Tình huynh đệ Kitô giáo

0
2800

Phan Tấn Thành

Thông điệp “Fratelli tutti” của Đức thánh cha Phanxicô đề cập đến tình huynh đệ phổ quát. Trong lịch sử nhân loại đã có nhiều quan niệm khác nhau về tình huynh đệ. Bài này muốn trình bày về tình huynh đệ Kitô giáo dựa theo Kinh thánh và Truyền thống Giáo hội. Có gì khác biệt giữa tình huynh đệ với đức bác ái không? Phải chăng tình huynh đệ chỉ dành riêng cho các phần tử trong Giáo hội? Trong một bài khác, chúng tôi sẽ có dịp đối chiếu với những quan niệm ngoài Kitô giáo về tình huynh đệ. Đề tài này rất thích hợp với mùa Giáng sinh, khi Đức Kitô mặc khải Thiên Chúa là Cha chúng ta, và nhận chúng ta là em của Người.

 ————————-

Nhập đề

I. Kinh thánh

A. Cựu ước

1/ Người anh em.

2/ Nền tảng của tình huynh đệ.

3/ Mặt trái và mặt phải của các anh em.

4/ Niềm hy vọng

B. Tân ước

1/ Anh em theo nghĩa đen.

2/ Anh em theo nghĩa bóng.

3/ Tình huynh đệ và Huynh đoàn.

4/ Nền tảng của tình huynh đệ

II. Lịch sử Giáo hội

1/ Thời các giáo phụ.

2/ Các dòng tu.

3/ Huấn quyền cận đại

—————

Ngày 3 tháng 10 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành thông điệp Fratelli tutti Phanxico “về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội”. Chúng tôi muốn lợi dụng cơ hội này để học hỏi về tình huynh đệ, gồm 3 phần. Trước hết, chúng ta tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của tình huynh đệ trong lịch sử Kitô giáo. Kế đó (phần 2), chúng tôi sẽ điểm qua những quan niệm ngoài Kitô giáo về tình huynh đệ. Sau cùng, (phần 3), chúng ta sẽ khảo sát tư tưởng của đức thánh cha Phanxico về tình huynh đệ, kể từ khi bắt đầu nhiệm vụ lãnh đạo Giáo hội cho đến thông điệp Fratelli tutti.

Dĩ nhiên, chúng ta có thể bắt đầu từ khái niệm về tình huynh đệ trong các nền văn hóa và triết học cổ điển nhờ vậy sẽ dễ nhận ra điểm mới mẻ của Kitô giáo. Tuy vậy, chúng tôi muốn khởi đầu với Kinh thánh (chắc chắn các tác giả Do thái Cựu ước chịu ảnh hưởng của văn hóa Cận đồng, và các tác giả Tân ước chịu ảnh hưởng của tư tưởng Hy lạp và Roma), nhằm cho thấy ảnh hưởng của tư tưởng Kitô giáo đối với nhiều luồng triết học cận đại, đôi khi tự xưng là vô thần. Ước mong rằng nhận xét này sẽ trở thành thách đố cho Giáo hội, chứ không chỉ là đầu đề cho cuộc bút chiến.

Trước khi vào đề, thiết tưởng nên có đôi lời về từ ngữ. Khi vừa nghe thông báo tựa đề của thông điệp Fratelli tutti, một phản ứng tiêu cực đầu tiên đã nổi lên từ phía các phong trào nữ quyền, bởi vì xem ra các phụ nữ đã bị gạt ra bên lề! Nhưng không biết có mấy ai nghĩ rằng nếu chuyển dịch sang tiếng Việt, các khó khăn sẽ còn tăng lên gấp bội. Trong các ngôn ngữ châu Âu, một danh từ frater (tiếng Latinh, frère tiếng Pháp, brother tiếng Anh, fratello tiếng Ý, hermano tiếng Tây-ban-nha) có nghĩa là “anh” và “em”: cả hai đều ngang hàng; nhưng trong tiếng Việt, giữa “anh” và “em” có một hệ trật trên dưới, vì thế được gọi bằng hai danh từ khác nhau.

Ngoài ra, frater là danh từ cụ thể, còn fraternitas là danh từ trừu tượng. Fraternitas vừa  có thể hiểu là “tình anh em” (tình nghĩa huynh đệ) hoặc “cộng đoàn huynh đệ” (hoặc huynh đoàn, một tổ chức có cơ cấu). Trong vài  ngôn ngữ Âu châu, danh từ này được dịch thành hai từ ngữ khác nhau, chẳng hạn như: fraternity / brotherhood, tiếng Anh, fraternidad / hermandad tiếng Tây-ban-nha, fratellanza/ fraternità trong tiếng Ý.

Một nhận xét nữa khá thú vị là trong tiếng Việt, “anh em” có thể hiểu về anh em ruột (cùng cha cùng mẹ) hoặc anh em họ (cùng gốc tổ). Trong ngôn ngữ Âu châu, “anh em” theo nghĩa đen chỉ áp dụng cho anh em ruột; để gọi các anh em họ hàng thì có một danh từ khác (cousin tiếng Pháp và Anh;  cugino trong tiếng Ý, primo trong tiếng Tây-ban-nha). Điều này gây khó khăn khi giải thích thuật ngữ “các anh em của Chúa Giêsu” trong các sách Tin mừng. Dĩ nhiên, nếu hiểu theo nghĩa bóng, anh em có thể mở rộng cho những người thuộc một dân tộc (cùng một tổ tiên), hay một tổ chức hay băng đảng (đại huynh, đại ca).

Trong bài này, những gì được viết về “anh em” cũng có thể áp dụng cho “chị em”, trừ khi mạch văn đã quá rõ, chẳng hạn như khi nói Đức Giêsu là trưởng nam của một đàn em đông đúc (Rm 8,29), thì không thể nào chuyển thành người Chị cả.

PHẦN THỨ NHẤT. TÌNH HUYNH ĐỆ KITÔ GIÁO

I. Kinh thánh

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu Cựu ước và Tân ước

A. Cựu ước

Hai câu hỏi được đặt lên: Ai là người anh em? Tình huynh đệ dựa trên nền tảng nào?

1/ Người anh em

Cũng tương tự như bên Việt Nam, trong tiếng Do thái,  ‘ha rea ám chỉ người anh em ruột (thí dụ St 4,2), ít là cùng cha khác mẹ, trong một xã hội chấp nhận chế độ đa thê,  hoặc  anh em họ (thí dụ St 13,8; Lv 10,4), hoặc người cùng một bộ tộc  (2 Sm 19, 13). Ngoài mối dây liên kết do huyết nhục, đôi khi người Do thái còn mở rộng mối liên kết huynh đệ đến người bạn (St 29,4), người đồng bào (thí dụ Lv 19,17-18; Đnl 15,2.12)[1].

2/ Nền tảng của tình huynh đệ

Dù sao tình huynh đệ không thuần túy dựa trên tình cảm tự nhiên (cùng một dòng tộc, cùng tổ tiên) nhưng là trên một nền tảng tôn giáo. Người Do thái ý thức rằng họ là một dân tộc bởi vì đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Sự tuyển chọn này đã diễn ra từ đời ông Abraham (người được nhận là tổ phụ (x. Ga 8,33-42. 53.56).

Ý thức của sự “thuộc về” này phát sinh ra sự phân biệt giữa những người “nội” (ở trong) và “ngoại” (ở ngoài).  Các anh em được hiểu về “phía nội”: cần phải yêu thương giúp đỡ họ. Còn đối với “phía ngoại” (Đnl 1,16;15, 2) có những quy định khác.

3/ Mặt trái và mặt phải của tình anh em

Trong tiềm thức của nhiều dân tộc, vốn có một khuynh hướng mở rộng tình anh em, vượt lên trên tình nghĩa ruột thịt. Nhưng ngược lại, điều khá hiển nhiên là không phải lúc nào các anh em ruột thịt đều yêu thương nhau.

Những trang đầu của Sách Sáng thế đã ghi lại sự hiềm thù giữa hai anh em Cain và Abel, sự thù địch sinh bởi lòng ghen tương và dẫn đến sự tàn sát (St 4,9). Kinh thánh ghi lại nhiều xích mích oán thù giữa các anh em, chẳng hạn như giữa Esau và Giacob (St 25), giữa các anh với người em là Giuse, đó là chưa kể những ghen tị giữa các anh chị em của ông Mosê (Ds 12). Rồi còn phải nói gì đến cảnh phân chia dân tộc thành hai nước Israel (Bắc) và Giuđa (Nam), lôi kéo theo biết bao cảnh tương tàn (x.1V 12,24; Is 7,1-9)?

Thế nhưng có lẽ chính trong bối cảnh ấy mà nảy sinh những lời khuyên răn hãy biết yêu thương người anh em, xóa bỏ sự căm giận: “Ngươi không được ghét người anh em … hãy yêu thương người thân cận” (Lv 19,17t). Không rõ ở đây phải hiểu người anh em theo nghĩa chặt hay nghĩa rộng. Nhưng ta thấy một dấu chỉ cụ thể của tình anh em được diễn tả nơi luật “anh em chồng” (levirato): nếu một người chết mà không có con thì người em phải lấy chị dâu để sinh con nối dõi cho anh mình” (Đnl 25, 5-10; St 38, 8. 26).

Không lạ gì mà khi đọc các ngôn sứ, ta vừa thấy những đoạn văn ca thán về cảnh huynh đê tương tàn, nhưng cũng có những đoạn văn ca ngợi tình huynh đệ. Thật vậy, có lúc ngôn sứ đau buồn vì chẳng còn tình yêu huynh đệ gì nữa (Hs 4, 2), anh em chẳng còn biết xót thương nhau (Is 9, 18 tt);  ngôn sứ Gieremia bị các anh em bạc đãi (Gr 11,18; 12, 6;x. Tv Sal 69,9; G 6,15). Mặt khác, tuy biết rằng nếu không có gì khổ cho bằng bị anh em bỏ rơi (Cn 19,7; G 19, 13), nhưng người anh em thật tình thì vẫn yêu thương cả khi gặp nghịch cảnh (Cn 17, 17): anh em mà gắn bó với nhau thì còn mạnh hơn thành lũy (Cn 18,19 LXX). “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1). Không thiếu  mẫu gương tích cực của tình huynh đệ ngay từ thời xưa: ông Giacob làm hòa với anh Esau (St 33,4); ông Giuse cũng tha thứ cho các anh của mình, vì nhận ra bàn tay Chúa quan phòng (St 45, 1-8).

4/ Niềm hy vọng

Sự thống nhất giữa hai nước Bắc và Nam, sự hòa giải giữa các dân tộc trên thế giới là một ước mơ, nhưng cũng là một niềm hy vọng mà các ngôn sứ muốn gợi lên trong lòng dân tộc. Điều ấy sẽ xảy đến khi Thiên Chúa cử Đấng Mesia đến: Người sẽ quy tụ tất cả nhà Giacob (Mk 2,12); cả hai nước sẽ trở thành một vương quốc (Ed 37,22). Hơn thế nữa, mọi quốc gia sẽ được hòa giải, và gặp được hòa bình và hợp nhất (Is 2,1-4; 66, 18 ss).

B. Tân ước

Trước hết, nên ghi nhận việc sử dụng từ ngữ. Trong tiếng Hy lạp, có danh từ adelphos để ám chỉ anh em ruột, và anepsios đế ám chỉ anh em họ. Từ lâu, một cuộc tranh luận đã nảy lên liên quan đến các “anh em” (adelphos) của Chúa Giêsu (Mc 6,13; Mt 13,15; Lc 8,9-20; Ga 2,21; Cv 1,14). Nói chung, có ba cách trả lời: (a) Bên Tin Lành cho rằng đây là những người em ruột của Đức Giêsu, do bà Maria sinh ra cách tự nhiên với ông Giuse. (b) Các Giáo hội Chính Thống cho rằng họ là những anh cùng cha khác mẹ với Đức Giêsu (nghĩa là sinh ra bởi cuộc hôn nhân trước đây của ông Giuse với bà vợ khác). (c) Truyền thống Công giáo cho rằng ở đây các anh em được hiểu về anh em họ theo tục lệ Do thái[2].

Danh từ adelphos có khi được hiểu theo nghĩa chặt về anh em ruột thịt, có khi được hiểu về  tình huynh đệ thiêng liêng. Hiểu theo nghĩa thiêng liêng, đôi khi từ adelphos cũng được dùng đồng nghĩa với plesion (proximus: thân cận)[3]. Ngoài ra, Tân ước còn sử dụng nhiều từ ngữ cùng gốc với adelphos, tựa như:  adelphotes (fraternitas: tình huynh đệ, huynh đoàn), philadelphia (tình yêu anh em: Rm 12,10; 1Tx 4,49; Hr 13,11, 1Pr 1,22; 2 Pr 1,17), cũng như tính từ philadelphos (amor fraternus: yêu anh em, 1 lần ở 1Pr 3,8). Những từ này được hiểu theo nghĩa thiêng liêng.

Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của: 1/ Anh em (frater) theo nghĩa đen. 2/Anh em theo nghĩa bóng. 3/ Tình huynh đệ (fraternitas), cách riêng theo nghĩa là cộng đoàn huynh đệ. 4/ Nền tảng của tình huynh đệ Kitô giáo

1/ Anh em theo nghĩa đen

Nghĩa này đã quá quen thuộc, nhưng có thể gợi lên những ý tưởng tích cực hoặc tiêu cực. Trong số các môn đệ đi theo Chúa Giêsu, có những anh em ruột như Phêrô và Anrê (Mc 1,16; Mt 10,2), Giacobê và Gioan (Mc 1,19; 3,17; 10,35; Mt 17,1) ), và Chúa Giêsu cũng  thân quen với các chị em bà Marta và Maria (Lc 10,39; Ga 11,11) cùng với người em là Ladarô. Trong các bài giảng Chúa,  chúng ta thấy nhắc đến nhiều đố kị xảy ra giữa các anh em, chẳng hạn như hai người anh em trong  dụ ngôn về người con hoang đàng (Lc 15,11-32), hoặc hai người anh em được gọi đi làm việc vườn nho (Mt 21,28-31), hoặc các anh em sẽ làm khổ cho nhau do việc tuyên xưng Đức Kitô (Mt 10,21; Mc 1,12). Ngoài ra, trong vấn nạn nêu lên do một người thuộc nhóm Sađôc, chúng ta có dịp gặp lại  định chế levirato của người Do thái, theo đó nếu người anh qua đời mà không có con thì các người em có bổn phận phải lấy chị dâu để sinh người kế dõi (Mt 22,24-28 ; Mc 12,19-23 ; Lc 20,28-33).

2/ Anh em theo nghĩa bóng

Trong Tân ước, chúng ta gặp thấy nhiều quan niệm khác nhau về các anh em theo nghĩa bóng: Anh em là những người môn đệ của Chúa (Mt 23,8; Cv 1,15; 1 Co 15,6; Pl 4,1; Hr 2,12; vv), hoặc là người gắn bó với Đức Kitô nhờ việc lắng nghe lời Chúa (Mt 12,46-50; Lc 8,19-21). Anh em cũng có thể là tha nhân mà ta phải yêu thương (Mt 5,22-24; 1Ga 2,9-10; 3,10-17; 4,20), hoặc là kẻ xúc phạm mà ta phải tha thứ (Mt 18,15-22), là kẻ ta không nên xét đoán mà chỉ nên giúp đỡ (Mt 7,1-5; Rm 14,10-13).

Khi đi vào chi tiết, các nhà chú giải cố gắng nếu bật những nhóm bản văn khác nhau liên quan đến “anh em” dựa theo mỗi tác giả Tân ước.

a) Tin mừng Matthêu nhiều lần sử dụng danh từ “anh em” trong các bài giảng của Đức Giêsu: bài giảng trên núi (5,22-­24.47; 7,3-5); bài giảng về cộng đoàn (18,15); bài giảng cánh chung (23,8; 25,40), theo nghĩa quen thuộc với người Do thái, đó là những người thuộc về cộng đồng tôn giáo, mà ta có nghĩa vụ phải yêu thương giúp đỡ, dựa theo Lv 19,17-19. (Dưới khía cạnh này, nói được là “anh em” đồng nghĩa với “thân cận”). Dù sao, chúng ta cũng đừng quên rằng trọng tâm của bài giảng này nêu bật khá nhiều bổn phận luân lý, chẳng hạn như yêu thương, hòa giải (Mt 5,23-24), tha thứ (Mt 18,15-17). Cách riêng, trong bài giảng cánh chung, Chúa Giêsu coi những người nhỏ bé, vô danh, túng thiếu như là anh em của Người (tuy họ không nhất thiết là các tín hữu), vì thế Người mở ra những chân trời mới cho sự quan tâm đến các nhu cầu của tất cả mọi người.

b) Ở cấp thứ hai, “anh em” được hiểu theo một nghĩa hẹp hơn, ám chỉ các môn đệ của Đức Giêsu. “Anh em” ám chỉ người tín hữu, nghĩa là người “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (Mc 3,35), “người lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Matthêu (12,50) cũng hiểu anh em theo nghĩa ấy. Nghĩa này có lẽ đã được áp dụng cho các môn đệ được Đức Giêsu kêu gọi đi theo mình (khác với các đám đông cũng đi theo Người), nhưng đặc biệt được hiểu về những người tin vào lời giảng của Đức Giêsu. Hơn thế nữa, mối dây thân thuộc không chỉ phát sinh giữa các học trò với thầy dạy, nhưng còn lên cao hơn, bởi vì đức tin dẫn họ qua Đức Kitô lên đến Chúa Cha: “Các con không được gọi ai là thầy, bởi vì các con chỉ có một thầy và tất cả các con là anh em với nhau” (Mt 23,8). Họ được chia sẻ vào tình con của Đức Giêsu đối với Thiên Chúa là abba.

c) Lên cao hơn nữa, mối tình huynh đệ được xây dựng trên đức tin, đặc biệt là sau khi Đức Kitô phục sinh, quen hiểu về cộng đoàn Hội thánh. Trong các trình thuật về cuộc phục sinh, thánh Gioan nói đến các “anh em” theo nghĩa ấy (20,17; 21,23). Luca (22,32) ghi lại một nhiệm vụ đặc biệt mà Đức Giêsu trao cho ông Phêrô, đó là củng cố các anh em trong đức tin. Như vậy, cộng đoàn anh em được xây dựng trên nền tảng đức tin vào Đức Kitô tử nạn và phục sinh. Thiết tưởng, ở điểm này, “tin” không chỉ là một hành vi của lý trí và ý chí, nhưng còn kèm theo một cuộc dấn thân, chia sẻ vào cái chết của Đức Kitô. Cũng giống như Người đã chết cho các anh em (Hr 2,12.17), các Kitô hữu cũng phải trải qua một cái chết tinh thần, để có khả năng vươn lên trên tình cốt nhục và ôm ấp tình huynh đệ với tất cả mọi người.

Trong các thư của thánh Phaolô, hầu hết các lần xuất hiện (133 lần trong tổng số 343 lần của Tân ước), danh từ “anh em”  được hiểu theo nghĩa tinh thần[4], tức là các phần tử của “Hội thánh của Thiên Chúa”. Nền tảng của mối dây huynh đệ này là ý định của Thiên Chúa muốn cho các tín hữu trở nên đồng hình đồng dạng với đức Kitô, trưởng tử của một đàn em (Rm 8,29), do sự phục sinh từ cõi chết. Như vậy tư tưởng của thánh Phaolô cũng trùng với các tác giả khác của Tân ước (Mt 28,10; Ga 20,17; Hr 2,11-12).

Một nhận xét thú vị là Đức Kitô được gọi là “trưởng tử của một đàn em”, nhưng Tân ước không bao giờ gọi “anh Giêsu”. Dù sao, “anh em” không chỉ là một tước hiệu danh dự nhưng còn hàm ngụ một yêu sách. Đức Kitô đã ban cho chúng ta quyền được trở nên các em của mình, ngõ hầu nhờ Người chúng ta được trở nên con cái của Chúa Cha. Điều này đòi hỏi chúng ta phải trở nên giống như “người anh cả” là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), nhờ vậy kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa được thành tựu (St 1,16): làm cho nhân loại trở nên một gia đình mới.

3/ Tình huynh đệ và cộng đoàn huynh đệ

Trên đây chúng ta đã tìm hiểu ý nghĩa của danh từ cụ thể “người anh em” (adelphos / frater). Bây giờ chúng ta bước sang danh từ trừu tượng “tình huynh đệ”. Như đã nói trên đây, fraternitas trong tiếng Latinh có thể dịch là “tình huynh đệ” hay “huynh đoàn”, nghĩa là một tâm tình hay một định chế xã hội, nhưng nguyên bản Hy-lạp của Tân ước sử dụng hai từ khác nhau, philadelphia và adelphotès. Philadelphia dùng để ám chỉ tình huynh đệ (chẳng hạn 1Tx 4,9; Rm 12,10 ; Hr 13,1; 1Pr 1,22; 2Pr 1,7) và tính từ philadelphos ở 1Pr 13,8, còn adelphotes dùng để gọi cộng đoàn Kitô hữu. Từ này xuất hiện hai lần ở  thư thứ nhất của thánh Phero (1Pr 2,17; 5,9) và kéo dài sang thời các giáo phụ)[5]. Nói cách khác, adelphotes ám chỉ cộng đoàn Giáo hội.Trong hai đoạn văn vừa kê, tác giả không sử dụng từ ekklesia vốn đã lưu hành trong xã hội[6].

Chúng ta hãy đi vào nội dung bản văn.

a. 1Pr 2,17: “Hãy yêu mến fraternitas[7].

Tác giả đang mô tả đời sống khó khăn của các tín hữu ở giữa trần thế, cách riêng đối với nhà cầm quyền. Ông khuyên các tín hữu hãy tìm cách thế để duy trì sự hợp nhất, qua bốn động từ: tôn trọng (mọi người), yêu mến (cộng đoàn), kính sợ (Thiên Chúa), tôn trọng (nhà vua).

b. 1Pr 5,9: “Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể fraternitas trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế”

Câu này nằm trong những khuyến dụ cuối cùng của lá thư. Các Kitô hữu đang gánh chịu gian truân đau khổ từ nhiều phía, và xem ra ở đây tác giả đề cập đến sự tấn công của ma quỷ. Tác giả khuyến khích họ hãy giữ vững niềm tin vào Chúa, khi biết rằng đó là điều kiện chung của tất cả những người theo Người.

4/ Nền tảng của tình huynh đệ Kitô giáo

Dù “anh em” được hiểu theo nghĩa cụ thể (người anh em) hay nghĩa trừu tượng (tình huynh đệ), nhưng câu hỏi căn bản được đật ra là: dựa vào đâu mà các Kitô hữu coi nhau như anh em? Tình anh em chỉ giới hạn vào các tín hữu hay mở rộng đến tất cả mọi người?

Có nhiều ý kiến khác nhau: a/ Có người đồng hóa “anh em” (frater) với “người thân cận” (proximus), “tình huynh đệ” (fraternitas) với đức ái (caritas), vì thế nó bao gồm tất cả mọi người, kể cả các kẻ thù; b/ Có người tìm cách phân biệt: các “anh em” chỉ giới hạn vào những người được tái sinh nhở đức tin và phép rửa; còn “tha nhân” bao gồm tất cả mọi nhân sinh; vì thế “tình huynh đệ” giới hạn vào cộng đoàn các Kitô hữu, còn đức ái thì mang tính phổ quát. Thiết nghĩ  bên nào cũng có lý bởi vì đều đặt nền tảng trên bản văn Kinh thánh. Tuy nhiên,  Joseph Ratzinger, trong cuốn sách “Tinh huynh đệ Kitô giáo” xuất bản vào năm 1960[8], đã phân biệt như sau: tình huynh đệ Kitô giáo chỉ áp dụng cho các Kitô hữu bởi vì được đặt nền trên niềm tin vào Thiên Chúa do Đức Giêsu mặc khải; tuy nhiên, một khi đã chấp nhận lời giảng của Đức Giêsu thì tình yêu của chúng ta buộc phải mở rộng đến toàn thể nhân loại, cách riêng những thành phần khốn  khổ. Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta hãy tìm hiểu những nền tảng của tình huynh đệ này: nó đặt nền tảng trên đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, chứ không chỉ thuần túy dựa trên bản tính của con người[9].

a) Nền tảng thứ nhất của tình huynh đệ là mặc khải của đức Giêsu về Thiên Chúa là cha. Tuyên ngôn này là yếu tố căn bản của tình huynh đệ Kitô giáo. Tân ước rất nhiều lần tuyên bố rằng Thiên Chúa là cha, vì thế ai tin vào Ngài thì cũng phải nhìn nhận những người khác là anh chị em của mình. Trong nhiều bài giảng, Đức Giêsu sử dụng thuật ngữ “Cha của anh em là đấng ở trên trời. Các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu là người Do thái, nên đã quen với niềm tin về tình huynh đệ dựa trên giao ước (anh em vì con cái của ông Abraham: Ga 8,12-58), nhưng họ được huấn luyện để đào sâu thêm niềm tin ấy:” Lạy Cha chúng con, lầ Đấng ngự trên trời” (Mt 6,9-13; x. Lc 11,2-4) và mở rộng viễn tượng (x Rm 8,14-16; Gl 4,4-7; 1Ga 3,1-2…).

b) Nền tảng thứ hai là sự hiện diện của Đức Kitô. Người là lời mặc khải kế hoạch của Thiên Chúa là muốn quy tụ tất cả mọi người thành một gia đình. Người là chiếc cầu nối kết nhân loại với Thiên Chúa và thực hiện công cuộc hòa giải giữa loài người với nhau (Ep 1,3-14; 2,11-22; Cl 1,12-20). Đặc biệt, thánh Phaolô gọi Đức Kitô là trưởng tử của một đàn em (Rm 8,29; x. Hr 2,11). Người là kẻ đi hàng đầu: nhờ cuộc phục sinh, Người đã mở ra cho chúng ta con đường sống. Trước đó, Người đã dạy cho chúng ta cách thức đối xử với nhau dựa theo luật yêu thương (Mt 5,21-24.38-48; Lc 10,25-37…). Người còn làm gương cho chúng ta trong việc hy sinh mạng sống cho nhau (Ga 15,12-13), phục vụ lẫn nhau (Mt 20,26-28). Nhờ bí tích rửa tội, các môn đệ được tham dự vào quyền năng tử nạn và phục sinh của Người để thể hiện cộng đồng huynh đệ (Gl 3,26-28).

c) Tác động của Thánh Linh cũng là nền tảng của cộng đồng huynh đệ. Cũng như Đức Kitô ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28,20), thì Thánh Linh cũng ở với họ (Ga 14,16), để giúp cho họ hiểu thấy lời của Thầy (Ga 14,26; 16,13). Thánh Linh hiện diện trong tâm hồn các tín hữu, trở thành yếu tố liên kết các phần tử tuy thuộc nhiều ngôn ngữ và sắc tộc nhưng cùng tuyên xưng một đức tin, vượt lên trên sự đố kị của tháp Babel. Đó là ý nghĩa của “biến cố nói tiếng lạ” vào lễ Ngũ tuần, nhờ đó các thính giả của thánh Phero được chuyển đổi từ “các người” thành “các anh em” (Cv 2,1-41). Thánh Linh là nguyên ủy của các ân huệ khác nhau được ban cho các chi thể của Đức Kitô (1Cr 12,12-13). Thánh Linh tạo nên Giáo hội như là cộng đồng huynh đệ, bởi vì Ngài biến họ thành con cái của Chúa Cha.

Đoạn văn Rm 8,14-17.29 có thể coi như tóm lược nền tảng cộng đồng huynh đệ Giáo Hội dựa trên mầu nhiệm Tam vị: “Phàm ai được Thần khí Thiên Chúa, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên Abba Cha ơi! Chính Thần khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con thì cũng là thừa kế với Đức Kitô, vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người… Những ai được Thiên Chúa đẫ biết từ trước, thì Ngài cũng tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc”. Các Kitô hữu là anh em bởi vì được trở nên con của một Cha, do tác động của Thánh Linh, và trở thành những người thừa kế của Đức Kitô.

Các Kitô hữu tiên khởi có ý thức về sự “thuộc về” cộng đồng huynh đệ này. Họ ý thức rằng những người đồng đạo thì thuộc về cộng đồng, khác biệt với những người ở bên ngoài. Tuy vậy, đây không phải là một cộng đồng khép kín. Các Kitô hữu nhận được sứ mệnh mang Tin mừng đến cho muôn dân, và sẵn sàng mở cửa cho những ai tình nguyện gia nhập, bất kỳ thuộc màu da, sắc tộc nào. Mặt khác, mặc dù Đức Kitô đồng hóa mình với các tín hữu mà ông Saulô đang truy nã (Cv 9,5), nhưng Người cũng coi những người đói khát, trần truồng, tù nhân.. như là “anh em” của Người, dựa theo Mt 25,31-46. Như thế, tình yêu dành cho Chúa Kitô cần phải mở rộng đến tất cả mọi nhân sinh, cách riêng những người nghèo. Tuy nhiên, trong cuốn sách đã trích dẫn (ở chương 4), Joseph Ratzinger lưu ý rằng họ được Chúa Kitô gọi là anh em của mình, nhưng không vì thế mà họ trở thành phần tử cộng đồng huynh đệ Giáo hội. Tân ước vẫn có sự phân biệt giữa người anh em “bên trong” (1Cr 5,12-13; Cl 4,5; 1Tx 4,10-12), với những người ở “bên ngoài” [10]. Điều này cho thấy rằng có sự phân biệt giữa anh em và người thân cận, cũng như giữa tình huynh đệ và đức bác ái: phải thực thi bác ái với tất cả mọi người, còn tình huynh đệ dành cho các người đồng đạo[11]. Hội thánh phải trở nên dấu chỉ và công cụ cho tình huynh đệ phổ quát, như công đồng Vaticano II đã khẳng định (GS 9 và 32).

II. Lịch sử Giáo hội

Những gì đã viết trên đây không chỉ là những giấc mơ, nhưng đã trở thành hiện thực trong lịch sử của Kitô giáo, với những bước thăng trầm của nó. Tuy lý tưởng này không thể nào thực hiện trong toàn thể Giáo hội, nhưng vẫn có những cố gắng diễn tả lý tưởng ra thực tại, cũng như những nỗ lực khôi phục lại sau những thất bại. Vì khuôn khổ hạn chế của bài viết, chúng tôi chỉ ghi lại vài nét nổi bật, về lý thuyết cũng như về thực hành, trong lịch sử Giáo hội.

Chúng ta có thể lấy một khuôn mẫu của Hội thánh tiên khởi được mô tả trong sách Tông đồ công vụ (2,42-47): các tín hữu ở Giêrusalem họp thành cộng đoàn, được quy tụ bởi lời giảng của các tông đồ, cùng cử hành lễ nghi bẻ bánh, và họ đặt mọi tài sản là của chung (2,44-45 // 4,32b.34.35). Không rõ cộng đoàn ấy tồn tại được bao lâu (và tác giả đã không giấu diếm những khó khăn trong nội bộ, thí dụ  5,1-11; 6,1, cộng thêm những khó khăn từ bên ngoài, thí dụ  4,1-31; 5,17-42), nhưng nó đã trở thành lý tưởng của nhiều phong trào cách mạng xã hội, dù thuộc Kitô giáo hay không, mong muốn cho mọi người sống tình huynh đệ với nhau, cách riêng không để cho ai phải túng thiếu phương tiện sinh sống. Dù biết rằng mẫu gương ấy khó trở thành thực tại lâu bền nhưng không vì thế mà nó biến khỏi tâm thức tập thể.

1/ Thời các giáo phụ

Trong lá thư gửi Corintô, thánh Clementê (+101) đã sử dụng hơn 15 lần danh xưng “anh em” để khuyến khích các tín hữu tại đây hãy tìm cách giải quyết những tranh chấp nội bộ. Không lâu sau đó, khi viết thư cho các cộng đoàn Smyrna và Philadelphia đã gọi các phần tử là “anh em”. Ông Origène (187-253), trong tác phẩm De oratione giải thích lý do: bởi vì họ là con cái của một Thiên Chúa là Cha.

Cũng như lá thư của thánh Gioan tông đồ trước đây, ông Hermas (hậu bán thế kỷ II, tác phẩm Pastor) và thánh Irênê (k.130-k.202, tác phẩm Adversus haereses) đã khuyến khích các tín hữu hãy cảnh giác khỏi các kẻ dị giáo, vì họ không phải là anh em; tuy vậy, các tín hữu vẫn giữ thái độ hòa nhã ân cần đối với hết mọi người. Đàng khác, giữa các Kitô hữu với nhau, người ta nhận thấy một thứ ưu tiên nào đó cho vài hạng người. Thánh Inhaxio đã mở màn cho tập quán khi viết cho các mục tử của các giáo đoàn (giám mục, linh mục), còn thêm tĩnh từ “rất quý mến”. Kể từ thánh Grêgoriô Cả (k.540-604), tập tục  giáo hoàng gọi các giám mục là “anh em rất thân mến” (tiếng Việt thường dịch: chư huynh đáng kính!) vẫn còn được duy trì cho đến nay.

Dù sao, vấn đề danh xưng không quan trọng cho bằng thực chất. Một khi đã gọi nhau là anh em thì cũng phải đối xứ với nhau như vậy. Tinh huynh đệ cần biểu lộ qua những hành vi cụ thể, cách riêng dành cho những người nghèo, túng cực, đau khổ, bệnh tật. Vào khoảng năm 170,  giám mục Đionisiô đã viết cho các tín hữu Rôma như sau: “Anh em đã có tập quán tốt đẹp là làm điều tốt bằng nhiều cách cho mọi anh em, bằng cách gửi trợ cấp cho tất cả mọi thành phố; như vậy đã làm nhẹ sự túng thiểu của người nghèo, và nâng đỡ những công nhân ở các hầm mỏ nhờ những trợ giúp gửi cho họ. Và trong tác phẩm De eleemosynis, thánh Cyprianô viết: “Không phải là chúng ta dành ưu tiên cho các anh em lầm than, nhưng là cho Chúa”. Giám mục Basiliô (329-379), trong bài giảng về sự sử dụng của cải cách chính đáng, đã nói rằng: “Hãy phát thóc lúa cho các anh em túng thiếu hôm nay, còn hơn là để cho nó mục nát ngày mai”. Khi chú giải thư thứ nhất thánh Phaolô gửi các tín hữu Corintô, thánh Gioan Kim khẩu (k. 350-407) còn tuyên bố mạnh mẽ hơn nữa: “Ai có khả năng bố thí mà không làm là kẻ giết anh em mình, giống như Cain”. Cũng một giọng điệu tương tự, khi chú giải thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ (1Ga 3,16-17), thánh Augustino viết: “Nếu bạn chưa có khả năng hy sinh tính mạng vì các anh em, thì hãy bắt đầu tập luyện khả năng ấy bằng cách dùng tài sản để giúp đỡ họ”.

Dĩ nhiên mối quan tâm đối với người anh em bao gồm cả các nhu cầu tinh thần nữa: “Người nào yêu mến Đức Kitô thì cũng lo lắng đến sự cứu độ của các anh em”, thánh Gioan Kim Khẩu viết như vậy trong khảo luận về Thiên Chúa vượt quá sự hiểu thấu muôn vàn trùng”. Theo quan niệm tâm linh Kitô giáo, kẻ có nhu cầu cứu độ lớn nhất là người tội lỗi: kẻ tội lỗi cũng là người anh em. Trong quyển De paenitentia, ông Tertulianô (k. 155- 220) nhắc đến thói quen của các tội nhân xin anh em khẩn cầu cho mình được tha thứ. Sự giúp đỡ huynh đệ mang tính song phương. Trong quyển De lapsis, thánh Cyprianô mời gọi các tội nhân (mà ngài gọi là anh em) hãy xưng thú tội lỗi. Cũng vậy, thánh Cêsareô de Artes (470-542 / 43), trong bài giảng số 65, khuyên cách “anh em tội nhân rất quý mến”, đừng mất hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tình huynh đệ còn vượt lên biên cương lịch sử. Từ lâu, phụng vụ vẫn có thói quen gọi các tín hữu đã qua đời, dù là các thánh nhân hay còn được thanh luyện, là các “anh chị em”. Dĩ nhiên, những người còn sống và tham dự cuộc cử hành phụng vụ đều được chào nhau là các “anh chị em”.

2/ Các Dòng tu

Theo các sử gia, những người khai mạc đời tu trì Kitô giáo là các ẩn sĩ bên Ai cập. Thế nhưng đời sống cộng đoàn cũng sớm thành hình giữa các đan sĩ, và các từ ngữ liên quan đến tình huynh đệ đã sớm được sử dụng trong các bản luật. Trong bản luật của thánh Pacomiô (k. 290-346), người ta đã thấy các phẩn tử được gọi là “anh em”. Bản luật thánh Basiliô (330-379) gọi các đan sĩ là “anh em”, và giải thích lý do bởi vì “họ có  chung nhau cùng một mục tiêu và các lý tưởng”; cộng đồng của họ được gọi là “huynh đoàn” bởi vì họ chia sẻ một nếp sống, đặt tài sản làm của chung, giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương nhau cách bền chặt, không ai bị khước từ tình huynh đệ, kể cả người phạm pháp vẫn được đối xử như anh em. Một cách tương tự như vậy, các nữ tu được gọi là “chị em”, một thuật ngữ được phổ biến nhờ thánh Cêsareô de Arles (470-542/43) qua bản luật viết cho một đan viện các nữ tu.

Thánh Augustinô lấy cộng đoàn tiên khởi Giêrusalem làm khuôn mẫu cho đan viện, và mặc dù danh từ “anh em” ít được sử dụng trong bản luật, nhưng thực chất phản ánh tình huynh đệ mà bản luật muốn diễn tả. Sống như anh em có nghĩa là vượt qua những sự phân biệt giữa người giàu với người nghèo, sống tình anh em có nghĩa là chăm sóc lẫn nhau và sửa bảo huynh đệ; sống tình anh em đòi hỏi sự chia sẻ tài sản.

Trong bản luật thánh Biển Đức (k. 480-547), danh từ “anh em” ám chỉ các đan sĩ, được vị sáng lập dùng khi gọi ở ngôi thứ hai. Đan sĩ được nhận là anh em kể từ khi khởi đầu đời đan tu, nghĩa là tập sinh, và dù phần tử có phạm lỗi thì vẫn được coi là anh em.  Một đặc tính của đời đan tu là tên gọi “abbas” (gốc từ Đông phương có nghĩa là cha) dành cho bề trên, và lý do là vì ngài thay mặt Đức Kitô, dựa trên lời thánh Phaolô “Anh em đã nhận được tình thần nghĩa tử khiến chúng ta thốt lên: Abba, cha ơi (Rm 8,15). Quyền bính của viện phụ gồm cả chiều kích pháp lý và kỷ luật, nhưng tiên vàn là người điều hành, hướng dẫn tâm linh. Viện phụ giữ vai trò của người; vì thế các đan sĩ là anh em với nhau, vì tất cả có một người cha chung.

Các dòng hành khất ra đời vào thời Trung đại lại có một quan điểm khác về quyền bính cũng như về tương quan chiều ngang. Người đứng đầu cộng đoàn được gọi là “prior”, anh trưởng giữa các anh em (chứ không phải là “cha” như trước); còn các phần tử được gọi là “fratres”. Anh trưởng và các anh em cùng thảo luận và quyết định những chuyện quan trọng. Hơn thế nữa, tình huynh đệ này còn muốn mở rộng ra bên ngoài cộng đoàn, hướng đến xã hội. Đề tài về tình huynh đệ trong các bản văn của thánh Phanxico Assisi đã gợi ý cho Đức Thánh Cha viết hai thông điệp Laudato siFratelli tutti. Thánh nhân đi đến với các tín đồ Hồi giáo như là các anh em; hơn thế nữa, ngài coi vạn vật cũng là anh chị em: Anh Mặt trời, Chị Mặt trăng, vv.

Chúng tôi chỉ mới dừng lại ở việc sử dụng danh từ “anh em” trong các bản văn pháp lý. Muốn đi sâu hơn vào vấn đề, cần phải nghiên cứu các bản chú giải hiến pháp, khảo luận thần học. Nên biết là từ fraternitas không chỉ được hiểu như là “tình huynh đệ” mà đôi khi còn được hiểu là “huynh đoàn” theo nghĩa cơ cấu tổ chức.  Mặt khác, không nên bỏ qua một hiện tượng đáng tiếc xảy ra trong các dòng tu, đó là dần dần, từ “fratres” dành cho các tu sĩ không linh mục, một tục lệ đã có trong các dòng đan tu. Như vậy, đôi khi “fratres’ (hay fratres conversi: dịch ra tiếng Việt là “tu huynh”) được dùng đối lại với các “monaci” hay “patres[12].

3/ Huấn quyền cận đại

Vào thời cận đại có nhiều phong trào đề cao tình huynh đệ đại đồng, như sẽ thấy trong phần thứ hai của bài viết. Không lạ gì mà đề tài này cũng được nhắc đến trong các văn kiện của Huấn quyền. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn trưng dẫn một thí dụ điển hình nơi các bản văn của công đồng Vaticano II[13].

Danh từ fraternitas xuất hiện 26 lần trong các văn kiện: GS (12 lần), LG (4), PO (2), AA (2) và 1 lần trong các văn kiện AG, OE, PC và UR, với nhiều ý nghĩa khác nhau: Hội thánh quy tụ chung quanh Thánh Thể (LG 28, PO 6); mối dây liên kết các Kitô hữu với nhau (PO 9; AA 23); tình bác ái huynh đệ (caritate fraternitatis) giữa các tín hữu bên Đông và bên Tât (OE 30); sự hợp nhất của Tam Vị làm tăng gia tình huynh đê hỗ tương (mutuam fraternitatem, UR 7); những mối dây huynh đệ liên kết các hàng ngũ khác nhau, giữa các linh mục (LG 28; PO 28), một dòng tu (PC 15) các phần tử thuộc cùng gia đình (LG 41). Ngoài cộng đồng Giáo hội, từ fraternitas cũng được áp dụng cho sự sống chung của gia đình nhân loại (12 lần trong GS, AA 14; AG 8).

Danh từ frater xuất hiện 105 lần, với quy hướng minh nhiên hay ám tàng về Đức Kitô (26 lần trong UR; 20 lần trong LG; 17 lần trong GS; 14 lần trong PO; 11 lần trong AA, 6 trong AG, 5 lần trong PC và một lần trong  DV, SC, CD, OT, NA y GE). Trong các văn kiện đại kết, công đồng gọi các Kitô hữu khác là fratres separati (những anh em ly khai), và danh từ được GS dùng để nói đến tình huynh đệ phổ quát.

Chúng ta hãy điểm qua vài tư tưởng nổi bật liên quan tình huynh đệ trong Giáo hội và tình huynh đệ phổ quát:

a) Tình huynh đệ trong Giáo hội

Giáo hội là môt đoàn dân được Thiên Chúa quy tụ (GS 32) thành một cộng đồng các môn đệ của Đức Kitô, cách riêng nhờ cái chết và sự Phục sinh của Người. Hội thánh được ví như một thân thể với nhiều chi thể (1Cr 12,12), một cộng đoàn huynh đệ (LG 7), với một linh hồn (PO 6). Tình huynh đệ này phản chiếu sự hiệp thông giữa Thiên Chúa tam vị. Tuy vẫn duy trì mối hiệp nhất trong toàn thân thể, công đồng cũng nhìn nhận những mối dây liên hệ chặt chẽ giữa các hàng ngũ với nhau, do tính đa dạng của các đặc sủng, chẳng hạn như giữa các giám mục với nhau (LG 23; CD 7.42), giữa các linh mục với nhau (LG 28; PO 8), hoặc giữa các giám mục và các linh mục do mối dây của bí tích và tác vụ (PO 7). Dù sao, các mục tử (giám mục và linh mục) cũng đừng quên mối tình huynh đệ với các giáo dân (LG 37).

Mối tình huynh đệ trong Hội thánh được thực hiện cách đặc biệt do việc cử hành Thánh Thể, nơi mà tất cả các môn đệ của Đức Kitô được quy tụ trong cùng đức tin và được thông dự vào một Thân thể duy nhất (PO 6; 8).

Nhờ cảm nghiệm về tình huynh đệ, Giáo hội có sứ mạng làm chứng và xây dựng tình huynh đệ phổ quát của nhân loại (GS 92)

b) Tình huynh đệ phổ quát

Trong hiến chế Gaudium et spes, công đồng khẳng định rằng tình huynh đệ giữa mọi người thuộc mọi chủng tộc và tôn giáo là điều mà Thiên Chúa mong muốn (x. Ep 1,10) : quả thực Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người trở thành một gia đình và đối xử với nhau như anh chị em (GS 24) . Tình huynh đệ phổ quát đặt nền tảng trên chân lý về Thiên Chúa là cha của hết mọi người. Chỉ khi con người cư xử với nhau như anh chị em thì họ mới thực hiện ơn gọi của mình (GS số 23).

Đối lại, chúng ta không thể nào kêu cầu Thiên Chúa là cha của hết mọi người, nếu chúng ta không đối xứ với những người khác như là anh em, lý do là vì họ được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài (NA 5). Mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa là Cha và với các người khác là anh chị em gắn chặt với nhau đến nỗi Kinh thánh nói rằng: ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa (1Ga 4,8). Đàng khác, việc tôn trọng các người khác và các dân tộc khác cũng như việc thực hiện tình huyh đệ là điều cần thiết để xây dựng hòa bình (GS 78).

Để kết thúc phần thứ nhất, chúng ta có thể tóm lại những điểm chính như sau. Mặc dù có nhiều quan điểm về lý thuyết và nhiều hình thức về thực hành, nhưng yếu tố căn bản của tình huynh đệ Kitô giáo là đức tin vào Đức Kitô, Đấng đã mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là cha của hết mọi người. Đây là một ân huệ được ban qua đức tin và bí tích rửa tội, được củng cố nhờ bí tích Thánh Thể, được củng cố nhờ đức mến do Thánh Linh trút đổ. Là một ân ban, tình huynh đệ cũng hàm ngụ một sứ mệnh, đó là yêu thương phục vụ tất cả mọi nhân sinh, theo mẫu gương và lời dạy của Đức Giêsu. Điều này không dễ dàng, bởi vì các tín hữu đã, đang và sẽ còn trải nghiệm nhiều chia rẽ, đố kị (x. Mt 20,25-28; lPr 1,22; 3,8), và vì thế cần hoán cải không ngừng.

—————————–

[1] Một nhận xét về từ ngữ. Trong tiếng Việt, anh em “ruột” có lẽ gợi lên ý tưởng gần gữi (liền một khúc ruột), chứ không thân mật như “đồng bào” (cùng một cái bào, nghĩa là cái bọc ngoài cái thai). Có điều là đồng bào được hiểu là người cũng một nước, còn “bào huynh / bào đệ” mới là anh em ruột. Trong tiếng Hy-lạp, adelphos gốc bởi delphys có nghĩa bụng mẹ (những người cùng lọt ra từ một lòng mẹ).

[2] Chẳng hạn: St 4,2; 13,8; 14,14.16; 25,26; 27,41-47; 28, 2.5; 29, 10.12.13.15; 36,4-5.8-14.16-18 ; Đnl 13,7; 25,5.7.9; 28,54; 32,50; 33,9; Lv 10,4.

[3] Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến danh từ, chứ không đụng đến các đại danh từ  xưng hô, bởi các bản dịch tiếng Việt rất khác nhau. Xin lấy một thí dụ từ đoạn văn Mt 23,8. Nhóm Giờ Kinh Phụng vụ: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ráp-bi, nghĩa là thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau”.  LM Nguyễn Thế Thuấn: “Các ngươi chớ cho gọi mình là Rabbi, vì Thầy của các ngươi chỉ có một, còn các người hết thảy là anh em”. LM An-sơn Vị: “Riêng các con, đừng muốn xưng hô là Thầy, vì các con chỉ có một Thầy mà thôi, còn các con hết thảy là anh em cả”.  Tin Lành: “Các ngươi đùng chịu người ta gọi mình bằng Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em”.

[4] Một vài đoạn ám chỉ anh em theo nghĩa cốt nhục: Gl 1,19; 1Cr 9,5; Rm 16,15.

[5] Thí dụ: thánh Clêmentê giáo hoàng ( Ep. Ad Corinthios 2,4), Thánh Irênê (Adv. Haereses II,31,2), nhất là thánh Cyprianô (60 lần). X. Michel Dujarier : L’Eglise-Fraternité. I : “Les origines de l’expression “adelphotès – fraternitas” aux trois premiers siècles du christianisme”, Cerf, Paris, 1991.

[6] Jacques Schlosser, « Aimez la fraternité (1 P 2,17). À propos de l’ecclésiologie de la première lettre de Pierre », dans: À la recherche de la Parole. Études d’éxégèse et de théologie biblique (Lectio Divina 207), Cerf, Paris, 2006

[7] Bản dịch của Nhóm GKPV  dịch là “Hãy yêu thương anh em” (1Pr 2,17); và  “toàn thể anh em” (5,19)

[8] Joseph Ratzinger, La fraternidad de los cristianos, Sigueme Salamanca 2004 (nguyên tác tiếng Đức : Die christliche Brüder, xuất bản năm 1960), trang 49-56.

[9] Luigi De Candido, “Fraternità” in: Nuovo Dizionario di Spiritualità, Paoline, Roma 1982, 674-688.

[10] Tác giả cũng lưu ý là thánh Gioan (sách Tin mừng và các thư) nói đến mệnh lệnh yêu thương anh em, nghĩa là giữa các môn đệ với nhau, chứ không đề cập đến các nhân sinh trên khắp thế giới. Cũng nên biết chỉ dùng từ anh em theo nghĩa bóng 2 lần trong Tin mừng (20,17; 21,23).

[11] Một thí dụ: “Chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6,10).

[12] Xc Phan Tấn Thành, Giới thiệu văn kiện Căn tính và Sứ mạng của Tu huynh trong Giáo hội của Bộ Đời sống thánh hiến và các tu đoàn tông đồ (phát hành ngày 4/10/2015), ở địa chỉ https://catechesis.net/4978-2/ . Nên biết là Bộ Đời sống thánh hiến cũng đã phát hành văn kiện “Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn” ngày 2/2/1994.

[13] X. “Fraternidad” in: Christopher O´Donnell – Salvador Pié-Ninot, Diccionario de Eclesiología, San Pablo, Madrid 1987. https://www.mercaba.org/DicEC/F/fraternidad.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here