Tĩnh Tâm Là Gì?

0
14535


 

Tĩnh Tâm Là Gì?

 

Mỗi năm vào kỳ hè, nhiều cuộc tĩnh tâm được tổ chức cho các linh mục tu sĩ. Tĩnh tâm là gì? Nguồn gốc của nó từ đâu?

Thực ra nếu nói rằng các linh mục và tu sĩ đi tĩnh tâm vào kỳ hè thì không đúng hoàn toàn, bởi vì một đàng giáo luật còn buộc các giáo sĩ và tu sĩ tĩnh tâm vào các dịp khác nữa; đàng khác, càng ngày bên Âu châu người ta thấy nhiều cuộc tĩnh tâm cũng được tổ chức cho các giáo dân nữa. Trước khi đi vào đề, thiết tưởng nên ghi nhận về từ ngữ. Tại Việt Nam, bên cạnh từ “tĩnh tâm” tương đối mới, còn có từ “cấm phòng”. Theo tôi nghĩ, “tĩnh tâm” muốn nói đến mục tiêu, nghĩa là giúp cho cái tâm được yên tĩnh; “cấm phòng” thì nói đến phương tiện, nghĩa là giam mình ở trong phòng, không đi lại, không tiếp xúc. Tuy nhiên, có lẽ cả hai vẫn chưa diễn tả hết ý nghĩa của nó: cấm phòng để giúp cho cái tâm được tĩnh; nhưng thử hỏi: tâm tĩnh để làm gì? “Tĩnh tâm” khác với “thư giãn” như thế nào? Dĩ nhiên, cần phải đi xa hơn nữa: tĩnh tâm để mà lắng nghe tiếng Chúa.

Có khi người ta còn gọi “tĩnh tâm” là “linh thao”, phải không?

Đúng thế. Tuy nhiều người coi hai từ ngữ như đồng nghĩa, nhưng xét về lịch sử cũng như về thực chất thì không phải như vậy. Dù sao, những từ ngữ vừa nói trên đây hầu như được chế tạo để dịch các từ ở trong tiếng La-tinh hay tiếng Pháp; vì thế tốt hơn là chúng ta hãy trở về với nguyên gốc của nó để khám phá ra ý nghĩa nguyên thủy. “Tĩnh tâm” dịch từ tiếng Pháp “récollection” có nghĩa hồi tâm lại để suy nghĩ cầu nguyện; “cấm phòng” dịch từ “retraite”, có nghĩa là: rút lui, lùi lại. “Linh thao” dịch từ “exercises spirituelles”, có nghĩa là: những sự thao luyện (luyện tập) về tinh thần. Xét về nội dung, thì cả ba đều có một mẫu số chung, đó là tìm về một nơi an tĩnh hoặc dành một thời kỳ thinh lặng để suy nghĩ cầu nguyện. Nhưng xét về hình thức và phương pháp, thì mỗi từ nêu bật một khía cạnh đặc thù.

Giữa ba từ ngữ, chỉ có sự khác biệt về hình thức hay là cả về thời gian nữa?

Nói cách chung chung, thì giữa ba từ ngữ có sự khác biệt về hình thức; nhưng khi đi sâu vào nội dung của mỗi từ ngữ thì chúng ta lại thấy rằng chúng thay đổi ý nghĩa trải qua dòng thời gian. Tôi xin bắt đầu giải thích từ mẫu số chung, rồi sau đó sẽ qua các hình thái riêng. Tại nhiều nền văn hóa và tôn giáo, chúng ta nhận thấy có một khuynh hướng “tĩnh tâm”, nghĩa là rút lui vào nơi an tĩnh, để thư giãn, nghỉ ngơi, và nhất là suy nghĩ trước khi phải quyết định điều gì quan trọng cho bản thân hay cho cộng đồng. Cách riêng, đối với Kitô giáo, chúng ta thấy Đức Giêsu trước khi bắt đầu sứ vụ công khai, đã rút lui vào sa mạc 40 ngày để cầu nguyện; và thỉnh thoảng, trong thời gian hoạt động, Người rút vào nơi cô tịch, không những tách xa khỏi quần chúng mà xa cách cả các môn đệ nữa. Vào lúc khai sinh Hội thánh, chúng ta thấy Đức Maria cùng với 120 môn đệ họp nhau cầu nguyện 10 ngày tại nhà Tiệc ly để chuẩn bị lãnh nhận Chúa Thánh Thần; đối với các tông đồ, đây là sự chuẩn bị để bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng. Thánh Phaolô cũng thuật lại rằng sau khi được kêu gọi, người rút lui vào sa mạc Ả-rập (Gl 1,17) không rõ là bao lâu. Những mẫu gương đó là thúc đẩy một số tín hữu không những chỉ dành một vài thời gian tĩnh tâm mà còn rút lui hoàn toàn khỏi mọi hoạt động trần thế, vào định cư luôn ở trong sa mạc (nơi cô tịch) để gặp gỡ Chúa. Người ta gọi là các nhà ẩn sĩ và nói chung là các đan sĩ, những người chỉ sống một mình với Chúa.

Như vậy, thời xưa, việc tĩnh tâm chỉ dành riêng cho các đan sĩ mà thôi hay sao?

Không phải vậy. Từ thế kỷ III, có những chứng tích cho thấy rằng các dự tòng phải trải qua thời kỳ tĩnh tâm để dọn mình lĩnh bí tích rửa tội. Thời gian này dài ngắn tùy nơi: có nơi 6 tuần có nơi 8 tuần. Đó là nguồn gốc của mùa Chay trong năm phụng vụ. Ngày nay, chúng ta quan niệm mùa chay là mùa khổ chế đền tội; nhưng hồi nguyên thủy, mùa Chay (nguyên ngữ La-tinh quadragesima có nghĩa là 40 ngày) được thiết lập cho các dự tòng tập trung tinh thần vào việc lãnh nhận bí tích khai tâm. Dĩ nhiên là họ không thể rút vào sa mạc được, bởi vì họ còn bận bịu bởi công ăn việc làm. Nhưng họ sẽ cố gắng dành thời giờ để cầu nguyện, học hỏi đạo lý. Dần dần, vào dịp mùa Chay, cộng đoàn tín hữu cũng được mời gọi tham dự các buổi tĩnh tâm với các dự tòng.

Ngay từ thời các giáo phụ, ta thấy còn có những cơ hội khác mà những cuộc tĩnh tâm được tổ chức cho cộng đoàn tín hữu, chẳng hạn như nhằm chuẩn bị mừng một lễ trọng nào đó, mà vết tích còn lưu lại đến nay nơi các tuần tam nhật hay cửu nhật. Cũng trong chiều hướng này, nhiều cuộc tĩnh tâm (theo nghĩa là tăng gia khổ chế cầu nguyện) được tổ chức để xin ơn đặc biệt nào đó, hoặc trước khi lãnh nhận một nhiệm vụ nào. Không rõ thời xưa, có bao nhiêu đôi hôn nhân tĩnh tâm trước khi làm lễ cưới, nhưng chắc chắn là nhiều giám mục đã tĩnh tâm trước khi nhậm chức, và các thỉnh sinh trước khi gia nhập đan viện.

Như vậy, thời kỳ tĩnh tâm hay cấm phòng được dành để suy nghĩ cầu nguyện. Thế còn linh thao là cái gì?

Như đã nói trên “Linh thao” dịch từ tiếng La-tinh exercitia spiritualia, có nghĩa là: những sự thực tập (thao luyện, tập dượt) về tinh thần. Thực ra từ ngữ này thay đổi ý nghĩa khá nhiều trải qua dòng thời gian. Thời xưa, nó bao hàm tất cả các việc khổ chế tu đức. Cũng như các lực sĩ (vận động viên) phải thao luyện thân xác mỗi ngày thế nào, thì trong đường thiêng liêng, các tín hữu (cách riêng là các đan sĩ) cũng cần phải thao luyện. Sự thao luyện này bao gồm cả một nếp sống: từ kỷ luật về việc ăn uống ngủ nghỉ, cho tới việc thực tập các nhân đức và diệt trừ các nết xấu. Kể cả việc cầu nguyện cũng được coi như một “linh thao” (thao luyện tinh thần). Thế nhưng từ “linh thao” thay đổi ý nghĩa kể từ thánh Inhaxiô Loyola. Inhaxiô vốn là một thanh niên đang nuôi mộng theo đuổi công danh sự nghiệp thì được Chúa gọi vào lúc 20 tuổi. Cũng như thánh Phaolô, anh Inhaxiô rút vào nơi cô tịch để cầu nguyện, cụ thể là Manresa gần đan viện Biển đức tại Monserrat. Mới đầu anh chỉ muốn dừng chân lại vài ngày, nhưng không ngờ anh lưu lại gần một năm. Trong thời gian đó, anh đã nhận được nhiều cảm nghiệm tâm linh, và anh ghi lại trong quyển sách tựa đề làLinh thao. Trên thực tế, linh thao có một bố cục tổ chức đặc thù, chú trọng tới việc suy gẫm và công tác khổ hạnh trong vòng 4 tuần lễ (có thể kéo dài tới 40 ngày), trong đó người tín hữu tìm hiểu ý Chúa khi phải quyết định một chặng đường đời, phân định ý Chúa dưới sự hướng dẫn của một vị linh hướng. Thánh Inhaxiô đã chia sẻ phương pháp này không những với các anh em cùng chí hướng, nhưng dần dần còn tổ chức những cuộc tĩnh tâm cho các giáo sĩ, các sinh viên, đến nỗi nói được trở thành một hình thức hoạt động của Dòng Tên do người sáng lập.

Như vậy, có phải tĩnh tâm khác linh thao theo thời gian: tĩnh tâm thì ngắn hạn, linh thao thì dài hạn, phải không?

Có thể coi thời hạn như là một tiêu chuẩn phân biệt hai hình thức, nhưng tiêu chuẩn này không tuyệt đối, bởi vì thánh Inhaxiô cũng đã trù liệu những thời hạn linh thao ngắn ngủi kể cả trong vòng 2-3 ngày. Tuy nhiên, thường thì người ta phân biệt tĩnh tâm với linh thao theo cấp độ “cấm phòng”, nghĩa là rút lui vào nơi cô tịch, tách rời khỏi công tác thường nhật; và dĩ nhiên hiểu ngậm là thinh lặng tuyệt đối. Thường các cha Dòng Tên thiết lập các trung tâm (hay cơ sở) dành riêng cho linh thao. Còn “tĩnh tâm” thì được hiểu nghĩa rộng hơn, chẳng hạn như các cuộc tĩnh tâm tổ chức tại các giáo xứ nhân kỳ đại phúc (đặt nặng vào bài giảng, và bí tích giải tội), hoặc các cuộc tĩnh tâm dành cho các thiếu nhi chuẩn bị rước lễ lần đầu hay lãnh bí tích thêm sức, vv.

Việc tĩnh tâm là chuyện nhiệm ý tùy theo nhu cầu của mỗi người, hay là một nghĩa vụ bó buộc?

Trong giáo luật hiện hành, việc tĩnh tâm là điều bó buộc đối với các giáo sĩ và tu sĩ; còn đối với các giáo dân thì nhiệm ý. Nói cho đúng, trong phạm vi tinh thần, luật pháp có một phạm vi áp dụng rất hạn chế. Lẽ ra, việc tĩnh tâm nên để nhiệm ý thì mới phải: nghĩa là để tùy theo mỗi người, khi cần thấy nhu cầu phải rút lui vào nơi thinh lặng thì tìm cách cấm phòng hay tĩnh tâm. Đây là một trào lưu đang phát triển tại Âu Mỹ hiện nay. Trước cuộc sống xô bồ hiện nay, nhiều giáo dân (hoặc một mình hay đôi vợ chồng) tìm về những trung tâm tĩnh tâm vào dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ hè để nghỉ ngơi cả tinh thần cũng như thể xác. Tuy nhiên, Giáo hội thấy rằng các giáo sĩ và tu sĩ cần thời gian tĩnh tâm để kiểm điểm và thăng tiến hơn trong ơn gọi của mình, vì thế mà đã đặt ra nghĩa vụ cho các giáo sĩ và các tu sĩ phải tĩnh tâm hằng năm (xem giáo luật điều 277 số 4, và điều 663 khoản 5). Tuy nhiên, khi điều gì mà bó buộc thì tự nhiên cảm thấy nặng nề. Đó là tâm lý tự nhiên: chắc là ai cũng thích đi ăn ở nhà hàng, nhưng nếu có luật buộc phải đi ăn nhà hàng thì sự thích thú coi như giảm bớt 50%. Cảm giác này trở nên nặng nề khi mình chưa thấy đói! Vì thế không lạ gì mà nhiều người tuân hành luật lệ cách miễn cưỡng, chiếu lệ. Các buổi tĩnh tâm trở thành những cuộc gặp gỡ chuyện trò sau một năm xa cách, hơn là một thời kỳ thinh lặng để kiểm điểm, lắng nghe, cầu nguyện. Dù sao, nhân nói đến nghĩa vụ giáo luật, cũng cần thêm điều 1039 đòi hỏi các ứng sinh sắp lãnh chức thánh phải tĩnh tâm ít là 5 ngày. Nên biết là những luật này mới ra đời từ thế kỷ XVII, lúc đầu áp dụng tại Rôma và Italia, rồi sau đó mở rộng đến toàn Giáo hội. Một cách tương tự như vậy, hiến pháp nhiều dòng tu cũng đòi hỏi tĩnh tâm trước khi vào tập viện hay khấn dòng. Ngoài ra còn có những cuộc tĩnh tâm hàng tháng (kéo dài nửa ngày hoặc một ngày) để hồi tâm và kiểm điểm việc thực thi những gì đã dốc quyết trong kỳ tĩnh tâm thường niên.