Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên – phần cuối

0
850


Nguyên tác:
International Theological Commission.
In Search of a Universal Ethic: 
A New Look at the Natural Law (2009)

Chuyển ngữ:
Lm. Phaolô Cao Chu Vũ, OP.

 

Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên – phần I
Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên – phần II
Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Nhãn Quan Mới Về Luật Tự Nhiên – phần III

 

 

 

CHƯƠNG IV

LUẬT TỰ NHIÊN VÀ THÀNH BANG (PÓLIS)
*********

 

4. 1. Con người và lợi ích chung

83. Hướng về trật tự chính trị của xã hội, chúng ta bước vào địa hạt được quản trị bởi các quy tắc hay luật lệ. Thực vậy, các quy tắc như thế xuất hiện từ khi con người bước vào tương quan. Bước chuyển tiếp từ cá nhân đến xã hội làm sáng tỏ sự khác biệt căn bản giữa luật tự nhiên và công lý tự nhiên.

84. Con người là trung tâm của trật tự chính trị và xã hội bởi vì con người là cứu cánh, chứ không phải là phương tiện. Con người là một hữu thể có tính xã hội do tự bản tính, chứ do chọn lựa hay sự đồng thuận khế ước thuần túy. Để trưởng thành như một nhân vị, con người cần một cấu trúc của những tương quan, mà họ thiết lập với những người khác. Như thế, họ tìm thấy chính mình ngay tại trung tâm của một hệ thống được tạo nên từ những vòng tròn đồng tâm: gia đình, môi trường sống và làm việc, cộng đồng thân cận, quốc gia và cuối cùng là toàn thể nhân loại[1]. Con người lấy ra từ các vòng tròn này những yếu tố cần thiết để trưởng thành, và đồng thời đóng góp vào sự thành toàn của các vòng tròn đó.

85. Bởi vì con người có ơn gọi là sống trong xã hội với những người khác, nên họ có chung một tập hợp những điều tốt để theo đuổi và các giá trị để bảo vệ. Điều này được gọi là “lợi ích chung” (common good). Nếu con người là cứu cánh tự bản thân, thì mục tiêu của xã hội là cổ võ, củng cố và phát triển lợi ích chung của nó. Việc tìm kiếm lợi ích chung cho phép thành bang huy động các nguồn lực của tất cả mọi thành phần trong cộng đồng. Ở mức độ thứ nhất, lợi ích chung có thể được hiểu như một tập hợp các điều kiện giúp cho một ai đó trở nên người hơn[2]. Dẫu được cụ thể hóa qua các khía cạnh ngoại tại như kinh tế, an ninh, công bằng xã hội, giáo dục, tìm kiếm việc làm, truy tầm điều linh thiêng và những điều khác, thì lợi ích chung luôn là điều tốt của con người[3]. Ở mức độ thứ hai, lợi ích chung là mục tiêu mà trật tự chính trị và thành bang phải nhắm tới. Điều thiện hảo của tất cả và của mỗi người trong tính đặc thù, nó diễn tả chiều kích chung của điều thiện hảo cho con người. Các xã hội có thể được xác định bởi một loại lợi ích chung mà chúng muốn thúc đẩy. Thực vậy, đối với những đòi hỏi thiết yếu cho lợi ích chung của mọi xã hội, thì tầm nhìn về lợi ích chung tiến triển cùng với chính các xã hội đó, tuỳ theo các khái niệm về nhân vị, công bình và vai trò của quyền lực của dân chúng.

4. 2. Luật tự nhiên, quy chuẩn của trật tự chính trị

86. Việc tổ chức xã hội vì lợi ích chung của các thành phần trong xã hội đáp ứng những đòi hỏi của bản tính xã hội của con người. Vì vậy, luật tự nhiên xuất hiện như “đường chân trời” chuẩn mực, mà theo đó trật tự chính trị được mời gọi đi tới. Nó xác định một tập hợp các giá trị mà chúng biểu hiện như sự nhân bản hóa cho một xã hội. Bao lâu chúng ta còn ở trong một không gian có tính xã hội và chính trị, thì bấy lâu các giá trị không thể là của riêng ai, của một ý thức hệ hay của một xác tín nào đó: chúng liên quan đến tất cả mọi công dân. Chúng không diễn tả sự đồng thuận mơ hồ giữa các công dân, nhưng dựa trên những đòi hỏi của bản tính người chung của chúng. Để xã hội có thể thi hành một cách đúng đắn sứ mệnh phục vụ con người, nó phải cỗ võ việc hiện thực hoá những xu hướng tự nhiên của con người. Như thế, con người có trước xã hội, và xã hội chỉ được nhân bản hóa khi nó đáp ứng những mong mỏi đã được ghi khắc nơi con người vì họ là một hữu thể có tính xã hội.

87. Theo giáo huấn xã hội của Giáo hội, trật tự tự nhiên của xã hội để phục vụ con người được biểu hiện qua bốn giá trị, phát xuất từ những xu hướng tự nhiên của con người và chúng mô tả những nét chính của lợi ích chung mà xã hội phải theo đuổi, đó là: tự do, chân lý, công lý và tình liên đới[4]. Bốn giá trị này tương ứng với những đòi hỏi của một trật tự đạo đức hoà hợp với luật tự nhiên. Nếu thiếu một trong bốn giá trị đó thì thành bang sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn hoặc sự cai trị của kẻ mạnh. Tự do là điều kiện đầu tiên của một trật tự chính trị thích đáng với con người. Nếu không có tự do để hành động theo lương tâm, để bày tỏ các ý kiến cá nhân, để thực hiện các kế hoạch riêng, thì cũng không có thành bang của con người, ngay cả việc mưu cầu những lợi ích cá nhân phải luôn được nối kết với việc cổ võ lợi ích chung của thành bang. Nếu không tìm kiếm và tôn trọng chân lý thì cũng không có xã hội mà chỉ có sự cai trị độc tài của kẻ mạnh nhất. Chỉ có Chân lý, không thuộc về bất kỳ ai, mới có thể quy tụ tất cả mọi người lại với nhau để theo đuổi những mục tiêu chung. Nếu không có chân lý có tính bó buộc tự thân, thì kẻ khôn khéo nhất sẽ áp đặt “chân lý” của họ. Nếu không có công lý thì cũng không có xã hội mà chỉ có vương quốc của bạo lực. Công lý là điều thiện hảo cao quý nhất mà thành bangcó thể thủ đắc. Điều này có nghĩa là phải luôn luôn tìm kiếm cái gì là đúng, và việc áp dụng luật pháp phải chú ý đến các trường hợp đặc thù, bởi vì sự bình đẳng là yếu tố quan trọng nhất của công lý. Cuối cùng, điều cần thiết là xã hội phải được điều khiển bởi tình liên đới, mà nó bảo đảm sự tương trợ lẫn nhau và trách nhiệm đối với tha nhân, cũng như việc sử dụng những điều thiện hảo của xã hội để đáp ứng những nhu cầu của tất cả mọi người.

4. 3. Từ luật tự nhiên đến công lý tự nhiên

88. Luật tự nhiên (lex naturalis) trở thành quy chuẩn của công lý tự nhiên (ius naturalis) khi người ta xem xét các mối tương quan công bằng giữa người này với người kia: tương quan giữa người với người trên bình diện thể lý và luân lý, giữa người dân với quyền bính dân sự, giữa tất cả mọi người với luật thiết định. Chúng ta đi từ phạm trù nhân học của luật tự nhiên đến phạm trù pháp lý và chính trị của việc tổ chức thành bang. Quy chuẩn của công lý tự nhiên là tiêu chuẩn cố hữu của sự tương tác đúng đắn giữa các thành phần trong xã hội. Nó là quy tắc và chuẩn mực nội tại của những mối tương quan liên nhân vị và xã hội của con người.

89. Quy chuẩn này không hề tuỳ tiện: đó là những đòi hỏi của công lý, phát xuất từ luật tự nhiên, có trước những luật lệ được phát biểu và ban hành. Nó là quy chuẩn để xác định cái gì là đúng. Chính trị cũng không thể tuỳ tiện: các chuẩn mực của công lý không chỉ là kết quả của một khế ước do con người thiết lập với nhau, mà trước hết chúng phát xuất từ chính bản tính con người. Chuẩn mực của công lý tự nhiên gắn chặt nhân luật vào luật tự nhiên. Đây là nhận thức mà nhà lập pháp phải ghi nhớ khi ban hành các luật lệ để thi hành sứ mệnh phục vụ lợi ích chung. Theo nghĩa này, nhà lập pháp phải tôn trọng luật tự nhiên, vốn thuộc bản tính con người. Ngược lại, khi chuẩn mực của công lý tự nhiên bị phủ nhận thì chỉ có ý chí của nhà lập pháp là cơ sở của luật. Và rồi, nhà lập pháp không còn phải là người giải thích điều nào là đúng và tốt, mà tự gán cho mình đặc quyền là chuẩn mực cuối cùng xác định điều nào là đúng.

90. Chuẩn mực của công lý tự nhiên không bao giờ là một tiêu chuẩn được xác định một lần cho tất cả. Nó phát xuất từ sự đánh giá về những tình huống đang thay đổi nơi con người sống. Nó cụ thể hóa sự phán đoán của lý trí thực tiễn khi đánh giá điều nào là đúng. Vậy, chuẩn mực của công lý tự nhiên, một sự diễn tả có tính pháp lý về luật tự nhiên trong trật tự chính trị, biểu lộ như một quy chuẩn cho các mối tương quan đúng đắn giữa các thành phần trong cộng đồng.

4. 4. Chuẩn mực của công lý tự nhiên và luật thiết định

91. Luật thiết định phải cố gắng thực hiện những đòi hỏi của công lý tự nhiên. Việc này được thực hiện theo cách diễn dịch (công lý tự nhiên cấm giết người, vậy luật thiết định cấm phá thai) hoặc theo cách quy nạp (công lý tự nhiên quy định có tội thì bị phạt, luật hình sự thiết định xác định những hình phạt áp dụng cho từng loại tội phạm)[5]. Nếu các luật thiết định phát xuất từ chuẩn mực của công lý tự nhiên, và như thế, phát xuất từ luật vĩnh cửu, thì chúng bó buộc lương tâm. Trong trường hợp ngược lại, chúng không bó buộc. “Nếu là luật bất chính thì đó không phải là luật”[6]. Các luật thiết định có thể và thậm chí phải thay đổi để giữ đúng mục đích của chúng. Thực vậy, một đàng, lý trí con người tiến triển từng bước một, ngày càng nhận thức rõ hơn điều nào phù hợp nhất với lợi ích của cộng đồng, và đàng khác, những điều kiện lịch sử của đời sống xã hội thay đổi (tốt hơn hoặc xấu đi) và luật pháp phải thích ứng với điều này[7]. Thế nên, nhà lập pháp phải xác định điều nào là đúng trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể[8].

92. Vì thế, các chuẩn mực của công lý tự nhiên là quy chuẩn cho các mối tương quan của con người, có trước ý chí của nhà lập pháp. Chúng đã được ban từ khi con người sống trong xã hội. Chúng diễn tả điều nào là đúng một cách tự nhiên, có trước bất cứ sự phát biểu pháp lý nào. Các chuẩn mực của công lý tự nhiên được trình bày một cách đặc biệt trong các quyền nhân thân của con người, như: quyền tôn trọng sự sống của chính mình, quyền toàn vẹn nhân vị, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do tư tưởng, quyền xây dựng gia đình và giáo dục con cái theo những xác tín riêng, quyền liên kết với những người khác, quyền tham gia vào đời sống cộng đồng, v. v.. Các quyền này, đối với quan niệm đương thời chúng rất quan trọng, không phát xuất từ những ước muốn nhất thời của các cá nhân, nhưng từ chính cấu trúc của con người và từ những tương quan nhân vị của họ. Vì thế, các quyền của con người, phát xuất từ trật tự của công lý, phải điều khiển các mối tương quan giữa người với người. Khi nhìn nhận các quyền tự nhiên này của con người tức là nhìn nhận trật tự khách quan của các mối tương quan của con người dựa trên luật tự nhiên.

4. 5. Trật tự chính trị không phải là trật tự cánh chung

93. Trong lịch sử về các xã hội của con người, trật tự chính trị thường được hiểu như sự phản ánh của một trật tự siêu việt và thần linh. Vì thế, các vũ trụ luận của người xưa đã đặt nền móng và biện minh cho các học thuyết chính trị, theo đó nhà vua bảo đảm cho mối liên hệ giữa vũ trụ và thế giới con người. Điều này liên quan đến việc đưa thế giới con người vào trong sự hoà hợp vốn đã được thiết lập của vũ trụ. Với sự xuất hiện của thuyết độc thần của Kinh Thánh, vũ trụ được hiểu như sự vâng phục trước những luật mà Đấng tạo hoá đã ban cho nó. Trật tự của thành bang chỉ đạt được khi các luật của Thiên Chúa được tôn trọng, và cả những luật đã được ghi khắc nơi tâm hồn con người. Trong một thời gian dài, các chế độ chính trị thần quyền chiếm ưu thế trong các xã hội được tổ chức theo các nguyên tắc và giá trị được rút ra từ các sách thánh của các xã hội đó. Không có sự phân biệt giữa lãnh vực của mặc khải tôn giáo với lãnh vực của tổ chức thành bang. Còn Kinh Thánh thì đã giải thiêng (desacralized) thẩm quyền của con người, dẫu cho nhiều thế kỷ thấm đẫm chất thần quyền – trong bối cảnh Kitô giáo cũng vậy, đã che mờ sự phân biệt chính yếu giữa trật tự chính trị và trật tự tôn giáo. Về vấn đề này, cần phải thận trọng phân biệt giữa hoàn cảnh của giao ước thứ nhất, trong đó luật Thiên Chúa ban cũng chính là luật của dân Ítraen, với hoàn cảnh của giao ước mới, mở ra sự phân biệt và quyền tự trị tương đối của trật tự tôn giáo và chính trị.

94. Mặc khải Kinh Thánh mời gọi con người nhìn nhận rằng trật tự của tạothành là trật tự phổ quát, trong đó tất cả mọi người đều được dự phần; và rằng lý trí có thể tiếp cận trật tự đó. Khi chúng ta nói về luật tự nhiên thì có nghĩa là nói về một trật tự do Thiên Chúa muốn và được lý trí con người nhận biết. Kinh Thánh trình bày sự phân biệt giữa trật tự của tạothành với trật tự của ân sủng, được tiếp cận nhờ tin vào Đức Kitô. Trật tự của thành bangkhông phải là trật tự cuối cùng hoặc cánh chung này. Lãnh vực của chính trị không phải là lãnh vực của thành đô thiên quốc, một ân ban vô điều kiện của Thiên Chúa. Lãnh vực chính trị phát xuất từ trật tự bất toàn và nhất thời, trong đó con người đang sống, tất cả đang hướng tới sự thành toàn của chúng; sự thành toàn đó siêu việt lịch sử. Theo thánh Augustinô, đặc điểm phân biệt của thành đô trần thế là sự hỗn tạp: kẻ công chính và kẻ bất chính, kẻ tin và kẻ không tin sống cạnh nhau[9]. Tạm thời họ phải sống chung với nhau theo những đòi hỏi của bản tính con người và khả năng lý trí của họ.

95. Vì thế, thành bangkhông thể tự cho mình là kẻ đem đến ý nghĩa tối hậu. Nó không thể áp đặt một ý thức hệ bao trùm, hoặc một tôn giáo, hoặc một cách nghĩ duy nhất. Trong xã hội dân sự, các tổ chức tôn giáo, các triết thuyết và trường phái tâm linh đảm nhận lãnh vực ý nghĩa tối hậu, phải góp phần vào lợi ích chung, củng cố các mối quan hệ xã hội, cổ võ các giá trị phổ quát, là nền tảng cho chính trật tự chính trị. Trật tự này không có sứ mạng đem Nước Thiên Chúa đến trần gian. Nó có thể làm cho Nước Trời mau đến nhờ những thành tựu trong lãnh vực về công lý, tình liên đới và hoà bình. Nó không thể làm điều đó bằng sự cưỡng bức.

4. 6. Trật tự chínhtrị là một trật tự nhất thời và dựa trên lý trí

96. Nếu trật tự chính trị không phải là lãnh vực của chân lý tối hậu thì nó cần phải được mở ra cho cuộc tìm kiếm luôn mãi Thiên Chúa, chân lý và công lý. “Tính hợp pháp và thế tục lành mạnh của thành bang”[10] hệ tại ở sự phân biệt giữa trật tự siêu nhiên của đức tin và trật tự chính trị. Trật tự chính trị không thể lẫn lộn với trật tự ân sủng, là trật tự mời gọi tất cả mọi người tự do gắn kết. Đúng hơn, trật tự chính trị được nối kết với nền đạo đức phổ quát của loài người đã được ghi khắc nơi bản tính con người. Vì thế, thành bang phải cung cấp cho mọi người trong cộng đồng những gì cần thiết cho sự thành toàn viên mãn cuộc sống của họ, bao gồm các giá trị tinh thần và tôn giáo nào đó, cũng như sự tự do để mỗi công dân bày tỏ xác tín của mình trước Đấng tuyệt đối và những điều thiện hảo cao quý. Nhưng tự bản tính lợi ích chung của thành bang thì nhất thời, nên nó không thể cung cấp những điều thiện hảo siêu nhiên, thuộc một trật tự khác.

97. Nếu Thiên Chúa và tất cả những điều siêu nhiên bị loại khỏi lãnh vực chính trị, thì chỉ còn sức mạnh của con người. Thực vậy, đôi khi trật tự chính trị tự cho mình như mục tiêu cho ý nghĩa tối hậu của nhân loại. Các ý thức hệ và các chế độ độc tài đã chứng minh rằng một trật tự chính trị mà không có chiều kích siêu việt thì không được con người chấp nhận. Sự siêu việt này được nối kết với điều mà chúng ta gọi là luật tự nhiên.

98. Sự hòa quyện chính trị-tôn giáo của quá khứ cũng như những kinh nghiệm về chế độ độc tài của thế kỷ XX, nhờ biết cách phản ứng lành mạnh, đã khiến cho người ta thấy rằng cần phải tái thẩm định vai trò của lý trí trong chính trị, và như thế nhìn nhận mối liên hệ mới mẻ với khảo luận Aristotle-Tôma về luật tự nhiên. Chính trị có nghĩa là việc tổ chức thành bang và đề ra những kế hoạch chung của nó, phát xuất từ trật tự tự nhiên và phải tranh luận một cách hợp lý để rộng mở trước siêu việt.

99. Luật tự nhiên, nền tảng của trật tự xã hội và chính trị, không đòi hỏi phải gắn kết với đức tin, nhưng với lý trí. Chắc chắn, lý trí tự thân thường bị u mê bởi các đam mê, những lợi ích đối nghịch nhau và những thành kiến. Nhưng việc luôn quy chiếu luật tự nhiên sẽ giúp cho lý trí luôn được thanh tẩy. Chỉ bằng cách này, trật tự chính trị mới tránh được cạm bẫy của sự tuỳ tiện, những lợi ích riêng tư, sự gian dối có tổ chức và sự thao túng của các tư tưởng. Việc tham chiếu luật tự nhiên giữ cho thành bang khỏi rơi vào cám dỗ lôi kéo xã hội dân sự và bắt mọi người phụ thuộc vào một ý thức hệ. Việc tham chiếu luật tự nhiên cũng giúp cho thành bang tránh được nguy cơ trở thành một thành bang kiểu “gia trưởng”, trong đó nó tước đi của người dân và của các cộng đồng mọi sáng kiến và trách nhiệm của họ. Luật tự nhiên hàm chứa một ý niệm về nhà nước pháp quyền, được cấu trúc theo nguyên tắc bổ trợ, tôn trọng người dân và các tổ chức trung gian, và điều khiển các mối tương quan hỗ tương giữa các thành phần trong xã hội[11].

100. Các huyền thoại chính trị đẹp đẽ chỉ có thể bị lột trần khi dựa trên luật của lý trí và nhìn nhận sự siêu việt của Thiên Chúa tình yêu, Đấng cấm tôn thờ trật tự chính trị trần thế. Theo Kinh Thánh, ý định của Thiên Chúa về trật tự của tạothành là: tất cả mọi người, bằng cách sống hoà hợp với luật nội tại nơi tạo thành, đều có thể tự do tìm kiếm trật tự này, và khi đã tìm thấy nó, họ có thể chiếu tỏa vào thế giới ánh sáng của ân sủng, là sự thành toàn của thế giới.

 

CHƯƠNG V

ĐỨC GIÊSU KITÔ,

SỰ THÀNH TOÀN CỦA LUẬT TỰ NHIÊN
**********

 

 

101. Ân sủng không phá đổ tự nhiên, nhưng chữa lành, củng cố và đưa nó tới sự thành toàn viên mãn của nó. Hệ luận là, ngay cả khi luật tự nhiên là sự diễn tả của lý trí chung đối với tất cả mọi người và trên bình diện triết học, nó được trình bày một cách mạch lạc và đúng đắn, thì nó cũng không xa lạ với trật tự ân sủng. Những đòi hỏi của luật tự nhiên vẫn luôn hiện diện và hoạt động trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử cứu độ ngang qua những gì nhân loại trải qua.

102. Kế hoạch cứu độ do Chúa Cha khởi xướng, được thực hiện nhờ sứ vụ của Chúa Con, Đấng ban cho nhân loại một luật mới, luật của Tin Mừng; về cơ bản, luật mới này hệ tại nơi ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động nơi tâm hồn kẻ tin để thánh hoá họ. Trên hết, luật mới là để làm cho con người được dự phần vào sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng đồng thời nó cũng nhận lấy và hiện thực luật tự nhiên một cách tuyệt hảo. Một đàng, luật mới nhắc lại một cách rõ ràng những đòi hỏi của luật tự nhiên, đã bị tội và sự vô tri che mờ. Đàng khác, khi giải thoát chúng ta khỏi luật của tội, vì lẽ “sự thiện tôi muốn thì tôi không làm” (Rm 7, 19), luật mới ban cho con người một khả năng hữu hiệu để vượt thắng cái tôi quy ngã và để hiện thực một cách viên mãn những đòi hỏi nhân bản hóa của luật tự nhiên.

5. 1. Logosnhập thể, Luật hằng sống

103. Nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, là sự tham phần vào ánh sáng thần linh, con người có thể quan sát trật tự khả tri của vũ trụ để nhận ra ở nơi đó sự khôn ngoan, vẻ đẹp và sự tốt lành của Đấng Tạo Hóa. Với sự hiểu biết này, con người có thể tham gia vào trật tự này nhờ hành vi luân lý của mình. Và nhờ một nhãn quan sâu xa hơn về kế hoạch của Thiên Chúa, mà hành vi sáng tạo của Người là sự khởi đầu, Kinh Thánh dạy các tín hữu rằng thế giới này đã được tạo dựng trong, bởi và cho Logos, Lời Thiên Chúa, Người Con yêu dấu của Chúa Cha, Sự Khôn Ngoan bất thụ tạo (increata), và rằng thế giới này có sự sống và hiện hữu trong Người. Thực vậy, Người Con “là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người [en auto], muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình . . . Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người [di’auton] và cho Người [eis auton]. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người [en auto]” (Cl 1, 15-17)[12]. Vì thế, Logos là chìa khoá của tạo thành. Con người, được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, mang nơi mình hoạ ảnh đặc biệt của Ngôi Lời. Hệ luận là, con người được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Người Con, là “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8, 29).

104. Nhưng do bởi tội, con người đã sử dụng sai quấy tự do của mình và quay lưng lại với nguồn khôn ngoan. Khi làm như thế, con người đã làm sai lạc sự nhận thức, mà họ có thể có về trật tự khách quan của các sự vật, ngay cả ở mức độ tự nhiên. Vì biết rằng những việc mình làm là xấu, nên con người ghét ánh sáng và đề ra những học thuyết sai lạc để biện minh cho tội của mình[13]. Vì thế, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người đã bị lu mờ một cách nghiêm trọng. Cho dẫu bản tính con người vẫn họ hướng về sự thành toàn nơi Thiên Chúa, vượt trên chính họ (thụ tạo không thể bóp méo chính mình đến nỗi không còn nhận ra bằng chứng cho thấy Đấng Tạo Hoá ban chính mình nơi tạo thành), thì thực tế, con người đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tội đến nỗi họ không còn nhận ra ý nghĩa sâu xa của thế giới và giải thích nó theo những phạm trù của khoái lạc, tiền bạc và quyền lực.

105. Nhờ cuộc nhập thể cứu chuộc, khi nhận lấy bản tính con người, Logos đã tái tạo hình ảnh Thiên Chúa và đem con người về với Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giêsu Kitô, Ađam mới, đã làm cho kế hoạch ngay từ khởi thủy của Chúa Cha đối với nhân loại được thành tựu, và chính vì điều này mà Người đã mặc khải chính mình cho con người: “Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Bởi vì Ađam, con người đầu tiên đã là hình bóng của Ađam sẽ đến, là Đức Kitô. Đức Kitô, Ađam mới, khi mặc khải về Chúa Cha và tình yêu của Người, đã cho con người biết rõ về chính con người và nói cho họ biết ơn gọi cao cả của họ. … Là ‘hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’ (Cl 1, 15), chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu Ađam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Bởi vì nơi Người, bản tính con người đã được mặc lấy chứ không bị phá hủy, do đó cả nơi chúng ta, bản tính đó cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt”[14]. Vì vậy, nơi bản thân mình, Đức Giêsu Kitô biểu lộ một khuôn mẫu về cuộc sống của con người, hoàn toàn hoà hợp với luật tự nhiên. Thế nên, Người là chuẩn mực tối hậu để phân định một cách chính xác những ước muốn tự nhiên đích thực của con người, khi chúng không còn bị che khuất bởi những méo mó do tội gây ra và những đam mê vô lối.

106. Cuộc nhập thể của Chúa Con đã được chuẩn bị trong nhiệm cục của luật cũ, một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với dân Ítraen của Người. Theo một số giáo phụ, một trong những lý do khiến Thiên Chúa ban luật thành văn cho Môsê là để con người nhớ lại những đòi hỏi của luật đã được ghi khắc một cách tự nhiên nơi tâm hồn họ, nhưng đã bị tội che khuất một phần nào đó hoặc đã bị tẩy xoá[15]. Luật cũ, mà Do Thái giáo đã đồng hoá với Đấng Khôn ngoan tiền hữu, Đấng nắm giữ vận mệnh của vũ trụ[16], đã được đặt vào trong tầm tay của con người, vốn mang dấu tích của tội, để họ thực hành cách cụ thể sự khôn ngoan chân thật, hệ tại ở chỗ yêu mến Thiên Chúa và người thân cận. Luật cũ còn bao hàm các luật thiết định về phụng vụ và pháp lý và cả những giới luật luân lý, được tóm gọn trong Thập giới, tương ứng với những hàm ý chính yếu của luật tự nhiên. Đó là lý do vì sao truyền thống Kitô giáo nhận thấy nơi Thập giới một sự diễn tả tuyệt vời và vẫn nguyên giá trị về luật tự nhiên[17].

107. Đức Giêsu không “đến để bãi bỏ, mà để kiện toàn” lề luật (Mt 5, 17)[18]. Các bản văn Tin Mừng cho biết Đức Giêsu “giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1, 22) và Người không ngần ngại tương đối hoá, thậm chí xoá bỏ, một số quy định đặc thù và nhất thời của lề luật. Nhưng, Người cũng khẳng định nội dung chính của chúng, và nơi bản thân, Người đã làm cho việc thực hành luật đạt tới sự hoàn hảo, vì yêu mến, Người đã tuân giữ nhiều loại luật khác nhau-luân lý, văn hoá và pháp lý-của Luật Môsê, chúng tương ứng với ba chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế. Thánh Phaolô khẳng định Đức Kitô là cứu cánh (telos) của lề luật (x. Rm 10, 4). Ở đây, telos có hai nghĩa. Đức Kitô là “cứu cánh” của lề luật, theo nghĩa lề luật là người quản giáo dẫn con người đến với Đức Kitô. Hơn nữa, đối với những kẻ tin và sống trong Đức Kitô nhờ Thần Khí của tình yêu, Đức Giêsu “đặt dấu chấm hết” cho những bổn phận thiết định của lề luật, đã được thêm vào những đòi hỏi của luật tự nhiên[19].

108. Thực vậy, bằng nhiều cách khác nhau, Đức Giêsu đã nhấn mạnh tính ưu việt luân lý của đức mến, nó liên kết một cách không thể chia tách việc yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận[20]. Đức mến là “điều răn mới” (Ga 13, 34), tóm kết toàn thể lề luật và cho chúng ta chìa khoá để giải thích lề luật: “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 40). Đức mến cũng mặc khải ý nghĩa sâu xa của luật vàng. Với Đức Kitô, luật vàng “điều con không muốn, thì cũng đừng làm cho ai” (Tb 4, 15) trở nên điều răn yêu mến không giới hạn. Bối cảnh Đức Giêsu trích dẫn luật vàng quyết định sự hiểu biết sâu xa về nó. Luật vàng được đặt ở trung tâm của trích đoạn, mở đầu với điều răn: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” và đỉnh cao của lời mời gọi: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 27-36). Trổi vượt luật công bằng giao hoán, luật vàng nhận lấy một hình thức đầy thách đố: nó mời gọi chúng ta chủ động trong tình yêu, là trao ban chính mình. Dụ ngôn người Samari tốt lành diễn tả việc áp dụng luật vàng của Kitô giáo: tâm điểm của mối bận tâm chuyển hướng từ chỗ lo cho bản thân đến chỗ lo cho tha nhân (x. Lc 10, 25-37). Các mối phúc và Bài giảng trên núi làm rõ cách thức chúng ta phải sống giới răn yêu mến, trong tinh thần tự nguyện và cảm thông với tha nhân, là những yếu tố đặc thù của một nhãn quan mới mà tình yêu Kitô giáo nhận lấy. Như thế, việc thực hành đức mến vượt qua mọi rào cản và mọi giới hạn. Nó đạt tới một chiều kích phổ quát và một sức mạnh phi thường, bởi vì nó làm cho con người có khả năng làm được điều mà nếu không có tình yêu thì không thể.

109. Đặc biệt, trong mầu nhiệm vượt qua, Đức Giêsu đã làm luật yêu mến nên hoàn trọn. Ở đây, như Tình yêu nhập thể, Đức Giêsu mặc khải trọn vẹn cho con người biết tình yêu là gì và hệ tại ở điều gì: là trao ban sự sống cho người mình yêu mến (x. Ga 15, 13). “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). Vì yêu mến và vâng phục Chúa Cha, và vì muốn Chúa Cha được tôn vinh nơi cuộc cứu độ loài người, Đức Giêsu đã chấp nhận đau khổ và cái chết trên thập giá vì các tội nhân. Như thế, chính Đức Kitô, Logos và Đức Khôn Ngoan nhập thể, đã trở nên Luật sống, chuẩn mực tối thượng cho tất cả đạo đức của Kitô giáo. Bước theo Đức Kitô (sequela Christi), hoạ lại hình ảnh Đức Kitô (imitatio Christi) là những cách thức cụ thể để thực hành luật trong tất cả mọi chiều kích của nó.

5. 2. Chúa Thánh Thần và Luật tự do mới

110. Đức Giêsu Kitô không chỉ là khuôn mẫu đạo đức để họa theo, mà còn là, với và trong mầu nhiệm vượt qua của Người, Người là Đấng cứu thế ban cho chúng ta một khả năng thực sự để thực hành luật yêu mến. Thực vậy, mầu nhiệm vượt qua đạt tới đỉnh điểm trong hồng ân Thánh Thần, Thần Khí của tình yêu hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con, Đấng liên kết các môn đệ lại với nhau, liên kết họ với Đức Kitô và cuối cùng là với Chúa Cha. Bởi vì “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5), Thánh Thần trở nên nguyên lý nội tại và chuẩn mực tuyệt hảo cho hành động của kẻ tin. Người làm cho họ trở nên mau mắn thực hiện một cách đúng đắn tất cả những đòi hỏi của tình yêu. “Hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa” (Gl 5, 16). Như vậy, lời hứa đã được thành tựu: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Ed 36, 26-27; x. Gr 31, 33-34).

111. Ân sủng của Chúa Thánh Thần là yếu tố chính của luật mới hoặc luật Tin Mừng[21]. Việc Giáo hội rao giảng, cử hành các bí tích, giáo huấn để làm thăng tiến đời sống trong Thần Khí, tất cả là để giúp các tín hữu trưởng thành trong sự thánh thiện của tình yêu. Với luật mới, mà về cơ bản nó là luật nội tại, “luật trọn hảo, luật của tự do” (Gc 1, 25), thì ước muốn được tự chủ và tự do trong chân lý nơi tâm hồn con người giờ đây đạt tới sự thành toàn viên mãn nhất. Từ trong sâu thẳm của con người, nơi Đức Kitô hiện diện và đã được Thần Khí biến đổi, hành vi luân lý của con người tuôn trào một sức mạnh[22]. Nhưng sự tự do này là để phục vụ tình yêu: “Anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5, 13).

112. Luật mới của Tin Mừng bao hàm, đảm nhận và hoàn tất những đòi hỏi của luật tự nhiên. Vì vậy, những xu hướng của luật tự nhiên không phải là những đòi hỏi ngoại tại đối với luật mới. Chúng là một phần của luật mới, cho dẫu chúng là thứ yếu và hoàn toàn tuỳ thuộc vào yếu tố chính, là ân sủng của Đức Kitô[23]. Vì thế, nhờ ánh sáng của lý trí, giờ đây được đức tin sống động chiếu soi, con người nhận biết tốt nhất những xu hướng của luật tự nhiên, chúng chỉ ra cho con người cách thức để phát triển một cách viên mãn bản tính người của mình. Như thế, một đàng luật tự nhiên có “mối liên hệ nền tảng với luật mới của Thần Khí của đời sống trong Đức Kitô, và đàng khác nó cho chúng ta một nền tảng phổ quát để đối thoại với những người đến từ các nền văn hóa hoặc các nền giáo dục khác nhau để tìm kiếm lợi ích chung”[24].

****************

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here