Diễn văn của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tại Đại Học Giáo Hoàng Angelicum, Roma.
trích trong: L”Actualité de Saint Thomas,
La Documentation Catholique 16.12.1979, n.1776, pp.1067-1071.
Trần Trung – Văn Nhứt chuyển ngữ
LTS: Ngày 17.11.1979 Đức Thánh Cha Gio-an Phaolo II đã tới Viện Đại Học Giáo Hoàng Angelicum của Dòng Anh em Thuyết Giáo (Dòng Đaminh), tại đây Ngài đã được các Hồng Y Ciappi, Philippe, và Cha Vincent de Couesnongle, Tổng Quyền Dòng Anh em Thuyết Giáo, Cha José Salguero, viện trưởng Viện Đại Học, chào đón. Tại giảng đường, trước các vị Hồng Y, các Tổng Giám mục, các Giám mục, và các Sinh viên, Đức Thánh Cha đã đọc bài diễn văn dưới đây để kết thúc Hội nghị quốc tế dịp đệ nhất Bách chu niên Thông điệp “Aeterni Patris” của Đức Lê-ô XIII.
***
Thưa Quí vị giảng sư lừng danh và các sinh viên rất thân mến!
1. Tôi cảm thấy vui mừng vô hạn vì sau một thời gian dài, được trở lại giảng đường này, nơi tôi biết rất rõ, bởi tôi đã bao lần bước vào đây thuở còn là một sinh viên từ miền xa xôi đến Trung Tâm Học Vấn Giáo Hoàng Quốc Tế Angelicum, để đào sâu tư tưởng của Doctor communis – vị Tiến sĩ chung của Giáo Hội, Thánh Tô-ma A-qui-nô.
Trung tâm này, từ lúc ấy, đã có một đà tiến đầy ý nghĩa: Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Gio-an XXIII đã nâng Trung tâm lên hàng Đại Học Giáo Hoàng, và Trung tâm đã được nhận thêm hai cơ sở mới: ngoài các phân khoa thần học, giáo luật và triết học vốn đã có từ lâu, nay lại thêm phân khoa Khoa học xã hội và học viện Mater Ecclesiae dành cho các “Giáo sư tương lai của Khoa học Tôn Giáo”. Tôi sẵn lòng công nhận các dấu chỉ của sức sống nơi cội gốc xưa, chứng tỏ cội gốc này đang chất chứa những bức xúc của nguồn nhựa mới có thể đáp ứng những đòi hỏi về văn hóa đang xuất hiện nhờ có các cơ sở khoa học mới mẻ đó.
HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ BÁCH CHU NIÊN THÔNG ĐIỆP “AETERNI PATRIS”
Niềm vui vì cuộc gặp gỡ hôm nay đặc biệt tăng thêm do sự hiện diện của một tập thể ưu tuyển gồm các chuyên viên cự phách về tư tưởng Tô-ma. Họ từ khắp nơi tới đây để mừng đệ nhất bách chu niên Thông Điệp “Aeterni Patris” được Vị Đại Giáo Hoàng Lê-ô XIII ban bố ngày 04.8.1879. Được tổ chức do “Hiệp Hội quốc tế Tô-ma A-qui-nô”, Hội nghị này cùng hiệp ý với Hội nghị vừa nhóm họp tại Cordoba, Ac-hen-ti-na theo sáng kiến của Hiệp Hội Công Giáo Ac-hen-ti-na về triết học, để mừng chính ngày lễ này. Hội nghị đã mời các đại biểu lỗi lạc nhất của tư tưởng Ki-tô giáo hiện đại cùng trao đổi về đề tài “triết lý của người Ki-tô hữu hiện nay”. Nhắm tới dung mạo và sự nghiệp Thánh Tô-ma trực tiếp hơn, hội nghị lần này đã làm rạng rỡ Trung Tâm nổi tiếng này tại Rô-ma, nơi đây có thể nói được là Thánh Tô-ma đang “ở nhà của ngài”, và Hội nghị cũng làm một nghĩa cử tri ân chính đáng dành cho vị Giáo Hoàng bất tử, người đã góp phần lớn vào công cuộc hồi sinh nguồn hứng cảm đối với sự nghiệp triết lý và thần học của vị Tiến sĩ Thiên Thần.
2. Tôi xin thân ái kính chào Ban Tổ Chức Hội nghị, trước tiên Cha V.de Couesnongle, Tổng Quyền Dòng Anh Em Thuyết giáo, và là Chủ Tịch của “Hiệp hội quốc tế Tô-ma A-qui-nô”, xin chào vị Viện Trưởng của Viện Đại Học này là Cha José Salguero, các thành viên sáng chói của Ban Hàn Lâm, và tất cả các nhà nghiên cứu danh tiếng học thuyết Tô-ma; quí vị đã đem vinh dự đến buổi họp này qua sự hiện diện của quí vịå và đã làm sinh động tiến trình cuộc lễ nhờ tài năng của quí vị.
Tôi cũng xin gởi lời chào thân ái đến các bạn, những sinh viên của Đại Học này, những người đang hăng say chuyên chú học hỏi triết lý và thần học, ngoài những ngành khoa học bổ xung hữu ích khác, nhờ có người thầy và người hướng đạo là Thánh Tô-ma. Các bạn đã được hướng dẫn tới gặp gỡ Thánh Tô-ma nhờ việc làm sáng suốt và linh hoạt của các giáo sư. Niềm hứng khởi trẻ trung đang thúc giục các bạn chất vấn Thánh Tô-ma về những khúc mắc mà tính nhạy bén của các bạn trước các vấn đề của thế giới hiện đại đã gợi ra; và sự khúc chiết chói ngời đặc biệt mà các bạn đón nhận từ những câu trả lời thấu đáo, minh bạch, bình thản của người. Hai điều đó chứng tỏ rất hùng hồn sự khôn ngoan tuyệt vời của Đức Lê-ô XIII công bố Thông Điệp mà năm nay chúng ta mừng bách chu niên.
TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ
3. Chắc chắn mục đích đầu tiên vị Đại Giáo Hoàng nhắm tới khi hoàn tất bước tiến có tầm quan trọng lịch sử này là trích lại và khai triển giáo huấn về các tương quan giữa đức tin và lý trí được Công đồng Va-ti-ca-nô I đề ra. Trong Công đồng này, với tư cách là Giám mục Pérouse, ngài đã góp một phần rất tích cực. Trong Hiến chế tín lý Dei Filius, các Nghị Phụ Công Đồng đã tỏ ra chú tâm đặc biệt đến đề tài nóng bỏng này: đức tin và lý trí; và các ngài đều nhất trí chống lại những trào lưu triết lý và thần học tiêm nhiễm chủ thuyết duy lý đang thắng thế lúc đó. Dựa trên Mạc Khải của Chúa, từng được các Công Đồng Chung trước kia chuyển đạt và giải thích cách trung thành, được các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Đông Phương lẫn Tây Phương soi sáng và bảo vệ, các Nghị Phụ tuyên bố rằng đức tin và lý trí, thay vì đối nghịch nhau, có thể và phải gặp gỡ nhau cách thân thiện.
Những cuộc tấn công ác liệt dai dẳng từ phía kẻ thù của Đức Tin Công giáo và của lý trí đúng đắn đã khiến Đức Lê-ô XIII phải nhắc lại và khai triển học thuyết của Công Đồng Va-ti-ca-nô I trong Thông Điệp của ngài. Trong đó, sau khi nhắc lại một lần nữa sự đóng góp càng lúc càng tiến triển và mở rộng do các Giáo Phụ của Giáo Hội Đông Phương lẫn Tây Phương mang lại nhằm bảo vệ và phát triển tư tưởng triết lý và thần học, Đức Thánh Cha dừng lại ở phần nhận định về công trình nghiên cứu và tổng hợp đã được Thánh Tô-ma thực hiện. Với những lời lẽ rất đáng được trích dẫn trong thể loại La ngữ trong suốt và kinh điển, ngài không ngần ngại chứng minh vị Tiến sĩ Thiên Thần là người đã hướng dẫn các truy tầm của lý trí trên các dữ kiện đức tin, nhắm tới những đối tượng vốn có một giá trị bất diệt: “Thánh Tô-ma đã thâu thập học thuyết của các vị đó, tựa những chi thể rời rạc của cùng một thân thể, rồi tổng hợp, sắp xếp trong một trật tự tuyệt vời và phong phú đến độ ngài xứng đáng được coi là người bảo vệ độc đáo và là niềm vinh dự của Giáo Hội. Hơn nữa, cùng với việc phân biệt lý trí và đức tin, ngài liên kết cả hai bằng mối dây thân ái, như thế ngài giữ được cho mỗi bên các quyền lợi, bảo toàn phẩm giá đến độ khi được đôi cánh của Thánh Tô-ma đưa lên tận chóp đỉnh của trí khôn con người, lý trí không thể vươn cao hơn được nữa, và còn đức tin thì hầu như không cần trông đợi nơi lý trí những trợ lực nào phong phú hoặc mạnh mẽ hơn các trợ lực Thánh Tô-ma đã cung cấp”.
THÁNH TÔ-MA, MẪU MỰC CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU KI-TÔ GIÁO
4. Đây là những lời khẳng định trang trọng và quan yếu trên hết, chúng cống hiến một chỉ dẫn thực tiễn hoặc sư phạm cho chúng ta khi nhận định lại chúng sau một thế kỷ. Với những lời đó, quả thực, Đức Lê-ô XIII đã muốn đề nghị với các giáo sư, các sinh viên triết lý và thần học một mẫu mực hoàn hảo của nhà nghiên cứu Ki-tô giáo.
Vậy ngoài những tước hiệu như Tiến Sĩ Giáo Hội và Tiến Sĩ Thiên Thần do Thánh Giáo Hoàng Pi-ô V tôn phong, cũng như tước hiệu “Vị bổn mạng các bộ môn cao cấp” do Đức Lê-ô XIII đã ban tặng qua Tông thư Cum hoc sit ngày 04.8.1880 vào dịp kỷ niệm đệ nhất chu niên thông điệp chúng ta đang mừng năm nay, đâu là những phẩm tính xứng đáng dành cho Thánh Tô-ma A-qui-nô?
Trọng kính Mạc Khải của Thiên Chúa
Phẩm tính đầu tiên của ngài hẳn là lòng trọng kính trọn vẹn cả tâm trí đối với Mạc Khải của Thiên Chúa, lòng trọng kính được ngài nhắc lại trong giây phút ly trần ở Tu viện Fossanova ngày 07.3.1274. Sẽ hữu dụng biết bao cho Giáo Hội của Chúa nếu như ngày nay các triết gia và các thần học gia Công giáo còn noi theo mẫu gương cao cả mà Vị Tiến sĩ chung của Giáo Hội đã để lại. Lòng trọng kính này, Thánh Tô-ma đã dành cho cả các Giáo Phụ và các vị Tiến Sĩ xét như là những chứng nhân đồng tâm nhất trí của Lời Mạc Khải, đến độ Đức Hồng Y Cajetan đã không ngần ngại viết lên như sau – và đoạn văn này đã được nhắc tới trong Thông Điệp: “Vì có lòng trọng kính sâu xa đối với các Thánh Tiến Sĩ, Thánh Tô-ma đã thừa hưởng được, trong một ý nghĩa nào đó, sự thông hiểu của tất cả các vị đó”.
Tôn trọng thế giới hữu hình
Phẩm tính thứ hai biện chính cho tài năng sư phạm hàng đầu của Thánh Tô-ma là sự tôn trọng sâu xa của ngài đối với thế giới hữu hình, xét như một công trình, là vết tích và hình ảnh của Thiên Chúa Sáng Tạo. Như vậy quả là sai lầm khi dám qui kết Thánh Tô-ma theo chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa thực nghiệm. Thông Điệp viết: “Vị Tiến Sĩ Thiên Thần đã xem xét các kết luận triết học trong chính các lý lẽ và nguyên lý của sự vật: vì thế, phạm vi của những tiền đề này và vô số các chân lý hàm chứa trong đó cung cấp cho các tôn sư của những thế hệ hậu lai một chất liệu phong phú cho những bước triển khai hữu ích vào thời gian thích hợp sau này”.
Gắn bó với Quyền Giáo huấn của Giáo Hội
Sau cùng phẩm tính thứ ba đã khiến Đức Lê-ô XIII giới thiệu Thánh Tô-ma cho các giáo sư và các Sinh viên như là mẫu mực của việc nghiên cứu sâu xa, chính là vì ngài đã gắn bó bền bỉ, chân thành và trọn vẹn với Quyền Giáo huấn của Giáo Hội. Suốt cả đời và ngay trong giờ chết ngài đã đặt mọi tác phẩm của mình dưới sự phán quyết của quyền giáo huấn đó. Ai mà chẳng nhớ lời tuyên xưng đầy xúc động ngài đã muốn bày tỏ trong căn phòng của đan viện Fossanova, khi quì trước Mình Thánh, trước lúc lãnh nhận của ăn đường tiến về đời sống vĩnh cửu? Đức Lê-ô XIII còn viết như sau: “các tác phẩm của vị Tiến Sĩ Thiên Thần chứa đựng học thuyết phù hợp nhất với quyền giáo huấn của Giáo Hội”. Điều được rút ra từ các bút tác của Thánh Tiến Sĩ là ngài đã dành một lòng trọng kính cách riêng đối với quyền giáo huấn trang trọng và vô ngộ của các Công Đồng và các vị Giáo Hoàng. Quả là một thái độ rất xây dựng và đáng cho thời nay noi theo, nếu muốn sống phù hợp với Hiến chế tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium – Ánh sáng muôn dân”.
TƯ TƯỞNG CỦA THÁNH TÔ-MA TẠI CÔNG ĐỒNG VA-TI-CA-NÔ II
5. Ba phẩm tính chúng tôi vừa ám chỉ tới vẫn theo sát mọi nỗ lực suy tư của Thánh Tô-ma, cũng chính là những phẩm tính đã bảo đảm tính chính thống các thành quả của ngài. Đó là lý do vì sao Đức Lê-ô XIII, khi muốn đề cập đến một lối giảng dạy triết lý biết tôn trọng cả các qui luật đức tin và cả phẩm giá của các khoa học nhân văn, đã chú trọng hơn cả tới Thánh Tô-ma, ông hoàng và bậc thầy của mọi Tiến Sĩ Kinh Viện.
Phương pháp, các nguyên lý, học thuyết của Thánh Tô-ma A-qui-nô, như vị Giáo Hoàng bất tử đã nhắc lại, qua nhiều thế kỷ đã được ái mộ đặc biệt không những đối với các bậc thức giả, nhưng còn đối với quyền giáo huấn tối thượng của Giáo Hội. Đức Lê-ô XIII còn nhấn mạnh rằng: ngay cả thời nay, để suy tư triết lý và thần học không dựa trên một nền tảng bấp bênh khiến suy tư đó dao động và nông cạn, suy tư đó cần phải tái kín múc nơi sự “khôn ngoan sáng chói” của Thánh Tô-ma để nhận được ánh sáng và sức mạnh cho việc đào sâu Mạc Khải và cổ võ tiến bộ khoa học chân chính.
Sau 100 năm lịch sử của tư tưởng, ngày nay chúng ta có thể thấy những lời thẩm định đó quả hết sức chín chắn và khôn ngoan. Không phải không có lý khi các vị Giáo Hoàng kế tiếp Đức Lê-ô XIII và cả bộ GiáoLuật đã nhắc lại các lời thẩm định đó và coi như của mình. Như chúng ta đã biết, Công Đồng Va-ti-ca-nô II cũng chỉ thị việc nghiên cứu và giảng dạy di sản bất hủ của nền triết lý mà một phần quan trọng do tư tưởng của Vị Tiến Sĩ Thiên Thần kết thành. (Về vấn đề này, tôi xin nhắc lại là Đức Phao-lô VI đã muốn mời triết gia J.Maritain, một trong những nhà chú giải nổi tiếng hiện đại về tư tưởng Thánh Tô-ma, tới tham dự Công Đồng, để bày tỏ lòng quý trọng sâu xa đối với Vị Tôn Sư của thế kỷ XIII và “cách thế suy tư triết lý” đáp ứng được “các dấu chỉ thời đại”. Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục Optatam totius trước khi nói tới việc cần phải để ý tới các trào lưu triết lý hiện đại trong việc giảng dạy, đặc biệt các “trào lưu đang gây ảnh hưởng sâu rộng nhất trên chính quê hương họ” đòi “các môn triết lý phải được giảng dạy sao để trước tiên hướng dẫn các chủng sinh thủ đắc một sự hiểu biết vững chắc và mạch lạc về con người, thế giới và Thiên Chúa nhờ đặt nền trên gia sản triết lý mãi mãi giá trị” [1].
Trong tuyên ngôn về việc giáo dục Ki-tô giáo Gravissimum Educationis, chúng ta đọc thấy như sau: “…Người ta sẽ hiểu sâu xa hơn cách thức kết hợp giữa đức tin và lý trí để đạt tới chân lý duy nhất. Làm như thếä chỉ là đi theo con đường được các Tiến Sĩ Giáo Hội và đặc biệt Thánh Tô-ma đã khai mở”. Lời lẽ của Công Đồng thật rõ ràng: trong mối liên kết khắng khít với di sản văn hóa của quá khứ và đặc biệt với tư tưởng Thánh Tô-ma, các Nghị Phụ đã nhìn thấy một yếu tố cơ bản cho việc đào tạo hữu hiệu dành cho hàng giáo sĩ và giới trẻ Ki-tô giáo và như thế đó cũng sẽ là một điều kiện cần thiết cho việc canh tân mà Giáo Hội mong muốn.
Không cần nhắc lại đây ước mong của tôi về việc thi hành trọn vẹn các điều khoản của Công Đồng, vì tôi đã trình bày rõ ràng trong bài giảng ngày 17.10.1978 ngay sau khi được chọn lên ngai tòa Thánh Phê-rô, và trong nhiều lần sau đó.
TRIẾT LÝ VỀ HỮU THỂ, MỞ RA VỚI MỌI THỰC TẠI
6. Vì vậy chiều nay, tôi rất sung sướng được hiện diện trong hội trường đại học giáo hoàng này, giữa những anh em được triết học và thần học của Thánh Tô-ma thu hút, như ngày xưa, đông đảo sinh viên từ khắp các quốc gia vây quanh giảng đài của người tu sĩ Đa Minh thế kỷ XIII, ở các đại học Paris, Neapoli, ở Studium Curiae hoặc ở tu viện Santa Sabina, Rô-ma.
Triết học Thánh Tô-ma đáng được giới trẻ thời chúng ta chuyên cần nghiên cứu và đón nhận do có tinh thần cởi mở và phổ quát, những đặc tính khó tìm thấy trong nhiều trào lưu tư tưởng hiện đại. Cởi mở đối với toàn thể thực tại trong mọi thành phần và mọi chiều kích, không giản lược thực tại cũng không tuyệt đối hóa một khía cạnh nào như đòi hỏi của trí tuệ về sự thật khách quan, toàn diện liên quan đến thực tại. Tinh thần cởi mở đó, cũng là điểm độc đáo và ý nghĩa của niềm tin Ki-tô với đặc tính Công Giáo. Tính cởi mở này xuất phát từ sự kiện triết học Thánh Tô-ma là triết học về hữu thể, nghĩa là về tác động hiện hữu – actus essendi, mà giá trị siêu việt của nó chính là: con đường trực tiếp nhất để vươn tới tri thức về Hữu Thể nền tảng (Être fondamental) và Hiện Thể thuần túy (Acte pure) tức Thiên Chúa. Vì thế chúng ta có thể gọi đây là triết học tuyên ngôn về hữu thể, một bài ca tán dương hiện hữu (existant).
Từ tuyên ngôn về hữu thể, triết học Tô-ma có khả năng đón nhận và xác quyết tất cả những gì xuất hiện trước trí tuệ con người (những dữ kiện của kinh nghiệm, theo nghĩa rộng nhất) như một hiện hữu đã được xác định trong một nội dung phong phú vô tận. Đặc biệt triết học Tô-ma có khả năng đón nhận và khẳng định một hữu thể biết nhận thức về chính mình, ngạc nhiên về chính mình, và nhất là có khả năng tự quyết và làm nên lịch sử cho mình … Thánh Tô-ma đã suy tư về hữu thể này, về phẩm giá của nó khi ngài nói về con người như là hữu thể hoàn hảo nhất trong thiên nhiên, một ngôi vị phải được đặc biệt quan tâm. Như thế nét chính yếu về phẩm giá con người đã được nêu lên, dù trong lãnh vực này còn phải nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn nữa, nhờ đóng góp suy tư của các trào lưu triết học hiện đại.
Với khẳng định về hữu thể, triết học Tô-ma có khả năng tự biện minh một cách có phương pháp như là một bộ môn không thể bị giản lược vào bất cứ khoa học nào khác, mà còn vượt trên tất cả nhờ có tính độc lập đồng thời hoàn chỉnh các khoa học ấy một cách thiết yếu.
Khởi từ xác quyết về hữu thể, triết học Tô-ma có thể và cần phải vượt lên tất cả những gì đang trực tiếp xuất hiện trước ý thức như một hiện hữu (dữ kiện của kinh nghiệm) để đạt tới chính Hiện Hữu Tự Tại và cũng là tình yêu sáng tạo, trong đó ta gặp được lời giải thích tối hậu và thiết yếu cho sự kiện “có còn hơn không” và đặc biệt cho lý do chúng ta hiện hữu. Tiến sĩ Thiên Thần nói rõ: “hiện hữu là hiệu quả chung cho mọi tạo vật. Đây là hiệu quả đầu tiên, thâm sâu hơn mọi hiệu quả khác. Bởi đó, xét theo đức tính riêng của nó, hiệu quả này phải thuộc về một mình Thiên Chúa”.
Thánh Tô-ma đã đưa triết học theo hướng của trực giác khi chứng tỏ rằng chỉ trên con đường ấy trí tuệ mới thực sự cảm thấy thanh thản và vì thế không thể nào chối bỏ phương hướng này nếu không muốn phủ nhận mình.
Khi coi thực tại dưới khía cạnh hữu thể như đối tượng riêng của siêu hình học, Thánh Tô-ma đã cho thấy trong loại suy về những siêu việt thể của hữu thểë, có một tiêu chuẩn mang tính phương pháp giúp thiết lập các mệnh đề liên quan đến toàn thể thực tại, kể cả Đấng Tuyệt Đối… Thật không phải là đề cao quá mức tầm quan trọng về mặt phương pháp luận của khám phá này đối với sự truy tìm triết lý cũng như đối với nhận thức của con người nói chung.
Có lẽ là một điều thừa thãi khi nhấn mạnh rằng tự thần học phải chịu ơn triết học biết bao, vì thần học chính là niềm tin tìm kiếm trí tuệ hay trí tuệ của niềm tin. Vì vậy, thần học cũng không thể chối bỏ triết học Thánh Tô-ma.
CÁC TRÀO LƯU TRIẾT LÝ KHÁC VÀ TRIẾT LÝ THÁNH TÔ-MA
7. Có phải người ta sợ cổ võ triết học Thánh Tô-ma sẽ gây tổn hại cho tính đa dạng chính đáng của các nền văn hóa và sự tiến bộ của tư tưởng nhân loại? Sợ hãi như thế, quả là hồ đồ, vì căn cứ vào nguyên tắc phương pháp luận được viện dẫn trên kia, theo đó tất cả nội dung phong phú của thực tại bắt nguồn từ “tác động hiện hữu” (actus essendi), thì nói được là triết học vĩnh cửu có quyền đòi hỏi trước tất cả những gì là chân thực trong tương quan với thực tại. Đối lại, sự thấu tri về thực tại – vì phản ánh đúng thực tại – phải có đầy đủ quyền được kết nạp vào triết học về hữu thể, một cách độc lập với người đã giúp cho có bước tiến trong sự quán triệt ấy, và độc lập đối với trường phái triết học ông đang gắn bó. Bởi vậy, các trào lưu triết lý khác nếu được xét theo quan điểm này có thể và phải được coi như là những đồng minh tất nhiên của triết học Thánh Tô-ma, và như là những người bạn (parte-naire) đáng lưu tâm và đáng kính trọng trong cuộc đối thoại đang diễn tiến, đối mặt với thực tại, và nhân danh một chân lý không bị què quặt của thực tại ấy. Vì thế điều Thánh Tô-ma khuyên các môn sinh trong lá thư về cách thức học tập nghiên cứu: “nên để ý đến điều người ta nói hơn là nơi người ta đã nói điều đó”, đã xuất phát sâu xa từ tinh thần triết học Tô-ma một cách sâu sắc. Tôi hết lòng tán thưởng cách tổ chức chương trình học tập nghiên cứu của phân khoa triết học thuộc đại học này, vì ngoài những khóa lý thuyết về tư tưởng Aristote và Thánh Tô-ma, còn có bao gồm các khóa như khoa học và triết học, triết lý nhân chủng học, vật lý và triết học, sử học và triết học hiện đại, phong trào hiện tượng luận, phù hợp với Tông hiến Sapientia Christiana ban hành mới đây về các đại học và các phân khoa của Hội Thánh.
CUỘC TRUY TẦM CHÂN LÝ
8. Một lý do nữa khiến triết học Thánh Tô-ma có giá trị lâu bền: đó là nỗi thao thức mãnh liệt tìm kiếm chân lý. Trong khi bình giải về Aristote, vị triết gia ngài rất ưa thích, ngài viết: “Nghiên cứu triết học không phải để khám phá điều con người suy tưởng nhưng để biết chân lý là gì”. Chính vì thế triết học Thánh Tô-ma tuyệt vời nhờ có chủ trương duy thực và khách quan tính. Đó là triết học hữu thể chứ không phải là triết học hiện tượng. Việc chinh phục các chân lý tự nhiên có cội nguồn tối thượng nơi Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, cũng như các chân lý siêu phàm có cội nguồn nơi Thiên Chúa, Đấng Mạc Khải, khiến cho triết học của vị Tiến Sĩ Thiên Thần tuyệt đối xứng hợp với danh hiệu “Nữ tỳ của Đức Tin”, mà vẫn không tự làm giảm giá hoặc giới hạn lãnh vực tìm kiếm, trái lại còn gặp cơ may khai triển vượt quá giới hạn của lý trí con người. Bởi thế Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI – người có trí nhớ tuyệt vời – khi ban hành Thông điệp Studiorum ducem nhân kỷ niệm đệ lục bách chu niên lễ phong thánh cho Thánh Tô-ma đã không ngần ngại tuyên bố: “Những vinh dự dành cho Thánh Tô-ma không chỉ nhằm tôn vinh một vị thánh Tiến Sĩ, nhưng còn biểu dương quyền giáo huấn của Giáo Hội”.
KI-TÔ HỌC VÀ NHÂN CHỦNG HỌC
9. Thực vậy, Thánh Tô-ma cũng đã biết chiếu dọi ánh sáng của một lý trí được niềm tin soi sáng trên cả những vấn đề liên quan đến Ngôi Lời nhập thể, Đấng cứu chuộc mọi người. Đó là những vấn đề tôi đã ám chỉ trong thông điệp đầu tiên của tôi, “Đấng cứu chuộc con người”; trong đó tôi đã trình bày Đức Giê-su như “Đấng cứu chuộc con người và thế giới, Trung tâm của vũ trụ và lịch sử … Chính lộ dẫn đưa về nhà Cha”. Đây là chủ đề có tầm quan trọng bậc nhất đối với đời sống Giáo Hội và các khoa học Ki-tô giáo. Ki-tô học không phải là nền tảng và là điều kiện đầu tiên chuẩn bị cho một khoa nhân loại học hoàn hảo hơn như các nhu cầu của thời đại chúng ta đòi hỏi hay sao? Chúng ta không được quên rằng chỉ một mình Đức Kitô là Đấng “mạc khải con người một cách hoàn toàn cho chính con người”.
Thánh Tô-ma cũng đã chiếu giãi trên các vấn đề liên can đến con người một ánh sáng trí tuệ được niềm tin thanh lọc và thăng hoa: bản tính của con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, nhân vị con người xứng đáng được trọng kính ngay từ khi mới phôi thai, định mệnh siêu nhiên của con người trong việc hưởng kiến Thiên Chúa Ba Ngôi. Về điểm này chúng ta phải mang ơn Thánh Tô-ma vì một định nghĩa chính xác và luôn có giá trị về nền tảng của bản chất vĩ đại cốt yếu nơi con người, đó là: con người có khả năng tự liệu.
Con người làm chủ chính mình, con người có thể tự lo liệu và tạo nên định mệnh riêng của mình. Tuy nhiên sự kiện này, tự thân, vẫn chưa quyết định được bản chất vĩ đại của con người và không bảo đảm được sự viên mãn của quyền “tự thể hiện” theo cá nhân. Điểm có tính quyết định đó là con người phải đặt hoạt động của mình nơi chân lý, chân lý đó con người không xác định, nhưng chỉ khám phá trong thiên nhiên, thiên nhiên này được trao tặng cho con người đồng thời với hữu thể. Thiên Chúa đặt định thực tại với tư cách là Đấng Sáng Tạo và, như là Đấng Mạc Khải, Ngài thể hiện thực tại đó đầy đủ hơn, nhất là nơi Đức Giê-su Ki-tô và Giáo Hội của Ngài. Công đồng Va-ti-ca-nô II khi gọi sự “tự quan phòng” này của con người “xét theo lý do của sự thật” là tác vụ vương giả, đã đạt tới trực giác đó trong một chiều sâu thẳm.
Đó chính là học thuyết mà tôi có ý nhắc nhở lại và canh tân trong Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc con người, khi lấy con người làm con đường đầu tiên và cơ bản của Giáo Hội.
10. Để kết thúc những nhận định này, hẳn là quá sơ lược, còn một lời sau cùng buộc tôi phải nói lên. Đó là lời Đức Lê-ô XIII dùng để kết Thông Điệp Aeterni Patris: “Hãy noi theo các mẫu gương của vị Tiến Sĩ Thiên Thần”. Đức Lê-ô XIII dặn dò như thế. Và cũng là điều tôi nhắc lại chiều nay. Quả thực, lời kêu gọi này hoàn toàn được duyệt chính bằng chứng tá đời sống, bảo đảm cho giáo huấn của ngài. Trước khi trở thành phương pháp luận chuyên môn của một bậc giảng sư, thì đó đã là phương pháp của một vị thánh sống trọn vẹn tinh thần Tin Mừng, trong đó Đức Ái là tất cả. Tình yêu Thiên Chúa, nguồn mạch tuyệt đỉnh của mọi chân lý; tình yêu tha nhân, tuyệt tác của Thiên Chúa; tình yêu tạo vật, những đồ trang sức quý giá chất đầy kho tàng Thiên Chúa ban cho con người.
Đó là tất cả sức mạnh gây cảm hứng trong mọi công trình của vị bác học và là động lực bí nhiệm giúp ngài cống hiến trọn vẹn con người hiến thánh của mình. Thánh nhân đã viết: “Mọi sự đều phát xuất từ Đức Ái như là nguyên nhân và được định hướng về Đức Ái như cứu cánh”. Nỗ lực tinh thần đồ sộ của vị tôn sư tư tưởng này quả thực đã được kích thích, được duy trì và được định hướng do một con tim chan hòa tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. “Sự nồng nàn của Đức Ái đã làm phát sinh sự hiểu biết chân lý”. Những lời nói đầy bóng bảy này đã hé mở cho ta thấy đàng sau nhà tư tưởng dám vươn tới tầm cao suy lý táo bạo nhất, là nhà thần bí vẫn kín múc trực tiếp nơi cội nguồn chân lý lối đáp ứng cho những mời gọi thâm sâu nhất của tinh thần con người. Đàng khác, ngài chẳng từng thú nhận là chưa bao giờ viết hoặc giảng dạy điều gì trước khi đến tìm trợ lực nơi lời cầu nguyện hay sao?
Ai đề cập tới Thánh Tô-ma không thể bỏ qua chứng từ được ghi nhận từ đời sống của ngài. Phải can đảm bước theo vết chân của ngài, nếu muốn thưởng thức được những hoa trái bí ẩn nhất và ngọt ngào nhất trong đạo lý ngài. Đó chính là điều mà phụng vụ đặt vào miệng chúng ta trong ngày lễ kính ngài: “Lạy Chúa là Đấng đã làm cho Thánh Tô-ma nên như mẫu gương tuyệt diệu về một đời tìm kiếm nếp sống thánh thiện và tình yêu đối với khoa học thánh, xin cho chúng con hiểu biết giáo huấn và noi theo gương người!
Và chiều nay, cả chúng ta nữa cũng hãy xin cùng Thiên Chúa điều đó, và gửi gắm lời cầu nguyện của chúng ta cho tôn sư Tô-ma, một vị thầy rất có tinh thần Ki-tô vì rất nhân bản, và rất nhân bản vì rất có tinh thần Ki-tô.
Gio-an Phao-lô II.
Giáo Hoàng