Tĩnh tâm tu viện Mân côi năm 2023 – Bài 2

0
1055

Bài 2. Thiên Chúa và con người trong linh đạo Tôma

Giuse Phan Tấn Thành

I. Sự tạo dựng nói chung

A. Vật chất tốt lành

B. Tạo dựng và tái tạo dựng: gratia non destruit naturam

II. Con người nói riêng

A. Con người trong tương quan với Thiên Chúa: hình ảnh Thiên Chúa

B. Con người trong lịch sử cứu độ : sa ngã và cứu chuộc

C. Con người tự tại: giá trị của thân xác và cảm xúc

——————–

Sau bài dẫn nhập giới thiệu sơ lược linh đạo thánh Tôma, chúng ta sẽ lần lượt điểm qua những nét chính qua việc trình bày những chiều kích tâm linh của thần học về Thiên Chúa, Đức Kitô, Thánh Linh. Hôm nay chúng ta bắt đầu với mầu nhiệm Thiên Chúa.

Thánh Tôma đã dành phần thứ nhất của bộ Tổng luận thần học để bàn về mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị và công trình tạo dựng của ngài. Trong các sách giáo khoa, đề tài này thường được xếp vào bộ môn đầu tiên của thần học tín lý, nhưng chúng ta muốn nhìn như khởi điểm của con đường nên thánh (linh đạo). Điều này đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh ít là hai cách nhìn. Thứ nhất, mặc khải nói ít về bản tính nội tại của Thiên Chúa (Deus in se, Deus immanens) nhưng dành nhiều chỗ hơn cho tác động của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ (oeconomia salutis), tức là Thiên Chúa đã làm gì cho chúng ta; như sẽ thấy, đó cũng là quan điểm của thánh Tôma. Thứ hai, khi bàn đến linh đạo, chúng ta liền nghĩ đến nỗ lực của con người hướng đến Thiên Chúa; nhưng thánh Tôma thì khởi đầu chuyển động từ Thiên Chúa đến con người. Thiên Chúa là Đấng sáng khởi của kế hoạch cứu độ, Ngài ra khỏi chính mình (exitus) ban sự thiện cho con người, và lôi kéo nó về mình (reditus). Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành và hạnh phúc của con người.

Khuôn khổ một bài suy niệm tĩnh tâm không cho phép trình bày toàn bộ đạo lý về Thiên Chúa (Thiên Chúa nhất thể tam vị, Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng), vì thế, tôi chỉ xin giới hạn vào mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người, tập trung vào hai điểm chính: công cuộc tạo dựng nói chung, việc tạo dựng con người nói riêng.

I. Sự tạo dựng nói chung

Kinh Tin kính mà chúng ta đọc trong Thánh lễ mỗi chúa nhật bắt đầu bằng những lời: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. Đàng sau lời tuyên xưng ngắn ngủi này là cả một lịch sử những thách đố lâu dài cho đức tin Kitô giáo.

– Thời xưa chưa có những học thuyết vô thần, nhưng các xã hội cổ điển thờ rất nhiều thần (đa thần). Các ngôn sứ đã rất vất vả để nhắc nhở Israel đã trung thành với một Thiên Chúa duy nhất; các thần khác chỉ là hư ảo.

– Cách riêng, những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo đã chứng kiến sự bành trướng của thuyết nhị nguyên, tin rằng có hai vị thần: thần Thiện là nguồn gốc của mọi sự tốt lành và thần Ác là nguyên nhân của các sự dữ. Cách riêng, nhiều người cho rằng thần Thiện là tác giả của các loài linh thiêng, còn vật chất là sản phẩm của thần Ác. Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo tuyên xưng rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, tác giả của các loài linh thiêng cũng như các loài vật chất (muôn vật hữu hình và vô hình)

– Đức tin Kitô giáo còn thêm rằng Thiên Chúa là Cha. Điều này không chỉ là một sự quy gán công trình tạo dựng cho Chúa Cha (cũng như việc cứu chuộc cho Chúa Con và việc thánh hóa cho Thánh Linh), nhưng còn muốn nói rằng vũ trụ này được tạo dựng do lòng yêu thương của Thiên Chúa. Việc tạo dựng bắt nguồn từ tình yêu sung mãn của Thiên Chúa (Bonum diffusivum sui). Nên biết là thánh Tôma quan niệm việc tạo dựng như là sự phát xuất ra bên ngoài (processio ad extra) kéo dài sự phát xuất nội tại của Thiên Chúa (sự phát xuất của Lời và Tình yêu). Nơi Thiên Chúa, sự thiện hay tình yêu không phải là cái gì trừu tượng nhưng là chính bản tính của Ngài. Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa Ba ngôi. Thiên Chúa không phải là kẻ đơn độc lẻ loi , nhưng là Thiên Chúa của đối thọai và yêu thương. Từ muôn thuở, trong cung lòng Thiên Chúa đã diễn ra sự đối thọai giữa Cha và Con; chính trong mối liên kết giữa Cha và Con mà phát xuất Thánh thần tình yêu.Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ nhờ Lời và tình yêu, muốn đổ tràn tình yêu sung mãn của Tam vị. Sự tạo dựng vạn vật ra như kéo dài cuộc đối thọai tình yêu ra bên ngòai (ST I, q.45, a.6). Thiên Chúa Ba ngôi chuyển thông tình yêu cho tạo vật, và mời gọi chúng đến chia sẻ hạnh phúc với mình (xc. I, q.32, a.1, ad 3m). Khi tạo dựng vạn vật, Thiên Chúa đã để lại dấu vết của sự hoàn thiện của mình nơi chúng. Vì thế nhìn ngắm vạn vật, chúng ta có thể nhận ra những ưu phẩm của Thiên Chúa.

Trên đây là những xác tín căn bản của đức tin Kitô giáo. Bây giờ chúng ta bước sang những đóng góp độc đáo của thánh Tôma cho thần học nói chung và đời sống tâm linh nói riêng, có thể tóm lại trong hai nguyên tắc: 1/ Vật chất tốt lành bởi vì do Thiên Chúa tạo dựng; 2/ Tạo dựng và tái tạo dựng.

A. Vật chất tốt lành

Nhiều tác giả tu đức quan niệm rằng đời sống thiêng liêng (tâm linh) đồng nghĩa với dứt bỏ trần tục. Điều đó sẽ không hoàn toàn đúng, nếu nó hàm ngụ rằng trần tục, vật chất là điều xấu xa tội lỗi. Thánh Đaminh đã bài trừ thuyết nhị nguyên của nhóm Cathari (ảnh hưởng của đạo Mani, coi vật chất và hôn nhân là tội lỗi) bởi vì nó trái ngược với đức tin Kitô giáo. Thánh Tôma cũng tiếp tục đường hướng đó, với việc sử dụng thêm các luận cứ triết học.

Chúng ta thường nghe nói đến việc thánh Tôma “rửa tội” cho triết học Aristote, nhưng ít ai nghĩ đến những hệ luận của nó. Phải nói đây là một cuộc cách mạng tư tưởng lớn đối với con đường nên thánh.

Chúng ta biết rằng các giáo phụ chịu ảnh hưởng nhiều bởi thuyết Platon, vì thấy nó dễ đưa con người lên cùng Thiên Chúa. Con người được mời gọi hướng về thượng giới, là quê hương đích thật, còn trần thế này bị coi như là chốn lưu đày, thân xác bị coi là nhà tù của linh hồn. Vì thế đường nên thánh hệ ở thoát tục (contemptus mundi), hãm mình ép xác để linh hồn dễ bay lên chốn cao xanh.

Khi chấp nhận triết học Aristote, thánh Tôma đã làm một cuộc cách mạng, và dễ bị tố cáo là rơi vào thuyết duy vật. Như chúng ta đã biết, khác với ông Platon, ông Aristote không chấp nhận một kiếp sống của linh hồn trước đây ở trên thiên giới, rồi bị đày xuống dương gian để đền tội. Không, con người chỉ có một kiếp sống ở đời này; con người gồm bởi linh hồn và thể xác. Linh hồn cần đến thể xác, bởi vì linh hồn không mang trong mình những ý tưởng đã có từ trước, nhưng các ý tưởng được hình thành từ việc trừu xuất các ảnh niệm thu nhận được bởi sự quan sát vũ trụ vật chất.

Như vậy, chấp nhận thuyết Aristote có nghĩa là chấp nhận sự hiện hữu của vật chất. Vật chất không phải là cái gì xấu xa tội lỗi, do Ác thần tạo ra. Thế giới vật chất này do Thiên Chúa tạo thành, và là “tốt” (St 1,31; xc. Rm 14,20; Tt 1,15). Điều này đi ngược lại nhiều triết học và tôn giáo (thậm chí vài luồng tu đức Kitô giáo), theo đó, vũ trụ chỉ là ảo ảnh hoặc vật chất là xấu xa tội lỗi! Quan niệm như vậy không đúng: vật chất chẳng có tội tình gì hết; nó xấu hay tốt là tùy cách chúng ta sử dụng: chúng ta có thể dùng dao rựa để chặt cây làm nhà, hay để giết người, nhưng mà tội đâu tại con dao?

Thực ra, đàng sau lời tuyên xưng đức tin hàm chứa cả một tâm tình chúc tụng trước vẻ huyền nhiệm của vũ trụ. Lịch sử văn học các tôn giáo không thiếu các bài ca bày tỏ sự trầm trồ thán phục đứng trước vẻ đẹp của vũ trụ, dù là nói tới đại-vũ-trụ (với các tinh tú trên bầu trời, núi non sông ngòi), hay khi nói tới tiểu-vũ-trụ là con người (từ mầu nhiệm sự sống cho đến hoạt động các chức năng tâm sinh lý như sẽ nói trong phần hai). Những bài thánh thi, thánh ca chúc tụng Thiên Chúa tạo dựng càng nhiều hơn nữa trong Kinh thánh và văn chương Kitô giáo, chẳng hạn như các thánh vịnh được đọc Phụng vụ Giờ kinh: thánh thi Đaniel; thánh vịnh 104; 148. Dựa theo nguồn cảm hứng đó, thánh Phanxicô Assisi sáng tác ra “Bài ca vạn vật”: mọi loài thụ tạo được mời gọi hãy lên tiếng ca tụng Thiên Chúa. Nhưng đồng thời, các tác giả Sách thánh (từ Sách Khôn ngoan chương 13,1-9 cho đến thánh Phaolô trong thư gửi các tín hữu Roma chương 1,21-25) cũng cảnh giác chúng ta về nguy cơ thờ “ngẫu tượng”, nghĩa là chúng ta dễ bị thu hút bởi sự quyến rũ của thụ tạo đến nỗi thờ lạy chúng, và lãng quên Tạo hóa, Đấng đã dựng nên chúng để cho chúng ta hưởng dụng.

Trên thực tế, Thiên Chúa đã tạo nên vũ trụ tốt lành và trao cho nguyên tổ sử dụng. Tiếc rằng họ đã lạm dụng, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa, tự ý quyết định điều lành điều dữ. Từ đó tội lỗi đã len vào thế giới, làm cho thế giới bị hoen ố. Thế giới không phải xấu tại nó nhưng tại tội lỗi của con người.

B. Tạo dựng và tái tạo dựng

Đến đây những lý luận triết học về sự tạo dựng cần được bổ túc với mặc khải về việc tái tạo dựng. Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong sự chết, nhưng đã đến tái lập tình nghĩa với con người qua chương trình cứu chuộc. Điều này được thánh Tôma nói trong Prima Secundae, các quaestiones 90-108 (lề luật) và 109-114 (ân sủng).

Đàng sau các vấn đề về lề luật, thánh Tôma đã biên soạn một thiên khảo luận về lịch sử cứu độ, qua bốn chặng: 1/ lex aeterna (luật vĩnh cửu, kế hoạch cứu độ dành cho toàn thể vạn vật). 2/ lex naturalis (luật tự nhiên, kế hoạch cứu độ dành cho loài người là những thụ tạo có tự do). 3/ lex vetus (luật cũ) và 4/ lex nova (luật mới) là hai chặng của mặc khải Cựu ước và Tân ước.

Từ đó, bất cứ đề tài nào liên quan đến tương quan giữa con người với Thiên Chúa đều cần được xét trong tiến trình cứu độ ấy. Đây là một sự khác biệt giữa triết học (tìm hiểu bản chất các vật) và thần học (nhìn trong lịch sử cứu độ). Chúng ta sẽ có dịp trở lại khi bàn về con người dưới những chế độ khác nhau trong phần thứ hai của bài này. Ở đây, chúng ta chỉ xét đến một nguyên tắc chung chi phối mối tương quan giữa tạo dựng và tái tạo dựng, được thánh Tôma phát biêu qua công thức: “ân sủng không phá hủy tự nhiên, nhưng giả thiết và kiện toàn tự nhiên” (gratia non destruit naturam sed elevat et perficit eam). (ST I, q.1, a.8, ad 2m). Nguyên tắc này có thể được giải thích theo nhiều cách, từ đó mang theo nhiều hệ luận đối với đời sống tâm linh:

a- Có thể hiểu là không nên đối chọi giữa trật tự siêu nhiên với trật tự tự nhiên (thí dụ như giữa chân lý đức tin với chân lý khoa học), bởi vì cả hai đều xuất phát từ một nguồn gốc là Thiên Chúa. Chẳng lẽ Chúa lại dùng tay phải để đập phá điều mà tay trái đã làm! Đặc biệt, trong phạm vi luân lý, luật mặc khải không phá hủy luật tự nhiên. Luật mặc khải kiện toàn luật tự nhiên. Thực ra, thuật ngữ “luật tự nhiên” (lex naturalis) có thể hiểu theo nhiều nghĩa, trong phạm vi vật lý học cũng như trong phạm vi luân lý học. Thời sự thần học đã dành một số cho “Thần học tự nhiên” (số 88, tháng 5 năm 2020). Trong các văn kiện gần đây của Huấn quyền, thuật ngữ này xuất hiện khi bàn về một nền tảng chung cho luân lý của toàn thể nhân loại; thêm vào đó, Đức thánh cha Phanxicô, với thông điệp Laudato si kêu gọi chú ý đến việc bảo vệ môi trường sống.

b- Có thể hiểu rằng ơn thánh Chúa không miễn trừ cho chúng ta vận dụng khả năng tự nhiên của mình (gratia supponit naturam). Ơn thánh Chúa không tiêu hủy tự do hoặc bản năng của ta. Trên đường tu đức nên thánh, mỗi người cần lưu ý đến các sở trường sở đoản của mình (tùy thuộc vào tính tình, giáo dục, kinh nghiệm, vv.). Nói cho đúng, đây là cả một câu chuyện phức tạp về tương quan giữa ân sủng và tự do. Chúa Giêsu đã nói: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được” (Ga 15,5); nhưng Người cũng trao cho chúng ta những nén bạc để sinh lợi, chứ không được phép há miệng chờ sung! Dù sao đi nữa, ta đừng quan niệm sự hợp tác giữa con người với Thiên Chúa diễn ra theo phương thức liên doanh: mỗi bên đầu tư một nửa (50/50). Không phải như vậy. Sự hợp tác diễn ra không phải giữa hai cổ phần ngang vai, nhưng là giữa “nguyên nhân đệ nhất” với “nguyên nhân đệ nhị”: 100% là của Chúa và 100 % là của ta. Điều này được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo phát biểu với công thức: “Cầu nguyện và làm việc. Bạn hãy cầu nguyện ra như tất cả tùy thuộc vào Chúa, và bạn hãy làm việc ra như tất cả tùy thuộc vào bạn” (số 2834).

c- Có thể hiểu rằng sự thánh thiện không có nghĩa là thoát tục, nhưng là dấn thân xây dựng xã hội. Thánh nhân không phải là người sống trên mây trên gió, nhưng là người tìm cách nhận ra tiếng gọi của Chúa giữa hoàn cảnh xô bồ của lịch sử.

Dù hiểu như thế nào đi nữa, vũ trụ này được Thiên Chúa tạo dựng và là một công trình tốt đẹp. Từ việc chiêm ngắm vũ trụ, trí tuệ chúng ta có thể hướng lên tới Đấng Tạo hóa. Vũ trụ vật chất không phải là cái gì xấu xa bỉ ổi. Hơn thế nữa, Thiên Chúa ban cho các thụ tạo sự tốt lành theo bản chất của mỗi lòai. Các thụ tạo hoạt động theo bản tính nội tại bền vững của mình. Mặt khác, vũ trụ được Thiên Chúa ký thác cho con người cai quản: con người hãy biết sử dụng các tài năng của mình để làm chủ vũ trụ, hợp tác với kế hoạch của Thiên Chúa. Nói thế có nghĩa là con người phải tìm hiểu vũ trụ, khám phá những định luật của vũ trụ, và trân trọng bảo vệ nó. Dù giải thích thế nào về nguyên tắc vừa nói, ta có thể nhận thấy rằng thánh Tôma mang một hình ảnh lạc quan về vũ trụ (thiên nhiên, tự nhiên): vũ trụ không phải là cái gì xấu xa mà ta phải thoát ly trên đường nên thánh (I-II, q.108, a.4). Vũ trụ là tác phẩm của Thiên Chúa, và có thể dẫn đưa ta về với Thiên Chúa; nếu vũ trụ làm cho ta xa Chúa thì không phải lại nó xấu xa mà là tại vì ta không biết sử dụng nó đúng với trật tự (I, q.65, a.1, ad 3m).

II. Con người nói riêng

Một câu hỏi: Sách Summa Theologiae bàn về Thiên Chúa hay bàn về con người? Thoạt tiên xem ra câu trả lời quá rõ: tất cả bộ sách này xoay quanh Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành và cứu cánh của mọi vật. Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ kế hoạch cứu độ, thì cũng có thể nói được rằng con người là trung tâm. Thiên Chúa mặc khải cho con người biết kế hoạch mà ngài đã dành cho con người. Cha Mieczyslaw Albert Krapiec, O.P, nguyên viện trưởng đại học công giáo Lublin, đã có một bài viết đăng trong Thời sự thần học số 67, phân tích toàn bộ Tổng luận thần học dưới góc độ nhân học[1].

Ở đây, chúng tôi chỉ dừng lại ở ba điểm: 1/ con người trong tương quan với Thiên Chúa; 2/ con người trong lịch sử cứu độ; 3/ con người nội tại

A. Con người trong tương quan với Thiên Chúa: hình ảnh Thiên Chúa

Con người là gì? Theo vài triết gia, con người là “động vật có lý trí” (animal rationale), hoặc “cây sậy biết tư duy” (theo Pascal). Sách Giáo Lý của Hội thánh Công Giáo (viết tắt GLCG) gọi con người là “hình ảnh Thiên Chúa”, một hạn từ đọc thấy từ trình thuật về việc tạo dựng con người ở sách Sáng thế (1,27) và được lặp lại nhiều lần trong Kinh thánh (St 5,3; 9,6; Kn 2,23-24; Hc 17,1-4).

Tại sao con người được gọi là “hình ảnh Thiên Chúa”?

Sách GLCG đã nhắc đến nhiều lối giải thích khác nhau trong truyền thống Kitô giáo.

1/ Một lối giải thích đơn giản hơn hết là con người mang trong mình lòng khao khát hướng về Thiên Chúa (homo capax Dei: GLCG 36), như hoa quỳ hướng dương. Thực vậy, bản tính con người là luôn đi tìm về Chân-Thiện-Mỹ, muốn biết và yêu mến Đấng Tuyệt đối. Đây là căn bản của cảm nghiệm tâm linh mà Thánh Linh gợi lên trong lòng bất cứ con người nào, dù có tín ngưỡng hay không (GLCG 299; 2563; 2566).

2/ Một lối giải thích thứ hai chú trọng đến vài điểm tương đồng giữa con người với Thiên Chúa (GLCG 41; 1978): con người có lý trí và ý chí, có khả năng định đoạt (GLCG 357); có khả năng yêu thương (GLCG 1604; 2331). Con người được chia sẻ khả năng sáng tạo bằng canh tác lao động (GLCG 2427; 2501) và quản lý vũ trụ (GLCG 373). Dĩ nhiên là con người cần phải cư xử giống như Thiên Chúa.

3/ Một lối giải thích thứ ba có thể gặp thấy nơi thánh Tôma Aquinô, theo đó, nên phân biệt ba cấp độ hình ảnh Thiên Chúa nơi con người (ST I, q.93, a.4). Cấp một có thể tìm thấy nơi bất cứ nhân sinh nào, bởi vì bất cứ con người nào cũng có khả năng hiểu biết và mến yêu Chúa. Cấp thứ hai chỉ có nơi những người sống trong tình trạng ân sủng, nghĩa là khi họ thực sự hiểu biết và yêu mến Chúa. Cấp thứ ba dành cho các thánh nhân trên trời, bởi vì họ được hiểu biết và yêu mến Chúa cách trọn hảo. Cũng nên biết là thánh Tôma cũng theo thánh Augustinô để phân tích hình ảnh Thiên Chúa trong viễn ảnh của Ba ngôi: sự hiểu biết và yêu mến nơi con người phản ánh nhiệm xuất của Ngôi Lời và Tình yêu từ Chúa Cha (ST I, q.93,a.6; q.45,a.7).

4/ Vài giáo phụ bên Đông phương lưu ý rằng Kinh thánh (St 1,26-27) sử dụng hai từ ngữ khi nói tới việc tạo dựng con người: con người được dựng nên theo “hình ảnh Thiên Chúa” (imago) và “giống như Chúa” (similitudo). Hai hạn từ mang hai ý nghĩa khác nhau: “hình ảnh” có tính cách tĩnh, còn “giống như” thì có tính cách động. Nói cách khác, con người phải luôn luôn cố gắng mỗi ngày một trở nên giống như Thiên Chúa, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, con người đã sa ngã phạm tội, vì thế không còn nói được là giống như Thiên Chúa được nữa. Con người cần được cứu chuộc ngõ hầu khôi phục mối tương quan với Thiên Chúa.

Tuy các giáo phụ bên Tây phương không quan tâm đến sự phân biệt giữa “hình ảnh” và “tương đồng” (giống như), nhưng họ đồng ý về hai điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ. (1) Hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người không còn được duy trì nguyên vẹn sau tội lỗi nữa. (2) Con người cần gắng sức tái lập hình ảnh đó, qua việc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa (Cl 1,55; GLCG 299).

B. Con người trong lịch sử cứu độ

Dựa theo Kinh thánh, chúng ta biết rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa, nhưng rồi đã mất tình nghĩa với Chúa bởi vì nó muốn lấn quyền của Ngài trong việc quyết định điều tốt điều xấu theo sở thích riêng. Con người muốn lật ngược thứ tự luân lý, muốn đặt mình làm chủ tể vũ trụ, nhưng nó bị thất bại (GLCG 396-398). Con người phải nếm ngay nơi bản thân hậu quả của tình trạng rối loạn trật tự: mất hoà hợp với thiên nhiên, mất hoà hợp giữa nam với nữ, thậm chí mất hoà hợp giữa hồn với xác, giữa lý trí với cảm xúc, vv. Thần học gọi đó là trình trạng sa đoạ của con người (status naturae corruptae)[2].

Con người sa đoạ đến mức độ nào? Cách riêng, nơi người Kitô hữu (nghĩa là kẻ đã lãnh nhận ơn tha thứ và chữa trị nhờ bí tích thánh tẩy), bản tính nguyên tuyền có được khôi phục hoàn toàn hay không?

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 406) đã thuật lại hai chủ trương cực đoan trong lịch sử Kitô giáo. Một bên cho rằng bản tính con người hoàn toàn sa đoạ, không tài nào khôi phục được; con người luôn luôn mang tội lỗi ở trong mình. Một bên cho rằng bản tính con người đã trở về trạng thái nguyên vẹn. Chủ trương thứ nhất gặp thấy nơi những nhà khởi xướng phong trào Cải cách hồi thế kỷ XVI; chủ trương thứ hai thì đã xuất hiện từ thế kỷ VI nơi nhóm Pêlagiô. Đạo lý của Hội thánh nằm ở giữa hai thái cực đó: bản tính con người đã bị tổn thương do tội nguyên tổ. Đức Kitô đã đến cứu chuộc chúng ta, chữa lành các vết thương tội lỗi. Tuy vậy, những khuynh hướng nghiêng về tội lỗi vẫn còn hoành hành nơi chúng ta, đòi hỏi sự cảnh giác và chiến đấu (GLCG 407).

Dù sao, vấn đề tranh luận “nhân chi sơ tính bản thiện”, hoặc “nhân chi sơ tính bản ác” không chỉ có tính cách lý thuyết nhưng mang nhiều hệ quả quan trọng đối với giáo dục tâm lý cũng như đối với luân lý. Từ chủ trương “nhân chi sơ tính bản thiện”, người ta có thể đi đến kết luận rằng ta có quyền sống thỏa mãn những gì bản năng thúc đẩy, không cần kìm hãm gò bó hay giáo dục gì hết. Trên thực tế, đây là chính sách mà nhiều chương trình truyền thông đại chúng đang theo đuổi. Dù sao, chúng ta đừng để rơi vào thái cực đối lập, khi nhìn thấy tội lỗi lảng vảng khắp mọi xó! Đôi khi một vài lối nói trong các tác phẩm đạo đức có thể gây hiểu lầm như vậy, chẳng hạn như khi muốn tập nhân đức khiêm nhường, người ta nhấn mạnh rằng bản tính con người là hư không, xấu xa, tội lỗi, đê tiện… Có lẽ họ quên rằng Thiên Chúa đã yêu thương ta, đã ban cho ta hiện hữu, đã ban cho ta nhiều hồng ân: nhờ ơn Chúa, trong ta cũng có nhiều cái hay cái đẹp. Điều này được áp dụng cho bản thân ta cũng như cho những người quanh ta. Nói khác đi, mỗi người chúng ta mang trong mình cả cái thiện lẫn cái ác. Tiếc rằng cái tốt cái xấu không nằm ở trong hai thửa vườn được phân tách bởi hàng rào dậu, nhưng nó trà trộn lẫn nhau, hay nói đúng hơn, nó tùy thuộc sự điều hành của ta: chúng ta có thể sử dụng sức lực cánh tay để giúp đỡ người tàn tật yếu đuối (một điều tốt) hoặc để đâm chém người khác (một điều xấu).

Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong bài thứ năm khi bàn đến việc thực hành các nhân đức.

C. Con người tự tại

Đọc kỹ các bản văn Kinh thánh, chúng ta nhận thấy các tác giả chịu ảnh hưởng bởi hai luồng tư tưởng khác nhau: tư tưởng Do thái và tư tưởng Hy lạp. Mỗi bên mang một quan niệm khác nhau về cấu trúc con người, vì thế mà đôi khi một danh từ được hiểu theo một nghĩa riêng tùy theo hệ thống văn hóa. Theo tư tưởng Do thái, con người là một toàn bộ duy nhất. Trong các tác phẩm Cựu ước viết bằng tiếng Do thái, ta gặp thấy các từ “khí, hồn, xác”: đó không phải là ba yếu tố cấu thành nên con người nhưng là ba chiều kích của con người. Theo tư tưởng Hy lạp, con người gồm bởi hai yếu tố tách biệt: hồn (psyche: anima) và xác (soma: corpus). Hồn thì linh thiêng (ta quen gọi là “linh hồn”); còn Xác (hay: thân xác, thân thể) là một yếu tố vật chất hữu hình.

1/ Con người gồm bởi hồn và xác. Giá trị của thân xác

Thánh Tôma theo quan điểm của Hy lạp, chủ trương con người gồm bởi linh hồn và thân xác. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là khi bàn về mối tương quan giữa hồn và xác, có sự khác biệt rất quan trọng giữa Platon và Aristote. Theo Platon, các linh hồn đã được dựng nên từ ngàn xưa trên thiên giới, và vì phạm tội cho nên bị đày đoạ xuống trần gian để đền tội. Do đó, linh hồn mong sớm được thoát ly khỏi thân xác để trở về thiên giới. Quan điểm này trái ngược với đạo lý Kitô giáo ở hai điểm. Một đàng, linh hồn được dựng nên vào lúc thành hình sự sống của mỗi cá thể, chứ không có chuyện tạo dựng hàng loạt trên thiên giới. Đàng khác, thân xác không phải là nhà tù giam giữ linh hồn, nhưng thân xác là thành phần cốt yếu của con người. Như đã nói trên, thánh Tôma không theo thuyết Platon, nhưng theo thuyết Aristote, chấp nhận giá trị của thân xác cũng như tầm quan trọng của thân xác đối với đời sống tinh thần và tâm linh.

Do đó, sống đời tâm linh không có nghĩa là hành hạ tiêu diệt thân xác, nhưng là tôn trọng thân xác của mình và của tha nhân (GLCG 364; 1004; 2288-2297), qua việc giữ gìn sức khỏe và giúp đỡ những nhu cầu thể chất của những người ốm đau bệnh tật (GLCG 2447). Dĩ nhiên, cần phải duy trì hệ trật các giá trị: thân xác phục vụ các giá trị tinh thần chứ không được phép trở thành ngẫu tượng. Dù sao, khi đọc các tác phẩm của các nhà tu đức học, chúng ta nên phân biệt những ý nghĩa khác nhau của “thân xác” ngõ hầu hiểu biết đúng đắn mối tương quan của thân xác đối với đời sống tâm linh:

a- Thân xác có thể hiểu theo nghĩa vật lý và y khoa. Theo nghĩa này, thân xác (thân thể) là thành phần của bản thân, và chúng ta có bổn phận bảo vệ giữ gìn, chăm sóc.

b- Thân xác có thể hiểu theo nghĩa tâm lý và luân lý. Thân xác là tổng thể những cơ năng giúp chúng ta tiếp xúc với ngoại giới và tha nhân. Nó có thể giúp cho đời sống tinh thần phát triển hoặc làm cho tinh thần trì trệ. Nhìn cách tích cực, thân xác có thể trở nên “đền thờ Thánh Linh”. Nhìn cách tiêu cực, nó có thể trở nên cội nguồn của tội lỗi, được đặt tên là “tội xác thịt”, hoặc “đam mê xác thịt”. Dù sao, cũng nên biết là chủ thể phạm tội không phải là thân xác, nhưng là ý chí. Trong điều kiện hiện tại, ý chí không lúc nào cũng làm chủ được các giác quan, cảm xúc. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng trong tương lai mai hậu, khi thân xác này được phục sinh thì nó sẽ biến đổi thành “thần khí” (1Cr 15,14). Điều này không có nghĩa là thân xác sẽ hóa thành “thiêng liêng”, nhưng là nó sẽ hoàn toàn dưới sự điều động của thần khí.

2/ Cảm xúc và đời sống tâm linh

Khi bàn về con người, thần học còn đề cập đến nhiều khía cạnh khác nữa, chẳng hạn như các quan năng (lý trí, ý chí, các giác quan, các cảm xúc) cũng như các đặc điểm cao quý của nhân phẩm (tự do, lương tâm), hoặc chiều kích xã hội của con người. Chúng ta sẽ trở lại với các đề tài này trong những bài kế tiếp. Ở đây, tôi chỉ muốn nêu bật của sự đóng góp quan trọng của thánh Tôma đối với việc phát triển nhân cách, đó là giá trị của các cảm xúc.

Các sách viết về đời sống tâm linh nói nhiều đến các “cảm xúc” (passiones), đôi khi cũng được dịch là: “ham muốn, dục vọng, đam mê”. Bên Đông phương, người ta nói đến “thất tình” (bảy mối tình): hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục (mừng, giận, đau đớn, sợ sệt, yêu, ghét, thèm muốn), và có khi thêm vào “lục dục” (sáu thèm muốn): danh, lợi, sắc, vị kỉ, ghen ghét, dối trá. Thần học kinh viện phân biệt 11 thứ “cảm xúc”[3], nghĩa là những phản ứng trước điều tốt hay điều xấu (lành / dữ). Tùy theo đối tượng là một điều tốt hay xấu bình thường hoặc cam go mà các cảm xúc được phân làm hai nhóm, được đặt tên là “tham dục” (appetitus concupiscibilis), và “nộ dục” (appetitus irascibilis).

a- Khi thấy cái gì tốt thì ta “yêu thích” (amor: ái), còn khi thấy cái gì xấu thì ta “ghét” (odium: ố). Nếu điều tốt chưa tới thì “ước muốn, thèm thuồng” (desiderium: dục), nếu đã tới rồi thì “vui thú” (gaudium: hỉ); ngược lại, nếu điều xấu chưa tới thì “trốn tránh” (fuga, abominatio: đào), nếu nó tới rồi thì “buồn” (tristitia: ai).

b- Khi điều tốt hay điều xấu mang tính cách cam go, thì lại phát sinh những cảm xúc khác. Đối với một điều tốt cam go trong tương lai mà có thể chiếm được thì ta “hy vọng” (spes: hy), còn nếu không chiếm được thì đâm ra “thất vọng” (desperatio: thất). Đối với một điều xấu cam go trong tương lai mà có thể vượt được thì ta dám “liều” (audacia: đảm), còn nếu không vượt được thì ta thấy “lo sợ” (timor: cụ). Nếu điều xấu cam go đã tới rồi thì ta đâm ra “tức giận” (ira: giận).

Trong lịch sử đời sống tâm linh Kitô giáo (và nhiều tôn giáo khác), không thiếu chủ trương phải “diệt dục”, dập tắt hết các đam mê cảm xúc. Không thiếu trường phái đề cao lý tưởng hoàn thiện như là “vô cảm” (apatheia), lãnh đạm dửng dưng. Thiết tưởng đó không phải là lý tưởng của Kitô giáo, bởi vì Tân ước không hề chủ trương bóp chẹt tình cảm mà còn đặt yêu thương làm cốt tủy của sự trọn lành (Rm 13,10). Chính Đức Giêsu cũng xuất hiện không như một con người lạnh như tiền, nhưng như là một con người chia sẻ mọi cảm xúc của con người: buồn khóc trước cái chết của ông bạn Ladarô (Ga 11,33-38), thương khóc cho số phận thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá vì không biết đón nhận ơn Chúa (Lc 19,4), hớn hở khi thấy các môn đệ thành công (Lc 10,21), xót thương cho bà góa mất người con một (Lc 7,13), hay đám đông lạc lõng không ai hướng dẫn (Mc 8,2; Mt 9,36), bồi hồi thổn thức trước đau khổ sắp xảy đến cho mình (Mt 26,38). Người cũng lấy dây làm roi để xua đuổi những kẻ buôn bán trong đền thờ (Ga 2,15). Người cũng nói tới niềm vui của Cha trên trời khi thấy tội nhân hóan cải, giống như mục tử tìm được chiên lạc hay bà góa tìm được đồng tiền bị mất (Lc 15). Đề tài “niềm vui” được thánh Luca nêu bật đặc biệt, bởi vì nó gắn với ơn cứu độ (Lc 4,18), một niềm vui cho nhân loại (Lc 1,28; 2,10), niềm vui bất chấp những gian truân thử thách (Ga 17,13). Một cách tương tự như vậy, thánh Phaolô cũng khuyến khích các tín hữu hãy “vui với người vui và khóc với người khóc” (Rm 12,15).

Dựa theo Kinh thánh, thánh Tôma Aquinô nói rằng cảm xúc tự nó không tốt cũng không xấu: nó tốt hay xấu là tùy theo nó hướng về đối tượng nào, và trong mức độ nào. Thực vậy, nếu thiếu sự thích thú say mê, thì ta sẽ nên ù lì bất động; nếu bóp nghẹt các cảm xúc thì con người chỉ là bức tượng đồng chứ đâu phải là người nữa! Không, đừng tiêu diệt cảm xúc, nhưng hãy điều khiển chúng theo trật tự của lý trí: nhân đức là như thế đó (I-II,q.24, a.3). Người đức hạnh không đồng nghĩa với người nhăn nhó ủ rũ! Không phải thế: người nào thực hành nhân đức thì sẽ cảm thấy “khoái”[4], bởi vì nhân đức mang lại cho ta niềm vui (ông thánh nào buồn là ông thánh đáng buồn). Nên nhắc lại là văn kiện của ĐTC Phanxico đều nhắc đến niềm vui: Evangelii gaudium, Amoris laetitia, Gaudete et exsultate.

Kết luận

Trong bài này, chúng ta bắt đầu nghiên cứu khía cạnh đầu tiên của linh đạo Tôma, nhìn dưới góc độ Thiên Chúa tạo dựng. Thiên Chúa tình yêu “ra khỏi” (exitus) chính mình để thông chia tình yêu cho loài thụ tạo, cách riêng là con người, và mời gọi con người chia sẻ hạnh phúc với Ngài. Đường nên thánh khởi đầu từ Thiên Chúa. Khi trình bày công trình tạo dựng, chúng ta có dịp nhận thấy thánh Tôma thu nhận triết học Aristote trong nhìn nhận giá trị của vũ trụ vật chất và của thân xác con người, nhưng không quên điều chỉnh dưới ánh sáng lịch sử cứu độ.

Trong những bài tới, chúng ta sẽ bổ túc với những chiều kích khác của linh đạo ấy, nhìn dưới tương quan với Đức Kitô và Thánh Linh, mở rộng thêm ơn gọi của con người là sự thiên hóa và tình liên đới xã hội.

——————————-

[1] Mieczyslaw Albert Krapiec, O.P., Hướng tới một nền nhân học toàn vẹn, TSTH 67 (tháng 2/2015), trang 54-84.

[2] Thánh Tôma bàn các tình trạng của con người ở ST I-II, q. 109, a.3 và a.9: status naturae integrae, corruptae, sanatae, status gloriae.

[3] Thánh Tôma Aquinô bàn đến các passionesSumma Theologica, I-II, qq.22-48. Danh từ passio có thể hiểu theo ba nghĩa: 1/ thụ động, đối lại với chủ động (actio / passio); 2/ đau khổ, (động từ patior), cách riêng khi nói về các đau khổ của đức Giêsu (thương khó, tử nạn) hoặc của các thánh tử đạo; 3/ cảm xúc, bởi tiếng hy lạp pathos. Thiết tưởng có thể dịch là “cảm xúc, thụ cảm”. Tên của 11 cảm xúc dịch ra tiếng Anh là: love, hatred. desire, aversion, joy, sadness; hope, despair, courage, fear, anger.

[4] “Quanto delectabilius operatur propter virtutis, tanto actus eius est delectabilior et magis meritorius” (Sent. III d.23 q.1 a.1 ad 4). Xem thêm I-II, q.59: De comparatione virtutis moralis ad passionem.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here