Thượng Hội Đồng Giám Mục: Phúc Trình Thảo Luận Nhóm Phần Thứ Ba

0
998


Vinc. Vũ Văn An

 

LTS: Ngày 17 tháng 10, Tòa Thánh đã bắt đầu cho công bố các bản tường trình các cuộc thảo luận về phần thứ ba của Tài Liệu Làm Việc do 13 Nhóm Nhỏ của Thượng Hội Đồng về Gia Đình đệ trình. Sau đây là bản dịch của các bản tường trình theo các nguyên bản tiếng Anh của Tòa Thánh.

***

PHÚC TRÌNH CÁC NHÓM NÓI TIẾNG ANH

I. Nhóm A

Điều hợp viên: Đức Hồng Y George Pell

Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Joseph Edward Kurtz

Sứ mệnh của gia đình, người hàng đầu loan báo Tin Mừng, cả trong gia đình lẫn bên ngoài gia đình, phát xuất từ lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Được hướng dẫn bởi Lời Thiên Chúa, Huấn Quyền và sự thúc đẩy liên tục của Chúa Thánh Thần cũng như được nâng đỡ bởi Bí Tích Hôn Phối, các gia đình được giúp đỡ để trở thành các môn đệ truyền giáo của tình yêu và lòng thương xót Thiên Chúa tại bất cứ nơi nào họ hiện diện. Sứ mệnh gia đình bao trùm tình yêu vợ chồng, việc giáo dục con cái, việc trung thành sống thực Bí tích, việc chuẩn bị hôn nhân cho các cặp khác, việc đồng hành trong thân hữu và đối thoại với các cặp hay các gia đình đang gặp khó khăn, và việc tham dự vào đời sống cộng đồng của Giáo Hội. Khi mở lòng mình ra trước các nhu cầu gần xa, các gia đình đã biết cách nhập thân lời lẽ sau đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm tới sự khốn cùng của con người, chạm tới thân xác đau đớn của người khác… và bước vào thực tại đời sống của người khác và biết sức mạnh của lòng nhân hậu. Bất cứ khi nào ta làm thế, đời ta cũng trở nên phức tạp một cách kỳ diệu và ta cảm nghiệm được một cách thâm hậu thế nào là một dân tộc, thế nào là thành phần của một dân tộc”.[1]

Dù ơn phúc đức tin được đón nhận vào đời sống gia đình xuyên qua văn hóa của gia đình ấy, đức tin này cũng giúp lên khuôn cho nền văn hóa. Mọi gia đình đều có gốc rễ trong văn hóa và gia đình Kitô hữu có trách nhiệm phải thông tri cho văn hóa biết Tin Mừng. Để đạt được mục tiêu này, Giáo Hội đã chính xác khuyến cáo các chính phủ cổ vũ tự do tôn giáo, một tự do bao gồm không những quyền được thờ phượng, mà cả quyền được phát biểu các vấn đề lương tâm, được tham gia vào công việc dân chính, và được phục vụ người khác một cách nhất quán với đức tin và sứ mệnh của mình.

Trong đời sống của những người kết hôn và những người chứng kiến, phụng vụ lễ cưới gây tác động hết sức mạnh mẽ. Chúng tôi đã khảo sát sức mạnh của các nghi lễ Hôn Phối trong đó cả nghi thức lẫn bài giảng gây một tác động hết sức giá trị cũng như chứng tá suốt đời của các gia đình Kitô hữu.

Việc chuẩn bị hôn nhân cho các cặp cũng như việc tiếp tục đào luyện và nâng đỡ họ là điều thực sự quan trọng. Việc đào luyện này cần được đặt cơ sở trên nền thần học Thánh Kinh, nền nhân học Kitô Giáo và các giáo huấn của Giáo Hội. Điều đáng lưu ý đặc biệt là cuộc thảo luận của chúng tôi về việc giáo dục sinh lý thích đáng đặt căn bản trên cái hiểu Kitô Giáo chân chính về tính dục. Các chương trình giáo dục sinh lý cần nhấn mạnh tới việc đào tạo lương tâm, ý thức trách nhiệm, giá trị của sự tự chủ, của sự thùy mị đoan trang và nhân đức trong sạch. Thêm vào đó, mọi người đều đồng ý rằng vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục sinh lý cho con cái cần được nhấn mạnh. Họ là các thầy cô đầu tien và đệ nhất đẳng của con cái họ và các cố gắng của họ cần được nâng đỡ bởi các chương trình giáo dục sinh lý tại các trường và giáo xứ.

Trong mọi trường hợp đồng hành mục vụ của Giáo Hội với các gia đình, điều chủ yếu là các cố gắng đồng hành với người ta phải làm chứng một cách rõ ràng cho giáo huấn của Giáo Hội. Điều quan trọng nhất là một sự rõ ràng và lôi cuốn về ngôn ngữ, giúp cho giáo huấn của Giáo Hội trở nên dễ hiểu dễ nắm được hơn.

Chúng tôi đã suy nghĩ về phương cách Giáo Hội đồng hành với những người đang lao đao. Trong trường hợp nào, mọi chăm sóc mục vụ cũng phải nổi bật về lòng bác ái và kiên nhẫn, nhất là đối với những người không sống hay không sẵn sàng sống hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Họ cần được tiếp đón một cách yêu thương và tôn trọng bởi các mục tử của Giáo Hội; các vị này cần rộng lượng trong việc đồng hành với họ và trong việc phát huy các ước nguyện của họ muốn được tham dự đầy đủ hơn vào đời sống Giáo Hội.

Trong số các xem xét mục vụ quan trọng, chúng tôi đã thảo luận các thách đố do các cuộc hôn nhân hỗn hợp đặt ra. Chúng tôi quả quyết rằng để những cuộc hôn nhân này thành công, điều quan trọng là các cặp được huấn luyện kỹ về giáo huấn của Giáo Hội trước khi kết hôn và được các cộng đồng đức tin của họ đồng hành.

Chúng tôi cũng chấp nhận một số đề nghị liên quan đến việc đồng hành với những người ly dị và tái hôn dân sự. Chúng tôi ủng hộ các cố gắng gần đây nhằm hợp lý hóa diễn trình tuyên bố vô hiệu, giúp nó dễ với tới hơn mà không thay đổi giáo huấn của Giáo Hội. Đa số, nhưng không hoàn toàn nhất trí, đã khẳng định giáo huấn và thực hành hiện thời của Giáo Hội liên quan tới việc những người ly dị và tái hôn dân sự tham dự Bí Tích Thánh Thể. Chúng tôi nhìn nhận rằng con đường này có thể khó khăn, và các mục tử nên đồng hành với họ với sự hiểu biết, luôn sẵn sàng tỏ bầy như mới lòng thương xót của Thiên Chúa với họ khi họ ở thế cần tới nó.

Đa số, tuy không hoàn toàn nhất trí, cũng quả quyết rằng thực hành mục vụ liên quan tới việc rước lễ của các người ly dị và tái hôn dân sự không thể phó mặc nơi từng hội đồng Giám mục riêng rẽ. Làm thế sẽ có nguy cơ phá hoại sự hợp nhất của Giáo Hội Công Giáo, cái hiểu về trật tự Bí tích, và chứng tá hữu hình của đời sống tín hữu.

Chúng tôi nói tới sự quan trọng của việc lưu tâm mục vụ đối với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, đặc biệt đối với các gia đình có người có khuynh hướng này là thành viên. Là hiền thê của Chúa Kitô, Giáo Hội phải rập khuôn tác phong của mình theo Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà tình yêu vĩ đại đã được cung hiến cho mọi người không trừ một ai. Cha mẹ và anh chị em của các thành viên trong gia đình có khuynh hướng đồng tính được mời gọi yêu thương và chấp nhận các thành viên của gia đình này với một trái tim không phân chia và hiểu biết. Chúng tôi kêu gọi Thượng Hội Đồng khẳng định và đề xuất như mới toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội về tình yêu và đức trong sạch. Chúng tôi khuyến khích các cha mẹ và các thành viên gia đình tin tưởng vào giáo huấn này khi họ thương yêu và đồng hành với nhau trong việc đáp lại lời kêu gọi của Tin Mừng hướng tới lối sống trong sạch.

Cuối cùng, chúng tôi bàn tới việc sinh sản và dưỡng dục con cái, qua việc khẳng định giáo huấn phong phú của Thông điệp Humanae Vitae, nhất là phần nó quả quyết rằng các chiều hướng kết hợp và sinh sản của hành vi vợ chồng là các chiều hướng không thể nào phân rẽ với nhau được. Việc đồng hành mục vụ chân chính với các cặp vợ chồng phải công bố sự thật ấy, đồng thời giúp họ thấy điều này: một lương tâm được đào tạo tốt phải tuân giữ luật luân lý không như một trói buộc từ bên ngoài nhưng như một con đường tự do, trong ơn thánh. Ở đây, đòi có một phương thức mục vụ biết tìm cách giúp các cặp chấp nhận sự thật trọn vẹn về tình yêu vợ chồng một cách dễ hiểu và lôi cuốn.

Cuộc thảo luận của chúng tôi về một số vấn đề đã gây xúc động và tình cảm mạnh mẽ. Các tham dự viên trong nhóm hy vọng rằng bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Đồng sẽ thống nhất hóa chứ đừng chia rẽ, phải nói lên được rằng chúng ta là các Giám mục “cum and sub Petro” (cùng với và dưới quyền Phêrô).

Chúng tôi hân hoan khẳng định sứ mệnh của gia đình, một sứ mệnh đối với nhau, đối với Giáo Hội và đối với thế giới.

II. Nhóm B

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Vincent Gerard Nichols

Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin

Nhóm yêu cầu văn kiện sau cùng nên có tựa đề “Tường Trình Cuối Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Ơn Gọi và Sứ Mệnh Gia Đình trong Giáo Hội và Thế giới Ngày Nay trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Nhóm nhấn mạnh điều này: Gia đình không phải chỉ là đối tượng của phúc âm hóa mà còn là chủ thể tích cực, tác nhân, và nguồn gốc của nó. Gia đình thực hiện việc phúc âm hóa ngay trong tế bào gia đình, bằng tình yêu tự hiến của các người phối ngẫu, bằng việc giáo dục con cái hướng tới một cảm tính vô vị lợi, và trở nên chất men biến đổi trong xã hội. Việc thực sự sống thực hiệp thông gia đình là một hình thức công bố có tính truyền giáo. Sứ mệnh và chứng tá phúc âm hóa bắt nguồn từ các Bí tích Khai Tâm: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.

Nhóm nhấn mạnh vai trò của gia đình trong các hiệp hội, các phong trào gia đình, các tiểu cộng đồng Kitô Giáo, và trong các giáo xứ.

Trong (phần nói về) sự hiệp thông nội bộ của gia đình này, nhóm muốn thêm vào một đoạn mới nói về “Hôn Nhân, một Biểu Thức nói lên Sự Tốt Lành của Ơn Phúc Tính Dục”. Khi yêu nhau về tính dục, vợ chồng cảm nghiệm được sự âu yếm dịu dàng của Thiên Chúa. Giáo huấn của Giáo Hội về tính dục, bao gồm ý nghĩa trong sạch, phải nhấn mạnh tới vẻ đẹp, niềm vui, và sự phong phú của tính dục con người và vị trí của tình yêu tính dục trong mối liên hệ có cam kết, độc chiếm và vĩnh viễn. Tại nhiều nơi, viễn kiến phong phú của Kitô Giáo về tính dục đang bị phá hoại bởi một cái hiểu hẹp hòi và nghèo nàn hơn.

Nhóm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị hôn nhân không chỉ trong thời kỳ trước nghi lễ Hôn Phối. Nhóm đề nghị rằng các phân biệt cổ truyền “chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị tức khắc” nên được phục hồi trong việc suy nghĩ về mọi hình thức của ơn gọi.

Chính các gia đình phải là những người loan báo Tin Mừng đầu tiên. Trong gia đình, các người phối ngẫu thực thi chức linh mục chung của mọi tín hữu. Việc đào tạo đức tin cho con cái từ lúc còn thơ chính là việc chuẩn bị xa cho việc làm môn đệ lúc trưởng thành chín chắn.

Thừa tác vụ giới trẻ, việc dạy giáo lý tại giáo xứ và tại trường, các buổi tĩnh tâm, và các cộng đồng nhỏ Kitô Giáo, nên tập chú vào các người trưởng thành trẻ tuổi và suy nghĩ xem Thiên Chúa đang kêu gọi họ ra sao bất kể trong hôn nhân, trong cuộc sống độc thân, trong chức linh mục, hay trong đời sống thánh hiến. Một nền giáo lý dài hạn như thế phải nhấn mạnh tới hôn nhân như là một hành trình của đức tin.

Việc chuẩn bị tức khắc để các cặp cử hành Hôn Phối nên bao gồm các bài giáo lý về hôn nhân như một Bí tích và một ơn gọi, về cầu nguyện, và về lời mời gọi những ai đang lỏng lẻo trong đức tin hãy hoán cải trở về. Tại một số khu vực, người ta ghi nhận điều này: phần lớn các cặp đến trình diện chuẩn bị hôn nhân có thể đã sống với nhau một khoảng thời gian dài. Tại những khu vực khác, truyền thống và văn hóa có bao gồm một chuẩn bị dài hơn, có cấu trúc đàng hoàng, với sự tham dự tích cực của cả hai gia đình.

Nhóm khẳng định vai trò chủ yếu của các linh mục, như là các tông đồ bên cạnh các gia đình, trong việc chuẩn bị cho các cặp lãnh nhận Bí tích Hôn Phối và tiếp tục đồng hành với họ và gia đình họ lúc họ thực sự sống ơn gọi của họ. Nhóm đề nghị thêm vào một đoạn mới đề cập tới việc đào tạo các linh mục cho thừa tác vụ này.

Nhóm khảo sát chi tiết thách đố đồng hành mục vụ với các gia đình đang sống trong các tình huống hôn nhân khó khăn. Đồng hành mục vụ ngày nay phải luôn được đánh dấu bằng khoa sư phạm và lòng thương xót của Thiên Chúa. Cần thận trọng nhận diện các yếu tố có thể cổ vũ việc phúc âm hóa và phát triển nhân bản cùng tâm linh. Thí dụ phải chú ý tìm cho ra các khía cạnh trong mối liên hệ do hôn nhân dân sự, do hôn nhân truyền thống, hay do việc sống chung tạo ra nhưng rất có thể tăng trưởng hướng tới việc cử hành đầy đủ Bí tích Hôn Phối.

Về việc chăm sóc mục vụ cho những người ly dị và tái hôn, nhóm xét xem nên có loại đồng hành mục vụ nào đối với họ. Một đồng hành loại này đòi phải xem xét hoàn cảnh hôn nhân của họ, và cũng phải thăm dò xem khi nói rằng họ không bị loại khỏi đời sống Giáo Hội thì điều này có nghĩa gì.

Nhóm đề nghị một diễn trình biện phân hay “cung kính lắng nghe”, lưu ý tới câu truyện của những người muốn được thấu hiểu và nâng đỡ. Mục đích thứ nhất của lối đồng hành đầy chăm chú này là phát huy tư cách làm môn đệ Chúa Kitô sâu sắc hơn, dựa vào sợi dây bền bỉ của phép rửa, hơn là bàn tới việc cho phép họ lãnh nhận các Bí tích Thống Hối và Thánh Thể.

Diễn trình cung kính lắng nghe này đòi phải thỏa thuận được một cái khung với các yếu tố rõ ràng. Các yếu tố này có thể bao gồm:

1. Lưu ý tới câu truyện của cuộc hôn nhân đầu, tới tính bất thành sự có thể có của nó, bằng cách xem xem liệu có bất cứ lý do gì để điều tra thêm ở tòa ngoài, hay liệu có những lý do khiến phải khảo sát thêm ở tòa trong, với việc chạy tới một vị đại diện của Giám mục tại nơi chức vụ này được thiết lập riêng cho mục đích này.

2. Lưu ý tới các vết thương do ly dị gây nên nơi các cá nhân, nơi con cái họ, nơi các gia đình và cộng đoàn, kể cả cộng đoàn Giáo Hội và các cách thế để thanh thỏa các trách nhiệm đối với cuộc hôn nhân đầu;

3. Lưu ý tới câu truyện của cuộc hôn nhân thứ hai, sự ổn định của nó, tính hoa trái của nó và các trách nhiệm từ đó phát sinh;

4. Chú tâm vào việc đào tạo và phát triển thiêng liêng, qua việc thăm dò tác động của các biến cố trên đối với mối liên hệ với Chúa Kitô; vào cảm thức thống hối đối với việc gây ra thương tích và tội lỗi; vào mối liên hệ hiện nay với Chúa Kitô, và với cộng đoàn giáo xứ; vào việc đào tạo lương tâm liên tục và việc phát triển một phán đoán lương tâm chín chắn hơn về tình huống hiện nay.

Về chủ đề rước lễ thiêng liêng, nhóm nhận định rằng những người mà tình trạng sống khách quan, vốn là một cuộc kết hợp bất hợp lệ, đặt họ vào thế mâu thuẫn với ý nghĩa trọn vẹn của Phép Thánh Thể, rất có thể không ở trong trạng thái có tội xét theo chủ quan. Bởi thế, họ có quyền có ước muốn được rước lễ để kết hợp với Chúa Kitô. Dù tình trạng khách quan ngăn cản họ lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, họ có quyền khai triển tập quán rước lễ thiêng liêng, và nhờ thế trở nên cởi mở hơn đối với ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô và sự kết hợp trong Giáo Hội.

Về đề tài cho phép các người ly dị và tái hôn lãnh nhận các Bí tích, nhóm có lời yêu cầu như sau: vì tư liệu phong phú phát sinh từ diễn trình Thượng Hội Đồng này, xin Đức Thánh Cha xem xét việc thiết lập, trong Năm Thánh Thương Xót, một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu sâu xa các phương cách qua đó, kỷ luật vốn phát xuất từ tính bất khả tiêu hôn nhân của Giáo Hội có thể áp dụng cho tình huống những người sống trong các cuộc kết hợp bất hợp lệ, kể cả các tình huống phát sinh từ tập tục đa hôn.

III. Nhóm C

Điều hợp viên: Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin

Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Mark Benedict Coleridge

Nhờ phối hợp chiến lược tốt với sự bền chí, nhóm chúng tôi đã tiến qua được Phần III của Tài Liệu Làm Việc. Lại một lần nữa, các bối cảnh văn hóa rất khác nhau của chúng tôi rõ ràng đã lên khuôn cho phần lớn những điều chúng tôi phát biểu. Đây là một phần của thách đố và sự phong phú trong việc làm của chúng tôi.

Điều làm chúng tôi khá ngỡ ngàng ở Phần III là quá nhiều chú ý đã được dành cho các gia đình đang gặp trắc trở đến nỗi vấn đề cần phải trợ giúp mọi gia đình thì không được chú trọng đủ. Đối với chúng tôi, điều này hình như đặc biệt đúng ở Chương III, nói về “Gia Đình và Việc Đồng Hành của Giáo Hội”; chương này nói rất ít đến việc đồng hành với các gia đình vẫn kiên trì với mọi thăng trầm của cuộc sống hàng ngày, nhất là những người mới đang ở những năm đầu của hôn nhân. Chúng tôi cảm thấy cần phải có một chương mới nói về việc này, hay ít nhất chia Chương 3 thành 2 phần: phần thứ nhất nhấn mạnh tới việc cần phải đồng hành với mọi gia đình và phần thứ hai tập trung vào các nhu cầu của các gia đình đang gặp khó khăn. Cảm thức của chúng tôi là văn kiện cuối cùng nên nhấn mạnh điều này: mọi gia đình, bị trục trặc hay không, đều cần được đồng hành một cách liên tục. Nó cũng cần nói rõ điểm này: các gia đình nên giúp đỡ nhau, nhất là giúp đỡ các gia đình đang gặp khó khan. Chúng tôi biết rõ: việc các gia đình giúp đỡ lẫn nhau nằm ở tâm điểm của sứ mệnh gia đình.

Đoạn 106 nói đến “việc khẩn cấp phải dấn thân vào một diễn trình mục vụ mới mẻ”; và chúng tôi rất muốn nhận diện, và muốn Thượng Hội Đồng nhận diện, các yếu tố cụ thể của diễn trình này, luôn lưu ý tới tính tối thượng của ơn thánh Chúa. Chúng tôi đã dành nhiều thì giờ cho việc chia sẻ kinh nghiệm từ chính các quốc gia của chúng tôi, rồi sau đó chuyển qua xem xét vấn đề ta có thể làm được gì mới mẻ trong tương lai. Đây là một thách đố đối với trí tưởng tượng về mục vụ của ta. Một yếu tố rõ ràng chắc chắn là cuộc đối thoại mới mẻ cùng với sự biện phân cũng mới mẻ mà cuộc đối thoại này bao hàm. Cuộc đối thoại này phải là một cuộc trao đổi có tính phúc âm hóa, thậm chí là lời mời gọi hoán cải; nhưng nó phải bắt đầu với việc chăm chú lắng nghe để cố gắng nhận diện các giá trị chung và làm việc từ các giá trị này. Điều quan trọng là tìm ra một cơ sở chung để ta có thể đồng hành với nhau.

Điều trên giải thiết phải có một ngôn ngữ lên đường vốn là một đặc điểm nổi bật của Tài Liệu Làm Việc. Một ngôn ngữ như thế đòi phải có sự thay đổi văn hóa từ tĩnh tụ qua năng động trong suy nghĩ cũng như trong lời nói về hôn nhân và gia đình. Tài Liệu Làm Việc thừa nhận điều đó, và tài liệu sau cùng có thể sẽ xem xét các hệ quả thực tiễn của việc thừa nhận này.

Chúng tôi đã thảo luận về việc chuẩn bị hôn nhân, điều mà theo chúng tôi, cần phải toàn bộ và liên hợp hơn, nhất là trong các bối cảnh văn hóa chống lại việc chuẩn bị hôn nhân Kitô giáo. Một lần nữa, các cặp vợ chồng cần nắm vai trò dẫn đầu trong phạm vi này, và coi nó như một diễn trình biện phân chân chính hơn là như một thêm thắt vào phút chót về các vấn đề thực tế.

Về vấn đề làm cha mẹ có trách nhiệm, cuộc thảo luận của chúng tôi đã chú tâm vào việc cần phải có một phương thức mục vụ vừa cổ vũ giáo huấn của Thông điệp Humanae Vitae vừa đương đầu với các thực tại của đời sống người ta, cung cấp việc đào tạo liên tục cho lương tâm, một lương tâm hướng tới việc hoà hợp giữa giáo huấn Giáo Hội và quyết định bản thân.

Chúng tôi có xem xét nhu cầu đặc biệt của các gia đình đang sống trong các tình huống bất hợp lệ hay khó khăn. Chúng tôi nhất trí rằng những người đang sống chung với nhau thì khác với những người ly dị và tái hôn dân sự. Chúng tôi cũng nhất trí rằng dù rất phổ biến trong một số nền văn hóa, việc sống chung, tự nó, không thể được coi là tốt. Chúng tôi sẵn sàng thừa nhận điều này: có thể có điều tốt trong mối liên hệ của những người sống chung hơn là trong việc sống chung hiểu theo nghĩa gần như định chế.

Liên quan tới những người ly dị và tái hôn dân sự, chúng tôi nhất trí rằng dưới đầu đề này có rất nhiều thứ liên hệ khác nhau. Nói chung, chúng tôi đồng ý rằng ta cần phải cung cấp nhiều đồng hành mục vụ hữu hiệu hơn nữa cho các cặp này, nhất là cho con cái họ, là những người có quyền được như thế. Tuy nhiên, chúng tôi ít hào hứng đối với điều Tài Liệu Làm Việc gọi là “con đường thống hối”. Về câu hỏi liệu có nên nghiên cứu thêm để biết xem Giáo Hội có thể chuyển theo hướng này hay không, thì các phiếu bầu của chúng tôi thuận chống đều nhau. Cuối cùng, chúng tôi bỏ phiếu chấp thuận việc thay thế các đoạn 122-125 bằng việc tái khẳng định kỷ luật hiện hành của Giáo Hội và đề nghị các hình thức tham gia như đạ nhắc trong Tông huấn Familiaris Consortio số 84.

Nhóm cũng chia rẽ về vấn đề nâng đỡ các gia đình có thành viên đồng tính và chính các người đồng tính. Một số muốn xóa bỏ bất cứ sự nhắc nhở nào nói đến đồng tính luyến ái, nhưng đa số trong nhóm không đồng ý như thế. Chúng tôi chọn cách trình bầy ngắn gọn hơn, nhưng cũng yêu cầu để tài liệu sau cùng bao gồm, ở một chỗ thích đáng nào đó, một câu tuyên bố rõ ràng của giáo huấn Giáo Huấn rằng các cuộc kết hợp đồng tính không hề tương đương với hôn nhân. Tuy nhiên chúng tôi muốn nói rõ ràng rằng trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta không nói tới đồng tính luyến ái một cách chung chung nhưng nói trong bối cảnh gia đình. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh không kém rằng chúng ta bàn tới vấn đề này trong tư cách mục tử, tìm cách hiểu thực tại của đời sống người ta hơn là tìm hiểu các vấn đề theo nghĩa trừu tượng.

Trong cuộc thảo luận của chúng tôi, một điểm quan trọng khác nữa là về vấn đề hôn nhân hỗn hợp và hôn nhân khác đạo. Chúng tôi nghĩ: vì những vấn đề này rất khác và đòi những cách tiếp cận khác, do đó tốt hơn nên phân nó thành hai đoạn riêng biệt. Một số vị muốn nhấn mạnh rằng: dù các cuộc hôn nhân hỗn hợp có nhiều thách đố, chúng vẫn là những dịp may lớn lao; và nói chung, chúng tôi cảm thấy: ta cần phải nói một cách tích cực hơn về cả các cuộc hôn nhân hỗn hợp lẫn các cuộc hôn nhân khác đạo. Trong một số hoàn cảnh, các cuộc hôn nhân khác đạo đem lại các thách đố lớn lao, ít nhiều tùy theo từng tôn giáo, nhưng các cuộc hôn nhân này cũng có thể là cơ hội hàng đầu cho cuộc đối thoại liên tôn đầy đủ cơ sở tại chỗ. Tự nó, đây đã là một giá trị rồi. Chúng tôi xin đề nghị: Thượng Hội Đồng sẽ khuyến cáo để một nghi thức đặc biệt được soạn thảo cho việc cử hành các cuộc hôn nhân liên tôn.

Một số vị trong nhóm cũng nhấn mạnh rằng dù người nghèo đã được nhắc đến nhiều ở các Phần I và II của Tài Liệu Làm Việc, nhưng đến phần III họ gần như biến mất. Ấy thế nhưng một yếu tố chủ chốt trong sứ mệnh của gia đình trên thế giới ngày nay chắc chắn là phục vụ người nghèo; cuộc sống hôn nhân và gia đình của họ thường bị xâm hại bởi các nhân tố kinh tế và chính trị, vốn tạo ra cảnh nghèo mà họ là nạn nhân. Giáo Hội như một toàn thể và, cách riêng, các gia đình Công Giáo phải quan tâm đặc biệt tới các gia đình bị đối xử bất công hơn hết.

Công việc của chúng tôi đối với Phần III khá chậm chạp, một phần vì dưới đầu đề “Sứ Mệnh của Gia Đình” có quá nhiều chủ đề nặng ký và phức tạp. Khi bàn tới chủ đề gia đình, trên thực tế, chúng tôi đã bàn tới hàng loạt các vấn đề cấp thiết và gây bối rối nhất mà Giáo Hội và thế giới đang phải đương đầu. Trong hai hay ba tuần lễ, chúng tôi đã đi được một bước dài, nhưng trong vài ngày còn lại, con đường phải đi vẫn còn thật dài. “Procedamus in pace!”. Chúng ta hãy tiến bước trong bình an!.

IV. Nhóm D

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Thomas Christopher Collins

Tường trình viên: Đức Tổng Giám Charles Joseph Chaput, O.F.M. Cap.

Một lần nữa, các thành viên nhóm D nói tiếng Anh lại nhấn mạnh tới việc phải nâng đỡ nhiều gia đình vẫn đang sống đúng ý nghĩa hôn nhân và gia đình Công Giáo một cách hân hoan.

Các thành viên trong nhóm chúng tôi đã ôn lại tầm quan trọng của việc Giáo Hội thừa nhận vai trò của nữ giới và các bà mẹ, của nam giới và các người cha. Đại diện đại kết của chúng tôi cảm thấy tài liệu nên nói với toàn thể cộng đồng Kitô Giáo chứ không chỉ nói với Giáo Hội Công Giáo. Phần lớn cuộc thảo luận đã được dành cho sự quan trọng của việc an táng trong đời sống các gia đình. Các thành viên cảm thấy vấn đề này đáng được lưu ý nhiều hơn nữa, cùng với vai trò của gia đình trong lúc bệnh tật và chết chóc.

Các thành viên cảm thấy rằng khi đề cập tới Lời Thiên Chúa, tài liệu này cần phải chuyên chở trọn vẹn hơn ý nghĩa của Lời này trong truyền thống Giáo Hội. Lời Thiên Chúa nói tới Chúa Giêsu đích danh, nhắc tới lời viết của Sách Thánh, nhưng cũng nói tới lời được công bố trong cộng đồng.

Các vị Giám mục nói rằng bản văn chưa lưu ý thỏa đáng tới việc đào tạo đức trong sạch. Việc này cần bắt đầu rất sớm ở trong đời và không nên trì hoãn tới lúc chuẩn bị hôn nhân. Nhiều thành viên trong nhóm tỏ ra rất quan tâm tới sự nguy hiểm trong việc giáo dục tính dục của các nhà cầm quyền.

Liên quan tới việc đào tạo các linh mục tương lai, các vị nhắc tới việc bản văn thiếu tập chú đối với truyền thống giáo sĩ kết hôn của Đông Phương. Cũng nên bao gồm việc này trong bản văn.

Về việc đào tạo các Kitô hữu về đức trong sạch, các thành viên ghi nhận diễn trình sau:

– Trước nhất, việc đào tạo về đức trong sạch trong gia đình sẽ cung cấp một nền tảng cần thiết cho cuộc sống sau này;

– Thứ đến, việc đào tạo về đức trong sạch cho những người chuẩn bị hôn nhân xây dựng trên nền tảng vừa nhắc ở trên,

– Sau cùng, việc đào tạo về đức trong sạch cho các người nam nữ đã kết hôn tiếp tục sự lớn mạnh của vợ chồng trong đời sống Kitô hữu và chuẩn bị khung cảnh cho thế hệ kế tiếp.

Ngoài ra:

Việc đào tạo về đức trong sạch cho những người chuẩn bị làm linh mục là chìa khóa đưa vào ơn gọi riêng của họ, và là điều sinh tử đối với khả năng giúp đỡ các người họ phục vụ.

Các thành viên trong nhóm nhấn mạnh rằng các nhà giáo dục chính của hàng ngũ giáo dân trong việc chuẩn bị hôn nhân phải là chính các cặp vợ chồng do kinh nghiệm và tính khả tín của họ. Hiển nhiên, các linh mục cũng có một vai trò chủ chốt, nhưng các cặp vợ chồng và các gia đình nên giữ vài trò dẫn đầu.

Các thành viên trong nhóm thảo luận vị trí của linh mục trong việc huấn đạo hôn nhân. Một số vị mạnh mẽ ủng hộ các linh mục làm bất cứ điều gì có thể hàn gắn được các cuộc hôn nhân tan vỡ vì linh mục thường là người được tín nhiệm và có giáo dục hơn cả, và người ta thường không thể đài thọ việc thuê mướn các nhà huấn đạo chuyên nghiệp. Đã đành Giáo Hội cần phải thận trọng trong phạm vi này nhưng không nên quá thận trọng đến nỗi tránh né việc giúp người ta trong lúc họ rất cần.

Nhóm có cuộc trao đổi lâu giờ về các phương thức mục vụ đối với người ly dị nhưng không tái hôn, và cả người ly dị và tái hôn dân sự mà không có án vô hiệu. Các thành viên phát biểu sự lo ngại lớn lao rằng dù làm gì, ta cũng không nên dẫn người ta vào bối rối lớn hơn nữa. Một vị Giám mục nói rằng vấn đề cho phép người ly dị tái hôn mà chưa có án vô hiệu rước lễ là một vấn đề quan yếu có thực chất tín lý đến nỗi chỉ có thể được xử lý tại một công đồng chung, chứ không phải tại một Thượng Hội Đồng.

Một trong các nghị phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dùng ngôn ngữ thích đáng. Thay vì nói tới những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn như là những người “bị loại” ra khỏi Phép Thánh Thể, ta nên nói: họ “tự chế” không rước lễ. Kiểu nói này chính xác hơn và không tiêu cực như kiểu nói kia. Một nghị phụ lưu ý điều này: các Giám mục không thể từ bi hơn lời lẽ của Chúa Giêsu. Chúa không bị trói buộc bởi các qui luật của Giáo Hội, nhưng Giáo Hội thì bị trói buộc bởi lời Người nói rất nhiều.

Một số vị nghĩ rằng bản văn hiện thời thiếu cái hiểu về nền tảng Thánh Thể của hôn nhân Kitô Giáo; nền tảng này nói rằng ta không thể giản lược hôn nhân vào liên hệ tính dục. Cũng thế, ta không thể giản lược cuộc sống trong Giáo Hội vào việc lãnh nhận Thánh Thể. Trong lịch sử Giáo Hội, một bộ phận rất lớn các tín hữu không lãnh nhận Thánh Thể nhưng vẫn được coi một cách rõ ràng là chi thể của Giáo Hội, bắt đầu với các dự tòng. Những người đang ở trên con đường thống hối không hề bị loại ra ngoài Giáo Hội dù họ tự chế việc rước lễ. Các nghị phụ khác thì cho rằng những người ly dị và tái hôn mà chưa có án vô hiệu hiện đang gia tăng đáng kể đến nỗi ta phải đương đầu với vấn đề này một cách mới mẻ và khác đi.

Các thành viên đã dành nhiều thì giờ để nói tới vẻ đẹp và sự toàn diện của số 84 trong Tông huấn Familiaris Consortio. Một số vị đề nghị rằng số 84 này phải được trực tiếp lồng vào bản văn. Một nghị phụ nói tới quyền chìa khóa và khả năng Đức Thánh Cha có thể thay đổi sự việc. Thực vậy, ngài nói rằng Đức Giáo Hoàng có thể vặn tay Thiên Chúa. Các vị khác đáp lại rằng quyền chìa khóa không ban cho Giáo Hội khả năng thay đổi Mạc Khải và đức tin của Giáo Hội.

Một thành viên của nhóm cảm thấy rằng Giáo Hội đã quên mất Chúa Giêsu trong tất cả cuộc thảo luận này và các Giám mục và nhiều giáo dân bị coi như những người biệt phái. Có lời kêu gọi phải lập một ủy ban để nghiên cứu vấn đề rước lễ của người ly dị và tái hôn, trong một khoảng thời gian lâu hơn để có sự chuẩn xác lớn hơn về thần học.

Có một gợi ý cho rằng Giáo Hội phải nghiên cứu ý niệm rước lễ thiêng liêng một cách thấu suốt hơn nữa. Các cộng đồng Thệ Phản tham dự vào thực tại Giáo Hội thế nào, các người không lãnh Thánh Thể cũng có thể tham dự vào Thánh Thể như thế.

Các thành viên dành một số giờ để nói về các cuộc hôn nhân hỗn hợp và các cuộc hôn nhân khác đạo. Thực hành của Giáo Hội Chính Thống cũng đã được bàn tới trong cuộc thảo luận. Một số coi việc này như một con đường mục vụ tốt cho Giáo Hội Rôma. Các vị khác cảm thấy phương thức của Chính Thống không rõ ràng bao nhiêu vì có nhiều thực hành khác nhau trong Giáo Hội này.

Phần nói về việc chăm sóc mục vụ cho những người có khuynh hướng đồng tính đã gây ra cuộc thảo luận lớn. Một số thành viên nghĩ rằng vấn đề này nên được lấy ra khỏi cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng về Gia Đình. Các ngài cảm thấy: tốt hơn nên có một Thượng Hội Đồng đặc biệt bàn về việc này. Một số vị khác cho rằng nên dùng cách nói của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo ở các số 2357-2359. Các vị khác thấy giải pháp này gây hại cho khả tín tính của Giáo Hội tại Tây Âu và Bắc Mỹ.

Trong phần nói đến việc truyền sinh và thách đố giảm sinh suất, các thành viên phát biểu các nhận định vừa tích cực vừa tiêu cực. Phần lớn cảm thấy rằng số 137 nên được lấy ra khỏi bản văn hay hoàn toàn được viết lại, vì cách người ta huấn luyện lương tâm bị coi là được bàn một cách nghèo nàn trong bản văn hiện thời.

Trong phần nói tới việc nhận con nuôi, có vị nói tới việc đứa trẻ có quyền có cả mẹ lẫn cha. Các thành viên nói tới sự khó khăn của một số Giáo Hội ở Tây Phương trong việc được tiếp tục cung ứng các dịch vụ nhận con nuôi trước áp lực của chính phủ muốn nâng đỡ các cặp đồng tính được nhận con nuôi.

Các thành viên nói rằng bản văn không nói rõ đủ về việc chăm sóc giảm đau (palliative care) và trách nhiệm của Giáo Hội trong việc giúp các gia đình trong lúc bệnh tật và khi đương đầu với các bối rối chung quanh các vấn đề y khoa và luân lý hiện nay.

Cuộc thảo luận đã bàn nhiều tới những điều không được nhắc tới một cách tổng quát trong bản văn. Trong số này, các điều sau đây đã được ghi nhận:

1. Vị trí của các trường Công Giáo.

2. Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, nên được nhắc tới nhiều hơn và dành nhiều ý nghĩa hơn.

3. Không có điều nào nói lên lòng biết ơn đối với các nữ tu hiến đời mình săn sóc người bệnh và người già.

4. Không đủ lưu ý tới vai trò của các cha hay mẹ đơn lẻ và các phương cách nâng đỡ họ.

5. Không đủ các thảo luận tích cực về giá trị của các đại gia đình.

6. Không nhắc gì đến vai trò của ông bà.

7. Không nói rõ về vai trò người mẹ và người cha.

8. Hàng ngàn người giúp các cha mẹ giáo dục con cái họ, nhưng các thầy cô dạy môn tôn giáo không được nhắc tới, và ngay các người giữ trẻ ít nhất cũng nên được lưu ý chút đỉnh vì họ có thể rất hữu ích đối với các cha mẹ cần phải đi làm ở bên ngoài gia đình.

9. Bản văn tránh không bàn đến vấn đề lạm dụng tình dục và loạn luân trong các gia đình.

10. Không nhấn mạnh đủ về sự quan trọng của việc cầu nguyện, suy gẫm và lòng đạo bình dân trong gia đình.

11. Nên nói vài điều tích cực về các di dân từng rời bỏ quê hương để gửi tiền về nâng đỡ gia đình họ.

12. Sau cùng, một số thành viên cảm thấy rằng tài liệu nên nói một điều gì đó về sự quan trọng của việc cầu nguyện cho các thành viên quá cố của gia đình và ý nghĩa việc họ cầu nguyện cho ta trong hiệp thông các thánh.

 

 


[1] (Niềm Vui Tin Mừng, số 270)