Tòa Thánh Vatican Lên Tiếng Tại Liên Hiệp Quốc: Nhân Quyền Bất Khả Xâm Phạm

0
792


Vinc. Vũ Văn An

 

LTS: Hôm thứ Hai 31 tháng 10 năm 2016, tại Phiên Họp 71 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Nghị Trình Ủy Ban Thứ Ba, vấn đề 68 (b,c,): Cổ Vũ và Bảo Vệ Nhân Quyền, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc, đã đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có quyền sống của trẻ chưa sinh, của di dân đi tìm an toàn, của các nạn nhân các cuộc tranh chấp vũ trang, của người nghèo, của người cao niên và quyền sống của những người mang án tử hình.

***

***

 

Thưa bà chủ tịch,

Tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao của phái đoàn tôi đối với cuộc đối thoại liên tục trong mấy tuần qua với các tường trình viên đặc biệt và các vị nắm giữ Ủy Nhiệm Đặc Biệt về việc cổ vũ và bảo vệ nhân quyền. Phái đoàn tôi hy vọng rằng nhờ cuộc đối thoại có ý nghĩa này, chúng ta sẽ đạt được một sự hiểu biết sâu sắc hơn và một đáp ứng toàn diện đối với các thách đố nhân quyền hoàn cầu mà chúng ta đang phải đối phó ngày nay.

Ở tâm điểm các vấn đề nhân quyền là việc nhìn nhận rằng mọi người sinh ra đều có phẩm giá và giá trị cố hữu bằng nhau và đều có quyền sống căn bản cần được đề cao và bảo vệ ở mọi giai đoạn, từ lúc tượng thai cho tới lúc chết tự nhiên.

Dù các phúc trình soạn cho phiên họp hiện nay của Ủy Ban Thứ Ba có thừa nhận quyền này, nhưng than ôi, quyền này vẫn tiếp tục bị làm ngơ hoặc bị tối thiểu hóa. Quyền sống của trẻ chưa sinh, của di dân đi tìm sự an toàn, của các nạn nhân tranh chấp vũ trang, của người nghèo, của người cao niên và quyền sống của những người đang phải đối diện với án tử hình tiếp tục bị làm ngơ, bị bác bỏ và tranh luận hơn là đặt thành ưu tiên.

Về phương diện này, phái đoàn của tôi hoan nghinh phúc trình của Tường Trình Viên Đặc Biệt về nhà ở thỏa đáng như là thành tố của quyền có tiêu chuẩn sống thỏa đáng, và về quyền không bị kỳ thị trong bối cảnh này, một quyền vốn nhìn nhận rằng quyền sống không chỉ liên quan tới các hành động trực tiếp hay bỏ sót của nhà nước nhằm tước bỏ sự sống của các cá nhân mà còn đòi nhà nước phải giải quyết “việc tước bỏ quyền sống một cách có hệ thống, buộc người ta vào cảnh nghèo, vào những nơi cư trú và cảnh vô gia cư hết sức không thỏa đáng”, do đó, khuyến cáo “một cuộc thảo luận về sự liên quan và tầm quan trọng của quyền sống của những người đang phải sống trong các điều kiện nhà ở hết sức không thỏa đáng và của những ngươi vô gia cư”.

Việc đồng thuận ngày một có tính hoàn cầu về nhu cầu phải loại bỏ việc sử dụng án tử hình cũng là một biện pháp đáng hoan nghinh đối với việc bảo vệ sự sống. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng tuyên bố trong sứ điệp video của ngài gửi cho Đại Hội Thế Giới Lần Thứ Sáu về việc bãi bỏ án tử hình họp tại Oslo, Na Uy hồi tháng Sáu vừa qua, “ngày nay án tử hình là điều không thể chấp nhận được, cho dù tội trạng của phạm nhân nặng đến bao nhiêu. Đây là một vi phạm tới quyền bất khả xâm phạm vào sự sống và nhân phẩm; cũng thế, nó còn mâu thuẫn với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho các cá nhân, xã hội và công lý thương xót của Người. Nó cũng không phù hợp với bất cứ mục đích chính đáng nào của hình phạt. Nó không đem lại công lý cho các nạn nhân, nhưng đúng hơn, nó cổ vũ sự trả thù.

Một cái hiểu toàn diện về nhân quyền và nhân phẩm cũng đòi phải nhìn nhận các quyền xã hội, văn hóa, chính trị và thiêng liêng của mọi người. Một yếu tố cấu thành các quyền này là quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, như đã được ghi trong Điều 18 Hiến Chương Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Quyền tự do này vượt quá sự khoan dung đơn giản và không chỉ giới hạn vào lãnh vực tư. Như Điều 18 vừa nhắc đã quả quyết, nó cũng bao gồm tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin của người ta, và tự do bày tỏ tôn giáo hay niềm tin của mình trong việc giảng dậy, thực hành, thờ phượng và tuân giữ, bất luận một mình hay trong một cộng đoàn cùng với nhiều người khác ở nơi công cộng hay tư riêng.

Thưa bà chủ tịch,

Như bản tường trình tạm thời của Tường Trình Viên Đặc Biệt về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đã nhấn mạnh,tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng đang bị chà đạp và chế nhạo tại nhiều nơi trên thế giới, ngay khi chúng ta đang nói chuyện ở đây. Người ta tiếp tục bị bách hại, cầm tù và đôi khi bị giết chỉ vì các niềm tin tôn giáo của họ. Tại một số vùng trên thế giới, việc bách hại các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo đã gia tăng tới mức tạo nên các vi phạm nghiêm trọng luật nhân quyền quốc tế. Ở nhiều vùng khác, các nhóm thiểu số tôn giáo đang bị kỳ thị vì y phục của họ hoặc buộc phải chọn giữa tín ngưỡng của họ và công ăn việc làm của họ.

Các cộng đồng tôn giáo cũng không miễn nhiễm khỏi cơn cám dỗ vi phạm tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người khác. Các giải thích đầy bất khoan dung một số niềm tin tôn giáo từng dẫn đến phần lớn các cuộc bách hại tôn giáo. Tôn giáo trở thành nguồn gây kỳ thị khi nó bị sử dụng và lạm dụng để ấn định bản sắc và thống nhất quốc gia. Trong một số trường hợp, tôn giáo bị giải thích sai đã trở thành đồng lõa với việc kỳ thị và bêu xấu do nhà nước chủ mưu trong các lãnh vực giáo dục, chăm sóc y tế và luật gia đình, và gợi hứng cho việc sách nhiễu và các qui định kềnh càng về hành chánh nhằm giới hạn quyền tự do của các nhóm tôn giáo khác.

Vì tất cả các hình thức và biểu hiện vi phạm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng này, phái đoàn của tôi hoàn toàn nhất trí với kết luận của bản phúc trình tạm thời của Tường Trình Viên Đặc Biệt rằng “Phạm vi trọn vẹn của tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hay tín ngưỡng thường bị đánh giá thấp, kết quả là người ta chú ý không thỏa đáng tới tầm cỡ bao quát của các vi phạm đang diễn ra trong lãnh vực này”.

Bởi thế, việc chú ý và hành động đổi mới và lâu dài nhằm bảo vệ và cổ vũ tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng là điều hết sức quan trọng nếu chúng ta muốn đạt được những thành quả đáng kể trong việc bảo vệ và cổ vũ nhân quyền.

Cám ơn bà chủ tịch.

 

– Source: http://en.radiovaticana.va