Giuse Trần Hồng Phúc,
Tu hội Thừa Sai Bác Ái – Vinh
Ý thức về tội là một biểu hiện của một lương tâm lành mạnh, người xúc phạm đến Thiên Chúa nhìn nhận sự sai lỗi của mình, nhưng không lấy mình làm chính, trái lại đặt mình trong mối tương quan với Thiên Chúa…
DẪN NHẬP
Khi nói đến tội, một mặt con người vẫn khẳng định tội là một thực tại vừa có thật vừa phổ biến trong cuộc sống; mặt khác, con người như nhắm mắt làm ngơ hoặc thờ ơ trước những sự xấu, sự bất công của người khác hay cho rằng điều đó không liên quan gì đến bản thân mình.
Thật vậy, khi nói đến hòa giải là giả thiết đã có sự đổ vỡ hay cắt đứt hay ít ra, sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai bên. Hoặc nói một cách chính xác hơn, khi nói đến tha thứ, nói đến Bí tích Thống Hối là giả thiết đã có tội xảy ra. Thế nhưng, con người đã quan niệm về tội như thế nào? Căn cứ vào đâu để xác định đó là tội? Phải chăng là căn cứ vào quan niệm của một số người hoặc căn cứ vào bộ luật quốc gia hay vào sự thiện của số chung nhiều người?
Trong phạm vi bài viết này, chúng ta tìm hiểu xem Giáo lý của Hội Thánh Công giáo đã quan niệm và định nghĩa về tội như thế nào; tội có phải chỉ thuần túy là lỗi luật và xúc phạm đến người khác, cách nhìn theo chiều ngang hay còn là sự xúc phạm đến Thiên Chúa nhìn theo chiều dọc? Phải chăng tội là bi kịch của người thời đại hôm nay? Và trong chiều hướng mục vụ, đâu là chìa khóa để giúp giải quyết tình trạng sa sút trong việc cử hành Bí tích Thống Hối?
I. TỘI GIÚP KHÁM PHÁ TIN MỪNG TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA
Thiên Chúa là tình yêu, Người tạo dựng mọi sự vì tình yêu. Chính trong Đức Giêsu Kitô và qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã ký kết với loài người một giao ước tình yêu. Chính trong tình yêu ấy mà con người nhận ra được sự giới hạn và bất toàn của chính mình, đồng thời hoán cải để bước theo Đức Kitô, hình ảnh tình yêu sống động của Chúa Cha.
A. Đức Kitô: Đấng mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa
Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ qua tình thương của Người, được tìm thấy nơi Chúa Kitô. Chúa Kitô đã mạc khải vai trò cứu thế của Ngài như lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả những ai cần đến ơn tha thứ và bình an. Đặc biệt cho những người tội lỗi mà Đấng Mêsia trở nên dấu chỉ rõ ràng về Thiên Chúa – Đấng vốn là tình yêu – dấu chỉ của Chúa Cha. Nơi dấu chỉ hữu hình này, con người thời đại chúng ta cũng như ngày xưa thấy được Chúa Cha. Thiên Chúa “Đấng là tình yêu” (1 Ga 4,16) chỉ có thể mặc khải mình như là Đấng thương xót. Qua hiến tế của người Con, Chúa Cha – với tình yêu của Người – dấn thân vào thảm kịch cứu độ con người. “Tin Mừng là được mặc khải thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân”.[1]
Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá không những đánh bại Satan mà còn là biểu hiện sự hòa giải giữa loài người với Thiên Chúa kể cả lúc con người đang là tội nhân. Chính trong tình yêu mà Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô có thể chịu đau khổ. Nếu Thiên Chúa không yêu, Ngài cũng không thể chịu đau khổ. Mầu nhiệm đau khổ của Thiên Chúa là mầu nhiệm về khả năng yêu thương vô hạn của Ngài.
Chính trong đau khổ mà Đức Kitô đã biến thành dụng cụ để cứu độ, vì chính trên khuôn mặt đau thương của Đức Kitô xuất hiện đặc tính căn bản của hữu thể thần linh “Thiên Chúa là tình yêu”(1 Ga 4,16). Thiên Chúa để cho con người nhận biết qua cuộc tử nạn của Người, ở đó lòng nhân hậu và từ tâm của Người đối với nhân loại biểu lộ một cách rõ ràng và không những Người giải tỏa tình yêu nhưng từ tận thâm sâu của bản thể, Người chính là tình yêu ấy. Từ nay đau khổ mang trên mình nhan thánh của Thiên Chúa yêu thương mà con người không ngừng phải khám phá.
Theo thánh Gioan, cái chết của Đức Kitô là cái chết tự nguyện, và vì lẽ đó mà Chúa Cha yêu mến Ngài (x. Ga 10,17-18), chính sự vâng phục tự nguyện đem lại giá trị cho sự đau khổ và cái chết của Đức Kitô.
Hơn nữa, tình yêu đến cùng của Ngài đối với Cha mặc khải tình yêu đến cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại. Khi tình yêu đối với Chúa Cha bắt phải đương đầu với sự chết, Ngài vẫn tiếp tục vâng phục. Ngài đã yêu đến cùng, nghĩa là bầy tỏ đến cực điểm tình yêu của Ngài. Tình yêu của Ngài đã chiến thắng hận thù, Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự ác bằng cái chết; chính trong cái chết, tình yêu đã thắng vượt để rồi sống lại, ân sủng phát xuất từ tình thương được biểu lộ liên lỉ ngay trong cái chết.
B. Đức Kitô giải thoát ta khỏi tội
Khi phó nộp Con của Người cho chúng ta, Thiên Chúa biểu lộ chương trình của Người đối với chúng ta, là chương trình tình yêu nhân hậu đi trước mọi công trạng của chúng ta: “Không phải vì chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu mến chúng ta và đã sai Con của Người đến làm hy sinh đền tạ tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4,10). Con Thiên Chúa “Đã từ trời xuống thế, không phải để làm theo ý mình, mà để làm theo ý Đấng đã sai” (Ga 6,38); khi đến thế gian Ngài đã nói: “Này con xin đến để làm theo ý Cha” (Dt 10,5).
Sau khi chấp nhận làm phép rửa cho Đức Giêsu theo sau những ‘tội nhân’, Gioan Tẩy giả đã nhận ra và chỉ cho thấy Đức Giêsu là “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29); ông cho thấy Đức Giêsu vừa là “Tôi Tớ đau khổ” bị đem đi giết (x. Is 53,7) vừa là Đấng gánh tội trần gian. Chiên Vượt qua là biểu tượng ơn cứu chuộc đối với dân Israel từ lễ Vượt qua đầu tiên (x. Tl 12,3-14). Tất cả đời sống Đức Kitô diễn tả sứ vụ của Ngài: “Hầu hạ và thí mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mc 10,4-15).
Đón nhận trong trái tim nhân loại của mình tình yêu của Chúa Cha đối với loài người, Đức Giêsu đã yêu họ đến cùng (x. Ga 13,1) vì “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống vì người mình yêu”, trong đau khổ và cái chết, nhân tính của Đức Giêsu trở nên dụng cụ tự do và hoàn hảo của tình yêu thần linh của Ngài muốn cho con người được cứu. Ngài đã tự do chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết vì yêu Chúa Cha và loài người mà Cha muốn cứu: “Không ai cất mạng sống Ta được, nhưng chính Ta tự thí mạng sống Ta” (Ga 10,18). Chính cái chết của Đức Kitô trở thành chất liệu cho hy lễ tình yêu, và sự chiến thắng qua cái chết này đã mở đường sự sống cho chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Đức Kitô đã công chính hóa và giao hòa chúng ta bằng một giao ước vĩnh cửu với Thiên Chúa.
Cuộc đời và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu chủ yếu là một cuộc chiến đấu chống tội lỗi. Chúa Kitô hoàn toàn ý thức được tính hiện thực của tội. Những dụ ngôn như: người con phung phá, người quản lý bất trung… cho thấy tội đâm rễ sâu nơi loài người.
Điều khẩn thiết là Đức Kitô đã mang đến cho loài người ơn tha tội, và cũng chính ơn này chứng tỏ uy quyền của Ngài: “Con Người có quyền tha tội” ( x. Mt 9,6). Đức Kitô cũng coi cái chết của chính mình là một hiến tế để tha tội: “Đây là máu Ta đổ ra để tha tội” (Mt 26,28). Ngài lập bí tích Thánh Tẩy để tha tội (x. Cv 2,38) và cũng ban cho Giáo Hội quyền tha tội nhân danh Ngài.“Chính trong cuộc khổ nạn khi lòng thương xót của Đức Kitô chiến thắng tội lỗi, mà tội lỗi lộ rõ nhất tính hung bạo và đa dạng của nó: các thủ lãnh và dân chúng cứng lòng tin, căm thù, chối bỏ và nhạo báng Ngài; Philatô hèn nhát; quân lính tàn bạo; Giuđa phản bội, gây đau đớn cho Chúa Giêsu; Phêrô chối Thầy và các Tông đồ bỏ chốn. Tuy nhiên, chính vào giờ của bóng tối và thủ lãnh của thế gian này có vẻ thắng thế, Đức Kitô đã tự hiến và âm thầm trở nên nguồn mạch vô tận thông ban ơn tha tội cho chúng ta”.[2]
Sau ngày Chúa Kitô sống lại, các tông đồ và các môn đệ đã hiểu đúng sứ mệnh của Ngài. Họ hiểu rằng Thầy mình không đến để thiết lập một vương quốc trần gian trong đó sẽ không còn đau khổ nhưng Ngài đến để khai mở thời cứu độ bằng chiến thắng tội ác.
C. Đức Kitô giúp ta khám phá bản chất của tội
Theo thánh Phaolô, ngay trong luật cũ cũng tố cáo tội là thù nghịch với Thiên Chúa, khiêu khích và khước từ Thiên Chúa (x. Rm 5,13;8,7). Nhưng phải đợi đến Đức Kitô, bản chất của tội mới hoàn toàn bị vạch trần. Bây giờ tội không còn là hành động nghịch với lẽ phải, nhưng là thưa ‘không’ trước ý định của Thiên Chúa.
“Tội là xúc phạm đến Thiên Chúa “con đã xúc phạm đến Chúa, đến một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51,6). Tội chống lại tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và khiến lòng ta xa lánh Người”.[3]
Khi Thiên Chúa gởi Con của Người xuống trần, Người đã dùng Con Một làm sứ giả tỏ rõ cho trần gian biết ý định yêu thương của Người. Một nghịch lý là con người không đón nhận tình yêu ấy mà lại quay mặt và khước từ. Như thế, “Tội là yêu mình đến mức khinh thị Thiên Chúa. Vì kiêu căng tự cao tự đại, tội hoàn toàn trái ngược với thái độ vâng phục của Đức Kitô, Đấng thực hiện ơn cứu độ”.[4]
Phạm tội chính là thù ghét Đức Kitô và qua đó thù ghét chính Thiên Chúa. Đức Kitô là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa. Bằng chứng đó vạch trần sự ác của tội, là lấy thù ghét đáp lại tình yêu của Thiên Chúa.
Dụ ngôn tá điền vườn nho chống lại chủ cho thấy tội có nhiều cấp bậc. Ban đầu anh từ chối nộp thuế, rồi giết gia nhân của chủ và sau cùng giết chính con của chủ (x. Mt 21,23). Tội của con người nay đã lên đến tột độ. Từ ngày Đức Kitô đến với loài người, loài người hưởng ân sủng ở mức độ tuyệt vời, nhưng càng được nhiều ân sủng mà càng sa ngã thì tội càng trở nên nặng. Trước kia tội của loài người không trầm trọng bằng từ khi loài người giết hại Đức Kitô. Thập giá thể hiện nỗi thống khổ của Thiên Chúa đã chịu vì loài người, và mọi tội đều tham dự vào việc sát hại Con Thiên Chúa. Chính trên thập giá, tình yêu của Chúa Cha nay mang một khuôn mặt cụ thể là Đức Giêsu Kitô. Chính Đức Giêsu đã nhập thể và đền tội để giao hòa con người với Thiên Chúa để làm cho con người trở nên công chính, để Thiên Chúa từ nay gần gủi với con người. Càng đi sâu vào trong Đức Kitô và đồng hóa với mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc, con người lại càng ngạc nhiên và càng thán phục sâu xa đối với chính, mình và tin rằng công trình cứu chuộc thể hiện nhờ thập giá Đức Kitô đã trả lại cho con người phẩm giá và ý nghĩa cho đời sống trong thế giới, trong khi vì tội lỗi mà con người đã đánh mất phần lớn ý nghĩa đó.
Trong đời sống của Đức Kitô, ta thấy thất bại nhiều hơn thành công, đau khổ nhiều hơn vui sướng. Điều đó cho thấy cuộc sống của Đức Kitô làm nổi bật sự phản loạn của con người chống lại Thiên Chúa và sự phẫn nộ của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng đồng thời cuộc sống ấy cũng để cho Thiên Chúa biểu lộ tình thương của Người, lòng thương xót đảm nhận định mệnh của con người, sự tủi nhục, những thất bại và những đau khổ của con người để giải thoát con người.
Đức Kitô đã chịu đau khổ để lột mặt nạ của sự dữ; Ngài vạch trần tất cả bản chất sự phản loạn của con người chống lại Thiên Chúa. Chính trong con người bị lên án, bị trừng phạt mà thân phận chúng ta trước mặt Thiên Chúa được phơi bày trước ánh sáng.
Lịch sử cuộc đời Đức Kitô từ Bêlem đến Gôngotha là cuộc đời của một kẻ bị bỏ rơi, bị khai trừ và bách hại bởi những người chung quanh mình và cuối cùng bị tố cáo, bị lên án và bị đóng đinh. Con Thiên Chúa bị loài người xua đuổi. Chính khi Thiên Chúa đến gần thụ tạo mình nhất, lúc ấy càng làm nổi bật khoảng cách vô hạn giữa con người và Thiên Chúa. Lúc ấy bộ mặt thực của tội được biểu lộ: từ khước ân sủng của Thiên Chúa khi ân sủng đến giữa chúng ta.
D. Chống lại tội để theo Đức Kitô
Nhìn thoáng qua, cái chết của Đức Kitô dường như không có vai trò gì đối với cuộc sống của chúng ta, vì đó là ‘tiêu hủy’, chứ không là ‘tái tạo’. Thế nhưng, nếu suy từ bản chất của sự sống phát xuất từ sự Phục Sinh của Đức Kitô, chúng ta sẽ thấy cái chết của Ngài có một ý nghĩa thực sự. Cái chết của Đức Kitô hủy diệt những yếu tố chống lại Thiên Chúa trong thế giới hiện tại. Dưới khía cạnh tích cực, cái chết loại bỏ những ngăn trở, đưa con người tội lỗi gần với Thiên Chúa.
Công trình cứu độ của Đức Kitô đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử loài người. Sự ác bị đánh gục, Đức Kitô chiến thắng tội lỗi và sự chết. Đã đến lúc con người phải lựa chọn: Đức Kitô là cớ vấp phạm, là câu hỏi đặt ra cho mọi người, là tảng đá phải giữ lại làm đá góc hay bị loại bỏ, là con người gây mâu thuẫn, làm cho kẻ đứng dậy, người ngã gục (x. Lc 2,34).
Đây là giây phút quyết liệt, phải lựa chọn bên nào? Vì không tin vào Chúa Kitô, nên con người đã ngả về phía tội. Tội loài người rất nặng vì lựa chọn sự ác một cách ý thức, được ánh sáng chiếu soi nhưng loài người tự giam mình trong đêm tối (x. Ga 16,8).
Chúng ta biết rằng, cùng đích của con người, sự sống đời đời, sự sống viên mãn, sự sống thần linh là chính Thiên Chúa. Con người không thể nào tự mình đạt tới cùng đích đó, nhưng có thể chờ đợi từ Thiên Chúa, con người không thể chờ đợi cách thụ động, ngược lại cần sống và hành động tiến về cùng đích.
Chính trong đức tin, Thánh Tẩy và các bí tích khác, người Kitô hữu được liên kết với thập giá và nhờ đó được dự phần vào chiến thắng của Đức Kitô đối với tội lỗi (x. Rm 6). Cũng chính nhờ được dự phần vào chiến thắng của Đức Kitô, nên người Kitô hữu phải chiến đấu ‘đến đổ máu’ (Dt 12,1-4). Người Kitô hữu phải dứt khoát chết cho tội, để được giải thoát khỏi tội, tội không còn thống trị như trước.
Người Kitô hữu dưới chế độ ân sủng trong sức mạnh của Đức Kitô, cần phải nhớ rằng tự sức mình không thể thắng được tội. Nếu có thắng được tội là nhờ liên kết chặt chẽ với Đức Kitô. Ai tách khỏi Đức Kitô là còn sống trong tội, còn làm nô lệ của tội và bị tội thống trị (x. Rm 7; Ep 2,1); ngược lại ai còn sống trong tội thì chưa gắn bó với Chúa Kitô, chưa biết Ngài và chưa theo Ngài với một đức tin sống động (1Ga 2,4; 3,6). Vì thế phải lựa chọn hoặc sống theo Đức Kitô để sống hoặc chết cho tội.
Sau khi lựa chọn Đức Kitô phải vẫn tiếp tục chiến đấu, không thể chiến thắng trọn vẹn mà không trải qua thập giá. Mặc dầu thuộc về Đức Kitô, người Kitô hữu vẫn có sự cách biệt và căng thẳng giữa ơn gọi thánh thiện do thánh tẩy tạo nên và tình trạng tội lỗi của người Kitô hữu sống giữa đời.
Tóm lại, con người không thể nào nhận ra tội nếu không hướng về Đức Kitô. Con người chỉ có thể đến gần Thiên Chúa khi con người sống gần Đức Kitô và đối chiếu cuộc đời mình với chính Ngài. Vì chính khi con người phạm tội là con người phá vỡ mối tương quan này với Thiên Chúa.
II. “TỘI”: MỘT BI KỊCH CỦA CON NGƯỜI
Khi suy nghĩ về con người, Kitô giáo chỉ có thể kết thúc bằng một tâm tình cảm phục có tính tôn giáo và bằng một sự tôn kính vô cùng: “Con người là hình ảnh của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, khi càng đào sâu, chúng ta càng khám phá ra con người là một thực thể nghịch lý, nhiệm mầu và linh thánh “Res sacra, Homo”. Tất cả các sự nghịch lý và mầu nhiệm của con người luôn dựa trên một liên hệ với Thiên Chúa, đắm chìm con người vào trong mầu nhiệm linh thánh. Một khi cái cảm thức về linh thánh xem ra đã biến mất khỏi tâm trí và cảm tính của con người, nghĩa là sau khi làm cho Thiên Chúa trở thành xa lạ với mình và chính sự thiếu vắng này đã làm cho người xa lạ với nhau. Đây là vết thương độc ác nhất mà chúng ta gọi là tội.
“Tội là lỗi phạm đến lý trí, chân lý, lương tâm ngay chính, là thiếu tình yêu đính thực với tha nhân, vì quyến luyến lệch lạc với thụ tạo. Tội làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại. Vì thế, tội được định nghĩa như: “một lời nói, một hành vi, một ước muốn trái với lề luật vĩnh cửu”.[5]
Như vậy, tội là “sản phẩm của tự do con người. Nhưng nằm sâu trong thực tại nhân sinh còn có những thành tố làm cho tội vượt thực tại nhân sinh, trong một vùng chung đụng giữa lương tâm, ý chí, cảm giác của con người với các quyền lực đen tối”.[6] Ở đây, chúng tôi xin được khai triển tội trong những chiều kích tương quan của con người với thực tại nhân sinh cũng như nhân linh.
A. Tội phá vỡ tương quan với Thiên Chúa
Bản chất của con người là quan hệ của mình với Thiên Chúa và cũng chính là ơn gọi của mình. Con người được tạo thành để có một cuộc sống mầu nhiệm với Thiên Chúa, để kiếm tìm Ngài bằng tư tưởng và bằng tình yêu, để phục vụ Ngài và xả thân vì vinh quang của Ngài. Và mục đích tối hậu là “liên kết với Ngài”, đắm chìm vào Ngài. Điểm đầu tiên giúp chúng ta hiểu về tội là con người cắt đứt tương quan với Thiên Chúa, không cần Thiên Chúa nếu không nói là “chống lại Thiên Chúa”.
Giáo huấn Giáo Hội khẳng định: “Tội là xúc phạm đến Thiên Chúa… tội chống lại tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và khiến lòng ta xa lánh Ngài. Cũng như đầu tiên tội là một sự bất tuân, một sự nổi loạn chống lại Thiên Chúa, muốn “trở nên như những vị thần” biết và quyết định điều thiện, điều ác (St 3,5)”.[7]
1. Tội là xúc phạm đến Thiên Chúa
Thiên Chúa dựng nên con người, mời gọi con người tham dự vào sự sống vinh quang của Ngài, nghĩa là Ngài vẫn ở với con người. Còn con người, ở ngay bên Ngài nhưng tâm hồn lại hướng theo điều khác. Đắc tội với Thiên Chúa là ở đây: con người không còn muốn ở với Thiên Chúa nữa, con người tự phá vỡ tương quan với Ngài.
Phải chăng con người không nghĩ đến Thiên Chúa vì Ngài không hiện hữu? Chính vinh dự của Thiên Chúa được đặt trong sự nhận biết này: nếu một hữu thể hiện hữu, thì nó được tốt lành và đáng được yêu mến hơn. Hơn nữa, bất cứ thực tại nào cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Trước khi nó hiện hữu Thiên Chúa đã mang nó trong Ngài: “nó được sinh ra từ tri thức và tình yêu của Ngài”, cho nên nó luôn mang trong chính mình một phản ảnh vẻ đẹp của Thiên Chúa. Đôi khi con người có khuynh hướng dựa vào hoàn cảnh, vào văn hóa hay giáo dục… để tự biện hộ rằng chính mình không được biết Ngài. Nhưng nghĩ cho cùng đó chỉ là một cách ngụy biện: thái độ vô thần chỉ là sản phẩm trí óc của con người. Trong thư Rôma 1,18-32 thánh Phaolô cũng nhắc lại rằng, sự tỏ mình của Thiên Chúa quá rõ ràng, không ai có thể tự bào chữa là không biết Ngài:“Quả vậy, tự trời, sự thịnh nộ của Thiên Chúa được mạc khải ra trên sự vô đạo… Vì chưng, lộ hiện rồi nơi họ những gì biết được về Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa đã bày tỏ ra cho họ. Vì từ buổi tạo thành vũ trụ, những gì nơi Ngài mắt xác thịt không thể thấy, thì trí khôn nhìn ngắm nơi công việc Ngài làm…Vì rằng họ đã biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh Ngài như Thiên Chúa, hay không tạ ơn Ngài, nhưng họ đã ra thác loạn trong các suy tưởng của họ, và lòng ngu muội của họ tối sầm lại.
Điểm then chốt chính là tự trong lòng con người không muốn ở với Thiên Chúa nữa. Con người không nhìn nhận Thiên Chúa chỉ vì sợ bị Ngài quấy rầy. Con người muốn xa Thiên Chúa để thực hiện cuộc đời theo ý thích riêng “muốn trở nên các vị thần biết và quyết định điều thiện, điều ác”. Điều khủng khiếp nhất là gạt Thiên Chúa sang môt bên, con người đặt ý riêng của mình lên trên ý muốn của Tạo Hóa, con người đi tìm chính mình hay một thụ tạo nào đó thay vì đi tìm Thiên Chúa.
Gạt Thiên Chúa sang một bên, chúng ta thường nghĩ rằng tội chỉ là một sự lệch lạc trong quá trình tiến hóa mà con người đành chịu. Trong khi đó, Kinh Thánh cho chúng ta biết lỗi nặng nhất của con người là ý muốn xấu xa của con người có tự do chống lại ý muốn của Thiên Chúa. “Tội trọng đòi hỏi phải có một nhận thức đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận…Tội trọng bao hàm một sự ưng thuận có suy nghĩ cạnh kẽ để trở thành một lựa chọn cá nhân”.[8] Hơn nữa, tội cũng không phải là một sự bất toàn mà con người có thể tự mình tu chỉnh được, nhưng tội là con người quay lưng lìa xa Thiên Chúa và không còn khả năng lập lại tình trạng cũ nữa. Điều đáng trách nhất cũng không phải là vi phạm “một lề luật vĩnh cửu”, nhưng là phản bội tình thương của Thiên Chúa. Tội là hành vi của con người muốn xác định mình ở ngoài Thiên Chúa và tỏ ra bất cần tình thương của Ngài.
2. Tội chống lại tình thương của Thiên Chúa
Kinh Thánh đã dùng một hình ảnh rất sống động để diễn tả tội chống lại tình yêu của Thiên Chúa: tội lỗi là một sự ngoại tình, Thiên Chúa yêu thương con người, nhưng con người lại không tưởng gì đến Thiên Chúa, mà con người chỉ hướng về thụ tạo. Như một người đàn bà quên chồng để chạy theo tình nhân, con người đã xa Ngài và không còn trung thành với Ngài nữa.
Trước hết, con người yêu mến cái thực tại trần thế này vì nó bởi Thiên Chúa mà ra. Thụ tạo tất cả đều xuất phát từ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa và tất cả đều tốt đẹp nghĩa là đầy hiện hữu, nhựa sống và phong phú “Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp” (St 1,10b). Đó là điệp khúc gõ nhịp cho công cuộc sáng tạo trong sách Sáng Thế. Và nơi cuối bộ Thánh Kinh, ta còn nghe âm vang câu đó nơi một lời của thánh Phaolô: “Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt lành, và không có gì loại bỏ trong những thứ mà ta phải đón nhận với niềm cảm tạ” (1Tm 4,4).
Kế đến, con người trong thân phận hiện nay của mình, không còn biết thế nào là quân bình nữa. Không những con người yêu mến mà còn ưu tiên tha thiết với cái thực tại trần thế này, coi đó là lẽ sống của mình. Một khi sự yêu mến này trở thành một sự tôn thờ, nó đã đi tới chỗ gạt bỏ cái vĩnh cửu và cái thiêng liêng ra khỏi cuộc sống của con người. Thái độ có ý thức và suy nghĩ này đã được áp dụng và bảo vệ một cách man rợ, và chắc chắn đây là sự sai lầm điển hình nhất, đáng sợ nhất của con người.
Cuối cùng con người đã chối từ tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Đức Kitô là Tin Mừng mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa. Tin Mừng mà thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi con người tái khám phá và chuyển ra ngôn ngữ của mình: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, nghĩa là đón nhận Tin Mừng tình yêu, Tin Mừng được làm con Thiên Chúa.
Tin Mừng tình yêu là Thiên Chúa đã ban Con của Ngài để đền tội lỗi cho chúng ta (1Ga 4,10), và con người cần phải nhận biết tình yêu của Thiên Chúa “ở sự Chúa Kitô đã hiến mạng sống của Ngài vì con người” (1Ga 3,16), bởi vì: “Tội lỗi của chúng ta chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập giá. Để một khi đã chết với tội, chúng ta được sống cuộc đời công chính” (1Pr 2, 24). Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc con người, Ngài là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa. Ngài đã đến trần gian để cứu lấy tình yêu của con người và mang đến cho con người sự chữa lành tận gốc. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi mọi người: “Hãy ngước nhìn lên mầu nhiệm Thập giá như cao trào của vỡ kịch, trong đó Đức Giêsu cảm nhận và hứng chịu tột độ bi kịch của con người tách rời khỏi Thiên Chúa, cho nên Người đã kêu lên những lời sau đây: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi sao Ngài bỏ tôi” (Mt 27, 46) và đồng thời hoàn tất sứ mạng hòa giải chúng ta….[9]
Có thể nói một cách chính đáng về Đức Giêsu rằng: trong cơn giận dữ Người đã đứng ra giao hòa cho nên Người là “sự bình an của con người ”, thì Người cũng là “sự hòa giải của con người”, là nguồn ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ trên con người . Ân sủng Đức Kitô đụng đến con người để kết hợp con người với Thiên Chúa, đổ đầy sự thiếu thốn tinh thần của con người và trả lại cho con người bản thể siêu nhiên. Khước từ Đức Kitô là con người khước từ tình yêu của Thiên Chúa và con người bước ra khỏi sự sống. Bởi vì “Mọi tội kể cả tội phạm thượng cũng sẽ được tha cho con người, chứ nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha” (Mt 12,31). Nghĩa là: “Lòng Thiên Chúa thương xót không có giới hạn, nhưng ai cố tình không hối cải và khước từ lòng Thiên Chúa thương xót thì cũng khước từ sự tha tội và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban cho”[10] qua cuộc vượt qua của Đức Kitô.
B. Tội phá vỡ tương quan với chính mình
Con người được dành cho hai sinh hoạt trong vũ trụ này. Một là con người đắm chìm trong những sinh hoạt của thế giới này: sống giữa những sự vật và những hữu thể. Thứ hai, con người được kêu gọi sống giữa những sinh hoạt của thần linh: Chúa Kitô hiện diện giữa lòng thế giới này để dẫn đưa con người vào hoạt động trong Thiên Chúa. Con người phải đồng thời hít thở trong cái vĩnh cửu và trong cái có thời gian. Như vậy, cái thực tại sâu xa nhất của con người là được mời gọi, nghĩa là con người được hiện hữu không phải để cứ tồn tại ở đó mãi, nhưng là để tự kiện toàn bản thân: bằng cách kết hợp với Thiên Chúa và với mọi người. Tội đã làm hư hoại bản thân của con người, làm cho con người không còn vươn lên được nữa. Tội làm cho con người quên mất phẩm giá của mình và trở thành những kẻ nô lệ cho chính tội…
Thánh Grégoire de Nysse nhận định: “Mỗi người chúng ta sinh ra do sự chọn lựa của bản thân mình và một cách nào đó, chúng ta là cha của bản thân mình, bởi vì chúng ta tự sinh đẻ ra mình như chúng ta muốn”. Cái “tự sinh đẻ ra mình như chúng ta muốn” không còn do sự chọn lựa nữa. Con người đã bị chi phối bởi tội và không còn làm chủ được mình được nữa. Thánh Phaolô đã phác họa lên cái tâm trạng tự chia rẽ chính mình rằng: “Điều tôi làm ra, tôi không biết; vì điều tôi muốn, tôi không thi hành, nhưng tôi lại làm chính điều tôi ghét” (Rm 7, 15). Đây là một sự chinh phục gay go, chậm chạp và không bao giờ kết thúc. Để làm “cha của bản thân”, con người luôn phải chống lại sức tuột xuống của thói quen. Và bằng một cố gắng đầy nghị lực, phải giữ nguyên khả năng phản ứng của mình.
Thật là đáng sợ, con người đã tự mình đánh mất ý nghĩa, giá trị, nếu không nói là chính bản thân mình. Con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và chính điều này làm cho con người bắt chước Thiên Chúa trong việc thống nhất xác hồn. Nhưng ở đây, vẫn còn căng thẳng và xung đột mạnh hơn bao giờ hết. Không phải căng thẳng giữa linh hồn và thể xác, nhưng giữa hai bản năng ích kỷ và quảng đại. Cả hai loại cũng là bản năng của tinh thần, nhưng loại thứ nhất có sẵn một sự đồng lõa của những bản năng xác thịt mạnh nhất và trực tiếp nhất như bản năng sinh tồn, bản năng gây hấn, bản năng tính dục. Đây không phải xung đột giữa hai yếu tố cấu thành linh hồn và thể xác, nhưng là xung đột ở bên trong “cái tôi”: một cái tôi xác thịt bám rễ sâu vào những bản năng sơ đẳng nhất mà hung bạo nhất – và một cái tôi tinh thần bám rễ sâu vào mầu nhiệm sâu xa và là đà tiến của tinh thần. Sự chọn lựa được đặt ra giữa cái tôi xác thịt và cái tôi tinh thần một cách quyết liệt nhất trong con người.
Con người được mời gọi hãy phong phú hóa bản thân bằng cách phát huy – hãy làm chủ mình bằng một hoạt động vô cùng sâu xa hơn, nhắm đặt ý thức về mình và làm chủ được bản thân trong sự sáng suốt và trong sức mạnh – hãy tự ban cho mình qua một sức đẩy đầy quảng đại, khiến con người vượt qua những giới hạn của mình. Nhưng một khi: “Đã phạm tội một lần, người ta bị lôi cuốn phạm tội nữa. Những hành vi xấu được lập đi lập lại sinh ra thói xấu. Hậu quả là con người nghiêng chiều về điều xấu về điều ác, mờ tối lương tâm và lệch lạc trong việc đánh giá cụ thể điều lành và điều dữ…”.[11] Quả thật, tội làm cho con người đương đầu với sự sáng suốt hoặc tìm một sự tự chủ đối lại sức mạnh thú vật trong mình. Tội đưa con người đến những rào chiến nội tâm, những vật chướng ngại mà chính con người âm thầm dựng nên trong chỗ sâu kín nhất của tâm hồn mình. Cái bi đát nhất của con người đó là nô lệ cho tội.
Sự sai phạm đầu tiên của con người là ý muốn tự do cho mình là đủ, muốn làm ông chủ của mình, toàn quyền quyết định về hành động và về hạnh phúc của mình. Điều này làm cho con người cắt đứt mối liên hệ ân nghĩa với Thiên Chúa và điều tất yếu là cắt đứt mối liên hệ ân nghĩa với thân xác của mình. Chính tự do là một tặng phẩm cao quý nhất mà Thiên Chúa đã phú bẩm trong con người, để trong tự do này con người mỗi ngày một giống Thiên Chúa hơn trong sự quy chiếu về Người. Tội đã tước mất ý nghĩa tinh tuyền của tự do, làm cho tự do trở thành một sự xung khắc trong chính con người. Nó trở thành một nhà tù tinh vi hơn, đáng sợ hơn cả sự lầm lẫn và các đam mê: đó là sự giam cầm mà tinh thần con người tự tạo ra cho mình, nơi diễn ra thảm kịch bất đồng của chính con người. Một sự sáng suốt lạnh lùng hoặc một ý chí sắt đá có thể dẫn tới những chuyện ghê sợ, khi chúng phục vụ cho lòng ích kỷ hoặc cho tính kiêu căng của tinh thần. Chính điểm này, tự do đã tạo nên một con người nô lệ cho những đam mê và làm hao tổn con người.
Đến đây chúng ta nhớ lại sự căng thẳng của Thánh Phaolô, giữa cái “tôi ích kỷ” và “cái tôi quảng đại” sự xung đột ngay trong con người, và sự xung đột này gây nên cái bi thảm chủ yếu của bản thân con người. Từ đây con người đánh mất khả năng hợp nhất chính mình trong Thiên Chúa, trong thụ tạo… Con người muốn trở thành cứu cánh cho chính mình, gạt bỏ ơn gọi của mình.
C. Tội phá vỡ tương quan với đồng loại
Thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con người nói về con người: “Sống mà không có tình yêu thì con người vẫn là một cái gì không thể hiểu được đối với chính mình”.[12] Cuộc sống con người mất hết ý nghĩa nếu không nhận lấy mặc khải về tình yêu, nếu không gặp tình yêu và không chiếm lĩnh tình yêu thành của mình, không tham dự vào đó cách mãnh liệt. Như thế, bản chất sâu xa của con người là tình yêu và trong tình yêu con người mới thể hiện được chính mình. Tội lỗi làm cho con người khước từ tình yêu của Thiên Chúa đồng thời cũng khước từ tình yêu đối với anh em.
Thánh Kinh trình bày một cách sống động về những thực tại mà tội đã gây ra cho con người trong mối tương quan với đồng loại. Trước khi phạm tội, Ađam–Eva ‘hai mà một’. Sau khi phạm tội: ‘đâu phải tôi, chính người đàn bà mà Ngài đã ban cho tôi’. Cái ‘chúng ta’ bị chẻ đôi thành hai mảnh bất bình với nhau ‘tôi và bà ấy’. Câu chuyện tháp Babel là một minh họa khác: sự đoạn tuyệt với Giavê đưa đến hậu quả là phá vỡ mối dây thân hữu đã liên kết gia đình nhân loại. Người con phung phá sau khi tiêu hết gia tài, phải chăn heo ngoài đồng: anh lủi thủi một mình giữa đàn gia súc. Đối với loài người, anh ta chỉ còn một mối quan hệ duy nhất là quan hệ tôi tớ với ông chủ. Có thể nói địa ngục đã bắt đầu với anh ta rồi: “Địa ngục là nỗi khổ cho những ai không thể yêu thương” (Dostoievsky).
Dưới cái nhìn một cách loại suy, Tông huấn Sám hối và Hòa giải cho chúng ta thấy: “Khi phạm tội, con người từ chối phục tùng Thiên Chúa, cho nên sự cân bằng nội tâm cũng bị phá vỡ và chính vì thế trong họ nảy sinh sự bất đồng và xung đột. Bị tổn thương như thế, con người cũng không thể tránh gây ra tai hại cho cấu trúc của mối quan hệ với người khác”.[13] Tội đã phá vỡ mối tương quan giữa con người với con người, con người không còn là tất cả những gì mà Thiên Chúa muốn cho nó, nó bị tách rời khỏi Thiên Chúa đồng thời nó trực tiếp tấn công vào đồng loại của mình. Và một hậu quả tất nhiên của tội đó là: “Làm cho con người trở thành đồng lõa với nhau, và để cho dục vọng, bạo lực, bất công thống trị. Tội lỗi tạo nên những tình trạng xã hội và những định chế nghịch lại với lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Các tổ chức tội ác vừa là biểu lộ vừa là hiệu quả của các tội cá nhân. Chúng xúi dục các phạm nhân cùng phạm tội. Hiểu nghĩa loại suy có thể gọi chúng là tội xã hội”.[14]
Đứng trên quan điểm của mình, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho chúng ta thấy tội bao gồm hai vết thương mà con người đã mở ra cho chính mình và trong mối quan hệ với đồng loại. Ở đây, chúng ta có thể nói về tội cá nhân và tội xã hội dưới phương diện: mọi tội đều là “tội cá nhân”. Và dưới một phương diện khác mọi tội đều là “tội xã hội”. Cả hai phương diện đều đưa con người đến một tình trạng bôi đen chính mình trong tương quan với Thiên Chúa và với nhau. Con người được dựng nên là để sống hiệp thông với Thiên Chúa, đồng thời phải kiến tạo tình huynh đệ trong chân lý và tình yêu. Nhưng một khi tội lỗi đã xen vào thì sự kiến tạo huynh đệ trong chân lý và tình yêu được đặt dưới những khía cạnh nào?
Đời sống con người là một đời sống xã hội. Đời sống này không phải là một cái gì được thêm vào nhưng là một đòi hỏi của bản tính con người. Nhờ trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người phát triển các tiềm năng và đáp lại ơn gọi của mình. Khi phạm tội con người tự mình tách rời khỏi xã hội. Hay đúng hơn, tội đưa đến việc xã hội đào thải con người. Đây là mặt trái của tình liên đới mà theo quan điểm tôn giáo được biểu lộ trong mầu nhiệm sâu thẳm và huy hoàng về sự hiệp thông các thánh.[15] Nhờ đó, có thể nói rằng: “Một linh hồn vươn lên cao thì cũng nâng cả thế giới lên” (Elisabeth Leseur). Do đó, một con người phạm tội thì cũng kéo theo cả thế giới, bởi vì khi lún sâu vào tội con người làm giảm đi giá trị của đời sống xã hội nơi mà “mỗi người trở thành người thừa tự, lãnh nhận các nén bạc để làm giàu căn tính… Mỗi người phải đóng góp cho các cộng đồng mà mình là thành viên”.[16]
Mặt khác, xã hội là một tập thể những người sống liên kết với nhau cách hữu cơ theo một nguyên lý hợp nhất, vượt lên trên từng cá nhân. Hậu quả tất nhiên của tội là làm cho con người trở thành đồng lõa với nhau và để cho bạo lực, dục vọng, bất công thống trị. Đây là nỗi bất hạnh lớn nhất cho đời sống nhân loại. Nỗi bất hạnh này kéo dài trong hận thù và tạo ra tình trạng cô lập, không tin tưởng lẫn nhau và đóng kín. Trong Tông huấn Sám hối và Hòa giải, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất nhấn mạnh về tội xã hội này:“Xã hội áp dụng cho mọi tội chống lại sự công bình của tương giao giữa người với người, cá nhân đối với cộng đoàn hoặc do cộng đồng đối với cá nhân. Cũng là xã hội, mọi tội chống lại các quyền của con người, bắt đầu bằng quyền được sống và gồm cả quyền được sinh ra, hoặc tội chống lại sự toàn vẹn của thân thể con người…”.[17]
Như vậy, tất cả những tội mà Tông Huấn đưa ra cho chúng ta đã ăn sâu vào lịch sử nhân loại vào tiềm thức của mỗi người và sự rạn nứt của mối tương giao ngày càng sâu hơn. Hệ quả tất yếu là “Bạo lực kéo theo bạo lực trong một chuỗi bi đát kéo dài qua nhiều thế hệ, mỗi người thừa hưởng sự hận thù đã chia rẽ cha ông họ”.[18]
Vượt lên trên tất cả, đời sống xã hội này phải được coi như là một thực tại tinh thần. Thực tại này bao gồm việc trao đổi các kiến thức trong ánh sáng chân lý. Thực thi các quyền và chu toàn các bổn phận, cùng nhau tìm hiểu sự thiện hảo luân lý, chung hưởng cái đẹp thanh cao dưới mọi hình thức chính đáng, luôn chia sẻ cho nhau những gì tốt đẹp nhất và ước mong cho nhau ngày càng phong phú về mặt tinh thần. Nét đặc trưng của xã hội là con người cần đến xã hội để thực hiện ơn gọi làm người. Việc lẫn lộn giữa phương tiện và mục đích dẫn tới việc coi phương tiện như cùng đích và tối hậu, hay xem con người chỉ là những phương tiện để đạt tới mục đích. Điều này dẫn đến những cơ cấu bất công và con người không còn biết đâu là giới hạn của mình. Cuối cùng dẫn đến những mối quan hệ không phải nhất nào cũng phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa đã được Tông huấn Sám hối và Hòa Giải nhấn mạnh như là sự đấu tranh giữa các giai cấp cũng như sự đối đầu giữa các quốc gia khác… Thế thì mối tương quan của nhân loại được hàn gắn như thế nào? Thực trạng nhân loại hôm nay luôn là một nhân chứng hùng hồn cho việc tội phá vỡ tương quan của con người với đồng loại.
D. Tội phá vỡ tương quan với vũ trụ
Vũ trụ Kitô giáo là một vũ trụ được sáng tạo. Thiên Chúa sáng tạo do lòng quảng đại để bày tỏ tình yêu và để con người thông phần vào sự tốt lành của Ngài. Vì thế, vũ trụ là một diễn tả xa xôi nhưng hiện thực về Thiên Chúa: chúng nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người và nhất là ân ban mà Thiên Chúa dành cho mỗi một con người. Thánh Kinh đã ghi lại những giây phút thật đẹp của con người thuở ban đầu: “Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eđen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính Ngài nặn ra… Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì thì tên nó là thế” (St 2,8; 19).
Tương quan giữa con người và vũ trụ phải chăng chỉ là những giai thoại thi vị hóa hay chỉ là những điều không tưởng của quá khứ? Phải chăng tội đã đánh mất cái nhìn lạc quan về vũ trụ này? Quả thực, tội đã làm lu mờ mối tương quan của con người với vũ trụ, từ đây vũ trụ không còn là biểu hiện yêu thương của Thiên Chúa nữa nhưng là: “Đất đai bị nguyền rủa vì con người và đất sẽ trổ sinh gai góc cho con người” (St 3,17-18).
Con người ngày càng nhận thấy mình là một mảnh hoặc một đỉnh cao của vũ trụ mênh mông. Điều này dẫn con người đến một ý thức rằng lịch sử của mình được ghi sâu vào trong lịch sử của vũ trụ này. Con người cúi nhìn vũ trũ với nhiều tha thiết hơn, nhiều thèm muốn hơn và nhiều hy vọng hơn bao giờ hết. Con người ra sức thống trị và chế ngự vũ trụ, nhắm làm cho vũ trụ ngày càng trở thành nơi ở được, rút ra từ vũ trụ lương thực nuôi thân xác cũng như tinh thần. Điều này dẫn con người đến một quan niệm biến vũ trụ thành một Thượng Đế cho con người và che khuất chính Thiên Chúa thật. Và tương quan đầu tiên đã bị đánh mất: con người bắt đầu đứng xa vũ trụ này và con người không còn đứng bên trong vũ trụ này nữa.
Mặt khác, cái nhìn của con người ngày nay càng trở nên u ám hơn. Bởi vì con người chỉ nhìn thấy vũ trụ như những sự vật được khai thác hay tiêu dùng. Vũ trụ đã bị đánh mất chiều kích dấu chỉ linh thánh của mình và chỉ còn lại là “các sự vật” mà thôi. Từ đây, “Trời xanh không còn tường thuật vinh quang của Thiên Chúa nữa”, nhưng là quyền lực của con người. Chính điều này đã làm cho con người đánh mất một thực tại rộng lớn là con người cũng là một thành phần của vũ trụ. Con người là thụ tạo giữa các thụ tạo khác, tuy nắm giữ một vai trò ưu đãi là cộng tác vào công cuộc tạo dựng, tiếp nối công trình mà Thiên Chúa đã khởi sự. Giờ đây con người bước vào vũ trụ với những cuộc chiến và trở nên xa lạ với vũ trụ… vũ trụ trở thành mối đe dọa khủng khiếp cho con người.
Nhìn từ góc độ sáng tạo, vũ trụ không phải là một thực tại bất động ù lì nhưng luôn sống động và hoạt động, toàn thân hướng về cùng đích của nó. Bởi vì Thiên Chúa gọi mọi sự tới chỗ hiện hữu, tới sự sống và tới hoạt động. Ngài không gọi từ bên ngoài, nhưng từ bên trong, đồng thời tiếng gọi này cũng là một tiếng gọi gửi tới con người. Con người được gắn liền với vũ trụ trong lãnh vực sự sống, lãnh vực luân lý và lãnh vực tôn giáo. Cùng với vũ trụ nó làm nên một toàn bộ có tính hữu cơ và chỉ tìm thấy ý nghĩa, sự hoàn thành của mình trong vinh quang của Thiên Chúa. Thật là trớ trêu khi vũ trụ này đang trở thành mối đe dọa cho con người: đất đai trở nên sa mạc hóa, động thực vật ngày càng có nhiều loại tuyệt chủng… dẫn đến mất cân bằng sinh thái… ảnh hưởng rất lớn đế sự sống của con người, nhất là những thiên tai, bão lụt, động đất,… đang rình rập sinh mạng của con người. Đây là câu hỏi phải được nêu lên: vì sao cái quyền lực được con người từ thuở ban đầu là phải cho phép con người thống trị vũ trụ thì vũ trụ quay ra chống đối lại chính con người, gây nên một tình trạng lo âu, sợ hãi,…
Nếu phủi sạch những gì là bi đát chúng ta còn nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tình trạng của con người và tình trạng của vũ trụ. Vũ trụ chỉ có ý nghĩa nhờ con người: con người là bản tóm tắt, là khuôn mẫu điển hình của vũ trụ. Thế nhưng một lần nữa mối liên hệ này đã bị phá hủy, không phải từ phía vũ trụ nhưng là từ phía con người. Tình trạng đe dọa đối với con người xuất phát từ những sản phẩm do con người làm ra, được tỏ lộ theo những hướng khác nhau và gồm những cường độ khác nhau: “Con người ngày nay xem như luôn bị đe dọa bởi chính cái mình làm ra, tức là kết quả công lao bàn tay mình, và hơn nữa của lao động trí óc mình”,[19] trong tài nguyên phong phú của chính vũ trụ mà con người được ban cho quyền thống trị và canh tác.
Đã có một nguy cơ thật sự mà ai cũng nhận ra được: trong khi sự thống trị của con người trên vũ trụ đang tiến bộ lớn lao, thì con người lại có thể đánh mất căn nguyên chỉ đạo cho sự thống trị này. Bởi vì con người đã chịu khuất phục cách này hay cách khác trước thế giới vật chất. Con người từ bỏ chính mình, chỗ đứng đặc biệt của mình để trở thành nô lệ cho các hệ thống kinh tế, việc sản xuất, các sản phẩm,… Một nền văn minh có dạng thuần vật chất bắt buộc con người phải nô lệ như thế. Và “một tình trạng sợ hãi có ý thức hay vô thức và đầy đe dọa đang lan rộng cách này hay cách khác đến toàn thể gia đình nhân loại hiện thời và đang tỏa ra dưới mọi hình thức”.[20] Nhất là trong thời đại nguyên tử này, con người run sợ trước những tai họa khủng khiếp và những tàn khốc do các loại khí giới gây nên… một trong những sản phẩm tối tân nhất của con người.
Tóm lại con người được dựng nên để chia sẻ sự sống vinh quang của Thiên Chúa, nhất là tham dự vào sự sống tình yêu của Ngài. Vì thế tất cả mọi người đều được mời gọi tiến đến cùng đích là chính Thiên Chúa. Có một sự tương đồng nào đó giữa sự hiệp nhất Ba Ngôi Thiên Chúa và tình huynh đệ mà con người phải kiến tạo cho nhau trong chân lý và tình yêu. Yêu người không thể tách rời khỏi mến Chúa và những gì phát xuất từ Thiên Chúa. ‘Sự loại trừ Thiên Chúa’, ‘đoạn tuyệt với Thiên Chúa’, ‘không tuân phục Thiên Chúa’ trải qua suốt lịch sử nhân loại đó là tội qua nhiều hình thức khác nhau. Nó có thể đi xa tới chỗ ‘phủ nhận Thiên Chúa’ và sự hiện diện của Người trong thụ tạo. Đây là một phần trọn vẹn của sự thật về con người.
III. MỘT VÀI GHI NHẬN
Ghi nhận đầu tiên mà sách Giáo lý Công Giáo các số từ 1846-1876 đã trình bày cho chúng ta về “tội lỗi” thật hay về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Kế đến, sách Giáo Lý cũng nói đến thái độ đầu tiên của Thiên Chúa đối với “tội lỗi” của con người đó là “lòng từ bi của Thiên Chúa”: “Tin Mừng là mạc khải được thực hiện nơi Đức Kitô, về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thiên thần loan báo cho thánh Giuse: “Ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi” (Mt 1,21).
Lịch sử cứu độ gồm hai hoạt động chính của Thiên Chúa: sáng tạo và cứu độ. Con người được dựng lên để chia sẻ sự sống vinh quang của Thiên Chúa, nhất là tham dự vào sự sống tình yêu của Người. Nhưng vì con người đã phạm tội, đã chạy theo tiền bạc, hưởng thụ, sống một đời sống vô thần thực hành và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời mình nên dẫn đến hậu quả là con người phá vỡ đời sống tương quan: đầu tiên là với chính bản thân kẻ phạm tội, tiếp đến là phá vỡ tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và cuối cùng là với vũ trụ. Chính vì con người phạm tội mà Thiên Chúa phải cứu độ con người. Thánh Augustino đã nói: “Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta không cần chúng ta cộng tác; nhưng Người không muốn cứu độ chúng ta mà không có chúng ta góp phần”.[21] Thực ra vì con người phạm tội trước nên Thiên Chúa mới hoạch định chương trình cứu độ. Còn điều mà thánh Augustino nói là việc con người cộng tác tích cực vào ơn sủng hoán cải của Thánh Thần.
Thế nhưng đâu mới là vấn đề cốt lõi cho sự cộng tác này, do đâu mà con người phạm tội, điều gì đã làm cho con người ngày nay phạm tội? Phải chăng con người ngày nay đang mất dần ý thức về tội, không còn cảm thức về tội? Hay nói cách khác con người ngày nay đang đánh mất “cảm thức về Thiên Chúa”? Cuộc đấu tranh thực sự vẫn phải xoay quanh vấn đề này. Vì chỉ khi nào con người nhận biết Thiên Chúa hiện diện, con người mới ý thức rõ về tội và con người mới có cảm thức về tội.
A. Con người ngày nay mất cảm thức về tội
Công đồng Triđentino định nghĩa lương tâm là “thầm kín nhất và là thánh điện của con người”, “lương tâm được liên kết chặt chẽ với sự tự do của con người… Chính vì thế, lương tâm là yếu tố căn bản tạo lên phẩm giá nội tại của con người, đồng thời tạo mối liên hệ với Thiên Chúa”.
Vậy mà thời đại ngày nay có quá nhiều dấu hiệu cho thấy con người đang sống dưới sự đe doạ của sự vắng bóng lương tâm, một lương tâm bị méo mó, bị tê liệt và bị “đánh thuốc mê”. Với một lương tâm bị đánh thuốc mê như thế thì đương nhiên ý thức về tội cũng bị lu mờ và bị “đánh thuốc mê” theo, khi lương tâm bị lu mờ dẫn đến cảm thức về tội lu mờ thì hệ quả tất yếu đó là ý thức về Thiên Chúa hiện diện cũng bị lu mờ. Để diễn tả thực trạng đau buồn này, Đức giáo hoàng Piô XII đã đưa ra một ghi nhận rất ấn tượng: “Tội của thế kỷ chúng ta là mất cảm thức về tội”.
Tại sao lại có hiện tượng này trong thời đại chúng ta? Và đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó?
1. Những nguyên nhân làm cho con người ngày nay mất cảm thức về tội
Việc mất cảm thức về tội có thể do nhiều nguyên nhân và liên hệ đến nhiều lãnh vực như quan niệm về Thiên Chúa, tôn giáo, luân lý và về phía Giáo Hội… Nếu những quan niệm này lệch lạc thì chẳng mong gì có một quan niệm đúng đắn về tội.
a/. Chủ thuyết nhân bản hiện sinh
Chủ thuyết này đề cao vai trò của con người, lấy con người làm gốc và đặt con người vào trung tâm, không có gì cao hơn con người, muốn giải thoát con người ra khỏi mọi ràng buộc của cuộc sống. J.P Sarte đã khẳng định trong cuốn “les mouches”; con người tự tạo và tự đảm nhận lấy cuộc sống của mình. Con người là quy tắc của chính mình: “Không có gì ở trên trời… không có thiện có ác, không có gì ra lệnh cho tôi, vì tôi là người…”.
Con người hành động một cách tự do, con người dấn thân vào cuộc sống, phác hoạ khuôn mặt mình và ngoài khuôn mặt đó ra không có gì hết. Nếu không hành động theo tự do là con người phản lại con người. Khi hành động theo tự do điều đó được coi là tốt bất kể điều đó đúng hay là sai.
Quan niệm hành động theo tự do này đã ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến cảm thức về tội nơi các tín hữu. Nhiều người đã lấy tự do làm tiêu chuẩn cho hành động của mình, đôi khi còn khước từ sự ràng buộc của luân lý, có khi họ còn quan niệm rằng luật lệ là phụ còn tự do mới là chính.
Phong trào tục hóa này không chỉ là tư tưởng mà còn là thói tục thiết lập một thuyết nhân bản hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa, chỉ tập trung vào hành động và sản xuất, bị cuốn hút vào hưởng thụ và thoả mãn, không chú ý gì đến nguy hiểm “mất linh hồn”. Phong trào này chỉ làm giảm ý thức về tội và tội chỉ tập trung vào việc xúc phạm đến con người. Nhưng sự nguy hiểm của chủ thuyết này là con người xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa, nhưng rồi chính thế giới đó sẽ quay lại chống con người: bao nhiêu thiên tai bệnh tật… đang đổ xuống đầu con người.
b/. Niềm tin vào Giáo Hội bị khủng hoảng
Cảm thức về tội bị lung lay do tình trạng khủng hoảng của lòng tín nhiệm của các tín hữu đối với Giáo Hội trong những vấn đề về luân lý.
Thế giới đang có chiều hướng muốn tách khỏi Giáo Hội vì cảm thấy Giáo Hội không theo kịp đà tiến triển của thời đại. Họ nghĩ rằng Giáo Hội ngày nay không còn hợp thời, bởi vì Giáo Hội không đưa ra được những giải pháp, những cách giải quyết thoả đáng cho những vấn đề của thời đại. Cũng có thể Giáo Hội cũng có đưa ra nhưng quá chậm trễ, cho nên dễ bị lỗi thời. Tình trạng này dễ làm cho nhiều tín hữu cảm thấy hoang mang, bị giằng co giữa niềm tin vào Giáo Hội với ước muốn đối thoại với thời đại. Nhiều người không còn vâng lời tuyệt đối những chỉ dẫn của Giáo Hội nữa. Nhiều cuộc tranh luận về vấn đề sự sống con người… nổ ra. Sự mất tín nhiệm vào Giáo Hội còn do một sự kiện trong quá khứ như: vụ án Galilê…
Trong một vài thế kỷ qua Giáo Hội hầu như im tiếng trong các vấn đề xã hội và lao động được đặt ra sôi nổi. Vào lúc có nhiều cơ cấu kinh tế bất công, có nhiều hình thức bóc lột tập thể bị quần chúng lên án gắt gao, thì luân lý Kitô giáo chỉ nhấn mạnh đến công bình cá nhân, ít chú ý đến công bình xã hội. Chính Đức Piô XII nhận định: điều làm cho Giáo Hội bị tổn thương ở thế kỷ XIX là Giáo Hội để mất giới lao động. Vẫn biết là Giáo Hội có lên tiếng trong thông điệp “Rerum novarum”, nhưng thông điệp lại ra sau tuyên ngôn của chủ nghĩa cộng sản đên nửa thế kỷ, mà điểm chính yếu lại chỉ đề cập đến những vấn đề trái với đức tin và quan niệm công giáo. Gần đây nhất là vấn đề chiến tranh chống khủng bố, giáo hội hầu như rất dè dặt, mặc dù có lên tiếng chính thức trong sứ điệp hòa bình ngày 01/01/2002, nhưng người ta lại có cảm tưởng dường như Giáo Hội đứng về phía những người “giầu và mạnh…”.
Các giá trị luân lý, tự do tôn giáo, công bình xã hội, dân chủ, bình đẳng giữa các chủng tộc… ít được Giáo Hội khám phá và nhìn nhận.
Vấn đề nhân quyền cũng vậy, Kinh Thánh không ngừng khẳng định phẩm giá siêu việt của con người… Tuy nhiên phải đợt đến thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và Công đồng Vatican II, chúng mới được Giáo Hội công nhận và công khai bênh vực.
Nhìn chung cách này hay cách khác Giáo Hội đã gây cho nhiều người có cảm tưởng rằng Giáo Hội ít quan tâm và lắng nghe thời đại, từ lâu Giáo Hội quen “nói về” thế giới để mãi đến Công đồng Vatican II, Giáo Hội mới “nói với” thế giới.
Tuy nhiên, sự chậm trễ của Giáo Hội đối với những vấn đề mới không phải là không có lý do. Giáo Hội có thái độ như thế là vì khi mới xuất hiện những giá trị này còn ở tình trạng vàng thau lẫn lộn, hoặc chúng là phương thế được dùng để chống lại Giáo Hội. Chính vì thế mà Giáo Hội cẩn thận để cho những giá trị đó được gạn lọc hết những tạp chất, mới an tâm nhìn nhận. Dầu vậy, tình trạng trên ít nhiêu cũng ảnh hưởng đến ý thức của các Kitô hữu, làm cho người Kitô hữu không còn chấp nhận ý niệm về tội.
c/. Thách thức của khoa học nhân văn
Ngày trước, do sự ngộ nhận giữa đức tin và khoa học, các khoa học vật lý đã gây ra một số những khó khăn. Ngày nay khi không còn mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học thì lại đụng phải lãnh vực khoa học nhân văn.
Ngày nay có nhiều người muốn dùng khoa học nhân văn như: tâm lý, xã hội học,… để giải thích các hiện tượng tôn giáo. Như vậy họ muốn loại trừ mọi yếu tố mang tính siêu nhiên của tôn giáo. Cảm thức về tội cũng được người ta dùng xã hội học và phân tâm học để giải thích. Như thế cảm thức về tội bị biến mất do những điêu mập mờ khi con người đón nhận một số những thành quả của khoa học nhân văn. Một vài xác quyết của khoa tâm lý thành kiến cho rằng con người không thể phạm tội hay không thể kiềm chế được tự do đưa đến việc không nhận ra một thiếu xót nào nữa. Hoặc người ta dựa vào một vài thứ loại suy, dựa vào khoa xã hội để quy tội cho xã hội, còn cá nhân thì hoàn toàn vô tội.
Cuối cùng cảm thức về tội bị biến mất phần nào do ảnh hưởng của vấn đề giáo dục nơi gia đình, nhà trường và các phương tiện truyền thông, vì tội bị đồng hoá một cách sai lạc với cảm giác bị cắn rứt bởi sự lỗi phạm hay với việc đơn thuần vi phạm lề luật với sự hướng dẫn của lề luật.
Nhìn chung con người thời nay thường chú trọng đến sự thăng tiến của con người đề cao các giá trị nhân văn, nhưng chính sự đề cao đó cũng lại đang có vấn đề. Người ta kiện người mẹ vì tình thương “cạo gió” cho con khi con đau, để rồi sẵn sàng “giết hàng loạt” những thai nhi chưa đủ khả năng bảo vệ cho sự sống của mình, khi những thai nhi này đụng chạm đến sự tự do của họ. Con người thời đại muốn tự lập, quen sống tự do và chịu trách nhiệm về sự thăng tiến của mình, họ sẵn sàng khước từ bất cứ một luật lệ nào có tính áp đặt từ bên ngoài. Vì thế họ khó có thể chấp nhận tội là một sự vi phạm lề luật.
Người thời nay thích thay thế ý niệm “tội” bằng một ý niệm khiếm khuyết hoặc sơ suất hơn, ý muốn này cho thấy một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Bởi vì hai ý niệm tội và khiếm khuyết khác hẳn nhau. Tội nằm trong ý chí và xúc phạm đến một ngôi vị, nghĩa là xúc phạm đến Thiên Chúa, còn khiếm khuyết nằm trong hành động của con người, khi con người thực hiện ý định của mình, hành động của con người có thể không đạt tới chỗ hoàn hảo, có thể sai lầm, lầm lẫn,…
Việc đánh mất cảm thức về tội là hình thức hay hậu quả của việc từ chối Thiên Chúa do sự tục hoá, nếu tội là sự phá vỡ tương quan với Thiên Chúa cắt đứt liên hệ phụ tử với Thiên Chúa và sống một cuộc sống không có Thiên Chúa, thì tội không đơn sơ chỉ là sự phủ nhận Thiên Chúa mà còn là sự phá vỡ tương quan với chính mình và với người khác, sống như một người không có hiện diện. Mặt khác, vì con người khao khát sự tự trị cá nhân, đề cao sự tự do, cộng với việc xuất hiện những mẫu đạo đức do dư luận tạo ra, nhân phẩm thì bị đè bẹp bởi xã hội, kinh tế, làm phát sinh những xu hướng chỉ nhìn thấy những sai lệch và lầm lỗi trong chiều kích xã hội mà thôi. Nhưng điều tệ hại hơn cả vẫn là việc con người chối bỏ tình thương và quyền hạn của Thiên Chúa trên con người.
2. Cảm thức về tội nơi các Kitô hữu
Như đã trình bày ở trên một số nguyên nhân thuộc thời đại mới, gián tiếp ảnh hưởng đến cảm thức về tội nơi người Kitô hữu. Sau đây xin trình bầy những nguyên nhân trực tiếp ngay trong Giáo Hội gây ra tình trạng mất cảm thức về tội nơi các Kitô hữu. Nhiều khi cảm thức về tội bị suy yếu vì chính quan niệm về Thiên Chúa, nhất là tương quan giữa Thiên Chúa và con người, đã bị hiểu sai do những khuynh hướng lệch lạc như: quá bi quan về các thực tại trần thế, hay suy tôn quá mức uy quyền của Thiên Chúa.
a/. Bi quan về các thực tại trần thế
Khuynh hướng này ảnh hưởng của chủ thuyết Platon, dẫn dến viêc nghi ngờ, miệt thị tât cả những gì liên quan đến vật chất và thân xác, coi chúng là đồng loã với sự ác, chỉ nên tiếp xúc và sử dụng chúng khi tối cần thiết, chẳng hạn như thái độ đối với đời sống hôn nhân. Cũng thế không ít những tín hữu tỏ ra dè dặt với khoa học kỹ thuật… vì coi chúng là biểu hiện của sự kiêu căng và ham muốn hưởng thụ của con người.
Khuynh hướng bi quan quá mức này thường đưa tới thái độ xuất thế và tiêu cực. Vì thế mà Nietzche đã mỉa mai: “người Kitô hữu là kẻ vô ích, đứng ngoài, buông xuôi, không tha thiết gì với công việc của trái đất…”. Cũng may nhận xét này chỉ đúng với một vài tín hữu, bởi cũng còn khá nhiều người còn sống với thái độ tích cực.
Từ chỗ bi quan và xuất thế đã đưa tới chỗ hạn chế tự do của con người. Vì nhiều tín hữu coi khoái lạc cũng là phi luân lý, họ chưa phân biệt đâu là khoái lạc chính đáng, và hình thức nào là không, bất cứ khoái lạc nào cũng bị coi là tội.
b/. Suy tôn quá mức uy quyền của Thiên Chúa
Việc tôn thờ Thiên Chúa là bổn phận đương nhiên. Vấn đề là phải tôn thờ thế nào?
Nhiều người chê trách Kitô giáo là phi nhân bản chỉ vì ngộ nhận rằng lòng tin vào Thượng Đế tất nhiên loại trừ lòng tin vào con người. Ngộ nhận này nhiều khi do các Kitô hữu gây ra. Họ lầm tưởng rằng chỉ có thể tôn trọng quyền năng của Thiên Chúa bằng cách phủ nhận giảm giá khả năng của con người. Đến độ có triết gia phản ánh bằng cách tuyên bố: “Hãy giết Thiên Chúa để con người được sống”.
Thực ra, Thiên Chúa và con người không thể có cạnh tranh và mâu thuẫn. Triết gia S. Kiergegaard đã nhận xét rất chí lý: con người chỉ là con người trong và nhờ mối tương quan với Thượng Đế, có nghĩa là: nếu con người tách rời khỏi Thiên Chúa thì giống như cá ra khỏi nước. Quan niệm lệch lạc về tôn giáo và về Thiên Chúa đã kéo theo nhiều thái độ luân lý lệch lạc, vì thế làm biến chất cảm thức về tội. Nhưng ngược lại sự suy tôn quá mức về quyền năng của Thiên Chúa dẫn tới nền luân lý không còn chú trọng đến sự thăng tiến của con người do vậy mà kém nhạy cảm với một nền văn minh kỹ nghệ đang nảy sinh…
c/. Luân lý duy pháp lý
Một nền luân lý thực dụng ra đời do khuynh hướng duy pháp lý, lấy luật lệ làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho hành động của con người. Vì quá chú trọng đến nguyên tắc, là những luật buộc hoặc cấm, theo quan niệm này cho thấy luân lý không còn chỉ cho thấy điều phải làm để trở nên tốt hơn, nhưng chỉ dạy cho biết điều phải tránh để khỏi phạm tội. Luân lý đã tiêu cực như thế, thì làm sao có thể khuyến khích tín hữu sống đạo theo mẫu gương của Thiên Chúa. Bởi vì, tội trọng trở nên tiêu chuẩn chính. Vì sống đạo trước hết là tránh phạm tội trọng.
Chính vì yếu tố pháp lý mang nặng hình thức được đề cao, tội là vi phạm lề luật. Điều này làm lu mờ tính đối thần của tội. Thực ra, tội nhằm chính Thiên Chúa, nghĩa là nằm trong mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa. Quan niệm pháp lý đặt con người trong tương quan với lề luật, cũng làm giảm tính chất chủ yếu của tội. Quan niệm pháp lý về tội không nhấn mạnh đủ đến tính ác nội tại của tội (tội xấu tự bản chất). Quan niệm này chỉ cho thấy tính xấu ngoại tại của tội (tội xấu chỉ vì vi phạm một điều nào đó). Như vậy là rất thiếu xót: tội không phải chỉ xấu vì bị cấm (tính ngoại tại) mà còn xấu vì chính nội dung của nó (tính ác nội tại). Hơn nữa, tự nó xấu mới bị cấm. Quan niệm pháp lý về tội không cho thấy rõ điều này. Bởi vậy dễ gây ngộ nhận và vô tình biến luân lý thành một thứ kế toán tỉ mỉ về tội. Phải thấy tính tác hại của tội, làm hỏng chính con người, làm tổn thương hoặc tiêu diệt chính sự thăng tiến của con người. Có hiểu đúng như thế thì con người thời nay mới dễ chấp nhận ý niệm về tội.
B. Phục hồi cảm thức về tội
Các nguyên nhân tác động trực tiếp hay gián tiếp đến cảm thức về tội vừa được trình bày ở trên cho thấy muốn giúp cho con người thời nay nói chung hay các tín hữu nói riêng phục hồi cảm thức về tội. Điều cần thiết là giúp cho họ ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa, để họ nhận ra chương trình tình yêu của Ngài qua mầu nhiệm cứu độ. Mặt khác giúp cho họ thấy được tầm mức quan trọng của tội. Tội vừa chống lại Thiên Chúa vừa chống lại con người.
1. Hậu quả của sự mất cảm thức về tội
Con người có thể xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa, nhưng rồi thế giới này cũng quay lại chống chính con người. Việc loại bỏ Thiên Chúa, cắt đứt những quan hệ với Thiên Chúa, bất tuân những luật lệ của lương tâm sẽ làm cho thăng bằng của nội tâm bị chênh lệch, tự nó gây ra mâu thuẫn và xung đột ngay trong tâm hồn con người. Một khi đã phá vỡ như thế con người sẽ gây ra những xung đột trong tương quan với mọi người chung quanh và cho cả vũ trụ.
Con người có thể loại Thiên Chúa ra khỏi đời mình. Nhưng điều đó sẽ kéo theo những hậu quả hết sức trầm trọng đối với chính bản thân con người và đối với phẩm giá của người ấy. Việc xa rời Thiên Chúa là tự đánh mất những nền tảng luân lý tạo nên cơ sở nền tảng cho đời sống chung giữa con người, và thay vào đó bằng một nền văn hóa giả tạo, đặt trọng tâm trên sự hưởng thụ và tiêu thụ và không có một ý tưởng nào khác ngoài việc đấu tranh cho những quyền lợi ích kỷ của mình. Lãng quên Thiên Chúa, cũng là căn nguyên của những hệ thống kinh tế lãng quên phẩm giá con người, chỉ xem lợi nhuận là mục tiêu chính đã gây ra bao nhiêu thảm kịch đau buồn như nạn thất nghiệp và bao nhiêu con người bị đẩy ra bên lề xã hội.
Việc xa rời Thiên Chúa, lãng quên Thiên Chúa, sự vắng bóng những giá trị nhân bản còn gây nên sự xuống cấp trong chính đời sống gia đình, gia đình bị tan rã, bị xâu xé bởi nhiều cuộc ly thân, ly dị, hạn chế sinh con, phá thai,… gia đình xuống cấp kéo theo hậu quả giới trẻ và trẻ em thay vì được sống trong một bầu khí chan hòa hạnh phúc yêu thương và đùm bọc của gia đình lại bị đẩy vào một cuộc sống sặc mùi tệ nạn, nghiện ngập và các thứ (dịch vụ) không thể tưởng tượng nổi…
Thiết tưởng rằng để giúp cho con người nói chung phục hồi cảm thức về tội cần phải nhận chân mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ tạo dựng lên con người, mà khi con người phạm tội, Người đã thực hiện một cuộc sáng tạo thứ hai: đó là cứu độ con người.
2. Đổi mới ý thức về tội
a/. Tội và mầu nhiệm cứu độ
Định nghĩa tội là vi phạm lề luật của Thiên Chúa không phải là sai. Nhưng định nghĩa như thế chưa đủ, còn mơ hồ và dựa trên một quan niệm pháp lý về tội. Muốn làm sáng tỏ bản chất của tội, cần đặt trong viễn tượng ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã mặc khải và thực hiện trong Chúa Kitô “chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi các tội lỗi của họ…” (Mt 1,21).
Ý định của Thiên Chúa là ban cho con người một Đấng cứu thế trong chính Con Một của Ngài. Chúa Kitô đến để phục hồi nhân loại đưa con người vào tương quan thân tình ban đầu giữa Thiên Chúa với con người và con người với con người. Thực ra, sứ mạng của Ngài không phải chỉ là chuộc tội, nhưng còn là mở đường đưa con người vào đời sống mới, cho dự phần vào vương quốc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chính đời sống mới và sự gia nhập vào thiên quốc được đặt nền tảng trên ơn tha tội và lòng sám hối.
Trong ánh sáng của mầu nhiệm cứu độ, bản chất của tội trở nên sáng tỏ hơn. Tội chính là khước từ hồng ân cứu độ được ban trong Chúa Kitô, là khước từ tình yêu của Thiên Chúa, không nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Con người tuyệt đối hóa chính mình, tự đặt mình vào vị trí Thiên Chúa. Chỉ có thể hiểu được tội trong ánh sáng của ơn cứu độ và muốn được cứu độ cần có ý thức về tội. Thật vậy, muốn được cứu độ cần ao ước ơn cứu độ. Muốn ao ước ơn cứu độ cần nhận ra tình trạng tội của mình.
Một người không biết mình mắc bệnh, sẽ không bao giờ nghĩ đến việc chữa bệnh và tìm thầy chữa bệnh. Một người mất cảm thức về tội cũng vậy, họ sẽ không bao giờ cảm thấy cần ơn cứu độ và tìm đến Đấng Cứu Thế. Con người bị lôi cuốn vào tình trạng suy tôn thụ tạo lên hàng tuyệt đối.
b/. Ý thức về tội và mặc cảm về tội
Một trong những nguyên nhân làm cho con người đương thời không chấp nhận ý thức về tội là họ lẫn lộn giữa ý thức về tội và mặc cảm về tội lỗi.
– Ý thức về tội
Ý thức về tội là một biểu hiện của một lương tâm lành mạnh, người xúc phạm đến Thiên Chúa nhìn nhận sự sai lỗi của mình, nhưng không lấy mình làm chính, trái lại đặt mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Người có ý thức về tội nhìn Thiên Chúa hơn nhìn chính mình. Nhìn Thiên Chúa để nhận ra lòng yêu thương của Người và đau xót vì lầm lỗi của mình đã làm cho tình yêu đó thất bại. Sự đau xót này chính đáng và lành mạnh vì nó giúp cho tội nhân mở rộng lòng đón nhận Thiên Chúa.
– Mặc cảm tội lỗi
Khác với ý thức về tội, mặc cảm tội lỗi là triệu chứng của một lương tâm bệnh hoạn. Người có mặc cảm tội lỗi thì khép kín, lấy mình làm trung tâm, quay nhìn chính mình, không nhìn Thiên Chúa, không tin vào lòng nhân từ và đón nhận lòng tha thứ của Ngài.
Như vậy, muốn phục hồi cảm thức về tội. Trước hết là khôi phục và đề cao nhân đức sám hối, mà mặt tích cực của sám hối là quay về với Thiên Chúa và tin vào Đức Giêsu. Sám hối theo tinh thần của Đức Kitô không chỉ là dứt khoát với tội lỗi của quá khứ, nhưng còn bao gồm cả sự biến đổi tận căn nơi con người, nhìn nhận sự hiện diện đầy quyền năng yêu thương của Thiên Chúa và thiết lập một mối tương quan tốt đẹp giữa Thiên Chúa và con người, để từ mối tương quan nền tảng này con người thiết lập một mối tương quan thân tình với nhau.
C. Bí tích Thống Hối – một vấn đề của thời đại
Để khuyến khích việc sám hối và giao hòa. Hội Thánh đưa ra hai biện pháp Giáo lý và bí tích:
1. Giáo lý về sám hối
Trước tiên, linh mục là người có trách nhiệm dạy cho giáo dân hiểu về việc sám hối và chịu nhận việc đền tội. Kế đến các Kitô hữu cần phải hiểu rằng Bí tích Thống Hối là con đường bình thường để lãnh nhận ơn tha thứ và xóa đi các tội nặng mà tín hữu đã phạm sau khi đã nhận bí tích Thanh Tẩy. Cần xóa tan hình ảnh nặng nề về một hành động bí tích mang tính thẩm phán. Nhưng hành động này diễn ra trong một tòa án của lòng thương xót, hơn là sự hẹp hòi và cứng ngắc của tòa án.
Phận vụ của bí tích cho thấy khía cạnh của cuộc xử phạt mang tính chữa trị nhiều hơn là đặc tính thẩm phán. Điều này liên kết với việc trình bày Đức Giêsu như là một lương y, hình ảnh này ta thường gặp thấy trong Tin Mừng.
Khi nói về việc mục vụ thống hối thánh Augustinô nói: “Tôi muốn chăm sóc chứ không muốn kết án”. Chính nhờ phương dược chữa lành của việc sám hối mà kinh nghiệm về tội không bị rơi vào sự thất vọng. Cùng với chiều kích chữa trị của Bí tích Thống Hối giúp cho con người tìm lại được sự bình an nơi tâm hồn mà con người thời đại sẽ nhạy cảm hơn khi thấy không những sai lầm mà hơn nữa cả những gì nó bộc lộ trên sự yếu đuối và bất lực của con người.
Như thế, Bí tích Thống Hối vừa thể hiện được khía cạnh của một tòa án của lòng thương xót vừa là nơi chữa trị cho tâm hồn. Bí tích này đòi hỏi một sự hiểu biết đời sống nội tâm của tội nhân, để có thể phân xử và xóa giải để chăm sóc và chữa lành. Người Kitô hữu cần có một lương tâm ngay thẳng và trong sáng. Việc hoán cải đòi hỏi tội nhân phải ý thức rõ ràng tội lỗi của mình, do đó bao hàm một phán quyết từ bên trong của lương tâm. Phán quyết này là bằng chứng Thánh Thần chân lý hoạt động trong tâm hồn của con người và cũng là một khởi điểm cho sự hoán cải.
Người ta chỉ có thể thống hối thật sự khi xác tín rằng tội lỗi nghịch lại với quy định luân lý được khắc ghi một cách thâm sâu trong bản chất, trong chính lương tâm của mỗi người, chỉ khi người ta có kinh nghiệm cá nhân về việc phạm tội, chỉ khi họ nói “đó là tội” nhưng phải nói tôi đã phạm tội, chỉ khi người ta công nhận tội đã mang một đổ vỡ vào trong lương tâm, chia cắt mình với Thiên Chúa và tha nhân. Để giúp cho người ta hiểu và tìm ra được những đổ vỡ này, truyền thống của Giáo Hội đã đưa ra một hướng dẫn đó là hối nhân cần phải “xét mình”, hành động không chỉ là cái gì nội tâm theo kiểu tâm lý lo âu. Nhưng là một cuộc chạm trán thành thật với nội tâm, với chính Đức Kitô, Đấng là Thầy và là mẫu mực cho chúng ta.
a/. Việc ăn năn sám hối
Về phía hối nhân hành động chính yếu của thống hối là việc ăn năn, đó là hành động từ bỏ dứt khoát tội lỗi đã phạm đồng thời quyết tâm không sai phạm nữa vì lý do tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu này sẽ tái sinh họ. Như thế, sám hối là một cuộc quay trở lại, sự quay trở lại này sẽ đưa con người về với Thiên Chúa như đứa con hoang đàng trở về với Cha mình.
Giáo Hội muốn đưa ra một ý nghĩa mới cho giáo lý về việc sám hối đó là từ nay việc ăn năn sám hối không chỉ gói gọn trong việc ăn năn đòi hỏi hiển nhiên hay hãm mình vì một cuộc thay đổi cuộc sống, nhưng sám hối và ăn năn còn hơn thế nữa, đó chính là tiến gần đến sự thánh thiện của Thiên Chúa là tìm lại sự thật nội tâm đang bị xáo trộn vì tội lỗi và nhận lãnh được niềm vui ơn cứu độ.
b/. Theo gương Chúa Kitô
Sám hối không phải chỉ là nhìn nhận và ăn năn tội của mình trong ánh sáng của Thiên Chúa và cố gắng đáp lại tình thương của Ngài, nhưng còn là tham dự vào chính mầu nhiệm Chúa Kitô. Chúa Kitô chẳng những truyền giảng ơn tha tội và mời gọi ta sám hối, nhưng còn dâng chính mình Ngài làm của lễ đền tội thay cho mọi người. Đức Giêsu quả là mẫu gương tuyệt hảo của việc sám hối. Ngài thực hành sám hối hết mức qua cái chết của Ngài.
Người Kitô hữu cũng phải theo con đường đó. Một khi đã trở nên đồng hình với Đức Kitô qua bí tích Thánh Tẩy, người Kitô hữu được trở nên làm một với Ngài, được biến đổi nhờ sự chết của Ngài, người Kitô hữu phải từ bỏ mình mang thập giá thông phần vào cuộc đau khổ của Ngài. Như vậy, thập giá đã được trồng ngay giữa cuộc đời của người Kitô hữu. Đã là Kitô hữu thì con người cần phải tiếp tục công cuộc cứu độ trần gian của Chúa Kitô. Thế mà công cuộc này chỉ được thực hiện nhờ thập giá. Bởi thế sám hối là thái độ cần thiết và xứng hợp của tín hữu đối với Chúa Kitô.
c/. Giáo Hội: một chứng tá
Giáo Hội luôn hiệp nhất với Chúa Kitô trong công cuộc cứu thế và nối dài công cuộc đó trong thế giới. Để tiếp tục theo cuộc cứu thế của Chúa Kitô, Giáo Hội không thể đi theo con đường nào khác con đường Ngài đã đi. Chúa Kitô đã thực hiện công cuộc cứu độ trong nghèo khó và bách hại, Giáo Hội cũng phải dấn thân vào con đường này. Giáo Hội cần phản chiếu gương mặt của Chúa Kitô trở nên gương mẫu của các hối nhân như chính Đức Kitô, nhờ đó thế giới này có thể nhìn thấy và sờ thấy Ngài. Tiếp đến sám hối không những cần thiết để thanh tẩy con cái và các định chế của Giáo Hội mà còn được cử hành trong Giáo Hội. Điều này có nghĩa là Giáo Hội cầu nguyện cho các tội nhân, bênh vực tội nhân. Giáo Hội trở nên giống Đức Kitô qua thái độ của mình với tội nhân: không lên án nhưng cũng không khoan nhượng, thái độ của Đức Kitô trước người phụ nữ phạm tội ngoại tình…
2. Việc xưng thú tội
Hội Thánh xác định việc thú tội nằm trong dấu chỉ của Bí tích Thống Hối. Việc này được xem là quan trọng, mà người ta quen gọi là việc xưng tội. Khi thi hành vai trò của lương y, linh mục cũng cần biết đến tình trạng bệnh tật để chăm sóc và chữa lành. Việc xưng thú tội cá nhân cũng có giá trị như dấu chỉ: dấu chỉ gặp gỡ của tội nhân với trung gian Hội Thánh qua con người của thừa tác viên; dấu chỉ tự nhận mình là kẻ có tội trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, một cái nhìn rõ ràng về bản thân trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh… Việc xưng thú là cần thiết, nó biểu lộ lòng sám hối, sự yếu đuối của chính mình.
3. Việc đền tội
Việc đền tội là hành động cuối cùng trong dấu chỉ bí tích của việc sám hối. Đây là điều mà hối nhân đã được tha thứ và được xóa giải phải làm sau khi lãnh nhận Bí tích Thống Hối. Vậy thì ý nghĩa của việc đền tội mà người ta làm trọn và chu toàn của Bí tích Thống Hối là gì?
Chắc chắn đó không phải là giá phải trả cho tội đã được tha và cho ơn tha thứ mà người ta đã được lãnh nhận. Không có giá trị nhân loại nào được coi là cân xứng với điều mà ta đã lãnh nhận: hiệu quả Máu Chúa Kitô đã đổ ra, các hành động đền tội. Tất cả đều mang tính đơn sơ và khiêm tốn. Việc đền tội hay nói đúng hơn là việc đền bù không chỉ thuần túy gói gọn như đọc một vài kinh, nhưng cần được triển khai trong phụng tự, bác ái và sửa sai, các hành động đền tội còn bao gồm hành động và tư tưởng. Tội nhân một khi được tha thứ cần có tinh thần hợp với khổ hạnh của thể xác, cùng chia sẻ với cuộc thương khó của Chúa Kitô, Đấng ban cho họ ơn tha thứ. Các việc đền tội này luôn nhắc nhở người hối nhân rằng luôn có một vùng tối trong tâm hồn do vết thương tội lỗi gây ra.
Cũng cần phải thêm rằng hiệu quả của ơn tha thứ trong Bí tích Thống Hối nằm trong sự giao hòa với Thiên Chúa. Hiệu quả này phát sinh trong thâm sâu tâm hồn của người con hoang đàng và cũng được tìm thấy nơi mỗi hối nhân. Như vậy, việc giao hòa với Thiên Chúa là nhân tố cho các giao hòa khác: hối nhân được giao hòa với chính bản thân mình, họ cũng được giao hòa với người khác là những người bị tội của họ làm thương tổn; họ được giao hòa với Hội Thánh và toàn thể thụ tạo.
Như thế, khi lãnh nhận Bí tích Thống Hối, hối nhân nhận được sự tha thứ, được giao hòa với Thiên Chúa với chính mình, với người khác và với thụ tạo. Nhưng những hậu quả do tội gây ra thì hối nhân phải đền trả. Nhưng phải đền trả như thế nào? Đây quả là một vấn đề nan giải. Vấn đề này đòi hỏi mỗi vị Mục tử cần khôn ngoan hướng dẫn các hối nhân có được một sự đền trả phù hợp nhất cho từng trường hợp của họ.
KẾT LUẬN
Khao khát được sống hạnh phúc và công chính trước mặt Thiên Chúa luôn là mơ ước của con người, đó cũng là điều Thiên Chúa chúc phúc cho con người. Thế nhưng tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian làm cho con người mải mê với các loài thụ tạo mà quên đi nguồn hạnh phúc là chính Thiên Chúa, đó là một sai lầm rất lớn của con người. Khi con người sử dụng sự tự do mà Thiên Chúa ban cho cách quá trớn, con người đã gây ra những đổ vỡ trong mối tương quan với Thiên Chúa, với vạn vật và ngay cả chính mình, mà hậu quả tai hại nhất là sự chết đã xâm nhập vào thế gian. Nhưng Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người ngụp lặn trong tội lỗi và đau khổ, Ngài đã mở ra cho con người tia hy vọng mới của cuộc chiến thắng (x. St 3,15).
Như vậy, Thiên Chúa đã biểu lộ tình thương của Người cho nhân loại bằng một lời hứa mà qua lăng kính của Tân ước chúng ta đã khám phá ra Tin Mừng tình yêu này được thể hiện qua Người Con dấu ái của Người là Đức Kitô. Với cuộc hiến tế trên thập giá, Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và đem lại cho con người cuộc sống mới. Đức Kitô chính là ân huệ lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại “Chính nhờ Ngài mà chúng ta được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa” (2Cor 5, 21).
[1] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1846.
[2]Ibid., số 1851.
[3]Ibid., số 1850.
[4]Ibidem.
[5]Ibid., số 1849.
[6]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (Sám hối và Hòa giải), Ngày 02-12-1984, số 14.
[7] Sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1850.
[8]Ibid., số 1859.
[9]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (Sám hối và Hòa giải), Ngày 02-12-1984, số7.
[10] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1846.
[11]Ibid., số 1856.
[12] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemtor Hominis (Đấng Cứu Độ Con Người), Ngày 04-03-1979, số 10.
[13] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (Sám hối và Hòa giải), Ngày 02-12-1984, số 18.
[14] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1869.
[15] Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (Sám hối và Hòa giải), Ngày 02-12-1984, số 16.
[16] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1880.
[17] Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (Sám hối và Hòa giải), Ngày 02-12-1984, số 16.
[18] Sứ Điệp ngày thế giới hòa bình, số 4
[19]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemtor Hominis (Đấng Cứu Độ Con Người), Ngày 04-03-1979, số 15.
[20]Ibidem.
[21] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1847.