TÔNG ĐỒ: ĐỜI SỐNG, HOẠT ĐỘNG

0
4643

Bình Hòa 

Trong các văn kiện Giáo hội, chúng ta thường gặp các thuật ngữ: kế vị các tông đồ, hoạt động tông đồ, nếp sống tông đồ? Những từ ngữ này có ý nghĩa gì?

I. Tông đồ

Thường các tông đồ được hiểu là những môn đệ được Chúa Giêsu tuyển lựa. Ý tưởng này khá rõ khi phân tích từ ngữ Hán việt “tông đồ”, trong đó “đồ” có nghĩa là học trò, người theo học (tựa như khi nói: đồ đệ, môn đồ). Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng “tông đồ” được dùng để dịch tiếng “apostolus” ở trong tiếng La-tinh, hoặc nói chính xác hơn, từ nguyên gốc Hy-lạp apostolos. Tự nó, từ này có nghĩa là: người được cử đi, phái đi làm chuyện gì đó.

Trong Tân ước, ta thấy từ này có lúc được dùng theo nghĩa rộng, áp dụng cho những ai được phái đi (thí dụ như ở Ga 13,16), có lúc được coi như một đoàn sủng được ban cho Giáo hội (chẳng hạn như trong thư 1Cr 12,28), có lúc lại áp dụng theo nghĩa hẹp cho nhóm Mười Hai, chẳng hạn như Lc (6,13). Lịch phụng vụ kính 14 thánh tông đồ, nghĩa là cộng thêm thánh Phaolô và thánh Barnabê. Dù sao, thông thường dựa theo từ ngữ tiếng Hy-lạp, các tông đồ được hiểu là những người được Chúa Kitô Phục sinh sai đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân, như chúng ta đọc thấy ở cuối cả ba Tin mừng Nhất lãm.

Tuy nhiên, quan niệm về “công tác tông đồ” được mở rộng dần dần. Vào thời buổi khai sinh Giáo hội, công tác của các tông đồ là rao giảng Tin mừng, như chúng ta đọc thấy ở sách Tông đồ công vụ, chẳng hạn như trong bài hiệu triệu của thánh Phêrô trước khi bầu cử người thay thế cho ông Giuđa Iscariot (chương 1, câu 22), hoặc trước khi bầu 7 người phục vụ việc phân phối lương thực (chương 6, câu 2). Thế nhưng khi bước sang thánh Phaolô, thì ngoài công tác rao giảng Tin mừng, chức vụ tông đồ còn bao gồm thêm việc thành lập và điều khiển các giáo đoàn nữa (thí dụ như 2 Cr 8,23). Dù sao, như chúng ta đã biết, thế hệ các tông đồ qua đi, và các ngài phải chọn lựa những người tiếp nối sứ mạng của mình, vừa làm chứng cho Chúa Kitô bằng lời giảng và bằng việc chuyển thông hồng ân cứu độ, vừa để điều khiển cộng đoàn. Nói cách khác, các thánh tông đồ đã truyền lại sứ mạng của mình cho các giám mục, mà truyền thống gọi là “những người kế vị các tông đồ”.

II. Kế vị các tông đồ

Ý tưởng “kế vị tông đồ” (successio apostolica) đã được nêu lên ngay từ thời các tông đồ. Khi biết rằng mình sắp qua đi, thánh Phaolô đã tính đến việc đặt những người tiếp nối, như chúng ta đọc thấy nơi Cv 20,28-20 và ba bức thư mục tử.

Nhưng ai sẽ tiếp nối? Có ít là hai lối giải thích: 1/ Theo các Giáo hội Cải cách, toàn thể cộng đoàn Giáo hội chịu trách nhiệm bảo vệ gia sản các tông đồ. 2/ Phía Công giáo chủ trương là các giám mục là những người kế vị các tông đồ. Hiến chế Lumen gentium số 20 trình bày câu trả lời của Giáo hội Công giáo, được sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trích lại ở các số 860-862:

680. Trong nhiệm vụ của các Tông Đồ, có một khía cạnh không thể được lưu truyền: đó là các ngài là những chứng nhân đặc tuyển về sự sống lại của Chúa và là những nền móng của Hội Thánh. Nhưng cũng có một khía cạnh trường tồn trong nhiệm vụ của các ngài: Đức Kitô đã hứa với các ngài rằng Người sẽ ở với các ngài cho đến tận thế. “Sứ vụ thần linh, mà Đức Kitô ủy thác cho các Tông Đồ, sẽ tồn tại cho đến tận thế, bởi vì Tin Mừng, được truyền lại bởi các ngài, phải luôn luôn là nguyên lý của toàn bộ sự sống đối với Hội Thánh. Chính vì vậy các Tông Đồ … đã cẩn thận thiết đặt những người kế nhiệm” (LG 20).

681. “Để sứ vụ đã được ủy thác cho các ngài vẫn được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông Đồ đã trao cho các cộng sự viên trực tiếp của mình, như trao một di chúc, nhiệm vụ phải hoàn thành và củng cố công trình các ngài đã khởi sự, khuyên nhủ họ lưu ý đến hết đoàn chiên mà trong đó Chúa Thánh Thần đã đặt họ chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa. Các ngài đã thiết đặt những người như vậy và quy định rằng sau đó, khi những người này chết, thì những người đàn ông khác đã được thử thách sẽ lãnh nhận thừa tác vụ của họ” (LG 20).

682. “Cũng như nhiệm vụ được Chúa ủy thác cho một mình ông Phêrô, vị thứ nhất của các Tông Đồ, phải được lưu truyền cho các vị kế nhiệm ông, là một nhiệm vụ trường tồn, thì cũng vậy, nhiệm vụ của các Tông Đồ là phải chăn dắt Hội Thánh, và được thực thi liên tục bởi việc truyền chức thánh cho các Giám mục, nhiệm vụ đó cũng trường tồn”. Vì vậy, Hội Thánh dạy rằng: “Chính Chúa đã thiết đặt các Giám mục kế nhiệm các Tông Đồ làm các mục tử của Hội Thánh, nên ai nghe các ngài là nghe Đức Kitô, còn ai khinh miệt các ngài là khinh miệt Đức Kitô và Đấng đã sai Đức Kitô đến” (LG 20).

Nên lưu ý đến sự phân biệt của số 860 về hai khía cạnh của sứ mạng các tông đồ: a) có khía cạnh độc nhất vô nhị, không thể truyền lại được (chứng nhân của sự phục sinh Chúa Kitô); b) có khía cạnh có thể truyền lại được (vai trò lãnh đạo cộng đoàn).

Câu trả lời của Vaticanô II (xem thêm hiến chế về Mặc khải, số 7) tóm kết giáo huấn lâu đời của Hội thánh Công giáo. Thật vậy thuật ngữ “sự kế vị các tông đồ” đã được gặp thấy nơi thư của thánh Clêmentê gửi Côrintô (chương 40 và 44). Ý tưởng “kế vị” được dùng trong ngôn ngữ pháp lý bao hàm không những sự liên tục về dòng dõi (cha truyền con nối) trải qua dòng thời gian mà còn sự đồng nhất về nhiệm vụ. Ý tưởng này cũng gần gũi với ý tưởng “di chúc” vốn quen thuộc từ Cựu ước (St 47,29-50,14; Gs 23-24; 1 Sm 12; 1 V 2,1-9; 1 Sbn 28-29), và được lặp lại trong Tân ước (Cv 20,18-35, 2 Tm 4,1-8), nhằm bảo đảm việc duy trì sự trung thành với truyền thống cha ông.

Điều này trở nên cấp bách hơn khi mà trong Giáo hội nổi lên các lạc thuyết. Lấy gì làm điểm quy chiếu để phân định thực hư? Chính trong bối cảnh này mà thánh Irênê nhấn mạnh đến những “cơ quan” kế vị các tông đồ là các giám mục: qua các giám mục của các “tòa” do các tông đồ thiết lập, chúng ta có thể kiểm chứng được sự liên tục với truyền thống các tông đồ (Adversus haereses III,11,8). Đó cũng là tiêu chuẩn mà sau này thánh Vincent Lérins (+ k.445) nêu ra để kiểm chứng đức tin tông truyền (Commonitorium XXII). Từ đó, ý tưởng “kế vị tông đồ” trở thành then chốt. Việc kế vị này không qua một hành động pháp lý (chẳng hạn văn bản bàn giao chức vụ) nhưng là qua bí tích truyền chức (successio sacramentalis), qua đó một tín hữu gia nhập tập đoàn tông đồ. Nói cách khác, không phải là một giám mục kế vị một thánh tông đồ nào, nhưng tập đoàn giám mục kế vị tập đoàn các tông đồ.

Sự phát triển thần học về bí tích truyền chức cũng đưa đến quan niệm là Chúa Kitô nói và hành động qua các ministeri, đặc biệt khi cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể; hoặc cũng có thể đảo ngược lại: các tư tế cử hành bí tích như là “hiện thân của Chúa Kitô” (in persona Christi). Với thánh Tôma Aquinô, nền tảng của tư cách đại diện Chúa Kitô để thi hành tác vụ tư tế là “ấn bí tích” (character), là một sự tham dự vào chức tư tế của Người[1].

III. Đời sống tông đồ

Trải qua lịch sử, “đời sống tông đồ” (vita apostolica) đã mang nhiều mầu sắc khác nhau, tùy theo thời đại. Nói chung, “đời sống tông đồ” có nghĩa là đời sống hoạ theo nếp sống của các thánh tông đồ. Như thế nào? Nhiều câu trả lời khác biệt được đưa ra từ phía các đan sĩ, các kinh sĩ, các Dòng hành khất thời trung cổ, và các Dòng cận đại[2].

1/ Đối với các đan sĩ, đời sống tông đồ có nghĩa là bắt chước các tông đồ khi họ bán hết các tài sản để theo Chúa. Thực vậy, thánh Athanasiô khi thuật lại hạnh thánh Antôn đã giải thích rằng vị tổ phụ của đời đan tu đã bán hết tài sản để vào sa mạc là vì muốn bắt chước các thánh tông đồ từ bỏ nhà cửa gia đình để đi theo Chúa (Vita Antonii, n.2). Thánh Pacômiô cũng quả quyết tương tự: các đan sĩ là những kẻ bắt chước các thánh tông đồ, bởi vì họ đã từ bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa (Mt 19,21.26), cũng như họ bắt chước cộng đoàn các tông đồ ở Giêrusalem theo như sách Tông đồ Công vụ kể lại (2,44-45; 4,32.34-35), trong đó mọi người đặt tất cả tài sản làm của chung (Sancti Pachomii Vita I, n.2). Đến khi đời sống cộng đoàn phát triển, thánh Basiliô (Regulae fusius VII,4) và thánh Augustinô (Regula) thêm một chi tiết nữa trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem: ngoài việc từ bỏ tài sản, cần phải lưu ý đến yếu tố đồng tâm nhất trí (koinonia: thông hiệp; một trái tim một linh hồn). Kế đó, thánh Biển đức (Regula c.48,8) và thánh Isiđôrô Sevilla (Regula c.6) còn khuyên các đan sĩ hãy bắt chước các thánh tông đồ trong việc lao động chân tay.

2/ Sang thời Trung cổ, ta thấy nảy thêm hai chi tiết mới trong việc bắt chước các thánh tông đồ.

– a) Các “kinh sĩ” (canonici phần lớn giữ luật thánh Augustinô) đề cao đời sống chung (ăn chung, ngủ chung, kỷ luật chung dươi sự điều khiển của bề trên) và sự khó nghèo.

– b) Các Dòng hành khất thì nhấn mạnh tơi sự khó nghèo và rao giảng Tin mừng. Bản văn Kinh thánh mà các Dòng hành khất căn cứ không còn phải là Matthêu 19 nữa, nhưng là Luca 9,3-5; 10,1-16, tức là trình thuật kể lại việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi giảng Tin mừng trong cung cách khó nghèo, không mang theo túi và gậy (xc. Mc 6,8-11; Mt 10,5-16).

3/ Vào thời cận đại, người ta chú trọng tới sứ mạng của các tông đồ hơn là đời sống khó nghèo. Nói cách khác, người ta nhấn mạnh đến “hoạt động” tông đồ hơn là “nếp sống” tông đồ. Hoạt động tông đồ bao gồm không những là việc rao giảng Phúc âm mà là tất cả các công tác bác ái nhằm mở mang Nước Chúa. Thực ra, lúc đầu chỉ có các công tác của các giáo sĩ mới được mang danh là  “việc tông đồ” (rao giảng, dạy dỗ, ban bí tích); nhưng dần dần, tất cả các công tác bác ái xã hội cũng có thể gọi là công tác tông đồ khi được thi hành với tinh thần tông đồ nhằm phục vụ Nước Chúa, Nước của tình yêu, của công bằng, của sự thật. Nói cách khác, hoạt động tông đồ bao trùm toàn thể sứ mạng của Hội thánh, tiếp nối công trình cứu chuộc của Chúa Kitô. Hiểu như vậy, tất cả mọi tín hữu được mời gọi tham gia vào việc tông đồ: họ được sai vào thế giới để làm chứng nhân cho tình yêu Chúa. Hiểu như vậy, một đàng kể cả các giáo dân cũng được tham gia vào hoạt động tông đồ (chứ không phải chỉ dành riêng cho các giám mục, linh mục, tu sĩ), – từ đó có từ ngữ “tông đồ giáo dân” (chủ đề của sắc lệnh Apostolicam Actuositatem của công đồng Vaticanô II)-; đàng khác, hoạt động tông đồ cũng rất đa dạng: ngoài công việc rao giảng (thí dụ như dạy giáo lý), các công tác từ thiện bác ái cũng được kể vào hoạt động tông đồ nữa. Thế rồi, chúng ta còn nghe nói đến các hội đoàn “tông đồ cầu nguyện” nghĩa là làm việc tông đồ qua sự cầu nguyện; “tông đồ đau khổ” đặc biệt hướng đến các bệnh nhân liệt giường liệt chiếu (họ cũng có thể tham gia vào việc xây dựng Nước Chúa, tuy dù họ không cử động gì được).

IV. Tinh thần tông đồ

Tinh thần tông đồ được hiểu là lòng nhiệt thành giống như các thánh tông đồ, gắn bó với Chúa Giêsu, yêu mến Người và muốn cho Người được mọi người yêu mến. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, ở số 864, sau khi đã nhấn mạnh rằng tất cả các tín hữu đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng tông đồ của Giáo hội, đã thêm rằng hậu quả của việc tông đồ, dù là của giáo sĩ hay là của giáo dân, tùy thuộc vào sự kết hiệp khắng khít với Chúa Kitô. Linh hồn của mọi hoạt động tông đồ là đức mến, được múc kín cách riêng từ bí tích Thánh thể.

Việc thi hành sứ mạng tông đồ đòi hỏi một “linh đạo” được gọi bằng nhiều tên khác nhau:

– “linh đạo phục vu” (diakonia: servitium caritatis), đòi hỏi sự khiêm tốn, nhẫn nhục, hy sinh[3], theo gương Chúa Kitô quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-2,4-5);

– “linh đạo cho đi không tính toán” (superabundantia gratuitatis), theo gương của chị Maria đổ bình dầu quý trên chân của Chúa (Ga 12,3), như người bạn tri âm, để rồi được lửa nhiệt thành yêu mến thôi thúc, họ ra đi bảo vệ lòng tôn sùng tinh tuyền dành cho Thiên Chúa cũng như tranh đấu bảo vệ công bình xã hội.

———————————-

[1]  Summa Theologiae, III, q.22, a.4.

[2] M.H. Vicaire, L=imitation des apôtres, Cerf Paris 1963.

[3] Xem thêm thông điệp Redemptoris Missio, số 87-91. Tông huấn Ecclesia in Asia số 23; 44.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here