Tính Đoàn Lũ Trong Giới Trẻ Việt Nam Hiện Nay Nhìn Từ Góc Độ Triết Học Của Karl Jaspers

0
1587


Phạm Khánh, OP.

 

 

DẪN NHẬP

Từ xưa đến nay, chẳng riêng gì tại Việt Nam, con người sống trong xã hội luôn cần đến những mối tương giao với người khác để tự phản tỉnh, hoàn thiện bản thân. Nếu như mối tương giao ấy còn ít ỏi, co cụm sau luỹ tre làng ở Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX, thì càng tiến về những năm cuối của thế kỷ, đặc biệt là những năm đầu của thế kỷ XXI, cùng với bầu khí của hiện đại hoá và đô thị hoá, những mối tương giao nơi mỗi người ngày càng thêm dày đặc, chằng chịt. Mỗi người ngày càng đóng nhiều vai trò trên mỗi bình diện xã hội khác nhau, tuỳ theo mức độ năng động mà người ấy có.

Thế nhưng một điều nghịch lý là càng có nhiều mối tương quan, con người ngày nay thay vì sẽ cảm thấy vui tươi, tự do hơn trong cách ứng xử, họ lại cảm thấy lạc lõng. Sở dĩ có tình trạng này đó là do càng đi sâu vào các mối tương giao, con người càng gặp nhiều những luật lệ, ràng buộc họ vào những quy chuẩn của nhóm này, tập thể kia. Vì thế chẳng có gì bất ngờ khi có người đưa ra nhận định: “Ở thế kỷ XIX, sự tàn bạo chống lại con người, ở thế kỷ XX là sự tha hoá mang tính thần kinh phân liệt. Trong quá khứ, tai hoạ là ở chỗ con người trở thành nô lệ. Trong tương lai, con người có nguy cơ trở thành rôbôt. Con người không còn là con người mà biến thành cái máy không tư duy, không tình cảm. Con người bị máy móc hoá, tự động hoá, trở thành một nhân tố khoa học kỹ thuật. Cho nên con người đánh mất mọi đức tính của mình và không tồn tại như một nhân vị, một cá nhân nữa, con người bị đồng hoá, bị phi cá tính. Cá nhân trở thành điển hình không màu sắc”.[1] Như thế, có thể thấy rõ thời đại ngày nay là thời đại dường như căn tính của mỗi người riêng biệt được thể hiện một cách mờ nhạt nhất.

Với cái nhìn như trên khi gắn vào xã hội Việt Nam, thiết nghĩ đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất đó là tầng lớp thanh thiếu niên. Bởi nơi người thanh niên, sự nhanh nhạy, tiếp thu những cái mới của khoa học kỹ thuật thật chẳng ai bằng. Thế nhưng việc đánh mất bản sắc một cách chóng vánh, hay việc du nhập những tệ nạn xã hội, thật cũng chẳng ai hơn.

Những ưu và khuyết điểm nơi con người thời nào, lúc nào cũng có, chẳng riêng gì nơi người thanh niên. Song những biến thái ấy có làm giảm đi giá trị của tính chủ thể độc nhất nơi con người hay không; hay chúng có làm đảo lộn những giá trị tốt đẹp của con người hay không đó mới là điều chúng ta quan tâm. Vì vậy, khi các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng về một lối sống không ý nghĩa, thiếu tự chủ nơi thanh niên, cùng lúc ấy các nhà giáo dục cũng đã lên tiếng cảnh báo những tác hại nguy hiểm và tiến hành nhận diện lối sống ấy nhằm tìm ra những giải pháp cho những vấn đề cấp bách này.

Một trong những vấn nạn mà xã hội Việt Nam đang phải đối mặt chính là lối sống đòan lũ nơi thanh niên. Lối sống này đã làm một bộ phận không nhỏ trong thanh niên không cảm giác được tính chủ thể độc nhất của mình. Họ sống phụ thuộc vào những “nguồn[2] định hướng tư tưởng, định hướng lối sống.

Từ những lý do trên, thao thức về những vấn đề xã hội đang đối diện, bài viết này xin được góp một góc nhìn khi nhận diện: Tính đoàn lũ trong thanh niên Việt Nam hiện nay, nhìn từ góc độ triết học của Karl Jaspers.

Với quy mô nghiên cứu nhỏ, bài viết này xin được trình bày đề tài dưới trình tự sau. Phần đầu sẽ là việc tìm hiểu thuật ngữ như là lối hiểu vững chắc, xuyên suốt bài viết. Tiếp theo là một vài khía cạnh thể hiện của tính đoàn lũ trong đời sống xã hội. Dựa trên thực trạng thể hiện kể trên, bài viết sẽ trình bày tiếp những lý giải nhằm nhận diện căn nguyên sâu xa của tính đoàn lũ nơi thanh thiếu niên theo cái nhìn của triết học K. Jaspers. Thêm vào đó, với mong muốn mở rộng khía cạnh nghiên cứu bài viết sẽ trình bày một vài lối lý giải mang tính “tất định” cũng như đề cập một quan điểm ngược khi tìm hiểu vấn đề. Từ những cơ sở khoa học ấy, trong phần cuối, bài viết sẽ đưa ra những đề nghị mang tính giải pháp nhằm hỗ trợ hoạt động mục vụ nơi thanh thiếu niên.

Cuối cùng, do hạn chế trong nghiên cứu, chúng tôi chỉ có thể giải thích, suy tư dựa trên một số kiến thức hạn chế về Triết học Tây phương. Thiết nghĩ việc xem xét vấn đề nghiên cứu dựa trên sự tham chiếu giữa Triết học Tây phương và Đông phương ắt hẳn sẽ làm cho đề tài càng thêm sáng rõ.

I. NỀN TẢNG SUY TƯ

1. Các thuật ngữ

a/. Tính đoàn lũ

Khi tìm hiểu đề tài này, chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc xác định nội hàm của hạn từ “đoàn lũ”. Trong các Từ điển tiếng Việt, không có từ này. Thế nhưng dù không nói, hàm ý của từ đoàn lũ vẫn mang lại cho người nghe một cảm giác tiêu cực.

Sau khi tham khảo một số Từ điển Tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy có sự tương đồng giữa “tính đoàn lũ” và từ “hùa”, “adua” nhưng chưa được đầy đủ. Để có cơ sở cho việc lý luận sau này, theo chúng tôi, nếu ta gọi “đoàn lũ” là: chỉ một tập hợp người, làm hoặc đua nhau làm một việc gì, thường không tốt thì dường như chưa đầy đủ lắm, bởi không hẳn tính đoàn lũ chỉ xuất hiện trong những việc không tốt, mà chúng còn có cả ở nơi mà giá trị, hiệu quả của việc làm theo ấy được những người khác tán dương.

Vậy hiểu cho gọn ghẽ, “tính đoàn lũ” là hạn từ chỉ một hiện tượng: Cá nhân chịu ảnh hưởng của người khác, có ý thức hoặc không có ý thức làm theo người khác, là hành vi theo số đông. Hành vi theo số đông được tạo nên từ tâm lý theo số đông.

Quảng diễn ý tưởng này, các nhà Tâm lý học đã khái quát chúng dựa trên ba chỉ báo sau:[3]

– Cá nhân thiếu chủ kiến, tính độc lập kém. Loại người này gặp việc thì trong đầu rỗng tuếch, không tin vào cách nhìn của bản thân, cho rằng người khác đều làm như vậy thì nhất định đúng.

– Cá nhân ý thức trách nhiệm về hành vi của mình kém. Nhận thức không đầy đủ về trách nhiệm đối với hành vi của mình, có tâm lý “trời sập thì đè tất cả mọi người”, “xảy ra sai sót gì thì không phải là trách nhiệm của một mình ta”.

– Sợ sức ép, như sợ mình không giơ tay thì khó coi nên cũng giơ tay.

Như vậy nói một cách ngắn gọn, “tính đoàn lũ” là hạn từ chỉ hành vi theo số đông của một người. Hành vi này không thể hiện đủ những gì thuộc về bản chất của con người ấy như lý trí, ý chí và tự do,…[4]

b/. Thanh niên[5]

Nói chung khi đề cập đến độ tuổi này, tuỳ theo khía cạnh, lập trường nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ đưa ra cách thức xác định đối tượng cho riêng mình. Dẫu vậy bài viết này cũng mạnh dạn đưa ra một vài tiêu chuẩn để tạo cơ sở phân tích. Thường khi nói đến độ tuổi thanh niên, chúng bao hàm một số yếu tố sau:

– Độ tuổi: từ 18-25 tuổi.

– Cơ thể đạt tới sự tiến hoá hoàn bị. Có đời sống tính dục hoàn chỉnh, ổn định và chịu sự chi phối của nó với sự phát triển của lứa tuổi này.

– Phát triển tạm gọi là đầy đủ về khả năng tư duy, ý thức, trí tuệ.

– Vai trò, trách nhiệm và quyền lợi được xác định rõ trong mối tương quan với gia đình, bạn bè, xã hội.

Thiết nghĩ để hiểu rõ hơn người trong độ tuổi này, ta cũng cần khảo sát sơ lược đặc điểm tâm lý của tuổi thanh niên. Ở độ tuổi này, thanh niên có những đặc điểm tâm lý như: nhu cầu xác định cương vị xã hội, muốn được mọi người thừa nhận trong sự cống hiến cho gia đình và xã hội; nhu cầu giao lưu học hỏi; nhu cầu thẩm mỹ, chuộng vẻ đẹp tinh thần cũng như hình thức bên ngoài; nhu cầu tình cảm trong mối tương quan gia đình, bè bạn, người yêu. Ngoài ra ở độ tuổi này ta cũng nhận thấy một nhân cách đã định hình và phát triển; khả năng tự đánh giá bản thân; các tính cách như sôi nổi, thẳng thắn, nhiệt tình, bộc trực đã tạo ra tính chất mạnh mẽ của người thanh niên.

Sau khi đã khảo sát một vài thuật ngữ cơ bản được dùng trong bài viết, bước kế tiếp, chúng tôi sẽ trình bày sơ lược lịch sử tư tưởng, văn minh của nhân loại như là cách thức khái quát lịch sử của vấn đề nghiên cứu, bởi tính đoàn lũ đã tồn tại nơi thế giới loài người từ rất xa xưa, và tại thời điểm đó, tính đoàn lũ là điều cần thiết để con người tồn tại. Thế nhưng cùng với đà tiến của triết học, của văn minh nhân loại, tính đoàn lũ dần dần được thay thế bởi sự đề cao đặc điểm riêng gắn với ý chí và tự do nơi mỗi cá nhân. Chính vì lý do đó mà hiện nay, khi nhìn và đánh giá tính đoàn lũ ta mới có cơ sở để cho rằng việc tồn tại tính đoàn lũ là đi ngược lại với bản chất, sự thăng tiến của con người.

2. Một vài nét lịch sử

a/. Lối sống hợp quần, bầy đàn

Cần phải khẳng định một cách chắc chắn rằng trong lịch sử của nhân loại có hình thức sống hợp quần, bầy đàn, nhưng đó không thuộc về bản chất của con người. Bối cảnh khắc nghiệt của tự nhiên đã khiến con người phải sống dựa vào nhau để tìm kiếm thức ăn, đương đầu với những đe doạ của thiên nhiên, đánh đuổi những bộ tộc thù địch. Do vậy, việc liên kết với nhau, sống theo bầy đàn của con người thời xưa là một hành động mang tính giải pháp. Song tự bản chất, con người không thích sống thành bầy đàn, sinh hoạt mang màu sắc đoàn lũ. Ta có thể thấy điều này qua nhận xét của Will Durant: Con người không phải là một sinh vật tự ý thích hợp quần. Đàn ông hợp tác với đồng loại không phải vì ý thích mà vì thói quen, thấy người khác làm mình cũng làm, hoặc vì hoàn cảnh bắt buộc; nó sợ sự cô liêu hơn là thích họp bạn. Nó phải giao thiệp với người khác vì sống cô độc thì nguy cho nó và vì có nhiều việc làm chung với nhau thì tốt và mau hơn là làm một mình, nhưng trong thâm tâm nó vẫn muốn một mình anh dũng đương đầu với vạn vật.[6]

Cũng theo Will Durant, những thách thức mà con người phải đương đầu trong thời cổ đại ấy đã lôi kéo mọi người sống hợp quần với nhau. Lối sống này đã hình thành nên thị tộc, luật pháp và sau này là quốc gia. Nếu con người sống theo bản năng bất hợp quần đó thì chẳng bao giờ có quốc gia cả. Ngay thời này nó vẫn thấy quốc gia là một cái ách nặng quá: phải đóng thuế thì khổ đến đứt ruột và chỉ ước ao có một chính quyền can thiệp ít nhất vào đời tư. Nó luôn luôn đòi đặt ra những luật mới vì nó tin rằng có vậy mới trấn áp được ông hàng xóm, còn riêng đối với nó thì những luật đó hoàn toàn vô ích; nó theo chủ trương vô chính phủ mà không tự biết.[7]

b/. Sự trỗi dậy của ý thức cá nhân[8]

Vào cuối thế kỷ XX này, việc khẳng định rằng cá nhân luận (individualisme) vừa biểu hiện riêng của nền văn minh phương Tây, vừa là yếu tố then chốt của tính hiện đại. Điều này được thấy khi Louis Dumont “tự cho mình có quyền dùng từ cá nhân luận để chỉ diện mạo tư tưởng hiện đại” hay Henri Mendras là người cho rằng “cá nhân luận đã thực hiện được những tiến bộ đến mức nó không còn là một hệ tư tưởng mà là một cách tồn tại chung cho mọi người”[9]. Để đạt được điều ấy, quá trình cá nhân hoá diễn ra dần dần (và ngày càng nhanh hơn) khởi đi từ vị trí số không của cá nhân trong các thể chế cộng đồng bộ lạc cổ đại theo kiểu Chủ Toàn Thuyết (Holism)[10] và ngày càng được “giải phóng” bởi những thời khắc lịch sử văn minh của con người. Ta có thể thấy rõ khi điểm qua một vài thời khắc như thế.

Thời cổ đại: Cho đến thế kỷ IV TCN, cách tổ chức của toàn bộ các nhóm người thường quy về một mô hình duy nhất, mô hình chủ toàn luận. Đâu đâu cũng thống trị tuyệt đối thể chế cộng đồng bộ lạc hay những Thành Bang – Đế Chế theo kiểu hữu cơ, chặt chẽ. Con người không có quyền tự chủ nào hết trong việc chọn các giá trị và các chuẩn mực hành vi và họ không suy nghĩ cũng không hình dung mình là những cá nhân riêng biệt mà chỉ hành động theo sự lệ thuộc vào một cái gọi là “chúng ta”. Tác phẩm đặc trưng cho lối sống này được thể hiện trong “Nền Cộng Hoà” của Platon. Sự quan tâm đến chính mình chỉ được tìm thấy một cách rõ nét nơi các người theo Khắc Kỷ Thuyết (Stoicisme) khi họ lấy bản thân làm quy tắc cốt tử của nghệ thuật sống nơi mình.

Não trạng Do Thái: Trong giai đoạn này, một điều rất đáng lưu tâm đó chính là ảnh hưởng của não trạng Do Thái khi não trạng này bộc lộ ý tưởng về tính cách cá vị (personnalité) của Thượng Đế gồm có nguyên lý hoạt động bằng tự do, có lý trí và ý muốn. Thượng Đế của người Do Thái không có tính vô ngã. Ngài là Đấng có những thái độ yêu thương, tha thứ, nơi con ngưới có thể cầu khẩn sự thứ tha trong những lầm lỗi của mình. Tắt một lời, chính vì nhận thức sự mặc khải về Thiên Chúa, não trạng này đã dẫn đến một số tư tưởng độc đáo của Do Thái giáo khi họ cho rằng:[11] Con người là thụ tạo của Thiên Chúa và được kêu gọi sống tương quan ngôi vị với Thiên Chúa và tha nhân. Đây là mộ hình thái tạo nên sự khác biệt cơ bản trong lối tư duy Hy Lạp và Do Thái. Nếu người Hy Lạp mong muốn tìm hiểu bản chất của hiện tượng như thế nào thì người Do Thái lại muốn tìm hiểu hiện tượng đó trong mối tương quan với các hiện tượng khác. Theo lối nhìn này, con người được kêu mời không phải là tìm kiếm sự hiểu biết lý trí nhưng là mối tương quan, mối tương quan có tính cách ngôi vị, đặc biệt, giữa con người với Thiên Chúa. Mối tương quan ấy thể hiện rõ nét qua vai trò của các ngôn sứ, những người “bạn” của Thiên Chúa, những người cói thay Thiên Chúa.

Một vài đường nét về não trạng Do Thái kể trên không chỉ là những sự kiện trong quá khứ, nhưng vẫn còn những ảnh hưởng sâu đậm, cách này hay cách khác trong suy tư triết học cũng như trong con người phương Tây ngày nay. Thế nhưng những điều này được xem là rất lạ lẫm với tư tưởng Hy Lạp lúc bấy giờ.

– Thời trung cổ: Vào khoảng thế kỷ XIII và XIV, kết quả của tình trạng đức tin xâm nhập vào các hoạt động triết học, chính trị, xã hội đã mang lại cách nhìn mới trong xã hội phương Tây. Khía cạnh cá nhân có thể được nhìn thấy nơi nhiều hoạt động. “Một bản thể học mới của cái cá nhân được xây dựng trong khi cái chủ thể cá nhân hoá trở thành một phạm trù cơ bản của luật pháp. Gần như khắp nơi ở Tây Âu, sự thành lập rồi củng cố những thành phố đầu tiên thực sự đều xuất phát từ sự cộng tác của những ý chí cá nhân hoạt động theo sáng kiến của riêng mình”.[12]

Một số nhân vật được nhắc nhớ nhiều trong thế kỷ XI và XII tại Pháp như: Roscelin và Abélard trong việc mở đầu thần học về cái cá biệt. Nhưng trung tâm những đột khởi tự phát có nhiều ảnh hưởng dường như lại đến từ nước Anh nơi mà Guillaume d’Ockham thực hiện cuộc cách mạng về phương pháp luận làm nẩy sinh vào thế kỷ XIV một trào lưu Duy Danh Luận (nominaliste) thứ hai mạnh mẽ hơn và có những hàm nghĩa chính trị và xã hội to lớn hơn. Kể từ thế kỷ XV, hình ảnh của anh chàng cá nhân đang được thai nghén về tinh thần và pháp luật đã phát triển sẽ bắt đầu nhập thân thành những cách sống mới có xu hướng giải phóng y khỏi truyền thống, nhóm và các tôn ty của “trật tự tự nhiên”.

Thời kỳ Cận đại: Với sự phát hiện cái “Cogito” được nêu lên trong “Luận về phương pháp” (1637) Descartes được xem như là người ký giấy khai sinh triết học cho các cá nhân tối thượng. Tư tưởng này tiếp tục được Descartes triển khai trong “thư gửi Elisabeth”: “Mỗi người chúng ta là một con người tách khỏi những người khác và do đó, các quyền lợi của mình theo một cách nào đó đều khác các quyền lợi của phần còn lại của thế giới”. Tuy nhiên, Descartes vẫn không thoát khỏi tư tưởng của Chủ toàn thuyết khi ông nói trong phần sau đó của bức thư: “bao giờ cũng phải xem những quyền lợi của toàn thể mà mình là bộ phận cao hơn những quyền lợi của riêng mình”.[13]

Một vài tác giả thời danh khác được nhìn thấy trong giai đoạn này như Leibniz với “Thuyết đơn tử”, Overton với “Thuyết bình quân”, và đặc biệt là Spinoza. Sau Spinoza, ta có thể kể đến Immanuel Kant ở thế kỷ XVIII. Quan điểm của ông về tầm hạn của lý trí, về ý nghĩa kinh nghiệm, đã đánh dấu và quyết định chuyển hướng của nền tư tưởng Âu Châu, nhất là trong triết học. Có thể gọi ông là người châm ngòi cho “Thuyết hiện sinh”- chủ thuyết giải phóng hoàn toàn con người khỏi những ràng buộc cố hữu, phát triển rất mạnh mẽ vào những năm tiếp theo sau.[14]

Thời kỳ Hiện đại: Tuy có nhiều luồng tư tưởng khác nhau chi phối thời đại này như Chủ nghĩa xã hội của K.Marx hay Hiện tượng học do triết gia người Đức Edmond Husserl (1859-1938) khởi xướng…, nhưng luồng tư tưởng của các triết gia hiện sinh đang được coi là đặc sắc nhất trong thời kỳ này. Một cách ngắn gọn có thể định nghĩa “Hiện sinh là một động tác tự khẳng định của hữu ngã cá nhân trong vũ trụ”.[15] Như vậy hiện sinh là một lập trường hay thái độ sống của kẻ sinh ra để làm người hoặc muốn làm người, lập trường ấy không có nền tảng hay giải thích nào khác hơn là chính sự tự khẳng định bản ngã mình. Dựa trên lập trường này, có hai định hướng được vạch ra đó là những người đi theo thuyết “Hiện sinh vô thần” với những đại diện như: Heidegger, J.P.Sartre, M. Ponty… và những triết gia “Hiện sinh Kitô giáo” với những gương mặt như: Kierkergaard, G. Marcel, K.Jaspers…

Tóm lại, từ cái nhìn sơ lược về lịch sử cá nhân luận ta thấy xuất hiện một số vần đề nảy sinh như sau:

+ Theo quan điểm tập thể chủ nghĩa, hoặc chuyên chính, mọi cá nhân là thành viên của quốc gia, cũng như tay chân và các cơ quan tạng phủ của con người, một bộ phận như vít, ốc,… trong bộ máy xã hội. Các cá nhân này không còn ý chí riêng, chẳng khác gì một con ốc trong một bộ máy. Các hoạt động cá nhân chỉ diễn ra vì lợi ích của toàn thể. Khi có sự xung đột nảy sinh giữa cá nhân và tập thể, mọi ưu tiên phải được dành cho tập thể.

+ Theo quan điểm cá nhân thì mọi thoả mãn cho cá nhân phải đứng hàng đầu. Mọi tổ chức tập thể chỉ là công cụ cho cá nhân. Vì thế, tổ chức tập thể càng ít càng tốt, càng hạn chế quyền hạn càng hay. Điều này trái ngược với quan điểm tập thể chủ nghĩa.

+ Quan điểm người viết cho rằng cần ở trạng thái trung dung. Điều này có nghĩa là nhà nước hay các thể chế tập thể không chỉ phục vụ cho vấn đề chính trị – hoà bình, bảo vệ luật pháp,… mà còn phục vụ mục tiêu cao nhất của con người, đó là hạnh phúc của mỗi cá nhân. Một quốc gia ổn cố và có trật ự một cách công bằng sẽ đóng góp vào hạnh phúc của cá nhân trong quốc gia đó. Và một cá nhân có lương tri và tinh thần công dân cũng đóng góp vào hạnh phúc của người khác bằng cách chu toàn các bổn phận công dân của mình. Vì vậy khi trả lời cho câu hỏi: “Người ta sẽ hoàn thiện mình trong thế cô lập hay trong cộng đồng?”. Quan điểm của bài viết sẽ là con người chỉ trở thành mình trong mối tương quan với những đồng loại của mình.

3. Sơ lược về tư tưởng của Karl Jaspers[16]

Như đã trình bày ở trên, trào lưu hiện sinh được đánh dấu bằng nhiều khuôn mặt, với những dấu ấn chuyên biệt của từng triết gia. Thế nhưng trong giới hạn của bài viết, bài viết này xin được dựa trên lập trường tư tưởng của K.Jaspers như là nền tảng của việc suy tư về tính đoàn lũ trong thanh niên Việt Nam.[17]

Về tư tưởng của K. Jaspers, ngoài những yếu tố chuyên biệt của hệ thống triết hiện sinh, nơi ông còn nảy ra những nét đặc sắc riêng như:

a/. Hữu thể bản ngã (Ichsein)

Hữu thể bản ngã là cách gọi của ông đối với những nhân vị tự do và tự chủ. Theo ông, không phải bất cứ ai cũng vươn tới mức hiện sinh nhân vị này: từ cấp sự vật đến cấp hiện sinh có một bước nhảy, một sự vượt bậc. Vì thế nhiều người, tuy được sinh làm người, nhưng thực sự vẫn chưa đạt tới mức hiện sinh, họ vẫn sống vô ý thức như cây cỏ và cầm thú, họ sống như “người khác”, vô ý thức và vô trách nhiệm. Họ sống nô lệ dư luận, nô lệ truyền thống, đoàn thể. Họ chỉ là những đơn vị người, nhưng chưa phải là những nhân vị tự do. Nhân vị tự do thì ý thức về quyền tự do của mình, đồng thời cũng ý thức sâu xa về trách nhiệm làm người của mình. Người tự dovà tự chủ phải ý thức và nắm lấy tất cả ý nghĩa tất cả cuộc nhân sinh về mình, cho nên người đó phải tự quyết về mình.

b/. Tự do

Con người được tự do không phải có nghĩa là có thể làm mọi điều mình muốn, mà có nghĩa là có thể làm điều gì hợp với bản tính sâu sắc của mình, tức là điều gì mình có bổn phận phải làm. Vậy, có thể có một lối hiểu cho tự do tuy không làm hài lòng mọi người nhưng có thể tạm khái quát là: “quyền tự do là quyền làm điều gì mình phải làm và không buộc phải làm điều gì mình không phải làm”.[18]

Theo K. Jaspers, tự do là đặc tính của hiện sinh, là tự quyết và tự chọn. Thế nhưng đạt được chúng không phải là điều dễ. Nếu như nơi con người, từ việc sinh tồn vươn đến hiện sinh cần một bước nhảy, thì từ việc quan niệm về tự do đến chỗ thấu hiểu thế nào là tự do cũng cần một bước nhảy- một sự vượt bậc.

Khi áp dụng phương pháp “soi vào hiện sinh”, K. Jaspers cho rằng tự do bắt nguồn từ trong cái mạch vẩn đục và hùng hổ là dục vọng và ý muốn cạch tranh sinh tồn. Thiếu sức thúc đẩy đó, con người không thể trở thành người có chí khí, không thể đạt tới tự do hiện sinh. Những người hiền như cừu và lành như nắm bông không thể giúp ích gì cho xã hội. Nhìn theo khía cạnh này, các nhà giáo dục cho rằng những đứa trẻ “rắn mày, rắn mặt” tuy khó bảo, nhưng có triển vọng gấp trăm lần những đứa hiền như bụt, dễ bảo, dễ nghe. Từ quan niệm này cho thấy tự do là tự ý thức về hành vi của mình. Sẽ có một ngày nào đó, con người giật mình về hành vi của mình và nảy sinh tự vấn. Khi đó con người vấp phải toà án của lương tâm, từ đây con người bước từ lối sống vô tâm sang lối sống có suy nghĩ- một bước tiến lên tự do hiện sinh.

Thế nhưng khi nhìn về tính luân lý ẩn tàng trong mỗi con người, K. Jaspers cho rằng con người cần vượt qua việc làm nô lệ cho lề luật, sao cho những luật lệ kia không phải là những yếu tố khách quan nhưng cần được biến đổi để trở thành những yếu tố tự nguyện, mình lập ra cho mình, không còn cảm thấy mình bị ép buộc. Những quyết định của tự do hiện sinh chỉ có giá trị đầy đủ khi con người phải tự quyết thực sự. “Khi tự quyết, tôi đã nghiệm thấy sự tự do của tôi. Tôi không quyết định về một sự vật nào hết, nhưng quyết định về chính mình tôi. Tôi hoàn toàn là tôi trong sự quyết định đó. Cho nên tự do đồng nghĩa với tự chọn”.[19]

c/. Cảm thông

Tương tự như tự do, cảm thông cũng là một điều kiện của hiện sinh và chúng cần chứng nghiệm qua phương pháp “soi vào hiện sinh”. Qua phương pháp này, chúng sẽ giúp khám phá cảm thông đích thực khác với chủ trương của xã hội cộng sản, khác với quan niệm xã hội gồm toàn những đơn tử.

Cảm thông theo K. Jaspers được bắt nguồn từ sự khác biệt nhưng trong đó ẩn chứa thương yêu. Càng xung khắc, càng thương yêu, cảm thông càng mạnh. Cảm thông của yêu đương là kết quả của chiến đấu yêu đương (combat d`amour). Vì vậy, nhường nhịn chưa phải là cảm thông. Chỉ có cảm thông giữa những con người biết sống theo hiện sinh trung thực, những con người biết trọng nhân cách của tha nhân.

Tha nhân vừa là “tha”, vừa là “nhân”. Thường người ta dễ công nhận cho tha nhân là nhân. Rất ít người chịu công nhận cho tha nhân là tha, nghĩa là người khác- không phải là người y như tôi. Tuy K. Jaspers không nghiên cứu kỹ về tha nhân như G. Marcel, nhưng ông cũng nhấn mạnh không kém. Bởi chính những đặc sắc của mỗi người làm cho mỗi người có một nhân cách khác nhau. Thông giao đòi buộc có một sự công nhận tha tính của tha nhân. Vì thế, mỗi người cần giữ vững sự tự do và độc đáo của mình.

II. NỘI DUNG TÌM HIỂU

Sau khi đã tìm hiểu một cách khái quát những thuật ngữ sử dụng trong bài viết và những đặc điểm chính của tư tưởng K. Jaspers, thiết nghĩ để có thể áp dụng giải thích tính đoàn lũ nơi thanh thiếu niên Việt Nam, ta cần nhận diện thực trạng và tác hại của tính đoàn lũ nơi đối tượng này. Có thế, lý do và tính thiết thực của bài viết mới càng trở nên sáng rõ.

A. THỰC TRẠNG VÀ TÁC HẠI CỦA TÍNH ĐOÀN LŨ HIỆN CÓ NƠI THANH NIÊN

1/. Thực trạng

Thật chẳng quá khi nhận định rằng lối sống đoàn lũ đang ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người thanh niên. Cách rõ nét nhất có lẽ ở nơi trang phục. Đầu thập niên 90 là những trang phục mang phong cách Hồng-kông với kiểu dáng hơi chút phóng khoáng, màu sắc bắt mắt. Thời gian ấy phong trào mặc quần ống loe cũng đã trở lại sau mười lăm năm im tiếng. Cũng thời gian này, vô số các bà các cô phải may hàng loạt những bộ áo dài có tà gần chấm gót. Những chiếc áo dài cũ thì được sửa lại cho những người nhỏ hoăc thấp bé hơn. Nhưng nói chung, tà áo phải dài. Vì không thế thì không hợp thời, không theo trào lưu mới. Mặc một chiếc quần ống túm, chiếc áo dài có tà ngang bằng đầu gối ra đường sẽ phải hứng chịu những cặp mắt soi mói, những tiếng cười mỉa mai. Và như vậy, thanh niên vô tình chạy theo thị hiếu của đám đông một cách vô thức cho dù có thể họ không muốn. Cứ thế, hết phong trào này, đến phong trào khác nổi lên trong vấn đề trang phục. Có những lúc ra đường hoặc đi đến những nơi đông người, ta sẽ được chứng kiến những kiểu trang phục hàng loạt như: Nữ thì mặc áo ngắn trên rốn, áo hở lưng…; Nam thì mặc quần Hàn Quốc, áo “body”, giầy Italy… có thế mới gọi là thức thời, có thế mới sang. Nét độc sáng thể hiện tính cách của mỗi người qua trang phục đâu chẳng thấy, chỉ thấy những thiếu nữ quá khổ phải cố gắng kéo tà áo che bớt những vòng eo không được thon thả lắm sau mỗi năm phút; hoặc những chàng trai đi giữa thành phố mà trang phục như đi dự một vũ hội hoá trang hay đang ở đâu đó trên bãi biển Ha-oai. “Hình như có một phong cách riêng chưa định hình, vì có người còn nghèo quá thì làm sao ăn mặc theo ý muốn, còn người giàu quá thì từ xe cộ, áo quần, trang sức lại không giống ai”.[20]

Thứ đến ta có thể chiêm nghiệm thấy tính cách đoàn lũ của giới trẻ thể hiện rất rõ qua những phương thức giải trí. Đua xe, chơi xe đời mới, vui chơi trong quán bar, chơi điện thoại di động… là những yếu tố thường thấy nơi những người trẻ. Những lối chơi này đã làm hao tốn tiền của, sức lữc của người trẻ không ít. Tất cả chỉ vì “chảnh”. “Đêm giao thừa 2001-2002, trong ánh đèn màu loạn xạ của vũ trường Hàn Huyên (Q1, TP.HCM), phải dụi mắt vài lần, chúng tôi mới tin rằng cái hình ảnh mình thấy là có thật: chàng “công tử”đang ngồi hể hả sau chai rượu X.O giá hơn hai triệu đồng/chai là “cái thằng cà chớn, lần nào mua ổ bánh mì của tôi cũng chê nhiều chê ít thịt”, như lời chị chủ xe bánh mì lề đường gần góc ngã tư Lê Văn Sỹ- Trần Quang Diệu (Q3- TP.HCM) có lần “lên án”với chúng tôi. “Thì chảnh đó mà”- người bạn trẻ cùng đi với chúng tôi lắc đầu”.[21]

Quả thực “chảnh” là một hình thức chứng tỏ của thanh niên về chỗ đứng của mình trong một giới nào đó. Chứng tỏ mình là người có nhiều kinh nghiệm ăn chơi, không như những đứa “hai lúa” khác. Đạt được điều ấy, họ phải xoay xở hết mức để kiếm tiền tham gia vào những hoạt động vui chơi như thế. Nhưng trong lứa tuổi học sinh, sinh viên hoặc mới kiếm được việc làm, làm sao họ có nhiều tiền để chi dùng trong việc vui chơi, giải trí? Thiết nghĩ, phải chăng tình hình thanh thiếu niên phạm pháp gia tăng là do phần góp đáng kể của “mô-đen chảnh” này?

Cũng xin được lạm bàn về hiện tượng “chảnh” trong giới trẻ hiện nay. Như đã trình bày ở phần thuật ngữ, độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi của sự khẳng định bản thân. Người thanh niên mong muốn khẳng định mình trong mối tương quan với người khác, với xã hội. Phải chăng “chảnh” là tiếng nói của sự mong muốn khẳng định cá nhân? Bởi khi “chảnh”, ta nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của người khác, rằng: “đứa này biết chơi”. Rõ ràng sức ép từ phía bạn bè đặc biệt mạnh mẽ trong khía cạnh này.

Thế nhưng trong cái nhìn khách quan ta nhận thấy ở trong “chảnh” ẩn chứa một lối sống đoàn lũ đan xen với chủ nghĩa cá nhân nửa mùa. Tôi hành động để người khác ngưỡng mộ, thán phục bởi cách ăn xài của tôi đó là một chút chủ nghĩa cá nhân; nhưng tôi hành động như vậy theo một phong thái được quy định trong nhóm bạn, trong lớp trẻ mà nhiều khi đi ngược lại với hoàn cảnh, sở thích, quan niệm của tôi, thì đó lại là tính đoàn lũ. Cái nguy trong xã hội ngày nay đó chính là việc biến cho một cá nhân hành động mà không ý thức được tình trạng đoàn lũ của mình; không nhận ra rằng giá trị của con người tôi được đặt dưới chân đám đông, dưới sức ép từ phía bạn bè. Vì vậy “chảnh” vẫn lên ngôi, đoàn người vẫn lũ lượt tiến bước mà vẫn không rõ mình đang bước theo cái gì.

Cuối cùng, người viết xin được khảo sát tính đoàn lũ nơi thanh niên, thể hiện trong chiều kích chọn lựa trong học hành và nghề nghiệp. Trong bức tranh toàn cảnh hiện nay, người ta vẫn chỉ nhìn thấy một điều rằng: chỉ có học Đại học mới có nhiều cơ hội nhất để tiến thân, hầu như mọi người đều cho con em mình cố sống cố chết để vào học một trường chuyên nghiệp nào đó với mức bằng cấp cao nhất, học vị cao nhất.

“Một bà mẹ khoe với chúng tôi về hai đứa con “không hề biết ăn chơi, suốt ngày chỉ biết học…” Chúng tôi không biết nên vui hay nên buồn khi nhìn hai bạn trẻ, một học lớp 12 và một chuẩn bị tốt nghiệp Đại học với kết quả khá: cả hai đều đeo kính cận dầy cui, đến 4-5 độ?! Một bạn cho biết mình sắp tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, nhưng rồi nói nhỏ với chúng tôi: “tôi không hề muốn theo ngành này chút nào, nhưng tôi đành phải theo để dễ kiếm tiền khi ra trường”. Người bạn trẻ đang học lớp 12 thì thú thật: “Năm nay tôi quyết định thi kiến trúc cho có tương lai, dù tôi rất mê ngành báo chí…,”. Làm sao những người bạn trẻ này có thể bước vào đời một cách “tử tế” được khi ngay từ trên ghế nhà trường, họ đã định hướng chọn nghề chỉ với một tiêu chí duy nhất: khả năng kiếm tiền nhiều hay ít của nghề nghiệp mình chọn?!”.[22]

Với xu hướng cố gắng phải qua Đại học khiến cho nhu cầu học tăng lên, tạo một áp lực lớn cho xã hội, hệ quả là hàng loạt các trường Đại học mới ra đời, các trường Cao đẳng thì nâng cấp lên Đại học, Trung học và dạy nghề thì nâng cấp lên Cao Đẳng, dường như chẳng trường nào chịu yên phận đứng nhìn thị trường tuyển sinh Đại học và Cao đẳng. Trong khi cả xã hội hướng vào việc đào tạo Đại học thì việc đào tạo nghề bậc cao hết sức khó khăn, không phải các trường nghề, các trường Trung học kĩ thuật không muốn mở rộng đào tạo, mà vì thanh thiếu niên của chúng ta, ít có người muốn học, những lực lượng ưu tú nhất đã vào học Cao đẳng, Đại học, còn vào học nghề hiện nay vốn bị coi là bất đắc dĩ. Bởi lẽ đơn giản, họ trông thấy không có gì sáng sủa hơn cho con đường tiến thân của mình nếu không vào Đại học. Lỗi này là do xã hội, do phương thức giáo dục (điều này sẽ phân tích ở những phần sau). Thế nhưng không thể bỏ qua trách nhiệm không nhỏ của chính người thanh niên đó. Cách thức chọn ngành học theo thị hiếu xã hội một cách ồ ạt mà không tính đến năng lực, xu hướng của chính bản thân đã khiến nhiều thanh niên phải khóc dở, mếu dở sau mỗi kỳ thi tuyển sinh. Kỳ thi tuyển sinh Đại học và Cao đẳng năm 2003 đã nói lên điều đó.

“Sau khi có kết quả kỳ thi Đại học, Bộ Giáo Dục đã thành lập Đoàn kiểm tra. Đoàn đã đến các trường rút gần 1000 bài thi có tổng điểm ba môn đạt 0 điểm. Trong đó, Trường có số bài thi điểm 0 cao nhất là Đại học Kinh tế A TP.HCM (382 bài); sau đó là đến Đại học Nông Lâm TP.HCM (160 bài); Đại học Dân lập Kỹ Thuật TP.HCM (65 bài)… Theo kết quả thống kê từ 2,7 triệu bài thi của gần 900.000 thí sinh tham dự kỳ thi Đại học năm 2003, cùng một bài “sát hạch” là đề thi chung của Ban đề thi do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo ra, có tới 86% thí sinh có bài thi ba môn dưới 15 và 66% thí sinh có bài thi ba môn chưa nổi 10 điểm”.[23]

Tương tự, trong cách chọn nghề cũng gặp những vấn đề như vậy. Từ việc chọn ngành học không đúng sở thích, khả năng sẽ dẫn đến việc chọn nghề một cách máy móc. Cứ thế, những người chọn nghề theo tính đoàn lũ, chắc hẳn sẽ chẳng thích thú gì trong công việc, họ sẽ không thể sáng tạo hay đóng góp gì nhiều cho công việc. Và vậy là họ cứ kéo lê sự lây lất cho qua ngày. Làm chỉ để kiếm tiền để sống. Ý nghĩa của việc tiếp tay vào công cuộc sáng tạo của nhân loại khó thấy ở nơi họ.

Từ thực trạng trong cách thức chọn nghề nghiệp trong thanh thiếu niên, ta thấy người thanh thiếu niên phải chịu nhiều sức ép từ những nhu cầu của xã hội. Những ngành nghề được xã hội ưa dùng luôn được đề cao trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng luôn tác động mạnh mẽ vào tâm thức những người đương đại. Cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy một cậu học sinh trung học có tâm hồn văn thơ, nghệ thuật lại bị cha mẹ hướng vào những ngành nghề như kế toán, kinh tế, tin học- những ngành học thời thượng.

Tóm lại, như trên đã trình bày một vài khía cạnh của thực trạng mà qua đó thanh niên Việt Nam thể hiện tính đoàn lũ. Qua những nhận định gợi ý như trên, khi quy chiếu vào những vấn đề xã hội khác, ắt hẳn ta sẽ nhận ra trong những hoạt động ấy, không thiếu cái mà ta gọi là tính đoàn lũ. Vậy vấn đề đặt ra là tính đoàn lũ có đáng quan tâm? Chúng có phải là một vấn đề lớn đến nỗi bài viết này phải nghiên cứu? Thiết nghĩ để hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề, việc đánh giá những tác hại của chúng sẽ cho mọi người thấy rõ điều đó.

2/. Tác hại

Từ những thực trạng kể trên có thể lượng định được tầm mức nguy hại khi tính đoàn lũ trở nên phổ biến trong thanh niên. Xã hội không thể trông mong gì nơi một thế hệ mà bản sắc của mỗi cá thể không được xác định. Có thể coi đây là căn bệnh mà mỗi cá nhân, gia đình và xã hội phải hứng chịu.

Nơi cá nhân, một người chỉ có thể thành người khi mỗi suy nghĩ, hành động của họ ẩn chứa trong đó là sự suy nghĩ với đầy đủ lý trí, biện phân bằng ý chí và chọn lựa bằng tự do của chính họ. Vì thế khi họ hành động mà thiếu đi những chiều kích ấy, ý nghĩa “người” trọn vẹn của họ bị khuyết. Bản chất cao quý mà Thượng Đế phú bẩm vào con người cũng vì thế bị lu mờ. Điều này có tác hại ghê gớm cho một hành trình làm người. Bởi làm sao có thể chấp nhận một con người tồn tại mà không mang một giá trị nào của con người. Vì vậy sẽ chẳng ngoa ngôn khi nói mạnh rằng tôn giáo, xã hội, tổ chức nào trì kéo con người, không cho họ có những suy nghĩ, ứng xử cho đáng là con người, tức là có ý chí và tự do, thì tôn giáo, xã hội, đoàn thể đó không còn lý do nào để tồn tại. Tự do con người là thứ gì đó thánh thiêng không ai có quyền tước đoạt, lạm dụng của người khác.[24] Tương tự thế, ta cũng không thể chấp nhận được một số người nào đó khước từ tự do, chối từ quyền làm người. Đã mặc lấy thân phận làm người thì con người có bổn phận thể hiện chúng trong lịch sử của đời mình. “Vì người không phải là một đồ vật, hay một hiện tượng vật lý đồng hạng với các sự vật khác. Người là chủ thể của bất cứ suy tư nào mang tính khoa học hay triết học”.[25] Vì thế, mỗi khi không thể hiện được tính chủ thể của mình, thì người bị xem như bị khiếm khuyết trong tiến trình thành nhân.[26]

Người sống nếp sống đoàn lũ hẳn sẽ không cảm nghiệm thấy niềm vui sâu xa trong những suy nghĩ, hành động của mình. Bởi những hành vi, suy nghĩ ấy đâu phải những gì nói lên vị thế, lập trường, quan điểm của họ. Họ không phải dày công tìm tòi, vấp ngã, tiến từng bước một trên con đường xác định bản sắc, sáng tạo nên cuộc đời của mình. Chúng chẳng phản ánh một chút gì về bản thân họ. Chỉ là cục thịt thừa, một khối ung thư, bao nhiêu thứ dinh dưỡng họ hấp thụ được chỉ dành nuôi khối u ác tính ấy. Vì vậy, đối diện với những phong ba bão táp của cuộc đời, đối diện với những thử thách trước mắt, họ dễ bị gục ngã nếu không có chỗ cậy dựa, nếu không có một đoàn lũ nào cho họ bám đuôi. Theo chúng tôi, tình trạng thanh thiếu niên Việt Nam ngày nay có tỉ lệ vướng vào các tệ nạn xã hội cao là do nguyên nhân này. Bởi họ không thể đứng vững một mình; nếu có bám được vào đuôi nào thì bám phải những đuôi không nên bám.

Kế đến, để tồn tại trong một môi trường chưa hẳn phù hợp với mình, những người có tính đoàn lũ thường nảy sinh một thái độ “khôn vặt”. Họ tìm đủ mọi cách để tồn tại trong nhóm, tập thể ấy mà không bị loại trừ. Nơi những con người này, họ sẵn sàng đạp đổ, tung hê những giá trị, luồn lách đủ mọi cách chỉ để một mục đích được an toàn trong đám đông ấy. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ xem nhẹ các giá trị đạo đức, luân lý. Tất cả hoạt động phạm pháp, phi đạo đức nơi người trẻ dường như chỉ tìm kiếm một trận cười, một lối thoả mãn ngông cuồng nào đó mà không nghĩ đến những người chung quanh. Quả thực đây là chứng bệnh nan y, một khiếm khuyết lớn nơi người trẻ. Chúng có tác hại ghê gớm. Đặc điểm khiếm khuyết này không chỉ gói gọn trong mỗi cá thể mà chúng còn liên đới sang những đối tượng khác, cụ thể là gia đình và xã hội.

Gia đình hẳn sẽ phải lãnh nhận nhiều hậu quả do những thành viên có lối sống đoàn lũ mang lại. Có lẽ ở những người “bệnh nhẹ” thì không đáng kể. Nhưng những thanh niên bị lệ thuộc vào người khác nặng nề đến nỗi vướng vào các tệ nạn xã hội như hút chích, ăn trộm, cướp giựt, đua xe… thì hậu quả ấy gia đình phải gánh vác thật nặng nề. Nguyên nhân khởi đầu cũng chẳng có gì ghê gớm. Thoạt tiên chỉ là những lời khích bác, chê bôi rằng nhát gan, không đáng mặt ăn chơi… Điều này đụng chạm đến những điều tối kỵ của người thanh niên đó là bị người khác xem thường. Như đã trình bày ở phần thuật ngữ, người thanh niên trong độ tuổi này mong muốn được chứng tỏ khả năng, muốn xã hội nhìn nhận vai trò của mình. Và khi những lới khích bác được đưa ra, máu anh hùng nổi lên, và thế là hậu quả đưa đến, không những người đó phải lãnh chịu mà cả những ông bố, bà mẹ cũng phải gánh vác không ít.

“Có lẽ người thanh niên 20 tuổi Hồ Minh N. là bệnh nhân gây ồn ào nhất trong đêm hôm đó. Khi được bốn, năm bác sĩ, điều dưỡng viên tập trung điều trị cho cặp chân gãy của mình, N. liên tục rên la, chửi bới lung tung, thậm chí chửi thề ngay cả với những người đang chữa trị cho mình. Đến mức người cha của N. dù đang đau khổ cũng không chịu nổi, ông vừa nạt: “thằng mất dạy, có im đi không” vừa quay sang phân trần với bác sĩ: “các bác sĩ thông cảm, chắng lẽ bây giờ tôi đập nó mấy cái”.[27]

Ở nhiều bài viết mà ta đọc đó đây, tình trạng liên đới của gia đình vào những hành động không ý thức thức của con cái thật không ít. Nói gì đi nữa, cho dù người thanh niên đã đến tuổi trưởng thành, nằm ngoài sự bảo hộ của gia đình, nhưng khi gặp bất cứ biến cố nào, trong xã hội Việt Nam, người thanh niên liền chạy ngay về với sự đùm bọc của gia đình. Nơi ấy họ sẽ tìm thấy sự che chở, săn sóc. Và như vậy, “con dại, cái mang” là một nét ứng xử thấm đẫm nghĩa tình nhưng cũng chứa chan nước mắt của các bậc phụ huynh.

Tiến xa hơn khi xem xét ảnh hưởng trên khía cạnh xã hội, chúng ta dễ nhận thấy rằng những người chịu ảnh hưởng bởi tính đoàn lũ thường đề cao những giá trị mà người khác đề cao- dẫu rằng những giá trị ấy không bền vững, hơn là việc đề cao những giá trị mà chính bản thân mình cảm nghiệm và cần thiết phải đề cao. Một cái nhìn cụ thể, trong xã hội ngày nay người ta thường nói nhiều đến thái độ thực dụng. Thái độ này có đặc điểm là cân đo mọi chiều kích giá trị dựa trên vị thế và lợi ích kinh tế mà chúng đem lại. Một lần nữa lại đề cập đến chuyện giáo dục, không phải không có lý khi các bạn trẻ thời nay thích học các ngành kinh tế hơn là các ngành xã hội. Chỉ vì chúng mang lại nhiều cơ hội có việc làm, kiếm được nhiều tiền khi ra trường. Hay như có một thời, người ta kháo nhau rằng: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” nhưng giờ đây, quan niệm này đã thay đổi hẳn. Vào mỗi dịp tuyển sinh Đại học, số bạn trẻ đăng ký thi vào Sư phạm không ngừng tăng. Chúng ta đừng tưởng nền giáo dục nước nhà có cơ hội phục hưng. Có lẽ rằng có, nhưng ẩn tàng sâu xa hơn dường như phụ thuộc vào việc giáo viên có thể dạy thêm hầu kiếm thêm thu nhập. Một vấn nạn rất lớn đặt ra cho xã hội khi mọi giá trị đều được đo lường bằng thước đo vật chất, tiền bạc. Bởi khi đó sẽ không còn gì được gọi là cao đẹp, nhân văn. Tính cách “xã hội người” vì thế cũng mất ý nghĩa. Còn đâu là cái “tình” hiện diện trong mối tương giao tha nhân với nhau. Bởi khi ấy, bất cứ thứ gì tôi bỏ ra, tôi đều phải tính toán sao chúng mang lại một lợi ích nào cho tôi. Điều này trái ngược hẳn với yêu sách làm người mà con người vốn có khi sinh ra.

Đứng trước những thực trạng thể hiện căn bệnh của thời đại nơi thanh niên Việt Nam, thiết nghĩ để đánh giá chúng cách chính xác, cần phải tìm hiểu nguyên nhân mà từ đó chúng nảy sinh. Qua đây ta mới có thể đưa ra một giải pháp mang tính thiết thực. Trong việc tìm hiểu nguyên nhân, hay nói một cách khác là lý giải những hiện tược trên, có nhiều lối lý giải khác nhau tuỳ theo khía cạnh nghiên cứu, lập trường phân tích. Ở đây, trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày cách lý giải của mình dựa trên quan niệm triết học đặc sắc của K. Jaspers.

B. THỬ TÌM MỘT LỐI LÝ GIẢI

1/. Dựa trên tư tưởng của K. Jasper

a/. Đoàn lũ là một lối sống đánh mất ý nghĩa hữu thể bản ngã

Như đã khái quát trong phần tư tưởng của K. Jaspers, thiết nghĩ, một lối sống lành mạnh là một lối sống thể hiện khía cạnh hiện sinh một cách tròn đầy nhất. Điều này cũng có nghĩa là nơi con người ấy, họ phải ý thức cách sâu xa rằng mình là một chủ thể. Là chủ thể là sống với những yếu tố tự do và tự chủ; là chủ thể có nghĩa là chủ động để tự hình thành nên nhân cách và bản lãnh của mình; là chủ thể có nghĩa là tôi thực hiện một bước nhảy từ tình trạng đồ vật lên tình trạng ngã vị, và là chủ thể có nghĩa là tôi thoát khỏi lối sống đoàn lũ.

Do vậy sẽ chẳng sai khi cho rằng những cá nhân sống theo tính đoàn lũ, theo một nghĩa nào đó, là những cá nhân không ý thức được hữu thể bản ngã của mình. Họ mới chỉ giới hạn cuộc sống của mình trong ý nghĩa sinh tồn mà chưa vươn tới ý nghĩa hiện sinh. Hiện sinh là một bước nhảy cao hơn. Chúng khác và chống lại sinh tồn. Nếu sinh tồn chỉ là sống như để sống, ham những gì dễ dàng, chạy theo những thú vui ào ạt, thì hiện sinh có nghĩa là sống với ý nghĩa của mình, ý thức được tôi sống để làm gì? Tôi sống sao cho thể hiện những gì là cao quý và độc đáo của bản thân tôi. Thế mới là hiện sinh.

Trong lối sống hiện sinh – lối sống ý thức được tính chủ thể của mình, rất cần yếu tố độc đáo như là hương vị hầu làm cho sự tự do và tự chủ của mình thêm hấp dẫn. Mỗi người góp mặt ở đời, không ai giống ai. Do đó người sống hiện sinh là người ý thức được cái độc đáo, món quà mà mình dâng tặng cho cuộc đời. Ở đây không thể có sự phân biệt cao thấp giữa những món quà ấy, chỉ còn là một sự bình đẳng đứng từ phía trao tặng. Người trao tặng cần biết những khả năng đó để khai thác cho kỳ cùng. Nếu không, có nghĩa là anh đang quay lưng lại với đời, đang bỏ rơi cuộc sống nhân sinh.

Tóm lại, từ tất cả những khai triển trên cho thấy, khi đem so sánh với lối sống đoàn lũ, một lối sống chịu ảnh hưởng của người khác, suy nghĩ và hành động theo số đông, thì ắt hẳn lối sống ấy không phải là lối sống hiện sinh; không phải là lối sống mà các cá thể ý thức về hữu thể bản ngã của mình.

b/. Đoàn lũ là một lối sống đánh mất tự do

Như đã trình bày, sẽ không thể có hiện sinh nếu thiếu yếu tố tự do. Có thể nói tự do là đặc tính căn cốt của hiện sinh. Khi một cá nhân thực hiện một “bước nhảy”, cá nhân cần thực hiện chúng qua sự tự quyết, tự chọn và trách nhiệm của mình.

Khi sống trong một tập thể ẩn chứa tính đoàn lũ, một cá nhân sẽ không còn cảm thấy nỗi sợ hãi lớn lao nào ảnh hưởng đến họ. Mọi đe doạ, trách nhiệm sẽ trở nên nhẹ nhàng vì bên cạnh và sau lưng họ đã có đoàn lũ kia bao bọc. Hẳn trong tâm thức của họ sẽ có ý nghĩ rằng: “Tôi thực hiện điều này không phải chỉ có mình tôi. Nếu người nào có trách cũng không đáng vì ai có thể lên án cả một tập thể? Mình tôi có là gì!” Đụng chuyện gì họ cũng lấy đoàn lũ của họ để bảo vệ. Từ đó họ cứ sống trong một vỏ bọc của đoàn lũ mà không ý thức chuyện đó. Họ cứ tưởng mình được an toàn trong nhóm ấy. Họ chỉ việc thực hiện những luật lệ của nhóm ấy một cách máy móc là sẽ được chấp nhận, được chở che. Họ không ngờ rằng mình chỉ là con rối, vật vô tri trong lối sống như vậy. Lối sống ấy là lối sống thiếu tự do, thiếu hiện sinh, hay nói một cách mạnh mẽ là tính người đã không thể hiện tròn đầy.

Trong một tập thể đoàn lũ, tự do bị bóp nghẹt bởi các cá nhân không thể nói “Không” với những quyết định của người đứng đầu hoặc của những thành viên cộm cán… Chân lý giờ đây thuộc về những kẻ mạnh, không phải là thứ chân lý tồn tại khách quan. Vì vậy một cá nhân muốn tồn tại trong nhóm, khi có ý kiến khác đành phải lặng thinh nếu không muốn bị khai trừ. Trong khi người tự do là người hướng về chân lý. Tự do chỉ có thể có trong mối tương quan đồng hướng đến chân lý cần đạt tới. Tự do, khuynh hướng ấy nơi con người là những gì tự nhiên, không giả tạo. Chúng thuộc về bản chất của con người. Do vậy người tự do là người tìm kiếm chân lý, dấn thân phục vụ cho chân lý, thênh thang khi có chân lý là bạn đồng hành.

Nơi tính đoàn lũ ngự trị, ta cũng không thấy có sự lựa chọn- một yếu tố cần trong khi thể hiện tự do. Không hẳn cá nhân sống nếp đoàn lũ nào cũng ngoan ngoãn nghe theo những mệnh lệnh của nhóm một cách vui vẻ. Kinh nghiệm khi tiếp xúc các bạn trẻ nghiện ma tuý cho thấy, ở những thời gian đầu, các bạn trẻ ấy cũng không muốn “dính” vào ma tuý. Nhưng họ không có đủ dũng lực để nói không, để chọn lựa cho mình một hướng đi. Sinh hoạt trong một nhóm bạn mà họ yêu thích, những lời dụ dỗ, khuyến khích, đe doạ đã làm mất đi khả năng chọn lựa của họ. Để rồi cuối cùng họ trở nên người nghiện như bao người nghiện khác. Như vậy, tự do đích thực là thứ tự do được thể hiện bằng sự chọn lựa của cá nhân. Cá nhân ấy cần hướng sự chọn lựa của mình đến những giá trị “Chân- Thiện-Mỹ” mỗi ngày. Điều này sẽ cho thấy sự trưởng thành của cá nhân ấy. Lựa chọn giữa tiếng gọi của lẽ phải với sự buông xuôi theo dục vọng tự nhiên, lựa chọn cho việc thể hiện bản chất của mình thay vì tuân theo những lối mòn của người khác… Nếu thực hiện được như vậy có nghĩa là cá nhân ấy đã thực hiện một cuộc “nhảy vọt” trong bước tiến hiện sinh của mình.

Tóm lại, một lối sống tự do là một lối sống thể hiện bản chất của một con người. Người sống tự do cần hướng đến chân lý trong sự lựa chọn và trách nhiệm của mình. Họ sẽ phải chống lại những lôi kéo nguy hại của những thế lực quá khứ đã đóng cặn, của những lối mòn rệu rã đến kinh người, của sự lười biếng, vô trách nhiệm, an thân. Tự do là biết đánh giá đúng và sống những giá trị hiện tại, vĩnh cửu trong truyền thống, lịch sử.[28]

c/. Đoàn lũ là một lối sống thiếu sự cảm thông

Tự do để thực hiện một bước nhảy hiện sinh của con người sẽ chẳng là gì nếu nơi chúng không có sự gắn kết với đời sống thường ngày, với những con người đang sống cùng, sống với những chủ thể ấy. Lựa chọn nơi con người hỏi còn là gì nếu thiếu đi những đối tượng người sống chung quanh? Vì vậy có thể nói sự tương quan giữa những con người với nhau là điều kiện cần để mỗi người thi hành sứ mệnh của cuộc đời mình, để sống hiện sinh. “Tôi sẽ không là gì cả nếu tôi chỉ là tôi”.[29]

Thế nhưng cảm thông không chỉ dừng lại ở mối chung đụng, tiếp xúc với những người chung quanh, không phải là xuôi chiều theo ý muốn của người khác. Cảm thông không phải là sự trộn lẫn giữa hai tự do của hai chủ thể. Cảm thông theo quan điểm của K. Jaspers bao gồm sự tranh đấuyêu thương. Tranh đấu để thể hiện cái tôi độc đáo của mình, tranh đấu để thấy tha nhân không phải là người đe doạ, không phải là địa ngục của tôi; và tranh đấu để thấy mình không bị vong thân. Vì vậy trong cảm thông, nếu thiếu tranh đấu sẽ không còn cảm thấy sự khác biệt nòng cốt của cảm thông. Nhưng cái nền tảng đầu tiên ấy phải được hoà trộn với sự yêu thương mới mong có được một sự cảm thông đúng nghĩa. Nếu chỉ có tranh đấu tất dẫn đến sự chia rẽ.

Từ những quan điểm trên khi soi vào lối sống đoàn lũ, ta thấy dường như lối sống ấy thiếu đi sự cảm thông đích thực. Cơ bản là chúng thiếu mất sự tranh đấu đích thực, thậm chí cả sự thương yêu đích thực.

Để thấy rõ điều trên, xin đơn cử một ví dụ minh hoạ sau: Một anh sinh viên khi tham gia vào một nhóm mà trong đó mọi người đều sử dụng điện thoại di động, có lẽ dưới một cái nhìn bi quan, không sớm thì muộn, cậu sinh viên ấy cũng dễ bị sức lôi kéo cần phải có một chiếc điện thoại di động quyến rũ. Dẫu rằng nhu cầu và mục đích sử dụng đôi khi không chính đáng. Đơn giản chỉ để gọi điện tìm bạn đi nhậu hoặc uống cà phê… Điều đó cũng dễ hiểu bởi mọi người trong nhóm đều có, chẳng lẽ ta không có. Mỗi lần gặp nhau, bọn chúng đều nói chuyện xoay quanh chiếc điện thoại, khoe nhau những điện thoại đời mới, kể cho nhau những tính năng của điện thoại mà mình mới khám phá… Để hoà nhập, ta cần phải có một chiếc. Và câu chuyện về chiếc điện thoại không chỉ dừng tại đó.

Điều ta có thể nhận ra được nơi chàng sinh viên ấy và tạm đưa đến kết luận rằng anh ta có xu hướng đoàn lũ. Một trong những căn nguyên đó là nơi anh thiếu đi sự tranh đấu cho lý do, bản sắc của mình. Có thể tự trong thâm tâm, anh ta không thấy có điện thoại di động là điều cần thiết. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, do sự thiếu mạnh mẽ, thiếu tranh đấu, anh ta đã phải xuôi theo người khác. Tình trạng này ta cũng gặp thấy nhiều nơi các bạn trẻ nghiện hút tại Việt Nam.

Có lẽ sự đấu tranh sẽ bất thành nếu mỗi chủ thể không thể xác định được căn tính của mình, không thể trả lời được câu hỏi: tôi là ai? Mà nếu có thành đi nữa, trong hành động ấy thiếu đi tính xây dựng, sự thương yêu, hẳn sẽ tạo nên sự chia rẽ. Một nhóm, tổ chức mà chỉ có đấu tranh ắt sẽ có ngày tan vỡ. Vậy nên K. Jaspers đã nhấn mạnh hai yếu tố đấu tranh và yêu thương phải bằng nhau[30] trong lối sống chất chứa sự thông cảm.

Tóm lại, cảm thông là một yếu tố rất quý trong đời sống của mỗi con người, nhưng chúng cũng rất khó để đạt được. Có thể xem chúng như một phương thức hoàn hảo của lối sống hiện sinh, bởi chúng được đặt trên nền tảng đấu tranh và thương yêu của hai chủ thể hiện sinh. Cả hai cần có cái nhìn tôn trọng tự do của nhau. Thế nhưng cả hai trong cái nhìn thông cảm đã trở nên một. Ở đây ta có thể so sánh chúng với ái tình theo lối nói của Dufrence et Ricoeur: “Ái tình là hiệp nhất, cho nên chỉ có ái tình khi có hai. Ai tình làm ta hy vọng thể hiện được mối hiệp nhất, nhưng chúng ta chỉ thể hiện sự hiệp nhất khi nào chúng ta nhận thức tính chất thực tại là hai của chúng ta”.[31]

d/. Đoàn lũ là một lối sống thiếu ý hướng triết lý

Nơi quan niệm của mình, K. Jaspers cho rằng mỗi người sống trên cuộc đời cần có một ý hướng triết lý để sống, hoạt động. Theo K. Jaspers, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mang một giá trị rất quan trọng, bởi: “Mặc dầu cuộc đời ta có lờ đờ trôi theo một chiều, với công việc thường xuyên không có gì mới mẻ, lạ lẫm, nhưng nó vẫn luôn được thấm nhuần một tinh thần cao quý, nhờ đó ta thấy đời ta có một ý nghĩa. Và ý thức ta có về vũ trụ và về chính bản thân ta sẽ là căn cứ nâng đỡ ta, vì ta tìm được một vị trí trong lịch sử, trong đó ta nhận ra ta là một thành phần, một vị trí trong đời sống ta bằng sống lại những kỷ niệm cũ và sự trung thành với mình”.[32]

Vậy ý hướng triết lý là gì?. “Sống ý hướng triết lý là thoát khỏi tình trạng u tối, bị hất hủi hay bị coi như một con số không tên tuổi”.[33] Người sống không có ý hướng triết lý là người không nhận ra tình trạng u tối của mình, không nhận thấy trước mắt mình con đường mình phải đi. Tất cả là mờ tối, tiến được bước nào hay bước đó. Họ không ý thức được tình trạng bị giam hãm của mình trong những hoạt động thường ngày, trong những cơ chế mà họ đang mang vác. Do vậy, nơi tâm trí họ không bao giờ xuất hiện các câu hỏi đại loại như: “Tôi là gì? Tôi đang thiếu thốn tư cách gì? Vậy tôi phải làm gì?”.

Sống trong một xã hội công nghiệp như hiện nay, “một thế giới bị bóc trụi hết mọi tư tưởng tượng trưng và siêu việt như thế, chỉ làm cho con người càng trở nên trống rỗng”,[34] người thanh niên Việt Nam càng chìm lỉm trong những công cụ, con số. Đây là một cản trở rất lớn cho họ tìm lại ý hướng triết lý của cuộc đời. Loay hoay với những cơm áo gạo tiền, những máy móc, tiện nghi… họ bị cuốn vào một guồng máy mà trong đó, họ là những bánh xe phải được lắp vào guồng máy đó. Thụ động, không định hướng, cuộc đời họ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Giả sử có một lúc nào đó họ hơi có định hướng cho cuộc đời. Họ muốn dừng lại. Không thể được, guồng máy, đoàn lũ lại cuốn họ đi. Họ lại trở về tình trạng vô hồn, sống vô vị trong cuộc sống, trong lớp áo đoàn lũ của mình.

Để tìm được ý hướng triết lý, K. Jaspers đề nghị hai hướng thực hành, “Một đàng, bằng việc suy niệm trong cảnh cô tịch, bằng tinh thần hồi tâm theo mọi hình thức; một đàng, bằng tình thông giao với mọi người, tìm hiểu lẫn nhau, trao đổi tư tưởng và thầm lặng công cộng”.[35]

Như vậy qua những gợi ý trên ta thấy, để cho người thanh niên Việt Nam thoát khỏi lối sống đoàn lũ, cần giúp họ nhận ra ý hướng triết lý cuộc sống của họ qua con đường suy niệm về bản thân, qua những mối tương quan, chỗ đứng của họ trong xã hội. Những ý hướng ấy sẽ là những nguồn sống lưu chảy trong huyết quản của họ, thể hiện qua suy nghĩ và hành động đồng nhất của họ.

2. Những lý giải mang tính “tất định”

Ở phần trên, bài viết đã cố gắng lý giải bản chất của tính đoàn lũ theo cái nhìn của triết học, cụ thể là triết học của K. Jaspers. Trong phần này, chúng tôi sẽ trình bày những lý giải mang tính tất định. Gọi là tất định vì theo lăng kính của khoa Tâm lý học, Xã hội học đã gắn con người với những hoàn cảnh môi trường cụ thể. Sống trong môi trường với những điều kiện ấy, mọi hành vi, suy nghĩ của con người đều chịu sự tác động của chuẩn mực mà xã hội mang lại.

a/. Ảnh hưởng của Chính trị, Kinh tế

Trong xã hội Việt Nam, một điều dễ nhìn thấy nơi phát sinh tính đoàn lũ, là do ảnh hưởng của chính trị, kinh tế. Chế độ độc Đảng đã loại trừ mọi đối thoại, cào bằng mọi thứ tự do. Mọi suy nghĩ của con người sống trong xã hội ấy đều một chiều. Sẽ không có bàn cãi, tranh luận mỗi khi có Nghị quyết, Quyết định được đưa ra. Thiết nghĩ đường lối ấy rất cần thiết cho việc ổn định đất nước sau ngày 30/04/1975. Thế nhưng về lâu dài, cách quản trị này sẽ xoá nhoà hết mọi khái niệm tự do của mỗi chủ thể. Tâm thức “suy nghĩ và hành động theo chủ trương” đã ăn sâu trong nếp nghĩ và nếp sống của mỗi người dân. Vì thế, nói theo quần chúng, làm theo quần chúng sẽ là lá chắn tốt nhất tránh khỏi vòng lao lý. Tâm thức ấy giờ đây trở thành thói quen đến nỗi mọi người chẳng còn cảm thấy ngạc nhiên về sự hiện diện của chúng trong đời sống của mình nữa.

Kế đến, phương thức sản xuất Xã Hội Chủ Nghĩa, cụ thể là mô hình Hợp tác xã giờ đây sau mấy chục năm nhìn lại mới thấy rõ những trục trặc của chúng trong lý tưởng và thực hành. Lối sản xuất và phân chia trong kinh tế không chú trọng đến khả năng và nhu cầu của người khác nhiều khi gây ra cảnh dở khóc dở cười. Ví dụ, ai đến tuổi trưởng thành cũng phải ra đồng làm việc theo tiếng kẻng hợp tác xã. Dù anh có làm hăng hái cách mấy, đến kỳ anh vẫn chỉ có đủ gạo để sống; dù anh có à ới, qua mặt, đến kỳ anh vẫn có đủ gạo không thiếu một lạng. Vậy tội gì anh phải chịu khó sớm hôm, cứ hoàn thành chỉ tiêu là đủ, là nghỉ. Hay như mỗi dịp mua hàng, bất kể phụ nữ hay nam giới đều được mua những mặt hàng giống nhau cho dù một số mặt hàng chẳng để làm gì (ví dụ thuốc lá đối với phụ nữ). Thế nhưng không mua thì lỗ, đành phải mua để bán lại. Với cách thức sản xuất và tiêu dùng như vậy mặc nhiên đã cào bằng tất cả mọi chủ thể. Để rồi từ đấy mọi người mất khả năng khám phá năng lực bản thân, thiếu động lực đóng góp công sức cho xã hội.

Như vậy, theo cách nhìn tất định, sẽ chẳng lạ gì khi thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của tính đoàn lũ, dẫu rằng công cuộc đổi mới đã diễn ra cách nay 20 năm. Thế nhưng như đã trình bày, chế độ độc đảng là một rào cản lớn cho mọi cuộc tranh luận. Vì thế, tính đoàn lũ đã có, đang có và mãi có nếu tình trạng này còn tồn tại.

b/. Ảnh hưởng của xã hội

Một điều mà theo chúng tôi người trẻ Việt Nam chịu khá nhiều thiệt thòi đó là việc bị quy kết trách nhiệm. Nhìn vào người trẻ, hẳn không thiếu người lắc đầu thở dài ngao ngán, buông những câu nhận định như: không có lý tưởng sống, sống không giá trị… Thực ra trong vấn đề này, người trẻ trở thành nạn nhân hơn là tác nhân gây ra những thực trạng đã đề cập phía trên. Những người lớn cần “đấm ngực” xét mình xem họ đã để lại gia sản gì cho người trẻ, những giá trị nào họ đang sống để người trẻ có thể noi gương? Chẳng lẽ trong thời bình, người trẻ cứ phải sống với một tâm trạng trong thời chiến?

Mặt trận người trẻ giờ đây phải đương đầu khác xa lắm với mặt trận súng đạn cha anh họ đã từng chiến đấu. Sau thời kỳ đổi mới, bước ra khỏi luỹ tre làng, người trẻ lúc bấy giờ không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi quan niệm về giá trị của thế giới. Những khẩu hiệu, mệnh lệnh họ sử dụng trước kia để củng cố tinh thần yêu nước, thương dân giờ không còn sử dụng được nữa trong xã hội mới này. Vì thế, chẳng có gì có thể khuyến cáo, bảo vệ họ trước những tệ nạn trong lối sống, suy nghĩ của thị trường. Và họ truyền lại cho con cháu hôm nay cũng với cứ những gì mà họ tích góp trước kia. Vậy là “hổng giò” cho cả hai thế hệ, mà nếu không chữa chạy kịp thời, con số không chỉ dừng ở hai.

c/. Ảnh hưởng của Giáo dục

Vấn đề giáo dục tại Việt Nam trong những năm gần đây trở nên hết sức nóng hổi. Có nhiều diễn đàn, hội thảo được tổ chức dành cho các nhà chuyên môn cũng như không chuyên nhằm tìm ra một giải pháp cho những trì trệ mà nền giáo dục nước nhà đang gặp phải. Và một điều mọi người dễ nhận thấy nhất là lối giáo dục, thi cử như hiện nay đã quá lạc hậu, không kịp với đà tiến của nhân loại, to lớn hơn đó là hạn chế, phá hỏng sự tư duy, khả năng sáng tạo của học sinh, sinh viên. Nhận định vấn đề này, giáo sư Dương Thiệu Tống trong một phát biểu có nói: “rốt cuộc người ta chỉ biết làm theo kinh nghiệm, hầu hết là những kinh nghiệm xưa cũ, lạc hậu.[36]

Kiểu học vẹt, từ chương nếu như thích hợp trong xã hội nông nghiệp, thì bước sang xã hội công nghiệp, hiện đại chúng đã trở nên lỗi thời. Việc học giờ đây ít còn là niềm vui thích nơi học sinh, sinh viên, thay vào đó chúng trở thành những gánh nặng phải mang. Gánh nặng ấy không chỉ là một áp lực tinh thần, mà còn thể hiện qua những gì các em học sinh phải mang vác như những sách giáo khoa, những sách giải bài tập để đến trường. Thêm vào đó, những buổi học bồi dưỡng, những buổi học thêm cũng vắt cạn tuổi thơ của các em.

Việc thi cử giờ đây chỉ còn là sân chơi của những trí nhớ tốt, là đấu trường của những “chú gà” đã kinh qua những buổi “tra bài đầu giờ”…, không còn chỗ cho những năng lực sáng tạo, tự do tư duy. Tình trạng này không chỉ dừng lại ở bậc Tiểu học và Trung học nhưng nó còn ăn sâu vào trong nếp nghĩ của những sinh viên Đại học. Vì thế nhiều người đã gọi trường Đại học Việt Nam là trường Trung học cấp bốn. Dĩ nhiên chương trình học có cao hơn, phương tiện giảng dạy có đầy đủ hơn, sinh viên ra nước ngoài học chuyển tiếp không khó khăn lắm. Nhưng điểm then chốt ở đây là Đại học Việt Nam thiếu vắng những nét quan trọng để phân biệt một trung học cấp bốn với trường Đại học đó là: quyền tự do phát biểu của sinh viên; sự bình đẳng giữa thầy và trò trong trao đổi tri thức cũng như trong tranh luận; và một môi trường để trưởng thành như một tri thức thực thụ, không chịu ảnh hưởng bởi những áp lực chính trị bên ngoài khuôn viên Đại học. Không phải sinh viên nào ra trường cũng trở thành tri thức, nhưng mục đích của Đại học phải đào tạo tri thức và giúp cho sinh viên có khả năng độc lập để chọn lựa cách sống của mình; kể cả lựa chọn không sống như một tri thức.

Về phần các giáo sư, một môi trường Đại học lành mạnh là một môi trường mà các giáo sư khuyến khích và ủng hộ những ý tưởng của sinh viên khác với quan điểm của mình. Nhiệm vụ của ông giờ đây không phải để tạo ra những sản phẩm giống như mình, có cùng cách nhìn và đánh giá như mình. Phải coi môi trường Đại học là môi trường phản kháng của sinh viên. Có thế mới lành mạnh; có thế giáo dục Việt Nam mới có cơ hội cất cánh. Nếu không, giáo dục chỉ đào tạo ra những con người có cùng cách nghĩ, cách sống, thiếu khả năng tư duy, sáng tạo, thiếu sự chọn lựa cho lối sống của mình. Những hệ luận ấy sẽ góp phần tạo nên một lối sống mang tính đoàn lũ.

C. MỘT LỐI NHÌN NGƯỢC

Ở những phân tích trên, dù không trực tiếp đề cập đến nhưng phần nào những luận chứng, luận cứ nêu lên cũng đã cho thấy quan điểm rằng: tính đoàn lũ là những suy nghĩ, hành động đáng bị đẩy lui ra khỏi nếp sống của con người. Vì thế, khi đề cập đến lối nhìn ngược này, bài viết không có ý phủ nhận tất cả những điều đã trình bày ở trên. Nhưng với ý nghĩ muốn làm rõ hơn những động lực, thực trạng của đối tượng nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy cần thiết góp thêm góc nhìn nhằm tránh cho bài viết nhìn nhận vấn đề cách phiến diện.

Dù rằng Will Durant có khẳng định về xu hướng độc lập của con người cổ đại đi nữa [37] thì một điều không ai có thể chối bỏ được đó là nhu cầu cần đến nhau của mỗi con người. Nhu cầu này khởi đi từ gia đình với những khát khao tìm vòng tay bao bọc chở che của cha mẹ nơi những đứa trẻ. Lớn hơn chút nữa, trẻ em rất cần đến nhà trường, chúng bạn để tiếp nối tiến trình hình thành nhân cách của mình. Và khi đã trưởng thành, nhu cầu tìm được một người khác phái để lập gia thất, một vị thế xã hội trong các nhóm là một nhu cầu cần thiết. Chẳng thế mà trong sách Sáng Thế đã chẳng nói: “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2,18) đó sao?

Kế tiếp, con người khác con vật ở chỗ chúng có văn hoá. Văn hoá sẽ ra sao nếu không có sự kế thừa, phát huy? Vì vậy, việc tham dự vào các nhóm xã hội, tham gia vào các mối tương tác xã hội để tiếp nhận những giá trị đặc trưng của loài người là một điều cần thiết cho bất cứ người nào. Khi tham gia như vậy, mỗi người cần tuân theo những chuẩn mực, quy tắc của nhóm là một điều cần thiết. Những chuẩn mực, quy tắc ấy sẽ giúp cho việc tồn tại, hướng tới mục đích của nhóm thêm vững bền. Do đó, trên con đường thể hiện bản thân, theo một nghĩa chặt nào đó, đoàn lũ cũng là một phương thế thể hiện nhu cầu của con người mong muốn kết hợp với người khác, mong muốn được trở thành người hơn.

Tạm dừng việc phê phán tốt xấu, hay dở, ta thấy đoàn lũ cũng là biểu hiện của một cách chọn lựa cho cuộc sống của con người có ý nghĩa. Nếu ta công nhận mỗi người hiện diện trên đời cần sống một đời sống có ý nghĩa thì ta không thể phủ nhận nơi một số người chọn lối sống đoàn lũ như là ý nghĩa của đời mình. Dĩ nhiên lối sống ấy là một lối sống chưa được hoàn hảo. Nhưng có thể trong góc nhìn của họ, được hình thành từ những kinh nghiệm, quan niện, học vấn,… Họ cho rằng một cuộc sống có ý nghĩa là một cuộc sống suy nghĩ và làm theo đám đông, bởi đám đông thường không sai lầm, mà nếu có sai lầm cũng không có ai bắt tội đám đông. Vì thế, tuy chưa có đủ chứng cứ để xác định đây là một lối sống mang lại ý nghĩa cho một số người, nhưng chúng tôi cũng cảm nghiệm được rằng không phải không có lý nếu một số ít người nào đó xem lối sống đoàn lũ như là lối sống tạo nên ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Cuối cùng, cần nhìn những hiện tượng, sự kiện trong mối thông cảm, hiểu biết đối tượng khi họ xử sự theo tính đoàn lũ. Như đã trình bày, mỗi người có một sử tính, hoàn cảnh, suy nghĩ và tự do riêng, không ai giống ai. Vậy nên trước một sự kiện, một lối ứng xử được thể hiện, ta không thể chụp mũ, quy kết rằng đó là lối sống đoàn lũ lối sống đáng bị lên án và loại trừ. Charlotte Towle có viết: “Đây là nguyên tắc quan trọng trong tác phong con người: dầu tác phong của một người có vẻ kỳ quặc đối với ta, họ có lý do của họ. Tác phong của người ấy cũng như của chúng ta, có tác dụng giúp duy trì một sự thăng bằng nào đó, tức là sự thoải mái trong đời sống của người ấy”.[38]

Tóm lại, nhận diện và có một thái độ tương ứng đối với lối sống đoàn lũ là một điều quan trọng. Thế nhưng trong thực tế, khi tiếp xúc với những con người, đặc biệt trong thanh thiếu niên Việt Nam, những người mà theo nhận định chủ quan là họ đang sống theo nếp sống đoàn lũ, ta cần cẩn trọng khi đưa ra một phán quyết, một lời hướng dẫn cho lối sống của họ. Bởi có nhiều vấn đề “nhìn vậy mà không phải vậy”.

III. ĐỀ NGHỊ MỘT VÀI GIẢI PHÁP MANG TÍNH GỢI MỞ

1. Triết Lý Nền Tảng Cho Mọi Giải Pháp

Mỗi một con người là một hữu thể độc đáo và duy nhất. Nơi họ là hoạ lại hình ảnh của Thiên Chúa, tức là có một ngôi vị. Ngôi vị này không ai có thể chà đạp, xem nhẹ, đánh đổi chúng với những giá trị khác. Dẫu là một người thấp cổ bé miệng, một người trong hang cùng ngõ hẻm nào đó, sống không ai biết, chết chẳng ai hay, ta cũng không có quyền xem nhẹ. Ngôi vị, phẩm giá của họ cũng không vì thế mà kém phần quan trọng đối với những người quyền cao chức trọng. Mỗi người có một phẩm giá ngang nhau. Không ai có quyền biến người khác thành con dê tế thần cho bất cứ một người, tổ chức nào.

Ý thức được phẩm giá, con người cần kiến tạo nên một lối sống cho mình mang đậm bản sắc riêng. Quá trình này đòi hỏi mỗi người phải tự nỗ lực đi trên đôi chân của mình, đối diện với những biến cố lịch sử của mình, bồi đắp chúng thành cá nhân mình ngay lúc này và bây giờ. Tất nhiên trên hành trình làm người ấy, có lúc vui, lúc buồn; có lúc thành công hay thất bại nhưng những biến cố, giá trị ấy là cái đáng quý, bởi chỉ riêng mình tôi có mà thôi. Đó là tất cả con người của tôi. Mọi quyết định của tôi trong cuộc sống sẽ phản hồi lại những câu trả lời mà đòi hỏi cuộc sống đã đặt ra. Tôi vui thú với chúng, tự hào về chúng, bởi đó là của tôi. Không ai có thể cướp mất hay làm khác đi những kết quả mà tôi nhận được từ những quyết định cuả tôi.

Dẫu vậy, mọi người cần nhận thức rằng: “không ai là một hòn đảo”. Tôi chỉ là người thực sự trong mối tương quan, cảm thông với người khác. Sự cảm thông này không phải là một hình thức vong thân. Chúng cần sự trộn lẫn của hai yếu tố là tranh đấu và yêu thương. Tranh đấu để thấy mình là mình, và yêu thương để thấy trách nhiệm làm người của mình, để cảm thông với người khác.

Cuối cùng, một thói quen nhìn lại mình luôn là yêu cầu cấp thiết cho mỗi người. Một chút thời gian nào đó trong ngày để dừng lại suy niệm về hành trình làm người của mình sẽ là động lực cho mình tiến thêm những bước tiến mới. Thời gian suy niệm ấy cũng sẽ khiến ta trở thành người hơn theo kiểu nói: “con người là một con vật biết suy tư”. Và bước dừng ấy cũng là một trải nghiệm tiệm tiến để ta có thể gặp gỡ Siêu Việt Thể, Thiên Chúa của lòng ta trong cõi tĩnh lặng hàng ngày như thế.

2. Một Vài Giải Pháp Mang Tính Áp Dụng

Từ những hướng nhìn mang tính phân tích và tổng hợp kể trên, thiết nghĩ người thanh niên Việt Nam cần được học biết và nhận diện hoàn cảnh thực tại của mình. Từ đó họ hình thành nên một lối sống phù hợp, không làm mất đi bản sắc riêng của mình. Bên cạnh đó, những tổ chức hội, đoàn xã hội cũng phải có trách nhiệm trong việc hướng dẫn, đào tạo người thanh niên trưởng thành, sống có ích cho gia đình, xã hội. Với những lý do như vậy, bài viết xin mạnh dạn đưa ra một vài giải pháp mang tính thực hành, gắn với những đối tượng cụ thể.

a/. Đối với xã hội

– Tạo nên các khu vui chơi, giải trí lành mạnh đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của thanh thiếu niên. Tất nhiên, những hình thức vui chơi phải luôn mới mẻ, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, kích thích sự năng động, sáng tạo của độ tuổi này.

– Khuyến khích và nhân rộng các phong trào xã hội theo kiểu “Hướng đạo sinh”, “Mùa hè xanh” cho mọi đối tượng, lứa tuổi tham gia, không riêng gì trong giới sinh viên.

– Tạo nên những diễn đàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các nhóm nhỏ mang tính tự do để thanh thiếu niên nói lên tiếng nói của mình.

– Xây dựng một hệ thống bậc thang giá trị, đạo đức phù hợp với truyền thống và thời đại để thanh thiếu niên có thể căn cứ vào đó để hành xử.

b/. Đối với nhà trường

– Đổi mới phương pháp giảng dạy và thi cử. Khuyến khích sự sáng tạo, tư duy độc lập nơi học sinh nhằm đào tạo và phát triển những con người toàn diện.

– Đưa thêm những bộ môn Triết vào giảng dạy trong học đường, không riêng gì Triết Mác-Lê. Bởi lịch sử đã chứng minh sự thất bại không thể chối cãi của mô hình Xã hội chủ nghĩa. Do đó những môn học như Triết học Mác-Lê, Chủ nghĩa khoa học xã hội, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh… đã trở nên nặng nề “thầy không muốn dạy, trò không muốn học”. Sự bắt buộc này sẽ kéo theo một vấn nạn khác: buộc học trò chấp nhận và sống với sự giả trá và bất công. Đấy là chưa kể đến việc ta lãng phí khi không sử dụng đến kho tàng tri thức của nhân loại.

– Chú trọng hơn việc đào tạo Lễ – Nghĩa song song với việc nâng cao kiến thức cho học sinh, sinh viên.

c/. Đối với gia đình

– Thay đổi phương pháp giáo dục thông qua việc trò chuyện thân mật với con cái, làm gương của cha mẹ.

– Giáo dục trẻ tính tự lập, sao cho chúng dám suy nghĩ, dám chọn lựa và dám chịu trách nhiệm về những kết quả nhận được.

KẾT LUẬN

Một năm khởi đầu từ mùa xuân, cuộc đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Giáo dục lẽ sống phải bắt đầu từ những năm tháng còn trẻ, còn rất trẻ của cuộc đời. Khoảng thời gian đó là cơ hội thuận lợi nhất đối với nhà giáo dục để giáo dục lẽ sống đối với các ông dân tương lai khi mà những va đập của cuộc đời chưa làm cho họ tập nhiễm phải những cái xấu, cái ác, khi mà sự trong sáng của tâm hồn và tình cảm của họ làm cho họ dễ tiếp thụ những giá trị đạo đức, dễ nảy nở những khát vọng trở nên tốt đẹp. Cũng vì vậy, sự sai lệch chuẩn mực xã hội về lẽ sống, tức là những lệch lạc về quan niệm sống, ở đây là lối sống đoàn lũ, nơi những người trẻ tuổi sẽ là một trở ngại căn bản để hình thành nhân cách của họ, đạt họ trước nguy cơ hư hỏng, có khi hỏng cả một đời.

Sẽ chẳng là môi trường lành mạnh, xã hội sẽ chẳng thể phát triển nếu tình trạng sống theo đoàn lũ nơi thanh thiếu niên còn ghi dấu sâu đậm nơi người trẻ. Do vậy, để người trẻ sống có lý tưởng người hơn, nhất thiết họ phải tự phản tỉnh tình trạng hiện tại của mình. Họ cần thực hiện một bước nhảy hiện sinh trong cuộc đời theo quan niệm của K. Jaspers. Cần thể hiện tự do, bản sắc cá nhân một cách trọn vẹn. Để được thế, rất cần sự cộng tác, hỗ trợ của những người, tổ chức có liên quan.

Song song đó, ta cũng cần có một đánh giá có hiểu biết và khách quan trước thực trạng này để từ đó đưa ra các giải pháp thích ứng và phù hợp, tránh đi lối nhìn quy kết và chụp mũ tiêu cực nơi đối tượng thanh niên.

***

PHỤ LỤC I: NHÂN DÂN VÀ KHỐI NGƯỜI [39]

 

Cho đến đầu thế kỉ XX, lịch sử dường như dung tha cho đông đảo thành phần nông dân hoặc làm công. Họ sống ngoài vòng tranh chấp của đám thị dân và trưởng giả, họ không hay biết và không cần hay biết những gì xảy ra sau trướng gấm màn nhung của vua quan. Nhưng từ trên nửa thế kỉ nay, từng khối người nghìn năm bất động đã chuyển mình, chuyển mình với những sức mạnh ghê gớm. Nông dân, thợ thuyền không còn mù chữ, vô học, họ xích lại gần nhau hơn, và tạo ra một thái độ cho mỗi một thế lực xã hội hay chính trị gia, triết gia và nghệ sĩ. Ai muốn mạnh, hùng, đều trở về với họ và đi với họ.

Nhưng thế nào là khối? Thường nói đến khối là người ta nghĩ ngay đến một cái gì to lớn, nặng nề, dày đặc… khối người cũng có một ý nghĩa như vậy. Nhưng nhiều khi khối cũng nói lên một lực lượng nào đó của nhân dân. Sau hết, khối người có một ý nghĩa thấp kém, lê dân, đối tượng của khinh rẻ.

Cần phải phân biệt giữa khối dân với nhân dân. Khối dân không đồng nghĩa với nhân dân. Theo K.Jaspes thì nhân dân có trật tự, đẳng cấp, có văn hoá và truyền thống, cùng sống trong một không khí chung, trong đó cá nhân hãnh diện về tư cách và về sự bảo toàn cùng phát huy tư cách ấy. Trái lại khối dân không phân chia ra thành phần riêng biệt, không ý thức về sự đông đảo của mình. Khối dân là một khối lượng về người, mù loà, trống rỗng.

Khối dân sống không cội rễ, không bám vào một cái gì vững chãi, như tảng băng dào dạt, bềnh bồng trôi trên đại dương vậy. Khối dân là một khả dụng và khả thể trao đổi. Cái nhìn của khối dân vốn chật hẹp, không thoát ra khỏi khối lượng của mình. Làm thì hì hục, làm như trâu ngựa, chơi thì chơi thả cửa. Bản chất hay giật gân, động một tí thì nhảy chồm lên, nhưng lại hay thất vọng, và khi thất vọng thì ù lì, bất động, cứng cỏi, lạnh như tiền. Do đó khối dân lại hơn ai cả, tỏ ra trung thành, tin tưởng, nhưng cũng chính vì thế mà phản trắc hết chỗ nói. Khối dân nói tóm lại, dễ nóng, dễ lạnh, nhạy bén nhưng không kém câm điếc lúc cần, đó là một đống cát.

Cá nhân có thể vừa là khối dân vừa là nhân dân. Hoàn cảnh thường xô đẩy cá nhân vào khối dân, nhưng con người của cá nhân lại không quên bám riết lấy nhân dân. Khi là khối dân, cá nhân dễ tin vào cái gì phổ biến, chạy theo gót thời trang, say mê điện ảnh và các tài tử điện ảnh, nói vắn lại, chỉ biết có ngày hôm nay và thời điểm này. Đó là mẫu người Don Juan qua nhận xét của K.Jaspers còn khi là nhân dân thì cá nhân muốn tỏ ra mình là một con người tự chủ, tự trọng, một thành phần không muốn hoà tan trong khối lượng, một thành phần bất khả thế. Là khối dân, cá nhân muốn làm ngôi sao màn bạc, và nghĩ bằng con số, nghĩa là bằng đa số, địa vị, trên dưới. Là nhân dân, cá nhân sẽ thận trọng đặt vấn đề giá trị và cơ cấu xã hội.

***

PHỤ LỤC II: VÀI NÉT TIỂU SỬ TRIẾT GIA KARL JASPERS [40]

 

K.Jaspers sinh ngày 23/02/1883 tại Oldenbourg, gần bờ biển Bắc Hải. Cha ông thuộc một gia đình làm nghề buôn bán và cày cấy, nhưng đã trở nên luật gia, công chức và giám đốc ngân hàng. Mẹ ông cũng là con nhà nông ở Butjadinger, cần cù, can đảm, đối với con cái rất chu đáo và thông cảm.

Hết trung học, cậu theo ngành luật ba tam cá nguyệt, rồi bỏ sang học thuốc. Năm 1908, khảo hạch, và năm sau, làm y sĩ và tham gia ngành phân tâm học thuộc Đại học Heidelberg. Năm 1913 trình luận án tiến sĩ. Năm 1921 nhận ghế giáo sư triết tại Đại học Heidelberg. Khi Phát xít Đức nắm quyền, ông bị thải hồi. Đến năm 1948, ông nhận lời mời của Đại học Bâles (Thuỵ Sĩ) và giảng dạy tại đó cho đến mãn đời. Ông mất vào đầu xuân năm 1969.

Từ thiếu thời, K. Jaspers đã tỏ ra độc lập đến bướng bỉnh, bất mãn với mình, với xã hội, với những xảo trá của đời sống xã hội. Nhưng lại thích thiên nhiên, nghệ thuật, thơ, khoa học và đi du lịch, ham thích ca kịch, cờ tướng và xem bói chỉ tay.

Vốn rất thông minh, K. Jaspers sớm cảm thấy học và hành, kiến thức và cuộc sống là hai việc không giống nhau. Vấn đề trọng đại là phải sống thế nào? Ong học y khoa vì sở thích và cơ hội thì nhiều, mà vì lý tưởng thì ít. Nhưng cũng nhờ con đường đi vào chung đụng với bệnh lý, với đau khổ hồn xác của bệnh nhân, mà K. Jaspers khám phá ra chân trời sáng sủa của tâm lý học. Với sự khám phá ấy và vì thiếu sức khoẻ, ông đành bỏ nghề thầy thuốc mà đầu tiên ông định chuyên về phâm tâm học.

Ông đang dống trong buồn tẻ, không tương lai thì năm 1907, khi ông 24 tuổi, ông gặp Gertrude Mayer, để ba năm sau, ông làm lễ thành hôn với nàng. Lúc đó, Gertrude Mayer còn là nữ sinh ban tú tài triết lý, dành nhiều thời giờ cho La ngữ và Hy ngữ. Tư tưởng hai người khác nhau. Bà K. Jaspers sống trong thắc mắc của bất cứ một vấn đề trọng đại nào đặt ra cho triết lý. Không bao giờ bà thoả mãn, nên bà rất đau khổ trên bình diện tinh thần. Với bà, K. Jaspers cảm thấy hạnh phúc, nhờ bà, đời ông mới có ý nghĩa: “Tôi cảm thấy sâu xa tình yêu tràn đầy, tình yêu ấy đủ cho tất cả và làm cho mỗi ngày của tôi, cho đến hôm nay, có một ý nghĩa của tình yêu ấy”.

Trên bình diện tư tưởng và nghề nghiệp, sự định hướng ấy đã định hướng cho K. Jaspers. Thực vậy, K. Jaspers đã hé thấy ý nghĩa của cuộc đời nhờ sự có mặt của bà vợ, và cũng nhờ đó, ông thấy được đường đi hướng triết lý của ông.

Xuất thân là một y sĩ, ông không sớm được đào tạo trong triết sử như các triết gia hiện sinh khác. Nhưng bù lại, tâm trí ông được bồi đắp bằng những kinh nghiệm sống động của nghề nghiệp mà ta không thấy nơi nhiều đồng chí của ông.

Về tư tưởng, có thể gói gọn trong một số tác phẩm chính của ông:

1- Philosophie: gồm ba quyển (1932)

– Quyển I: Philosophische Weltorientierung (Thám hiểm triết lý về vũ trụ)

– Quyển II: Existenzerhellung (Soi sáng hiện sinh)

– Quyển III: Metaphysik

2- Vernunfl und Existenz (1935), những diễn văn đọc tại Đại học Groninger.

3- Nietzsche und das Christentum.

4- Von der Wahrheit (1947).

5- Vom Ursprung und Ziel der Geschichte (1949).

***

THƯ TỊCH

 

Will Durant, Nguồn gốc văn minh, Nguyễn Hiến Lê- dg, Phục Hưng xuất bản, Sài Gòn, 1974.

Karl Jaspers, Triết học nhập môn, Lê Tôn Nghiêm dg., Đại học xuất bản.

Alain Laurent, Lịch sử Cá Nhân Luận, Phan Ngọc- dg, nxb Thế Giới, Hà Nội, 1999.

Cù Mai Công, Sài Gòn By Night- thời xuyên thế kỷ XX00-2001, nxb Trẻ, 2001.

Cù Mai Công, Sài Gòn By Night-nửa mùa trước gió, nxb Trẻ, 2002.

Trần Thái Đỉnh, Triết học nhập môn, Tủ sách Ra Khơi.

Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Thời Mới xuất bản, Sài Gòn, 1968.

Bùi Giáng, Tư tưởng hiện đại, Tân An xuất bản, Sài Gòn, 12/1974.

Nguyễn Thị Oanh, Gia đình Việt Nam thời mở cửa, nxb Trẻ, 1998.

Trần Văn Tòan, Tìm hiểu đời sống xã hội, tập 1 và 2, Nam Sơn xuất bản, 1967.

Lê Thành Trị, Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá, Sài Gòn, 1969.

Nguyễn Trọng Viễn, Triết học nhập môn, Học viện Đaminh, 1994.

Nguyễn Trọng Viễn, Gặp gỡ chính Chúa hay hành trình từ thái độ thực dụng đến sự tự do của con cái Chúa, lưu hành nội bộ.

 

 

 

 


[1] Bùi Đăng Duy và Nguyễn Tiến Dũng, Lược khảo triết học phương tây hiện đại, nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội 2003, tr. 322.

[2] Có thể hiểu NGUỒN là những công cụ, con người hướng dẫn dư luận trong thanh niên. Chúng có thể là một nhóm bạn, phương tiện thông tin đại chúng, lối sống của một số người thành đạt trong lãnh vực giải trí, những người nắm trong tay những ước muốn của thanh thiếu niên như thời trang, tụ điểm ăn chơi, hay những thiết chế, tổ chức xã hội, thậm chí là ma túy,…

[3] Thái Hoàng và tgk, Bách khoa toàn thư tuổi trẻ- Nhân loại và xã hội, nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2002, tr.83.

[4] Xem thêm trong PHỤ LỤC I

[5] Phần này được trích dẫn chủ yếu trong: Vũ Thị Nho, Tâm lý học phát triển, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, chương V và VI.

[6] Will Durant, Nguồn gốc văn minh, Nguyễn Hiến Lê- dg, Phục Hưng xuất bản, Sài Gòn., 1974, tr. 44.

[7] Will Durant, Sđd, tr.45.

[8] Phần này được trích dẫn chủ yếu trong: Alain Laurent, Lịch sử Cá Nhân Luận, Phan Ngọc- dg, nxb Thế Giới, Hà Nội, 1999.

[9] Alain Laurent, sđd, tr. 3.

[10] Holism là do từ Hy Lạp “holos” có nghĩa là một cách tổng thể. Chủ thyết này do Jan Smuths (1870-1905) khởi xướng. Thuyết này cho rằng mỗi con người là một bộ phận của cộng đồng, xã hội và bị lệ thuộc hoàn toàn vào nhau. Con người có nghĩa vụ hy sinh những điều riêng tư cho tập thể. (xc. Alain Laurent, Lịch sử Cá Nhân Luận, Phan Ngọc- dg, nxb Thế Giới, Hà Nội, 1999.)

[11] Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử Triết học Tây phương, phần dẫn nhập, Học viện Đaminh,1996, tr. X.

[12] Alain Laurent, sđd, tr.31.

[13] Alain Laurent, sđd, tr.44.

[14] Lê Thành Trị, Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá, Sài Gòn, 1969, tr.31.

[15] Lê Thành Trị, sđd, tr.24.

[16] Phần này chủ yếu được tham khảo trong: P. Foulquie, Chủ nghĩa hiện sinh, dg. Thụ Nhân, Sài Gòn, 1967, tr.150-155.; Karl Jaspers, Triết học nhập môn, Lê Tôn Nghiêm dg., Đại học xuất bản, tr.10-33. Và Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Thời Mới xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr.191-218.

[17] Phần tiểu sử của K. Jaspers, xin coi Phụ Lục II.

[18] Maurice Tieche, Vài quan niệm về nhân sinh, Thời Triệu xuất bản, Sài Gòn, tr. 78.

[19] Dẫn lại trong Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Thời Mới xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr.213.

[20] Nguyễn Thị Oanh, Gia đình Việt Nam thời mở cửa, nxb Trẻ, 1998, tr.128.

[21] Cù Mai Công, Sài Gòn by night- Nửa mùa trước gió, nxb Trẻ, 2002, tr.7.

[22] Cù Mai Công, Sài Gòn by night- thời xuyên thế kỉ (2000-2001), nxb Trẻ, 2001, tr. 17-18.

[23] Cam Lu, www. Chungta.com/Desktop.aspx/Giaoduc/Thuc-trang-GD-Dai-Hoc/

[24] Xin đặt ý chí và tự do trong bối cảnh mà chúng đòi hỏi những quyền cơ bản nhất của con người như: quyền được sống, được chăm sóc, được bảo vệ, được tự do ngôn luận… Ý hướng này loại trừ những hành vi lệch chuẩn, gây phương hại cho xã hội hay những người chung quanh.

[25] Lê Thành Trị, Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá, Sài Gòn, 1969, tr.22.

[26] Có vẻ như “làm người” khó quá như cách nói của Đức Khổng (vi nhân nan, vi nhân nan). Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi J.P.Sartre và những người theo ông kết luận rằng đời người là buồn nôn, vô nghĩa, phi lý. Nhưng ở đây, quan điểm của người viết xuôi theo “triết thuyết của G.Marcel chủ xướng khi ông cho rằng: vô nghĩa và phi lý là dấu hiệu của những gì siêu việt tuy không đạt đến bằng lý trí một cách trực tiếp nhưng có thể thực nghiệm hay suy diễn. Do đó nếu đời đáng sống, thì không phải là do ý muốn không cội rễ của tự do, mà do ý chí muốn trả lời cho tiếng gọi của một giá trị trác việt.” – Lê Thành Trị, sđd, tr.24.

[27] Cù mai Công, Sài Gòn By Night- nửa muà trước gió, nxb Trẻ, 2002, tr. 88.

[28] Thành Trị, Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá, Sài Gòn, 1969, tr.111.

[29] K. Jaspers, Philosophy, tập II, tr. 48- trích lại trong: Thành Trị, sđd, tr.115.

[30] Trần Thái Đỉnh, Sđd, tr. 215.

[31] Trần Thái Đỉnh, Sđd, tr. 217.

[32] K. Jaspers,Triết học nhập môn, dg. Lê Tôn Nghiêm, Đại Học xuất bản, tr. 148.

[33] K. Jaspers , sđd, tr.149.

[34] K. Jaspers , sđd, tr.149.

[35] K. Jaspers , sđd, tr.150.

[36] Báo Lao Động, số ra ngày 11/11/2003.

[37] Will Durant, Nguồn gốc văn minh, Nguyễn Hiến Lê- dg, Phục Hưng xuất bản, Sài Gòn., 1974, tr. 44.

[38] Charlotle Twole, Nhu cầu chung của con người, dg. Vũ Thị Kim Lan, Trường Công Tác Xã Hội, Sài Gòn, tr. 29.

[39] Tựa đề do người viết đặt. Nguồn: Lê Thành Trị, Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá, Sài Gòn, 1969, tr.163-164.

[40] Lê Thành Trị, Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá, Sài Gòn, 1969, tr. 93-100.