Thượng Hội Đồng Giám Mục: Phúc Trình Thảo Luận Nhóm Phần Thứ Nhất

0
867


Vinc. Vũ Văn An

 

LTS: Ngày 9 tháng 10 vừa qua, Tòa Thánh đã cho công bố 13 bản tường trình của các Nhóm Nhỏ của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015. Đây là kết quả cuộc thảo luận của các nhóm về phần thứ nhất của Tài Liệu Làm Việc. Các bản tường trình dưới đây được chuyển ngữ theo các nguyên bản tiếng Pháp và tiếng Anh của Tòa Thánh.

***

PHÚC TRÌNH CÁC NHÓM NÓI TIẾNG ANH

 

I. Nhóm A

Điều hợp viên: Đức Hồng Y George PELL

Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Joseph Edward KURTZ

Trong Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, chúng tôi tìm được nguồn hy vọng cho gia đình trong thời hiện đại. Niềm tin tưởng này vào Người phải là lời đầu tiên và là lời cuối cùng của Thượng Hội Đồng. Với con mắt bám chặt vào Chúa Giêsu, chúng tôi đã bắt đầu.

Sứ diệp của Thượng Hội Đồng phải công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô một cách rõ ràng và lôi cuốn. Bởi thế, chúng tôi xin giới thiệu lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi một cách sống động các gia đình tại tối canh thức ngày Thứ Bẩy trong Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới ở Philadelphia với lời mời như sau: “Tình yêu của Thiên Chúa cao cả đến nỗi Người bắt đầu cùng nhân loại, cùng dân của Người tiến bước cho tới lúc thích đáng, Người mới biểu lộ tình yêu lớn nhất của Người là chính Con của Người. Và Người đã sai Con của Người tới đâu, tới một lâu đài? Một đô thị? Không. Người sai Con của Người tới một gia đình. Thiên Chúa sai Con của Người tới giữa lòng một gia đình. Và Người có thể làm thế, vì đây là một gia đình thực sự có một trái tim mở rộng!”.

Chúng tôi thảo luận về một phương pháp luận thích đáng, một phương pháp luận cần phải tham chiếu Thánh Kinh và Thánh Truyền trong suốt bản văn này khi ta đọc các dấu chỉ của thời đại dưới sự soi sáng của Tin Mừng.

Chúng tôi hết sức quan tâm tới cách mô tả quá ư ảm đạm đối với khung cảnh đương thời. Cần phải chú ý nhiều hơn tới việc dành suy tư thần học cho các cặp vợ chồng và các gia đình trung thành, thương yêu nhau; họ là những người sống thực một chứng tá chân chính đối với ơn phúc gia đình. Triển khai lời lẽ để giải thích “Tin Mừng liên quan tới gia đình”, chúng tôi tìm cách ít nói tới “khủng hoảng” và nói nhiều tới “ánh sáng và bóng tối”.

Chúng tôi nói tới sinh khí của nhiều gia đình đang làm chứng cho vẻ đẹp của đời sống gia đình họ và gợi hứng cho người khác biết dấn thân cho cuộc sống gia đình. Ấy thế nhưng chúng tôi cũng nói tới nhiều ảo tưởng trong thế giới đương thời của ta, những ảo tưởng, buồn thay, đang dẫn tới sự cô lập hóa triệt để. Do đó, chúng tôi cũng nói tới các cuộc chiến đấu và các thách đố, vốn là thành phần của bóng tối. Quan trọng xiết bao việc phải nhìn nhận và nâng đỡ các gia đình này và đem sức mạnh tới cho chứng tá sống thực của họ.

Một quan tâm khác là tư duy quá lấy Âu Châu hay Tây Phương làm trung tâm trong lối dùng từ ngữ hiện thời. Đúng hơn, chúng ta được mời gọi sử dụng một cung giọng văn hóa có tính hoàn cầu, biết cởi mở đối với sự phong phú và các trải nghiệm đích thực của các gia đình ngày nay, tại các quốc gia và các lục địa khác nhau.

Cần phải thật chú ý tới các gia đình di dân, bằng cách kêu gọi lòng đại lượng đặc biệt của các cộng đồng đức tin và các chính phủ để chào đón các ơn phúc là các gia đình này.

Chúng tôi cũng nhấn mạnh việc phải chú ý tới những người khuyết tật, có nhu cầu đặc biệt và các gia đình của họ. Đặc biệt phải quan tâm là việc săn sóc những trường hợp có cả hồng phúc lẫn lao đao. Sự phong phú của phần này có thể được dùng như một điển hình hữu ích để bàn tới các chủ đề khác của bản văn.

Cũng đáng được đặc biệt nhắc đến là vai trò của chính sách công nhằm cổ vũ đời sống gia đình theo cung cách thực sự tôn trọng quyền tự nhiên của các gia đình trong việc đưa ra các quyết định sao đó để phát huy ích chung.

Nói tóm lại, dù các thách đố có quá hiển nhiên, thì ta cũng vẫn phải đề cao các diểm mạnh và các hạt giống đổi mới vốn đã đang hiện diện để các gia đình trở nên các tác nhân tích cực của Tin Mừng Chúa Giêsu.

Ý thức rằng ơn thánh của Chúa Kitô sẽ được tiếp nối trong phạm vi tài liệu vốn dành cho ơn gọi và sứ mệnh của gia đình này, chúng tôi khẩn khoản yêu cầu các đại biểu Thượng Hội Đồng công bố niềm hy vọng đã được Chúa Giêsu mang đến như là lời đầu tiên và là lời sau hết của Thượng Hội Đồng này. Niềm tin tưởng của chúng tôi ở nơi Chúa Kitô.

II. Nhóm B

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Vincent Gerard NICHOLS

Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Diarmuid MARTIN

Nhóm chúng tôi nhìn nhận rằng mục đích của phần I không phải chỉ để lặp lại cuộc phân tích của Thượng Hội Đồng năm ngoái. Tuy nhiên, người ta cảm thấy rằng việc phân tích các khó khăn mà gia đình đang đương đầu quá tiêu cực.

Chúng tôi xem xét những gì đã xuất hiện trong suy tư của Giáo Hội trong năm qua cũng như những gì chính chúng tôi trải nghiệm tại các Giáo Hội địa phương của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng xem xét dưới ánh sang đức tin việc hàng triệu gia đình đã thực sự cố gắng ra sao để thể hiện điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là “giấc mơ của Thiên Chúa đối với tạo thế thân yêu của Người”.

Hàng ngày, chúng tôi được mục kích các gia đình cố gắng biến giấc mơ của Thiên Chúa thành giấc mơ của họ; cố gắng tìm hạnh phúc bằng cách chia sẻ hành trình yêu thương của họ và thấy tình yêu của họ được thể hiện nơi con cái họ cưu mang và hướng dẫn chúng, nhất là những đứa con thiếu niên của họ bước vào mầu nhiệm tình yêu hôn nhân.

Nhóm chúng tôi nhấn mạnh điều này: đại gia đình thường là phương tiện nhờ đó những người đàn ông đàn bà được đồng hành qua suốt mọi giai đoạn của đời sống. Tình yêu và sự nâng đỡ được biết bao gia đình ban đi và được tiếp nhận trong biết bao gia đình trong hành trình đời sống là biểu thức của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho dân lữ hành của Người.

Bất chấp các thách đố mà gia đình đang phải đương đầu trong mọi nền văn hóa, các gia đình, với sự trợ giúp của ơn thánh Thiên Chúa, vẫn tìm được trong chính họ sức mạnh để thực thi ơn gọi yêu thương, củng cố các mối dây xã hội, chăm sóc xã hội rộng lớn hơn, nhất là những người yếu thế nhất. Nhóm chúng tôi cảm thấy rằng Thượng Hội Đồng nên nói lên sự đánh giá cao của mình đối với các gia đình như thế.

Vị thế của phần một là lắng nghe và quan sát tình huống thực sự của các gia đình. Tuy nhiên, nhóm chúng tôi cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng đối với Kitô hữu, một phân tích như thế nên luôn phải nhìn qua con mắt đức tin chứ không đơn giản chỉ là một phân tích xã hội học. Nhiều tham chiếu Thánh Kinh hơn sẽ giúp ta hiểu bản chất giấc mơ của Thiên Chúa mà các gia đình được mời gọi để biến thành của riêng và để hiểu ra rằng trong các khó khăn của đời sống, họ có thể đặt tin tưởng của họ nơi một Thiên Chúa không làm thất vọng cũng không bỏ rơi ai.

Chúng tôi nhận thấy rằng song song với các thách đố văn hóa xã hội mà các gia đình đang đương đầu, ta cũng nên công khai nhìn nhận rằng sự trợ giúp mục vụ mà các gia đình nhận được từ Giáo Hội trên hành trình đức tin của họ hiện không được thỏa đáng.

Việc phân tích tình huống gia đình nên nhìn nhận điều này: làm thế nào, các gia đình, nhờ sự trợ giúp của ơn thánh, dù không hề hoàn hảo, dù đang sống trong một thế giới bất toàn, vẫn có thể thể hiện được ơn gọi của họ, cho dù họ có thể sai phạm trên hành trình của mình. Là thành viên của nhóm, chúng tôi cùng chung một suy nghĩ, mỗi người chúng tôi, về kinh nghiệm của chính gia đình mình. Điều xuất hiện (từ suy nghĩ đó) không hề là tiêu mẫu của một “gia đình lý tưởng”, mà đúng hơn là một cắt dán các gia đình khác nhau về bối cảnh xã hội, sắc tộc và tôn giáo. Giữa nhiều khó khăn, các gia đình chúng tôi vẫn ban cho chúng tôi hồng phúc tình yêu và hồng phúc đức tin; trong gia đình của mình, chúng tôi khám phá được cảm thức tự trọng và cống hiến. Nhiều gia đình chúng tôi thuộc các tuyên tín hay tôn giáo khác nhau, nhưng trong tất cả các tuyên tín và tôn giáo này, chúng tôi học được khả năng cầu nguyện và suy tư về việc gia đình chủ yếu ra sao đối với việc lưu truyền đức tin trong nhiều tình huống khác nhau.

Việc phân tích dựa trên ánh sáng đức tin không hề là một phân tích tránh né việc giáp mặt với thực tại. Nếu có điều gì đó, thì chỉ có thể là vì nó tập chú vào các vấn đề như đẩy con người ra bên lề xã hội, một việc dễ dàng không hiện diện trong tư duy nền văn hóa đương thịnh tại rất nhiều xã hội mà thôi. Một sự phân tích dựa trên ánh sáng đức tin chỉ có thể dẫn tới sự biện phân sâu sắc hơn cảnh các gia đình đã phải chịu sự đẩy qua bên lề và các hình thức nghèo đói ra sao mà thôi; các hình thức này vượt quá cả sự nghèo đói về kinh tế để bao trùm luôn cảnh cùng cực về xã hội, văn hóa và tâm linh nữa.

Một sự biện phân như thế phải giúp ta nhận diện các nhóm người trong thế giới này đang thấy mình rơi vào tình huống tương tự như tình huống của Chúa Giêsu và cha mẹ Người là “không có chỗ trong quán trọ” cho họ.

Chúng tôi nhận định rằng trong số các nhóm đang trải nghiệm sự loại trừ như trên, ta không nên quên các gia đình hiện đang bị kỳ thị hay bị đẩy qua bên lề chỉ vì niềm tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô.

Ngôn ngữ Thánh Kinh có thể gần gũi hơn với các thực tại của kinh nghiệm hàng ngày nơi các gia đình và có thể trở thành cây cầu nối đức tin và đời sống. Nhóm chúng tôi cảm thấy rằng ngôn ngữ của bản tường trình cuối cùng phải là một ngôn ngữ đơn giản hơn, dễ tới tai các gia đình, và chứng tỏ được rằng các nghị phụ trong bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Đồng đã lắng nghe và nghe thấy sự đóng góp và các nhận định của họ đối với diễn trình của Thượng Hội Đồng.

Các tình huống trong đó các gia đình cố gắng sống ơn gọi của họ thì rất đa dạng. Ta sẽ không thể tóm lược tất cả các tình huống này trong một văn kiện duy nhất được. Mỗi Giáo Hội địa phương nên cố gắng nhận diện các tình huống đặc thù trong đó gia đình bị xã hội của họ đẩy qua bên lề.

Chính sách xã hội cần phải ưu tiên quan tâm tới các hậu quả của nó đối với các gia đình. Một chính sách xã hội tốt phải bắt đầu chỉ rõ các khu ngoại vi về xã hội của mỗi cộng đồng nằm ở đâu, hơn là chỉ đơn giản phân tích về kinh tế. Một biện phân như thế về thực tại hắt hủi loại trừ cũng nên là một đặc điểm nổi bật của việc chăm sóc mục vụ đối với các gia đình.

Các vấn đề xã hội như nhà cửa không thỏa đáng, thất nghiệp, di cư, lạm dụng ma túy, phí tổn dưỡng dục con cái, tất cả đều có gia đình là nạn nhân hàng đầu.

Nhìn vào các thách đố đang đặt ra cho một số nhóm đặc thù, nhóm chúng tôi đề nghị viết lại các đoạn từ 17 tới 30 dưới tựa đề Gia Đình Trên Hành Trình Đời Sống.

Giới trẻ đang sống trong một nền văn hóa quá bị tính dục hóa. Họ cần được giáo dục một nền văn hóa biết tự hiến, làm căn bản cho việc tự dâng hiến tình yêu vợ chồng sau này.

Giới trẻ cần khai triển được khả năng sống hòa hợp với cảm xúc và tâm tư, tìm kiếm một cảm tính chín chắn, các liên hệ chín chắn với người khác. Đây có thể là một phản cực đối với tính vị kỷ và việc tự cô lập, là những điều thường dẫn giới trẻ tới chỗ thiếu ý nghĩa trong đời sống và thậm chí tới tuyệt vọng, tự làm hại mình và tự sát.

Đại lượng và hy vọng là gốc rễ của nền văn hóa sự sống. Sự sống trong lòng mẹ bị đe dọa bởi thực hành phá thai và sát nhi rất phổ biến ngày nay. Nền văn hóa sự sống cũng phải bảo bọc người già cả và những ai có nhu cầu đặc biệt, là các đối tượng mà sự nâng đỡ duy nhất chỉ nhờ đại gia đình mà có. Nhiều gia đình làm chứng cho viễn kiến tươi mát về sự sống này, một viễn kiến chỉ xuất hiện khi một trong các thành viên của gia đình có các nhu cầu đặc biệt như thế.

Kinh nghiệm trong nhóm chúng tôi là kinh nghiệm của các mục tử có cùng xác tín vững vàng này: tương lai Giáo Hội và tương lai xã hội lệ thuộc gia đình. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng chính trị và chính sách có thể mưu toan thay đổi cơ cấu, nhưng một mình chính trị không thể thay đổi được cõi lòng con người.

Việc nhân bản hóa xã hội và tương lai ta sẽ tùy thuộc việc làm thế nào, trong tư cách một cộng đồng, ta thể hiện được giấc mơ của Thiên Chúa đối với tạo thế thân yêu của Người. Ta chỉ có thể tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho ta các gia đình Kitô hữu, các gia đình mà nhờ tình yêu và sự tự hiến của họ, dù bất toàn, vẩn mở lòng ta ra đón nhận tình yêu chữa lành của Thiên Chúa đã được mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta mang một món mợ lớn đối với các gia đình trên, những gia đình, bằng nhiều cách mênh mông vĩ đại, đã nâng đỡ và thách thức thừa tác vụ mục tử của ta.

III. Nhóm C

Điều hợp viên: Đức Tổng Giám Mục Eamon MARTIN

Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Mark Benedict COLERIDGE

Giáo Hội Công Giáo trình bày cho ta một sự tương tác đầy hào hứng giữa tính đa dạng và tính hợp nhất. Theo chiều hướng này, hành trình tuần lễ đầu của chúng tôi đã có tính hết sức Công Giáo, hết sức Giáo Hội. Chúng tôi đã nói nhiều cách khác nhau về các kinh nghiệm dị biệt của chúng tôi về hôn nhân và gia đình; ấy thế nhưng, một cảm thức sâu sắc tại sao chúng quan trọng đã phát sinh. Cảm thức về tính đa dạng này dẫn chúng tôi tới câu hỏi liệu cuộc phân tích này hay cuộc phân tích hoặc luận chứng nọ có phải là điều sẽ tốt nhất nếu được bàn bạc ở bình diện địa phương hay bình diện vùng thay vì ở bình diện hoàn cầu hay không. Trong phần lớn các cuộc thảo luận của chúng tôi, thấy rõ một khuynh hướng tản quyền; ấy thế nhưng nghịch lý thay, điều đó vẫn không xâm hại gì tới cảm thức hợp nhất trong nhiệm vụ của chúng tôi.

Chúng tôi dành khá nhiều thì giờ cho việc thảo luận về việc sắp xếp Tài Liệu Làm Việc, bắt đầu như nó đã làm, là phân tích tình huống hiện thời của các gia đình trước khi bước qua việc suy tư về ơn gọi và sứ mệnh gia đình. Chúng tôi nhận thấy cơ cấu của Tài Liệu Làm Việc diễn tiến theo hướng Nhìn Xem – Phán Đoán – Hành Động, mà đối với chúng tôi khá vững vàng, có cơ sở, vì, ít nhất trong lý thuyết, nó giúp ta tiếp xúc với gia đình như nó thực sự là chứ không hẳn như ý ta muốn nó là. Nói về “gia đình”, chúng tôi biết có nguy cơ rơi vào một ý nghĩa lý tưởng hóa, xa rời và phi thân về gia đình, rất có thể có vẻ đẹp riêng và sự gắn bó nội tại của nó, nhưng rốt cuộc cư ngụ trong một thế giới không máu huyết hơn là thế giới thực, với tất cả nét đa dạng và phức tạp của nó.

Việc trên khiến ta phải xem xét một cách rộng hơn sự giao kết của Tin Mừng và văn hóa, của Giáo Hội và lịch sử. Giáo Hội không cư ngụ trong một thế giới bên ngoài thời gian, như Công Đồng Vatican II, “Công đồng của lịch sử”, đã nhìn nhận. Mà Giáo Hội cũng không cư ngụ trong một thế giới ở bên ngoài các nền văn hóa nhân bản; Giáo Hội lên khuôn các nền văn hóa và các nền văn hóa lên khuôn Giáo Hội. Khi xem xét hôn nhân và gia đình ở đây và vào lúc này, chúng tôi hiểu ta cần phải đề cập tới các sự kiện lịch sử và các thực tại văn hóa, bằng cả con mắt đức tin lẫn trái tim Thiên Chúa. Đối với chúng tôi, đây là ý nghĩa của việc đọc ra các dấu chỉ thời đại.

Sau tuần lễ này, phần nào, chúng tôi vẫn chưa biết chắc về nhiệm vụ được trao cho chúng tôi, khi cố gắng đọc qua Tài Liệu Làm Việc, có lúc đã rơi vào cái bẫy muốn viết lại hoặc đi vào các cuộc thảo luận có tính ngữ nghĩa nhiều hơn là có thực chất. Diễn tiến có lúc quả hết sức chậm chạp, và chúng tôi buộc phải thắc mắc: ở trên đời này, không biết làm thế nào để có thể xoay xở mà đi hết từ đoạn này qua đoạn khác trọn cả tài liệu này trước ngày kết thúc Thượng Hội Đồng. Trong khuôn khổ mới của Thượng Hội Đồng, nếu chính nhiệm vụ mà còn chưa chắc chắn, thì phương pháp làm việc chắc cũng thế thôi. Sau một tuần lễ, chúng tôi phải lên khuôn được phương pháp, và điều này đã thách thức sự tháo vát và ý thức chiến lược của Điều Hợp Viên chúng tôi, ấy là chưa kể sự kiên nhẫn của các thành viên của nhóm. Có lúc, việc làm của chúng ta xem ra lộn xộn hơn là có phương pháp; nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng nếu không đạt được sự rõ ràng hoàn toàn, thì tập chú cũng sẽ xuất hiện với đà diễn tiến của Thượng Hội Đồng và chúng tôi sẽ được chắc chắn cả về nhiệm vụ lẫn phương pháp.

Chúng tôi đã dành nhiều thì giờ để thảo luận về ngôn ngữ, không phải theo chiều hướng ngụy biện ngữ nghĩa. Thí dụ, chúng tôi đã thảo luận rất lâu về việc phải hiểu chữ “gia đình” có nghĩa gì, một điều chắc chắn có tính căn bản đối với Thượng Hội Đồng này. Một số người nghĩ rằng nói tới “các gia đình” sẽ có nghĩa hơn vì hiện nay chúng ta thấy rất nhiều gia đình khác nhau. Nhiều người khác thích nghĩ chuyên biệt tới “gia đình Công Giáo” hơn, nhưng vẫn không có đồng thuận hoàn toàn về ý nghĩa của lối nói này. Vì thực ra cả ở đây nữa cũng có nhiều loại gia đình Công Giáo khác nhau. Cuối cùng, chúng tôi đã thỏa thuận chấp nhận một định nghĩa rất tổng quát cho “gia đình” như là hình thức độc đáo của cộng đồng nhân bản đặt căn bản trên và phát sinh từ cuộc hôn nhân của một người đàn ông và một người đàn bà, liên kết việc này với một nhận thức về kế hoạch Thiên Chúa như đã được chứng nghiệm trong Thánh Kinh.

Chúng tôi cũng xem xét một số kiểu nói đã trở thành quen thuộc trong các văn kiện của Giáo Hội, trong đó, có “Tin Mừng gia đình”“Giáo Hội tại gia”. Đây là các kiểu phát biểu sống động và có tính soi sáng lúc mới bắt đầu được nói ra, nhưng với thời gian, chúng trở thành những câu nói rập khuôn (clichés), ít rõ nghĩa hơn người ta tưởng. Chúng tôi cảm thấy tốt nhất nên để chúng an nghỉ và thay vào đó, ta nên quyết định sử dụng một ngôn ngữ dễ hiểu hơn đối với những người không quen thuộc với lối nói đặc thù của chúng ta. Nói chung và nhất là khi nói về hôn nhân và gia đình, thiết nghĩ ta cần lưu ý tới kiểu nói nhà thờ mà ít khi ta ý thức được. Tài Liệu Làm Việc cũng có những kiểu nói như thế, và là điều tốt đẹp, nếu bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Đồng di chuyển theo hướng khác, tươi mát hơn. Giống Vatican II, Thượng Hội Đồng này cần phải là một biến cố ngôn ngữ (language-event), nghĩa là không chỉ có tính trang điểm. Ta cần nói tới hôn nhân và gia đình một cách khác, một cách có hệ luận cả trên bình diện vỹ mô lẫn vi mô, cũng như cả trên bình diện địa phương lẫn hoàn vũ.

Chúng tôi cảm thấy: một phần của sự mới mẻ là đọc lịch sử, văn hóa và gia đình lúc này một cách bớt tiêu cực đi. Đã đành có nhiều lực lượng tiêu cực đang hành động hiện nay trong lịch sử và trong nhiều nền văn hóa khác nhau của thế giới; nhưng đây không hề là trọn câu truyện. Nếu là trọn câu truyện, thì Giáo Hội không thể làm bất cứ điều gì khác ngoài việc lên án. Cũng đang có những lực lượng tích cực, thậm chí tỏa sáng, và các lực lượng này cần được nhận diện vì chúng rất có thể là các dấu chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử. Quả cũng đúng là hôn nhân và gia đình đang chịu nhiều loại áp lực mới, nhưng đây, một lần nữa, cũng không phải là trọn câu truyện. Nhiều người trẻ vẫn muốn kết hôn và vẫn có những gia đình đáng lưu ý, trong đó có những gia đình Kitô hữu, có lúc họ còn anh hùng nữa. Nhìn và nói một cách tích cực về sự vật không có nghĩa là dung túng một thứ bác bỏ nào đó. Đúng hơn là nhìn bằng con mắt Thiên Chúa, vị Thiên Chúa vẫn nhìn mọi sự Người đã dựng nên và thấy chúng tốt đẹp.

Đề cập tới các vấn đề được chúng tôi thảo luận cần nhiều thì giờ hơn là tuần lễ đầu hay thậm chí cả ba tuần lễ của Thượng Hội Đồng. Trước mặt chúng tôi, một hành trình lâu dài hơn đang được trải ra, y hệt cuộc hành trình trước đã dẫn chúng tôi tới điểm này: không hẳn chỉ từ cuối năm 2013, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố hành trình của hai Thượng Hội Đồng, mà là từ Công Đồng Vatican II và nhiều điều khác đã dẫn chúng tôi tới điểm này. Chúng tôi đã kiên nhẫn làm việc qua suốt tuần lễ đầu tiên này tại Thượng Hội Đồng và chúng tôi sẽ còn cần phải kiên nhẫn hơn nữa để bước theo con đường trước mặt. Nhưng, như Đức Thánh Cha từng nhắc nhở trong Niềm Vui Tin Mừng, “thời gian lớn hơn không gian”. Kiên nhẫn, không lo lắng trước diễn trình bất toàn mà sẵn sàng chờ đợi Thiên Chúa sẽ mở các nút thắt, cả những nút thắt chúng ta gặp phải ngay từ những ngày đầu của Thượng Hội Đồng.

IV. Nhóm D

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Thomas Christopher COLLINS

Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Charles Joseph CHAPUT, O.F.M. Cap.

Nhóm D chúng tôi biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã triệu tập Thượng Hội Đồng này, và chúng tôi rất hân hạnh được là một phần của diễn trình. Chúng tôi cũng muốn bầy tỏ lòng biết ơn đối với công việc khó khăn hiện thân trong Tài Liệu Làm Việc. Chúng tôi cho rằng tài liệu này nên bắt đầu như lúc chúng ta khởi đầu bất cứ cử hành Thánh Lễ nào, với một Kinh Cáo Mình nào đó, đặt mình giữa lòng những thất bại của các chi thể Giáo Hội, hơn là phê phán chúng từ bên ngoài. Chúng ta cần thừa nhận và xin sự tha thứ vì các lầm lỗi của chính ta như là mục tử, nhất là những ai từng xâm hại tới đời sống gia đình.

Chúng tôi có hai nhận xét:

Thứ nhất, dù nhiều yếu tố trong Tài Liệu Làm Việc thật đáng khen, chúng tôi vẫn thấy phần lớn bản văn không hoàn mỹ hay không thỏa đáng, nhất là về thần học, sự sáng sủa, niềm tin tưởng của nó vào sức mạnh ơn thánh, việc nó sử dụng Thánh Kinh và khuynh hướng nhìn thế giới qua đôi mắt nặng Phương Tây của nó. Thứ hai, chúng tôi cảm thấy mình không đủ khả năng trả lời vì không biết rõ ai là thính giả của tài liệu này. Nói cách khác, chúng ta đang viết cho Đức Thánh Cha, cho các gia đình trong Giáo Hội, hay cho thế giới?

Phần lớn trong nhóm chúng tôi cảm thấy Tài Liệu Làm Việc nên bắt đầu với lòng hy vọng hơn là các thất bại vì phần lớn người ta vốn đang sống một cách thành công các tin vui của Tin Mừng về gia đình. Nhóm chúng tôi quan ngại rằng các độc giả sẽ đơn giản làm ngơ tài liệu nếu nó bắt đầu với hàng loạt những điều tiêu cực và các vấn nạn xã hội hơn là một viễn kiến thánh kinh đầy hân hoan và tin tưởng vào Lời Thiên Chúa về gia đình. Áng mây thách đố khổng lồ bàng bạc trong phần thứ nhất của bản văn vô tình đã tạo ra một cảm thức tuyệt vọng mục vụ.

Một số thành viên của nhóm cảm thấy tiết II nên đi trước tiết I. Các thành viên khác thì ủng hộ việc sắp xếp bản văn như hiện nay. Nhưng lo ngại chung là phần lớn người ta sẽ không đọc một tài liệu quá cô đọng hoặc dài dòng. Điều này khiến tiết mở đầu của Tài Liệu Làm Việc cực kỳ quan trọng; nó cần phải gợi hứng cũng như thông tri. Thêm vào đó, khi nhớ lại công trình Aparecida, các thành viên nhấn mạnh rằng bản văn nên tập chú vào Chúa Giêsu, qua Người, chúng ta mô tả được và giải thích được tình thế hiện thời của thế giới. Ta nên luôn luôn bắt đầu với Chúa Giêsu.

Nếu hôn nhân là một ơn gọi, điều chúng ta vốn tin, thì ta không thể cổ vũ ơn gọi bằng cách trước hết nói tới các nan đề của nó.

Vì Chúa Ba Ngôi là nguồn của thực tại và vì mọi cộng đồng đều thoát thai từ Chúa Ba Ngôi, nên một số thành viên nghĩ rằng Ba Ngôi nên là khởi điểm của bản văn.

Các thành viên ghi nhận rằng trong các thư của ngài, Thánh Phaolô thường viết lời phi lộ để khen ngợi những người mà ngài sắp sửa chỉ trích tội lỗi. Đây là văn phong chung trong các lá thư của ngài, và rất hữu hiệu.

Nhóm chúng tôi nghĩ có một số yếu tố không có trong bản văn: việc suy nghĩ nghiêm túc về ý thức hệ phái tính, nhiều suy nghĩ hơn về việc chăm sóc mục vụ cho những người có khả năng kiểu khác (differently-abled, lối nói hoa mỹ chỉ người khuyết tật), vai trò các người cha và nam giới cũng như vai trò phụ nữ, và một bàn luận sâu sắc hơn về bản chất phá hoại của nền văn hóa khiêu dâm và các việc lạm dụng khác của kỹ thuật điện tử.

Các thành viên phê bình nhiều đoạn trong tiết thứ nhất. Một số vị nghĩ rằng việc trình bày ở đây lộn xộn, không có một luận lý cố hữu. Các câu văn xem ra được liệng vào với nhau chứ không được nối kết hữu cơ với nhau.

Một số vị nghĩ rằng bản văn hữu hiệu vì gia đình ngày nay thực sự đang đương đầu với nhiều vấn nạn nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây, tại Thượng Hội Đồng này: để bàn về các vấn nạn này; và những người đau khổ muốn thấy thực tại của họ được những điều chúng ta nói đề cập tới. Do đó, điều quan trọng là nói cách nào để kéo chú ý của người ta.

Tuy nhiên, nhiều vị khác vẫn nghĩ rằng bản văn thiếu hẳn những điều lôi cuốn người ta. Nếu bản văn nhằm nói với công chúng nói chung, các vị cảm thấy các câu truyện về đời sống gia đình, hay hạnh các vị thánh kèm theo tranh ảnh, nên được lồng vào giúp cho các chất liệu thêm lôi cuốn. Các vị nhấn mạnh tới việc phải duyệt lại ngôn ngữ của tài liệu, để bảo đảm nó lôi cuốn cả nam giới lẫn nữ giới, không loại trừ ai.

Các thành viên lo lắng điều này: bản dịch tiếng Anh có thể không trung thành với bản chính thức bằng tiếng Ý. Nhiều vị khác than phiền rằng nhiều câu phát biểu trong tài liệu quá chung chung, không đủ tính chuyên biệt. Nhiều vị khác nữa cảm thấy bản văn có nhiều tổng quát hóa thiếu chính xác, lắm lời và lặp đi lặp lại.

Các thành viên cho hay: một số tiết xem ra hẹp hòi về phạm vi và quá lấy hứng từ các quan tâm Tây Âu và Bắc Mỹ, hơn là trình bày chân thực tình thế hoàn cầu. Một số thành viên nghĩ rằng các hạn từ như “các nước đang mở mang”“các quốc gia tiên tiến” có vẻ kẻ cả và không thích hợp đối với một văn kiện của Giáo Hội. Nhiều vị khác nghĩ rằng ngôn ngữ của bản văn quá thận trọng và đúng đắn đối với chính trị, và vì thế, nội dung không rõ ràng và đôi khi không gắn bó. Tuy nhiên, điều kỳ diệu là nhiều điểm hay đã được lồng vào một số đoạn, nhưng chúng quá vắn vỏi và được khai triển cách nghèo nàn. Dường như chúng được nhét vào với nhau và liệt kê chung, hơn là được trình bày cách hợp luận lý.

Nói chung, các thành viên cảm thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô và người của Giáo Hội đáng có một bản văn tốt hơn, một bản văn mà trong đó, các ý tưởng không bị mất đi vì lẫn lộn. Nhóm của chúng tôi đề nghị rằng bản văn nên được trao cho một biên tập viên duy nhất để làm sáng tỏ và cải tiến. Chất liệu hiện thời rõ ràng là công trình của một ủy ban. Chính vì thế, nó thiếu vẻ đẹp, vẻ sáng sủa và sức mạnh.

Sau cùng, các thành viên cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng ngay trong các tình huống khó khăn, chúng ta cũng vẫn cần phải nhấn mạnh sự kiện này: nhiều gia đình Kitô hữu đang phục vụ như những phản chứng tá đối với các khuynh hướng tiêu cực trên thế giới bằng cách sống trung thành với viễn kiến Công Giáo về hôn nhân và gia đình. Các gia đình này cần được tài liệu này nhìn nhận, tuyên dương và khuyến khích. Như thế, phần thứ nhất trong bản văn của Tài Liệu Làm Việc, tức phần nói về việc “quan sát” các sự kiện, nên làm nổi bật cả cái tốt, cái xấu lẫn cái bi thảm. Sự thánh thiện anh hùng không phải là một lý tưởng hiếm hoi và không chỉ “khả hữu”, mà còn là việc thông thường và được đem ra sống tại phần lớn các nơi trên thế giới.

***

PHÚC TRÌNH CÁC NHÓM NÓI TIẾNG PHÁP

 

I. Nhóm A

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Gérald Cyprien LACROIX

Tường trình viên: Đức Cha Laurent ULRICH

1. Vòng bàn luận về phần nhập đề và phần thứ nhất của Tài Liệu Làm Việc đã giúp chúng tôi rút ra một số chủ đề chung, nhưng không bỏ qua các dị biệt trong cách tiếp cận.

Một phần, chúng tôi rất vui khi phần nhập đề đã đề cao vẻ đẹp và tính bí tích sâu sắc của hôn nhân. Chúng tôi nhắc đến nhu cầu phải đề cao lối sống tốt đẹp này ; chúng tôi được nghe nhắc đến các tình huống đau đớn, các vấn đề trong đời sống gia đình; chúng tôi cũng muốn nói tới các thách đố và ơn Chúa giúp đương đầu với các thách đố này.

Một số vị nhận định rằng phần thứ nhất đề cập tới đời sống gia đình nói chung, chứ không chỉ riêng hôn nhân: cách nhìn này cởi mở hơn.

Tuy nhiên, một số vị khác muốn trở lại với các vấn đề do hôn nhân trong sinh hoạt thế giới hiện nay đặt ra. Trong khi đó, một trong các tham dự viên, được sự đồng ý của các vị khác, đã nhấn mạnh sự kiện này: nếu Thượng Hội Đồng chỉ xoay quanh các vấn đề và các cuộc khủng hoảng của các gia đình ở Tây Phương mà thôi, thì điều này không tốt.

Xem ra chúng tôi đã có thể đồng ý với nhau về những điểm sau đây, những điểm đáng được đào sâu và khai triển trong diễn trình nhận xét và sửa đổi bản văn của Tài Liệu Làm Việc.

Một đàng, chúng ta phải khởi đi từ những điều gia đình ngày nay đã từng sống và đã từng tạo nên điểm tựa cho việc công bố Tin Mừng: chúng tôi biết mình có thể biện phân được các semina Verbi (hạt giống Lời Chúa) trong các kinh nghiệm của các gia đình ngày nay. Nơi nào cũng có các vấn đề và các khó khăn, các đau đớn, nhưng ở khắp mọi nơi trên thế giới, cũng vẫn có các gia đình sống hạnh phúc việc họ bám rễ vào Chúa Kitô và đức tin.

Bản văn của chúng ta cần phải tiếp nhận một âm sắc cởi mở, thuận lợi cho cuộc đối thoại với người cùng thời của ta.

Đàng khác, chúng tôi muốn rằng bản văn này nên đưa ra quan điểm về đời sống gia đình, chứ đừng tự giới hạn vào đời sống lứa đôi và vào hôn nhân mà thôi, dù ta vẫn phải chủ yếu đề cập tới đời sống này. Điều chắc chắn sinh ích là đặt lại ơn gọi và sứ mệnh của gia đình, dưới sự soi sáng của Tin Mừng, vào ơn gọi và sứ mệnh của toàn thể nhân loại phải trở nên huynh đệ hơn. Trở thành anh chị em của mọi người chắc chắn là kinh nghiệm phổ quát nhất: người ta đau đớn nhận thấy rằng con người khó tìm được chỗ đứng trong gia đình máu mủ của họ, trong cộng đồng nhân bản và Kitô Giáo. Nhưng mọi người đều có thể trở nên và được mời gọi trở nên anh chị em của những ai vốn là người đàn ông và người đàn bà với mình. Đời sống gia đình chuẩn bị cho việc này. Đời sống Giáo Hội cũng kêu gọi việc này.

2. Khi chúng tôi bắt tay làm việc, từ chương này qua chương nọ, từ số này qua số nọ, chúng tôi thấy chất liệu quả là đáng kể. Chúng tôi biết rằng vấn đề gia đình không thể tóm tắt vào một hay hai vấn đề nhằm lay động dư luận; nhưng chúng tôi quan niệm rằng có rất nhiều cuộc cờ ở đây, nên tất cả những gì có trong Tài Liệu Làm Việc đều đáng được chúng ta lưu ý.

Chúng tôi muốn nhận định rằng đã có những giờ phút lâu dài dành cho việc trao đổi trong nhóm đồng ngôn ngữ để bàn tới chất liệu này một cách trọn vẹn, và sâu sắc, nhưng đồng thời chúng tôi cũng ý thức rằng 15 ngày sắp tới sẽ không đủ để hoàn thành chương trình này!

Dù sao, một số vị có kinh nghiệm tỏ ra không an tâm, sợ rằng tất cả các sửa đổi (modi) được chúng tôi đề nghị, soạn thảo và chấp nhận sau rất nhiều bàn cãi sẽ không được giữ lại hết! Tất nhiên, không cá nhân nào có ảo tưởng đối với tương lai các ý kiến riêng của mình và nói chung ai nấy đều sẵn sàng từ bỏ chúng, ít nhất là từng phần… Nhưng mỗi nhóm chắc chắn muốn rằng điều này đừng xẩy ra cho các sửa đổi tha thiết của mình, những sửa đổi chỉ có được sau bao lưu tâm, bao cuộc thảo luận đòi hỏi không những nghị lực mà còn không biết bao hy sinh để soạn ra chúng sao cho bao gồm được hết các ý kiến hay nhất của mọi người.

Trên hết, chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi rất cảm kích trước cuộc gặp gỡ của nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng vẫn có thể thể hiện được nơi hai chục con người dù là nói cùng một ngôn ngữ. Các tình huống tại Phi Châu nói tiếng Pháp, tại Trung và Cận Đông, tại Pháp, tại cả Thụy Sĩ và Gia Nã Đại thật hết sức khác nhau. Các từ ngữ trong tiếng Pháp không luôn luôn mặc lấy một ý nghĩa y hệt như nhau từ bờ này tới bờ kia của Đại Tây Dương hay của Địa Trung Hải.

3. Nhưng trên hết, các bối cảnh lịch sử và văn hóa không y hệt như nhau. Người ta không thể nói rằng tại khắp nơi, con số các cuộc hôn nhân (và rửa tội) đều đang giảm dần. Người ta không thể nói cùng một cách về sự hiện diện của Giáo Hội trong các xã hội liên hệ. Các khả thể chia sẻ đức tin tại các xứ sở của chúng tôi không hoàn toàn đồng nhất, việc làm chứng nơi công cộng có thể thực hiện ở những nơi này không dễ dàng như nhau. Và cũng không khó khăn vì những lý do như nhau: quyền tự do thực hiện nó tại các nước “tự do” không hề có nghĩa quyền này thực sự được thừa nhận, ví nó có thể dẫn tới các thái độ mâu thuẫn nhau: nước thì chọn chủ trương phải nhấn mạnh tới bản sắc, trong khi nhiều nước khác muốn thực thi một cuộc đối thoại kiên nhẫn dù không được thấu hiểu. Tại nhiều nước khác, áp lực tôn giáo hay văn hóa đối với cuộc gặp gỡ các Kitô hữu không có nghĩa là làm họ im lặng, nhưng chỉ có nghĩa từ nhiều thế kỷ nay, họ vẫn phải theo con đường đau khổ.

Trên nguyên tắc, chúng tôi biết rõ điều trên. Nhưng trong một cuộc tranh luận liên quan tới các khía cạnh hết sức cụ thể và hết sức đa dạng về đời sống các gia đình, chúng tôi cảm thấy: chúng tôi đang thực hiện ở đây một trải nghiệm độc đáo về tính Công Giáo, mà ta không bao giờ đạt được một cách dứt khoát: đây là một ơn phúc Chúa Ban cho chúng tôi qua trải nghiệm này về Giáo Hội, nhưng chúng tôi phải tiếp nhận ơn phúc này, sống nó một cách trung tín, thâm hậu hóa nó trong sự thật. Chúng tôi đã dành thì giờ để nghe nhau, để đi vào thẳm sâu các suy tư chung của chúng tôi; chúng tôi thực sự cố gắng giải thích cho nhau hiểu tại sao chúng tôi đã đề xuất ý niệm này ý niệm nọ, dựa vào kinh nghiệm nào chúng tôi đã phát biểu. Với sự thận trọng, chúng tôi đã tiến bước, chúng tôi đã gặp một thách đố hết sức thích thú là được chào đón và lắng nghe nhau.

II. Nhóm B

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Robert SARAH

Tường trình viên: Cha Francois- Xavier DUMORTIER, S.J.

Bản tường trình này sẽ có hai phần: 1) Kinh nghiệm sống; 2) Một số điểm nhấn mạnh

1. Kinh nghiệm sống

1/. Chúng con bắt đầu cuộc suy tư của chúng con về Tài Liệu Làm Việc với những gì đoàn kết chúng con, vì “Giáo Hội đồng hành với nhau để đọc các thực tại bằng con mắt đức tin và trái tim Thiên Chúa”, con xin nhắc lại ở đây các lời lẽ mà Đức Thánh Cha, thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã nói vào sáng thứ hai, và cả những gì làm chúng con khác nhau: tính đa dạng về nguồn gốc quốc gia của chúng con; hầu như có bao nhiêu thành viên của nhóm là có bấy nhiêu quốc tịch được đại diện trong nhóm của chúng con; tính đa dạng trong các hành trình bản thân và tính đa dạng trong các trách nhiệm hiện được ủy thác cho người này người nọ. Chính trong lúc nghe nhau cách chăm chú, đầy khoan dung và nhẫn nại tươi cười mà chúng con cho phép mình giáo huấn lẫn nhau. Các số và các chương khác nhau của phần thứ nhất này đương nhiên gây ra nhiều phản ứng, nhận xét, suy tư, cần tìm đường để các “sửa chữa” được đệ trình cho mọi người phán quyết; chúng con đã làm việc rất nhiều khởi đi từ bản văn và trên bản văn và chúng con đã bỏ phiếu cho 20 “sửa chữa”. Có lúc, chúng con đã phải cưỡng lại cơn cám dỗ muốn viết lại một số phần của bản văn; nếu con được phép nói, thì cơn cám dỗ này rất tự nhiên đối với một nhóm người đang đọc một bản văn mà họ rất biết sự quan trọng của nó, sự quan trọng đối với Giáo Hội, đối với thế giới, đối với mỗi người nam nữ trong chúng con. Do đó, chúng con đã học hỏi được nhiều: chúng con đã học được cách làm việc chung với nhau hết buổi này qua buổi nọ; chúng con đã học để biết nhau; chúng con đã học cách đọc và nghe bản văn hơi khác với những điều người này người nọ nói về nó.

2/. Từ phiên họp đầu tiên của Nhóm, theo lời yêu cầu của vị điều hợp viên của chúng con, là Đức Hồng Y Sarah, chúng con đã chia sẻ điều vốn được chúng con ấp ủ ngay từ đầu Thượng Hội Đồng này. Con xin được phép tóm tắt nó dưới ba điểm sau đây:

a/. Cần phải xem xét tính đa dạng trong các bối cảnh văn hóa xã hội và các tình huống mục vụ: điều này đòi hỏi và sẽ đòi hỏi khả năng nói rõ được điều gì thuộc trật tự phổ quát và điều gì thuộc trật tự đặc thù, một lời lẽ chung mạnh mẽ và các giải đáp cho các tình huống cụ thể gặp phải. Về phương diện này, một vị trong chúng con đã đề nghị và không bị mọi người tranh luận rằng các hội đồng giám mục địa phương có thể sử dụng một số quyền nào đó để cho phép các mục tử của các ngài trở thành “các ông Samaritanô nhân hậu” trong việc họ phục vụ Giáo Hội.

b/. Nhiều trông đợi đã được phát biểu:

– rằng Thượng Hội Đồng, khi ý thức được việc người đương thời của ta đang trông đợi rất nhiều, hãy gợi hứng và mọi người hiểu được rằng Giáo Hội tin tưởng nơi họ và nơi gia đình họ;

– rằng Thượng Hội Đồng đưa ra cái định mốc làm đường để mọi người giúp đỡ lẫn nhau; rằng Thượng Hội Đồng giúp các gia đình sống ơn gọi và sứ mệnh của họ phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo Hội,

– rằng Thượng Hội Đồng biết biểu lộ sự nâng đỡ của mình cho các gia đình tại Cận và Trung Đông, thường bị phân tán và cám dỗ di dân;

– rằng Thượng Hội Đồng nên có cái nhìn tích cực đối với gia đình ngày nay, một “dây nối kết” trong đó, mọi sự không diễn tiến xấu trái lại luôn mãi là “trường học của nhân loại”;

– rằng khi đã chỉ ra được các nguyên nhân sâu xa của một số xáo trộn hiện đang tác động lên gia đình, Thượng Hội Đồng giúp một số gia đình trở lại cuộc hành trình của họ với sức mạnh của lòng hy vọng, giúp họ sống như những gia đình.

c/. Nhiều con đường đã được đề xuất:

– lưu tâm khảo sát các nguyên nhân gây bất ổn ảnh hưởng tới gia đình và, qua gia đình, ảnh hưởng tới xã hội: khi gia đình chịu đau khổ thì cả xã hội cũng chịu đau khổ;

– trong các suy tư của ta, luôn bám chặt lấy Chúa Kitô để Người dạy dỗ ta, để nhìn bằng cái nhìn của Người, để có được các tâm tư của Người;

– huấn quyền phải can thiệp để đem lại nhiều gắn bó chặt chẽ hơn cho toàn bộ bản văn mà hiện nay, cả về phương diện thần học lẫn giáo luật, xem ra như chồng đống lên nhau nhiều hơn là liên kết mạch lạc với nhau và, nhờ làm thế, sẽ đơn giản hóa cách diễn tả.

2. Một số điểm nhấn mạnh theo dòng bản văn

Về phần thứ nhất của bản văn, hai nhận xét tổng quát đã được các thành viên của nhóm chúng con đưa ra: nhận xét thứ nhất khiến chúng con lưu ý tới sự kiện này: việc phân tích về gia đình thường trình bày đặc tính tiêu cực với những hạn từ mạnh mẽ nhưng nhiều người khác cho rằng giọng điệu lại đặt nặng ở các thách đố; nhận xét thứ hai khiến chúng con lưu ý tới sự kiện này: bản văn được đánh dấu bằng một vấn đề có tính rất “Âu Châu”, thậm chí quá Âu Châu có nguy cơ nhìn sự vật qua một lăng kính nào đó, nhưng nhiều khác còn nói rằng một “mô thức” nào đó về gia đình đã được phổ biến và tổng quát hóa.

Con muốn xác định một số điểm nhấn mạnh được các “sửa chữa” của chíng con phát biểu:

– Đối với chúng con điều quan trọng xem ra là yêu cầu bản văn nên bắt đầu bằng việc nhắc nhở điều này: “Gia đình là cột trụ không thể nào lẩn tránh và thay thế được của đời sống trong xã hội”, nó là “nền tảng của xã hội”[1] và điều này, một cách nào đó, buộc Giáo Hội, vốn là “chuyên viên của nhân loại”, phải đương đầu với vấn đề gia đình ngày nay trong ơn gọi và sứ mệnh riêng của nó.

“Lý thuyết phái tính” đã là đối tượng cho một cuộc thảo luận sâu rộng trong nhóm chúng con: đặc tính “ý thức hệ” của nó đã được ghi nhận, nhất là khi nó được phổ biến, thậm chí áp đặt, bởi một số cơ quan quốc tế;

– Một điểm quan trọng nữa là nhắc nhớ điều này: những người chịu trách nhiệm ích chung, và nhất là các nhà cầm quyền công cộng và các chính khách, không thể tránh né trách nhiệm vốn là của họ đối với thiện ích hàng đầu là gia đình trong các chính sách gia đình, xã hội và giáo dục nhằm nâng đỡ và khuyến khích gia đình và ưu tiên là các phần tử kém ưu đãi hơn;

– Chúng con nhấn mạnh rằng nhiều gia đình, nhất là trong một số xã hội, đã dành hết chỗ của họ cho người cao niên, coi họ như một “chúc phúc”;

– Chúng con đánh giá rất cao cách Tài Liệu Làm Việc nhấn mạnh tới phẩm giá phụ nữ, tới vai trò chính đáng của họ và tới các trách nhiệm của họ; đối với chúng con, dường như việc nhấn mạnh chính đáng này cũng kêu gọi phải xem xét “ơn gọi và sứ mệnh” riêng của người đàn ông trong gia đình trong tư cách người chồng và người cha, những ơn gọi và sứ mệnh đôi khi bị coi thường hay bị lãng quên.

– Nhiều thách đố đã thu hút hết các chú ý và suy nghĩ của chúng con, nhất là thách đố khuyết tật, thách đố kinh tế và đặc biệt thách đố di dân với tình huống bi thảm của những người nam nữ ra đi hay chạy trốn và cần được đón nhận ở nơi họ đến. Chúng con cũng đã xem xét các gia đình thuộc các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương và đối với chúng con hình như điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng việc chọn di cư hay buộc phải di cư có và sẽ có những hậu quả mạnh mẽ đối với sự hiện diện của Kitô Giáo tại Trung Đông.

III. Nhóm C

Điều hợp viên: Đức Cha Maurice PIAT, C.S.Sp (Hội Xuân Bích)

Tường trình viên: Đức Cha Paul-André DUROCHER

Phương pháp cổ điển nhìn xem – phán đoán – hành động mà các soạn giả Bản Tường Trình Của Thượng Hội Đồng năm ngoái đã chọn và được các nghị phụ Thượng Hội Đồng chứng duyệt đã được thích ứng rất tốt vào chủ đề của chúng tôi: nó giúp chúng tôi tổ chức chất liệu phong phú một cách hợp luận lý và có hiệu quả. Nhưng chú ý tới đối tượng suy nghĩ của chúng tôi tức gia đình trong bối cảnh hiện đại của ta, nhất là gia đình Kitô Giáo, Công Giáo là điều chưa đủ. Chúng ta còn phải nhắc nhớ chúng ta là ai, chúng ta những người đang thực hiện cuộc suy nghĩ này.

Chúng ta trước hết là người của gia đình. Chúng ta có cha mẹ, anh chị em, anh chị em dâu rể, anh chị em họ, cháu trai cháu gái. Các gia đình được ta nói tới không phải là những gia đình xa lạ, họ là thành phần trong đời sống ta, họ sống trong ta. Điều này phải hiện diện trong ngôn từ của ta, trong âm sắc của bản văn ta, trong lo âu và cảm thương của ta đối với các gia đình trên thế giới. Có sự nguy hiểm khi nói tới ‘gia đình’ một cách trừu tượng, như một thực tại ở bên ngoài ta. Cần phải cố gắng nói tới ‘các gia đình’, tới ‘các gia đình của chúng ta’ trong thực tại cụ thể và cá thể của chúng. Đặc biệt, cần phải làm dễ tình liên đới quốc tế giữa mọi gia đình Kitô hữu, ưu tiên cho các gia đình hiện đang bị bách hại, chiến tranh và bấp bênh.

Chúng ta cũng là người của đức tin. Cái nhìn của chúng ta được biến đổi bởi Tin Mừng đã chạm đến đời ta, bởi Con Thiên Chúa đã trở thành xác thịt vì ta, đã chết vì ta, hiện sống trong ta. Niềm tin này phải đào luyện cái nhìn của ta và giáo dục sự suy nghĩ của ta. Chúng ta không giả đò làm những nhà tâm lý học hay xã hội học hoặc kinh tế học, cho dù một số trong chúng ta được đào tạo cao trong các lãnh vực này. Chúng ta, trước nhất, phải như những người của đức tin, và điều này phải được nhìn thấy ngay trong phần thứ nhất của bản văn có tính phân tích của ta.

Cuối cùng, chúng ta là những mục tử. Nỗi lo lắng của chúng ta là sứ mệnh mà Chúa Kitô ủy thác cho Giáo Hội của Người, một sứ mệnh là chính Giáo Hội, phải càng ngày càng được thể hiện trong chính thế giới của chúng ta hôm nay. Mọi cố gắng của Thượng Hội Đồng phải hướng về cố gắng này. Mọi bản văn được ta khai triển phải được thúc đẩy bởi quan tâm nền tảng này. Cách riêng, chúng tôi muốn giúp các gia đình của chúng ta trả lời được hai câu hỏi. Một câu hỏi về ơn gọi: “Gia đình, ngươi là ai?”. Và câu hỏi kia là về sứ mệnh: “Gia đình, ngươi làm gì?”. Mọi việc khác, dù đáng lưu ý bao nhiêu, chỉ là thứ yếu. Bản văn của ta phải được thanh lọc theo tiêu chuẩn này. Nhất là, ta hãy nhớ rằng mục vụ gia đình không phải chỉ là hành động của Giáo Hội định chế thực hiện cho các gia đình, mà là hành động của Giáo Hội thể hiện trong gia đình và do gia đình. Đó mới là điều mới mẻ thực sự của nền mục vụ gia đình mà chúng ta được kêu gọi khai triển tại Thượng Hội Đồng này.

Bản văn sau cùng của chúng ta phải “đem cái tâm” đến cho các gia đình của chúng ta, phải biểu lộ lòng tin tưởng chúng ta hằng ấp ủ cho họ, phải làm sống dậy niềm tin tưởng của họ đối với chúng ta. Cần phải tránh, đừng để một số người cảm thấy bị “loại bỏ” khỏi các lo lắng quan tâm của ta, vì mọi gia đình đều tham dự vào sứ mệnh của Giáo Hội! Chúng ta hãy nhớ rằng các gia đình trong Thánh Kinh cũng thường gặp trục trặc (dysfonctionnelles); tuy nhiên, Lời Thiên Chúa vẫn đã thể hiện nơi họ và do họ. Thiên Chúa có thể thực hiện cùng một kỳ công như thế một lần nữa trong thời đại ta.

Việc phân tích của chúng ta phải sáng suốt, vì chúng ta muốn rằng nền mục vụ của chúng ta được bám rễ sâu trong thực tại. Cách riêng, ta cần thừa nhận rằng nhân học tiềm ẩn trong nền văn hóa của chúng ta không hề gần gũi với viễn kiến Kitô Giáo. Việc nó nhấn mạnh tới cá nhân, được phú bẩm thứ tự do vô giới hạn, thường được liên kết với chủ nghĩa duy tương đối luân lý, hoàn toàn trái ngược với xác tín của ta là con người nhân bản được tạo nên để hiện hữu trong tương quan, phù hợp với hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Gia đình còn hơn một đơn vị căn bản của xã hội: nó là tử cung của con người nhân bản đang thành hình. Phải làm tất cả để khuyến khích các mối tương quan nhân bản và các cộng đồng.

Việc phân tích của chúng ta sẽ có lợi nếu biết nhận ra các thúc đẩy thực sự có tính nhân bản và nhân bản hóa đang nâng đỡ các đặc điểm của nền văn hóa đương thời nhưng đã bị tội lỗi xoay hướng hay làm thành đồi bại (trong Thánh Kinh, ‘phạm tội’ có nghĩa là ‘lỡ mục đích của mình’). Thành thử, đối với chủ nghĩa duy cá nhân, ta hãy nhận ra điều này: nó phát xuất từ cuộc tìm kiếm tính chân chính đầy cao thượng (Thiên Chúa há chẳng muốn mỗi ngưởi chúng ta trở nên chân chính trọn vẹn đó sao, Người há không dành cho mỗi người một ơn gọi đặc thù đó sao?). Nhưng sự tìm kiếm này, khi quên mất bản chất cực kỳ có tính tương quan của con người nhân bản, khi quên mất chân trời siêu việt bao quanh thế giới của mình, sẽ rơi vào thứ chủ nghia duy cá nhân dẫn tới một niềm cô quạnh gia trọng và đau đớn. Chính trong thế giới khao khát các tương quan đích thực này mà gia đình có thể tự xác nhận mình là một Tin Mừng.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh hai khía cạnh của nền văn hóa mới này, nền văn hóa làm chúng tôi bận tâm sâu xa. Khía cạnh thứ nhất là việc xuất hiện của điều xem ra là một ý thức hệ mới mà người ta thường gọi là ý thức hệ phái tính. Các lý thuyết khác nhau về phái tính này đã được khai triển trong xã hội học và trong triết học, tìm cách phân tích một số hiện tượng nhân bản và xã hội có thể làm giầu cái hiểu của ta về thế giới. Nhưng khi các lý thuyết này trở thành tuyệt đối, chúng có khuynh hướng sản sinh ra một hệ thống tư tưởng độc đáo muốn xóa bỏ mọi điều có trước nó. Khi tìm cách áp đặt một quan điểm chuyên bác bỏ mối tương quan giữa bản sắc tính dục và hữu thể tính dục là chính chúng ta trong thân xác mình, nó đã làm gia đình, tư cách làm cha mẹ, tình yêu nhân bản tan rã khỏi điều cao thượng và nhân bản hóa bậc nhất của nó.

Khía cạnh thứ hai cũng làm chúng tôi bận tâm rất nhiều là việc khai triển các kỹ thuật đạo đức sinh học, cho phép người ta tháo gỡ và ráp lại chính sinh vật. Cả ở đây nữa, chúng ta cũng ca ngợi thiên tài của con người đã giúp ta hiểu được cơ cấu vật lý và sinh học của thế giới này đến những chi tiết cực vi nhất. Nhưng các khả năng thao túng của chúng ta đã vượt quá sự khôn ngoan của chúng ta. Việc sinh vô tính, những người đẻ giùm, việc thao túng di truyền học đối với cả các tế bào sinh sản, tất cả những điều này có nguy cơ tạo ra một thế giới trong đó, ta không còn có thể nói điều gì là nhân bản nữa. Đứng trước hai thực tại này, chúng ta phải hết sức cảnh giác và tỏ thái độ rõ rệt. Chúng tôi muốn nói điều đó.

Chúng ta hãy trở lại với bản văn của chúng ta. Chúng tôi yêu cầu ban soạn thảo chuẩn bị phần nhập đề mới cho bản văn sau cùng, là bản văn không còn dùng để làm việc nữa. Phần nhập đề này phải nhanh chóng phác thảo phương pháp luận “nhìn xem – phán đoán – hành động” sẽ được khai triển sau đó trong bản văn. Nó phải vạch rõ sợi dây nối kết giữa Thượng Hội Đồng về Tân Phúc-âm-hóa, Evangelii Gaudium và Thượng Hội Đồng này về gia đình.

Xin được nói ít lời về phương pháp mà chúng ta đang theo. Chúng tôi đánh giá cao các góp ý ngắn hơn và có tập chú hơn tại các buổi họp toàn thể. Chúng tôi cũng đánh giá cao không kém thì giờ dành cho các nhóm nhỏ. Chúng tôi khuyến khích ban phối hợp trong việc bảo đảm việc tương tác đi về giữa các nhóm nhỏ, các nhóm lớn và ủy ban soạn thảo: đây chính là thách đố của tính công đồng và sự hiệp thông.

Việc trao đổi của chúng tôi được phong phú hóa nhờ sự đa dạng rất lớn về văn hóa và nghi lễ của nhóm chúng tôi, nó giúp chúng tôi ý thức được sự cần thiết phải duy trì sự phụ đới lành mạnh trong Giáo Hội, biết thừa nhận sự đóng góp quan trọng của các hội đồng giám mục quốc gia.

Sau cùng, chúng tôi tin tưởng vào Chúa Thánh Thần. Chính từ sự trao đổi quan điểm và sự ngỡ ngàng vì kình chống đã nẩy sinh ra ánh sáng, đã mạc khải cho chúng tôi “các điều ngạc nhiên của Thiên Chúa” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất thích nói với chúng ta. Vâng, chúng ta hãy tin tưởng vào Thần Khí.

 


[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 52