Tìm Hiểu Tin Mừng Thứ Ba: Khía Cạnh Thần Học (1)

0
1416


Vũ Văn An

 

Mỗi soạn giả nhìn chủ đề tín lý của Tin Mừng Luca một khác. E.E. Ellis (1) cho rằng chủ đề đó là bản chất tư cách Kitô và sứ vụ của Chúa Giêsu; chủ đề này được khai triển bằng nhiều trình đoạn (episodes). Các trình đoạn này đem lại “chứng tá” ý nghĩa cho con người Chúa Giêsu và việc xuất hiện Nước Thiên Chúa mà chính Người rao giảng. Chủ chốt của chứng tá này là vai trò của Chúa Thánh Thần.

Linh mục Léon Dufour (2) thì tin rằng Tin Mừng Luca nhằm đem lại một trình bày lịch sử cho các biến cố cứu rỗi. Có thể gọi ngài là tin mừng gia của kế hoạch Thiên Chúa: mầu nhiệm Phục Sinh là tâm điểm, Chúa Thánh Thần là tác giả và cộng đồng phổ quát của mọi tín hữu là hạn định của kế hoạch này.

Linh mục Karris (3) thì cho rằng Thánh Luca viết tin mừng cho một cộng đồng chủ yếu gồm các tín hữu gốc dân ngoại. Vấn đề chủ yếu của cộng đồng này là nền thần học tự nhiên (theodicy): nếu Thiên Chúa đã không giữ lời hứa với Dân Riêng của Người bằng cách để cho Kinh Thành và Đền Thờ của họ bị san bằng, thì há cớ gì các Kitô hữu dân ngoại có thể tin được rằng vị Thiên Chúa ấy chịu trung thành với các lời Người hứa với họ? Với sơ truyền thuật truyện của mình, Thánh Luca muốn chứng minh rằng qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa trung thành với các lời hứa đã ngỏ với It-ra-en và một cách không ngờ với cả Dân Ngoại, người dơ bẩn, kẻ nghèo hèn, phụ nữ, người Samaria, người thu thuế, đủ mọi hạng người bị khinh thường, coi rẻ nếu biết thống hối ăn năn vì khởi đầu đã khước từ Chúa Giêsu, tiên tri của Thiên Chúa và là Đấng Kitô. Tất cả cũng vẫn là It-ra-en, nhưng là một It-ra-en tái tạo.

Đối với I. Howard Marshall (4), chủ đề chính của Thánh Luca không hẳn là việc tái lên khuôn sứ điệp Kitô Giáo vào lịch sử cứu rỗi mà là làm cho con đường cứu rỗi trở thành dễ hiểu đối với độc giả của mình. Nói cách khác, chủ đề trung tâm của Thánh Luca là trình bày câu truyện về Chúa Giêsu để dẫn người ta tới sự cứu rỗi; cứu rỗi mới là chủ đề chính trong các trước tác của Thánh Luca, nó là sợi chỉ xuyên suốt cả Tin Mừng Luca lẫn Công Vụ Tông Đồ (*).

Riêng linh mục Fitzmyer (5), khi bàn đến nền thần học của Thánh Luca, đã chú trọng đến nhiều yếu tố khác nhau. Trong 9 yếu tố, ta thấy có sơ truyền (kerygma), viễn ảnh địa dư, viễn ảnh lịch sử, Kitô học, cứu thế học, Chúa Thánh Thần, cánh chung học, việc làm môn đệ… Thiển nghĩ, phương thức của tác giả này giúp ta hiểu cặn kẽ khía cạnh tín lý trong các trước tác của Thánh Luca hơn. Trong các chương trước, ta đã xem qua một số yếu tố vừa kể, nhất là viễn ảnh địa dư và viễn ảnh lịch sử. Về viễn ảnh địa dư, ở đây, chỉ xin nhấn mạnh thêm điều này: Thánh Luca quan tâm đến việc làm nổi bật vai trò của Giêrusalem, như là kinh thành mà Chúa Giêsu phải tới (Lc 13:33) và như điểm then chốt đối với sự cứu rỗi nhân loại. Cảnh đầu tiên (Giacaria dâng của lễ) và cảnh cuối cùng (các môn đệ tới cầu nguyện) trong trình thuật Luca đều diễn ra tại kinh thành này. Viễn ảnh đó, vì thế, đã trở thành một nhân tố trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Trong chương này, xin đề cập rộng dài đến một vài yếu tố sau đây.

I. SƠ TRUYỀN CỦA THÁNH LUCA

Trong Tân Ước, sơ truyền (kerygma) thường có ba nghĩa: nghĩa hoạt động chỉ sự công bố hay rao giảng (1Cor 2:4); nghĩa nội dung chỉ điều được rao giảng (Rm 16:25); và nghĩa trách vụ chỉ chức vụ rao giảng của một cá nhân nào đó (1Tm 1:3). Ở đây, ta chỉ bàn tới hai nghĩa đầu, dùng để chỉ việc công bố về Chúa Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại, như là hành động cứu rỗi cánh chung của Thiên Chúa; hay như là lời thách thức diễn ra trong hành động cứu rỗi của Chúa Kitô. Trong sơ truyền của Kitô Giáo buổi đầu, Chúa Giêsu không những chỉ là vị rao giảng hay vị tiên tri loan báo hành động cứu rỗi ấy, mà còn là Đấng, tuy trước đây là người mang sứ điệp, nhưng nay đã được cuốn hút vào sứ điệp ấy đến nỗi trở thành nội dung chủ yếu của nó. Người công bố đã trở thành Đấng Được Công Bố.

Vấn đề ở đây là: trong các trước tác của Thánh Luca, Người đã trở nên như thế cách nào? Trước khi trả lời câu hỏi này, tưởng cũng nên biết Thánh Luca chỉ sử dụng danh từ kerygma có một lần để chỉ sự rao giảng của Giôna (Lc 11:32). Nhưng động từ keryssein thì được ngài sử dụng đến 17 lần: 9 lần trong Tin Mừng, 8 lần trong Công Vụ, hơn hẳn các soạn giả Tân Ước khác. Ấy là chưa kể, ngài còn dùng nhiều động từ khác với ý nghĩa tương tự như: euangelizesthai (10 lần), didaskein (17 lần), laleinkatangellein.

A. Sơ truyền – hiểu như hành động công bố

1. Việc rao giảng của Chúa Giêsu

Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu công bố sự kiện cứu rỗi cánh chung của Thiên Chúa, tức biến cố Người dứt khoát can thiệp vào lịch sử con người, đề nghị với It-ra-en một lối cứu rỗi mới hẳn. Dù Người chưa bao giờ được gọi là sứ giả (keryx), nhưng thực sự Người được mô tả trong vai trò sứ giả hay ngôn sứ của Thiên Chúa, vì Người là người rao giảng về cánh chung.

Thánh Luca lấy hình ảnh rao giảng và dạy dỗ của Chúa Giêsu từ Thánh Máccô và nhiều nguồn khác, nhưng ngài sử lý hình ảnh này theo lối riêng. Ngài không phân biệt giữa rao giảng và dạy dỗ, như một số trước tác Kitô Giáo buổi đầu. Dù Chúa Giêsu rao giảng hay dạy dỗ, tất cả đều được coi là sự công bố của Người, một công bố cũng đòi hỏi, cũng thúc bách và cũng không kém tính lịch sử như trong Tin Mừng Máccô.

Tuy ở đầu trình thuật về thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu (Lc 4:14b-15), Thánh Luca chỉ sơ lược nói tới việc rao giảng tại các hội đường, chứ không nhấn mạnh tới việc công bố của Chúa Giêsu như Thánh Máccô: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Nhưng ngay sau phúc trình sơ lược ấy, Thánh Luca thuật lại biến cố Nadarét, được coi là do chính Thánh Luca soạn thảo làm chương trình tổng quát cho thừa tác vụ của Chúa, trong đó, Chúa Giêsu áp dụng vào Người lời của Isaia 61:1-2: “Thần Trí của Thiên Chúa ở trên tôi, vì Người đã tấn phong tôi… để tôi công bố năm hồng ân của Thiên Chúa” và mạnh dạn nói tiếp: “Hôm nay, đoạn Thánh Kinh này đã ứng nghiệm” (Lc 4:21). Nghĩa là một thời đại mới đang ló rạng, thời đại thiên sai, vì người công bố là người được “xức dầu”; người ấy công bố năm hồng ân của Thiên Chúa: người giam cầm được tha, người mù được thấy, người bị áp bức được giải thoát.

Nội dung công bố của Người còn là Nước Thiên Chúa như Lc 4:43 xác nhận: việc công bố này chính là sứ vụ của Người. Và quả tình sau đó, Người du hành khắp nơi để “rao giảng và loan báo Nước Thiên Chúa (Lc 8:1). Trong sứ điệp gửi cho Gioan Tẩy Giả, Người nhấn mạnh tới việc tiếp nhận lời công bố của Người (Lc 7:23): “phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” nghĩa là Chúa thế nào, họ phải tiếp nhận Người như thế. Chắc chắn lời lẽ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca về việc được tiếp nhận vào Nước Thiên Chúa hay bị ruồng bỏ khỏi đó (Lc 13:22-30) cũng không kém thẳng thừng như trong Mátthêu 7:13-14, 22-23; 25:10b-12.

Tuy nhiên, chỉ có Tin Mừng Luca mới đề cập tới việc Chúa Giêsu bắt đầu huấn luyện các môn đệ tiếp tục việc công bố của Người rằng “triều đại Thiên Chúa đã đến gần” và: “Ai lắng nghe các con là lắng nghe Thầy” (Lc 10:6, 11, 16). Điều này dẫn ta tới việc rao giảng của các môn đệ.

2. Việc rao giảng của các môn đệ

Tin Mừng Máccô chỉ đề cập tới sứ vụ rao giảng hạn chế của Nhóm Mười Hai (Mc 6:7-13, 30), trong khi Tin Mừng Luca, không những nói tới sứ vụ của Nhóm này, được minh nhiên sai đi để “rao giảng Nước Thiên Chúa” (Lc 9:1-6, 10), mà còn nói tới sứ vụ rao giảng của Nhóm Bẩy Mươi (Hai) nữa (Lc 10:1-16) với cùng nhiệm vụ nói cho mọi người hay “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Đủ thấy sứ điệp của Người quan trọng đến thế nào: sự nghiêm trọng của sứ vụ được nhấn mạnh ở chỗ phải thật ít cản trở, không cần phải chào hỏi ai dọc đường…

Cuối Tin Mừng, Chúa Phục Sinh, một lần nữa, lại khẩn khoản trao phó sứ vụ rao giảng cho các ông “phải nhân danh Thầy rao giảng cho muôn dân” (Lc 24:47). Sứ vụ này được thực thi cùng khắp Công Vụ Tông Đồ, một cách bạo dạn (Cv 4:13, 29, 31; 28:31). Hạn từ parresia trong các câu này không những có nghĩa không sợ sệt, thẳng thắn công bố mà còn có ý nói tới tính quả quyết của thách đố đưa ra nữa. Hai câu sau có thể tóm lược đầy đủ bản chất của việc công bố này: “Xin tất cả quí vị và toàn dân It-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Chúa Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng mà quí vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho chỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quí vị… Ngoài Người ra, không ai đem lại; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:10,12).

3. Việc rao giảng của Thánh Luca

Vì viễn ảnh lịch sử của Thánh Luca, nhiều người cho rằng ngài đã lịch sử hóa sơ truyền của Giáo Hội tiên khởi, làm nó hoàn toàn biến chất. Nhưng nếu hiểu sơ truyền là việc công bố một sự kiện do Thiên Chúa loan báo, thì rõ ràng Thánh Luca đã cộng tác tích cực vào diễn trình sơ truyền của Giáo Hội ấy. Thực vậy, ngay ở lời mở đầu Tin Mừng, ngài đã cho rằng trình thuật của ngài liên quan tới “các biến cố đã nên trọn giữa chúng ta” (Lc 1:1), chứ không phải chỉ là các sự kiện lịch sử. Còn trong lời mở đầu Công Vụ, ngài nói rõ trình thuật Tin Mừng đề cập tới “những việc Chúa Giêsu làm và những điều Người dạy” (Cv 1:1). Trong Tin Mừng, ngài đã mô tả tỉ mỉ lời rao giảng và dạy dỗ của Chúa Giêsu; còn trong Công Vụ, ngài chi tiết hóa lời rao giảng về Chúa Giêsu hay về biến cố Chúa Kitô.

Đã đành, tin mừng của Ngài có dáng dấp một cuốn tiểu sử về Chúa Giêsu hơn là các Tin Mừng Máccô và Mátthêu, nhưng nó vẫn không đánh mất đặc điểm công bố. Vì dù sao, ngài cũng đã công bố cho Thêôphilô và những người có đầu óc như ông hành động cứu rỗi cánh chung của Thiên Chúa và đòi hỏi nơi họ một đáp ứng Kitô Giáo. Hơn nữa, khi soạn thảo tin mừng của mình bằng một bút pháp Hy Lạp công phu như thế, hẳn Thánh Luca không phải chỉ nhằm một mình Thêôphilô hay một số người giống như ông mà thôi. Sau cùng, Thánh Luca, khi soạn thảo, đã soạn thảo với một cam kết bản thân vượt xa cam kết của các sử gia thế tục và vượt quá cả cam kết có tính hộ giáo của Josephus. Điều vượt quá ấy chính là đặc điểm sơ truyền, như chứng tá niềm tin nhằm công bố biến cố Chúa Kitô và gợi lên một đáp trả bằng đức tin Kitô Giáo.

B. Sơ truyền, hiểu như điều được công bố

Như các soạn giả tin mừng khác, Thánh Luca cũng đã trình bày sơ truyền theo nghĩa nội dung, tức theo đối tượng của việc công bố Kitô Giáo, nhưng ngài có cái hiểu chuyên biệt về sứ điệp của Chúa Giêsu, của các môn đệ và của cả chính ngài nữa. Trước khi đi xa hơn, ta nên lưu ý, sơ truyền theo nghĩa nội dung trong các soạn tác của Thánh Luca không phải là nhân loại học hay Giáo Hội học. Đây không phải là một cố gắng lên khuôn cái hiểu của con người về chính họ hay mô tả Giáo Hội như một cộng đồng cánh chung. Đúng hơn, đối tượng sơ truyền này chính là Chúa Giêsu Kitô, Người là Đấng được công bố trong đó.

1. Được chính Chúa Giêsu công bố

Việc công bố này được trình bày nhiều cách:

a) Ngay cả trước khi “Nước Thiên Chúa” xuất hiện trên môi miệng Người lần đầu tiên (Lc 4:43), Chúa Giêsu đã công bố rằng Người và việc rao giảng của Người ứng nghiệm điều đã được Thánh Kinh trước đây liên kết với ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Trong con người và lời rao giảng của Người, Chúa Giêsu khai mở năm hồng ân đã được Isaia 61:1-2 nói đến. Năm đây chỉ một thời đại đã bắt đầu, trong đó, Người là sứ giả cánh chung và tiên tri của một phong thái tha, thấy và tự do mới đã được Isaia nói đến. Lời công bố này vừa làm người cùng quê của Người vui vừa làm họ giận. Và đó chính là đặc tính căn để trong sơ truyền của Chúa Giêsu, theo Thánh Luca. Việc ứng nghiệm lời của Isaia này sẽ còn được tái quả quyết trong lời Người nhắn với Gioan Tẩy Giả lúc ấy đang ngồi tù (Lc 7:22-23). Trong một đoạn khác của riêng Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu phục sinh sẽ tóm lược sứ vụ của Người bằng cách giải thích điều vốn liên quan tới Người trong Cựu Ước (Lc 24:27, 32, 45). Phương thức của Chúa Giêsu quả đã in sâu vào tâm trí các tín hữu sơ khai khi sơ truyền của họ luôn luôn hiểu Đấng loan báo cũng là Đấng được loan báo.

b) Không như Tin Mừng Mátthêu (Mt 3:2), một tin mừng cho rằng Gioan Tẩy Giả là người đầu tiên rao giảng về Nước Trời, Tin Mừng Luca khẳng định: vai trò đó là của Chúa Giêsu (Lc 4:43); và cũng chính ở đây, Thánh Luca viết thêm “vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó”. Nước Thiên Chúa quả đã đến cùng với sơ truyền, và Chúa Giêsu chính là người loan báo sơ truyền ấy.

Việc rao giảng về Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu như trên đã được Thánh Luca lấy từ các nguồn của ngài. Nhưng trong khi Mc 10:29 nói tới việc các môn đệ phải bỏ cửa bỏ nhà, bỏ cả gia đình “vì Thầy và vì Tin Mừng” thì Lc 18:29 chỉ nói: “vì Nước Thiên Chúa”.

Mặt khác, về việc gần kề của Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca có một cái nhìn khá đặc biệt. Người nói: “Hãy biết rằng Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 21:31), tuy nhiên, Người cũng không do dự cho hay: nó đã hiện hữu trong chính con người và hành động của Người: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17:21), trong khi vẫn đề cập đến việc nhiều điều sẽ nên trọn trong vương quốc sắp đến (Lc 22:16,30). Những đoạn tỏ ra có đặc tính Luca này nhắc tới Nước Thiên Chúa dưới cả hai chiều kích: hiện tại và tương lai, phù hợp với cánh chung học trong các trước tác của Thánh Luca nói chung. Một điều đáng lưu ý nữa là Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca nói tới phản ứng căn để đối với việc rao giảng Nước Thiên Chúa này khi Người bảo “ai cũng dùng sức mạnh mà vào” Nước ấy (Lc 16:16).

Ngoài ra, Thánh Luca còn mô tả Chúa Kitô phục sinh nói với các môn đệ về Nước Thiên Chúa (Cv 1:3) và chỉnh sửa sự hiểu lầm của họ về Nước này (Cv 1:6), một sự hiểu lầm đóng vai trò chuyển tiếp. Vì sau đó, việc rao giảng của các ông sẽ được liên kết với sự rao giảng của Chúa Giêsu. Cũng nên lưu ý một điều, trong Tân Ước, có hai hạn từ cùng chỉ một thực tại, đó là Nước Thiên Chúa hay Nước Trời. Riêng Thánh Luca chỉ sử dụng Nước Thiên Chúa mà thôi, có thể là để nhấn mạnh tới việc coi Thiên Chúa là vua như truyền thống Cựu Ước (xem 1Sm 12:12; Is 6:5; Gr 8:19; Mk 4:7; Tv 47:3,8…). Nước Giavê trong Cựu Ước thường để mô tả niềm hy vọng cánh chung vào một thời đại khi ơn cứu rỗi của Thiên Chúa được thực hiện, khi việc Người thống trị tâm trí và cuộc sống con người được hoàn tất, khi con người thoát khỏi vòng lệ thuộc sự ác và tội lỗi. Kiểu nói đó cũng ám chỉ việc Thiên Chúa điều hướng lịch sử con người (Tl 21:25), một lịch sử không còn bị khống chế bởi lực lượng thù địch nữa. Trong Tân Ước, Nước Thiên Chúa đã bước vào lịch sử trong sứ vụ, trong cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Trong tư cách Đấng Kitô và Chúa phục sinh, Người là sứ giả được Thiên Chúa xức dầu đặc biệt để rao giảng và thiết lập sự thống trị kia giữa loài người từ nay trở đi.

c) Trong Tin Mừng Luca, ngoài việc công bố Người làm nên trọn lời Thiên Chúa hứa ban ơn thứ tha (Is 61) và vương quốc ra, Chúa Giêsu cũng công bố về “ơn cứu rỗi” nữa. Lời công bố từ chính miệng Chúa Giêsu này chỉ có trong Lc 19:9, thốt ra nhân dịp gặp Giakêu, người thu thuế: “Hôm nay, ơn cứu rỗi đã đến nhà này”. Tuy chỉ được thốt ra có một lần, nhưng việc công bố này rất quan trọng, vì ơn cứu rỗi này, trong thần học của Thánh Luca, vốn được coi như là hiệu quả của biến cố Chúa Kitô.

2. Được các môn đệ công bố

Ta sẽ bàn đến sơ truyền của các môn đệ dưới các khía cạnh: công bố Nước Thiên Chúa, công bố lời Chúa và công bố chính Chúa Giêsu cho tới tận cùng thế giới (Cv 1:8).

a) Công bố Nước Thiên Chúa

Trong Tin Mừng Luca, khi sai Nhóm Mười Hai và Nhóm Bẩy Mươi (Hai) đi rao giảng, Chúa Giêsu chỉ rõ đối tượng của việc rao giảng này là “Nước Thiên Chúa” (Lc 9:2, 60,62; 10:9,11). Trong Công Vụ Tông Đồ, Nước Thiên Chúa là chủ đề rao giảng của Philíp (Cv 8:12), của Barnaba và Phaolô (14:22) và của riêng Phaolô (Cv19:8; 20:25; 28:23, 31).

b) Công bố lời Chúa

Trong Công Vụ, chủ đề công bố của các môn đệ hay được nhắc đến nhất chính là “lời của Thiên Chúa” (ho logos tou Theou) hay “lời của Chúa” (ho logos tou Kyriou) và đôi khi chỉ là lời (ho logos hay to rema). Đó là các kiểu nói của Thánh Luca để chỉ sứ điệp Kitô Giáo, một thứ lời có sức mạnh và hành động với sức mạnh, tương tự như các lời phán đầy hiệu lực của Chúa Giavê trong Cựu Ước (xem Is 55:11; so sánh với Cv 20:32).

Hàm ngụ trong “lời Thiên Chúa” là việc Thiên Chúa mạc khải và cứu rỗi ngỏ lời với con người và đòi họ phải đáp ứng bằng đức tin (xem Cv 6:7; 13:48). Nó được mô tả như lời Thiên Chúa đã ngỏ với It-ra-en (Cv 10:36), và đôi khi được xác định như “lời cứu rỗi” (Cv 13:26) hay “lời tin mừng” (Cv 15:7) hay “lời ơn thánh” (Cv 14:3; 20:32). Lời ấy không hề tĩnh tụ, vì một khi đã công bố, nó làm người ta đau đớn trong lòng (Cv 2:37); “lời Thiên Chúa cứ lớn lên và thêm mạnh mẽ” (Cv 19:20; xem thêm Cv 6:7; 12:24).

c) Công bố Chúa Giêsu

Các môn đệ công bố một Chúa Giêsu chịu đóng đinh, sống lại và được hiển dương là Đấng Mêxia và là Chúa (Cv 2:32, 36; 5:30-31), “đấng được Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 1110:42). Liên quan tới việc công bố Chúa Giêsu là tác nhân ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, các môn đệ cũng đã rao giảng, rửa tội và chữa bệnh “nhân danh Chúa Giêsu” (Cv 2:38; 3:6,16; 4:10,12,30…). Truyền thống Thánh Kinh vẫn coi “tên” là “người”. Cho nên công bố Chúa Giêsu hay rao giảng nhân danh Chúa Giêsu chỉ là kiểu nói của Thánh Luca để chỉ việc loan truyền biến cố Chúa Kitô như cách ta nói bây giờ, một cách nói để chỉ tất cả những gì đã được hoàn tất trong và nhờ con người, sứ vụ, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu thành Nadarét để cứu rỗi nhân loại. Biến cố Chúa Kitô (Christ-event) vì thế được dùng để tóm lược nội dung lời được rao giảng hay Chúa Kitô được công bố trong tất cả sự viên mãn của Người.

3. Được Thánh Luca công bố

Theo linh mục Fitzmyer, việc công bố của Thánh Luca chỉ là theo truyền thống, nhất là truyền thống Phaolô. Như ta đã biết, đối tượng sơ truyền của Thánh Phaolô là công bố các sự kiện về cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô trong một khung cảnh cánh chung nhằm đem lại ý nghĩa cho các sự kiện kia. Sơ truyền này đánh dấu bước chuyển tiếp từ “thời đại xấu xa này” tới “thời đại sắp đến”, hay thời đại ứng nghiệm. Nó cho thấy tầm quan trọng của lời công bố rằng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại “như lời Thánh Kinh”. Sơ truyền ấy có thể phác thảo như sau: các lời tiên tri của Cựu Ước đã ứng nghiệm và một thời đại mới đã khai mở trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Người sinh ra từ dòng dõi Đavít; chết như lời Thánh Kinh tiên báo, để giải thoát nhân loại khỏi thời đại xấu xa hiện tại. Người được chôn cất. Ngày thứ ba, Người chỗi dậy như lời Thánh Kinh. Người được Thiên Chúa hiển dương bên tay phải Thiên Chúa, được đặt làm Chúa người sống và người chết. Người sẽ trở lại làm thẩm phán và cứu chúa của nhân loại.

Thánh Luca cũng có cùng một sơ truyền như vậy: Thời đại ứng nghiệm đã ló rạng (Cv 2:16; 3:18, 24). Nó diễn ra trong thừa tác vụ, cái chết, và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Ngài lồng sơ truyền này trong một tường thuật với chứng cớ Thánh Kinh cho thấy: mọi sự đều diễn ra “theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước” (Cv 2:23): trong dòng dõi Đavít của Người (Cv 2:30-31), trong thừa tác vụ (Cv 2:22; 3:22), trong cái chết (Cv 2:23; 3:13-14), và trong sự phục sinh của Người (Cv 2:24-31; 3:15; 4:10). Người được hiển dương bên tay phải Thiên Chúa, làm thủ lãnh thiên sai của It-ra-en mới (Cv 2:33-36; 3:13; 4:11; 5:31) và Thánh Thần trong cộng đồng là dấu chỉ quyền năng và vinh quang hiện nay của Chúa Kitô (Cv 2:33; 5:32). Thời đại thiên sai này chẳng bao lâu sau sẽ đạt tới viên mãn lúc Chúa Kitô trở lại (Cv 3:21). Do đó, hãy sám hối và hồi tâm (Cv 2:38-39; 3:25-26; 5:31).

II. KITÔ HỌC CỦA THÁNH LUCA

A. Giêsu: con người

Khuôn mặt chủ yếu trong lịch sử cứu rỗi của Thánh Luca, dĩ nhiên, là Chúa Giêsu Kitô, vì “ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu rỗi; dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu rỗi” (Cv 4:12). Thánh Luca coi Người không phải chỉ là đỉnh cao của hoạt động Thiên Chúa nơi It-ra-en, mà còn là tâm điểm của lịch sử cứu rỗi.

Thánh Luca mô tả Chúa Giêsu là một người Do Thái sống tại Palestine, sinh tại Bêlem (Lc 2:6-7), thuộc dòng Đavít (Lc 1:27; 2:4; 3:31), lớn lên tại Nadarét (Lc 4:16), một người đàn ông được Thiên Chúa chứng thực bằng những việc phi thường, những dấu thiêng điềm lạ (Cv 2:22), một con người nhân bản biết quan tâm tới người khác. Dù không nhấn mạnh tới các cảm xúc của Chúa Giêsu như Thánh Máccô, nhưng Thánh Luca nói nhiều tới các đức tính nhân bản cũng như phản ứng nhân bản trước định mệnh của Người và việc Người tùng phục ý muốn của Chúa Cha (Lc 22:42), một sự tùng phục đến hơi thở cuối cùng (Lc 23:46).

Dĩ nhiên, Thánh Luca không quên nhấn mạnh đến những điều vượt lên trên thân phận nhân bản của Chúa Giêsu: (1) Người được thụ thai đồng trinh bằng quyền phép Chúa Thánh Thần (Lc 1:34-35). (2) Thừa tác vụ của Người được Thánh Thần hướng dẫn cách độc đáo (Lc 3:22; 4:1, 14,18; 10:21). (3) Người có liên hệ đặc biệt với Chúa Cha trên trời (Lc 2:49; 3:22; 9:35; 10:21-22; 23:46). (4) Người sống lại từ cõi chết (Lc 24:6a; Cv 2:24, 32; 3:15…). (5) Người lên trời (Lc 24:51c; Cv 1:9) hay được hiển dương bên tay hữu Chúa Cha (Cv 2:33; 5:31); về điểm này, Thánh Luca mô tả lên trời như một hiện tượng khả giác (Cv 1:9-10), trong khi ngài không mô tả chính việc Chúa phục sinh. Và trong Công Vụ, ngài còn định vị rõ biến cố lên trời này trong thời gian: 40 ngày sau khi sống lại (Cv 1:3), trong không gian: trên núi Cây Dầu (Cv 1:12), cũng như cách thế: “được cất lên” (Cv 1:9), và cả nơi đến nữa: trời (Cv 1:11).

Năm yếu tố siêu việt trên hợp với các khía cạnh nhân bản đã nói lên quan điểm của Thánh Luca đối với biến cố Chúa Kitô, một biến cố phức hợp trong cuộc hiện sinh của Chúa Giêsu Kitô từng tác động mạnh mẽ trên nhân loại, qua thừa tác vụ, qua cuộc khổ nạn, cái chết và việc chôn cất của Người, qua sự sống lại, lên trời và hiển dương của Người. Chính việc phối hợp các khía cạnh nhân bản và siêu việt của cuộc đời Chúa Giêsu đã tạo nên quan điểm của Thánh Luca về biến cố Chúa Kitô của ngài.

Dù không dùng chính chữ parousia, Kitô học của Thánh Luca có nói tới việc Chúa Giêsu trở lại như giai đoạn sau cùng trong vai trò của Người. Thiên thần nói với các môn đệ: “Chúa Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời (Cv 1:11). Người sẽ trở lại trong “quyền năng và vinh quang cao cả” (Lc 21:27), “để xét xử thiên hạ theo công lý” (Cv 17:31).

Như thế, trong Kitô học của Thánh Luca, ta thấy 4 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất từ lúc được thụ thai đồng trinh cho tới lúc xuất hiện trong hoang địa để chịu phép rửa. Giai đoạn hai từ lúc chịu phép rửa tới lúc lên trời. Giai đoạn ba từ lúc lên trời tới ngày lại đến. Giai đoạn thứ tư là chính việc lại đến. Sự phân chia này quan trọng, khi ta bàn tới các tước hiệu của Chúa Giêsu trong trước tác của Thánh Luca.

B. Các tước hiệu Kitô học

Các tước hiệu của Chúa Giêsu thì nhiều. Ở đây, ta chỉ chú trọng tới các tước hiệu trong trước tác của Thánh Luca.

1. Đấng Mêxia hay Đấng Kitô

Tước hiệu christos xuất hiện trong câu hỏi Chúa Giêsu đặt cho hai môn đệ trên đường Emmau: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24:26). Thánh Luca sử dụng tước hiệu này đến 24 lần: 12 lần trong Tin Mừng, 12 lần trong Công Vụ (Lc 2:11,26; 3:15; 4:41; 9:20; 20:41; 22:67; 23:2, 35, 39; 24:26, 46; Cv 2:31,36; 3:18,20; 4:26; 5:42; 8:5; 9:22; 17:3; 18:5, 28; 26:23). Mêxia là tiếng Do Thái, được Bản Bẩy Mươi dịch qua tiếng Hy Lạp là christos, chỉ người được xức dầu để phục vụ hay che chở It-ra-en. Nó thường được áp dụng vào vua chúa It-ra-en, nhưng đôi khi cũng áp dụng vào nhiều người khác như tư tế chẳng hạn, và cả Kyrô, Vua Ba Tư nữa. Trong các thế kỷ cuối cùng trước thời Kitô giáo, tại It-ra-en, cả truyền thống chính trị lẫn truyền thống tôn giáo đều có một lòng mong chờ Đấng Mêxia, hay niềm tin Thiên Chúa sẽ sai một Đavít tương lai hay một nhân vật được xức dầu tới cứu Dân của Người. Chúa Giêsu hẳn biết rõ lòng mong chờ này.

Tuy nhiên, nghĩa chính trị của tước hiệu christos hình như thắng thế vào thời của Người, nên dù trong Tin Mừng Máccô, Người thẳng thắn nhìn nhận tước hiệu ấy trước mặt thượng tế (Mc 14:62), nhưng trong Lc 22:67, xem ra Người không trực tiếp nhìn nhận nó: “Tôi có nói, các ông cũng chẳng tin”.

Sau khi Người qua đời và vào thời Thánh Luca viết tin mừng của ngài, tước hiệu Kitô đã được gắn liền với tên của Chúa Giêsu thành Nadarét. Nghĩa là việc này đã xẩy ra trước thời Thánh Luca. Việc gắn liền này một phần do tước hiệu “Vua dân Do Thái” (Mc 15:26) mà Philatô cho viết gắn lên thập giá của Chúa Giêsu. Việc ấy cho thấy có sự liên kết Người với lòng mong chờ đấng được xức dầu vào thời ấy. Nói cách khác, Người bị đóng đinh trong tư cách ấy. Và một khi bị đóng đinh trong tư cách vua, Người nhanh chóng trở thành Đấng Mêxia đối với các môn đệ của Người, và tước hiệu này mau chóng trở thành nội dung của sơ truyền như 1Cor 15:3 từng viết “Đấng Kitô chết vì tội lỗi ta đúng như lời Thánh Kinh”.

Thánh Luca duy trì việc áp dụng tước hiệu Kitô cho Chúa Giêsu trong lời tuyên xưng của Thánh Phêrô (Lc 9:20) nhưng ngài cũng giữ nguyên việc Chúa Giêsu cấm sử dụng tước hiệu này cho Người và lời Người minh xác về tước hiệu này (Lc 9:22). Bị thẩm vấn trước thượng tế, Người không trả lời câu hỏi bằng một câu thẳng thắn “tôi là Đấng ấy” như trong Mc 14:62, mà chỉ trả lời mập mờ, nửa chừng (Lc 22:67-68) như trên đã nói. Đàng khác, Chúa Giêsu phục sinh đã gạt qua một bên câu hỏi của các môn đệ về việc tái lập vương quốc It-ra-en (Cv 1:6), đủ thấy: Người không chấp nhận cung giọng chính trị trong lòng mong chờ Đấng Mêxia lúc ấy, dù việc đồng hóa “Mêxia” với “Vua” đã được dùng chỉ về Người (Lc 23:2).

Tuy nhiên, nếu Thánh Luca không muốn nhấn mạnh tới tước hiệu christos trong Tin Mừng, thì, trong Công Vụ, tước hiệu này đã được liên kết với sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Phêrô, trong bài rao giảng tuyệt diệu vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, đã nói với cử tọa: “Chúa Giêsu mà Thiên Chúa đã làm cho sống lại… Chúa Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2:32, 36). Tóm lại, việc áp dụng tước hiệu christos cho Chúa Giêsu đã diễn ra trong giai đoạn thứ ba của Người. Và bằng cái nhìn trở lui, Thánh Luca cũng đã dùng tước hiệu này áp dụng vào Chúa Giêsu ở giai đoạn đầu tiên của Người trong trình thuật tuổi thơ: “Hôm nay, một Đấng Cứu Rỗi đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2:11).

Hai điểm nữa cũng nên được lưu ý về tước hiệu Kitô trong các trước tác của Thánh Luca. Thứ nhất, Chúa Giêsu như Đấng Kitô còn phải đến. Trong lời rao giảng của Thánh Phêrô tại Giêrusalem, ngài khuyên cử tọa: “anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy thời kỳ an lạc mà Ðức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Ðấng Kitô Người đã dành cho anh em, là Ðức Giêsu. Ðức Giêsu còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngày xưa” (Cv 3:19-21). Ở đây, rõ ràng Thánh Phêrô nói tới Chúa Giêsu như Đấng Kitô sẽ đến, Đấng mà trên trời còn giữ lại cho tới thời tốt lành của Thiên Chúa xuất hiện, một Đấng Kitô của thời quang lâm, thời thứ tư trong hiện sinh của Chúa Giêsu. Chưa có chỗ nào trong Tân Ước nói tới Đấng Kitô này. Chính Thánh Luca cũng chỉ đề cập đến Đấng Kitô này ở đây mà thôi.

Thứ hai, thuật ngữ riêng của Thánh Luca còn đề cập tới một Đấng Kitô chịu đau khổ: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24:26); “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, chỗi dậy từ cõi chết” (Lc 24:46, xem thêm Cv 3:18; 17:3; 26:23). Trong Cựu Ước và trong mọi trước tác Do Thái Giáo, không có ám chỉ nào về một Đấng Mêxia chịu đau khổ cả. Is 52:13-53:12 chỉ đề cập tới Người Tôi Tớ đau khổ của Giavê. Trong Tân Ước, cũng không có soạn giả nào nói tới Đấng Kitô chịu đau khổ. Mc 8:29-31 chỉ nói tới Con Người chịu đau khổ, chứ không nói tới Đấng Kitô chịu đau khổ.

2. Chúa

Tước hiệu Chúa được Thánh Luca dùng gần gấp đôi tước hiệu Kitô, và mãi mãi chỉ là tước hiệu chứ không là tên như tước hiệu Kitô. Tước hiệu này được ngài dùng cho cả Chúa Giavê lẫn Chúa Giêsu, và không phải chỉ riêng ngài dùng như thế. Cả Thánh Máccô (Mc 11:9) và Thánh Mátthêu (Mt 4:10) cũng dùng như vậy. Theo linh mục Fitzmyer (6), có người cho rằng nguồn gốc của tước hiệu này nằm bên ngoài Palestine, tại phía đông thế giới Địa Trung Hải, nơi “thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều. Nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha… và cũng chỉ có một Chúa là Chúa Giêsu Kitô” (1Cor 8: 5-6). Chính trong môi trường ấy, Thánh Luca đã áp dụng kiểu nói độc lập “chúa thượng” để chỉ Nêrông (Cv 25:26). Nhưng thực ra, Cựu Ước cũng đã dùng tước hiệu này rồi để chỉ Chúa Giavê (Hípri là adon, Aram là mare, Hy Lạp là kyrios). Nên không lạ khi các Kitô hữu gốc Do Thái lúc ban đầu đã áp dụng tước hiệu này cho Chúa Giêsu.

Khi áp dụng như thế, họ đã đặt Chúa Giêsu ngang hàng nhưng không đồng hóa với Chúa Giavê, vì Người không bao giờ được xưng là abba. Đàng khác, trong lời cầu marana tha, được duy trì nguyên ngữ Aram trong bản văn Hy Lạp của 1Cor 16:22: “Lạy Chúa, xin hãy đến”, ta thấy tước hiệu này, trước nhất, được áp dụng cho Chúa Giêsu tái lâm (xem 1Cor 11:26).

Trong Tin Mừng Luca, tước hiệu Chúa không được áp dụng vào Chúa Giêsu tái lâm, nhưng trong Công Vụ, tước hiệu đó đã áp dụng vào Người sau khi phục sinh: “Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2:36). Tuy nhiên, Tin Mừng Luca đã nhiều lần phóng chiếu tước hiệu này vào giai đoạn Chúa Giêsu còn tại thế. Thực vậy, trong khi tước hiệu độc lập “Chúa” chỉ xuất hiện một lần trong Mc 11:3, thì nó thường xuyên xuất hiện trong Tin Mừng Luca (Lc 7:13, 19; 10:1, 39, 41; 11:39; 12:42a; 13:15; 17:5,6; 18:6; 19:8a, 31,34; 20:44; 22:61 hai lần; 24:3,34). Trong suốt thời gian thi hành sứ vụ trên trần gian, Chúa Giêsu được nhiều người xưng “lạy Chúa” (Lc 5:8, 12; 6:46 hai lần; 7:6; 9:54,59,61; 10:17,40; 11:1; 12:41; 13:23,25; 17:37; 18:41; 22:33,38,49). Ngay ở giai đoạn đầu cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu, Tin Mừng Luca cũng đã phóng chiếu tước hiệu này cho Chúa Giêsu rồi: trong lời loan báo cho các mục đồng (Lc 2:11), trong lời chào mừng của Bà Êlisabét (Lc 1:43).

3. Đấng Cứu Rỗi

Tuy Thánh Gioan có sử dụng tước hiệu Đấng Cứu Rỗi (soter) để chỉ Chúa Giêsu (Ga 4:42), nhưng trong các tin mừng Nhất Lãm, chỉ duy có Tin Mừng Luca sử dụng tước hiệu này, và chỉ sử dụng một lần khi thiên thần báo tin cho các mục đồng Bêlem (Lc 2:11). Điều này khá lý thú, vì ở đây, Thánh Luca đã áp dụng tước hiệu này vào Chúa Giêsu ngay ở giai đoạn đầu cuộc hiện sinh của Người. Trong khi ở Cv 5:31, ngài áp dụng tước hiệu đó vào giai đoạn ba tức vào Chúa Giêsu đã phục sinh và được Thiên Chúa hiển dương.

Thực ra, tước hiệu soter vốn rất quen thuộc trong thế giới La Hy đương thời. Họ sử dụng nó để chỉ cả các thần minh, triết gia, y sĩ, chính khách, lẫn vua chúa và các hoàng đế. Ptolemy V Epiphanes (203-181 trước CN) từng được xưng tụng là soter. Cựu Ước thì dùng tước hiệu này cho Thiên Chúa đã đành mà chỉ cả những người Được Thiên Chúa thiết lập để giải phóng Dân nữa (Tl 3:9,15). Trước Thánh Luca, thư Philíphê 3:20 đã sử dụng tước hiệu này và áp dụng vào Chúa Giêsu tái lâm. Điều cũng đáng lưu ý, Thánh Luca không hề sử dụng tước hiệu này trong Thời Kỳ Chúa Giêsu, là thời kỳ mà ơn cứu rỗi đã được hoàn tất. Dưới đây, khi bàn tới cứu thế học, ta sẽ hiểu đôi chút về ý nghĩa của cứu rỗi nơi Thánh Luca.

4. Con Thiên Chúa

Thánh Luca sử dụng đến 3 kiểu nói khác nhau để chỉ cùng một tước hiệu của Chúa Giêsu: Con Thiên Chúa (Lc 1:35) , Con Đấng Tối Cao (Lc 1:32), hoặc vỏn vẹn Con Ta (Lc 3:22; 9:35) hay Người Con (Lc 10:22).

Kiểu nói Con Thiên Chúa (Con Trời) vốn là kiểu nói quen thuộc của Cận Đông xưa, để chỉ các Vua Ai Cập chẳng hạn. Thế giới La Hy cũng dùng nó chỉ các nhà cai trị, và ngay cả những người nổi tiếng như Platông. Dĩ nhiên, Thánh Luca theo truyền thống Cựu Ước, dù trong đó, tước hiệu này có khi áp dụng cho cả các thiên thần (St 6:2), cho It-ra-en cách chung (Xh 4:22)… nhưng không áp dụng vào Đấng Mêxia (7). Thành thử phải coi việc áp dụng tước hiệu này cho Chúa Giêsu dứt khoát là một yếu tố trong sơ truyền buổi đầu của Kitô Giáo mà dấu tích đầu tiên tìm thấy trong các thư của Thánh Phaolô (1Tx 1:10; Rm 1:3-4). Điều này càng rõ hơn khi trong Công Vụ (Cv 13:33-34), Thánh Luca liên kết tước hiệu này với việc phục sinh, và điều này cho thấy ngài lặp lại truyền thống của Thánh Phaolô trong Rm 1:3-4, trong đó, ba yếu tố Con Thiên Chúa, phục sinh và Chúa Thánh Thần đã được phối hợp với nhau. Về liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và tước hiệu Con Thiên Chúa, Thánh Luca đặc biệt nhắc đến sự kiện nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Maria đã thụ thai Chúa Giêsu và do đó, Người sẽ được gọi là “Con Thiên Chúa” (Lc 1:35).

5. Con người

Nguồn gốc tước hiệu này và ý nghĩa của nó là điều hiện được nhiều người tranh cãi (8). Trong các bản văn Syria và Palestine tiền Kitô Giáo, kiểu nói này có hai nghĩa: nghĩa chỉ loại (generic) chỉ chung con người nhân bản, hay chết, và nghĩa bất định (indefinite) chỉ một ai đó, chứ không chỉ về một nhân vật khải huyền hay dùng thế cho “tôi” hay cho “ông ta”. Theo linh mục Fitzmyer, sự liên hệ tước hiệu này với bar enas trong Đanien 7:13 mà ta thường dịch là “như một con người” gặp điều khó khăn này là: kiểu nói bar enas của Đanien dường như là một biểu tượng của tập đoàn các “chư thánh của Đấng Tối Cao”, những người được hứa hẹn sẽ thừa hưởng vương quốc (Đn 7:18). Nếu đúng như thế, thì vấn đề ở đây là giải thích ra sao việc khai triển từ nghĩa tập đoàn này qua nghĩa tước hiệu dành cho một cá nhân như trong Tân Ước.

Bước chuyển tiếp ấy dường như đã được thực hiện bởi Khanóc 1, một soạn phẩm không có trong qui điển Do Thái cũng như Kitô Giáo, mà chỉ được Giáo Hội Chính Thống Êtiôpia và Êritria công nhận, tuy có người cho rằng đã được Thư Thánh Giuđa trích dẫn (Gđ 14-15). Trong soạn phẩm này, kiểu nói trên được áp dụng vào một nhân vật huyền bí sẽ được mạc khải: ngài được gọi là “Đấng Được Chọn” (49:2-4), “Đấng Chính Trực và là Đấng Được Chọn” (53:6), “Đấng Được Xức Dầu của Chúa” (48:10) và “Ánh Sáng Lương Dân” (48:4).

Trong các soạn phẩm của Thánh Luca, tước hiệu này dường như được sử dụng theo nghĩa chỉ loại. Ngài sử dụng nó để đề cập tới sứ vụ trên trần gian của Chúa Giêsu, có ý nói tới thân phận phàm trần hay chết của Người (Lc 5:24; 6:5; 11:30; 12:10; 19:10; 22:48, với ý hướng đáng kính; còn trong Lc 6:22; 7:34; 9:58 thì với ý hướng phục dịch hay thấp hèn). Thánh Luca cũng dùng tước hiệu đó trong các câu nói ám chỉ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu (Lc 9:22,44; 18:31; 22:22; 24:7). Tuy nhiên, ngài cũng dùng tước hiệu này khi nói tới việc Chúa Giêsu đến trong vinh quang hay để phán xét (Lc 9:26; 12:8,40; 17:22,24,26,30; 18:8; 21:27,36; 22:69). Tóm lại, Thánh Luca hiểu tước hiệu này như dùng để nói lên cả nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu Kitô.

6. Các tước hiệu khác

Thánh Luca còn dùng nhiều tước hiệu chỉ về Chúa Giêsu, trong đó, không thể không kể tước hiệu Người Tôi Tớ Thiên Chúa (Cv 3:13,26; 4:27,30). Khi nói tới người tôi tớ, tự nhiên ta liên tưởng tới Người Tôi Trung trong Is 42:1; 50:10; 52:13, tôi trung kiểu Đavít (1V 11:34). Tuy Thánh Luca không nói tới người tôi trung đau khổ của Is 53:12, nhưng ngài có nói tới Con Người đau khổ (Lc 9:22). Tước hiệu Tiên Tri cũng thường được dùng cho Chúa Giêsu (Lc 7:16; 9:8, 19; 24:19) nhưng không phải thứ tiên tri gọi lửa trên trời xuống trừng phạt làng mạc Samaria (Lc 9:54-55), mà là một tiên tri, qua Người, Thiên Chúa tràn đổ Chúa Thánh Thần vào những ngày sau hết (Cv 2:17,33). Trong các soạn giả Nhất Lãm, tước hiệu Vua đã được một mình Thánh Luca đặt trực tiếp vào môi miệng thị dân Giêrusalem trong buổi tiếp đón Người vào kinh thành: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Lc 19:38). Dù tước hiệu Vua có âm sắc chính trị trong Lc 23:2,3,37, 38 và Cv 17:7, nhưng ở đây, rõ ràng Thánh Luca nhấn mạnh tới ý nghĩa tôn giáo: nhân danh Chúa mà đến.

Ngoài ra, Thánh Luca cũng dùng các tước hiệu khác chỉ về Chúa Giêsu: Con Đavít (Lc 18:38,39; 20:41,44) lấy của Mc 10:47; 12:35. Nhưng cũng được ngụ ý trong Lc 1:32; 1:69; 2:11 và 3:31. Tước hiệu Thủ Lãnh (archegos) có thể tìm thấy trong Lc 5:31, được dùng chỉ nhiều nghĩa: người tiên phong, tác giả hay người khơi nguồn như trong Lc 3:15. Tước hiệu Đấng Thánh (hagios) được nhắc đến trong Lc 1:35; 4:34, với nghĩa tận hiến cho Thiên Chúa. Đấng Công Chính (dikaios) được nhắc tại Lc 23:47 với nghĩa vô tội. Tước hiệu Thầy trong xưng hô (didaskale) được dùng nhiều hơn (Lc 7:40; 9:38; 10:25; 11:45; 12:13; 18:18; 19:39; 20:21,28,39;21:7). Còn tước hiệu Thiên Chúa thì sao? Nơi Thánh Luca, tước hiệu này không rõ ràng, nhưng quả có ngụ ý áp dụng vào Chúa Giêsu: Xem Lc 8:39; 9:43; Cv 20:28: “hãy chăn dắt Giáo Hội của Thiên Chúa, Giáo Hội Người đã mua bằng máu của chính mình”. Ngụ ý này cho thấy vào lúc Thánh Luca viết tin mừng của ngài, các Kitô hữu đã vững tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

____________________________________________

(1) The Gospel of Luke, Oliphants, reprinted, 1977

(2) Introduction to the New Testament, Desclee, 1965

(3) The Gospel according to Luke, trong The New Jerome Biblical Commentary, Student Edition, Geoffrey Chapman, 2000, tr. 676

(4) Luke, Historian and Theologian, The Paternoster Press, paperback edition, 1979

(5) Joseph A. Fitzmyer, The Gospel According To Luke I-IX, Anchor Bible 28, Doubleday, 1981, các trang 143-283

(6) Fitzmyer, đã dẫn, tr. 202

(7) Fitzmyer, đã dẫn, tr.206

(8) Xem Fitzmyer, đã dẫn, các tr. 208-211

(*) nên đọc thêm từ trang 92.