Tĩnh tâm tu viện Mân côi năm 2023 – Nhập đề

0
1101

Giuse Phan Tấn Thành

I. Đường nên thánh của Tôma

A.Tiến trình phong thánh

B. Các nhân đức của Tôma

II. Linh đạo thánh Tôma

A. Cấu trúc bộ Tổng luận thần học

B. Vài đặc trưng

Có hai kỷ niệm đáng kể trong năm nay: một là 250 năm tuẫn giáo của thánh Vinh-sơn Liêm (1773), hai là 700 năm tuyên thánh cho Tôma Aquino (1323). Chúng ta chỉ mới nhắc đến các ngài nhân lễ nghi khai mạc bách chu niên, chứ chưa có dịp đào sâu ý nghĩa biến cố. Xin để dành việc học hỏi thánh Vinh-sơn Liêm cho tỉnh dòng và tu viện nhận ngài làm tước hiệu; nhân dịp tĩnh tâm tu viện Mân Côi, gắn liền với Trung tâm Học vấn nhận thánh Tôma làm bổn mạng, tôi xin đề nghị anh em suy nghĩ về một khía cạnh ít được để ý của vị Tiến sĩ này, đó là đời sống thánh thiện của ngài cũng như con đường nên thánh mà ngài đã vạch ra không chỉ riêng cho Dòng mà còn cho toàn thể Giáo hội.

Thật vậy, Tôma đã được nhiều người biết đến như một tiến sĩ uyên thâm với nhiều tước hiệu lẫy lừng (Doctor communis; Doctor angelicus; Doctor humanitatis)[1] nhưng có lẽ ít khi được giới thiệu như một vị thánh. Ngài được Chúa ban trí thông minh tuyệt vời, suốt đời chăm chú vào việc nghiên cứu thánh khoa. Chắc chắn rằng ngài khác xa chúng ta. Thử hỏi: chúng ta có thể học được điều gì nơi cuộc đời của ngài không?

Xin thưa rằng khi đọc lại cuộc đời của ngài (được kể lại qua hồ sơ phong thánh, chứ không phải qua các hồi ký), chúng ta sẽ khám phá rằng trước khi là một giáo sư thần học, Tôma là một tu sĩ, một con người suốt đời tìm kiếm Thiên Chúa. Ngoài ra, các tác phẩm của ngài không chỉ là những suy tư trí tuệ mà còn diễn tả kinh nghiệm tâm linh của ngài. Vì thế, Tôma không chỉ là một vị thánh, nhưng còn là một vị thầy vạch ra cho các Kitô hữu biết con đường nên thánh. Nói cách khác, những tác phẩm của ngài không chỉ chứa đựng một nội dung đạo lý thần học, mà còn bao gồm một linh đạo, linh đạo không chỉ giá trị cho các ánh em thuộc Dòng giảng thuyết mà còn có giá trị đối với tất cả các Kitô hữu. Chúng ta cần tái khám phá khuôn mặt của thánh Tôma: ngài không chỉ là một triết gia, nhưng tiên vàn là một nhà thần học, một thứ thần học không dừng lại ở các chân lý trừu tượng nhưng còn đưa đến việc kết hiệp với Thiên Chúa. Thần học của Tôma khởi đầu với việc cầu nguyện và dẫn đến việc chiêm ngưỡng yêu mến Thiên Chúa.

Trong khuôn khổ của 5 bài thuyết trình, tôi xin lần lượt các đề tài sau đây:

1/ Những điểm nổi bật của đời sống thánh thiện của Thánh Tôma và của linh đạo do ngài vạch ra. Bài này muốn trình bày một cái nhìn tổng quan về linh đạo thánh Tôma. Ba bài tiếp theo bàn đến linh đạo nhìn trong tương quan với Thiên Chúa, Đức Kitô và Thánh Linh.

2/ Thiên Chúa và con người trong linh đạo Tôma

3/ Đức Kitô trong linh đạo Tôma

4/ Thánh Linh trong linh đạo Tôma

5/ Hành trình nên thánh theo thánh Tôma.

Trong bài dẫn nhập hôm nay, tôi xin trình bày hai điểm chính: 1/ Đường nên thánh của Tôma. 2/ Linh đạo Tôma.

I. Đường nên thánh của Tôma

Một khó khăn được đặt ra khi bàn về con đường nên thánh của Tôma là đương sự không hề kể lại kinh nghiệm của mình. Ngài không để lại hồi ký hay tự thuật tựa như các thánh Augustinô, Inhaxiô Loyola, Teresa Avila. Chúng ta chỉ còn biết dựa vào những người biên soạn tiểu sử của ngài, và các nhân chứng trong thủ tục điều tra phong thánh.

A. Tiến trình phong thánh

Thánh Tôma qua đời ngày 7/3/1274 tại một đan viện Xito ở Fossavova, trên đường tham dự công đồng Lyon II. Tuy không ai chê trách gì về cuộc đời cá nhân của ngài, nhưng ngài đã bị nhiều người chống đối vì bị tố cáo là rơi vào lạc giáo. Đúng ba năm sau khi Tôma qua đời ngày 7/3/1277, đức cha Etienne Tempier, giám mục Paris, đã thảo ra danh mục 219 luận đề bị coi là nguy hiểm cho đức tin, trong đó có 11 luận đề phản ánh tư tưởng của Tôma. Không lâu sau, ngày 18/3/1277, đến lượt Tổng giám mục Canterbury là Robert Kilwarby OP, công bố danh sách kết án vài luận đề của Tôma (trong đó có unitas formae substantialis). Chưa hết, Guillaume de la Mare, thuộc dòng Phan-sinh, đã xuất bản một quyển Correctorium, khoảng năm 1279, vạch ra những sai lầm của Tôma, được tóm lại trong 118 điều. Thậm chí tổng hội của dòng Phan-sinh họp ở Strasbourg năm 1282 cấm các tu sĩ đọc sách Summa. (Những ai cần nghiên cứu thì phải được tẩy não trước bằng quyển Correctorium).

Dĩ nhiên là anh em Đaminh đã phản pháo chứ không thể khoanh tay ngồi yên, và kể từ tổng hội Milano năm 1278, Dòng đã truyền cho anh em phải trân trọng ý kiến của Tôma. Dần dần các tổng hội kế tiếp đã buộc anh em phải xếp hàng sau lưng Tôma, nghĩa là chấp nhận đạo lý Tôma như là của Dòng. Trong bối cảnh căng thẳng như vậy mà vụ án phong thánh diễn ra. Trên thực tế, điều may mắn là ĐTC Gioan XXII đích thân can thiệp vào vụ án. Thủ tục điều tra khởi sự từ năm 1318, với hai phiên toà thâu thập nhân chứng tại Napoli (từ 21/7 đến 18/9 năm 1319, với 42 nhân chứng) và Fossanova (từ 10 đến 20/11/1321, với 112 nhân chứng). Một người có công đôn đốc hồ sơ phong thánh là Guglielmo de Tocco, lo việc thu thập các chứng tích liên quan đến đời sống và phép lạ của Tôma. Cuộc phong thánh diễn ra tại Avignon vào hai buổi: ngày 14/7/1823 (tại dinh giáo hoàng) và ngày 18/7/1323 tại nhà thờ chánh tòa. Một điều kiện để được phong thánh là phải có phép lạ. Hồ sơ kể ra 300 phép lạ, và sắc chiếu phong thánh chỉ trích trích lại 9 phép lạ. Điều này sửa lại tục truyền cho rằng thánh Tôma không làm phép lạ nào, bởi vì mỗi articuli của sách Summa đã là một phép lạ rồi (quod tot fecerat miracula quot scripserat articulos). Nên biết câu nói này là của Jean Gerson.

B. Các nhân đức của Tôma

Chúng ta sẽ không đi sâu vào các phép lạ của thánh Tôma. Một sự kiện tuy không phải là phép lạ nhưng đã gây ấn tượng sâu xa. Tục truyền, một tu sĩ Phansinh chống đối cuộc phong thánh và tuyên bố rằng thà chết còn hơn là thấy Tôma được đặt lên bàn thờ. Trên thực tế, ông đã từ trần vào ngày hôm sau khi diễn ra cuộc phong thánh[2].

Chúng ta hãy dừng lại ở các nhân đức nổi bật của ngài. Trong bản tóm lược tiểu sử để dùng vào hồ sơ phong thánh, Guiglelmo de Tocco tóm lại như sau: “Tôma nổi tiếng về đức khiêm nhường, khiết tịnh xác hồn, sốt sắng cầu nguyện và khôn ngoan khi khuyên răn, điềm đạm trong lời nói, bác ái với hết mọi người”[3]. Cách đây 100 năm, để kỷ niệm 600 năm lễ tuyên thánh cho Tôma, ĐTC Piô XI đã ban hành thông điệp Studiorum ducem (ngày 29/6/1923), trong đó ngài ca ngợi các nhân đức bác ái, khiết tịnh, khó nghèo, khiêm nhường, cầu nguyện, cao minh của vị thánh.

Bên cạnh các nhân đức hiểu theo nghĩa của thần học luân lý, các sử gia còn thêm những nhận xét liên quan đến tính tình của ngài. Ngài nổi tiếng là con người trầm ngâm, ít nói, đầu óc thường nghĩ đến các vấn đề thần học, thậm chí không để ý đến các món ăn dọn trên bàn. Một lần kia, ngài được vua thánh Louis mời đến dùng bữa trong dinh. Ngài bất đắc dĩ nhận lời, nhưng đầu óc vẫn bận rộn tìm câu trả lời cho vấn nạn của thuyết nhị nguyên. Bỗng dưng, ngài đập bàn và nói: “Tìm được giải đáp rồi!”, trước sự ngỡ ngàng của các quan khách[4].

Trong các “việc đạo đức” mà thánh nhân quen thực hành hơn cả, Guglielmo de Tocco nêu bật lòng yêu mến Thánh Thể, được diễn tả cách cụ thể qua việc sốt sắng cử hành Thánh lễ hàng ngày. Hồi ấy chưa có Thánh lễ đồng tế, mỗi ngày ngài dâng một thánh lễ rồi sau đó giúp một Thánh lễ nữa do một anh em cử hành. Không thiếu lần ngài đã chảy nước mắt dầm dề lúc cử hành. Ngài cũng năng cầu nguyện trước Thánh giá. Ngài thường đến cầu nguyện với thánh giá mỗi khi gặp phải một khó khăn trong việc nghiên cứu thần học. Chính trong khung cảnh ấy mà nhiều sử gia ghi lại rằng tại tu viện Napoli, một tu sĩ (Giacobe Caserta, phụ trách phòng áo) thấy Chúa Giesu trên thánh giá hiện ra và hỏi Tôma: “Này Tôma, con đã viết rất đúng về Ta. Con muốn được phần thưởng gì?” Tôma trả lời: “Con chỉ muốn được Chúa”. Guglielmo chú thích rằng lúc ấy Tôma đang viết phần thứ ba sách Summa, đang đến đoạn bàn về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô[5].

Suốt cuộc đời của Tôma là một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Người ta kể lại rằng khi còn thiếu nhi, Tôma đã cha mẹ gửi vào đan viện Biển đức ở Montecassino, và cậu bé thường đặt câu hỏi “Quid sit Deus?” (Thiên Chúa là gì?). Thoạt tiên, xem ra câu hỏi này mang tính siêu hình, và ngoài khả năng của một đầu óc còn ngây thơ. Nhưng chúng ta nên hiểu câu hỏi theo một nghĩa khác, câu hỏi mà các sư phụ xưa kia vẫn đặt cho các môn sinh đến xin thụ giáo: “Anh tìm gì ở đây?” Câu trả lời là: “Con đi tìm Chúa?”. Câu hỏi của cậu Tôma còn đi xa hơn nữa. Cậu đã ở trong một đan viện Biển Đức rồi, nơi được coi như là dành cho những người tìm kiếm Thiên Chúa. Nhưng Tôma chưa thỏa mãn, bởi vì sau đó, Tôma đã xin gia nhập Dòng anh em giảng thuyết, một dòng vừa mới ra đời, nhằm sống lý tưởng Tin mừng cách triệt để hơn. Tôma đã phải trả giá cho sự lựa chọn này, bởi vì đi ngược lại hoài bão của gia đình.

Sau này, Tôma sẽ còn vất vả bảo vệ sự lựa chọn ấy khi phải bênh vực các dòng hành khất chống lại các cuộc tấn công của các giáo sĩ triều ở Paris. Trong khung cảnh ấy, ngài đã có dịp đào sâu hơn lý tưởng của mình là đi tìm Chúa và giúp cho những người khác đi tìm Chúa. Việc tìm kiếm Chúa vốn đã là mục tiêu của đời đan tu; nhưng Tôma còn muốn rằng sau khi đã chiêm niệm, mình cần phải truyền thông cho tha nhân điều mà mình chiêm niệm (Contemplare, et contemplata aliis tradere). Như chúng ta đã biết, phương châm trở thành khẩu hiệu của Dòng Anh em giảng thuyết.

Trên thực tế, tác giả đã bộc lộ ý định này trong bài tựa của cuốn Tổng luận thứ nhất (Summa contra Gentiles). Khi ấy (năm 1259) tác giả mới có 25 tuổi và đã viết như sau: “Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ chính yếu của đời tôi là diễn tả Thiên Chúa trong mỗi lời nói và tâm tư của tôi”[6]. Tôma duy trì lý tưởng đó suốt đời như phản ánh qua những lời thưa với Chúa Giêsu vừa trích dẫn.

II. Linh đạo thánh Tôma

Các Dòng tu ở Việt Nam thường tổ chức những cuộc trao đổi với nhau về linh đạo. Trong các cuộc gặp gỡ ấy, anh em Đaminh thường lúng túng, bởi vì không biết cách diễn tả linh đạo của Dòng mình thế nào, vì thế tìm cách đánh trống lảng: : “Linh đạo Đaminh bàng bạc lắm”! Nếu linh đạo Đaminh đã mông lung như vậy, thì phải nói thế nào về linh đạo thánh Tôma?

Thiết tưởng một khuyết điểm lớn trong cuộc tranh luận này là không xác định rõ từ ngữ: Linh đạo là gì? “Linh” là gì? Phải chăng linh đạo, linh địa, linh dược cũng đồng nghĩa? “Linh đạo” của một dòng khác với “đặc sủng” của Dòng như thế nào? Xin được trả lời vắn tắt như sau: Linh đạo là một từ ngữ mới xuất hiện từ giữa thế kỷ XX để dịch từ spiritualité trong tiếng Pháp. Từ ngữ này tương đương với vie spirituelle, và có thể hiểu theo 3 nghĩa: 1/ sinh hoạt tinh thần (đối lại với sinh hoạt thể lý); 2/ đời sống đạo đức và tôn giáo; 3/ đời sống trong Thánh Linh, đời sống theo sự hướng dẫn của Thánh Linh[7]. Ở đây chúng ta chú ý đến nghĩa thứ ba: đời sống dưới sự dẫn dắt của Thánh Linh để càng ngày nên trọn lành như Cha trên trời, theo gương Đức Kitô. Từ “linh đạo” còn muốn thêm tư tưởng về một giáo huấn, một con đường (đạo).

Như vậy, linh đạo của thánh Tôma có thể hiểu theo hai khía cạnh: một là kinh nghiệm nên thánh của ngài; hai là giáo huấn của ngài về sự nên thánh. Khía cạnh thứ nhất vừa được phác họa trên đây. Khía cạnh thứ hai, thoạt tiên xem ra phức tạp, nhưng thực sự lại đơn giản đến độ không ngờ. Thật vậy, một đàng, thánh Tôma không viết một khảo luận về đường nên thánh, tựa như thánh Bonaventura đã biên soạn cuốn Itinerarium mentis in Deum (Hành trình của con người lên tới Thiên Chúa); nhưng đàng khác, chính bộ Summa Theologiae (Tổng luận thần học) là một kim chỉ nam cho con người muốn kết hiệp với Thiên Chúa. Muốn hiểu được điều này, chúng ta cần điều chỉnh hình ảnh về thánh Tôma cũng như về bộ sách nổi tiếng này. Trước hết, chúng ta hãy nhìn lại cấu trúc của bộ sách, và từ đó tìm hiểu vài chìa khóa để phân tích quan điểm của thánh nhân về con đường nên thánh.

A. Cấu trúc của bộ Tổng luận thần học

Cho đến công đồng Vaticano II, bộ sách Summa Theologiae được dùng làm sách giáo khoa trong các học viện Dòng Đaminh; còn ngày nay nó chỉ là một cuốn sách tham chiếu. Dù sao đi nữa, người ta chỉ chú giải từng khảo luận (chẳng hạn về Thiên Chúa, về Đức Kitô, các bí tích, hoặc về luân lý tổng quát và luân lý chuyên biệt), chứ không trình bày cái nhìn tổng quát. Một cuộc cách mạng đáng kể, do cha Dominique Chenu O.P. khởi xướng từ năm 1939[8], đó là khám phá ra toàn bộ cấu trúc của tác phẩm. Trước đây, người ta thường coi ba phần của tác phẩm như là ba khía cạnh của Thiên Chúa xét như là nguyên nhân vạn vật: phần thứ nhất bàn về Thiên Chúa, như là nguyên nhân tác thành; phần thứ hai, bàn về Thiên Chúa như là nguyên nhân cứu cánh; phần thứ ba trình bày Đức Kitô như là nguyên nhân mẫu mực.

Cha Chenu đề nghị đọc tác phẩm như là một lộ trình: mọi sự đều phát xuất từ Thiên Chúa (exitus) và trở về với Thiên Chúa (reditus). Bộ sách Summa Theologiae không chỉ là một bộ “tổng hợp” các đạo lý, nhưng hơn thế nữa, nó còn mô tả một mối liên hệ năng động giữa Thiên Chúa và con người: vạn vật phát xuất từ Thiên Chúa và lại quay về với Thiên Chúa. Thánh Tôma đã xếp đặt các tiết mục thần học dựa theo kiến trúc đó, như chúng ta đọc thấy ngay từ lời mở đầu (I pars, q.2)[9].

Phần I bàn về Thiên Chúa như là nguyên ủy vạn vật: tất cả mọi vật bắt nguồn từ Thiên Chúa. Có thể phát biểu cách khác: Thiên Chúa, nguồn sự thiện vô biên, đã ban sự sống cho vạn vật, đã thông đạt Tình yêu cho các vật thụ tạo, cách riêng là cho lòai người.

Phần II bàn về Thiên Chúa như là cứu cánh của vạn vật: tất cả mọi vật, đặc biệt là con người, quay trở về với Thiên Chúa, bởi vì chỉ nơi Ngài con người mới tìm thấy hạnh phúc đích thực. Con người là hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi thông hiệp bản tính Thiên Chúa. Hơn thế nữa, không những là con người muốn vươn lên tới Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã thu hút chúng về với mình, qua các nhân đức phú bẩm, ân sủng, và các hồng ân Thánh Linh, cốt yếu của Luật mới (Lex nova).

Phần III bàn về Đức Kitô như là Đường dẫn là về với Thiên Chúa. Đức Kitô là Đường, Sự thật, Sự sống: Người đã nhập thể, cứu chuộc chúng ta, và tiếp tục nâng đỡ chúng ta nhờ các bí tích, trên hành trình tiến về hạnh phúc vĩnh cửu.

Với lối nhìn này, quyển Summa Theologiae thật là một kim chỉ nam về tu đức. Thực ra, đối với thánh Tôma, thần học không thể nào tách rời khỏi “linh đạo”: vai trò của thần học là đào sâu thêm đức tin, mà đức tin là sự thông dự vào việc chiêm ngắm Thiên Chúa. Thần học được chín muồi nhờ cảm nghiệm sống động về Thiên Chúa nhờ đức tin. Thần học của thánh Tôma phản ánh sự chiêm niệm bản thân, và đồng thời cũng có khả năng hướng dẫn những người khác đến sự chiêm niệm.

B. Vài đặc trưng

Để nắm bắt được trực giác của thánh Tôma, chúng ta cần phải gột rửa vài hình ảnh lệch lạc về ngài. Kể từ thông điệp Aeterni Patris của ĐTC Lêo XIII, người ta thường trình bày thánh Tôma như là một triết gia Kitô giáo đã rửa tội cho triết học Aristote. Hình ảnh này không sai, nhưng chưa đúng. Thánh Tôma tiên vàn là một nhà thần học, một nhà thần học được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và thấm nhuần lịch sử ơn cứu độ. Bộ Tổng luận thần học giúp cho ta có một cái nhìn toàn diện về lịch sử cứu độ, chứ không phải là hợp tuyển các khảo luận rời rạc: tín lý đi một bên, luân lý đi một nẻo, còn tâm linh thì gác ra bên rìa. Nói cách khác, bộ Tổng luận thần học vạch ra một lộ trình nên thánh, tức là một sách linh đạo. Đây là một cách nhìn mới về tác phẩm cũng như tác giả. “Thánh Tôma là thầy dạy đời sống tâm linh”, dó là tựa đề một cuốn sách của cha Jean Pierre Torrell, O.P., nguyên giáo sư đại học Fribourg (Thụy sĩ)[10].

Chúng ta sẽ nhận thấy rằng các chân lý đức tin mang theo những hệ luận về luân lý và tu đức, khi phân tích vài chủ đề trong các bài tới. Ở đây chỉ xin lưu ý đến tính cách năng động và nói được là căng thẳng trong các suy tư của thánh Tôma. Chúng ta xác tín rằng không thể nào có mâu thuẫn giữa lý trí và đức tin; nhưng đồng thời chúng ta cũng biết đức tin vượt trên lý trí: nhờ mặc khải, chúng ta biết được nhiều điều vượt quá sự khám phá của lý trí. Điều này được công đồng Vaticanô I công bố (và được Vaticanô II lặp lại trong hiến chế Dei Verbum số 8), nhắc đến những nhận xét của thánh Tôma ngay từ vấn đề thứ nhất (de necessitate sacrae doctrinae). Hơn thế nữa, chân lý chỉ được biểu lộ rõ ràng khi con người được hưởng nhan Thiên Chúa. Từ nhận xét này, chúng ta thấy tiến trình truy tầm chân lý của thánh Tôma đi qua ba cấp bậc khác nhau.

1/ Cấp thứ nhất, tìm hiểu bản chất các vật, dựa theo sự hiểu biết của lý trí (triết học). Các chân lý về bản chất thường mang tính cố định bất biến.

2/ Cấp thứ hai, học hỏi Thiên Chúa tự mặc khải trong lịch sử cứu độ (thần học).

3/ Cấp thứ ba, chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhãn tiền trong hạnh phúc vĩnh cửu (phúc kiến)

Từ đó, bất cứ đề tài nào cũng có thể nhìn dưới ba góc độ hoặc viễn tượng, chẳng hạn như:

– Ba cách Thiên Chúa hiện diện khắp nơi: a) do hiện hữu (per essentiam), bởi vì Thiên Chúa là căn nguyên hiện hữu của mọi vật; b) do quyền năng (per potentiam) bởi vì muôn vật tùy thuộc vào quyền năng của ngài để hoạt động; c) do hiểu biết (per visionem, per scientiam) bởi vì Ngài trông thấy tất cả. Thần học còn nói đến sự hiện diện trong tâm hồn người tín hữu qua sự “cư ngụ” (per inhabitationem) ban cho linh hồn hiểu biết và yêu mến Ngài.

– Ba khía cạnh nghiên cứu con người: a) con người là động vật có lý trí; b) con người là hình ảnh Thiên Chúa: c) con người được thông phần bản tính Thiên Chúa

– Ba tình trạng của con người trong lịch sử: a) lúc khởi nguyên; b) tình trạng sa ngã; c) tình trạng được cứu chuộc và vĩnh phúc

– Ba cấp minh tuệ (sapientia): a) triết học (philosophia); b) thần học (theologia); c) ân huệ Thánh Linh (donum); từ đó có ba cấp độ chiêm ngưỡng (contemplatio): a) philosophica, b) theologica, c) mystica

– Ba cấp độ con người là hình ảnh Thiên Chúa: a) con người có khả năng hiểu biết là yêu mến Thiên Chúa; b) con người thực sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, nhờ sống trong ân sủng, tuy còn bất toàn; c) các phúc nhân trên trời hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa cách trọn hảo (I, q.93, a.4)

– Ba cấp độ đức ái: a) khởi đầu, b) tiến bộ, c) hoàn hảo.

Chúng ta sẽ có dịp đào sâu đề tài này trong những bài kế tiếp. Như sẽ thấy, một đàng, chúng ta cần đọc tư tưởng của Tôma một cách năng động, tiệm tiến; nhưng đồng thời, chúng ta sẽ gặp thấy nhiều căng thẳng giữa lý trí và đức tin, hay nói theo theo ngôn ngữ của Tôma, giữa tự nhiên và ân sủng (natura et gratia). Lý trí cần đến đức tin; nhưng đức tin cũng cần đến lý trí.

Kết luận: Thế nào là thánh thiện?

Để kết luận bài dẫn nhập hôm nay, chúng ta thử nêu câu hỏi: Thánh Tôma quan niệm thế nào về việc nên thánh?

Trong một bài thuyết trình về sự thánh thiện theo thánh Tôma ở Bari (nam Italia) vào ngày 30 tháng 3 năm 2023, hồng y Marcello Semeraro, bộ trưởng Bộ phong thánh, đã nói như sau[11]:

Định nghĩa của thánh Tôma về sự thánh thiện có thể gồm tóm nơi lời chú giải đoạn Tin mừng Gioan 13,3-4, thuật cảnh Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ: “Khi biết rằng Chúa Cha đã đặt tất cả trong tay Người, và Người đến từ Thiên Chúa và đến cùng Thiên Chúa, Người đứng lên”. Theo Tôma, sự thánh thiện của con người hệ tại đến cùng Thiên Chúa (Super ev. Ioannis, c. 13, lect.1, n. 4). Đó là điều mà tác giả Tin mừng muốn nói, bởi vì khi Đức Kitô đến cùng Thiên Chúa là Người thi hành chức vụ của mình đó là dẫn đưa hết mọi người về Thiên Chúa. Vì thế, nên thánh là tiến đến Thiên Chúa, hay nói đúng hơn, để cho Đức Kitô dẫn dắt, bởi vì Người trở thành kẻ đồng hành với chúng ta trên con đường về với Chúa Cha.

Đoạn văn vắn tắt này rất súc tích. Đối với thánh Tôma sự thánh thiện không hệ ở các việc đền tội phạt xác, cũng chẳng hệ ở việc thực hành các việc lành hoặc thi hành các nhân đức, nhưng căn bản nằm ở tương quan với Đức Kitô.

Các việc đền tội phạt xác không có giá trị tự nó, mà chỉ có giá trị khi được liên kết với một nhân đức. Vì thế cần phải xét xem một sự khước từ hay một việc đền tội được thi hành theo nhãn giới nào và vì mục tiêu gì. Chẳng hạn như sự chay tịnh có giá trị tâm linh khì diễn tả nhân đức tiết độ hoặc để thi hành đức khiết tịnh (xc STh II-II, q.88 a.2. ad 3). Thánh Tôma còn thêm rằng không nên thực hành các việc đền tội cách bừa bãi nhưng cần giữ chừng mực và khôn ngoan để không tổn hại đến sức khỏe (cum debita discretione et natura non nimis gravetur). Nên biết là trong tông huấn Gaudete et exsultate số 59, ĐTC Phanxico nhắc lại giáo huấn của Thánh Tôma: “Người nhắc cho chúng ta rằng các mệnh lệnh do Giáo hội thêm vào Tin mừng không nên thái quá nhưng cần có chừng mục, kẻo đời sống các tín hữu ra nặng nề, và biến đạo chúng ta thành cảnh nô lệ”.

Đối với việc thực hành các việc lành hay thi hành các nhân đức, thánh Tôma nói rằng các công tác lớn lao chẳng có giá trị gì nếu không do đức mến thúc đẩy. Đức mến là tiêu chuẩn của sự trọn lành Kitô giáo[12] . Nếu thiếu đức mến thì chẳng có sự trọn lành, và việc thực hành đức tin và đức cậy sẽ chẳng có giá trị gì[13].

Những điều vừa nói xem ra quá tổng quát, thuộc về gia sản của Giáo hội, chứ chẳng phải của riêng gì Tôma. Đâu là đặc trưng của linh đạo Tôma?

Theo cha J.P. Torrell, có thể trả lời như thế này[14].

1/ Nếu hiểu đặc trưng linh đạo Tôma theo nghĩa là chủ trương độc đáo của ngài thì chắc là không có. Nếu hiểu đặc trưng theo nghĩa là sự đóng góp của Tôma vào việc xây dựng linh đạo Kitô giáo, thì có thể nói rằng công lao của ngài ở chỗ cung cấp một cái nhìn toàn diện về đạo lý Kitô giáo, dung hòa lý trí với đức tin, dung hòa cố gắng con người với sự trợ giúp của ân sủng, dung hòa giữa bản chất sự vật với chiều kích lịch sử cứu độ, giữa chiêm ngắm và loan truyền.

2/ Linh đạo vừa nói dành cho tất cả các Kitô hữu, nhưng có thể nói được là dành riêng cho các tu sĩ Đaminh, và đặc biệt là những ai chuyên nghiên cứu thần học. Chúng ta đã nói sơ qua về châm ngôn Contemplata aliis tradere mà Tôma để lại cho Dòng Giảng thuyết. Chúng ta cũng có thể thêm tấm gương về sự miệt mài truy tầm chân lý. Chân lý được hiểu như thực tại khách quan chứ không phải tình cảm chủ quan. Chân lý cũng còn được hiểu như là sự đồng nhất giữa nói và làm: thánh Tôma kể lại điều mà mình đã cảm nhận qua việc cầu nguyện và học hành. Đây là chân lý sống động chứ không phải chân lý khô khan trừu tượng. Chân lý đang bàn là chính Đức Kitô, Đấng là Đường, Sự thật và Sự sống. Ngay từ đầu Summa Theologiae (I p. q.1, a.7), thánh Tôma khẳng định rằng Thiên Chúa là subjectum của Sacra Doctrina. Chúng ta không được phép nghiên cứu thần học như một đối tượng (objectum), nhưng phải như là gặp gỡ một chủ thể (subiectum). Không thể tách rời việc nói với Chúa và nói về Chúa. Một hệ luận là chúng ta không thể học thần học giống như học các môn học khác. Hans Urs von Balthasar phân biệt giữa thần học “ngồi” và thần học “quỳ”. Động từ “quỳ” được hiểu theo nghĩa đen chứ không theo nghĩa bóng mà thôi. Thánh Tôma cũng đã tự thú ngài đã khám phá chân lý về Thiên Chúa khi quỳ dưới chân thập giá hơn là khi nghiên cứu trong sách vở. Xin hỏi các giáo sư và sinh viên của Trung tâm học vấn: thời gian dành cho việc cầu nguyện là bao nhiêu? Phải chăng vì lý do ấy mà công việc học hành và tông đồ của chúng ta không đạt được kết quả mong muốn?

Lưu ý

Loạt bài suy niệm dựa trên cuốn Tổng luận thần học (Summa Theologiae) của thánh Tôma Aquinô. Tác phẩm này (viết tắt ST) được chia làm 3 phần (pars); phần thứ hai lại được phân làm 2 đoạn (prima secundae secunda secundae). Mỗi phần gồm nhiều vấn đề (quaestiones); mỗi vấn đề lại được chia thành nhiều tiết mục (articuli).

Vì thế, khi trích dẫn một đoạn văn, cần phải cho biết nó nằm ở phần nào (pars, thường viết tắt bằng số La-mã: I, I-II, II-II, III), vấn đề (quaestio) và tiết mục (articulus) nào.

———————–

[1] Nên biết là thánh nhân được tặng các tước hiệu: “tiến sĩ phổ quát” (doctor communis) từ năm 1317, “tiến sĩ thiên thần” (doctor angelicus, năm 1459) không những vì sự hiểu biết cao siêu giống các thiên thần mà còn vì nhân đức khiết tịnh như các thiên thần, “tiến sĩ Hội thánh” (doctor Ecclesiae) ngày 15/4/1567. Đến cuối thế kỷ XXi đây (13/9/1980), ĐTC Gioan Phaolô II còn tặng danh hiệu là tiến sĩ nhân bản (doctor humanitatis).

[2] Marika Räsänen, Thomas Aquinas’s Relics as Focus for Conflict and Cult in the Late Middle AgesAmsterdam University Press, 2017, p.47.

[3] D. Prümmer, Fontes vitae S. Thomae AquinatisNotis historicis et criticis illustrati, Tolosae [1912], cap.23.

[4] Martin Grabmann, The interior life of St Thomas Aquinas presented from his works and the acts of his canonization process, Bruce, Milwaukee 1951 (nguyên tác tiếng Đức năm 1924).

[5] Guilelmus de Tocco, Vita di San Tommaso d’Aquino: (c.34) «Doctor conversus erat ad orandum cum lacrymis, hujuscemodi vocem prodire de imagine Crucifixi: Thoma bene scripsisti de me, quam recipies a me pro tuo labore mercedem? Qui respondit : Domine, non nisi te. Et tunc scribebat tertiam partem Summae de Christi passione et resurrectione». Nhiêu sử gia khác (Pietro Calo, Bernardo Gui) cũng thuật lại như vậy. Xc. D. Prümmer, Fontes vitae S. Thomae AquinatisNotis historicis et criticis illustrati, Tolosae [1912], 38. 108. 189.

[6] Summa contra Gentiles, l. 1, c. 2: tác giả trích dẫn thánh Hilario, De Trinitate, l. 1, c. 37: PL 84, 48 (conscius sum, ut te omnis sermo meus et sensus loquatur).

[7] Phan Tấn Thành, Thần học về đời sống tâm linh Kitô giáo (Đời sống tâm linh III), NXB Phương Đông, TPHCM 2015, trang 16.

[8] M.D. Chenu, Le plan de la SommeTheologique in Revue Thomiste 47 (1939) 93-107. Xc. J.P. Torrell, Saint Thomas, The person and his work, revised edition, The Catholic University of America Press, Washington DC, 2005, p.150-156.

[9] “Quia igitur principalis intentio huius sacrae doctrinae est Dei cognitionem tradere, et non solum secundum quod in se est, sed etiam secundum quod est principium rerum et finis earum, et specialiter rationalis creaturae… ad huius doctrinae expositionem intendentes: 1° tractabimus de Deo; 2° de motu rationalis creaturae in Deum; 3° de Christo, qui secundum quod homo, via est nobis tendendi in Deum”.

[10] Jean-Pierre Torrell, Saint Thomas Aquinas, Spiritual Master, The Catholic University of America Press, Washington D.C., 2003 (original: Saint Thomas d’Aquin, Maitre spirituel, Ed. Universitaires Fribourg Suisse 1996; troisieme edition, Cerf Paris 2017). Xem thêm: Robert Barron, Thomas Aquinas, Spiritual Master, Word on Fire Academic, Park Ridge IL, 2020, second edition 2022

[11] La santità in Tommaso d’Aquino, đăng trên mạng của bộ Phong thánh: https://www.causesanti.va/it/dicastero-delle-cause-dei-santi/prefetto-dicastero-cause-santi/interviste-del-prefetto/la-santita-in-tommaso-d-aquino.html

[12] “In spirituali vita simpliciter quidem homo perfectus dicitur ratione eius in quo principaliter spiritualis vita consistit… Consistit autem principaliter spiritualis vita in caritate: quam qui non habet, nihil esse spiritualiter reputatur” (De perfectione spiritualis vitae, cap. 1 co).: “Secundum caritatem specialiter attenditur perfectio vitae christianae”: ST II-II, q. 184, a.1).

[13] Chẳng hạn: « fides et spes sine caritate possunt quidem aliqualiter esse, perfectae autem virtutis rationem sine caritate non habent» (ST I-II, q. 65, a.4); «virtutes morales sine caritate esse non possunt» (ST I-II, q.65, a.2)

[14] J.P. Torrell, Saint Thomas Aquinas, Spiritual master, cit. p.383-384.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here