Hội Thánh của Người. Chính vì Hội Thánh mà Người đã trao hiến mạng sống và thiết lập Hội Thánh làm dấu hiệu và phương thế cứu rỗi.

Điều này được Thánh Phaolô tuyên bố khi viết rằng Thiên Chúa đã ban cho các tông đồ của Đức Kitô được chia sẻ công việc hòa giải của Người. Ông viết: “Thiên Chúa đã trao ban cho chúng tôi tác vụ hòa giải… và lời hòa giải”.[33] Chúa Cha đã thương ký thác cho bàn tay và môi miệng của các tông đồ, những sứ giả của Người, tác vụ hòa giải, mà họ sẽ chu toàn một cách độc đáo, do quyền năng hành động “hiện thân của Đức Kitô” (in persona Christi). Nhưng lời hòa giải cũng được ký thác cho toàn thể cộng đoàn tín hữu, cho toàn thể tổ chức Hội Thánh, nghĩa là bổn phận phải thực thi những gì có thể để làm chứng nhân cho sự hòa giải và để thực hiện trong thế giới.

Có thể nói được là Công Đồng Vatican II, khi định nghĩa Hội Thánh như là một “bí tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự thông hiệp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất giữa loài người”, và khi xác định nhiệm vụ của Hội Thánh là đạt tới “sự hiệp nhất toàn vẹn nơi Đức Kitô”, đối với con người ngày nay đang “càng ngày càng gắn bó với nhau nhờ những mối dây xã hội, kỹ thuật, văn hóa”,[34] thì đã nhìn nhận rằng Hội Thánh phải nỗ lực hết mình để đưa toàn thể nhân loại đến sự hòa giải trọn vẹn.

Vì thế, gắn liền với sứ mạng của Đức Kitô, chúng ta có thể tóm lược sứ mạng của Hội Thánh, tuy dù phong phú và phức tạp, vào bổn phận trung tâm là hòa giải con người với Thiên Chúa và với chính mình, với tha nhân, với toàn thể thụ tạo. Điều này mang tính cách trường tồn, bởi vì như tôi đã từng nói trong một dịp khác: “Bản tính của Hội Thánh là luôn luôn hòa giải”.[35]

Giáo Hội thực hiện công cuộc hòa giải khi công bố sứ điệp hòa giải như vẫn làm xuyên suốt lịch sử của mình, kể từ Công Đồng các tông đồ ở Giêrusalem cho đến Thượng Hội Đồng Giám Mục cuối cùng và năm toàn xá ơn cứu rỗi gần đây.[36] Tính độc đáo của sự công bố này hệ tại sự kiện, đối với Hội Thánh sự “hòa giải” được nối kết chặt chẽ với việc hoán cải con tim, đây là đường lối cần thiết để con người hiểu biết lẫn nhau.

Hội Thánh cũng thực hiện công cuộc hòa giải khi trình bày cho con người những đường lối và cống hiến những phương thế nhằm đạt đến sự hòa giải theo 4 khía cạnh nói trên. Những đường lối là sự hoán cải con tim và chiến thắng tội lỗi, cho dù tội lỗi đó là sự ích kỷ hay bất công, là tự đắc hay là khai thác người khác, là gắn bó với vật chất hoặc việc tìm kiếm khoái lạc vô độ. Các phương thế là chú ý lắng nghe Lời Chúa cách bền tâm, và yêu quý cầu nguyện cá nhân hay cộng đoàn; và đặc biệt là các bí tích, là những dấu chỉ và khí cụ thực sự cho việc hòa giải. Về phương diện này, trong số các bí tích, trổi vượt hơn hết là Bí Tích quen gọi là Bí Tích Hòa Giải hay Sám hối; chúng ta còn trở lại vấn đề này sau.

Hội Thánh được giao hòa

9. Đức Phaolô VI, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã có công làm nổi bật sự kiện là để truyền giảng Tin Mừng thì Hội Thánh phải bắt đầu bằng việc cho thấy chính mình đã được Tin Mừng hóa, nghĩa là Hội Thánh mở rộng đối với Tin Mừng Đức Giêsu Kitô một cách đầy đủ và trọn vẹn để đón nhận cũng như đem ra thực hành.[37] Cũng vậy, khi thu gom các suy tư của Đại Hội lần thứ tư của Thượng Hội Đồng Giám Mục ra thành văn kiện, tôi cũng đã nói về một Hội Thánh phải được huấn giáo ngõ hầu thi hành công tác huấn giáo.[38]

Bây giờ, tôi không ngại lấy lại sự so sánh đó để áp dụng vào đề tài tôi đang bàn đến, nhằm khẳng định rằng nếu Giáo Hội “thực hiện công cuộc hòa giải”, cần phải bắt đầu bằng một Giáo Hội “được giao hòa”. Đàng sau lối diễn tả đơn giản và đầy ý nghĩa ấy là niềm xác tín rằng để có khả năng công bố và đề nghị việc hòa giải cho thế giới một cách hữu hiệu hơn, Hội Thánh càng phải trở thành một cộng đoàn đích danh của môn đệ Đức Kitô (dẫu rằng Hội Thánh vẫn là “một đoàn chiên bé nhỏ” của những ngày đầu tiên), được liên kết với nhau trong cuộc dấn thân không ngừng hoán cải về với Chúa và sống như một đoàn dân mới trong tinh thần và thực hành việc hòa giải.

Với con người thời đại vốn rất nhạy cảm với những chứng từ sống động cụ thể, Hội Thánh được kêu mời hãy đưa ra một gương mẫu cho việc hòa giải trước tiên riêng trong nội bộ của mình. Và vì mục đích này tất cả chúng ta phải làm việc để đem lại sự bình an cho tâm trí con người, để làm giảm bớt những căng thẳng, để vượt qua những sự chia rẽ, và để chữa lành những vết thương đau mà anh em đã gây ra cho nhau khi mà sự đối chọi lập trường trong những vấn đề tư kiến trở thành kịch liệt, và ngược lại, chúng ta phải cố gắng hiệp nhất trong những gì là trọng yếu cho đức tin và đời sống Kitô giáo theo như phương châm của người xưa rằng: “Trong những điểm hồ nghi thì để tự do, trong những điểm thiết yếu thì phải thống nhất, và trong hết mọi sự cần có bác ái” (in dubiis libertas; in necessatiis unitas; in omnibus caritas).

Dựa theo chuẩn mực đó mà Hội Thánh phải tiến hành hoạt động đại kết của mình. Để được hoàn toàn hòa giải, Giáo Hội biết rằng mình phải tiếp tục mưu cầu sự hiệp nhất giữa những người hiên ngang xưng mình là Kitô hữu nhưng lại phân rẽ nhau, ngay cả phân rẽ thành các Giáo Hội và giáo đoàn và phân ly khỏi Giáo Hội Rôma. Giáo Hội Rôma tìm kiếm sự hiệp nhất được coi như hoa trái và diễn tả sự hòa giải thực sự. Sự hiệp nhất được đặt nền không phải trên sự che dấu những điểm gây nên chia rẽ,cũng không phải trên những thỏa hiệp dễ dãi có tính cách nông cạn và dòn mỏng. Sự hiệp nhất phải là thành quả của việc hoán cải thực sự nơi mỗi người, là thành quả của sự tha thứ cho nhau, của việc đối thoại thần học và tương giao huynh đệ, của cầu nguyện và ngoan ngoãn hoàn toàn đối với tác động của Thánh Thần, Đấng cũng là “Thần Khí của sự Hòa Giải”.

Sau cùng, để có thể nói được rằng mình đã được hoàn toàn hòa giải, Hội Thánh cảm thấy có bổn phận phải nỗ lực hơn nữa qua việc thúc đẩy cuộc “đối thoại cứu rỗi”,[39] để đem Tin Mừng đến những khu vực rộng lớn của nhân loại trong thế giới hôm nay nhưng không được chia sẻ niềm tin với mình, thậm chí do hậu quả của phong trào tục hóa đang phát triển, họ đứng xa Hội Thánh và chống lại Hội Thánh với một thái độ hờ hững lạnh lùng, nếu chưa đến nỗi là họ ngăn cản và bắt bớ Hội Thánh. Hội Thánh cảm thấy bổn phận cần nói một lần nữa cho mọi người những lời của Thánh Phaolô: “Xin hãy hòa giải với Thiên Chúa”.[40]

Dù sao đi nữa, Hội Thánh cổ động việc hòa giải “trong sự thật” và biết rằng không thể có hòa giải hay hợp nhất ở ngoài hoặc nghịch lại với sự thật.

***

CHƯƠNG III

SỰ KHỞI XƯỚNG CỦA THIÊN CHÚA VÀ TÁC VỤ CỦA HỘI THÁNH

 

10. Là một cộng đoàn hòa giải và được giao hòa, Hội Thánh không thể nào quên nguồn mạch của hồng ân và sứ mạng hòa giải của mình là sáng khởi đầy tình nhân ái và thương xót của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu và do tình yêu,[41] Người đã tạo dựng nên con người;[42] và Người tạo dựng con người để họ sống trong tình thân hữu với Người và thông hiệp với nhau.

Sự hòa giải đến từ Thiên Chúa

Thiên Chúa trung thành trong kế hoạch đời đời, cả khi con người bị Thần Dữ thúc đẩy[43] và bị tính kiêu ngạo lôi kéo, đã thay vì sử dụng tự do mà Chúa đã ban cho để yêu mến và đi tìm điều thiện một cách quảng đại, con người lại từ chối vâng phục Chủ Tể và Cha của mình. Thiên Chúa trung thành cả khi con người thay vì dùng tình yêu để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, lại đối đầu với Người và coi Người như một đối thủ, và đã tự lừa dối mình, cậy dựa vào sức riêng mình, mà cắt đứt mối liên hệ với Đấng đã tạo nên mình. Bất chấp lỗi phạm về phía con người, Thiên Chúa vẫn “trung tín với Tình Yêu”. Quả thực, câu chuyện nơi vườn Eden làm chúng ta nghĩ về những hậu quả bi thảm khi chối từ người Cha, mang lại cảnh xáo trộn trong nội tâm con người, và phá hủy sự hòa điệu giữa nam nữ, giữa anh em.[44] Dụ ngôn Tin Mừng cũng cho thấy hai người anh em, mỗi người mỗi cách, đã tách ly khỏi cha mình và gây nên một vết rạn nứt giữa họ với nhau. Việc từ chối tình yêu của Thiên Chúa là Cha mình và những tặng phẩm âu yếm của Người luôn là cội rễ của những phân rẽ nơi nhân loại.

Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa, “Đấng giàu lòng từ bi”,[45] giống như người cha trong dụ ngôn, không đóng lòng lại với bất cứ đứa con nào. Người chờ đợi, tìm kiếm và đến gặp họ ở chính nơi mà sự từ chối hiệp thông đã khép chặt họ trong cô lập và phân ly. Người mời gọi họ tụ họp quanh bàn tiệc với niềm vui của buổi lễ mừng sự tha thứ và hòa giải.

Sáng khởi này từ phía Thiên Chúa đã được thực hiện cụ thể và hiển nhiên trong công cuộc cứu độ của Đức Kitô, rộng tỏa khắp thế giới nhờ tác vụ của Giáo Hội.

Theo đức tin của chúng ta. Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người và đến cư ngụ giữa thế giới; Người đã đi vào lịch sử của thế giới, thâu hồi và quy tụ nó trong Người.[46] Người mặc khải cho chúng ta rằng Thiên Chúa là tình yêu, và Người ban cho chúng ta “giới luật mới” của tình yêu,[47] đồng thời thông chuyển cho chúng ta sự đoan chắc rằng con đường tình yêu đang mở ra cho tất cả mọi người, như vậy nỗ lực xây dựng tình huynh đệ toàn cầu không là việc vô ích.[48] Bằng cuộc chiến thắng sự dữ và quyền lực tội lỗi nhờ cái chết trên thập giá, với tâm tình yêu mến vâng phục, Người đã đem ơn cứu độ đến cho mọi người và trở thành “sự hòa giải” cho tất cả. Trong Người Thiên Chúa hòa giải con người với chính mình.

Hội Thánh tiếp tục công bố sự hòa giải mà Đức Kitô đã làm vang vọng khắp miền Galilê và khắp xứ Palestin,[49] và Hội Thánh không ngừng mời gọi mọi người hoán cải và tin vào Tin Mừng. Mượn lời kêu gọi của Thánh Phaolô, mà chúng tôi đã nhắc đến làm lời của mình, Hội Thánh nhân danh Đức Kitô tuyên bố: “Chúng tôi là những sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà kêu gọi. Vậy nhân danh Đức Chúa Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa”.[50]

Những ai đón nhận lời mời gọi này thì bước vào nhiệm cục hòa giải và cảm nhận được sự thật chất chứa trong một lời khẳng định khác của Thánh Phaolô, ngài nói Đức Kitô “là bình an của chúng ta, Người đã liên kết đôi bên lại và đã phá đổ bức tường thù nghịch ngăn cách… như vậy, khi thiết lập hòa bình” Người làm cho đôi bên chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa.[51] Đoạn văn này trực tiếp đến tình trạng xóa tan việc phân rẽ tôn giáo giữa Israel như dân tộc được tuyển chọn trong Cựu Ước – và các dân tộc khác, tất cả đều được kêu mời làm nên thành phần của Tân Ước. Tuy vậy, nó còn chứa đựng việc xác nhận đặc tính phổ quát tinh thần mà Thiên Chúa muốn và được Người hoàn thành nhờ hy lễ của Người Con, Ngôi Lời làm người, không có giới hạn hay một loại trừ nào, dành cho tất cả nhưng ai đã hoán cải và tin vào Đức Kitô. Vì thế tất cả chúng ta – mọi người và mọi dân tộc – được kêu gọi vui hưởng hoa trái của việc hòa giải do Chúa muốn.

Hội Thánh – Đại Bí tích Hòa Giải

11. Hội Thánh có sứ mệnh loan báo sự hòa giải này, và là bí tích của sự hòa giải trong thế giới. Hội Thánh là “Bí Tích”, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ hòa giải trong nhiều cách thế khác nhau tuy khác biệt về giá trị nhưng tất cả đều kết hợp để đạt tới điều mà sáng khởi của lòng Thiên Chúa thương xót muốn dành cho con người.

Trước hết, Hội Thánh là Bí Tích bằng chính sự hiện hữu của mình như là một cộng đoàn được hòa giải để làm nhân chứng và hiện thực công cuộc của Đức Kitô trong thế giới.

Hội Thánh cũng là Bí Tích qua việc làm kẻ bảo vệ và giải thích Kinh Thánh, là Tin Mừng của sự hòa giải, bởi vì Tin Mừng thuật lại cho các thế hệ kế tiếp về kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa, và trình bày cho mỗi thế hệ những đường lối dẫn đến sự hòa giải phổ quát trong Đức Kitô.

Sau cùng, Hội Thánh là Bí Tích nhờ có bảy Bí Tích, mà mỗi Bí Tích “làm nên Giáo Hội” theo cách thức riêng của mình.[52] Do việc tưởng nhớ và tái diễn Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, các Bí Tích là nguồn mạch sự sống của Hội Thánh, và trong tay của Hội Thánh chúng là những phương thế cho việc trở về với Thiên Chúa và hòa giải giữa nhân loại.

Các phương thế hòa giải khác

12. Sứ mạng hòa giải là đặc hữu của toàn thể Hội Thánh, đặc biệt của Hội Thánh đã được đón nhận vào chia sẻ tràn đầy vinh quang của Thiên Chúa, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, các thiên thần và các thánh, những kẻ đang chiêm ngắm và thờ kính Ba Ngôi Thiên Chúa, Hội Thánh trên trời, Hội Thánh trần gian và Hội Thánh trong luyện ngục được liên kết nhiệm mầu trong việc cộng tác với Đức Kitô để hòa giải thế giới về với Thiên Chúa.

Phương thế thứ nhất của hoạt động cứu rỗi là cầu nguyện. Chắc chắn rằng Đức Trinh Nữ, Thân mẫu của Đức Kitô và của Hội Thánh,[53] cũng như các thánh đã tới đích điểm của cuộc lữ hành dương thế và chiếm được vinh quang Thiên Chúa, bằng sự chuyển cầu, các ngài nâng đỡ anh em mình còn đang tiến bước trong cuộc lữ hành trần thế, để được quyết tâm trong việc hoán cải, trong đức tin, trong việc chỗi dậy sau mỗi lần vấp ngã, trong việc hoạt động để thăng tiến sự hiệp thông và hòa bình trong Hội Thánh và trong thế giới. Trong mầu nhiệm các thánh hiệp thông, sự hòa giải phổ quát được hoàn tất trong thể thức thâm sâu nhất, và cũng có hiệu quả nhất cho việc cứu độ mọi người.

Còn có một phương thế khác đó là sự giảng thuyết. Là môn đệ của Thầy duy nhất Giêsu Kitô, đến lượt mình Hội Thánh là Mẹ và là Thầy, không hề mệt mỏi thúc giục con người hãy hòa giải. Và Hội Thánh cũng không hề ngại ngùng lên án sự dữ của tội, công bố sự cần thiết hoán cải, mời gọi và yêu cầu con người hãy “giao hòa” với nhau. Thực ra, đây là sứ mạng ngôn sứ của Hội Thánh trong thế giới hôm nay, cũng như trong thế giới hôm qua. Đó cũng là một sứ mạng giống như Đức Giêsu, là Thầy và là Thủ lãnh của mình. Cũng như Người, Hội Thánh luôn chu toàn sứ mạng này với tâm tình của lòng thương xót và muốn đem đến cho mọi người những lời tha thứ, và mời gọi đến niềm hy vọng xuất phát từ thập giá.

Còn có phương thế hoạt động mục vụ khác, thường khó khăn và cam go, nhắm về đường lối, đôi khi khá dài, đưa mỗi người dù là ai hay ở đâu, trở về nhà Cha và thông hiệp với tất cả anh em.

Sau cùng là phương thế làm chứng tá, thường là luôn âm thầm. Điều này phát sinh từ hai điều nhận thức về phần Hội Thánh: Hội Thánh “hoàn toàn thánh thiện”;[54] nhưng Hội Thánh cũng cần phải tiến tới và “hàng ngày phải thanh luyện và đổi mới hơn cho đến ngày Đức Kitô giới thiệu Hội Thánh trong vinh quang không còn tì vết, nhăn nheo”. Thực vậy, vì tội lỗi của mình, nên đôi khi sự “chiếu tỏa trên khuôn mặt của Hội Thánh giảm bớt đi vẻ sáng” trước mắt những người nhìn ngắm Hội Thánh.[55] Việc làm chứng tá không thể nào bỏ qua hai khía cạnh căn bản. Khía cạnh thứ nhất là dấu chỉ của lòng bác ái phổ quát mà Đức Giêsu Kitô đã để lại làm gia sản cho các môn đệ như một bằng chứng họ đã thuộc về Nước Trời. Khía cạnh thứ hai là việc chuyển tả ra trong những biểu hiện mới mẻ của việc hoán cải và hòa giải bên trong và ngoài Hội Thánh, bằng cách vượt lên những căng thẳng, bằng việc tha thứ lẫn cho nhau, bằng việc tăng trưởng trong tình huynh đệ và hòa bình là điều phải được trải rộng ra trên khắp thế giới. Bằng phương thế này, Hội Thánh sẽ trở thành hữu hiệu hơn cho việc kiến tạo điều mà Đức Phaolô VI, vị tiền nhiệm của tôi đã đặt tên là “văn minh của tình yêu”.

***

PHẦN II

TÌNH YÊU LỚN HƠN TỘI LỖI

 

Bi kịch của con người

13. Theo lời của thánh Thánh Gioan tông đồ: “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không có trong chúng ta. Nếu chúng ta xưng thú tội lỗi chúng ta, thì Đấng trung tín và công minh sẽ tha thứ tội lỗi cho chúng ta”.[56] Được viết ra từ buổi sơ khai của Hội Thánh, những lời đầy linh hứng này dẫn nhập một cách chính xác hơn bất cứ diễn ngữ nào khác của loài người về đề tài tội lỗi, một đề tài liên hệ chặt chẽ với sự hòa giải. Những lời ấy trình bày vấn đề tội lỗi trong chiều kích nhân bản: tội lỗi như một phần trọn vẹn của sự thật về con người. Nhưng những lời ấy đã nối kết lập tức chiều kích nhân bản với chiều kích thiên linh, nơi mà tội lỗi đối diện với sự thật của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu công minh, rộng lượng, và đầy tín trung, tình yêu được tỏ lộ nhất là nơi sự tha thứ và cứu chuộc. Vì thế, sau đó ít hàng, Thánh Gioan viết thêm “nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, thì Thiên Chúa còn cao hơn lòng chúng ta”.[57]

Ý thức tội lỗi của mình, – hơn thế nữa, khi càng đi sâu vào bản ngã của mình – nhìn nhận rằng mình là một tội nhân, có khả năng phạm tội và có xu hướng phạm tội, là bước đầu thiết yếu trong việc quay về với Thiên Chúa. Đây là kinh nghiệm của Vua Đavít “đã làm điều ác trước nhan Chúa”, và khi bị tiên tri Nathan khiển trách,[58] Vua đã thốt lên: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, và tội lỗi con cứ ở trước mặt con, con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trước mắt Ngài”.[59] Tương tự như vậy, Chúa Giêsu đã đặt những lời thâm thúy sau đây vào miệng và trong tâm hồn của người con hoang đàng: “Cha ơi! Con đã phạm tội đến trời và đến Cha”.[60]

Thực vậy, việc trở về hòa giải với Thiên Chúa ngụ ý và bao gồm ý thức tự mình tách rời, một cách có ý thức và dứt khoát, ra khỏi tội lỗi mà mình đã rơi vào. Do đó, nó ngụ ý và bao gồm việc “sám hối” với ý nghĩa đầy đủ nhất của thuật ngữ: hối hận, bày tỏ sự hối hận này, chấp nhận một thái độ thực sự hối hận – tức là thái độ của người bắt đầu đi vào con đường trở về với Cha. Đây là một luật chung, và mỗi cá nhân phải tuân thủ dựa theo hoàn cảnh riêng biệt của mình. Vì không thể nào bàn đến tội lỗi và hoán cải chỉ bằng những thuật ngữ trừu tượng được.

Trong những hoàn cảnh cụ thể của con người tội lỗi, trong đó không thể nào có hoán cải mà không có việc nhìn nhận tội lỗi của mình, tác vụ của Hội Thánh về sự hòa giải là can thiệp vào từng trường hợp cụ thể với một mục tiêu sám hối xác định. Tác vụ của Hội Thánh là can thiệp vào nhằm đưa con người đến chỗ “biết mình” – theo lối nói của Thánh Catarina thành Siena[61] – đến chỗ loại bỏ tội lỗi, tái lập tình thân hữu với Thiên Chúa, đến một trật tự nội tâm mới, đến một cuộc hoán cải mới với Hội Thánh. Dĩ nhiên, ngay cả bên ngoài biên cương của Hội Thánh và các cộng đoàn tín hữu, sứ điệp và tác vụ sám hối được nhắm tới tất cả mọi người, bởi vì hết mọi người đều cần hoán cải và hòa giải.[62]

Để chu toàn tác vụ sám hối cách thích đáng, chúng ta cần phải đánh giá những hậu quả của tội lỗi dưới “con mắt được soi dẫn” bởi đức tin.[63] Những hậu quả của tội lỗi là nguyên nhân của sự chia rẽ và rạn nứt, không chỉ trong mỗi cá nhân mà còn trong nhiều khâu của cuộc sống con người: trong quan hệ với gia đình, với nghề nghiệp và môi trường xã hội, như kinh nghiệm thường thấy, điều này được củng cố bởi một đoạn văn trong Kinh Thánh về thành Babel và tháp của nó.[64] Với ý đồ xây dựng một công trình được coi làm biểu tượng và tổ ấm của sự hiệp nhất, những con người này nhận thấy họ bị phân tán hơn trước đó, chia rẽ trong ngôn ngữ, chia rẽ giữa chính họ với nhau, không có khả năng nhất trí và đồng tâm.

Tại sao dự án đầy tham vọng đó đã thất bại? Tại sao “các thợ nề xây cất uổng công”?[65] Họ đã thất bại vì họ đã thiết kế như là dấu chỉ và bảo chứng của sự hợp nhất mà họ mơ ước, một công trình duy chỉ bằng chính tay họ, và quên đi hoạt động của Chúa. Họ chỉ chú ý đến chiều ngang của hoạt động và đời sống xã hội mà quên đi chiều dọc mà lẽ ra họ phải cắm rễ nơi Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Chủ Tể của họ, lẽ ra họ phải hướng về với Người như là cứu cánh tối hậu của các tiến bộ của mình.

Có thể nói rằng bi kịch của con người ngày nay, cũng giống như của mọi thời kỳ lịch sử, chính là ở chỗ nó tương tự như kinh nghiệm của Babel.

***

CHƯƠNG I

MẦU NHIỆM TỘI LỖI

 

14. Nếu chúng ta đọc đoạn trình thuật trong Kinh Thánh về thành và tháp Babel dưới ánh sáng Tin Mừng, và nếu đối chiếu với đoạn văn khác về sự sa ngã của nguyên tổ, chúng ta có thể rút ra những yếu tố đáng giá để hiểu về “mầu nhiệm tội lỗi”.[66] Thành ngữ này, phỏng theo kiểu nói của Thánh Phaolô về “mầu nhiệm của sự gian ác”, giúp chúng ta nắm được yếu tố tối tăm và mờ mịt hàm chứa trong tội. Dĩ nhiên, tội là sản phẩm của tự do con người. Nhưng nằm sâu trong thực tại nhân sinh còn có những thành tố làm cho tội vượt thực tại nhân sinh, trong một vùng chung đụng giữa lương tâm, ý chí, cảm giác của con người với các quyền lực đen tối, mà theo Thánh Phaolô, thì nó đang tác động trong thế giới đến nỗi gần như đô hộ thế giới.[67]

Không tuân phục Thiên Chúa

Điểm đầu tiên giúp chúng ta hiểu về tội lỗi được rút ra từ tường thuật của Kinh Thánh về việc xây dựng tháp Babel: con người tìm cách xây một thành phố, tự tổ chức thành một xã hội, và trở nên hùng mạnh và quyền uy mà “không cần Thiên Chúa”, nếu không muốn nói là chống lại Thiên Chúa.[68] Theo nghĩa đó, câu chuyện về tội đầu tiên trong vườn Địa Đàng và câu chuyện về tháp Babel, mặc dù khác nhau đáng kể về nội dung và hình thức, nhưng có một điểm chung: trong cả hai chuyện đều có việc “loại trừ Thiên Chúa”, qua việc chống cự thẳng vào một trong những mệnh lệnh của Người, qua một hành động kình địch, qua kỳ vọng hão huyền là được “giống như Người”.[69] Trong câu chuyện về tháp Babel, việc “loại trừ Thiên Chúa” được trình bày không phải dưới khía cạnh chống cự lại Người cho bằng lãng quên và thờ ơ đối với Người, ra như Thiên Chúa không có chỗ đứng trong những kế hoạch chung của con người. Nhưng trong cả hai trường hợp, “mối quan hệ với Thiên Chúa” đều bị cắt đứt cách tàn bạo. Trường hợp ở vườn Địa Đàng cho thấy hết thực tại nghiêm trọng và bi kịch tạo nên bản chất cuối cùng và đen tối của tội lỗi: “không tuân phục Thiên Chúa”, bất tuân luật của Người, bất tuân quy tắc luân lý mà Người đã trao ban cho con người, khắc sâu vào tâm hồn con người, củng cố và hoàn thiện nó nhờ mạc khải.

“Sự loại trừ Thiên Chúa”, “đoạn tuyệt với Thiên Chúa”, “không tuân phục Thiên Chúa”: trải qua suốt lịch sử nhân loại, đó là tội qua nhiều hình thức khác nhau. Nó còn có thể đi xa hơn tới chỗ “phủ nhận” Thiên Chúa và sự hiện hữu của Người, đây là hiện tượng được gọi là “vô thần”.

Đó là sự “bất tuân” của một người, do một hành vi tự do, đã không nhận biết quyền chủ tể tối cao của Thiên Chúa trên cuộc sống của họ, ít là vào giây phút cụ thể mà họ vi phạm luật Thiên Chúa.

Chia rẽ giữa anh em

15. Trong những trình thuật Kinh Thánh vừa nói ở trên, đoạn tuyệt của con người với Thiên Chúa đưa đến bi kịch là sự chia rẽ giữa các anh em.

Trong cuộc mô tả về “tội đầu tiên”, sự đoạn tuyệt với Giavê đồng thời phá vỡ mối dây thân hữu đã liên kết gia đình nhân loại. Vì vậy, những trang tiếp theo của sách “Sáng Thế” cho chúng ta thấy người nam và người nữ ra như đã giơ ngón tay buộc tội lẫn nhau.[70] Sau đó, chúng ta còn thấy người anh đã ghét em mình và cuối cùng đã cướp đi mạng sống của nó.[71]

Theo câu chuyện về tháp Babel, hậu quả của tội lỗi là phân tán gia đình nhân loại, đã bắt đầu với tội đầu tiên và đã đạt tới hình thức tột đỉnh trên bình diện xã hội.

Đối với người muốn nghiên cứu về mầu nhiệm tội lỗi, không thể không biết mối liên hệ giữa nguyên nhân và hậu qua đó. Như là sự đoạn tuyệt với Thiên Chúa, tội là một hành động bất tuân của một thụ tạo đã chối bỏ, ít là cách ám tàng, Đấng là nguồn gốc hiện hữu của nó và gìn giữ cho nó được sống. Vì thế đó là hành động tự sát. Bởi vì khi phạm tội, con người từ chối phục tùng Thiên Chúa, cho nên sự cân bằng nội tâm cũng bị phá vỡ và chính vì thế trong họ nảy sinh những sự bất đồng và xung đột. Bị tổn thương như thế, con người cũng không thể tránh gây ra tai hại cho cấu trúc của mối quan hệ với người khác và với thế giới thụ tạo. Đây là một định luật khách quan và là một hiện thực khách quan, được kiểm chứng nhiều cách trong nội tâm con người, trong đời sống tinh thần cũng như trong xã hội, nơi mà người ta dễ nhìn thấy những dấu hiệu và hậu quả của sự hỗn loạn nội tâm.

Mầu nhiệm tội lỗi bao gồm hai vết thương mà tội nhân đã mở ra trong chính mình và trong mối quan hệ với đồng loại. Vì thế, ta có thể nói về tội “cá nhân” và tội “xã hội”: dưới một phương diện, mọi tội đều là “cá nhân”; dưới phương diện khác, mọi tội đều là “xã hội”, xét vì và bởi vì nó có những âm hưởng xã hội.

Tội Cá Nhân và Tội Xã Hội

16. Tội lỗi, theo đúng nghĩa, luôn luôn là một “hành vi cá nhân”, bởi vì nó là một hành vi tự do của một cá nhân, chứ không phải là của một nhóm hay một cộng đồng. Cá nhân này có thể bị chi phối, kích động và ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố mạnh mẽ bên ngoài. Cá nhân cũng có thể bị tùy thuộc vào các khuynh hướng, các khuyết điểm di truyền và các thói quen gắn liền với điều kiện bản thân. Không ít lần những yếu tố bên trong và bên ngoài đó có thể làm suy giảm, hoặc nhiều hoặc ít, tự do của chủ thể và vì thế giảm bớt trách nhiệm và lỗi của họ. Nhưng một chân lý đức tin, được củng cố bằng kinh nghiệm và lý luận, đó là con người có tự do. Sự thật này không thể bị loại bỏ, chuyển sự khiển trách các tội của cá nhân sang các yếu tố bên ngoài, tựa như các cơ cấu, các hệ thống hay người khác. Nhất là điều này sẽ phủ nhận sự tự do và phẩm giá của con người, được biểu hiện – tuy một cách tiêu cực và khốc hại – trong trách nhiệm về tội đã phạm. Do đó, không có gì có tính cách cá nhân và bất khả chuyển nhượng trong mỗi cá nhân cho bằng công trạng về nhân đức hay trách nhiệm về tội.

Như một hành vi cá nhân, tội mang những hậu quả nghiêm trọng trước hết và trên hết nơi “bản thân người phạm tội”: nghĩa là trong mối quan hệ với Thiên Chúa, Đấng là nền tảng của đời sống con người, cũng như trong tinh thần của nó, bởi vì làm nhụt ý chí và làm lu mờ trí tuệ của nó.

Tới đây, chúng ta phải đề cập đến điều mà trong thời gian chuẩn bị Thượng Hội Đồng và trong quá trình làm việc, người ta thường gọi là “tội xã hội”.

Thực ra, diễn ngữ và cách quan niệm của nó mang nhiều nghĩa khác nhau.

Trước hết, nói tới “tội xã hội” là nhìn nhận rằng do tình liên đới nhân loại là một điều vừa huyền nhiệm và khó tả vừa thực sự và cụ thể, tội của mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng cách nào đó đến những người khác. Đây là mặt trái của tính liên đới mà theo quan điểm tôn giáo được biểu lộ trong mầu nhiệm sâu thẳm và huy hoàng về “sự thông hiệp các thánh”, nhờ đó có thể nói rằng: “mỗi linh hồn vươn lên cao thì cũng nâng cả thế giới lên”. Tiếc rằng luật thăng tiến này cũng được đối lại bằng luật “suy thoái”, do đó người ta có thể nói về “sự thông hiệp tội lỗi”, do đó một linh hồn hạ thấp mình trong tội sẽ lôi kéo theo cả Hội Thánh và một cách nào đó, kéo theo toàn thế giới. Nói cách khác, không có tội nào, kể cả tội thâm sâu kín đáo nhất, tội hết sức riêng tư, lại chỉ liên quan đến người đã phạm mà thôi. Mỗi tội đều có những âm hưởng đến toàn Hội Thánh và trên toàn thể gia đình nhân loại, tuy với nhiều hay ít trầm trọng và tổn thất. Theo nghĩa đầu tiên của từ này, chắc hẳn là mỗi tội đều có thể được coi như là “tội xã hội”.

Tuy nhiên, một vài tội tự chúng tạo thành một cuộc tấn công trực tiếp vào đồng loại của mình, và nói một cách chính xác hơn theo ngôn ngữ của Tin Mừng là, chống lại anh em hay chị em của mình. Chúng xúc phạm đến Thiên Chúa, chính vì chúng xúc phạm đến đồng loại của mình. Những tội này thường được gọi là “tội xã hội” và đây là nghĩa thứ hai của từ này. Theo nghĩa này, “tội xã hội” là tội chống lại tình yêu đồng loại, và theo luật của Đức Kitô nó trở nên rất nghiêm trọng bởi vì nó liên can tới giới luật thứ hai, “cũng ngang với điều thứ nhất”.[72] Cũng vậy, từ “xã hội” áp dụng cho mọi tội chống lại sự công bình giữa tương giao người với người, cá nhân đối với cộng đồng hoặc do cộng đồng đối với cá nhân. Cũng là “xã hội”, mọi tội chống lại các quyền của con người, bắt đầu bằng quyền được sống và gồm cả quyền được sinh ra, hoặc tội chống lại sự toàn vẹn của thân thể con người. Cũng vậy, “xã hội” là những tội chống lại sự tự do của người khác, đặc biệt chống lại sự tự do tối thượng được tin vào Thiên Chúa và thờ lạy Người; “xã hội”; là mọi tội chống lại phẩm giá và danh dự của đồng loại, cũng là “xã hội” mọi tội chống lại công ích và những đòi buộc của nó liên quan tới toàn thể những quyền lợi và bổn phận của người công dân. Tiếng “xã hội” còn có thể áp dụng cho những tội đã phạm hoặc thiếu sót – về phía những người lãnh đạo chính trị, kinh tế hay công đoàn, những người này tuy ở địa vị phải làm nhưng đã không làm một cách cần cù và khôn ngoan trong việc cải thiện và biến đổi xã hội theo những đòi hỏi và khả năng của một thời điểm lịch sử cụ thể; cũng nói như thế về phía các người công nhân, qua việc vắng mặt hoặc bất hợp tác, đã không chịu dùng tài nghệ của mình thăng tiến an sinh cho chính các công nhân, cho gia đình họ và cho toàn bộ xã hội.

Nghĩa thứ ba của “tội xã hội” ám chỉ các mối quan hệ giữa các cộng đồng nhân loại khác nhau. Những mối quan hệ này không phải lúc nào cũng phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng muốn có công bình trong thế giới, tự do và hòa bình giữa các cá nhân, các nhóm, và giữa các dân tộc.[73] Như thế, cuộc đấu tranh giai cấp, cho dù người lãnh đạo hoặc người biện minh cho nó bằng ý thức hệ là ai đi nữa, là một “tội xã hội”. Cũng vậy, cuộc đối đầu ương bướng giữa các khối quốc gia, giữa một quốc gia này với quốc gia khác, giữa những nhóm khác nhau trong một quốc gia – tất cả đều là “tội xã hội”. Trong cả hai trường hợp, người ta tự hỏi có thể gán các trách nhiệm luân lý của những điều xấu đó, và do bởi tội, cho một người nào cụ thể hay không. Phải chấp nhận rằng những thực tại và hoàn cảnh vừa mô tả trên, khi chúng trở thành tổng quát và đạt những tầm kích rộng lớn như là những hiện tượng xã hội, thì hầu như trở nên không tên, cũng như những nguyên nhân của chúng thì phức tạp và không thể chỉ điểm được. Vậy nếu ai nói về tội xã hội thì diễn ngữ này có một nghĩa loại suy. Tuy nhiên kể cả khi nói, tội xã hội theo nghĩa loại suy, chúng ta đừng hạ giá trách nhiệm của những cá nhân có liên can tới nó. Đây là lời kêu gọi đến lương tâm của tất cả mọi người, để mỗi người nghiêm túc và can đảm nhận trách nhiệm của mình, hầu có thể thay đổi những điều kiện tai hại đó và những hoàn cảnh không thể chịu đựng được.

Sau khi đã trình bày cách rõ ràng và minh bạch như vậy, cần phải thêm rằng còn có một ý nghĩa đôi khi được gán cho tội xã hội một nghĩa không chính đáng và cũng không thể chấp nhận được mặc dầu hiện nay nó rất phổ biến trong một vài khu vực.[74] Người ta đối chọi một cách không phải là thiếu hàm hồ giữa tội xã hội và tội cá nhân, trong một phương thức mà cố tình hay hữu ý dẫn tới việc làm giảm nhẹ và gần như hủy bỏ tội cá nhân và chỉ nhìn nhận lỗi lầm và trách nhiệm của xã hội. Theo quan điểm đó, một quan điểm biểu lộ khá rõ về nguồn gốc của nó từ những ý thức hệ và chế độ ngoài kitô giáo – đôi khi ngày nay đã bị chối bỏ bởi chính những người trước đây đã từng chính thức ủng hộ chúng, – hầu như mọi tội đều là tội xã hội, theo nghĩa người ta ít qui chiếu trách nhiệm cho những lương tâm cá nhân, nhưng cho một đơn vị mơ hồ hay tập thể vô danh, như là hoàn cảnh, chế độ, xã hội, cơ cấu và thể chế.

Khi Hội Thánh nói về những tình trạng tội lỗi hay khi Hội Thánh lên án như là tội xã hội một vài tình trạng nào đó hay cách cư xử tập thể của vài nhóm xã hội nào đó dù lớn hay nhỏ, hoặc ngay cả toàn thể quốc gia hay những khối các quốc gia, thì Hội Thánh biết và công bố rằng những trường hợp tội xã hội như thế là kết quả của sự tích lũy và tập trung của nhiều tội cá nhân. Đó là tội lỗi hoàn toàn mang tính cá nhân của những người tạo nên hay ủng hộ sự dữ, hoặc khai thác nó; những người có nhiệm vụ phải tránh, phải bài trừ hay ít là giới hạn những sự dữ xã hội nhưng họ đã không làm do sự lười biếng, sợ hãi hay có âm mưu giữ im lặng qua sự đồng lõa bí mật hay lãnh đạm; những người trốn tránh trách nhiệm vì cho là họ không có khả năng thay đổi thế giới; hay cả những người tránh né các vấn đề đòi hỏi nỗ lực và hy sinh bằng cách viện ra những lý do của một trật tự cao hơn. Vì thế trách nhiệm thực sự nằm nơi chính những cá nhân.

Một tình trạng – hay cách tương tự, một thể chế, một cơ cấu, một xã hội, – tự nó không phải là chủ thể của những hành vi luân lý, vì thế tự nó không thể là tốt hay xấu.

Ở nguồn gốc mọi “tình trạng của tội lỗi” người ta luôn luôn tìm thấy những con người tội lỗi. Đây là một sự thật đến nỗi ngay cả khi một tình trạng có thể được thay đổi trong những khía cạnh cơ cấu và thể chế của nó bởi sức mạnh của luật pháp hay, như thường xẩy ra cách đáng tiếc, bởi luật của sức mạnh, thì thực tế sự thay đổi vẫn bất toàn, không kéo dài và sau cùng thành mây khói không có tác dụng – nếu không nói là phản tác dụng bao lâu những người có trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp về những tình trạng đó không chịu hoàn cải.

Tội Nặng và Tội Nhẹ

17. Tới đây chúng ta đi đến một chiều kích sâu xa hơn của mầu nhiệm tội lỗi, một chiều kích mà tâm trí không bao giờ ngừng đắn đo suy nghĩ: đó là vấn đề sự trầm trọng của tội lỗi. Đây là vấn đề không thể tránh né và lương tâm Kitô giáo không bao giờ từ chối trả lời. Tại sao và tới mức độ nào tội có tính cách nghiêm trọng, trong việc xúc phạm đến Thiên Chúa và trong những hiệu quả gây cho con người? Hội Thánh có một giáo huấn về vấn đề này, Hội Thánh đã tái xác nhận những yếu tố cơ bản của giáo huấn đó, cho dù nhìn nhận rằng không luôn luôn dễ gì mà định nghĩa những giới hạn rõ ràng và chính xác trong những tình trạng cụ thể.

Ngay từ trong Cựu Ước, những cá nhân lỗi phạm một vài thứ tội – những tội phạm có chủ tâm,[75] những hình thức khác nhau của dâm ô,[76] ngẫu tượng,[77] thờ các tà thần,[78] – thì bị ra lệnh là “phải cất khỏi loài người” điều này cũng có nghĩa là bị xử tử hình.[79] Đối lại, có những tội khác, đặc biệt là những tội phạm cách vô tình thì chúng được tha thứ bởi hy lễ đền tội.[80]

Qui chiếu những đoạn văn trên, Hội Thánh qua nhiều thế kỷ đã nói về tội chết và tội tha được. Nhưng nhất là Tân ước đã làm sáng tỏ sự phân biệt này và những từ ngữ này. Tân ước có nhiều đoạn văn liệt kê và khiển trách mạnh mẽ những tội đáng bị luận phạt.[81] Ngoài ra còn có việc Đức Giêsu tái xác nhận của Thập giới.[82] Ở đây tôi muốn lưu ý đặc biệt đến hai đoạn văn đầy ý nghĩa thâm thúy.

Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan, tác giả nói về tội dẫn đến cái chết (pros thánaton), đối lại với tội không dẫn đến cái chết (mè pros thánaton).[83] Dĩ nhiên quan niệm về cái chết ở đây là chết về tinh thần. Đó là vấn đề mất sự sống đích thực, “sự sống đời đời”, mà theo Thánh Gioan, là nhận biết Chúa Cha và Chúa Con,[84] cùng hiệp thông và thân mật với Thiên Chúa. Trong đoạn văn đó, tội dẫn đến cái chết xem ra là tội từ chối Chúa Con[85] hay tôn thờ các tà thần.[86] Dù sao đi nữa, bằng sự phân biệt về quan niệm như vậy, Thánh Gioan có vẻ muốn nhấn mạnh đến sự nghiêm trọng vô lường của điều tạo thành chính bản chất của tội, đó là sự loại trừ Thiên Chúa. Điều này được bày tỏ nhất là trong hành động bội giáo và thờ ngẫu tượng: khước từ tin vào chân lý mạc khải và đặt vài thực tại thụ tạo nào đó ngang hàng với Thiên Chúa, nâng chúng lên địa vị các ngẫu tượng hay tà thần.[87] Nhưng trong đoạn văn này, ý định của vị tông đồ cũng nhấn mạnh đến niềm chắc chắn được ban cho người kitô hữu do sự kiện là họ được “sinh bởi Thiên Chúa” qua việc Con Thiên Chúa đến trần gian: người kitô hữu có một quyền lực bảo vệ mình khỏi sa ngã vào tội lỗi; Thiên Chúa bảo vệ họ và “sự dữ không thể chạm đến họ”. Nếu họ có phạm tội vì sự yếu đuối hay vô tình thì họ tin tưỏng sẽ được tha thứ, cũng vì họ được nâng đỡ bởi sự liên kết cầu nguyện của cộng đoàn.

Trong một đoạn văn khác của Tân ước, đó là Tin mừng Thánh Matthew,[88] chính Đức Giêsu nói về tội “lộng ngôn” phạm đến Chúa Thánh Thần mà “sẽ không được tha thứ”, với lý do là vì nó biểu lộ một sự từ chối ngoan cố, không chịu trở về với tình yêu của Chúa Cha đầy khoan nhân.

Dĩ nhiên ở đây là những kiểu nói mang tính cách triệt để và cực đoan loại bỏ Thiên Chúa, loại bỏ ân sủng của Ngài, và vì thế kháng cự lại với chính nguồn ơn cứu độ.[89] Qua đó dường như con người tự ý trục xuất mình khỏi con đường tha thứ. Hy vọng rằng có rất ít người cố chấp tới tận cùng trong thái độ nổi loạn hay thậm chí thách thức đối với Thiên Chúa như thế. Hơn nữa Thiên Chúa trong tình yêu thương xót, thì cao cả hơn tấm lòng của chúng ta, như Thánh Gioan đã dậy chúng ta,[90] và có thể đánh bại tất cả những kháng cự tâm lý và tinh thần của chùng ta. Vì thế, như Thánh Thomas Aquinas viết: “xét đến sự toàn năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, không ai phải tuyệt vọng về ơn cứu độ của bất cứ người nào trong cuộc sống đời này”.[91]

Nhưng khi chúng ta suy nghĩ đến vấn đề giữa ý muốn phản nghịch và Thiên Chúa công minh vô tận, chúng ta không thể không cảm nhận “sợ hãi và run rẩy” tốt lành như Thánh Phaolô gợi ý.[92] Hơn nữa lời cảnh cáo của Đức Giêsu về tội “sẽ không được tha thứ” xác nhận sự hiện hữu của những tội có thể đem đến cho tội nhân sự trừng phạt của “cái chết đời đời”.

Dưới ánh sáng của những đoạn Kinh thánh này, và những đoạn khác, các tiến sĩ và thần học gia, các thầy dạy tu đức và mục tử đã phân chia tội lỗi thành tội chết và tội tha được. Thí dụ như Thánh Augustin nói đến: Crimina letalia hay mortifera (tội tử thương, tội chết người) đối lại với tội venialia (tha được) levia (nhẹ) hay quotidiana (lặt vặt thường ngày).[93] Ý nghĩa mà người gán cho những tĩnh từ này đã gây ảnh hưởng tới huấn quyền tiếp sau của Hội Thánh. Sau Thánh Augustin, Thánh Thomas đã phát biểu bằng những đạo lý hết sức khúc triết và trở thành vững vàng trong Hội Thánh.

Khi định nghĩa và phân biệt giữa tội chết và tội tha được, thần học về tội lỗi theo Thánh Thomas và những người tiếp nối không thể không qui chiếu về Kinh Thánh và do đó không thẻ không biết đến khái niệm về cái chết tinh thần. Theo Thánh Thomas, để có thể sống theo Thần Khí, con người phải duy trì sự hiệp thông với nguyên lý tối thượng của sự sống là Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là cùng đích tội hậu của sự hiện hữu và sự hoạt động của con người. Thế mà tội lỗi là sự rối loạn do con người gây ra, chống lại nguyên lý sự sống ấy. Và khi “qua tội lỗi, linh hồn gây ra một sự rối loạn tới mức độ quay lưng với cùng đích tối hậu – Thiên Chúa – mà nó được ràng buộc nhờ đức ái, đó là tội chết; ngược lại, khi sự rối loạn không đạt đến mức độ quay lưng với Thiên Chúa, đó là tội tha được. Vì lý do này, tội tha được không làm mất ơn thánh sủng, tình thân hữu với Thiên Chúa, đức ái, và vì thế hạnh phúc vĩnh cửu; trong khi rõ ràng tội nặng làm mất những điều ấy”.[94]

Hơn nữa khi tội được xét từ quan điểm của sự trừng phạt đáng chịu, đối với Thánh Thomas và các tiến sĩ khác, tội chết là tội nếu không được tha thứ, sẽ dẫn đến hình phạt đời đời; Trong khi tội tha được là tội chỉ đáng lãnh hình phạt tạm thời (nghĩa là hình phạt bán phần có thể được đền ở đời này hay trong luyện ngục).

Khi nhìn tội từ quan điển chất thể của nó, những ý tưởng về sự chết về sự đoạn tuyệt với Thiên Chúa, Đấng thiện hảo tối cao, về sự lạc hướng trên đường dẫn đến Thiên Chúa hay về sự gián đoạn hành trình hướng về Ngài (đó là tất cả những cách thức định nghĩa tội chết), đều được nối liền với ý tưởng về sự trầm trọng hàm chứa trong nội dung khách thể của tội. Do đó, trong đạo lý và hoạt động mục vụ của Giáo Hội, tội trọng được đồng hóa trong thực hành với tội chết.

Ở đây chúng ta có cái cốt lõi trong giáo huấn cổ truyền của Hội Thánh, đã được lập lại cách thường xuyên và mãnh liệt trong Thượng Hội Đồng vừa qua. Thật vậy, Thượng Hội Đồng không chỉ xác nhận lại giáo huấn của Công Đồng Trento liên hệ đến sự hiện hữu và bản chất của tội chết và tội tha được,[95] mà còn nhắc nhở rằng tội chết là tội mà đối tượng của nó là nội dung nặng và phạm với ý thức đầy đủ cùng ý chí ưng thuận. Còn phải thêm rằng – như Thượng Hội Đồng đã làm – một vài tội tự nội tại là nặng và đáng chết bởi vì nội dung của nó. Nghĩa là có những hành động tự nó và trong nó, không bi tùy thuộc vào các hoàn cảnh, thì luôn luôn sai lầm nghiêm trọng bởi đối tượng của nó. Những hành động này, nếu làm với sự nhận thức và tự do đầy đủ thì luôn luôn là tội nặng.[96]

Đạo lý này, dựa trên Thập giới và lời rao giảng của Cựu ước, được thu nhập vào lời giảng Keryma của các Tông đồ, và thuộc về giáo huấn tiên khởi của Hội Thánh cùng được Hội Thánh liên tục khẳng định tới ngày hôm nay, được kiểm chứng cách chính xác qua kinh nghiệm của các tín hữu qua các thời đại. Bằng kinh nghiệm con người biết rất rõ rằng dọc theo con đường của đức tin và công chính dẫn đến sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa trong đời sống tại thế này, cùng hướng tới sự hiệp nhất hoàn hảo với Người trong sự sống vĩnh cửu, con người có thể ngừng đi tiếp hay có thể đi lệch hướng, tuy vẫn không bỏ rơi con đường của Thiên Chúa và trong trường hợp này xảy ra tội nhẹ (tội tha được). Tuy nhiên không bao giờ được coi thường tội nhẹ, ra như nó có thể tự động bỏ quên hay là “nó chẳng đáng gì”.

Vì con người cũng biết qua kinh nghiệm đau thương rằng, bởi một hành động ý thức và tự do của ý muốn, nó có thể đổi tiến trình và đi theo hướng đối nghịch với ý muốn của Thiên Chúa, tự tách rời khỏi Thiên Chúa (aversio a Deo), từ chối hiệp thông thân ái với Ngài, tự cắt đứt khỏi nguyên lý sự sống là Thiên Chúa và hậu quả là chọn cái chết.

Cùng với toàn thể truyền thống của Hội Thánh, chúng ta gọi tội chết là tội do con người với tự do và ý thức, loại bỏ Thiên Chúa và lề luật của Người, giao ước tình yêu mà Ngài ban tặng, thích quay về với chính bản thân mình hơn, hay quay về với tạo vật hữu hạn, một điều trái với ý muốn của Chúa (conversio ad naturam). Điều này có thể xảy ra cách trực tiếp và chính thức trong những tội thờ ngẫu tượng, bội giáo và vô thần, hay bằng một cách tương đương như là trong mỗi hành động bất tuân giới răn của Chúa trong một chất thể nặng. Con người nhận ra rằng sự bất tuân Thiên Chúa phá hủy mối dây liên kết con người với nguyên lý sự sống: đó là tội chết nghĩa là một hành động xúc phạm đến Thiên Chúa cách nặng, và sau cùng quay ra phản lại với chính mình với sức phá hủy đen tối và đầy mãnh lực.

Trong khóa họp Thượng Hội Đồng, một vài nghị phụ đã đề nghị phân biệt tội thành ba loại theo thứ tự là tội nhẹ, tội nặng và tội đáng chết. Sự phân biệt ba loại như vậy có thể cho thấy rằng có một cấp độ nghiêm trọng giữa những tội nặng, nhưng một điều vẫn còn đúng là sự phân biệt chính yếu và tất định vẫn là giữa tội phá hủy đức ái và tội không hủy diệt đời sống siêu nhiên: không có cái gì khác nằm giữa sự sống và sự chết.

Cũng vậy, cần phải cẩn thận đừng giản lược tội chết vào hành động “lựa chọn cơ bản” (optio fundamentalis) – chống lại Thiên Chúa như người ta thường nói ngày nay; hạn từ được hiểu như là sự khinh miệt rõ ràng và chính thức đối với Thiên Chúa và tha nhân. Vì tội nặng cũng hiện hữu khi người nào chọn lựa, với ý thức và tự do, vì bất cứ lý do gì, một điều rối loạn trầm trọng. Thật vậy, một lựa chọn như the tự nó bao gồm một sự khinh miệt lề luật Thiên Chúa, loại bỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và toàn thể tạo vật: con người quay lưng lại với Thiên Chúa và mất tình yêu mến. Như vậy sự định hướng cơ bản có thể được thay đổi cách triệt để bởi các hành động cá biệt. Dĩ nhiên có những tình trạng xảy ra cách phức tạp và tăm tối trên bình diện tâm lý, và có ảnh hưởng tới trách nhiệm chủ quan của tội nhân. Nhưng từ một nhận định thuộc lãnh vực tâm lý người ta không thể tiến hành xây dựng một phạm trù thần học như là “sự lựa chọn cơ bản”, hiểu theo nghĩa, một cách khách quan nó có thể làm thay đổi hay gây hồ nghi khái niệm truyền thống về tội chết.

Tuy dù mọi nỗ lực chân thành và khôn ngoan để làm sáng tỏ khía cạnh tâm lý và thần học của mầu nhiệm tội lỗi cần được trân trọng, nhưng Hội Thánh vẫn có bổn phận nhắc nhở tất cả những ai nghiên cứu vấn đề này về sự cần thiết phải trung tín với Lời Chúa dạy dỗ chúng ta về tội lỗi. Cũng vậy Hội Thánh phải nhắc nhở họ về nguy cơ làm giảm bớt cảm thức tội lỗi trong thế giới hôm nay.

Mất cảm thức về tội

18. Trải qua bao thế hệ, nhờ Tin Mừng được đọc trong cộng đoàn Hội Thánh, tâm trí người Kitô hữu đã đạt đến một sự nhạy bén tinh tế, và một nhận thức sâu sắc về những hạt giống của sự chết được chứa đựng trong tội, cũng như một sự hiểu biết nhạy bén và sâu sắc để vạch mặt chúng dưới hàng ngàn chiêu bài mà tội lỗi xuất hiện trá hình. Đó là điều mà người ta gọi là cảm thức về tội.

Cảm thức này được đâm rễ trong lương tâm con người và như thể là nhiệt kế của nó. Nó được nối liền với cảm thức về Thiên Chúa, vì nó xuất phát từ mối tương quan có ý thức của con người với Thiên Chúa như là Đấng Tạo Hóa, là Chủ Tể và là Cha của mình. Do đó cũng như không thể nào bứng nhổ hoàn toàn cảm thức về Thiên Chúa hay bóp nghẹt hoàn toàn tiếng lương tâm, thì cũng không tài nào hủy diệt hoàn toàn cảm thức về tội được.

Tuy vậy, không hiếm lần trong lịch sử, với những thời kỳ dài ngắn khác nhau và dưới ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau, ý thức luân lý của nhiều người trở nên bị vẩn đục cách nghiêm trọng. “Chúng ta có ý tưởng đúng đắn về lương tâm hay không?” – Tôi đã hỏi cách đây hai năm trong một diễn từ với các tín hữu – “phải chăng con người thời nay đang bị đe dọa vì lương tâm đã xuống dốc? Vì lương tâm bị biến dạng? Vì lương tâm bị tê liệt? Và chết hay không?.[97] Có nhiều dấu hiệu cho thấy sự xuống dốc như thế đang xảy ra trong thời đại chúng ta. Điều này trở thành đáng lo ngại hơn nữa, bởi vì lương tâm được Công Đồng định nghĩa như là “thâm cung và thánh điện của con người”.[98] “Có liên hệ mật thiết với tự do của con người… Vì lý do đó, lương tâm tạo nên nền tảng của phẩm giá nội tại của con người và đồng thời của mối quan hệ với Thiên Chúa.[99] Vì thế điều không thể tránh được là trong tình trạng này cũng có một sự lu mờ cảm thức về tội, điều có liên hệ mật thiết với lương tâm, sự tìm kiếm chân lý và khát vọng sử dụng tự do một cách có trách nhiệm. Khi lương tâm bị yếu nhược thì cảm thức về Thiên Chúa cũng bị lu mờ, hậu quả là khi đã mất đi hai điều qui chiếu nội tại này thì cảm thức về tội cũng bị mất đi. Điều nay giải thích tại sao vị tiền nhiệm của tôi Đức Piô XII có lần tuyên bố những lời trở thành thời danh rằng “tội của thế kỷ là sự mất cảm thức về tội”.[100]

Tại sao điều này đã xảy ra trong thời đại của chúng ta? Một cái nhìn vào vài khía cạnh của văn hóa đương thời có thể giúp chúng ta hiểu sự suy yếu dần dần của cảm thức về tội, chỉnh bởi vì những khủng hoảng của lương tâm và của cảm thức về Thiên Chúa vừa nói trên.

“Trào lưu tục hóa” tự bản chất và định nghĩa là một phong trào về tư tưởng và thái độ chủ trương một nền nhân bản tuyệt đối không có Thiên Chúa, hoàn toàn tập trung vào sự sùng bái hành động và sản xuất, bị thu hút bởi sự say mê hưởng thụ và tìm kiếm hưởng lạc mà không quan tâm gì đến mối nguy “mất linh hồn mình”. Thế nào trào lưu tục hóa cũng làm hao mòn cảm thức về tội. Cùng lắm tội chỉ còn là một điều xúc phạm đến con người. Nhưng chính đây là điều, chúng ta phải đương đầu với kinh nghiệm chua xót, như tôi đã nói đến trong thông điệp đầu tiên, đó là con người có thể xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa, nhưng rồi thế giới đó sẽ quay ra chống lại con người.[101] Thực vậy, Thiên Chúa là nguyên khởi và cùng đích của con người và con người mang trong mình mầm mống thần linh.[102] Do đó, mầu nhiệm Thiên Chúa mạc khải và soi sáng mầu nhiệm về con người. Bởi vậy thực là hão huyền nếu hy vọng đặt nền tảng cho một cảm thức về tội chống lại con người và chống lại những giá trị nhân loại, nếu không có cảm thức về tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa, nghĩa là cảm thức đích đáng về tội.

Lý do khác làm mất đi cảm thức về tội trong xã hội hiện đại cần phải tìm thấy trong những sai lầm, trong việc đánh giá một vài khám phá khoa học về con người dựa trên vài quả quyết của tâm lý học, mối quan tâm muốn tránh tạo ra những mặc cảm tội lỗi hoặc không muốn đặt giới hạn cho tự do đã đưa tới việc khước từ không chịu chấp nhận ngay cả sự thất bại. Qua việc phóng đại bừa bãi về những tiêu chuẩn của xã hội học, người ta đã kết luận rằng tất cả những lỗi lầm đều qui trách cho xã hội như tôi đã nói, và cá nhân được tuyên bố là vô can. Ngoài ra một ngành Nhân-học-văn-hóa đã nhấn mạnh đến điều kiện và ảnh hưởng không thể thiếu được của môi trường và lịch sử tác dụng đến con người và hạ thấp trách nhiệm con người, đến nỗi không còn nhìn nhận khả năng thực hiện những hành vi nhân linh và do đó khả năng phạm tội.

Cảm thức về tội cũng dễ dàng bị suy sụp do ảnh hưởng của một lịch sử hệ thống luân lý muốn tương đối hóa các qui tắc luân lý, phủ nhận giá trị tuyệt đối và vô điều kiện của chúng, và từ đó phủ nhận những hành vi xấu xa tự bản chất, không tùy thuộc vào những hoàn cảnh mà chủ thể thực hiện. Đây là là một sự “đảo lộn và sụp đổ những giá trị luân lý”“vấn đề này không phải do chỗ dốt nát về luân lý Kitô Giáo”, nhưng là “dốt về ý nghĩa, về những nền tảng và tiêu chuẩn của hành động luân lý”.[103] Một hậu quả khác của việc đảo lộn luân lý là giảm thiểu khái niệm về tội đến nỗi nói rằng tuy tội có thực nhưng không ai biết đã có người nào phạm tội hay không.

Cuối cùng tâm thức về tội biến mất như đã xảy ra trong việc giáo dục giới trẻ, trong ngành truyền thông xã hội và ngay cả trong giáo dục gia đình, – khi mà tội được đồng hóa cách sai lầm với mặc cảm bệnh hoạn về tội lỗi, hay với việc vi phạm các qui tắc luật lệ mà thôi.

Do đó, sự mất cảm thức về tội là một hình thức hoặc hậu quả của sự phủ nhận Thiên Chúa: không chỉ dưới hình thức chủ nghĩa vô thần, nhưng còn dưới hình thức trào lưu tục hóa. Nếu tội phá vỡ mối liên hệ con cái với Thiên Chúa ngõ hầu xếp đặt đời sống của mình ra ngoài sự vâng phục Thiên Chúa, thì phạm tội không phải chỉ là phủ nhận Thiên Chúa. Phạm tội còn là sống dường như không có Chúa, khai trừ Chúa ra khỏi đời sống hằng ngày của họ. Một khuôn mẫu xã hội đã bị què quặt hay lệch lạc do một trong hai cách sống trên, như thường được các phương tiện truyền thông xã hội truyền bá, rất dễ làm mất dần dần cảm thức về tội. Trong tình trạng đó, việc che mờ hay suy giảm cảm thức về tội phát sinh từ nhiều nguồn: từ chỗ loại bỏ hết mọi qui chiếu về Đấng Siêu Việt, nhân danh khát vọng của cá nhân muốn dành độc lập cho nhân vị; từ sự chấp nhận những khuôn mẫu đạo đức bị áp đặt bởi dư luận và lối sống quần chúng, cho dù bị kết án bởi lương tâm cá nhân; từ những điều kiện bi đát của xã hội và kinh tế đang đè bẹp một phần lớn nhân loại, gây nên khuynh hướng chỉ nhìn thấy các sai sót và lỗi lầm nơi bối cảnh của xã hội; sau cùng và một cách đặc biệt, từ sự lu mờ ý niệm về Thiên Chúa là Cha và Ngài có quyền chủ tể trên đời sống con người.

Ngay cả trong phạm vi suy tư và sinh hoạt của Hội Thánh, một vài trào lưu đã dẫn tới sự sa sút cảm thức về tội. Ví dụ: một số người đã thay thế những thái độ phóng đại của quá khứ bằng những lối phóng đại khác: từ chỗ nhìn thấy tội ở khắp mọi nơi, họ đi tới chỗ không thấy tội ở nơi nào hết; từ chỗ nhấn mạnh quá đáng về sự sợ hãi án phạt đời đời, tới chỗ rao giảng về một tình yêu Thiên Chúa khai trừ hết mọi hình phạt xứng đáng với tội; từ chỗ khắc nghiệt khi cố gắng sửa chữa lương tâm sai lầm, với việc tôn trọng lương tâm mà không dám nói lên sự thực. Và có cần phải thêm rằng sự hoang mang gây ra cho lương tâm của nhiều tín hữu do những sự khác biệt về ý kiến và giáo huấn trong môn thần học, trong việc giảng thuyết huấn giáo và linh hướng chung quanh những vấn đề quan thiết và tế nhị của luân lý Kitô giáo, đưa tới hậu quả là giảm sút cảm thức đích thực về tội, đến nỗi hoàn toàn khai trừ cảm thức đó hay không? Và cũng không thể bỏ qua vài sai sót trong việc thực hành Bí tích Sám Hối. Những sai sót ấy bao gồm những xu hướng làm lu mờ ý nghĩa Hội Thánh của tội lỗi và cải hoán, và chỉ coi những chuyện đó như là chuyện riêng tư cá nhân; hay ngược lại, xu hướng tiêu diệt giá trị cá nhân của điều tốt và điều xấu, và chỉ nhìn chúng dưới chiều kích cộng đoàn mà thôi. Còn nguy cơ nữa, điều chưa hoàn toàn bị diệt trừ, đó là cách cử hành máy móc làm mất đi ý nghĩa thâm sâu và hiệu năng đào tạo của Bí tích.

Việc khôi phục cảm thức đứng đắn về tội là cách thức ưu tiên để đương đầu với cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng đang đè nặng trên con người thời này. Nhưng chỉ có thể khôi phục cảm thức tội lỗi nhờ việc nhắc nhở cách minh bạch những nguyên tắc của lý trí và đức tin mà giáo huấn luân lý của Hội Thánh vẫn chủ trương.

Có những lý do vững chắc cho phép hy vọng rằng một cảm thức lành mạnh về tội sẽ tái phát triển, đặc biệt là trong thế giới Kitô giáo và trong Hội Thánh. Điều này sẽ được hỗ trợ nhờ một nền giáo huấn chân chính được soi sáng bởi Thần học Kinh thánh về Giao ước, nhờ việc chăm chú lắng nghe và tin tưởng đón nhận Huấn quyền của Hội Thánh không ngừng soi dẫn các lương tâm, và nhờ việc thực hành chu đáo hơn nữa Bí tích Sám Hối.

***

CHƯƠNG II

MYSTERIUM PIETATIS

 

19. Để có thể hiểu được tội lỗi, cần phải lưu ý đến bản tính của nó được mặc khải cho chúng ta trong nhiệm cục cứu rỗi: đó là mysterium inniquitatis (mầu nhiệm gian ác). Thế những trong nhiệm cục ấy tội không phải là nguyên lý chính yếu, lại càng không phải là kẻ chiến thắng. Tội lỗi giao tranh với một nguyên lý năng động khác mà ta có thể dùng kiểu nói hoa mỹ và gợi hình của Thánh Phaolô mà đặt tên là mysterium hoặc sacramentum pietatis (mầu nhiệm hay nhiệm tích đạo nghĩa). Giả như “mysterium pietatis” không làm nên toàn bộ của động lực lịch sử ngõ hầu chinh phục tội lỗi con người, thì tội lỗi của con người sẽ làm kẻ chiến thắng và hủy hoại cho đến tận cùng, chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ bất toàn và thậm chí thất bại.

Chúng ta gặp thấy hạn từ mysterium pietatis trong một trong những lá thư mục tử của Thánh Phaolô, thư thứ nhất gởi ông Timothê, nó xuất hiện một cách bất ngờ, ra như là do ngẫu hứng. Thánh Tông đồ đã dành nhiều đoạn sứ điệp của mình để giải thích ý nghĩa của trật tự trong cộng đoàn (trật tự phụng vụ và trật tự phẩm trật). Tiếp đó, Người nói đến vai trò của những người lãnh đạo, trước khi sang đến cách cư xử của ông Timothê trong “Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa của chân lý”. Thế rồi, ở cuối đoạn văn, một cách đột nhiên tuy cũng có chủ ý sâu sắc, Người đã gợi lên yếu tố mang lại ý nghĩa cho tất cả những gì đã viết: “Chúng ta tuyên xưng rằng cao cả thay mầu nhiệm đạo nghĩa của chúng ta”.[104]

Tuy không dám phản lại nghĩa đen của bản văn, chúng ta có thể mở rộng trực giác thần học đầy khởi sắc của Thánh Phaolô ra thành một viễn ảnh toàn diện hơn về vai trò của sự thật mà Người tuyên xưng đã giữ trong nhiệm cục cứu rỗi. Chúng ta lặp lại theo Người “Cao cả thay mầu nhiệm của đạo nghĩa”, bởi vì nó chinh phục tội lỗi.

Thế nhưng, ý nghĩa của đoạn văn ấy như thế nào theo tư tưởng của Thánh Phaolô?

Đó chính là Đức Kitô

20. Thật là thâm thúy khi Thánh Phaolô trình bày “mysterium pietatis” thì Người chuyển tải nguyên văn một bài thánh thi về Đức Kitô mà không lo móc nối những dòng trước đó cho hợp với cú pháp. Theo ý kiến của các học giả chuyên môn, thánh thi này được sử dụng trong các cộng đoàn Kitô nói tiếng Hy Lạp.[105]

Theo lời lẽ của thánh thi, với nội dụng thần học phong phú và với lối hành văn hoa mỹ, các Kitô hữu thuộc thế kỷ thứ nhất đã tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm Đức Kitô, theo đó:

– Người đã xuất hiện trong thực tại xác thịt con người, và đã được Thánh Thần đặt làm Đấng Công chính hiến thân cho những kẻ bất chính;

– Người đã hiện ra với các thiên thần, bởi vì Người đã được đặt lên trên họ, và Người được rao giảng cho muôn dân như là kẻ mang lại ơn cứu độ;

– Người đã được kính tin trong thế giới, như là kẻ được Chúa Cha sai đến, và được Chúa Cha cất về trời làm Đức Chúa.[106]

Mầu nhiệm hay nhiệm tích “pietas” là chính mầu nhiệm Đức Kitô. Nói cách vắn tắt, đó là mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc, mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa và Con của đức Maria: mầu nhiệm cuộc Khổ nạn và Chết, Phục sinh và tôn vinh của Người. Điều mà Thánh Phaolô đã muốn nêu bật khi trích dẫn những câu của thánh thi là mầu nhiệm này là nguyên lý sinh động tiềm ẩn làm cho Hội Thánh trở thành nhà của Chúa, cột trụ và điểm tựa của chân lý. Noi theo giáo huấn của Thánh Phaolô, chúng ta có thể quả quyết rằng cũng chính “mầu nhiệm của tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa đối với chúng ta” có khả năng thấm nhập vào tận cỗi rễ sâu kín của nỗi khắc khoải chúng ta. Khêu lên trong linh hồn một chuyển động hoán cải, ngõ hầu cứu chuộc nó và đặt nó trên nẻo đường hòa giải.

Cả Thánh Gioan nữa, chắc hẳn là cũng bàn về mầu nhiệm với những ngôn ngữ khác với Thánh Phaolô, đã có thể viết như sau: “phàm ai sinh bởi Chúa thì không phạm tội, nhưng Đấng sinh bởi Chúa gìn giữ họ, và sự dữ không thể đụng đến họ”.[107] Trong lời khẳng định của Thánh Gioan có một niềm hy vọng dựa trên những lời hứa của Chúa: người Kitô hữu đã nhận bảo đảm và sức mạnh cần thiết để khỏi phạm tội. Do đó, không phải là chuyện không phạm tội nhờ nhân đức riêng của mình hay do bẩm sinh, như nhóm Ngộ đạo chủ trương. Nó là kết quả của tác động Thiên Chúa. Để khỏi phạm tội, người Kitô hữu đã được biết Chúa, như Thánh Gioan viết trong cùng một đoạn. Nhưng trước đó một ít, người viết: “Không ai sinh bởi Chúa lại phạm tội: bởi vì mầm giống của Chúa ở lại trong họ”.[108] Nếu chúng ta hiểu “mầm giống” của Chúa, như vài nhà chú giải gợi ý, là Đức Giêsu Con Thiên Chúa, thì chúng ta có thể nói rằng để khỏi phạm tội, hay để có thể được giải phóng khỏi tội, người Kitô hữu mang trong mình sự hiện diện của Đức Kitô và mầu nhiệm của Đức Kitô, tức là mầu nhiệm của lòng thương nhân hậu của Thiên Chúa.

Nỗ lực của người Kitô hữu

21. Còn một khía cạnh của mysterium pietatis. Lòng thương nhân hậu của Thiên Chúa đối với người Kitô hữu cần phải được kết hợp với lòng hiếu thảo của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa thứ hai của tiếng “pietas” (eusébeia), đó là thái độ của người Kitô hữu bằng lòng hiếu thảo con cái của mình đáp lại lòng thương nhân hậu của Thiên Chúa như là người Cha.

Theo nghĩa này chúng ta có thể nói cùng với Thánh Phaolô rằng “cao cả thay mầu nhiệm đạo nghĩa của chúng ta”. Theo nghĩa này pietas, xét như là sức mạnh mang lại hoán cải và hòa giải, đối kháng sự gian ác và tội lỗi. Cũng theo nghĩa này, những khía cạnh cốt yếu của mầu nhiệm Đức Kitô là đối tượng của pietas, theo nghĩa là người Kitô hữu đón nhận và chiêm ngắm mầu nhiệm, và từ đó rút ra sức mạnh tinh thần cần thiết để sống hợp với Tin Mừng. Ở đây chúng ta cũng có thể nói rằng “không ai sinh bởi Chúa lại phạm tội”; nhưng diễn ngữ mang một mệnh lệnh truyền khiến: được nâng đỡ bởi mầu nhiệm Đức Kitô như là một nguồn nội tại của năng lực tinh thần, người Kitô hữu, bởi vì là con Thiên Chúa, được khuyến cáo đừng phạm tội, và dĩ nhiên họ nhận được mệnh lệnh là đừng phạm tội nhưng hãy sống cách xứng đáng với “nhà của Thiên Chúa, nghĩa là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống”.[109]

Hướng tới đời sống giao hòa

22. Như vậy khi lời Kinh thánh mặc khải cho ta mầu nhiệm của “pietas” thì cũng mở rộng tâm trí con người tới sự hoán cải và hòa giải, được hiểu không phải là những khái niệm trừu tượng cao siêu nhưng như là những giá trị Kitô giáo cần được thể hiện ra trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Con người thời nay bị lừa đảo bởi việc mất cảm thức về tội và đôi lúc bị cám dỗ bởi ảo tưởng không phạm tội, đó là những điều không hợp tí nào với Kitô giáo, họ cần được nghe lần nữa lời khuyên của Thánh Gioan như là nói riêng với từng người một: “Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không phạm tội, thì chúng ta lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta”,[110] và quả thật là “toàn thế giới đang ở dưới quyền lực của sự dữ”.[111] Bởi thế mỗi người được lời chân lý của Chúa mời gọi hãy kiểm vấn lương tâm của mình cách xác thực, và hãy thú nhận rằng mình đã được sinh ra trong tội, như chúng ta đọc trong thánh vịnh “Miserere”.[112]

Tuy nhiên, dù bị đe dọa bởi sợ hãi và thất vọng, con người thời nay cần cảm thấy được nâng dậy bởi lời hứa của Chúa, lời mở ra hy vọng được hòa giải hoàn toàn.

Mầu nhiệm pietas, xét về phía Thiên Chúa, là chính lòng thương xót mà, tôi xin nhắc lại lần nữa – Chúa và Cha chúng ta giàu sang vô tận.[113] Như tôi đã nói trong thông điệp về lòng thương xót của Thiên Chúa,[114] đó là tình thương mãnh liệt hơn tội lỗi, mạnh hơn sự chết. Khi nhận ra rằng tình thương của Thiên Chúa không chấm dứt trước tội lỗi của ta hay chùn lại trước những xúc phạm của ta, nhưng lại càng trở nên quan tâm và quảng đại hơn nữa; khi chúng ta nhận ra rằng tình thương đó đi tới chỗ gây ra cuộc Khổ nạn và cái Chết của Ngôi Lời làm người, Đấng đã đồng ý cứu chuộc chúng ta bằng giá máu của mình, lúc đó chúng ta thốt lên lòng biết ơn: “Đúng vậy, Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, và hơn thế nữa: “Thiên Chúa là lòng thương xót”.

Mầu nhiệm pietas là con đường mà lòng thương xót của Chúa mở ra cho đời sống giao hòa.

***

PHẦN III

MỤC VỤ SÁM HỐI VÀ HÒA GIẢI

 

Cổ võ việc sám hối và hòa giải

23. Việc khơi dậy trong tâm hồn con người lòng hoán cải và sám hối và việc trao ban cho họ ơn hòa giải là sứ mạng chuyên biệt của Hội Thánh nhờ thế công trình cứu chuộc của Đấng Sáng Lập được tiếp tục. Sứ vụ này không bị hạn chế vào một số xác quyết lý thuyết cũng như việc đề ra một lý tưởng đạo đức mà không kèm theo đó những nghị lực cần thiết để thực hiện lý tưởng ấy. Sứ mạng đã tìm cách diễn tả ra những công việc xác định của thừa tác vụ nhắm tới việc thực hành cụ thể Bí tích Sám Hối và hòa giải.

Thừa tác vụ này, được đặt nền và được soi dẫn do những nguyên lý đức tin đã được trình bày trên đây, hướng về những mục tiêu cụ thể, và được nâng đỡ bởi những phương tiện tương xứng, chúng ta có thể gọi đó là mục vụ sám hối và hòa giải. Khởi điểm của nó là điều xác tín của Hội Thánh rằng, con người mà mọi hình thức mục vụ – đặc biệt mục vụ về sám hối và hòa giải – nhắm đến là con người mang dấu ấn tội lỗi mà David là ví dụ điển hình cho chúng ta. Khi đón nhận những lời khiển trách của Nathan, David đã chấp nhận đương đầu với tội ác của chính mình và ông thú nhận “Tôi đã phạm tội chống lại Đức Chúa”.[115] Ông tuyên bố: “Phải, tôi biết tội mình, lỗi lầm tôi luôn ở trước mặt tôi”.[116] Nhưng ông cũng cầu xin: “Xin rửa tôi bằng cành hương thảo và tôi sẽ được tinh tuyền, xin rửa và tôi sẽ trắng hơn tuyết”.[117] Và ông đã nhận được lời đáp trả của Thiên Chúa thương xót: “Chúa đã tha thứ tội con, con sẽ không chết”.[118]

Vì thế Hội Thánh đứng trước con người – trước toàn thể nhân loại- tổn thương do tội và bị tội tấn công nơi thâm sâu của hữu thể; nhưng đồng thời con người lại được thúc đẩy bởi một ước muốn không thể cưỡng lại là được giải thoát khỏi tội, và, đặc biệt nếu người ấy là Kitô hữu, họ ý thức rằng mầu nhiệm đạo thánh (pietas), tức Đức Giêsu Kitô đang hoạt động nơi họ và nơi thế giới nhờ quyền năng của ơn cứu chuộc.

Vì thế nhiệm vụ hòa giải của Hội Thánh phải được thể hiện ra phù hợp với mối dây thâm sâu nối kết chặt chẽ ơn tha thứ và việc tha tội của mỗi người với việc hòa giải căn bản và trọn vẹn của nhân loại được thực hiện nhờ ơn cứu chuộc. Mối dây này làm cho chúng ta hiểu rằng nếu tội là nguyên lý tác động việc chia rẽ – chia rẽ con người với Đấng Tạo Hóa, chia rẽ trong con tim và trí óc của con người, chia rẽ những cá nhân và nhóm người với nhau, chia rẽ con người với thiên nhiên được dựng nên bởi Thiên Chúa – thì chỉ có việc hoán cải quay lưng lại với tội mới có khả năng thực hiện một cuộc hòa giải sâu xa và bền bỉ tại những nơi mà sự chia rẽ đã thâm nhập.

Không cần phải nhắc lại ở đây điều mà tôi đã bàn về tầm quan trọng của “tác vụ hòa giải”,[119] và việc mục vụ tương đương thực thi tác vụ này trong ý thức và đời sống của Hội Thánh. Việc mục vụ này sẽ thiếu hụt đi một khía cạnh cốt yếu và sẽ bỏ qua một trong những nhiệm vụ tất yếu của nó nếu “sứ điệp hòa giải”[120] không được công bố cách vững chắc và rõ ràng trong lúc thuận cũng như lúc nghịch, và nếu ơn hòa giải không được trao cho thế giới. Nhưng thật thích hợp để nhắc lại tầm quan trọng của việc phục vụ ơn hòa giải của Hội Thánh lan rộng đến toàn thế giới, vượt khỏi các biên cương của Hội Thánh.

Như thế, bàn về mục vụ sám hối và hòa giải có nghĩa là kể ra các nhiệm vụ Hội Thánh, ở trên mọi bình diện, nhằm quảng bá nó. Một cách rõ rệt hơn, nói về mục vụ này có nghĩa là khơi dậy tất cả mọi hoạt động qua đó Hội Thánh, nhờ tất cả và từng phần tử – Mục tử và giáo dân, ở mọi tầng lớp và mọi môi trường, và bằng tất cả những phương tiện có trong tầm tay, qua hành động, lời nói, qua việc dạy dỗ và cầu nguyện – Hội Thánh dẫn đưa con người, cá nhân hay tập thể, đến việc sám hối thực sự và như thế dẫn đưa họ vào con đường hòa giải trọn vẹn.[121]

Các nghị phụ của Thượng Hội Đồng – với tư cách là đại diện cho các Giám mục anh em, và là những người hướng dẫn đoàn dân được trao phó – đã quan tâm tới những yếu tố thực tiễn và cụ thể nhất của việc mục vụ này. Và tôi sung sướng được làm tiếng vang cho họ bằng việc liên kết mình với những nỗi lo lắng và những hy vọng của họ, bằng việc đón nhận những thành quả của công cuộc tìm kiếm và kinh nghiệm của họ, bằng việc khích lệ họ trong những dự án và những công tác thực thi. Hy vọng họ sẽ tìm thấy trong phần này của sứ điệp sự đóng góp của họ vào Thượng Hội Đồng, phần góp mà tôi cũng muốn dựa vào trong những trang sau để làm lợi cho Hội Thánh.

Vì thế tôi thấy rất đúng lúc để đưa ra ánh sáng những nét căn bản về việc mục vụ sám hối và hòa giải khi quảng diễn hai điểm sau:

1/. Những phương tiện được dùng và những đường lối Hội Thánh theo đuổi để cổ vũ việc sám hối và hòa giải.

2/. Bí tích Sám Hối và Hòa giải.

***

CHƯƠNG I

SỰ CỔ VŨ CHO VIỆC SÁM HỐI VÀ HÒA GIẢI

NHỮNG PHƯƠNG THẾ VÀ ĐƯỜNG LỐI

 

24. Để cổ vũ việc sám hối và hòa giải, Hội Thánh có trong tầm tay hai phương thế được chính Đấng Sáng Lập giao phó: Huấn giáo và các bí tích. Hội Thánh thực thi chúng theo cách thức mà Hội Thánh xét thấy hoàn toàn phù hợp với những đòi hỏi của sứ mạng cứu độ và đồng thời đáp trả được những đòi hỏi và những nhu cầu thiêng liêng của con người ở mọi thời đại; dưới những thể thức và đường lối mới và cũ. Trong những thể thức ấy, rất tốt để nhắc lại một cách đặc biệt điều mà chúng ta gọi là phương pháp đối thoại, tiếp theo đấng tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI.

Đối thoại

25. Đối với Hội Thánh, đối thoại là một phương thế xét theo một nghĩa nào đó, và đặc biệt là một đường lối để hành động trong thế giới hiện đại.

Thật vậy, Công Đồng Vaticano II tuyên bố rằng: “Theo như sứ vụ của Hội Thánh là phải soi sáng toàn vũ trụ bằng sứ điệp Tin Mừng và qui tụ mọi người trong Thần khí duy nhất… Hội Thánh xuất hiện như một dấu hiệu của tình huynh đệ làm cho cuộc đối thoại chân thành trở nên khả dĩ và mạnh sức”. Sau đó Công Đồng nói thêm rằng Hội Thánh phải có khả năng “thiết lập một cuộc đối thoại không ngừng mở rộng giữa mọi thành phần làm nên Dân Chúa duy nhất”, cũng như có khả năng “thiết lập một cuộc đối thoại với xã hội nhân loại”.[122]

Đấng tiền nhiệm của tôi Đức Phaolô VI đã dành một phần đáng kể trong thông điệp đầu tiên của ngài Ecclesiam suam để bàn về đối thoại, trong đó người mô tả và biểu thị đặc tính của nó một cách có ý nghĩa như là một cuộc đối thoại cứu độ.[123]

Thật vậy Hội Thánh sử dụng phương pháp đối thoại để đưa nhiều người hơn – những người tự nhận mình là thành phần của cộng đoàn Kitô hữu nhờ bí tích Thanh tẩy và lời tuyên xưng đức tin cũng như những người ở ngoài cộng đoàn – đến với việc hoán cải và sám hối, trên con đường đổi mới sâu sắc lương tâm và đời sống của họ, dưới ánh sáng của mầu nhiệm cứu chuộc và cứu độ được thực hiện nhờ Đức Kitô và phó thác cho tác vụ của Hội Thánh. Như thế, cuộc đối thoại chân thật trước tiên nhắm đến việc tái tạo mỗi người, bằng việc hoán cải nội tâm và bằng sám hối, trong khi vẫn tôn trọng cách sâu xa lương tâm của họ, trong tiến trình kiên nhẫn và tiệm tiến mà điều kiện con người ngày nay đòi hỏi.

Cuộc đối thoại mục vụ nhắm đến việc hòa giải ngày nay vẫn luôn là một cuộc dấn thân căn bản của Hội Thánh trong nhiều lãnh vực và cấp độ khác nhau.

Trước hết Hội Thánh cỗ vũ cách đối thoại đại kết, có nghĩa là với các Giáo Hội và các cộng đoàn Giáo Hội cùng tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ duy nhất. Hội Thánh cũng cổ vũ đối thoại với các cộng đoàn khác của những con người tìm Chúa và muốn có một sự liên kết với Ngài.

Làm nền cho cuộc đối thoại như vậy với các Giáo Hội khác, với các cộng đoàn Giáo Hội và với các tôn giáo khác – đó cũng là điều kiện của tính khả tín và tính hiệu lực của đối thoại – cần có một nỗ lực chân thật để đối thoại liên lỉ và mới mẻ ngay trong lòng của chính Hội Thánh Công giáo. Tự bản tính, Hội Thánh ý thức mình là bí tích của sự hiệp thông phổ quát của đức ái;[124] nhưng đồng thời cũng ý thức luôn những căng thẳng hiện diện trong nội bộ và có nguy cơ trở thành những yếu tố gây chia rẽ.

Lời kêu gọi cương quyết và đầy thống thiết nơi vị tiền nhiệm của tôi dịp Năm Thánh 1975 ngày nay vẫn còn hiệu lực.[125] Để có thể vượt qua những tranh chấp và tránh cho những căng thẳng không gây nguy hại đến sự hợp nhất của Hội Thánh, tất cả chúng ta phải tự đặt mình trước lời Chúa; chúng ta phải loại bỏ những cái nhìn chủ quan và cần tìm kiếm chân lý ở nơi có chân lý, có nghĩa là trong Lời Chúa và trong việc giải thích thính thức do Huấn quyền Hội Thánh. Dưới ánh sáng đó, việc lắng nghe lẫn nhau; sự tôn trọng và tránh những xét đoán hấp tấp, sự kiên nhẫn, khả năng tránh cho niềm tin gây liên kết phải chịu lệ thuộc vào những ý kiến, những thời trang, những lựa chọn ý thức hệ gây chia rẽ: tất cả những điều này tạo nên bấy nhiêu đức tính cho cuộc đối thoại cần được theo đuổi trong lòng Hội Thánh một cách bền bỉ, cởi mở và chân thành. Hiển nhiên cuộc đối thoại sẽ không mang những đức tính và cũng sẽ không trở thành yếu tố hòa giải nếu huấn quyền không được lắng nghe và chấp nhận.

Dấn thân một cách có hiệu quả trong việc tìm kiếm sự thông hiệp nơi chính nội bộ của mình, Hội Thánh Công giáo có thể kêu gọi một cuộc hòa giải, như đã từng làm từ thời xa xưa, đối với các Giáo Hội khác chưa được thông hiệp trọn vẹn cũng như đối với các tôn giáo khác cùng những người tìm kiếm Chúa với lòng chân thành. Điều này Hội Thánh mới bắt đầu thực hiện gần đây.

Dưới ánh sáng của Công Đồng và Huấn quyền của các đấng tiền nhiệm mà tôi đã nhận được từ đó một gia sản quý báu cần phải được giữ gìn và đem ra áp dụng, tôi có thể xác quyết rằng Hội Thánh Công giáo, ở mọi cấp bậc đang thành thực dấn thân trong cuộc đối thoại đại kết, vừa tránh thái độ lạc quan dễ dãi, nhưng cũng tránh thái độ đố kỵ, dè dặt hay chần chừ. Những quy luật căn bản mà Hội Thánh Công giáo tìm cách theo đuổi trong cuộc đối thoại này là, một mặt xác tín rằng, chỉ có cuộc đại kết thiêng liêng – đặt nền tảng trên kinh nguyện chung và sự vâng phục cùng một Đức Chúa duy nhất – mới cho phép trả lời cách chân thành và nghiêm túc cho những đòi hỏi khác của công cuộc đại kết.[126] Mặt khác, sự xác tín rằng một vài thái độ nhân nhượng (irenisme) dễ dãi về đạo lý và nhất là trong tín lý có thể đưa đến hình thức “sống chung”, hời hợt và chiếu lệ, nhưng không phải là sư hiệp thông sâu xa và bền vững mà chúng ta mong ước. Người ta sẽ đạt được sự hiệp thông này vào giờ Đấng Quan Phòng muốn, nhưng để đạt tới, Hội Thánh Công Giáo, trong những gì liên hệ với mình, biết rằng cần phải mở rộng và nhạy cảm với tất cả “những giá trị thực sự kitô bắt nguồn từ gia sản chung và cũng gặp thấy nơi các anh em ly khai”,[127] nhưng Hội Thánh Công giáo cũng biết rằng cần phải đặt nền tảng của cuộc đối thoại chân thành và xây dựng, dựa trên một sự rõ ràng về những lập trường của mình, và dựa trên sự trung thành và sự gắn bó với đức tin được chuyển giao và được tuyên định bởi Huấn quyền trong sự liên tục của truyền thống Kitô giáo. Mặt khác, mặc dù có sự đe dọa của một não trạng sợ thất bại nào đó, và dù có sự chậm trễ không thể tránh được và cách hành động vụng về không phù hợp, Hội Thánh Công giáo vẫn tiếp tục tìm kiếm những con đường dẫn về hợp nhất cùng với các anh em kitô hữu, và tìm kiếm sự đối thoại thành thật cùng với các tín đồ của các tôn giáo khác. Ước mong cuộc đối thoại liên tôn này vượt qua được mọi thái độ thù nghịch, nghi kị, kết án lẫn nhau và ngay cả những sự lăng nhục lẫn nhau! Đó là điều kiện mở đầu để chúng ta có thể gặp nhau ít nhất là trong niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất và sự xác tín cuộc sống vĩnh cửu dành cho linh hồn bất tử. Và đặc biệt hơn, cầu xin Chúa cho cuộc đối thoại đại kết đưa đến cuộc hòa giải chân thật trong khung cảnh của tất cả những gì chúng ta đã có chung cùng với các Giáo Hội Kitô giáo khác: niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu thế và là Chúa; việc lắng nghe Lời Chúa; việc nghiên cứu Mạc khải, Bí tích Rửa tội.

Trong mức độ mà Hội Thánh có khả năng sản sinh một sự hòa hợp tích cực – hiệp nhất trong sự đa dạng – ngay chính giữa lòng mình và có thể hiến mình như là chứng nhân và tác nhân trung thành của sự hòa giải đối với các Giáo Hội và Cộng Đoàn Giáo Hội khác cũng như các tôn giáo khác, thì Hội Thánh trở thành “thế giới được hòa giải” theo như định nghĩa đầy ý vị của Thánh Augustin.[128] Lúc đó, Hội Thánh có thể là dấu chỉ của sự hòa giải trong thế giới và cho thế giới.

Khi ý thức về tình cảnh cực kỳ nghiêm trọng tạo nên bởi những động lực gây chia rẽ và chiến tranh, tình cảnh cấu tạo nên cho ngày nay một sự đe dọa nặng nề không những ảnh hưởng đến sự thăng bằng hòa điệu của các quốc gia mà còn ảnh hưởng đến sự sống còn của nhân loại, Hội Thánh cảm thấy có nhiệm vụ phải đề nghị và đóng góp hợp tác đặc biệt để vượt qua những tranh chấp và tái lập sự hòa hợp.

Đây là một cuộc đối thoại phức tạp và tế nhị cho hòa giải. Hội Thánh dấn bước vào trước hết bằng hành động của Tòa Thánh và các cơ quan khác của Tòa Thánh. Có thể khẳng định rằng Tòa Thánh cố gắng can thiệp nơi các vị cầm quyền các nước và những người chức trách của nhiều cấp thẩm quyền quốc tế, hoặc cộng tác với họ, đối thoại với với họ, hoặc mời gọi họ đối thoại với nhau, làm thuận lợi cho việc hòa giải ngay giữa nhưng cuộc xung đột. Tòa Thánh làm những việc ấy không vì những hậu ý, hoặc những lợi ích thầm kín – bởi vì Tòa Thánh không có ý như thế – mà chỉ vì ưu tư nhân đạo,[129] đặt cơ cấu và uy tín tinh thần của mình – cả hai chỉ là một – để phục vụ cho sự hòa hợp và hòa bình. Tòa Thánh làm việc ấy trong niềm xác tín rằng, “trong cuộc chiến, hai bên nổi lên chống nhau”, cũng thế “trong vấn đề hòa bình, hai bên cùng biết tình nguyện và cam kết” và như vậy “người ta tìm được ý nghĩa đích thực của đối thoại cho hòa bình”.[130]

Trong công cuộc đối thoại cho hòa giải, Hội Thánh cũng bắt đầu qua các giám mục, theo thẩm quyền và trách nhiệm riêng, hoặc từng vị trong việc hướng dẫn giáo phận riêng, hoặc hợp nhất trong Hội đồng giám mục, với sự cộng tác của các linh mục và của tất cả các thành viên trong các cộng đồng Kitô hữu. Các vị trung thành chu toàn bổn phận khi cổ vũ cuộc đối thoại cần thiết, và khi công bố những yêu cầu của con người cũng như của Kitô hữu muốn hòa giải và hòa bình. Hiệp thông với các chủ chăn, các giáo dân mà “môi trường của hoạt động Phúc Âm hóa là thế giới rộng lớn và phức tạp của chính trị, xã hội kinh tế và của đời sống quốc tế”,[131] giáo dân được gọi trực tiếp dấn thân vào cuộc đối thoại hay cổ võ đối thoại cho hòa giải. Cũng nhờ cộng tác trung gian của họ mà Hội Thánh chu toàn hành động hòa giải của mình. Sự tái sinh của các tâm hồn qua việc hoán cải và sám hối là điều tiên quyết cơ bản và là nền tảng chắc chắn của mọi cuộc đổi mới xã hội bền bỉ và hòa bình giữa các quốc gia.

Cần nhắc lại rằng, về phần Hội Thánh và các thành phần Hội Thánh, cuộc đối thoại bất kỳ diễn ra dưới hình thức nào – những hình thức này thường là có thể rất khác nhau, bởi vì quan niệm đối thoại có một giá trị loại suy – cuộc đối thoại vẫn không bao giờ có thể khởi đầu từ thái độ dửng dưng với chân lý. Trái lại cuộc đối thoại cần được trình bày chân lý một cách thanh thản, với lòng tôn trọng sự hiểu biết và lương tâm người khác. Cuộc đối thoại hòa giải sẽ không thể thay thế hay giảm nhẹ việc loan báo chân lý Tin mừng, mà mục đích là hoán cái tội nhân và hiệp thông với Chúa Kitô và Hội Thánh. Cuộc đối thoại phải phục vụ cho việc truyền thông chân lý đó qua các phương tiện mà Đức Kitô đã để lại cho Hội Thánh để làm mục vụ giao hòa: huấn giáo và sám hối.

Huấn giáo

26. Trong lãnh vực rộng lớn mà Hội Thánh mang sứ mạng hoạt động nhờ đối thoại, mục vụ sám hối và hòa giải được hướng tới các thành phần của Hội Thánh. Trước hết bằng huấn giáo thích hợp liên quan tới hai thực tại khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau mà các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã dành cho một vị trí quan trọng đặc biệt mà các ngài đã làm nổi bật trong nhiều kiến nghị (Propositiones), đó là: sám hối và hòa giải. Huấn giáo là phương tiện thứ nhất phải dùng.

Lời khuyên hợp thời của Thượng Hội Đồng đặt nền tảng trên một giả thuyết cơ bản là: điều gọi là mục vụ không thể đối lập với đạo lý. Hoạt động mục vụ không thể tách khỏi nội dung đạo lý; trái lại, từ đạo lý mà hoạt động mục vụ rút ra bản chất và giá trị thực của mình. Mà nếu Hội Thánh là “cột trụ và điểm tựa chân lý”,[132] và nếu Hội Thánh được thiết lập trong thế giới như người Mẹ và người Thầy, thì làm thế nào Hội Thánh có thể lơ là bổn phận dạy chân lý xây dựng đường sự sống?

Từ các chủ chăn trong Hội Thánh, trước hết người ta chờ đợi một sự huấn giáo về hòa giải. Huấn giáo này không thể không dựa trên giáo huấn Thánh Kinh, đặc biệt là Tân ước, liên hệ tới sự cần thiết tái lập giao ước với Thiên Chúa trong Đức Kitô cứu chuộc và giao hòa. Và theo ánh sáng sự hiệp thông và tình bạn mới này, dường như là kéo dài nó, huấn giáo cần dựa trên giáo huấn về sự cần thiết giao hòa với anh em, dù phải hoãn lại việc dâng của lễ.[133] Chúa Giêsu nhấn mạnh rất nhiều về chủ đề hòa giải anh em: như khi Người mời ta đưa má kia cho kẻ đánh ta, ta để áo choàng cho người lấy mất áo trong,[134] khi người dạy chúng ta một lề luật tha thứ, một tha thứ mà mỗi người sẽ tiếp nhận trong mức độ mà mình biết tha thứ,[135] một tha thứ đến mức dành cho kẻ thù,[136] một tha thứ tới 70 lần 7,[137] nghĩa là trên thực tế không chút giới hạn. Chính với các điều kiện ấy, chỉ thực hiện được trong bầu khí thực sự Tin mừng mới có sự hòa giải chân thực giữa các cá nhân, giữa các gia đình, các cộng đoàn, các quốc gia, các dân tộc. Từ những dữ kiện Thánh Kinh về sự giao hòa, đương nhiên sẽ phát sinh một huấn giáo thần học đưa vào những yếu tố tâm lý học, xã hội học và nhiều khoa học nhân văn, những khoa học này có thể làm sáng tỏ những hoàn cảnh, đặt đúng những vấn đề, thuyết phục được thính giả hay độc giả có quyết tâm cụ thể.

Từ các chủ chăn trong Hội Thánh, người ta cũng chờ một huấn giáo về sám hối. Ở đây, sứ điệp phong phú của Thánh Kinh cũng phải là nguồn mạch. Sứ điệp này nhấn mạnh trước nhất – trong vấn đề sám hối – đến giá trị hoán cải, danh từ mà qua đó người ta tìm cách để dịch từ métanoia,[138] nghĩa đen là tác động cho tâm trí quay về ngõ hầu trở lại với Thiên Chúa. Đây còn là hai yếu tố nền tảng nổi bật trong dụ ngôn người con hoang đàng nay tìm được: sự kiện “trở về với mình”[139] và quyết định trở về với cha mình. Không thể có hòa giải mà không có hai thái độ tiên khởi này, và huấn giáo phải giải thích hai thái độ ấy qua những khái niệm và những từ thích hợp với từng độ tuổi, từng hoàn cảnh văn hóa, phong tục và xã hội.

Giá trị đầu tiên của sám hối kéo qua giá trị thứ hai: sám hối nghĩa là hối hận. Cả hai nghĩa của métanoia rất rõ trong lệnh truyền mà Chúa Kitô công bố: “Nếu anh em con hối hận, hãy tha cho nó. Và nếu một ngày bảy lần y có lỗi với con và bảy lần y trở về với con mà nói: “em hối hận”, con cũng tha cho nó”.[140] Bài huấn giáo tốt sẽ chỉ cho biết sự hối hận cũng như sự hoán cải thay vì là một tình cảm hời hợt, nó phải là trở về của tâm hồn.

Giá trị thứ ba ở trong sám hối: đó là một vận động qua đó thái độ hoán cải và hối hận nói trên được bộc lộ ra bên ngoài: đó là điều ta gọi là làm việc sám hối. Ý này rất dễ thấy trong từ métanoia như vị thánh Tiền hô đã dùng theo bản Nhất lãm.[141] Làm việc sám hối có nghĩa là tái lập lại sự quân bình hòa hợp bị tội lỗi phá vỡ, đổi hướng đi dù phải trả giá bằng hy sinh.

Tóm lại ta không thể bỏ qua huấn giáo về sám hối một cách đầy đủ và xứng hợp nhất, trong thời đại như thời đại chúng ta khi mà các thái độ chủ yếu trong tâm lý học và trong cư xử xã hội đếu đối lập với ba giá trị đã trình bày trên: con người ngày nay hình như gặp nhiều vất vả hơn mới nhìn nhận được sai lầm của mình và quyết định trở về trên đường sau khi đã điều chỉnh bước đi của mình; con người hình như ít dám nói: “tôi hối hận” hay “xin lỗi”. Hình như tự bản năng con người muốn chối từ và thường không cưỡng lại được, những gì là sám hối, theo nghĩa chấp nhận và thực hành hy sinh để sửa chữa tội lỗi. Về mặt này, tôi muốn nhận mạnh rằng, mặc dầu mấy năm nay có nhẹ bớt, nhưng kỷ luật sám hối trong Hội Thánh không thể bãi bỏ, mà không gây thiệt hại cho đời sống nội tâm các Kitô hữu và cộng đoàn Hội Thánh cũng như cho khả năng lan rộng việc truyền giáo. Không phải là hiếm những người ngoài Kitô giáo đã phải ngạc nhiên về sự hiếm có chứng từ sám hối thực nơi các môn đệ Đức Kitô. Mặt khác, rõ ràng là việc sám hối theo Kitô giáo sẽ là chân thực, khi nó được gợi lên do lòng mến Chúa, chứ không do sợ hãi mà thôi; khi sám hối hệ tại sự cố gắng nghiêm túc để đóng đinh con người cũ hầu có thể sinh “con người mới” nhờ quyền năng của Đức Kitô; khi sám hối dõi theo gương mẫu Đức Kitô, Đấng vô tội mà đã chọn con đường nghèo khó, nhẫn nhục, nghiêm nhặt, và có thể nói đời sống sám hối.

Từ các chủ chăn trong Hội Thánh, ta còn chờ đợi, như huấn giáo Thượng Hội Đồng đã nhắc nhở, một huấn giáo về lương tâm và đào tạo lương tâm. Ở đây cũng còn một chủ đề mang tính thời sự lớn, vì do những đảo điên ảnh hưởng tới văn hóa thời đại ta, nên nội cung của con người, nghĩa là phần thâm sâu nhất của con người tức là lương tâm, thường bị xâm phạm, thử thách, bị đảo lộn và mờ tối đi. Để có một huấn giáo nghiêm minh về lương tâm, ta có thể tìm được những chỉ dẫn quý báu nơi các tiến sĩ Hội Thánh hay trong thần học của Công Đồng Vatican II và đặc biệt trong những văn kiện về Hội Thánh trong thế giới ngày nay[142] và về tự do tôn giáo.[143] Theo dòng tư tưởng ấy Đức Phaolô VI thường can thiệp để nhắc nhở về bản chất và vai trò lương tâm trong đời sống chúng ta.[144] Phần tôi, theo đường lối Người, tôi không bỏ qua dịp nào để làm sáng tỏ những gì thuộc phần cao nhất của sự cao cả và phẩm giá con người,[145] về một loại “cảm thức luân lý” đưa ta tới chỗ phân biệt được cái gì là tốt, cái gì là xấu,… “như một con mắt bên trong, một tài năng trông nhìn của trí khôn có thể hướng dẫn bước đi trên con đường thiện hảo”. Tôi cũng nhắc lại sự cần thiết phải đào tạo theo Kitô giáo chính lương tâm mình, để nó đừng trở nên “một sự phá hoại chính lòng nhân đạo của mình, mà phải trở nên nơi thánh mà Thiên Chúa bày tỏ sự thiện hảo của Ngài”.[146]

Cũng còn những điểm khác không kém phần quan trọng về sự hòa giải mà người ta chờ nơi huấn giáo của các chủ chăn.

– Cảm thức về tội lỗi đã bị giảm đi trong thế giới hiện nay, như tôi đã trình bày.

– Về thử thách và những cơn cám dỗ: chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi”.[147] Người đã chịu để cho ác thần cám dỗ để chỉ cho chúng ta biết rằng những kẻ đi theo Người cũng sẽ bị cám dỗ và cho ta biết phải đối xử thế nào khi bị cám dỗ.[148] Đối với những ai đã cầu xin Chúa Cha để không bị thử thách quá sức mình[149] và không quỵ ngã trước cám dỗ;[150] đối với những ai không liều lĩnh vào dịp tội, thì việc bị cám dỗ không có nghĩa là phạm tội, mà đó là dịp để lớn mạnh trong lòng trung thành và gắn bó qua khiêm nhường và tỉnh thức.

– Về chay tịnh: có thể thực hiện dưới các hình thức cũ hay mới, như dấu hiệu cho sự hoán cải, hối hận và hãm mình, đồng thời là dấu chỉ kết hợp với Đức Kitô chịu đóng đinh, và liên đới với các anh em đang đói và đau khổ.

– Về việc bố thí: là cách cụ thể hóa lòng bác ái, chia sẻ những gì mình có với những người đang chịu những hậu quả của nghèo đói.

– Về dây liên kết giữa sự vượt qua được các chia rẽ trên thế giới và sự hiệp thông đầy đủ với Thiên Chúa và loài người là mục đích cánh chung của Hội Thánh.

– Về những hoàn cảnh cụ thể trong đó được thực hiện sự giao hòa (trong gia đình hay cộng đoàn dân sự, trong các tổ chức xã hội) và riêng đặc biệt, về 4 cuộc hòa giải đang sửa lại 4 cuộc cắt đứt căn bản: hòa giải của con người với Thiên Chúa, với chính mình, với anh em, và với toàn thể tạo vật.

– Hội Thánh không thể bỏ qua mà không cắt xén nghiêm trọng khỏi sứ điệp thiết yếu, vừa riêng tư, vừa phổ quát của mình, chính giáo lý hằng dạy về điều mà ngôn ngữ truyền thông Kitô gọi là 4 sự sau cùng của con người: sự chết, phán xét (riêng và chung), hỏa ngục và thiên đàng. Trong bối cảnh văn hóa muốn giam con người trong cái khung của cuộc sống trên trái đất mà thôi, nơi mà con người gặt được thành công ít nhiều, người ta đòi các chủ chăn trong Hội Thánh một huấn giáo rộng mở và soi sáng, bằng các điều chắc chắc của đức tin vào cõi bên kia cuộc sống hiện tại; đàng sau những cánh cửa huyền bí của sự chết còn chạy dài cả một vĩnh cửu hân hoan trong hiệp thông với Thiên Chúa, hoặc phải khổ hình vì xa Thiên Chúa. Chỉ trong tầm nhìn cánh chung ấy ta mới thấy được cái tầm vóc của tội và mới cảm thấy cách quyết định thúc đẩy ta sám hối và hòa giải.

Các chủ chăn nhiệt tình và sáng kiến không thiếu dịp rao giảng huấn giáo trên trong tầm rộng lớn và khác biệt của nó, bằng cách lưu ý về sự dị biệt văn hóa và huấn luyện lòng đạo của những người mà các vị trình bày. Các bài Kinh Thánh và nghi thức thánh lễ, và những bí tích khác, cũng như các cơ hội cử hành các bí tích thường cũng là cơ hội thuận tiện cho huấn giáo. Nhiều sáng kiến có thể áp dụng cho mục đích này như các bài giảng, diễn văn, tranh luận và các lớp dạy tôn giáo… như đã làm tại nhiều nơi. Tôi muốn nêu bật sự quan trọng và hiệu quả của các Tuần Đại Phúc cho việc huấn giáo này. Nếu được thích nghi với nhu cầu riêng của thời đại ta, chúng có thể, hôm nay cũng như hôm qua, trở thành dụng cụ sáng giá để giáo dục đức tin, đặc biệt trong điều liên quan tới sám hối và hòa giải.

Vì tầm quan trọng rất lớn của hòa giải dựa trên lãnh vực hoán cải, trong lãnh vực tế nhị của các mối tương quan giữa nhân loại và đời sống xã hội ở mọi đẳng cấp, kể cả bình diện quốc tế, huấn giáo không thể bỏ qua sự đóng góp quý báu của giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Giáo huấn theo hoàn cảnh và chính xác nơi các vị tiền nhiệm của tôi, từ Đức Lêo XIII, được tiếp nối bằng sự đóng góp chủ yếu của Hiến chế Mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vatican II, và giáo huấn của nhiều Hội đồng giám mục được gợi ý can thiệp vào nhiều hoàn cảnh nơi xứ sở của các giám mục, tất cả đã tạo thành một cơ cấu đạo lý rộng lớn và vững chắc đụng chạm tới nhiều đòi hỏi gắn liền với cuộc sống cộng đoàn nhân loại, với tương quan giữa các cá nhân, các gia đình và các nhóm tạo nên cộng đồng ấy và với sự thành lập một xã hội tìm cách gắn bó với luật luân lý, là nền tảng của văn minh.

Trên nền tảng giáo huấn xã hội của Hội Thánh, hiển nhiên có một cái nhìn, rút ra từ Lời Chúa về các quyền lợi và bổn phận của các cá nhân, gia đình và cộng đoàn; về giá trị của sự tự do và các chiều kích của công lý; về vị trí tuyệt đỉnh của đức ái; về phẩm giá nhân vị của con người và những yêu sách của công ích mà các nền chính trị và kinh tế phải tìm cách thực hiện. Các nguyên tắc căn bản của huấn quyền về xã hội đã củng cố và tái phát biểu những mệnh lệnh phổ quát của lý trí và của lương tâm các dân tộc. Phần lớn hy vọng giải quyết ôn hòa các mối xung đột xã hội, và nói tóm lại, hy vọng hòa giải phổ quát, dựa trên những nguyên tắc ấy.

Các Bí tích

27. Phương thế thứ hai Thiên Chúa thiết lập, mà Hội Thánh cống hiến cho mục vụ sự sám hối và hòa giải là các Bí tích.

Trong tính năng động huyền nhiệm của các bí tích, rất phong phú về biểu tượng và nội dung, ta có thể nhận thấy một khía cạnh không phải luôn luôn được nêu bật: mỗi một bí tích là một dấu chỉ, không những của ân sủng riêng, nhưng còn là của sự sám hối và hòa giải. Như vậy trong mỗi bí tích có thể làm sống lại những chiều kích thiêng liêng này.

Chác chắn Bí tích Thánh Tẩy là sự tắm gội của ơn cứu rỗi, như thánh Phêrô nói về giá trị của bí tích: “Nhờ phép rửa này, không phải là anh em được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cầu xin Thiên Chúa ban cho mình một lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô”.[151] Đó là việc chết, mai táng và sống lại cùng với Đức Kitô Đấng đã chết, mai táng, và sống lại.[152] Đó là món quà của Chúa Thánh Thần thông qua Đức Kitô.[153] Tuy nhiên yếu tố này, cấu thành bản chất và nguyên ủy phép rửa của Kitô giáo, không thể tách ra được, nhưng lại làm tăng thêm vẻ sám hối đã hiện diện trong phép rửa mà chính Chúa Giêsu đã lãnh nhận của Gioan “để hoàn thành mọi sự công chính”.[154] Nói cách khác, có một sự hoán cải và phục hồi trong công chính mối tương quan với Thiên Chúa, giao hòa với Thiên Chúa, cùng với việc xóa bỏ tì ố nguyên tổ và dẫn vào đại gia đình của những kẻ được giao hòa.

Cũng vậy, bí tích Thêm sức, xét như là sự chuẩn nhận Bí tích Thánh Tẩy và họp thành bí tích khai tâm, trao ban trọn vẹn Chúa Thánh Thần và dẫn tới đời sống kitô hữu trưởng thành, vì thế nó biểu lộ và thực hiện cuộc hoán cải rộng lớn hơn của con tim và cuộc liên kết chặt chẽ và hữu hiệu hơn cùng một cộng đoàn những người được giao hòa, tức là Hội Thánh Chúa Kitô.

Thánh Augustin đã định nghĩa về Bí tích Thánh Thể như là: “Bí tích sự thánh hóa, dấu chỉ sự hiệp nhất, mối dây bác ái”.[155] Như vậy Người đã khơi sáng lên những hiệu quả thánh hóa bản thân (pietas) và sự hòa giải cộng đoàn (unitas và caritas), được phát sinh từ yếu tính của mầu nhiệm Thánh Thể, xét như là sự tái diễn không đổ máu của hy lễ thập giá xưa, và là nguồn mạch của ơn cứu độ và sự hòa giải cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên cần phải nhắc lại rằng Hội Thánh, được đức tin dẫn đưa vào bí tích cao trọng này, đã dạy rằng: người kitô hữu nào ý thức mình đã phạm một tội trọng, thì không thể rước lấy Thánh Thể trước khi được Thiên Chúa tha thứ. Chúng ta cũng đọc thấy như thế trong Huấn thị Eucharisticum Mysterium (mầu nhiệm Thánh Thể), được Đức Phaolo VI phê chuẩn, đã xác nhận hoàn toàn giáo huấn của Công Đồng Trento: “Thánh Thể được ban cho các tín hữu cũng như là phương thuốc để giải thoát chúng ta khỏi những lỗi lầm hàng ngày và gìn giữ chúng ta khỏi tội trọng; các tín hữu cần được chỉ dẫn những phương cách thích hợp để sử dụng những phần sám hối của nghi thức thánh lễ. Ai muốn rước Mình Thánh Chúa thì hãy nhớ lại mệnh lệnh: “ai nấy phải tự xét mình”. Tập truyền của Hội Thánh chỉ dạy rằng việc xét mình này là cần thiết, bởi vì bất cứ ai, nếu ý thức mình có tội trọng, cho dù đã tưởng mình đã sám hối đến đâu, cũng không được phép đến gần Thánh Thể mà trước đó không lãnh bí tích xưng tội. Nếu ai cảm thấy mình ở trong trường hợp cần thiết và không thể đi xưng tội, thì trước tiên phải ăn năn tội cách trọn.[156]

Bí tích Truyền Chức đã đem lại cho Hội Thánh những chủ chăn. Họ không chỉ là những người thầy, những người hướng dẫn, nhưng họ đã được gọi làm chứng nhân và tác nhân của sự hiệp nhất, họ là những người xây dựng gia đình Thiên Chúa, những người bảo vệ và canh giữ mối thông hiệp của gia đình này chống lại mọi mầm mống chia rẽ và phân tán.

Bí tích Hôn Nhân mang lại lời ca tụng của tình yêu nhân loại dưới tác động của ân sủng. Đó chính là dấu chỉ của tình yêu Chúa Kitô đối với Hội Thánh, nhưng cũng là dấu chỉ của cuộc chiến thắng mà Chúa Kitô đã trao cho các đôi bạn để kháng cự những sức mạnh làm méo mó và phá hủy tình yêu; nhờ vậy gia đình được sinh ra từ bí tích này trở nên một dấu chỉ của Hội Thánh hòa giải hướng đến một thế giới được hòa giải trong tất cả những cơ cấu và thể chế.

Sau cùng, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, trong cuộc thử thách của bệnh tật và tuổi già và cách đặc biệt vào giờ phút lâm chung của đời sống kitô hữu, là một dấu chỉ của cuộc cải hoán chung quyết về với Chúa, cũng như dấu chỉ của việc hoàn toàn chấp nhận đau khổ và cái chết như là sự sám hối những tội lỗi. Và chính đây là việc thực hiện một cuộc giao hòa tuyệt đỉnh với Chúa Cha.

Tuy nhiên, trong tất cả các bí tích có một bí tích, tuy thường được gọi là Bí tích Xưng Tội vì lý do của sự cáo những tội đã trót phạm, nhưng có thể được gọi bằng tên thích đáng hơn như là: “Bí tích của sự sám hối chính nghĩa. Như vậy chúng ta chỉ rõ hiệu quả của nó, khi gọi là: “Bí tích của sự hoán cải và giao hòa”. Mới đây, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã bàn bạc cách đặc biệt về bí tích này, vì tầm quan trọng của nó đối với sự hòa giải.

***

CHƯƠNG II

BÍ TÍCH SÁM HỐI VÀ HÒA GIẢI

 

28. Trong suốt mọi giai đoạn và cấp bậc, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã hết sức chú ý đến dấu chỉ bí tích biểu hiện và đồng thời thể hiện việc sám hối và hòa giải. Chắc chắn rằng, bí tích này không gồm chứa hết mọi khái niệm về việc hoán cải và giao hòa. Thực vậy, Hội Thánh ngay từ đầu đã nhận và sử dụng nhiều hình thức phong phú và đa dạng của việc sám hối: Một vài hình thức mang tính cách phụng vụ hoặc bán phụng vụ, trong đó có việc sám hối trong thánh lễ, các nghi thức sám hối, các cuộc hành hương; những hình thức khác thuộc loại khổ hạnh, như là việc ăn chay. Tuy nhiên, trong số đó, không có hành vi nào có ý nghĩa hơn, có hiệu quả thần linh hơn hay cao quý hơn, và đồng thời xét như là nghi thức, lại gần tầm tay cho bằng Bí tích Sám Hối.

Ngay từ giai đoạn chuẩn bị và sau đó, trong nhiều lần can thiệp ở các phiên họp, các tổ làm việc và các kiến nghị chung kết, Thượng Hội Đồng đã xét lời khẳng định, thường được lại đi lặp lại dưới nhiều dạng thức và chi tiết, đó là: Bí tích Sám Hối đang trải qua một cơn khủng hoảng. Thượng Hội Đồng đã lưu ý đến điều đó. Thượng Hội Đồng đã khuyến khích một cuộc huấn giáo sâu đậm hơn, nhưng cũng khuyến khích một cuộc phân tích không kém phần sâu sắc về khía cạnh có tính thần học, lịch sử, tâm lý, xã hội và pháp lý trên sự sám hối nói chung và của Bí tích Sám Hối nói riêng. Như vậy, Thượng Hội Đồng có chủ ý muốn làm sáng tỏ những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng và mở ra con đường giải quyết tích cực, hầu mưu ích cho nhân loại. Trong khi đó, từ chính Thượng Hội Đồng, Hội Thánh đã nhận được sự củng cố niềm tin của mình đối với bí tích này. Bí tích Sám Hối mang lại cho mỗi kitô hữu và cho toàn thể cộng đoàn tín hữu sự chắc chắn được tha thứ do quyền năng của máu thánh cứu chuộc của Đức Kitô.

Thật là điều tốt khi lặp lại và khẳng định lại lòng tin này vào một thời điểm mà lòng tin có thể tàn yếu dần, mất đi một thứ gì toàn vẹn của nó, hay là bị dồn vào trong bóng tối và thinh lặng, bị đe dọa bởi những yếu tố tiêu cực của cuộc khủng hoảng. Thực vậy, bí tích Xưng tội bị khống chế một đàng bởi vì ý thức luân lý và tôn giáo bị lu mờ, cảm thức về tội lỗi bị suy giảm, quan niệm về sám hối đã bị bóp méo, thiếu nỗ lực để sống đời kitô hữu đích thực. Đàng khác, bí tích này đôi khi còn bị khống chế bởi ý tưởng lan tràn đó đây, theo đó người ta sẽ có thể được Thiên Chúa trực tiếp tha thứ, kể cả một cách bình thường, mà không cần lãnh Bí tích hòa giải. Một ảnh hưởng tiêu cực nữa là thực hành bí tích đôi khi thiếu lòng sốt sắng và tâm tình tự phát, có lẽ do một quan niệm sai lầm và lệch lạc về những hiệu quả của bí tích.

Vì thế thực là thích hợp khi nhắc lại những khía cạnh chính của Bí tích cao cả này.

“Các con tha tội cho ai…”

29. Sự kiện đầu tiên và cơ bản mà chúng ta rút ra được từ các sách thánh của Cựu ước và của Tân ước đó là Thiên Chúa khoan nhân và tha thứ. Trong các thánh vịnh và lời giảng dạy của các ngôn sứ, từ “khoan nhân” (lời chú của người dịch: “khoan nhân” hoặc “nhân hậu, nhân từ, từ bi hay thương xót, lân tuất”) có lẽ một tiếng được gán cho Chúa nhiều nhất, đối lại với thành kiến cho rằng Thiên Chúa của Cựu Ước được trình bày như là một vị nghiêm khắc và báo oán.

Trong các Thánh Vịnh, có một đoạn văn dài, thuộc thể văn khôn ngoan, rút từ truyền thống Xuất hành, gợi lại hành động nhân từ của Thiên Chúa ở giữa dân Người. Tuy hành động này được diễn tả theo lối “như nhân”, nhưng có lẽ là một trong những lời tuyên bố hùng hồn nhất trong Cựu ước về Thiên Chúa khoan nhân. Chỉ cần trích dẫn ở đây một câu: “Nhưng Ngài vẫn xót thương, thứ tha không tiêu diệt, nén giận đã bao lần, chẳng khơi bừng nộ khí. Chúa nhớ rằng: thân phận chúng bọt bèo mỏng mảnh, gió thoảng qua, không hẹn ngày về”.[157]

Khi đến thời viên mãn, Con Thiên Chúa đã đến như con Chiên cất đi và gánh lấy tội lỗi của nhân loại.[158] Người xuất hiện như Đấng có quyền xét xử và tha thứ tội lỗi,[159] và Đấng đã đến không phải để luận phạt nhưng để tha thứ và cứu rỗi.[160]

Và rồi, quyền “tha thứ các tội”, Chúa Giêsu, qua Thánh Thần, đã trao cho những con người tầm thường, cũng bị tội lỗi kềm kẹp, tức là các tông đồ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì tội ấy được tha cho họ; các con cầm giữ tội ai, thì tội ấy bị cầm giữ”.[161] Chân phúc Isaac Stella trong một bài giảng đã nhấn mạnh sự hòa hợp hoàn toàn giữa Đức Kitô với Hội Thánh trong việc tha thứ tội lỗi: “Hội Thánh không thể tha cái gì mà không có Chúa Kitô, và Chúa Kitô không muốn tha thứ mà không có Hội Thánh. Hội Thánh chỉ có thể tha thứ cho một hối nhân, nghĩa là một người đã được Đức Kitô chọn đến bằng ân sủng của Người. Đức Kitô không muốn coi cái gì đã được tha nơi một người khinh miệt Hội Thánh”.[162] Đây là một trong những điểm mới mẻ kinh khủng nhất của Tin Mừng! Khi trao quyền thọ tạo cho các tông đồ, Đức Giêsu cũng cho phép họ được chuyển giao như Hội Thánh vẫn hiểu ngay từ thời sơ khai, quyền đó cho các người kế vị, được chính các Tông Đồ trao sứ vụ và trách nhiệm tiếp tục công viẹc loan báo Tin Mừng và làm thừa tác viên ơn cứu độ của Đức Kitô.

Ở đây ta thấy trổi lên vẻ cao trọng của tác nhân Bí tích Sám Hối, được truyền thống cố cựu gọi là Cha giải tội.

Cũng giống như trên bàn thờ khi dâng Thánh lễ và cũng như khi cử hành các bí tích khác, linh mục tác viên của Bí tích Sám Hối hành động “in persona Christi” (với tư cách của Chúa Kitô). Chúa Kitô được linh mục làm hiện diện và hoàn tất mầu nhiệm tha thứ cũng chính là Chúa Kitô xuất hiện như là người anh của nhân loại,[163] vị Thượng tế đầy lân tuất, trung tín và trắc ẩn,[164] mục tử lo lắng tìm con chiên lạc,[165] lương y chữa bệnh và an ủi,[166] Thầy duy nhất dạy dỗ chân lý và chỉ rõ đường lối của Thiên Chúa,[167] Thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết,[168] Người xét xử theo sự thật chứ không theo dáng vẻ bề ngoài.[169]

Chắc chắn đây là một tác vụ khó khăn nhất, tế nhị nhất, tổn sức nhất và đòi hỏi nhất của linh mục, nhưng cũng là một trong những tác vụ cao đẹp và an ủi nhất. Chính vì lý do ấy và chính vì lời khuyến khích nhiệt liệt của Thượng Hội Đồng, tôi sẽ không bao giờ quản ngại nhắn nhủ các anh em tôi, các vị giám mục và linh mục, hãy thi hành tác vụ này cách trung thành và cần mẫn.[170] Trước lương tâm của các tín hữu vừa lo sợ vừa tin tưởng đang mở ra cho ngài, cha giải tội được mời gọi đóng vai trò cao quý là phục sự sám hối và hòa giải. Cha giải tội có nhiệm vụ học biết những yếu đuối và sa ngã của các tín hữu, hỗ trợ lòng ao ước của họ muốn đổi mới và nỗ lực của họ muốn thực thi lòng ao ước ấy, phân định tác động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn họ, ban cho họ sự tha thứ mà duy một mình Thiên Chúa mới có thể ban, “cử hành” việc giao hòa của họ với Thiên Chúa được phác họa trong dụ ngôn người con hoang đàng, dẫn những tội nhân đã được cứu trở vào cộng đoàn Hội Thánh với các anh chị em, và lấy tình cha mà khuyên nhủ các hối nhân với câu nói cương nghị, khích lệ và thân mật: “Con đừng phạm tội nữa”.[171]

Để có thể thi hành tác vụ này cách hữu hiệu, cha giải tội cần phải có những đức tính nhân bản như khôn ngoan, kín đáo, phân định, và cương nghị hòa lẫn với nhã nhặn và tử tế. Cũng vậy, cha giải tội cần phải được chuẩn bị nghiêm túc và kỹ lưỡng trong những ngành thần học, sư phạm và tâm lý. Sự học hỏi các khoa này phải được hài hòa và toàn vẹn chứ không phải từng mảng rời rạc. Cha giải tội cũng cần được huấn luyện về phương pháp đối thoại và nhất là về sự hiểu biết Lời Chúa một cách sống động và có thể thông đạt được. Và hơn thế nữa, cha giải tội cần phải có đời sống thiêng liêng thật sâu đậm. Để có thể hướng dẫn người khác trên đường lối của sự trọn lành kitô hữu, tác viên của Bí tích Sám Hối phải là kẻ đầu tiên đã đi con đường ấy. Bằng hành động hơn là bằng lời lẽ dài dòng, cha giải tội phải chứng tỏ mình đã có kinh nghiệm sống đời cầu nguyện, thực hành các nhân đức đối thần và các nhân đức luân lý theo tin mừng, sự trung thành tuân theo ý Chúa, lòng yêu mến Hội hánh và ngoan ngoãn với Huấn quyền.

Tất cả những đức tính nhân bản, các nhân Đức Kitô hữu và các khả năng mục vụ cần phải được tập luyện và chỉ có thể thủ đắc bằng nhiều cố gắng. Mỗi linh mục phải được huấn luyện tác vụ Bí tích Sám Hối ngay từ những năm tại chủng viện, không những nhờ việc học thần học tín lý, luân lý, tu đức và mục vụ (tất cả là những bộ môn của một tổng bộ), nhưng còn nhờ việc học các khoa nhân văn, huấn luyện về đối thoại, cách riêng là cách tiếp xúc trong lãnh vực mục vụ. Sau đó linh mục cần được hướng dẫn và theo dõi ngay từ giai đoạn bắt đầu hoạt động. Linh mục cần phải tìm cách thăng tiến và bồi dưỡng nhờ cuộc thường huấn. Thử hỏi sẽ có biết bao ân huệ dồi dào, đời sống thiêng liêng chói ngời sẽ tỏa rộng trong Hội Thánh đến đâu nếu mỗi linh mục lo lắng để khỏi mất cơ hội, do sự chểnh mảng hay những cớ thoái thác khác, để gặp gỡ các tín hữu trong tòa cáo giải, và nếu linh mục ân cần để đừng bao giờ vào tòa giải tội mà thiếu chuẩn bị hoặc thiếu những đức tính nhân bản cần thiết, và thiếu sửa soạn về thiêng liêng và mục vụ?

Nhân tiện tôi không thể nào không nhắc đến với lòng cảm phục các vị tông đồ của tòa giải tội, tựa như Thánh Gioan Nêpômuxênô, Thánh Gioan Viannry, thánh Giuse Cafassô, thánh Leôpôlđô Castelnuovo, đó là mới điểm qua các vị giải tội danh tiếng đã được Hội Thánh ghi vào sổ các hiển thánh. Nhưng tôi cũng muốn tỏ lòng thán phục với đoàn ngũ đông đảo các vị giải tội thánh thiện và hầu như vô danh, nhờ các ngài mà biết bao linh hồn đã được ơn cứu rỗi, đã được giúp đỡ trong việc hoán cải, trong việc chiến đấu chống lại tội lỗi và các chước cám dỗ, trong sự tiến triển thiêng liêng, và nói tắt một lời, trong việc nên thánh. Tôi không ngại quả quyết rằng ngay cả các vị hiển thánh thường cũng là kết quả của tòa giải tội, và không những là các vị thánh mà thôi nhưng cả gia sản và tinh thần của Hội Thánh và sự phát triển văn minh thấm nhuần tinh thần Kitô giáo nữa. Vì vậy thật đáng ca tụng đoàn ngũ thầm lặng của các anh em chúng ta đã và đang phục vụ công cuộc hòa giải nhờ tác vụ Bí tích Sám Hối.

Bí tích tha thứ

30. Từ chỗ mặc khải về giá trị của tác vụ này và quyền năng tha tội được Chúa Kitô trao phó cho các tông đồ và những kẻ kế vị, đã có sự phát triển nhận thức về dấu chỉ tha thứ được thông ban qua Bí tích Sám Hối. Chính là sự xác tín rằng Chúa Giêsu đã thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh một bí tích riêng dành để tha thứ các tội đã phạm sau khi lãnh Bí tích Thanh Tẩy – như là một món quà của lòng khoan hậu và nhân ái của Người cần được trao cho hết mọi người.[172]

Xét về cách thức cử hành, bí tích này đã trải qua một tiến trình phát triển lâu dài, theo như chứng tích của các Sách Lễ cổ điển, những văn kiện của các Công Đồng và công nghị, những bài giảng của các Giáo phụ và những giáo huấn của các tiến sĩ Hội Thánh. Nhưng xét về bản chất của Bí tích, thì ý thức Hội Thánh luôn luôn duy trì niềm xác tín bền vững và bất biến rằng do ý định của Chúa Kitô, ơn tha thứ được ban cho mỗi người nhờ sự xá giải do các tác viên của Bí tích Sám Hối. Đó là niềm xác tín được tái khẳng định cách mạnh mẽ do cả Công Đồng Trento[173] cũng như Công Đồng Vatican II: “Những ai tiến đến Bí tích Sám Hối thì nhận được sự tha thứ mọi xúc phạm đến Thiên Chúa nhờ lòng thương xót của Ngài, và đồng thời họ được hòa giải với Hội Thánh mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội. Hội Thánh hành động bằng lòng mến, bằng gương lành và bằng lời cầu nguyện để giúp cho họ cải hoán”.[174] Và một chân lý đức tin về giá trị và mục đích của Bí tích này là sự khẳng định rằng: Đức Giêsu Kitô Chúa Cứu chuộc chúng ta đã thiết lập trong Hội Thánh của Người Bí tích Sám Hối ngõ hầu các tín hữu đã sa ngã phạm tội sau Bí tích Thánh Tẩy có thể được lãnh ân sủng và hòa giải với Thiên Chúa.[175]

Đức tin của Hội Thánh về bí tích này bao hàm một vài chân lý căn bản khác không thể nào bỏ qua được. Nghi thức của Bí tích Sám Hối, trải qua những diễn tiến và những hình thức hiện hành, vẫn luôn duy trì và nêu bật các chân lý đó. Khi khuyến khích cải tổ nghi thức, Công Đồng Vatican II muốn rằng các nghi tức phải diễn tả các chân lý đó cách rõ rệt hơn,[176] và điều này đã đạt được với sách Nghi thức Sám hối,[177] bởi vì nó đã thu nhập toàn bộ giáo huấn của Công Đồng Trento,[178] chuyển dịch cách trung thực từ khung cảnh lịch sử riêng biệt (tức là cố gắng xác minh đạo lý đứng trước những sai lạc không phù hợp với giáo huấn nguyên tuyền của Hội Thánh), sang những hạn từ tích hợp hơn với khung cảnh thời nay.

Một vài xác tín căn bản

31. Các chân lý vừa nói trên đã được nhắc lại cách mạnh mẽ và sáng tỏ trong Thượng Hội Đồng và được đưa vào trong các kiến nghị. Các chân lý đó có thể được tóm lại trong các xác định dưới đây, gắn liền với tất cả xác tín khác của đạo lý Công giáo về Bí tích Sám Hối.

I. Xác tín thứ nhất. Đối với một kitô hữu, Bí tích Sám Hối là con đường thông thường để được tha thứ các tội trọng phạm sau ngày Rửa tội. Chắc chắn rằng Đấng Cứu chuộc và công trình cứu độ của Người không bị trói buộc vào một vài dấu chỉ của bí tích đến nỗi trong bất cứ giai đoạn và lãnh vực nào của lịch sử cứu rỗi không thể tác động bên ngoài và bên trên các bí tích. Nhưng nhờ Hội Thánh, trường dạy đức tin, chúng ta nhận biết rằng cũng một Đấng Cứu chuộc ấy đã muốn và xếp đặt để cho những Bí tích đức tin, vừa khiêm nhường vừa quý giá, như là những phương tiện hữu hiệu nhờ đó mà sức mạnh cứu chuộc của Ngài đã được chuyển thông và tác động. Cho nên thật là điên rồ và tự phụ khi dám tự tiện coi nhẹ các dụng cụ của ân sủng và chương trình cứu rỗi mà Thiên Chúa đã thiết lập; một cách cụ thể hơn, khi đòi hỏi được tha tội mà không cần tới bí tích do Chúa Kitô thiết lập với mục đích để tha tội. Sự đổi mới của các nghi thức từ sau Công Đồng không hề phê chuẩn cái ảo tưởng nào hay sự biến chất nào theo đường hướng đó. Theo ý của Hội Thánh, sự đổi mới này đã và đang nhằm gợi lên cho mỗi người chúng ta một động lực mới với mục đích đổi mới thái độ nơi chúng ta. Tôi muốn nói đến sự hiểu biết sâu xa về bản chất của Bí tích Sám Hối, cũng như về sự lãnh nhận bí tích một cách thấm nhuần niềm tin hơn, không phải trong lo âu mà tràn đầy tin tưởng. Tôi cũng muốn nói đến việc năng cử hành bí tích vì nhờ đó chúng ta được tiếp xúc với tình yêu khoan nhân của Thiên Chúa.

II. Xác tín thứ hai liên quan đến chức năng của Bí tích Sám Hối đối với những người lãnh nhận. Theo quan niệm cổ truyền, Bí tích này là một thứ hành vị xét xử. Nhưng việc xét xử này diễn ra tại tòa án nhân từ, chứ không phải tòa án công lýkhắt khe, cho nên chỉ có thể so sánh với tòa án nhân loại theo nghĩa loại suy, nghĩa là: tội nhân xưng thú các tội lỗi của mình và tình trạng thọ tạo nghiêng chiều về tội lỗi, cam kết từ bỏ và chống lại tội lỗi, nhận lãnh hình phạt (việc đền tội) mà cha giải tội đã ra, và lãnh sự xá giải.

Nhưng đang khi suy tư về chức năng của bí tích này, Hội Thánh ý thức và nhận thấy, ngoài phương diện xét xử theo nghĩa đã được gợi ra, còn có khía cạnh chữa trị. Điều này gắn liền với sự kiện Chúa Kitô như là vị Thầy thuốc mà chúng ta thường gặp trong Tin mừng.[179] Vả lại công trình cứu chuộc của Người đã được đặt tên ngay từ thời Hội Thánh sơ khai là “medicina salutis” (y dược cứu rỗi). “Ta muốn chữa lành chứ không kết tội”, đó là lời mà Thánh Augustin đã nói về việc thực hành mục vụ Bí tích Sám Hối,[180] và chính nhờ dược liệu của việc xưng thú mà cảm nghiệm về tội lỗi không bị đẩy vào chỗ tuyệt vọng.[181] Sách Nghi thức sám hối cũng ám chỉ đến phương diện chữa trị của Bí tích,[182] khía cạnh mà con người thời nay có thể dễ cảm nhận hơn, và cũng như khi nói đến tội thì họ nhạy cảm đến yếu tố yếu đuối và mỏng dòn của con người hơn là khía cạnh sai lầm.

Cho dù là tòa án nhân từ hay nơi chữa lành tinh thần, dưới cả hai phương diện, Bí tích đều đòi hỏi sự hiểu biết nội tâm của hối nhân, để có thể xét xử và tha thứ, trị liệu và chữa lành. Đó chính là lý do mà Bí tích bao hàm, về phía hối nhân, sự xưng thú các tội một cách chân thành và trọn vẹn, việc thú tội này không phải chỉ bắt nguồn từ mục tiêu khổ hạnh (như là việc thực tập đức khiêm nhường và khổ chế) nhưng là từ một mục tiêu nội tại của bản chất Bí tích.

III. Xác tín thứ ba: Xác tín mà tôi muốn nói có liên quan đến những thực tại hay những thành phần cấu thành dấu chỉ của Bí tích tha thứ và hòa giải. Một vài thực tại ấy là các hành động của hối nhân, dù không có tầm quan trọng ngang nhau nhưng đều cần thiết cho sự hữu hiệu, sự toàn vẹn và hiệu quả của dấu chỉ Bí tích.

Điều kiện thiết yếu trước tiên là lương tâm ngay thẳng, và sáng suốt của hối nhân. Người ta không thể đi tới sự sám hối đích thực, bao lâu người ta không nhận ra rằng tội lỗi đối nghịch với quy luật luân lý đã được ghi khắc trong tâm khảm;[183] bao lâu người ta không nhận ra một cảm nghiệm riêng tư và có trách nhiệm về sự trái nghịch ấy; bao lâu người ta không những nói rằng “đó là tội” mà còn nói “tôi đã phạm tội”; bao lâu người ta không nhìn nhận rằng tội lỗi đã đưa vào lương tâm họ sự rạn nứt làm phá hủy bản ngã toàn vẹn của mình, chia cách mình với Thiên Chúa và với anh em. Dấu chỉ Bí tích của lương tâm sáng suốt là hành vị được truyền thống gọi là “tự vấn lương tâm”. Hành vi này không thể nào chỉ là một sự chất vấn tâm lý cách xao xuyến nhưng là cuộc đối chiếu thẳng thắn và minh bạch với luật luân lý nội tâm, với những quy tắc của Tin mừng mà Hội Thánh giảng dạy, với chính Chúa Kitô là Thầy và là mẫu mực đời sống của chúng ta, với Cha trên trời, là Đấng kêu gọi chúng ta sốngtoàn hảo và tốt lành.[184]

Nhưng hành vi chính yếu của Bí tích Sám Hối, xét về phía hối nhân, là sự ăn năn (contritio) tức là cương quyết từ bỏ tội lỗi cùng với dốc tâm không tái phạm nữa.[185] Dĩ nhiên, để có thể tiến tới Bí tích Sám Hối, chỉ cần ăn tội cách chẳng trọn (attritio: vì sợ hơn là vì yêu) thì đã đủ. Nhưng trong phạm vi Bí tích, hành vi ăn năn tội chẳng trọn được biến thành trọn hảo nhờ tác động của ân sủng (ex attritio fit contritus), bởi vì Bí tích Sám Hối thực sự đã tác động nơi hối nhân được chuẩn bị đích đáng để họ được ăn năn cách trọn. Vì lòng mến Chúa, lòng mến này sẽ hồi sinh cùng với việc sám hối. Cho nên sự ăn năn là khởi đầu và trọng tâm của sự hoán cải, của métanoia trong Tin mừng dẫn con người trở về với Thiên Chúa, tựa như “đứa con hoang đàng” trở về với Cha. Sự ăn năn mang một dấu chỉ hữu hình ở nơi Bí tích Sám Hối, và kiện toàn việc úy hối. Do đó “sự thực của việc sám hối tùy thuộc vào việc ăn năn tội”.[186]

Trong khi lặp lại những gì mà Hội Thánh (được gợi ra từ Lời Chúa), đã giảng dạy về việc ăn năn, tôi muốn nhấn mạnh riêng đến một phương diện của đạo lý quan trọng này, mà chúng ta cần biết rõ và lưu tâm. Người ta thường coi việc hoán cải và ăn năn dưới khía cạnh của những yêu sách mà chúng đặt ra, và dưới khía cạnh khổ chế mà chúng đòi hỏi để thay đổi tận căn đời sống. Nhưng sự hoán cải và ăn năn cần phải được nhắc đến và nhấn mạnh dưới khía cạnh khác nữa: đó là chúng đưa ta tiến lại gần sự thánh thiện của Thiên Chúa, tìm lại được căn cước nội tại của mình mà tội lỗi đã đảo ngược và xáo trộn, giải phóng bản ngã của chính mình để khám phá lại niềm vui đã mất,[187] niềm vui được cứu độ mà phần lớn con người thời đại không còn khả năng cảm nghiệm nữa.

Cho nên chúng ta hiểu rằng ngay từ Hội Thánh sơ khai, kế tiếp đường hướng của các tông đồ và của Chúa Kitô, Hội Thánh đã bao gồm việc xưng thú tội lỗi vào trong dấu chỉ của Bí tích. Điều này đã mang tầm quan trọng đến mức từ nhiều thế kỷ danh xưng thường dùng để gọi Bí tích là xưng tội. Xưng thú tội lỗi là điều thiết yếu, trước hết bởi vì tội nhân phải được biết bởi một vị đóng vai thẩm phán trong Bí tích này. Vị thẩm phán này phải thẩm định về tình trạng nặng nề của tội lỗi và về lòng sám hối của tội nhân. Và vị này cũng đóng vai thầy thuốc, nên cần biết tình trạng người bệnh để trị liệu và chữa lành. Nhưng việc xưng thú tội cá nhân cũng có giá trị như một dấu chỉ: dấu chỉ của cuộc gặp gỡ hối nhân với thừa tác viên làm trung gian của Hội Thánh; dấu chỉ của việc hối nhân bày tỏ mình như là kẻ tội lỗi trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, dấu chỉ của việc đối diện thân phận tội lỗi của mình dưới mắt Chúa. Vì thế, việc xưng thú tội không thể thu hẹp vào một thứ mưu toan giải thoát về tâm lý, cho dù nó đáp ứng một nhu cầu chính đáng và tự nhiên, khắc trong con tim con người, đó là thổ lộ tâm tình với người khác. Xưng thú tội là một hành vi phụng vụ, vừa trang trọng pha đôi chút bi thương vừa khiêm nhường và sơ sài trong ý nghĩa cao sang. Đó đích thực là hành vi của người con hoang đàng trở về với cha, và được cha đón nhận với một cái hôn bình an. Đó là hành vi ngay thẳng và can đảm. Đó là hành vi phó thác chính mình cho lòng khoan nhân tha thứ, vượt lên trên tội lỗi.[188]

Vì thế, chúng ta hiểu được tại sao xưng thú tội lỗi thường phải mang tính cá nhân, chứ không phải tập thể, cũng như tội lỗi là một chuyện rất là cá nhân. Nhưng đồng thời, một cách nào đó việc xưng thú lôi kéo tội lỗi thầm kín trong con tim ra khỏi vòng khép kín cá nhân và nêu bật tính xã hội của nó nữa: quả vậy, qua thừa tác viên môi giới của Bí tích Sám Hối, chính cộng đoàn Hội Thánh đã bị tổn thương vì tội lỗi, lại đón tiếp người tội nhân hối lỗi và được tha thứ.

Một chặng chính yếu khác của Bí tích Sám Hối, thuộc phạm vi thừa tác viên, trong vai trò thẩm phán, và thầy thuốc, là hình ảnh của Thiên Chúa là Cha đón nhân và tha thứ cho những ai trở về cùng Ngài: đó là việc xá giải. Những lời và những cử điệu diễn tả sự xá giải, được ghi trong sách Nghi thức Sám hối cũ cũng như mới, biểu lộ tính cách đơn giản trong sự cao cả của nó. Công thức Bí tích là: “Cha tha tội cho con..”, và việc đặt tay kèm theo dấu thánh giá trên hối nhân; các cử điệu đó biểu lộ rằng ngay lúc ấy, hối nhân ăn năn hoán cải được đối diện với quyền năng và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Đó là lúc mà Ba Ngôi Thiên Chúa đáp lời tội nhân và hiện diện trong họ để xóa bỏ tội lỗi và đem họ trở về với sự tinh tuyền ban đầu. Chính hối nhân nhận được sức mạnh cứu chuộc nhờ cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Đức Giêsu, quyền năng ấy tỏ hiện như là “lòng nhân từ còn mạnh hơn tội lỗi và sự xúc phạm” như tôi đã có dịp nói rõ trong Thông điệp “Dives In Misericordia”: Thiên Chúa luôn là Đấng mà tội lỗi đã làm xúc phạm hơn cả: – tibi soli peccari – và chỉ duy Ngài có thể tha thứ. Vì thế, sự xá giải mà linh mục, thừa tác viên của việc tha thứ, tuy chính mình cũng là tội nhân, ban cho hối nhân là dấu chỉ hữu hiệu của việc Thiên Chúa Cha can thiệp mỗi lần sự xá giải được ban. Sự xá giải là dấu chỉ của “sự phục sinh” từ “cái chết thiêng liêng”, được lặp lại trong mỗi lần cử hành Bí tích Sám Hối. Chỉ riêng đức tin mới có thể đoan chắc cho ta rằng mọi tội lỗi được tha thứ xóa bỏ vào lúc ấy nhờ sự can thiệp mầu nhiệm của Đấng Cứu chuộc.

Việc đền tội là hành vi chót hoàn thành dấu chỉ Bí tích Sám Hối. Trong một vài quốc gia hành vi mà người hối nhân được tha thứ và xá giải đồng ý thực hiện sau khi lãnh ơn xá giải được gọi là việc sám hối. Việc đền tội, hay việc sám hối có ý nghĩa gì? Chắc hẳn đây không phải là cái giá phải trả để được tha tội và xá giải: không có một giá nhân loại nào sánh được với thành quả mà Chúa Kitô đã đạt được nhờ máu châu báu của Người. Những việc đền tội, dấu đơn sơ và tầm thường, nhưng mang nhiều ý nghĩa, và khi thực hành cần phải biệu lộ các ý nghĩa ấy. Chúng là dấu chỉ của điều mà người tín hữu, trong bí tích, đã đích thân cam kết với Thiên Chúa, là họ sẽ bắt đầu cuộc đời mới (vì thế, những việc đền tội không chỉ dừng lại ở một vài kinh đọc thuộc lòng nhưng cần phải là những việc làm cụ thể như thờ phượng, bác ái, xót thương và bồi thường). Những việc đền tội bao gồm một ý tưởng là hối nhân được tha thứ có khả năng kết hợp sự khổ chế thể xác và tinh thần của mình – dù tự ý đặt ra hoặc ít là chấp nhận – với cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, Đấng đã mang lại ơn tha thứ cho họ. Những việc đền tội nhắc lại rằng ngay cả sau khi đã được tha thứ, ở trong hối nhân vẫn còn có một miền tăm tối là hậu quả do những vết thương tội lỗi, do sự thiếu sót tình yêu khi sám hối; do sự suy nhược của các quan năng tinh thần. Đó là miền mà cội rễ nhiễm độc của tội lỗi vẫn hoành hành, vì thế cần phải luôn luôn kháng cự bằng sự khổ chế và sám hối. Đó là ý nghĩa của việc đền tội tuy tầm thường nhưng thành tâm.[189]

IV. Cần phải nhắc nhở vắn tắt một vài xác tín quan trọng khác liên quan tới bí tích sám hối

Trước hết, cần phải nhắc lại rằng không có gì sâu kín riêng tư ở trong Bí tích này cho bằng khi hối nhân hiện diện trước mặt Thiên Chúa với tất cả tội lỗi thiếu sót, lòng sám hối và niềm tin của mình. Không ai có thể sám hối hay xin tha thứ thay cho mình được. Chắc chắn rằng hối nhân cảm thấy cảnh cô độc khi phạm tội. Điều này được diễn tả cách bi thảm nơi Cain cùng với tội lỗi của hắn “nép mình vào cửa”, theo lối diễn tả gợi cảm của sách Khởi Nguyên, và mang một dấu tích nhận dạng ở trên trán;[190] hoặc nơi vua Đavít bị ngôn sứ Nathan quở trách;[191] hay là nơi đứa con hoang đàng khi nhận thấy mình ở trong tình trạng xa cách cha và quyết định trở về với cha.[192] Tất cả chỉ triển khai giữa một mình con người với Thiên Chúa. Nhưng đồng thời người ta không thể phủ nhận chiều kích xã hội của Bí tích này, trong đó toàn thể Hội Thánh, – dù là chiến đấu, thanh luyện hay vinh hiển trên trời – đến cứu giúp hối nhân và tiếp nhận họ vào lòng mình, nhất là bởi vì chính Hội Thánh bị xúc phạm và tổn thương vì tội lỗi. Trong chức vụ là thừa tác viên của Bí tích Sám Hối, linh mục là chứng nhân và đại diện của tính cách Hội Thánh của Bí tích. Hai tính cách cá nhân và Hội Thánh là hai khía cạnh bổ túc cho nhau trong Bí tích này mà cuộc canh tân tiệm tiến của nghi thức Sám hối, đặc biệt là theo sách Nghi thức Sám hối (Ordo Paenitentiae) do Đức Phaolo VI ban hành, đã cố gắng nêu bật và tăng thêm ý nghĩa cho các buổi cử hành.

V. Kế đến, cần phải nhấn mạnh rằng, hoa quả cao quý nhất của ơn tha thứ được lãnh nhận trong Bí tích Sám Hối hệ tại việc hòa giải với Thiên Chúa: việc hòa giải này diễn ra trong thâm sâu cõi lòng của con người đã mất mà tìm lại được, và người con ấy là chính mỗi hối nhân. Tuy vậy cần phải thêm rằng, việc hòa giải với Thiên Chúa còn đưa đến các việc hòa giải khác, sửa chữa lại những rạn nứt mà tội đã gây ra. Hối nhân được hòa giải với chính mình trong nơi thẳm sâu của chính mình, để nhận ra chân ngã của mình. Hối nhân được hòa giải với anh em, người mà mình đã tấn công và đả thương cách nào đó, hòa giải với Hội Thánh, hòa giải với mọi thụ tạo. Nhờ việc nhận thức các điều ấy, khi kết thúc việc cử hành bí tích hòa giải hối nhân cảm thấy tràn ngập một tâm tình biết ơn vô hạn đối với Thiên Chúa vì tình thương xót mà mình đã nhận được, Hội Thánh mời gọi mỗi hối nhân hãy có tâm tình tạ ơn đó.

Mỗi tòa giải tội là một nơi đặc biệt hồng phúc, từ nơi đó, các sự chia rẽ đã được xóa sạch, sinh ra một con người mới, không tỳ ố, một con người được giao hòa, một thế giới được giao hòa.

VI. Sau hết, tôi muốn nói đến một nhận định cuối cùng. Nó liên quan đến tất cả chúng ta, các linh mục là những thừa tác viên của Bí tích Sám Hối, nhưng cũng là hối nhân – chúng ta cần phải đón nhận những ơn phúc phát sinh từ Bí tích Hòa Giải.[193] Đời sống siêu nhiên và mục vụ của các linh mục cũng như đời sống của các anh em giáo dân và tu sĩ, xét về phẩm chất và về lửa nhiệt tình, sự miệt mài và ý thức đều phụ thuộc vào việc thực hành cá nhân Bí tích Hòa Giải. Việc cử hành Bí tích Thánh Thể và các bí tích khác, lòng nhiệt tâm mục vụ, những tương quan với các Kitô hữu, sự hiệp thông với các anh em linh mục, sự cộng tác với hàng giám mục, đời sống cầu nguyện, tựu trung đời sống linh mục có thể bị suy thoái nếu như chính họ do thờ ơ hoặc vì một lý do nào khác, không đến với Bí tích Giải Tội một cách đều đặn với một đức tin và một lòng sốt sắng đích thực. Nếu một linh mục không còn đi xưng tội nữa hoặc không thực hiện được việc thú tội thì bản chất linh mục và hoạt động linh mục của mình sẽ sớm bị ảnh hưởng và chính cộng đoàn mà linh mục dẫn dắt sẽ nhận ra điều đó.

Nhưng tôi cũng thêm rằng, để trở thành một thừa tác viên tốt và đắc lực của Bí tích Sám Hối, linh mục cần phải chạy đến nguồn ân sủng và thánh thiện vốn hiện diện trong bí tích này. Chúng ta, các linh mục khởi đi từ kinh nghiệm cá nhân của mình, có thể nói một cách chắc chắn rằng, càng đến với Bí tích Sám Hối thường xuyên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng chúng ta càng đảm nhiệm tốt hơn tác vụ giải tội và đảm bảo rằng, các hối nhân sẽ hưởng được ân phúc nhiều hơn. Trái lại, tác vụ này sẽ mất nhiều hiệu năng nếu một cách nào đó chúng ta không còn là những hối nhân thực thụ nữa. Đó là hệ luận nội tại trong bí tích quan trọng này. Bí tích này mời gọi tất cả chúng ta, những linh mục của Đức Kitô lưu tâm đến việc xưng tội của mình.

Và rồi kinh nghiệm bản thân này trở thành và phải trở thành cho ngày hôm nay một yếu tố kích thích việc thực hành cẩn thận, đều đặn, kiên nhẫn và nhiệt tình trong tác vụ giải tội. Chúng ta mang trách nhiệm về tác vụ đó do chính chức thánh linh mục của chúng ta, và ơn gọi của chúng ta là làm những người mục tử và những người phục vụ anh chị em của mình. Vậy, với Tông huấn này tôi khẩn khoản van nài tất cả linh mục trên thế giới, đặc biệt là những anh em trong chức vụ giám mục và cha sở, hãy tận dụng mọi nỗ lực để khuyến khích các Kitô hữu sử dụng bí tích. Xin các vị hãy vận dụng tất cả các phương tiện thích hợp để giúp phần lớn những người nhận được “ân sủng” đã được ban cho chúng ta qua Bí tích Sám Hối nhằm đến việc hòa giải mỗi cá nhân và toàn thế giới với Thiên Chúa trong Đức Kitô.

Các hình thức cử hành

32. Trung thành với lời chỉ dạy của Công Đồng Vatican II, sách Ordo Paenitentiae đã trù liệu ba nghi thức cho phép thích nghi việc cử hành Bí tích Sám Hối vào những hoàn cảnh mục vụ riêng biệt, tuy vẫn duy trì các nguyên vẹn các yếu tố cốt yếu.

Hình thức thứ nhất: Hòa giải từng hối nhân là cách thức duy nhất thông thường để cừ hành bí tích này, và không thể loại trừ hay coi nhẹ.

Hình thức thứ hai: Hòa giải nhiều hối nhân với việc xưng thú và xá giải từng người – dù rằng trong sự chuẩn bị cho phép làm nổi bật nhiều hơn những khía cạnh cộng đoàn của bí tích, nhưng cũng giống hình thức thứ nhất trong tác động cao điểm của bí tích, nghĩa là việc xưng thú và xá giải từng cá nhân. Vì thế, theo tính cách thông thường của việc cử hành, nó cũng được kể ngang bằng với hình thức thứ nhất.

Tuy nhiên hình thức thứ ba: Hòa giải nhiều hối nhân với việc xưng thú và xá giải chung – mang một tính cách ngoại lệ. Vì thế, nó không được sử dụng tùy theo sở thích, nhưng nó được quy định bởi một quy luật đặc biệt.

Hình thức thứ nhất cho phép nêu bật những khía cạnh cá nhân và cũng là căn bản – bao gồm trong tiến trình sám hối của hối nhân. Cuộc trao đổi giữa hối nhân và cha giải tội, toàn bộ những yếu tố được dùng (bản văn Kinh Thánh, sự lựa chọn những hình thức đền tội.v.v…) khiến cho việc cử hành bí tích đáp ứng sát hơn với tình trạng cụ thể của hối nhân. Người ta thấy rõ giá trị của các yếu tố này khi nghĩ tới những nguyên do khác nhau thúc đẩy một Kitô hữu tiến tới Bí tích Giải Tội: họ cần được hòa giải bản thân và được tái thâu nhận vào tình thân hữu với Chúa, nhờ lấy lại ân sủng đã mất do tội lỗi; họ được thẩm tra về những tiến bộ thiêng liêng của mình và thỉnh thoảng cần phải thẩm định một cách chính xác ơn gọi của mình; trong nhiều trường hợp khác, họ cần và muốn thoát ra khỏi tình trạng vô cảm siêu nhiên và khủng hoảng tôn giáo. Mặt khác, nhờ tính cách riêng tư của nó, hình thức thứ nhất cho phép liên kết Bí tích Giải Tội với một hành động khác, tuy khác biệt nhưng có liên hệ với các bí tích: tôi muốn nói đến việc linh hướng. Vì chắc chắn rằng hình thức thứ nhất này cho phép diễn tả rõ ràng và quảng bá việc cá nhân quyết định và cam kết dấn thân.

Hình thức thứ hai, qua tính chất cộng đoàn của nó và qua các thức cử hành, làm nổi bật một vài khía cạnh quan trọng: Lời Thiên Chúa được lắng nghe chung thì có một hiệu quả khác hơn là một bài đọc được thực hiện cách riêng tư, và làm nổi bật tính cách Hội Thánh về việc hoán cải và hòa giải hơn. Nó mặc một ý nghĩa riêng biệt trong những mùa khác nhau của năm phụng vụ và liên quan tới các biến cố có tầm quan trọng mục vụ đặc biệt. Ở đây chỉ cần nhắc tới một điểm là: để cử hành hình thức thứ hai cần phải có một số lượng tương xứng các cha giải tội.

Như thế, hiển nhiên là những tiêu chuẩn cho phép dùng một trong hai hình thức cử hành không phải là những lý do tùy cơ hội và chủ quan, nhưng do ý muốn đạt tới thiện ích thiêng liêng của các tín hữu trong sự vâng phục kỷ luật Sám hối của Hội Thánh.

Cũng là một điều tốt khi nhắc lại rằng, để có một định hướng quân bình về mặt thiêng liêng và mục vụ, đặt nặng trong việc dặn dò các tín hữu hãy sử dụng bí tích trong lãnh vực này, cần tiếp tục nhắc lại yếu tố rất quan trọng của bí tích giải tội cũng như sám hối kể cả đối với các tội nhẹ nữa, một điều đã được nảy sinh từ truyền thống đạo lý và lối thực hành cổ xưa.

Hội Thánh biết và dạy rằng: những tội nhẹ cũng được tha thứ bằng những con đường khác. Chẳng hạn như những hành vi hối cải, những công việc bác ái, việc cầu nguyện và những nghi thức sam hối. Tuy vậy, Hội Thánh vẫn không ngừng nhắc lại cho từng người về ích lợi đặc biệt của bí tích này đối với các tội nhẹ. Việc năng lãnh nhận bí tích – như trên thực tế một số tín hữu vẫn thực hành – củng cố ý thức rằng chính các tội nhẹ làm mất lòng Chúa và gây thương tổn cho Hội Thánh là thân thể của Đức Kitô. Đối với các tín hữu, việc cử hành bí tích trở thành một cơ hội và là kích thích tố giúp người Kitô hữu uốn nắn mình nên giống Đức Kitô hơn, và nhạy bén hơn trong việc lắng nghe Chúa Thánh Thần.[194] Đặc biệt cần nhấn mạnh rằng: ân sủng riêng của bí tích có hiệu năng chữa trị và góp phần diệt tận căn những mối tội đầu.

Việc cử hành bí tích cách chu đáo với sự quan tâm đặc biệt đến việc đọc,[195] nhắc nhở và giải thích Lời Chúa cho các tín hữu hoặc cùng với họ khi có thể, sẽ góp phần làm sống lại việc thực hành bí tích này, tránh cho khỏi rơi vào hình thức chiếu lệ qua lần. Hối nhân sẽ được giúp để tái khám phá rằng: họ đang sống một biến cố cứu rỗi, có khả năng gợi lên một cuộc sống mới và mang lại bình an đích thực cho tâm hồn. Việc cử hành chu đáo cũng đưa các Giáo Hội tại mỗi địa phương đến việc thu xếp thời giờ nhất định dành cho phụng vụ bí tích này và giáo dục các Kitô hữu, đặc biệt là thiếu nhi và thanh niên, tập thói quen tuân theo giờ giấc ấn định, đừng kể những trường hợp cần thiết, lúc ấy cha sở phải luôn tỏ ra sẵn sàng tiếp đón bất cứ ai đến gặp Ngài.

Cử hành bí tích với việc xá giải chung

33. Những quy luật mới của phụng vụ gần đây nhất bộ giáo luật đã xác định những điều kiện hợp pháp khi sử dụng “nghi thức hòa giải nhiều hối nhân với việc xưng thú và xá giải chung”.[196] Những quy tắc và nghị quyết về điểm này, hoa quả của việc cân nhắc kỹ lưỡng và quân bình, phải được tiếp nhận và thực thi, tránh tất cả những giải thích võ đoán.

Chúng ta nên suy nghĩ kỹ về những lý do đưa đến việc truyền buộc cử hành Bí tích Sám Hối theo hai hình thức đầu và cho phép sử dụng hình thức thứ ba. Trước hết là do ý muốn của Chúa Giêsu, được truyền lại qua đạo lý của Hội Thánh và lý do tuân phục các luật lệ của Hội Thánh. Thượng Hội Đồng Giám Mục trong một đề nghị đã nhắc lại giáo huấn bất biến của Hội Thánh, phát xuất từ truyền thống cổ xưa và được đúc kết thành luật lệ sám hối thời cổ điển: việc xưng thú riêng tư và tất cả tội lỗi cùng với lời xá giải cá nhân là đường lối duy nhất thông thường mà người Kitô hữu mắc tội trọng được hòa giải với Thiên Chúa và với Hội Thánh. Từ việc xác nhận giáo huấn của Hội Thánh như thế, cho thấy rõ ràng là tất cả các tội nặng cùng với các hoàn cảnh của nó phải được xưng thú riêng tư.

Tiếp theo là một lý do mục vụ. Đành rằng khi hội đủ các điều kiện mà giáo luật ấn định, người ta có thể cử hành hình thức thư ba, nhưng không được phép quên rằng: hình thức này không thể trở thành một hình thức thông thường và nó chỉ có thể được sử dụng trong những trường hợp thật quan trọng, như đã được nhắc lại trong Thượng Hội Đồng. Tuy vậy, vẫn phải giữ sự đòi buộc xưng tội cá nhân trước khi lãnh nhận một ơn xá giải chung một lần nữa. Do đó, chỉ có giám mục có thẩm quyền xét xem những điều kiện được thiết lập trong bộ giáo luật về việc cử hành hình thức thứ ba có được thực hiện hay không trong khung cảnh của giáo phận. Các giám mục sẽ phán đoán với nghĩa vụ nặng theo lương tâm trong niềm kính trọng triệt để các luật và thực hành của Hội Thánh, và lưu ý đến những tiêu chuẩn, những hướng dẫn đã thỏa thuận với các thành phần của hội đồng giám mục dựa trên những tiêu chuẩn đạo lý và mục vụ được trình bày ở trên. Đồng thời cũng thuộc về mối quan tâm mục vụ được ấn định va bảo đảm những điều kiện nhằm giúp cho việc cử hành hình thức thứ ba có khả năng phát sinh những thành quả thiêng liêng đã được dự kiến. Việc sử dụng cách ngoại lệ hình thức cử hành thứ ba không bao giờ được dẫn đến sự khinh thường hay loại trừ các hình thức thông thường, cũng không được xem như tương tự với hai hình thức trên. Thực vậy, các vị chủ chăn và các tín hữu không có quyền tự do lựa chọn hình thức nào mà mình nghĩ là tiện lợi hơn cả. Các vị chủ chăn có bổn phận phải tạo cho các tín hữu mọi sự thuận tiện để họ xưng tội toàn vẹn và cá nhân. Đối với Kitô hữu, nó không những là một bổn phận nhưng còn là một quyền bất khả xâm phạm và bất khả chuyển nhượng, đó là chưa nói đến một nhu cầu thiêng liêng của họ nữa. Đối với các tín hữu việc thực thi hình thức thư ba bao gồm nghĩa vụ tuân theo tất cả những luật lệ qui định trong việc sử dụng hình thức này, trong đó có bổn phận không được nhận một ơn sám hối chung trước khi xưng tội bình thường, toàn vẹn và cá nhân càng sớm càng tốt. Trước khi ban ơn xá giải chung, linh mục phải thông báo về quy tắc này và về nghĩa vụ phải tuân giữ nó.

Qua việc nhắc lại đạo lý và luật lệ của Hội Thánh, tôi muốn gợi lên nơi mỗi người ý thức trách nhiệm nhạy bén hướng dẫn chúng ta khi tiếp cận đến những sự thánh thiêng như là các bí tích mà chúng ta không có quyền sở hữu, hoặc như các lương tâm mà chúng ta không được quyền để rơi vào tình trạng lưỡng lự hoang mang. Tôi xin lập lại: các bí tích và lương tâm là những điều thánh thiêng, cả hai đòi hỏi chúng ta phải phục vụ trong chân lý.

Đó là lý do của những luật pháp trong Hội Thánh.

Vài trường hợp tế nhị khác

34. Tới đây, tôi thấy có bổn phận phải đề cập đến dù một cách vắn tắt đến một trường hợp mục vụ mà Thượng Hội Đồng đã muốn bàn luận trong khuôn khổ có thể được và đã được nhắc đến trong một kiến nghị. Tôi muốn nói đến vài trường hợp hiện nay không phải hiếm, liên hệ tới các Kitô hữu ước muốn thực hành các bí tích nhưng họ bị ngăn cản vì những điều kiện cá nhân của họ không hòa hợp với những điều mà họ đã cam kết trước mặt Chúa và Hội Thánh. Đây là những trường hợp xem ra khá tế nhị và hầu như bế tắc.

Tại Thượng Hội Đồng có nhiều phát biểu bày tỏ ý kiến chung của các nghị phụ, nhấn mạnh đến sự hiện hữu và hỗ tương của hai nguyên tắc cũng quan trọng như nhau trong những trường hợp này. Nguyên tắc thứ nhất là cảm thông và thương xót. Theo đó, Hội Thánh như là kẻ tiếp tục sự hiện diện và sự nghiệp của Chúa Kitô trong lịch sử, Đấng không muốn cho tội nhân phải chết nhưng được sống,[197] Đấng rất ý tứ kẻo bẻ gãy cây lau, lung lay hay giật tắt đám tro leo lét.[198] Hội Thánh phải luôn luôn tìm hết mọi cách có thể để dẫn đường cho con người trở về với Thiên Chúa và giao hòa với Người. Nguyên tắc thứ hai là sự thật và nhất thống, theo đó, Hội Thánh không thể nào gọi điều tốt là xấu, và gọi điều xấu là tốt. Dựa trên hai nguyên tắc bổ xung ấy, Hội Thánh chỉ có thể mời các con cái mình đang ở trong tình trạng đau khổ này hãy đến với lòng thương xót của Chúa bằng những con đường khác, nhưng không phải là qua các Bí tích Sám Hối và Thánh Thể, cho đến khi họ đạt được những sự chuẩn bị mà luật đòi hòi.

Với vấn đề này, chắc chắn đã gây ra biết bao thổn thức phiền não cho tâm hồn mục tử của chúng ta. Trong tông huấn Familiaris Consortio, tôi nhận thấy có trách vụ phải nói những lời lẽ thẳng thắn về những cặp ly dị tái hôn[199] hoặc những Kitô hữu ăn ở với nhau cách bất hợp pháp.

Đồng thời, cùng với Thượng Hội Đồng tôi cảm thấy mình có bổn phận khẩn nài các giáo đoàn, đặc biệt là các Giám mục, hãy hết lòng giúp đỡ các linh mục đã thiếu sót trong việc thi hành chức thánh và đang ở trong tình trạng bất hợp pháp. Cần làm sao để không ai trong những anh em này cảm thấy bị Hội Thánh bỏ rơi.

Đối với tất cả những người hiện nay không ở trong những điều kiện khách quan cần có để lãnh Bí tích Sám Hối, những sự biểu hiện lòng từ mẫu của Hội Thánh, sự nâng đỡ nhờ những hành vi đạo đức ngoài những hành vi bí tích, sự nỗ lực chân thành duy trì mối tương giao với Thiên Chúa, sự tham dự thánh lễ, việc năng lặp lại các kinh Tin Cậy Mến và ăn năn tội cách trọn khi có thể, những điều đó sẽ mở ra con đường đưa tới một sự hòa giải trọn vẹn vào giờ mà chỉ duy Thiên Chúa biết.

***

KẾT LUẬN

BÀY TỎ NIỀM HY VỌNG

 

35. Đến lúc kết thúc văn kiện này, tôi cảm thấy nơi tôi vang dội và mong muốn nhắc lại với tất cả anh chị em lời khuyên của vị Giám mục Rôma tiên khởi, trong giai đoạn nguy kịch của buổi đầu Hội Thánh, ngài muốn ngỏ “cùng những dân ngoại kiều ly tán… đã được tuyển chọn theo thánh ý Thiên Chúa Cha: tất cả hãy đồng tâm nhất trí, với lòng trắc ẩn, tình huynh đệ, con tim rung cảm và với tinh thần khiêm nhường”. “Người đã răn dạy sống đồng tâm nhất trí…”;[200] nhưng liền sau đó, Người lại nhắc nhở cần phải tránh xa những tội trái nghịch với sự hiệp nhất và với bình an: “Đừng lấy ác báo ác, nguyền rủa đối lại nguyền rủa. Trái lại hãy chúc phúc, vì nhờ đó mà anh em đã được kêu gọi để thừa hưởng phúc lành”. Rồi ngài kết luận bằng một ngôn từ đầy khuyến khích và hy vọng: “Ai làm hại anh em được nếu anh em nhiệt thành làm việc thiện?”.[201]

Vào một giờ phút lịch sử không kém phần nguy kịch, tôi mạnh dạn tiếp nối lời khuyên nhủ của tôi với lời vị tông đồ trưởng này, người đầu tiên đảm nhận ngai tòa Rôma, như chứng nhân của Đức Kitô và mục tử của Hội Thánh và là “Đấng lãnh đạo theo lòng bác ái” trước mặt toàn thế giới. Trong niềm hiệp thông với hàng giám mục kế nhiệm các tông đồ, đồng thời với sự nâng đỡ nhờ cuộc suy tư tập đoàn mà nhiều vị giám mục nhóm họp ở Thượng Hội Đồng đã dành cho những đề tài và những vấn đề về hòa giải, tôi muốn ngỏ lời với anh chị em trong chính tinh thần của ngư phủ Galilê khi ngài nói với các anh chị em của chúng ta trong đức tin, tuy xa cách về thời gian nhưng lại rất gần qua tâm hồn: “Hãy đồng tâm nhất trí… Đừng lấy ác báo ác… Hãy nhiệt thành làm việc thiện” [202]và ngài còn thêm: “thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý Thiên Chúa còn hơn là vì làm điều ác”.[203]

Tông huấn này đã được thấm nhiễm bởi những lời mà thánh Phêrô đã nghe từ chính Đức Giêsu và bởi những ý tưởng hợp thành Tin Mừng: Giới răn mới của tình tương thân tương ái; ước muốn mãnh liệt và sự dấn thân cổ võ cho sự hiệp nhất; các mối phúc của lòng thương xót và kiên nhẫn khi bị bách hại vì công chính; lấy điều lành đáp lại điều dữ; việc tha thứ cho những lăng nhục; yêu thương kẻ thù. Những lời và những ý tưởng này cấu thành nên tổng hợp độc đáo và siêu việt của luân lý Kitô Giáo, hay đúng hơn và thâm sâu hơn, của linh đạo của giao ước mới trong Đức Giêsu Kitô.

Tôi ký thác nơi Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, tôi tín thác nơi Con Thiên Chúa, Đấng đã trở nên con người để là Đấng cứu độ và hòa giải của chúng ta; tôi tín thác nơi Chúa Thánh Thần, nguồn mạch hiệp nhất và bình an, và tôi ký thác nơi Ba Ngôi lời kêu gọi sám hối và hòa giải, với tư cách là một người cha và người mục tử. Ước mong sao Ba Ngôi cực thánh và đáng kính tôn làm nảy nở trong Hội Thánh và trong thế giới hạt giống nhỏ bé mà lúc này tôi đã gieo xuống mảnh đất màu mỡ của biết bao tâm hồn con người.

Để sớm thu hoạch được hoa trái dồi dào, tôi mời gọi tất cả anh chị em hãy cùng tôi hướng về trái tim Đức Kitô, dấu chứng hùng hồn của lòng thương xót Thiên Chúa, “của lễ đền tội chúng ta”, “niềm bình an và hòa giải của chúng ta”,[204] hầu kín múc nơi đó sức mạnh nội tâm dẫn đưa chúng ta ra khỏi tội lỗi và qui hướng chúng ta về Thiên Chúa, đồng thời tìm thấy nơi đó lòng nhân ái của Thiên Chúa như lời đáp trả thân tình cho hối nhân.

Tôi cũng mời gọi anh chi em cùng tôi hướng về trái tim vẹn sạch Đức Maria, thân mẫu Đức Giêsu, nơi ngài “sự hòa giải của Thiên Chúa với nhân loại đã được thực hiện… công trình hòa giải đã được hoàn tất, bởi vì Mẹ đã tiếp nhận từ Thiên Chúa ân sủng sung mãn nhờ hiến lễ cứu chuộc của Đức Kitô”.[205] Quả thật Mẹ Maria, bởi là Mẹ Thiên Chúa được kết nạp với Thiên Chúa trong công cuộc hòa giải.[206]

Tiếng “xin vâng” của mẹ là đánh dấu khai mạc “thời viên mãn” mà sự hòa giải của con người với Thiên Chúa qua Đức Kitô đã được thực hiện. Chính trong lòng bàn tay của mẹ, chính trong trái tim vẹn sạch đó – nơi chúng ta hằng ký thác toàn thể nhân loại bị tội lỗi vây bủa và bị xâu xé bởi biết bao căng thẳng và xung đột – tôi lặp lại đặc biệt ý hướng này: ước mong nhờ sự bầu cử của Mẹ, nhân loại khám phá và bước đi trên con đường sám hối, con đường độc nhất có thể dẫn tới sự hòa giải toàn vẹn.

Hết tất cả anh chị em, những người mà trong tinh thần hiệp thông Hội Thánh,[207] trong sự vâng lời và trong đức tin sẽ mau mắn đón nhận những chỉ dẫn, những gợi ý và những hướng dẫn được chứa đựng trong văn kiện này, trong nỗ lực rút ra những thực hành mục vụ sống động, tôi rất sẵn lòng ban phúc lành Tòa thánh của tôi.

 

Làm tại Rôma, gần đền Thánh Phêrô,

ngày 02 tháng 12 tháng 1984, Chúa nhật I Mùa vọng,

năm thứ 7 triều đại Giáo Hoàng của Tôi.

+ JOANNES PAULUS II

Giáo Hoàng

 

 

(Dịch theo Bản Anh văn: On Reconciliation and Penance in the Mission of the Church today)

 

 

 


[1]Mk 1:15

[2]Cf. Pope John Paul II, opening speech at the Third General Conference of the Latin American Episcopate: AAS 71 (1979), 198-204.

[3]The idea of a “shattered world” is seen in the works of numerous contemporary writers, both Christian and non-Christian, witnesses of man”s condition in this tormented period of history.

[4]Cf. Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 3, 43 and 44; Decree on the Ministry and Life of Priests Presbyterorum Ordinis, 12; Pope Paul VI, encyclical Ecclesiam Suam: AAS 56 (1964), 609-659.

[5]At the very beginning of the church, the apostle Paul wrote with words of fire about division in the body of the church, in the famous passage 1 Cor 1:10-16. Years later, St. Clement of Rome was also to write to the Corinthians, to condemn the wounds inside that community: Cf. Letter to the Corinthians, III-VI; LVII: Patres Apostolici, ed. Funk, I, 103-109;171-173. We know that from the earliest fathers onward Christ’s seamless robe, which the soldiers did not divide, became an image of the church’s unity: Cf. St. Cyprian, De EcclesiaeCatholicae Unitate, 7: CCL 3/1, 254f; St. Augustine, In Ioannis Evangelium Tractatus, 118, 4: CCL 36, 656f; St. Bede theVenerable, In Marci Evangelium Expositio, IV, 15: CCL 120, 630i In Lucae Evangelium Expositio, VI, 23: CCL 120, 403; In S. Ioannis Evangelium Expositio, 19: PL 92, 911f.

[6]The encyclical Pacem in Terris, John XXIII’s spiritual testament, is often considered a “social document” and even a “political message,” and in fact it is if these terms are understood in their broadest sense. As is evident more than twenty years after its publication, the document is in fact more than a strategy for the peaceful coexistence of people and nations; it is a pressing reminder of the higher values without which peace on earth becomes a mere dream. One of these values is precisely that of reconciliation among people, and John XXIII often referred to this subject. With regard to Paul VI, it will sufflce to recall that in calling the church and the world to celebrate the Holy Year of 1975, he wished “renewal and reconciliation” to be the central idea of that important event. Nor can one forget the catechesis which he devoted to this key theme, also in explaining the jubilee itself.

[7]As I wrote in the bull of indiction of the Jubilee Year of the Redemption: “This special time, when all Christians are called upon to realize more profoundly their vocation to reconciliation with the Father in the Son, will only reach its full achievement if it leads to a fresh commitment by each and every person to the service of reconciliation, not only among all the disciples of Christ but also among all men and women”: bull Aperite Portas Redemptori, 3: AAS 75 (1983), 93.

[8]The theme of the synod was, more precisely, “Reconciliation and Penance in the Mission of the Church”.

[9]Cf. Mt 4:17; Mk 1:15.

[10]Cf. Lk 3:8.

[11]Cf. Mt 16:24-26; Mk 8:34-36; Lk 9:23-25.

[12]Eph 4:23f.

[13]Cf. 1Cor 3:1-20.

[14]Cf. Col 3:1f.

[15]“We beseech you on behalf of Christ, be reconciled to God”: 2 Cor 5:20.

[16]“We also rejoice in God through our Lord Jesus Christ, through whom we have now received our reconciliation”: Rom 5:11; Cf. Col 1:20.

[17]The Second Vatican Council noted: “The dichotomy affecting the modern world is, in fact, a symptom of the deeper dichotomy that is in man himself. He is the meeting point of many conflicting forces. In his condition as a created being he is subject to a thousand shortcomings, but feels untrammeled in his inclinations and destined for a higher form of life. Torn by a welter of anxieties he is compelled to choose between them and repudiate some among them. Worse still, feeble and sinful as he is, he often does the very thing he hates and does not do what he wants (Cf. Rom 7:14ff). And so he feels himself divided, and the result is a host of discords in social life”. Gaudium et Spes, 10.

[18]Cf. Col 1:19f.

[19]Cf. Pope John Paul II, encyclical Dives in Misencordia, 5-6: AAS 72 (1980), 1193-1199.

[20]Cf. Lk 15:11-32.

[21]In the Old Testament, the Book of Jonah is a wonderful anticipation and figure of this aspect of the parable. Jonah’s sin is that he was “displeased…exceedingly and he was angry” because God is “a gracious God and merciful, slow to anger, and abounding in steadfast love, and repentest of evil. His sin is also that of pitying a castor oil plant “which came into being in a night and perished in a night” and not understanding that the Lord pities Niniveh. Cf. Jon 4.

[22]Cf. Rom 5:10f.; Cf. Col 1:20-22.

[23]Cf. 2 Cor 5:18, 20.

[24]Jn 11:52.

[25]Cf. Col 1:20.

[26]Cf. Sir 44:17.

[27]Eph 2:14.

[28]Eucharistic Prayer 3.

[29]Cf. Mt 5:23f.

[30]Ibid., 27:46; Mk 15:34, Ps 22(21):2.

[31]Cf. Eph 2:14-16.

[32]St. Leo the Great, Tractatus 63 (De Passione Domini, 12), 6: CCL 138/A, 386.

[33]Cf. 2 Cor 5:18f.

[34]Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 1.

[35]“The church is also by her nature always reconciling, handing on to others the gift that she herself has received, the gift of having been forgiven and made one with God”: Pope John Paul II, Homily at Liverpool, May 30, 1982: Insegnamenti, V, 2 (1982), 1992.

[36]Cf. Acts 15:2-33.

[37]Cf. Apostolic exhortation Evangelii Nuntiandi, 13: AAS 68 (1976), 12f.

[38]Cf. Pope John Paul II, apostolic exhortation Catechesi Tradendae, 24: AAS 71 (1979), 1297.

[39]Cf. Pope Paul VI, encyclical, Ecclesiam Suam: ASS 56 (1964), 609-659.

[40]Cf. 2 Cor 5:20.

[41]Cf. 1 Jn 4:8.

[42]Cf. Wis 11:23-26; Gn 1:27; Ps 8:4-8.

[43]Cf. Wis 2:24.

[44]Cf. Gn 3:12f; 4:1-16.

[45]Cf. Eph 2:4.

[46]Cf. Ibid., 1:10.

[47]Jn 13:34.

[48]Cf. Second Vatican Council Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 38.

[49]Cf. Mk 1:15.

[50]Cf. 2 Cor 5:20.

[51]Cf. Eph 2:14-16.

[52]Cf. St. Augustine, De Civitate Dei, XXII 17: CCL 48, 835f; St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, III pars, q. 64, art. 2 ad tertium.

[53]Cf. Pope Paul VI, Allocution at the Closing of the Third Session of the Second Vatican Ecumenical Council, November 21, 1964: ASS 56 (1964), 1015-1018.

[54]Second Vatican Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 39.

[55]Ibid., Decree on Ecumenism Unitatis Redintegratio, 4.

[56]1Jn 1:8-9.

[57]1Jn 3:20; Cf. my reference to this passage in my address at the general audience of March 14, 1984: Insegnamenti, VII, 1 (1984) 683.

[58]Cf. 2 Sm 11-12.

[59]Cf. Ps 50(51):3-4.

[60]Cf. Lk 15:18, 21.

[61]Lettere, Florence 1970, I, pp.3f; II Dialogo della Divina Providenza, Rome 1980, passim.

[62]Cf. Rom 3:23-26.

[63]Cf. Eph 1:18.

[64]Cf. Gn 11:1-9.

[65]Cf. Ps 127 (126):1.

[66]Cf. 2 1 hes 2:7.

[67]Cf. Rom 7:7-25; Eph 2:2; 6:12.

[68]The terminology used in the Septuagint Greek translation and in the New Testament for sin is significant. The most common term for sin is hamartia, with its various derivatives. It expresses the concept of offending more or less gravely against a norm or law, or against a person or even a divinity. But sin is also called adikia, and the concept here is of acting unjustly. The Bible also speaks of parabasis (transgression), asebeis (impiety) and other concepts. They all convey the image of sin.

[69]Gn 3:5: “And you will be like God, knowing good and evil”; Cf. also v. 22.

[70]Cf. Ibid., 3:12.

[71]Cf. Ibid., 4:2-16.

[72]The expression from the French writer Elizabeth Leseur, Journal et Pensees de Chaque Jour, Paris 1918, p. 31.

[73]Cf. Mt 22:39; Mk 12:31; Lk 10:27f.

[74]Cf. Sacred Congregation for the Doctrine of the Faith: Instruction on Certain Aspects of the Theology of Liberation Libertatis Nuntius; August 6, 1984 IV, 14-15: ASS 76 (1984), 885f.

[75]Cf. Nm 15:30.

[76]Cf. Lv 18:26-30.

[77]Cf. Ibid., 19:4.

[78]Cf. Ibid., 20:1-7.

[79]Cf. Ex 21:17.

[80]Cf. Lv 4:2ff; 5:1ff; Nm 15:22-29.

[81]Cf. Mt 5:28; 6:23; 12:31f; 15:19; Mk 3:28-30; Rom 1:29-31; 13:13; Jas 4.

[82]Cf. Mt 5:17; 15:1-10; Mk 10:19; Lk 18:20.

[83]Cf. 1 Jn 5:16f.

[84]Cf. 1 Jn 17:3.

[85]Cf. 1 Jn 2:22.

[86]Cf. 1 Jn 5:21.

[87]Cf. 1 Jn 5:16-21.

[88]Cf. Mt 12:31f.

[89]Cf. St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae II-II, q. 14, aa. 1-8.

[90]Cf. 1 Jn 3:20.

[91]St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, q. 14, a. 3, ad primum.

[92]Cf. Phil 2:12.

[93]Cf. St. Augustine, De Spintu et Littera, XXVIII: CSEL 60, 202f; Enarrat. in ps. 39, 22: CCL 38, 441; Enchiridion ad Laurentium de Fide et Spe et Cantate, XIX, 71: CCL 46, 88; In Ioannis Evangelium Tractatus, 12, 3,14: CCL 36, 129.

[94]St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I-II, q. 72, a. 5.

[95]Cf. Council of Trent, Session VI, De Iustificatione, Chap. 2 and Canons 23, 25, 27: Conciliorum Oecumenicorum Decreta, Bologna 1973, 671 and 680f (DS 1573, 1575,1577).

[96]Cf. Council of Trent, Session IV De Iustificatione, Chapt. 15: Conciliorum Oecumenicorum Decreta, ed. dt. 677 (DS 1544).

[97]Pope John Paul II, Angelus Message of March 14, 1982: Insegnamenti V, 1 (1982),861.

[98]Gaudium et Spes, 16.

[99]Pope John Paul II, Angelus Message of March 14, 1982: Insegnamenti V, 1 (1982),860.

[100]Pope Pius XII, Radio Message to the U.S. National Catechetical Congress in Boston (October 26,1946): Discorsi e Radiomessaggi VIII (1946) 288.

[101]Cf. Pope John Paul II, encyclical Redemptor Hominis, 15: AAS 71 (1979), 286-289.

[102]Cf. Gaudium et Spes, 3; Cf. 1 Jn 3:9.

[103]Pope John Paul II, Address to the Bishops of the Eastern Region of France (April 1,1982),2: Insegnamenti V, 1 (1982), 1081.

[104]1Tm 3:15f.

[105]The text presents a certain difficulty, since the relative pronoun which opens the literal translation does not agree with the neuter mysterion. Some late manuscripts have adjusted the text in order to correct the grammar. But it was Paul’s intention merely to put next to what he had written a venerable text which for him was fully explanatory.

[106]The early Christian community expresses its faith in the crucified and glorified Christ, whom the angels adore and who is the Lord. But the striking element of this message remains the phrase “manifested in the flesh”: that the eternal Son of God became man is the “great mystery”.

[107]1 Jn 5:18f.

[108]Ibid., 3:9.

[109]1Tm 3:15.

[110]1Jn 1:8.

[111]Ibid., 5:19.

[112]Cf. Ps. 51(50):5.

[113]Cf. Eph. 2:4.

[114]Cf. Pope John Paul II, Dives in Misericordia, 8; 15: AAS 72 (1980), 1203-1207; 1231.

[115]2Sm 12:13.

[116]Ps 51(50):3.

[117]Ibid., 51(50):7.

[118]2Sm 12:13.

[119]Cf. 2 Cor 5:18.

[120]Cf. 2 Cor 5:19.

[121]Gaudium et Spes, 92.

[122]Decree on the Pastoral Offlce of Bishops in the Church Christus Dominus, 13; Cf. Declaration on Christian Education Gravissimum Educationis, 8; Decree on the Church’s Missionary Activity Ad Gentes, 11-12.

[123]Cf. Pope Paul VI, Ecclesiam Suam, III: AAS 56 (1964), 639-659.

[124]Lumen Gentium, 1, 9,13.

[125]Pope Paul VI, apostolic exhortation Paterna Cum Benevolentia: AAS 67 (1975), 5-23.

[126]Cf. Unitatis Redintegratio, 7-8.

[127]Ibid., 4.

[128]St. Augustine, Sermo 96, 7: PL 38, 588.

[129]Pope John Paul II, Speech to Members of the Diplomatic Corps Accredited to the Holy See January 15, 1983), 4, 6, 1 1: AAS 75 (1983), 376, 378f, 381.

[130]Pope John Paul II, Homily at the Mass for the 16th World Day of Peace (January 1, 1983), 6: Insegnamenti VI, 1 (1983), 7.

[131]Pope Paul VI, apostolic exhortation Evangelii Nuntiandi, 70: AAS 68 (1976), 59f.

[132]1Tm 3:15.

[133]Cf. Mt 5:23f.

[134]Cf. Ibid., 5:38-40.

[135]Cf. Ibid., 6:12.

[136]Cf. Ibid., 5:43ff.

[137]Cf. Ibid., 18:21f.

[138]Cf. Mk 1:14; Mt 3:2; 4:17; Lk 3:8.

[139]Cf. Lk 15:17.

[140]Ibid., 17:3f.

[141]Cf. Mt 3:2; Mk 1:2-6; Lk 3:1-6.

[142]Cf. Gaudium et Spes, n. 8, 16, 19, 26, 41,48.

[143]Cf. Declaration on Religious Liberty Dignitatis Humanae, n. 2, 3, 4.

[144]Cf. among many others the addresses at the general audiences of March 28,1973: Insegnamenti XI (1973), 294ff; August 8,1973: Ibid., 772ff, November 7, 1973: Ibid., 1054ff; March 13, 1974: Insegnamenti’ XII (1974), 230ff; May 8, 1974: Ibid., 402ff; February 12, 1975: Insegnamenti XIII (1975), Ibid., 290ff; July 13, 1977: Insegnamenti XV (1977), 710ff.

[145]Cf. Pope John Paul II, Angelus Message of March 14, 1982: Insegnamenti V, 1 (1982), 860f.

[146]Cf. Pope John Paul II, General Audience Address of August 17, 1983, 1-3: Insegnamenti VI, 2 (1983), 256f.

[147]Heb 4:15.

[148]Cf. Mt 4:1-11; Mk 1:12f; Lk 4:1-13.

[149]Cf. 1Cor 10:13.

[150]Cf. Mt 6:13; Lk 11:4.

[151]1Pt 3:21.

[152]Cf. Rom 6:3f; Col 2:12.

[153]Cf. Mt 3:11; Lk 3:16; Jn 1:33; Acts 1:5; 11:16.

[154]Cf. Mt 3:15.

[155]St. Augustine, In Ioannis Evangelium Tractatus, 26, 13: CCL 36, 266.

[156]Sacred Congregation of Rites, Instruction on the Worship of the Eucharistic Mystery Eucharisticum Mysterium (May 25, 1967) 35 AAS 59 (1967), 560f.

[157]Ps 78(77): 38f.

[158]Cf. Jn 1:29; Is 53:7-12.

[159]Cf. Jn 5:27.

[160]Cf. Mt 9:2-7; Lk 5.-18-25; 7:47-49; Mk 2:3-12.

[161]Cf. Jn 3:17.

[162]Jn 20:22; Mt 18:18; Cf. also, as regards Peter, Mt 16:19. Blessed Isaac of Stella in one of his talks emphasizes the full communion of Christ with the church in the forgiveness of sins: “The church can forgive nothing without Christ and Christ does not wish to forgive anything without the church. The church can forgive nothing except to a penitent, that is to say, to a person whom Christ has touched with his grace: Christ does not wish to consider anything forgiven in a person who despises the church”: Sermo 11 (In Dominica II Post Epiphaniam, 1): PL 194, 1729.

[163]Cf. Mt 12:49f; Mk 3:33f; Lk 8:20f; Rom 8:29: “the firstborn among many brethren”.

[164]Cf. Heb 2:17; 4:15.

[165]Cf. Mt 18:12f; Lk 15:4-6.

[166]Cf. Lk 5:31f.

[167]Cf. Mt 22:16.

[168]Cf. Acts 10:42.

[169]Cf. Jn 8:16.

[170]Cf. the address to the penitentiaries of the Roman patriarchal basilicas and to the priest confessors at the closing of the Jubilee of the Redemption auly 9, 1984): L”Osservatore Romano, July 9-10, 1984.

[171]Jn 8:11.

[172]Cf. Ti 3:4.

[173]Cf. Council of Trent, Session XIV De Sacramento Poenitentiae, Chap. 1 and Canon 1: Conciliorum Oecumenicorum Decreta, 703f, 711 (DS 1668-1670,1701).

[174]Lumen Gentium, 11.

[175]Cf. Council of Trent, Session XIV, De Sacramento Poenitentiae, Chap. l and Canon 1: Conciliorum Oecumenicorum Decreta, ed. cit., 703f, 711 (DS 1668-1670, 1701).

[176]Cf. Constitution on the Sacred Liturgy Suaosanctum Concilium, 72.

[177]Cf. Rituale Romanum ex Decreto Sacrosancti Conalii Oecumenici Vaticani II Instauratum, Auctoritate Pauli Vl Promulgatum: Ordo Paenitenttae, Vatican Polyglot Press, 1974.

[178]The Council of Trent uses the attenuated expression “ad instar actus iudicialis” (Session XIV De Sacramento Poenitentiae, Chap. 6: ConciliorumOecumenicorum Decreta, ed. dt., 707 (DS 1685), in order to emphasize the difference from human tribunals. The new Rite of Penance makes reference to this function, Nos. 6b and 10a.

[179]Cf Lk 5:31f: “Those who are well have no need of a physician, but those who are sick” concluding: “I have…come to call… sinners to repentance”; Lk 9:2: “And he sent them out to preach the kingdom of God and to heal.” The image of Christ the physician takes on new and striking elements if we compare it with the figure of the Servant of Yahweh, of whom the Book of Isaiah prophesies that “he has borne our griefs and carried our sorrows” and that with his stripes we are healed” (Is 53:4f).

[180]St. Augustine, Sermo 82, 8: PL 38, 511.

[181]Ibid., Sermo, 352, 3, 8:9: PL 39, 1558f.

[182]Cf. Ordo Paenitentiae, 6c.

[183]Even the pagans recognized the existence of “divine” moral laws which have “always” existed and which are written in the depths of the human heart, cf Sophocles (Antigone, w. 450-460) ant Aristotle (Rhetor., Book I, Chap.15, 1375 a-b).

[184]On the role of conscience cf what I said at the general audience of March 14, 1984, 3: Insegnamenti VII, 1 (1984), 683.

[185]Cf. Council of Trent, Session XIV De Sacramento Poenitentiae, Chap.4 De Contritione: Conciliorum Oecumenicorum Decreta, ed. cit., 705 (DS 1676-1677). Of course, in order to approach the sacrament of penance it is sufficient to have attrition, or imperfect repentance, due more to fear than to love. But in the sphere of the sacrament, the penitent, under the action of the grace that he receives, “ex attrito fit conmtus,” since penance really operates in the person who is welldisposed to conversion in love: cf Council of Trent, ibid., ed. cit., 705 (DS 1678).

[186]Ordo Paenitentiae, 6c.

[187]Cf. Ps 51(50): 12.

[188]I had occasion to speak of these fundamental aspects of penance at the general audiences of May 19, 1982: Insegnamenti V, 2 (1982), 1758ff; February 28, 1979: Insegnamenti II (1979), 475-478; March 21, 1984: Insegnamenti VII, 1 (1984) 720-722. See also the norms of the Code of Canon Law concerning the place for administering the sacrament and concerning confessionals (Canon 964, 2-3)

[189]I dealt with this subject concisely at the general audience of March 7, 1984: Insegnamenti VII, 1 (1984), 631-633.

[190]Cf. Gn 4:7, 15.

[191]Cf. 2Sm 12.

[192]Cf. Lk 15:17-21.

[193]Cf. Presbyterorum Ordinis, 18.

[194]Ordo Paenitentiae, 7b.

[195]Cf. Ibid., 17.

[196]Canons 961-963.

[197]Cf. Ez 18:23.

[198]Cf. Is 42:3; Mt 12:20.

[199]Cf. Familiaris Consortio, 84: AAS 74 (1982), 184-186.

[200]Cf. 1 Pt 1:1f; 3:8.

[201]Ibid., 3:9, 13.

[202]Ibid., 3:8, 9, 13.

[203]Ibid., 3:17.

[204]Litany of the Sacred Heart, cf 1 Jn 2:2; Eph 2:14; Rom 3:25; 5:11.

[205]Pope John Paul II, General Audience Address of December 7, 1983, No. 2: Insegnamenti, VI, 2 (1983), 1264.

[206]Ibid., General Audience Address of January 4, 1984:Insegnamenti, VII, 1 (1984), 16-18.

[207]Cf. Rom 1:5; 16:26.