Tình Yêu Và Chân Lý – Tự Do – Công Bình

0
1142


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Trong bốn “giá trị luân lý” cho việc tổ chức xã hội do đức thánh cha Gioan XXIII đề ra, tình yêu đứng ở chỗ cuối cùng (chân lý – tự do – công bằng – yêu thương). Phải chăng tình yêu chỉ giữ một chỗ đứng khiêm tốn trong đời sống xã hội? Tình yêu chẳng phải là cốt lõi của các giới răn luân lý đấy ư? Chắc rằng khi liệt kê ra bốn giá trị, đức Gioan XXIII không có ý định so sánh cấp bậc giữa các giá trị, nhưng ngài nghĩ đến một thứ tự khác. Điều chắc chắn là vai trò của tình yêu trổi vượt trên tất cả. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội đã tách tình yêu ra một mục riêng (số 204-208) trong khi chân lý – tự do – công bằng được bàn chung trong cùng một mục (số 198-203), và cuốn sách khép lại với kết luận “xây dựng nền văn minh yêu thương” (số 580-583). Điều thú vị hơn nữa là các văn kiện xã hội của Giáo hội đã có nhiều cơ hội trình bày tương quan giữa “tình yêu” với “chân lý” và “công bằng”, đặc biệt là trong thông điệp Caritas in veritate của đức Bênêđictô XVI. Tuy nhiên, trước khi bước sang phần so sánh, chúng ta cần xác định: tình yêu là gì? hay nói đúng hơn: chúng ta đang bàn đến tình yêu nào?

I. TÌNH YÊU NÀO?

Yêu là gì? Tiếng Việt rất phong phú trong ngôn ngữ diễn tả tình cảm: yêu, thương, mến, chuộng, thích, mê, ham, cùng với những từ ghép: yêu thương, yêu mến, yêu quý, yêu chuộng, thương yêu, thương xót, thương hại,.v.v… Tất cả những từ vừa rồi đều có thể dịch sang tiếng Anh là love. Tuy nhiên, trong tác phẩm The Four Loves (1960), ông Clive Staples Lewis lưu ý rằng Kinh thánh xử dụng bốn từ ngữ khác nhau trong tiếng Hy Lạp để diễn tả tình yêu: storge, philia, eros, agape. Đặc biệt, agape là một danh từ mới mà các tác giả Tân ước đã phải sáng chế nhằm diễn tả nét đặc trưng của tình yêu Kitô giáo, bởi vì những từ eros và philia không thích hợp với Thiên Chúa[1]agape được dùng 117 lần trong Tân ước, nhưng chỉ gặp thấy 1 lần trong văn chương Hy-lạp (Oxyrhynchus Papyri, thế kỷ II sau Công nguyên). Trong bản dịch Tân ước sang tiếng Latinh, agape được dịch là caritas; đến khi phải chuyển sang tiếng Việt, thì chúng ta bắt gặp nhiều từ tương đương: tình yêu, yêu thương, bác ái, đức ái, đức mến,.v.v…

Đố ai định nghĩa được chữ yêu? (Xuân Diệu). Như đã nói, “yêu” có nhiều nghĩa và nhiều từ tương đương. Nhưng cái khó và cái độc đáo nhất của Kitô giáo ở chỗ dám định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu”. Tình yêu trong ngôn ngữ thường ngày đã hàm hồ rồi, đến khi áp dụng vào Thiên Chúa thì càng rắc rối chừng nào?

“Thiên Chúa là tình yêu”. Có người muốn đảo lại câu nói: “Tình yêu là Thiên Chúa” (= Tình yêu là Thượng đế). Dĩ nhiên, những người có đạo sẽ lấy làm chói tai khi nghe phát biểu như vậy! Và họ cũng thấy chói tai khi nghe nói đến “yêu Chúa”! Không được; phải nói “mến Chúa yêu người”; đối với Chúa, ta phải mến (kính mến) chứ không thể yêu; ta chỉ có thể yêu tha nhân thôi!

Câu chuyện từ ngữ còn dài, và đức thánh cha Bênêđictô XVI đã dành thông điệp đầu tiên (Deus caritas est) để bàn về đề tài này.Có lẽ một trong những điểm nổi bật nhất là tác giả đã xếp đặt lại trình tự của tình yêu.

Các nhà tu đức (và giảng thuyết) thường nhắc nhớ bổn phận của con người phải yêu mến Chúa, nhưng có lẽ ít khi nêu bật tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho con người, và lại càng không dám đụng đến tình yêu nơi chính Thiên Chúa. Thế nhưng thông điệp lại khởi đầu từ chỗ này. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho thụ tạo (và nhân loại) thì đến sau Tình yêu nội tại của Thiên Chúa: tình yêu tạo dựng trào ra từ tình yêu sung mãn dạt dào giữa Ba ngôi Thiên Chúa. Dĩ nhiên tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta thì đi trước tình yêu của chúng ta đối với ngài (xc. 1Ga 4,10.19). Bản tính của Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu là bản tính của Thiên Chúa, ngay từ nội tại: Chúa Cha đã yêu thương Chúa Con bằng tình yêu “ngôi vị” là Thánh Linh. Tình yêu sung mãn dạt dào này được tuôn tràn ra ngoài qua việc tạo dựng vũ trụ để san sẻ tình yêu của mình.Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người đạt đến cao điểm nơi mầu nhiệm Nhập Thể: nơi Đức Kitô con người có thể cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại (Rm 8, 39), bởi vì đức Kitô đã yêu thương với một trái tim con người. Cũng có thể nói ngược lại: nơi đức Kitô, Thiên Chúa gặp được một đối tác cân xứng với tình yêu vô biên của ngài. Như vậy, nơi đức Kitô, tình yêu của con người đạt đến tầm mức vô biên: Thiên Chúa có thể yêu con người cách vô biên, và con người có thể yêu Thiên Chúa cách vô biên. Thiên Chúa yêu con người cách vô biên bởi vì Ngài yêu con người với tình yêu đối với Con của Ngài. Con người yêu Thiên Chúa cách vô biên nhờ tình yêu mà Thần khí đức Kitô được đổ tràn vào tâm hồn chúng ta (Rm 5,5; 1 Ga 4,13). Thần khí ở lại trong chúng ta và kết nạp chúng ta vào tình yêu của Cha và Con (xc. Ga 14,23).

Từ những suy tư về tình yêu Thiên Chúa trong thông điệp Deus caritas est, đức thánh cha Bênêđictô XVI rút ra vài hệ luận trong thông điệp Caritas in veritate liên quan đến những đặc điểm của tình yêu:

– Đối với người Kitô hữu, tình yêu là một ân ban, một tặng phẩm (được trao tặng) và rồi được chia sẻ: con người lãnh nhận tình yêu và trở thành người truyền bá tình yêu (số 5). Tình yêu trở nên một nguồn sức mạnh, bởi vì được trao ban từ Thiên Chúa, được Đức Kitô giảng dạy và làm chứng (số 1). Tình yêu trở nên động lực chi phối mọi hành động luân lý, đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân, trong những tương quan cá nhân cũng như cộng đồng (số 2).

– Yêu ai có nghĩa là quan tâm đến điều thiện cho người ấy (số 7), không những là điều thiện của cá nhân mà còn là điều thiện của cộng đồng (điều thiện chung: bonum commune, common good).

– Yêu là tôn trọng tha nhân. Trước hết, cần tôn trọng quyền lợi của họ (công bình). Nhưng tình yêu còn đi xa hơn công bình (số 6).

– Cách riêng, trong hoạt động kinh tế, tình yêu có nghĩa là trao tặng (chứ không phải chỉ nhắm lợi nhuận (số 34, và suốt chương Ba).

II. TÌNH YÊU – CÔNG BÌNH – CHÂN LÝ – TỰ DO

Thông điệp Caritas in veritate đã dành nhiều số để bàn về tương quan giữa “tình yêu” và “chân lý” (sự thật). Vì thế chúng ta sẽ bắt đầu với mối liên hệ này trước.

A. Tình yêu và chân lý

1/ Chân lý là gì?

Trước toà tổng trấn Philatô, Đức Giêsu tuyên bố sứ mạng của mình là làm chứng cho chân lý (Ga 18, 37), nhưng lập tức Người đã bị tổng trấn ngắt lời: “chân lý là gì?” (Ga 18,38), và ông không muốn nghe tiếp. Phải chăng ông Philatômuốn tránh cuộc tranh luận phiền toái? Hay là vì ông hoài nghi về chân lý? Thật ra, “chân lý” (hay sự thật) cũng mang nhiều nghĩa lắm:

– Trong ngôn ngữ hàng ngày, người ta dùng tiếng “thật” (hay “thực”) ít là vào bốn phạm vi khác nhau:

a) Trước hết, khi áp dụng vào một sự vật hay sự kiện, thì “thực” đối lại với “giả” (đồ thực / đồ giả); chuyện “thật” (chuyện đã xảy ra thực sự) trái ngược với chuyện “bịa đặt” (không có, giả mạo).

b) Khi áp dụng vào tư tưởng và nhận thức, thì “thực” có nghĩa là “đúng”: ý kiến đúng (trung thực)khi nhận thức phù hợp với thực tại khách quan, đối lại với “sai, trật, lầm”. Hiểu như vậy, chân lý (sự thật) đối lại với lạc thuyết, tà thuyết.

c) Khi áp dụng vào lời nói, thì “thực” có nghĩa là phát biểu hợp với tư tưởng tâm tình, có sao nói vậy: nói thật (ngượclại với nói dối). Lời nói trung thực thường cũng được gắn liền với sự trung thành (hay trung tín): đã hứa thì cương quyết giữ lời.

d) Khi áp dụng vào lối sống, “thực” có nghĩa là chân thành, chân thực, trung thực (đối lại là con người gian trá, xảo quyệt, giả dối)[2].

Từ đó người ta phân biệt ít là ba thứ chân lý:

– Chân lý bản thể (hoặc khách thể: veritas ontologica, veritas rei), nằm trong bản chất của sự vật (nó như thế nào?). Sự thật có thể khám phá bằng lý trí và được soi sáng nhờ mạc khải về ý định của Đấng Tạo hóa dành cho mỗi thực thể.

– Chân lý luận lý (veritas logica), thuộc về nhận thức của trí tuệ (có đúng không?).

– Chân lý luân lý (veritas moralis), mang tính cách thực tiễn, bao gồm luôn cả việc “nói thật” (veracitas) và “sống thực” (authenticitas).

Nói cách khác, chân lý không chỉ là đối tượng của nhận thức (biết sự thật) và còn là đối tượng của lời nói và lối sống (nói thật, sống thật).

2/ Trong thông điệp Caritas in Veritate, chân lý bao hàm nhiều khía cạnh:

a) Thiên Chúa là chính Chân lý. Nơi Ngài Chân lý và Tình yêu là một (số 1).

b) Đức Kitô là thầy dạy chúng ta về chân lý: chân lý về Thiên Chúa, chân lý về con người. Người đã dạy bằng lời giảng, việc làm và bằng chính cuộc sống. Người đã chết để làm chứng cho sự thật về tình yêu (số 1). Đức Kitô là Đường, Chân lý và Sự sống (Ga 14,6).

c) Giáo hội có nhiệm vụ giảng dạy chân lý: chân lý về Thiên Chúa cũng như chân lý về con người. Sự phát triển cần được nhìn trong chân lý toàn diện về con người. Lời khẳng định mạnh mẽ nhất là ở số 75 “vấn đề xã hội là vấn đề về con người”, trong một nhân sinh quan toàn diện (số 78).

d) Bên cạnh những chân lý do Chúa mạc khải, còn có những chân lý mà lý trí có thể khám phá được. Trong lãnh vực này, Giáo hội đón nhận những đóng góp của triết học và khoa học. Vì thế đôi khi “chân lý” và “lý trí” đồng nghĩa với nhau. Giáo hội thâm tín rằng đức tin và lý trí không mâu thuẫn. Cả hai đều hỗ trợ cho nhau trong việc khám phá chân lý (đức tin và lý trí được đề cập ở các số 56; 59; 68; 74-76).

e) Cũng giống như tình yêu, chân lý không do con người tạo ra nhưng là “đón nhận” (số 78). Mặt khác, chân lý cũng cần được “yêu mến” và “làm chứng” (số 2b). Chân lý không chỉ là đối tượng của trí tuệ mà còn là đối tượng của hành động nữa (cần phải “làm sự thật”: Ga 3,21).

f) Nói cho cùng, thông điệp muốn trình bày: thế nào là sự phát triển thực sự? Thưa rằng khi nó phù hợp với kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho con người (số 1).

3/ Tình yêu và chân lý

Chúng ta đã khám phá ý nghĩa hàm súc của caritas và veritas. Khi ghép lại hai tư tưởng lại với nhau, thì thêm được cái gì?

Tựa đề của thông điệp là caritas in veritate. Cụm từ này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong văn kiện. Trước khi phân tích những đoạn văn ấy, thiết tưởng không nên bỏ qua những công thức kết hợp cổ điển khác: caritas vera và veritas in caritate.

a) Caritas vera (hoặc: vera caritas)

Công thức này có thể dịch sát nghĩa là “tình yêu chân thực”. Trên thực tế, có thể được hiểu theo nhiều nghĩa.

(i) Tình yêu “chân thực”, đối lại với tình yêu “giả dối”.

Trong tương quan xã hội, chúng ta đã nghe biết nhiều chuyện lường gạt nhau về tình hayvề tiền. Đó là một thí dụ vềtình yêu giả dối; tuy nhiên Tân ước còn nói đến tình yêu chân thực theo một nghĩa sâu xa hơn. Trong thư gửi Rôma, thánh Phaolô viết: “Lòng bác ái không được giả hình, giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nãi; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12, 9-11).

(ii) Tình yêu chân thật: yêu bằng hành động hay yêu trong lòng?[3]

Một hoàn cảnh xảy ra hằng ngày: khi gặp một người nghèo đói thì ta phải giảng cho họ về Thiên Chúa là tình yêu, hay phải lo cho họ chén cơm manh áo? Câu trả lời quá rõ ràng: tình yêu chân chính được diễn tả qua hành vi cụ thể chứ không phải chỉ dừng lại ở đầu môi chót lưỡi (xc. 1Ga 3, 17-18; Gc 2,15-16).

Thế nhưng thực tế không đơn giản như thế! Có bao nhiêu đại gia làm việc từ thiện để được quay phim chụp hình; như vậy đâu có phải là tình yêu chân thật! Nói khác đi, đức ái chân thật phải bắt đầu từ trong tim, rồi sau đó mới diễn tả ra hành động. Người ta lưu ý rằng trong “bài ca đức ái”, thánh Phaolô liệt kê rất nhiều đức tính của “con tim” chứ không đả động gì đến hành động: “đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).

Nếu suy nghĩ kỹ, ta sẽ thấy chẳng có gì mâu thuẫn cả. Trong đoạn văn này, thánh Phaolô đang nói đến tình yêu agape chứ không phải bất cứ thứ tình yêu nào. Yêu chân thật là yêu với trái tim của Thiên Chúa: yêu thương giống như Chúa yêu. Ở đâu có agape như vậy thì ở đấy có Chúa hiện diện. Nếu thiếu agape thì dù có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí thì cũng chẳng ích gì!

Dĩ nhiên, tình yêu agape (bắt nguồn từ con tim) phải phát sinh những hành vi cụ thể (xc. 2Cr 5,14: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi”), không những trên bình diện cá nhân mà thậm chí trên bình diện cộng đồng xã hội nữa.

b) Veritas in Caritate

Cụm từ này, trích từ thư gửi Ephêsô (4,15): “veritatem facientes in caritate”, đã được trưng dẫn hơn một lần để Giáo hội tự vấn về vài biện pháp cứng rắn khi bảo vệ chân lý: có thể cưỡng bách người khác phải chấp nhận chân lý không? Công đồng Vaticanô II trả lời rằng: không được! Chân lý chỉ có thể ràng buộc bằng chính sức mạnh của mình, chứ không bằng vũ lực bên ngoài.

– Phải thú nhận rằng đôi khi thực tế đặt ra những trường hợp nan giải. Yêu nhau là nói sự thật cho nhau, cho dù “nói thật mất lòng”?Hay là vì yêu thương mà ta không được dùng biện pháp cứng rắn? Giả như một người cha có đứa con bỏ nhà đi hoang, thì thử hỏi: thế nào là yêu thương nó? Yêu thương là đi tìm kiếm nó (kể cả nhờ đến lực lượng công an),dẫn nó về nhà, và nếu nó còn muốn trốn đi thì hãy xích nó lại? Hay là thương yêu đứa con có nghĩa tôn trọng tự do của nó, chỉ biết ra cửa sổ ngồi khóc chờ ngày nó hối hận trở về?

– Tuy nhiên chúng ta cũng có thể áp dụng cụm từ “veritas in caritate” vào một bối cảnh khác, đó là: hãy trình bày chân lý trong sự kính trọng tha nhân, trong thái độ hoà nhã (1Pr 3,15-16). Chúng ta chia sẻ niềm tin của mình cho tha nhân vì yêu thương họ, chứ không phải với tư cách trịch thượng của kẻ đã nắm chắc chân lý trong tay, muốn lên mặt dạy đời!

c) Caritas in Veritate

Bây giờ chúng ta đến thông điệp đang bàn.

Tân ước chỉ có cụm từ veritas in caritate (Ep 4,15) vừa trưng dẫn trên đây, chứ không nói đến caritas in veritate. Đức Thánh Cha đảo ngược lại thứ tự để rồi đưa về tư tưởng nguyên thuỷ.

Nội dung của thông điệp Caritas in Veritate bàn về những vấn đề xã hội, và cụ thể hơn nữa, vấn đề phát triển con người. Điều này đòi hỏi một sự dấn thân để phục vụ tha nhân, cách riêng những người nghèo cũng như những dân tộc nghèo. Tuy nhiên, hoạt động xã hội (bao gồm lãnh vực kinh tế, chính trị) cần được hướng dẫn bởi chân lý về con người. Lý luận xem ra mơ hồ, nhưng chúng ta có thể đưa ra một ví dụ như sau: nếu tôi gặp một người đói thì tôi phải cho anh ăn cơm, bởi vì nó đáp ứng với sự cần thiết của anh lúc này; giả như tôi biếu anh một cái máy vi tính thì không thể nói là tôi yêu anh thực tình. Một cách tương tự như vậy, nhìn một cách tổng quát, hoạt động bác ái cho một cá nhân hay một dân tộc cần phải đáp ứng với chân lý về sự phát triển toàn diện con người. Con người có những nhu cầu thể xác nhưng cũng có những nhu cầu tinh thần, cách riêng nhu cầu tôn giáo. Sự phát triển kinh tế cần tuân theo những giá trị khách thể của trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập. Ngay ở phần nhập đề (số 1-9), thông điệp Caritas in Veritate đã đối chiếu giữa caritas với veritas như sau:

(i) Nơi Thiên Chúa, caritas và veritas đồng nhất với nhau (số 1). Dĩ nhiên ở đây, caritas phải hiểu là “Tình yêu”. Thiên Chúa là Tình yêu vĩnh cửu và Chân lý tuyệt đối. Nơi Thiên Chúa, tất cả mọi sự đều là tương quan và ban phát Tình yêu trong Chân lý, trước hết là nơi Đức Giêsu Kitô, kế đến là nơi mỗi nhân sinh, và sau cùng là nơi toàn thể vũ trụ (xem thêm các số 52 và 54). Vì thế không thể nào tách rời tình yêu với chân lý. Con người mang trong mình sự khao khát tình yêu và chân lý. Chân lý cần được tìm kiếm và diễn tả trong bầu khí của tình yêu; đối lại, tình yêu cần được hiểu biết và thực hành dưới ánh sáng của chân lý. Khi trình bày chân lý là chúng ta phục vụ tình yêu, và việc thực hành yêu thương tăng cường sức khả tín của chân lý. Nếu không có chân lý, thì tình yêu chỉ là tình cảm rỗng tuếch và dễ bị lệch lạc do đủ thứ ý kiến xu thời. Nhờ chân lý, chúng ta có khả năng vượt lên những ý kiến, ấn tượng, giới hạn văn hóa, để thiết lập những giá trị nền tảng chung. Trong tương quan xã hội, tình yêu đi đôi với chân lý dẫn đến việc tôn trọng công bằng và công ích.

(ii) Từ thâm tín căn bản ấy, thông điệp áp dụng cụm từ “caritas in veritate” vào giáo huấn xã hội, đặc biệt là trong vấn đề phát triển. Điều này được khẳng định ngay từ những lời mở đầu “Tình yêu trong chân lý … là sức mạnh chính yếu của sự phát triển đích thực của mỗi người và của hết mọi người” (số 1). Xem thêm: số 2; 4; 5; 6; 9.

(iii) Thông điệp không nói “tình yêu  chân lý”, nhưng là “tình yêu trong chân lý”. Có gì khác biệt giữa hai công thức ấy? Thiết tưởng có lẽ công thức thứ hai muốn nhấn mạnh sự liên hệ chặt chẽ (chứ không chỉ sánh vai): yêu thương trong chân lý (yêu thật tình), và chân lý cần được diễn tả ra tình yêu (xem số 2b). Ngoài ra, một thuật ngữ tương đương khác là “agape / logos”, “tình yêu và lời” (cuối số 3), thêm vào nhiều dụng ngữ khác, chẳng hạn như: tình yêu thấm nhuần sự thật, tình yêu đầy sáng suốt, hiểu biết thầm nhuần tình yêu, nhiệt huyết của tình yêu và sự khôn ngoan của lý trí.

d) Bây giờ chúng ta hãy đối chiếu với bộ mặt trái của nó, nghĩa là hoặc tách rời hai vế, hoặc loại trừ một trong hai vế, cách riêng là trong hoạt động kinh tế xã hội.

– Loại trừ caritas: khi con người sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân chứ không quan tâm đến tha nhân; khi đối xử với tha nhân theo đúng “công bằng” mà thiếu tình thương. Dĩ nhiên, ai không tôn trọng công bằng thì làm sao nói được là yêu thương?

– Loại trừ veritas. Đây không hẳn là lừa gạt gian dối, nhưng là không tôn trọng sự thật về con người: không tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của con người (xét như cá nhân hoặc như dân tộc), không nhìn nhận chiều kích siêu việt của con người. Mối bận tâm nhất của Đức thánh cha Benedicto XVI là con người muốn gạt Thiên Chúa ra khỏi xã hội, và muốn chế tạo một trật tự mà không đếm xỉa gì đến Thiên Chúa. Một nền nhân bản loại bỏ Thiên Chúa sẽ trở thành phi-nhân-bản (số 78).

B. Tình yêu và công bằng

Có ít là hai cách thức để bàn về tương quan giữa công bằng và bác ái: nhìn như hai nhân đức, hay như hai thể chế.

1/ Các sách luân lý cổ truyền đã bàn về tương quan giữa công bằng và bác ái dựa theo bản chất của hai nhân đức.

a) Công bằng và bác ái là hai nhân đức khác biệt:

– Công bằng liên quan đến một nghĩa vụ có thể đòi hỏi theo pháp luật. Caritas (yêuthương) cũng là một nghĩa vụ nhưng dựa trên trật tự luân lý (chỉ trả lời trước mặt Chúa). Một người có thể kiện tôi ra tòa vì tôi đã không trả nợ theo như đã hợp đồng, chứ không thể kiện tôi ra tòa vì đã không giúp đỡ khi anh đau yếu.

– Công bằng là một nhân đức tự nhiên. Caritas là một nhân đức siêu nhiên.

b) Nhưng hai nhân đức bổ túc cho nhau:

– Công bằng đặt cơ sở nền tảng cho mối tương quan với tha nhân; Caritas tìm cách đưa mối tương quan đến mức hoàn thiện. Công bình coi tha nhân như người khác với mình (virtus ad alterum); Caritas hướng đến sự hợp nhất với tha nhân, coi họ như chính mình.

-Yêu thương mà không tôn trọng công bằng thì đưa đến rối loạn trật tự; Công bình mà thiếu yêu thương sẽ đưa đến tàn nhẫn (summum ius summa iniuria).

2/ Thời nay, mối tương quan công bằng và bác ái đã bị xét lại do ảnh hưởng củaKarl Marx. Ông đòi dẹp bỏ bác ái đi và chỉ giữ lại công bằng. Những người nghèo không cần đến bác ái, mà chỉ đòi hỏi công bằng. Theo ông, các việc bác ái (chẳng hạn như bố thí) là một chiêu bài để cho người giàu tránh né việc thiết lập công bằng, ngõ hầu trấn an lương tâm và tiếp tục bóc lột người nghèo. Đã đến lúc phải trả lại quyền lợi cho người nghèo (công bằng), chứ không phải là ban ân huệ cho họ (bác ái từ thiện).

Trong bối cảnh đó, các Kitô hữu cũng đã duyệt lại học thuyết cổ truyền về mối tương quan giữa công bằng và bác ái. Trên phương diện học lý, ngoài hai dạng cổ điển của đức công bằng (giao hoán và phân phối), người ta còn thêm một dạng mới là công bình xã hội, hoặc “liên đới”[4]. Trên phương diện điều hành, Tòa Thánh đã thiết lập Hội đồng “Công lý và Hòa bình” (Iustitia et pax) để nghiên cứu những đề tài liên quan đến công bằng xã hội, bên cạnh Hội đồng “Đồng tâm” (Cor unum) phụ trách các công tác bác ái.

Thông điệp Deus Caritas est đặt lại tương quan giữa công bằng và bác ái trong một bối cảnh khác, đó là tương quan giữa Hội thánh với các cộng đồng chính trị. Mục tiêu của Nhà Nước và các cộng đồng chính trị là thực hiện công lý, trật tự công bằng. Hội thánh tôn trọng vai trò của Nhà Nước, và góp phần vào việc xây dựng công lý bằng cách soi sáng những mục tiêu của hoạt động chính trị. Dù sao sứ mạng chuyên biệt của Hội thánh là thực hiện caritas. Sứ mạng này luôn luôn cần thiết, ngay cả trong một xã hội công bằng. Hội thánh không chỉ cổ võ một trật tự Công bằng, nhưng còn tiến đến việc xây dựng một nền văn minh của Tình yêu. Con người luôn luôn cần đến tình yêu, là linh hồn của công bằng. Duy có tình yêu mới có thể biến đổi con người[5].

C. Tình yêu – Tự do

Bài viết đã dài, cho nên cần kết thúc vội. Tình yêu và tự do có thể hiểu theo nghĩa xấu và theo nghĩa tốt.

– Nghĩa xấu: “Tình yêu tự do” có nghĩa là tự do luyến ái. Người ta đã lạm dụng câu nói của thánh Augustinô: “Cứ yêu đi, rồi làm chi cũng được”, để cổ võ cho chuyện tự do ăn nằm! Nhưng đó không phải là tư tưởng của tác giả. Thánh Augustinô nói đến “tình yêu” theo nghĩa của agape: khi chúng ta có tình yêu trong mình, thì không có việc gì mà ngại ngùng sợ sệt (Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua).

– Nghĩa tốt: Tình yêu tôn trọng tự do. Thiên Chúa muốn chúng ta đáp lại tình yêu của ngài một cách tự nguyện. Tình yêu mà cưỡng bách thì không còn là yêu nữa. Thiên Chúa tôn trọng tự do của chúng ta đến nỗi chấp nhận để chúng ta trả lời “không” với ngài! Đây là “mầu nhiệm của hoả ngục”:con người mãi mãi nói “Không” với tình yêu của Thiên Chúa.

Dù sao, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 1022) đã trích dẫn một câu nói thâm thuý của thánh Gioan Thánh giá: “Vào lúc cuối đời, bạn sẽ được xét xử theo tình yêu”. Câu nói này có thể hiểu theo hai nghĩa: 1/ Chúng ta sẽ bị phán xét dựa theo những việc yêu thương mà ta đã làm hoặc đã không làm (x. Mt 25,31-45). 2/ Chúng ta sẽ bị phán xét bởi Thiên Chúa Tình yêu (chứ không phải Thiên Chúa Thẩm phán). Điều này sẽ gây chúng ta nhiều tin tưởng.

 


[1]Đại khái, êros bao hàm khía cạnh dục vọng, say mê, chiếm hữu; philia thì thanh tao cao thượng hơn, nhưng vẫn còn mong đền đáp; agape thì hoàn toàn vô vị lợi. Agape được dịch sang tiếng Latinh là caritas (do tính từ carus: quý giá, thân thiết), hay dilectio (ưa chuộng), benevolentia (muốn điều tốt), và amor.

[2]Xc. Sách GLCG số 2465-2470: “Sống trong chân lý”. Xem thêm các số 2475-2487: “Những xúc phạm đến chân lý” (làm chứng dối và thề gian; phán đoán hồ đồ, nói xấu, vu khống; nịnh hót, bợ đỡ hoặc tâng bốc; khoe khoang khoác lác; nói dối). Số 2488-2492: “Tôn trọng chân lý” (truyền thông chân lý; tôn trọng bí mật; tôn trọng đời tư).

[3]Thi sĩ Phùng Quán diễn tả tình yêu chân thật một cách khác: “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai nói ngọt nuông chiều cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu”.

[4]Iustititia commutativa, distributiva, legalis; caritas socialis; solidarietas: xem sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2411; 1939. Sách Giáo lý cũng nói đến việc giúp đỡ người nghèo như một nghĩa vụ chứ không do lòng hảo tâm (số 2446).

[5]Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo, số 580-583. Trước đó, tương quan giữa bác ái và công bình đã được đề cập ở các số 206-208.