TIẾN TRÌNH ĐÀO TẠO LINH MỤC: NHỮNG KHUÔN MẪU THẦN HỌC VÀ LỊCH SỬ

0
2304

Juan Esquerda Bifet

(Trích Thời sự Thần học, số 57, tháng 8/2012)

            Tác giả trình bày những khuôn mẫu đào tạo linh mục trải qua năm thời kỳ: 1/ Thời giáo phụ. 2/ Thời Trung cổ. 3/ Cận đại. 4. Trước Vaticanô II. 5/ Từ công đồng Vaticanô II. Tiến trình đào tạo ở mỗi thời kỳ chịu ảnh hưởng của tư tưởng thần học cũng như những mẫu gương của các thánh. Theo tác giả, còn nhiều đường hướng đào tạo do công đồng Vaticanô II chưa được mang ra áp dụng, cách riêng về “đời sống tông đồ”, tức là kiểu sống Tin mừng của các thánh tông đồ. Cha Juan Esquerda Bifet sinh năm 1929 tại Lleida (Tây ban nha)  là một chuyên gia về lịch sử linh đạo các linh mục, với những tác phẩm đã được xuất bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Bài viết Itinerario formativo de las vocaciones sacerdotales. Modelos teologico-historicos, được đăng trên tạp chí Seminarium  46 (2006), 1-2, 291-306.

——————————–

Giới thiệu: Những đường hướng chính của tiến trình đào tạo trải qua các giai đoạn lịch sử

            Việc đào tạo các ơn gọi linh mục đã có gần hai ngàn năm lịch sử. Điểm quy chiếu bắt buộc luôn luôn là Chúa Giê-su Tư tế và Mục tử nhân lành, nhưng những hình thức cụ thể thì thay đổi tùy theo thời đại và văn hóa. Chúng ta có thể nhận thấy một sự tiến triển đồng đều, luôn mở rộng đến những hoàn cảnh mới của văn hóa xã hội và của Giáo hội, ngõ hầu đáp lại những ân huệ mới của Thánh Linh để đào tạo những tông đồ mới.

            Trong khuôn khổ vắn tắt của bài báo, chúng tôi muốn phác thảo tổng lược tiến trình lịch sử, bằng cách nêu bật những đường hướng căn bản của mỗi thời đại (theo những khuôn mẫu thần học và lịch sử), để đi đến thực trạng đào tạo trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI (hoặc đầu thiên niên kỷ thứ ba), và hé mở những viễn ảnh tương lai, luôn hòa hợp giữa trung thành và mở rộng.

            Trong mỗi thời đại, chúng tôi sẽ chú ý đến chân dung của Đức Ki-tô Tư tế và Mục tử nhân lành, để vạch ra những đường hướng đào tạo nếp sống linh mục. Chúng ta luôn gặp thấy những khuôn mẫu linh mục, các văn kiện, các thể chế, và một cách nào đó, kể cả những chương trình đào tạo để đi theo Tin mừng như kiểu các thánh Tông đồ.

            Khi viết bài tổng hợp này, chúng tôi nhận thấy năng lực của Thánh Linh dẫn dắt Hội thánh trong thực tại lịch sử. Thực vậy, trong mỗi thời đại, chúng ta có thể nhận thấy những đặc sủng của Thánh Linh cũng như những đáp trả qua những suy tư, sinh sống, hoạch định trong một bối cảnh gồm có ánh sáng và bóng tối, thành công và giới hạn của Giáo hội lữ hành.

            Trong những gì thuộc về quá khứ, chúng ta lưu giữ các khía cạnh tích cực mang tính cách thường hằng, tương ứng với việc khai triển các dữ kiện mạc khải về nếp sống của Vị Mục tử nhân lành và của các thánh tông đồ. Hai ngàn năm lịch sử là một gia tài ân sủng giúp gặp thấy một nếp sống tông đồ và tin mừng tương ứng với hiện tại và tương lai gần.

            Đi theo Chúa Ki-tô như kiểu các thánh tông đồ, tình huynh đệ linh mục trong Linh-mục-đoàn và tinh thần truyền giáo: đó là những đường hướng Tin mừng mang lại bảo đảm cho việc đáp trả các đòi hỏi mới của Thánh Linh và những nhu cầu mới của Giáo hội, của xã hội vào đầu thiên niên kỷ thứ ba.[1]

1. Đào tạo linh mục vào thời các giáo phụ

            Vào thời các giáo phụ, việc đào tạo linh mục diễn ra giữa lòng các cộng đồng Ki-tô hữu, với ảnh hưởng của nhiều trường phái thần học và giáo lý (Giêrusalem, Antiôkia, Alêxanđria, Cêsarêa Palestina, Rôma, vv). Các linh mục tương lai được huấn luyện theo sát các giám mục của mình và với linh-mục-đoàn.

            Tiến trình đào tạo được lồng trong khung cảnh “nếp sống tông đồ”, nghĩa là theo kiểu các thánh tông đồ và những kẻ kế vị các ngài. Sự thánh thiện nhắm tới là Chúa Ki-tô Tư tế và Mục tử nhân lành, nghĩa là nhằm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ mục vụ (phục vụ Lời Chúa,  cử hành các nhiệm tích, điều hành cộng đồng, công tác bác ái). Giáo sĩ (clericus) là người chọn Chúa làm gia nghiệp.

            Trên thực tế, trong các thế kỷ đầu, trụ sở của giám mục cũng là chỗ ở của các linh mục và những người chuẩn bị lãnh tác vụ. Theo Canones Apostolorum, giám mục có bổn phận săn sóc hàng giáo sĩ của mình[2]. Tại Rôma, Antiôkia, Alêxandría, Cêsarêa  Palestina và Bắc Phi đã có những trường dạy giáo lý và thần học.[3]

            Tại những trường này, vị đại diện giám mục (vị trợ tá của giám mục hoặc “tổng trợ tá, archidiaconus) phụ trách việc đào tạo các tác viên tương lại. Sau thời hòa bình của hoàng đế

Constantinô (năm 313), những trường của các giám mục không đủ và nhiều khi các giáo sĩ được đào tạo tại những trường không thuộc Giáo hội. Các công đồng phải đặt ra những quy luật hầu tránh những người lãnh nhận tác vụ mà không được đào tạo cân xứng. Các công đồng còn ra luật buộc các giáo sĩ sống chung, tùy thuộc vào giám mục.[4]

            Tính đa dạng của việc đào tạo được biểu lộ qua vài chi tiết. Bên Đông, người ta trình bày sự “tận hiến” cho đức Ki-tô, và qua Người, tận hiến cho Chúa Cha do động lực của Thánh Linh. Trường Antiôkia nêu bật sự phân biệt giữa Thiên Chúa và con người, và cho thấy tác vụ linh mục như là dụng cụ. Trường phái Alêxandria nhấn mạnh đến tác động của Thiên Chúa.

            Bên Tây phương, việc “thánh hiến” được hiểu về bí tích đã nhận lãnh, và coi như là sự tham dự vào việc thánh hiến và sứ vụ của đức Ki-tô. Sự thánh thiện  được thực hành qua những quy luật phụng vụ, kỷ luật và luân lý. Bên Đông phương, linh mục được coi như một trung gian của tác động Thiên Chúa. Các quy luật của các công đồng về đời sống giáo sĩ phản ánh những phân biệt chi tiết vừa kể, nhưng luôn trình bày chân dung của linh mục như là kẻ hành động trong cương vị của đức Ki-tô.[5]

            Việc đào tạo dựa theo những khuôn mẫu linh mục của thời đại, cách riêng là của vị giám mục. Ngoài các văn kiện Kinh thánh, phụng vụ, công đồng (về đời sống giáo sĩ), còn sử dụng các tác phẩm nền tảng là: những bức thư của thánh Inhaxiô Antiôkía, những sách về chức linh mục của thánh Gioan Kim khẩu, các tác phẩm và tiểu sử của thánh, các quy luật về đời sống giáo sĩ của thánh Augustinô, Quy luật mục tử của thánh Grêgôriô cả, vv[6]

            Những thư của thánh  San Inhaxiô (khoảng năm 105) cung cấp những quy chuẩn về sự thánh thiện tác vụ và về đời sống huynh đệ trong linh-mục-đoàn và với giám mục. Các linh mục được mô tả trong tương quan với các thánh tông đồ. Việc đào tạo hướng đến duy trì sự hợp nhất trong Giáo hội, được sánh ví như một bài ca mà đức Ki-tô hướng về Chúa Cha. (Xc chẳng hạn như bức thư gửi giáo đoàn Ephêsô 4,1-2).

            Việc đào tạo linh mục còn chịu ảnh hưởng sâu đậm hơn bởi Sáu quyển sách về chức linh mục của thánh Gioan Kim khẩu, viết vào khoảng năm 386. Tác phẩm này để lại nhiều dấu ấn trong quyết nghị của các công đồng (về đời sống giáo sĩ) và những quy luật đào tạo linh mục. Sự thánh thiện được quy chiếu về đức Ki-tô và sự thi hành tác vụ nhân danh Người để phục vụ cộng đồng Giáo hội. Linh mục cần phải tập luyện các nhân đức  đặc trưng của Mục tử nhân lành, nghĩa là đức ái được cụ thể hóa qua đức thanh bần, khiết tịnh, hăng say tông đồ, hiền từ, tinh thần cầu nguyện, vv.[7]

            Theo thánh Ambrôsiô, việc đào tạo linh mục được cụ thể hóa qua việc chu toàn những quy luật về đời sống luân lý, phụng vụ và tác vụ. Vì đã chọn Chúa làm gia nghiệp, giáo sĩ được mời gọi sống thanh bần, khiết tịnh, bác ái với người nghèo (mà Đức Ki-tô ẩn núp nơi họ). Sự thánh thiện linh mục là một yêu sách của việc giảng dạy và cử hành Thánh lễ. Nhờ vậy, linh mục sẽ đạt được đời sống đức hạnh, đầy đủ mọi nhân đức.[8]

            Những quy luật Giáo hội về việc đào tạo linh mục cũng lấy nguồn từ đạo lý và tấm  gương của thánh Augustinô, cách riêng về cách thực hành “nếp sống tông đồ” (vita apostolica), qua đời sống chung của Người với các linh mục. Bên Tây phương, trải qua nhiều thế kỷ, việc đào tại linh mục lấy gương của thánh Augustinô làm quy mực. Nhiều linh-mục-đoàn lấy hứng khởi từ “Quy luật” tức là chương trình nếp sống giáo hội của Người. “Tất cả các mục tử tốt đều gặp nhau ở nơi một vị, họ trở nên một.  Họ chăn dắt, nhưng kỳ thực chính là Đức Ki-tô chăn dắt. Những người bạn của chàng rể không loan báo lời của mình nhưng họ vui thích vì lời của chàng rể” (Sermo 46). Linh-mục-đoàn Hippona là nơi chung sống của các linh mục và những người chuẩn bị làm linh mục.[9]

            Quy luật mục tử của giáo hoàng Grêgôriô Cả cũng được dùng làm kim chỉ nam cho việc đào tạo và thi hành mục tử. Các nhân đức của linh mục có liên quan đến tác vụ, cách riêng là việc giảng thuyết và Thánh lễ. Việc huấn luyện nhắm đến đức thanh bần, sự cầu nguyện chiêm niệm và chuyển cầu, đức ái và lòng nhiệt thành tông đồ. “Khi mục tử để ý vào chuyện thế sự, thì đám bụi do cơn cám dỗ bùng lên sẽ làm mờ mắt của đoàn chiên”.[10]

            Các công đồng Tây-ban-nha ở các thế kỷ VI-VII đã ban hành nhiều quy tắc cụ thể về việc tuyển lựa và đào tạo các linh mục tương lai, bằng cách áp dụng những hướng dẫn của thời các tông đồ.[11] Các công đồng Tolêđô II và IV (năm 527 và 633) đã dọn đường cho sắc lệnh của công đồng Trentô về các chủng viện. Đặc biệt Trentô đã tham chiếu chương 24 của công đồng Toleđô IV. Hai công đồng Toleđô vừa nói nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc đào tạo tâm linh và trí thức ngay từ thiếu thời, cũng như trách nhiệm của giám mục. (Ench. Cler. 59).

2. Việc đào tạo linh mục thời Trung cổ

            Nên nhớ rằng việc đào tạo linh mục đã xuống dốc vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất và bước sang thiên niên kỷ thứ hai. Các linh-mục-đoàn và đan-viện bị ảnh hưởng của phong trào tục hóa. Tuy vậy, nhiều nơi vẫn duy trì được sự đào tạo của thời giáo phụ về “nếp sống tông đồ” nhờ những quy luật công đồng và nhờ lòng hăng say của các giám mục và linh mục thánh thiện. Công đồng Rôma năm 1059 vẫn còn ban hành nhiều quy tắc về đời sống chung và sự khó nghèo của các giáo sĩ.

            Suốt thời Trung cổ có nhiều trường đào tạo giáo sĩ, tuy không phải ở mọi các giáo phận cũng không phải luôn luôn bao gồm việc đào tạo tâm linh và mục vụ. Tại vài linh-mục-đoàn người ta vẫn tiếp tục hướng đào tạo theo Tin mừng, đặc biệt nơi nào mà các giáo sĩ (tựa như các “kinh sĩ” – canonici -) sống theo khuôn mẫu hoặc “quy luật” của thánh Augustinô. Chính lúc đó (thế kỷ XII-XIII) nảy sinh các dòng tu (dòng Chúa Ba Ngôi, Âu-tinh, Phan-sinh, Đa-minh, Chuộc kẻ làm tôi, Cát-minh, vv). Lý tưởng “nếp sống tông đồ” vẫn như xưa nhưng các dòng muốn diễn tả cụ thể qua việc tuyên khấn và hiến pháp, với khuynh hướng giống các đan sĩ, tuy vẫn hướng về hoạt động tông đồ và bác ái.

            Bất chấp những sa sút của thời Trung cổ, những bước đầu tiên cải tổ việc đào tạo linh mục đã được nhen nhúm. Bộ sưu tập giáo luật Decretum  Gratiani (1140) cung cấp nhiều dữ liệu cho việc đào tạo nhằm thực hành “nếp sống tông đồ” qua việc thực thành những nhân đức mà công tác mục vụ đòi hỏi.[12]

            Các công đồng Latêranô III (1179) và IV (1215) lại khuyến cáo hãy tuân hành những quy luật về việc đào tạo, và đề ra một tiêu chuẩn cho giá trị cho mọi thế hệ mai sau: “Khi nói về các linh mục, thà có ít người mà tốt thì hơn là có nhiều người mà xấu, bởi vì nếu một người mù mà dắt người mù, thì cả hai đều sa xuống hố”.[13] Các công đồng này đưa ra nhiều quy tắc cho việc đào tạo. Một điểm cụ thể (đã được các công đồng Tolêđô nói đến) là đặt một magister (hoặc “huấn luyện viên”) để phụ trách các linh mục tương lai. Công đồng Lateranô IV trao cho giám mục trách nhiệm huấn luyện các linh mục coi sóc linh hồn: “Vì việc coi sóc các linh hồn là một nghệ thuật tinh vi, chúng tôi truyền cho các giám mục, hoặc đích thân hoặc nhờ người chuyên môn, phải huấn luyện các ứng sinh linh mục về những mầu nhiệm Thiên Chúa và các bí tích, ngõ hầu họ cử hành phải phép”.[14]

            Nơi thánh Tôma Aquinô chúng ta tìm thấy một toát lược những yêu sách của việc đào tạo: “Thiên Chúa không bao giờ để cho Hội thánh của ngài thiếu những tác viên thích đáng và tương xứng với những nhu cầu của các tín hữu, nếu chọn lựa những kẻ xứng đáng và loại bỏ những kẻ bất xứng” (Suppl. q. 36, a. 4, ad 1). Theo đức thánh cha Honoriô II, sự đào tạo linh mục giúp cho việc tuyển chọn chín chắn bởi vì là việc “huấn luyện nên thánh”[15].  Các giám mục, các công đồng phổ quát và địa phương đã ban hành những quy tắc về việc đào tạo linh mục. Bất chấp những thăng trầm lịch sử, các trường học của Giáo hội được kiện toàn, đặc biệt là về khía cạnh trí thức. Vào thời này có những trường học tại giáo xứ, đan viện, tòa giám mục.[16]

            Thêm vào các dữ kiện của các giáo phụ và gia sản của thánh Augustinô là những suy tư thần học về chức vụ linh mục, đặc biệt là của thánh Tôma Aquinô. Đức Ki-tô là nguồn mạch của chức tư tế (III, q. 22, a. 4). Ấn tích linh mục uốn nắn họ nên giống hình ảnh Đức Ki-tô (III, q. 63). Linh mục nối dài hoạt động của Đức Ki-tô như là một khí cụ tích cực của Người (III, q. 63, a. 3) và phục vụ Thân Thể bí tích và huyền nhiệm của Người. Vì thế người được gọi làm “trung gian” cần được huấn luyện nên thánh  (III, q. 22, a. 1) nghĩa là nên giống Chúa nhờ đức ái (Suppl. q. 36, a. 1). Việc truyền chức linh mục đòi hỏi sự thánh thiện (III, q. 27, a. 4) và chỉ có thể trao cho những ai đã vững vàng trong sự thánh thiện (II-II, q.189, a.1, ad 3).[17]

            Các trường phái thần học và tâm linh thời Trung cổ đã để lại những dấu vết của mình trong việc đào tạo linh mục: trường phái Biển-đức, Đa-minh, Phan-sinh, Âu-tinh… Trường Saint Víctor (thế kỷ XII) dựa trên những đòi hỏi của bí tích truyền chức, coi linh mục như là trung gian hòa giải, cộng sự của giám mục, được gọi nên thánh do yêu sách của việc cử hành các nhiệm tích.

3. Đào tạo linh mục vào thời cận đại

            Hai thế kỷ trước công đồng Trentô đã có một cuộc phục hưng tinh thần, được đặt tên là “devotio moderna” (lòng đạo đức tân thời, thế kỷ XIV-XV) vạch ra vài đường hướng đổi mới tâm linh. Vài điểm chính của trào lưu này phản ánh trong sách De imitatione Christi (Gương Chúa Giê-su); linh mục được mời gọi hãy thủ đắc “hết mọi nhân đức” ngõ hầu có thể làm gương cho người khác về đời sống tốt lành và xây dựng Hội thánh (lib., cap. 5). Trào lưu này tác dụng đến việc đào tạo linh mục, với vài thí nghiệm về đời sống chung, sự suy gẫm có phương pháp, linh hướng, giảng thuyết và huấn giáo, đời sống  nội tâm, vv. Sự đổi mới nhắm đến việc cử hành Thánh lễ, việc giảng thuyết, đời sống bác ái.

            Liền trước công đồng Trentô và kể cả sau công đồng (thế kỷ XVI và tiếp theo), nảy sinh nhiều nhóm giáo sĩ sống chung, nhắm huấn luyện nên thánh và tận tâm thi hành mục vụ. Thời kỳ trước công đồng Trentô chứng kiến nhiều tác phẩm về sự thánh thiện linh mục cũng như nhiều vị thánh linh mục và tu sĩ.[18]

            Việc đào tạo trí thức (cách riêng về thần học) đã đạt tới một trình độ cao đối với những ai theo học đại học hoặc các trung tâm tương tự. Tuy nhiên các giáo sĩ tại các nơi ấy chỉ là thiểu số, và không lúc nào cũng nhận được sự đào tạo tâm linh, luân lý và mục vụ cân xứng ở các lưu xá đại học. Có vài nơi người ta để ý đến việc đào tạo linh mục theo nghĩa chặt chẽ, chẳng hạn như cha Jean Gerson, chưởng ấn đại học Paris, yêu cầu sự “khai sáng con tim” diễn tả ra “các việc làm” và việc xưng tội thường xuyên. Các lưu xá đại học không lúc nào cũng đáp ứng những lời yêu cầu đó. Đa số các giáo sĩ, kể cả những người được đào tạo tại các đại học, chỉ nhắm đến chức vị và bổng lộc để có nguồn lợi kinh tế. Những lời nhắn nhủ của các giáo hoàng (chẳng hạn Bênêđictô XII) không gây âm vang nào. Các trường học của các dòng tu cũng chẳng khá hơn.[19]

            Trước công đồng Trentô, những học viện (Collegium) áp dụng sự đào tạo linh mục theo ước nguyện của công đồng là Học viện Capránica ở Roma (1456), Học viện linh mục tại Dillingen (1549), Collegio Romano Germánico do thánh Inhaxiô lập (1552), Học viện do công đồng London và hồng y Reginald Pole (1556) và vài học viện giáo sĩ của thánh Gioan Avila bên Tây ban nha (Baeza, Córdoba, Ecija, etc.).[20]

            Công đồng Trentô tiến thêm một bước nữa: công đồng ra lệnh áp dụng tiến trình đào tạo trong tất cả các giáo phận qua các chủng viện và sự hiện diện chủ động và trách nhiệm của giám mục. Công đồng tóm lại đạo lý về chức linh mục (lấy lại của thánh Tôma) và vạch ra vài tiêu chuẩn về mục vụ cho các giám mục và linh mục (ses.23). Sắc lệnh thiết lập chủng viện được đặt trong bối cảnh cải cách linh mục (ses.23, can.18 de reforma). Theo ý muốn của công đồng, việc đào tạo linh mục dựa trên việc “giáo dục về tôn giáo và huấn luyện về kỷ luật Giáo hội”, gạt ra một bên mọi tham vọng, và chỉ nhắm đến lòng khát khao phụng sự Thiên Chúa và Hội thánh (ibídem). Chủng viện được đặt dưới sự điều khiển của giám mục, nhằm đào tạo các ứng sinh dựa theo những tiêu chuẩn của “đời sống tông đồ” (kiểu sống các thánh tông đồ).

            Sắc lệnh về chủng viện trình bày một hướng mục vụ hòa hợp với tất cả khóa 23. Việc chăm sóc mục vụ được mô tả như là hiểu biết thực tại (những con chiên) ngõ hầu dấn thân quảng đại phục vụ bằng lời giảng, các bí tích và đức bác ái cách riêng hướng tới người nghèo. Chứng tá đời sống là điều không thể nào thiếu được. Việc chăm sóc mục vụ là mục tiêu của cuộc đào tạo tại chủng viện.

            Trong 18 điều khoản (canones) cải cách của khóa 23, công đồng đòi hỏi ý chí ngay thẳng, đời sống gương mẫu, việc đào tạo đạo lý, đời sống độc thân. Nói tóm lại, các ứng sinh linh mục cần phải có khả năng “dạy chân lý mà mọi người cần biết để được cứu độ và để ban các bí tích, họ phải chứng tỏ lòng đạo đức chân chính, đức khiết tịnh và gương tốt” (can.14).

            Công đồng buộc phải thành lập chủng viện tại mỗi giáo phận, tuy không buộc các giáo sĩ phải được đào tạo ở chủng viện. Chi tiết cuối này đã gây ra nhiều khó khăn cho đến đầu thế kỷ XX. Việc đào tạo tại chủng viện phải gồm các khía cạnh trí thức, luân lý. Cần phải để ý đến việc tuyển lựa ứng sinh, và tìm cách cho thấy đời linh mục như là con đường khó nghèo theo Tin mừng chứ không phải là một giai cấp thượng lưu.

            Việc đào tạo linh mục theo đường hướng của công đồng Trentô tiến hành chậm chạp. Theo tôi nghĩ, người ta đã không khai thác tất cả nội dung của công đồng cũng như các tác phẩm và kinh nghiệm đương thời. Nhiều nhóm giáo sĩ mới thành lập (dòng Tên, Gioan Eudes, Xuân bích, Vinh sơn, Somaschi, Oratoire, Scholapi, dòng Chúa Cứu thế, dòng Chúa thụ nạn, vv) đã biết lợi dụng những cơ hội thuận tiện để canh tân Giáo hội. Các dòng tu cổ điển cũng vậy.

            Trong hậu bán thế kỷ XVI và cho đến đầu thế kỷ XVII, việc áp dụng sắc lệnh công đồng về việc đào tạo linh mục đã được đẩy mạnh nhờ các công nghị giáo phận, các vị thánh giám mục và linh mục, các tác giả tâm linh và cả các tu đoàn linh mục. Những khuôn mặt giám mục và linh mục thánh thiện thuộc thế kỷ XVI-XVII đáng kể là: thánh Carlô Borromêô và thánh Grêgoriô Barbarigô bên Ý, thánh Juan Avila và thánh  Juan de Ribera bên Tây ban nha; thánh Toribio de Mogrovejo ở Lima (Perú)… Khuôn mặt của thánh Juan Avila (1499-1569), cũng như các tác phẩm của ngài, là một nhân vật then chốt tuy không phải là duy nhất. Cùng với đời sống gương mẫu, việc thiết lập các học viện giáo sĩ, ngài còn đóng góp đạo lý (đặc biệt là tập “ký ức) mà chắc chắn đã được công đồng Trentô tiếp nhận qua bề trên của ngài là đức cha Pedro Guerrero tổng giám mục Granada.[21]

            Năm 1564 (một năm sau công đồng), bộ Công đồng được thiết lập, với nhiệm vụ trông coi việc áp dụng các sắc lệnh công đồng, đặc biệt là lãnh vực liên quan đến sự cải tổ giáo phận và đời sống giáo sĩ. Các giám mục phải bá cáo định kỳ cho bộ về việc áp dụng.này.

            Gần một thế kỷ sau công đồng Trentô, vài khuôn mặt linh mục đã đẩy mạnh việc đào tạo tại các chủng viện: thánh Jean, thánh Vincent de Paúl, thánh François  de Sales, Pierre Bérulle, Adrian Bourdoise, Jean Jacques Olier ở Pháp cùng với những tác giả khác thuộc trường phái Pháp quốc. Bên Đức và Trung Âu,  Bartolomêô Holzhauser. “Trường phái Pháp quốc” mở ra nhiều hướng mới trong việc đào tạo linh mục trong các chủng viện, cách riêng qua việc theo dõi tâm linh và toàn diện các ứng sinh.[22]

            Nên ghi nhận sự đóng góp của thánh Alphonsô Maria Ligoriô (nguyên giám mục Santa Agata dei Goti, năm 1762) đã gây ảnh hưởng lớn đối với các chủng viện nước Ý. Quyển “Nội quy các chủng viện” (Regolamento per i seminari) và “Những suy tư hữu ích cho các giám mục” (Reflessioni utili ai Vescovi) đã cung cấp nhiều chi tiết về sự đào tạo, cách riêng về những đức tính và hành động cụ thể của các nhà đào tạo. Ngài nhắc nhở các giám mục (trong sách Thần học luân lý) rằng chỉ tuân giữ những quyết nghị của công đồng Trentô thì chưa đủ, nhưng cần phải đòi hỏi nhiều hơn nữa khi truyền chức thánh.[23]

            Trong các thế kỷ XVIII-XIX, việc đào tạo linh mục phải  hứng chịu những hậu quả tai hại của những ý thức hệ và những trận chiến giữa các quốc gia châu Âu. Trong các thế kỷ này, việc đào tạo rút kinh nghiệm của quá khứ để đem ra thực hành những quyết nghị của công đồng Trentô. Các giáo hoàng liên tục thúc bách việc áp dụng công đồng. Trên thực tế, các ngài đã phê chuẩn nội quy của các học viện Rôma trong đó nhấn mạnh đến tiến trình đào tạo. Việc thiết lập Bộ “pro Universitate Studii Romani” (1588) đã có ảnh hưởng rất mạnh, cách riêng về việc học hành. Năm 1725 đức Bênêđictô XIII thiết lập một cơ quan tương tự, tiền thân cho Bộ các chủng viện.[24]

            Nên nhắc đến vài hoạt động nổi bật của vài vị Giáo hoàng. Đức Clementê VIII ban hành văn kiện nói được là tiên khởi về sự đào tạo linh mục ở cấp độ hoàn vũ: tông thư Ea semper fuit (23/6/1592) mô tả những đức tính mà ứng sinh linh mục cần có và cần phải huấn luyện. Khi nhắc lại những quyết nghị công đồng Trentô,  các giáo hoàng đi vào chi tiết liên quan đến việc tuyển lựa và đào tạo các ứng sinh; những hướng dẫn này càng ngày càng hướng đến tất cả các giám mục và chủng viện trong toàn thể Giáo hội. Đức Bênêđictô XIV, trong thông điệp Ubi primum (3/12/1740) nêu bật mối tương quan giữa giám mục với các chủng sinh, đề nghị giám mục không những thăm viếng thường xuyên mà thậm chí hãy sống chung với họ nữa.

            Các hiện tượng xã hội và lịch sử của thế kỷ XVIII đã gây ra một sự sa sút và thậm chí vài sai lạc trong việc thiết lập chủng viện. Vài chính phủ muốn đào tạo các giáo sĩ như là những công dân ưu tú để trở thành công chức dưới bộ áo linh mục. Đôi khi họ còn cấm các giáo sĩ sang học ở Rôma, và muốn tách rời chủng viện ra khỏi quyền kiểm soát của giám mục.[25]

            Bất chấp những giới hạn của lịch sử, thời này chứng kiến nhiều giám mục và linh mục thánh thiện, như thánh Jean Maria Vianney cha sở họ Ars (1786-1859), thánh Antôn Maria Claret (1807-1870), thánh Vincentê Palotti (1785-1850), thánh Giuse Cafasso (1811-1860), thánh Enrique de Ossó (1840-1896), chân phước Manuel Domingo Sol (1836-1909), chân phước  Antoine Chevrier (1826-1879), thánh Piô X (Giuseppe Sarto: 1835-1914), vv.[26]

            Vào giữa thế kỷ XIX, đặc biệt là với đức Piô IX và Lêô XIII bắt đầu một cuộc chỗi dậy báo trước những bước tiến trong thế kỷ XX. Vài “thỉnh nguyện” cho công đồng Vaticanô I là điềm chỉ của việc các giám mục quan tâm đến chủng viện, đặc biệt là khi yêu cầu sự đào tạo chuyên ngành cho chính các nhà đào tạo.

4. Việc đào tạo linh mục vào thời kỳ liền trước công đồng Vaticanô II

            Từ hồi cuối thế kỷ XIX, việc đào tạo linh mục được củng cố nhờ những khảo luận thần học về  chức linh mục, cách riêng của M.J. Scheeben (1835-1888), hồng y D. Mercier (1851-1936), và những tác giả khác.[27]

            Đường hướng đào tạo linh mục trong thế kỷ XX, trước công đồng Vaticanô II, đã được mô tả và giải thích trong các văn kiện Tòa thánh, đứng đầu là bộ giáo luật (1917) và các huấn dụ về chức linh mục. Có thể nói được rằng kể từ thánh Piô X, việc thiết lập Bộ Chủng viện (1915), bộ giáo luật (1917), thì quyết nghị công đồng Trentô về chủng viện mới thực sự được thực hiện trên toàn thế giới, với chương trình đào tạo tương xứng và toàn diện. Các chủng viện mang tên là “công đồng” ở thế kỷ XX thực ra là chủng viện “giáo phận” mà bộ giáo luật đòi hỏi.

            Thánh Piô X đã can thiệp mạnh mẽ vào các chủng viện ở Italia qua những chương trình đào tạo mà bộ giáo luật đã phác họa. Nhờ việc thiết lập bộ Chủng viện và Đại học (năm 1915) do đức Bênêđictô XV, các chương trình đào tạo được mở rộng ra toàn thế giới[28]. Nội quy rieng của mỗi chủng viện sẽ đưa những quy tắc phổ quát vào khung cảnh địa phương. Chương trình đề cập các nhà đào tạo cũng những ứng sinh qua những cấp độ huấn luyện khác nhau, tuy chưa quan tâm đúng mức đến khía cạnh mục vụ.

            Những văn kiện huấn quyền tiền công đồng về chức linh mục và về việc đào tạo linh mục được gia tăng kể từ đầu thế kỷ XX, tuy rằng trước đó đức Lêô XIII đã dành hai thông điệp ngắn về đề tài này, một cho các giám mục bên Pháp (1899) và một cho các giám mục bên Ý (1902). Những văn kiện này thu nhận gia sản của quá khứ và diễn tả ra thành những hướng dẫn cho thời nay, hoặc chuẩn bị hay khai triển nội dung của bộ giáo luật 1917. Việc đào tạo linh mục bao gồm khía cạnh tâm linh (nặng về nội tâm cá nhân, tuy cũng có phần phụng vụ), khía cạnh tri thức (tính cách hệ thống và kinh viện), kỷ luật (với những quy luật cụ thể). Khía cạnh mục vụ ít được lưu ý, tuy không quên rằng việc đào tạo này hướng đến tác vụ.

            Haerent Animo (đức Piô X, 1908)  muốn cho việc đào tạo hướng đến sự thánh thiện linh mục (nền tảng, các phương thế, trở nên đồng hình với Đức Ki-tô, phục vụ). Ad Catholici Sacerdotii (đức Piô XI, 1935) là một toát lược Kinh thánh và thần học về chức linh mục, để làm sáng tỏ ơn gọi linh mục (việc lựa chọn và huấn luyện với sự can thiệp của giám mục); cần phải huấn luyện một người sẽ trở thành “alter Christus”, như là tác viên của đức Ki-tô và người phân phát những mầu nhiệm của Thiên Chúa (giảng dạy, cử hành Thánh lễ và các bí tích, cầu nguyện và chăm sóc các linh hồn), bắt chước các nhân đức của Mục tử nhân lành.    Menti Nostrae (đức Piô XII, 1950) đề nghị một cuộc canh tân việc đào tạo linh mục theo đường hướng tăng cường thêm về phụng vụ và chiêm niệm, dấn thân vào xã hội; kỷ luật cần tạo ra bầu khí gia đình; việc đào tạo còn tiếp tục sau khi chịu chức. Sacerdotii nostri Primordia (đức Gioan XXIII, 1959) giới thiệu một gương mẫu tâm linh và tông đồ của thánh Gioan Vianney; việc đào tạo chú trọng đến các nhân đức Tin mừng phát xuất từ đức ái mục tử (vâng phục, khiết tịnh, thanh bần) ngõ hầu thi hành xứng đáng các tác vụ và bền vững trong ơn gọi. Summi Dei Verbum (đức Phaolô VI, 1963, bắt đầu giai đoạn hai của công đồng) trình bày  toát lược ơn gọi linh mục, ngõ hầu biết phân định và huấn luyện đúng đắn.

            Việc đào tạo linh mục trước công đồng Vaticanô II cung cấp một hình ảnh khá tích cực và có tổ chức. Việc đào tạo nhằm tới sự thánh thiện và thi hành tác vụ, theo một đường hướng hơi nghiêm ngặt, tuy vẫn sẵn sàng đón nhận sự canh tân. Vào giai đoạn ở giữa hai thế chiến, ơn gọi linh mục rất phong phú, trong bối cảnh của trong một xã hội tương đối ổn định và cho thấy những dấu hiệu biến chuyển sâu đậm. Người ta nhận thấy sự cần thiết của một cuộc đào tạo quân bình hơn và mang tính mục vụ hơn.[29]

5. Tiến trình đào tạo linh mục từ công đồng Vaticanô II

            Vào giữa thế kỷ XX, trước một xã hội đang biến chuyển, việc đào tạo linh mục cần phải được xét lại. Các văn kiện của công đồng Vaticanô II (1963-1965) muốn đáp lại sự đòi hỏi khẩn trương ấy. Cách riêng việc đào tạo linh mục được đề cập trong các sắc lệnh Optatam totius (về việc đào tạo các linh mục tương lai) và Presbyterorum Ordinis (về đời sống và tác vụ các linh mục).

            Theo các văn kiện ấy, việc đào tạo được đặt trong khung cảnh của “tinh thần đổi mới” do công đồng khởi xướng (x. OT, kết luận). Công đồng nhắm đến việc đào tạo các linh mục cho một Hội thánh “nhiệm tích”, nghĩa là dấu chỉ trong sáng mang Chúa Ki-tô (x. Lumen Gentium), và cũng là Hội thánh loan báo Lời Chúa (x. Dei Verbum), cử hành mầu nhiệm Vượt qua (x. Sacrosantum Concilium) và dấn thân vào trần thế để thay đổi nó từ nội tại dưới ánh sáng Tin mừng (x. Gaudium et Spes). Đó là viễn tượng của bốn hiến chế.

            Việc đào tạo ơn gọi bắt đầu từ gia đình, dưới sự hướng dẫn và trách nhiệm của cha mẹ (LG 11). Đừng nên quên rằng “bổn phận cổ động các ơn gọi thuộc về cộng đồng các Ki-tô hữu” (OT 2). Trong chủng viện, được xem như là “trái tim của giáo phận” (OT 5), ơn gọi được ươm trồng từ mầm mống qua tiến trình tuyển lựa và đào tạo (OT 3), để giúp các ứng sinh đạt đến sự trưởng thành nhân bản, ki-tô hữu và linh mục (OT 2). Sự đào tạo mang tính cách toàn diện, bao hàm nhiều cấp độ: nhân bản, tâm linh, trí thức, mục vụ, hợp với tư cách của những người được kêu gọi trở thành “những mục tử các linh hồn, theo gương Chúa Giê-su là Thầy, Tư thế và Mục tử” (OT 4). Việc huấn luyện trong chủng viện nhắm đến sự thực hành tác vụ linh mục trong tương lai: “Cần liệu làm sao để cho toàn thể đời sống chủng viện, – được thấm nhuần lòng yêu mến tâm tình đạo đức và sự thinh lặng và mối quan tâm giúp đỡ lẫn nhau- , ra như là khởi đầu đời sống linh mục vậy” (OT 11).

            Để có thể “vun trông mầm mống ơn gọi”, cần phải có một sư huấn luyện đạo đức đặc biệt, nhằm “đi theo Chúa Cứu thế với tinh thần quảng đại và tâm hồn trong trắng” (OT 3). Nhờ sự hợp tác của mọi người (những nhà huấn luyện và người thụ huấn), ứng sinh có thể đạt được những đức tinh về tâm linh, luân lý và trí tuệ (OT 6). Giám mục đảm nhận trách nhiệm đào tạo như là một “người cha thực sự trong đức Ki-tô” (OT 5).

            Bởi vì việc huấn luyện nhắm đào tạo những mục tử các linh hồn (OT 4), cần nhấn mạnh sự hòa hợp giữa những chiều kích khác nhau: nhân bản, tâm linh, tri thức, mục vụ. Tất cả nhằm đến việc uốn nắn ứng sinh đồng hình đồng dạng với đức Ki-tô.

            Tiến trình huấn luyện tại chủng viện cần lưu tâm đến đạo lý công đồng về tác vụ linh mục. Linh mục được gọi thông dự vào việc thánh hiến tư tế của đức Ki-tô Tư tế và Mục tử (PO 1-3), để kéo dài sứ vụ của Người, nghĩa là lời giảng, những dấu hiệu cứu độ và hoạt động mục vụ trực tiếp của Người (PO 4-6), trong tình hiệp thông với giám mục và linh-mục-đoàn (PO 7-8), để phục vụ cộng đồng Giáo hội (PO 9), với tâm tình truyền giáo không biên giới (PO 10-11) và theo đường hướng bác ái mục tử (PO 12-14), được diễn tả cụ thể  ra những nhân đức của vị Mục tử nhân lành (vâng phục, khiết tịnh, thanh bần) (PO 15-17). Để được như vậy, cần sử dụng những phương tiện tương ứng với đời sống tâm linh, mục vụ, văn hóa và kinh tế (PO 18-22).

            Những hướng đào tạo của công đồng nổi bật về mục vụ, để đưa tới “chứng tá cao độ của tình yêu” (PO 11), với niềm hân hoan phục sinh vì được trở nên những khí cụ sống động của đức Ki-tô tư tế (PO 12), trong việc thực hành “đức ái mục tử” là một sự “khổ chế đặc thù của người coi sóc các linh hồn” (PO 13), hết tình dấn thân cho chức vụ, biết duy trì sự nhất thống giữa đời nội tâm với hoạt động tông đồ (PO 14). Các linh mục tương lai được huấn luyện để sống tình huynh đệ trong linh-mục-đoàn (CIC, can. 245), như “huynh đoàn bí tích” nghĩa là dấu hiệu hữu hình cho sự thánh hóa và truyền giáo (PO 8; LG 28).

            Những đường hướng đào tạo linh mục của công đồng Vaticanô II tạo ra một căn cước linh mục, mà đặc trưng là thông dự và sự thánh hiến và sứ vụ của đức Ki-tô, hiến thân phục vụ trong Hội thánh địa phương và phổ quát, trong tình huynh đệ với linh-mục-đoàn, với những nhân đức của vị Mục tử nhân lành.

            Nên biết là các tiêu chí đào tạo của công đồng Vaticanô II đã gặp một bế tắc trong thời kỳ khủng hoảng linh mục vào những năm 1967 và kế tiếp, khi người ta đặt lại vấn đề căn cước linh mục. Đức Phaolô VI đã đáp lại cuộc khủng hoảng đó với “sứ điệp gửi các linh mục” (1968), trình bày một sự hòa hợp những chiều kích khác nhau của chức linh mục: chiều kích thánh thiêng, tông đồ, tâm linh, giáo hội. Thượng hội đồng giám mục năm 1971 (do đức Phaolô VI triệu tập) tóm tắt lại đạo lý công đồng về chức linh mục để đáp ứng với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đào sâu căn cước của linh mục là thông dự và nối dài chức tư tế của đức Ki-tô.

            Đức Gioan Phaolô II (1978-2005) tiếp tục viễn tượng đó, trong nhiều diễn từ dành cho các chủng sinh và linh mục, cũng như qua những bức thư ngày thứ năm tuần thánh, vạch rõ sự hòa hợp giữa chiêm niệm (như là gặp gỡ đức Ki-tô) và sứ vụ.

            Bộ giáo luật 1983 đã diễn tả những đường hướng của công đồng và hậu công đồng ra quy luật. Ngay từ chủng viện, cần huấn luyện những khía cạnh: phụng vụ, tâm linh, trí thức, mục vụ, kỷ luật (điều 232-264).

             Bộ Giáo dục công giáo đã ban hành nhiều văn kiện để xác định những khía cạnh của việc đào tạo.[30]

            Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (Chương trình đào tạo linh mục 19/3/1985) là một toát yếu của những dữ kiện của công đồng và hậu công đồng (cho đến năm 1985) về việc đào tạo linh mục. “Chủng viện nhằm vun trồng ơn gọi của các ứng sinh một cách rõ nét hơn, huấn luyện họ thành những người mục tử các linh hồng theo gương đức Ki-tô là Thầy, Tư tế và Mục tử, và chuẩn vị cho họ thành tác viên giáo dục, thánh hóa và cai quản Dân Thiên Chúa” (số 20tt).

            Thượng hội đồng giám mục năm 1990 bàn về việc đào tạo linh mục ở giai đoạn khởi đầu và thường xuyên. Những thành quả được đúc kết trong tông huấn Pastores dabo vobis do đức Gioan Phaolô II ban hành (1992). Để đào tạo các linh mục trở thành dấu chỉ cá vị và bí tích của vị Mục tử nhân lành, đời sống huấn luyện tại chủng viện dược vạch ra như là “môi trường bình thường của đời sống cộng đoàn”  và “một cộng đoàn đào tạo lên đường” cung cấp cơ hội để sống lại kinh nghiệm đào tạo mà Chúa Giê-su dành cho nhóm Mười Hai (PDV 60). Điểm “mới mẻ” của Pastores dabo vobis ở chỗ nhấn mạnh đến việc “tiếp nối cộng đoàn thân thiết của các thánh tông đồ” quanh Chúa Giê-su (PDV 60). Các linh mục tương lai được huấn luyện để trở nên những tác viên của việc giảng thuyết, cử hành các nhiệm tích và phục vụ bác ái. Vì thế chủng viện không chỉ là nơi học hành và chung sống, nhưng còn là cơ hội để sống “cộng đồng Giáo hội sâu xa, một cộng đồng sống cảm nghiệm của nhóm Mười Hai được kết hợp với Chúa Giê-su” (ibidem).

            Việc đào tạo nhân bản, tâm linh, trí thức và mục vụ cần tiến hành theo một đề cương rõ rệt, với mục tiêu chính xác là đào tạo các mục tử tương lai của Giáo hội (PDV 61).[31]

            Những đường hướng đào tạo cho đức Gioan Phaolô II vạch ra trong các văn kiện nói trên có thể tóm lại cụ thể như sau: đào tạo về niềm vui được làm linh mục, như là dấu chỉ của Vị Mục tử nhân lành, và theo nếp sống các thánh tông đồ (đi theo Tin mừng), duy trì một sự quân bình giữa cuộc gặp gỡ riêng tư với Đức Ki-tô và sứ vụ (biết được mình được Người yêu, muốn yêu Người và làm cho Người được yêu). Đó là đào tạo về phục vụ, sống tình thông hiệp huynh đệ (giám mục, linh-mục-đoàn, cộng đồng Giáo hội) và tinh thần truyền giáo tại địa phương và toàn cầu.[32]

  1. Kết luận: những viễn tượng tương lai cho tiến trình đào tạo ơn gọi linh mục

            Những khuôn mẫu thần học và lịch sử của việc đào tạo linh mục diễn tiến theo một chiều hướng hài hòa dưới tác động của Thánh Linh để đáp ứng với những nhu cầu lịch sử mới. Việc đào tạo linh mục vào thời các giáo phụ mang tính tự phát, trong mối tương quan với cộng đồng giáo hội địa phương và giám mục, theo khuôn mẫu của “đời sống tông đồ”. Việc đào tạo linh mục thời Trung cổ mất đi môi trường Giáo hội, nhưng tăng thêm việc đào tạo thần học về chức linh mục và các quy tắc kỷ luật. Đặc trưng của việc đào tạo vào thời cận đại là dựa trên những khuôn mặt và tác phẩm của các vị thánh và tác giả thiêng liêng. Công đồng Trentô đã phác họa công cuộc đào tạo trong các chủng viện, dưới sự hướng dẫn của giám mục, tìm cách lấy lại nếp sống Tin mừng của các thánh tông đồ. Đường hướng này không luôn luôn được mang ra thực hành.

            Đặc trưng của công cuộc đào tạo linh mục vào thời kỳ gần công đồng Vaticanô II là những hướng dẫn tóm tắt truyền thống Giáo hội với nhiều sắc thái khác nhau. Điều thấy có thể ghi nhận nơi bộ giáo luật 1917, các thông điệp và tông huấn của các giáo hoàng. Nói chung người ta dần dần để ý đến việc hội nhập vào môi trường mục vụ, tuy vẫn không coi nhẹ việc đào tạo trí thức và tâm linh.

            Kể từ công đồng Vaticanô II trở đi, những nguyên tắc và đường hướng đào tạo linh mục trở nên rõ ràng hơn, giữ hài hòa giữa các chiều kích (nhân bản, trí thức, tâm linh, mục vụ, cộng đồng). Các văn kiện thu nhận những dữ kiện chính yếu của truyền thống Giáo hội, mở rộng và áp dụng chúng vào những hoàn cảnh của lịch sử. Tuy nhiên, những nội dung đào tạo vẫn chưa được áp dụng hết. Hình như thời gian vừa qua chưa đủ để hấp thụ và mang ra thực hành, có lẽ do cuộc khủng hoảng ơn gọi vào những năm 1967 và kế tiếp.

            Trong khi đó, những hoàn cảnh của xã hội và Giáo hội đã thay đổi và đòi hỏi phải đào sâu những nguyên tắc và cách áp dụng các đường hướng. Xã hội của chúng ta bị thu hút bởi các “hình ảnh”, mong đợi những dấu chỉ và có khuynh hướng coi nhẹ các giá trị bền vững. Trong lãnh vực đào tạo ơn gọi, người ta đòi hỏi tính chân thực, trong sáng, quảng đại, liên đới, nhưng đồng thời các ứng sinh tỏ ra do dự khi phải đảm nhận một quyết định quan trọng cho suốt cuộc đời, đồng thời cũng tỏ ra một sự ấu trĩ nào đó về tình cảm.

            Những điều này đòi hỏi một sự hiểu biết tường tận và lượng định những hướng đào tạo của Vaticanô II và mang ra áp dụng, tuy cũng cần điều chỉnh cho hợp với sự thay đổi sau đó. Vài chủ đề đã được vạch ra rõ ràng trong các văn kiện nhưng xem ra vẫn còn bị treo lửng.

            Vẫn chưa được áp dụng đúng mức việc đào tạo linh đạo đặc thù  của linh mục (cách riêng là linh mục giáo phận) trong mối tương quan với Giáo hội địa phương  và với linh-mục-đoàn (theo như yêu cầu minh nhiên của điều 245 bộ giáo luật cho các linh mục tương lai). Cần phải trình bày linh đạo ấy cách rõ ràng, có nền tảng và hấp dẫn. Ngay từ chủng viện, cần cảm nhận được niềm vui của đời linh mục  và tình gia đình của linh-mục-đoàn giáo phận (theo yêu cầu của đức Gioan Phaolô II trong PDV 79). Hình ảnh giám mục cần được đưa vào đời sống của chủng viện để vạch ra những hướng nền tảng của đời sống tông đồ, nghĩa là kiểu sống của các thánh tông đồ (xc. Pastores Gregis 48).

            Đường hướng huấn luyện của Vaticanô II đòi hỏi một cuộc đào tạo mang tính tương quan (một cuộc gặp gỡ sống động với đức Ki-tô), tin mừng (chia sẻ nếp sống của vị Mục Tử nhân lành), hiệp thông huynh đệ, và tinh thần truyền giáo. Những đường này cần chi phối hết mọi cấp bậc đào tạo (nhân bản, tâm linh, trí thức, tông đồ, cộng đồng) dưới ánh sáng mầu nhiệm đức Ki-tô, được học hỏi, chiêm ngắm, cử hành và thực hành, ngõ hầu có thể loan báo cho thế giới hôm nay.

            Đội ngũ những nhà đào tạo hoặc cộng đồng những nhà huấn luyện  (như là các cộng sự viên của giám mục), ngoài sự tận tâm và chuyên môn về sư phạm, tâm linh và mục vụ, còn cần phải trưng bày một chứng tá chiêm niệm, tin mừng, huynh đệ, truyền giáo, hội nhập và Giáo hội địa phương và mở rộng đến Giáo hội phổ quát.

            Trong một xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo  (nơi mà Kitô gặp gỡ tất cả các nền văn hóa và tôn giáo), việc đào tạo ơn gọi cần được hội nhập vào các nền văn hóa, có khả năng biết trân trọng những giá trị tích cực, thanh luyện những yếu tố tiêu cực và hướng về sự sung mãn nơi đức Ki-tô. Về tương quan với các tôn giáo cần trình bày cảm nghiệm về Thiên Chúa đạt được từ cuộc gặp gỡ tư riêng và cộng đồng với đức Ki-tô phục sinh.

            Những tình hình mới cần được đối phó với một thái độ của niềm hy vọng Kitô giáo, dựa vào những ân huệ mới của Chúa và trổ sinh ra những tông đồ mới. Nền tảng của việc đào tạo linh mục phải là cảm nghiệm gặp gỡ đức Ki-tô, tỏa sáng những nhân đức của Mục tử nhân lành, tình huynh đệ linh mục và tinh thần truyền giáo.

            Cần đào sâu gia sản đào tạo linh mục của đức Gioan Phaolô II, cách riêng qua tông huấn Pastores dabo vobis và những bức thư thứ năm tuần thánh, ngõ hầu áp dụng các hướng dẫn của công đồng. Có thể lấy bức thư cuối cùng (năm 2005) làm một điểm tựa: “Một cuộc đời hoàn toàn hướng về đức Ki-tô … Trong bối cảnh của việc loan báo Tin mừng cách mới mẻ, các tín hữu có quyền đến với các linh mục với hy vọng là được “xem thấy” đức Ki-tô nơi các ngài (xc. Ga 12,21)… Chắc chắn là sẽ không thiếu ơn gọi nếu đời sống linh mục của chúng ta được nâng cao lên, nếu chúng ta trở nên thánh thiện hơn, vui tươi hơn, hăng say hơn với việc thi hành tác vụ. Một linh mục đã được “chinh phục” bởi đức Ki-tô (xc. Pl 3,12) thì cũng dễ “chinh phục” những người khác để họ quyết định chia sẻ cũng một cuộc phiêu lưu ấy” (Thư ngày thứ năm tuần thánh 2005, số 7).

            Theo đức Bênêđictô XVI, đường đào tạo ơn gọi là một hành trình “mê”: “Chủng sinh sống vẻ đẹp của ơn gọi vào lúc mà ta gọi được là “mê”. Trái tim của họ, với nỗi hồi hộp, khiến họ cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, tại sao lại là con? Thế nhưng tình yêu không biết đến “tại sao?”, vì là một quà tặng mà ta đáp lại bằng sự trao hiến. Chủng viện là thời gian dành cho việc huấn luyện và phân định … Bí quyết của sự thánh thiện là tình bạn với đức Ki-tô và tuân theo ý của Người. thánh Ambrosiô nói “đức Ki-tô là tất cả đối với chúng ta”, và thánh Bênêđictô khuyên rằng đừng đặt cái gì lên trên tình yêu Chúa Ki-tô. Mong sao Chúa Ki-tô trở nên tất cả đối với các con” (Bênêđictô XVI, Gặp các chủng sinh Colonia, 19/8/2005).

            Chiều kích Thánh mẫu của việc đào tạo ơn gọi là một bảo đảm cho tính chân thức của nó: “Mỗi khía cạnh của việc đào tạo linh mục đều có thể quy hướng về Đức Maria, con người đã đáp lại ơn gọi của Chúa cách hoàn hảo ơn bất cứ ai hết. Người đã trở nên tôi tớ và môn sinh của Lời đến nỗi đã thụ thai Lời Chúa làm người trong tâm hồn và thể xác của mình để rồi trao ban cho nhân loại. Người đã được kêu gọi để huấn luyện vị Tư tế duy nhất và vĩnh cửu, Đấng trở nên ngoan ngoãn và tùng phục uy quyền của người mẹ. Nhờ gương sáng và lời chuyển cầu, đức nữ trinh rất thánh tiếp tục trông nom sự phát triển các ơn gọi và đời sống linh mục trong Hội thánh” (PDV 82; cfr. OT 8, PO 18 y PDV 37). “Đây là bí quyết cuẩ ơn gọi và sứ vụ của các con! Bí quyết này được lưu giữ trong Trái tim vô nhiễm của đức Maria, kẻ trông nom mỗi người chúng con với tình mẹ âu yếm. Các con hãy năng chạy đến đức Maria với niềm tính thác” (Bênêđictô XVI, Gặp các chủng sinh, Colonia 19/8/2005).

—————————————-

    [1] Tôi sử dụng những dữ kiện và lịch sử của những tác phẩm đã xuất bản: Teología de la Espiritualidad Sacerdotal (Madrid, BAC, 1992) chương 13 (tổng hợp); Signos del Buen Pastor, Espiritualidad y misión sacerdotal (Bogotá, CELAM, 2002), chương X (tổng hợp và tiến triển lịch sử) (bản dịch tiếng Ý: Spiritualità sacerdotale per una Chiesa missionaria, Urbaniana University Press, 1998, ch..X); Misión al estilo de los Apóstoles. Itinerario para la formación inicial y permanente (Madrid, BAC, 2004).

    [2] Nếu giám mục không tuân hành quy tắc này thì sẽ bị truất chức: Canones Apostolorum, can. 57; HARDOUIN, Acta Conc., I, 23.

    [3] G. BARDY, Les écoles romaines au II siècle: Revue Histoire Eccl. 28 (1932) 501-532.  Về tiến trình đào tạo linh mục: L. SALA BALUST, F. MARTIN HERNANDEZ, La formación sacerdotal en la historia (Barcelona, Flors 1966) cap. I-II.

    [4] Xem: Thánh Lêô Cả, Epist. Cum de ordinationibus: Enchiridion Clericorum 28ss.

    [5] Xc. J. COLSON, Ministre de Jesús Christ ou le sacerdoce de l’évangile, étude sur la condition sacerdotale des ministres chrétiens dans l’Eglise primitive (Paris, Beauchesne, 1966).

    [6] Xem tóm lược nội dung các văn kiện này trong khung cảnh lịch sử : J. ESQUERDA BIFET, Presbytérat, Dictionnaire de Spiritualité, fasc. 80‑81 (1985) col.2081‑2099.

    [7] Xem các quyển 3,7 và 16. Xc. E. BOULARAND, Le sacerdoce, mystère de crainte et d’amour chez Saint Jean Chrysostome: Bull. Litt. Eccl. 72 (1971) 3-36; F. MARINELLI, La carta del prete. Guida alla lettura del «Dialogo sul sacerdocio» di san Giovanni Crisóstomo (Roma, Rogate, 1986).

    [8] Xem  De officiis ministrorum, lib. I, cap. 11. Xc. J. HERNANDO, La ordenación y sus «munera» en San Ambrosio: Teología del Sacerdocio 9 (1977) 345-387; J. LECUYER, Le sacerdoce chrétien selon Saint Ambroise: Rev. Univ. Ottawa 22 (1962) 104-126. Rất gần gũi với thánh Ambrôsiô là thánh thánh Isidro de Sevilla (570-636) với tác phẩm De ecclesiasticis officiis.

    [9] J. ESQUERDA BIFET, Historia…, o.c., trang. 83-84, 95-98; L. SALA BALUST, F. MARTIN HERNANDEZ, o.c., trang 12-14.F. PELLEGRINO, Le prêtre serviteur selon Saint Augustin (Paris, 1968); F. VAN DER MEER, San Agustín pastor de almas (Barcelona, Herder, 1965).

    [10] Regla Pastoral, cap. VI. Xc. J. ZABALETA, El ministerio y la vida sacerdotal de San Gregorio Magno: Claretianum 13 (1973) 81-186.

    [11] Xc. L. SALA BALUST, F. MARTIN HERNANDEZ, o.c., cap. II.

    [12] Decretum Gratiani, c. 3, dist. 23, 3. Xem thêm dist. 25-50.

    [13] Công đồng Lateranô IV, 1215; Ench. Cler. 87; Conc. Oecum. Decreta, trang 224.

    [14] Ibídem.

    [15] Honoriô III, Ep. Super Speculum Domini, 1219 (Ench. Cler. 88). Cfr. Signos del Buen Pastor, o.c., cap.X, n.2 (chú dẫn 8); L. SALA BALUST, F. MARTÍN, La formación sacerdotal en la Iglesia, o.c., cap.III.

    [16] L. SALA BALUST, F. MARTIN HERMANDEZ, o.c., pp. 19-26.

    [17] Thánh Bonaventura nhấn mạnh đến việc nên giống với Chúa Ki-tô là kẻ phục vụ (Sent. IV, d. 24, a. 34). Thánh Albertô Cả nêu bật sự thay đổi trở thành Chúa Ki-tô (In IV Sent., d. 6 c, a. 3). Thánh Tôma đề cao sự thông dự vào chức tư tế của Chúa Ki-tô (III, q. 27, a. 5 ad 2; q. 63, a. 1-6). Nên nhớ di chúc của thánh Phanxicô : “Chúa đã ban cho tôi đức tin vào các linh mục … bởi vì tôi không thấy cái gì xác thể ở trên đời này ngoài Con Thiên Chúa tối cao, Mình và Máu thánh Chúa mà các ngài lãnh nhận và ban phát”.

    [18] Xem các dữ liệu dồi dào ở: J. ESQERDA BIFET, Historia de la espiritualidad sacerdotal (Burgos, Facultad de Teología, 1985), cap. V.  Về hình ảnh lý tưởng của một mục tử dựa theo các tác phẩm thời đại, xem J. I. TELLECHEA, El obispo ideal en el siglo de la reforma (Roma, Instituto Español de Estudios Eclesiásticos, 1963); BARTOLOMÉ CARRANZA, Speculum pastorum, Salamanca, 1992 (do J.T. Tellechea xuất bản).

    [19] Vài nỗ lực đã được thực hiện tựa như của Jean Gerson như đã nói, hoặc của Jean Standuck ở trường Montague París (năm 1483 y ss.). Họ nhắm đến sự thánh thiện, tuy không bỏ qua trình độ thần học, và thậm chí khởi đi từ thần học.

    [20] L. SALA BALUST, F. MARTIN HERNANDEZ, o.c., pp. 59-73 (cap.III); Idem, Los seminarios españoles, historia y pedagogía (Salamanca, Sígueme, 1964) pp. 130-131. Xem tóm tắt các dữ liệu trước Trentô trong tông thư Summi Dei Verbum (đức Phaolô VI), chương I.

    [21] J. ESQUERDA BIFET, Escuela sacerdotal española del siglo XVI: Juan de Avila , o.c., pp. 26-29. Thánh Juan Avila, bổn mạng hàng giáo sĩ Tây ban nha, đề nghị nhiều phương án cho các học viện và chủng viện giáo sĩ : dành cho các cha xứ, dành cho các giáo sư và nhà giảng thuyết, dành cho những nhà chuyên môn Kinh thánh … Xem thêm: Introducción a la doctrinai de San Juan de Avila (Madrid, BAC, 2000) cap.2.

    [22] Xc. R. DEVILLE, L’École française de spiritualité (Paris, Declée, 1987); J. O. BARRES, Jean-Jacques Olier’s priestly spirituality: mental prayer and virtues as the foundation for the direction of souls (Romae, Pont. Univ. Sanctae Crucis, 1999); Y. KRUMENACKER, L’école française de spiritualité (Paris, Cerf, 1998).

    [23] Theologia Moralis, lib. 6, tract. 15, n. 792. Xem hai khảo luận nói trên trong Opere, III (Torino 1887).

    [24] Tông hiến Credite Nobis (9/5/1725).

    [25] L. SALA BALUST, F. MARTIN HERNANDEZ, o.c., trang 127-151.

    [26] Xem danh sách các thánh của các thế kỷ  XVIII-XX, trong: Signos del Buen Pastor, cap.X, chú thích 21 y 23.

    [27] Signos del Buen Pastor, o.c., cap.X, chú thích 22,24-27bis.

    [28] Tự sắc Seminaria Clericorum (4/11/1915).

    [29] Xem vài văn kiện trước và sau công đồng nơi: J. ESQUERDA, El sacerdocio hoy, documentos del magisterio eclesiástico (Madrid, BAC, 1985); A. SUQUIA, De formatione clericorum documenta quaedam recentiora (Vitoriae, 1958-1961). Những văn kiện thuộc các thời đại khác nhau: Enchiridium Clericorum (Sacra Congregatio pro Institutione Católica, Typ. Pol. Vaticanis, 1975). Các văn kiện sau công đồng: La formación sacerdotal (Bogotá, CELAM, 1982); (Conferencia Episcopal Española), La formación sacerdotal. Enchiridion (Madrid, Comisión Episcopal de Seminarios y Universidades, 1999). Xem thêm những văn kiện khác trong chú thích kế tiếp.

    [30] Có nhiều văn kiện của Bộ Giáo dục về việc đào tạo linh mục và về đề tài cụ thể : dạy tiết học, giáo dục về sự độc thân, dạy giáo luật, các tiểu chủng viện, đào tạo phụng vụ, đào tạo tâm linh, di dân, các Giáo hội Đông phương, về đức trinh nữ Maria, đạo lý xã hội của Giáo hội, các giáo phụ, chuẩn bị các nhà đào tạo, vấn đề hôn nhân và gia đình, năm dự bị, phó tế vĩnh viễn, vv. Xem tuyển tập các văn kiện : Enchiridium Clericorum (Sacra Congregatio pro Institutione Católica, Typ. Pol. Vaticanis, 1975). La formación sacerdotal, Enchiridion. Documentos de la Iglesia sobre la formación sacerdotal (1965-1998) (Madrid, Comisión Episcopal de Seminarios y Universidades, 1999); La formación sacerdotal, documentos eclesiales 1965-1988 (Bogotá, DEVYM, OSLAM, 1982); Documenti (1969-1989), Formazione dei sacerdoti nel mondo d’oggi (Lib. Edit. Vaticana 1990).

    [31] Comentaria in Adh. Apost. «Pastores dabo vobis»: Seminarium 32 (1992) n. 4; 33 (1993) n. 3; Pastores dabo vobis. Etudes el commentaires: Bulletin de Saint Sulpice 19 (1993); Os daré pastores según mi corazón (Valencia, EDICEP, 1992); Vi darò pastori secondo il mio cuore, Esortazione Apostólica «Pastores dabo vobis», Testo e commenti (Lib. Edit. Vaticana, 1992).

    [32] J. SARAIVA MARTINS, La formazione sacerdotale oggi nell’insegnamento do Giovanni Paolo II (Lib. Edit. Vaticana, 1997. Cũng có thể xem như một thứ tự thuật về chức linh mục: GIOAN PHAOLÔ II, Hồng ân và huyền nhiệm, nhân dịp 50 năm thụ phong linh mục (1996).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here