TÔN GIÁO CỦA CƯ DÂN NAM BỘ: CÁI NHÌN TỔNG QUAN

0
13548

GVC.TS. LÝ TÙNG HIẾU

(Trích Thời sự Thần học, số 64, tháng 5/2014, tr. 187-211)

 

1. CHỦ THỂ VĂN HOÁ VÙNG NAM BỘ

Không kể vùng thềm cao nguyên tiếp giáp Tây Nguyên, vùng văn hoá Nam Bộ hôm nay là nơi sinh tụ của người Việt và đông đủ các đại diện của 53 tộc người thiểu số. Tất cả đều là những tộc người di dân đến đồng bằng Nam Bộ trong khoảng 500 năm trở lại: di dân lớp trước là các tộc người Khmer, Việt, Hoa, Chăm; di dân lớp sau là các tộc người Việt, Tày, Nùng, Dao, Mường, Thái, Thổ… Các đợt di dân có tổ chức (1954, 1975) và di dân tự do (từ thập niên 1990) đã đưa dân số Nam Bộ lên tới 31.145.000 người, chiếm 36,3% tổng dân số toàn quốc, vượt xa đồng bằng sông Hồng (1/4/2009). Trong đó, miền Đông Nam Bộ có 13.985.000 người, chiếm 16,3% dân số toàn quốc; miền Tây Nam Bộ có 17.160.000 người, chiếm 20% dân số toàn quốc. Trong thập niên 1999-2009, miền Đông Nam Bộ là khu vực có tốc độ gia tăng dân số cao nhất nước: bình quân 3,2% mỗi năm, gần gấp ba lần so với tỷ lệ gia tăng dân số toàn quốc là 1,2% mỗi năm. Vào năm 2009, miền Đông Nam Bộ với ba trung tâm đô thị lớn là thành phố Hồ Chí Minh (7.162.864 dân), Đồng Nai (2.486.154 dân), Bà Rịa – Vũng Tàu (996.682 dân), cũng là khu vực có tỷ lệ đô thị hoá cao nhất nước, với 57,1% dân số địa phương sống trong các vùng đô thị, gần gấp đôi so với tỷ lệ 30% dân số toàn quốc sống trong các vùng đô thị.

Do vậy, Nam Bộ là một vùng đất có đặc trưng đa tộc người rõ nét. Tuy nhiên, chủ thể văn hoá chính của toàn vùng vẫn là người Việt, tộc người đa số mà dân số ở Nam Bộ lên đến hơn 28 triệu người, chiếm khoảng 90% dân số của vùng. Những tộc người thiểu số có ảnh hưởng văn hoá đáng kể, chỉ có thể đóng vai trò chủ thể văn hoá chính bên cạnh người Việt ở cấp tiểu vùng, như người Hoa ở tiểu vùng văn hoá đô thị Sài Gòn, người Khmer ở tiểu vùng văn hoá Tây Nam Bộ.

Vào cuối thế kỷ XVI, người Việt đã có mặt ở miền Đông Nam Bộ, tiếp đó là Tây Nam Bộ. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, khi lãnh thổ Đại Việt dần dần mở rộng đến Bình Định (1471) và Bình Thuận (1693), di dân người Việt đến định cư trên đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ hầu hết đều có nguồn gốc từ Bắc Trung Bộ. Từ đó, vùng văn hoá Trung và Nam Trung Bộ đã hình thành trên cơ sở kế thừa các đặc điểm của văn hoá Bắc Trung Bộ và tiếp biến các đặc điểm của văn hoá Chăm. Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, khi lãnh thổ Đại Việt tiếp tục mở rộng đến hết địa bàn Nam Bộ, thì di dân người Việt đến định cư trên đồng bằng Nam Bộ hầu hết đều có nguồn gốc từ vùng “Ngũ Quảng”, tức Quảng Bình – Quảng Trị – Quảng Đức – Quảng Nam – Quảng Ngãi, mà đông đảo nhất là bộ phận người Việt cư ngụ ở Nam Trung Bộ. Từ đó, văn hoá Việt ở Trung và Nam Trung Bộ đã mở rộng địa bàn đến Nam Bộ, tiếp biến thêm một số đặc điểm của văn hoá Hoa, văn hoá Khmer để hình thành vùng văn hoá Nam Bộ. Do đó, trong văn hoá của người Việt Nam Bộ, có các yếu tố của văn hoá Chăm, văn hoá Hoa, văn hoá Khmer. Từ cuối thế kỷ XIX, người Việt Nam Bộ đã giao lưu và tiếp biến văn hoá Pháp. Những năm đầu thời Pháp thuộc, người Việt nói chung và người Việt Nam Bộ nói riêng chống Âu hoá và cố gắng Việt Nam hoá ảnh hưởng của phương Tây. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, với phong trào Duy Tân – Đông Du, văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá Nam Bộ nói riêng bắt đầu hội nhập với văn hoá phương Tây, thoát nhanh khỏi vòng ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Do đó, từ lúc này, trong văn hoá của người Việt Nam Bộ, những ảnh hưởng của văn hoá phương Tây ngày càng đậm nét. Những ảnh hưởng của văn hoá Việt ở Trung Bộ, văn hoá Chăm, văn hoá Hoa, văn hoá Khmer, văn hoá Pháp đều để lại dấu ấn rõ ràng trong trạng thái tôn giáo của của người Việt Nam Bộ hôm nay.

Người Hoa Nam Bộ có nguồn gốc chủ yếu từ các tỉnh, huyện ở duyên hải Giang Nam, Trung Quốc: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Khách Gia. Do quê quán khác nhau và nhập cư vào những thời điểm khác nhau, người Hoa ở Nam Bộ là một tộc người không thuần nhất về văn hoá và ngôn ngữ. Những người Hoa đến Nam Bộ vào thế kỷ XVII-XVIII, được gọi là “người Minh Hương”, thì phần nhiều con cháu đã trở thành người Việt, đóng góp vào văn hoá Việt nơi đây những yếu tố đặc thù của văn hoá người Hoa. Còn những người Hoa mà trước đây gọi là “người Đường” và hiện nay vẫn còn giữ nguyên ngôn ngữ, văn hoá, ý thức tộc người, thì chủ yếu là con cháu của di dân người Hoa đến Nam Bộ vào thế kỷ XIX-XX. Họ không tự gọi mình là người Trung Quốc, người Hán, người Hoa, mà là “Thoòng Dành” (tiếng Quảng Đông) hoặc “Từng Nán” (tiếng Triều Châu), tức là “người Đường”. Người Việt Nam Bộ thì gọi chung tất cả những người Hoa cộng cư là “người Tàu”, “Cắc Chú” (Khách Trú). Hiện nay, Nhà nước và giới khoa học Việt Nam gọi chung tất cả người gốc Hán định cư ở Việt Nam là “người Hoa”, phân biệt với “Hoa kiều” là những người Trung Quốc có mặt ở Việt Nam nhưng không nhập tịch Việt Nam. Ở Nam Bộ, người Hoa là một tộc người thiểu số có trình độ kinh tế – xã hội phát triển và tương đối đông dân, với khoảng 750.000 người trên tổng dân số 823.071 người Hoa (1/4/2009), tập trung ở 3 tỉnh thành: thành phố Hồ Chí Minh (414.045 người), Đồng Nai (95.162 người), Sóc Trăng (64.910 người), và rải rác ở khắp các tỉnh thành còn lại.

Người Khmer Nam Bộ cũng là một tộc người thiểu số có trình độ kinh tế – xã hội phát triển và tương đối đông dân. Người Khmer Nam Bộ có tộc danh tự gọi là “Khêmară?” hoặc “Khmer”. Người Việt Nam Bộ thường gọi những người Khmer cộng cư là “người Thổ”, “người Miên”. Người Chăm và các tộc người bản địa Đông Nam Bộ thì gọi người Khmer là “Kur”. Hiện người Khmer có dân số 1.260.640 người (1/4/2009), cư trú tập trung ở 5 tỉnh: Sóc Trăng (397.014 người, chiếm 30,7% dân số toàn tỉnh, 31,5% dân số Khmer cả nước), Trà Vinh (317.203 người, chiếm 31,6% dân số toàn tỉnh, 25,2% dân số Khmer cả nước), Kiên Giang (210.899 người), An Giang (90.271 người), Bạc Liêu (70.667 người), và rải rác ở khắp các tỉnh thành khác của vùng Nam Bộ.

Ngoài ba tộc người trên, nói tới văn hoá Nam Bộ cũng cần phải nhắc tới người Chăm, một cộng đồng tuy không đóng vai trò chủ thể văn hoá chính nhưng cũng góp phần làm tăng tính đa dạng văn hoá của vùng Nam Bộ. Người Chăm ở Nam Bộ tự gọi mình là “Chăm”. Còn người Việt thường gọi người Chăm là “Chàm”, “Hời”. Người Chăm ở Nam Bộ có khoảng 33.000 người trên tổng dân số 161.729 người Chăm (1/4/2009), cư trú tập trung ở An Giang (14.209 người), thành phố Hồ Chí Minh (7.819 người), và rải rác ở Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang…

2. TÔN GIÁO CỦA CÁC TỘC NGƯỜI NAM BỘ

2.1.  Khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo

“Tín ngưỡng” là một khái niệm phổ thông đồng thời là một thuật ngữ thường gặp trong nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam. Cách hiểu và cách sử dụng khái niệm này thường không thống nhất.

Trong thực tế, có một số người sử dụng khái niệm “tín ngưỡng” để chỉ những hình thức sơ khai của tôn giáo, tương ứng với các hình thức tôn giáo nguyên thuỷ, thí dụ: “tín ngưỡng phồn thực”, “tín ngưỡng vật linh”. Trong trường hợp này, khái niệm “tín ngưỡng” được hiểu như những hình thức tiền thân của “tôn giáo”.

Một số người khác lại sử dụng khái niệm “tín ngưỡng” thay thế cho khái niệm “tôn giáo”, thí dụ: “tự do tín ngưỡng”, “tín ngưỡng dân gian”. Trong trường hợp này, khái niệm “tín ngưỡng” tương đương với khái niệm “tôn giáo”.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, “tín ngưỡng” là lòng tin vào tôn giáo và các lực lượng siêu tự nhiên nói chung. Theo đó thì “tín ngưỡng” là một yếu tố cấu thành “tôn giáo”. Chẳng hạn, theo học giả Đào Duy Anh (1957: 283), tín ngưỡng là “lòng ngưỡng mộ, mê tín đối với một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa”. Hoặc theo nhà văn hoá dân gian Ngô Đức Thịnh (2011: 16), “tín ngưỡng được hiểu là niềm tin của con người vào cái gì đó thiêng liêng, cao cả, siêu nhiên, hay nói gọn hơn là niềm tin, ngưỡng vọng vào ‘cái thiêng’, đối lập với cái ‘trần tục’, hiện hữu mà ta có thể sờ mó, quan sát được. Có nhiều loại niềm tin, nhưng ở đây là niềm tin của tín ngưỡng là niềm tin vào ‘cái thiêng’. Do vậy, niềm tin vào cái thiêng thuộc về bản chất con người, nó là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người, cũng giống như đời sống vật chất, đời sống xã hội tinh thần, tư tưởng, đời sống tình cảm”.

Thay cho khái niệm “tín ngưỡng”, trong tôn giáo học hiện nay, có xu hướng thống nhất sử dụng khái niệm “tôn giáo”. Theo đó, “tôn giáo” được hiểu là hệ thống những quan niệm tín ngưỡng, sùng bái các thần linh và những hình thức nghi lễ thể hiện sự tin tưởng và sùng bái ấy. Như vậy, “tín ngưỡng” là bộ phận quan trọng của “tôn giáo”, là cơ sở hình thành tôn giáo và nằm trong “tôn giáo”.

Trong khi đó, ở phương Tây, giới nghiên cứu tôn giáo chỉ sử dụng khái niệm “religion” (tôn giáo), chứ không dùng khái niệm “belief” (niềm tin, đức tin, tín ngưỡng) để chỉ “tôn giáo” hay những hình thức “tôn giáo sơ khai”.

Do tình hình đó, lựa chọn của chúng tôi là vận dụng cách hiểu của tôn giáo học. Theo đó, “tín ngưỡng” là lòng tin vào tôn giáo và các lực lượng siêu tự nhiên nói chung, là yếu tố cơ bản cấu thành tôn giáo; còn “tôn giáo” là hệ thống những quan niệm, lòng tin vào các thần linh và những hình thức nghi lễ thể hiện các quan niệm và lòng tin ấy.

2.2.  Tiêu chí phân loại tôn giáo

Ngày nay, sự hình thành các tôn giáo hiện đại và sự dung hợp các tôn giáo nội sinh và ngoại sinh khiến cho bức tranh tôn giáo và sự phân loại tôn giáo trở nên phức tạp.

Các công trình nghiên cứu tôn giáo thường phân chia các tôn giáo thành 3 loại: tôn giáo nguyên thuỷ, tôn giáo dân tộc, tôn giáo thế giới.

– Tôn giáo nguyên thủy: là những tôn giáo ra đời trong thời kỳ nguyên thủy, bắt nguồn từ những quan niệm sơ khai của con người về bản thân mình và thiên nhiên bao quanh, thể hiện niềm tin bản năng của con người đối với các lực lượng siêu tự nhiên. Trong xã hội đương đại, phần lớn các hình thức tôn giáo nguyên thủy chỉ còn là dấu vết:

* Tô tem giáo (totemism): là sự tôn kính có tính chất mê tín đối với một vật tổ; sự thờ phụng bất cứ vật thể nào có thật hay tưởng tượng. Thuật ngữ “totemism” bắt nguồn từ khái niệm “totem” chỉ một hình ảnh thô sơ, như một con chim hoặc thú, được thổ dân Indian Bắc Mỹ sử dụng như một danh hiệu biểu tượng của gia đình hoặc thị tộc. Đây là hình thức tôn giáo cổ xưa nhất, thể hiện niềm tin vào mối quan hệ gần gũi, huyết thống giữa một cộng đồng người (thị tộc, bộ lạc) với một loài động thực vật hoặc một đối tượng nào đó. Tô tem giáo thể hiện hình thức nhận biết đầu tiên về mối liên hệ của con người với các hiện tượng xung quanh. Chẳng hạn: một bộ lạc tồn tại được nhờ săn bắt một loài động vật nào đó, dẫn đến xuất hiện một ảo tưởng về mối quan hệ giữa loài vật đó với cộng đồng người săn nó, và cuối cùng con vật này trở thành tổ tiên chung của họ.

* Ma thuật giáo (shamanism): là loại tôn giáo từng thịnh hành trong tất cả các tộc người Ural-Altai (Tungusic, Mongol, Turkish), và vẫn còn tồn tại ở một số vùng Bắc Á. Thuật ngữ “shamanism” bắt nguồn từ khái niệm “shaman” chỉ một thầy phù thuỷ chuyên xử lý các vấn đề liên quan đến ma quỷ và đặc biệt là vong linh tổ tiên. Đây là biểu hiện của việc người nguyên thủy tin vào khả năng tác động đến tự nhiên bằng những hành động ma thuật như cầu khấn, phù phép, thần chú… Nhờ các biện pháp ma thuật, người nguyên thủy cố gắng tác động đến những sự kiện và làm cho nó diễn ra theo ý mình mong muốn. Về sau, ma thuật trở thành một thành tố quan trọng không thể thiếu được của các tôn giáo phát triển. Việc thờ cúng của bất kỳ tôn giáo nào cũng phải có ma thuật (cầu nguyện, làm phép…). Tàn dư của ma thuật là các hiện tượng bói toán, tướng số ngày nay.

* Bái vật giáo (fetishism): là loại tôn giáo xuất hiện vào lúc mới hình thành tôn giáo và sự thờ cúng. Thuật ngữ “fetishism” bắt nguồn từ khái niệm “fetish” chỉ vật thần, vật thờ hoặc điều mê tín, tôn sùng quá đáng. Bái vật giáo đặt lòng tin vào những thuộc tính siêu nhiên của các vật thể như hòn đá, gốc cây, bùa, tượng… Họ cho rằng có một lực lượng siêu nhiên, thần bí trú ngụ trong vật đó. Bái vật giáo là thành tố tất yếu của sự thờ cúng tôn giáo. Đó là sự thờ cúng các tượng gỗ, cây thánh giá… hoặc lòng tin vào sức mạnh của các lá bùa…

* Vật linh giáo (hylozoism): còn gọi là vật linh luận, một học thuyết triết học cho rằng vật chất sở hữu các loài sinh vật và cảm giác, hoặc vật chất và sự sống không thể tách rời. Thuật ngữ “hylozoism” bắt nguồn từ khái niệm “hylic” chỉ đặc tính vật chất hoặc đặc tính thuộc về vật chất, gắn liền với vật chất. Đây là hình thức tôn giáo xuất hiện muộn hơn, khi tư duy trừu tượng của con người phát triển, hình thành những khái niệm trừu tượng. Trên cơ sở đó, con người đã hình thành khái niệm về linh hồn, là cái trừu tượng trú ngụ bên trong cơ thể con người và vạn vật. Khi cơ thể mất đi, linh hồn vẫn tiếp tục tồn tại. Lòng tin ở linh hồn là cơ sở hình thành nên quan niệm về cái siêu nhiên. Theo đó, bên cạnh thế giới thực tại còn có thế giới siêu nhiên, bao gồm các thần linh, các vong hồn, động vật, thực vật, các đối tượng do tưởng tượng mà ra và không khác biệt gì lắm so với thế giới thực tại. Thế giới siêu nhiên ấy thống trị thế giới thực tại, vì vậy con người trong thế giới thực tại cần phải kính sợ, thờ cúng thế giới siêu nhiên.

– Tôn giáo dân tộc: là những tôn giáo phổ biến trong nội bộ một tộc người, một quốc gia, như đạo Do Thái (Israel), đạo Hindu, đạo Jaina (Ấn Độ), đạo Khổng (Trung Quốc), đạo Thần (Nhật Bản), đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo (người Việt), đạo Bà Chăm, đạo Bà Ni (người Chăm), v.v.

– Tôn giáo thế giới: là những tôn giáo phổ biến ở nhiều tộc người và quốc gia trên thế giới, lớn nhất là đạo Hồi, đạo Thiên Chúa, đạo Chính Thống, đạo Tin Lành, đạo Phật Bắc Tông, đạo Phật Nam Tông.

Một cách phân chia khác là chia các tôn giáo thành 2 loại: tôn giáo thờ cúng nhiên thần, tôn giáo thờ cúng nhân thần.

– Tôn giáo thờ cúng nhiên thần: loại tôn giáo thờ cúng các thần linh có nguồn gốc tự nhiên, như Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Điện, Pháp Vũ của người Việt, thần Lửa, thần Nước, thần Gió, thần Rừng của người Gia-rai.

– Tôn giáo thờ cúng nhân thần: loại tôn giáo thờ cúng các thần linh có nguồn gốc xuất thân là con người, như các thần Thành Hoàng của các làng quê Bắc Bộ – Bắc Trung Bộ, Quốc tổ Hùng Vương, Đức Thánh Trần, Bà Chúa Kho của người Việt Bắc Bộ – Bắc Trung Bộ, thần-vua Po Klong Kirai, thần-vua Po Rome của người Bà Chăm.

Một cách phân chia khác nữa là chia các tôn giáo thành 2 loại: tôn giáo đa thần, tôn giáo độc thần.

– Tôn giáo đa thần: loại tôn giáo thờ cúng nhiều thần linh khác nhau, và không có thần nào giữ vai trò tối thượng đối với các thần linh. Đây là loại tôn giáo ra đời trong xã hội chưa phân chia giai cấp, chưa hình thành chế độ quân chủ, như tôn giáo đa thần của các tộc người Tây Bắc – miền núi Bắc Trung Bộ, các tộc người Trường Sơn – Tây Nguyên.

– Tôn giáo độc thần: loại tôn giáo chỉ thờ cúng một thần linh, hoặc thờ cúng nhiều thần linh khác nhau nhưng trong đó có một thần linh giữ vai trò tối thượng. Đây là loại tôn giáo ra đời trong xã hội đã phân chia giai cấp, đã hình thành chế độ quân chủ, như đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Chính Thống, đạo Tin Lành.

Do tiêu chí phân loại khác nhau, các kết quả phân loại được đề cập trên đây rất không thống nhất và trùng lắp.

Để khắc phục tình trạng đó, chúng tôi chọn lựa 2 tiêu chí phân loại: nguồn gốc hình thành và đối tượng thờ cúng.

Theo tiêu chí nguồn gốc hình thành, có thể phân chia các tôn giáo ở Việt Nam thành 2 loại:

(1) Các tôn giáo nội sinh: bao gồm các tôn giáo nguyên thuỷ, các tôn giáo dân tộc, các tôn giáo thờ cúng nhiên thần, các tôn giáo thờ cúng nhân thần. Các tôn giáo nội sinh phần lớn là tôn giáo đa thần, ngoại trừ một vài tôn giáo nội sinh bắt nguồn từ những tôn giáo ngoại sinh, như Cao Đài, Hoà Hảo…

(2) Các tôn giáo ngoại sinh: bao gồm các tôn giáo thế giới, một số tôn giáo thờ cúng nhiên thần, một số tôn giáo thờ cúng nhân thần. Các tôn giáo ngoại sinh bao gồm cả hai loại tôn giáo đa thần và tôn giáo độc thần.

Theo tiêu chí đối tượng thờ cúng, có thể phân chia các tôn giáo ở Việt Nam thành 2 loại:

(1) Các tôn giáo đa thần:

– Các tôn giáo thờ cúng nhiên thần: nghi lễ phồn thực, thần Nông, Tứ Pháp, Mẫu Tam Phủ, Mẫu Tứ Phủ, Liễu Hạnh Thánh Mẫu, Thánh Tản, Tứ Bất Tử, Ngũ Hành Nương Nương, Mười Hai Bà Mụ, Ông Tơ Bà Nguyệt, Thổ Công, Táo Quân, Bà Chúa Xứ, Cá Ông (người Việt); tô tem giáo, vật linh giáo (các tộc người Tây Bắc – miền núi Bắc Trung Bộ, Trường Sơn – Tây Nguyên); Thành Hoàng Bổn Cảnh, Sơn Thần, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thổ Địa – Thần Tài, Ngọc Hoàng, Mẹ Phật Mẫu Diêu Trì, Ông Thiên, Cửu Thiên Huyền Nữ, Hà Bá – Thuỷ Long, Ông Tà (người Việt Nam Bộ); Ngọc Hoàng, Phước Đức Chánh Thần, Thiên Quan Tứ Phước, Môn Thần, Thổ Địa Bản Gia, Táo Quân (người Hoa); Preach Khe, Neak Ta (người Khmer); v.v

– Các tôn giáo thờ cúng nhân thần: gia tiên – tổ tiên, Thành Hoàng, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Quốc tổ Hùng Vương, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Hắc Đế, Lý Bát Đế, Đức Thánh Trần, Bà Chúa Kho, Bà Thiên Hậu, các anh hùng dân tộc, các tổ nghề (người Việt); Tổ tiên nhân loại (Cửu huyền trăm họ), Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Lê Văn Duyệt, Trần Thượng Xuyên, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều, Phan Công Hớn, Thầy Thím, Quan Thánh Đế Quân, Ông Bổn (người Việt Nam Bộ); Po Klong Kirai, Po Rome (người Bà Chăm); v.v.

– Một số tôn giáo dân tộc: Một số tôn giáo thờ cúng thiên thần hoặc nhân thần có phạm vi phổ biến rộng lớn, trở thành tôn giáo dân tộc, như thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Thành Hoàng, thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương của người Việt; thờ cúng tổ tiên, phi bản của người Tày; các tôn giáo Bà Chăm, Bà Ni, thờ cúng tổ tiên, thần làng, thần đất, thần Mẹ Xứ Sở của người Chăm; v.v.

Các tôn giáo đa thần có cả hai nguồn gốc nội sinh và ngoại sinh. Một số tôn giáo độc thần có nguồn gốc ngoại sinh đã tích hợp với các thần linh bản địa để chuyển thành tôn giáo đa thần, như trường hợp Bà Chăm (gốc Bà La Môn giáo), Bà Ni (gốc Hồi giáo) của tộc người Chăm.

(2) Các tôn giáo độc thần:

– Một số tôn giáo dân tộc: Cao Đài, Hoà Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Trường hợp các giáo phái, hệ phái bắt nguồn từ Phật giáo như Bửu Sơn Kỳ Hương, Huỳnh Đạo (An Giang), đạo Ông Trần (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu), đạo Dừa (cồn Phụng, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre), v.v., cũng được xếp vào nhóm này.

– Các tôn giáo thế giới: Phật giáo Bắc Tông, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Phật giáo Nam Tông, Hồi giáo Islam. Trường hợp Phật giáo được một vài người cho là “tôn giáo vô thần” vì không suy tôn một Thượng đế tối cao, cũng được tạm xếp vào nhóm này. Trường hợp Đạo giáo và Nho giáo là hai tôn giáo hưng thịnh trong thời kỳ trung đại, thì nay không còn là tôn giáo ở Việt Nam, chỉ còn để lại một số tàn dư trong phong tục và nghi lễ.

Các tôn giáo độc thần phần lớn có nguồn gốc ngoại sinh, được dân tộc hoá ở những mức độ khác nhau.

Phân loại tôn giáo theo tiêu chí đối tượng thờ cúng cũng là lựa chọn của một số nhà nghiên cứu về tôn giáo Việt Nam. Chẳng hạn, theo nhà văn hoá dân gian Ngô Đức Thịnh (Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam, 2012: 13), tín ngưỡng dân gian Việt Nam bao gồm 5 loại: (1) Thờ cúng tổ tiên (gia tộc, dòng họ, quốc gia), tô tem giáo. (2) Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng. (3) Tín ngưỡng vòng đời người: nghi lễ sinh đẻ (thờ Bà mụ…), nghi lễ cưới xin (thờ ông Tơ, bà Nguyệt…), thờ thần bản mệnh, tang ma và thờ cúng người chết. (4) Tín ngưỡng nghề nghiệp: tín ngưỡng nông nghiệp (nghi lễ phồn thực, Tứ pháp, thần Nông…), thờ Thánh sư (tổ nghề thủ công), thờ Thần tài (nghề buôn), các tín ngưỡng của ngư dân (thờ cá Ông, thờ Cô Bác…). (5) Tín ngưỡng thờ Thần (đạo thờ Thần): đạo Mẫu, Đức Thánh Trần, Tứ Bất Tử, thờ các anh hùng dân tộc.

2.3.  Phân loại tôn giáo của các tộc người Nam Bộ

2.3.1. Tôn giáo của người Việt Nam Bộ

Là một vùng đất đa tộc người, nơi đất lành chim đậu của di dân người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm và các tộc người khác, Nam Bộ đã trở thành môi sinh thuận lợi để phát triển các tôn giáo có nguồn gốc Bắc Bộ, Trung Bộ hoặc tiếp biến từ các tộc người cộng cư và từ người Pháp. Vì vậy, đây chính là vùng đất phong phú nhất về tín ngưỡng – tôn giáo ở Việt Nam, với đầy đủ bốn loại hình tôn giáo đa thần và độc thần, nội sinh và ngoại sinh. Vì vậy, đời sống tâm linh của người Việt Nam Bộ khá phức tạp, chịu ảnh hưởng đồng thời của nhiều tôn giáo có nguồn gốc khác nhau.

– Các tôn giáo đa thần:

Bao gồm các tôn giáo thờ cúng nhiên thần: phổ biến nhất là thờ cúng Thổ Địa – Thần Tài, Táo Quân, Ông Thiên (gia đình), Cá Ông (đình miễu ven biển), Thành Hoàng Bổn Cảnh, Sơn Thần (đình miễu trong nội địa), Bà Chúa Xứ, Linh Sơn Thánh Mẫu (đền miễu ở núi Sam, núi Bà Đen, và rải rác), Ngũ Hành Nương Nương (miễu). Ngoài ra, một số nơi còn thờ cúng Ngọc Hoàng, Mẹ Phật Mẫu Diêu Trì, Cửu Thiên Huyền Nữ, Ông Tà, Hà Bá – Thuỷ Long, Mười Hai Bà Mụ, Ông Tơ Bà Nguyệt, v.v.

Khác với Thành Hoàng có nguồn gốc nhân thần ở miền Bắc, miền Trung, Thành Hoàng Bổn Cảnh ở Nam Bộ là nhiên thần, chỉ có danh hiệu chứ không có lý lịch, thần tích, và chỉ một phần trong số đó có sắc phong thần của triều đình với tên gọi chung là “Thành Hoàng Bổn Cảnh”.

Kế tiếp là các tôn giáo thờ cúng nhân thần: phổ biến nhất là thờ cúng gia tiên – tổ tiên (tang ma, đám giỗ, cúng việc lề), Quan Thánh Đế Quân (gia đình), Bà Thiên Hậu, Ông Bổn (chùa, miễu), tổ nghề nghiệp. Ngoài ra, một số nơi còn thờ cúng Tổ tiên nhân loại (Cửu huyền trăm họ), các danh nhân – anh hùng dân tộc: Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Lê Văn Duyệt, Trần Thượng Xuyên, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều, Phan Công Hớn, Thầy Thím, liệt sĩ cách mạng (đền, miễu, dinh), v.v.

Ngoài ra, từ sau năm 1954, người Việt Bắc Bộ còn đưa vào một vài nơi ở Nam Bộ (như thành phố Hồ Chí Minh) các tôn giáo thờ cúng nhân thần: Quốc tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần, v.v.

– Các tôn giáo độc thần:

Bao gồm các tôn giáo dân tộc: đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đạo Cao Đài được thành lập năm 1926 tại Tây Ninh, kết hợp đạo Phật với Đạo giáo, Khổng giáo, Công giáo, đạo Thánh Mẫu, có 2,4 triệu tín đồ trên cả nước (2009), tập trung nhất ở Tây Ninh, Bến Tre, Long An, Tiền Giang. Phật giáo Hoà Hảo được thành lập năm 1939 tại An Giang, trên nền tảng Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, kết hợp đạo Phật với tín ngưỡng dân gian, được công nhận tổ chức tôn giáo năm 1999, hiện có khoảng 1,3 triệu tín đồ ở Tây Nam Bộ, tập trung đông nhất ở An Giang. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời năm 1867 tại An Giang, được công nhận tổ chức tôn giáo năm 2010, hiện có khoảng 78.000 tín đồ ở Tây Nam Bộ, tập trung nhất ở An Giang. Ngoài ra, một số người còn tin theo các giáo phái, hệ phái bắt nguồn từ Phật giáo như Bửu Sơn Kỳ Hương (thành lập năm 1849 ở An Giang, có khoảng 15.000 tín đồ ở Tây Nam Bộ), Huỳnh Đạo (thị xã Châu Đốc, An Giang), đạo Ông Trần (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu), đạo Dừa (cồn Phụng, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre), v.v.

Kế tiếp là các tôn giáo thế giới: Phật giáo Bắc Tông, Công giáo, Tin Lành. Tiếp nối truyền thống của người Việt ở đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ, người Việt Nam Bộ cũng dành ưu tiên cho đạo Phật, xây dựng chùa chiền trên khắp đồng bằng, đặc biệt là những vùng đồi núi sót. Tính chung tất cả 9 tổ chức và hệ phái bao gồm cả Phật giáo Nam Tông, đạo Phật có khoảng 10.000.000 tín đồ trong cả nước (2010). Đạo Công giáo, đạo Tin Lành cũng có đông tín đồ, phần lớn là giáo dân di cư từ miền Bắc.

Tương ứng với hình thái đa dạng về tôn giáo là mạng lưới dày đặc các cơ sở thờ tự. Rất nhiều cơ sở thờ tự cũng đồng thời là di tích lịch sử – văn hoá của Nam Bộ như đền Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh; chùa Bà ở Bình Dương; đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai; lăng Ông Lê Văn Duyệt, chùa Ông, chùa Bà ở thành phố Hồ Chí Minh; lăng Hoàng Gia, lăng Trương Định, lăng Tứ Kiệt ở Tiền Giang; lăng và đền thờ Thoại Ngọc Hầu, miễu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc; đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá; v.v.

Tương ứng với sự phong phú về cách thức hoạt động sản xuất và về tôn giáo, lễ hội của người Việt Nam Bộ cũng rất đa dạng, bao gồm cả bốn loại hình lễ hội truyền thống ở Việt Nam: lễ hội nông nghiệp – ngư nghiệp; lễ hội tưởng niệm danh nhân – anh hùng dân tộc; lễ hội tín ngưỡng – tôn giáo; và hỗn hợp. Tất cả đều mang sắc thái Nam Bộ mặc dù nhiều lễ hội bắt nguồn từ Trung Bộ. Ở các đình làng, thường xuyên có các lễ hội Kỳ yên tiến hành vào đầu năm và cuối năm, để tạ ơn Thành Hoàng Bổn Cảnh, các thần linh và các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, khai cơ, giúp dân an cư lạc nghiệp. Ở vùng ven biển, lễ hội Nghinh Ông là sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hoá và tâm linh của cư dân. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi có 10 đền thờ cá voi, nhiều nhất ở miền Nam, bên cạnh lễ hội Nghinh Ông còn có lễ Lệ Cô Long Hải từ 10/2 đến 12/2 âm lịch để thờ cúng Mẫu – Nữ thần và kết hợp cúng thần biển. Ở Bến Tre, lễ hội Nghinh Ông được tiến hành vào ngày 16/6 âm lịch hằng năm tại các làng ven biển thuộc huyện Bình Đại, huyện Ba Tri. Trong ngày hội, tất cả tàu thuyền đánh cá đều về tập trung để nghinh Ông, tế lễ, vui chơi và ăn uống. Ở Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Vàm Láng (Tiền Giang)… đều có lễ hội Nghinh Ông trọng thể hằng năm. Lễ hội tưởng niệm các danh nhân có công mở đất như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), Lê Văn Duyệt, Trần Thượng Xuyên… và lễ hội tưởng niệm các anh hùng dân tộc như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều, Phan Công Hớn… đều là những lễ hội long trọng do nhân dân tổ chức, với sự bảo trợ của chính quyền địa phương. Lễ hội tín ngưỡng – tôn giáo bao gồm hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen; lễ hội Vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam; các lễ tết cổ truyền như tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ; các lễ hội thường niên của đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành… Trong số đó, lớn nhất là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ 23/4 âm lịch ở núi Sam, Châu Đốc, một địa chỉ hành hương tiêu biểu của Nam Bộ, hằng năm thu hút đến 2,9 triệu người hành hương và du khách (2008).

2.3.2. Tôn giáo của các tộc người thiểu số ở Nam Bộ

Người Hoa ở Nam Bộ phần nhiều theo các tín ngưỡng dân gian và thờ cúng tổ tiên. Hệ thống thần thánh của người Hoa rất phong phú và phức tạp. Các thần thánh được cộng đồng thờ cúng gồm Bà Thiên Hậu, Quan Thánh Đế Quân, Ngọc Hoàng, Ông Bổn, Khổng Tử… Trong đó, thánh nhân được thờ cúng nhiều hơn thần linh, và Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Phước Đức Chánh Thần là ba vị thần được tôn sùng bậc nhất. Bên cạnh đó là hàng chục vị thần của các địa phương. Trong gia đình, người Hoa thờ các vị thần bảo hộ gia đình: Thiên Quan Tứ Phước, Môn Thần, Thổ Địa Bản Gia, Táo Quân, Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần, Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần, Quan Âm Bồ Tát, Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, tổ tiên, tổ sư. Một số người Hoa cũng theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành.

Những nơi thờ phụng công cộng của người Hoa như các hội quán, miếu, đình, đền, chùa, nhà thờ, đều có lối kiến trúc và điêu khắc cổ kính, đặc thù. Những nơi thờ phụng công cộng này không chỉ là trung tâm tín ngưỡng mà còn là trung tâm văn hoá, giáo dục của cộng đồng, nơi giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá nghệ thuật của người Hoa. Riêng Sài Gòn – Chợ Lớn đã có trên 20 nơi thờ phụng công cộng như vậy: các hội quán Minh Hương Gia Thạnh (xây dựng năm 1789), Nghĩa Nhuận, Lệ Châu (Minh Hương – Chợ Lớn), Tuệ Thành (Quảng Đông – Chợ Lớn, xây dựng năm 1796), Quảng Triệu (Quảng Đông – Sài Gòn), Hà Chương, Ôn Lăng, Tam Sơn (Phúc Kiến – Chợ Lớn), Nghĩa An (Triều Châu – Chợ Lớn), Quỳnh Phù (Hải Nam – Chợ Lớn), Quần Tân (Hẹ – Gò Vấp); các miếu Thất Phủ (7 bang – Chợ Lớn), Thiên Hậu (Quảng Đông – Sài Gòn); đình Nhị Bang (Phúc Kiến – Chợ Lớn); đền Ngọc Hoàng Đa Kao (tất cả người Hoa); các chùa Phụng Sơn (Hội chợ Sắt), Trúc Lâm (Phật tử gốc Hoa), Bảo Sơn (Phúc Kiến – Chợ Lớn), Báo Ân (tín đồ Công giáo Hoa); các nhà thờ Cha Tam (tín đồ Công giáo Hoa), Phúc Ân, Tịnh Tâm (tín đồ Tin Lành Hoa), v.v.

Người Hoa cũng có rất nhiều lễ hội: tết Nguyên đán 1/1 âm lịch, vía Ngọc Hoàng 9/1, vía Quan Công 13/1, tết Thượng nguyên 15/1, ngày Hàn thực 3/3, vía Ông Bổn 15/3, tiết Thanh minh tháng 3, vía Bà Thiên Hậu 23/3, lễ tế Khổng Tử và 72 tiên nho, tết Đoan ngọ 5/5, ngày cúng cô hồn 15/7, tết Trung thu 15/8, ngày Hạ nguyên 15/10, tiết Đông chí 15/11; chưa kể các nghi lễ vòng đời.

Phần lớn các tôn giáo và thần linh của người Hoa đã được người Việt Nam Bộ tiếp thu, xem là thần linh của mình. Và người Việt cũng lui tới, chăm sóc các nơi thờ tự các thần linh gốc Hoa này, kể cả những nơi không còn hoặc không có người Hoa cư ngụ.

Người Khmer Nam Bộ theo Phật giáo Nam Tông (Theravada), một tôn giáo mới du nhập từ thế kỷ XIII nhưng đã thay thế đạo Bà La Môn, chi phối rất sâu sắc đời sống của người Khmer. Đối với người Khmer, Phật là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất, là đấng thiêng liêng nhất, còn sư sãi là những người thay Đức Phật để hoằng hoá độ sinh, vì vậy rất được mọi người tôn kính. Ngày nay, bên cạnh việc học tập ở trường phổ thông, nhiều gia đình Khmer cũng theo truyền thống, cho con trai đến tu tập tại chùa để trở thành một con người hoàn thiện về nhân cách, phẩm chất, khả năng. Bên cạnh đạo Phật, người Khmer vẫn duy trì vật linh giáo với tục thờ cúng Neak Ta là các loại nhiên thần bảo hộ con người và đất đai trong một khu vực dưới hình tượng là những viên đá cuội bóng láng, và tục thờ cúng tổ tiên với lễ hội Sen Đônta. Còn tục thờ Arăk là bà tổ dòng họ mẫu hệ, bảo hộ gia đình, nhà, khu đất, rừng, vốn phổ biến dưới thời Pháp thuộc, thì hầu như không còn.

Chùa chiền của người Khmer Nam Bộ có kiến trúc rất độc đáo, là nơi thể hiện những thành tựu nổi bật về kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ và hoa văn trang trí của người Khmer. Các ngôi chùa không chỉ là trung tâm tôn giáo mà còn là trung tâm giáo dục, trung tâm văn nghệ, trung tâm hội họp, trung tâm lễ hội của cộng đồng. Tính đến tháng 6/2010, Phật giáo Nam Tông Khmer đã có 452 ngôi chùa với 8.574 vị sư (19,3% tổng số sư trong cả nước), tập trung chủ yếu ở 9 tỉnh thành Tây Nam Bộ: Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau. Trong đó, xưa nhất và nhiều nhất là các chùa Khmer trên địa bàn Trà Vinh và Sóc Trăng. Ở Trà Vinh có tới 140 chùa Khmer, vượt xa số lượng chùa của các tộc người khác hiện có trên địa bàn cộng lại. Trong đó tiêu biểu là chùa Âng (chùa Samrông Ek, có từ năm 1642, có thuyết cho là năm 1373), chùa Hang, chùa Nôdol (chùa Cò), chùa Samrônge (tương truyền được xây dựng năm 642, xây dựng lại năm 1850)… Ở Sóc Trăng, có những chùa nổi tiếng như chùa Kh’leang (xây dựng năm 1533), chùa Dơi (chùa Mã Tộc, chùa Ma-ha-tuc, ra đời khoảng đầu thế kỷ XVII), v.v.

Các lễ hội của người Khmer bao gồm hai loại chính là lễ hội nông nghiệp – ngư nghiệp và lễ hội tín ngưỡng – tôn giáo. Theo truyền thống, người Khmer phân chia lễ hội của mình thành hai loại là lễ hội văn hoá – lịch sử (pithi) và lễ hội có màu sắc Phật giáo (bon). Các lễ hội văn hoá – lịch sử bao gồm lễ Tết (pithi Chôl Chnam Thmây, 14-15-16/4 dương lịch, gồm nghi lễ đắp các núi cát và tắm Phật, tảo mộ ông bà, vui chơi), lễ cúng tổ tiên (pithi Sen Đônta, 29/8 – 1/9 âm lịch Khmer), lễ cúng trăng (pithi Sâm Peak Preach Khe, còn gọi là lễ đút cốm dẹp – Âk Âmbok, 15/10 âm lịch, gồm nghi lễ cảm tạ thần Mặt Trăng bảo hộ mùa màng, điều hoà thời tiết, đem lại ấm no, tổ chức đua ghe ngo – Um tuk ngua)… Các lễ hội có màu sắc Phật giáo bao gồm lễ Phật đản (bon Pisakh Bâuchea), lễ nhập hạ (bon Châul Vâssa), lễ cầu phước (bon Đa), lễ hội linh (bon Pchum Bôn), lễ tang (bon Sôp)…. Ngoài ra, người Khmer còn có các nghi lễ vòng đời như lễ cắt tóc (đầy tháng), lễ giáp tuổi (12 tuổi), lễ đi tu cho nam giới, lễ cưới, lễ chúc thọ, và lễ tang dùng hình thức hoả táng.

Người Việt Nam Bộ tôn trọng tôn giáo của người Khmer và thường tham dự các lễ hội tôn giáo của người Khmer cộng cư. Nhưng họ hầu như không theo các tôn giáo Khmer ngoại trừ một số nơi tiếp thu tục thờ cúng Ông Tà (Neak Ta), với sự phân công lại vai trò của các thần quản lý đất đai qua câu tục ngữ: “Ông Địa giữ nhà, Ông Tà giữ ruộng”.

Người Chăm Nam Bộ hầu hết đều theo đạo Hồi Islam, tôn thờ Thượng đế Allah, Thiên sứ Muhammad, và lấy Kinh Qur’an làm kim chỉ nam cho hoạt động tín ngưỡng của mình. Hiện cả nước có khoảng hơn 30.000 tín đồ Hồi giáo Islam, hầu hết là người Chăm Nam Bộ.

Mỗi khu vực cư trú (jammaah) của người Chăm Islam đều có một thánh đường (masjid) hay nhà nguyện (surau) làm nơi hành lễ của cộng đồng. Các thánh đường này đều có lối kiến trúc và trang trí rất độc đáo, đặc thù, là thành tựu nổi bật nhất về nghệ thuật của người Chăm Nam Bộ. Tại hai tỉnh thành có người Chăm cư trú đông nhất là An Giang và thành phố Hồ Chí Minh, đều có Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo được chính quyền công nhận, làm chức năng kết nối người Chăm Islam và những người đồng đạo khác với các cơ quan quản lý tôn giáo của Nhà nước và các tổ chức tôn giáo nước ngoài.

Các lễ hội truyền thống của người Chăm Nam Bộ chủ yếu là lễ hội tín ngưỡng – tôn giáo: lễ Tolakbala vào ngày Thứ tư tuần cuối tháng Safar (tháng 2 Hồi lịch) để cầu xin Thượng đế ban sự bình an, lễ kỷ niệm ngày sinh của Đấng Muhammad vào ngày 12 tháng Rabiul Awal (tháng 3), lễ Raya Iadil Fitrah vào ngày cuối cùng của tháng chay nhịn Ramadan (tháng 9). Các nghi lễ vòng đời gồm có lễ đặt tên, cắt tóc cho trẻ sơ sinh (cha kak buk), lễ thành niên thực hiện tiểu phẫu (khotan) ở bộ phận sinh dục khi con trai và con gái đến 15 tuổi, hôn lễ, và tang lễ dùng hình thức địa táng.

Do dân số ít và sinh hoạt khép kín nên người Chăm Nam Bộ không có ảnh hưởng đáng kể đối với văn hoá Việt trong vùng. Tuy nhiên, trong văn hoá Việt ở Nam Bộ vẫn có những yếu tố Chăm, bao gồm cả những ảnh hưởng tôn giáo, do lưu dân Việt đã hấp thu từ văn hoá Chăm ở đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ.

3. ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA TÔN GIÁO NAM BỘ

3.1. Tính đa dạng

Do tiếp biến tôn giáo của các tộc người khác nhau trong lịch sử, tôn giáo của cư dân Nam Bộ có đặc tính đa dạng chứ không thuần nhất. Hầu hết các hình thức tôn giáo từ nguyên thuỷ đến hiện đại đều có mặt ở nơi đây: tôn giáo nguyên thuỷ, tôn giáo dân tộc, tôn giáo thế giới, tôn giáo thờ cúng nhiên thần, tôn giáo thờ cúng nhân thần, tôn giáo đa thần, tôn giáo độc thần.

3.2. Tính dung hợp

Do tiếp biến tôn giáo của nhiều tộc người bản địa và ngoại lai, tôn giáo của cư dân Nam Bộ có đặc tính dung hợp rất cao.

3.3. Tính hệ thống

Hoạt động tôn giáo của các tộc người ở Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng không tồn tại riêng rẽ mà luôn gắn bó với chủ thể văn hoá và thể hiện qua các hoạt động văn hoá khác như tổ chức cộng đồng, phong tục, lễ hội, truyền thuyết, diễn xướng nghệ thuật…, trong các hệ thống văn hoá tộc người.

3.4. Tính dân tộc

Do gắn bó mật thiết với văn hoá tộc người, hoạt động tôn giáo của các tộc người ở Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng có tính dân tộc rõ rệt. Các tộc người, các nhóm địa phương dễ dàng nhận ra nhau qua các hoạt động tôn giáo chung. Sự biến đổi tôn giáo và bất đồng tôn giáo thường tạo ra nguy cơ chia tách các tộc người thành các nhóm địa phương.

4. KẾT LUẬN

Trong xã hội Việt Nam hiện tại, các hình thức tôn giáo không ngừng phát triển. Ở Nam Bộ cũng vậy.

Có nhiều nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển đó, trong đó có nguyên nhân xã hội và nguyên nhân tâm lý. Trong thời kỳ hiện đại, sự phân hoá xã hội, bất bình đẳng xã hội ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, các tôn giáo đã góp phần giải quyết trên thực tế những bất công và khổ ải bằng cách đem lại sự trợ giúp cụ thể về vật chất cần thiết đối với cư dân. Bên cạnh đó, các tôn giáo cũng đồng thời đem lại một con đường giải thoát trong hư ảo cho các tín đồ, đặc biệt là các tầng lớp dưới trong xã hội. Cơ sở giúp cho các tôn giáo phát triển còn là tâm lý thiếu tự tin, bất an cố hữu của con người trước những sức mạnh vĩ đại và những quy luật bí hiểm của tự nhiên mà con người chưa thể nhận thức. Cuối cùng, cơ sở giúp cho các tôn giáo phát triển còn là tâm lý muốn hưởng thụ vật chất và hưởng thụ hạnh phúc dài lâu, vĩnh viễn của con người. Để có thể kéo dài cuộc sống cho đến tận thế giới bên kia, người ta không có cách nào khác là cầu viện sự trợ giúp của tôn giáo.

Để tìm hiểu các vấn đề tín ngưỡng – tôn giáo, cần đặt nó dưới góc độ văn hoá. Tín ngưỡng – tôn giáo nào cũng có nội dung hướng thiện, trừ ác, cũng là một bộ phận văn hoá tinh thần của dân tộc, cần được bảo vệ giữ gìn sự trong sáng, tránh bị vẩn đục vì mục đích kinh tế hay tham vọng chính trị.

Để giải quyết vấn đề tín ngưỡng – tôn giáo, cần đặt nó trong vấn đề dân tộc, vì sự thống nhất của cộng đồng dân tộc Việt Nam đa tộc người, hướng hoạt động tín ngưỡng – tôn giáo vào việc giúp dân, giúp nước, làm việc thiện.

————————-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phú Văn Hẳn chủ biên & Lý Tùng Hiếu hiệu đính (2005), Đời sống văn hoá và xã hội người Chăm thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hoá Dân tộc.
  2. Lý Tùng Hiếu (2012), Ngôn ngữ – văn hóa vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ, ISBN: 9786045804193, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
  3. Lý Tùng Hiếu (2012), “Diện mạo văn hoá đa dân tộc – đa tôn giáo ở An Giang qua khảo sát điền dã”, Tập san Khoa học Xã hội & Nhân văn (Annals of USSH), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, số 56, tháng 9/2012, tr. 25-40; http://tapsan.hcmussh.edu.vn.
  4. Đỗ Quang Hưng chủ biên (2001), Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
  5. Trần Hồng Liên (2009), “Giá trị tinh thần truyền thống trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ (nghiên cứu so sánh với Bắc và Trung Bộ)”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập”, do UBND tỉnh Đồng Nai, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.03/06-10 và Khoa Văn hoá học Trường ĐHKHXHNV – ĐHQG-HCM tổ chức, Biên Hoà, 17-19/9/2009; http://www.vanhoahoc.vn.
  6. Nhiều tác giả (2000), Văn hoá Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á, TP. Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  7. Ngô Đức Thịnh chủ biên (2012), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, NXB Trẻ.
  8. Nguyễn Cẩm Thuý chủ biên (2000), Định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ (từ thế kỷ XVII đến năm 1945), Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
  9. Huỳnh Ngọc Trảng & Nguyễn Đại Phúc & Trương Ngọc Tường & Lý Lược Tam… (2006), Văn hoá & nghệ thuật người Hoa thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Văn hoá TP. Hồ Chí Minh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here