Tĩnh tâm tu viện Mân côi năm 2023 – Bài 3

0
1191

Bài 3. Đức Kitô trong linh đạo thánh Tôma

Giuse Phan Tấn Thành

I. Đức Kitô là Thầy dạy

II. Đức Kitô là gương mẫu

A. Mẫu gương luân lý

B. Mẫu gương hữu thể

III. Đức Kitô là sự sống

Kết luận. Đức Kitô nhà giảng thuyết

——————–

Bộ Tổng luận thần học được chia làm ba phần. Phần thứ nhất bàn về Thiên Chúa như là nguyên nhân tác thành muôn vật; phần thứ hai bàn về Thiên Chúa như là nguyên nhân cứu cánh của muôn vật; hay  – như đã trình bày trong các bài trước đây, dựa theo mô hình exitus / reditus -, tác giả trình bày một chuyển động: mọi vật bắt nguồn từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa. Phần thứ ba bàn về Đức Kitô. Một vấn nạn được nêu lên: tại sao đặt Đức Kitô ở phần thứ ba? Phải chăng đức Kitô chỉ là phụ trương? Phải chăng Đức Kitô được thêm vào bởi vì hành trình của con người về với Thiên Chúa đã gặp sự cố, bị gián đoạn do tội lỗi của con người; vì thế Đức Kitô mới xuất hiện để can thiệp? Phải chăng giả như nguyên tổ không phạm tội thì sẽ không còn cần đến Đức Kitô  nữa?

Xưa nay nhiều người vẫn nghĩ như thế. Tuy nhiên, theo cha Jean Pierre Torrell, quan điểm của thánh Tôma khác hẳn[1]. Đức Kitô đến trần gian không chỉ để cứu thoát con người khỏi tội lỗi, nhưng còn giúp cho con người thể hiện ơn gọi của mình, đó là trở nên hình ảnh Thiên Chúa, trở nên con cái Chúa. Thánh Tôma tiếp nhận quan niệm của các giáo phụ Đông phương : “Thiên Chúa xuống làm người để đưa con người lên với Thiên Chúa”, hay nói vắn tắt, để con người được “thần hóa” (deificatio). Đức Kitô, Con Thiên Chúa, ban cho ta khả năng được trở thành con của Thiên Chúa, được nên giống Chúa (xc ST I-II,q.112,a.1). Vì thế, ta không nên coi phần thứ ba như là một thứ chữa cháy, nhưng là để hoàn tất  điều đã hàm chứa trong hai phần đầu. Điều thú vị là thánh Tôma không chỉ trình bày những chân lý khô khan trừu tượng, nhưng còn rút ra những hệ luận cho đời sống tâm linh. Thật vậy, đời sống tâm linh Kitô giáo cốt ở bắt chước Đức Kitô (imitatio Christi), trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (conformitas Christo) như là con cái của Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, trong một bài giảng tĩnh tâm, không thể nào trình bày toàn bộ Kitô học của thánh Tôma. Chúng ta chỉ muốn dừng lại ở 3 điểm có liên quan đến linh đạo: 1/ Đức Kitô là Thầy dạy. 2/ Đức Kitô là gương mẫu nhân đức. 3/ Đức Kitô là đấng cứu độ chúng ta. Ba điểm này tương ứng  với lời tuyên bố của Đức Kitô theo thánh Gioan “Thầy là Đường, là Sự thật, là Sự sống” (Ga 14, 6), tuy với đôi chút thay đổi thứ tự. Trong phần kết luận, chúng ta hãy ngắm nhìn Đức Kitô như là nhà giảng thuyết.

I. Đức Kitô là Thầy dạy

Ở đầu sách Tổng Luận Thần học, khi giới thiệu bố cục tác phẩm, thánh Tôma viết rằng: trong phần thứ ba, “chúng tôi sẽ bàn về Đức Kitô như là con đường dẫn đưa nhân loại về với Thiên Chúa” (ST I, q.2, Prol). Điều này được lặp lại trong lời mở đầu phần thứ ba (ST III, Prol.). Tuy nhiên, thiết tưởng chúng ta nên hiểu con đường (đạo) theo hai chiều:  con đường đưa con người về với Thiên Chúa, và con đường đưa Thiên Chúa đến với con người. Chúng ta đặt tên cho con đường từ con người đến Thiên Chúa là “gương mẫu”; còn con đường từ Thiên Chúa đến với con người là “thầy dạy”. Thực ra sự phân biệt hai chiều không lúc nào cũng rõ ràng, xét vì Đức Kitô dạy không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc sống. Dù sao, chúng ta có dịp nhận ra rằng đối với thánh Tôma, thần học tín lý dẫn đến thần học tâm linh, việc suy gẫm các chân lý đức tin mang kèm theo những yêu sách thực hành trong đời sống.

Chúng tôi xin trích một đoạn văn lấy từ quaestio 1, articulus 2 của Phần Ba, bàn về lý do của cuộc Nhập thể. Tác giả gom các lý do thích đáng vào hai nhóm: thứ nhất để giúp con người tiến trong điều thiện, thứ hai để giúp con người tránh xa điều dữ. Mỗi nhóm có 5 lý do. Nên ghi nhận là những lý do tích cực được đặt trước các lý do tiêu cực.

Trước hết, về những lý do giúp con người tiến triển trong đường lành, thánh Tôma kể ra 5 điểm, bốn điểm liên quan đến các nhân đức tin, hy vọng, yêu mến, thực hành các nhân đức; điểm thứ năm liên quan đến hạnh phúc. Thứ nhất, về đức tin, giúp cho đức tin thêm vững chắc bởi vì biết chắc rằng chính Thiên Chúa là chân lý đã phán dạy. Thứ hai, về đức trông cậy, khi chúng ta biết rằng Thiên Chúa chứng tỏ lòng yêu thương chúng ta qua việc ngài kết hợp với bản tính loài người. Thứ ba, về đức mến, bởi vì Thiên Chúa đã chứng tỏ tình thương chúng ta khi chết vì chúng ta lúc chúng ta còn là tội nhân (Rm 5,8). Thứ bốn, trong việc thực hành điều tốt, bởi Ngươi đã cho chúng ta thấy một mẫu gương  khi trở thành con người ở giữa chúng ta. Thứ năm, sự Nhập thể cho phép chúng ta tham dự vào thiên tính đã kết hợp với nhân tính của đức Kitô, như thánh Augustino đã viết:  Thiên Chúa đã làm người ngõ hầu con người được làm Thiên Chúa (sermo 128: PL 39,1997).

Trong nhóm thứ hai, thánh Tôma cũng kể ra năm lý do mà cuộc nhập thể giúp chúng ta tránh xa điều xấu. Thứ nhất, cuộc nhập thể giúp chúng ta đừng sợ ma quỷ, là kẻ thường xúi chúng ta phạm tội, bởi vì Thiên Chúa đã trở nên con người có thân thể, khiến chúng ta đừng coi ma quỷ cao cấp hơn chúng ta vì là loài thần thiêng. Thứ hai, cuộc nhập thể cho thấy phẩm giá cao quý của con người: nếu Thiên Chúa đã đoái thương chấp nhận bản tính con người thì chúng ta phải tránh bất cứ điều gì làm hạ thấp phẩm giá ấy, như thánh Lêô Cả đã nhắc nhở trong bài giảng lễ Giáng sinh. Thứ ba, cuộc nhập thể xóa bỏ tính tự phụ của con người, nghĩ rằng có thể tự mình cứu độ nhờ sức lực của mình; bởi vì Đức Kitô đã đề cao ơn thánh Chúa không tùy thuộc vào công trạng con người, như thánh Augustino đã nói. Thứ bốn, cuộc nhập thể chữa lành vết thương kiêu căng của chúng ta khi cho thấy đức khiêm tốn của Thiên Chúa, như thánh Phaolô viết: “Anh em đã luôn tâm niệm rằng Đức Giêsu Kitô đã tự khiêm tự hạ, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, giống như người trần thế (Pl 2,5-7). Thứ năm, để giải thoát con người  cảnh nô lệ tội lỗi nhờ Đức Giêsu đã đền bù tội lỗi chúng ta: con người không thể nào đền bù tội lỗi của mình, Thiên Chúa cũng không thể đền bù tội lỗi của con người; duy có Đức Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, mới có thể hoàn thành việc đó. (Xem thêm Summa contra gentiles IV, c.54).

Như đã nói, Đức Kitô là Đường xét về cả hai phía. Xét từ phía Thiên Chúa, Đức Kitô là Thầy dạy, bởi vì Người tỏ cho ta biết khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta tìm về như là hạnh phúc của mình. Nên biết là đề tài “Đức Kitô là Thầy dạy” được thánh Tôma bàn ở nhiều chỗ trong Tổng luận thần học trước khi bước sang Phần thứ ba. Chẳng hạn như Phần thứ hai khi đặt cứu cánh con người ở hạnh phúc là được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, tác giả cho biết rằng Đức Kitô đã chỉ cho chúng ta con đường đi đến hạnh phúc đích thực khi ban cho chúng ta Luật Mới, hệ tại ân ban Thánh Linh và những lời giảng dạy của bài giảng trên núi.

II. Đức Kitô là gương mẫu

Trên đây chúng ta đã chiêm ngưỡng Đức Kitô như là thầy dạy. Người dạy chúng ta bằng lời nói cũng như bằng hành động để chúng ta noi theo. Tin mừng Gioan đã ghi lại lời nhắn nhủ Thầy sau khi đã rửa chân cho các môn đệ: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,12-15). Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu  Corinto: Anh em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Đức Kitô (1Cr 10,31-11,1).

Nhiều tác giả tu đức học đã coi việc bắt chước Đức Kitô như là cốt yếu của đường nên thánh. Cổ điển nhất là tác phẩm De imitatione Christi (gán cho Thomas a Kempis) dịch sang tiếng Việt là “sách Gương phúc”. Trong Tổng luận thần học cũng như trong các tập chú giải Kinh thánh, thánh Tôma đã dành khá nhiều đoạn để bàn về việc “bắt chước Đức Kitô” (imitatio Christi), đi theo Đức Kitô (sequela Christi), trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (conformitas Christo). Một lần nữa, ta thấy sự liên kết chặt chẽ giữa đức tin và đời sống tâm linh. Đức Kitô là mẫu gương cho chúng ta vì Người vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Chúng ta bắt chước Đức Kitô xét như là con người qua việc thực hành các nhân đức mà Người đã thi hành trong thân phận mỏng giòn của kiếp người, cách riêng vào cuộc khổ nạn. Chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô như là Lời nhập thể, nhờ vậy chúng ta được thông dự vào đời sống thần linh. Thánh Tôma dựa trên các dữ kiện của mặc khải nhưng đồng thời cũng sử dụng dầu óc của mình để phân tích và sắp xếp các dữ kiện đó.

Đức Kitô đã để lại cho chúng ta tấm gương gì? Nhiều lắm, như chúng ta đã có dịp nhắc qua trên đây. Tuy nhiên, theo cha Torrell, nên phân biệt hai cấp độ, được  đặt tên là “tấm gương luân lý” (moral exemplarity: bắt chước các hành động của Người) và “tấm gương hữu thể” (ontological exemplarity: bắt chước chức phận làm con Thiên Chúa). Bắt chước luân lý là bắt các việc lành mà Đức Kitô đã làm; tất cả các hành động của Người đều đáng được bắt chước. Bắt chước Đức Kitô là đi theo con đường mà Người đã đi. Mặt khác, Đức Kitô không chỉ là một con người thánh thiện đã để lại mẫu gương nhân đức mà thôi, nhưng Đức Kitô còn là Thiên Chúa làm người. Thực vậy, con người cần phải bắt chước Thiên Chúa  như là nguồn gốc và cứu cánh hạnh phúc của mình; thế nhưng làm thế nào con người có thể bắt chước Thiên Chúa vì là điều quá khả năng của mình? May thay, thánh Tôma cho thấy rằng bởi vì là nghĩa tử của Thiên Chúa chúng ta có thể bắt chước Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Trong thế giới nhân loại, những người hào hiệp nhận các nghĩa tử để thông chia gia tài cho chúng. Một cách tương tự như vậy, Thiên Chúa nhân lành đã nhận cho các thụ tạo được chia sẻ những điều thiện hảo của mình. Hơn thế nữa, con người được mời gọi  chia sẻ sự thiên hảo của Thiên Chúa bởi vì họ được tạo dựng giống hình ảnh của Ngài và có khả năng chỉa sẻ hạnh phúc với Ngài.  Để có khả năng thực hiện ơn gọi ấy, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ân sủng ngõ hầu có thể xứng đáng lãnh nhận gia tài trên trời (ST III, q.23, a.1). Đức Kitô là Con Thiên Chúa trở thành “mẫu gương hữu thể” để cho chúng ta bắt chước. Sau đây chúng ta hãy điểm qua mỗi cấp độ mẫu gương.

A. Mẫu gương luân lý

Đề tài này được thánh Tôma đề cập nhiều lần trong Phần Ba, ngay từ khi bàn đến động lực của cuộc Nhập thể, và rồi trải qua những chặng đường của cuộc đời Đức Giêsu. Người đã mặc lấy một thân thể có thể chịu đau khổ để cho chúng ta tấm gương nhẫn nhục biết can đảm chịu đựng những đau khổ và hạn chế của mình (q.14, a.1); Người cầu nguyện để dạy chúng ta biết thường xuyên cầu nguyện với lòng tín thác (q.21,a.3). Bất cứ hành động nào trong cuộc đời Chúa Giêsu (chay tịnh, chịu cám dỗ, sống giữa người đời) đểu mang tính cách gương mẫu như vậy (q.40, a.2 ad 2). Giá trị gương mẫu đạt đến tuyệt đỉnh trong hồi tử nạn, nơi mà Người để lại cho chúng ta mẫu gương vâng phục, khiêm nhường, bền chí, công bình (q.46, a.3). Chúng ta hãy nghe lại bài giảng của thánh Tôma ở Napoli vào mùa Chay năm 1273 khi chú giải Kinh Tin kính liên quan đến “Đức Kitô chịu chết vì chúng ta”[2].

Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu đủ để dạy cho chúng ta một mẫu gương trong hết  mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Thật vậy, bất cứ ai muốn sống trọn lành thì chỉ cần khinh chê những gì Đức Giêsu đã khinh chê trên Thánh Giá và ao ước những gì Người đã ước ao. Không có một nhân đức nào mà chúng ta không tìm thấy mẫu gương trên cây Thánh Giá.

1) Đức ái

Bạn tìm một mẫu gương về đức ái ư? Thánh Gioan đã chỉ cho thấy (15,13): “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình,” và Đức Giêsu đã thực hiện điều này trên cây Thánh Giá. Nếu Người đã ban mạng sống của mình vì chúng ta, thì chẳng có gì là gian khổ khi chúng ta phải chịu đựng bất cứ một sự dữ vì Người. Vịnh gia đã hát (115,12) : “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho?

2) Đức kiên nhẫn

Bạn tìm một mẫu gương về đức kiên nhẫn ư? Bạn sẽ tìm thấy một mẫu gương hoàn hảo nhất nơi Thánh Giá. Vì đức kiên nhẫn được chứng tỏ cách cao vời bằng hai cách: hoặc bằng cách kiên trì chịu đựng những điều dữ dằn hoặc bằng cách chịu đựng những cái có thể tránh được nhưng lại không tránh.

Thế nhưng trên Thánh giá, Đức Giêsu đã chịu đựng những đau khổ dữ dằn, vì thế có thể áp dụng lời của ông Giêrêmia trong sách Ai Ca (1,12) “Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn kỹ mà xem, có nỗi khổ nào so sánh được với nỗi khổ của Đức Chúa giáng trên tôi.”, và Người đã chịu đựng một cách kiên nhẫn bởi vì : “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe” (1 Pr 2,23). “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.” (Is 53,7)

Ngoài ra, Người đã có thể tránh những đau khổ nhưng lại không tránh, như chính Người đã nói với ông Phêrô trong vườn Cây Dầu (Mt 26,53): “Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy và lập tức Cha sẽ cấp cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần sao?” Do đó, sự chịu đựng của Đức Kitô trên cây Thập Giá thật là vĩ đại: “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục.” (Dt 12,1-2)

3) Đức khiêm nhường

Bạn tìm kiếm mẫu gương về đức khiêm nhường ư? Hãy nhìn lên Đấng chết treo trên cây Thánh Giá. Mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Người đã chịu để cho Phong-xi-ô Phi-la-tô xét xử và chịu chết. Chúng ta có thể nói về Người: “Vụ án của người đã bị xét xử như vụ án của kẻ tội phạm.” (X. G 36,17). Thật giống như vụ án của kẻ tội phạm bởi vì những kẻ thù của Người có thể nói (Kn 2,20): “chúng ta hãy kết án cho Nó chết nhục nhã.” Ông Chủ đã muốn chết vì tôi tớ của Mình và sự sống của các Thiên Thần đã chịu sát tế vì con người. Thánh Phaolô đã viết (Pl 2,8): “Đức Kitô Giêsu đã hạ mình,  vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên Thánh giá.

4) Đức vâng lời

Bạn muốn tìm kiếm mẫu gương về đức vâng lời ư?  Hãy đi theo Đức Kitô, Đấng đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết. Thánh Tông đồ viết cho các tín hữu Rôma (5,19): “Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.

5) Khinh chê của cải trần gian

Bạn muốn tìm mẫu gương về sự khinh chê của cải trần gian ư? Hãy đi theo Đấng là Vua các Vua và Chúa các Chúa, nơi Người có tất cả mọi kho tàng sự khôn ngoan (Cl 2,3), thế mà trên Thánh giá, Người bị trần truồng, nhạo báng, đánh đòn, đội mão gai, uống giấm chua và mật đắng, và cuối cùng chịu chết. Do đó, đừng quan tâm tới y phục hoặc của cải của bạn, vì “quân lính đã chia áo của tôi” (Tv 21,19), cũng đừng quan tâm tới danh dự, bởi vì “chính Tôi phải chịu cười nhạo và bị đập đánh”; cũng đừng quan tâm đến chức vị, bởi vì chúng kết một vòng gai và đội lên đầu tôi; cũng đừng quan tâm tới khoái lạc, vì “lúc con khát nước, chúng lại cho uống giấm chua.” (Tv 68,22). Vì thế, khi chú giải thư Do-thái đoạn 12 câu 2 (Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục) thánh Âu-tinh nói rằng: “Con người Giêsu Kitô đã khinh chê mọi của cải trần gian để dạy cho biết những gì phải khinh chê”.

Toàn thể cuộc đời Chúa Giêsu là  bài học, từ khi sinh ra cho đến lúc chịu chết trên thập giá và kể cả cuộc Phục sinh và Thăng thiên nữa. Một đặc trưng của Kitô học thánh Tôma là không chỉ trình bày mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời, sự kết hợp giữa hai bản tính với một ngôi vị (quaestiones 1-26), mà còn trình bày cuộc đời của Đức Kitô (quaestiones 27-59), qua đó Người hoàn tất công trình cứu độ loài người. Như chúng ta đã biết, các “mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô” đã trở thành đề tài cho các sách suy niệm và cầu nguyện, chẳng hạn như Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 512-580) và các mầu nhiệm kinh Mân Côi.

B. Mẫu gương hữu thể

Trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, con người là hình ảnh của Thiên Chúa, và phải trở nên giống Thiên Chúa. Để thực hiện ơn gọi, con người cần một mẫu gương từ chính Thiên Chúa, con người cần Thiên Chúa mặc khải chính mình, ngõ hầu có thể biết được Thiên Chúa và kết hiệp với Ngài. Đó là lý do của sự cần thiết của Ngôi  Lời nhập thể. Con người không chỉ cần đến tấm gương của một thầy dạy luân lý các nhân đức, nhưng còn cần đến tấm gương của chính Lời Thiên Chúa để bắt chước.

Theo thánh Tôma, có ba cách thức bắt chước Lời của Thiên Chúa. Thứ nhất, các thụ tạo có thể bắt chước Ngôi Lời tùy theo hình thái của mình. Tất cả mọi loài thụ tạo có thể bắt chước Ngôi Lời bởi vì muôn loài được tạo dựng nhờ Ngôi Lời. Thứ hai, loài người có thể bắt chước Ngôi Lời theo hình thái có lý trí của minh. Thứ ba, nhờ ân sủng và đức mến, chúng ta bắt chước Lời của Thiên Chúa dựa theo việc Người hợp nhất với Chúa Cha. Đức Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính; chúng ta trở nên con Thiên Chúa nhờ ơn làm nghĩa từ do Thánh Linh ban tặng (III, q.23, a.4, ad 2).

Đến đây, sự bắt chước hàm ngụ một sự biến đổi bản thể: từ loài thụ tạo chúng ta được biến đổi nên con cái Thiên Chúa. Điều này hàm ngụ một ơn huệ từ trên ban xuống chứ không phải do khả năng tự nhiên của con người.

III. Đức Kitô là sự sống

Mặc dù hai tư tưởng “thầy dạy” và “gương mẫu” đã nói lên tầm quan trọng của Đức Kitô đối với đời sống tâm linh Kitô giáo, cách riêng khi chúng ta muốn so sánh với các vị sáng lập của các tôn giáo khác, nhưng chưa đủ. Xem ra vai trò của Đức Kitô mới chỉ là kẻ hướng đạo, hay nói theo một hình ảnh quen thuộc bên Phật giáo, Người chỉ cho thấy mặt trăng ở đâu, và chúng ta hãy nhìn lên mặt trăng chứ đừng ngó ngón tay của người hướng đạo. Thế nhưng vai trò của Đức Kitô còn hơn thế nữa, bởi vì Người còn là nguồn mạch ân sủng do công trình cứu chuộc mà Người đã thực hiện. Đức Kitô là Đấng Cứu độ của chúng ta. Trong giới hạn của một bài thuyết trình về linh đạo thánh Tôma, thiết tưởng chỉ cần dừng lại ở một tư tưởng đặc trưng của vị tiến sĩ thiên thần, đó là Đức Kitô là nguyên ủy của ân sủng; Người nhận được ân sủng trong tư cách là đầu (nguyên thủ) của nhân loại. Đức Kitô không phải là một kẻ đứng ở bên ngoài chúng ta, nhưng là đầu của thân thể mà chúng ta là những chỉ thể. Đây là một khái niệm diễn tả điều mà Tin mừng Gioan đã viết (Ga 10,10): “Tôi đến để cho họ được sống và sống dồi dào”.  Từ sự sung mãn ân sủng của Đức Kitô, mà chúng ta lãnh nhận được các ân sủng, hết ơn này đến ơn kia (Ga 1,16). Thánh Tôma đã dành quaestio 8 để bàn về ân sủng của Đức Kitô như là đầu của Hội thánh (với 8 articuli).

Như chúng ta đã biết, vào thế kỷ XIII, môn Giáo hội học chưa ra đời. Vì thế trong Tổng luận thần học, chúng ta không thấy một khảo luận về Giáo hội học (cũng như không thấy một khảo luận về Thánh mẫu học). Nói thế không có nghĩa là thánh Tôma không có khái niệm gì về Giáo hội. Đúng ra, quan niệm của ngài về Giáo hội rộng hơn các nhà thần học sau đó. Trong quaestio 8, articulus 3, thánh Tôma cho thấy Hội thánh là thân thể huyền nhiệm của Đức Kitô bao gồm toàn thể nhân loại với nhiều cấp độ khác nhau:

“Thân thể Hội thánh được cấu thành bởi hết mọi người bắt đầu từ lúc khởi đầu cho đến kết thúc thế giới, và bao gồm cả những người có ân sủng cũng như những người không có hoặc chưa có ân sủng. Vì thế các phần tử của Hội thánh cần được  xét theo thực thụ cũng như theo tiềm thể nữa. Một số người ở trong tiểm thể mà sẽ không bao giờ trở thành thực thụ; một số khác đã đến chỗ thực thụ theo ba cấp: đức tin, đức mến dưới đất, hạnh phúc trên trời. Vì thế Đức Kitô là đầu của toàn thể nhân loại nhưng tùy theo cấp độ. Chính yếu Người là đầu của những kẻ đã kết hợp với Người trong vinh quang. Thứ hai, Người là đầu của những kẻ kết hợp với Người trong đức mến. Thứ ba, Người là đầu của những người kết hợp thực thụ trong đức tin. Thứ bốn, Người là đầu của những kẻ kết hợp trong tiềm thể và sẽ sang thực thụ do sự tiền định. Sau cùng, thứ năm, Người là đầu của những kẻ kết hợp trong tiềm thể nhưng sẽ không bao giờ chuyển thành thực thụ, chẳng hạn như những người người sống trên đời này mà không được tiền định. Những người này sẽ không còn là thành phần của Đức Kitô khi họ ra khỏi đời này, bởi vì bấy giờ họ chẳng còn kết hiệp với Đức Kitô theo tiềm thể nữa.”

Nên ghi nhận là cấp thứ bốn bao gồm cả những người chưa được rửa tội. Họ cũng là thành phần của Hội thánh, bởi vì khi trả lời vấn nạn thứ nhất, thánh Tôma cho biết rằng dù những người ấy chưa thực thụ ở trong Hội thánh, nhưng họ thuộc về Hội thánh trong tiềm năng, xét vì họ đang khao khát ơn cứu độ. Thiết tưởng điều này mang theo nhiều hệ luận cho cuộc đối thoại liên tôn.

Trên thực tế, là Kitô hữu, chúng ta nhìn nhận Đức Kitô là  suối nguồn ân  sủng nhờ Lời và các bí tích, trong đó nổi bật nhất là bí tích Thánh Thể, nhờ đó chúng ta được nên một với Người và được biến đổi trở nên giống với Người.

Công trình cứu độ của Đức Kitô có thể được trình bày dưới nhiều khía cạnh khác nhau, chẳng hạn qua việc phân tích ba chức vụ của Đấng Mesia (được xức dầu), đó là “ngôn sứ – vua – tư tế” (q.22, a.1, ad 3 ; q.31, a.2). Qua các chức vụ ấy, Đức Kitô thực hiện vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Thời giờ không cho phép chúng ta đi sâu vào các đề tài ấy[3]. Chúng tôi chỉ xin dừng lại một hình ảnh có liên quan đến ơn gọi của chúng ta, đó là Đức Kitô nhà giảng thuyết.

Kết luận: Đức Kitô nhà giảng thuyết

Trước khi đi vào nội dung, thiết tưởng nên phân biệt ba khía cạnh khác nhau của vấn đề:

(i) Thánh Tôma nhà giảng thuyết. Đây là một khía cạnh ít được quan tâm khi nghiên cứu các tác phẩm của ngài[4]. Thường các học giả để ý đến các bộ Tổng luận thần học, các quyển chú giải Kinh thánh, là những tác phẩm được soạn để dùng vào việc dạy học. Nhưng thánh Tôma còn là nhà giảng thuyết nữa, và việc giảng thuyết cũng là một công tác của giáo sư thần học. Hiện nay, khoa phê bình đã sưu tập được 19 bài giảng, qua đó người ta có thể rút ra vài nhận xét về phương pháp giảng thuyết.

(ii) Những suy tư của thánh Tôma về sứ vụ giảng thuyết, rải rác trong các tác phẩm của ngài, đặc biệt là trong các quyển chú giải Kinh thánh[5].

(iii) Suy niệm về Đức Kitô như nhà giảng thuyết, và từ đó rút ra những bài học cho những ai được mời chia sẻ sứ vụ giảng thuyết của Người. Ở đây, chúng ta xét đến khía cạnh thứ ba, dựa theo một bài viết của cha Jean Pierre Torrell[6].  Tác giả sử dụng hai bản văn làm nền tảng: 1/ Một là quaestio 42 trong Phần Ba của Tổng luận thần học. 2/ Hai là bải giảng mùa chay năm 1271, dựa theo dụ ngôn về người gieo giống nói ở Lc 8,5-8.

A. ST III, quaestio 42

 Quaestio 42 bàn về việc giảng dạy của Đức Kitô, gồm 4 articuli: tại sao Người chỉ giảng cho cho người Do thái mà không giảng cho dân ngoại? Lời lẽ của Người có gây đụng chạm với ai không? Người giảng kín đáo hay công khai? Tại sao Người không viết sách? Sau đây là câu trả lời.

1/ Đức Giêsu dành ưu tiên sứ vụ của mình cho dân Do thái vì muốn trung thành với lời hứa cùng các tổ phụ. Sau khi phục sinh, Người sai các môn đệ đến muôn dân khi mà mặc khải đã được hoàn tất với việc mặc khải thiên tính của Người cùng với việc ban Chúa Thánh Linh.

2/ Chúa Giêsu có nói những lời xúc phạm đến các người Do thái không?

Khi giảng dạy, Chúa Giêsu không tìm cách chiều lòng các thính giả, nhưng tìm ơn cứu độ của họ. Cũng như các ngôn sứ, Người rao giảng sự thật, dù biết rằng nói thật thì mất lòng.

3/ Chúa Giêsu giảng dạy công khai hay kín đáo?

Đối lại với những khuynh hướng mật giáo hay bi truyền đề cao các mặc khải tư, thánh Tôma nói rằng Chúa Giêsu giảng  công khai chứ không bí mật. Tuy có khi Người dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời bởi vì các thính giả không đủ khả năng lĩnh hội, nhưng sau đó, Người lại giải thích cho các môn đệ để họ hiểu.

4/ Tại sao Chúa Giêsu giảng dạy chứ không viết sách?

Thánh Tôma đưa ra ba lý do thích hợp. Thứ nhất, bởi vì Người muốn in sâu đạo lý vào con tim của thính giả hơn là trên sách vở. Điều này, các thầy giáo ngoại đạo như Pythagoras và Socrates đã từng làm. Thứ hai, bởi vì đạo lý cao siêu phong phú không thể nào chứa được trong một cuốn sách. Thứ ba, Người muốn đi theo một thứ tự trong việc rao giảng: trước tiên, Người muốn dạy cho các môn đệ để rồi đến lượt các ông sẽ truyền bá đạo lý cho hậu thế bằng sách và thư. Người muốn cho các tông đồ cũng được tham gia vào sứ mệnh rao giảng ơn cứu độ. Người đã kêu gọi các môn đệ để họ sống với Người, thấm nhuần đạo lý của Người. Họ phải từ bỏ tất cả để gắn bó với Người. Họ phải rao giảng nhờ quyền năng của ơn thánh chứ không phải do tài năng cá nhân.

B. Bài giảng về dụ ngôn người gieo giống (Lc 8,3-8)

1/ “Người gieo giống đi ra”

a) Đối với Chúa Giêsu, “Người đi ra” có nghĩa là ra khỏi lòng Chúa Cha để đến thế gian.

b) Đối với nhà giảng thuyết, “đi ra” có ba nghĩa: (i) ra khỏi tội lỗi, vì nếu mình là người tội lỗi thì làm thế nào mà giảng dạy người khác từ bỏ tội lỗi được; (ii) ra khỏi thế gian, rời bỏ tất cả mọi sự để đi theo Chúa, vác thập giá với Chúa; (iii) ra khỏi đời sống chiêm niệm để rao giảng Lời Chúa cho tha nhân. Chiêm niệm là điều tốt, nhưng chuyển thông cho tha nhân sự phong phú của việc chiêm niệm thì tốt hơn (x. ST II-II, q. 188, a.6). Chính Chúa Giêsu đã chọn nếp sống ấy (x. III, q.40, a.1, ad 2).

2/ Hạt giống gieo vào đất tốt

Hạt giống gieo vào đất tốt và sinh hoa trái. Việc gieo lời Chúa phát sinh hoa trái tốt khi người ta lắng nghe lời bằng tai, yêu mến lời bằng con tim, và đem ra thực hành bằng việc lành. Ai đón nhận Lời Chúa như thế sẽ được an ủi vì được làm con cái của Thiên Chúa, và sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ.

Thánh Tôma bàn thêm điều này trong lời chú giải điều 2 của Kinh Tin Kính: Chúng ta phải
đáp trả lời của Thiên Chúa như thế nào?

1. Chúng ta phải sẵn lòng nghe những lời của Thiên Chúa…

2. Chúng ta cũng phải tin vào những lời của Thiên Chúa…

3. Chúng ta phải suy niệm liên lỉ Lời của Thiên Chúa đang ngự trong lòng chúng ta…

4. Chúng ta phải truyền đạt Lời của Thiên Chúa cho những người khác, bằng cách khuyên nhủ, thuyết giảng, và thúc giục họ. …

5. Chúng ta phải thực hành những lời của Thiên Chúa, như thánh Giacôbê đã nhắn nhủ: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông ma lừa dối chính mình” (Gc 1,22).

Năm lời khuyên nêu trên đã được Đức Trinh Nữ Maria tuân thủ một cách tuần tự, khi mẹ sinh ra Ngôi Lời của Thiên Chúa. Trước tiên, mẹ đã lắng nghe những lời của thiên sứ: “Thánh Thần ngự xuống trên bà” (Lc 1,35). Thứ hai, me đã ưng thuận lời thiên sứ bằng đức tin khi đáp lại : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Thứ ba, mẹ đã mang Lời nhập thể trong lòng. Thứ bốn, mẹ đã sinh ra Ngài. Thứ năm, mẹ đã nuôi nấng dưỡng dục Ngài. Vì thế, Hội thánh ca ngợi rằng: “Duy Đức Trinh nữ đã nuôi dưỡng Vua các thiên thần bằng sữa bởi trời”2.

2 Đáp ca bài đoc IV kinh đêm lễ 1 thang giêng theo Sach nguyện dòng Đaminh: “ipsum regem Angelorum sola virgo lactabat ubere de caelo pleno”.

 

———————-

[1] Jean-Pierre Torrell, Saint Thomas Aquinas, vol.II: Spiritual Master, The Catholic University of America Press, Washington DC, 2003, trang 101-112.

[2] Hồ Vĩnh Thịnh (biên dịch), Kinh Tin kính theo chú giải của thánh Toma Aquino, Học viện Đaminh 2015, trang 69-72.

[3] Nên biết là thánh Tôma dành quaestio 22 của pars III để bàn về chức vụ tư tế của Đức Kitô.

[4] Jean-Pierre Torrell, La pratique pastorale d‘un théologien du XIIIè sièecle: Thomas d’Aquin prédicateur in: Revue Thomiste 82 (1982) 213-45. Jean-Pierre Torrell, Thomas d’Aquin: Sermons. Traduction Française d’après le Texte Latin de l’Édition Léonine, Paris, 2014).

[5] Joachim Walsh, Thomas on preaching, https://www.dominicanajournal.org/wp-content/files/old-journal-archive/vol5/no4/dominicanav5n4stthomasonpreaching.pdf

[6] Jean-Pierre Torrell, Christ and Spirituality in Thomas Aquinas, The Catholic University of America Press, Washington D.C., 2011, (Chapter 8: The Sower Went Out to Sow: The Image of Christ the Preacher in Friar Thomas Aquinas), p.159-173. Nguyên tác tiếng Pháp: Le semeur est sorti pour semer. L’image du Christ prêcheur chez frere Thomas d’Aquin, La Vie Spirituelle 147 (1993) 657-670.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here