Tìm Hiểu Khái Lược Tin Mừng Thứ Ba: Soạn Giả Và Tác Phẩm – 01

0
1747


Vũ Văn An

 
 
Cũng như Tông Đồ Công Vụ, Tin Mừng thứ ba thường được qui cho Thánh Luca. Theo Bách Khoa Từ Điển Công Giáo, ấn bản 1914, thì Luca (Lucas) có lẽ là tên viết tắt của Lucanus, giống như Annas viết tắt của Ananus, Apollos viết tắt của Apollonius hay Demas viết tắt của Demetrius. Tên Luca xem ra không được ai biết đến trước thời đại Kitô Giáo, nhưng tên Lucanus thì khá quen thuộc trên các bản khắc. Tên này cũng thấy ở đầu và cuối Tin Mừng trong một số bản chép tay bằng tiếng Latinh Cổ.

I. SOẠN GIẢ

Phần đông cho rằng Thánh Luca quê ở Antiôkia. Eusebius, trong cuốn Lịch Sử Giáo Hội, từng viết rằng “Luca, người có cha mẹ quê ở Antiôkia, và theo nghề y sĩ, vốn là người rất thân thiết với Phaolô – và rất quen thuộc đối với các tông đồ khác” (Cuốn III, chương 4, câu 7 theo bản tiếng Anh). Có người, như Harnack, cho rằng Eusebius trích dẫn tài liệu của Julius Africanus, thuộc tiền bán thế kỷ thứ ba. Dù sao, Thánh Luca rất lưu tâm và rất quen thuộc đối với Antiôkia (xem Cv 11:19-27; 13:1; 14:18-21; 14:25; 15:22, 23, 30, 35; 18:22).

Một số tác giả cho rằng Thánh Luca là người Do Thái. E.C. Selwyn (1) nghĩ rằng “không một người Dân Ngoại nào lại có được sự hiểu biết thâm hậu như Luca về cách đặt câu của Cựu Ước”. B.S. Easton (2) thì coi ngài là một Kitô hữu gốc Do Thái. A.H. McNeile (3) gọi ngài là người theo văn hóa Hy Lạp (Hellenist) theo nghĩa là người Do Thái nhưng theo phong tục Hy Lạp. Nói chung, hiện có hai khuynh hướng đáng chú ý về căn tính soạn giả Tin Mừng thứ ba.

1. Thánh Luca là Kitô hữu gốc dân ngoại: Phần đông coi Thánh Luca không phải là người Do Thái mà là một người gốc dân ngoại, chứng cớ mạnh nhất là đoạn Cl 4:10-14. Vì trong đó, rõ ràng Thánh Phaolô tách biệt ngài khỏi những người chịu cắt bì (Cl 4:14) và văn phong của ngài chứng tỏ ngài là một người Hy Lạp. Ngài có khuynh hướng tránh dùng các từ ngữ gốc Sêmít (ngoại trừ chữ Amen), tránh cả các tranh luận của Chúa Giêsu với Biệt Phái về ý nghĩa của Lề Luật, về sạch và bẩn. Bởi thế, ngài không thể là tiên tri Lukiô trong Cv 13:1, cũng như Lukiô trong Rm 16:21, là người bà con của Thánh Phaolô. Căn cứ vào đó và vào cả Lời Nói Đầu của Tin Mừng, ngài không phải là một trong Bẩy Mươi Môn Đệ, hay là người đồng hành của Cơlêôpát trên đường Emmau, như một số tác giả chủ trương.

2. Thánh Luca là Kitô hữu gốc Do Thái: Quan điểm này dựa nhiều vào quan tâm của Tin Mừng Luca và của Công Vụ đối với Cựu Ước và cách đặt câu của nó, vào ngôn từ của ngài mà nhiều người cho là có đặc điểm Palestine, và vào truyền thống Hiển Linh. Thánh Luca quả rất thông thạo Bản Bẩy Mươi và những gì thuộc Do Thái Giáo. Điều này có thể vì ngài là người cải đạo theo Do Thái Giáo, như Thánh Giêrôm vốn nghĩ, mà cũng có thể vì ngài giao dịch nhiều với các tông đồ và môn đệ khác.

Chính vì thế, linh mục Jos.A. Fitzmyer S.J. cho rằng Thánh Luca là một Kitô hữu gốc dân ngoại, không phải người Hy Lạp mà là một người Sêmít không phải Do Thái, quê ở Antiôkia, nơi văn hóa Hy Lạp rất phồn thịnh. Về điểm Thánh Luca không phải là người Hy Lạp, mặc dù Tin Mừng của ngài nhắm vào họ, người ta dựa vào Lời Mở Đầu bằng tiếng Hy Lạp cho Tin Mừng này, trong đó Thánh Luca được mô tả là người Syria thuộc thành phố Antiôkia (Loukas Antiocheus Syros) (4). Chính tại Antiôkia, Thánh Luca được giáo dục trong bầu không khí Hy Lạp, nhờ thế, thành thạo ngôn ngữ Hy Lạp. Ngoài tiếng Hy Lạp ra, ngài có nhiều cơ hội học được tiếng Aram tại quê hương Antôkia, vốn là thủ đô của Syria. Ngài theo nghề y sĩ. Chính Thánh Phaolô gọi ngài là “y sĩ rất thân thiết của chúng ta” (Cl 4:14). Kiểu gọi này hàm nghĩa một nền y học phóng khoáng, được phản ảnh trong lối sử dụng ngôn ngữ y học của ngài. Vì các hiểu biết thâm hậu về vùng Địa Trung Hải, nên ngài được một số tác giả cho rằng ngài từng là y sĩ trên những con tầu hải hành trong vùng. Thực tế, ngài du hành rất nhiều, và từng gửi lời chào các tín hữu Côlôxê, chứng tỏ rất có thể ngài đã từng viếng thành phố ấy.

Lần đầu tiên Thánh Luca xuất hiện trong Công Vụ Tông Đồ là tại Tơroa (16:8 tt), nơi ngài gặp Thánh Phaolô, và sau một thị kiến, đã cùng Thánh Phaolô qua Âu Châu như một người rao giảng tin mừng, lên bờ tại Nêapôli và tới Philípphê. Ta nên để ý: đến câu 10, Thánh Luca sử dụng ngôi thứ nhất số nhiều để xác nhận ngài cũng là một trong các người rao giảng: “lập tức chúng tôi tìm cách đi Makêđônia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ”. Ngài hiện diện lúc Lyđia và bằng hữu của bà trở lại, và ngụ tại nhà bà. Cùng với Thánh Phaolô và các bạn đồng hành khác, ngài được thần Py-tho nhận diện “các ông này là tôi tớ Thiên Chúa Tối Cao; họ loan báo cho các người con đường cứu độ (16:18). Ngài chứng kiến cảnh Thánh Phaolô và Xila bị bắt, bị lôi ra trước quan tòa Rôma và bị cáo tội gây rối thành phố và là “người Do Thái”, bị đánh đòn và tống giam. Luca và Timôtê thoát được, có lẽ vì cả hai đều trông không giống người Do Thái (cha của Timôtê vốn người Hy Lạp). Khi Thánh Phaolô đi khỏi Philípphê, Thánh Luca ở lại đó và chắc chắn tiếp nối công việc rao giảng tin mừng. Tại Thêxalônica, Thánh Phaolô nhận được nhiều giúp đỡ tài chánh đáng kể từ Philípphê (Pl 4:15, 16), chắc chắn là do công vận động của Thánh Luca. Suốt thời gian Thánh Phaolô rao giảng tại Athen và Côrintô, và cả khi ngài du hành qua Giêrusalem và trở lại Êphêsô và ở đó trong 3 năm, có thể Thánh Luca vẫn tiếp tục ở lại Philípphê. Khi trở lại thăm Makêđônia, Thánh Phaolô lại gặp Thánh Luca tại Philípphê, và tại đó, viết thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô.

Theo Thánh Giêrôm, Thánh Luca là một trong những người mang lá thư trên tới Côrintô. Sau đó không lâu, khi Thánh Phaolô từ Hy Lạp trở về, Thánh Luca tháp tùng ngài từ Philípphê đi Tơroa và cùng ngài thực hiện chuyến hải hành dài dọc theo duyên hải được mô tả trong Cv 20. Thánh Luca lên tận Giêrusalem, có mặt lúc cuộc phản đối và tấn công Thánh Phaolô diễn ra, được nghe ngài dùng “tiếng Hípri” từ bậc thềm bên ngoài pháo đài Antônia làm đám đông im lặng… Ta cũng có thể chắc chắn rằng Thánh Luca thường xuyên thăm viếng Thánh Phaolô trong hai năm ngồi tù tại Xêdarê. Trong thời gian này, rất có thể ngài biết cả hoàn cảnh chung quanh cái chết của Hêrốt Apríppa I, người chết vì bị sâu bọ đục, dù sao cũng có nhiều dữ kiện hơn Josephus. Ngài có nhiều cơ hội để “sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” liên quan tới Tin Mừng và Công Vụ các Tông Đồ, đã thứ tự viết xuống những điều đã được truyền lại từ những người “đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa” (Lc 1:2,3).

Nhiều tác giả vẫn cho rằng Tin Mừng mang tên ngài đã được soạn trong thời gian vừa kể. Có tác giả nghĩ rằng Thư Do Thái cũng đã được soạn thảo vào lúc này, với sự đóng góp đáng kể của Thánh Luca. Khi Thánh Phaolô thượng tố lên Xêda, Thánh Luca và Aríttakhô tháp tùng ngài từ Xêdarê, và ở với ngài trong cuộc hải hành đầy sóng bão từ Cơrêta qua Manta. Từ đó, các ngài tới Rôma, nơi trong suốt hai năm Thánh Phaolô bị giam tù, Thánh Luca thường ở bên ngài, tuy không liên tục, vì trong lời chào của thư gửi tín hữu Philípphê, tên Thánh Luca không được nhắc đến. Tên ấy được nhắc đến trong lời chào của các thư Côlôxê, Êphêsô và Philêmôn. Thánh Giêrôm cho rằng chính trong hai năm này, Sách Công Vụ đã được soạn thảo.

Ta không có tín liệu nào về Thánh Luca trong khoảng thời gian giữa hai lần Thánh Phaolô bị giam tại Rôma, nhưng chắc ngài gặp nhiều Tông Đồ và môn đệ trong các cuộc du hành đó đây. Ngài ở bên cạnh Thánh Phaolô lúc thánh nhân bị giam lần cuối cùng; vì khi viết cho Timôtê lần cuối cùng, Thánh Phaolô cho hay: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường… Anh hãy mau đến với tôi, vì anh Đêma đã bỏ tôi, bởi yêu mến thế gian này… chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi (2Tm 4:7-11). Điều đáng lưu ý là tại 3 nơi tên Thánh Luca được nhắc tới (Cl 4:14; Plm 24; 2Tm 4:11), thì tên Máccô (xem Cl 4:10) cũng được nhắc tới (xem Cl 4:10). Thánh Máccô, như ta biết, cũng là một soạn giả Tin Mừng và không phải là tông đồ. Điều rõ ràng nữa là Thánh Luca rất thông thạo về Tin Mừng theo Thánh Máccô; và trong Công Vụ Tông Đồ, ngài biết rõ nhiều chi tiết về người thư ký của Thánh Phêrô này: điều gì xẩy ra tại nhà thân mẫu Thánh Máccô và tên người tớ gái ra mở cửa cho Thánh Phêrô. Hẳn ngài cũng gặp Thánh Phêrô nhiều lần và rất có thể đã giúp Thánh Phêrô soạn bức thư thứ nhất bằng tiếng Hy Lạp, mà văn phong có nhiều điểm rất giống với văn phong của Tin Mừng Luca.

Sau khi Thánh Phaolô chịu tử đạo, những gì ta biết về Thánh Luca, thực tế, đều căn cứ vào tài liệu “Praefatio vel Argumentum Lucae” có từ thời Julius Africanus, là người sinh khoảng năm 165 sau CN. Tài liệu này cho hay: ngài không lập gia đình, soạn Tin Mừng tại Achaia, và qua đời tại Bithynia (có lẽ đúng hơn tại Boetia), hưởng thọ 74 tuổi, đầy ơn Chúa Thánh Thần.

Trong tư cách một người rao giảng Tin Mừng, chắc chắn ngài chịu nhiều đau khổ vì đức tin, nhưng không có tài liệu nào chính xác cho thấy ngài được diễm phúc tử đạo. Thánh Giêrôm, trong De Viris Illustribus (Về Những Người Nổi Danh) cho hay: “ngài được chôn cất tại Côngtăngtinôpôli. Năm thứ 20 triều Constantius, hài cốt của ngài cùng với hài cốt của Thánh Anrê đã được chuyển về thành phố này (từ Achaia?) (chương 7).

Thánh Luca luôn được biểu tượng bằng con bò, con vật hiến sinh, vì Tin Mừng của ngài bắt đầu với trình thuật về Giacaria, tư tế và là thân phụ của Gioan Tẩy Giả. Ngài cũng được Nicephorus Callistus (thế kỷ thứ 4) coi là họa sĩ. Một bức tranh vẽ Đức Mẹ tại Nhà Thờ Đức Bà Cả tại Rôma thường được qui cho ngài; bức tranh này đã có từ năm 847 và, theo Theodore Lector, có lẽ là bản sao một bức tranh khác thuộc thế kỷ thứ 6. Tác giả này cho hay Hoàng Hậu Eudoxia thấy một bức tranh vẽ Mẹ Thiên Chúa tại Giêrusalem và đã đem về Côngtăngtinôpôli. Dù sao, Thánh Luca cũng có óc nghệ thuật, vì lối mô tả đầy hình ảnh sống động của ngài trong các trình thuật Truyền Tin, Thăm Viếng, Giáng Sinh, các Mục Đồng, Dâng Con Vào Đền Thờ, Người Chăn Và Con Chiên Lạc… từng gợi hứng cho rất nhiều họa sĩ Kitô Giáo thời sau.

Ngài được coi là một trong các soạn giả Tân Ước trước tác nhiều nhất. Tin Mừng của ngài dài hơn Tin Mừng của Thánh Mátthêu nhiều. Hai tác phẩm của ngài dài gần bằng 14 thư của Thánh Phaolô. Một mình Công Vụ Tông Đồ đã dài hơn cả 7 Thư Công Giáo và Khải Huyền gộp lại. Văn phong của ngài hơn hẳn mọi soạn giả khác của Tân Ước ngoại trừ Thư Do Thái. Renan (Les Évangiles, xiii) cho rằng Tin Mừng này là tin mừng chữ nghĩa nhất trong các tin mừng. Thánh Luca quả là họa sĩ bằng lời: “tác giả của Tin Mừng thứ ba và của Công Vụ Tông Đồ có nhiều tài hơn mọi soạn giả Tân Ước khác. Ngài có thể thạo Hípri như Bản Bẩy Mươi, và siêu thoát lối văn Hípri như Plutarch… Ngài là văn sĩ Hípri khi mô tả xã hội Hípri và là nhà văn Hy Lạp khi mô tả xã hội Hy Lạp” (5).

II. TÁC PHẨM

Như trên đã nói, phần đông học giả cho rằng soạn giả của cả Tin Mừng Theo Thánh Luca lẫn Công Vụ Tông Đồ là thánh Luca. Lý chứng thì có hai: lý chứng ngoại bản và lý chứng nội bản. Bách Khoa Từ Điển Công Giáo, ấn bản 1914, đã dựa vào hai lý chứng đó, để xác quyết Thánh Luca là soạn giả của cả Tin Mừng lẫn Công Vụ. Linh Mục Robert J. Karris, O.F.M. (6), và linh mục J.A. Fitzmyer S.J. (7) trình bày hai loại lý chứng này cách hơi khác. Các ngài cho rằng có 7 chứng cớ chứng tỏ Thánh Luca là tác giả Tin Mừng thứ ba: Qui Điển Muratori, Thánh Irenê, Lời Mở Đầu Cho Tin Mừng (thế kỷ thứ hai), Tertulianô, Origen, Eusebius và Thánh Giêrôm. Trong các chứng cớ này, ta cần phân biệt các chứng cớ không tìm thấy nơi Tân Ước (tác giả là Thánh Luca, người Syria quê ở Antiôkia, viết tin mừng dưới sự hướng dẫn của Thánh Phaolô, viết tại Achaia) và các chứng cớ có trong Tân Ước (là y sĩ, là bạn đồng hành hay cộng tác viên của Thánh Phaolô). Nói tóm lại, cũng vẫn là hai lý chứng ngoại và nội bản, hay nói theo linh mục X. Léon-Dufour (8) là lối phê bình ngoại bản và lối phê bình nội bản (external and internal criticism).

1. Lý chứng ngoại bản

Lý chứng ngoại bản dĩ nhiên dựa vào truyền thống Giáo Hội, qua tuyên bố của các giáo phụ. Về lý chứng này, Thánh Giêrôm (347-420, De viris illustribus 7), sử gia Eusebius (263-339, Historia ecclesiastica III, 4, 6) và Origen (184-253, In Matth. I) đều quả quyết Thánh Luca là soạn giả Tin Mừng thứ ba. Các đóng góp của các giáo phụ này đáng lưu ý vì Thánh Giêrôm và Origen đều là những người du hành nhiều; cả ba vị đều là những người đọc “ngấu nghiến”, hầu như không một trước tác Kitô giáo nào thuộc các thế kỷ trước mà không qua con mắt các vị. Có người cho rằng chỉ cần căn cứ vào chứng cớ của các vị cũng đã đủ. Tuy nhiên, trước các vị, đã có nhiều tuyên bố về soạn giả Tin Mừng thứ ba.

Giáo Phụ Tông Đồ kỳ lão nhất phải kể Thánh Justinô tử đạo (100-165). Trong cuốn “Hộ Giáo”, ngài nhắc tới các hồi ký về Chúa Kitô mà sau này gọi là Tin Mừng được viết bởi các tông đồ Mátthêu, Gioan, và các môn đệ của tông đồ là Máccô và Luca. Liên quan tới Tin Mừng Luca, ngài trích các câu nói về việc chẩy mồ hôi máu. Tuy ít khi kể đến lai lịch của câu trích, nhưng trong cuốn “Đối Thoại” (chương 105), ngài trích nguyên văn một câu của Tin Mừng Luca: “Chúa Giêsu khi phó linh hồn trên Thánh Giá đã nói rằng: ‘Lạy Cha, con phó linh hồn Con trong tay Cha’ (Lc 23:46), như tôi đã học được từ các sách Hồi Ký”.

Tuy không một mảnh văn nào trong bộ Logio Kyriakon (các sấm ngôn của Chúa) của Papias, một Giáo Phụ Tông Đồ (9), còn được lưu giữ đến nay liên quan tới Tin Mừng Luca. Nhưng tên ngài được nhắc đến từ hậu bán thế kỷ thứ hai trong Qui Điển Muratori (10). Qui điển này ghi: “Cuốn Tin Mừng thứ ba là cuốn Tin Mừng theo Luca. Luca, một y sĩ nổi tiếng, sau khi Chúa Kitô lên trời, khi Phaolô đã công nhận ông như một người thành thạo lề luật, đã lấy tên mình soạn thảo, phù hợp với đức tin chung. Thế nhưng chính ông thì không được thấy Chúa bằng xương bằng thịt; và do đó, để có thể xác quyết các biến cố, ông đã bắt đầu kể truyện từ lúc Gioan sinh ra”.

Thánh Clêmentê Thành Alexandria (150-215), người cũng từng du hành nhiều và từng được thụ huấn với các bậc thầy dạy đức tin người Ionium, Ý, Syria, Ai Cập, Assyria và Do Thái, “những người duy trì được truyền thống giảng dạy chân thật diễm phúc trực tiếp từ Phêrô và Giacôbê, từ Gioan và Phaolô” (Strom., I, 1, 11), quả quyết: Tin Mừng Luca được viết trước cả Tin Mừng Máccô và việc Chúa Kitô sinh ra thời Augustô đã được “ghi trong Tin Mừng theo Luca” (ibid. 21, 145) .

Tertullianô (160-225), người mà các trích dẫn Tin Mừng dầy đến hai trăm trang, cho rằng việc đọc Tin Mừng Luca đã trở thành một thực hành thông thường trong các Giáo Hội thời Tông Đồ (Adv. Marc, IV, 5). Ông tố cáo Marcion đã cắt xén Tin Mừng này.

Tuy nhiên, lời xác nhận rõ ràng đầu tiên về soạn giả của Luca và Công Vụ đã xuất hiện khoảng năm 180 với Thánh Irênê (130-202): “Cũng thế, Luca, bạn đồng hành của Phaolô, đã ghi chép thành sách Tin Mừng mà Phaolô đã truyền giảng” (Adv. Haer. III, 1,1). Xa hơn chút nữa, ở chương 14, Thánh Irênê viết thêm: Luca “được ủy nhiệm chuyển giao cho ta một cuốn Tin Mừng” (ibid. III, 14, 1). Người ta vẫn cho lý chứng của Thánh Irênê có tầm quan trọng cao, vì ngài vốn được nghe giáo huấn của Thánh Polycarp, môn đệ của Thánh Gioan thánh sử; giám mục của ngài, Pothinus, người mà ngài sẽ nối nghiệp, chịu tử đạo năm 177, lúc 90 tuổi, tức sinh vào năm 87, là năm một số tông đồ và rất nhiều người được nghe các ngài vẫn còn sống.

Nhưng, đoạn văn đầy đủ nhất giới thiệu soạn giả Tin Mừng Luca là Lời Mở Đầu (Chống Marcion) có từ cuối thế kỷ thứ hai: “Có người tên Luca, gốc người Syria ở Antiôkia, là y sĩ và là môn đệ các tông đồ. Sau này, ông theo Phaolô cho tới lúc vị này tử vì đạo. Phụng sự Chúa một cách không chê trách, ông không lấy vợ, và không sinh con cái. Ông qua đời tại Boeotia lúc 80 tuổi, lòng đầy Chúa Thánh Thần. Vậy xẩy ra lúc ấy, là các tin mừng đã được soạn bởi Mátthêu tại Giuđêa và Máccô tại Ý Đại Lợi, nên dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, ông đã soạn Tin Mừng tại vùng Achaia. Ngay ở đầu, ông giải thích rằng nhiều tin mừng khác đã được soạn trước tin mừng của ông, nhưng đối với ông, chủ yếu vì lợi ích của các tín hữu gốc Hy Lạp, ông tuyệt đối cần phải soạn một trình thuật các biến cố một cách đầy đủ và có thứ tự…”

Như thế, truyền thống Giáo Hội nhất tề coi Thánh Luca là soạn giả của Tin Mừng Theo Luca. Truyền thống này xuất phát từ các Giáo Hội Syria, Rôma, Gaul, Châu Phi, và Alexandria. Tất cả các Giáo Hội ấy đều coi Thánh Luca, bạn đồng hành của Thánh Phaolô là soạn giả của Tin Mừng thứ ba. Truyền thống này có từ rất sớm, càng làm ta tin tưởng hơn. Vì truyền thống ấy gần như khởi đầu từ lúc Thánh Luca còn tại thế: đa số học giả cho rằng ngài sống tới tận cuối thế kỷ thứ nhất. Vả lại, Thánh Luca vốn không phải là một nhân vật nổi bật thời tông đồ. Nên nếu Tin Mừng Luca và Công Vụ không có chứng cớ do ngài soạn thảo thì không có lý do gì truyền thống lại liên kết chúng với ngài (11)

2. Lý chứng nội bản

Như trên đã nói, lý chứng nội bản dựa vào Tân Ước, đúng hơn dựa vào chính Tin Mừng thứ ba và Công Vụ Tông Đồ, tức hai yếu tố: bạn đồng hành của Thánh Phaolô và là y sĩ. Ta hãy xét lý chứng này dưới hai đề mục: soạn giả Công Vụ là bạn đồng hành của Thánh Phaolô, tức Thánh Luca; và soạn giả Công Vụ là soạn giả của Tin Mừng thứ ba (12).

(1) Soạn giả Công Vụ là bạn đồng hành của Thánh Phaolô, tức Thánh Luca

Trong thư Philêmôn 24 và thư Côlôxê 4:14, Thánh Phaolô gọi Thánh Luca là bạn đồng hành hay người cùng làm việc với ngài. Liên hệ này tìm được sự hỗ trợ trong các phần gọi là “chúng tôi” của Công Vụ. Soạn giả phần “chúng tôi” này rõ ràng muốn cho thấy ông là bạn đồng hành của Thánh Phaolô. Thuật ngữ “chúng tôi” bắt đầu xuất hiện ở Cv 16: 10 và tiếp diễn tới 16: 17 (hành động xẩy ra tại Philípphê). Nó xuất hiện trở lại tại Cv 20:5 (Philípphê), và tiếp diễn tới 21:18 (Giêrusalem) và một lần nữa khi khởi hành đi Rôma (Cv 27:1) và tiếp diễn tới cuối sách (28:16). Thánh Irênê (Adv. Haer. III, 14,1) đã dựa vào các phần “chúng tôi” này để quả quyết Thánh Luca là bạn đồng hành của Thánh Phaolô.

Sự chuyển dịch từ ngôi thứ nhất số ít, tôi, (Cv 1:1) qua ngôi thứ nhất số nhiều, chúng tôi, rất tự nhiên và nhất quán với toàn bộ trình thuật. Vả lại không có phần nào khác trong Công Vụ có được sự tập trung nhiều đặc trưng về ngữ vựng và văn phong của soạn giả như các phần “chúng tôi” này. Điều ấy khiến E. Earle Ellis (13) nhận định rằng soạn giả không muốn chỉ đóng vai “chứng nhân tận mắt” mà thôi. Mặt khác, “chúng tôi” đây chỉ những người quan trọng đối với soạn giả Công Vụ, vừa hiện diện trong các thư của Thánh Phaolô có nhắc đến Thánh Luca vừa hiện diện trong các phần “chúng tôi” của Công Vụ. Họ là Philíphê (Cv 8:4tt; 21:8), Máccô (Cv 15:36tt; Cl 4:10,14; 2Tm 4:11; Phl 24), Pờrítkia, Aquila, Tơrôphimô, Tykhicô, Aríttakhô (Cv 18:18; 20:4; Cl 4:7, 10tt; 2Tm 4:12, 19tt).

Có người cho rằng những phần “chúng tôi” này lấy từ nhật ký của một ai đó rồi được soạn giả Công Vụ sử dụng mà “quên” không sửa lại chủ từ. Điều này thật khó có thể tưởng tượng được khi soạn giả muốn duyệt lại công trình đã được nhiều người trước đó sưu tập như đã xác quyết trong Tin Mừng thứ ba. Sự quên sót này khó lòng xẩy ra được. Nhưng có chắc gì soạn giả của các phần “chúng tôi” cũng là soạn giả của toàn bộ Công Vụ! Về điểm này, Plummer (14) cho rằng soạn giả của các phần này cũng là soạn giả của cả cuốn Công Vụ Tông Đồ. Trước nhất, với sự chuyển ngôi ấy, ngôn từ vẫn không có gì thay đổi, các phát biểu đặc trưng của soạn giả vẫn suôi chẩy trọn cuốn sách, cả trong các phần “chúng tôi” lẫn các phần khác. Không hề có sự thay đổi về văn phong, ngữ vựng và cú pháp. Ngoài ra, Harnack, trong cuốn The Acts of the Apostles của ông, dựa vào cung cách sử dụng các dữ kiện theo thời gian, các hạn từ chỉ đất đai, quốc gia, thành phố… cũng như cách đề cập tới con người và các phép lạ trong suốt sách Công Vụ, đã cho rằng người ta không thể chối cãi tính đơn nhất về soạn giả.

Theo E.E. Ellis, trường phái Tubingen trước đây với F.C. Baur (15) và trường phái R. Bultmann (16) sau này không đồng ý như vậy, họ cho rằng không thể đồng nhất Luca của Thánh Phaolô với soạn giả của Công Vụ vì một lẽ đơn giản là Thánh Phaolô trong Công Vụ rất khác với Thánh Phaolô qua các thư của ngài và nền thần học của Luca không phải là nền thần học Phaolô. Hai điểm này được hầu hết các soạn giả công nhận.

Nhưng theo linh mục Karris (đã dẫn), các dị biệt ấy không hẳn đánh đổ tư cách soạn giả Công Vụ của Thánh Luca, mà chỉ cho thấy việc ngài cộng tác với Thánh Phaolô xẩy ra khá sớm, trước khi nền thần học của Thánh Phaolô phát triển đầy đủ và trước khi Thánh Phaolô viết những lá thư quan trọng cho các cộng đoàn của ngài. Thiển nghĩ nhận định của cha Karris không mấy vững, vì mối liên hệ của Thánh Luca với Thánh Phaolô kéo dài mãi tận lần Thánh Phaolô bị giam tù cuối cùng. Có thể nói theo linh mục J.A. Fitzmyer, thời gian làm việc chung hay ở bên cạnh Thánh Phaolô của Thánh Luca không nhiều, và hay bị ngắt quãng lâu. Liên hệ ấy dường như bắt đầu với hành trình truyền giáo II của Thánh Phaolô từ Tơrôa đi Philípphê (khoảng năm 49-52), sau Công Đồng Giêrusalem (khoảng năm 49). Thánh Luca ở lại Philípphê cho tới khi Thánh Phaolô trở lại đó vào cuối hành trình truyền giáo III (khoảng năm 54-57). Như thế, Thánh Luca không ở bên Thánh Phaolô trong các hoạt động truyền giáo chính cũng như lúc Thánh Phaolô soạn các thư quan trọng, hay những lúc ngài gặp các vấn đề khó khăn trong việc rao giảng tin mừng: vấn đề do thái hóa, tranh chấp phe phái trong Giáo Hội Côrintô, các vấn đề tại Thexalônica…

Phản biện của A. Harnack (17) và của B.H. Streeter (18) có lý hơn. Họ cho rằng cần phải phân biệt giữa đồ đệ (mà Thánh Luca không là) với bạn đồng hành hay người cộng tác (mà Thánh Luca là). Đồ đệ thì thường trung thành với nhận định và giáo thuyết của thầy, chứ bạn đồng hành hay người cộng tác không bắt buộc phải phản ảnh quan điểm, nhận định và giáo thuyết của bạn mình. Khuynh hướng muốn liên kết học lý của Thánh Luca với học lý của Thánh Phaolô xẩy ra vào thời điểm các giáo phụ thế kỷ thứ hai phản công phái ngộ đạo. Trong cố gắng này, các ngài luôn cột chặt thẩm quyền vào các tông đồ, và do đó, thế giá của Tin Mừng Luca lẫn Công Vụ vào Thánh Phaolô, đến độ cường điệu hóa mối liên hệ giữa hai vị. Thánh Irênê, trong tác phẩm chống ngộ đạo đã dẫn trên đây, từng cho rằng: muốn ‘hiểu trọn vẹn’ tin mừng, người ta phải chạy đến với trước tác của các tông đồ. Và ngài không ngần ngại quả quyết Thánh Luca “vốn là môn đệ của Thánh Phaolô, đã viết thành sách tin mừng do Thánh Phaolô rao giảng” (III, 1, 1; III, 14,1). Dường như Thánh Irênê chỉ viết theo gợi hứng của Thánh Justinô Tử Đạo (Dial. 103, 19), người cho rằng: các Hồi Ký về thừa tác vụ của Chúa Giêsu đã được soạn thảo bởi “các tông đồ và các môn đệ của các ngài” tức Mátthêu, Gioan, Máccô và Luca, là các môn đệ của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Hai thế kỷ sau đó, khuynh hướng này lên tới tuyệt đỉnh khi thuật ngữ “tin mừng của tôi” của Thánh Phaolô được người ta cho là ám chỉ Tin Mừng theo Luca (Eusebius, III, 4, 7; Rm 16:25; 2Tm 2:8). Chứ thực ra, soạn giả Tin Mừng thứ ba chỉ nhắc chung rằng Lời Thiên Chúa được trao tới ngài qua các chứng nhân tận mắt (1:2,4) mà không nhắc chi tới Thánh Phaolô. Hơn nữa, kiểu sử dụng ngôi thứ nhất số nhiều trong Công Vụ cho thấy tư cách người cộng tác ngang hàng, chứ không hẳn liên hệ thầy trò.

Đấy là một khía cạnh. Khía cạnh thứ hai: Thánh Luca chính là “y sĩ thân mến của chúng ta” như Cl 4:14 nhắc đến. Ta biết ngôn ngữ y khoa đã được sử dụng khá nhiều trong Công Vụ. Việc lựa chọn ngôn ngữ này chứng tỏ soạn giả là một y sĩ. Westein (19) cho rằng có dấu chỉ rõ ràng cho thấy soạn giả Công Vụ theo nghề y sĩ. Ông trích dẫn nhiều thuật ngữ chung giữa soạn giả Công Vụ và các trước tác y khoa của Galen (131-201), viên y sĩ của Hoàng Đế Marcus Aurelius. Tuy nhiên, trong The Medical Language of St Luke (20), W.K. Hobart đã đưa ra nhiều hạn từ và câu chữ y hệt nhau giữa Công Vụ và các trước tác y khoa của Hippocrates, Arctaeus, Galen và Dioscorides.

Dù thận trọng, linh mục X. Léon-Dufour cũng phải nhận Thánh Luca khá thành thạo từ vựng y khoa trong các đoạn Lc 4:38; 5:12, 18, 31; 7:10; 8:43; 21:34; Cv 5:5,10; 9:40. Cách mô tả bệnh tật của ngài cũng khả tín xét theo cái nhìn y khoa (xem Lc 4:35; 13:11; Cv 3:7; 9:18).

Nếu chỉ một vài câu chữ thì còn có thể coi là chuyện tình cờ, nhưng với một số lượng tương tự như thế thì không thể còn là chuyện tình cờ được nữa. Nên khó có thể đánh đổ được kết luận này: bạn đồng hành làm nghề y sĩ của Thánh Phaolô là soạn giả của sách Công Vụ Tông Đồ. Như trên đã nói: chính Thánh Phaolô cho ta biết: Thánh Luca là “y sĩ thân mến của chúng ta, gửi lời chào anh em”. Kiểu nói này cho thấy hai vị đã cùng sinh hoạt với nhau như thế nào.

(2) Soạn giả Công Vụ là soạn giả Tin Mừng thứ ba

Thứ nhất vì cả Tin Mừng lẫn Công Vụ đều được đề tặng Thêôphilô và soạn giả Công Vụ tuyên bố mình là soạn giả của Tin Mừng (Cv 1:1). Thứ hai, cả hai soạn phẩm đều có lời mở đầu. Thứ ba, văn phong và lối xếp đặt của cả hai soạn phẩm giống nhau. Nhưng nếu bảo rằng văn phong và lối xếp đặt ấy được một người giả mạo mô phỏng, thì không hẳn đúng. Vì khả năng phân tích văn chương hồi ấy chưa đạt được trình độ mô phỏng như vậy. Mà nếu có đi chăng nữa, thì một người tài giỏi như thế đâu chịu phí sức để tạo ra một soạn phẩm mô phỏng. Linh mục X. Léon-Dufour cũng cho rằng cùng một kế hoạch đã được cả hai soạn phẩm này nhấn mạnh như thể chúng đóng vai trò hai phần của cùng một soạn phẩm vậy, kế hoạch đó là việc loan truyền Lời Chúa cho tới tận cùng thế giới.

Nếu sử dụng một số chương của Tin Mừng thứ ba và ghi chú các chữ, các câu và các kết cấu đặc biệt, có tính đặc trưng, rồi tình cờ mở Công Vụ ra, ta sẽ thấy cùng những đặc trưng liên tục xuất hiện đi xuất hiện lại. Ngược lại, nếu mở Công Vụ trước, Tin Mừng sau, ta cũng sẽ thấy cùng một kết quả.

Ngoài sự tương đồng trên, còn phải kể đến những song hành trong mô tả, sắp xếp, và quan điểm nữa, chưa kể đến sự tương đồng trong ngôn ngữ y khoa như trên đã nhắc tới. Vả lại, còn có sự tương đồng giữa ngôn từ của Tin Mừng Luca và của các thư Phaolô. Có tác giả cho rằng trong khi giữa Thánh Mátthêu và Thánh Phaolô có chung 32 chữ, giữa Thánh Máccô và Thánh Phaolô có chung 22 chữ, giữa Thánh Gioan và Thánh Phaolô có chung 21 chữ, thì giữa Thánh Luca và Thánh Phaolô, có chung tới 101 chữ. Điều ấy làm nổi hơn nữa tư cách bạn đồng hành Thánh Phaolô của Thánh Luca, “người y sĩ thân mến của chúng ta”.
_________________
Ghi Chú
(1) Expositor 7, London, 1909
(2) Early Christianity, Greenwich [Conn.] 1954
(3) New Testament Teaching in the Light of St Paul’s, Cambridge, 1923
(4) The Gospel According To Luke I-IX, The Anchor Bible, Doubleday, 1981
(5)A. Plummer, A Critical and Exegetical Commentary on the Gospel according to St Luke, ICC, In lần 5, NY 1922, Dẫn Nhập
(6) The Gospel According to Luke trong Bộ The New Jerome Biblical Commentary, do R.E. Brown, J.A. Fitzmyer và R.E. Murphy chủ biên, Student Edition, Geoffrey Chapman, 1993
(7) J.A. Fitzmyer, đã dẫn
(8) The Synoptic Gospel, trong Introduction to the New Testament, A.Robert – A.Feuillet chủ biên, Desclee Company, 1965
(9)Sinh khoảng từ năm 115 tới năm 140
(10) Bản La Tinh thuộc thế kỷ thứ bẩy, nhưng dịch từ bản Hy Lạp viết khoảng năm 170.
(11) Xem Jos. A. Fitzmyer SJ, đã dẫn, tr.41.
(12)Xem “Gospel of St Luke” trong Bách Khoa Từ Điển Công Giáo, ấn bản 1914.
(13) St Luke, trong Bộ International Critical Commentary, in lần 4, Edinburgh, 1901)
(14) The Gospel Of Luke, London, 1966
(15) Paul, 2 vols, London, 1876
(16) Theology of the New Testament, 2 vols, London, 1952
(17) Luke the Physician, London, 1907)
(18)The Four Gospels, London, 1924)
(19) Novum Testamentum Graecum, Amsterdam, 1741)
(20) Tựa đầy đủ: The Medical Language of St Luke: A Proof from Internal Evidence that “The Gospel according to St Luke” and “The Acts of the Apostles” Were Written by the Same Person, and that the Writer Was a Medical Man, Dublin: Hodges, Figgis, 1882; Grand Rapids: Baker in lại năm1954.