THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT

0
1021

THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT

Bs Trần Như Ý Lan, CND

Ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, 8/12/2015 Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Năm Thánh ngoại thường Lòng Chúa Thương Xót. Đức Thánh Cha dành một Năm Thánh để ưu tiên sống thực thi lòng thương xót. Cần “Cảm nhận mạnh mẽ trong chúng ta niềm vui được Chúa Giêsu tìm lại, như là Mục Tử Nhân Lành Chúa đến tìm kiếm chúng ta, vì chúng ta đã đi lạc”[1], như thế, chúng ta sẽ củng cố nơi mình xác tín rằng lòng thương xót có thể thực sự góp phần vào việc xây dựng một thế giới mới nhân bản hơn. Một cách đặc biệt trong thời đại hôm nay, khi lòng thù hận và ghen ghét ngày càng dâng cao và lan rộng khắp mọi nơi: trong thế giới, xã hội, nơi làm việc và len lỏi vào cả trong gia đình và lòng mỗi người nữa, việc kêu gọi lòng thương xót lại càng cấp bách hơn.

I. Hiểu thế nào về lòng thương xót

Tin Mừng kể lại nhiều lần Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót đối với đám dân đi theo Ngài bằng các động từ “chạnh lòng, động lòng, khóc”. Lòng thương xót có thể còn được diễn tả bằng “lòng trắc ẩn” .

Lòng thương xót là loại tình yêu mà “bằng chính dấu chỉ tình yêu này mà mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35). Lòng thương xót là nhân đức làm chúng ta có khả năng trân trọng người khác vì chính con người của họ. Điểm thiết yếu của lòng thương xót là sống một cách kiên nhẫn với người khác trong khi tìm kiếm phục vụ lợi ích của họ. Nó bắt đầu bằng việc chăm sóc cho chính chúng ta để nuôi dưỡng sức khỏe thể lý, tâm lý, thiêng liêng và luân lý của chúng ta. Lành mạnh trên các phương diện đó sẽ giải phóng chúng ta tự do để chấp nhận chính chúng ta, để rồi chúng ta có thể hiện diện với người khác mà không phóng chiếu trên họ các ảo tưởng, sợ hãi, nhu cầu của chính chúng ta. Nếu chúng ta không có khả năng để trân trọng chính chúng ta như món quà của Thiên Chúa và không chăm sóc đúng mức cho chính chúng ta, rồi chúng ta sẽ không đủ sức mạnh để mang vác gánh nặng của người khác. Phải quân bình giữa yêu mình (self-love) và yêu người (love for neighbor), tự chăm sóc (self-care) và chăm sóc cho tha nhân (care for others). Có tình yêu cho chính bản thân đúng mức sẽ giải phóng chúng ta tự do để đáp ứng nhu cầu và bảo vệ tự do của những người yếu thế.[2]

Lòng thương xót làm chúng ta có khả năng tham dự vào niềm vui cũng như đau thương của người khác mà không trở nên bị chìm ngập bởi kinh nghiệm của họ. Dĩ nhiên có những người có các nhân đức như lòng thương xót một cách tự nhiên, như một ân sủng. Tuy nhiên, nói chung, để có lòng thương xót đòi hỏi một sự nỗ lực có ý thức chú ý vào người khác và không quan tâm đến các lợi ích cá nhân mình. Với lòng thương xót, chúng ta có thể đi vào thế giới của người khác mà không có xâm nhập vào riêng tư cá nhân của họ, hoặc điều khiển họ theo mục đích chúng ta. Lòng thương xót đòi hỏi chúng ta chia sẻ cái mỏng dòn yếu kém của họ để đi vào kinh nghiệm bối rối lầm lẫn, yếu đuối, đổ vỡ của họ, để làm điều gì đó có thể làm họ hướng tới kinh nghịêm chữa lành, toàn vẹn, và tự do.[3]

Trong Đạo Công Giáo, làm việc lành của đời sống Kitô hữu được chia làm “các việc thương người về phần hồn” (thương linh hồn bảy mối) và “các việc thương người về phần xác” (thương xác bảy mối).  Bài viết đề cập đến việc thực thi lòng thương xót liên quan đến hai lãnh vực “hồn” và “xác”, vì lý do thực tiễn, tuy rằng thực thể hồn và xác là một, thống nhất trong con người.

II. Thực thi Lòng Thương Xót phần Thiêng Liêng

Để thực thi lòng thương xót đối với tha nhân, trước hết cần chiêm ngắm Đấng là Lòng Thương Xót, và để như thế, đòi hỏi trước hết chúng ta nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi.

1/ Nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi

Trong Năm Thánh này có nhiều điều phải thực thi. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta cần để ý rằng nguồn gốc của việc lãng quên lòng thương xót là tình yêu cho riêng mình. Điều này thể hiện qua nhiều hình thức như chỉ tìm kiếm lợi lộc riêng tư, thú vui và danh dự, tích trữ của cải vật chất, mặc áo giả hình và thế tục. Các điều này chống lại lòng thương xót. Điều đáng lưu ý là trong thế giới ngày nay, tình yêu cho riêng mình phổ biến đến nỗi thường khi chúng ta không còn khả năng nhận biết chúng như các thiếu sót và thậm chí là tội lỗi nữa. Đó là lý do tại sao trước hết cần phải nhìn nhận mình là người tội lỗi, để củng cố nơi chúng ta xác tín về lòng thương xót của Chúa. Như người thu thuế cúi mặt xuống đất, khiêm hạ đấm ngực thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội”, và anh ra về với ân sủng của lòng thương xót của Chúa (x. Lc 18, 9-14); “Lạy Chúa, con là một người tội lỗi” là một lời cầu cơ bản cần phải thưa lên với Thiên Chúa mỗi ngày.

Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn mở rộng xóa bỏ tất cả mọi tội lỗi khi chúng ta biết quay về với Ngài. Sẽ không bao giờ muộn nếu chúng ta còn muốn quay về. Chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy tất cả những gì Thiên Chúa thể hiện ngang qua Con Một của Ngài đó chính là lòng thương xót (x. Ga 3,16).

Về các việc làm thiêng liêng trong Năm Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh “Học sống tha thứ và thương xót là điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất”. Tha thứ được kể là việc lành dành cho tha nhân (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, GLHTCG s. 2447)

2/Học sống tha thứ và thương xót là điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất

Năm Thánh sẽ là một “thời gian thuận tiện” đối với Giáo Hội, để thực thi “điều làm hài lòng Thiên Chúa nhất”. Đó là tha thứ và thương xót cho các con cái Ngài, để tới lượt mình, các con cái Ngài cũng tha thứ cho các anh chị em khác, chiếu toả lòng thương xót như Chúa Cha thương xót cho nhân loại này. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư 9/12/2015.

Tha thứ cho tha nhân là điều kiện để chúng ta được Thiên Chúa tha thứ

Đoạn Tin Mừng Thánh Matthêu thuật lại việc ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu có phải tha thứ cho anh em đến bảy lần khi bị xúc phạm không. Chúa Giêsu đã trả lời ông: Thầy không bảo anh phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy (x. Mt 18, 21). Và, Chúa Giêsu đã đưa ra câu chuyện Ông chủ kia tính toán nợ nần với các tôi tớ. Anh đầy tớ được chủ thương xót tha nợ một số tiền lớn, nhưng đến phiên mình, anh ta lại không tha cho kẻ nợ mình một món tiền nhỏ. Người chủ tức giận cho đòi anh ta đến, trao cho lý hình hành hạ cho đến khi trả xong nợ. Chúa Giêsu kết luận: “ Vậy Cha Thầy trên trời cũng xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (x. Mt 18, 23-35). Đòi hỏi tha thứ để được thứ tha còn được Chúa Giêsu dạy chúng ta qua Kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (x. Lc 11, 2-4).

Mẫu gương tha thứ tột cùng của Chúa Giêsu Kitô

 Kinh nghiệm cho thấy có lẽ khó khăn nhất để đưa vào thực hành là tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta, những người đã làm chúng ta tổn thương. Hãy chiêm ngắm Đức Giêsu trên Thập Giá. Sức mạnh của tình yêu và lòng tha thứ của Ngài đã vượt lên trên mọi điều kiện, đến nỗi Ngài quên luôn tất cả tội lỗi của kẻ trộm lành cùng đóng đinh bên hữu với Ngài, khi nói với anh đó: “Ngày hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng cùng ta” (Lc 23, 42). Hơn thế nữa, cho đến hơi thở cuối cùng trên Thập giá, khi mà toàn thân rướm máu bởi roi đòn của quân lính, không còn hình dạng con người nữa, Đức Giêsu vẫn tỏ lộ lòng thương xót vô biên của Chúa. Người đã cầu xin Chúa Cha tha tội cho những người mưu hại và đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin hãy tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 43).

Tha thứ cho tha nhân là tha thứ cho chính chúng ta

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói: “Đôi khi tha thứ thật khó khăn biết chừng nào! Thế nhưng, sự tha thứ lại là một khí cụ được đặt vào trong đôi tay yếu đuối của chúng ta để chúng ta tìm thấy được sự bình an của tâm hồn. Việc để lại đàng sau chúng ta sự oán hận, cơn tức giận và sự báo thù là điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc.”

Thật ra khi chúng ta tha thứ cho anh chị em là chính chúng ta được giải thoát, như một số tác giả đã diễn tả như sau:

Tha thứ là làn hương thơm mà các cánh hoa tỏa lan ra khi chúng bị chà đạp lên.

 “Những ai không thể tha thứ cho người khác, thì họ chặt gãy chiếc cầu mà chính họ phải vượt qua; bởi vì mọi người đều cần được tha thứ.” (George Herbert)

 “ Khi bạn tha thứ là giải thoát một người tù và khám phá rằng người tù đó chính là bạn.” (Lewis B. Smedes)

 “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là thuộc tính của kẻ mạnh.” (Mahatma Gandhi)

Hãy nhớ rằng, khi trại tập trung ở Ravensbruck, Đức, được giải phóng bởi quân đồng minh sau thế chiến thứ II, một mảnh giấy rách nát được tìm thấy, trên đó một người tù vô danh đã viết các dòng chữ sau: “Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến không chỉ những người nam, người nữ thiện chí, mà cũng hãy nhớ đến những kẻ ác tâm. Nhưng xin đừng nhớ những đau khổ mà họ gây ra cho chúng con, mà hãy nhớ những hoa trái mà chúng con đã mang lại, khi trải qua đau khổ này- tình đồng đội, sự trung thành, sự khiêm nhu, lòng can đảm, tính quảng đại, sự rộng lớn của trái tim của chúng con đã triển nở và lớn lên từ các bách hại chúng con trải qua. Và khi những người ác đến trước tòa phán xét, xin cho hoa trái của chúng con sẽ là sự tha thứ cho họ”.

Đúng là đôi khi một người có thể cảm thấy rằng những tổn thương mà mình đã trải qua là không thể tha thứ được, nhưng Thiên Chúa có thể cất gánh nặng đó và giúp chúng ta hoán cải con tim. Tình yêu mầu nhiệm của Thiên Chúa là yêu đủ để tha thứ, và giúp chúng ta tha thứ.

Một điểm thực hành nhỏ, nhưng hậu quả không nhỏ chút nào, đó là NÓI XẤU nhau. Theo GLHTCG, “nói xấu nghĩa là khi không có lý do chính đáng cách khách quan, mà lại tiết lộ những khiếm khuyết hoặc lỗi phạm của kẻ khác cho những người chưa biết”. Đi kèm với nói xấu là vu khống, được hiểu là “dùng những khẳng định nghịch với chân lý mà làm hại thanh danh kẻ khác và tạo cơ hội cho người ta phán đoán sai lầm về người đó” (GLHTCG s. 2477). Trong thực hành, để tránh sai phạm, GLHTCG khuyên răn “mỗi người, bao nhiêu có thể, phải cố gắng giải thích theo nghĩa tốt, những tư tưởng, lời nói và việc làm của người lân cận” (s. 2477). Nói xấu và vu khống thoạt tiên tưởng nhẹ, nhưng thường phá hủy mối tương quan liên vị và gây ra các “vết thương lòng” khó chữa lành, đôi khi cần thời gian dài để chữa lành.

III. Thực thi Lòng Thương Xót phần Thân Xác

Bên cạnh cung cách sống thứ tha, chính Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta các việc thực hành của lòng thương xót và cho biết rằng chúng ta sẽ bị phán xét trên những việc đó. Truyền Thống Công Giáo nhắc đến “Thương Xác Bảy Mối”:  cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc và chôn xác kẻ chết. Lòng thương xót là thước đo tính chân chính của người môn đệ Chúa Giêsu, và mức độ đáng tin cậy của chúng ta như là những Kitô hữu trong thế giới ngày nay. Bài viết xem xét vài vấn đề thực thi lòng thương xót mang tính thời sự.

1. Chia sẻ vật chất

Đây là vấn đề “muôn thuở”. Thiên Chúa chúc lành cho những ai giúp đỡ người nghèo và kết án những ai bỏ mặc họ (GLHTCG s. 2443). Đức Giê-su dạy các môn đệ : “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy(Mt 10, 8). Tất cả những gì chúng ta có là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa, chúng ta có bổn phận phải chia sẻ lại cho người nghèo khổ, thiếu thốn. Đoạn Tin Mừng Matthêu 25 về ngày phán xét cuối cùng khẳng định rằng chúng ta sẽ bị phán xét theo việc bác ái chia sẻ cho người  nghèo khổ quanh ta. Trong dụ ngôn người Phú hộ và Lazarô, cái chung cuộc bi thảm của người Phú hộ phải xa Chúa đời đời không phải vì ông ấy giàu, và ắt hẳn ông ta không phải là người giàu bất chính, vì dụ ngôn không nói gì về điều ấy, mà do ông mãi mê ăn uống thỏa thuê không màng đến Lazarô đang đói khát trước nhà mình! (x. Lc 16, 19-26)

“Các việc bác ái là trọng tâm của đức tin mà chúng ta đặt để nơi Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như thế trong bài giảng thánh lễ ngày 7/1/2016.[4] Hành động nhân văn của các tỷ phú bậc nhất thế giới quảng đại dành phần lớn tài sản của họ cho các tổ chức từ thiện để thay đổi thế giới tốt đẹp hơn là tấm gương sáng cho con người ngày nay.[5]  Thánh Gioan Kim Khẩu nói cách mạnh mẽ : “Không cho kẻ nghèo được chia sẻ của cải  thuộc về mình, là ăn cắp của họ và cướp lấy mạng sống của họ;…của cải chúng ta đang nắm giữ, không phải là của chúng ta, nhưng là của họ” (Trích trong GLHTCG s. 2446).

2. Tôn trọng sự sống

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và các vị tiền nhiệm của Ngài nói nhiều đến tôn trọng sự sống. Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh đến tính hiếu sinh. Tin Mừng Gioan cũng làm nổi bật tấm lòng Thiên Chúa vô cùng hiếu sinh, nhân hậu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thiên Chúa đã quý trọng mạng sống của con người tới mức sai Con Một Ngài xuống chịu chết để con người sống.  Chúa Giêsu cũng tuyên bố, “Thầy đến cho anh em được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi tên nền văn hóa tôn trọng sự sống là văn hóa tình thương. Theo dòng suy tư của bài giảng khai mạc Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, bài viết bàn đến một vài đặc điểm của lòng hiếu sinh thực thi trong thời đại chúng ta, theo nhãn quan Tin Mừng và hướng dẫn của Giáo Hội.

Chiến tranh chính đáng, đặc biệt trong cuộc chiến chống nhà nước tự xưng Hồi Giáo IS

 Ðiều răn thứ năm cấm cố ý giết người. Vì chiến tranh gây ra tai hại và bất công, nên Hội Thánh khẩn thiết kêu gọi nhân loại cầu nguyện và hành động ngăn cản chiến tranh (x. GLHTCG s. 2307, x. Gaudeum et Spes GS 81,4). Đó là bổn phận của mỗi công dân và chính quyền. Tuy nhiên, “bao lâu nguy cơ chiến tranh tồn tại, bao lâu chưa có quyền bính quốc tế nào có thẩm quyền và có đủ sức mạnh, thì một khi đã tận dụng mọi phương thế ôn hòa, các chính phủ được phép sử dụng quyền tự vệ chính đáng” (GLHTCG s. 2308, x. GS 79, 4). Sau thế chiến thứ II với những hậu quả thảm khốc về tinh thần và vật chất cho nhân loại, Huấn quyền Công Giáo  rất dè đặt nói đến chiến tranh chính đáng. Vừa mới đây, sau cuộc tấn công khủng bố vào Paris tối 13/11/2015 Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh đã phát biểu việc can thiệp quân sự có thể chấp nhận được khi dùng nó để bảo vệ tính hợp pháp của một nhà nước nhưng phải được luật pháp quốc tế công nhận.[6]

Trong giới hạn bài viết ngắn này, tác giả không đi sâu vào điều kiện thiết yếu để có thể nại đến chiến tranh chính đáng, mà chỉ nhấn mạnh đến cần có ý hướng ngay lành để tái thiết hòa bình và công lý và không đi kèm lòng thù hận. “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5, 22). Trong bài giảng trên núi, bên cạnh điều răn cấm giết người vô tội, Chúa Giêsu thêm vào lệnh cấm giận dữ, căm ghét và báo thù, Người dạy phải yêu kẻ thù (x. GLHTCG s. 2262; 2302). Chúng ta căm ghét điều ác bọn IS gây ra, dùng sức mạnh quân sự là để khống chế tội ác  kinh khiếp của chúng, nhưng vẫn mong chúng hoán cải.

Một video ghi lại cuộc đối thoại xúc động giữa một ông bố Pháp gốc Việt và cậu con trai nhỏ về những kẻ khủng bố và thảm kịch Paris. Cuộc đối thoại ngắn nhưng toát lên “tinh thần nhân văn trước những hành động vô nhân đạo” đã làm lay động trái tim hàng triệu người. Thông điệp “Chúng có súng, còn chúng ta có hoa”, “Hoa là để chiến đấu với súng đạn” đã giúp người dân Pháp xoa dịu nỗi đau và củng cố lòng tin trước những mất mát mà họ phải gánh chịu sau thảm kịch.[7]

Chống Án tử hình

Theo truyền thống, Huấn quyền Công Giáo không loại trừ án tử hình nếu đây là phương thế duy nhất để bảo vệ hữu hiệu mạng sống người dân khỏi bị xâm phạm cách bất công (x. GLHTCG s. 2269). Tuy nhiên, với cơ cấu các nhà nước hiện nay đủ để chế ngự tội ác cách hữu hiệu, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Huấn quyền kêu gọi xóa bỏ án tử hình. Đức Giáo Hoàng  Phanxicô đã kêu gọi bãi bỏ hình phạt tử hình, cũng như tù chung thân mà Ngài đã mô tả nó như là một bản “án tử hình bất hợp pháp.”[8]

Lập luận ủng hộ án tử hình nhằm ngăn ngừa cách hữu hiệu việc cố sát, cho rằng có một số hành vi quá tàn ác và quá hủy hoại cộng đồng đến mức chúng tiêu hủy và tước đoạt tư cách thành viên của kẻ tội phạm và thậm chí là mạng sống của kẻ thủ ác. Thánh Thomas Aquinas cũng đã cho rằng hợp luân lý để tiêu diệt những tội phạm nguy hiểm như một cách thức duy trì công ích.[9]

Gần đây, Việt Nam áp dụng án tử hình cho nhiều tội danh nhằm mục đích răn đe và ngăn ngừa tội phạm. Tuy nhiên, qua báo chí truyền thông hàng ngày loan tin, tội phạm không những không giảm đi mà dường như ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ trầm trọng.

Khi Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh, Ngài đã dạy chúng ta bài học đối xử với kẻ ác, kẻ thù: “Lạy Cha, xin tha cho họ.” Bằng cách đó, Chúa Giêsu thay thế luật pháp của sự trừng phạt với lề luật hòa giải tha thứ (Mt 5, 23-24). Ngài dạy chúng ta phải yêu thương những người hãm hại chúng ta, “Ta nói với các con, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại các con, để các con có thể trở thành con cái của Cha các con trên trời” (Mt 5, 43-45).

Cậu bé Đỗ nhật Nam, cách đây năm năm, đã đạt giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh với đề tài chống án tử hình. Các luận điểm sâu sắc về tình người và phẩm giá con người của cậu bé mười tuổi thật ấn tượng khiến cho người lớn phải suy nghĩ. Cậu bé nói: “Án tử hình nên bị bãi bỏ, vì nó rất độc ác, tàn bạo. Trên thiên đường, những nạn nhân đã bị chết, cũng không muốn những kẻ giết họ bị xử chết như thế. Những kẻ phạm tội nên bị xử phạt nhưng không nên bị giết tàn bạo như thế… Mặt khác, khi chúng ta giết những kẻ giết người, thì chúng ta cũng làm điều ác như họ…Khi tử hình, chúng ta sử dụng một thứ quyền lực tàn bạo. Chúng ta ép họ phải chết, trong khi chúng ta có thể giam giữ họ lâu dài . Một người bị giết đã đủ rồi, không cần phải gây ra cái chết cho người khác nữa. Dù sao một người sống còn hơn hai người chết.”[10]

Đức Hồng Y Joseph Bernardin đã chất vấn: “Liệu gia đình nhân loại sẽ hoàn thiện hơn, liệu nhân vị sẽ trở nên yêu thương nhiều hơn, trong một xã hội mà mạng đòi mạng, mắt đền mắt, răng đền răng?”

Chúng ta cần nhận định những vấn đề sâu sắc hơn ngầm bên dưới các tội phạm: nguyên nhân của bạo lực xét về mặt xã hội và gia đình và ý nghĩa của nó đối với nạn nhân và tội phạm. Trong bài viết ngắn này, tác giả không đi sâu vấn nạn này mà chỉ nhấn mạnh mỗi người chúng ta cần nhìn lại nội tâm của chính mình. Chúng ta cần phải nhìn nhận nguồn gốc và cội rễ của bạo lực và của sự bất công đó đang tiềm ẩn và hiện diện bên trong mỗi người chúng ta. Chúng ta cần phải thừa nhận sự thất bại và phần đồng lõa nào đó của chúng ta, khi chúng ta chưa sống trung thực, ngay thẳng, công bình và bác ái, dấn thân cho điều thiện hảo. Tất cả chúng ta đều phạm tội, cần được cứu rỗi và cần hoán cải mỗi ngày để trở nên thánh thiện hơn và đóng góp xây dựng thế giới công bình bác ái đích thực.

Chống việc Gây chết êm dịu

Trước hết, cần định nghĩa về chết êm dịu để tránh hiểu lầm. “Làm chết êm dịu trong nghĩa hẹp là một hành động hay một sự bỏ qua mà tự nó và ý hướng gây ra cái chết, với mục đích xóa bỏ mọi đau khổ.”

Ngày 22/4/2015, tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế)  đề xuất đưa quyền được chết vào bộ luật dân sự. Theo ông, những người bệnh không có khả năng chữa trị, phải chịu đau đớn vì bệnh tật hành hạ, có quyền quyết định về sự sống chết của mình. Ông phát biểu   “Người bệnh nặng, y học bó tay, gia đình kiệt quệ, mong được chết một cách êm dịu cũng rất nên chấp thuận cho họ”.[11]

Cho đến nay, ngược với trào lưu đang có xu hướng gia tăng ở một số nước phương Tây đòi hợp pháp hóa việc chết êm dịu, và chết với sự trợ giúp của thầy thuốc, hay còn gọi là “trợ tử”[12], pháp luật Việt-Nam không cho phép gây chết êm dịu hay trợ tử. Bộ luật hình sự 1999, điều 101 quy định phạt tù từ sáu tháng đến ba năm đối với tội xúi giục người khác tự tử, hay trợ giúp người khác tự tử.[13] Cố Giáo sư Ngô Gia Hy nhận định trong thực hành y khoa Việt Nam chưa hề phát sinh ý hướng cho phép việc gây chết êm dịu. Châm ngôn của thầy thuốc Việt Nam là “còn nước còn tát”, “tận nhân lực, tri thiên mạng”. Y đức Đông phương chủ trương thầy thuốc đem hết tài trí để cứu sinh mạng bệnh nhân cho đến hơi thở cuối cùng. Các thầy thuốc nỗ lực “tìm sự sống trong cái chết”, vì sự sống luôn là điều thiện hảo. Thầy thuốc không thể thay Tạo Hóa gây giết người dù nhân danh lòng thương xót. Đây là điểm son của ngành y Việt Nam.[14] Tiếc thay, thái độ này ngày nay không dành cho thai nhi, đặc biệt là các thai nhi khuyết tật.

Nhiệm cục cứu độ của Chúa Giêsu ôm trọn lấy thân phận con người, đặc biệt trong sự đau khổ bệnh tật và cái chết.[15] Con người đối diện với thực tại sự chết bằng sự tín thác trong đức tin. Khi đối diện với cái chết, với nhiều người, đây là lúc dường như không còn hy vọng. Giáo Hội làm chứng cho niềm tin của mình rằng Thiên Chúa đã tạo dựng mỗi người cho sự sống vĩnh cửu.[16]

Trên hết, là nhân chứng cho đức tin, gia đình và cộng đồng sẽ tôn trọng, yêu thương và nâng đỡ bệnh nhân hay người già yếu khi họ đối diện với thực tại sự chết. Điều khó đối diện nhất là thời gian đi đến gần cái chết, cách riêng là sự lệ thuộc, sự bất lực, và sự đau đớn vốn là những điều đi kèm với các căn bệnh giai đoạn cuối. Vì sự sống là ơn ban của Thiên Chúa nên chân lý này có ý nghĩa sâu xa đối với vấn đề phục vụ sự sống con người. Chúng ta không phải là chủ sự sống của mình, vì thế, không có quyền tuyệt đối trên sự sống. Chúng ta có bổn phận gìn giữ sự sống và dùng nó để làm vinh danh Chúa. Tuy nhiên, bổn phận gìn giữ sự sống không tuyệt đối, chúng ta có thể từ chối các biện pháp kéo dài sự sống vốn không mang lại lợi ích tương xứng hay quá tốn kém. Tự tử và gây chết êm dịu không bao giờ là các chọn lựa hợp luân lý.[17]

Chống Phá thai

Theo ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung Ương, hiện nay tỉ lệ nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên của Việt Nam rất cao khoảng 300.000 ca/năm, chiếm khoảng 20% trong tổng số ca nạo phá thai. Tỷ lệ nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên cao nhất so với các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam cũng là  một trong năm quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.[18]

Trọng tâm của giáo huấn Giáo Hội Công Giáo là phôi người ngay từ lúc trứng thụ tinh đã khởi đầu sự sống của con người, phải được tôn trọng và đối xử như con người và do đó cùng lúc, quyền con người của phôi thai phải được nhìn nhận. [19] Giáo hội nhìn nhận rằng, thực tế, các chọn lựa phá thai nhiều khi xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, thậm chí bi đát, cô độc, nhiều áp lực nặng nề về kinh tế, về tinh thần, cách riêng trong một xã hội mà ngừa thai nhân tạo và phá thai được xem như chính sách để kiểm soát dân số như ở Việt-nam. Các hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan như thế có thể làm giảm nhẹ trách nhiệm chủ quan của những người đã thực hiện phá thai. Tuy nhiên, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn đến đâu, chính sự kiện phá hủy sự sống con người vô tội, đặc biệt là khi sự sống ấy còn chưa có khả năng bảo vệ chính mình, vẫn luôn là sự xấu nghiêm trọng (x. EV 18, 58) và tác động đến sự hiệp thông, mối tương quan của người ấy với Thiên Chúa và với tha nhân.

Cũng như các vấn đề xã hội khác, nạo phá thai không chỉ là vấn đề riêng tư cá nhân mà liên quan đến cả mạng lưới sinh hoạt xã hội từ giáo dục gia đình, học đường, chính sách kiểm tra dân số, tình trạng di dân, não trạng hưởng lạc thú, sống vội…Cần khơi dậy lại đức hiếu sinh, nếp sống khiết tịnh- truyền thống tôn giáo và văn hóa lâu đời tốt đẹp của dân tộc Việt.

Hiến tạng để cứu sống người bệnh

 Từ khi bắt đầu lần ghép thận đầu tiên trên người vào năm 1955, đến nay kỹ thuật tháp ghép cơ phận người tiến bộ vượt bực. Tháng 3/2015 bệnh nhân được giữ danh tính tại Bệnh viện Tygerberg ở Cape Town, Nam Phi đã được ghép dương vật thành công với kết quả chức năng lâu dài. Tháng 7/2015, Pat Hardison  nhân viên cứu hỏa tình nguyện đã bị mất toàn bộ mặt, da đầu, tai, mi mắt, mũi và môi trong một lần làm nhiệm vụ, là bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép toàn bộ mặt và mang lại cho ông sự tự tin để tái hòa nhập cộng đồng.[20]  Tại Việt Nam, ngày 12/10/2012, nhóm bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng đoàn ghép gan của Bệnh viện ASAN Medical Center (Hàn Quốc), phẫu thuật ghép gan người lớn đầu tiên. [21]

“Việc hiến các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý đáng khen thưởng, và phải được khuyến khích như sự biểu lộ tình liên đới quảng đại” (GLGHCG s. 2296). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II tuyên dương hành vi hiến tặng các cơ phận của cơ thể, thực hiện trong một cách thức chấp nhận được về mặt luân lý, nhắm đến tạo một cơ hội mang lại sức khỏe hay thậm chí cả sự sống đến cho những người bệnh mà đôi khi không còn hy vọng nào khác.  Hành vi này có thể xem như công bố Tin Mừng bằng sự trao tặng chính mình (x. EV s. 86).

(Chàng trai chết não hiến tạng cứu sống 6 người. Bác sĩ, y tá cúi mình bày tỏ lòng tôn kính trước thi thể của Jiao Yu trước khi phẫu thuật lấy các cơ quan nội tạng của anh tại bệnh viện Huadan, đại học Fudan, Thượng Hải hôm 2/11/2015. Ảnh: Huashan.org.cn [22])

Tại Việt Nam, hiện có hơn 8.000 người cần được ghép thận, 1.500 người cần được ghép gan, 6.000 người cần được ghép giác mạc và hàng trăm người đang chờ ghép tim, phổi, tụy tạng. Không may là do nguồn hiến tạng quá khan hiếm trong thời gian qua nên có những bệnh nhân đã tử vong vì không có tạng để ghép. [23] Khi còn là hồng y, Đức Thánh Cha Benedict XVI có mang thẻ ghi rõ ngài sẵn sàng ban tặng các bộ phận trong cơ thể của ngài. Tuy việc này mất hiệu lực ngay sau khi Ngài được bầu làm Giáo Hoàng, Ngài vẫn là tấm gương khuyến khích việc hiến tặng cơ phận để cứu người.[24] Ngành y khoa ghi nhận nhiều người được cứu sống từ cơ phận hiến tặng của các người chết. Từ cuối năm 2014, Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu phát hành thẻ hiến tặng nội tạng. Điều quan trọng cần quan tâm là làm sao quản lý tốt công tác hiến tặng cơ phận để tránh những hoạt động thương mại mua bán nội tạng xúc phạm đến phẩm giá con người và bảo đảm lợi ích, quyền tự quyết của người hiến tạng.

 Bảo vệ môi sinh và thụ tạo

Vào thế kỷ 20, con người nghĩ rằng khoa học đang thay thế Thiên Chúa để tác động trên các thụ tạo khác và mở ra viễn ảnh huy hoàng của quyền năng trí tuệ con người. Tuy nhiên, ngày nay nhân loại chứng kiến cuộc khủng hoảng môi sinh đến mức báo động toàn cầu, mà con người là tác nhân chủ yếu gây ra.

 “Mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta là lối suy nghĩ rằng ai đó sẽ bảo vệ nó chứ không phải mình. Các quyết định giới trẻ đưa ra hôm nay sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của toàn hành tinh cũng như đến tương lai của cuộc sống trên trái đất này” (Robert Swan).[25]

Trong sứ điệp ngày hòa bình thế giới 1/1/2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “thái độ vô tâm đối với môi trường sẽ làm tổn thương cuộc sống chung của nhân loại và ngược lại. Sự tương quan chặt chẽ bất khả phân ly giữa sự hài hòa với thiên nhiên và sự bình an giữa con người với nhau luôn luôn là một điều quá minh nhiên. Nhưng cả hai sự bình an và hài hòa đó phải được bắt nguồn từ sự bình an với Thiên Chúa.”

Giáo huấn xã hội Công Giáo gửi đến cho con người một quan điểm phát triển và độc đáo về các vấn đề môi sinh. Từ giáo huấn này, có thể rút ra vài chiều kích toàn vẹn về trách nhiệm con người về môi sinh.[26] Ban hành thông điệp Laudato Si, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi mọi người và  mỗi người – cá nhân, gia đình, cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế – hãy  “hoán cải về môi sinh”, nghĩa là đón nhận vẻ đẹp vũ trụ và trách nhiệm dấn thân để “săn sóc căn nhà chung”. Chủ trương của Laudato Si là một “nền môi sinh học toàn diện, bao gồm rõ rệt các chiều kích nhân bản và xã hội”  gắn chặt với vấn đề môi trường. Trong viễn tượng ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị khởi sự một cuộc đối thoại chân thành trên mọi bình diện của đời sống xã hội, kinh tế và chính trị, cuộc đối thoại này cơ cấu hóa các tiến trình quyết định minh bạch và ngài nhắc rằng không dự phóng nào có thể hữu hiệu nếu không được linh hoạt nhờ một lương tâm được huấn luyện và với tinh thần trách nhiệm. Trong các dự phóng, người nghèo, kẻ yếu thế phải được quan tâm ưu tiên. [27]

Nhân Hội nghị Quốc tế về Biến đổi Khí hậu (COP21) diễn ra tại Pháp từ ngày 30/11-12/12/2015, nước này đã phát động chiến dịch hướng dẫn các gia đình trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Châu Âu giảm thiểu rác thải. Một trong những điều đơn giản đầu tiên mà các gia đình có thể thực hiện được ngay là hạn chế tiêu thụ, hạn chế xả rác trong cuộc sống. Mỗi người và tất cả mọi người đều có trách nhiệm góp phần bảo vệ môi sinh. Với người tu sĩ, nếu tu sĩ chọn lựa diễn tả lời khấn khó nghèo như là một lời mời gọi sống đơn giản, tiêu thụ ít, xả rác ít, bớt gánh nặng cho môi trường, nó có thể trở thành một biểu trưng mạnh mẽ cho quan tâm của giới tu sĩ cho thiên nhiên và ảnh hưởng lên người khác, những người đang bị kéo vào một thế giới tiêu thụ và vật chất.

KẾT

Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể dạy chúng ta yêu con người qua chính cái chết trên Thập giá của Ngài.  Ngài đồng hóa chính mình với những người đau khổ: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Chúng ta hãy là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa để qua chúng ta người khác tìm được chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình yêu, chỉ những ai có tình yêu và sống cho tình yêu mới được hưởng vinh quang với Thiên Chúa. Trải qua 30 năm hành nghề y, tác giả càng thấm thía cuộc sống vốn ngắn ngủi với tất cả mọi người, đời người thật ngắn không có thì giờ cho giận ghét, vì vậy hãy sống hạnh phúc, tha thứ và yêu thương.

—————————————–

[1] Bài giảng trong buổi hát Kinh Chiều Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, 11-4-2015.

[2] Trích và lược dịch từ Richard Gula, Ethics in Pastoral Ministry (New-York, Paulist Press), 1996, và đã được đăng trong Trần Như Ý Lan, “Đạo Đức Nghề Nghiệp trong Mục vụ Tông Đồ: Tương Quan và Trách Nhiệm của Người Thi Hành Sứ Vụ Tông Đồ”, báo Hiệp Thông số 78.

[3] Trích và lược dịch từ Richard Gula, Ethics in Pastoral Ministry (New-York, Paulist Press), 1996, và đã được đăng trong Trần Như Ý Lan, “Đạo Đức Nghề Nghiệp trong Mục vụ Tông Đồ: Tương Quan và Trách Nhiệm của Người Thi Hành Sứ Vụ Tông Đồ”, báo Hiệp Thông số 78.

[4] Tin Vatican, “Mầu nhiệm Nhập Thể là tiêu chuẩn để phân định thần khí”, <http://dongten.net/noidung/57319>, Vũ Đức Anh Phương chuyển ngữ.

[5] X. Theo Reuters, Thu Ca (Tổng hợp), “Choáng ngợp trước những tỷ phú hào phóng nhất thế giới”

http://saostar.vn/the-gioi/choang-ngop-truoc-nhung-ty-phu-hao-phong-nhat-the-gioi-132669.html

[6] X. facebook, “ Tin Mừng cho Người Nghèo” <https://www.facebook.com/tinmungchonguoingheo/posts/904109449708480:0>

[7] “Khủng bố ở Paris: Cha gốc Việt trả lời con gây xúc động”

<http://vietcatholic.org/News/Html/162004.htm>

[8] Xem Francis X. Rocca, “Đức Giáo Hoàng Francis kêu gọi bãi bỏ án tử hình và tù chung thân”, Catholic News Service. Được đăng vào ngày 23 Tháng 10 năm 2014.

<http://www.catholicnews.com/data/stories/cns/1404377.htm>. Bài Việt ngữ do Thiên Khải dịch từ zenit, “Thận trọng và phẩm giá con người, những điểm chuẩn của công lý.” Posted by Ioannes on 27th Tháng 10, 2014 tại <http://conglyvahoabinh.org/thantrongvaphamgiaconnguoinhungdiemchuancuacongly/2014/10/> .

[9] X. Thomas Aquinas, Summa theologiae  II-II, q. 64, a.2.

[10] “Đỗ Nhật Nam, người giành giải Nhất cuộc thi hùng biện Wordstorm”, <https://www.youtube.com/watch?v=9JCKQGOhIDA>

[11] Lan Anh, Sơn hà, “Đề xuất đưa quyền được chết vào bộ luật dân sự”, <http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150422/de-xuat-dua-quyen-duoc-chet-vao-bo-luat-dan su/737417.html>

[12] X. Trần Mạnh Hùng, An Tử và Trợ tử Dưới Nhãn Quan Thần Học Luân Lý Công Giáo. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Đình Diễn (Hà Nội, nhà Xuất bản Tôn giáo, 2004)  tr. 304-305.

[13] X. Nguyễn Văn Hưởng và Nhóm Bác Sĩ, Vấn Đề Đạo Đức Trong An Tử, Tập 1, tr. 21 (lưu hành nội bộ, 2005).

[14] X. Ngô Gia Hy, Y Đức và Y Sinh Học, Nguồn Gốc và sự Phát Triển (Nxb Y Học, Tp HCM, 1998), tr. 108-123; Ngô Gia Hy, Dạy và Học Y Khoa, (Nxb Trẻ, Tp HCM, 2001), 423-425.

[15] Giáo hoàng Gioan Phao-lô II, Tông thư về Ý nghĩa của Đau khổ theo Ki-tô giáo (Salvifici Doloris) (Washington, DC: Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, 1984), các số 25-27.

[16] Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Nghi lễ An táng mang tính Ki-tô giáo (Collegeville, Minn.: The

Liturgical Press, 1989), số 1.

[17] Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, “Các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo Cho Các Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe Công Giáo”, Ấn bản lần thứ năm 2009.

[18] “Giật mình tỷ lệ nạo phá thai độ tuổi vị thành niên ở VN”, Theo Diệu Thu (Danviet.vn), <http://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/vn-nao-pha-thai-do-tuoi-vi-thanh-nien-cao-nhat-dong-nam-a-c62a709835.html>

[19] Bộ Giáo lý Đức Tin, “Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation,” (Rome, 22/2/1987), Donum Vitae, Origins (Vol.16, n.40, 3/ 1987) 701.

[20] “Những ca ghép bộ phận cơ thể lần đầu tiên thành công 2015”, Theo BS Cẩm Tú/Suckhoedoisong, <http://news.zing.vn/Nhung-ca-ghep-bo-phan-co-the-lan-dau-tien-thanh-cong-2015-post615641.html>

[21] Thùy Dương, “Lần đầu tiên BV Chợ Rẫy ghép gan người lớn”

<http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/515631/Lan-dau-tien-BV-Cho-Ray-ghep-gan-nguoi-lon.html>

[22] Hướng Dương, “Chàng trai chết não hiến tạng cứu sống 6 người” , < http://ngoisao.net/tin-tuc/thoi-cuoc/24h/chang-trai-chet-nao-hien-tang-cuu-song-6-nguoi-3313368.html>

[23] “Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM phát hành thẻ hiến tạng” (09/11/2014)

<http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20141109/mo-rong-nguon-cho-tang/669315.html>

[24] VietCatholic News, “Pope cannot donate his organs” (05 Feb 2011)

<http://vietcatholic.org/News/Html/87560.htm>

[25] Nhà thám hiểm Robert Swans tiên phong trong hoạt động bảo vệ môi trường, là một trong những nhà diễn thuyết tài năng nhất thế giới, được phong tước Hiệp sĩ Phẩm trật Đế chế Anh, người đầu tiên trong lịch sử nhân loại từng đi bộ tới cả Nam Cực và Bắc Cực.  Ông thành lập Tổ chức 2041, với nhấn mạnh năm 2041, thời điểm Nghị định thư về Bảo vệ Môi trường của Hiệp ước Nam Cực có khả năng bị sửa đổi theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Tổ chức 2041 nhắm đến gây ý thức về tầm quan trọng và bảo vệ tính hiệu lực của Hiệp ước Nam Cực, để vùng châu lục hoang dã lớn nhất còn lại trên trái đất không bị khai thác. Xem Ngọc Tuấn, “Minh Hồng sẽ Thám hiểm Nam Cực lần thứ hai,” 17/9/2009.

[26] X. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, “Catholic Social Teaching and Environmental Ethics” 14/11/1991, http://www.webofcreation.org/DenominationalStatements/catholic.htm.

[27] Đài Vatican, “Tóm lược Thông Điệp Laudato sí” của Đức Thánh Cha Phanxicô”, Trần Đức Anh OP dịch từ bản tóm lược chính thức của Hội Đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, <http://vi.radiovaticana.va/news/2015/06/18/t%C3%B3m_l%C6%B0%E1%BB%A3c_th%C3%B4ng_%C4%91i%E1%BB%87p_%E2%80%9Dlaudato_s%C3%AD%E2%80%9D_c%E1%BB%A7a_%C4%91%E1%BB%A9c_th%C3%A1nh_cha_phanxic%C3%B4/1152342>

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here