TÍNH ĐỒNG NGHỊ TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI – CHƯƠNG III

0
1014

Văn kiện của Ủy Ban Thần học quốc tế

TÍNH ĐỒNG NGHỊ TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI

———————

Nguyên bản: La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa (2018)
[FranceseIngleseItalianoPortogheseRussoSpagnoloTedesco]

www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20180302_sinodalita_it.html

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An. Nguồn: Vietcatholic

———————

Mục lục

Dẫn Nhập: Thời (kairos) của Tính Đồng Nghị

CHƯƠNG 1: TÍNH ĐỒNG NGHỊ TRONG THÁNH KINH, TRONG THÁNH TRUYỀN VÀ TRONG LỊCH SỬ

CHƯƠNG 2: HƯỚNG TỚI MỘT NỀN THẦN HỌC VỀ TÍNH ĐỒNG NGHỊ

—————-

CHƯƠNG 3: THỰC THI TÍNH ĐỒNG NGHỊ: CÁC CHỦ THỂ, CƠ CẤU, DIỄN TRÌNH VÀ BIẾN CỐ ĐỒNG NGHỊ

71. Cái hiểu thần học về tính đồng nghị trong viễn tượng giáo hội học của Vatican II mời gọi chúng ta suy gẫm về những cách thức thực tế để đem nó ra thực hành . Đó là vấn đề xem xét lại, trong các nét tổng quát, những gì hiện được giáo luật quy định để rút ra ý nghĩa và các khả thể của nó, và cung cấp cho nó một năng lực mới, đồng thời biện phân quan điểm thần học để triển khai nó một cách chính xác.

Chương này lấy gợi ý từ ơn gọi đồng nghị của dân Chúa, sau đó mô tả các cơ cấu đồng nghị ở các bình diện địa phương, khu vực và hoàn vũ, và chỉ ra các chủ thể khác nhau can dự vào các quá trình và biến cố đồng nghị.

3.1 Ơn gọi đồng nghị của dân Chúa

72. Toàn bộ dân Chúa bị thách thức bởi ơn gọi có tính đồng nghị từ căn bản. Tính luân hoàn (circularity) của Sensus fidei (cảm thức đức tin) mà mọi tín hữu được trao ban, sự biện phân được thực hiện ở các bình diện khác nhau trên đó tính đồng nghị vận hành và thẩm quyền của những vị thi hành thừa tác mục vụ hợp nhất và cai quản cho thấy sự năng động của tính đồng nghị. Tính luân hoàn này phát huy phẩm giá phép rửa và đồng trách nhiệm của mọi người, vận dụng hầu hết sự hiện diện các đặc sủng nơi dân Chúa, do Chúa Thánh Thần phân phát, nhìn nhận thừa tác vụ chuyên biệt của các mục tử trong hiệp thông hợp đoàn và phẩm trật với Giám mục Rôma, và bảo đảm rằng các diễn trình và biến cố đồng nghị diễn ra phù hợp với depositum fidei (kho tàng đức tin) và liên quan đến việc lắng nghe Chúa Thánh Thần, để đổi mới sứ mệnh của Giáo hội.

73. Trong viễn tượng này, sự tham gia của tín hữu giáo dân trở nên chủ yếu. Họ là đại đa số dân Chúa và có nhiều điều cần học hỏi từ việc họ tham gia vào các hình thức khác nhau của đời sống và sứ mệnh của các cộng đồng giáo hội, từ lòng đạo đức bình dân và chăm sóc mục vụ nói chung, cũng như khả năng chuyên biệt của họ trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống văn hóa và xã hội [84].

Như thế, tham khảo họ là điều không thể thiếu để khởi diễn các diễn trình biện phân trong khuôn khổ các cơ cấu đồng nghị. Do đó, chúng ta phải vượt qua các trở ngại được tạo ra do việc thiếu đào tạo và thừa nhận các không gian trong đó, tín hữu giáo dân có thể tự phát biểu và hành động, cũng như được tạo ra bởi thứ tư duy giáo sĩ trị có nguy cơ giữ họ ở bên rìa đời sống giáo hội [85]. Điều này đòi hỏi một cam kết ưu tiên trong nhiệm vụ đào tạo một cảm thức trưởng thành về giáo hội, một cảm thức, ở bình diện định chế, cần phải được biến đổi thành một diễn trình đồng nghị thường xuyên.

74. Cũng cần phải có một sự cổ vũ có tính quyết định đối với nguyên tắc đồng yếu tính (co-essentiality) giữa ơn phẩm trật và ơn đặc sủng trong Giáo hội dựa trên giáo huấn của Vatican II [86]. Điều này kéo theo việc phải bao gồm các cộng đồng thánh hiến, cả nam lẫn nữ, các phong trào và cộng đồng giáo hội mới. Tất cả các cộng đồng này, mà nhiều cộng đồng trong số này đã hiện hữu nhờ sự thúc đẩy của các đặc sủng được Chúa Thánh Thần ban cho để đổi mới đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, có thể cống hiến nhiều kinh nghiệm quan trọng về cách tiếp cận đồng nghị trong đời sống hiệp thông và về sự năng động của việc biện phân cộng đồng ở trung tâm của cuộc sống của họ, cũng như các kích thích để khám phá các phương pháp truyền giảng Tin Mừng mới. Trong một số trường hợp, họ cũng cống hiến các điển hình tích hợp các ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội trong viễn tượng của giáo hội học hiệp thông.

75. Trong ơn gọi đồng nghị của Giáo hội, đặc sủng thần học được kêu gọi cung cấp một việc phục vụ chuyên biệt: nó liên quan đến việc lắng nghe Lời Chúa, hiểu đức tin theo những cách thức khôn ngoan (sapiential), khoa học và tiên tri, biện phân các dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng Tin Mừng và trong đối thoại với xã hội và các nền văn hóa, tất cả để phục vụ việc loan báo Tin Mừng. Cùng với kinh nghiệm đức tin và chiêm niệm sự thật của tín hữu giáo dân, và với lời rao giảng của các Mục tử, thần học góp phần vào việc đào sâu Tin Mừng hơn nữa [87]. Ngoài ra, “Như với mọi ơn gọi Kitô giáo, thừa tác vụ của các nhà thần học cũng có cả tính cộng đồng và hợp đoàn cũng như bản thân” [88]. Do đó, tính đồng nghị của giáo hội cần các nhà thần học thực hiện thần học theo cách thức đồng nghị, phát triển khả năng lắng nghe nhau, đối thoại, biện phân và hòa hợp nhiều cách tiếp cận và đóng góp đa dạng của họ.

76. Chiều kích đồng nghị của Giáo hội phải được thực hiện bằng cách ban hành và chỉ đạo các diễn trình biện phân làm chứng cho tính năng động của hiệp thông vốn linh hứng cho mọi quyết định của giáo hội. Đời sống đồng nghị được phát biểu trong các cơ cấu và diễn trình, qua các giai đoạn khác nhau (chuẩn bị, cử hành, tiếp nhận), dẫn đến các biến cố đồng nghị trong đó Giáo hội được triệu mời với nhau theo các bình diện khác nhau trong việc thực hiện tính đồng nghị chủ yếu của mình.

Nhiệm vụ này đòi hỏi phải lắng nghe Chúa Thánh Thần một cách cẩn thận, trung thành với giáo huấn của Giáo hội và, đồng thời, sáng tạo, để khám phá và khởi động các công cụ thích hợp nhất cho việc tham gia có trật tự của mọi người, cho việc trao đổi hỗ tương các ơn phúc, cho việc sắc bén nhận ra các dấu chỉ thời đại, để lập kế hoạch hữu hiệu cho việc truyền giáo. Để đạt được mục đích này, việc thực thi chiều kích đồng nghị của Giáo hội phải tích hợp và cập nhật di sản xếp đặt trật tự cổ xưa của Giáo hội bằng các cơ cấu đồng nghị lấy linh hứng từ Vatican II, và phải cởi mở đối với việc tạo ra các cơ cấu mới [89].

3.2 Tính đồng nghị trong Giáo hội địa phương

77. Bình diện đầu tiên trên đó tính đồng nghị được thực hiện là Giáo hội địa phương. Ở đây “sự biểu lộ ưu việt của Giáo hội hệ ở việc tham gia trọn vẹn và tích cực của toàn thể dân thánh của Thiên Chúa trong các cử hành phụng vụ này, đặc biệt là trong cùng một Bí tích Thánh Thể, trong một lời cầu nguyện duy nhất, tại một bàn thờ duy nhất, nơi Đức Giám Mục chủ tọa, được vây quanh bởi linh mục đoàn và các thừa tác viên của ngài “[90].

Các liên kết lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa tạo khuôn cho việc truyền thông liên ngã trong Giáo hội địa phương và mô tả các nét đặc biệt của nó tạo điều kiện cho việc áp dụng phong cách đồng nghị trong cuộc sống hàng ngày và là cơ sở cho cuộc hồi tâm truyền giáo hữu hiệu. Trong Giáo hội Kitô giáo địa phương, chứng tá được hiện thân trong các tình huống nhân bản và xã hội chuyên biệt, cho phép một khởi diễn dứt khoát các cơ cấu đồng nghị phục vụ truyền giáo. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh, “chỉ tới mức các tổ chức này tiếp tục nối kết với ‘hậu cứ’ (base) và bắt đầu từ con người và các vấn đề hàng ngày của họ, thì một Giáo hội đồng nghị mới có thể bắt đầu hình thành” [91].

3.2.1 Các Công Nghị Giáo phận và Hội đồng Giáo phận Đông Phương (eparchial)

78. Các công nghị (synods) giáo phận trong các Giáo hội nghi lễ Latinh và các hội đồng giáo phận (eparchial assembly) trong các Giáo hội nghi lễ phương đông [92] là “các cơ cấu cao nhất trong mọi cơ cấu giáo phận tham gia vào việc cai quản của Giám mục” [93]. Chúng thực sự là một biến cố đầy ân sủng, trong đó dân Chúa sống trong một Giáo hội đặc thù được triệu mời với nhau và tập hợp nhân danh Chúa Kitô, dưới sự chủ tọa của Đức Giám Mục, để biện phân các thách thức mục vụ, để cùng nhau tìm cách đi truyền giáo và, qua việc lắng nghe Chúa Thánh Thần, tích cực hợp tác trong việc đưa ra các quyết định thích hợp.

79. Cùng một lúc là “hành vi cai quản của giám mục và là biến cố hiệp thông” [94], một công nghị giáo phận hoặc một hội đồng giáo phận Đông Phương canh tân và thâm hậu hóa ý thức đồng trách nhiệm của dân Chúa. Cả hai đều được kêu gọi đưa ra một dung mạo thực sự cho việc tham gia của mọi thành viên dân Chúa vào sứ mệnh theo luận lý học “mọi người”, “một số người” và “một người”.

Sự tham gia của “mọi người” được khởi động thông qua việc tham khảo trong diễn trình chuẩn bị Công Nghị, với mục đích thu được mọi tiếng nói vốn là biểu thức của dân Chúa trong Giáo hội địa phương. Những người tham dự Hội đồng hoặc Công Nghị ex officio (theo chức vụ), và những người được bầu hoặc được Đức Giám Mục bổ nhiệm là “một số người” có nhiệm vụ cử hành Công Nghị Giáo phận hoặc Hội đồng Giáo phận Đông phương. Điều chủ yếu là, như một toàn bộ, các tham dự viên mang lại một hình ảnh có ý nghĩa và cân bằng về Giáo hội địa phương, phản ánh các ơn gọi, các thừa tác vụ, các đặc sủng, các năng quyền, các địa vị xã hội và các nguồn gốc địa lý khác nhau. Đức Giám Mục, người kế vị của các Tông đồ và Mục tử của đoàn chiên của mình, người triệu tập và chủ tọa Công Nghị Giáo hội địa phương [95], được mời gọi thực thi ớ đấy thừa tác vụ hợp nhất và lãnh đạo với thẩm quyền thuộc về mình.

3.2.2 Các cơ cấu khác phục vụ đời sống đồng nghị trong Giáo hội địa phương

80. Trong Giáo hội địa phương, người ta qui định rằng cần phải có nhiều cơ quan thường trực khác nhau có nhiệm vụ hỗ trợ thừa tác vụ của Đức Giám Mục theo nhiều cách khác nhau trong việc lãnh đạo mục vụ thông thường của Giáo phận: cơ quan cai quản (Curia) Giáo phận, Đoàn Cố vấn, Kinh sĩ đoàn và Hội đồng tài chính. Công đồng Vatican II quy định rằng Hội đồng Linh mục và Hội đồng Mục vụ Giáo phận [96] phải được thành lập như các cơ quan thường trực để thi hành và cổ vũ sự hiệp thông và tính đồng nghị.

81. Hội đồng linh mục được Vatican II trình bày như một “hội đồng hoặc thượng viện của các linh mục đại diện cho presbyterium(linh mục đoàn)” và mục đích của nó là “giúp Đức Giám Mục trong việc cai quản Giáo phận”. Thật vậy, Đức Giám Mục được kêu gọi lắng nghe các linh mục, hỏi ý kiến họ và đối thoại với họ “về các nhu cầu mục vụ và lợi ích của Giáo phận” [97]. Presbyterium (linh mục đoàn) có một vị trí chuyên biệt trong năng động tính đồng nghị tổng thể của Giáo hội địa phương, mà tinh thần của giáo hội này làm nó sinh động và phong cách của giáo hội này lên khuôn nó.

Nhiệm vụ của Hội đồng Mục vụ Giáo phận là cống hiến một đóng góp có phẩm chất cho phương thức mục vụ tổng thể được Đức Giám Mục và linh mục đoàn của ngài cổ vũ; đôi khi nó cũng trở thành một nơi để Đức Giám Mục ra các quyết định thuộc thẩm quyền chuyên biệt của ngài [98]. Do bản tính, tần suất các phiên họp, thủ tục của nó và các mục tiêu mà nó cam kết, Hội đồng Mục vụ Giáo phận được đề xuất như cơ cấu thường trực thích hợp nhất để thực hiện tính đồng nghị trong Giáo hội địa phương.

82. Trong các Giáo hội địa phương khác nhau, để thúc đẩy việc thực hiện giáo huấn của Vatican II, có các Phiên Họp nhằm biểu hiện và cổ vũ sự hiệp thông và đồng trách nhiệm và góp phần lên kế hoạch mục vụ và đánh giá tổng thể. Những Phiên Họp này có ý nghĩa rất lớn trong hành trình đồng nghị của cộng đồng giáo hội, như bối cảnh và sự chuẩn bị thông thường để chấp hành công nghị giáo phận.

3.2.3 Tính đồng nghị trong đời sống giáo xứ

83. Giáo xứ là cộng đồng tín hữu hiện thân mầu nhiệm Giáo hội dưới hình thức hữu hình, cận kề và hàng ngày. Giáo xứ là nơi chúng ta học cách sống như các môn đệ của Chúa trong một mạng lưới các mối liên hệ huynh đệ và kinh nghiệm hiệp thông trong tính đa dạng của ơn gọi và thế hệ, các đặc sủng, các thừa tác vụ và các năng quyền, tạo thành một cộng đồng chân chính nơi mọi người cùng chung sống thực sứ mệnh và việc phục vụ của mình, nhờ thế hài hòa được các đóng góp chuyên biệt của mọi người.

84. Trong giáo xứ có hai cơ cấu có một đặc điểm đồng nghị: hội đồng mục vụ giáo xứ và hội đồng tài chính, với sự tham gia của giáo dân trong việc tham vấn và lập kế hoạch mục vụ. Theo nghĩa này, có vẻ như cần phải duyệt lại chuẩn mực giáo luật mà hiện tại chỉ gợi ý rằng cần phải có một hội đồng mục vụ giáo xứ và làm cho nó thành bắt buộc, như công nghị cuối cùng của Giáo phận Rôma đã làm [99]. Mang lại một năng động đồng nghị hữu hiệu trong một Giáo hội địa phương cũng đòi hỏi Hội đồng Mục vụ Giáo phận và các hội đồng mục vụ giáo xứ phải hoạt động theo cách phối hợp và được nâng cấp một cách thích hợp [100].

3.3 Tính đồng nghị trong các Giáo hội địa phương ở bình diện khu vực

85. Bình diện khu vực trong việc thực thi tính đồng nghị là một bình diện có kinh nghiệm trong việc tạo nhóm cho các Giáo hội địa phương hiện diện trong cùng khu vực: một Giáo Tỉnh, như đã xảy ra trước hết trong Giáo hội của các thế kỷ đầu tiên, hoặc một quốc gia, một lục địa hoặc một phần của lục địa. Đây là những nhóm “hợp nhất một cách hữu cơ”, trong đó các giám mục “góp chung khả năng và ý chí của họ vì lợi ích chung”, được thúc đẩy “bởi sự hiệp thông của đức ái huynh đệ và lòng nhiệt thành đối với sứ mạng phổ quát”[101]. Các nguồn gốc lịch sử chung, tính đồng nhất về văn hóa, nhu cầu đối diện với các thách thức tương tự trong sứ mệnh đã cho họ một cách thức mới để làm cho dân Chúa hiện diện trong các nền văn hóa và bối cảnh khác nhau. Sống tính đồng nghị ở bình diện này giúp thăng tiến cuộc hành trình mà các Giáo hội địa phương đang cùng nhau thực hiện, tăng cường các nối kết thiêng liêng và định chế, góp phần vào việc trao đổi ơn phúc và làm hài hòa các lựa chọn mục vụ của họ [102]. Cách riêng, việc biện phân theo lối đồng nghị có thể linh hứng và khuyến khích các lựa chọn chung, một điều có nghĩa “châm ngòi cho các quá trình mới để tin mừng hóa nền văn hóa” [103].

86. Kể từ những thế kỷ đầu tiên, cả ở phương Đông lẫn phương Tây, các Giáo hội do một Tông đồ hoặc một trong những đồng sự của ngài thành lập vốn đóng một vai trò chuyên biệt ở Giáo Tỉnh hoặc Giáo Vùng của họ, bao lâu, Giám mục của họ được nhìn nhận, tùy theo hoàn cảnh, là Giám Mục Giáo tỉnh (Metropolitan) hoặc Thượng Phụ của họ. Điều này đã mang lại các cơ cấu đồng nghị chuyên biệt, trong đó các Thượng phụ, Giám Mục giáo tỉnh và Giám mục của các Giáo hội cá thể được minh nhiên kêu gọi cổ vũ tính đồng nghị [104]; nhiệm vụ này trở nên lớn hơn qua việc càng ngày người ta càng ý thức được tính hợp đoàn giám mục, một ý thức cần được phát biểu trên bình diện khu vực.

87. Các cấu trúc đồng nghị khu vực trong Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh bao gồm: các công đồng Giáo Tỉnh và các công đồng chung, các Hội đồng Giám mục và các nhóm Hội đồng Giám mục, đôi khi ở bình diện lục địa; trong Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương: Các công nghị thượng phụ và giáo tỉnh, Hội đồng Các Giáo Phẩm (hierarchs) của các Giáo hội Đông phương sui iuris (độc lập)[105] và Hội đồng các thượng phụ Công Giáo Đông phương. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi các cơ cấu giáo hội này là các cơ quan trung gian của tính hợp đoàn và đã nhắc lại niềm hy vọng của Vatican II “rằng những cơ chế như vậy sẽ giúp gia tăng tinh thần hợp đoàn giám mục ” [106].

3.3.1 Các Công đồng đặc thù

88. Các Công đồng đặc thù được tổ chức ở bình diện khu vực là cơ cấu chuyên biệt để thực thi tính đồng nghị trong một nhóm các Giáo hội địa phương [107]. Thực sự, các công đồng này dự tính sự tham gia của dân Chúa trong các diễn trình để biện phân các quyết định theo cách nói lên sự hiệp thông hợp đoàn không những giữa các Giám mục, “mà với mọi thành phần của phần dân Chúa đó được ủy thác cho các ngài” và, do đó , “Sự hiệp thông giữa các Giáo hội”, làm các giáo hội này thành “nơi thích hợp cho các quyết định có tầm quan trọng lớn hơn, đặc biệt liên quan tới đức tin” [108]. Cũng như việc xác nhận qui mô để thực thi sự biện phân theo lối đồng nghị trong các lĩnh vực tín lý và chính sách là điều thích hợp trong các Công đồng này, Bộ Giáo luật nhấn mạnh đặc điểm mục vụ của chúng [109].

3.3.2 Các Hội đồng giám mục

89. Các Hội đồng Giám mục quốc gia hoặc khu vực là một định chế mới có gần đây, xuất phát trong bối cảnh các nhà nước dân tộc (nation states) nổi dậy và trong tư cách này, đã được Vatican II dành cho một khuôn mạo cao hơn trong viễn tượng của giáo hội học hiệp thông. Chúng chứng minh tính hợp đoàn giám mục và mục tiêu chính của chúng là hợp tác giữa các Giám mục vì lợi ích chung của các Giáo hội được giao phó cho các ngài, hỗ trợ sứ mệnh của các ngài trong các quốc gia liên hệ. Tầm quan trọng về giáo hội học của chúng đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố lại, ngài cũng đã kêu gọi một cuộc nghiên cứu tín lý về các đặc điểm của chúng [111]. Cách để làm việc này là suy nghĩ về bản chất giáo hội học của các Hội đồng Giám mục, về tư cách giáo luật và các đặc điểm chuyên biệt của chúng, liên quan đến việc thực thi tính hợp đoàn giám mục và việc thiết lập một đời sống đồng nghị mạch lạc hơn ở bình diện khu vực. Trong viễn cảnh này, cần phải chú ý đến những kinh nghiệm được xây dựng trong những thập niên qua, cũng như các truyền thống, thần học và luật pháp của các Giáo hội Đông phương [112].

90. Tầm quan trọng của các Hội đồng giám mục trong việc cổ vũ hành trình đồng nghị của dân Chúa hệ ở chỗ “các Giám mục cá nhân đại diện cho mỗi Giáo hội của chính ngài” [113]. Sự phát triển một phương pháp tham gia hữu hiệu, với các thủ tục thích hợp cho việc tham khảo tín hữu và chấp nhận các kinh nghiệm giáo hội khác nhau trong giai đoạn tìm ra các định hướng mục vụ xuất phát từ các Hội đồng giám mục, với giáo dân tham gia trong tư cách chuyên gia, giúp nâng cao các cơ cấu này của tính hợp đoàn giám mục để hỗ trợ trong việc thực thi tính đồng nghị. Các hội nghị giáo hội được tổ chức bởi các Hội đồng giám mục, ví dụ như các hội nghị cứ mười năm một lần của Giáo hội tại Ý, rất quan trọng để khởi xướng các tiến trình đồng nghị ở bình diện quốc gia [114].

91. Ở bình diện Giáo hội hoàn vũ, một thủ tục chính xác hơn trong việc chuẩn bị các phiên họp của Thượng Hội đồng Giám mục cho phép các Hội đồng Giám mục đóng góp hữu hiệu hơn cho các tiến trình đồng nghị liên quan đến toàn thể Dân Thiên Chúa, thông qua việc tham khảo các tín hữu giáo dân và các chuyên gia trong giai đoạn chuẩn bị.

3.3.3 Các tòa thượng phụ trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương

92. Trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, tòa thượng phụ là một cơ cấu đồng nghị mang đến một biểu thức về hiệp thông giữa các Giáo hội trong một tỉnh hoặc một vùng có cùng di sản thần học, phụng vụ, thiêng liêng và giáo luật [115]. Trong các Thượng hội đồng thượng phụ, việc thi hành tính hợp đoàn và tính đồng nghị đòi hỏi sự hài hòa giữa vị thượng phụ và các Giám mục khác khi họ đại diện cho các Giáo hội của họ. Thượng phụ cổ vũ sự hiệp nhất trong đa dạng và tính Công Giáo qua việc hiệp thông các tín hữu trong cùng một Giáo hội duy nhất, trong sự hiệp thông với Giám mục Rôma và Giáo hội hoàn vũ.

3.3.4 Hội đồng khu vực của các hội đồng giám mục và hội đồng khu vực của các thượng phụ của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương

93. Cùng các lý do từng dẫn đến sự ra đời của các Hội đồng Giám mục quốc gia đã dẫn đến việc thành lập các Hội đồng của các hội đồng Giám mục ở bình diện các đại khu vực hoặc lục địa, và trong trường hợp các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ phương Đông, của Hội đồng các Giáo Chủ (hierarchs) sui Juris (độc lập) và của Hội đồng các Thượng phụ của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương. Những cơ cấu này khuyến khích việc xem xét sự hội nhập văn hóa của Tin Mừng vào các bối cảnh khác nhau, không quên các thách thức của hoàn cầu hóa, và góp phần vào việc biểu lộ “vẻ đẹp của gương mặt đa diện của Giáo hội” trong sự hợp nhất Công Giáo [116]. Ý nghĩa giáo hội học và tư thế giáo luật của chúng cần được nghiên cứu sâu xa, trong khi không quên sự kiện này: chúng có thể khuyến khích các diễn trình tham gia có tính đồng nghị tại “mỗi vùng văn hóa xã hội chính” [117], bắt đầu từ các điều kiện sống và văn hóa chuyên biệt vốn là đặc điểm của các Giáo hội tạo ra chúng.

3.4 Tính đồng nghị trong Giáo hội hoàn vũ

94. Tính đồng nghị như một chiều kích chủ yếu của Giáo hội được phát biểu trên bình diện Giáo hội hoàn vũ trong tính luân hoàn (circularity) năng động của consensus fidelium (đồng cảm thức của các tín hữu), tính hợp đoàn giám mục và tính tối thượng (primacy) của Giám mục Rôma. Trên cơ sở này, thỉnh thoảng, Giáo hội được yêu cầu đáp ứng – trong khi luôn trung thành với depositum fidei (kho tàng đức tin) và một cách cởi mở sáng tạo đối với tiếng nói của Chúa Thánh Thần – các hoàn cảnh và thử thách đặc thù; Giáo Hội được kêu gọi khởi động một diễn trình lắng nghe tất cả các chủ thể đang cùng nhau thành lập nên dân Chúa ngõ hầu nhất trí trong việc biện phân sự thật và con đường truyền giáo nào phải đi.

95. Bối cảnh giáo hội học này là nền tảng của thừa tác vụ chuyên biệt của Giám mục Rôma liên quan đến việc thi hành tính đồng nghị trên bình diện phổ quát. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Tôi được thuyết phục rằng, trong Giáo hội đồng nghị, ánh sáng lớn hơn có thể rõi chiếu lên việc thi hành quyền tối thượng của Phêrô. Tự mình, Đức Giáo Hoàng không đứng trên Giáo hội; nhưng ở bên trong Giáo Hội như là một trong những người được rửa tội, và ở bên trong Hợp đoàn Giám mục như là một Giám mục giữa các Giám mục, đồng thời được kêu gọi – trong tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô – lãnh đạo Giáo hội Rôma, một giáo hội chủ trì trong bác ái trên tất cả các Giáo hội “[118].

96. Hợp đoàn Giám mục thi hành một thừa tác vụ không thể thay thế được trong việc thực thi tính đồng nghị trên bình diện hoàn vũ. Thực thế, bao lâu hợp đoàn này, trong nội tại, vốn chứa Người đứng đầu của nó, tức Giám mục Rôma, và hành động trong hiệp thông với ngài, thì nó là “chủ thể có quyền lực tối cao và trọn vẹn đối với Giáo hội hoàn vũ” [119].

3.4.1 Các công đồng chung

97. Công đồng chung là biến cố trọn vẹn nhất và long trọng nhất nói lên tính đồng nghị của giáo hội và tính hợp đoàn của các giám mục ở bình diện Giáo hội hoàn vũ: vì lý do này, Vatican II định nghĩa nó là Sacrosancta Synodus (Công nghị Thánh) [120]. Nó phát biểu việc thực thi thẩm quyền của Hợp đoàn Giám mục hợp nhất với Đầu của nó, là Giám mục Rôma, để phục vụ toàn thể Giáo hội [121]. Công thức “una cum Patribus” (hợp nhất với Các Nghị Phụ) được Chân Phước (nay là Thánh) Phaolô VI sử dụng trong việc ban hành các văn kiện của Vatican II là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự hiệp thông mật thiết của Hợp đoàn với Đức Giáo Hoàng, người chủ tọa trên nó như là chủ thể của thừa tác mục vụ đối với Giáo hội hoàn vũ.

98. Công đồng chung là hình thức đại diện chuyên biệt của một Giáo Hội Công Giáo duy nhất theo nghĩa hiệp thông của các Giáo hội địa phương: “các Giám mục cá thể đại diện cho mỗi Giáo hội của riêng mình, nhưng tất cả đều cùng nhau và với Đức Giáo Hoàng đại diện cho toàn Giáo hội” [122]. Việc một Công đồng như vậy đại diện cho toàn thể Dân Thiên Chúa qua hợp đoàn Giám mục, với Đức Giáo Hoàng đứng đầu, xuất phát từ sự kiện này: việc phong chức giám mục làm cho một Giám mục trở thành vị chủ toạ (president) của một Giáo hội địa phương và về phương diện bí tích biến ngài thành một phần của kế thừa tông đồ (apstolic succession) và Hợp đoàn giám mục. Điều này có nghĩa: Công đồng chung là điển hình tối cao của tính đồng nghị của giáo hội trong sự hiệp thông của các Giám mục với Đức Giáo Hoàng, vốn đại diện cho sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương qua các Mục tử của họ, tụ tập in unum (thành một) để biện phân con đường mà Giáo hội hoàn vũ cần phải đi.

3.4.2 Thượng hội đồng giám mục

99. Thượng hội đồng giám mục, do Chân phước (nay là Thánh) Phaolô VI thiết lập như một cơ cấu đồng nghị thường xuyên, là một trong những di sản quý giá nhất của Vatican II. Các Giám mục hợp thành nó đại diện cho toàn bộ hàng giám mục Công Giáo [123], đến nỗi, Thượng hội đồng Giám mục là bằng chứng tham gia của hợp đoàn Giám mục, trong sự hiệp thông phẩm trật với Đức Giáo Hoàng, để chăm sóc Giáo hội hoàn vũ [124]. Nó được kêu gọi trở thành một “biểu thức cho tính hợp đoàn giám mục trong một Giáo hội hoàn toàn có tính đồng nghị” [125].

100. Mọi phiên họp thượng hội đồng diễn biến theo các giai đoạn kế tiếp nhau: chuẩn bị, cử hành và thi hành. Lịch sử của Giáo hội làm chứng cho tầm quan trọng của diễn trình tham khảo, nhằm mục đích tiếp nhận ý kiến của các Mục tử và tín hữu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề xuất một đường hướng tiếp cận để đạt được điều này: lắng nghe rộng rãi và chăm chú hơn đối với sensus fidei (cảm thức đức tin) của dân Chúa bằng cách đặt để các thủ tục tham khảo trên bình diện các Giáo hội địa phương, một cách khiến Thượng hội đồng giám mục có thể “là điểm hội tụ của diễn trình lắng nghe này được tiến hành ở mọi bình diện trong đời sống Giáo hội” [126].

Qua diễn trình tham khảo dân Chúa, đại diện giáo hội của các Giám mục và Chủ tịch của Giám mục Rôma, Thượng hội đồng Giám mục là một cơ cấu ưu tuyển để thực thi và cổ vũ tính đồng nghị ở mọi bình diện của Giáo hội. Qua việc tham khảo, diễn trình đồng nghị có khởi điểm của nó trong dân Chúa và, qua giai đoạn thực thi hội nhập văn hóa, nó cũng có điểm đến ở đó.

Thượng hội đồng Giám mục không phải là cách khả thi duy nhất để hợp đoàn Giám mục tham dự vào việc chăm sóc mục vụ cho Giáo hội hoàn vũ. Bộ giáo luật nói rõ điều này: “Tùy vị Giáo hoàng La Mã, theo nhu cầu của Giáo hội, được lựa chọn và cổ vũ các cách thức mà hợp đoàn Giám mục phải thực thi chức năng hợp đoàn của mình đối với Giáo hội hoàn vũ” [127 ].

3.4.3 Các cơ cấu phục vụ việc thực thi tính tối thượng theo lối đồng nghị

101. Hồng Y đoàn, khởi thủy bao gồm các linh mục và phó tế của Giáo Hội Rôma và các giám mục của các giáo phận ngoại ô, chính là hội đồng đồng nghị có tính lịch sử của Giám Mục Rôma, để giúp ngài thi hành thừa tác vụ chuyên biệt của ngài. Chức năng này đã phát triển qua nhiều thế kỷ. Trong cấu hình hiện nay của nó, nó phản ảnh khuôn mặt của Giáo hội hoàn vũ, trợ giúp Đức Giáo Hoàng trong thừa tác vụ của ngài nhân danh nó và với mục đích này nó được triệu tập trong một mật viện (Consistory). Chức năng này được thực hiện một cách độc đáo khi Hồng Y Đoàn được triệu tập trong một cơ mật viện (conclave) để bầu vị Giám mục Rôma.

102. Giáo triều Rôma là một dịch vụ thường trực cho thừa tác vụ của Đức Giáo Hoàng, vì lợi ích của Giáo hội hoàn vũ [128], là giáo hội, về bản chất, có liên hệ mật thiết với tính hợp đoàn giám mục và tính đồng nghị của giáo Hội. Khi yêu cầu cải cách nó dưới ánh sáng của giáo hội học hiệp thông, Vatican II đã nhấn mạnh một số yếu tố có thể cổ vũ sự gia tăng của tính đồng nghị, như: bao gồm các Giám mục giáo phận để “báo cáo đầy đủ hơn cho Giám Mục Tối cao ý nghĩ, các mong muốn và các nhu cầu của mọi Giáo hội” và hỏi ý kiến giáo dân để “họ sẽ có một vai trò thích hợp trong đời sống của Giáo hội “[129].

…..

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here