Tình Thầy Trò Theo Thánh Tôma Aquinô

0
1363


Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

Nói đến tình thầy trò của thánh Tôma, chúng ta nghĩ ngay đến mối tình giữa trò Tôma và thầy Albertô. Ta có thể khẳng định rằng câu nói “không thầy đố mày làm nên” đã ứng dụng rất đúng cho hai thầy trò này. Tôma mắc nợ rất nhiều với thầy Albertô, bởi vì không những thầy đã sớm nhận ra thiên tài của trò, nhưng nhất là đã chuẩn bị tài liệu cho trò mình làm việc, nghĩa là hướng dẫn trò vào một lãnh vực nghiên cứu hoàn toàn xa lạ: các tác phẩm của Aristote, mà nhiều nhà thần học thời ấy coi như là lạc đạo! Hơn thế nữa, sau khi trò đã qua đời, thầy còn chống gậy từ Cologne sang Paris để bênh cực cho các luận đề của trò mình đang bị tấn công. Trò bênh vực cho thầy đã quá cố là chuyện thường; còn thầy bảo vệ cho trò mới thực là chuyện hiếm có!

Tuy nhiên trong bài này, chúng tôi muốn nói đến một mối tình khác, không phải là mối tình giữa thánh Tôma và các môn sinh của mình (trong đó có đệ tử ruột là Reginalđô Piperno mà thầy đã viết tặng nhiều tác phẩm), nhưng là quan niệm của thánh Tôma về tình thầy trò. Nói đúng ra, chuyện giáo dục đã có từ khi loài người xuất hiện. Thật vậy, loài vật sinh ra đã “biết ăn biết nói” (chẳng hạn con chó biết ăn biết sủa) bởi vì nó hoạt động theo bản năng; còn nếu con người mà không được giáo dục sẽ trở nên ngợm hay đười ươi chứ chẳng nên người! Nói khác đi, con người cần được giáo dục thì mới “nên thân nên người” được. Đó là chuyện hiển nhiên mà ai cũng biết rồi; nhưng các triết gia Hy lạp đã sớm đặt vấn đề về nguồn gốc và bản chất của giáo dục: ai giữ vai trò chủ động trong việc giáo dục, thầy hay là trò? Có hai trường phái đối nghịch: 1/ theo trường phái “nguỵ biện” (Sophista), tất cả thành quả giáo dục đều do ông thầy (thật đúng là “không thầy đố mầy làm nên”); 2/ đối lại, Socrates cho rằng giáo dục tuỳ thuộc vào học trò: trò mà ngu đần thì ông thầy đâu làm gì được; nói khác đí, ông thầy chỉ đến khơi lên cái tiềm năng còn ngủ yên trong đầu của trò mà thôi. Một vấn nạn nữa cũng được nêu lên: tư tưởng là cái gì vô hình; như vậy bằng cách nào truyền đạt cái vô hình từ người này sang người khác được? Vì thế phải chăng cần nhìn nhận rằng tư tưởng đã nằm ở trong đầu của học trò rồi (do Trời phú)? Đó là thắc mắc của các triết gia “ngoại đạo”; giáo phụ Augustinô[1] còn thêm rằng chính Chúa mới là thầy của ta, còn các thầy giáo chẳng là gì hết. Trong Phúc âm đã chẳng có lời dạy rằng: “đừng gọi ai là Thầy đấy ư? (X. Mt 23,8).

Thánh Tôma đã có dịp bàn về vai trò của thầy giáo vào hai cơ hội chính: Quaestiones disputatae de veritate (viết khoảng năm 1256 và 1259), và Summa theologiae (viết khoảng năm 1266-1273, nghĩa là 10 năm sau), pars I, q. 111, art.1.3; q.117; a.1; pars II-II, q.181,a.3).

Tác phẩm đầu tiên quen được đặt tên là De magistro (q.XI), gồm 4 câu hỏi:

– Con người có thể dạy và được gọi là thầy không, hay duy chỉ có Thiên Chúa mới thật là thầy?

– Có ai tự làm thầy cho mình không?

– Thiên thần có thể dạy không?

– Dạy là việc của đời sống chiêm niệm hay là của đời sống hoạt động?

Trong sách Summa Theologiae (I, q.117), thứ tự các câu hỏi hơi khác:

– Một người có thể dạy người khác không?

– Con người có thể dạy các thiên thần không?

– Con người có thể nhờ nghị lực của linh hồn mà biến đổi chất thể hữu hình không?

– Vong linh của loài người có thể di chuyển các vật thể không?

Chúng ta thấy chỉ có 2 câu hỏi đầu tiên là tương đương với De magistro, hai câu cuối xem ra lạc đề. Ngược lại, câu hỏi thứ bốn của De magistro được bàn trong Summa Theologiae ở chỗ khác (II-II, q. 182; 187).Thay vì chú giải các đoạn văn vừa kể, chúng tôi xin trình bày tổng hợp tư tưởng của thánh Tôma dựa theo 3 điểm: 1/ Chức vụ làm thầy dạy? 2/ Thuật giảng dạy. 3/ Mục tiêu của việc giảng dạy.

1. Chức vụ làm thầy dạy

Trong cuốn Tổng luận thần học (II-II, q.187-188), thánh Tôma đã có dịp bàn về đề tài này khi bàn về đặc sủng của các dòng tu, đặc biệt là Dòng Đaminh. Hồi thế kỷ XIII, các dòng tu còn ít (đếm chưa hết các đầu ngón tay), cho nên vấn đề đặc sủng tương đối đơn giản chứ không phức tạp như phong trào trăm hoa đua nở của thời đại chúng ta. Các dòng tu cổ truyền được chia làm hai loại chính: các dòng chiêm niệm (các đan tu với hai hình thức ẩn sĩ và cộng đoàn) và các dòng hoạt động bác ái xã hội. Thánh Đaminh đã lập một dòng mới, không nằm trong hai loại ấy. Đặc sủng của dòng này là “giảng” (ordo praedicatorum), nhưng các tu sĩ đã sớm hiện diện ở các đại học để “dạy”[2], khiến cho các giáo sĩ giáo phận đâm ra ghen tức. Trong bối cảnh ấy, thánh Tôma đã có dịp dùng ngòi bút để bênh vực cho Dòng mình (cũng như sứ vụ của chính bản thân, vì lúc ấy ngài đang dạy tại đại học Paris). Dòng Giảng (và dạy) thuộc về loại chiêm niệm hay hoạt động?[3]

Thánh tiến sĩ thiên thần phân biệt: giảng và dạy thuộc về loại hoạt động; nhưng việc thi hành sứ vụ đòi hỏi sự chiêm niệm. Thật vậy, việc giảng và dạy bắt nguồn từ chiêm niệm. Các đan sĩ cổ truyền sống chiêm niệm; các dòng bác ái xã hội thì thiên về hoạt động; còn dòng Giảng (và dạy) thì cần phải chiêm niệm và rồi sau đó thông truyền điều mình đã chiêm niệm cho tha nhân (contemplata aliis tradere). Điểm đặc biệt nằm ở chỗ việc giảng (và dạy) có cùng một nội dung với sự chiêm niệm: nói khác đi, việc giảng dạy cũng là chiêm niệm (kéo dài sự chiêm niệm) chứ không phải là ngưng chiêm niệm như là các công tác hoạt động khác. Việc giảng dạy là một hành vi chiêm niệm vừa là một hành vi hoạt động bác ái; vì thế chiêm niệm rồi thông đạt điều mà mình chiêm niệm cho tha nhân thì tốt hơn là chỉ chiêm niệm cho riêng mình mà thôi[4]. Không nói ai cũng đoán được thánh Tôma đang bàn về việc giảng (và dạy) thần học (nói với Chúa và nói về Chúa), chứ không áp dụng được cho việc dạy toán lý hóa hoặc sử địa! Dù sao thì ta cũng thế nhận ra chức vụ cao quý của việc giảng dạy kể cả trong lãnh vực siêu nhiên, bởi vì nó liên quan đến chương trình cứu độ nhân loại. Giảng dạy là một công tác mà Chúa Giêsu đã uỷ thác cho các thánh tông đồ (Mt 28,19-20), và chính Người đã thi hành như là một phương thế chính yếu của sứ vụ của mình. Nên lưu ý là “bài giảng trên núi” thực ra là một “bài dạy”: “Chúa Giêsu ngồi xuống … mở miệng dạy họ rằng” (Mt 5,1-2). Theo Tin mừng Marcô, Đức Kitô khai mạc sứ vụ bằng việc giảng (Mc 1,14) và liền đó là dạy (Mc 1,21-22), tại các hội đường (Mt 4,23) và đền thờ (Mt 21,23). Người được tôn là rabbi và đã chọn lựa các môn sinh. Trong lãnh vực tự nhiên, giảng dạy đã là cao quý rồi (rèn luyện cho môn sinh được nên thân nên người); trong lãnh vực siêu nhiên, nó còn cao quý hơn nữa xét về mục đích (như sẽ thấy ở điểm thứ ba dưới đây) cũng như xét về bản chất: giảng dạy phục vụ “lời”, dùng lời để chuyển đạt chân lý. Chính vì thế mà việc cứu thế được uỷ cho Ngôi Lời.

2. Thuật giảng dạy

Ở đây chúng ta không bàn đến nghệ thuật sư phạm[5] cho bằng tìm hiểu bản chất của việc giảng dạy, một câu hỏi đã được nêu lên từ thời các triết gia Hy-lạp: ai giữ vai trò chủ động trong việc học tập: người thầy hay là học trò? Phải chăng thầy là người chủ động, còn trò thì hoàn toàn thụ động (chỉ cần chịu khó hấp thụ điều mà thầy giảng dạy)? Thánh Tôma trả lời rằng vai trò chủ động là học trò, ông thầy chỉ đến phụ giúp[6]. Dựa vào đâu mà quả quyết như vậy?

Tác giả quan niệm rằng việc giảng dạy là một nghệ thuật (ars docendi). Nhưng mà trong các tác phẩm nghệ thuật cần phải phân biệt hai loại. Có thứ nghệ phẩm thành hình hoàn toàn nhờ tài của nghệ sĩ, có thứ nghệ phẩm thành hình nhờ chính nội lực của nó, và nghệ sĩ chỉ đến hỗ trợ thêm.

Một thí dụ của loại thứ nhất là các bức tượng đá hay gỗ. Phiến đá hay cục gỗ hoàn toàn bất động (hoặc thụ động). Bức tượng thành hình là nhờ công trình của nhà điêu khắc; nếu không có sự can thiệp của ông thì muôn đời cục đá hay gỗ vẫn không thay đổi.

Một thí dụ của loại thứ hai là các bệnh nhân. Bệnh nhân tự mình có thể lành được, lâu mau tuỳ theo sự đề kháng của cơ thể. Thầy thuốc can thiệp để giúp cho tiến trình lành bệnh được nhanh hơn. Để được vậy, ông phải tìm hiểu người bệnh, quá trình của họ, những phản ứng đối với các thứ thuốc, vv. Thầy thuốc không thể kê một toa thuốc như nhau cho tất cả mọi bệnh nhân, bởi vì nếu không khéo thì thuốc sẽ gây chết nguy hiểm tới tính mạng thay vì chữa lành. Dĩ nhiên, các bài thuốc mà ông sử dụng không phải là do ông sáng chế theo óc tưởng tượng của mình, nhưng là nhờ việc học hỏi sự vận hành của thiên nhiên: nếu bệnh nhân đang sốt thì ông phải tìm những phương thuốc nào để giảm nhiệt, chứ không làm ngược lại; phương thuốc nào phù hợp với thiên nhiên thì mới có hy vọng chữa lành.

Thánh Tôma xếp nghệ thuật dạy học trong loại thứ hai. Phải chăng công tác của thầy giáo cũng như công tác của thầy thuốc? Có lẽ vậy. Nhưng điều quan trọng muốn nói là khả năng học biết tuỳ thuộc chính yếu vào người học trò. Không có thầy thì trò cũng có thể biết được, tuy đòi hỏi thời gian lâu dài hơn. Thầy đến để giúp cho trò được “khai trí”, phát huy các tiềm năng của mình. Thầy giáo không như nhà điêu khắc dùng cái búa và cái dùi để đục đẽo một khối đá hoặc khúc gỗ, nhưng như là một nhà dìu dắt trên đường truy tầm chân lý[7].

Vài hệ luận. Thầy giáo phải tìm hiểu học trò (giống như bác sĩ tìm hiểu người bệnh) để biết những tiềm năng của trò. Nói cho cùng, tiềm năng ấy không phải là do trò đã học từ kiếp trước mà bây giờ phải nhắc lại, nhưng tiềm năng ấy là cho chính Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn của mỗi người. Thiên Chúa (Tạo Hoá) đã đặt nơi các loài vật bản năng để hoạt động; còn nơi loài người thì Ngài đã phú bẩm trí tuệ và các nguyên lý căn bản. Vai trò của người thầy là giúp các trò khai triển các hạt mầm ấy, lần mò từ các nguyên lý tổng quát đến các kết luận mới. Nói khác đi, thầy giáo giúp cho học trò “khám phá” chân lý (via inventionis), chứ không phải là “nhồi nhét” chân lý vào đầu của học trò. Nghệ thuật dạy học nằm ở chỗ đó: thầy giáo dùng những hình ảnh mà học trò dễ nắm bắt, để dần dần đi từ điều dễ hiểu đến điều khó hiểu hơn, từ các khả giác đến cái trừu tượng[8]. Vai trò chính của việc giáo dục vẫn là học trò, thầy giáo đến để hướng dẫn. Nói đúng hơn, cả hai đều đồng hành trên đường truy tầm chân lý: chân lý không đến từ nơi nao xa vời, nhưng ở trong tâm hồn của học trò mà Thiên Chúa đã phú bẩm. Nếu thiếu khởi điểm này thì thầy giáo đành bó tay. Đối lại, học trò chỉ chịu nghe thầy nếu được thầy hướng dẫn trên đường chân lý, phù hợp với những nguyên tắc mà Thiên Chúa đã in trong lương tri của mình. Một bảo đảm cho uy tín của thầy trong việc truy tầm chân lý là sự hài hoà giữa lời nói và việc làm của ông.

3. Mục tiêu của việc giảng dạy

Như đã nói trên, việc giáo dục cốt để giúp đào tạo “nên thân nên người”. Điều này cũng dễ hiểu thôi: ai cũng mang trong mình “nửa người nửa ngợm nửa đười ươi”; việc giáo dục nhằm gột với tính ngợm và tính đười ươi càng nhiều càng tốt. Đó là nói theo ngôn ngữ bình dân. Thánh Tôma lập luận cách khác, nhìn trong toàn thể ý định cứu độ của Thiên Chúa. Thánh nhân khẳng định rằng tất cả mọi kiến thức học hỏi của con người nhằm đến sự hoàn thiện con người, đó là hạnh phúc[9].

Để hiểu rõ hơn tư tưởng của vị Tiến sĩ thiên thần, nên nhớ rằng ngài chủ trương rằng cứu cánh tối hậu của tất cả mọi hành động con người hạnh phúc. Đó cũng là tiêu chuẩn phân định hành vi nào là tốt hay xấu: hành vi nào đưa ta đến hạnh phục tuyệt đối là tốt; ngược lại là xấu.

Đó mới chỉ là định hướng tổng quát. Đi xuống chi tiết hơn nữa, ta có thể nói đến sự hoàn thiện của con người dưới hai khía cạnh: tự nhiên và siêu nhiên. Dưới khía cạnh tự nhiên, sự hoàn thiện của con người hệ ở chỗ tập luyện các nhân đức. Danh mục các nhân đức khá dài, bởi vì không chỉ gồm bốn nhân đức trụ mà còn nhiều nhân đức phụ thuộc khác; tuy vậy, ở chóp đỉnh của bậc thang các nhân đức là khôn ngoan, khiến ta biết điều khiển cuộc đời cách hài hoà, phù hợp với lý trí. Dĩ nhiên, người hoàn thiện không chỉ là con người có đầu óc sáng suốt, nhưng cũng là con người có ý chí và cảm xúc nữa, tất cả dưới sự phối trí của đức khôn ngoan.

Dưới khía cạnh siêu nhiên, sự hoàn thiện của con người ở chỗ đạt được ơn cứu độ, nhờ việc hợp tác với ân sủng được ban cho ta nhờ Thánh Linh. Hẳn nhiên, chóp đỉnh của đời sống siêu nhiên là đức yêu mến, được kiện toàn bởi ơn cao minh (sapientia), nhờ đó ta được kết hợp với Thiên Chúa, cảm nghiệm tình bạn với Chúa, và phán đoán mọi sự theo cái nhìn của Chúa (Summa Theologiae, II-II, q.45,a.2).

Kết luận

Những suy tư trên đây có ảnh hưởng gì đến tình thầy trò không? Hẳn là có. Câu nói “không thầy đố mày làm nên” vẫn còn đúng. Tuy học trò giữ vai chủ động trong việc học, bởi vì anh ta đã có sẵn “vật liệu” trong đầu rồi và anh có thể tự mình xây cất, nhưng đó mới chỉ là “tiềm năng” (in potentia) mà thôi. Anh phải mày mò lâu giờ, và có thể phạm những sai lầm nữa. Ông thầy đến để giúp đỡ anh đưa cái tiềm năng ra hiện thực (in actu), nhờ kinh nghiệm bản thân: ông cung cấp cho trò một bài học (doctrina), không phải bằng cách nhồi nhét kiến thức, nhưng bằng cách giúp cho trò phát triển tiềm năng của mình. Điều này giả thiết là thầy phải biết rõ trò của mình cách sâu xa để hướng dẫn trò (đại khái cũng như bác sĩ cần biết rõ bệnh nhân, chứ nguyên kiến thức thuần tuý y học thì chưa đủ). Đó là khởi điểm của tình thân mật giữa thầy với trò.

Đó là suy tư theo lý lẽ tự nhiên, và cần được bổ túc thêm trong lãnh vực thánh khoa. Ở đây, vị thầy chủ đạo vẫn là Thiên Chúa (có thể hiểu về Đức Kitô là Tôn sư, và cũng có thể hiểu về Thánh Linh là vị thầy nội tâm). Thầy giáo trở nên cộng sự viên của Thiên Chúa trong việc truyền thông đạo lý cứu rỗi, nhưng sẽ là điều tuyệt vời hơn nữa nếu thầy huấn luyện cho trò biết ngoan ngoãn lắng nghe tiếng Chúa. Dĩ nhiên, chính thầy giáo phải là người biết lắng nghe tiếng Chúa là Chân lý tuyệt đối.

—————

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

Mario Caponnetto, El sentido de la educación en Santo Tomás de Aquino

http://centropieper.blogspot.com/2008/12/el-sentido-de-la-educacin-en-santo-toms.html

Janis Talivaldis Ozolins, Aquinas and His Understanding of Teaching and Learning, http://www.springer.com/978-94-007-5260-3

Julio Picasso Muñoz, El Maestro de Santo Tomás de Aquino, Universidad Catolica Sedes Sapientiae, Lima, 2008.

 

 


[1]Thánh Augustinô đã viết một tác phẩm tựa đề De Magistro năm 389.

[2] Nên lưu ý là trong tiếng Việt, “giảng” và “dạy” đồng nghĩa với nhau: giảng có nghĩa là giải thích, diễn giảng. (Ở đại học Việt Nam trước năm 1975, “giảng sư” là một ngạch trước khi được thăng làm “giáo sư”). Trong tiếng Latinh thì khác: “praedicare” có nghĩa là: nói to lớn (công bố, loan báo) trước công chúng (prae có nghĩa là “trước mặt”); còn “docere” thì thân thiết hơn, gần giống như dẫn dắt (ducere; educatio, giáo dục, gốc bởi e-ducere). Trong lịch sử Giáo hội, praedicare thường được gắn với kerygma, evangelisatio (loan báo Tin mừng); còn docere gắn với didascalia (huấn giáo).

[3] Summa Theologiae, II-II, q.181, art.3:utrum doctrina pertineat ad vitam activam. Giảng dạy là một hành vi của đời hoạt động vì trao cho người khác một “đồ vật”, tức là lời giảng. Tuy nhiên lời là công vụ chuyển thông chân lý là đối tượng của chiêm niệm.

[4] Từ thời ông Origene, các giáo phụ đã quan niệm đời sống chiêm niệm cao hơn đời sống hoạt động, với lý do là “mến Chúa” thì cao hơn là “yêu người”. Chúa Giêsu đã chẳng khen bà Maria hơn là bà Marta đấy ư (x. Lc 10,42). Thực ra việc đề cao đời chiêm niệm đã bắt đầu từ Aristote rồi, bởi vì nhờ đó mà trí tuệ đạt thấu lý lẽ của vũ trụ và thậm chí đến Thượng đế nữa (Ethica Nicomachea lib.X).

[5] Người ta gán cho thánh Tôma một tập những lời khuyên răn về phương pháp học, quen đặt tên là De modo studendi gửi anh Gioan. Nhưng các nhà phê bình đặt nghi vấn về tác giả của lá thư này.

[6] Ngoài tác phẩm De magistro, thánh Tôma còn bàn điểm này ở Summa contra gentiles lib.II, c.75

[7] Trong tiếng Hán Việt, “sư phạm” có nghĩa là quy tắc của thầy; trong tiếng Âu châu, pedagogy có nghĩa là dẫn dắt trẻ thơ (pais nhi đồng; agoghe, dẫn dắt)

[8] Ai đã đọc sách Tổng luận thần học sẽ nhận ra phương pháp sư phạm của thánh Tôma: 1/ Đi từ chung đến riêng, từ cái nhìn bao quát đến các chi tiết. 2/ Nhất là phương pháp đối thoại bằng đường lối “quaestio”: luôn luôn đặt vấn đề, đưa ra những lý lẽ thuận nghịch, kể cả khi đụng đến các chân lý căn bản nhất của đức tin, chẳng hạn như sự hiện hữu của Thiên Chúa (xem ra không có Thiên Chúa, videtur quod non, vì những lý lẽ tựa như sự hiện hữu của sự dữ trên đời này).

[9] “Omnes autem scientiae et artes ordinantur in unum, scilicet ad hominis perfectionem, quae est eius beatitudo”. In Metaphysicorum, Prooemium (Mở đầu Chú giải quyển sách Siêu hình của Aristote).