Tôn giáo và Khoa học – Vài ghi nhận về lối tiếp cận

0
3956

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ

TÔN GIÁO VÀ KHOA HỌC PHƯƠNG TÂY

NHÌN TỪ CÁCH TIẾP CẬN ĐÔNG Á

Đại Học Khoa Học Nhân Văn và Xã Hội, Hà Nội,
ngày 5-6 tháng 1 năm 2018

========================

Tôn giáo và Khoa học. Vài ghi nhận về lối tiếp cận

Linh mục Phan Tấn Thành

Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, Q. Gò Vấp, TPHCM

Dàn bài

I. Ý nghĩa của hai từ ngữ religionscience trong lịch sử tư tưởng châu Âu

II. Lịch sử mối tương quan giữa religionscience

A) Những cách đặt vấn đề trong lịch sử

B) Một cái nhìn tổng quan về tương quan giữa Tôn giáo và Khoa học

C) Khoa học tôn giáo

III. Những bài học

1/ Lối tiếp cận từ phía chủ thể

2/ Lối tiếp cận từ phía đối tượng

3/ Lối tiếp cận từ phía phương pháp

—————-

“Tôn giáo và Khoa học”. Đề tài  gợi lên nhiều câu hỏi về mối tương quan giữa hai vế: Tôn giáo  và Khoa học  có gì giống nhau? Hoặc đó là hai thế giới hoàn toàn khác biệt nếu chưa nói là xung khắc? Trước khi trả lời những câu hỏi ấy, cần phải xác định: Tôn giáo (viết tắt TG) là gì? Khoa học (viết tắt KH) là gì?

Câu hỏi càng trở nên cần thiết khi biết rằng cả hai từ ngữ TG và KH đều mới được du nhập từ Âu châu để diễn tả những thực tại phát sinh từ lục địa này, mà chưa hẳn đã tương ứng với những hoàn cảnh thực tại của Á châu. Chỉ cần trưng ra vài thí dụ thì đủ rõ.

1/ Tôn giáo

Ai cũng biết là “tôn giáo” dịch từ Religion (Pháp / Anh)[1]. Nhưng Religion không chỉ có nghĩa là “tôn giáo” mà còn là “tín ngưỡng” nữa. Hơn thế nữa, trong văn hóa Á Đông không có sự phân biệt giữa giữa “tôn giáo” và “triết học” (hoặc “văn hóa”). Chẳng hạn chúng ta đã quá quen gọi Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo (Confucianism, Taoism, Buddhism) là TG (Tam Giáo), nhưng tại sao không gọi Platonism, Aristotelism, Stoicism là TG (mà chỉ là “triết học” hay “học thuyết)? Lấy tiêu chuẩn gì để phân biệt? Việc thờ cúng tổ tiên là một “tín ngưỡng” hay chỉ là “văn hóa”? Những nghi lễ cưới hỏi cổ truyền của dân tộc ta chỉ là “phong tục” hay còn là “tín ngưỡng” nữa?

Mặt khác, trước khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương, ở Việt Nam người ta thường chỉ nghe nói đến “đạo”, “pháp”, “giáo”. Những từ này có tương đương với Religion không? Religion có nghĩa là gì? Thiết tưởng chúng ta cần phải bắt đầu bằng việc khảo sát ý nghĩa của danh từ này bên Âu châu. Như sẽ thấy, ý nghĩa của từ này đã thay đổi ý trải qua dòng lịch sử.

2/ Khoa học

Một cách tương tự như vậy, danh từ “Khoa học” mới được sử dụng cách chuyên môn để dịch danh từ science (Pháp /Anh), và việc chuyển ngữ cũng đặt ra không ít vấn đề[2]. Tự nó “khoa học” chỉ muốn nói lên một “môn học” (chẳng hạn: văn khoa, y khoa, luật khoa), nhưng “môn học” mới chỉ là discipline, study chứ chưa hẳn là science.

Ngày nay, KH được dùng theo một nghĩa chuyên môn hơn, tuy lắm lần ý nghĩa cũng chưa hoàn toàn chính xác. Phải chăng KH được áp dụng cho đối tượng nghiên cứu (KH tự nhiên / KH nhân văn), hay cho phương pháp nghiên cứu (nghiên cứu KH)? Ngoài ra, xem ra chưa có sự phân biệt giữa các từ “khoa học – kỹ thuật – công nghệ”.

Một lần nữa, thiết tưởng cần phải quay về nguồn gốc phát sinh của từ science trong ngôn ngữ Âu châu. Tự nó, scientia (bởi động từ Latinh scire) chỉ có nghĩa là sự hiểu biết, nhưng theo dòng thời gian, nó đã được tách ra thành hai danh từ khác nhau: savoir / science (Pháp) và knowledge / science (Anh). Vì thế cần theo dõi sự tiến triển ý nghĩa của danh từ này: thật là thú vị khi thấy ông Aristote coi philosophia scientia, và Newton gọi khoa học là philosophia naturalis.

Bởi vậy tương quan giữa TG và KH có thể nhìn từ nhiều góc độ, cách riêng khi đặt trong bối cảnh lịch sử của nó[3]. Trong bài này, chúng tôi xin trình bày ba điểm: 1/ Ý nghĩa hai từ ngữ religio scientia trong lịch sử ngôn ngữ Âu châu. 2/ Lịch sử mối tương quan giữa religioscientia ở Âu châu. 3/ Kết luận: những bài học cho Đông Á.

I. Ý nghĩa của hai từ ngữ ReligionScience trong lịch sử tư tưởng Âu châu

Hai danh từ này đã thay đổi ý nghĩa rất nhiều trải qua lịch sử. Đặc biệt chỉ từ thế kỷ XIX, chúng mới được sử dụng theo nghĩa hiện đại, hoàn toàn khác với các thế kỷ trước.

A. Religion

Religion là một từ ngữ gốc tiếng Latinh. Chúng ta hãy xem danh từ này có ý nghĩa gì trong văn hóa Rôma cổ đại. Kế đó, danh từ này đã được du nhập vào Kitô giáo, và chịu ảnh hưởng của tôn giáo này trong lịch sử châu Âu cho đến thời cận đại. Ngày nay tuy đã được sử dụng rộng rãi hơn sang các nền văn hóa khác, nhưng danh từ religio vẫn còn mang đậm những đặc trưng của nơi xuất xứ của nó. Chúng ta có thể tóm tắt sự tiến triển về ý nghĩa của danh từ này qua ba giai đoạn: 1/ Văn hóa Rôma cổ đại. 2/ Kitô giáo. 3/ Thời cận đại[4].

1/  Văn hóa Rôma cổ đại

Religio tiên vàn ám chỉ một thái độ nội tâm hơn là một thực thể khách quan.

a – Religio ám chỉ việc thi hành bổn phận các nghiêm túc, tận tâm. Ông  Cicero giải thích nguyên gốc của religio bởi religere,  cùng họ hàng với legere (chọn lựa, thu lượm)[5], và đối nghịch với với negligere (từ đó negligentia: biếng nhác, lơ đễnh).

b- Tâm tình cung kính được biểu lộ trước quyền lực siêu nhiên: sợ hãi, và dễ đưa đến nhiều thói quen mê tín. Ở mức này, religio vẫn còn ám chỉ một thái độ nội tại, tuy được chuyển sang một mối tương quan cụ thể, đó là với các quyền lực siêu nhiên.

c- Khi dùng ở số nhiều, “religiones” ám chỉ việc thực hành các nghi thức dành cho các thần linh. Các nghi thức này đã được chính quyền quy định, nhằm bảo đảm quốc thái dân an. Nó mang tính cách “công” (religio publica). Những việc thờ phượng thần linh nào không được chính quyền cho phép bị coi như superstitio (religio illicita). Chúng ta đừng quên khía cạnh này: đối lại với religio không phải là “vô thần” mà là “mê tín”. Quan niệm này vẫn còn được duy trì trong giai đoạn kế tiếp.

2/ Kitô giáo cổ đại và trung đại

Trong các thế kỷ đầu tiên, các tín đồ Kitô không tự xưng mình là religio[6], nhưng như là “đạo”(Latinh: via, Hy lạp: hodos; x. Cv 24,14; 9,2; 2Pr 2,2.15.21). Trước mặt chính quyền Rôma, Kitô giáo bị xếp vào loại superstitio (tôn giáo bất hợp pháp). Phải chờ tới khi được phép tự do hành đạo, Kitô giáo mới trở thành religio christiana[7] với những đặc quyền của “quốc giáo”. Religio được áp dụng vào ba phạm vi, và mang theo ba nghĩa:

a- Trật tự công, gồm những luật lệ được chính quyền ban hành để duy trì trật tự. Kitô giáo được coi là religio chân thật [8]. Các tín ngưỡng khác bị xem là mê tín, ngoại đạo (paganismus).

b-  Nhân đức quy định những việc phải thực hành để bày tỏ lòng thờ phượng Thiên Chúa (tương đương với pietas). Thánh Tôma Aquinô đã bàn đến nhân đức này trong Summa Theologica, II-II, q.81-100. Nhân đức religio  khác với fides (đức tin) bởi vì không trực tiếp nhắm đến Thiên Chúa mà chỉ nhằm đến các việc thờ phượng. Đối nghịch với nhân đức này là superstitio.

c- Theo một nghĩa hẹp hơn, Religio ám chỉ các dòng tu, những người dâng mình cho Chúa. Vì thế các tu sĩ được gọi là religiosi[9].

3/ Thời cận đại

Ý nghĩa của religio thay đổi nhiều, khi được mở rộng cho các thực thể khác ngoài Giáo hội Công giáo.

a- Danh từ Religion được khách thể hóa. Nó ám chỉ một hệ thống những niềm tin, lễ bái và luân lý.

b- Phạm vi áp dụng cũng được mở rộng. Nó không chỉ dành riêng cho Kitô giáo mà thôi, nhưng còn áp dụng cho các “tôn giáo” khác (Islam, Ấn giáo, Phật giáo).  Hơn thế nữa, vào thời Cải cách Tin lành, các “giáo phái” cũng được gọi là religion, chẳng hạn như cuộc chiến tranh giữa Công giáo và Tin Lành bên Pháp hồi cuối thế kỷ XVI (kéo dài từ 1562 đến 1598) được đặt tên là Guerre des religions.

c- Trong tiến trình tách rời “thế quyền” ra khỏi “giáo quyền”,  các quốc gia cận đại không muốn cho Giáo hội can thiệp vào việc công. TG bị hạn chế vào lãnh vực phụng tự (culte tiếng Pháp, worship tiếng Anh). Từ đó TG đồng hóa với “tín ngưỡng” (croyance) hoặc “lương tâm” (conscience), tức là lãnh vực cá nhân, chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống công cộng. Vài nhà thần học Tin Lành (như Karl Barth) còn muốn phân biệt giữa foireligion (đức tin / tín ngưỡng): đức tin (siêu nhiên) mang tính nội tại, còn tín ngưỡng (tự nhiên) được diễn tả qua các lễ nghi.

Như vậy, danh từ religio đã thay đổi ý nghĩa trong ngôn ngữ châu Âu, từ thái độ nội tại sang các thể chế khách quan. Vấn đề quan trọng được đặt ra trong môn lịch sử tôn giáo là: danh từ này có thể áp dụng cho các “tôn giáo” thuộc các nền văn hóa khác hay không? các TG lớn tại Á châu nhấn mạnh đến sự thờ phượng hay “giáo lý” và “đạo đức”? Các TG bản địa có phân biệt giữa lãnh vực “đạo” với “đời” (thiêng và phàm) không?

B. Science

Lịch sử của từ ngữ này còn dài dòng hơn nữa. Chúng tôi chỉ xin tóm tắt vài mốc chính trong sự tiến triển về ý nghĩa của danh từ.

1/ Cổ đại : sự phân loại các scientia theo Aristote

Trong nguyên ngữ, scientia (tiếng Latinh, tương đương với episteme trong tiếng Hy-lạp) có nghĩa là sự hiểu biết (tri thức, kiến thức). Nhưng các triết gia Hy-lạp đã sớm phân biệt giữa một thứ hiểu biết “thông thường” và một thứ hiểu biết tận ngọn nguồn (cognitio per causas certas). Một cách chính xác hơn, ông Aristote đã phân các kiến thức thành ba hạng hiểu biết (Metaphysica VI, 1, 1025 b 1 – 1026 a 35):

a) Lý thuyết (theoria), tìm hiểu sự thật về các tư tưởng, tựa như các hình thái và bản chất của vạn vật. Đây là thứ “biết để biết”, gồm: Toán học, Vật lý, Siêu hình học.

b) Thực hành (praxis): hiểu biết thực hành, nhằm điều khiển hành động phù hợp với lý trí. Đây là thứ “biết để làm”, gồm: Luân lý, Chính trị, Kinh tế, Tu từ.

c) Sáng tạo (poiesis): sự hiểu biết sáng tạo, nhằm biến đổi đồ vật : thủ công nghệ, nghệ thuật.

Tri thức cao cấp nhất là triết học (philosophia), bởi vì triết học mang lại sự thống nhất cho mọi tri thức. Quan điểm của ông Aristote đã trở thành tư tưởng chủ đạo cho việc tổ chức các môn học tại châu Âu trong suốt thời Trung cổ. Ảnh hưởng này còn được nhận thấy nơi tác phẩm của ông Isaac Newton, Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (Những nguyên tắc toán học của triết học thiên nhiên, 1687), nghĩa là việc nghiên cứu thiên nhiên vẫn được coi như một bộ môn của triết học.

2/ Thế kỷ XIX: Khoa học tự nhiên

Một sự thay đổi ý nghĩa quan trọng được đánh dấu bởi việc tách rời “science” ra khỏi triết học. “Science” được hiểu về phương pháp nghiên cứu, theo một tiến trình khác với lối suy tư triết học.

Tác phẩm của William Whewell (Philosophy of the Inductive Sciences 1840) được coi như dấu mốc của sự biến đổi này, khi mà “khoa-học-gia” (scientist) ám chỉ những nhà nghiên cứu thiên nhiên. Khoa học được giới hạn vào các môn học thiên nhiên, áp dụng phương pháp đo lường, giả thuyết, chứng minh. Theo nghĩa này, “khoa học” điển hình là vật-lý.

3/ Các khoa học nhân văn

Vào cuối thế kỷ XIX, một khúc ngoặt được đánh dấu bởi tác phẩm của Wilhelm Dilthey Einleitung in die Geistwissenschaften (Dẫn nhập vào các khoa học tinh thần, Leipzig 1883). Ông chủ trương phải áp dụng một phương pháp khác khi nghiên cứu các hiện tượng về con người. Từ đó có sự phân biệt giữa các “khoa học tự nhiên” (Naturwissenschaften) và các “khoa học tinh thần” (hoặc khoa học nhân văn Geisteswissenschaften), tựa như lịch sử, tâm lý học, xã hội học, vv.

a) Những khoa học tự nhiên (cũng được gọi là “khoa học chính xác”: sciences exactes) tìm cách “giải thích” (erklären: expliquer), nghĩa là truy tầm các nguyên nhân của một hiện tượng, bằng cách thiết lập những liên hệ nhân/quả giữa các hiện tượng và rút ra những định luật.

b) Những khoa học tinh thần tìm cách “hiểu biết” (verstehen : comprendre). Trong những bộ môn này, con người vừa là chủ thể vừa là đối thể của cuộc khảo sát. Phương pháp của các khoa học này hệ tại tái lập những động lực của cảm nghiệm sống, dựa trên những sự tương đương giữa cảm nghiệm của những đối thể khảo cứu với cảm nghiệm của người khảo cứu. Tiến trình là tổng hợp (khác với tiến trình phân tích của các khoa học thiên nhiên). Điển hình cho các khoa học nhân văn là tâm lý học.

Quan điểm của Dilthey chắc là đã để lại ảnh hưởng đến cách tổ chức các trường đại học tại Việt Nam, với sự phân biệt giữa các “KH tự nhiên” và “KH nhân văn xã hội”: mặc dù áp dụng những tiến trình nghiên cứu khác nhau, nhưng cả hai đều đáng nhìn nhận là KH.

II. Lịch sử mối tương quan giữa ReligionScience

Chính vì hai danh từ religion science mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong lịch sử châu Âu, cho nên cách đặt vấn đề và giải quyết cũng thay đổi tùy theo mỗi thời đại. Trước hết, chúng ta ôn lại những lối đặt vấn đề ; kế đó chúng ta điểm qua những quan niệm tổng hợp về mối tương quan ấy; sau cùng, chúng tôi muốn trình bày một lối tiếp cận khác, đó là “khoa học tôn giáo”. (Để cho gọn, chúng tôi tạm đặt tên cho Religion Science là KH và TG, tuy ý nghĩa của hai danh từ này thay đổi khá nhiều, như đã thấy trong phần đầu).

A. Những lối tiếp cận tương quan giữa TG và KH trải qua lịch sử

Mối tương quan này có thể mang nhiều tên gọi: “lý trí và đức tin”, “tôn giáo tự nhiên và tôn giáo mặc khải”, “triết học và thần học”, “khoa học và đức tin”. Chúng ta hãy điểm lại vài cuộc tranh luận quan trọng[10].

1/ Thời cổ đại

Có lẽ người đầu tiên đặt vấn đề về giá trị của tri thức là ông Aristote. Theo ông, sự hiểu biết về các thần linh do theologia (tức là thần thoại) không có giá trị, chỉ có sự hiểu biết về Thượng đế như là nguyên ủy hữu thể (do triết học mang lại) mới đáng gọi là scientia. Như đã nói trên đây, đối với ông Aristote, scientiaphilosophia được dùng như đồng nghĩa.

2/ Kitô giáo

Mối tương quan giữa mặc khải Kitô giáo và triết học Hy-lạp đã sớm được các giáo phụ đặt ra ngay từ những thế kỷ đầu tiên, với những lập trường đối nghịch. Tertulliano chủ trương rằng mặc khải đã đủ rồi, không cần phải học hỏi triết học làm gì. Đối lại, thánh Giustino nhìn nhận các mầm mống chân lý nơi các nền văn hóa, mà các tín hữu cần tìm cách đối thoại.

Cuộc đối thoại giữa “đức tin” và “lý trí” do thánh Augustinô mở đường (credo in intelligam, intelligo ut credam) sẽ được khai triển nơi kinh viện thời Trung cổ. Kinh viện đã tạo ra một “triết học Kitô giáo” dựa trên những kiến thức triết học Aristote. Triết học được coi như một hệ thống kiến thức tự lập[11]. Tuy nhiên, ngoài những kiến thức thủ đắc nhờ lý trí, còn có những kiến thức mà chúng ta chỉ có thể biết được nhờ mặc khải. Giữa lý trí và đức tin không thể có sự mâu thuẫn, bởi vì cả hai đều phát xuất từ một nguồn chân lý duy nhất là Thiên Chúa, và Thiên Chúa không thể nào tự mâu thuẫn. Một hình ảnh khác cũng thường được nói đến là hai quyển sách mà Thiên Chúa mở ra cho con người: quyển sách của thiên nhiên và quyển sách của mặc khải.[12]

Nên ghi nhận là mối tương quan giữa triết học và mặc khải được nhìn dưới khía cạnh “tri thức” (sự hiểu biết), cách riêng liên quan đến các chân lý về Thiên Chúa và con người. Các học giả thời Trung đại chưa quan tâm lắm đến việc “tìm hiểu vũ trụ” (mặc dù không thể bỏ qua những nhân vật như thánh Alberto, tu sĩ Francis Bacon).

3/ Thời Phục hưng

Nếu theo Aristote, triết học là chóp đỉnh của mọi tri thức, thì thần học Kitô giáo chuyển vai trò chỉ huy tri thức cho mặc khải. Mặc khải là thước đo lường cho mọi chân lý.

Bước sang thời Phục hưng, người ta đòi hỏi cho lý trí được tự trị, thoát khỏi sự kiểm soát của đức tin và mặc khải Kitô giáo, đặc biệt trong việc khảo cứu các sự kiện thiên nhiên.

Biến cố Galileo Galilei thường được coi như đánh dấu khúc ngoặt này. Thực ra, ông Galileo chấp nhận uy tín của Kinh thánh, nhưng ông cho rằng Kinh thánh không phải là bộ bách khoa toàn thư : còn nhiều chân lý khác nữa mà Kinh thánh không cung cấp chìa khóa giải đáp, và lý trí phải sử dụng các công cụ khác. Sự hiểu lầm về phương pháp luận giữa thần học đương thời với Galileo đã dẫn đến sự ly khai giữa khoa học và đức tin.

Tiếc rằng cuộc tranh luận này xảy ra vào thời buổi mà châu Âu đang trên đường giành tự do: tự do của cá nhân khỏi quyền lực (của Nhà Nước cũng như Giáo Hội), tự do tư tưởng (chỉ chấp nhận chân lý hiển minh, chứ không dựa trên uy tín); ngay cả chính quyền cũng muốn thoát khỏi vòng kiểm soát của Giáo hội. Hệ luận là KH cũng cần được thoát lý khỏi TG.

4/ Thế kỷ XIX

Như đã nói trên đây, sang thế kỷ XIX, lãnh vực KH được giới hạn vào lãnh vực thực nghiệm, nghĩa là loại trừ cả triết học. Không lạ gì mà tương quan giữa KH và TG lại càng trở nên căng thẳng. TG bị xem là phản khoa học, bởi vì không dựa trên luận cứ hiển minh. Nếu trước đây, KH chịu sự kiểm soát của TG (đức tin), thì bây giờ, lập luận bị lật ngược: TG cần được đặt dưới sự kiểm soát của KH. Luận cứ này được hỗ trợ bởi những giả thuyết về sự tiến hóa của nhân loại, tiêu biểu qua hai tác giả: Auguste Comte (1798-1857) và James George Frazer (1854-1941).

a- Ông Auguste Comte (Cours de philosophie positive 1830) đưa ra quy luật ba trạng thái, theo đó nhân loại đã liên tiếp trải qua ba giai đoạn. (i) Giai đoạn đầu là trạng thái “thần học”: các hiện tượng thiên nhiên được giải thích bằng sự can thiệp của các thần linh huyền nhiệm. (ii) Tiếp đến là trạng thái “siêu hình”: các hiện tượng được giải thích bằng các ý niệm trừu tượng. (iii) Trạng thái “thực nghiệm”: không cần dựa trên Đấng Huyền nhiệm hoặc căn nguyên đệ nhất, nhưng chú trọng tới cái gì chính xác, hữu ích, thực nghiệm. Theo viễn ảnh này, TG tượng trưng cho giai đoạn ấu trĩ của nhân loại, và cần được thay thế bởi KH.

b- Theo ông James Frazer (The Golden Bough 1890), tín ngưỡng nguyên thủy của nhân loại là ma thuật (magic), nghĩa là phù phép để điều khiển và chế ngự thiên nhiên. Từ ma thuật, con người tiến đến tôn giáo (khi nhìn nhận sự can thiệp của một quyền lực vào các hiện tượng thiên nhiên). Nhưng với đà tiến hóa, TG phải nhường bước cho KH, khi mà các định luật thiên nhiên được giải thích theo khoa vật lý về các nguyên nhân.

Tiếc rằng lời tiên đoán của hai tác giả này không xảy ra: kể cả vào ngày nay, ma thuật – tôn giáo – khoa học vẫn tồn tại trong thế giới chúng ta, ngay tại các nước tiên tiến.

B. Cái nhìn tổng quan về tương quan giữa TG và KH thời nay

Giáo sư Ian Graema Barbour (1923-2013) đã xếp các quan điểm về mối tương quan này vào bốn nhóm chính[13]: xung đột: độc lập; đối thoại; hòa nhập.

1/ Xung đột (Conflict). TG và KH luôn luôn xung đột với nhau: nếu KH đúng thì TG sai, và ngược lại. Các tác giả theo quan điểm này dựa trên hai biến cố đáng tiếc đã xảy ra trong lịch sử: vụ án Galileo và cuộc tranh luận nảy lên quanh thuyết tiến hóa của Darwin. TG nại đến nguyên nhân siêu nhiên để giải thích thực tại, còn KH chỉ dựa trên những gì quan sát được. Đừng kể những tác giả riêng rẽ, quan điểm này cũng là chủ trương của hai phong trào đối nghịch nhau: một bên là thuyết duy vật khoa học (scientific materialism), bên kia là chủ trương hiểu Kinh thánh theo nghĩa chữ (extreme biblical literalism).

2/ Độc lập (Independence). TG và KH khảo sát các lãnh vực biệt lập và những vấn đề khác nhau. Điển hình cho quan điểm này là  Stephen Jay Gould với nguyên tắc NOMA  (Non-Overlapping Magisteria)[14]: KH nghiên cứu những vấn đề thực nghiệm liên quan đến cấu trúc của vũ trụ; TG nghiên cứu những giá trị đạo đức và tâm linh. Mỗi phía cần phải ý thức phạm vi chuyên môn của mình, và không nên xen vào lãnh vực mà mình không chuyên môn.

3/ Đối thoại (Dialogue). Khác với quan điểm thứ hai, nhóm thứ ba nghĩ rằng có một nền tảng chung giữa TG và KH, vì thế cần đối thoại giữa hai bên. Cuộc đối thoại đòi hỏi mỗi bên phải làm sáng tỏ các tiền đề, phương pháp, và khái niệm. Một tác giả tiêu biểu của khuynh hướng này là Wentzel van Huyssteen[15].

4/ Hòa nhập (Integration). Khuynh hướng này muốn đi đến sự kết hợp giữa KH và Thần học. Barbour đưa ra ba khuôn mẫu: a) Thần học tự nhiên (Natural theology), sử dụng những dữ kiện của KH làm tiền đề, thần học sẽ bàn về sự hiện hữu và những ưu phẩm của Thiên Chúa; b) Thần học về tự nhiên (Theology of nature), khởi đi từ tiền đề lấy từ niềm tin của thần học về sự hiện hữu của Đấng Tạo hóa, để nghiên cứu vũ trụ như là công trình của Ngài; c) Triết học lịch trình (Process philosophy) của Alfred North Whitehead.

C. Khoa học tôn giáo

Trong việc nghiên cứu tương quan giữa TG và KH, còn một lối tiếp cận khác nữa, đó là áp dụng phương pháp khoa học vào việc nghiên cứu tôn giáo. Từ đó có ngành “Khoa học Tôn giáo” (viết tắt KHTG). Thực ra tại Việt Nam các từ ngữ Khoa học tôn giáo, Nghiên cứu tôn giáo, Tôn giáo học còn mới lạ, dùng để chuyển dịch các từ ngữ trong tiếng Pháp (và tiếng Anh): sciences religieuses (religious sciences), études religieuses (religious studies), science des religions (science of religions), vì thế cần phải giải thích từ ngữ.

1/ Giải thích từ ngữ

Nói đúng ra, có bốn dạng thức KHTG, tùy theo sự kết nạp giữa hai từ “science” và “religion” (ở số ít hay ở số nhiều): science de la religion, sciences de la religion, science des religions, sciences des religions.

Science dùng ở số ít hay ở số nhiều?[16] Điều này tuỳ theo quan điểm. Ai dùng ở số ít thì nghĩ rằng chỉ có một phương pháp khoa học duy nhất để nghiên cứu tôn giáo. Ai dùng ở số nhiều thì cho rằng có nhiều phương pháp để nghiên cứu, dựa theo chuyên ngành của mình: phương pháp áp dụng trong ngành sử học thì khác phương pháp nghiên cứu của tâm-lý-học hoặc xã-hội-học. Nói khác đi, có nhiều KHTG, thường được liệt kê như sau: lịch sử, xã hội học, tâm lý học, hiện tượng luận, nhân học, triết học[17].

Religion ở số ít hay ở số nhiều? Câu trả lời tuỳ theo quan điểm. Ai dùng số nhiều thì nghĩ rằng trên thế giới có nhiều tôn giáo; ai dùng số ít thì quan niệm rằng chỉ có một thực tại duy nhất biểu hiện qua nhiều các hình thức khác nhau. Nói chung, ngành sử học và xã hội học quen dùng theo số nhiều; còn tâm lý học, hiện tượng luận, triết học thì thiên về số ít.[18].

– Ngoài những lý do vừa nêu, cũng nên lưu ý đến truyền thống của mỗi quốc gia, chẳng hạn như bên Đức, thuật ngữ cổ điển là Religionswissenchaft (cả hai danh từ đều ở số ít); tại Hoa kỳ, thuật ngữ cổ điển là Religious studies (hoặc đôi khi cũng mang tên là History of Religions, tuy không chỉ giới hạn vào ngành sử học); còn ở Pháp ta gặp thấy thuật ngữ Science des religions.

2/ Lịch sử tiến triển các KHTG

Các KHTG ra đời từ hồi nào? Trong tiếng Việt, “khoa học” đôi khi chỉ có nghĩa là một “môn học” được dạy ở trường; hiểu như vậy, thi ca và nghệ thuật cũng là những “khoa học” (những môn cần phải học). Nếu hiểu theo nghĩa ấy, ta có thể nói rằng các KHTG ra đời cùng với lịch sử nhân loại: kể từ khi con người có tôn giáo thì cũng đã có những suy tư học hỏi tôn giáo. Tuy nhiên, thời xưa người ta bàn đến tôn giáo một cách kính cẩn bởi vì ý thức rằng mình đối diện với một thế giới linh thiêng. Còn theo quan điểm hiện đại, “khoa học” được hiểu là phương pháp thực nghiệm, được áp dụng để nghiên cứu tôn giáo. Theo nghĩa này, các KHTG mới phát triển từ khi các khoa học thực nghiệm phát triển trong vòng hai thế kỷ gần đây. Tuy nhiên, đã có những bước chuẩn bị trước đó nhiều thế kỷ. Chúng ta hãy theo dõi sự tiến triển của các lối tiếp cận khác nhau chung quanh thực thể tôn giáo.

Các ngành KHTG phát triển tại châu Âu vào thế kỷ XIX, do sự đồng quy của nhiều nhân tố. KHTG bao gồm nhiều ngành: lịch sử, tâm lý học, xã hội học, vv. Mỗi ngành có lịch sử phát triển riêng của nó. Tuy vậy, cũng có thể nói đến một lịch sử chung cho các KHTG.

Có thể nói được là ngành ra đời sớm nhất là Lịch sử các tôn giáo. Nhờ những cuộc du lịch tới những vùng đất xa xăm và việc giao du với những dân tộc cổ điển, các học giả Âu châu thâu thập được nhiều bản kinh của các tôn giáo (Ai cập, Trung hoa, Ấn độ, vv), và họ đã bắt đầu dịch sang các ngôn ngữ (Pháp, Anh, Đức) cũng như tiến hành những cuộc học hỏi đối chiếu. Trong số những nhà khảo cứu tiên phong này, cần phải kể đến các ông  Friedrich Max Müller người Đức[19] và ông  Cornelis Petrus Tiele ở Hà-lan. Hai ông được coi như những nhà khai sáng KHTG bởi vì công trình nghiên cứu của các ông được đưa vào giảng dạy tại đại học, mặc dù thời ấy môn học còn mang những danh xưng khác nhau. Vào những năm 1868-1875, đại học Oxford đã dành  một “ghế” (chair) cho ông Max Muller mang tên là “Ngữ văn đối chiếu” (Comparative Philology) sau đó đổi tên thành “Thần học đối chiếu” (Comparative Theology). Bộ sách thời danh nhất của ông là “Các sách thánh của Đông phương” (The sacred books of the East) gồm 50 cuốn được xuất bản từ năm 1879 và kết thúc vào năm 1910 (sau khi ông đã qua đời). Vào đầu niên học 1877, chính quyền Hà Lan đổi tên “ghế thần học” thành “ghế khoa học các tôn giáo”, và trao cho ông Cornelis Petrus Tiele đảm nhận. Chủ trương của ông Tiele là nghiên cứu lịch sử các tôn giáo (theo chiều hướng tiến hoá, chứ không đi tìm hiểu bản chất của tín ngưỡng). Bên Đức, một Viện chuyên nghiên cứu về tôn giáo (Religionswissenschaftliches Institut) được thiết lập tại đại học Leipzig năm 1912, và được trao cho ông Nathan Söderblom điều khiển. Nên biết là vào thời điểm này, người ta cũng áp dụng phương pháp nghiên cứu tôn giáo đối chiếu vào việc nghiên cứu Kinh thánh Kitô giáo.

Lần lượt trong suốt thế kỷ XIX, nhiều tác giả đã nghiên cứu tôn giáo dưới những khía cạnh khác nhau: Karl Marx phân tích tôn giáo dưới khía cạnh sử quan, Sigmund Freud dưới khía cạnh tâm phân học, James Frazer dưới khía cạnh nhân học. Những thập niên đầu thế kỷ XX đã chứng kiến sự ra đời của những tác phẩm trở thành cổ điển của Tâm lý học tôn giáo (William James, The Varieties of Religious Experience, 1902: Những dị biệt của cảm nghiệm tôn giáo) và Xã hội học tôn giáo (Max WeberDie protestantische Ethik und der ‘Geist’ des Kapitalismus 1904: Đạo đức học Tin Lành và tinh thần tư bản chủ nghĩa;  Émile Durkheim, Les Formes élémentaires de la vie religieuse, 1912: Những hình thức sơ khai của đời sống tôn giáo).

III. Kết luận. Những bài học lịch sử

Vấn đề TG và KH nổi lên bên châu Âu, một lục địa của Kitô giáo. Các từ ngữ Religion Science không hoàn toàn đồng nghĩa với “tôn giáo” và “khoa học” như chúng ta hiểu ngày nay. Thử hỏi, câu chuyện này có ý nghĩa gì với người Đông Á không?

Đừng kể những quan điểm khác nhau về KH, chúng tôi muốn lưu ý đến cách hiểu danh từ Religio. Tuy rằng ngày nay nó có thể áp dụng cho các tôn giáo trên hoàn cầu, nhưng thường được hiểu về Kitô giáo (dù đó là Công giáo hoặc Tin Lành). Tại các quốc gia Kitô giáo (châu Âu và châu Mỹ), tôn giáo được hiểu về Kitô giáo, đã một thời được nhìn nhận là “quốc giáo”. Những cuộc tranh luận về tương quan Đạo-Đời (Church – State) cũng ra đời trong bối cảnh ấy. Đối lại, những phong trào chống tôn giáo (được đặt tên là vô thần atheism) không nhắm đến tất cả các thần linh nhưng nhằm đến Kitô giáo, một tôn giáo độc thần.

Dù sao, việc ôn lại lịch sử cuộc tranh luận này đã mở ra cho chúng ta những viễn tượng khác nhau trong việc bàn đến tương quan giữa TG và KH. Nói khác đi, có nhiều lối tiếp cận vấn đề, mà ta có thể thu vào ba điểm : chủ thể, đối tượng, phương pháp.

1/ Lối tiếp cận từ phía chủ thể.

Vào lúc đầu, các từ ngữ religio scientia ám chỉ tâm tình nội tại hơn là thực thể bên ngoài. Ngày nay, chúng ta có thể phát biểu vấn đề như thế này : Một người có thể đồng thời vừa là một tín đồ vừa là một nhà nghiên cứu khoa học hay không ? Có lẽ nên phân biệt hai lãnh vực.

– Nếu hiểu về lãnh vực khoa học vật lý, thì câu trả lời không khó, bởi vì trên thực tế, đã có nhiều nhà vật lý học là tín đồ của một tôn giáo. Chỉ cần nhắc đến tên của người cha đẻ của thuyết Big Bang, linh mục Georges Lemaitre (1894-1966), đủ cho thấy điều đó.

– Nếu hiểu về việc nghiên cứu khoa học tôn giáo, câu trả lời trở nên phức tạp hơn. Có người chủ trương rằng tôn giáo thuộc lãnh vực của niềm tin, chứ không thuộc lãnh vực khoa học. Có lẽ đây là một lý do giải thích vì sao các KHTG không nảy sinh tại Á châu, là cái nôi của các tôn giáo cổ kính nhất của nhân loại: bởi vì người ta không dám đi thụt lùi để quan sát và phê bình niềm tin của truyền thống[20]. Đang khi đó, tại Hy lạp, các triết gia cổ thời đã tiếp cận các tôn giáo với óc phê bình, mở màn cho các cuộc nghiên cứu TG trong tương lai. Nên biết là tiên vàn đối tượng của khoa phê bình không phải là “sách thánh” của các tôn giáo khác (để khám phá những sai lầm hoặc mâu thuẫn), nhưng là chính “Kinh Thánh” của Kitô giáo (để thiết lập nguyên bản, xác định tác giả, thời gian biên soạn, thể văn, mục đích, vv). Thiết tưởng, chúng ta nên rút kinh nghiệm từ bài học ấy. Óc phê bình không trái nghịch với niềm tin, nhưng có thể giúp cho niềm tin được tinh tuyền hơn, tránh những thái độ mê tín, dị đoan, cũng như thái độ cuồng tín[21].

2/ Lối tiếp cận từ phía đối tượng

Thật có lý khi xác định sự phân biệt lãnh vực chuyên môn của TG và KH thực nghiệm. KH thực nghiệm khảo sát những gì có thể đo lường, kiểm chứng được, chứ không đi vào những lãnh vực “siêu nghiệm”. Một thí dụ: tâm lý học nghiên cứu các phản xạ nơi con người, chứ không bàn đến sự hiện hữu của linh hồn (điều này thuộc về siêu hình học hoặc thần học).

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng có nhiều đề tài đòi hỏi sự bổ túc lẫn nhau để hiểu rõ vấn đề hơn. Một thí dụ: bệnh tật là đối tượng nghiên cứu của y khoa; nhưng nguyên nhân của bệnh tật không chỉ thuộc phạm vi thể lý, nhưng có thể thuộc phạm vi tâm lý và tâm linh. Từ đó, việc điều trị bệnh tật đôi khi đòi hỏi sự hợp tác của y học, tâm lý học và tôn giáo.

Điều này trở nên khẩn thiết hơn nữa khi liên quan đến chuyện nhân sinh nói chung. Nhà vật lý học không thể chỉ nghiên cứu việc chế tạo vũ khí mà không đếm xỉa đến những hậu quả của nó đến sự tồn vong của nhân loại. Một cách tương tự, các cuộc thí nghiệm y học không để bỏ qua khía cạnh đạo đức (gọi là Y đức, hoặc đạo đức sinh học). Chúng ta cũng có thể nói như vậy về các ngành kinh tế học, chính trị học. Sự phát triển kinh tế của một quốc gia không thể nào bỏ qua khía cạnh phát triển toàn diện con người cũng như việc bảo vệ môi trường thiên nhiên. Ngày nay, một câu chuyện thường xảy ra xung khắc là vấn đề phá thai: phải chăng thai nhi chỉ là một khối thịt (dưới sự phân tích thực nghiệm) hay còn ẩn chứa một tinh thần, cần được tôn trọng (dưới cái nhìn của triết học và thần học)?

3/ Lối tiếp cận từ phía phương pháp

Nhiều lần “khoa học” được áp dụng cách riêng cho phương pháp nghiên cứu (tiến trình làm việc từ giả thuyết cho đến kết luận). Tuy nhiên, cần chấp nhận có nhiều phương pháp khoa học tùy theo đối tượng nghiên cứu: không thể áp dụng cùng một phương pháp cho toán học, vật lý, y khoa, xã hội học, kinh tế học, tâm lý học, sử học, vv. Chúng ta đã nhắc đến sự khác biệt giữa “khoa học tự nhiên” và “khoa học nhân văn” dựa theo nhận xét của Wilhelm Dilthey. Sự khác biệt nằm ở chỗ bên KH nhân văn, có sự trùng hợp giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu. Khác với “hiện tượng tự nhiên”, mối liên hệ giữa nguyên nhân và hậu quả trong “hiện tượng nhân văn” còn tùy thuộc vào tự do (chứ không tất yếu). Từ đó, sự quan sát và giải thích một hiện tượng nhân văn đòi hỏi sự “giải thích”: nước mắt có thể gây ra bởi nỗi buồn nhưng cũng có thể gây ra bởi một niềm vui (người ta khóc vì buồn hoặc vì quá vui, đó là chưa kể trường hợp nước mắt cá xấu). Sự giải thích có thể đưa tới những kết luận trái ngược: điều này chẳng có gì khó hiểu[22], và thường xảy ra khi giải thích ý nghĩa của một biến cố lịch sử: tuy cùng một sự kiện, nhưng nó bị kết án là “khủng bố” dưới chế độ này, nhưng được ca ngợi là “anh hùng” dưới chế độ khác. Được làm vua, thua làm giặc là thế!

Riêng đối với “hiện tượng tôn giáo” nhiều câu hỏi được nêu lên trong việc giải thích: làm thế nào xác định một hiện tượng nào là “tôn giáo” (tín ngưỡng) và hiện tượng nào chỉ là “văn hóa”? Khó hơn nữa, lấy tiêu chuẩn gì để đánh giá một hiện tượng “tôn giáo” hoặc một hiện tượng “mê tín”? Trên thực tế, có TG tự nhận là “chính đạo” và phê phán các TH khác là “tà đạo”; đồng thời, có những phong trào “vô thần” muốn bài trừ tất cả các tôn giáo vì coi đó là “phi lý”! Không thể nào tránh khỏi những sự khác biệt trong việc lượng định. Nhưng thiết tưởng một thái độ “khoa học” đòi hỏi sự khiêm tốn lắng nghe thay vì phê phán theo cảm xúc hoặc thiên kiến.

Tóm lại, trong bài này, chúng tôi muốn cho thấy rằng vấn đề “Tôn giáo và Khoa học” rất phức tạp, bởi vì có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, và được nhìn từ những lối tiếp cận khác nhau. Vấn đề nảy sinh trong bối cảnh của Âu châu, nhưng chúng ta có thể rút ra nhiều bài học khi nghiên cứu những “tôn giáo” ở Việt Nam.

—————————————–

Thư mục

Ngoài những tác phẩm được trích dẫn ở các chú thích, chúng tôi xin thêm vài tựa đề dẫn nhập vào Khoa học tôn giáo.

Brooke, John Hedley. Science and Religion: Some Historical Perspectives, Cambridge University Press, Cambridge 1991.

Dixon, Thomas. Science and religion A Very Short Introduction, Oxford University Press, Oxford  2008.

Harrison, Peter (ed.). The Cambridge Companion to Science and Religion, Cambridge University Press, Cambridge 2010.

Hinnells, John R. (ed.). The Routledge Companion to the Study of Religion, Routledge, London 2005.

Segal Robert A. (ed.). The Blackwell Companion  to the Study of Religion. Blackwell Publishing, Oxford 2006.

Stausberg, Michael – Engler, Steven (ed.). The Routledge Handbook of Research Methods in the Study of Religion, Routledge, London 2011.

Tóm tắt

Tôn giáo và Khoa học. Hai từ ngữ này dịch từ ReligionScience trong tiếng Pháp (và Anh), với ý nghĩa không hoàn toàn đồng nhất giữa hai ngôn ngữ. Vì vậy, cần phải theo dõi sự tiến triển của ý nghĩa của mỗi từ trong nguyên gốc, đặc biệt để hiểu rõ những vấn đề khác nhau nảy sinh từ mối tương quan giữa hai khái niệm này. Thực ra sự căng thẳng không xảy ra giữa hai khái niệm cách tổng quát, nhưng giữa một bên là Khoa học thực nghiệm và bên kia là Kitô giáo tại châu Âu. Ngày nay, trong những quan điểm khác nhau về mối tương quan này, đáng lưu ý hơn cả là sự thành hình các “Khoa học tôn giáo”. Trong phần kết luận, người viết đề nghị ba lối tiếp cận khác nhau về mối tương quan giữa Tôn giáo và Khoa học: về phía chủ thể, về phía đối tượng, về phía phương pháp.

Abstract

Both terms “Religion” and “Science” are not totally equivalent to “Tôn giáo” and “Khoa học” in Vietnamese. As a matter of fact, the meanings of both terms vary throughout history. This paper tries to show the various usages of “Religion” and “Science” in the history of Europe, in order to understand the different debates concerning the relationship between “Christianity” and “Experimental sciences” in modern time. Today, there are many theories regarding “Religion” and “Science” (contrast, independence, dialogue, integration), but there is also a possibility of a “Scientific study of Religions”. As conclusion, the paper suggests three approaches to the relation between Religion and Science: from the subject, from the object, from the methodology.

[1] Chúng ta đã quá biết danh từ “tôn giáo” (tông giáo) được du nhập từ Nhật Bản qua ngả Trung Quốc. Những có lẽ ít người biết rằng người Nhật đã tạo ra từ ngữ này để ký hiệp ước với Hoa Kỳ năm 1853 khi bị bắt buộc ban hành đạo luật tự do tôn giáo. Xem: Jason Ananda Josephson, The Invention of Religion in Japan, University of Chicago Press, Chicago 2012.

[2] Xem Hà Dương Tường, “Thuật ngữ Khoa học vào tiếng Việt từ bao giờ?”, Văn hóa Nghệ An, ngày 9 tháng 3 năm 2017: http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/thuat-ngu-khoa-hoc-vao-tieng-viet-tu-bao-gio . Theo tác giả, có lẽ thuật ngữ này xuất hiện lần đầu trên báo Nam Phong Tạp chí năm 1917. Thuật ngữ này lấy lại từ tiếng Nhật Kagaku, người Trung Quốc viết thành 科学.

[3] Helen De Cruz, “Religion and Science”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Fall 2018 Edition), Edward N. Zalta (ed.), https://plato.stanford.edu/archives/fall2018/entries/religion-science/. Section I.1 Brief history: “For the past fifty years, science and religion has been de facto Western science and Christianity—to what extent can Christian beliefs be brought in line with the results of western science? The field of science and religion has only recently turned to an examination of non-Christian traditions, such as Judaism, Hinduism, Buddhism, and Islam, providing a richer picture of interaction”.

[4] Michel Despland, La Religion en Occident.  Evolution des idées et du vécu,  Cerf, Paris 1979. Tác giả trưng ra 40 định nghĩa về religion.

[5] “Non enim philosophi solum verum etiam maiores nostri superstitionem a religione separaverunt. Nam qui totos dies precabantur et immolabant, ut sui sibi liberi superstites essent, superstitiosi sunt appellati, quod nomen patuit postea latius; qui autem omnia quae ad cultum deorum pertinent diligenter retractarent et tamquam relegerent i sunt dicti religiosi ex relegendo, tamquam elegantes ex eligendo, tamquam ex diligendo diligentes, ex intelligendo intelligentes; his enim in verbis omnibus inest vis legendi eadem quae in religioso ». Cicero, De natura deorum II, 28, 72.

[6] Trong bản dịch Latinh (Vulgata), danh từ religio chỉ xuất hiện ba lần (dịch danh từ threskeia trong tiếng Hy lạp), với ba ý nghĩa chẳng có liên hệ với nhau (Cv 26,6 religio iudaeorum; Cl 2,18 religio angelorum; Gc 1,26-27 vana religio). Các Kitô hữu tiên khởi được gọi là Christiani (Cv 8,26 ; 6,28). Danh từ christianismus xuất hiện trong các thư của thánh Inhaxiô Antiôkia (Magnesia 10 ; Roma 3 ; Philadelphia 6,1).

[7] Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên nơi tác phẩm của ông Arnobius (trước năm 311): “Quid est istud quod dicitur invectam esse labem terris postquam Religio Christiana intulit se mundo et veritatis absconditae sacrament patefecit? (Adversus nationes, lib.I, 3). Xem : M. Sachot, “Comment le christianisme est-il devenu religion?”, in: Revue des sciences religieuses 59 (1985), 95-118.

[8] Có lẽ tác giả đầu tiên sử dụng thuật ngữ vera religio để áp dụng cho Kitô giáo là ông Tertulliano (Apologeticum XVI, 14) viết khoảng năm 197. Sau này (năm 390) một tác phẩm của thánh Augustinô sẽ De vera religione. Đạo Kitô là religio chân thật bởi vì thờ lạy Thiên Chúa chân thật.

[9]  Thánh Tôma Aquinô đã viết hai quyển sách đề cập đến « religio » hiểu theo nghĩa là Dòng tu: Contra impugnantes Dei cultum et religionemContra pestiferam doctrinam retrahentium homines a religionis ingressu. Theo tác giả, các tu sĩ được gọi là “religiosi” bởi vì họ dâng trót đời để phụng sự Thiên Chúa: “Antonomastice religiosi dicuntur qui se totaliter mancipant divino servitio, quasi holocaustum Deo offerentes”. Summa Theologiae, II-II,186,1c.

[10] Celina A. Lértora Mendonza, La relación ciencia y religión en el mundo occidental, https://www.pucsp.br/cecrei/larelcieyrelig.htm (14-11-2014).

[11] Ở đây chúng tôi không muốn nói đến quan điểm của các triết gia ngoài Kitô giáo, mặc dù có ảnh hưởng không nhỏ đối với Kinh viện, chẳng hạn như Averroes, Maimonides.

[12] Giuseppe Tanzella-Nitti, “The Two Books Prior to the Scientific Revolution”, Perspectives on Science and Christian Faith, 57 (2005), 225–248. Trong thông điệp Fides et ratio, ĐTC Gioan Phaolo II dùng hình ảnh khác: lý trí và đức tin như là hai cánh mà tinh thần con người sử dụng để truy tầm chân lý.

[13] Tác giả đã trình bày sự phân loại này trong nhiều tác phẩm: Ian Barbour, Issues in Science and Religion, Harper & Row, New York 19712;  Religion and Science: Historical and Contemporary Issues, Harper & Row, San Francisco 1997; When Science Meets Religion: Enemies, Strangers, or Partners?, Harper Collins, New York: 2000 . Có thể đối chiếu với một tác giả khác: A.R. Peacocke, Science and the Christian Experiment, Oxford Univ. Press, London 1971; The Sciences and Theology in the Twentieth Century, Univ. of Notre Dame Press, Notre Dame (IN) 1981.

[14] Stephen J. Gould, “Nonoverlapping Magisteria”, in Intelligent Design Creationism and Its Critics, Robert T. Pennock (ed.), MIT Press, Cambridge, Ma. 2001, pp. 737–749.

[15] J. Wentzel van Huyssteen,  Duet or Duel? Theology and Science in a Postmodern World, SCM Press, London 1998.

[16] Thí dụ so sánh  tựa đề của hai cuốn sách:  H. Desroches – J. Seguy, Introduction aux sciences humaines des reli­gions (Paris 1970), và M. Meslin, Pour une science des religions (Paris 1973).

[17] C. Cantone (ed.), Le scienze della religione oggi, Roma 1978;  A. N. Terrin, Spiegare o comprendere la religione.  Le scienze della religione a confronto, Padova 1983; G. Filoramo & Carlo Prandi (ed.) Le scienze delle religioni, Brescia 1987.

[18] Phan Tấn Thành,  Dẫn nhập vào các khoa học tôn giáo (Đời sống tâm linh I), NXB Tôn giáo, Hà Nội 2015, trang 12-18: “Tâm linh, tâm lý, tín ngưỡng, tôn giáo, đạo”.

[19] Friedrich Max Muller (1823-1900), sinh tại Đức nhưng bắt đầu sự nghiệp giảng dạy ở đại học Oxford bên Anh từ năm 1851. Thuật ngữ Religionswissenschaft được ông sử dụng từ năm 1867 trong tác phẩm Chips from a German Workshop, I (London 1867). Về sau ông xuất bản một tác phẩm bằng tiếng Anh với tựa đề Introduction to the Science of Religion (London 1873).

[20] Ý kiến của Gustav Mensching,  Geschichte der Religionswissenschaft (bản dịch tiếng Pháp, Histoire de la science des religions; Paris 1955)  được trưng dẫn trong:  J. Martin Velasco, Introducción a la Fenomenologia de la Religión, Madrid 1982, trang 21.

[21] Như đã nói trên đây, thánh Tôma Aquinô coi nết xấu đối nghịch với religio là superstitio, điều này được lặp lại trong sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 2111.

[22] Paul Ricoeur, Le conflit des interprétations, Essais d’herméneutique, Editions du Seuil, Paris 1969.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here