Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang, Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Trung Tâm Học Vấn Đaminh
(Viết theo tác phẩm “Les sources de la Morale chrétienne” của Servais Pinckaers OP. 3è Ed. 1993 do Nxb Universitaires, Fribourgs Suisse và Du Cerf, Paris,
trg. 12–24).
I. NHỮNG KHÁI NIỆM VÀ ĐỊNH NGHĨA KHÁC NHAU VỀ THẦN HỌC LUÂN LÝ
Xưa cũng như nay, khi hỏi những nhà thần học luân lý theo truyền thống hay có khuynh hướng canh tân phải định nghĩa thế nào về môn thần học luân lý, người ta đều rất ngạc nhiên khi nhận được nhiều câu trả lời khác nhau, gây lúng túng cho người đặt vấn đề.
Cha Pruemmer OP., một nhà luân lý học cổ điển, cho rằng ta có thể tìm thấy một định nghĩa rõ ràng về thần học luân lý nơi các thánh giáo phụ và những thần học gia thời Trung cổ. Còn những nhà thần học luân lý từ bốn thế kỷ trở lại đây, trong những bộ sách luân lý của mình, họ thường đưa ra những định nghĩa không đầy đủ và tối nghĩa (x. Manuale theologiae moralis, t. I, n. 1).
Sau thời Công đồng Vaticanô II, những thần học gia luân lý thường phản ứng lại với môn luân lý truyền thống, và họ muốn xây dựng lại bộ môn này. Chính khuynh hướng này đưa họ đến thái độ đặt vấn đề và nghiên cứu không ngừng. Nhưng điểm tiêu cực của thái độ này lại không tạo thuận lợi cho việc triển khai một định nghĩa tổng quát về môn luân lý. Nhưng nhìn dưới góc độ khác, sau khi triển khai việc nghiên cứu và suy tư, người ta lại có thể đi đến một định nghĩa tốt hơn về bộ môn này.
Dù sao đi chăng nữa, ta cũng phải thừa nhận, trong một giảng khóa về luân lý, cần phải có một định nghĩa. Tùy theo việc lựa chọn hướng đi, một định nghĩa về môn này chỉ là khởi điểm cho việc tìm tòi suy tư, hay cũng có thể là điểm đến sau một hành trình suy tư lâu dài.
Tuy thế vẫn luôn luôn còn một điểm chung, không ai chối cãi được: Môn luân lý là một bộ môn liên kết chặt chẽ mọi người lại với nhau. Trong môn này người ta cần đến nhau và làm cho nhau nên phong phú nhờ vào những kinh nghiệm quí giá họ đạt được.
Trước hết ta có thể phác qua những định nghĩa tiêu biểu về môn luân lý trong lịch sử môn thần học này. Qua đó ta có thể đưa ra những yếu tố được các nhà thần học luân lý chấp nhận, dù có thể họ hiểu nhiều cách khác nhau đi chăng nữa. Mọi người đều đồng ý môn luân lý là một phần của thần học. Nó khảo sát về những hành vi của con người (từ chuyên môn gọi là hành vi nhân linh) theo ánh sáng Mạc khải.
Còn những quan điểm khác nhau đều phát xuất từ việc xác định những qui luật cho hành vi nhân linh. Schopenhauer đã nói về vấn đề này cách thâm thúy như sau: “Giảng luân lý không là gì cả, nhưng thiết lập môn luân lý mới là chuyện khó khăn”.
1. Định nghĩa thứ nhất
“Thần học luân lý là một phần của bộ môn thần học, nghiên cứu những hành vi nhân linh là hành vi tuân phục luật luân lý, những giới răn và nghĩa vụ được các giới răn xác định, dưới ánh sáng Mạc khải”.
Định nghĩa này diễn tả khái niệm về luân lý với đỉnh cao là ý tưởng về lề luật như một hình thức diễn đạt ý muốn của Thiên Chúa và của lý trí. Trung tâm của khái niệm này là ý tưởng về nghĩa vụ đặt ra cho tự do của con người. Theo quan điểm này, lãnh vực của luân lý là lãnh vực nghĩa vụ và được phân chia theo các giới răn.
Khái niệm luân lý này được phổ biến từ thế kỷ 17 trong những bộ sách giáo khoa về luân lý được phân chia thành 2 phần: Luân lý Cơ bản bàn về lề luật, còn Luân lý Chuyên biệt bàn về các giới răn được coi như cách diễn tả luật tự nhiên, cộng thêm vào đó là những giới răn của Hội thánh và một số những qui định của Giáo luật.
Từ 4 thế kỷ trở lại đây, cách trình bày luân lý kiểu này thường được đồng hoá với nền luân lý công giáo, mang khuynh hướng giải nghi (casuistique).
Ta không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng lớn lao của khái niệm này trong những bộ sách giáo khoa đào tạo các linh mục trong việc rao giảng và dạy giáo lý trước đây.
2. Định nghĩa thứ hai
“Thần học luân lý là một phần của bộ môn thần học, nghiên cứu những hành vi nhân linh, để làm cho hành vi này phù hợp với những nghĩa vụ và qui luật do lý trí và ý muốn của Thiên Chúa đặt ra cho chúng ta, dưới ánh sáng Mạc khải”.
Ý tưởng trọng yếu của khái niệm này cũng là ý tưởng về nghĩa vụ, nhưng hàm súc một tính nội giới rộng lớn hơn, nhờ vào việc điều chỉnh nội tâm theo lý trí và lương tâm.
Ta có thể thấy khái niệm này theo khuynh hướng của Kant với những mệnh lệnh phạm trù (impératif catégorique). và sự phân biệt cổ điển giữa bổn phận đối với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính bản thân. Ta vẫn thường gặp sự phân biệt này trong việc dạy giáo lý và các bản xét mình.
3. Định nghĩa thứ ba
“Thần học luân lý là một phần của bộ môn thần học, nghiên cứu những hành vi nhân linh, để hướng chúng ta đến hạnh phúc đích thực và mục tiêu tối hậu của con người, nhờ các nhân đức, và dưới ánh sáng Mạc khải”.
Theo khái niệm này, hạnh phúc đích thực và mục tiêu tối hậu là đỉnh cao của luân lý. Chúng vượt lên trước và lên trên vấn đề nghĩa vụ, qui luật và các giới răn. Đây là nền luân lý dẫn đến những gì là chân thiện. Sự phân chia trong thần học luân lý được thực hiện theo các nhân đức đối thần và những nhân đức luân lý như là những nguyên lý nội tại cho hành động. Cộng thêm vào đó là lề luật và ân sủng Chúa như là những nguyên lý ngoại tại của hành động. Người ta coi khái niệm này là định nghĩa của thánh Tôma về thần học luân lý. Nhưng ta có thể ghi nhận ở đây sự khác biệt trong trường phái thánh Tôma về luân lý như sau:
a. Lập trường thứ nhất:
Dù vẫn muốn trung thành với thánh Tôma, nhưng khi bàn về hạnh phúc, nhiều người chỉ muốn giữ lại việc qui hướng về mục tiêu tối hậu. Cha Pruemmer OP. định nghĩa thần học luân lý như một phần của khoa thần học xét xử. Nó điều khiển hành vi nhân linh hướng về cùng đích siêu nhiên, theo những nguyên lý Mạc khải (op. Cit. n0 2).
Còn E. Dublanchy khi viết đề mục “luân lý” trong Tự điển thần học Công giáo đã nói: “Theo định nghĩa của thánh Tôma, thần học luân lý có mục đích nghiên cứu những hành vi nhân linh trong mối tương quan phù hợp hay bất phù hợp với mục đích tối hậu siêu nhiên mà Thiên Chúa muốn”.
Định nghĩa này cho thấy việc quy hướng về mục tiêu tối hậu trong luân lý được coi như thánh ý của Thiên Chúa. Cách trình bày luân lý như thế mang tính chất tuân phục và ngả theo khuynh hướng luân lý nghĩa vụ, dù trên nguyên tắc những người chủ trương vẫn thích cách phân chia theo các nhân đức. Nhưng khi bàn về các nhân đức, họ cũng khảo sát những nghĩa vụ thuộc phạm vi nhân đức.
b. Lập trường thứ hai:
Theo chân Aristote, các thánh Giáo phụ, và thánh Tôma, hạnh phúc đích thực là điểm đầu tiên trong luân lý ta không thể chối cãi được, vì hạnh phúc là điều tự nhiên đối với con người. Chính hạnh phúc mới làm nảy sinh vấn đề mục tiêu tối hậu và diễn đạt khuynh hướng nguyên thủy của con người là hướng về những điều chân thiện.
Việc thực hành các nhân đức và những kinh nghiệm mà các nhân đức thủ đắc được trong những lãnh vực khác nhau của hành vi nhân linh sẽ củng cố khuynh hướng nói trên. Với lối nhìn như thế thì những giới lệnh và những nghĩa vụ chỉ là đến sau để phục vụ cho các nhân đức.
4. Định nghĩa thứ tư
“Thần học luân lý là một phần của bộ môn thần học, nghiên cứu những hành vi nhân linh, để giúp hành vi này phù hợp với những giá trị góp phần vào việc làm cho con người được triển nở, dưới ánh sáng của Mạc khải”.
a. Khái niệm này phát xuất từ nền triết học hiện đại về các giá trị. Một trong những gương mặt tiêu biểu của nền triết học này là Max Scheler. Khái niệm này cũng được phổ biến rộng rãi nơi các tác giả Công giáo. Theo đó người ta phân chia luân lý theo những thứ tự khác nhau về các giá trị với nấc thang rõ ràng:
– Những giá trị sinh tồn như sức khỏe, môi trường sinh thái và tất cả những gì góp phần vào việc làm triển nở sự sống con người.
– Những giá trị cảm tính với những khoái lạc.
– Những giá trị thẩm mỹ trong các bộ môn nghệ thuật.
– Những giá trị xã hội, luân lý, tôn giáo, thiêng liêng và thần bí.
b. Cho dù là có một trật tự giá trị như thế, nhưng khi xét xử hay hướng dẫn các hành vi nhân linh, người ta vẫn phải lưu ý đến toàn bộ các giá trị. Khái niệm luân lý này có vẻ tích cực hơn nền luân lý nghĩa vụ chỉ lưu tâm đến tội lỗi, bởi vì nó lưu tâm đến phẩm chất luân lý hơn.
5. Những khuynh hướng hiện nay
Thời nay người ta có khuynh hướng phản ứng lại với nền luân lý cổ truyền và nhấn mạnh đến:
a. Tự do và lương tâm cá nhân đối nghịch lại với lề luật.
b. Tình yêu và tính hỗ tương đối nghịch lại với nghĩa vụ.
c. Tính trách nhiệm và óc sáng tạo đối nghịch lại với thái độ vâng phục quyền bính.
d. Chiều kích xã hội ngược lại với chiều kích cá nhân của hành vi nhân linh.
e. Sự phê phán và chất vấn hơn là những suy tư lý thuyết và tính truyền thông.
Cho nên người ta thích đưa ra hướng tìm tòi, nghiên cứu những phác thảo hơn là đưa ra những định nghĩa mà họ cho là có thể làm ngưng dòng chuyển động của suy tư.
II. ĐỀ NGHỊ MỘT ĐỊNH NGHĨA VỀ THẦN HỌC LUÂN LÝ VÀ GIẢI THÍCH
Cấu trúc của môn thần học luân lý giống như việc xây nhà. Việc đặt nền móng cho ngôi nhà không những không ngăn cản, nhưng trái lại còn là điều cần thiết đối với những người thợ. Cũng vậy, một định nghĩa chính xác, rõ ràng, chắc chắn sẽ không ngăn cản việc suy tư của các thần học gia luân lý, nhưng trái lại nó sẽ nâng đỡ và đưa ra một nền tảng cần thiết giúp họ có thể làm tốt công việc suy tư của mình.
1. Định nghĩa về thần học luân lý
“Thần học luân lý là một phần của bộ môn thần học, nghiên cứu những hành vi nhân linh, để hướng những hành vi đó đến việc hưởng kiến yêu mến Thiên Chúa như hạnh phúc đích thực, trọn vẹn và đến mục tiêu tối hậu, nhờ ân sủng, nhân đức, ân huệ Chúa ban; và điều đó được thực hiện dưới ánh sáng Mạc khải và lý trí”.
2. Giải thích
a. Thần học luân lý là một phần của bộ môn thần học
Một vài thế kỷ trước, khi phân bố chương trình giảng dạy thần học, người ta thường có khuynh hướng tách biệt môn luân lý ra khỏi các môn Tín lý, Kinh thánh và Linh đạo. Điều này dẫn đến nguy cơ biến môn luân lý thành một môn biệt lập, với những phương pháp, phạm trù riêng biệt, từ ngữ chuyên môn. Tình trạng này làm cho môn luân lý trở nên khó hiểu và việc đối thoại với những môn khác trong thần học trở nên họa hiếm và khó khăn.
Một trong những trách nhiệm chính yếu của thần học là tái lập sự thống nhất giữa các môn liên quan. Vì nếu luân lý nhắm hướng dẫn con người hướng về Chúa, thì làm sao người ta có thể bỏ qua những môn Tín lý, Kinh thánh và Linh đạo là những môn bàn về Thiên Chúa mạc khải trong tương quan với con người. Cho nên thiết lập lại mối liên hệ với những môn khác trong thần học là nhiệm vụ hàng đầu của môn luân lý.
b. Nghiên cứu những hành vi nhân linh
Ta không nên nhìn hành vi nhân linh như những hành vi riêng lẻ, biệt lập, không liên quan gì với nhau. Bởi vì có những hành động bao gồm nhiều hành vi khác nhau, tạo nên một tổng thể chung định hướng cho cuộc sống tương lai của một người.
Không những hành vi nhân linh thường mang hai chiều kích cá nhân và cộng đoàn, nhưng nó còn một chiều kích kép khác nữa đó là hướng nội và hướng ngoại. Hành vi nội tại như biết, muốn, yêu, chọn lựa. Còn hành vi ngoại tại là làm một công việc gì đó. Một vài thế kỷ trở lại đây, môn luân lý thường quá chú trọng đến hành vi ngoại tại là những hành vi trực tiếp đụng chạm đến lề luật, và lãng quên đi bình diện nội tại với ý hướng bên trong làm phát sinh ra những hành động bên ngoài.
Cho nên trước tiên phải hiểu hành vi nhân linh là một hành vi hữu ý, mang tính cá nhân và tự do, rồi mới đến khía cạnh là một hành vi bên ngoài. Khi nói đến hành vi tự do là phải hiểu ngay đến khía cạnh hữu trách của hành vi đó trước mặt Thiên Chúa và tha nhân.
c. Để hướng những hành vi đó đến việc hưởng kiến yêu mến Thiên Chúa
Một trong những chủ đề lớn trong Kinh thánh Tân Ước là việc tìm kiếm thánh nhan Chúa. Ta có thể đan cử vài đoạn Kinh thánh về vấn đề này: “Bây giờ ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được giáp mặt” (1Cr. 13,12), “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt. 5,8).
Từ ngữ “hưởng kiến yêu mến” có ý chỉnh lại khuynh hướng quá nhấn mạnh đến lý trí của từ ngữ “hưởng kiến” hay “biết”. Nền tảng của khái niệm “hưởng kiến yêu mến” có thể dựa vào câu Chúa nói: “Ta là mục tử nhân lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga. 10,14). Bible de Jérusalem chú giải lời này như sau: trong Kinh thánh từ ngữ “biết” không phát xuất thuần túy từ lý trí mà thôi, nhưng còn phát xuất từ “kinh nghiệm”, từ sự hiện diện, và hành vi “biết” bắt buộc phải được triển nở trong tình yêu.
Cho nên việc hưởng kiến yêu mến có nghĩa: sự hưởng kiến tạo nên lòng yêu mến và lòng yêu mến này lại cố gắng để biết và thấy hơn nữa. Từ ngữ này có công kết hợp lại những điểm nhấn khác nhau giữa hai trường phái Thần học thời Trung cổ vào thế kỷ thứ 13: trường phái Đa minh nhấn mạnh đến khía cạnh lý trí, còn trường phái Phan sinh thì nhấn mạnh đến khía cạnh ý chí và tình yêu.
d. Như hạnh phúc đích thực và trọn vẹn
Việc hưởng kiến yêu mến Thiên Chúa là một lời đáp trả đích thực và trọn vẹn của mạc khải đối với vấn đề hạnh phúc, mà mọi người tự đặt ra cho bản thân mình theo ước muốn tự nhiên nhất. Qua yếu tố này, ta chọn khái niệm thần học luân lý phù hợp với khái niệm của các thánh Giáo phụ và thánh Tôma, đó là tất cả những gì đề cập đến luân lý đều khởi đi từ vấn đề hạnh phúc. Điều này cũng làm ta gần gũi với Tin mừng hơn, đặt luân lý trong mối tương quan với những mối phúc mà Đức Giêsu đã đề xướng. Hạnh phúc trong Thiên Chúa là nhân tố chủ yếu kiến tạo tình trạng Nước trời và sự hiệp thông các thánh. Nhờ tình yêu ta có thể hiệp thông với những người khác trong cùng một hạnh phúc.
e. Và đến mục tiêu tối hậu
Mục tiêu tối hậu có nghĩa là mục tiêu tối thượng mà con người hướng cả bản thân, cuộc sống và hành vi của mình tới đó.
Nó như một đích điểm mà ta nhắm tới xuyên qua những chọn lựa kế tiếp nhau trong cuộc sống. Ta không nên hiểu mục tiêu tối hậu như một đích điểm mà đạt đến rồi thì chẳng còn gì để làm nữa, nhưng ngược lại chính việc đạt đến mục tiêu tối hậu lại làm cho hành vi của ta được hoàn hảo hơn và làm cho khả năng hành động của ta đạt tới mức hiệu năng tối đa hơn. Có lẽ cách lý giải sau đây của thánh Augustinô về vấn đề này có thể làm ta hiểu rõ hơn: không nên hiểu việc đạt tới mục tiêu tối hậu giống như việc ta ăn một ổ bánh mì, ăn xong thì chẳng còn gì nữa; nhưng nên hiểu theo nghĩa ta hoàn thành một chiếc áo mới vì đã được may xong và được dùng để mặc.
f. Nhờ ân sủng, nhân đức, các ân huệ Chúa ban
Trước một mục tiêu và hạnh phúc siêu nhiên tuyệt vời như thế, tự sức riêng mình, con người không thể đạt được. Với ân sủng của Ngài thì chỉ một Thiên Chúa mới tỏ mình cho ta và dẫn đưa ta lại với Ngài. Đây chính là công việc đặc thù của Chúa Thánh Thần trong ta. Thánh Phaolô gọi đời sống người Kitô hữu với mục tiêu rõ ràng như thế là đời sống trong Thánh Thần. Cho nên chủ đề ân sủng là một trong những nhân tố chủ lực trong Thần học luân lý. Điều này còn bao gồm luôn những ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Cộng thêm vào đó là những nhân đức đối thần và nhân đức luân lý, chúng được coi như con đường chính yếu dẫn ta đến việc hưởng kiến yêu mến Thiên Chúa.
g. Theo ánh sáng Mạc khải và lý trí
Thoạt nhiên yếu tố này chẳng đặt ra vần đề gì khó khăn; nhưng thực ra nó tiềm ẩn một vấn đề quan trọng trong luân lý công giáo ngày nay, đó là mối tương quan giữa mạc khải và luân lý. Phải chăng luân lý ngày nay có khuynh hướng đòi hỏi sự tự trị tuyệt đối như một bộ môn khoa học. với những qui luật thuần lý làm nền tảng? Hệ quả là mạc khải chỉ đóng vai trò xác nhận và gợi ý bên ngoài. Đúng ra người Kitô hữu phải coi mạc khải như nguồn mạch chính yếu và trực tiếp cho luân lý Kitô giáo.
Đương nhiên chúng ta chọn lập trường thứ hai coi Kinh thánh và đức tin luôn luôn có vai trò ưu tiên. Chúng không ngăn cản, nhưng ngược lại tăng cường hoạt động của lý trí trong thần học. Lý do là vì lý trí được hiểu như một sự nhận thức vừa hướng mở trước ánh sáng thiêng liêng, vừa lưu tâm đến công việc chặt chẽ của tư duy, như các thánh Giáo phụ vẫn có thói quen làm trong quá khứ.
Sau khi đưa ra một đề nghị mang tính chất phác họa về thần học luân lý, bây giờ ta nên tìm hiểu qua những nhân tố chính yếu của định nghĩa vừa nêu: một nền luân lý về hạnh phúc, tình yêu là một nền luân lý phục vụ cho con người.