Tôn Giáo Đối Diện Với Toàn Cầu Hóa

0
1972


Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp (OP),

Giám mục Giáo Phận Vinh.

 

Người ta vẫn gán cho văn hào André Malraux câu nói thời danh : “Thế kỷ XXI sẽ là tâm linh hoặc sẽ chẳng là gì cả”[1]. Từ giữa thế kỷ XX đến nay, người ta đã thảo luận rất nhiều về ý nghĩa của câu nói mang tính “ngôn sứ” này. Nếu như 60 năm về trước, câu nói trên đã gây ngỡ ngàng cho nhiều người vì vẻ “siêu thực” và “ảo tưởng” của nó, thì những biến đổi dồn dập trong mấy thập niên gần đây lại đang cho thấy tính “ngôn sứ” và vẻ hiện thực của câu nói thời danh này. Thật vậy, chưa bao giờ “tâm linh” nói chung và “tôn giáo” nói riêng trở thành nhu cầu khẩn thiết cho con người và cuộc sống như trong giai đoạn toàn cầu hóa này.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, không ai có thể phủ nhận hiện tượng hoàn toàn tương phản với nhận định ở trên: hiện tượng người dân, đặc biệt giới trẻ, ồ ạt rời bỏ Thánh đường và Giáo hội cơ cấu. Làm sao có “sự kiện tương phản” này? Chúng ta phải hiểu và lý giải chúng như thế nào?

I- Ý NGHĨA TẦM NGUYÊN

Để có thể trả lời cho những câu hỏi hóc búa ở trên, thiết tưởng cần tìm hiểu sơ lược ý nghĩa của “tâm linh” và “tôn giáo”, hai từ khá quen thuộc, nhưng chẳng dễ dàng chút nào khi muốn đưa ra một định nghĩa được mọi người công nhận. Không phải vô lý khi một số nhà nghiên cứu đề cập đến hiện tượng “Tháp Babel nơi những định nghĩa về tôn giáo”[2]. Trên thực tế, có quá nhiều quan điểm và định nghĩa về tôn giáo. Các định nghĩa này vừa bổ túc và phong phú hóa cho nhau, vừa dị biệt, tương phản và nhiều khi loại trừ nhau. Lý do sự khác biệt này rất đa diện và phức tạp, nhưng yếu tố chính vẫn do bản chất của các tôn giáo lịch sử, cũng như do thế đứng, góc nhìn, quan điểm và chọn lựa của người nghiên cứu.

Đâu là ranh giới và sự khác biệt giữa tôn giáo với tâm linh? Chẳng dễ dàng đưa ra một câu trả lời rõ rệt và có sức thuyết phục. Trên thực tế, nhiều người vẫn đồng hóa tôn giáo với tâm linh. Tuy nhiên, giữa hai bên có những sắc thái, chiều kích và ý nghĩa riêng. Chúng tôi muốn bắt đầu bài này với một cái nhìn sơ lược trên ý nghĩa tầm nguyên.

Mọi người đều biết rằng từ “tôn giáo” được dùng để dịch chữ “religio” của tiếng La tinh và những từ đồng nghĩa trong ngôn ngữ Tây phương. Đứng trên lãnh vực ngữ học, từ “religio” có nguồn gốc khá mơ hồ và phần nào dị nghĩa. Ở đây, chỉ xin trưng dẫn ba ý nghĩa căn bản sau đây:

1)- Lactancio, Lucretia, Augustinô, Servius và nhiều tác giả cổ đại đặt nổi mối tương quan chặt chẽ giữa “religio” với “religare” (nối kết, trói buộc). Tôn giáo vì vậy bao hàm sự nối kết chặt chẽ với toàn bộ nghi lễ, tín ngưỡng, bổn phận linh thánh. Một cách sâu xa hơn, tôn giáo chính là sợi giây nối kết với các trách vụ thiết yếu của đời người và kết chặt con người với các thần linh. Đối với các tác giả cổ đại, tôn giáo (religio) thường bao hàm thái độ kính sợ các thần minh và những nghĩa vụ linh thánh mà con người phải chu toàn một cách vô điều kiện.

Trong viễn tượng này, M. Thilollier viết: “Tôn giáo, một mặt, đòi hỏi việc truy tầm chân lý, kiếm tìm nguồn gốc, cứu cánh, mục đích của vũ trụ hay nguồn gốc của chính con người cùng với mối tương quan của nó đối với thần linh; mặt khác tôn giáo đòi hỏi một toàn bộ tín ngưỡng, một nhu cầu yêu thương cảm kích, một tương quan hòa điệu giữa tiểu vũ trụ với đại vũ trụ; tôn giáo là một cách diễn nghĩa linh thánh và định chế những nghi lễ có tính cá nhân cũng như cộng đồng”[3].

2)- Cicéron lại diễn tả ý nghĩa tầm nguyên của tôn giáo nơi “relegere”, có nghĩa là chú ý, quan sát, đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm[4]. Lối giải thích này có vẻ khiên cưỡng và phần nào giả tạo. Tuy nhiên, hôm nay nhiều người cho rằng religio gắn bó với relegere, mặc dù không theo ý nghĩa mà Cicéron đã muốn gán cho nó. Người ta nhìn thấy hai dạng thức khác nhau của động từ relegere : trong dạng thức thứ nhất relego có nghĩa là nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại, hoặc đi lại hay rảo khắp một con đường, một xứ sở. Theo nghĩa thứ hai này, tiếp đầu ngữ “re” không chỉ mang ý nghĩa lặp lại, mà nhấn mạnh nơi ý nghĩa nối kết, qui tụ, tiếp cận.

Tôn giáo vì vậy vừa mang ý nghĩa đón nhận và qui tụ con người, vừa nối kết và tiếp cận với chiều kích Siêu việt. Trái với những người hững hờ và vô tâm, con người tôn giáo là người luôn chăm chú truy tầm chân lý, kiếm tìm ý nghĩa và định hướng cho cuộc đời. Họ muốn đi xa hơn đời thường và vượt trên hiện đại để vươn tới chiều sâu thẳm của hiện hữu.

3)- Một số người lại muốn tìm ý nghĩa tầm nguyên của “religio” nơi từ “reeligere”, tái chọn lựa, tái định hướng. Có lẽ chúng ta không gặp thấy ý nghĩa mới này trong La tinh cổ điển, nhưng một số tác giả hiện đại muốn đặt nổi ý nghĩa thâm sâu của tôn giáo và đặc biệt chiều kích tâm linh nơi lời mời gọi và nơi định hướng thâm sâu cho đời người. Người tôn giáo là người quyết định chọn lựa hướng đời mình về phía những giá trị và thực tại tâm linh, khác hơn thế giới vật chất và cuộc sống thông tục. Ở đây, con người tôn giáo không nhất thiết phải là người hữu thần, mà là những người khắc khoải vươn tới một chiều sâu tâm linh, một cách thế hiện hữu và một giá trị cho cuộc sống.

II- KHÁI NIỆM VỀ TÔN GIÁO VÀ TÂM LINH

Ngoài ý nghĩa tầm nguyên ở trên, trải qua dài đời lịch sử người ta cũng đã đưa ra rất nhiều định nghĩa về tôn giáo. Hầu như mỗi nền văn hóa và mỗi tôn giáo có những khái niệm riêng về chính tôn giáo. Xin giản lược vào ba khái niệm chính sau đây:

1)- Tín ngưỡng. Cho đến nay một số người vẫn sử dụng một cách không phân biệt quan niệm tín ngưỡng và tôn giáo. Niềm tin vào một sức mạnh linh thiêng được coi là yếu tố tự nhiên và căn bản của tín ngưỡng, cũng như tôn giáo. Tuy nhiên, nơi tín ngưỡng hình thức biểu lộ, trình độ diễn tả và cơ cấu tổ chức ở một trình độ thấp hơn, mang đậm tính chất dân gian. Có lẽ vì thế nhiều tác giả coi tín ngưỡng như một hình thức tôn giáo sơ khai hay tôn giáo dân gian. Có thể nói, tín ngưỡng dân gian là một thế giới phức tạp, vàng thau lẫn lộn, hòa trộn giá trị với phi giá trị. Chính vì vậy, nơi một số tín ngưỡng dân gian người ta tìm gặp khá nhiều nghi thức kỳ dị, mê tín, dị đoan[5].

2)- Tôn giáo cũng xây dựng trên niềm tin nơi thực tại siêu việt, nhưng được cơ cấu và hệ thống hóa thành kinh điển, lễ nghi tế tự, giáo lý. Đa số các tôn giáo lớn có cơ cấu phẩm trật, hệ thống tín lý, nghi thức và những cách thế riêng để giúp tín đồ nối kết với Đấng Siêu Việt.

Từ điển Tiếng Việt của Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội định nghĩa tôn giáo như sau: “Tôn giáo là sự công nhận một sức mạnh được coi là thiêng liêng quyết định một hệ thống ý nghĩa và tư tưởng của con người về số phận của mình trong và sau cuộc đời hiện tại, do đó quyết định phần nào quyết định hệ thống đạo đức, đồng thời thể hiện bằng những tập quán lễ nghi tỏ thái độ tin tưởng và tôn sùng sức mạnh đó”[6].

Một cách sâu sắc và thâm thúy hơn, Gs Dương Ngọc Dũng viết: “Tôn giáo là một hệ thống bao gồm những hành động biểu tượng, và những hành động biểu tượng này có khả năng thúc đẩy, tạo ra một trạng thái tâm lý hứng khởi đặc biệt thúc đẩy con người đi đến một hành động nào đó, những hành động đó gọi là hành động nghi lễ tôn giáo. Những trạng thái tâm lý và những hành động đó mạnh mẽ, xuyên suốt và kéo dài. Và tất cả những tình cảm đó làm nảy sinh ra một hệ thống tư tưởng nhận thức, có một sức lôi cuốn mạnh mẽ đưa đến những hành động”…

Theo Công đồng Vatican II, chính tôn giáo cống hiến cho con người “các giải đáp về những huyền nhiệm tiềm ẩn nơi thân phận con người, những huyền nhiệm từng làm cho tâm hồn con người phải xao xuyến sâu xa: con người là ai? Đời sống con người có mục đích và ý nghĩa nào? Thiện và ác là gì? Đâu là nguyên nhân và mục đích của khổ đau? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực? Chết, phán xét và thưởng phạt sau khi chết là gì? cuối cùng, đâu là ý nghĩa của huyền nhiệm tối hậu và sâu thẳm bao trùm cuộc sống chúng ta, chúng ta từ đâu tới và sẽ đi về đâu?”[7].

Nhiều học giả hôm nay nhìn thấy nơi tôn giáo chiều kích sâu xa của mọi hoạt động con người và là chất dinh dưỡng của các nền văn hóa. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận là trong lịch sử tôn giáo thường bị cám dỗ vật chất hóa, thế tục hóa, cơ chế hóa, chính trị hóa các giá trị linh thiêng và Siêu việt. Thái độ bất bao dung, những vụ vi phạm nhân quyền, những cuộc chiến tranh tôn giáo … là những hệ luận đau thương của thực trạng này.

3)- Để tránh cái cám dỗ bi thảm này, một số hiền giả đã nhìn tôn giáo như Đạo, một định hướng tâm linh, một con đường giải thoát và một cách thế gặp gỡ Đấng Siêu Việt. Lão Tử còn tách cái đạo cụ thể có thể diễn tả bằng lời nói với cái Đạo vĩnh hằng, làm cho Đạo có đặc trưng của học thuyết hình nhi thượng. Theo ông, Đạo là nguồn gốc của vũ trụ, suối nguồn uyên nguyên, tuyệt đối, độc nhất vô nhị. Bởi vậy, “Đạo khả đạo phi thường Đạo, Danh khả danh, phi thường Danh”.

Chính Đức Giêsu cũng quan niệm tôn giáo theo nghĩa này khi tự giới thiệu như là “Đường, Sự Thật và Sự Sống”. Và trong cuộc đàm đạo với người thiếu phụ Samaria, Ngài quả quyết rằng những người có tâm tình tôn giáo đích thực không còn thờ phượng Thiên Chúa ở Giêrusalem hay ở bất cứ một núi thánh hay đền thờ nào đó, mà sẽ thờ phượng Ngài trong thần khí và sự thật (Ga 4,21-24). Thánh Gioan đã sử dụng quan niệm triết học Hy Lạp để giới thiệu Ngài như Logos, Nguyên Ngôn, Đạo vĩnh hằng, vô thủy vô chung (Ga 1, 1-18).

III- THẾ KỶ XXI LÀ “THẾ KỶ TÔN GIÁO”?

Người ta vẫn gán cho văn hào André Malraux một câu nói thời danh : “Thế kỷ XXI sẽ là tâm linh hoặc sẽ chẳng là gì cả”[8]. Mới đây Fr. Lenoir đặt lại vấn đề tác giả của lời tiên tri nói trên, bởi vì cho đến nay người ta không tìm thấy nó trong bất cứ tác phẩm, di thảo hay diễn văn nào của Malraux. Tuy nhiên, người ta gặp thấy một số phát biểu tương tự, chẳng hạn như khi Malraux xác quyết : “Vấn đề cốt yếu của cuối thế kỷ (XX) sẽ là vấn đề tôn giáo, nhưng dưới một hình thức khác với hình thức mà chúng ta biết” hoặc khi ông tuyên bố : “Trách nhiệm của thế kỷ XXI phải là tái du nhập thần linh vào đời sống con người”.

Như vậy, cho dù A. Malraux không phải là tác giả đích thực của câu nói lịch sử nói trên đi chăng nữa thì chính ông đã là người gợi hứng, vì ông từng tuyên bố tâm linh phải là một chiều kích căn bản của thế kỷ XXI này. Rất có thể khởi đi từ những phát biểu của Malraux về giá trị tâm linh một người nào đó đã đúc kết thành câu nói thời danh “thế kỷ XXI sẽ là tâm linh hoặc chẳng là gì cả”. Cũng cần nói thêm rằng giả sử Malraux không phải là tác giả câu nói thời danh này đi chăng nữa thì ông lại có vẻ tâm đắc với câu nói này và không hề cải chính khi người ta gán nó cho ông[9].

Tạp chí “Le Monde des Religions” (Thế giới Tôn giáo) phát hành một số đặc biệt về chủ đề : Tại sao thế kỷ XXI là tâm linh ? Tạp chí cho thấy trong thập niên vừa qua người ta nhận thấy hiện tượng khởi sắc về tôn giáo dưới mọi hình thức và ở mọi nơi. Hiện tượng tái xác quyết căn tính tôn giáo xuất hiện dưới nhiều hình thức, muôn hình vạn trạng, tại khắp nơi trên thế giới : Từ Đại hội giới trẻ thế giới của Giáo hội Công giáo, ngang qua các phong trào “tôn giáo truyền thống” ở Do Thái, ở Ấn Độ, ở Thái Lan, ở Campuchia, ở Ba Lan… cho đến các tổ chức toàn thống của Hồi giáo.

Ở thế kỷ XIX, người ta nói nhiều đến sức mạnh vạn năng của khoa học. Nhiều người nghĩ rằng khoa học kỹ thuật sẽ giải quyết mọi vấn đề và ánh sáng khoa học sẽ phá tan không những mây mù mê tín, mà ngay cả niềm tin tôn giáo nữa. Một số lý thuyết và phong trào giải phóng xã hội cũng đã là niềm hy vọng về một tương lai tiến bộ, công bằng, hạnh phúc cho nhân lọai.

Những biến cố dồn dập ở cuối thế kỷ XX như một gáo nước lạnh dội vào niềm tin và niềm hy vọng mà nhân loại đã từng đặt nơi khoa học chủ nghĩa, nơi tiến trình hiện đại hóa. Chưa bao giờ nhân loại tiến bộ như hôm nay, nhưng xem ra chưa bao giờ con người khốn khổ, âu lo như hôm nay. Khoa học kỹ thuật đã giải phóng con người khỏi một số vong thân và vòng kim ô nghiệt ngã của thiên nhiên, nhưng đồng thời lại tạo nên những vong thân và lệ thuộc mới. Tình trạng khủng hoảng và sự sụp đổ của các nước XHCN Đông Âu đã dẫn đến sự hiện tượng tê liệt của các phong trào xã hội trên thế giới. Niềm tin và niềm hy vọng của nhiều người nơi lý tưởng xã hội bị khủng hỏang trầm trọng.

Toàn cầu hóa đã góp phần tích cực trong việc phát triển kỹ thuật, tăng trưởng kinh tế và khả năng giúp các nước nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhờ toàn cầu hóa, một số nước có khả năng thỏa mãn nhu cầu vật chất của người dân và đã có thể mơ tưởng đến một ngày mai sung túc hơn. Những tiến triển của kỹ thuật thông tin cũng cống hiến cho nhân loại tiềm năng không thể tưởng tượng được trong việc sử dụng lượng thông tin khổng lồ, chế tạo thông tin, đưa thông tin tới bất cứ chân trời góc bể nào và nhất là áp dụng nó vào sản xuất. Đây là một tiến trình lịch sử đa dạng, phong phú, phức tạp và chưa hoàn thành. Nhưng nó là một tiến trình bất khả phục hồi và đang biến đổi sâu rộng không những cơ cấu chính trị, mô hình kinh tế, tổ chức xã hội, mà ngay chính cuộc sống và tất cả bộ mặt của thế giới.

Nhưng cũng như tất cả hiện tượng và công trình khác của con người, toàn cầu hóa không phải là một hiện tượng trung tính vô hại, trái lại, nó đang gây nhiều căng thẳng, thiệt thòi và nguy hại cho những người nghèo và những người bị thua thiệt. Đối với nhiều người hôm nay, đây là một hệ thống xem ra họat động tốt trong lãnh vực sản xuất, công nghệ thông tin và dịch vụ, nhưng lại quá nghiệt ngã, vô tâm và tàn nhẫn đối với con người. Nó đang làm giàu cho những người giàu và những người có trình độ cao, nhưng lại làm suy giảm một cách đáng lo ngại mức sống của những người nghèo và những người bị loại trừ.

Chưa bao giờ nhân loại giàu có, tiến bộ và nắm trong tay sức mạnh kỹ thuật lớn lao như hôm nay, nhưng cũng chưa bao giờ khoảng cách giàu – nghèo trong nhân loại sâu thẳm như hôm nay. Một câu hỏi day dứt thường được nêu lên : Tại sao bất chấp việc tăng trưởng kinh tế và mậu dịch, vẫn không tăng việc làm và không cải thiện điều kiện sống của người nghèo? Phải chăng chúng ta đang sống trong một tình trạng kỳ lạ mà Ralf Dahrendorf gọi một cách mỉa mai : “Vĩ mô thành công và vi mô khốn cùng”?

Suốt những năm dài của giai đọan Chiến tranh Lạnh, thế giới được chia thành hệ thống và khối rõ rệt, con người cũng được định vị và phân biệt giữa bạn với thù. Mặc dù tự do và tầm nhìn bị giới hạn, nhưng bù lại con người cảm thấy được bảo vệ, yên ổn và tự tin hơn. Trong thời đại tòan cầu hóa hôm nay, con người phải đối diện với “cuộc chơi” và “cuộc chiến” gay gắt. Dù bạn thắng trong ngày hôm nay thì bạn phải đua tiếp vào ngày mai. Hơn nữa, trong cuộc chiến nghiệt ngã này, bạn cũng như thù có thể trở thành đối thủ cạnh tranh và đồng minh trong trận này lại có thể biến thành đối thủ trong trận khác. Chính vì vậy, chưa bao giờ con người có nhiều tiện nghi và của cải, nhưng cũng chưa bao giờ con người cảm thấy âu lo, bất ổn, bơ vơ, khốn khổ như hôm nay. Sự cố ngày 11- 9, sóng thần ở Á châu, bão Katrina ở Mỹ càng khiến con người hôm nay ý thức hơn về sự mỏng manh, phù du của phận người.

Chính trong bối cảnh đó, tôn giáo đã trở lại để lấp đầy sự trống rỗng và thất vọng của con người hôm nay. Edgar Morin nhận định : “Tìm lại căn tính và việc tìm kiếm tâm linh biểu lộ cùng một khát vọng vượt qua kỹ thuật chủ nghĩa, duy vật chủ nghĩa, kinh tế chủ nghĩa, tính tầm thường. Nhiều sự phân cực trong thế giới Tây phương, với cách thức đôi khi ngây thơ hoặc vụng về, nhưng với cùng một ý thức mập mờ rằng thế giới kỹ thuật hóa, duy vật hóa, kinh tế hóa, ích kỷ hóa của Tây phương, làm cho con người phải đau khổ trong phần sâu thẳm của mình, nơi tận linh hồn và tâm trí chúng ta.

Ở những vùng khác của thế giới hôm nay, hiện tượng Tây phương hóa, việc tiêu chuẩn hóa, sự đánh mất niềm tin nơi tương lai của tiến bộ đã dẫn đến quyết định trở về với các nguồn gốc có căn tính tôn giáo, đạo đức, quốc gia. Vì thế, trong thế giới Hồi giáo, người ta không ngạc nhiên trước sự thành công của những người Hồi thực hiện hành động liên đới trong bối cảnh các xã hội ích kỷ và thối nát”[10].

Cuộc thăm dò do tạp chí Thế giới Tôn giáo tổ chức với sự cộng tác của France Inter cho thấy quan điểm của người Pháp trước hiện tượng thức tỉnh tôn giáo hiện nay. Chúng ta biết rằng quê hương của cuộc Cách mạng 1979 là nơi mà hiện tượng tục hóa và sự phân cách giữa Nhà nước với Giáo hội đã xảy ra một cách triệt để và nghiệt ngã nhất, nhưng đại đa số người Pháp vẫn nghĩ rằng hôm nay tôn giáo chiếm một chỗ quan trọng hơn mười năm trước đây, trong thế giới (56%) cũng như ngay tại nước Pháp (45%).

Bản thăm dò cũng cho biết 78% người Pháp được hỏi ý kiến nghĩ rằng tôn giáo thuộc về nhu cầu thiết yếu của con người và sẽ không biến mất, cho dù có thể bị biến đổi. 41% người thăm dò còn cho rằng chiều kích tôn giáo và tâm linh rất quan trọng cho sự thành công cá nhân.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy tính nghịch lý và đôi khi mâu thuẫn của hình ảnh tôn giáo nơi người dân Pháp. Trước câu hỏi về vai trò của tôn giáo trong thế kỷ XXI, những người được thăm dò tỏ ra khá hàm hồ và lưỡng lự : 48% cho rằng tôn giáo vừa là yếu tố tiến bộ vừa là yếu thoái hóa; 38% cho rằng tôn giáo là một yếu tố thoái hóa và chỉ có 14% nghĩ rằng tôn giáo là yếu tố tiến bộ. Lý do của sự nghịch lý này có lẽ là do ranh giới mập mờ giữa bản chất tôn giáo với sự thể hiện cụ thể của nó trong thế giới hôm nay. “Thực vậy, điều đó có lẽ muốn nói rằng nếu bản chất các tôn giáo bao hàm vẻ trong sáng không chối cãi – một nhu cầu thiết yếu của con người – thì sự thể hiện hôm nay của các tôn giáo đang gây ra nhiều vấn đề”[11].

IV- BÊN NGOÀI GIÁO HỘI CƠ CHẾ

Khát vọng tâm linh trong lòng nhiều người ở thời đại hôm nay không đồng nghĩa với việc phát triển và lớn mạnh của các Giáo hội cơ chế. Trái lại, toàn cầu hóa, xu hướng hiện đại hóa và dân chủ hóa đang đặt ra cho các cơ chế tôn giáo truyền thống rất nhiều vấn đề. Thật vậy, Internet với tương quan chiều ngang và phi tập trung được coi là biểu hiệu của toàn cầu hóa, trong khi đó mô hình quyền bính của các Giáo hội truyền thống vẫn theo mô hình kim tự tháp.

Toàn cầu hóa đã làm vỡ độc quyền cung cấp ý nghĩa và giá trị của các tôn giáo truyền thống. Cá nhân chủ nghĩa và cuộc cách mạng thông tin tạo nên một lớp người mới, với tâm trạng và não trạng riêng. Theo kiểu nói của nhà xã hội học Grace Davie họ là lớp người “believing without belonging”, tin nhưng không theo một tôn giáo nào triệt để và nhất định nào. Khuynh hướng chung của con người hôm nay là thay thế đạo đức vâng lời bằng đạo đức trách nhiệm: tôi trách nhiệm về chọn lựa của mình, tốt – xấu, ngon – dở, thành – bại, tôi làm tôi chịu, chứ không chấp nhận ngoan ngoãn theo ai, vì vâng lời. Đại đa số họ vẫn tự cho mình là những con người tâm linh, nhưng để phục vụ cho nhu cầu tâm linh đó thường thích lấy chỗ này một ít, chỗ kia một tí … rồi gia giảm, cho phù hợp với khẩu vị của mình, theo hoàn cảnh hay tùy theo điều kiện vui buồn, mưa nắng.

Xu thế toàn cầu hóa cũng phá vỡ bản đồ cố hữu về “địa – tôn giáo” và tạo nên những biến đối lớn lao. Phong trào di dân đã mang theo tôn giáo của mình đến những vùng đất mới. Tại Thụy Điển, Tin Lành đã mất vị thế quốc giáo, trong khi đó Phật giáo Tây Tạng và Do Thái giáo đã tạo được thế đứng vững chắc ở Mỹ. Ở Pháp, Hồi giáo đã trở thành tôn giáo đứng hàng thứ 3, với gần 5 triệu tín đồ và Giáo phái Tin Lành Ngũ Tuần, du nhập từ Hoa Kỳ, đã gắt hái được những thành quả đầy ấn tượng : từ 50.000 tín đồ vào thập niên 50’ của thế kỷ XX đã lên tới con số 400.000 tín đồ.

Nói chung, do tính phi trung ương tập trung, sáng tạo và năng động các “Giáo hội điện tử” đã vận dung tối đa thông tin đại chúng và cá lợi thế của cách mạng tin học vào việc truyền đạo. Tính ngẫu hứng, đa phương và “carismatique” cũng giúp họ đáp ứng đòi hỏi của quần chúng và nỗi khát vọng của con người cô đơn hiện đại[12].

Các Giáo hội cơ chế truyền thống, trái lại, đang gặp rất nhiều khó khăn với hiện tượng tòan cầu hóa, trần tục hóa và dân chủ hóa. Thật ra, tại Âu châu hiện tượng các tín đồ rời bỏ Giáo hội cơ chế đã xảy ra vào giữa thế kỷ XX và tiếp tục tăng cao với thời gian. Ở nhiều nước Tây phương, nhiều tu viện và nhà thờ phải đóng cửa. Tuy nhiên, nó đã giúp tôn giáo ngày càng cá nhân hóa và đi vào sâu vào lãnh vực riêng tư. Phong trào thức tỉnh tôn giáo hiện nay đã giúp tâm linh hóa tôn giáo hơn nữa và nhiều người trẻ khao khát tìm một cách thế sống tâm linh – tôn giáo bên ngoài cơ cấu tôn giáo truyền thống [13].

Bên Hoa kỳ, hiện tượng trên xảy ra tương đối chậm hơn, khoảng từ hơn một thập niên nay. Tại Hoa Kỳ ngày nay, người ta nói nhiều đến hiện tượng “unchurch”. Từ này có nhiều nghĩa và nghĩa đơn giản thường dùng là bị trục xuất ra khỏi một giáo hội, hay rút phép thông công. Nghĩa thứ nhì ám chỉ khuynh hướng mới ở Hoa Kỳ : những người đề cao nhu cầu tâm linh và tích cực tìm kiếm nó, nhưng thấy mình không phù hợp với một tôn giáo nào nữa. Họ tự xem mình là con người tâm linh, nhưng ở bên ngoài các giáo hội cơ chế và các tổ chức tôn giáo. Xem ra họ không thỏa mãn với những gì Giáo hội truyền thống cung cấp và muốn đi tìm những cảm nghiệm tâm linh mới hay đào sâu những cảm nghiệm tâm linh truyền thống bằng những con đường khác.

Theo phóng viên Eric Gorski[14], con số người Mỹ có tín ngưỡng nhưng không vào tôn giáo nào đã tăng gấp đôi trong thập niên qua, và lên tới con số 29 triệu người. Trên thực tế, con số này còn có thể cao hơn thế nữa, bởi vì trong những cuộc thăm dò ý kiến nhiều người vẫn tiếp tục đánh dấu vào một ô tôn giáo nào đó, trong bản thăm dò, chỉ để cho tiện thôi, hoặc có thể đó là tôn giáo của tuổi thơ. Ngày nay họ ra khỏi khung cảnh tôn giáo đó và đang tiếp tục tìm kiếm Thượng đế ở những nơi khác hay ở bất cứ nơi nào.

Robert Fuller[15] cũng cho biết khoảng 20% tự nhận là những con người tâm linh, nhưng không hề bước chân đến các Thánh đường Kitô giáo hay các Hội đường Do thái giáo. Đa số họ sống đời tâm linh theo cách thế của mình, bên ngoài những con đường cố cựu của các tôn giáo truyền thống tại Hoa Kỳ.

Vấn đề không phải chỉ đặt ra cho Giáo hội Công giáo, mà cho tất cả các tôn giáo và Giáo hội cơ cấu. Chắc hẳn mọi người còn nhớ câu nói thời danh của Krishnamurti: “Ngày nay, ngu?i ta ch? tìm th?y Ph?t giáo ? nh?ng noi v?ng bóng Ph?t giáo”. Câu nói trên có thể áp dụng cho Kitô giáo và cho nhiều tôn giáo. Phải chăng một số người hôm nay đã hoan hỉ tìm thấy đạo ngay tại những nơi vắng bóng đạo ?

Nhóm “tâm linh ngoài cơ cấu” này rất đa dạng trong sinh hoạt : từ việc cầu nguyện, chiêm niệm, tập yoga hay Thiền, hoặc đi bộ trong rừng, hay nhảy múa linh vũ… Theo phân tích của Gorski, trong xã hội Hoa Kỳ hôm nay, các thánh đường mới của nhóm bên ngoài giáo hội chính là các tiệm sách. Thí dụ, như ở tiệm sách Tatterd Cover Book Store tại Denver, những người “bên trong giáo hội” thì chăm chú trước kệ sách Kinh Thánh và các tác phẩm Kytô giáo cổ điển. Nhưng vòng qua góc bên kia là đất của những người “bên ngoài giáo hội”, nơi được ghi chung chung là “spiritual growth” (phát triển tâm linh) với đủ mọi loại sách về đời sống tâm linh của đủ mọi tác giả Đông cũng như Tây.

Lối sống “tâm linh nhưng không giáo hội” thường bị chỉ trích là lập dị, cao ngạo, nguy hiểm. Nhưng biết đâu đây là những bước đầu chập chững trên chặng đường kiếm tìm Thiên Chúa rất diệu vợi và dài hun hút ! Chúng ta có thể và phải làm gì để đồng hành với họ?

V- TẠM KẾT LUẬN

Phải chăng nơi một số phản kháng có vẻ “tiêu cực” của con người hôm nay đã hàm chứa lời mời gọi kiếm tìm một hình thức trình bày đạo sống động, đích thực và phù hợp với thời đại hơn ? Nếu Đạo Chúa, tự bản chất, không cần một mảnh đất riêng nào để sống và cũng chẳng hề đồng hóa với bất cứ chế độ chính trị hay nền văn hóa nào, thì nhiệm vụ của mỗi người tín hữu là phải sống Đạo và trình bày Đạo trong mọi môi trường văn hóa và mọi cảnh ngộ của cuộc đời. Như vậy, phải chăng từ thần học, tu đức, giáo lý cho đến lễ nghi phụng vụ cũng cần thích nghi với điều kiện văn hóa, tâm lý, xã hội, khoa học kỹ thuật ở giai đọan toàn cầu hóa này ?

Trung thành đích thực, đúng như triết gia Henri Bergson đã nói, phải là trung thành sáng tạo của một cơ thể sống, biết tiếp thu và tiêu hóa những yếu tố lấy từ bên ngoài mà vẫn duy trì được bản chất. Hơn nữa, một truyền thống chân chính như truyền thống Kitô giáo sẽ luôn phá vỡ mọi đê điều thủ cựu để đưa nước nguồn chảy về hiện tại, luôn giải thoát chúng ta khỏi những tập tục thuần túy nhân loại, để soi sáng và dẫn đưa ta trên hành trình tìm về chân lý.

Hiện tượng sống tâm linh bên ngoài giáo hội cơ cấu cũng đặt ra cho các tu sĩ rất nhiều vấn đề về sứ vụ loan báo Tin Mừng và về chính cơ cấu của các Dòng tu. Hơn 30 năm về trước, đức Phaolô VI đã nhận nhận định sâu sắc: con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy. Những nhân vật lãnh đạo tôn giáo như đức Gioan Phaolô II vẫn có sức thu hút quần chúng. Mỗi lần ngài xuất hiện vẫn qui tụ hàng triệu người trẻ. Người trẻ qui tụ quanh ngài để tìm một sự ấp áp, khích lệ và an bình nào đó, nhưng hình như sau đó, khi trở lại đời thường, đa số họ vẫn quyết định và chọn lựa theo cách thế của mình. Những ngọn lửa bùng sáng lên đó, xem ra không bền bao nhiêu. Chúng ta phải làm gì để nhân rộng và làm cho ánh lửa đó bền hơn nữa.

Suy nghĩ đến kỳ cùng, một số người vẫn tự hỏi : phải chăng, chính Đức Kitô đã thiết lập Kitô giáo hé bên ngoài cơ cấu phẩm trật và nghi thức của Do thái giáo? Phải chăng Ngài đã hé mở cho người thiếu phụ Samaria một chiều kích mới của tôn giáo : “Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế. Thiên Chúa là thần khí và những ai thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21-24).

——————————————————————————–

[1] « Le XXI siècle sera religieux ou ne sera rien”.

[2] Xem Y. Lambert, La “Tour de Babel” des définitions de la religion“, Social Compass, 38 (1), 1991, tr. 73-85.

[3] Dictionnaire des Religions, Larousse, Paris, 1966, tr. 214.

[4] Qui omnia … sunt dicti religiosi ex relegando, ut elegantes ex eligendo.

[5] Lm. Ân Đức Trần Ngọc Hoan. “Tín Ngưỡng Dân Gian Việt Nam”, tr 4.

[6] “Từ Điển Tiếng Việt”. Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1997; Bộ Văn hóa – Thông tin, Tín ngưỡng – Mê tín, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1998.

[7] Vatican II, Tuyên ngôn Thời đại chúng ta, số 1.

[8] « Le XXI siècle sera religieux ou ne sera rien”.

[9] Xem Fr. Lenoir, “Malraux et Le religieux”, trong Le Monde des religions, n. 13, sept.-oct. 2005, tr.5; Claude Tannery, L’Héritage spirituel de Malraux, Aréa, 2005.

[10] Edgar Mrin, “Souffrance de l’âme et de l’esprit”, in Le Monde des Religions, n. 13, Sept-Oct. 2005, p.82.

[11] J-Fr. Barbier-Bouvet, Sondage: Les Francais et “Le retour du religieux”, op. cit., 38-41.

[12] Xc. J.P. Bastian, F. Champion, K. Rousselet …, La globalisation du religieux, L’Harmattan, Paris, 2001; Vương Đình Chữ, « Đổi đạo và bỏ đạo, một tình trạng đáng suy nghĩ », Công giáo & Dân tộc, số 7/2005, tr. 85-87.

[13] Xc. Jean-Paul Williame, Europe et religions. Les enjeux du XXI e siècle, Paris, Fayard, 2004.

[14]Eric Gorski, “Traditional Religions Don”t Fit All”, báo Denver Post, ngày 13-9-2004.

[15] Robert Fuller, Spiritual But Not Religious: Understanding Unchurched America, Bradley University, 2001.