Lm. Giuse Đặng Chí San, OP.
——
I. BA ĐỊNH ĐỀ
1. Mọi lệch lạc đều do không được yêu…
2. Ai cũng luôn tìm về quân bình.
3. Khi được yêu, ai cũng tự đổi thay.
II. BA ĐIỀU KIỆN CỦA TÌNH BẠN
1. Trung thực (Kinh nghiệm-Ý thức-Diễn tả)
2. Tôn trọng vô điều kiện
3. Thấu cảm
III. BA BƯỚC ĐỔI THAY TRONG TỰ TRỊ LIỆU
1.Tự trọng, tự tin
2.Dám tự khám phá
3.Trở nên tự do
IV. LẮNG NGHE VÀ BỘC LỘ TRONG TÌNH BẠN
1. NĂM KHÔNG : Không phê phán, không điều tra, không suy diễn, không an ủi, không quyết định thay
2. HAI CÓ : Soi sáng và Phản ánh.
a. So giây lòng mình với lòng người
b. Ngăn lại những phản ứng từ phía mình
c. Nghe bằng mắt và tim hơn bằng tai
d. Nghe đến những tầng sâu ý nghĩa
***
Thầy gọi anh em là bạn hữu nghĩa thiết (Ga 15, 15)
Đạo Tình Bạn
Đức Giêsu là Chúa, là Thầy, nhưng Ngài vẫn gọi chúng ta là ‘bạn hữu nghĩa thiết’.
Kitô Giáo là Đạo của Tình Bạn. Là tổ chức tôn giáo có cơ cấu, tức có tôn ti phẩm trật. Nhưng phẩm trật tôn ti chỉ có mục đích duy nhất là để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Những chức bậc phục vụ chỉ là hình thức phải có ‘bên ngoài’, ‘tướng’. Còn ‘tánh’, bản chất bên trong của mọi tương quan trong Hội Thánh đều phải theo mẫu của Thầy mình, là sống với nhau và với mọi người như anh em, như bạn hữu nghĩa thiết. Từng cộng đoàn, từng Hội Dòng, cho đến cả Hội Thánh đều là tập thể sống tình bạn hữu nghĩa thiết, để Hội Thánh thực sự trở nên bạn hữu nghĩa thiết của mọi người trần gian mà loan báo Tin Mừng Cứu Độ.
Cũng vậy, Kitô giáo là đạo có phép tắc luân lý, nhưng Kitô giáo không chỉ là phép tắc luân lý. Trên mọi phép tắc, lề luật, Kitô giáo là đạo của Tình Yêu giữa con người với con người, và từ con người Giêsu, Kitô giáo dám tin rằng mình được Thiên Chúa yêu và dám yêu Thiên Chúa…
Được coi là trưởng thành sau khi đã tuyên khấn trọn đời, người tu sĩ đến lúc cần sống và phải sống đời mình như sống tình bạn với Thầy Giêsu, với các thành viên trong cộng đoàn, với những thành viên trong hội dòng và với tất cả mọi người. Sống tình bạn với Chúa Giê Su và mọi người, là cách thế sống tình yêu theo “kiểu GiêSu” ; là cách thế xây dựng cộng đoàn, xây dựng Hội Dòng, xây dựng Giáo Hội, và cũng là cách thế sâu sắc để loan báo Tin Mừng. Sống tình bạn với Giêsu và với mọi người thì thực sự là một lối sống tu đức.
Carl Rogers Và Đường Hướng Trị Liệu “Lấy Con Người Làm Trung Tâm”
Carl Rogers (1902-1987) là nhà tâm lý trị liệu người Mỹ. Những khám phá và đường hướng thân chủ trọng tâm của ông đã vượt ra ngoài phạm vi trị liệu những vấn đề tâm lý và tâm bệnh, trở thành lối sống lấy con người làm trung tâm trong tất cả mọi lãnh vực tương giao giữa con người với con người, từ giáo dục, y tế, tới cả lãnh vực gia đình, xã hội, chính trị…
Nếu lối trị liệu kiểu “liên tưỏng tự do’ theo phương pháp phân tâm của Sigmund Freud (1856-1939) gợi cho ta con đường thăm thẳm thiền định Phật Giáo, thì đường hướng thân chủ trọng tâm ‘lấy con người làm trung tâm’ của Carl Rogers rất gần gụi với tinh thần huynh đệ Tin Mừng của Ki tô Giáo.
Con đường của Carl Rogers là con đường trị liệu cho những người có vấn đề tâm lý. Con đường này không phải là phương pháp bởi vì C. Rogers trị liệu mà không trị liệu. Ông thấy rằng khi nào dám đầy tin tưởng gửi tặng tình yêu trung thực, tôn trọng, cảm thấu, thì mọi người sẽ tự động vượt qua mọi nỗi khó khăn bệnh tật.
Như vậy, C. Rogers cho thấy Tình Yêu đích thực thì có khả năng tái tạo cũng như Tình Yêu đích thực thì có khả năng sáng tạo. Chẳng mấy chốc, đường hướng trị liệu của C. Rogers đã vượt ra khỏi phạm vị trị liệu, lan sang tất cả mọi lãnh vực có mối tương quan giữa con người với con người.
Cũng từ đây, nhân loại khám phá ra rằng mọi mối tương quan đích thật, dù vợ-chồng, cha mẹ -con cái, thầy-trò, bề trên – bề dưới,… đều phải là tương quan tình bạn. Tình bạn là một tên gọi khác của tình yêu đích thật, làm nền cho mọi tương quan. Bên trong và bên dưới mọi tương quan, vẫn phải là một Tình Bạn.
Chúng tôi thử lấy một số nội dung chính yếu của đường hướng thân chủ trọng tâm của Carl Rogers mà coi như một cách thế phía loài người mà thể hiện tình huynh đệ của Tin Mừng. Dĩ nhiên, điều căn bản nhất để sống tình bạn đích thật vẫn là hồng ân Thánh Linh của Chúa Kitô.
Không tiện có sách vở, chúng tôi ghi lại C. Rogers ở đây theo… trí nhớ. Nếu cần, xin tìm đọc ít là cuốn “Tiến Trình Thành Nhân” của ông, đã được tiến sĩ Tô Thị Ánh, dòng Đức Bà, cùng các cộng sự dịch và xuất bản khoảng những năm 1990 tại Sài gòn. Phần chữ in nghiêng là ý kiến riêng chúng tôi, nhiều chủ quan.
I. BA ĐỊNH ĐỀ ĐƯỜNG HƯỚNG THÂN CHỦ TRỌNG TÂM
Định đề là điều không chứng minh được, ra như nó đã ‘tự nhiên’ như thế. Ba định đề này do C. Rogers khám phá là những điều nền tảng làm nên đường hướng thân chủ trọng tâm của ông.
1. Yêu Thương
Tất cả mọi trục trặc, lệch lạc trong nhân cách, trong tính tình, trong thái độ và hành vi, đều do đã không được yêu hoặc không được yêu đúng cách.
– Nếu không được yêu, thì chẳng bao giờ ta có thể nên người.Tình Yêu làm nên và cũng tái tạo con người.
– Yêu, nhưng phải được yêu đúng cách. Yêu không đúng cách : yêu mà thô bạo chiếm hữu, yêu mà không để người yêu phát triển tự do, yêu mà áp đặt… ; yêu mà dễ dãi buông tuồng, yêu mà nuông chiều thái quá, yêu mà thực ra chỉ là thỏa mãn bản ngã…
– Mỗi người phải “HỌC” suốt đời để hoàn thiện khả năng yêu thương của mình. Hoàn thiện khả năng yêu thương cũng chính là hoàn thiện hóa nhân cách.
– Có lẽ hầu hết người Việt đều có những ‘sang chấn tình cảm’ trong thời thơ ấu : Sang chấn do không được yêu : Cha mẹ bất hòa, mất sớm hoặc đi xa; hoàn cảnh gia đình vất vả nghèo khó đến độ có cảm tưởng rằng không được chăm sóc vỗ về ; những đau đớn tủi nhục của người mẹ khi về làm dâu… Sang chấn do không được yêu đúng cách : cha mẹ quá nuông chiều ; cha mẹ quá khe khắt đòi hỏi; cha mẹ quá quan trọng danh dự sĩ diện hão…
– Rất nhiều dòng tu tại VN hôm nay hầu như ít sống tình huynh đệ Tin Mừng mà quá nhấn mạnh đến phép tắc, lề luật. Thường người ta chỉ nhìn vào lỗi lầm vi phạm hơn là tình người, hoặc chỉ thấy hiện tượng yếu đuối lỗi lầm mà không thấy được “Lịch Sử Cứu Độ” đang diễn ra. Vô vàn tu sĩ bước vào đời tu là bước vào khí hậu nghẹt thở trong khuôn phép tôn ti lề luật. Người tu rất sợ tình bạn, và cũng không cho phép sống tình bạn, hoặc sống tình bạn theo kiểu lệch lạc phe nhóm khép kín… Thực ra thì rất khó để dung hòa một bên là sự hân hoan hồn nhiên trong tình bạn và một bên, là lề luật khuôn phép phải duy trì, cho đến khi đầy nội lực thiêng liêng. Trong đời tu, nhiều cá nhân trở thành ‘người bệnh’, giữa một ‘khí hậu gây bệnh’.
2. Tìm về Quân Bình
Mọi người đều có một khuynh hướng vừa rất tự nhiên vừa vô cùng mạnh mẽ là nghiêng tìm về sự quân bình, tức là tìm hòa hợp trong tình bạn, trong sự cảm thông. Những cây dừa tự động nghiêng vào bờ để chống sóng gió. Những cây cỏ khi bị đè thì tự động phát triển nghiêng về phía có ánh nắng mặt trời. Nên những đau đớn, bất mãn, bệnh tật thân tâm thực ra đều là những cách thế tìm về quân bình. Nhìn theo ‘tướng’, thì có thể là trục trặc, là tội lỗi…, nhìn theo ‘tánh’, thì đó chính là những khao khát tìm kiếm và thể hiện sự quân bình.
– C.Rogers cung cấp một cái nhìn rất tích cực về những yếu đuối bệnh tật của con người. Phải chi ai cũng dám nhìn nhau như thế thay vì vội kết án! Phải chi ai cũng trước hết dám tặng ban cho nhau cái nhìn tích cực, cái nhìn trân trọng, cái nhìn thấu suốt ngay cả khi thấy những tiêu cực.
3. Tự Tìm Lại Chính Mình
Bất cứ con người nào, dù trục trặc lệch lạc đến đâu, đều tự tìm lại được sự quân bình, khi được cung cấp một tình bạn đúng cách.
Nền tảng của đường hướng, hay hệ quả của ba định đề:
Từ ba định đề đó, Carl Rogers rút ra: Trị liệu đích thực thì không phải do tài năng của nhà trị liệu, càng không phải do phương pháp dù rất hay ho. Trị liệu là cung cấp cho thân chủ một tình bạn đích thực, để thân chủ tự tìm lại được sự quân bình.
Trị liệu, theo C. Rogers, là xây dựng một tình bạn sâu sắc đích thực, chứ không phải chăm chăm trách móc, sửa sai…
Nhà trị liệu không hề trị liệu, mà chỉ đánh mất mình đi, trở thành người bạn, trở thành một cái tôi khác cho ‘bạn thân chủ’, cảm thông, thấu hiểu, trung thực. Trên nền tảng tình bạn đấy, sẽ xảy ra một tiến trình tự thay đổi nơi thân chủ.
II. BA ĐIỀU KIỆN CỦA TÌNH BẠN ĐÍCH THẬT
Vậy, thế nào là tình bạn đích thật?
1. Trung Thực
Tình bạn đích thật thì luôn trung thực, tức luôn cư xử với mình và với bạn bằng một tâm hồn trong suốt, không phòng vệ, không che chắn, nhưng có trách nhiệm, đúng người, đúng lúc, đúng nơi.
Carl Rogers nói đến ba bình diện : Kinh nghiệm (thí dụ, bụng đói) / Ý thức (td, biết bụng mình đói hay không. Có những người bụng đói mà cứ tưởng rằng bụng cồn cào do…yêu mến Chúa) / Diễn tả (td, biết bụng đói, nhưng lại cứ làm ra như đang rất no). Khi nào có sự thống nhất giữa ba bình diện đó, thì gọi là trung thực.
– Chúng tôi ‘mạn phép’ gọi sự thống nhất giữa ý thức và diễn tả là sự “trung thực bên ngoài”. Sống thực, nói thực, biểu lộ thực những gì mình biết đang xảy ra bên trong mình. Sự “trung thực bên ngoài” này (cũng gọi là ‘truyền thông’) thường đầy khó khăn vì những thứ vật cản như lề luật, chức tước, sĩ diện, hoặc đơn giản (!) vì một bầu khí văn hóa hay tu đức vốn đề cao sự khép kín. Đó là những lối sống cắt đứt truyền thông, ở đó, mỗi người đều tự khép mình vào tháp ngà, sống núp sau mặt nạ. Văn hóa Nho Giáo chẳng hạn, tạo cho mỗi thành viên trong gia đình ngay từ bé thường phải dối trá giả tạo với nhau. Một cộng đoàn tu trì quá đề cao chức tước, đề cao đạo đức, ít trân trọng những giá trị nhân bản và tâm linh, thường cũng sẽ tạo ra những thành viên khép kín, ấm ức, bất an…
– Nhưng sự trung thực lại không hề có nghĩa là cởi mở cách dễ dãi, ồn ào… Cởi mở kiểu này có thể chỉ là một thứ ‘bệnh’ sống hời hợt hoặc quá quan tâm đến bản thân. Trung thực đích thật thì luôn bộc lộ cách có trách nhiệm, đúng người, đúng lúc. Người trung thực đích thật thì có khả năng sẵn sàng bộc lộ khi cần, nhưng cũng là người rất tinh tế và kín đáo…
– Một bầu khí ‘lành mạnh’ thì luôn có được một ‘tư thế’ sẵn sàng cho sự lắng nghe và bộc lộ, đầy tính “truyền thông”. Nếu không, thì bầu khí ‘gây bệnh’.
– Chúng tôi lại ‘mạn phép’ gọi sự thống nhất giữa kinh nghiệm và ý thức là sự trung thực bên trong. Chẳng mấy ai thực sự có sự trung thực bên trong, vì chẳng mấy ai thực sự biết rõ chính mình (biết rõ hết chính mình thì gọi là Phật). Rất nhiều điều xảy ra trong chúng ta (kinh nghiệm) nhưng không được tự ý thức hoặc bị ý thức méo đi. Tại sao ? Do “cơ chế phòng vệ” từ thời thơ ấu, ta không dám công nhận tính xấu, giận hờn, khát vọng ,dục vọng, mơ ước, buồn tủi…của chính mình. Ta phòng vệ với những áp lực của siêu ngã, chẳng hạn, ta có và kẹt vào một hình ảnh hoàn thiện về mình do gia đình hay xã hội đã vẽ ra, và mình không dám bao giờ vượt qua, nên sống cứng ngắc…
– Cho nên, sự trung thực bên trong là cả một quá trình thật dài, thật khó khăn, nhưng cũng thật thú vị. Trở nên chính mình hơn, làm một với chính mình hơn, buông xả với chính mình nhưng cũng tha thiết đi lên với chính mình hơn, đó là đích đến của mọi luân lý, tôn giáo, triết học…
2. Tôn Trọng Vô Điều Kiện
Trên tất cả mọi giá trị lề luật và đạo đức, dù bạn như thế nào chăng nữa, vẫn hoàn toàn tôn trọng bạn chỉ vì một điều : bạn là người; bạn là bạn của tôi. Ngoài giá trị đó ra, tôi không bao giờ đánh giá và loại trừ bạn nhân danh bất cứ một giá trị nào khác!
Thầy Giêsu thể hiện sự tôn trọng vô điều kiện cách tuyệt vời vô cùng. Thầy cư xử xiết bao tôn trọng với Matthêu, Giakêu, Người Đàn Bà Ngoại Tình…
3. Thấu Cảm
Không phải chỉ là thông cảm, mà là cảm thấu đến chiều sâu nỗi lòng của bạn, rung động với những rung động của bạn, vui mừng và hy vọng, âu lo và tuyệt vọng với những vui mừng và hy vọng…của bạn. Lùi cái tôi mình đi, đánh mất cái tôi của mình, trở thành cái tôi khác của bạn.
Sự thấu cảm này được đặc biệt thể hiện ra nơi sự chăm chú kính trọng lắng nghe và bộc lộ.
– Chúng ta thường rất hay phản ứng nhanh. Khi bị ‘chạm’ đến sự an nguy của mình, lại càng phản ứng nhanh hơn nữa. Cãi, biện hộ, nói lại cho rõ…là phản ứng thường xuyên của mỗi người. Ít khi ta chịu ‘suy đi ngẫm lại’ trong lòng những thái độ, hành vi và ngôn ngữ của người khác.
– Chặn lại những phản ứng của mình, ngăn lại những quan điểm, ý kiến, tư tưởng, tôn giáo, văn hóa, quê quán, thói quen dù tốt đẹp của mình, lùi con người mình lại, để con người mình ra sau, cho người khác có thể toàn quyền bộc lộ… Phải có một nội lực rất sâu rất dày mới thể hiện được.
– Dám đặt người khác vào sâu trong đáy lòng mình, dám ngẫm ngợi và chìm lặn xuống ‘những tầng sâu ý nghĩa’ một cách tích cực về người khác, dời cái tôi trung tâm vào người khác thay vì lấy mình làm trung tâm. Chẳng dễ dàng gì ! Nhưng đây lại là lối sống sâu sắc đích thật, lối sống của những con người biết yêu thương!
– Ai ‘dám’ đọc ra được bên dưới những yếu đuối và tội lỗi vẫn có thể là cả một tấm lòng chân thành, khát khao, nghị lực, v.v và v.v
III. BA BƯỚC CỦA DIỄN TRÌNH THAY ĐỔI
Khi được đón nhận một tình bạn trung thực, tôn trọng và thấu cảm, phía người bạn sẽ xảy ra một diễn trình 3 bước. Thực ra, bất kỳ một ai sống cho sâu sắc và tự do đều cần trải qua 3 bước này:
1. Trở Nên Tự Tin
Buồn phiền, chán nản, tức tối, sợ hãi, kiếm chác, tự ti, tự tôn.., thật ra, đều là không tin vào chính bản thân. Nay, được tin cậy, yêu thương, lắng nghe…, ta sẽ ngày càng dám tin vào chính mình.
– Điều rất cần thiết cho mỗi cá nhân là dám tự tin và tự trọng. Nhưng hầu như, không ai thật sự dám tự tin, tự trọng. Người càng kiêu căng, độc đoán lại càng bộc lộ sự ít tự tin, tự trọng.
– Có những đuờng hướng tu đức đề cao giá trị khiêm hạ cách méo mó. Khiêm hạ đích thực phải đặt nền trên sự tự tin tự trọng chứ không phải ngấm ngầm mạt sát bản thân. Cũng vậy, có những ‘khí hậu’ gia đình và xã hội không ngừng khiến thành viên e dè, sợ hãi, lo âu…
– Một khí hậu tập thể lành mạnh là dám trao tặng sự tự tin tự trọng cho mỗi thành viên. Món quà quí giá nhất của tình yêu và tình bạn đích thực chính là sự trao tặng sự tự tin tự trọng. Tôi dám công nhận bạn. Tôi kính trọng tất cả mọi sự nơi bạn…
2. Dám Khám Phá Chính Mình
Từ sự tự tin, tự trọng, tự công nhận, bạn sẽ dần đi đến sự dám khám phá bản thân. Khám phá bản thân là đối mặt cách can đảm mà không sợ hãi với những vấn đề, những năng lực, những khuynh hướng, những ẩn ức…từ bao “kiếp” của chính mình…
– Có lẽ rất ít người Việt dám có hành trình tự khám phá. Hầu hết đều phản ứng theo bản năng, cứ ‘có sao sống vậy’, cứ ‘cưới vợ gả chồng, ăn uống chè chén say sưa…’. Hành trình làm người phải là một hành trình ‘bên trong’ và ‘bên dưới’ những lo âu bận rộn đời thường.
– Hành trình này, ông Giêsu gọi là canh thức, ông Thích Ca gọi là Tỉnh Thức hay Chánh Niệm Tỉnh Giác, tâm lý chiều sâu và tâm lý trị liệu thì gọi là tự ý thức…
– Mỗi người là cả một đại dương bí ẩn vói chính mình. Bên trong mỗi con người là cả một thế giới với xiết bao nguồn năng lượng trái chiều đối nghịch và không được ý thức. Nhà Phật gọi là “nghiệp”, Nhà Chúa gọi là “tội tổ tông”, Tâm Lý gọi là “Vô Thức”
– Trở nên trung thực là dám tự ý thức, là dám cho phép mình khám phá chính mình, dám cho phép mình đào sâu mãi bản thân mình. Hành trình này vừa gian khó, thú vị, nhưng cần thiết…
3. Trở Nên Tự Do
“Sự thật sẽ giải phóng chúng ta” (Ga 8, 32). Một khi càng tự ý thức, tức càng biết mình, biết cách sâu xa thực tế, thì hành trình biết mình ấy đưa con người về với tự do. Tự do ở đây là tự do nội tâm. Mỗi người lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Nhưng lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài lại luôn phát xuất từ sự nô lệ bên trong. Chúng ta lệ thuộc vào nỗi thèm, nỗi giận, nỗi lo,… từ đáy sâu chính mình. Do đó, chúng ta chưa hề gặp được CON NGƯỜI THẬT của mình. Một khi biết mình, giải phóng được biết bao nguồn năng lượng bị giam hãm đè nén vì nỗi thèm, lo, sợ, mừng… vớ vẩn, chúng ta trở nên hồn nhiên, linh động, nhẹ nhàng, nhạy bén, ‘vô sự’, ‘vô vi’, thênh thang, an vui tự tại…
IV. LẮNG NGHE VÀ BỘC LỘ
Chúng ta mãi quen thuộc với những cách nói năng, phản ứng từ hệ qui chiếu trung tâm là chính mình. Một tình bạn đích thật thì mời gọi điều ngược lại, là lùi mình lại, bỏ quên mình đi, dời hệ thống qui chiếu sang bạn.
Sự ‘từ bỏ’ bản thân trong tình yêu thì rất thực tế, ngay trong từng giây tâm sự. Người lắng nghe thì không bao giờ đi bước trước, không dẫn dắt câu chuyện, không bao giờ đem tư tưởng tình cảm ý kiến dù rất hay ho của mình để “lái” người bạn…
Vì thế, nếu thực sự tôn trọng, thấu cảm và trung thực, người lắng nghe sẽ hạn chế tối đa những phản ứng kiểu:
1/. Phê phán,
2/. Suy diễn,
3/. Điều tra,
4/. An ủi,
5/. Hướng dẫn.
Năm loại phản ứng này đều là những tảng đá đè… vào mồm, vào óc, vào tim của bạn, vào hướng sống, khiến bạn không được phép phát triển theo kiểu của chính họ.
Ngược lại, một khi đón nhận bạn, tôn trọng bạn, cho lắng vào tai vào mắt vào tim mình mọi lời nói mọi cử chỉ của bạn, người lắng nghe sẽ chỉ có hai loại phản ứng là: Phản ánh và Soi sáng. Phản ánh là nghe nhận được điều gì, thì phản hồi cho bạn đúng thật như thế. Soi sáng thì khó hơn và ‘nguy hiểm’ hơn, khi mình cảm nghiệm những vấn đề của bạn cách khách quan và sâu sắc hơn, thì nói lên, diễn tả ra cho bạn điều mình cảm nghiệm.
Thực ra, trong tình bạn, dám lắng nghe thì cũng có lúc dám bộc lộ. “Người không có khả năng bộc lộ thì cũng không có khả năng yêu thương”. Bộc lộ là dám dấn thân liều mình mà “tỏ mình ra” một chút, nhiều chút, dần dà, đúng người, đúng lúc, đúng nơi, để dâng tặng cho bạn loại quà tặng lớn lao nhất là chính mình, nỗi niềm của mình, quá khứ của mình, nỗi đau của mình…
Nền văn hóa “Nho Giáo Làng” và có lẽ, cả lối sống của hầu hết nhà tu nữa, đều đề cao sự khép kín, dấu diếm. Các thành viên càng sống bên cạnh nhau, thì lại càng trở thành những ốc đảo cô đơn, và sự lắng nghe và bộc lộ lại là điều vô cùng cấm kỵ, dại dột, nguy hiểm.