Tỉnh hội Dòng Đa Minh – Capitulum provinciale

0
1466

Capitulum provinciale

A. Nguồn gốc

Theo cha H.Vicaire, định chế tỉnh hội xuất hiện cùng lúc với việc thành lập tỉnh dòng. A.H. Thomas thì cho rằng tỉnh hội ra đời sau khi Dòng đã thành lập các tỉnh và chỉ định các giám tỉnh tiên khởi. Cả hai thuyết đều phỏng đóan, chứ không ai biết chắc chuyện gì xảy ra lúc đầu dòng. Như đã nói trên đây, các tỉnh được khai sinh trong tổng hội năm 1221. Những giám tỉnh đầu tiên do cha Đaminh cùng với  tổng hội bổ nhiệm vô hạn kỳ. Từ lúc nào các giám tỉnh do tỉnh hội bầu lên chứ không còn do tổng hội bổ nhiệm nữa (năm 1224?). Đó là điều mà các nhà sử học tranh luận, tuy có lẽ không quan trọng lắm đối với chúng ta. Dù sao, thể chế capitulum nói lên tính cách dân chủ tham gia mà thánh Đaminh đã muốn du nhập vào hết mọi cấp độ của Dòng: tổng hội, tỉnh hội, viện hội.

B. Hạn kỳ

Lúc đầu tỉnh hội họp hằng năm sau khi bế mạc Tổng hội (Const. I, d.II c.1; Const.II, d.II c.5). Tổng hội họp vào lễ Hiện xuống; tỉnh hội họp vào lễ thánh Micae (29/9). Thời gian họp không được quá 4 ngày (CG 1252), sau đó được kéo ra 8 ngày (CG 1276: Acta I, 123.127.131).

Năm 1283, đã có đề nghị họp 2 năm một lần nhưng không được thông qua (Acta I,222). Tổng hội năm 1410 cho phép  Giám tỉnh, khi có lý do chính đáng, được triệu tập 2 năm một lần (Acta CG III, 111.114.136); nhưng từ năm 1423, việc quyết định họp 1 năm hay 2 năm thuộc thẩm  quyền của Tỉnh hội (Acta CG III, 186). Thực ra thì từ năm 1372, đức Grêgôriô XI đã cho nới thời hạn của tổng hội và tỉnh hội ra hai năm, tuy nhiên mãi tới Hiến pháp năm 1566 mới xác nhận tục lệ này.

Sang thế kỷ XVI, vài tỉnh dòng bầu giám tỉnh với nhiệm kỳ 4 năm[1], cho nên cũng 4 năm mới họp tỉnh hội một lần. Tuy nhiên, sau 2 năm thì có một capitulum intermediarium (CG 1574) hoặc congregatio intermedia  được triệu tập để định lượng việc thi hành các quyết nghị của tỉnh hội[2].

Từ năm 1629, tất cả các giám tỉnh đều có nhiệm kỳ 4 năm, ngọai trừ tỉnh dòng nào nhận được indultum apostolicum quy định cách khác. Tổng hội 1862 bãi bỏ hết các luật trừ: từ nay tất cả các tỉnh dòng đều phải họp tỉnh hội với hạn kỳ 4 năm một lần.

C. Thành phần

“Capitulum provinciale appellamus priores conventuales cum singulis sociis a capitulo suo electis et praedicatores generales” (Const. I, dist.II,c.1). Như vậy vào lúc đầu, thành phần của tỉnh hội gồm bởi các bề trên tu viện cùng với socii, và các praedicatores generales. Nên ghi nhận ý nghĩa của tỉnh hội trong cơ chế tổ chức của Dòng Đaminh qua  các thành phần tham dự. Giám tỉnh là bề trên của tỉnh, nhưng hàng năm phải cùng với tỉnh hội duyệt lại đường hướng cai trị. Trong thời gian họp, tỉnh hội là bề trên của tỉnh. Thành phần của tỉnh hội gồm có các “bề trên” (giám tỉnh và tu viện) và đại biểu của các “bề dưới” (các socii đi theo bề trên tu viện).  Như vậy, trong việc họach định hướng đi cho tỉnh dòng, có sự chia sẻ quan điểm giữa các bề trên và các bề dưới.

Vào thời đầu, không phải tỉnh hội nào cũng bầu giám tỉnh. (Các giám tỉnh được bầu với thời gian vô hạn định, và thường được nghỉ vì bị Tổng hội cách chức). Khi nào cần phải bầu giám tỉnh, thì chỉ những người sau đây được quyền bỏ phiếu: priores conventuales, duos fratres de quolibet conventu ad hoc idem electos (Const. I, dist. II, c.15).

Tổng hội năm 1258 đề nghị giản lược thủ tục, nghĩa là khi bầu giám tỉnh thì tất cả các thành viên tỉnh hội (như vậy là gồm cả các praedicatores generales) đều được quyền bỏ phiếu. Đề nghị này được tổng hội 1259 tái chấp nhận, nhưng lại bị tổng hội 1260 bác. Tổng hội năm 1261 lại du nhập, và được hai tổng hội kế tiếp (1262.1263) phê chuẩn, và trở thành hiến pháp[3].

Thành phần của tỉnh hội còn tiếp tục thay đổi qua dòng thời gian[4]. Năm 1405, các magistri in s. Theologia cũng được dự tỉnh hội. Đối lại, từ năm 1551, số đại biểu của mỗi tu viện từ 2 gỉam xuống 1. Các cựu bề trên tổng quyền cũng được dự tỉnh hội từ năm 1401, và cánh cửa cũng mở cho các cựu giám tỉnh từ năm 1553. (Nên biết là các cựu giám tỉnh họp với các magistri in s. Theologia thành một giai cấp gọi là “patres provinciae”, được quyền dự tỉnh hội và đương nhiên là thành phần của hội đồng cố vấn tỉnh). Sang năm 1670, các giám sư tập sinh cũng được dự tỉnh hội khi hội đủ vài điều kiện[5].

Vấn đề đại biểu của các tu viện (socius prioris) đi dự tỉnh hội đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Năm 1327, chỉ có tu viện 12 anh em mới được cử đại biểu[6]. Năm 1533, tỉ số  được giảm xuống: tu viện 6 anh em, trong đó có 4 cử tri. Năm 1611 tăng lên: tu viện phải có 6 cử tri mới được quyền cử đại biểu. Hiến pháp 1932 ấn định lại tỉ số là 8 tư giáo trong đó có 5 cử tri.

Hiến pháp 1968 đã thực hiện một cuộc cách mạng khá triệt để trong việc ấn định thành phần của tỉnh hội[7]. Tiêu chuẩn thứ nhất là các thành viên do anh em bầu ra (bề trên tu viện, bề trên phụ tỉnh, các đại biểu); vì thế không còn các thành viên “thường trực” gắn liền với một “phẩm hàm”. (Hậu quả là các praedicatores generales, magistri in s. Theologia, các cựu giám sư tập sinh bị mất quyền). Các bề trên cựu cũng mất quyền (Cựu tổng quyền chỉ được dự tổng hội chứ không được dự tỉnh hội; cựu giám tỉnh chỉ được dự tỉnh hội liền kế). Tiêu chuẩn thứ hai là cho các anh em sống ngòai các tu viện cũng được gửi đại biểu. Thực ra, biện pháp này đã được du nhập từ tỉnh hội 1920, khi mà dòng phải nghĩ tới các vùng truyền gíao, nơi mà số tu viện (conventus) ít ỏi và phần đông anh em sống lẻ tẻ. Duy có điều là trước đây hiến pháp 1932 chỉ cho gửi 1 đại biểu (nếu ít là có 10 anh em sống ngòai tu viện vì lý do truyền giáo). Hiến pháp hiện tại cho phép gửi số đại biểu tùy theo tỉ lệ. Một cách tương tự như vậy, các đại biểu của tu viện cũng có tính cách linh động:  tu viện nào có 8 cử tri thì được 1 đại biểu, 16 cử tri được 2 đại biểu, 24 cử tri được 3 đại biểu, trên 32 cử tri thì được 4 đại biểu[8]. Sau cùng, hiến pháp hiện hành cũng ấn định thành phần tối thiểu của Tỉnh hội: không được dưới 10 người. Nếu cần thì quy chế tỉnh dòng phải tìm cách cử thêm đại biểu để bổ sung.

D. Vai trò của Tỉnh hội

Hai nhiệm vụ chính yếu của tỉnh hội là: bầu cử và bàn thảo. Tỉnh hội thông thường thi hành cả hai chức năng (capitulum electionis et negotiorum); đồng thời hiến pháp (xc LCO 251) cũng dự trù tỉnh hội “bất thường” chỉ với vai trò bầu cử mà thôi (capitulum simplicis electionis).

1/ Bầu cử

Ngày nay, chúng ta thường gắn liền việc họp tỉnh hội với việc bầu giám tỉnh. Tuy nhiên vào những thế kỷ đầu tiên của Dòng, vai trò bầu cử hơi khác.

a. Trước hết, phải lo bầu diffinitor (và socius đại diện cho tỉnh dòng để tham dự tổng hội (Const.I, dist. II, c.5). Nên nhớ là tổng hội họp hằng năm, theo thứ tự là: sau hai tổng hội các diffinitores thì đến tổng hội các provinciales.

b. Tiếp đó, phải bầu diffinitorium để xét công việc của Dòng, như sẽ thấy dưới đây. Ngày từ đầu số nhân viên của Diffinitorium được xác định là gồm bốn anh em, nhưng Hiến pháp hiện hành đã thay đổi.

c. Nếu có dịp thì bầu giám tỉnh. Lý do là vào lúc đầu, giám tỉnh không có nhiệm kỳ nhất định, vì thế không phải tỉnh hội nào cũng bầu giám tỉnh. Mặt khác thành phần bầu cử giám tỉnh không hòan tòan trùng hợp với thành phần của tỉnh hội, như đã nói trên đây. Tuy nhiên, cũng cần thêm rằng, tuy không phải tỉnh hội nào cũng bầu giám tỉnh, nhưng từ năm 1283, tỉnh hội nào cũng bỏ phiếu tín nhiệm giám tỉnh (super retentione vel absolutione provincialis). Nếu giám tỉnh bị mất tín nhiệm thì nội vụ sẽ đệ lên tổng hội để xử trí.

2/ Bàn thảo.

Ta thấy có nhiều khác biệt không nhỏ giữa tổng hội và tỉnh hội

– Trong tổng hội, tất cả các thành viên (capitulares) đều tham gia vào việc bàn nghị. Còn trong tỉnh hội thì chỉ có giám tỉnh và diffinitorium bàn nghị mà thôi.

– Tổng hội có quyền lập hiến và lập pháp (constituere, statuere). Tỉnh hội chỉ có quyền lập quy (ordinare, admonire), nghĩa là áp dụng Hiến pháp vào hòan cảnh cụ thể của đời sống tu viện và họat động tông đồ tại địa phương. Trên thực tế, thường thì vai trò chính của tỉnh hội là áp dụng các nghị quyết của tổng hội, vì thế mà được họp sau tổng hội . Lúc đầu, tổng hội họp vào lễ Hiện xuống, còn tỉnh hội họp sau lễ thánh Micae (Const.I, distinctio II, c.16); sau đó, thì cho họp liền sau khi tổng hội bế mạc (Const.II, distinctio II, c.7). Các diffinitores đi họp tổng hội về sẽ trình bày những gì đã được quyết nghị.  Mặt khác, tỉnh hội cũng thu lượm những nguyện vọng của tỉnh dòng để đạt lên tổng hội.

– Ngòai vai trò lập quy[9], vai trò hành chánh của tỉnh hội cũng không kém phần quan trọng, chẳng hạn như phân chia tỉnh thành từng miền, ấn định ranh giới các tu viện, bổ nhiệm các anh em. Trong thời gian nhóm họp, tỉnh hội là bề trên (tập đòan) của tỉnh dòng, và có các quyền hạn như giám tỉnh (LCO 359). Thiết tưởng không nên bỏ qua một phận vụ đã được trao cho tỉnh hội từ năm 1250 là “bổ thuế” (taxatio): ấn định sự đóng góp của các tu viện để trang trải các phí tổn của tỉnh dòng.

– Tỉnh hội cũng giữ vai trò phán xử nữa: “accusationi et correctioni professi post triennium ab ingressu ordinis poterunt interesse” (Const. I, dist.II, c.1). Tỉnh hội xét xử các đơn tố cáo và khiếu nại của anh em, trong số đó có phiếu của các tu viện về sự tín nhiệm dành cho bề trên của mình. (Nếu có đơn kiện cáo giám tỉnh thì chỉ riêng ban diffinitorium  “tính tội”: Const. I, dist. II, c.3).

E. Vai trò của các diffinitores[10]

Ngay từ hồi đầu dòng, con số các diffinitores là 4 người (Const. I, dist.II, c.1), chắc là lấy từ quy luật của công đồng Laterano IV (canon 12), do tỉnh hội bầu lên. Các diffinitores có thể được chọn kể cả từ những anh em không phải là thành viên của tỉnh hội; tuy nhiên sau khi được đắc cử, họ đương nhiên tham dự tỉnh hội với vai trò bàn nghị (Acta CG 1264, được phê chuẩn bởi CG 1265 và 1266). Khi tỉnh hội bế mạc thì các diffinitores cũng chấm dứt công tác.

Hiến pháp năm 1968 đã thay đổi hình thù của diffinitorium không ít: a/ Con số các diffinitores có thể thay đổi từ 4 cho đến 8 người, tùy theo quy chế của Tỉnh. b/ Các diffinitores chỉ bàn những vấn đề quan trọng (LCO 513: principialiora negotia). c/ Các diffinitores trở thành nhân viên hội đồng cố vấn tỉnh cho đến tỉnh hội kế tiếp. Như vậy, họ sẽ theo dõi việc chấp hành những điều mà họ đã bàn thảo và quyết định trong tỉnh hội. Vai trò của các diffinitores của Đaminh trở nên gần giống với Dòng Phanxicô.

Xin phép mở một dấu ngoặc về hội đồng cố vấn tỉnh. Có hai điểm nên ghi nhận.

1/ Các nhân viên của Hội đồng cố vấn trung ương thì do chính Tổng quyền chọn (trong số những người mà mình thấy làm việc được); còn nhân viên của Hội đồng cố vấn tỉnh thì do Tỉnh hội bầu (cho dù xung khắc tính tình với Giám tỉnh). Không thiếu tỉnh dòng đã gặp cảnh bế tắc vì chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

2/ Trong Hiến pháp 1932, có những người giữ chức cố vấn “ad vitam” (các Magistri s. Theologiae và cựu giám tỉnh). Trong hiến pháp hiện hành, không còn ai giữ chức cố vấn mãn đại nữa.

F. Thủ tục và Chương trình nghị sự

1/ Trong Hiến pháp 1932, tỉnh hội gồm có những phiên chuẩn bị, phiên khai mạc, các phiên bầu cử và bàn nghị.

– Phiên chuẩn bị: kiểm nhận các giấy chứng minh; bầu các thư ký; bầu các diffinitores.

– Phiên khai mạc: thánh lễ cầu xin Chúa Thánh thần; cầu nguyện cho những anh em qua đời; hội thú lỗi.

– Phiên bầu cử:  bầu giám tỉnh, bầu các đại biểu đi dự Tổng hội.

– Các phiên bàn nghị: chỉ có giám tỉnh và các diffinitorium tham dự.

Tính từ khi bầu các Diffinitores cho đến khi bế mạc, tỉnh hội không được kéo dài quá 8 ngày (tối đa là 10 ngày). Thời hạn này đã được ấn định từ tổng hội 1564.

2/ Hiến pháp năm 1968 đã thả nổi chương trình nghị sự, theo nghĩa là để cho mỗi tỉnh ấn định trong quy chế về sự diễn tiến các phiên họp (LCO 357; xc. 279 §3).

Thời hạn họp tỉnh hội là 1 tháng. Khi cần có thể kéo dài thêm 15 ngày, nhưng phải được Tổng quyền cho phép. Khi có lý do chính đáng và với phép của Tổng quyền, tỉnh hội cũng có thể gián đọan nhưng không được quá 15 ngày.

Một điểm mới của hiến pháp 1968 là các tiểu ban có thể được thành lập trong thời gian chuẩn bị tỉnh hội và trong khi họp tỉnh hội. Như vậy, là bớt việc cho các diffinitores.

G. Hiệu lực

– Tổng hội 1254 đòi phải nộp công vụ của tỉnh hội lên Tổng quyền. Tổng hội 1258 ra hình phạt cho giám tỉnh nào không tuân lệnh. Tổng hội 1293 nhắc lại lần nữa: khi đi họp Tổng hội thì phải mang theo công vụ của tỉnh hội.

 – Tại sao cần phải nạp công vụ cho Tổng quyền?  Để thông tri, báo cáo hay để được phê chuẩn? Các nhà giáo luật có dịp cãi nhau. Phải chờ đến Tổng hội 1647 thì  mới tìm được câu trả lời về ý nghĩa pháp lý:  công vụ tỉnh hội cần được Tổng quyền videnda et approbanda thì mới có giá trị chấp hành. Tổng hội 1656 còn thêm quyền hạn của Tổng quyền được revisio, correctio, approbatio. Nếu không thì công vụ sẽ không có giá trị (trừ các tỉnh bên India occidentalis và orientalis – nghĩa là Mỹ châu và Ấn độ – quá xa thì cho phép thi hành trước khi được cấp trên duyệt y). Tổng hội 1670 ấn định thời hạn để đệ trình là 1 năm.

– Từ năm 1872 đến nay, kỷ luật đã thành nhất định: công vụ của tỉnh hội cần được Tổng quyền phê chuẩn thì mới được ban hành.

– Nên biết là vào lúc đầu, các ordinationes của tỉnh hội có giá trị vĩnh viễn. Từ năm 1518, các ordinationes chỉ có giá trị cho đến tổng hội kế tiếp. Trong hiến pháp 1968, có sự phân biệt: a/ statuta có giá trị cho đến khi bị thu hồi; b/ ordinationes có giá trị cho đến tỉnh hội kế tiếp (LCO 286).

—————————————-

[1] Năm 1504, bulla Sub religionis iugo của ĐGH Julius II (ngày 27/7) giới hạn nhiệm kỳ giám tỉnh là 4 năm, và bề trên tu viện là hai năm. Nhưng qua năm sau, Đức Giáo hoàng rút lại luật (bulla Apostolica sedes ngày 22/8/1505) và dành  tổng hội 1507 (Pavia) được tự do quyết định. Tổng hội giữ nguyên trạng, nhưng mở cửa ngỏ cho tỉnh dòng muốn thì có thể xin áp dụng đặc ân Giáo hòang.

[2] Việc định lượng bao gồm cả việc bỏ phiếu xem có còn tín nhiệm giám tỉnh nữa hay không: de retentione vel absolutione Povincialis. Thành phần của đại hội định lượng được giới hạn vào: các bề trên tu viện, magistri in s. Theologia, patres provinciae: CG 1611.1629). Hiến pháp 1924 thay đổi quan điểm: chỉ có hội đồng cố vấn tỉnh và các patres provinciae; nhưng sang năm 1926 thì các bề trên tu viện cũng được tham dự. Về thành phần hội đồng cố vấn mở rộng trong Hiến pháp hiện hành xem LCO n.375. Nên biết là tổng hội 1980 đã bãi bỏ việc bỏ phiếu tín nhiệm Giám tỉnh (sửa lại LCO 375 §2; xc Acta CG 1980 nn.256-257). Như vậy từ nay Giám tỉnh có thể làm mưa làm gío suốt 4 năm.

[3] Nên biết là Tổng hội 1274 lại phân biệt: nếu giám tỉnh qua đời sau khi đã bế mạc tỉnh hội, thì sẽ không triệu tập tỉnh hội mà chỉ gọi  bề trên và 2 đại biểu của mỗi tu viện họp lại để bầu giám tỉnh mới.

[4] Nên lưu ý là tuy thành phần các thành viên có thay đổi, nhưng các bề trên tu viện luôn luôn là thành phần nòng cốt của tỉnh hội. Nói khác đi, các bề trên tu viện luôn luôn được đi dự tỉnh hội. Tuy vậy, cũng có lúc anh em muốn dằn mặt các bề trên cà mèng, cho nên đã đặt ra vài điều kiện. Chẳng hạn như trong Hiến pháp 1932 (điều  361,§4) ấn định rằng trước khi đi họp, hội đồng cố vấn tu viện phải cấp giấy chứng nhận về 4 điểm: a/ kỷ luật chu đáo; b/ kinh thần vụ đều hòa; c/ tĩnh tâm hằng năm; d/ anh em có đủ ăn đủ mặc. Nếu thiếu chứng chỉ thì bề trên miễn đi họp. – Một thành phần bất biến khác là “praedicator generalis”; nhưng con số này không được quá số các tu viện trong tỉnh dòng (tránh lạm phát).

[5] Đây là món quà an ủi cho giám sư các tập sinh (sau đó lan sang cho cả giám sư sinh viên và phụ tá), một chức vụ bạc bẽo chẳng ai ham hố! Tuy nhiên, để được tham dự tỉnh hội thì phải làm cha giáo đủ 10 năm. Sau đó dù đã về hưu thì vẫn được hưởng quyền làm “nghị”.

[6] Nên biết là vào buổi đầu Dòng, Hiến pháp đòi hỏi mỗi tu viện phải đủ 12 tu sĩ. Từ khi bắt đầu lập cơ sở bên Mỹ châu, sĩ số mới được hạ xuống vì lý do thiếu nhân sự.

[7] C.A. Azpiroz Costa, El capitulo provincial en el Libro de las Constituciones y Ordenaciones de la Orden de los Frailes Predicadores, PUST Roma 1992.

[8]  Việc cử đại biểu của tu việc đi dự tỉnh hội đã được thay đổi nhiều lần từ khi ban hành hiến pháp 1968 đến nay. Lúc đầu ấn định là 10 cử tri (trong đó có 8 linh mục) thì được bầu 1 đại biểu; 25 cử tri (trong đó có 20 linh mục thì được bầu 2 đại biểu.  Tổng hội 1974 (Madonna dell’Arco) bỏ dấu ngoặc về số linh mục; và cho các tu viện có 40 cử tri thì được bầu 3 đại biểu. Tổng hội Avila hạ thấp số tỉ lệ cử tri: từ 10 -25 -40 xuống còn 8 -16-25.

[9] Hiến pháp 1968 đã tăng thêm quyền hạn cho tỉnh hội ở chỗ dành nhiều kẽ hở cho tỉnh hội quyết định trong Quy chế (Statuta) của tỉnh dòng.

[10] Theo các nhà ngữ học “diffinire” là dạng suy thóai của “definire” (= xác định, quyết định). Lẽ ra phải viết “Definitores” mới đúng latinh cổ điển. Dù sao, trong dòng Đaminh, các diffiniores được hiểu là “đại biểu nhân dân” tham dự vào việc điều hành cùng với các bề trên (thí dụ tổng hội các diffinitores xen lẫn với tổng hội các provinciales). Ở các dòng khác (thí dụ dòng Phansinh), diffinitores tương đương với chức vụ cố vấn bề trên (tổng quyền, giám tỉnh).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here