Thượng Hội Đồng Giám Mục: Phúc Trình Thảo Luận Nhóm Phần Thứ Hai

0
1094


Vinc. Vũ Văn An

 

LTS: Ngày 14 tháng 10, Tòa Thánh đã bắt đầu cho công bố các bản tường trình các cuộc thảo luận về phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc do 13 Nhóm Nhỏ của Thượng Hội Đồng về Gia Đình đệ trình; trong đó, có tường trình của nhóm nói tiếng Đức. Sau đây là bản dịch của các bản tường trình theo các nguyên bản tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức của Tòa Thánh.

***

PHÚC TRÌNH CÁC NHÓM NÓI TIẾNG ANH

 

I. Nhóm A

Điều hợp viên: Đức Hồng Y George PELL

Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Joseph Edward KURTZ

Trong Chúa Giêsu, đấng làm trọn mạc khải của Thiên Chúa, gia đình khám phá được ơn gọi của mình trong ơn gọi phổ quát nên thánh. Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, mọi ơn gọi đều kêu mời người ta và các cộng đồng vào hai chiều kích khác biệt nhau nhưng bổ túc cho nhau. Chúng ta được kêu gọi hiệp thông và chúng ta được kêu gọi truyền giáo. Ta thấy điều này trong ơn gọi của 12 tông đồ. Các ngài được kêu gọi trở thành bạn hữu của Chúa Giêsu và được sai đi để rao giảng. Điều ấy cũng đúng đối với các môn đệ khác, những người được kêu gọi vào đời sống gia đình. Nhóm chúng tôi suy tư về ơn phúc và ơn gọi này, và về việc cầu nguyện và biện phân như là phương thế phát huy nó.

Dù nghĩa chữ “ơn gọi” khá rõ ràng khi áp dụng vào chức linh mục, nhưng khi ta nói về những chữ như “ơn gọi vào đời sống hôn nhân”, ta cần nhiều nghĩa rõ ràng hơn. Ta phải nhìn nhận rằng gia đình cũng có một ơn gọi.

Nhìn qua lăng kính Thánh Gia Thất Nazaret, bản văn sẽ tốt hơn nếu biết sử dụng Thánh Kinh cách dồi dào hơn, nhất là Tin Mừng Luca, các chương 1 và 2, cũng như các điển hình từ Cựu Ước. Rất nhiều cặp vợ chồng trong Thánh Kinh, như các cặp trong Sách Tôbia, đã đáp ứng ơn gọi bước vào hôn nhân và đời sống gia đình một cách tươi đẹp xiết bao.

Viễn kiến của Giáo Hội về ơn gọi của gia đình nắm bắt được vẻ đẹp tình yêu hiến mình của Thiên Chúa. Nhiều lưu ý đã được dành cho việc định vị một nền tảng thần học vững vàng cho khoa sư phạm Thiên Chúa, phát sinh từ việc tràn đổ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ở cốt lõi gia đình là hành động sáng tạo nguyên thủy, việc cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô và việc hướng tới sự sống đời đời. Ưu tiên lắng nghe Lời Thiên Chúa và bước theo Chúa Giêsu khai mở ra tin vui cho gia đình, dẫn tới cuộc sống hân hoan cũng như việc hoán cải mỗi ngày mỗi sâu sắc hơn, từ bỏ tính ích kỷ và tội lỗi.

Bản sắc rửa tội của mọi Kitô hữu chín mùi trong vườn ươm gia đình, vốn là người rao giảng Tin Mừng trước hết và đệ nhất đẳng, nơi đó, ta biện phân được ơn gọi bước vào một bậc sống đặc thù. Trong năm Đời Sống Thánh Hiến này, chúng ta cảm tạ đặc biệt vì ơn phúc có những người nam nữ trong đời sống tu trì và gia đình họ.

Tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng sẽ tốt hơn nếu chịu xem xét “các thực hành tốt nhất” là các thực hành chỉ cho các gia đình thấy phải sống thực ơn gọi của họ cách trọn vẹn và trung thành hơn ra sao. Ở tâm điểm các “thực hành tốt nhất” này là việc tiếp nhận Lời Chúa trong gia đình. Chúng tôi đặc biệt nhắc tới các tiến bộ lớn lao trong Giáo Hội trong hơn 50 năm qua nhờ đó việc nghiên cứu và suy tư Sách Thánh đã được hội nhập vào đời sống các gia đình. Dù nhiều điều vẫn còn cần phải làm, sự tiến bộ như thế cần được nhìn nhận. Các “thực hành tốt nhất” này cũng nên nói tới việc dậy giáo lý thích đáng, việc cầu nguyện và thờ phượng, kể cả việc cầu nguyện trong mỗi gia đình. Một ơn gọi như thế chắc chắn sẽ khôn ngoan và minh nhiên khuyến khích việc sử dụng các lời cầu nguyện và nghi thức có tính á phụng vụ trong khung cảnh gia đình.

Chúng tôi cũng đã bàn tới các câu hỏi liên hệ tới phương pháp luận. Trong quá khứ, Đức Thánh Cha thường sử dụng bản văn đã được chấp thuận sau cùng làm căn bản cho một Tông Huấn và chúng tôi đã nói tới tính hữu hiệu của phương thức này. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận các hạn chế của một bản văn sẽ được chấp thuận vào lúc kết thúc Thượng Hội Đồng này. Dù mọi cố gắng nên được đưa ra để cung cấp một ngôn ngữ hợp lý hóa và lôi cuốn, lo ngại hàng đầu vẫn là “sự minh bạch của những lời giải thích có cơ sở vững vàng đối với giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình”.

Với đôi mắt ngắm nhìn Chúa Giêsu, chúng tôi tạ ơn vì ơn gọi của gia đình, một ơn gọi tiến tới hiệp thông với Người và với nhau và là ơn gọi đi truyền giáo khắp trên thế giới.

II. Nhóm B

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Vincent Gerard NICHOLS

Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Diarmuid MARTIN

Nhóm chúng tôi sử dụng một cách tiếp cận đổi mới trong việc khảo sát Phần II. Chúng tôi thừa nhận tính trung tâm của phần này đối với toàn bộ cuộc suy tư của Thượng Hội Đồng. Ngoài việc khảo sát từng đoạn của Tài Liệu Làm Việc, nhóm chúng tôi còn trước hết tìm cách nhận diện một số chủ đề căn bản của nền khôn ngoan Giáo Hội về hôn nhân và gia đình mà chúng tôi cảm thấy phải dành chỗ ưu tiên trong bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Đồng. Một suy tư đổi mới và sâu sắc hơn về nền thần học hôn nhân phải là một trong các hoa trái của Thượng Hội Đồng.

Các chủ đề này bao gồm: Sư Phạm Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa trong Gia Đình, Tính Bất Khả Tiêu và Lòng Trung Thành, Gia Đình và Giáo Hội, Thương Xót và Tan Nát. Nhóm chúng tôi đề nghị các sửa đổi cá biệt cho một số đoạn, nhưng trên hết, tìm cách sắp xếp lại thứ tự của một số đoạn để phục hồi dòng chẩy tự nhiên của các đoạn trong Bản Tường Trình của Thượng Hội Đồng (Relatio Synodi).

Nhóm chúng tôi mạnh mẽ khuyến cáo điều này: toàn bộ Phần II nên được dẫn nhập bằng một suy tư chi tiết hơn về Gia Đình và Khoa Sư Phạm Thiên Chúa. Suy tư này sẽ tạo ra số 37 mới.

Nó nên minh tả việc sư phạm Thiên Chúa đối với hôn nhân và gia đình đã đồng hành ra sao suốt lịch sử cứu rỗi và tiếp tục cho tới tận ngày nay. Chúng tôi đề nghị đoạn này khởi đầu với Sách Sáng Thế, sách đã từng cung cấp câu định nghĩa về hôn nhân như là một cuộc phối hợp độc đáo giữa một người đàn ông và một người đàn bà, một cuộc phối hợp toàn diện và thân mật đến độ vì nó người đàn ông sẽ lìa cha lìa mẹ để hợp nhất với vợ mình. Trình thuật về việc sáng tạo ra hôn nhân này cũng trình bày với ta ba đặc tính nền tảng của hôn nhân, như đã có từ nguyên thủy, là đơn hôn, vĩnh viễn và bình đẳng giữa các giới tính.

Tuy nhiên, khi tội lỗi bước vào lịch sử nhân loại, nó mang theo việc lật nhào ba đặc tính nền tảng nói trên. Đa hôn, ly dị và người vợ lệ thuộc chồng trở nên không những chuyện thông thường mà còn được định chế hóa trong nhiều giới của xã hội Do Thái. Qua các tiên tri, Thiên Chúa không ngừng kêu gọi phải thay đổi tình huống tội lỗi này và tái lập phẩm giá nguyên thủy cho hôn nhân, một điều chỉ có thể có với Chúa Giêsu Kitô. Tiên tri Hôsê thấy sự kết hợp và tình yêu giữa chồng và vợ là một mẫu mực thích đáng để minh họa tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người. Diễm Ca cho ta một suy tư độc đáo về tình yêu nhân bản, coi nó như cuộc đối thoại giữa hai kẻ yêu nhau đang ca ngợi lẫn nhau, mong mỏi nhau và hân hoan trong tình thân mật tính dục.

Nhưng sư phạm Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi liên quan tới hôn nhân và gia đình đã đạt tới đỉnh cao của nó với việc Con Thiên Chúa bước vào lịch sử con người, khi Chúa Giêsu sinh ra trong một gia đình. Người ta vẫn coi là không thích hợp khi một bậc thầy Do Thái chuyện trò với một phụ nữ, nhưng Chúa Giêsu lại dám nói với một người đàn bà, lại là người đàn bà xứ Samaria, một thứ tội nhân có tiếng và “bị tuyệt thông”, một điều còn gây tai tiếng hơn nhiều nữa. Với một người đàn bà được đem tới trước mặt Người trước khi nàng bị ném đá do sự kiện phạm tội ngoại tình, Người nói: “Tôi không kết án chị. Chị hãy đi bình an và đừng phạm tội nữa” (Ga 8:11). Người từng làm bẩn bàn tay Người bằng việc làm, nhưng không bằng những hòn đá dùng để liệng vào người khác.

Nhóm chúng tôi trình bày bản văn đã soạn thảo này bằng cách nhìn nhận rằng nó dài dòng và mới lạ, nhung xem ra không phù hợp với phương pháp luận của Thượng Hội Đồng. Tại sao chúng tôi cho như thế? Vì chỉ nhờ suy tư về sư phạm Thiên Chúa, chúng ta mới hiểu được thừa tác vụ của ta là phản chiếu đức nhẫn nại và lòng thương xót của Thiên Chúa. Kế hoạch Thiên Chúa tiếp diễn ngay trong thời ta. Chính sư phạm Thiên Chúa đã cung cấp nội dung và cung giọng cho giáo huấn của Giáo Hội. Ngày nay, sư phạm Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục không ngừng kêu gọi các gia đình hóan cải, chữa lành và thương xót khi họ cố gắng thể hiện ơn Chúa kêu gọi họ.

Bởi thế, Nhóm chúng tôi bắt tay vào việc áp dụng sư phạm này vào việc tìm kiếm một ngôn ngữ dễ hiểu đối với con người nam nữ thời ta. Song song với chữ “bất khả tiêu” chúng tôi đề nghị dùng một thứ ngôn ngữ bớt luật lệ hơn, nhưng biểu lộ tốt hơn mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, nói tới hôn nhân như một ơn thánh, một chúc phúc và như một giao ước yêu thương suốt đời.

Chúng tôi nhắc nhớ chứng từ của các cặp vợ chồng vẫn sống trọn vẹn cuộc hôn nhân Kitô Giáo, coi nó như một giao ước yêu thương mãn đời, tính vĩnh viễn đến chết của nó như một dấu chỉ lòng trung thành của Thiên Chúa đối với dân của Người. Thực vậy, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa nhận ra hình ảnh của chính Người trong lòng trung thành của các người phối ngẫu và củng cố hoa trái này của ơn thánh Người bằng sự chúc phúc của Người.

Như thế ý nghĩa sâu xa nhất của tính bất khả tiêu nơi hôn nhân là việc khẳng định và bảo vệ các đặc tính tươi đẹp và tích cực trên vốn nâng đỡ hôn nhân và cuộc sống gia đình, nhất là trong những lúc sóng gío và tranh chấp. Bởi thế, Giáo Hội trông chờ ở vợ chồng như trung tâm của cả gia đình; và đến lượt nó, gia đình trông chờ Chúa Giêsu nhất là tình yêu trung thành của Người trong bóng tối của thập giá.

Việc nhấn mạnh tới sư phạm Thiên Chúa cũng chú mục vào tính trung tâm của Lời Thiên Chúa trong thần học hôn nhân, trong việc chăm sóc mục vụ cho gia đình, và trong lòng đạo đức gia đình. Cộng đồng Kitô hữu chào đón Lời Thiên Chúa một cách đặc biệt trong Phụng Vụ Chúa Nhật. Như thế, một mục tiêu cho mọi cặp vợ chồng và mọi gia đình là cùng nhau thờ phượng một cách trung thành tại mọi Thánh Lễ Chúa Nhật.

Các cặp vợ chồng và các gia đình cũng gặp Lời Thiên Chúa trong hàng loạt các hình thức sùng kính và cử hành vốn là thành phần của gia tài Công Giáo. Lòng đạo đức này bao gồm việc cùng nhau lãnh nhận bí tích hòa giải, cầu nguyện chung và đọc Sách Thánh, cũng như các cuộc gặp gỡ khác với Lời Thiên Chúa trong giáo lý và cầu nguyện. Có người nhấn mạnh rằng trường Công Giáo là cánh tay vươn dài của giáo lý giáo xứ và giáo lý gia đình. Thượng Hội Đồng nên khuyến khích các cha mẹ tìm kiếm những trường này như phương cách lôi cuốn độc đáo để thăng tiến và thâm hậu hóa việc giáo dục tôn giáo vốn đã được bắt đầu trong gia đình.

Tất cả chúng ta đều cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngày nay, trong nhiều xã hội, đang có một cảm thức tự cho mình là đủ, theo đó, người ta cảm thấy họ không cần được thương xót và cũng không biết tội lệ của mình. Có lúc, điều này là do không được học giáo lý đầy đủ về tội, không nhận biết tội là làm thương tổn tới mối liên hệ của ta với Thiên Chúa và với nhau, một thương tổn chỉ có thể được chữa lành bởi sức mạnh cứu vớt của lòng Chúa thương xót.

Mặt khác, có thể ta hay có khuynh hướng muốn đặt giới hạn của con người lên lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhóm chúng tôi cảm thấy nhu cầu rất mạnh cần phải suy nghĩ sâu xa hơn về mối liên hệ giữa lòng thương xót và công lý, nhất là như đã được trình bày trong Tông thư Misericordiae Vultus.

Khi sắp sửa bắt đầu suy tư về các tình huống khó khăn sẽ được khảo sát ở phần thứ ba, chúng ta nên luôn nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ lòng thương xót của Người. Chính lòng thương xót mạc khải gương mặt thực sự của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa vươn tới mọi người chúng ta, nhất là những người đau khổ, yếu đuối và thất bại. “Hỡi Ephraim, làm sao Ta có thể bỏ rơi được ngươi! Hỡi Israel, làm sao ta có thể trao nộp ngươi…Trái tim Ta thổn thức, lòng cảm thương của Ta trở nên ấm áp và dịu dàng” (Hs 11:8-9). Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong Misericordiae Vultus, lòng giận dữ của Thiên Chúa chỉ trong giây phút, nhưng lòng thương xót của Người kéo dài mãi mãi.

III. Nhóm C

Điều hợp viên: Đức Tổng Giám Mục Eamon MARTIN

Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Mark Benedict COLERIDGE

Sau công việc của tuần lễ đầu, chúng tôi quyết định theo một cách tiếp cận khác đối với Phần II của Tài Liệu Làm Việc và đọc nó nhanh hơn là đối với Phần I. Nhờ biết rõ trách vụ của mình, cách tiến hành của chúng tôi đã khá hơn, và điều này đáng khích lệ khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu Phần III, dài và phức tạp hơn.

Nay tôi xin trình bày các vấn đề thuộc Phần II được coi là những vấn đề chính trong các cuộc thảo luận của chúng tôi.

1/. Cần nói lời đánh giá cao và khích lệ tự đáy lòng đối với các cặp vợ chồng, nhờ ơn Chúa, đang sống cuộc hôn nhân Kitô Giáo của họ như một ơn gọi chân chính, vì điều này quả là một việc phục vụ Giáo Hội và thế giới cách độc đáo.

2/. Cần khai triển cho các cặp vợ chồng và các gia đình một chương trình giáo lý phù hợp với các nền văn hóa khác nhau, định kỳ duyệt xét lại các chương trình này và thích ứng Các Chỉ Thị Giáo Lý Toàn Quốc dưới ánh sáng các chương trình này khi có thể.

3/. Cần khai triển các tài nguyên trong lãnh vực cầu nguyện của gia đình, cả chính thức lẫn không chính thức, cả có tính phụng vụ lẫn chỉ là sùng kính. Các tài nguyên này tất nhiên cũng phải nhậy cảm đối với văn hóa.

4/. Cần thăm dò thêm khả năng các cặp hiện đang kết hôn dân sự hoặc đang sống với nhau có cơ khởi đầu cuộc hành trình tiến tới hôn nhân bí tích, để khuyến khích và đồng hành với họ trong hành trình này.

5/. Cần trình bày tính bất khả tiêu của hôn nhân như một ơn phúc Chúa ban hơn là một gánh nặng và tìm ra cách tích cực để nói về nó, sao cho người ta lượng giá được trọn vẹn ơn phúc này. Điều này liên quan tới vấn đề rộng lớn hơn về ngôn ngữ, vì Thượng Hội Đồng đang tìm cách lên khuôn một ngôn ngữ được Tài Liệu Làm Việc mô tả là “có tính biểu tượng”, “có tính cảm nghiệm”, “mang nhiều ý nghĩa”, “rõ ràng”, “cởi mở”, “vui tươi”, “lạc quan”“đầy hy vọng”.

6/. Cần rút tỉa sâu xa hơn và phong phú hơn từ Thánh Kinh, không phải chỉ trích dẫn các bản văn Thánh Kinh mà còn trình bày Thánh Kinh như một dạ con (matrix) cho cuộc sống hôn nhân và gia đình Kitô hữu. Giống như tại Vatican II, Thánh Kinh phải là tài nguyên hàng đầu đối với việc lên khuôn một ngôn ngữ mới để nói về hôn nhân và gia đình; và có thể dùng Tông Huấn Verbum Domini làm một tài nguyên để rút ra các gợi ý thực tiễn.

7/. Khi nói về niềm vui của đời sống hôn nhân và gia đình, ta cũng cần nói tới những hy sinh và thậm chí cả đau khổ mà đời sống này bao hàm, và do đó, cần phải đặt niềm vui vào đúng bối cảnh của nó là mầu nhiệm Vượt Qua.

8/. Cần nhìn rõ ràng hơn việc qua các thời đại, làm thế nào Giáo Hội đã tiến tới chỗ hiểu sâu sắc hơn và và trình bày chắc chắn hơn giáo huấn về hôn nhân và gia đình, một giáo huấn vốn có gốc rễ nơi chính Chúa Kitô. Giáo huấn này luôn không thay đổi nhưng việc phát biểu nó ra và việc thực hành dựa trên việc phát biểu này thì không như thế.

9/. Cần hiểu với nhiều sắc thái hơn lý do tại sao giới trẻ ngày nay lại quyết định không kết hôn hay hoãn việc kết hôn, thường là khá lâu. Tài Liệu Làm Việc trình bày sự sợ sệt như là động lực chủ chốt. Nhưng điều cũng đúng sự thật là đôi khi giới trẻ không thấy trọng điểm của hôn nhân hoặc coi nó chỉ là việc hoàn toàn có tính bản thân hay riêng tư khiến cho nghi thức công cộng trở thành không liên hệ gì với họ. Trong nhiều cách, họ còn chịu tác động bởi một nền văn hóa lựa chọn chuyên lùi bước trước việc phải đóng cửa, và thích thử nghiệm bất cứ mối liên hệ nào trước khi thực hiện cam kết cuối cùng. Các nhân tố kinh tế mạnh mẽ cũng tác động trên họ. Cho nên ta nên ý tứ đối với cách đọc quá đơn giản một hiện tượng phức tạp.

10/. Một điều mà Thượng Hội Đồng cần xem xét là đưa ra một bảng liệt kê các sáng kiến hay chiến thuật thực tiễn để nâng đỡ các gia đình và giúp đỡ những gia đình nào đang gặp khó khăn. Bảng liệt kê này phải cụ thể và phải phù hợp với đặc tính chủ yếu thực tiễn của Thượng Hội Đồng thứ hai này về hôn nhân và gia đình.

Nhiều điểm trên đây nhận được sự đồng thuận, một số điểm được thỏa thuận lớn nếu không muốn nói là gần như toàn thể, chỉ một số nhỏ các điều ấy là có bất đồng đáng kể mà thôi.

Một sự phong phú lớn và cũng là thách đố lớn trong các cuộc thảo luận của chúng tôi là các cách lên mô thức khác nhau cho hôn nhân và gia đình trong các nền văn hóa khác nhau có đại diện trong nhóm. Chắc chắn có những điểm gặp nhau, nhờ chúng tôi có cùng một cảm thức về kế hoạch của Thiên Chúa vốn được ghi khắc trong sang thế và đạt tới viên mãn trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, như Giáo Hội từng tuyên xưng. Nhưng những cách khác nhau qua đó mầu nhiệm này lên xương thịt tại các phần khác nhau trên thế giới khiến việc quân bình hóa giữa địa phương và hoàn vũ trở thành một thách đố. Đây vẫn là trách vụ bao trùm của Thượng Hội Đồng này.

IV. Nhóm D

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Thomas Christopher COLLINS

Tường trình viên: Đ ức Tổng Giám Mục Charles Joseph Chaput, O.F.M. Cap.

Các thành viên của Nhóm D nói tiếng Anh duyệt lại Phần II nhanh hơn Phần I. Chất liệu cũng đơn giản hơn. Việc làm việc với nhau và đưa ra các nhận định và sửa đổi cũng thế.

Về gia đình và sư phạm Thiên Chúa, các thành viên nghĩ rằng các suy nghĩ trong bản văn về việc đọc Sách Thánh nên được tăng cường hơn nữa. Các ngài nhấn mạnh rằng khi lắng nghe Lời Chúa, ta cần gặp gỡ nó trong ngữ cảnh Giáo Hội, thánh truyền và thẩm quyền giáo huấn của các vị giám mục. Nhiều tập quán đọc Sách Thánh vốn đã hiện diện trong nhiều nền văn hóa khác nhau của nhóm nói tiếng Anh chúng tôi. Một số nên được lồng vào bản văn. Nhiều thành viên của nhóm cổ vũ Lectio Divina, ngay cả khi nó được đọc trong bối cảnh liên tôn. Các vị khác cho rằng diễn trình Lectio Divina quá ư phức tạp đối với người thời nay. Một số vị giám mục cảm thấy cần hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa tính mới mẻ của bí tích hôn nhân Kitô Giáo và cơ cấu tự nhiên của hôn nhân từng được đưa vào kế hoạch của Thiên Chúa ngay từ đầu. Hôn nhân tự nhiên của cha ông nguyên thủy của ta cũng có trật tự ơn thánh riêng của nó.

Tài Liệu Làm Việc không định nghĩa hôn nhân ở chỗ nào cả. Đây là một thiếu sót nghiêm trọng. Nó tạo nên mơ hồ suốt cả bản văn. Phần lớn các giám mục lý luận rằng để sửa chữa, tài liệu này nên viết thêm câu định nghĩa về hôn nhân lấy từ Hiến chế Gaudium et Spes số 48 của Vatican II: “Ðấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Ðời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Ðấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau; những điều ấy hết sức quan trọng đối với sự tiếp nối nhân loại, sự phát triển cá nhân và phần rỗi đời đời của mỗi thành phần trong gia đình, quan trọng đối với phẩm giá, sự vững chãi, an bình và thịnh vượng của chính gia đình và của toàn thể xã hội loài người. Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân. Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ “không còn là hai, nhưng là một xương thịt” (Mt 19:6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly”.

Xét như một toàn bộ, bản văn trên có nhiều tầm nhìn thấu suốt về hôn nhân. Nhưng tín lý Công Giáo về hôn nhân trải dài quá nhiều đoạn. Nó cần được tóm lược một cách súc tích và thuyết phục hơn. Một vị cảm thấy rằng việc nắm bắt Thánh Kinh của bản văn sẽ được cải thiện hơn nếu theo một nền uyên bác mới mẻ hơn. Vị này cho rằng nhiều người trong chúng ta đọc Thánh Kinh với thái độ quá ư cực đoan (fundamentalist), nên các cách giải thích Thánh Kinh khác có thể hữu ích hơn. Nhiều vị khác không đồng ý và nghĩ rằng cái hiểu Thánh Kinh trong bản văn là thỏa đáng.

Một số vị cho rằng bản văn cần phát biểu ý niệm “bất khả tiêu” một cách tích cực hơn, hơn là coi nó như một gánh nặng. Nhiều vị khác cho là nguy hiểm khi nói đến giáo huấn Công Giáo chỉ như một “lý tưởng” để theo đuổi và tôn kính chứ không thực tiễn đối với cuộc sống hàng ngày. Các ngài mô tả quan điểm này như một phương thức hàm ý rằng chỉ những người “tinh sạch” mới sống Tin Mừng được, chứ người bình thường thì không thể sống được. Nhiều vị nhấn mạnh rằng ta nên luôn nói tới các nhân đức chứ không phải các giá trị. Chúng không y như nhau.

Trong chất liệu nói về gia đình và kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, bản văn thiếu sót ở chỗ đã không đặt cơ sở trên Sách Tôbia và Diễm Ca, vốn có tính sinh tử đối với việc trình bày hôn nhân theo Thánh Kinh. Các vị giám mục tỏ ý quan ngại rằng tài liệu hình như muốn trình bày việc Môsê cho phép ly dị như là một trong các giai đoạn của kế hoạch Thiên Chúa, ấy thế nhưng, ta biết chắc rằng ly dị không bao giờ là thành phần trong ý muốn của Thiên Chúa đối với nhân loại cả, mà là một hậu quả của tội nguyên tổ.

Đối với một vài đoạn mơ hồ trong bản văn, ta thấy nếu có một bản dịch tốt hơn của nguyên bản tiếng Ý, thì mọi sự sẽ được sáng tỏ hơn. Một vài vị giám mục tập chú vào ý niệm “hạt giống lời Chúa” hay “hạt giống của Lời” trong thế giới quanh ta. Trong truyền thống Giáo Hội, suy tư đã có từ Thánh Giustinô Tử Đạo này luôn tập chú vào các vấn đề văn hóa hơn là vào cuộc sống bản thân của người ta. Bản văn có khuynh hướng coi các mối liên hệ bất hợp lệ cũng chứa đựng phần nào “các hạt giống của Lời”. Một số vị giám mục cảm thấy điều này không thích đáng và lầm lẫn.

Một số cuộc thảo luận diễn ra liên quan tới ý nghĩa của các cuộc hôn nhân sắp xếp vì tập tục này hiện nay vẫn đang tiếp diễn. Các cuộc hôn nhân này đôi khi xem ra thiếu sự thuận tình của những người lấy nhau. Nhưng điều mà tập tục này muốn cho hiểu một cách đặc trưng hơn là thế này: trọn cả gia đình can dự vào toàn diện diễn trình hôn nhân và đời sống gia đình. Nhiều nền văn hóa khác cho rằng “các gia đình kết hôn với nhau”, chứ không phải chỉ các cá nhân mới thề hứa kết hôn mà thôi. Một số vị giám mục coi đây là một ý niệm phong phú. Nó nên được đánh giá tốt hơn.

Nhiều vị giám mục đặt câu hỏi liên quan tới việc dùng kiểu nói “Tin Mừng Gia Đình”. Điều này thực ra có nghĩa gì? Bản văn không cung cấp câu trả lời nào cả. Kiểu nói này phát xuất từ Lá Thư Gửi Các Gia Đình năm 1994, số 23, của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Liên quan tới số 48 của bản văn, phần lớn cuộc thảo luận bàn đến các hình thức khác nhau của việc gia đình làm chứng cho việc sống hiệp thông của họ như một Giáo Hội tại gia. Ngoài những điều đã được liệt kê trong Tài Liệu Làm Việc, đây là một số gợi ý:

– Làm chứng cho sự thánh thiện trong việc cầu nguyện.

– Làm chứng cho việc không tự qui chiếu vào chính mình.

– Làm chứng cho việc mẫn cảm đối với các vấn đề môi sinh.

– Làm chứng cho việc cùng nhau sống bác ái, trong cuộc sống chung hàng ngày.

Các giám mục cảm thấy rằng các hành động trên nên được coi như hoa trái của phép rửa và phép thêm sức. Nhiều vị trong nhóm chúng tôi nói tới việc bản văn cần liệt kê các hình thức sùng kính vừa thăng tiến vừa nói lên cuộc sống và linh đạo gia đình. Chuỗi Mân Côi đã chiếm trọng điểm trong cuộc thảo luận; cả sự quan trọng của việc cha mẹ đọc Sách Thánh cho con cái nghe, và anh chị em đọc Sách Thánh cho nhau nghe cũng thế. Các giám mục nhấn mạnh giá trị của việc gia đình cùng nhau tham dự Phép Thánh Thể Chúa Nhật và các cử hành phụng vụ khác, và ngạc nhiên khi thấy bản văn không tập chú vào việc này một cách chi tiết hơn. Một số vị đề nghị: các thực hành lòng đạo đức bình dân khác nhau cần được liệt kê như là các biểu thức nói lên các việc sùng kính của gia đình. Một số vị giám mục ghi nhận sự quan trọng của phụ nữ trong đời sống Giáo Hội và việc cần tập chú hơn nữa vào việc dành cho họ các vai trò lãnh đạo thích đáng. Một số vị cảm thấy bản văn nên nhậy cảm hơn đối với các phụ nữ bị lạm dụng bởi người chồng hay bên trong gia đình và do đó trĩu thêm gánh nặng. Một vị cảm thấy: đôi khi rất khó cho các người hiện sống trong các hoàn cảnh đau lòng coi các gia đình gương mẫu là tích cực được. Các gia đình gương mẫu có thể làm họ sợ hơn là giúp họ thấy ra khả thể chính họ sống được cách đó. Các vị giám mục cho biết: bản văn nên trình bày các lý do giáo luật của việc vợ chồng ly thân với nhau và lý do cho việc họ xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Chúng ta cần thực tiễn trước các vấn đề hôn nhân hơn là chỉ đơn giản khuyến khích người ta ở lại với nhau. Một lần nữa, bạo hành chống các phụ nữ đã là phần chủ yếu của cuộc thảo luận.

Một vị giám mục nhấn mạnh rằng các linh mục không được đào tạo để làm huấn đạo viên về hôn nhân. Nếu tự trình bày mình như thế, các ngài có nguy cơ tạo rắc rối về luật pháp cho các Giáo Hội địa phương của mình. Các linh mục nên tránh việc huấn đạo hôn nhân, thay vào đó, chỉ chú tâm vào việc hướng dẫn thiêng liêng mà thôi. Về vấn đề tại sao giới trẻ sợ kết hôn, nhiều vị giám mục nhận xét rằng giới trẻ sợ thất bại trong bất cứ phạm vi sống nào. Thừa tác vụ giới trẻ tại các giáo xứ và các giáo phận nên giúp các cặp trẻ tuổi hiểu giá trị của hôn nhân. Chúng ta cần tập chú vào lời khuyên của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là đừng sợ và cũng phải ý thức rằng trong Tin Mừng, Chúa Giêsu từng chăm sóc các cặp vợ chồng trẻ mà cuộc cử hành hôn nhân của họ sắp hết rượu. Chúa luôn chăm sóc những cặp vợ chồng trẻ biết tín thác nơi Người trên đường đời.

Nhóm D nhất trí chấp thuận bản tường trình này. Nhóm chúng tôi có đặc điểm là hết sức đa dạng và có nhiều tầm nhìn khác nhau: 29 người, trong đó có 21 người là giám mục, phát xuất từ 20 quốc gia. Các vị giám mục đưa ra nhiều đề nghị thay đổi trong bản văn. Các ngài sẽ đem những đề nghị vào nhiều sửa đổi khác nhau.

***

PHÚC TRÌNH CÁC NHÓM NÓI TIẾNG PHÁP

 

I. Nhóm A

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Gérald Cyprien LACROIX

Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Laurent ULRICH

Buổi sáng thứ nhất của chúng tôi bắt đầu bằng một cuộc chia sẻ về cuộc sống giữa chúng tôi. Vị điều hợp viên của chúng tôi đề nghị chúng tôi nói cho nhau, các giám mục, các dự thính viên và các chuyên viên, nghe đời sống gia đình của mỗi người chúng tôi, tuổi thơ của chúng tôi trong gia đình, đã ghi dấu chúng tôi ra sao. Những gì chúng tôi đã ghi nhớ được từ tấm gương của cha mẹ chúng tôi, những gì các ngài đã giúp chúng tôi sống và đào tạo chúng tôi. Và, trong ít lời, mỗi người đã đi rất sâu vào kinh nghiệm nhân bản và tâm linh của mình. Hiển nhiên đây không phải là nơi để thuật lại bất cứ những gì diễn ra trong cuộc chia sẻ này, nhưng chỉ xin nhấn mạnh rằng điều chúng tôi từng sống trong gia đình của mình, ngay từ đầu đời mình, đã chứng kiến ơn gọi của chúng tôi nẩy sinh và cung cách mỗi người chúng tôi đáp lại ơn gọi này. Chính vì thế, việc làm của chúng tôi đã bắt đầu bằng hành vi tạ ơn.

Rồi chúng tôi xem xét toàn bộ phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc. Và chúng tôi xin được đưa ra các nhận xét sau đây:

Chúng tôi đánh giá cao việc khoảng ba mươi số đoạn này đã cho phép thực hiện một tổng hợp để hôm nay trình bày tin vui về chủ đề đời sống gia đình, và chúng tôi thiển nghĩ phần này quả thực là cần thiết. Không hẳn là việc làm lại trọn bộ nền thần học về hôn nhân và gia đình, vì các trang này không phải là một khảo luận và không thể có tham vọng làm một khảo luận. Nhưng điều được đòi hỏi và mong đợi là Thượng Hội Đồng này nói lên các khía cạnh nổi bật nhất và khẩn thiết nhất của tin vui này, một tin vui mà chúng ta không dành riêng cho một mình người Công Giáo, nhưng chúng ta có thể và muốn cung hiến cho mọi con người làm nguồn hy vọng. Về khía cạnh này, chúng tôi đánh giá cao các đoạn trực tiếp phát xuất từ Thượng Hội Đồng đặc biệt năm 2014, nhất là các số 37, 39, 41 và 44, dù chúng tôi có đưa vào đó một số sửa đổi.

Công việc thực hiện tuần trước về phần thứ nhất, đã cho phép nhấn mạnh sự phong phú lớn lao và sự đa dạng văn hóa cũng như các vấn nạn theo từng vùng trên thế giới. Tiện thể, chúng ta nên lưu ý điều này: việc sống chung và hôn nhân dân sự đã được nhắc đến khá nhiều lần; muốn đầy đủ với tính đa dạng này, đã có lời yêu cầu phải luôn kể thêm vào đây những cuộc hôn nhân theo phong tục.

Nhưng dù không phải nơi nào chúng ta cũng đương đầu với cùng những vấn đề như nhau, tính hợp nhất trong giáo huấn của ta về gia đình, ở đây, cũng vẫn cần được phát biểu cách rõ ràng như là một dính kết sống động với Đấng Cứu Rỗi và Là Đức Chúa duy nhất của mọi người.

Để thuận lợi hóa sự hợp nhất về giáo huấn này, cần phải nói rằng phần này chưa được xây dựng một cách vững mạnh đủ trên Thánh Kinh. Chúng tôi yêu cầu điều này: để phù hợp với giáo huấn của Hiến chế Dei Verbum, điều cần được quả quyết ở đây phải chủ yếu dựa vào Lời Thiên Chúa.

Chắc chắn, chính ý niệm “sư phạm Thiên Chúa” cũng phải được mô tả hơn nữa bằng cách tuân theo quá trình từ mạc khải của giao ước đầu tiên qua giao ước mới. Các trình thuật đầu tiên, rồi các lời kêu gọi tiên tri phải trung thành không thể im lặng bỏ qua được. Chúng tôi ghi nhận lời kêu gọi mà chúng tôi đã nghe được ngay ở đây trong Đại Sảnh này rằng trong tài liệu trình bày này phải tìm chỗ để nhắc tới các sách khôn ngoan, tới sách Diễm Ca. Và chúng tôi mong muốn rằng ta không nên chỉ tham chiếu vài ba lời rất nổi tiếng của Tin Mừng để tóm lược giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng phải nhấn mạnh tới nhiều cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các gia đình và các thực tại gia đình của cuộc sống: việc chào đón Người dành riêng cho trẻ em, việc lưu tâm Người dành cho các người cha năn nỉ Người tới chữa lành cho đứa con, lời kêu gọi Người ngỏ với các đám đông để họ trở nên gia đình của Thiên Chúa bằng cách lắng nghe lời Người và đem nó ra thực hành. Và có lẽ điều này nữa: bắt đầu với việc nhắc nhớ rằng Chúa Giêsu đã sống phần lớn đời của Người trong cảnh tầm thường của một cuộc sống gia đình.

“Sư phạm Thiên Chúa” đã tự mặc khải bằng việc làm suốt trong mạc khải Thánh Kinh; và nó tiếp tục được Giáo Hội cảm nghiệm trong cách thế nó hiện diện với các cặp vợ chồng và các gia đình, để giúp họ trên đường đời, trong hân hoan cũng như trong thử thách, trong hành vi tạ ơn cũng như trong lúc cầu xin tha thứ, trong việc xây dựng sự hợp nhất của họ cũng như trong việc dấn thân phục vụ toàn bộ xã hội.

Chúng tôi cũng muốn rằng bản văn này, dù chắc chắn phát xuất từ nhiều nguồn khác nhau (nhất là bản Relatio Synodi [tường trình sau cùng của Thượng Hội Đồng năm 2014] và những đóng góp lần lượt được thêm vào trong một năm qua) sẽ biểu lộ được một sự thống nhất nhiều hơn về quan niệm, và nhất là nó đừng bị ngắt quãng nhiều lần bởi các xem xét, không luôn luôn đồng nhất với nhau, đối với tính bất khả tiêu như thể đây là lo âu duy nhất của chúng ta.

Chúng tôi cũng thấy hiện đang có cơn cám dỗ muốn đi quá nhanh vào các định hướng mục vụ của phần ba, và điều này xâm hại tới tính thống nhất và tính dễ đọc của bản văn. Thí dụ, chúng tôi thấy đáng lưu ý việc người ta khai triển lời mời phải tiếp xúc nhiều hơn với Lời Thiên Chúa trong gia đình, nhưng có lẽ việc này hơi quá sớm khi việc này xuất hiện ngay ở đoạn hai của phần này (số 38). Do dó, chúng tôi xin đề nghị sắp xếp lại chương một của phần này vì cách tổ chức thứ tự hiện nay không rõ ràng lắm.

Sau cùng, chúng tôi yêu cầu, và đã đưa ra các sửa đổi theo chiều hướng này, rằng ta nên nói nhiều đến lòng trung thành và tính bất khả tiêu như một ơn phúc và như một lời kêu gọi, hơn là như những hạn từ luật lệ chỉ bổn phận. Không nên quan niệm chúng như những điều chồng lên trên cam kết, mà đúng hơn như những điều được hội nhập sâu xa vào ngôn ngữ yêu thương và bao gồm trong chiều kích thần học của nó. Nên nói đến hôn nhân trước nhất như ơn gọi và lời mời hiệp thông. Ước chi ta cũng nói tới gia đình bằng các hạn từ ơn gọi và trong tất cả những điều này, ta thấy và khai triển được một quan niệm về tình yêu nhân bản trong tình yêu Thiên Chúa vốn đã được mạc khải cho ta.

II. Nhóm B

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Robert SARAH

Tường trình viên: Cha Francois-Xavier DUMORTIER, S.J.

Tôi muốn diễn tiến với ba phần: 1) Việc làm của chúng tôi; 2) Một vài xem xét tổng quát; 3) Một số suy tư.

1. Việc làm của chúng tôi

Khảo sát phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc: “biện phân ơn gọi gia đình” đòi chúng tôi đọc bản văn và việc đọc này đã dẫn tới:

– Việc soạn thảo một lần nữa các sửa đổi: 18 sửa đổi đã được bỏ phiếu;

– Việc đề nghị một cấu trúc mới cho chương thứ nhất;

– Việc quyết định điều này: nhiều số đáng lẽ ra nên thuộc phần thứ ba và cuối cùng có thể tổng hợp vào đó;

– Việc buộc phải đương đầu với khó khăn sửa đổi một số yếu tố trong bản văn trong lúc vẫn phải tôn trọng kết cấu hiện tại của Tài Liệu Làm Việc.

2. Một số xem xét tổng quát

Có tất cả bốn xem xét:

2.1. Chúng tôi ước mong bản văn nên được diễn tả nhiều hơn bằng ngôn ngữ thần học Thánh Kinh; hơn nữa, chúng tôi nhất trí nghĩ rằng phần Thánh Kinh của chương thứ nhất đòi một sự thay đổi sâu xa và một việc viết lại hoàn toàn là những việc không thể làm được bằng việc đưa ra các sửa đổi;

2.2. Điều quan trọng là bản văn cuối cùng phải rõ ràng và đơn giản, tránh hàm hồ và hiểu lầm rất có hại cho việc hiểu ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay;

2.3. Chắc chắn điều cần là phải xét tới tính mỏng dòn, các khó khăn và đau khổ của gia đình, nhưng không nên đánh gía quá đáng tình huống hiện nay, bằng cách nhớ rằng các vấn nạn này luôn hiện hữu. Việc nhấn mạnh tới chiều kích thực tại gia đình này đã dẫn tới việc phải nhấn mạnh điều này: Giáo Hội đồng hành với mọi con cái của mình, và Giáo Hội phải công bố Tin Mừng và lời của Tin Mừng kêu gọi quay về với Chúa Kitô một cách mạnh mẽ và đầy yêu thương trong việc kính trọng mọi người. Việc tiếp nhận “ơn gọi gia đình” được nhận biết và sống nhờ ánh sáng và sức mạnh của ơn thánh Chúa;

2.4. Cái nhìn hướng về Chúa Giêsu và việc lắng nghe lời Người không dẫn ta tới việc hiểu Tin Mừng gia đình như một gánh nặng gồm những đòi hỏi nặng nề, mà như lời mời sống trong tự do và niềm vui đức tin, sự thật và vẻ đẹp của gia đình. Như Đức Thánh Cha từng nhắc nhở chúng ta “rất nhiều gia đình sống cuộc hôn nhân của họ như một không gian nơi tình yêu Thiên Chúa tự biểu lộ để bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống, tính đơn nhất và bất khả tiêu của dây hôn phối như là dấu chỉ ơn thánh của Thiên Chúa và khả năng yêu thương nghiêm túc của con người”.

3. Một số suy tư

Các suy tư này cũng là bốn:

3.1. Một trong các vấn đề thời sự và hết sức chủ yếu là tự hỏi xem làm thế nào hướng dẫn người ta, nhất là giới trẻ, khám phá ra ý nghĩa và sự quan trọng của hôn nhân Kitô Giáo trong khi họ khó có thể thấy các lý do và cùng đích của nó. Bởi thế, các nghị phụ đã nhấn mạnh tới con số sa sút các cuộc hôn nhân cử hành tại một số giáo xứ của các thành phố lớn ở Âu Châu.

3.2. Chúng tôi đã làm mạnh thêm những gì Tài Liệu Làm Việc nói về sự quan trọng của việc cầu nguyện trong gia đình để có thể sống con đường phát triển đời sống bên trong và thâm hậu hóa chiều kích thiêng liêng của đời sống gia đình. Là Giáo Hội tại gia, gia đình quả đươc mời để sống lời kêu gọi tiến tới sự thánh thiện, tự tìm lại mình và tụ tập với nhau nhân danh Chúa Giêsu Kitô để được nuôi dưỡng bằng lời của Người, để sống sự tha thứ, để thông truyền đức tin và để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô;

3.3. Nhờ suy nghĩ về gia đình theo giáo huấn của Giáo Hội, chúng tôi đã nhất trí bỏ phiếu chấp nhận một sửa đổi như sau: “Việc công bố Tin Mừng gia đình ngày nay đòi Huấn Quyền phải can thiệp để đơn giản hóa và làm cho gắn bó hơn học lý thần học và giáo luật hiện hành về hôn nhân”;

3.4. Từ khi bắt đầu các cuộc trao đổi của chúng tôi và trong nhiều chỉnh sửa, chúng tôi đã hoàn toàn tán trợ điều Tài Liệu Làm Việc coi là cần thiết phải cổ vũ gia đình “như chủ thể của hành động mục vụ”. Sự chuyển dịch từ gia đình như đối tượng của hành động mục vụ sang gia đình như chủ thể của hành động mục vụ chắc chắn là một trong những đóng góp chủ yếu của Thượng Hội Đồng này vào đời sống Giáo Hội.

III. Nhóm C

Điều hợp viên: Đức Cha Maurice PIAT (Dòng Chúa Thánh Thần)

Tường trình viên: Đức Cha Paul-André DUROCHER

Kính thưa Đức Thánh Cha, anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Như mọi nhóm khác, nhóm chúng con đã đệ nạp cho Ủy Ban Soạn Thảo một số sửa đổi liên quan tới phần hai của Tài Liệu Làm Việc. Tuy nhiên, ngoài các sửa đổi ra, chúng con tin rằng bản văn này cần được phát biểu lại cho sâu sắc hơn, vì ba lý do sau đây:

1/. Trong tính năng động của phương pháp nhìn xem – phán đoán – hành động, phần hai này là phần phải dẫn tới việc bám sâu sự biện phân của chúng ta trong viễn kiến toàn bộ của Mặc Khải. Do đó, Thánh Kinh và Thánh Truyền sống động của Giáo Hội phải xuyên suốt bản văn này từ đầu tới cuối.

2/. Theo chủ đề của Thượng Hội Đồng này, ta phải biện phân không những ơn gọi mà cả sứ mệnh của gia đình nữa. Theo chúng con, không nên dành cho phần ba việc biện phân sứ mệnh này. Phần ba phải chỉ cho thấy các hướng hành động mục vụ cho viễn kiến và sứ mệnh của gia đình mà ta đã biện phân được ở phần hai.

3/. Các tương phản tiềm ẩn trong bản văn của Tài Liệu Làm Việc phải được vượt qua bằng một phương thức thống nhất hơn: thí dụ, giữa thần học và mục vụ, giữa trọn vẹn và thương tích, giữa sự thật và lòng thương xót. Chúng ta đừng để mình bị kẹt trong các tương phản và nhượng bộ giả tạo chỉ phát sinh ra lẫn lộn mơ hồ.

Để phát biểu lại như đề nghị, chúng con đã soạn một lời mở đầu cho phần hai này, một lời mở đầu như để “dọn bàn”, có thể nói như thế, và đưa ra một cái khung tham chiếu để khởi từ đó ta đọc từng đoạn của bản văn này. Vậy thì đây là lời mở đầu mà chúng con xin đề nghị trong một sửa đổi nộp cho ủy ban soạn thảo:

Để biện phân và đồng hành với ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong rất nhiều tình huống mà chúng ta đã gặp ở phần một, chúng ta cần một la bàn chắc chắn để hướng dẫn cái nhìn và bước đi của ta. La bàn này chính là Lời Thiên Chúa trong lịch sử, một lịch sử mà đỉnh cao là Chúa Giêsu Kitô, là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” cho mọi gia đình và mọi con người nam nữ trong bất cứ tình huống nào. Như thế, trong giai đoạn suy tư này của chúng ta, chúng ta lắng nghe những gì Giáo Hội dậy về gia đình dưới ánh sáng của việc Giáo Hội thông truyền Thánh Kinh. Chúng ta xác tín rằng Lời Thiên Chúa này nối kết mọi mong chờ sâu xa nhất của trái tim khát khao yêu thương và thương xót của con người. Lời này có thể làm sống dậy nơi con người nhân bản các khả thể hiến tặng và tiếp nhận có thể chữa lành các cõi lòng tan nát và soi sáng những tinh thần bị sỉ nhục.

Dưới ánh sáng trên, chúng ta tin rằng Tin Mừng gia đình đã khởi đầu với việc sáng tạo ra con người, có nam có nữ, giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng vốn là Tình Yêu và là Đấng mời gọi vào tình yêu “theo sự giống như Người”(St 1:26). Ơn gọi của cặp vợ chồng và của gia đình bước vào hiệp thông tình yêu và sự sống kéo dài suốt mọi giai đoạn trong kế sách của Thiên Chúa, bất chấp các giới hạn và lầm lỗi nhân bản. Thực vậy, ơn gọi này, ngay từ đầu, đã được xây dựng trên chính Chúa Kitô Cứu Chuộc. Người đã phục hồi và hoàn thiện giao ước phu phụ từ nguyên ủy, Người chữa lành trái tim con người, Người ban cho trái tim này khả năng yêu đương như Người yêu Giáo Hội bằng cách hiến mình cho Giáo Hội (Ep 5:32 tt).

Ơn gọi này nhận được tư cách Giáo Hội và truyền giáo của nó nhờ việc cử hành bí tích hôn phối, một cử hành thánh hiến dây hôn phối bất khả tiêu giữa hai người phối ngẫu. Sợi dây bí tích này được thiết lập bởi việc trao đổi các lời ưng thuận. Việc trao đổi này, đối với các người phối ngẫu, có nghĩa việc họ hỗ tương hiến mình và tiếp nhận lẫn nhau, một cách toàn diện và dứt khoát, để chỉ còn tạo nên “một xương một thịt” (St 2:24). Được Chúa Thánh Thần đóng ấn, cuộc kết hợp phong phú của họ thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội. Dọc dài suốt cuộc sống gia đình, nó trở thành nguồn ơn thánh đa dạng, ơn chữa lành và tha thứ, ơn hoa trái và làm chứng. Được thiết lập như thế, gia đình phúc âm hóa bằng chính hữu thể của mình, một hữu thể nẩy nở trong “cộng đồng sự sống và tình yêu”. Trong cộng đồng này, Chúa Kitô cư ngụ với các người phối ngẫu và đồng hành với họ trên đường từ Giêrusalem tới Emmau, nhưng cũng và trên hết từ Emmau về lại Giêrusalem trong ánh sáng phục sinh và việc bẻ bánh của Người.

Lòng thương xót đầu tiên của Thiên Chúa mà Giáo Hội công bố cho gia đình chính là dây liên kết của nó với Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu đã liên kết một cách bất khả phân Thiên Chúa Ba Ngôi và gia đình bằng việc Người nhập thể trong Thánh Gia Nazaret. Trong Người, sự thật và lòng thương xót đã kết hợp với nhau cách bất khả phân. Chúa Giêsu đã thương xót bằng cách tỏ cho gia đình thấy con đường sự thật và sự sống thế nào, thì Người cũng hay cứu giúp bằng cái nhìn nhân hậu và thái độ thương xót như thế đối với tất cả mọi người và mọi tình huống dù không đúng sự thật bao nhiêu. Thượng Hội Đồng muốn được cung hiến cho dân Chúa một sự sáng sủa về sự thật của gia đình theo Tin Mừng. Lòng thương xót đã được hứa ban cho mọi gia đình, bất luận mức độ chúng gần hay xa đối với sự thật này. Người ta không thể hiểu Tin Mừng cách khác được.

Một số xác tín khác cũng đã đến với chúng con ở lúc kết thúc chu kỳ trao đổi thứ hai này.

– Các kinh nghiệm mục vụ được trao đổi trong nhóm của chúng con đã thuyết phục chúng con rằng trong Giáo Hội, nói tới các gia đình là nói tới một thực tại nhân bản vốn được ghi khắc trong thời gian và trong không gian. Mỗi gia đình đều có các gia phả của họ, những gia phả bám rễ sâu trong một lịch sử và trong một nền văn hóa. Mỗi gia đình được thiết lập bởi người đàn ông này và người đàn bà này, những người nối kết số phận mình lại với nhau và phó thác nó cho Chúa Kitô, Đấng muốn cả hai người đều được sống dồi dào. Lịch sử đời họ và tình yêu của họ, việc họ dấn thân cho nhau cách trung thành, ý chí thể hiện nhiệm cục phép rửa bằng giao ước hôn nhân của họ, việc thiết lập “mái ấm” của họ và việc giáo dục con cái họ, tất cả những điều này được gánh lấy và trải qua từ từ nhờ sức mạnh của lòng thương xót Chúa. Do chính sự hiện hữu của nó, sứ mệnh của gia đình là làm chứng cho lời kêu gọi không ngừng bám rễ sâu các giao ước nhân bản của ta trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô.

– Lịch sử con người trên đường đi tìm hạnh phúc, hiện nay và ở thời Thánh Kinh, vẫn hết sức phức tạp, tạo thành bởi hân hoan và đau đớn, hy vọng và thất vọng, trung thành và bỏ rơi. Các lịch sử này đều được đánh dấu bởi bối cảnh văn hóa của chúng. Đôi khi chúng cũng là dịp của những thử thách khó khăn đầy thất bại và lầm lẫn. Tính phức tạp này là nơi và là dịp để mầu nhiệm thương xót của Chúa biểu lộ. Vì Thiên Chúa định vị mỗi lịch sử gia đình này và sắp xếp chúng với nhau trong nền trời hiệp thông Nước Chúa từng được Chúa Kitô hứa hẹn và thể hiện.

– Bởi thế, chúng con ước mong rằng Thượng Hội Đồng này sẽ mở ra một thời kỳ để các nhà thần học và các mục tử kiên nhẫn tìm tòi với ý định cùng nhau thiết lập ra các tiêu mốc đúng đắn cho một nền mục vụ gia đình, một nền mục vụ biết diễn dịch Tin Mừng gia đình trong chân trời hiệp thông này. Chúng ta ít cần các sắp xếp đối với kỷ luật phổ quát cho bằng cần một căn bản vững chắc để suy nghĩ và dấn thân mục vụ. Như thế, trong mỗi Giáo Hội đặc thù của ta, các mục tử của ta, các cộng đồng của ta và các gia đình của ta sẽ biết cách tốt hơn tự biến mình thành tiếng vang của lòng tín thác không mệt mỏi vào Thiên Chúa trong khả năng sống hiệp thông của con người. Tính đơn nhất của hôn nhân bí tích chính là dấu chỉ ưu việt của sự hiệp thông này. Chúng con xin cám ơn.

***

PHÚC TRÌNH NHÓM NÓI TIẾNG ĐỨC

 

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Christof SCHONBORN

Tường Trình Viên: Đức Tổng Giám Mục Heiner KOCH

Chúng tôi đã thảo luận sâu rộng các ý niệm, vẫn luôn được coi như chống chọi nhau, là thương xót và sự thật, ơn thánh và công lý, và mối tương quan thần học giữa chúng với nhau. Nơi Thiên Chúa, chúng không hề chống chọi nhau: vì Thiên Chúa là tình yêu, nơi Người công bình và thương xót chỉ là một. Lòng thương xót của Thiên Chúa là sự thật nền tảng của mạc khải của Người, không hề chống chọi đối với các sự thật khác của mạc khải. Đúng hơn, nó vén mở cho ta nền tảng sâu xa nhất của mạc khải, vì nó cho ta hay tại sao Thiên Chúa lại tự đổ mình ra nơi Con một của Người và tại sao Chúa Giêsu Kitô, bằng lời nói và bằng các bí tích của Người, đang hiện diện và ở lại để cứu chuộc ta trong Giáo Hội của Người. Qua việc này, lòng thương xót của Thiên Chúa tỏ cho ta thấy lý do và mục đích của toàn bộ công trình cứu chuộc. Công lý của Thiên Chúa chính là lòng thương xót của Người, với nó, Người đã làm ta ra công chính.

Chúng tôi cũng xét xem việc đi sâu vào nhau này đem lại những hậu quả nào cho việc chúng ta đồng hành với hôn nhân và gia đình. Nó đòi phải loại bỏ việc giải thích một chiều, theo lối diễn dịch, là lối rút các tình huống cụ thể từ một nguyên tắc tổng quát. Theo chiều hướng của Thánh Tôm Aquinô và cũng là của Công Đồng Trent, người ta mong áp dụng các nguyên tắc nền tảng vào từng tình huống chuyên biệt, thường là phức tạp, một cách thận trọng và khôn ngoan. Ở đây, người ta không nói tới các ngoại lệ, mà Lời Thiên Chúa vốn không áp dụng, mà là nói tới việc áp dụng công bình và thích đáng lời lẽ của Chúa Giêsu một cách thận trọng và khôn ngoan, thí dụ, lời Người nói về tính bất khả tiêu của hôn nhân. Thánh Tôma Aquinô minh họa sự cần thiết của việc áp dụng cụ thể như sau: “việc tùy thuộc sự thận trọng không chỉ có nghĩa phải xem xét lý do, mà cả việc áp dụng vào hành động nữa, một việc vốn là cùng đích của lý trí thực tiễn”.[1]

Một khía cạnh khác được chúng tôi thảo luận là chủ đề tiệm tiến dẫn người ta tới bí tích hôn nhân như nhiều lần được nhắc đến trong chương ba của phần thứ hai Tài Liệu Làm Việc, từ các mối liên hệ không chính thức tới những cặp sống chung không cheo cưới tới những cặp kết hôn dân sự và sau cùng tới cuộc hôn nhân bí tích và có tính bí tíc theo Giáo Hội. Đồng hành với những người này trên những bước khác nhau về mục vụ là một trách nhiệm mục vụ lớn lao, nhưng cũng là một niềm vui.

Điều cũng đã trở nên rõ ràng đối với chúng tôi là trong nhiều cuộc thảo luận và nhận xét, chúng tôi suy nghĩ một cách quá tĩnh, không đủ tính lịch sử và đời người (biographically-historically). Giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân đã theo lịch sử mà phát triển và được thâm hậu hóa. Khởi đầu, nó tìm cách nhân bản hóa hôn nhân, nhờ thế mà có xác tín về đơn hôn. Dưới ánh sáng đức tin Kitô Giáo, phẩm giá bản thân của các người phối ngẫu được nhìn nhận một cách sâu sắc hơn và hình ảnh Thiên Chúa nơi con người được nhận thức qua mối tương quan đàn ông đàn bà. Bước tiếp theo, một Giáo Hội học về hôn nhân đã được đào sâu, và hôn nhân được hiểu như một Giáo Hội tại gia.
Cuối cùng, bản chất bí tích của hôn nhân được Giáo Hội hoàn toàn ý thức. Ngày nay, con đường thâm hậu hóa có tính lịch sử này cũng đang được phản ảnh trong tiểu sử nhiều con người. Thoạt đầu, họ được đánh động bởi chiều kích nhân bản của hôn nhân, sau đó, họ được thuyết phục bởi viễn kiến Kitô Giáo về hôn nhân trong đời sống Giáo Hội, và từ đó, họ tìm ra đường cử hành hôn nhân bí tích. Việc phát triển có tính lịch sử của giáo huấn Giáo Hội cần tới thời gian như thế nào, thì phương thức mục vụ cũng phải dành thời gian cho người ta chín mùi trên đường tiến tới cuộc hôn nhân bí tích của họ như thế, chứ không thể hành động theo nguyên tắc “tất cả hay không gì cả”.

Chính ở đây, người ta thấy ý niệm về một “diễn trình năng động”[2] đang khai triển phải được thăng tiến, một ý niệm từng được Đức Gioan Phaolô II trình bày trong Familiaris Consortio: “Quan tâm mục vụ của Giáo Hội sẽ không chỉ tự giới hạn vào các gia đình Kitô hữu hiện nay; nó sẽ kéo dài tới tận chân trời của nó, phù hợp với Trái Tim Chúa Giêsu, và sẽ tự chứng tỏ là sống động hơn nữa đối với các gia đình nói chung và cách riêng đối với các gia đình đang rơi vào các tình huống khó khăn hay bất hợp lệ”.[3] Giáo Hội không tránh khỏi thấy mình rơi vào một căng thẳng ở đây, giữa một đàng là giáo huấn nhất thiết rõ ràng về hôn nhân và gia đình, và đàng kia là trách nhiệm mục vụ cụ thể phải đồng hành với người ta và thuyết phục họ, khi lối sống của họ chỉ một phần phù hợp với các nguyên tắc căn bản của Giáo Hội. Với họ, Giáo Hội phải bước theo con đường dẫn tới một cuộc sống hôn nhân và gia đình viên mãn như là tin mừng các lời hứa gia đình.

Để đạt được điều trên, ta cần phải có một nền chăm sóc mục vụ nhắm vào con người, và bao gồm như nhau tính qui phạm của giáo huấn Giáo Hội và tính nhân vị của con người nhân bản, lưu ý tới khả năng của con người có thể đào tạo được lương tâm và củng cố trách nhiệm của mình. “Vì, trong trái tim họ, con người có một luật lệ được Thiên Chúa viết sẵn ở đó; vâng phục luật lệ này chính là phẩm giá của họ; họ sẽ được phán xét theo đó. Lương tâm là cốt lõi bí nhiệm nhất và là cung thánh của con người. Ở đó, họ một mình với Thiên Chúa; tiếng Người vang vọng tận thẳm sâu nhất của họ”.[4]

Hơn nữa, chúng tôi yêu cầu bản cuối cùng của văn kiện này nên xem xét hai khía cạnh:

Không nên có bất cứ ấn tượng nào rằng Thánh Kinh chỉ được dùng như một nguồn trích dẫn cho các xác tín thuộc tín điều, luật lệ hay đạo đức học mà thôi. Lề luật của Tân Ước là công trình của Chúa Thánh Thần nơi trái tim tín hữu.[5] Lời viết phải được tích nhập vào Lời Hằng Sống vốn ngự cư nơi Chúa Thánh Thần trong trái tim con người. Điều này đem lại cho Thánh Kinh một sức mạnh thiêng liêng sâu rộng.

Sau cùng, chúng tôi vật lộn với ý niệm hôn nhân tự nhiên. Trong lịch sử nhân loại, hôn nhân tự nhiên này luôn được văn hóa lên khuôn. Ý niệm hôn nhân tự nhiên có thể bao hàm điều này: có một hình thức sống tự nhiên cho nhân loại mà không cần bất cứ ảnh hưởng sâu rộng nào của văn hóa. Do đó, chúng tôi đề nghị nên viết thế này: “hôn nhân, như được đặt căn bản trên Tạo Dựng”.

 

 


[1] STh II-II 47.3: “ad prudentiam pertinet non solum consideratio rationis, sed etiam applicatio ad opus, quae est finis practicae rationis”.

[2] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấn Familiaris Consortio, 22-11-1981, số 9

[3] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấn Familiaris Consortio, 22-11-1981, số 65

[4] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 16

[5] Xc. Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, các số 1965-1966