Tìm Hiểu Khái Lược Tin Mừng Thứ Ba: Niên Biểu Và Các Nguồn – 02

0
2009


Vũ Văn An

 

Việc định niên biểu soạn thảo cho Tin Mừng Luca hiện vẫn chưa có được sự đồng thuận của các học giả. Có hai quan điểm về việc này. Quan điểm truyền thống và quan điểm phê phán.

NIÊN BIỂU SOẠN THẢO

Như trên đã thấy, các giáo phụ, nhất là các giáo phụ thế kỷ thứ hai, thường cột thế giá Tin Mừng Luca cũng như Công Vụ vào thế giá của Thánh Phaolô. Thành thử, Thánh Irênê cho rằng Thánh Luca soạn thảo Tin Mừng của ngài sau khi Thánh Phaolô qua đời. Người ta dễ hiểu tại sao Thánh Irênê chủ trương như thế: ngài vốn coi Thánh Luca là môn đệ của Thánh Phaolô, mà môn đệ thường không viết lách gì cho tới khi thầy của mình hết giảng dạy (1). Theo quan điểm này, Tin Mừng Luca có thể được viết trong khoảng năm 63 hay năm 64, vì Thánh Phaolô qua đời khoảng năm 62.

Quan điểm có tính phê phán hơn coi Tin Mừng Luca lấy nguồn từ Tin Mừng Máccô và vì Tin Mừng Máccô được viết vào lúc xẩy ra cuộc triệt hạ Đền Thờ Giêrusalem, khoảng năm 70, nên Tin Mừng Luca không thể được soạn thảo trước năm 70. Quan điểm này, vì thế, đặt niên biểu soạn thảo giữa năm 75 và năm 100. Có người còn đặt niên biểu ấy muộn hơn nữa, sau khi thế kỷ thứ nhất chấm dứt, dựa trên suy đoán: Tin Mừng này được soạn ra để phản bác các phong trào bất chính thống ở đầu thế kỷ thứ hai. Phe chủ trương sớm hơn thì dựa vào sự kiện Thánh Luca tỏ ra không biết gì tới hệ thống giám mục, một hệ thống chỉ bắt đầu phát triển ở đầu thế kỷ thứ hai.

Linh mục Karris (đã dẫn) và linh mục Léon-Dufour (đã dẫn), vì thế, cho hay: ta phải dựa vào khoa phê bình văn chương để tìm ra niên biểu cho Tin Mừng này. Theo linh mục Karris, cả Tin Mừng Luca lẫn Công Vụ đều không cho thấy có sự hiểu biết nào về cuộc bách hại tàn khốc vào cuối triều đại của Domitian (các năm 81-96). Hai soạn phẩm này cũng không phản ảnh cuộc tranh cãi kịch liệt giữa Giáo Hội và hội đường sau khi người Biệt Phái canh tân Do Thái Giáo tại Jamnia (các năm 85-90). Bởi thế, niên biểu soạn thảo Tin Mừng Luca là vào giữa các năm 80-85.

Linh mục Léon-Dufour thì nghiêng về niên biểu trước năm 70 vì hai chủ trương đầu trong ba chủ trương sau đây không hợp lý:

a. Tin Mừng Luca được soạn sau năm 95: Có người cho rằng Cv 5: 36tt dựa nhiều vào Josephus (2). Ý kiến này bị đa số bác bỏ. Mặt khác, lại có người cho rằng Tin Mừng Luca lệ thuộc Tin Mừng Gioan (3) khá nhiều vì giữa hai Tin Mừng, ta thấy có nhiều tương đồng. Nhưng phần đông cho những tương đồng này là kết quả của giao lưu giữa các truyền thống song hành và của môi trường giống nhau mà ra.

b. Tin Mừng Luca được soạn sau năm 70: Những người có chủ trương này (4) căn cứ vào lời Thánh Luca cho rằng “nhiều người” đã soạn thảo trước ngài (1:1-4). Họ cho rằng chữ “nhiều” đây có ý nói đến một khoảng thời gian dài đã trôi qua. Tuy nhiên, lối nói này cũng có thể chỉ là cách cường điệu hóa mà thôi. Họ cũng cho rằng cách mô tả khá chi tiết và cụ thể biến cố hủy diệt Giêrusalem cho thấy soạn giả đã thấy việc ấy diễn ra rồi (xem Lc 19:43tt; 21: 20, 24): đắp lũy chung quanh, đạo binh vây hãm tư bề, ngã gục dưới lưỡi gươm, bị đày đi khắp các nơi, bị dân ngoại dày xéo, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Họ cho rằng những chi tiết được nhìn từ “post eventum” (sau biến cố) này là để làm rõ và cụ thể lời tiên tri của Chúa Giêsu. Nhưng có người như C.H. Dodd (5) cho rằng những biến cố ấy chung cho bất cứ loại vây hãm thành phố nào và chúng vẫn đã xẩy ra thời Cựu Ước (xem Đnl 28:64; Hs 9:7; Dcr 12:3).

c. Tin Mừng Luca được soạn trước năm 70: Đây là chủ trương của đại đa số học giả Công Giáo và cả của một số học giả không Công Giáo. Vì Công Vụ không nhắc gì tới các biến cố sau năm 63, cũng không nói gì tới việc hủy diệt Giêrusalem năm 70, sự qua đời của Thánh Giacôbê vào năm 62, hay sự qua đời của Thánh Phaolô vào khoảng cùng năm. Việc Công Vụ kết thúc một cách đột ngột cũng có thể vì hạn tù của Thánh Phaolô đã chấm dứt. Sau cùng, liệu Thánh Luca có thể diễn tả Rôma một cách thiện cảm như thế, nếu ngài được chứng kiến cảnh Nero bách hại tàn nhẫn vào năm 64? Tuy nhiên, ta vẫn chưa có được sự đồng thuận hoàn toàn. Nhiều người vẫn theo chủ trương của Thánh Giêrôm (De Viris ill. XIV, 1, 11tt; XV, 5-7), người thoạt đầu ủng hộ chủ trương của Thánh Irênê, nhưng sau đó, theo quan điểm của Eusebius (đã dẫn, II, 22) coi Thánh Luca soạn Công Vụ lúc Thánh Phaolô còn sống.

Có nhóm dựa vào Công Vụ để xác định niên biểu của Tin Mừng Luca: vì Công Vụ không thể soạn sau năm 67, nên Tin Mừng Luca phải được soạn trước năm đó. Đây là quan điểm được Ủy Ban Kinh Thánh chấp nhận năm 1912 (Enchiridion Biblicum, 401). Có nhóm dựa vào Tin Mừng Máccô mà định niên biểu của Tin Mừng Luca vào khoảng giữa các năm 64 và 70. Tóm lại, niên biểu trước 70 được đa số các học giả chấp nhận.

Về nơi soạn thảo Tin Mừng này, thì theo hai linh mục Robert và Feuillet hiện có rất ít nhất trí. Thoạt đầu Thánh Giêrôm cho là nó được soạn thảo tại Boetia, sau đó, ngài lại cho là tại Rôma. Các địa danh sau đây đã được nhắc tới: Hy Lạp, Achaia, Boetia, Xêdarê, Antiôkia, Alexandria và Rôma. Theo hai linh mục này, ngay khoa phê bình nội bản cũng không cung cấp được tư liệu nào chính xác hơn. Tuy nhiên, khoa này củng cố quan điểm cho rằng Tin Mừng Luca được viết cho Kitô hữu gốc dân ngoại và không phải là người Palestine.

NGUỒN CỦA TIN MỪNG LUCA

Vấn đề quan trọng hơn là tìm hiểu các nguồn đóng góp cho Tin Mừng Luca. Các nguồn này khá nhiều, như chính Lời Mở Đầu của Thánh Luca đã xác nhận: ngài soạn Tin Mừng của mình sau khi “có nhiều người đã ra công biên soạn bản tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta” (1:1).

Những người đó là ai? Đây là một câu hỏi hiện chưa có câu trả lời nhất trí. Tuy nhiên, theo linh mục Fitzmyer, S.J., (6), hiện đã có câu trả lời được rất nhiều học giả ủng hộ. Câu trả lời này dựa trên điều được ngài gọi là Giả Thuyết Hai Nguồn canh cải (modified Two-Document Hypothesis). Trong hình thức cổ điển, giả thuyết này chủ trương bản văn Hy Lạp của Tin Mừng Máccô có trước hai bản Tin Mừng Mátthêu và Tin Mừng Luca. Giả thuyết này cũng cho rằng có một nguồn viết khác bằng tiếng Hy Lạp gồm 230 câu chung cho cả hai bản Mátthêu và Luca, và không tìm thấy nơi bản Máccô. Người ta đặt cho nguồn trước là “Mc” (tắt của Máccô) và nguồn sau là “Q” (tắt của Quelle, tiếng Đức có nghĩa là ‘nguồn’). Ít nhất từ B.H. Streeter (7), có sự canh cải đầu tiên đối với giả thuyết này bằng cách nhìn nhận nguồn thứ ba gồm những tư liệu chỉ thấy có trong Luca. Người ta đặt tên cho nguồn này là “L” (tắt của Luca). Một canh cải tương tự cũng xẩy ra cho Tin Mừng Mátthêu: vì có những tư liệu chỉ có Mátthêu mới có, nên người ta gom chúng vào nguồn “M” (tắt của Mátthêu). Các canh cải này đã thay đổi tận gốc giả thuyết hai nguồn nguyên thủy, đến độ có người cho đây là giả thuyết bốn nguồn. Nhưng linh mục Fitzmyer cho rằng danh xưng Giả Thuyết Hai Nguồn canh cải thích hợp hơn vì trong yếu tính, nó vẫn tùy thuộc giả thuyết hai nguồn.

Trước giả thuyết này là Giả Thuyết Truyền Thống (Traditionshypothese), hay Truyền Thống Ba (Triple Traditon) một giả thuyết cho rằng cả ba soạn giả Tin Mừng Nhất Lãm đều lấy tư liệu của mình từ một truyền thống truyền khẩu nói về các việc làm và lời dạy của Chúa Giêsu, mà không hề lệ thuộc nhau, ngoại trừ việc bản Mátthêu Hy Lạp tùy thuộc bản Mátthêu Aram, là bản cũng soạn thảo dựa theo truyền thống truyền khẩu kia. Giả thuyết này nay ít được học giả nào ủng hộ. Giả Thuyết Hai Nguồn canh cải hiện được coi là căn bản cho các khoa phê bình hình thức, phê bình hiệu đính và phê bình soạn tác (Form-Criticism, Redaction-Criticism & Composition-Criticism).

Trên thực tế, mọi nhà chú giải Tin Mừng Luca đều đồng ý rằng: soạn giả tin mừng này không những biết mà còn sử dụng các soạn phẩm có trước viết về cuộc đời Chúa Giêsu để soạn ra tin mừng của mình. Cả những người không nhìn nhận giả thuyết hai nguồn, cũng thừa nhận rằng Tin Mừng Luca ít nhất cũng tùy thuộc Tin Mừng Mátthêu. Nhưng trong Lời Mở đầu, Thánh Luca nói rõ “nhiều người”. Nhiều là bao nhiêu? Linh mục Fitzmyer cho rằng: ít nhất có ba nguồn chính, đó là “Mc”, “Q” và “L”. “L” không nhất thiết là nguồn chữ viết.

1. Tin Mừng Luca lệ thuộc Tin Mừng Máccô

Sự lệ thuộc này xét về nhiều phương diện:

a. Tư liệu chung: B.H. Streeter (8) cho rằng các tư liệu mà Tin Mừng Luca mượn của Tin Mừng Máccô lên tới 55 phần trăm. Theo B. de Solages (9), Tin Mừng Luca lấy 7,036 trong số 8,485 chữ của Tin Mừng Máccô. Dĩ nhiên nguyên việc này vẫn chưa nói được ai lệ thuộc ai.

b. Cùng trình tự: Thứ tự trong Tin Mừng Luca rất giống với thứ tự trong Tin Mừng Máccô. Cả trong giả thuyết Truyền Thống, các đoạn mà cả Tin Mừng Mátthêu lẫn Tin Mừng Luca cùng có chung với Tin Mừng Máccô cũng đều cùng trình tự với Tin Mừng Máccô. Và khi Tin Mừng Mátthêu và Tin Mừng Luca ra khỏi trình tự này, thì cả hai cũng khác nhau luôn về trình tự.

Để thấy rõ, ta nên xem 5 “khối” lớn tư liệu được Tin Mừng Luca lấy từ Tin Mừng Máccô, trong đó có khá nhiều đoạn được thêm vào và hai đoạn bị bỏ đi:

(1) Máccô 1:1-15   = Luca 3:1-4:15 (5 đoạn theo lối phân chia của Fitzmyer)
(2) Máccô 1:21-3:19   = Luca 4:31-6:19 (11 đoạn)
  (Luca mạo nhập: 6:20-8:3)  
(3) Máccô 4:1-9:40   = Luca 8:4-9:50 (20 đoạn)
  (tại 9:17, Luca bỏ khá nhiều: Mc 6:45-8:26)  
  (Tại 9:50, Luca bỏ chút chút: Mc 9:41-10:12)  
  (Luca mạo nhập khá nhiều: 9:51-18:14)  
(4) Máccô 10:13-13:32   = Lc 18:15-21:33 (23 đoạn)
(5) Máccô 14:1-16:8   = Luca 22:1-24:12 (16 đoạn)

Giữa các khối chung với Tin Mừng Máccô trên, Tin Mừng Luca chêm vào nhiều đoạn nho nhỏ lấy từ “Q” và “L”. Nhưng các chỗ chêm vào này không ảnh hưởng bao nhiêu đối với thứ tự Máccô như các mạo nhập và bỏ sót trên đây, thứ tự ấy vẫn còn đó. Các chêm vào này là:

Luca 3:7-14 (Gioan Tẩy Giả rao giảng)
Luca 3:23-38 (Gia phả của Chúa Giêsu)
Luca 4:2b-13 (Chúa Giêsu bị cám dỗ)
Luca 5:1-11 (Vai trò của ngư phủ Simon; mẻ cá)
Luca 19:1-10 (Giakêu)
Luca 19:11-27 (Dụ ngôn mười nén bạc)
Luca 22:28-33, 35-38 (Diễn văn trong Bữa Tiệc Ly)
Luca 23:6-16 (Hêrốt và Philatô)
Luca 23:27-32 (Đường Thánh Giá)
Luca 23:39b-43 (Hai tên trộm)
Luca 23:47b-49 (Chúa Giêsu sinh thì).

Thứ tự Máccô cũng không bị ảnh hưởng bởi hai trình thuật tuổi thơ và phục sinh hết sức đặc trưng của Luca, vì chúng chỉ là những đoạn thêm vào khởi đầu và kết thúc của trình thuật Máccô. Thứ tự Máccô cũng không chịu ảnh hưởng bởi các mạo nhập (interpolations) của Luca.

Có những người như E.P. Sanders (9) kể ra nhiều trường hợp ngoại lệ trong đó, thứ tự này không được tôn trọng, như các đoạn:

Mátthêu 7:2b Luca 6:38c Máccô 4:24b
Mátthêu 11:10b Luca 7:27b Máccô 1:2b
Mátthêu 3:11b Luca 3:16c Máccô 1:7b
Mátthêu 6:33b Luca 12:31b Máccô 4:24b

Nhưng theo linh mục Fitzmyer những đoạn như thế vốn được coi là của nguồn “Q” chứ không phải của nguồn “Mc”. Hơn nữa, đây chỉ là những chi tiết vụn vặt.

c. Cùng cách dùng chữ: Cách dùng chữ trong nhiều đoạn của 3 Tin Mừng Nhất Lãm khá giống nhau, cả việc đặt chỗ cho chữ, lẫn cấu trúc các câu và thành ngữ. Điều này thấy rõ trong các cuốn đối chiếu các bản văn Tin Mừng (11).

d. Tính nguyên khởi trong trình thuật Máccô: Linh mục J. A. Fitzmyer cho rằng khi khảo sát tư liệu Máccô trong hai Tin Mừng Mátthêu và Luca, người ta chỉ có thể có một kết luận là: không chi tiết nào cho thấy Tin Mừng Máccô vay mượn hay rút ngắn hai tin mừng Mátthêu và Luca. Vả lại, trình thuật Máccô có tính nguyên khởi (primitive) nhiều hơn do đặc tính “tươi mát và dựa vào hoàn cảnh”. Điều này muốn ám chỉ số lượng lớn các chi tiết sống động và cụ thể trong trình thuật Máccô, cách Tin Mừng này sử dụng các câu chữ có thể gây nhiều hiệu quả, một văn phong và một văn phạm không chau chuốt (rough), duy trì các chữ Aram. Người ta vẫn cho rằng các khác biệt trong Tin Mừng Luca là nhằm cải thiện và chau chuốt văn phong của Tin Mừng Máccô, gần như sự khác biệt giữa văn nói và văn viết vậy.

Về sự tùy thuộc Tin Mừng Máccô này, theo linh mục Léon-Dufour, trong số các lý do khiến Thánh Luca bỏ một số tư liệu của Tin Mừng Máccô là vì ngài muốn được sự thông cảm của độc giả, không muốn gây ngỡ ngàng cho họ như việc Chúa Giêsu bị thân nhân coi là điên (Mc 3:20-21), hay việc Người không biết ngày giờ diễn ra tận thế (Mc 13:32), hoặc bị Cha Người bỏ rơi (Mc 15:34). (12)

2. Tin Mừng Luca hoán vị tư liệu Máccô

Trong Tin Mừng Luca, có 7 chỗ hoán vị tư liệu Máccô khá nổi tiếng mà một số người dùng chúng để chứng minh là Tin Mừng Luca không tôn trọng trình tự của Tin Mừng Máccô. Kết luận ấy không vững, vì ta có thể coi 7 hoán vị này không thuộc phạm vi “hiệu đính” (redaction) mà thuộc phạm vi “sọan tác” (composition) của Thánh Luca và ta thấy rõ lý do tại sao Thánh Luca lại làm như thế:

(1) Thánh Gioan Tẩy Giả bị giam cầm (Mc 6:17-18) được Tin Mừng Luca chuyển lên 3:19-20 vì muốn chấm dứt câu truyện về Gioan Tẩy Giả trước khi Chúa Giêsu bắt đầu thừa tác vụ của Người.

(2) Chúa Giêsu về thăm Nadarét (Mc 6:1-6) được Tin Mừng Luca chuyển tới lúc khởi đầu thừa tác vụ của Chúa Giêsu tại Galilê (4:16-30) cho hợp với chương trình: nó trình bày cách ngắn gọn chủ đề nên trọn và biểu tượng bác bỏ vốn là đặc điểm của trọn bộ thừa tác vụ của Chúa Giêsu.

(3) Việc gọi bốn tông đồ (Mc 1:16-20) trở thành Lc 5:1-11, nói về vai trò người đánh cá Simong, cho hợp tâm lý hơn, vì trình bày việc các môn đệ được Chúa Giêsu lôi cuốn sau một số thừa tác vụ và lời giảng dạy của Người.

(4) Việc chọn Nhóm Mười Hai (Mc 3:13-19) và tường trình về việc đám đông đi theo Chúa Giêsu (Mc 3:7-12) đã được Tin Mừng Luca chuyển tới Lc 6:12-16, 17-19 vì nhờ thế mà có được một khung cảnh và một cử tọa hợp luận lý hơn để nghe Bài Giảng Ở Chỗ Đất Bằng (Lc 6:20-49).

(5) Đoạn nói về thân nhân thực sự của Chúa Giêsu (Mc 3:31-35) được chuyển tới Lc 8:19-21 sau dụ ngôn người gieo giống và lời giải thích dụ ngôn này, để minh giải mối liên hệ giữa lời Chúa và các môn đệ nghe lời ấy.

(6) Chúa Giêsu tiên đoán việc Người bị phản bội tại Bữa Tiệc Ly (Mc 14:18-21) trở thành một phần trong bài diễn từ đọc sau bữa ăn trong Lc 22:21-23 để nối với ba lời nói khác là Lc 22:24-30, 31-34 và 35-38.

(7) Thứ tự trong cuộc thẩm vấn Chúa Giêsu tại Thượng Hội Đồng Do Thái đã được đảo ngược: trong Tin Mừng Máccô 14, Chúa Giêsu bị thẩm vấn (55-64a), bị hành hạ (64b-65), và bị Phêrô chối bỏ (66-72); nhưng trong Luca, Người bị Phêrô chối bỏ trước (54c-62), bị hành hạ (63-65), cuối cùng mới bị thẩm vấn (66-71). Ở đây, ta thấy Tin Mừng Luca quan tâm đến việc thống nhất tư liệu về Phêrô, trong khi Tin Mừng Máccô đề cập tới Phêrô ở câu 14:54, rồi cách quãng để nhắc tới ngài ở câu 14: 66-72, và chỉ nhắc đến một lần Chúa Giêsu ra trước Thượng Hội Đồng.

Có người cũng nhắc đến dụ ngôn hạt mù-tạt (Lc 13:18-19) như hoán vị của Mc 4:30-32, nhưng theo linh mục Fitzmyer, phần đông cho rằng Tin Mừng Luca lấy dụ ngôn đó từ nguồn “Q”.

3. Tin Mừng Luca lệ thuộc Tin Mừng Mátthêu?

Trên đây đã nói tới những phần chung giữa Tin Mừng Mátthêu và Tin Mừng Luca, mà không thấy có trong Tin Mừng Máccô. Những phần này lên tới 230 câu. Các tư liệu chung này được giải thích nhiều cách: một là Thánh Mátthêu mượn của Thánh Luca, hay Thánh Luca mượn của Thánh Mátthêu, hai là cả hai vị cùng sử dụng một nguồn chung.

Rất ít học giả ngày nay cho rằng Mátthêu mượn của Luca (13). Như vậy có hẳn Tin Mừng Luca lệ thuộc Tin Mừng Mátthêu không? Muốn trả lời câu hỏi này, trước nhất, phải chú ý điều này: không bao giờ thấy Luca lặp lại những thêm thắt có tính đặc trưng Mátthêu như câu ngoại trừ ở công thức ngăn cấm ly dị (Mt 19:9; xem Mc 10:11); lời Chúa hứa với Phêrô (Mt 16:16b-19; xem Mc 8:29); Phêrô đi trên nước (Mt 14:28-31; xem Mc 6:50); và những đoạn rất Mátthêu trong trình thuật khổ nạn, nhất là giấc mộng của vợ Philatô (Mt 27:19) hay Philatô rửa tay (Mt 27:24).

Cái khó thực sự là giải thích lý do tại sao Luca không sử dụng các tự liệu phụ trội của Mátthêu trong các song hành của mình, nếu Tin Mừng này phụ thuộc Tin Mừng Mátthêu. Các thí dụ trên đây liên quan tới cả câu hay cả một đoạn văn (pericope), Luca cũng bỏ những thêm thắt nhỏ hơn của Mátthêu vào Máccô:

Luca 3:22 Mátthêu 3:17 (tuyên xưng công khai) Máccô 1:11
5:3 4:18 (“cũng gọi là Phêrô”) 1:16
5:27 9:9 (“Mátthêu”) 2:14
6:4-5 12:5-7 (ngắt hạt lúc ngày Sabát) 2:26-27
8:18b 13:12a (được cho thêm) 4:25
8:10-11 13:14 (trích dẫn Isaia 6:9-10) 4:12
9:1-5 10:7 (Nước Trời đã gần) 6:8-11
9:20b 16:16b (Phêrô: Chúa Giêsu là con Thiên Chúa) 8:29b

Trong các thí dụ trên, khó có thể hiểu tại sao Thánh Luca thích sử dụng hình thức đơn sơ hơn của Thánh Máccô, dù người ta giả thiết ngài có bản của Thánh Mátthêu trước mặt.

Thứ hai, trên đây là xét theo Truyền Thống Ba Bản Văn, còn nếu chỉ xét trong Truyền Thống Hai Bản Văn, thì khó hiểu được là tại sao Thánh Luca có bản văn đầy đủ về Các Mối Phúc trong Mt 5: 3-6 và về Kinh Lạy Cha trong Mt 6:9-13 mà lại không sao chép nguyên văn, nhưng đã chỉ trình bày chúng như ngài đã trình bày tại Lc 6:20-21 và Lc 11:2-4.

Thứ ba, người ta cũng khó hiểu khi Thánh Luca “chẻ” các bài giảng trong Tin Mừng Mátthêu, nhất là Bài Giảng Trên Núi, để lấy một phần của nó cho vào Bài Giảng Ở Chỗ Đất Bằng của ngài và rải rác các phần còn lại thành những đoạn rời rạc, không ăn có gì với nhau trong trình thuật du hành. Dĩ nhiên, phần du hành này cũng quan trọng để tạo ra bức tranh ghép theo cách riêng, nhưng người ta vẫn không hiểu tại sao một nhà nghệ sĩ tài ba như Thánh Luca lại có thể tiêu hủy một kiệt tác của Thánh Mátthêu là Bài Giảng Trên Núi!

Thứ tư, ngoại trừ đoạn Lc 3:7-9, 17 (Gioan Tẩy Giả rao giảng) và Lc 4:2b-13 (Chúa Giêsu bị cám dỗ), Thánh Luca không bao giờ chêm tư liệu của Truyền Thống Hai Bản Văn vào cùng một ngữ cảnh như Thánh Mátthêu. Nếu ngài có bản văn Mátthêu trước mặt để lấy tư liệu, tại sao ngài lại không tôn kính nguồn này như đã tôn kính nguồn Máccô?

Thứ năm, phân tích tư liệu Truyền Thống Hai Bản Văn trong Tin Mừng Luca và trong Tin Mừng Mátthêu, ta thấy rằng đôi khi Tin Mừng Luca và đôi khi Tin Mừng Mátthêu duy trì được khung cảnh nguyên thủy của một đoạn nhất định nào đó (14). Nhưng nếu Tin Mừng Luca lệ thuộc Tin Mừng Mátthêu về tư liệu, thì giải thích thế nào được sự kiện ấy? Tốt nhất chỉ biết giải thích rằng cả hai Tin Mừng này đều lệ thuộc một nguồn chung.

4. Tin Mừng Luca lệ thuộc nguồn “Q”

Ta vừa nói: rất có thể cả hai Tin Mừng Mátthêu và Luca đều dựa vào một bản văn nguồn chung, nguồn này bằng tiếng Hy Lạp, tục gọi là nguồn “Q”, dù chưa ai thấy nguồn này ra sao. Ta đã đưa ra một số lý do đưa đến nhận định ấy. Sau đây, xin trình bày thêm một số điểm nữa.

Như đã nói trên, ngoại trừ Lc 3:7-9 và Lc 4:2-13, không một tư liệu nào của Truyền Thống Hai Bản Văn đã được chêm vào tư liệu Máccô ở cùng một chỗ như trong Tin Mừng Mátthêu. Điều ấy đáng để ý. Lý do khiến ta cho rằng Tin Mừng Luca lệ thuộc nguồn “Q” thì có nhiều. Trước nhất, có những đoạn văn chủ chốt trong Tin Mừng Mátthêu và trong Tin Mừng Luca trong đó cách dùng từ giống nhau đến nỗi khó mà giải thích các đoạn này cách khác được. Chúng không phải của Tin Mừng Máccô; còn diễn trình khúc xạ của truyền thống truyền khẩu đáng lẽ phải dẫn tới một cách dùng từ khác nhau nhiều hơn mới phải, nếu đó là nguồn của các đoạn văn này. Đàng này, trái lại, ta hãy xem một số điển hình:

Mt 3:7b-10 – Lc 3:7b-9 Diễn từ của Thánh Gioan Tẩy Giả: 60 trong 63 (Mt)/64 chữ (Lc) giống hệt nhau; sự dị biệt do Thánh Luca muốn tăng tiến văn phong (bỏ trạng từ kai; dùng số nhiều thay số ít).
Mt 6:24 – Lc 16:13 Nói về việc làm tôi hai chủ: 27 trong 28 chữ giống hệt nhau; Tin Mừng Luca thêm oiketes.
Mt 7:3-5 – Lc 6:41-42 Nói về xét đoán: 50 trong 64 chữ giống hệt nhau.
Mt 7:7-11 – Lc 11:9-13 Về sự hữu hiệu của cầu nguyện: 59 trong 74 chữ giống hệt nhau; Tin Mừng Luca thêm thí dụ thứ ba.
Mt 11:4-6, 7b-11 – Lc 7:22-23, 24b-28 Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Gioan Tẩy giả: 100 chữ trong 121 chữ giống hệt nhau.
Mt 8:30 – Lc 9:58 Cáo có hang: 25 trong 26 chữ giống hệt nhau.
Mt 11:21-23 – Lc 10:13-15 Nguyền rủa các thành: 43 trong 49 chữ giống hệt nhau.

Một số dị biệt trên xem ra có vẻ quan trọng, nhưng phần đông chỉ là những thay đổi về bút pháp, như việc Tin Mừng Luca bỏ trạng từ kai (và) còn Tin Mừng Mátthêu thì giữ lại.

Thứ hai, ta thấy các tư liệu “Q” được cả hai Tin Mừng Mátthêu và Luca sử dụng đã được chêm vào các ngữ cảnh rất khác nhau nhưng vẫn cho thấy một trình tự đại cương giống nhau. Việc này không thể do một truyền thống truyền khẩu mang tới, mà hẳn phải do một bản văn Hy Lạp chung. Trong Tin Mừng Mátthêu, phần lớn tư liệu “Q” nằm ở các khối năm bài giảng (5:1-7:27; 10:5-42; 13:3-52; 18:3-35; 23:2-25:46); còn trong Tin Mừng Luca, nó nằm trong các mạo nhập lớn nhỏ (9: 51-18:14; 6:20-8:2). Xét dưới khía cạnh này, khó có thể có một trình tự nào đó trong tư liệu nguồn “Q”. Tuy nhiên dấu vết thì có vì trình tự Luca và Mátthêu trong các đoạn có tầm quan trọng lớn thì khá giống nhau. Các dị biệt chỉ là về những câu nói ngắn biệt lập nhau, mà hai soạn giả đã tái sắp xếp vì một lý do thuộc thể tài nào đó (15).

Lý do thứ ba để giả thuyết nguồn chung “Q” là sự hiện hữu của những đoạn cặp trùng (doublet) mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau. Có điều, chưa ai thấy nguồn “Q” ở đâu, nên chưa hoàn toàn được chấp nhận. Tuy nhiên, các nhà phân tích hàng đầu hiện nay đều giả thuyết về nó dù nó không có được sự thống nhất văn tự như nguồn Máccô.

Mặt khác, còn có vấn đề hiệu đính của cả hai Tin Mừng Mátthêu và Luca đối với những câu được coi là thuộc nguồn “Q”, thí dụ các đoạn Lc 13:24-29; 14:16-21; 15:4-7; 19:13-26 chẳng hạn. Ngoài ra, các đoạn như 10:25-28; 12:54-56; và 13:22-23 còn được coi là thuộc nguồn riêng của Tin Mừng Luca (gọi là nguồn “L”) thậm chí còn là một soạn tác của chính Thánh Luca nữa.

Một khó khăn nữa về nguồn “Q” là phần lớn chúng chỉ là những lời nói của Chúa Giêsu, rất ít có tính trình thuật, nhất là trình thuật khổ nạn. Điều này khó mà tin được với cộng đoàn Kitô Giáo tiên khởi, một cộng đoàn rất coi trọng các biến cố cứu chuộc của cuộc khổ nạn này. Có người cho rằng phản biện này chỉ là tiền giả định hiện đại về bản chất của tin mừng thôi, chứ tin mừng coptic, phần lớn chỉ bao gồm các lời nói của Chúa Giêsu, rất ít trình thuật, nhưng vẫn được Kitô Giáo tiên khởi gọi là peuangelion pkata Thomas, tức Tin Mừng Theo Tôma.

Sau cùng, cũng nên lưu ý, có chứng cớ cho thấy có những phủ lấp lên nhau giữa hai nguồn “Mc” và nguồn “Q”. Một số đoạn hay lời nói có thể có trong cả hai nguồn này. Trong một số trường hợp khác, tư liệu từ hai nguồn này đã được nối lại với nhau như bài giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả, biến cố Chúa Giêsu bị cám dỗ. Tuy nhiên, tại những chỗ khác, Tin Mừng Luca và Tin Mừng Mátthêu thích lấy các đoạn của “Q” hơn là của “Mc” như dụ ngôn hạt mù-tạt (Lc 13:18-19), dụ ngôn men bột (Lc 13:20-21).

5. Các đoạn cặp trùng trong Tin Mừng Luca

Trong truyền thống Nhất Lãm, cặp trùng (doublet) chỉ một đoạn nào đó xuất hiện hai lần trong cùng một tin mừng, nhất là hai Tin Mừng Luca và Mátthêu, trong đó, chúng xuất hiện cả theo Truyền Thống Hai Bản Văn lẫn Truyền Thống Ba Bản Văn. Những đoạn cặp trùng này vốn được dùng để chứng minh sự lệ thuộc vào “Q” của Tin Mừng Luca. Những đoạn đó là:

Từ nguồn “Mc” Từ nguồn “Q”
1. 8:8c (=Mc 4:9 và 4:23) 14:35 (=Mt 11:15; 13:9)
2. 8:16 (=Mc 4:21) 11:33 (=Mt 5:15)
3. 8:17 (=Mc 4:22) 12:2 (=Mt 10:26)
4. 8:18 (=Mc 4:25) 19:26 (=Mt 25:29)
5. 9:3,4,5 (=Mc 6:8,10,11) 10:4,5 + 7,10,11 (=Mt 10:10,11,12,14)
6. 9:23-24 (=Mc 8:34-35) 14:27; 17:33 (=Mt 10:38-39)
7. 9:26 (=Mc 8:38) 12:8-9 (=Mt 10:32-33)
8. 9:48 (=Mc 9:37) 10:16 (=Mt 10:40)
9. 20:46 (=Mc 12:38-39) 11:43 (=Mt 23:6-7)
10. 21:14-15 (=Mc 13:11) 12:11-12 (=Mt 10:19-20)
11. 21:18 (có thể từ nguồn “L”) 12:7 (=Mt 10:30)
12. 18:14b (có thể từ nguồn “L”) 14:11 (=Mt 18:4; 23:12)

Điều đáng lưu ý trong hần hết các câu hay đoạn trên là chúng tạo thành phần cho một đơn vị dẫn khởi từ nguồn tiền Luca. Về những câu hay đoạn này, nhận định của M.J. Lagrange cũng đáng lưu ý: Thánh Luca vẫn có thói quen tránh việc lặp đi lặp lại, nên nếu ngài chép lại cùng một câu nói lần thứ hai, chính vì ngài tìm thấy nó ở cả hai nguồn tài liệu. Ngay cả những điều ngài thêm vào những câu cặp trùng đó, miễn là xẩy ra trong cùng một khung cảnh như Tin Mừng Máccô, thì đều gần gũi về văn phong với Tin Mừng này hơn là với các tin mừng khác (16).

6. Tin Mừng Luca lệ thuộc các nguồn đặc biệt

Tư liệu trong Tin Mừng Luca lấy từ hai nguồn “Mc” và “Q” lên đến 2/3 toàn bộ Sách. Nhưng giải thích nguồn gốc của phần còn lại không phải là việc dễ dàng. Dĩ nhiên, người ta có quyền kết luận rằng bất cứ những gì không có trong hai nguồn “Mc” hay “Q” hẳn phải rút từ một nguồn khác của riêng Tin Mừng Luca. Nhưng kết luận này không đơn giản. Trong trường hợp nguồn “Q”, ta dễ thấy sự tương hợp khá rõ ràng trong hai Tin Mừng Mátthêu và Luca và thứ tự chung chung của những tư liệu này. Nhưng khi chỉ có nguồn đặc biệt đối với riêng Tin Mừng Luca, thì khó mà giả định một nguồn viết bằng tiếng Hy Lạp được. Vả lại người ta không thể loại bỏ khả thể chính thánh Luca đã soạn ra những tư liệu đó. Sự soạn tác này khá rõ xét về văn phong đặc trưng của Thánh Luca. Dù sao, cũng có những tư liệu riêng của Tin Mừng Luca mà người ta quen xếp vào nguồn “L”, được linh mục Fitzmyer liệt kê thành 66 tư liệu (17), xin trích dẫn một số:

1:5 – 2:52 Trình thuật tuổi thơ, ít nhất một phần
3:10-14 Gioan Tẩy Giả rao giảng
3:23-38 Gia phả Chúa Giêsu
4:17-21, 23, 25-30 Chúa Giêsu thăm Nadarét
…..
10:17-20 Bẩy mươi (hai) môn đệ trở về
10:25-28 Luật để được sống đời đời
10:29-37 Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu
10:38-42 Mácta và Maria
…..
15:8-10 Dụ ngôn đồng tiền đánh mất
15:11-32 Dụ ngôn người con hoang đàng
16:1-8a Dụ ngôn viên quản lý bất lương
16:14-15 Khiển trách người biệt phái ham tiền
…..
20:18 Sức mạnh của đá
21:18,21b,22,24, 28 Tàn phá Giêrusalem
21:34-36 Hãy tỉnh thức
21:37-38 Thừa tác vụ của Chúa Giêsu tại Giêrusalem
….
23:56 Các phụ nữ chuẩn bị hương liệu trước ngày Sabát
24:13-35 Chúa Giêsu xuất hiện trên đường Emmau
24:36-43 Chúa Giêsu xuất hiện giữa các môn đệ tại Giêrusalem
24:44-49 Chúa ủy thác lần cuối cùng

Cứ theo lời mở đầu về cố gắng “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” (1:3), ta phải nhận rằng nguồn này có thể vừa viết vừa truyền khẩu, và do đó, có thể do một hay nhiều người tạo nên. Và ta cũng không quên, chúng có thể là soạn tác riêng của Thánh Luca.

7. Tin Mừng Luca và Tin Mừng theo Tôma

Từ ngày khám phá ra dịch bản Ai Cập (coptic) của Tin Mừng Theo Tôma tại Nag Hammadi tháng 12 năm 1945, mối liên hệ giữa Tân Ước và Tin Mừng ngoại thư này đã lại được đặt ra: tuyển tập 114 các lời được gán cho Chúa Giêsu này liên hệ tới nguồn “Q” hay nguồn “L”?

Ta biết đến Tin Mừng Theo Tôma là qua lời Hippolytus và Origen, cũng như nhiều giáo phụ khác trích dẫn nó. Bản Ai Cập khám phá tại Nag Hammadi có niên biểu khoảng cuối thế kỷ thứ tư. Đây là bản dịch của một bản Hy Lạp có trước đó, vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ ba, nhưng chính Tin Mừng thì có thể đã được soạn thảo vào cuối thế kỷ thứ hai.

Trong số 114 lời nói được coi là của Chúa Giêsu này, không lời nào giống hệt các lời trong các tin mừng Nhất Lãm. Tuy nhiên, một số có liên hệ với những lời của Chúa Giêsu được truyền thống Nhất Lãm duy trì.

a. Các đoạn trong Luca rút từ nguồn “Mc” song hành với Tin Mừng Tôma

Luca Tôma Luca Tôma
4:24 31 8:17 5b+6e
5:33-34 104 8:18 41
5:37,36 47c 8:19-21 99
5:39 47b 20:9b-15,18 65
8:5-8 9 20:17 66
8:8c 8e 20:22-25 100
8:16 33b

b. Các đoạn trong Luca rút từ nguồn “Q” song hành với Tin Mừng Tôma

Luca Tôma Luca Tôma
6:20b 54 12:2 5b+6e
6:21a 69b 12:3 33a
6:22 68 12:10 44
6:39 34 12:22 36
6:41-42 26 12:33 76b
6:44-45 45 12:51-53 16
7:24-25 78 12:56 91b
7:28 46 13:18-19 20
9:58 86 13:20-21 96
10:2 73 14:16-21 64
10:8-9a 14b 14:26-27 55,101
11:10 94 15:4 107
11:33 33b 16:13 47a
11:39-40 89 19:26 41
11:52 39a

c. Các đoạn trong Luca rút từ nguồn “L” song hành với Tin Mừng Tôma

Luca Tôma Luca Tôma
11:27-28 79 17:20-21 113
12:13-14 72 17:21 3
12:16-20 63 17:34 61a
12:49 10 23:29 79

Nói chung, tương quan này chưa thể nói bên nào lệ thuộc bên nào, nhưng căn cứ vào niên biểu, thiển nghĩ phần lớn các lời trong Tin Mừng Theo Tôma tùy thuộc truyền thống Nhất Lãm.

8. Tin Mừng Luca và Tin Mừng Gioan

Một vấn đề đặc biệt là rất có thể nguồn “L” có liên hệ với Tin Mừng thứ tư, tức Tin Mừng theo Thánh Gioan, vì một số tư liệu trong nguồn “L” giống tư liệu trong Tin Mừng này. R.E. Brown (18) lưu ý ta một số sự kiện sau đây: 1/ chỉ có một trình thuật hóa bánh và cá ra nhiều; 2/ nhắc đến các nhân vật như Ladarô, Mácta, Maria, một trong Nhóm Mười Hai là “Jude” hay Giuđa (con ông Giacôbê, không phải Giuđa Iscariốt), và thượng tế Anna (Annas); 3/ không có cuộc thẩm vấn ban đêm trước mặt Caipha; 4/ câu hỏi kép đặt cho Chúa Giêsu về tư cách thiên sai và Con Thiên Chúa của Người (Lc 22:67, 70; Ga 21:5-11); 5/ Ba lời Philatô không kết tội trong vụ xử Chúa Giêsu; 6/ các cuộc Chúa Giêsu hiện ra sau khi phục sinh tại vùng Giêrusalem; và 7/ mẻ cá lạ (Lc 5:4-9; Ga 21:5-11).

Linh mục Fitzmyer (19) thêm mấy sự kiện nữa như người ta tin Gioan Tẩy Giả là Đấng Mêxia (Lc 3:15; Ga 1:20); hay hai thiên thần ở mộ Chúa Giêsu (Lc 24:4; Ga 20:12) ngược với Mátthêu và Máccô. Ngoài ra, J.A. Bailey (20) liệt kê một số đoạn cho thấy có thể có giao lưu giữa 2 Tin Mừng Luca và Gioan:

Luca Gioan Luca Gioan
7:36-50 12:1-8 22:39-53a 18:1-12
3:15-17 1:19-27 22:53b-71 18:13-27
5:1-11 21:1-14 23:1-25 18:29-19:16
19:37-40 12:12-19 23:25-26 19:17-42

Tuy nhiên, cả hai linh mục Brown lẫn Fitzmyer đều cho rằng không có gì gợi ý cho ta thấy Tin Mừng thứ tư biết tới Tin Mừng Luca. Dù truyền thống độc lập đứng đàng sau Tin Mừng Gioan có nhiều điều cũng tìm thấy trong nguồn đặc biệt mà Tin Mừng Luca dựa vào, nhưng các chi tiết thì không luôn diễn ra cùng một phương cách. Bởi thế, nhiều người đã cố gắng đi tìm nguồn đặc biệt cho Tin Mừng Luca. E.E. Ellis (21) thì cho đó là “nguồn tư riêng của tác giả tin mừng”. Đức Mẹ được nhiều người tin là thứ nguồn này của Thánh Luca, nhất là trong trình thuật tuổi thơ.

9. Giả thuyết Tin Mừng Luca nguyên khởi

Vì các khó khăn trong việc xác định nguồn đặc biệt cho Tin Mừng Luca, nên một số học giả đã đưa ra giả thuyết về một Tin Mừng Luca nguyên khởi (Proto-Luke). Theo giả thuyết này, trước nhất Thánh Luca phối hợp hai nguồn “Q” và “L” để tạo ra một tin mừng nguyên khởi, bắt đầu với đoạn 3:1. Sau đó, khi gặp Tin Mừng Máccô, ngài đã lồng nhiều khối tư liệu của tin mừng này vào Tin Mừng Luca nguyên khởi và đặt trình thuật tuổi thơ (1:5-2:53) lên đầu sau lời mở đầu (1:1-4).

Lý do chính khiến có chủ trương trên là: 1/đặc điểm riêng biệt của hai trình thuật tuổi thơ và phục sinh; 2/ việc gom các tư liệu Máccô vào 5 khối đã liệt kê ở các trang 10 và 11 trên đây; 3/việc hơn 30 phần trăm tư liệu Máccô không có trong Luca; 4/ các khác nhau đáng kể trong trình thuật khổ nạn của Máccô và Luca; và 5/ các sai trệch về ngôn từ của Luca so với Máccô trong một số song hành. Các học giả chủ trương giả thuyết này được linh mục Fitzmyer liệt kê trong tác phẩm đã dẫn. Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là một giả thuyết và giả thuyết này cũng đang gặp nhiều khó khăn (22) và vốn vượt quá nhu cầu tìm hiểu của chúng ta.

———————–

Ghi chú

(1) xem M.J. Lagrange, Enchiridion Biblicum, 1927.

(2) Titus Flavius Josephus (37 – c. 100), người ghi chép lịch sử Do Thái, nhấn mạnh tới thế kỷ thứ nhất Công Nguyên và cuộc chiến tranh Do Thái Rôma thứ nhất, kết quả là Đền Thờ Giêrusalem bị phá hủy năm 70. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là Cuộc Chiến Tranh Do Thái (khoảng năm 75) và Cổ Thời Người Do Thái (khoảng năm 94).

(3) Tin Mừng Gioan được nhiều người cho là xuất hiện giữa các năm 90 và 100.

(4) Xem Fitzmyer, đã dẫn, các tr.53-57.

(5) The Fall of Jerusalem and the ‘Abomination of Desolation’ trong Journal of Roman Studies 37 (1947)

(6) Đã dẫn, tr.63

(7) The Four Gospel, 1927

(8) Đã dẫn, tr.160

(9) A Greek Synopsis, tr. 1052

(10) Argument from Order and the Relationship between Matthew and Luke” New Testament Studies 15, (1968-1969) tr.253

(11) Xem W.R. Farmer, Synopticon: The Verbal Agreement between he Greek Texts of Matthew, Mark and Luke Contextually Exhibited, Cambridge, cambridge University, 1969.

(12) Introduction to the New Testament, do A.Robert – A. Feuillet chủ biên, Desclee Company, 1965, tr.269)

(13) Xem L. Vaganay, Le problème synoptique, Tournai, Desclée, 1954.

(14) Xem Vaganay, Le problème synoptique, 295-299.

(15) Xin xem chi tiết trong bảng liệt kê của Jos. A. Fitzmyer, đã dẫn, tr.77-79.

(16) M.J. Lagrange, Évangile selon St Luc, Paris, 1927.

(17) Đã dẫn, tr.83-84

(18) The Gospel according to John, I-XII, Anchor Bible 29, Garden City, NY, Doubleday, 1966, xlvi-xlvii.

(19) Đã dẫn, tr.88

(20) The Traditions Common to the Gospels of Luke and John, Novum Testamentum Supplements 7, Leiden, Brill, 1966.

(21) E.E. Ellis, The Gospel of Luke, London, 1966

(22) J.A. Fitzmyer, đã dẫn, tr. 90-91.