Tĩnh tâm tu viện Mân côi năm 2023 – Bài 5

0
681

Bài 5. Đường nên thánh theo linh đạo Tôma

Giuse Phan Tấn Thành

I. Bộ máy đời sống tâm linh

A. Các nhân đức

B. Các ân huệ Thánh Linh và các chân phúc

C. Các hoa trái Thánh Linh

II. Tiến trình cầu nguyện

A. Chuẩn bị xa

B. Thực hành chiêm niệm: lectio (cogitatio, studium), meditatio, oratio, contemplatio

 ———————–

Trong bài trước, chúng ta tìm hiểu tác động của Thánh Linh trong đời sống Hội thánh. Hôm nay chúng ta tiếp tục tìm hiểu tác động của Thánh Linh trong đời sống của mỗi tín hữu. Như đã nói nhiều lần, chúng ta hiểu “linh đạo” là đời sống tâm linh, tức là sống theo Thánh Linh; còn linh đạo Tôma được hiểu là quan điểm của vị Tiến sĩ thiên thần về đời sống tâm linh. Dù sao, trước khi đi vào đề, chúng ta cần phải điều chỉnh vài khái niệm để khỏi hiểu lầm thánh Tôma.

Trong bộ Tổng luận thần học, thánh Tôma không phân biệt “thần học luân lý” và “thần học tâm linh”. Việc tách rời này bắt đầu hồi thế kỷ XV: Thần học luân lý bàn về 10 điều răn Đức Chúa Trời, nhằm giúp cho các tín hữu tránh tội kẻo sa hỏa ngục;  Thần học tâm linh (quen gọi là tu-đức-học), bàn về các nhân đức, dành cho những ai muốn nên trọn lành (chẳng hạn như các tu sĩ). Tiếc rằng nhiều học viện Đaminh cũng theo đường hướng đó, mà không ngờ rằng mình đã phản bội thánh Tôma.

Thánh Tôma không tách rời thần học luân lý và thần học tâm linh, bởi vì thần học luân lý (thường được đồng hóa với Phần Hai của bộ Tổng luận thần học), không dựa theo 10 giới răn nhưng là dựa trên các nhân đức. Nói cách chính xác hơn, thần học luân lý nghiên cứu con đường trở về với Thiên Chúa là cội nguồn hạnh phúc của con người. Để đạt đến mục tiêu ấy, con người cần phải thực hành các nhân đức. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của mình, Thiên Chúa còn đến trợ giúp chúng ta bằng các nhân đức thiên phú và các ân huệ Thánh Linh, tất cả dưới sự chỉ đạo của Thánh Linh, vị Thầy của đời sống nội tâm. Bài này gồm hai phần: trong phần thứ nhất, chúng ta bàn về hành trình của đời sống tâm linh nói chung, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh. Trong phần thứ hai, chúng ta sẽ tìm hiểu quan niệm của thánh Tôma về hành trình cầu nguyện, dẫn đến sự chiêm niệm.

I. Bộ máy đời sống tâm linh : các nhân đức, các ân huệ và hoa trái Thánh Linh

Trong phần luân lý tổng quát của sách Tổng luận thần học (I-II), thánh Tôma cung cấp cho chúng ta một khái niệm về những yếu tố cấu thành bộ máy đời sống tâm linh Kitô hữu, gồm có: các nhân đức (quaestio 55-67), các ân huệ Thánh Linh (q.68), các chân phúc (q. 69), các hoa trái Thánh Linh (q.70).

A. Các nhân đức

Xin miễn dài dòng về các nhân đức bởi vì mọi người đều đã biết[0]. Chỉ cần thêm vài đóng góp của thánh Tôma trong việc xếp đặt hệ trật các nhân đức, gồm các nhân đức luân lý (thủ đắc và thiên phú) và các nhân đức hướng Chúa. Các nhân đức luân lý (khôn ngoan, công bình, hùng mạnh, tiết độ) đã được các triết gia Hy-lạp và Roma bàn đến; thánh Grêgoriô Cả thêm vào ba nhân đức hướng Chúa (tin, cậy, mến).

Thánh Tôma bổ túc thêm các nhân đức luân lý “thiên phú” cùng với bảy ân huệ Thánh Linh, và lý giải sự cần thiết của chúng như thế này. Các nhân đức luân lý (hoặc cũng gọi là nhân đức nhân bản), giúp cho chúng ta cư xử xứng hợp với địa vị làm người: chúng ta cần phải hành động hợp với lý trí ngay chính. Tuy nhiên, nhờ mạc khải, chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta đến một mục đích cao hơn, đó là ơn gọi làm con cái Chúa và được kết hiệp với Chúa. Vì thế chúng ta cũng cần phải cư xử thế nào cho hợp với thiên chức mới, ngõ hầu đạt được cứu cánh mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Khả năng hoạt động siêu nhiên không do chúng ta thủ đắc, nhưng là do chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Thánh Tôma nói đến ba cấp độ nhân đức thiên phú:

1/ Trước hết là các nhân đức luân lý thiên phú. Những nhân đức này kiện toàn các nhân đức nhân bản với một động lực mới, đó là hành động như những con cái của Chúa.

2/ Kế đến là các nhân đức hướng Chúa: tin, cậy, mến. Ba nhân đức này hoàn toàn mới mẻ, bởi vì do Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhằm dẫn đưa chúng ta đến kết hiệp với Ngài.

3/ Cao hơn nữa là bảy ân huệ của Thánh Linh, ban cho chúng ta khả năng thực hành các nhân đức ở mức độ “anh hùng” (một thuật ngữ được đưa vào thủ tục phong thánh cho các tôi tớ Chúa).

Thiết tưởng không cần nói nhiều về ba nhân đức hướng Chúa vì đã quá quen thuộc. Chỉ xin thêm đôi lời về các nhân đức nhân bản thiên phú. Thánh Tôma khẳng định sự hiện hữu của bốn nhân đức thiên phú dựa trên bản chất ơn gọi Kitô hữu. Nếu trong tình trạng tự nhiên, Thiên Chúa đã ban cho con người những khả năng để sống tốt, phù hợp với chân lý; thì không có lý gì trong tình trạng siêu nhiên, Ngài lại không ban những khả năng tương xứng để sống xứng hợp với ơn gọi. Ta có thể vạch ra sự khác biệt giữa bốn nhân đức thiên phú và bốn nhân đức thủ đắc ở những điểm sau đây:

– Các nhân đức thiên phú do Chúa ban cùng với ơn thánh sủng, chứ không do thủ đắc.

– Các nhân đức thủ đắc có thể bị mai một bởi vì thiếu thực hành hoặc do tật xấu trái nghịch; các nhân đức thiên phú cũng có thể bị mất do một tật xấu trái nghịch, và đặc biệt là khi mất ơn thánh sủng.

– Xét về hoạt động, các nhân đức thiên phú và các nhân đức thủ đắc cùng chung quan năng và đối tượng, nhưng khác nhau ở tiêu chuẩn điều hành. Thí dụ đức tiết độ “thủ đắc” điều hành việc ăn uống sao cho hợp với sức khỏe thân xác; đức tiết độ “thiên phú” còn nhắm đến sự thăng tiến đời sống tâm linh, do đức tin và đức mến thúc đẩy. Thật vậy, đức tin mở cho chúng ta một ánh sáng mới về ý nghĩa các thực tại thế trần (sức khỏe và bệnh tật, vui sướng và đau khổ, thành công và thất bại) dựa theo mẫu gương của Đức Kitô, Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên khó nghèo vì yêu chúng ta, đã chấp nhận hy sinh để bày tỏ tình yêu đối với loài người.

B. Các ân huệ Thánh Linh

Các sách kinh cổ ở Việt Nam dịch là “bảy ơn Chúa Thánh Thần”, trong khi nguyên gốc Latinh là “dona”, có nghĩa là “quà tặng” (don tiếng Pháp, gift tiếng Anh). Nó gắn liền với bản tính của Thánh Linh là “trao tặng” (donum). Đạo lý về bảy ân huệ Thánh Linh bắt nguồn từ đoạn văn Isaia 11,1-3: “Từ gốc tổ Giessê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Giavê sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Giavê. Lòng kính sợ Giavê làm cho Người hứng thú”.

Theo các nhà chú giải, ở đoạn văn này, ngôn sứ Isaia phác họa chân dung của vị vua lý tưởng thuộc dòng Đavít, được thần khí Chúa trang điểm với các đức tính lỗi lạc vượt xa các tiền bối. Điều này ám chỉ về vị Thiên sai, nghĩa là về Đức Kitô. Tuy nhiên từ thánh Augustinô (De sermone Domini, 1,4: PL 34,1234-1235) và Grêgôriô Cả (Moralia II,77: PL 75, 592) truyền thống Kitô giáo đã áp dụng vào đời sống của mỗi tín hữu dưới ảnh hưởng của Thánh Linh. Bảy ơn được xếp đặt theo hệ trật cao thấp (từ trên đi xuống) với nội dung được giải thích như sau:

1) “Khôn ngoan” (hay cũng dịch là: Cao minh, Thượng trí, Sapientia) giúp cho ta gắn bó với Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc đích thực.

2) “Thâm hiểu” (Intellectus) ban cho ta sự hiểu biết sâu xa các chân lý đức tin.

3) “Minh luận” (Scientia) giúp ta phán đoán giá trị của các thụ tạo theo ánh sáng đức tin.

4) “Chỉ giáo” (Consilium) ban cho ta biết chọn lựa con đường nào hợp ý Chúa hơn cả và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn.

5) “Sùng hiếu” (Pietas) ban cho ta lòng tôn thờ Thiên Chúa với tinh thần con thảo và liên hệ với mọi người như con cái cùng Cha.

6) “Hùng mạnh” (Fortitudo) vượt thắng mọi khó khăn hoặc chịu đựng đau khổ nhờ sức mạnh Chúa ban.

7) “Kính sợ Chúa” (Timor Domini) tránh tội và loại bỏ sự quyến luyến của cải trần thế khi nó làm mất lòng tôn kính yêu mến Chúa.

Sự đóng góp của thánh Tôma nằm ở chỗ móc nối bảy ân huệ Thánh Linh với bảy nhân đức, và trình bày mối tương quan giữa đôi bên như thế này. Nhờ các nhân đức, con người có khả năng thi hành những việc tốt lành. Tuy vậy, con người vẫn còn xa mục tiêu muốn nhắm đến, đó là Thiên Chúa. Một đàng, con người chỉ có thể thực hành những hành vi trong tầm sức của mình, chứ đâu có thể vươn lên tới thế giới thần linh! Đàng khác, do bản tính yếu đuối, con người thiếu kiên trì trong đường nhân đức và dễ bỏ cuộc giữa đường. Chính trong bối cảnh này mà Thiên Chúa đến trợ lực cho ta nhờ các ân huệ Thánh Linh. Các ân huệ này nâng cao khả năng của con người, giúp cho con người được mạnh mẽ để thực hiện những hành động phi thường, cũng như kiên trì trong đường tiến đức (xc. Rm 8, 14).

Như vậy, theo thánh Tôma, mối tương quan giữa các nhân đức với các ân huệ Thánh Linh có thể thiết lập dựa theo vai trò chủ động trong tiến trình nên thánh. Các “nhân đức” nêu bật hoạt động của con người, còn các “ân huệ” thì đề cao vai trò chủ động của Thánh Linh. Nhằm diễn tả cách cụ thể tác động của Thánh Linh đối với hành trình nên thánh, Thánh Tôma móc nối 7 hồng ân với 7 nhân đức cơ bản điều khiển tất cả các hành vi như sau:

1) Ơn cao minh kiện toàn đức mến, dẫn chúng ta vào sự kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa, đồng tâm nhất trí với Ngài.

2) Ơn thâm hiểu kiện toàn đức tin, giúp chúng ta thấu hiểu các mầu nhiệm do Chúa mặc khải.

3) Ơn minh luận cũng kiện toàn đức tin, vì giúp chúng ta đánh giá mọi sự theo viễn tượng của Chúa.

4) Ơn chỉ giáo kiện toàn đức khôn ngoan, để biết lựa chọn những biện pháp tốt đẹp nhất theo ý Chúa.

5) Ơn sùng hiếu kiện toàn đức công bình, giúp chúng ta sống tương quan con thảo đối với Chúa, và tình huynh đệ với tha nhân.

6) Ơn hùng mạnh kiện toàn đức hùng mạnh, nổi bật nhất nơi các vị tử đạo.

7) Ơn kính sợ kiện toàn hai nhân đức: đức cậy bởi vì dựa vào quyền năng của Thiên Chúa; đức tiết độ nhằm giúp con người tránh phạm tội bởi vì sợ mất lòng Chúa.

(Ta có thể xếp đặt lại thứ tự như sau: đức tin được kiện toàn nhờ hai ơn thâm hiểu và minh luận; đức cậy được kiện toàn với ơn kính sợ; đức mến với ơn cao minh; đức khôn ngoan với ơn chỉ giáo; đức công bình với ơn sùng hiếu; đức hùng mạnh với ơn hùng mạnh; đức tiết độ với ơn kính sợ).

Dĩ nhiên, người ta có thể chỉ trích sự xếp đặt là gượng ép, bởi vì đức tin tương ứng với hai ơn (thông hiểu và minh luận), còn một ơn kính sợ lại ghép với hai nhân đức (cậy và tiết độ). Thực ra, sự phối trí chi tiết giữa các ân huệ với các nhân đức có lẽ không quan trọng cho bằng chủ ý mà thánh Tôma muốn phát biểu, đó là: trên con đường tiến đến sự kết hiệp với Chúa, chúng ta không hành động lẻ loi. Nhờ các ân huệ Thánh Linh, các hành vi của ta trở thành hành vi “đồng lao” của Thánh Linh: Chúa Thánh Linh hành động với ta đến nỗi có thể nói được rằng các hành vi nhân đức mà ta làm là của Ngài hơn là của ta (I-II, q.93,a. 6, ad 1m). Đây là điều mà thánh Phaolô đã nói nhiều lần, thí dụ như: Thánh Linh đến cùng cầu nguyện với ta (Rm 8,26) đến nỗi nói được là ta cầu nguyện trong Thánh Linh (Ep 6,18), bởi vì Ngài giục ta thốt lên như Đức Kitô “Abba, Cha ơi!” (Rm 8,15; Gl 4,6). Người ta so sánh tác động của các ân huệ Thánh Linh như là gió thổi trên cánh buồm, đẩy chiếc thuyền bay vùn vụt; đang khi các nhân đức chỉ là những nỗ lực chèo chống, vừa vất vả lại vừa chậm chạp.

Mối tương quan giữa các nhân đức và ân huệ cũng có thể ví với hai chặng trong tiến trình nên thánh. Chặng đầu tiên (quen gọi là “tu đức”: ascetical), con người ra như nắm phần chủ động; chặng thứ hai (quen gọi là “huyền bí”: mystical), Thánh Linh giữ vai trò tích cực, mặc dù không làm mất sự tự do của con người. Đúng hơn, chúng ta ngoan ngoãn để cho Ngài dẫn dắt.

Ngoài ra, cũng nên biết là thánh Tôma còn liên kết các nhân đức với các chân phúc (ST I-II, qq.69-70). Thánh Tôma quan niệm rằng bảy nhân đức như là bảy tập quán tốt củng cố những quan năng của chúng ta để thực hiện các hành động tiến đến cứu cánh đời người; nhưng các nhân đức phần nào vẫn còn là hành vi của con người. Bảy ân huệ Thánh Linh được ban để nâng cao bảy nhân đức, khiến các hành vi trở thành dường như thần linh. Các hành vi này đạt đến chóp đỉnh hoàn thiện ở đời này qua các chân phúc là tiền đường của hạnh phúc bất diệt mai sau. Việc liên kết bảy nhân đức với bảy ân huệ và các chân phúc được diễn tả theo lược đồ như sau, theo thứ tự cao thấp.

1. Đức mến → ơn cao minh → kẻ xây dựng hòa bình.

2. Đức tin → ơn thâm hiểu và minh luận →kẻ thanh sạch trong con tim.

3. Đức cậy → ơn kính sợ → kẻ khó nghèo trong tinh thần.

4. Đức khôn ngoan → ơn chỉ giáo → kẻ có lòng thương xót.

5. Đức công bình → ơn sùng hiếu → kẻ hiền lành.

6. Đức hùng mạnh → ơn hùng mạnh → kẻ đói khát sự công chính.

7. Đức tiết độ → ơn kính sợ → kẻ khó nghèo trong tinh thần.

Thời giờ ngắn ngủi không cho phép khai triển đề tài này. Vì vậy,  xin chuyển sang các hoa trái Thánh Linh, được thánh Tôma giải thích ở I-II, q.70[1].

C. Các hoa trái Thánh Linh

Dựa trên bản văn Gl 5,22, thánh Tôma đã đưa các hoa quả Thánh Linh vào toàn bộ đời sống tâm linh Kitô giáo, được kết thành bởi 7 nhân đức, 7 ân huệ Thánh Linh, và 12 hoa trái Thánh Linh. Thật ra trong nguyên bản Hy lạp, thánh Phaolô chỉ nói đến “hoa trái của Thánh Linh” (ở số ít) được diễn tả ra 9 nhân đức. Bản dịch La tinh Vulgata đề cập đến “Mười hai hoa trái” (ở số nhiều), có lẽ vì muốn móc nối với con số 12 hoa quả quanh năm của cây hằng sống được đề cập trong sách Khải huyền (22,1-2), và như vậy đã thêm vào ba hoa trái, với danh sách như sau: “bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, khiết tịnh”[2].

1/ Tại sao gọi là hoa trái?

Tác giả bắt đầu đi từ khái niệm thường thức về hoa trái. Hoa trái là sản phẩm tự nhiên từ loài thảo mộc (chẳng hạn cây tốt sinh trái tốt: Mt 7,18), hoặc là kết quả của việc làm (x. Kn 3,15). Hoa trái cũng hàm ngụ ý nghĩa ngon ngọt, đáng thèm thuồng (x. Dc 2,3). Vì thế hoa trái của Thánh Linh có thể hiểu như là sản phẩm của Thánh Linh và mang lại sự thỏa thích. Ngoài ra, điều này cũng muốn nêu bật vai trò chủ động của Thánh Linh trong công cuộc thánh hóa (Rm 6,22): chính Ngài đã gieo mầm nơi chúng ta, và chúng ta cố gắng hợp tác với ân sủng.

2/ Bản chất: hoa trái khác với nhân đức, ân huệ như thế nào?

Trong nhân đức, ta nên phân biệt giữa “tập quán” và “hành vi”. Tập quán giúp cho chúng ta hành động tốt. Nếu tập quán giúp cho ta hành động tốt theo cách thức nhân loại thì gọi là “nhân đức”; nếu giúp cho ta hành động tốt theo cách thức siêu phàm thì gọi là “ân huệ”. Nếu hành vi tốt làm cho ta nên hoàn bị thì gọi là “chân phúc”, nếu mang lại cho ta sự ngon ngọt thì gọi là “hoa trái”.

3/ Nội dung các hoa trái Thánh Linh

Dựa theo bản văn Vulgata (12 hoa trái), thánh Tôma phân phối thứ tự của chúng trước hết thành 2 khối chính: những hoa trái kiện toàn con người ở bên trong (nghĩa là chính bản thân của mình), và những hoa trái kiện toàn bên ngoài (trong tương quan với tha nhân).

a) Kiện toàn bản thân, hoặc liên quan đến điều tốt hay liên quan đến điều xấu.

[i] Liên quan đến điều tốt.

– Trước hết, con tim được kiện toàn nhờ tình yêu (bác ái).

– Tình yêu dẫn ta đến kết hợp với cứu cánh tối hậu: ai yêu mến Chúa thì ở lại trong Chúa (1Ga 4,16), nhờ vậy ta cảm thấy niềm vui.

– Để niềm vui được trọn vẹn, cần được bình an ngõ hầu hưởng được niềm vui.

[ii] Liên quan đến điều xấu

– Để giúp cho linh hồn được bình an giữa những nghịch cảnh: Thánh Linh ban cho ta kiên nhẫn.

– Chống lại điều xấu ngăn cản chúng ta hưởng niềm vui: Thánh Linh ban cho ta quảng đại.

b) Những hoa trái kiện toàn con người trong những tương quan với tha nhân: hoặc với những người ngang hàng, hoặc với cấp trên, hoặc với cấp dưới.

[i] Với kẻ ngang hàng, tức là với tha nhân

– Trước hết, Thần khí kiện toàn trái tim bằng lòng tốt

– Kế đến, Thần khí kiện toàn việc làm (trao đổi với tha nhân) bằng từ tâm, nghĩa là quảng đại ban phát.

– Trong cách đối xử với tha nhân, ta cũng cần đến đức hiền hậu để chịu đựng những phiền hà mà người ta gây cho ta.

[ii] Với cấp trên, tức là với Thiên Chúa, Thần khí giúp chúng ta biết tín thành

[iii] Với cấp dưới ta, tức là với thân xác,

– trong cử chỉ bên ngoài, ta cần đến tính đoan trang;

– trong cảm xúc bên trong, ta cần có tiết độ khiết tịnh, kể cả đối với những điều được phép làm.

Qua những điều trình bày trên đây, chúng ta thấy thánh Tôma mô tả tác động của Thánh Linh trong đời sống tâm linh của các tín hữu không những trong các yếu tố cấu thành mà còn trong các chặng tiến triển của nó.

Để kết thúc loạt bài về linh đạo thánh Tôma, chúng ta thử hỏi: ngài có đề cập đến phương pháp cầu nguyện không? Thật vậy, vào thời cận đại, khi nói đến các trường phái linh đạo, nhiều tác giả thường dựa trên “phương pháp tâm nguyện” để định nghĩa căn cước: trường phái Y-nhã, trường phái Xuân-bích, trường phái Lasan, vv[3]. Chính trong khung cảnh ấy mà nhiều anh em cảm thấy lúng túng khi trình bày linh đạo Đaminh bởi vì Dòng không có một phương pháp suy niệm. Thực ra, thánh Tôma có đề cập đến tiến trình cầu nguyện, tuy không phân tích chi tiết như các tác giả cận đại, nhưng phần nào giống với tiến trình của lectio divina được thực hành trong các đan viện thời Trung cổ.

II. Tiến trình cầu nguyện

Trong sách Tổng luận thần học, thánh Tôma bàn về việc cầu nguyện ở hai chỗ thuộc phần luân lý chuyên biệt (II-IIae):

– Một, ở quaestio 83, khi đề cập đến những hành vi của nhân đức thờ phượng. Tác giả đã dành ra 17 tiết mục (articuli, dài nhất trong toàn tác phẩm) để bàn về những khía cạnh khác nhau của việc cầu nguyện: bản chẩt, sự cần thiết, đối tượng, cũng sự phân biệt các loại dựa theo 1Tm 2,1 (thờ lạy, tạ ơn, thỉnh nguyện, van nài), nhưng không đụng đến tiến trình thực hành cầu nguyện. Nên biết là ở đây tác giả bàn về việc cầu nguyện nói chung (với khuôn mẫu là Kinh Lạy Cha), chứ không chỉ nói đến lời nguyện cá nhân mà thôi. Như đã nói ở bài đầu thứ nhất, thánh Tôma sốt sắng tham dự Phụng vụ (mỗi ngày tham dự hai Thánh Lễ), và gắn liền cầu nguyện với việc học hành.

– Hai, ở quaestio 180, khi bàn về đời sống chiêm niệm (vita contemplativa), ta có thể tìm thấy phần nào hành trình dẫn tới sự chiêm niệm (contemplatio). Thiết tưởng cần phân biệt giữa sự chiêm niệm và đời sống chiêm niệm: đời sống chiêm niệm là một nếp sống chuẩn bị cho sự chiêm niệm. Chúng ta sẽ dừng lại ở đoạn này để tìm hiểu những chỉ dẫn để dạt tới sự chiêm niệm, bao gồm: việc chuẩn bị xa (art.1-2); những hành vi thực hành chiêm niệm (art.3).

1/ Việc chuẩn bị xa

Sự chiêm niệm tự nó là một hành vi của lý trí, được định nghĩa là “một cái nhìn cắm thẳng vào chân lý” (simplex intuitus veritatis : II-II, q.180, a.3, ad 1), nhưng ở đây chúng ta không bàn về chân lý triết học nhưng là về Thiên Chúa, vì thế cần có những công tác chuẩn bị.

a) Trước hết, nó đòi hỏi ý muốn cầu nguyện. Ý muốn không chỉ hiểu về quyết tâm cầu nguyện, mà còn bao hàm lòng yêu mến, ước ao gặp gỡ Chúa.

b) Mặt khác, nó đòi hỏi sự hợp tác của các nhân đức luân lý, nhằm ngăn cản những xáo trộn của cảm xúc, tạo ra một bầu khí bình an nội tâm. Nói cách khác, việc chuẩn bị cầu nguyện bao gồm việc thực hành các nhân đức luân lý.

2/ Thực hành chiêm niệm

Trong articulus 3, thánh Tôma phân tích bốn hành vi chính của việc chiêm niệm dựa theo mô hình của Hugues de Saint Victor (1096-1141) : lectio, meditatio, oratio, contemplatio[4]. Chiêm niệm là đích điểm, các hành vi trước đó chỉ là phương tiện. Vì thế chúng tôi xin đảo ngược thứ tự, đi từ cuối lên đầu.

a) Đích điểm: contemplatio. Thường được dịch là “chiêm niệm”, nhưng cũng có thể dịch là chiêm ngắm, chiêm ngưỡng. Có nhiều loại chiêm ngưỡng, chẳng hạn chiêm ngắm một bức tranh, một quang cảnh thiên nhiên. Ở đây, chúng ta bàn về việc cầu nguyện, được thánh Tôma diễn tả như là chiêm ngắm chân lý (contemplatio veritatis), nhưng không chỉ là chiêm niệm triết học, bởi vì nhắm đến Thiên Chúa. Bản chất của chiêm niệm là một hành vi của lý trí, nhưng ở đây, xét vì đối tượng đặc thù, thì chiêm niệm bao gồm cả yêu mến nữa: chiêm niệm là một cuộc gặp gỡ, một cái nhìn trìu mến. Khuôn mẫu trọn vẹn của việc chiêm ngưỡng này chỉ diễn ra trên thiên đàng, bao lâu còn trên đường lữ hành đức tin, việc chiêm ngưỡng được chuẩn bị bằng nhiều phương thế, đó là lectio, meditatio, oratio. Nên biết là có người coi ba tác động này như phương thế chuẩn bị, có người coi đó như là những thành phần của việc chiêm niệm trong điều kiện sinh hoạt của con người hiện nay.

b) Lectio, meditatio, oratio

Đã có nhiều giải thích được đưa ra chung quanh những động tác này. Thánh Tôma quan niệm đơn giản như thế này: Lectio là đọc Sách Thánh, nghĩa là mình nghe Chúa nói; Oratio là mình nói chuyện với Chúa; Meditatio có thể thuộc cả hai bên: hoặc như là nghiền ngẫm điều mà mình mới nghe, rồi từ đó mình chuẩn bị những tâm tình sẽ thưa lại với Chúa[5]. Hiểu như vậy, không nhất thiết phải tuân hành ba động tác này theo một thứ tự chặt chẽ. Ý tưởng chính là gặp gỡ Chúa với cả trí tuệ cũng như lòng mến yêu, hay nói cách khác, đây là cơ hội để sống ba nhân đức tin, cậy, mến.

Cũng trong articulus 3, bên cạnh tiến trình 4 hành vi vừa nói, thánh Tôma còn thêm một chuỗi khác dài hơn mà ngài đã học được từ luật thánh Biển Đức (chương 48), kéo dài bước thứ nhất (lectio) ra làm  ba động tác: lectio, cogitatio, studium. Công thức này có lợi điểm là coi cả việc suy tư và học hành cũng nằm trong “kế hoạch” chiêm niệm. Thật vậy, thánh Tôma đã biện minh cho việc thiết lập một dòng tu chuyên học thánh khoa, bởi vì ngoài việc góp phần vào việc rao giảng Tin mừng, việc học còn giúp cho việc chiêm niệm chân lý và thánh hóa bản thân (II-II, q.188, a.5).

Nên biết là, đối với thánh Tôma, contemplatio không chỉ là điểm đến của buổi cầu nguyện mà còn là cứu cánh của cuộc đời Kitô hữu, tuy chỉ sẽ hoàn bị ở đời sau (II-II, q.180, a.4). Nhất là chúng ta không được phép quên rằng đức mến cao trọng nhất trong các nhân đức và tồn tại mãi mãi (II-II, q.184, a.1).

Đến đây, thánh Tôma thêm một ghi chú nho nhỏ nhưng khá quan trọng. Mục tiêu của cuộc đời là chiêm ngắm Chúa (STh II-II, q. 180, a. 4: contemplatio est finis totius humanae vitae), bởi vì là khởi đầu của phúc kiến (STh II-II, q.180, a. 4: inchoatio beatitudinis, quae hic incipit ut in futuro terminetur). Do đó, đời sống chiêm niệm thì cao quý hơn đời sống hoạt động. Tuy nhiên, chiêm niệm rồi thông truyền cho tha nhân điều mà mình chiêm niệm thì tốt hơn là chỉ chiêm niệm cho bản thân mình (II-II, q.188, a.6). Trên thực tế, thử hỏi chúng ta đã là những nhà chiêm niệm chưa, trước khi thông truyền cho tha nhân?

Kết luận

Đã đến lúc phải kết thúc loạt bài về linh đạo thánh Tôma. Chúng ta khởi đi từ đề tài: “Tôma mẫu gương thánh thiện và thầy dạy nên thánh”, và cố gắng vạch ra vài nét đặc trưng của giáo huấn của vị Tiến sĩ thiên thần. Giáo huấn này nằm rải rác trong nhiều tác phẩm khác nhau, nhưng đặc biệt sách Tổng luận thần học. Bộ sách không chỉ là tóm lược những chân lý về tín lý và luân lý Kitô giáo, nhưng tiên vàn là một con đường (đạo) từ Thiên Chúa đến con người, và từ con người trở về với Thiên Chúa (exitus / reditus). Thánh Tôma đã sử dụng triết học Aristote để phân tích bản chất của vạn vật, cách riêng là bản tính con người, từ đó nhìn nhận giá trị của vật chất, của thân xác, của cảm xúc. Tuy nhiên tác giả cũng không bỏ qua “lịch sử cứu độ” (historia salutis), theo đó con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, được mời gọi chia sẻ bản tính Thiên Chúa, nhưng đã sa ngã và đã được cứu chuộc. Hành trình nên thánh được trình bày như là một sự phối hợp giữa tự nhiên và ân sủng (natura et gratia), giữa nỗ lực của con người và ân huệ của Thánh Linh.

Đành rằng những gì Tôma đã viết đều nhắm tới tất cả mọi tín hữu, nhưng chúng ta cũng nên ghi nhận một ưu tư dành cho các anh em thuộc dòng Giảng thuyết. Ngài đã sống lý tưởng đi tìm  kiếm Chúa (quaerere Deum), và chỉ một mình Chúa (non nisi te Domine), tìm Chúa và nên thánh qua việc cầu nguyện và học hành, để rồi tìm cách chia sẻ điều đã chiêm niệm cho tha nhân. Ngài trình bày Đức Kitô như là khuôn mẫu nhà giảng thuyết; các đặc sủng của Thánh Linh được sắp xếp nhắm đến việc loan báo Tin mừng (biết, nói, làm chứng). Các tu sĩ dòng Đaminh mang ơn thánh Tôma bởi vì đã để lại một mẫu gương đời sống cũng như một “huấn thị” để sống ơn gọi của mình. Dù vậy, sau khi đã ghi nhận sự ưu đãi dành cho anh em cùng Dòng, chúng ta phải trả ngài lại cho Hội thánh: ngài là thầy dạy của Hội thánh (Doctor ecclesiae). Như Walter Principe đã nêu bật, linh đạo của thánh Tôma được dành cho tất cả mọi người[6], cách riêng các giáo dân sống giữa trần thế, bởi vì theo ngài, sự thánh thiện không hệ ở các hiện tượng phi thường mà ở đức mến khi thực hành các công việc thường nhật. Không lạ gì mà Hồng y Semeraro cho thấy tính thời sự của quan điểm thánh Tôma khi đối chiếu với giáo lý của ĐTC Phanxicô trong tông huấn Gaudete et exsultate[7].

Cuối cùng, xin thêm hai điều nữa trước khi chấm dứt bàn luận về đường nên thánh của Tôma.

1/ Một, việc nên thánh là ân sủng của Thiên Chúa. Như đã nói, ngài quan niệm cứu cánh của đời người nằm ở chỗ chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Những tác động được mô tả trên đây (lectio, cogitatio, studium, meditatio, oratio) là nhìn từ phía con người; bên cạnh đó, còn có thứ chiêm ngưỡng thiên phú được Chúa ban cho cả những người quê mùa dốt nát: không thiếu lần họ không có kiến thức thần học cao siêu, nhưng họ được ban cho cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa. Catarina Siena, Têrêsa Avila, Têrêsa Lisieux là ba thí dụ điển hình.

2/ Hai, vào lúc cuối đời, chắc chắn thánh Tôma cũng đã nhận được ơn mà ta gọi là “xuất thần”, vào ngày 6/12/1273. Kể từ hôm đó, tác giả ngưng viết, vì coi những gì đã làm đều là rơm rác. Ước mong chúng ta cũng được chia sẻ đôi chút cảm nghiệm ấy.

——————–

[0] Phan Tấn Thành, Các nhân đức Kitô giáo (Đời sống tâm linh XII), NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2014, 384 tr.

[1] Xc. Phan Tấn Thành, Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu (Đời sống tâm linh XV), NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2017, trang 173-174. Việc gắn liền 7 ân huệ với 7 chân phúc đã bắt đầu từ thánh Augustinô. Nên biết là chân phúc dành cho kẻ chịu bách hại vì công lý không nằm trong bản phân loại này, bởi vì nó gồm tóm và kiện toàn tất cả các chân phúc khác.

[2] Các từ ngữ trên đây trích theo bản dịch Sách Giáo lý cua Hội thánh Công giáo của Ủy ban Giáo Lý Đức tin thuộc HĐGMVN. Nguyên bản La tinh là: “caritas, gaudium, pax, patientia, benignitas, bonitas, longanimitas, mansuetudo, fides, modestia, continentia, castitas”. Như sẽ thấy sau, các từ này có thể chuyển sang nhiều từ ngữ khác trong tiếng Việt. Nên biết là bản dịch Nova Vulgata đã trở về gốc Hy lạp và chỉ giữ lại 9 hoa trái: “caritas, gaudium, pax, longanimitas, benignitas, bonitas, fides, mansuetudo, continentia”; như vậy là loại bỏ: patientia, modestia, castitas

[3] Phan Tấn Thành, Thần học về đời sống tâm linh Kitô giáo (Đời sống tâm linh III), NXB Phương Đông, TPHCM, 2015, trang 201-225.

[4] Ngày nay, các nhà sử học nhìn nhận tác giả của công thức này là viện phụ Guigo II, trong tác phẩm Scala Claustralium k.1188). Xc. Phan Tấn Thành, Cầu nguyện Kito giáo: Lịch sử và thần học (Đời sống tâm linh VII), NXB Phương Đông, TPHCM 2015, trang 330.

[5] Sent. IV, dist. 15, q. 4, a. 1, q. 2, ad 1.

[6] Walter Principe, Aquinas’ spirituality for Christ’s faithful living in the world, in: “Spirituality Today”, 44 (1992), p.110-131.

[7] Marcello Semeraro, La santità in Tommaso d’Aquino, in: https://www.causesanti.va/it/dicastero-delle-cause-dei-santi/prefetto-dicastero-cause-santi/interviste-del-prefetto/la-santita-in-tommaso-d-aquino.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here