Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan Tâm Đến Vấn Đề Xã Hội) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 30-12-1987)

0
3574


THÔNG ĐIỆP SOLLICITUDO REI SOCIALIS

(QUAN TÂM ĐẾN VẤN ĐỀ XÃ HỘI)

 CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 1987

***

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

LỜI GIỚI THIỆU

của Đức Hồng Y Roger Etchegaray

Chủ tịch Uỷ Ban Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình

 

Như các Thông Điệp khác của ĐGH  Gioan Phaolô II, toàn bộ Thông Điệp này (thông điệp thứ 7) một cách sâu đậm và không chút nghi ngờ, mang dấu ấn của người đã ký nó. Tất cả trong Thông Điệp “Quan Tâm Tới Vấn Đề Xã Hội” Sollicitudo rei socialis, cả “xác” lẫn “hồn”, đều nói lên ĐGH Wojtyla, một vị Giáo Hoàng rất giàu kinh nghiệm về các dân tộc cũng như về các con người, một vị Giáo Hoàng không ngớt đào sâu giáo huấn Công Đồng chung Vatican II, đặc biệt Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng Gaudium et Spes.

Và đây là Thông Điệp xã hội thứ hai của người. Laborem exercens đã dám trình bày lao động như “một chìa khóa, và có lẽ chiếc chìa khóa chính yếu của tất cả vấn đề xã hội… xét theo quan điểm ích lợi của con người”. Trong Quan Tâm tới Vấn Đề Xã Hội”, người ta có thể nhìn việc phát triển như chìa khóa của vấn đề xã hội, xét theo quan điểm ích lợi của các dân tộc. Đức Gioan Phaolô II đã muốn mượn dịp kỷ niệm 20 năm Thông Điệp Populorum Progressio “Phát Triển Các Dân Tộc”, để cống hiến ngay cho chúng ta (Thông Điệp được ban hành ngày 30.12.1987) một thứ bài suy gẫm về công cuộc phát triển như đã được Đức Phaolo VI quan niệm, và như nó đã được cổ võ 20 năm sau.

Ý niệm phát triển là cái đà ngang chính của bài suy tư dài này, quên điều đó, người ta có nguy cơ không thấy được tính cách độc đáo, ngay cả chân tính của một Thông Điệp mà mục đích là nhấn mạnh. nhờ sự tra cứu thần học về thực tại thời nay, tới sự cần thiết phải có một quan niệm phong phú và đa dạng hơn về phát triển (4). Hẳn là vì đã không nhận ra, tất nhiên là không áp dụng, “cái mũi nhọn” tinh tế của Thông Điệp Phát Triển Các Dân Tộc: Thông Điệp mô tả sự phát triển như “sự chuyển từ những điều kiện ít xứng hợp với nhân tính, sang những điều kiện xứng hợp với nhân tính hơn”, trong đó “là” (être) được trọng hơn “có” (avoir), các dân tộc ngày nay bị thất vọng hay phản bội bởi các mô hình phát triển mà họ đã tự tạo nên, hình như đang sa lầy trong tuyệt vọng, hoặc vùng lên trong bạo động. Vì vậy, Đức Gioan Phaolo II khéo léo tìm cách từ từ chiếu lại cho họ coi cuốn phim về một cuộc phát triển đích thực và toàn diện, xứng đáng với con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Mặc dầu được dựa trên cuộc tham khảo rộng rãi các Giáo hội địa phương, Thông Điệp không tìm cách vẽ lại một bức tranh đầy đủ về các vấn đề đặt ra cho nhân loại. Thông Điệp theo đuổi một dự tính khác, có tham vọng lớn hơn, đúng là sâu xa hơn, và thuộc về chính sứ mạng của Giáo hội: đem lại cho các dân tộc một chân trời để chấp nhận những thách thức lớn lao của phát triển. Và chân trời ấy đó là nhìn thế giới như liên đới. Thông Điệp không phải dành cho thế giới thứ ba, hay cho một phần hoặc một khối nào của nhân loại. Nó thu hút nhờ không ngớt nhìn thế giới như một cái tổng thể, cơ bản là thống nhất. “Việc cộng tác vào công cuộc phát triển toàn bộ con người và toàn thể mọi người là bổn phận của tất cả đối với tất cả, và đồng thời nó phải có một cái gì chung cho tứ phương thiên hạ: Đông và Tây, Bắc và Nam” (32). Nếu không, như Đức Gioan Phaolô II nói, “việc phát triển trở thành thái quá và ra hư hỏng”. Do đó, hai quan niệm về phát triển, phát xuất từ hai ý thức hệ đang ngự trị và chia cắt thế giới, hiện ra “cả hai đều khiếm khuyết và cần được sửa đổi cách triệt để”. (21)

Chính chung quanh ý tưởng liên đới và tương tùy mà ĐGH phác họa một bức tranh toàn cảnh gây ấn tượng mạnh về thế giới hiện đại với những bóng tối và ánh sáng, người đưa ra những lời phê phán mạnh mẽ nhất của triều đại người, nhằm thăng tiến các con người và các dân tộc (11-26).

Công cuộc phát triển các dân tộc mang tính cách một cuộc chiến cam go và cũng là một cuộc chiến tiêu hao. Thông Điệp “Quan Tâm Tới Vấn Đề Xã Hội”. Thúc đẩy có một cái nhìn thần học về các vấn đề hiện đại nhằm làm nổi bật nên tính cách đạo lý của cuộc phát triển và nhấn mạnh tới sự cần thiết phải cổ võ cho sự phát triển. Thông Điệp cũng trả chúng ta về nơi mà cuối cùng đang định đoạt sự hình thành của thế giới: Đó Là Tấm Lòng Con Người, một tấm lòng mà làn hơi thanh luyện các Thần Khí không ngừng thổi phồng niềm trông cậy.

Đối với những ai có thời giờ vào và từ từ rảo bước xem tất cả các gian phòng, đôi khi ít trang trí nhưng sáng sủa, của tòa nhà lớn lao là văn kiện kỷ niệm Thông Điệp “Phát Triển Các Dân Tộc” này, Đức Gioan Phaolô II bảo đảm cho họ, không phải để khám phá ra một viện bảo tàng, nhưng để được chia sẻ một đời sống gia đình, một gia đình nhân loại đang khao khát được phát triển theo kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa.

***

THÔNG ĐIỆP SOLLICITUDO REI SOCIALIS

(QUAN TÂM ĐẾN VẤN ĐỀ XÃ HỘI)

 CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

GỬI CHƯ HUYNH ĐÁNG KÍNH, CÁC CON THÂN MẾN

XIN GỞI TỚI TẤT CẢ LỜI CHÀO THĂM VÀ PHÉP LÀNH TÒA THÁNH

***

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

I  NHẬP ĐỀ

1. Bằng nhiều cách khác nhau, Giáo hội vẫn luôn luôn bày tỏ mối quan tâm tới vấn đề xã hội, nghĩa là những gì nhằm thực hiện một sự phát triển đích thực của con người và của xã hội, sao cho con người được kính trọng và thăng tiến trong mọi chiều kích. Một trong những cách thức được đặc biệt sử dụng trong thời gian gần đây, là Quyền Giáo Huấn của Các Giáo Hoàng Rôma. Các Ngài đã nhiều lần bàn đến vấn đề, bằng cách dựa vào Thông Điệp “Tân Sự” Rerum Novarum của Đức Lêô XIII,[1] đôi khi ban hành các tài liệu về xã hội vào các dịp kỷ niệm Thông Điệp đầu tiên này.[2]

Qua bao lần can thiệp đó, các Đức Giáo Hoàng cũng đã làm nổi bật những khía cạnh mới mẻ trong giáo lý của Giáo hội về vấn đề xã hội. Như thế, khởi đầu với sự đóng góp quý báu của Đức Lêô XIII, được quyền Giáo Huấn lần lượt đóng góp thêm, đã hình thành được một hệ thống giáo lý thích hợp với thời đại và ăn khớp với nhau theo tiến trình giải thích của Giáo hội về các biến đã diễn ra trong lịch sử, dưới ánh của toàn bộ Lời Chúa được Đức Kitô Mạc Khải[3] Và với sự trợ lực của Chúa Thánh Thần (Ga 14,16.26;16;13 – 15). Bằng cách đó Giáo hội tìm cách hướng dẫn con người để họ đáp lại ơn gọi xây dựng trần thế như những người có trách nhiệm dựa vào sự suy tư của lý trí và sự đóng góp của các khoa học nhân văn.

2. Chính trong toàn bộ giáo huấn lớn lao về xã hội đó, Thông điệp “Phát triển các dân tộc” đã được đặt vào và nổi bật lên. Thông điệp này do vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Phaolô VI ban hành ngày 26/03/1967.[4]

Chỉ cần nhắc lại những cuộc kỷ niệm nối tiếp nhau trong năm nay, dưới nhiều hình thức khác nhau trong nhiều giới, giáo sĩ hay dân sự, để thấy rằng thông điệp “Phát triển các dân tộc” Vẫn luôn hiện đại. Cùng với mục đích đó, Uỷ Ban Giáo Hoàng “Công Lý và Hòa Bình” năm ngoái đã gửi một lá thư luân lưu cho các Thượng Hội Đồng Giám Mục của các Giáo hội công giáo Đông phương và các hội đồng giám mục, để yêu cầu góp ý và gợi ý về cách tốt nhất nhằm đánh dấu lễ kỷ niệm Thông Điệp, làm sao cho giáo huấn của Thông Điệp thêm phong phú, và nếu cần, được cập nhật hóa. Cũng chính Uỷ Ban đó đã tổ chức; nhân dịp năm nay kỷ niệm 20 năm, một lễ kỷ niệm long trọng mà tôi đã tham dự và đã đọc bài diễn từ kết thúc.[5] Và giờ đây, cũng lưu tâm tới các câu trả lời cho bức thư luân lưu nói trên, tôi nghĩ nên kết thúc năm 1987 bằng một Thông Điệp bàn về các chủ đề của Thông Điệp “Phát Triển các dân tộc”.

3. Làm thế, tôi nhằm chính yếu vào hai mục tiêu quan trọng: một mặt, để biểu dương văn kiện lịch sử của Đức Phaolô VI và giáo huấn chứa đựng trong đó; mặt khác, trong đường hướng đã được vạch ra do các vị tiền nhiệm đáng kính của tôi trên ngôi tòa thánh Phêrô, để khẳng định lại sự liên tục cùng với sự đổi mới không ngừng trong giáo lý về vấn đề xã hội của Giáo hội. Thật vậy, tính chất liên tục của canh tân xác nhận giáo huấn của Giáo hội có giá trị bền vững.

Hai tính chất đó là đặc tính của giáo huấn Giáo hội về vấn đề xã hội. Một đàng, giáo huấn đó bền vững bởi vì đồng nhất trong hứng khởi nền tảng, trong các “nguyên tắc suy tư”, trong các “tiêu chuẩn phán đoán”, trong các “đường hướng hoạt động” cơ bản,[6] và nhất là trong mối liên lạc chính yếu với Tin Mừng của Chúa; đàng khác, giáo huấn đó luôn luôn mới mẻ vì có những thích nghi cần thiết và hợp thời do những yêu cầu của những thay đổi trong hoàn cảnh lịch sử, và sự nối tiếp liên tục của những biến cố dệt nên đời sống con người và đời sống xã hội.

4. chúng tôi xác tín rằng giáo huấn trong Thông Điệp “Phát Triển các Dân Tộc” gởi tới con người và xã hội vào những năm 60, vẫn còn là một lời mời gọi mạnh mẽ đặt ra cho ý thức con người ngày nay, đang ở vào cuối thập niên 80. Khi cố gắng phác họa lại những nét lớn của thế giới ngày nay và vẫn trong quan điểm của lí do đã gợi hứng cho văn kiện này, tức là “sự phát triển các dân tộc” một chủ đề còn rất phong phú, tôi có ý định khai triển thêm và đưa ra những áp dụng có thể có được vào lúc này của lịch sử chúng ta, là lúc không kém nguy kịch so với cách đây 20 năm.

Vào lúc sắp bước sang thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo, được đánh dấu bởi một sự mong chờ man mác như trong một “mùa vọng” mới [7] có liên hệ một cách nào đó tới mọi người, thời kỳ này là cơ hội để đào sâu giáo huấn và để nêu ra các viễn tượng của Thông Điệp đó. Bài suy niệm này có mục đích nhờ sự tra cứu thần học về thực tại thời nay, nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có một quan niệm phong phú và đa dạng hơn về phát triển, dựa theo các đề xuất của Thông Điệp và vạch ra vài mô hình thực hiện.

II. TINH THẦN MỚI MẺ CỦA THÔNG ĐIỆP PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC

5. Ngay khi được công bố, văn kiện của Đức Phaolô VI đã được công luận chú ý vì tính cách mới mẻ của nó. Nó đã xác minh cách cụ thể và rõ ràng những đặc tính liên tục và canh tân nêu trên trong giáo huấn của Giáo hội về vấn đề xã hội. Vì thế ý định khám phá lại nhiều khía cạnh của giáo huấn đó, qua việc đọc kĩ lại Thông Điệp, sẽ là sợi dây xuyên suốt cho các suy tư này. [8]

Nhưng trước tiên, tôi muốn dừng lại ở thời điểm công bố: năm 1967. Ngay sự kiện Đức Phaolô VI quyết định công bố một thông điệp xã hội vào năm đó đã là một lời mời gọi phải nghiên cứu tài liệu này trong mối tương quan với Công Đồng chung Vatican II vừa kết thúc ngày 8.12.1965.

6. Chúng ta phải nhìn thời điểm này không chỉ là sự gần gũi trong thời gian, Thông Điệp “Phát Triển Các Dân Tộc”, một cách nào đó, trở nên như một văn kiện áp dụng giáo huấn Công Đồng. Điều đó không hẳn do việc Thông Điệp thường xuyên dựa vào văn kiện Công Đồng, cho bằng nó là kết quả của mối bận tâm của Giáo hội, mối bận tâm đã gợi hứng cho toàn bộ công việc của Công Đồng, cách riêng cho Hiến Chế Mục Vụ Vui Mừng và Hy Vọng (GS) trong việc phối hợp và khai triển nhiều chủ đề trong giáo huấn của Giáo hội về vấn đề xã hội. Như vậy, có thể nói rằng Thông Điệp “Phát Triển Các Dân Tộc” (PP) là câu trả lời cho lời mời gọi mà Công Đồng đã đưa ra ở đầu Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: “Ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay nhất là của người nghèo và những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của môn đệ Chúa Kitô, không có gì thực sự là con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”.[9] Những lời này giải thích lý do căn bản đã gợi hứng cho văn kiện quan trọng của Công Đồng, văn kiện này khởi đầu từ việc nhận định về tình trạng cơ cực và chậm phát triển, trong đó có hàng triệu người đang sống.

Nỗi cơ cực và sự chậm phát triển, đó là những tên khác nhau để nói về “những ưu sầu và lo lắng” của ngày hôm nay, “nhất là của nhười nghèo”: trước cảnh tượng bao la về nỗi đớn đau và khổ sở đó, Công đồng muồn mở ra những chân trời vui mừng và hy vọng, đó cũng là mục tiêu mà Thông Điệp của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhắm tới, trong sự trung tín trọn vẹn với cảm hứng của công đồng.

7. Ngay cả trong cách sắp xếp chủ đề, Thông điệp vẫn trực tiếp lấy lại cách trình bày mới mẻ, cũng như lối tổng hợp rộng rãi mà Công đồng đã trình bày, đặc biệt trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng, như thế Thông điệp vẫn đi trong truyền thống lớn lao của giáo huấn Giáo hội về vấn đề xã hội.

Về những gì liên quan đến nội dung chính yếu và các chủ đề Thông điệp lấy lại, phải nhấn mạnh tới: – Ý thức mà Giáo hội, là “chuyên viên về các vấn đề con người” vẫn có bổn phận phải “tìm hiểu những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy theo ánh sáng của Tin Mừng”.[10] – Ý thức, cũng không kém sâu xa, về sứ mạng “phục vụ”, sứ mạng này tách biệt khỏi chức năng của Nhà Nước, ngay cả khi Giáo hội lo lắng về số phận con người trong hoàn cảnh cụ thể [11] – Sự nhắc tới những khác biệt lớn lao trong hoàn cảnh của những con người đó.[12] – Sự xác nhận giáo lý Công Đồng về “của cải là cho mọi người”,[13] đó cũng là âm vang trung tín của truyền thống ngàn đời của Giáo hội;  Sự tôn trọng văn hóa và văn minh kỹ thuật khi chúng góp phần vào việc giải phóng con người,[14] mà không quên nhìn nhận những giới hạn của chúng;[15] – Cuối cùng chủ đề phát triển là chủ đề của Thông điệp, cần nhấn mạnh tới “bổn phận rất khẩn cấp” của các nước đã mở mang hơn phải “giúp các nước đang mở mang”.[16] Chính khái niệm phát triển của Thông điệp cũng xuất phát từ cách thức đặt vấn – đề của Hiến chế Mục Vụ.[17]

Các điểm quy chiếu vào hiến chế mục vụ rõ ràng như vậy và những quy chiếu khác, đưa tới kết luận rằng thông điệp được trình bầy như một việc áp dụng giáo huấn Công Đồng vào phạm vi xã hội, đối với vấn đề phát triển và chậm phát triển của các dân tộc.

8. Những phân tích sơ lược giúp đó chúng ta đánh giá cao hơn tính cách mới mẻ của Thông Điệp mà người ta có thể thu tóm vào ba yếu tố sau:

– Yếu tố thứ nhất: Đây là một văn kiện, phát xuất từ quyền bính tối cao trong Giáo hội Công Giáo, và được dành cho chính Giáo hội cũng như cho mọi người thiện chí.[18] Việc văn kiện bàn về một vấn đề mà mới xem qua thì chỉ có tính cách kinh tế và xã hội; việc phát triển các dân tộc. Từ phát triển ở đây được mượn ở thuật ngữ của các khoa học xã hội và kinh tế. Xét dưới toàn khía cạnh đó thì Thông Điệp phát “triển các dân tộc” hoàn toàn nằm trong đường lối của thông điệp Tân  Sự, là Thông Điệp bàn về “thân phận của người thợ”.[19] Xét một cách hời hợt thì hình như hai chủ đề này không nằm trong những điểm mà Giáo hội, như là thể chế tôn giáo, có thẩm quyền lưu ý tới: chủ đề phát triển còn xa lạ hơn chủ đề thân phận lao động.

Phải nhận rằng khi tiếp tục thông điệp của Đức Lêô XII, Văn kiện của Đức Phaolô VI đã có công nhấn mạnh tới tính cách luân lý và văn học. Trong cách đặt vấn đề liên quan tới phát triển, và đồng thời, tới tính cách hợp lý và cần thiết trong việc Giáo hội can thiệp vào lãnh vực này.

Ở đây chúng ta thấy giáo lý Kitô giáo về vấn đề xã hội, một lần nữa mang đặc tính áp dụng Lời Chúa vào đời sống cá nhân và xã hội, cũng như vào các thực tại trần thế liên hệ, bằng cách đề ra những “nguyên tắc suy tư”, những “tiêu chuẩn phê phán” và những “đường hướng hành động”.[20] Nhưng trong văn kiện của Đức Phaolô VI, Người ta nhận thấy ba yếu tố trên có tính cách thực tiễn hơn, nghĩa là nhằm tới đời sống luân lý.

Do đó, khi quan tâm đến việc “phát triển các dân tộc”, Giáo hội không thể bị tố cáo là đã vượt quá thẩm quyền của mình, lại càng không thể nói là vượt quá sứ mạng Chúa đã uỷ thác cho.

9. Yếu tố thứ hai đánh dấu tính cách mới mẻ của thông điệp “Phát triển các dân tộc” nằm ở chỗ thông điệp mở ra một chân trời rộng lớn cho điều mà thường gọi là “vấn đề xã hội”.

Thực sự thông điệp “Mẹ và Thầy” của đức giáo hoàng Gioan XXIII đã có được tầm nhìn rộng rãi trên,[21] và công đồng đã phản ánh điều đó trong hiến chế vui mừng và hy vọng.[22] tuy nhiên; giáo huấn của Giáo hội về vấn đề xã hội chưa đi tới chỗ khẳng định cách rõ rệt rằng vấn đề xã hội đã có một “chiều kích toàn cầu”,[23] và đã không làm cho những xác quyết đó cũng như những phân tích kèm theo thành một “hướng dẫn hành động” như Đức Phaolo VI đã làm trong Thông Điệp ngài.

Một lập trường rõ rệt như vậy cho thấy nó mang một nội dung hết sức phong phú mà chúng ta cần nêu ra ở đây.

Trước hết, phải loại bỏ một sự hiểu lầm có thể xảy ra. Nhìn nhận rằng vấn đề xã hội có một chiều kích toàn cầu, không có nghĩa là phủ nhận tác dụng hay tầm quan trọng của nó trong phạm vi quốc gia hay địa phương. Trái lại, điều đó có ý nghĩa là các vấn đề trong các xí nghiệp hay trong phong trào thợ thuyền và nghiệp đoàn của một nước nào đó hoặc của một vùng nhất định, không được coi như những hiện tượng riêng rẽ, không dính dáng tới nhau, nhưng chúng tùy thuộc ngày càng nhiều vào những yếu tố có tầm ảnh hưởng lan rộng ra ngoài những giới hạn của địa phương hay bờ cõi quốc gia.

Điều đáng buồn là xét theo góc độ kinh tế, số các nước đang phát trển vượt quá xa số các nước đã phát triển. Những đám người không có của cải và các dịch vụ do sự phát triển đem lại thì đông hơn nhiều so với những người có những phúc lợi đó.

Thành thử chúng ta đứng trước một vấn đề nghiêm trọng về sự phân phối không đồng đều về những phương tiện sinh sống; những phương tiện này vốn được dành cho tất cả mọi người, và các lợi lộc do các phương tiện đem lại cũng vậy. Tình trạng đó đã nảy sinh mà không thể qui trách nhiệm cho các dân tộc kém may mắn, càng không thể qui trách nhiệm cho một thứ định mệnh gắn liền với các điều kiện tự nhiên hay với toàn bộ hoàn cảnh.

Khi tuyên bố rằng vấn đề xã hội có một chiều kích toàn cầu, Thông Điệp của Đức Phaolo VI muốn trước tiên nêu lên một sự kiện thuộc lãnh vực luân lý có nền tảng trong sự phân tích khách quan về thực tại. Theo kiểu nói của Thông Điệp, “mỗi người phải ý thức” [24] về sự kiện ấy, chính bởi vì sự việc đó trực tiếp đụng chạm tới lương tâm, là nguồn gốc của các quyết định luân lý.

Trong khung cảnh đó, tính cách mới mẻ của Thông Điệp không hệ tại sự khẳng định có tính cách lịch sử về tính cách phổ quát của vấn đề xã hội, cho bằng hệ tại sự lượng giá thực tại đó theo khía cạnh luân lý. Vì vậy các người có trách nhiệm về việc chung, các công dân trong các nước giàu có, mỗi người với tư cách riêng, đặc biệt nếu họ là Kitô hữu, họ đều có bổn phận luân lý, theo mức trách nhiêm của mình, phải lưu tâm trong những quyết định, có tính cách cá nhân hay ở tầm mức quốc gia, tới mối tương quan hoàn cầu, tới sự tương tùy (interdependance) giữa thái độ của họ với tình trạng khốn cùng, cũng như sự chậm phát triển của hàng triệu con người. Một cách rất chính xác, thông điệp của Đức Phaolô VI đã gọi bổn phận luân lý đó là “bổn phận liên đới”,[25] và mặc dầu ngày nay vẫn còn giữ nguyên sức mạnh và giá trị như khi được soạn thảo.

Mặt khác, vẫn trong khuôn khổ của nhãn giới luân lý, tính cách mới mẻ của thông điệp còn ở tại cách trình bày về vấn đề căn bản: chính khái niệm phát triển đã thay đổi một cách đáng kể khi người ta nhìn phát triển trong viễn tượng các nước trên thế giới phải tùy thuộc lẫn nhau. Sự phát triển đích thực không thể chỉ là tích lũy tiền bạc và làm gia tăng của cải cũng như các dịch vụ, nếu như việc phát triển đó lại được trả bằng giá của sự chậm phát triển đại chúng và không đếm xỉa gì tới những chiều kích xã hội, văn hóa và thiêng liêng của con người.[26]

10. Khía cạnh thứ ba, thông điệp đem lại một nét mới mẻ đáng kể cho học thuyết của Giáo hội về vấn đề xã hội, cả trong toàn bộ cũng như chính quan niệm về phát triển. Tính cách mới mẻ này được thể hiện ở một câu trong đoạn kết của văn kiện, và có thể coi như là công thức tóm lược văn kiện, không kể việc nó làm cho văn kiện có tính cách lịch sử. Câu đó là: “phát triển là danh hiệu mới của hòa bình”.[27]

Thật ra, nếu vấn đề xã hội có được một chiều kích toàn cầu, đó là vì sự đòi hỏi công lý cần một sự đáp ứng ở mức độ đó. Không nhận biết điều ấy là rơi vào nguy cơ làm nảy sinh sự cám dỗ, khiến những nạn nhân của bất công chống trả bằng bạo lực. Nhiều cuộc chiến tranh đã bắt đầu như vậy. Quần chúng không được dự phần cách công bình vào những của cải tự nguyên thủy dành cho mọi người, có thể tự hỏi: tại sao không sử dụng bạo lực để chống trả lại những người đã đối xử với chúng ta bằng bạo lực trước? và nếu người ta xét tình hình dựa trên sự phân chia thế giới thành khối ý thức hệ – năm 1967 sự phân chia này đã có rồi – với các hệ lụy kinh tế và chính trị nảy sinh từ đó, thì nguy hiểm còn lớn hơn nữa.

Thêm vào nhận định đầu tiên về nội dung phong phú của công thức được dùng trong Thông Điệp, còn một nhận định khác mà văn kiện ám chỉ: đó là làm sao biện minh được sự kiện những số tiền khổng lồ có thể và lẽ ra phải được dùng vào việc gia tăng sự phát triển các dân tộc, lại được dùng vào việc làm giàu cho các cá nhân hay tập đoàn, hoặc dùng vào việc tăng thêm số kho vũ khí trong các nước đã phát triển, cũng như trong các nước đang phát triển, đảo ngược những ưu tiên đích thực? Và điều đó càng thêm nghiêm trọng, nếu người ta lưu ý tới những khó khăn thường hay cản trở cho việc chuyển thẳng các khoản tiền dành để giúp các nước đang cần viện trợ. Nếu phát triển là danh hiệu mới của hòa bình thì chiến tranh và việc chuẩn bị chiến tranh là những kẻ thù lớn nhất của công cuộc phát triển toàn diện các dân tộc.

Như vậy, dưới áng sáng của diễn ngữ do Đức Phaolô VI phát biểu, chúng ta được mời gọi xét lại khái niệm phát triển. Khái niệm này hiển nhiên không đồng hóa với việc chỉ tìm thỏa mãn những nhu cầu vật chất, bằng cách tăng thêm của cải, mà không đếm xỉa tới những thống khổ của đa số, chỉ hành động theo ích kỷ của cá nhân hay của các quốc gia. Thư thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta điều đó một cách thật thích đáng: “Không phải do đó mà sinh ra chinh chiến và đấu tranh sao?… há không phải do các dục tình làm giặc nơi chi thể anh em sao? anh em ao ước mà không được” (Gc 4,1-2)[28].

Trái lại, trong một thế giới mà người ta chỉ lo mưu cầu ích chung của toàn thể nhân loại, nghĩa là mưu cầu “sự phát triển của mọi người về mặt thiêng liêng và nhân bản” chứ không lo tìm kiếm tư lợi cá nhân, thì hòa bình sẽ có được như hoa trái của “một trật tự công bằng hơn giữa loài người”.[29]

Tính cách mới mẻ này của Thông Điệp cũng có một giá trị trường tồn và hiện đại, nếu người ta nghĩ tới não trạng của con người ngày nay, vốn bén nhạy về mối giây liên kết chặt chẽ giữa sự tôn trọng công lý và sự thiết lập một nền hòa bình đích thực.

III. BỨC TRANH TOÀN CẢNH CỦA THẾ GIỚI NGÀY NAY

11. Giáo huấn căn bản của Thông Điệp. “Phát Triển các Dân Tộc” đã có tiếng vang lớn lao ngay khi được công bố, nhờ tính cách mới mẻ của nó. Không thể nói được rằng bối cảnh xã hội chúng ta đang sống hôm nay hoàn toàn y như bối cảnh xã hội cách đây 20 năm, vì vậy tôi muốn dừng lại ở một vài đặc điểm của thế giới hiện nay, và trình bày chúng một cách vắn tắt, hầu đào sâu giáo huấn của Thông Điệp Đức Phaolô VI, vẫn từ quan điểm “phát triển các dân tộc”.

12. Sự kiện thứ nhất cần nêu lên là: Niềm hy vọng vào sự phát triển lúc đó thật lớn lao, ngày nay hình như chưa thực hiện được bao nhiêu.

Về điều này, Thông điệp không nuôi ảo tưởng. Ngôn ngữ nghiêm khắc, đôi khi bi thảm của Thông Điệp, chỉ muốn nhấn mạnh tới tính cách của tình thế và đề nghị với lương tâm con người về bổn phận cấp bách phải góp phần giải quyết. Trong những năm đó, có một sự lạc quan nào đó về khả năng xóa bỏ được tình trạng chậm tiến về mặt kinh tế của các nước ít được ưu đãi mà không cần phải cố gắng thái quá, đem lại cho họ những hạ tầng kiến trúc, và giúp họ trong tiến trình kỹ thuật hóa.

Trong bối cảnh lịch sử thời đó, ngoài những cố gắng của mỗi quốc gia, tổ chức Liên Hiệp Quốc đã có sáng kiến giành hai thập niên liên tiếp cho việc phát triển.[30] Thật vậy, nhiều biện pháp song phương và đa phương đã được áp dụng để giúp cho nhiều nước, một số trong nước này đã độc lập từ lâu, nhưng đa số mới trở thành quốc gia độc lập sau khi xóa bỏ chế độ thuộc địa. Về phần mình, Giáo hội đã cảm thấy có bổn phận đào sâu các vấn đề do tình huống mới đặt ra, với ý định nâng đỡ những cố gắng nói trên, bằng cách đem lại cho chúng một “cái hôn” và một sự thúc đẩy hữu hiệu, nhờ một nguồn cảm hứng có tính cách tôn giáo và nhân bản.

13. Không thể nói rằng những sáng kiến tôn giáo, nhân bản, kinh tế và kỹ thuật khác nhau đó là vô ích, vì thực sự chúng đã đạt được một số kết quả. Nhưng nói chung, nếu xét tới các yếu tố khác nhau, người ta không thể chối cãi rằng tình trạng thế giới hiện nay gây một ấn tượng tiêu cực nhiều hơn, đứng ở quan điểm phát triển.

Vì thế tôi muốn lưu ý tới một số chỉ dẫn có tính cách tổng quát, nhưng cũng loại trừ những yếu tố đặc thù khác. Không đi sâu vào việc phân tích các con số và các thống kê, chỉ cần nhìn vào cảnh tượng vô số người, đàn ông cũng như đàn bà, trẻ con và người lớn, ông già bà lão, tóm lại, những con người cụ thể và độc nhất đang quằn quại dưới sức nặng không chịu đựng được của cảnh khốn cùng. Họ là hàng triệu con người sống không hy vọng, vì ở nhiều nơi trên trái đất, tình trạng của họ rõ ràng đã trở nên bi thảm hơn. Đối diện với những cảnh cùng cực và thiếu thốn của bao anh em chúng ta, chính Chúa Giêsu đang chất vấn chúng ta đó (Mt 25,31-46).

14. Nhận định tiêu cực đầu tiên là sự tội có khi còn đào sâu thêm, cái hố chia rẽ giữa các vùng gọi là phía Bắc đã phát triển, và các vùng phía Nam đang phát triển. Cách gọi các vùng như vậy chỉ có giá trị như một chỉ dẫn, vì ai cũng biết rằng ranh giới giữa giầu nghèo nằm ngay trong chính xã hội, dù đã phát triển hay đang phát triển. Thực vậy, cũng như có sự bất bình đẳng tới mức độ cùng cực trong các nước giàu, thì đồng thời, ngay trong các nước kém mở mang, người ta cũng thấy khá nhiều trường hợp ích kỷ, phô trương của cải vừa đáng kinh ngạc, vừa làm vấp ngã.

Ở vài vùng trên thế giới, đặt biệt trong các vùng mở mang phía Bắc, có sự dư giả của cải và dịch vụ, trong khi phía Nam sống trong một sự chậm tiến không thể chấp nhận được, và chính vùng địa lý chính trị này là vùng đất của đại đa số nhân loại.

Khi nhìn vào các lãnh vựa khác nhau: sản xuất và phân phối lương thực, vệ sinh sức khỏe và nhà ở, nước uống, các điều kiện làm việc, cách riêng đối với phụ nữ, tuổi thọ trung bình… và những chỉ dẫn xã hội, kinh tế khác nữa, thì bức tranh toàn cảnh hiện ra làm người ta phải thất vọng, dù xét chính nó hoặc so sánh nó với các dự kiện tương đương của các nước mở mang hơn; lúc đó tự nhiên người ta thốt lên tiếng: “hố sâu”.

Có thể đó không phải là kiểu nói thích hợp nhất để diễn tả cái thực tại đích thực; vì nó có thể cho người ta ấn tượng về một hiện tượng tĩnh. Nhưng không phải thế. Trong tiến trình của các nước đã mở mang, trong những năm qua, người ta đã chứng kiến một mức độ gia tốc khác nhau làm tăng thêm sự khác biệt, khiến cho các nước đang mở mang, đặt biệt các nước nghèo nhất, đi tới chỗ rơi vào một tình trạng chậm tiến rất nghiêm trọng.

Cũng phải nói đến những khác biệt về văn hóa và hệ thống giá trị giữa các nhóm dân chúng khác nhau, những khác biệt này không luôn luôn đi đôi với mức phát triển kinh tế, nhưng góp phần tạo nên các chênh lệnh. Đó là những yếu tố và những khía cạnh làm cho vấn đề xã hội thêm phức tạp, chính bởiừi vấn đề đã đạt tới một tầm vóc toàn cầu.

Khi người ta quan sát các vùng khác nhau trên thế giới, một thế giới bị phân cách bởi cái hố ngày càng sâu rộng hơn, khi người ta nhận thấy rằng mỗi vùng theo đuổi con đường riêng của mình, bằng cách thức thực hiện riêng, thì người ta hiểu tại sao ngôn ngữ thông thường lại nói tới nhiều thế giới ở trong lòng một thế giới duy nhất của chúng ta: thế giới thứ nhất, thế giới thứ hai, thế giới thứ ba, và cả thế giới thứ tư nữa.[31] Những diễn ngữ như thế, tuy không nhằm việc sắp loại tất cả các quốc gia một cách đầy đủ, nhưng không phải là không có ý nghĩa: chúng làm chứng cho sự nhận thức tản mạn rằng tính cách duy nhất của một thế giới, hay nói cách khác, tính cách duy nhất của một nhân loại bị vi phạm nghiêm trọng. Cách nói như vậy, với ít nhiều giá trị khách quan của nó, hẳn phải chứa đựng một nội dung luân lý mà Giáo hội không thể thờ ơ, vì Giáo hội là “Bí tích”, có nghĩa vừa là dấu chỉ, vừa là phương tiện (…) của sự duy nhất toàn thể nhân loại.[32]

15. Bức tranh vừa nêu sẽ không đầy đủ, nếu ngoài những dự kiến kinh tế và xã hội của tình trạng kém mở mang, người ta không thêm vào những dữ kiện khác cũng có tính cách tiêu cực và còn đáng quan tâm hơn nữa, bắt đầu từ những dự kiện về lãnh vực văn hóa. Đó là nạn mù chữ, tình trạng khó khăn hay không thể học lên cao hơn, sự thể không có khả năng tham gia vào việc xây dựng chính đất nước mình, các hình thức bóc lột và đàn áp con người, cũng như các quyền của con người về mặt kinh tế, xã hội, chính trị và cả tôn giáo, một hình thức kỳ thị; đặc biệt hình thức đáng ghê tởm là kỳ thị chủng tộc. Thật là đáng tiếc, nếu cũng có một vài tệ nạn trong các nước phát triển hơn ở phía Bắc, thì rõ ràng là những điều đó xuất hiện nhiều hơn, kéo dài hơn và khó loại trừ hơn tại các quốc gia đang trên đường phát triển và kém mở mang.

Phải lưu ý rằng, trong thế giới ngày nay, quyền có sáng kiến kinh tế là một trong những quyền bị bóp nghẹt. Thế nhưng nó là một quyền quan trọng, không phải chỉ đối với cá nhân, mà còn đối với công ích nữa kinh nghiệm cho thấy rằng việc phủ nhận hay hạn chế quyền này nhân danh một sự “bình đẳng” mạo xưng của mọi người trong xã hội, nếu không tiêu hủy trong thực tế, thì cũng làm giảm suy óc sáng kiến,tức là làm suy giảm nhân cách sáng tạo của người công dân. Kết quả không phải là một sự bình đẳng chân thực, mà là một sự “cào bằng”thay vì sáng kiến sáng tạo, người ta lại ưa thích tính thụ động, sự tùy thuộc và sự tùng phục cơ chế quan liêu, cơ chế này hành động như cơ quan “tổ chức”“quyết định” duy nhất, nếu không phải là cơ quan “sở hữu” toàn bộ của cải và các phương tiện sản xuất, đặt mọi người vào một cái thế phải tùng phục gần như tuyệt đối, tương tự như sự tùy thuộc truyền thống của người công nhân vô sản vào tư bản chủ nghĩa. Điều đó làm nảy sinh một tâm tình bị tước đoạt hay tuyệt vọng, và điều đó khiến người ta lãnh đạm với đời sống quốc gia, thúc đẩy nhiều người bỏ xứ ra đi và còn cổ võ cho một thứ di tản “tâm lý”.

Một tình trạng như vậy cũng kéo theo những hậu quả về phương diện quyền của mỗi nước. Thật vậy, có nhiều quốc gia bị tước đoạt mất nhân cách, nghĩa là mất chủ quyền của mình về mặt kinh tế, chính trị và xã hội, hay một cách nào đó, cả về mặt văn hóa, vì trong một cộng đồng quốc gia, tất cả các chiều kích trên của đời sống được liên kết với nhau.

Phải nhắc thêm rằng không một nhóm xã hội nào, một đảng phái chẳng hạn, có quyền chiếm đoạt vai trò chỉ đạo duy nhất, vì việc đó đưa tới sự hủy diệt nhân cách đích thực của xã hội và của các cá nhân thành viên của quốc gia, như đã xảy ra trong mọi chế độ độc tài. Trong một hoàn cảnh như vậy, con người và dân tộc sẽ biến thành những sự vật, cho dù có tất cả những lời tuyên bố ngược lại, hay những lời hứa hẹn bảo đảm.

Ở đây, cần nói thêm rằng trong thế giới ngày nay còn có nhiều hình thức nghèo khổ khác. Một số những thiếu thốn hay bị tước đoạt, không đáng gọi là nghèo khổ sao? Việc phủ nhận hay giới hạn các quyền của con người chẳng hạn quyền tự do tôn giáo, quyền tham gia vào việc xây dựng xã hội, quyền tự do hiệp hội hay lập công đoàn, tự do đưa ra những sáng kiến về mặt kinh tế, những vi phạm đó chẳng làm cho con người ra nghèo khổ, nếu không muốn nói là, còn hơn nữa so với việc thiếu của cải vật chất sao? Và một sự phát triển không công nhận đầy đủ các quyền ấy có phải là sự phát triển thực sự mang chiều kích nhân bản không?

Tóm lại, ngày nay tình trạng chậm phát triển không phải chỉ là chậm phát triển về kinh tế, nhưng cả trong lãnh vực văn hóa, chính trị, và nói một cách đơn giản, đó còn là chậm phát triển về con người, như Thông Điệp “Phát triển các dân tộc” đã nêu lên cách đây 20 năm. Ở đây cần tự hỏi phải chăng thực tại đáng buồn của ngày hôm nay lại không phải là kết quả, ít nhất một phần, của một quan niệm rất hẹp hòi về phát triển, tức là quan niệm chỉ chú ý tới mặt kinh tế sao?.

16. Phải nhận rằng tình trạng đó đã trở nên rất trầm trọng, mặc dù trong hai thập niên vừa qua đã có những cố gắng đáng ca ngợi của những nước đã mở mang hoặc đang mở mang, và của các tổ chức quốc tế, để tìm ra một lối thoát cho tình trạng, hay ít nữa là chữa được một vài triệu chứng.

Tình trạng càng ngày càng trở nên nghiêm trọng như vậy, có thể quy trách nhiệm cho nhiều nguyên nhân. Có thể kể ra đây những thiếu sót thực sự và nghiêm trọng của chính các nước đang mở mang, cách riêng của những người nắm quyền hành về mặt kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, không phải vì vậy, mà có thể làm như không thấy trách nhiệm của các nước đã mở mang, các nước này đã không luôn luôn hiểu, hay ít ra đã không hiểu đầy đủ rằng mình có bổn phận giúp đỡ các nước còn xa cái thế giới sung túc mà mình là thành phần.

Tuy nhiên, cần phải tố cáo những cơ chế kinh tế tài chính và xã hội, những cơ chế này, mặc dầu do ý muốn của con người điều khiển, thường hoạt động một cách gần như máy móc, làm tăng thêm sự khác biệt giữa tình trạng giàu có của người này và tình trạng nghèo khổ của người kia. Các cơ chế đó, do các nước mở mang hơn điều khiển trực tiếp hay gián tiếp, đã củng cố quyền lợi của những nước điều khiển, nhưng cuối cùng lại bóp nghẹt hay điều kiện hóa nền kinh tế các nước kém mở mang. Trong Thông Điệp này, chúng ta sẽ còn phải phân tích kỹ hơn những cơ chế đó dưới khía cạnh đạo đức và luân lý.

Thông Điệp “Phát triển các dân tộc” đã nhìn thấy trước rằng những hệ thống như thế có thể làm tăng thêm sự giàu có của những người giàu, trong khi vẫn giữ mãi những người nghèo trong cảnh khốn cùng.[33] Dự kiến đó đã được xác nhận với sự xuất hiện của cái gọi là thế giới thứ tư.

17. Mặc dầu tình trạng xã hội trên thế giới hiện ra như vỡ tan từng mảnh – và điều này thấy được trong cách nói qui ước: thế giới thứ nhất, thế giới thứ hai, thế giới thứ ba và cả thế giới thứ tư-. Sự tương tùy giữa các thành phần vẫn còn luôn luôn rất chặt chẽ và nếu bị tách rời khỏi những đòi hỏi đạo đức, nó sẽ kéo theo những hậu quả tai hại cho những ngưởi yếu kém nhất. Tuy nhiên, sự tương tùy đó, do một thứ năng động bên trong và dưới sự thúc đẩy của những cơ chế mà chỉ có thể gọi là quái ác, tạo nên những hậu quả tiêu cực ngay cả trong các quốc gia giàu có. Ngay các nước này người ta tìm thấy, tuy ở mức độ thấp hơn, những biểu hiệu đặc trưng nhất của sự kém mở mang. Chẳng hạn, ai cũng phải thấy rằng, phải có sự phát triển chung cho toàn thế giới, hoặc phải chịu một tiến trình thoái bộ ngay cả trong những vùng vẫn phát triển đều đều. Hiện tượng đặc biệt của sự phát triến đích thực là: tất cả các nước trên thế giới được thông phần vào sự phát triển, nếu không, sự phát triển ấy không đích thực.

Trong số các triệu chứng đặc thù của tình trạng chậm tiến ngày càng đe dọa các dân tộc đã mở mang, có hai triệu chứng đặc biệt đáng báo động, cho thấy một tình trạng nguy kịch. Trước hết là nạn thiếu nhà ở. Trong năm quốc tế những người vô gia cư này, do tổ chức Liên Hiệp Quốc chủ xướng, đã có một sự quan tâm hướng về hàng triệu người không có một nơi để ở nữa, nhằm thức tỉnh các lương tâm và tìm ra một giải pháp cho vấn đề nghiêm trọng này, là vấn đề có những hậu quả tiêu cực cho cá nhân, gia đình và xã hội.[34]

Đâu cũng có nạn thiếu nhà ở, và phần lớn do hiện tượng đô thị hóa không ngớt gia tăng.[35] Ngay cả những dân tộc phát triển nhất, cho thấy những tình cảnh đáng buồn của những cá nhân và gia đình phải thực sự đấu tranh để sống còn, đang khi không có một mái nhà che nắng che mưa, hay với một nơi trú ngụ mong manh đến độ có cũng như không.

Nạn thiếu nhà ở, một vấn đề tự nó rất nghiêm trọng, phải được coi như dấu chỉ và tổng hợp của cả một chuỗi sự thiếu thốn về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, hay đơn giản là thiếu thốn về mặt nhân bản, và nếu để ý tới tính cách phổ biến của hiện tượng này, chúng ta không khó khăn gì mà không nhìn nhận rằng chúng ta còn xa sự phát triển đích thực các dân tộc.

18. Một triệu chứng khác, thường thấy phần lớn các quốc gia, là hiện tượng thất nghiệp và thừa nhân công. Ai chẳng thấy tính cách thời sự và mức nghiêm trọng ngày càng gia tăng của hiện tượng như vậy tại các nước kỹ nghệ hóa?.[36] Nếu hiện tượng đó đáng báo động trong các nước đang trên đà mở mang, với tỷ lệ tăng dân số cao và có đông đảo người trẻ, thì trong các nước có một mức phát triển kinh tế, các nguồn cung cấp công ăn việc làm lại giảm bớt thay vì gia tăng.

Hiện tượng trên, cùng với một chuỗi hậu quả tiêu cực ở mức độ cá nhân và xã hội, từ chuỗi thoái hóa đến chỗ đánh mất sự tự trọng mà bất kỳ người đàn ông, đàn bà nào cũng phải có, hiện tượng đó mời gọi chúng ta tự hỏi cách nghiêm túc về mẫu phát triển đã thực hiện trong 20 năm qua. Điều mà thông điệp lao động (Laborem exercens) đã nói, tỏ ra có tính cách thời sự hơn bao giờ hiết: “Phải nhấn mạnh rằng yếu tố cấu thành và đồng thời việc kiểm chứng thích đáng nhất về sự tiến bộ trong tinh thần công lý và hòa bình mà Giáo hội tuyên xưng và không ngớt cầu nguyện cho (…) chính là sự liên tục lượng giá lại lao động của con người, dưới khía cạnh cứu cánh khách quan, cũng như dưới khía cạnh phẩm giá của chủ thể mọi lao động, tức là con người”. Trái lại “người ta không thể không quan tâm tới một sự kiện gây ngạc nhiên và có một quy mô rất lớn”, đó là “có những đám người đông đảo không có việc làm hay không được sử dụng vào đúng khả năng(…), sự kiện này hẳn phải làm chúng ta nhận thấy rằng bên trong mỗi cộng đoàn chính trị cũng như trong các quan hệ giữa các cộng đoàn với nhau, ở bình diện lục địa và toàn cầu – về những gì liên quan tới việc tổ chức lao động và nhân công- có một cái gì không ổn, và cái không ổn đó chính là ở những điểm nguy kịch nhất và quan trọng nhất về mặt xã hội”[37].

Vì có tính chất phổ quát, và theo một nghĩa nào đó, có tính tăng bội, cho nên hiện tượng này cũng như hiện tượng trước, do hậu quả tiêu cực của nó, làm nên một dấu chỉ rất đặc trưng về tình trạng và phẩm chất của việc phát triển các dân tộc mà chúng ta đang phải đối đầu hôm nay.

19. Một hiện tượng khác, hiện tượng tiêu biểu cho giai đoạn gần đây – cho dù không có ở mọi nơi – cũng là điểm đặc trưng tương tùy giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia kém phát triển, đó là vấn đề nợ nần giữa các nước. Uỷ Ban Giáo Hoàng “Công Lý và Hòa Bình” đã soạn một tài liệu cho vấn đề này.[38]

Ở đây, người ta không thể bỏ qua mối dây liên kết chặt chẽ giữa vấn đề này, mà tính chất nghiêm trọng gia tăng đã được dự kiến trong Thông Điệp Populorum Progressio  [39]với vấn đề phát triển các dân tộc.

Lý do thúc đẩy các dân tộc đang trên đường phát triển chấp nhận đề nghị được cung cấp thật nhiều vốn, là vì họ hy vọng có thể đầu tư những vốn đó vào các hoạt động phát triển. Do đó, việc sẵn sàng cho vay và chấp nhận vay, có thể được coi như một sự đóng góp vào chính sự phát triển, đó là điều nên có và tự nó hợp pháp, dù cho đôi khi việc vay mượn đó thiếu khôn ngoan và trong một vài trường hợp là hấp tấp.

Vì tình thế thay đổi, cả ở trong các nước mắc nợ lẫn trên thị trường tài chính quốc tế, phương tiện được dự kiến để góp phần vào việc phát triển lại biến thành một cơ chế có kết quả ngược lại. Đó là vì, một đàng để trả nợ, các nước vay nợ phải chuyển ra nước ngoài những nguồn vốn mà có lẽ họ đang cần để phát triển, hay ít là để duy trì mức sống của họ: và đàng khác, cũng vì lý do đó họ không thể có được nguồn tài trợ khác cũng cần thiết như vậy.

Do cơ chế đó, phương tiện dùng để giúp việc “Phát triển các dân tộc” đã biến thành một “cái thắng”, và trong vài trường hợp, lại thành một yếu tố làm tăng thêm sự kém mở mang.

Các nhận định trên phải làm cho người ta suy nghĩ, như tài liệu mới đây của uỷ ban giáo hoàng “công lý và hòa bình”,[40] về tính cách đạo đức của sự tương tùy giữa các dân tộc. Và để tiếp tục những đường hướng suy tư của chúng ta, cũng cần phải suy nghĩ cả về những đòi hỏi và những điều kiện hợp tác vào việc phát triển do các nguyên tắc đạo đức gợi lên.

20. Ở đây, nếu xét đến nguyên nhân của sự chậm trễ nghiêm trọng ấy trong tiến trình phát triển, nó đi ngược lại với những chỉ dẫn của Thông Điệp “Phát Triển Các Dân Tộc”, là văn kiện đã khơi lên bao niềm hy vọng, thì chúng ta phải đặc biệt lưu ý tới những nguyên nhân chính trị của tình trạng hiện tại.

Trước toàn bộ các yếu tố hẳn là phức tạp đang trải ra trước mắt chúng ta, khó có thể làm một cuộc phân tích đầy đủ ở đấy được. Nhưng người ta không thể làm thinh trước một sự kiện làm nổi bật của bối cảnh chính trị làm nên đặc trưng của giai đoạn lịch sử tiếp sau một yếu tố quan trọng trong diễn biến phát triển các dân tộc.

Chúng tôi muốn nói đến sự hiện hữu của hai đối nghịch, thường được gọi bằng danh xưng ước lệ là Đông và Tây, hoặc Đông Phương và Tây Phương. Lý do của cách gọi như vậy không phải là thuần túy chính trị mà còn là chính  trị-địa-lý. Mỗi khối tìm cách đồng hóa và quy tụ quanh mình những nước hay nhóm nước khác, tùy theo mức độ liên kết hay tham gia khác nhau.

Sự đối nghịch trước hết có tính cách chính trị, nghĩa là mỗi khối tìm được căn tính của mình trong một hệ thống tổ chức xã hội và phương thức thi hành quyền bính. Hệ thống này có khuynh hướng không hòa hợp với hệ thống kia. Rồi nữa, sự đối nghịch chính trị lại bắt nguồn từ trong một sự đối nghịch sâu xa hơn: một sự đối nghịch về ý thức hệ.

Thậy vậy, bên Tây Phương có một hệ thống, xét theo lịch sử, phát xuất từ nguyên tắc chủ nghĩa tư bản tự do như đã phát triển ở thế kỷ XIX với việc kỹ nghệ hóa. Bên Đông, có một hệ thống phát xuất từ chủ nghĩa tập thể Mácxít, nảy sinh từ cách giải thích tình trạng các giai cấp vô sản, dựa theo cách giải thích riêng về lịch sử. Vì dựa vào hai cách nhìn khác nhau về con người, về tự do và về vai trò xã hội của con người, nên mỗi ý thức hệ đưa ra và cổ võ trên bình diện kinh tế những hình thức trái ngược nhau về cách tổ chức lao động và các cơ cấu tư hữu, nhất là trong lãnh vực gọi là phương tiện sản xuất.

Khi mở rộng các hệ thống và trung tâm quyền hành đối nghịch, với những hình thức tuyên truyền và nhồi sọ riêng, thì đương nhiên đối mặt ý thức hệ sẽ biến dần thành một cuộc đối nghịch về mặt quân sự, làm nảy sinh hai khối cường quốc vũ trang, khối này nghi ngờ khối kia và luôn sợ khối kia chiếm ưu thắng.

Đến lượt các quan hệ quốc tế cũng không thể không chịu ảnh hưởng của “cái lôgic hai khối” và những “phạm vi ảnh hưởng” của mỗi khối. Nẩy sinh từ sau thế chiến thứ hai, tình trạng căng thẳng giữa hai khối đã thống trị 40 năm tiếp theo sau đó, dưới dạng hoặc “chiến tranh lạnh” hoặc “chiến tranh qua trung gian”, nhờ khai thác các tranh chấp địa phương, hay để cho người ta phải sống trong bất trắc và lo âu trước sự đe dọa của một cuộc chiến tranh thực sự toàn cầu.

Nếu ngày nay một nguy cơ như vậy hình như đã lãng xa, tuy chưa hoàn toàn biến hẳn, và nếu người ta đã đạt tới thỏa hiệp đầu tiên về việc thủ tiêu một loại vũ khí hạt nhân nào đó, thì sự hiện hữu và đối nghịch giữa các khối, không vì thế mà không còn là một yếu tố có thực và đáng quan ngại, nó tiếp tục chi phối bộ mặt thế giới.

21. Người ta có thể nhận thấy hiện tượng đó kèm theo một hậu quả hết sức tiêu cực trong các quan hệ quốc tế liên can đến các nước đang mở mang. Thật vậy, người ta biết rằng tình trạng căng thẳng giữa Đông và Tây là do sự đối nghịch không phải giữa hai mức độ phát triển khác nhau, nhưng đúng hơn, giữa chính hai quan niệm phát triển con người và các dân tộc, cả hai đều khiếm khuyết và cần sửa đổi cách triệt để. Sự đối nghịch đó được chuyển sang các quốc gia trong mỗi khối, khơi rộng thêm các hố sẵn có trên bình diện kinh tế giữa Bắc và Nam, và là hậu quả của khoảng cách giữa thế giới mở mang hơn và những thế giới kém mở mang.

Đó là một trong những lý do tại sao giáo huấn của Giáo hội về vấn đề xã hội có một thái dộ phê phán đội với chủ nghĩa tư bản tự do cũng như chủ nghĩa tập thể Mácxít. Thật vậy, từ góc độ phát triển, đương nhiên người ta sẽ đặt vấn đề là hai hệ thống trên có thể cải biến hay thích nghi bằng cách nào hoặc tới mức độ nào; dể khuyến khích hay cổ võ một sự phát triển đích thực và toàn diện con người, cũng như các dân tộc trong xã hội thời nay. Bởi vì các thay đổi và thích nghi đó rất cấp bách và cần thiết để đạt được sự phát triển chung cho mọi người.

Các nước mới độc lập là những nước đang cố gắng có được một căn tính văn hóa, chính trị và cần sự đóng góp hữu hiệu, vô vị lợi của các nước giàu có hoặc mở mang hơn. Họ bị liên lụy, đôi khi bị lôi cuốn vào những cuộc xung đột ý thức hệ, làm nảy sinh trong nước những chia rẽ không tránh được, đến độ đôi khi gây nên những cuộc chiến thực sự. và điều đó xảy ra một phần là vì các vốn đầu tư và viện trợ phát triển thường không được sử dụng đúng mục đích, nhưng được lạm dụng để tài trợ cho những cuộc tranh chấp đi ra ngoài và nghịch với quyền lợi của các nước được hưởng quyền viện trợ. Nhiều nước trong số này ngày một ý thức hơn về cái nguy cơ trở thành nạn nhân của một chế độ thuộc địa mới và chỉ tìm cách tránh né. Chính một ý thức như vậy đã khai sinh ra phong trào quốc tế các nước không liên kết, mặc dầu đã có những khó khăn, do dự và đôi khi mâu thuẫn. Xét theo khía cạnh tích cực, phong trào này muốn xác nhận cách hữu hiệu quyền của mỗi dân tộc được có căn tính, được độc lập, được an toàn, cùng quyền được thông phần một cách bình đẳng và liên đới vào sự thụ hưởng các của cải giành cho mọi người.

22. Sau những suy nghĩ trên, chúng ta có thể có một cái nhìn rõ hơn về bức tranh hai mươi năm qua, và hiểu hơn những tương phản hiện có trong các nước phía Bắc, nghĩa là Đông và Tây như là nguyên nhân, nhưng không phải là nguyên nhân cuối cùng, của sự chậm tiến hay trì trệ như các nước phía Nam.

Các nước đang phát triển, thay vì trở nên những quốc gia tự trị và nhắm tới việc thông phần cách công bình vào các của cải và các dịch vụ dành cho mọi người, thì lại trở nên những bánh xe của một guồng máy khổng lồ. Điều đó cũng thường thấy trong phạm vi các phương tiện truyền thông xã hội, phần lớn đặt tại các trung tâm do các nước phía Bắc quản trị, do đó không lưu ý đủ tới những ưu tiên, và không tôn trọng bộ mặt văn hóa của các nước đang phát triển. Không hiếm các trường hợp các nước đang mở mang áp đặt một cái nhìn méo mó về cuộc sống và về con người, vì vậy không đáp ứng được những đòi hỏi của một sự phát triển đích thực.

Mỗi khối theo cách riêng của mình, che dấu trong thâm tâm cái khuynh hướng “đế quốc”, theo kiểu nói quen dùng, hay khuynh hướng thực dân mới dưới nhiều hình thức, đó là một cám dỗ mà người ta dễ rơi vào như lịch sử đã cho thấy, ngay cả lịch sử thời gian gần đây.

Chính tình trạng bất thường này, hậu quả của cuộc chiến tranh và của một mối bận tâm thái quá về sự an ninh của mình, đã cản trở cái đà hợp tác, liên đới với mọi người vì ích chung của nhân loại, nhất là gây thiệt hại cho các dân tộc hiếu hòa, các dân tộc này cảm thấy quyền của họ được hưởng dùng các của cải dành cho mọi người đã bị ngăn chặn.

Nhìn ở góc độ trên, việc phân chia thế giới thành từng phần là một ngăn trở trực tiếp cho việc thay đổi đích thực các điều kiện của sự chậm tiến trong các nước đang mở mang và trong các nước chậm tiến. Nhưng các dân tộc không luôn luôn chịu đựng mãi số phận của họ. Hơn nữa, chính các nhu cầu của một nền kinh tế bị bóp nghẹt bởi các chi phí quân sự cũng như do chế độ quan liêu và sự thiếu hiệu năng tự bên trong, hình như bây giờ lại cổ võ cho các tiến trình có thể làm giảm bớt tình trạng đối nghịch, và tạo điều kiện cho việc thiết lập một cuộc đối thoại có ích và một sự hợp tác đích thực vì hòa bình.

23. Thông điệp “Phát Triển Các Dân Tộc” đã nhắc lại rằng các tài nguyên và các nguồn đầu tư dành để sản xuất vũ khí phải được dùng để làm giảm bớt nỗi thống khổ của dân nghèo,[41] điều này làm cho tiếng mời gọi phải vượt lên trên tình trạng đối nghịch giữa hai khối, trở thành cấp bách hơn.

Ngày nay, trong thực tế, các tài nguyên đó được sử dụng để làm cho khối này có thể thắng được khối kia, và nhờ vậy, bảo đảm được an ninh của mình. Đối với các nước mà dưới khía cạnh lịch sử, kinh tế và chính trị có khả năng đóng một vai trò lãnh đạo, thì một sự sai lầm như thế – đó là sự sai lầm cơ bản – đã gây khó khăn cho việc chu toàn một cách thích đáng bổn phận của họ, là phải liên đới với các dân tộc đang khao khát được phát triển cách toàn điện.

Nên xác định ở đây mà không bị coi là thái quá rằng một vai trò lãnh đạo giữa các dân tộc chỉ có thể bào chữa được nhờ khả năng và quyết tâm cộng tác rộng rãi và quảng đại vào công ích.

Một quốc gia, với ít nhiều ý thức, nhượng bộ cho cơn cám dỗ tự khép kín vào mình, trốn tránh các trách nhiệm do địa vị ưu thắng của mình giữa các quốc gia, sẽ mắc phải một thiếu xót nghiêm trọng trước một bổn phận đạo đức rõ rệt. Bổn phận đó dễ nhận thấy được trong một khung cảnh lịch sử, trong đó các tín hữu nhìn ra sự sắp đặt của Thiên Chúa quan phòng, Ngài dùng các quốc gia để thực hiện các ý định của Ngài, Ngài cũng không ngại phá tan chuyện muôn nước mưu đồ (x. Tv 33,10).

Khi phía Tây người ta cảm tưởng là đi tới những hình thức ngày càng thêm cô lập và ích kỷ; Khi phía Đông vì nhiều lý do chưa rõ ràng, cũng hình như quên bổn phận phải đóng góp vào việc làm giảm nỗi cơ cực của các dân tộc, thì người ta không chỉ đứng trước một sự phản bội các mong đợi chính đáng của nhân loại, đưa tới những hậu quả khôn lường, mà còn đứng trước một sự đảm nhiệm thực sự đối với một bổn phận luân lý.

24. Đứng trước những nhu cầu đích thực của con người, và trước việc sử dụng những phương tiện thích hợp để thỏa mãn các nhu cầu đó, nếu việc sản xuất vũ khí là một sự xáo trộn nghiêm trọng đang ngự trị trong thế giới ngày nay, thì việc buôn bán vũ khí cũng vậy. Phải thêm rằng đối với việc buôn bán vũ khí, sự phán xét luân lý còn nghiêm khắc hơn. Như người ta biết, đây là một cuộc buôn bán không biên giới, có thể băng qua ranh giới các khối, nó biết vượt lên trên sự phân biệt Đông Tây và nhất là sự phân biệt đối đầu Nam Bắc, tới mức, điều này nghiêm trọng hơn, len cả vào những nước ở vùng phía Nam thế giới. Như vậy, chúng ta đứng trước một hiện tượng kỳ quái, trong khi những viện trợ kinh tế và những chương trình phát triển bị ngăn chặn do các hàng rào ý thức hệ khó mà vượt qua được, cũng như các hàng rào quan thuế và bảo vệ thị trường, thì các vũ khí do bất kỳ nước nào chế tạo lại được chuyển vận một cách tự do gần như tuyệt đối, từ nơi này qua nơi khác trên giới. Và không ai không biết rằng – như tài liệu của Uỷ Ban Giáo Hoàng “Hòa Bình và Công Lý” về việc nợ nần trên thế giới [42] mới đây cho biết – tại một vài nơi, các nước chưa mở mang đã sử dụng vốn mượn được của các nước mở mang để mua khí giới.

Thêm vào đó, nếu chúng ta kể đến nguy cơ kinh khủng được mọi người biết, do việc các vũ khí hạt nhân được tích trữ một cách không tưởng tượng được, thì kết luận hợp lý là tình trạng thế giới hiện nay, kể cả thế giới kinh tế, thay vì tỏ ra quan tâm tới một sự phát triển đích thực, đưa mọi người tới một đời sống “xứng đáng với con người hơn” như Thông điệp “Phát triển các dân tộc” mong ước, [43] thì hình như lại đưa dẫn chúng ta mau chóng tới chỗ chết.

Các hậu quả của một tình trạng như vậy có thể thấy được trong sự kiện là tình hình ngày thêm trầm trọng của vết thương có tính cách đặc trưng và biểu thị cho những sự mất quân bình và những xung đột trong thế giới hiện đại, là hàng triệu người di tản mà chiến tranh, thiên tai, bách hại và kỳ thị đủ loại đã làm cho phải bỏ nhà, bỏ việc, bỏ gia đình, bỏ quê hương. Thảm kịch của những đám đông đó phản chiếu trên bộ mặt tiều tụy của những người đàn ông, đàn bà và con trẻ không tìm được một tổ ấm trong một thế giới chia rẽ và thù địch.

Người ta cũng không thể nhắm mắt trước một vết thương đau đớn khác của thế giới hôm nay: đó là hiện tượng khủng khiếp hiểu theo nghĩa một quyết tâm tiêu diệt và phá hoại, không phân biệt con người và của cải, và do đó tạo nên một bầu khí sợ hãi, mất an ninh, thường kèm theo việc bắt người làm con tin. Dù cho có đưa ra một ý thức hệ nào đi nữa, hay viện cớ xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, để bênh vực cho hành động bất nhân nói trên, các hành vi khủng bố vẫn không bao giờ có thể biện minh được. Chúng càng không thể biện minh được khi mà, như ta thấy, những quyết định và những hành vi như vậy đôi khi trở thành những cuộc thảm sát thực sự, những vụ bắt cóc người vô tội, không liên quan gì tới cuộc xung đột, mục đích chỉ là tuyên truyền cổ võ cho cái sự nghiệp mà người ta bênh vực, hoặc giả, tệ hơn nữa, khi chúng là những cứu cánh tự tại, thành thử người ta giết chỉ để giết. Trước một cảnh hãi hùng như thế, trước bao nhiêu là đau khổ, những lời mà tôi nói cách đây vài năm, và tôi muốn lập lại lần nữa, vẫn còn y nguyên giá trị: “KiTô giáo cấm (…) những đường lối hận thù, ám sát những người không được bảo vệ, cấm dùng những phương pháp khủng bố”.[44]

25. Ở đây phải nói qua vấn đề dân số và cách bàn tới vấn đề này hiện nay như Đức Phaolo VI đã nói đến trong Thông Điệp của ngài,[45] và như chính tôi cũng đã trình bày rộng rãi trong Tông Huấn về Gia Đình (Familiaris Consortio).[46]

Người ta không thể chối bỏ rằng trên thế giới, đặc biệt tại miền Nam, vấn đề dân số đang là vấn đề gây khó khăn cho công cuộc phát triển. Nên thêm ngay rằng, trong miền Bắc, vấn đề này được đặt ngược lại: điều đáng bận tâm là việc giảm tỷ lệ sinh, kèm theo sự hóa già của dân chúng, khiến không thể có sự đổi mới ngay cả về mặt sinh học. Hiện tượng này có thể gây ngăn trở cho việc phát triển. Cũng như không thể khẳng định được rằng các khó khăn loại này chỉ xuất phát từ việc gia tăng dân số, cũng thế, người ta không chứng minh được rằng mọi sự gia tăng dân số đều không thể đi đôi với một sự phát triển có trật tự.

Đàng khác, thật rất đáng lo ngại khi thấy trong nhiều quốc gia đã phát động những chiến dịch có hệ thống để chống lại việc sinh sản, dựa theo sáng kiến của chính quyền, nghịch lại với căn tính, văn hóa và tôn giáo của các nước đó, và nghịch cả với bản tính của sự phát triển đích thực. Những chiến dịch này thường do áp lực và được các vốn ngoại quốc tài trợ; ở vài nơi chúng còn là điều kiện để được viện trợ kinh tế và tài chánh. Dầu sao, đây là một sự hoàn toàn thiếu kính trọng đối với sự tự do quyết định của những con người liên hệ, họ là những người đàn ông đàn bà thường phải chịu những áp lực quá sức chịu đựng, kể cả những chèn ép kinh tế hầu làm cho người ta phải đầu hàng trước hình thức đàn áp mới. Chính những đám dân chúng nghèo nhất lại phải chịu những cách đối xử tồi tệ, và điều này, cuối cùng, đôi khi làm phát sinh một thứ chủ nghĩa chủng tộc hoặc khuyến khích việc áp dụng một số hình thức ưu sinh, cũng là một thứ chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc.

Sự kiện trên đáng bị lên án thật nghiêm khắc, đó cũng là dấu chỉ một quan niệm sai lầm và quái ác về sự phát triển đích thực của con người.

26. Một bức tranh toàn cảnh phần lớn là tiêu cực như vậy về tình trạng đích thực của sự phát triển trong thế giới hiện đại sẽ không đầy đủ nếu người ta không ghi nhận là đồng thời cũng có những khía cạnh tích cực.

Điểm tích cực đầu tiên là có nhiều người nam, nữ rất ý thức về phẩm giá của họ và về phẩm giá của mỗi con người, ý thức đó được biểu lộ, chẳng hạn, qua việc khắp nơi người ta quan tâm mạnh mẽ tới sự tôn trọng các quyền con người, và qua việc khước từ rõ rệt việc vi phạm những quyền đó. Dấu chỉ về thái độ có thể thấy trong sự xuất hiện các hiệp hội tư nhân mới lập, một số có tầm mức quốc tế và hầu hết đều có mục đích theo dõi một cách kỹ lưỡng, với sự khách quan đáng khen, những biến cố xảy ra trên thế giới trong một phạm vi tế nhị như vậy.

Trên bình diện này phải nhìn nhận ảnh hưởng của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền mà tổ chức Liên Hiệp Quốc đã đưa ra cách đây 40 năm. [47] Ngay việc hình thành được bản tuyên ngôn này, và sự kiện đó dần dần được cộng đồng quốc tế chấp nhận đã là dấu chỉ cho thấy ý thức đó ngày càng được củng cố thêm. Cũng phải nói như vậy, vẫn trong phạm vi nhân quyền, về các bản văn pháp lý khác cũng của tổ chức Liên Hiệp Quốc hay của các tổ chức quốc tế khác.

Sự ý thức mà tôi nói tới không phải là sự kiện liên quan tới các cá nhân, mà còn đến các quốc gia và các dân tộc, như là những thực thể có căn tính văn hóa nhất định, họ đặc biệt nhạy cảm tới việc duy trì, quản lý cách tự do và phát huy di sản quý báu của mình.

Cùng một lúc, trong thế giới bị chia rẽ và đảo lộn mọi thứ tranh chấp, người ta cũng thấy có sự phát triển của một xác tín về một sự tương tùy triệt để, và do đó, về sự cần thiết có một liên đới muốn đảm nhận, diễn tả sự tương tùy nói trên trong bình diện luân lý. Ngày nay có lẽ hơn cả quá khứ, người ta hiểu rằng nhân loại liên kết với nhau trong một vận mệnh chung này để cùng nhau thoát được cơn tai biến. Từ tâm trạng lo âu sợ hãi, kèm theo những hiện tượng đào thoát như nạn ma túy, là đặc trưng của thế giới hiện tại, đã thấy lớn dần cái ý tưởng rằng sự thiện mà tất cả chúng ta được mời gọi đến, và hạnh phúc mà tất cả chúng ta không thể đạt được, nếu không có sự cố gắng và chuyên chú của tất cả mọi người, không trừ ai, điều này đòi hỏi phải từ bỏ tính ích kỷ.

Trong xã hội hôm nay, mặc dù với bao cám dỗ hủy diệt sự sống, từ việc phá thai đến việc gây chết không đau, ta vẫn thấy đồng thời có một sự quan tâm tới hòa bình, đó là dấu hiệu của thái độ tôn trọng sự sống, và như thế ta thấy rằng, một lần nữa, người ta ý thức rằng hòa bình không thể chia cắt được, hòa bình là việc của mọi người hoặc không phải là của ai cả. Một nền hòa bình càng ngày càng đòi hỏi phải hết sức tôn trọng công lý, và do đó, cũng đòi hỏi sự phân phối một cách công bình các thành quả của sự phát triển đích thực.

Trong những triệu chứng đích thực của thời đại này, còn phải ghi nhận có một ý thức lớn hơn về những giới hạn của các tài nguyên sẵn có, có một nhu cần tôn trọng sự toàn vẹn và hài hòa của thiên nhiên, và cân nhắc những điều đó trong việc lập kế hoạch phát triển, thay vì hy sinh chúng cho một quan niệm phát triển có tính cách mị dân. Đó là cái mà ngày nay người ta gọi là sự quan tâm tới môi sinh.

Cũng phải công bình nhìn nhận có sự cố gắng của các lãnh đạo, của các nhà chính trị, nhà kinh tế, người phụ trách nghiệp đoàn, các nhân vật trong giới khoa học, các viên chức quốc tế, nhiều người trong số này hoạt động theo lòng tin tôn giáo. Mặc dù phải hy sinh vất vả, họ vẫn nỗ lực tìm cách chữa trị, một cách quảng đại dầu phải hy sinh nhiều, những tai họa của thế giới, họ hết lòng lo cho một số một số người ngày càng đông, đàn ông cũng như đàn bà, có thể được hưởng thành quả của hòa bình và có một đời sống xứng đáng hơn. [48] 

Đóng góp một phần lớn vào công việc đó, có những tổ chức quốc tế lớn và một vài tổ chức cấp vùng. Nỗ lực của các tổ chức này đã cho phép có những can thiệp hữu hiệu hơn.

Cũng chính để đóng góp vào công cuộc đó, một vài nước thuộc thế giới thứ ba, mặc dù bị các điều kiện tiêu cực làm trì trệ, nhưng cũng đạt được một sự tự túc nào đó về lương thực, hay mức kỹ nghệ hóa giúp cho sự tồn tại một cách xứng đáng và bảo đảm được những nguồn việc làm cho lớp người trong độ tuổi lao động.

Như vậy, trong thế giới ngày nay không phải chỉ có tiêu cực, và đương nhiên là phải như thế, vì Cha nhân lành luôn yêu thương lo lắng tới tất cả những bận tâm thường nhật của chúng ta (Mt 6,25-32; 10, 23-31; Lc 12,6-7.22-30). Hơn nữa, những giá trị tích cực mà chúng ta đã nêu lên chứng tỏ có mối bận tâm mới về luân lý, nhất là những gì liên quan tới vấn đề lớn của con người như phát triển và hòa bình.

Thực tại trên làm tôi phải suy nghĩ về bản chất đích thực của sự phát triển các dân tộc trong đường hướng của Thông Điệp mà chúng ta cử hành ngày kỷ niệm và biểu dương giáo huấn của Thông Điệp ấy.

IV. SỰ PHÁT TRIỂN THỰC SỰ XỨNG ĐÁNG VỚI CON NGƯỜI

27. Nhìn vào thế giới ngày nay, như Thông Điệp mời gọi, trước hết chúng ta nhận thấy rằng sự phát triển không phải là một tiến trình diễn ra theo đường thẳng, gần như máy móc và không có giới hạn, dường như là, với một số điều kiện nào đó, nhân loại phải tiến nhanh tới một thứ hoàn thiện vô hạn.[49]

Một quan niệm như vậy liên kết với quan niệm “tiến bộ” do các suy tư đặc trưng của triết học ánh sáng hơn là với quan niệm về phát triển[50] theo nghĩa đặc thù kinh tế và xã hội, quan niệm đó hình như hiện nay đang bị xét lại một cách nghiêm chỉnh, nhất là sau kinh nghiệm bi đát của hai trận thế chiến, của cuộc tàn sát đã được tính toán và phần nào được thực hiện đối với cả tập thể, và kinh nghiệm về nguy cơ nguyên tử đang đè nặng trên thế giới. Thay vì lạc quan máy móc và ngây thơ, người ta có lý để lo âu cho vận mạng của nhân loại.

28. Nhưng đồng thời, các quan niệm “kinh tế” hay “vụ kinh tế” đi kèm với từ ngữ “phát triển” cũng bị khủng hoảng. Thật vậy, ngày nay người ta hiểu rõ hơn rằng việc tích lũy thuần túy của các của cải và dịch vụ dẫu cho rằng vì lợi ích của đa số, cũng không đủ làm cho người ta hạnh phúc. Do đó việc chiếm hữu các lợi lộc thực sự khoa học và kỹ thuật, kể cả ngành thông tin, đem lại trong thời gian vừa qua cũng không đưa tới sự giải phóng khỏi mọi hình thức nô lệ. Kinh nghiệm những năm mới đây chứng minh ngược lại rằng nếu các nguồn tài nguyên và các tiềm năng được đặt vào tay con người, lại không được sử dụng theo một ý định đạo đức và chiều hướng nhằm ích lợi đích thực cho nhân loại, thì nó sẽ dễ dàng quay ngược lại để đàn áp con người.

Một nhận xét đáng gây ngạc nhiên về thời kỳ gần đây nhất sẽ đem lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá: bên cạnh những cảnh cùng khổ không thể chấp nhận được do nạn chậm phát triển, thì cũng không thể chấp nhận được sự phát triển quá độ, vì như vậy là đi ngược lại lợi ích và hạnh phúc đích thực. Thật vậy, sự phát triển quá độ, tức tình trạng một số giai cấp xã hội sẵn có trong tay mọi thứ của cải vật chất, làm con người dễ dàng trở thành nô lệ của sự “chiếm hữu” và của sự hưởng thụ trực tiếp, không có nghĩa gì khác ngoài việc lo cho có nhiều của cải, hoặc không ngừng thay thế những thứ đã có bằng những thứ tinh xảo hơn. Đó là cái mà người ta gọi là văn minh “tiêu thụ”, nó kéo theo bao nhiêu “cặn b㔓đồ phế thải”. Một vật đã có và nay bị lỗi thời vì có vật khác tinh xảo hơn, thì sẽ bị coi là đồ bỏ, và người ta không đếm xỉa tới cái giá trị trường tồn có thể có nơi nó, hoặc cho một người khá nghèo hơn.

Chúng ta có thể tận tay sờ thấy được những hậu quả đáng buồn của sự tùng phục mù quáng vào sự tiêu thụ thuần túy: Trước hết, đó là một hình thức duy-vật chủ nghĩa thô lỗ, đồng thời có một sự không thỏa mãn tận căn, vì người ta hiểu được ngay rằng càng có thì càng muốn có thêm, trong khi mà những khát vọng sâu xa nhất không được thỏa mãn, có khi còn bị bóp nghẹt nếu không được cảnh giác, để phòng chống lại những lời quảng cáo không ngớt mời gọi và các cám dỗ dùng các sản phẩm tiêu thụ.

Thông Điệp của Đức Phaolô VI đã nêu lên sự khác biệt thường được nhấn mạnh ngày nay, đó là sự khác biệt giữa cái “có” và cái “là”,[51] sự khác biệt này đã được công đồng Vatican II diễn tả trước đây với những từ ngữ chính xác.[52] Có những đồ vật và những của cải, điều đó tự nó không hoàn thiện được một con người nếu nó không góp phần làm cho cái “là”, của người đó thêm trưởng thành và phong phú, nghĩa là góp phần vào việc thực hiện chính ơn gọi làm người của người ấy.

Hẳn là sự khác biệt giữa “là”“có”, nghĩa là nguy cơ tiền ẩn giữa việc lo lắng chiếm hữu nhiều hơn, hoặc thay thế bằng những đồ mới hơn, với cái giá trị của cái “là”, điều đó nhất thiết không được biến thành một sự đối kháng giữa hai yếu tố đó. Một trong những bất công lớn của thế giới hiện đại, chính là sự kiện một số tương đối ít người lại nắm trong tay nhiều của cải, trong khi nhiều người khác hầu như không có của gì. Đó là sự bất công trong việc phân phối của cải và các dịch vụ, là những điều, mà tự căn bản, phải dành cho mọi người.

Bức tranh đó như sau: có những người – là số ít nhưng lại chiếm hữu nhiều – không thực sự đạt tới cái “là”, bởi vì do một sự đảo ngược bậc thang giá trị, họ bị sự tôn thờ cái “có” ngăn cản; và có những người – một số lớn nhưng lại chiếm hữu ít hay không có gì – không thực hiện được ơn gọi làm người căn bản của họ, bởi vì họ thiếu cả những của cải sơ đẳng.

Sự dữ không nằm trong sự kiện “có”, nhưng trong việc chiếm hữu một cách không tôn trọng phẩm chất và trật tự các giá trị của những gì mình có. Phẩm tính và trật tự các giá trị phải là sự làm chủ của cải, và sự sử dụng các của cải đó cho cái “là” của con người và cho ơn gọi đích thực của con người.

Như vậy, sự phát triển phải có chiều kích kinh tế, vì nó phải giúp cho số đông dân của thế giới có những của cải cần thiết để “là”, thì sự phát triển đó cũng không được tự giới hạn vào chiều kích này, nếu không nó sẽ quay chống lại những người mà người ta muốn giúp đỡ.

Trong Thông Điệp “Phát triển các dân tộc”, Đức Phaolô VI đã mô tả các đặc tính của một nền phát triển toàn bộ, “nhân bản hơn”, ngang tầm với ơn gọi đích thực của người nam và người nữ, mà không phủ nhận các đòi hỏi kinh tế.[53]

29. Một sự phát triển không chỉ có tính cách kinh tế, nhưng phải được đánh giá và được định hướng theo thực tại và ơn gọi đó của con người xét một cách toàn diện, nghĩa là theo một thông số (paramètre) riêng ở bên trong. Sự phát triển đó hẳn cần có những của cải vật chất và những sản phẩm của kỹ nghệ không ngừng được làm tinh xảo hơn nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật. Và việc luôn luôn dễ dàng có những của cải vật chất vừa đáp ứng những nhu cầu và mở ra những chân trời mới. Cái nguy cơ lạm dụng tiêu thụ và việc xuất hiện những nhu cầu giả tạo không được ngăn cản người ta quý trọng và sử dụng những của cải mới và những tài nguyên mới đã trao cho chúng ta: chúng ta phải nhìn thấy cả trong đó một ân huệ của Thiên Chúa và một lời đáp trả ơn gọi làm người, ơn gọi thực hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô.

Nhưng để theo đuổi sự phát triển đích thực, không bao giờ được quên cái thông số vốn nằm trong bản tính đặc thù của con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh và giống với Người (St 1,26). Bản tính có thể xác và thần thiêng được tượng trưng trong trình thuật 2 về tạo dựng bằng hai yếu tố: đất mà Thiên Chúa dùng để làm nên xác con người và sinh khí được truyền vào trong mũi (St 2,7).

Nhờ vậy, con người có một sự tương hợp nào đó với các tạo vật khác: Con người được kêu gọi hãy sử dụng các tạo vật khác, hãy chăm sóc chúng và vẫn theo trình thuật trong sách Sáng Thế (2,15), con người được đặt trong vườn địa đàng trên mọi tạo vật khác, với nhiệm vụ canh tác và bảo vệ chúng. Thiên Chúa đã đặt chúng dưới sự thống trị của con người (St 1,25-26), nhưng đồng thời con người phải phục tùng ý muốn của Thiên Chúa, mà đã ấn định những giới hạn cho việc sử dụng và việc thống trị sự vật (St 2,16-17) cùng hứa ban cho con người ơn bất tử (St 2,9; Kn 2,23). Như vậy, con người, vì là hình ảnh của Thiên Chúa, có một tương hợp thực sự với cả Thiên Chúa nữa.

Từ giáo huấn đó, người ta thấy rằng phát triển không chỉ ở trong việc sử dụng, thống trị, chiếm hữu không giới hạn các sự vật được Thiên Chúa dựng nên, cũng như những sản phẩm kỹ thuật của con người làm ra. Nhưng đúng hơn trong sự chiếm hữu, thống trị, sử dụng phải tùy thuộc vào phẩm tước của con người được giống hình ảnh của Thiên Chúa và được kêu gọi sống bất tử. Đó là cái thực tại siêu việt của con người, đã được truyền ban lại ngay từ đầu cho một cặp nam nữ (St 1,27), và như vậy là tự căn bản có tính xã hội.

30. Theo Thánh Kinh, khái niệm phát triển không phải chỉ là một khái niệm “thế tục”: Tuy vẫn giữ tính cách kinh tế xã hội, nhưng nó cũng còn là biểu thị hiện đại của một chiều kích chính yếu trong ơn gọi làm người.

Thật vậy, có thể nói con người đã không được tạo dựng trong thể bất động và bất biến: Cái hình ảnh đầu tiên trình bày trong Kinh thánh cho thấy rõ ràng con người là thụ tạo và là hình ảnh, được xác định trong thực tại thâm sâu bởi nguồn gốc và bởi sự tương hợp làm nên con người. Nhưng điều đó đặt vào trong con người nam và nữ, mầm mống và đòi hỏi một nhiệm vụ nguyên thủy phải chu toàn, hoặc bởi từng cá nhân, hoặc bởi đôi lứa. Hiển nhiên nhiệm vụ đó là “thống trị” trên các tạo vật khác là “canh tác thửa vườn”. Nhiệm vụ này phải chu toàn trong khuôn khổ của sự tuân phục luật Thiên Chúa, và do đó, trong sự tôn trọng hình ảnh đã lãnh nhận. Đây là nền tảng rõ ràng của quyền thống trị được Sách thánh nhìn nhận cho con người như đi kèm với bản tính cao quý của con người (St 1,26-30; 2,15-16; Kn 9,2-3).

Khi con người bất tuân phục Thiên Chúa và từ chối thần phục quyền bính của Ngài, thiên nhiên vùng lên chống lại con người, và nó không còn nhìn nhận con người như chủ tể của mình nữa, vì con người đã làm lu mờ hình ảnh Thiên Chúa nơi mình. Lời mời gọi chiếm hữu và sử dụng các phương tiện được tạo dựng vẫn luôn có giá trị, nhưng sau khi con người phạm tội, thì việc đáp trả trở thành khó khăn và đầy đau khổ (St 3,17-19). Thật vậy, chương tiếp theo của sách Sáng Thế cho chúng ta thấy dòng giống của Cain xây dựng một thành phố lo chăn nuôi, luyện mỹ nghệ (âm nhạc) và kỹ thuật (nung kim khí), đồng thời người ta bắt đầu “kêu cầu danh Đức Chúa” (St 4,17-26).

Ngay cả sau khi con người sa ngã, lịch sử nhân loại vẫn được Kinh Thánh trình bày như một chuỗi những thành tựu, những thành tựu này luôn luôn bị đặt vấn đề và đe dọa con người do tội lỗi, nhưng vẫn không ngừng được lặp lại, thêm phong phú và lan rộng như lời đáp trả tiếng mời gọi của Thiên Chúa. Lời mời gọi này ngay từ đầu đã được gởi đến người nam và người nữ (St 1,26-28), và được in khắc trong hình ảnh mà họ lãnh nhận.

Thật hợp lý khi kết luận, ít là đối với những ai tin vào Lời Thiên Chúa, rằng “sự phát triển” hôm nay phải được coi như một thời điểm của lịch sử, lịch sử này bắt đầu với công trình sáng tạo và không ngớt bị đe dọa bởi sự bất trung chống lại ý định của Đấng sáng tạo, nhất là bởi cám dỗ thờ ngẫu thần, nhưng tự căn bản, nó vẫn tương ứng với những tiền đề của nó. Người nào từ khước nhiệm vụ, một nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy phấn khởi để cải thiện số phận của toàn bộ con người và tất cả mọi người, viện cớ phải đấu tranh quá cam go và cứ phải cố gắng mãi để vượt qua bản thân, hoặc cả vì đã nếm mùi thất bại và phải trở lùi lại khởi điểm, người đó sẽ không đáp ứng lại ý muốn của Thiên Chúa tạo dựng. Từ quan điểm trên, trong Thông Điệp “Lao Động”, tôi đã dựa vào ơn gọi lao động của con người để nhấn mạnh ý tưởng rằng chính con người luôn nắm vai trò chủ chốt trong công cuộc phát triển.[54]

Hơn nữa, chính Chúa Giêsu trong dụ ngôn các nén vàng đã nhấn mạnh đến hành động nghiêm khắc dành cho kẻ dám chôn giấu ơn huệ đã lãnh nhận: “Chú thật là tên gia nhân bất tài và biếng nhác. Chú đã biết tôi gặt chỗ không gieo; thu nơi không vãi…Vậy các người hãy cất lại nén vàng nó đã giữ, và đưa cho người đã có mười nén” (Mt 25,26-28). Chúng ta là những người đã lãnh nhận ơn huệ Chúa ban để sinh lời, chúng ta có bổn phận phải “gieo”“gặt”. Nếu chúng ta không làm, thì cái chúng ta đang có cũng sẽ bị lấy đi.

Việc đào sâu những lời nói nghiêm khắc trên có thể thúc đẩy chúng ta dấn thân một cách quyết tâm hơn cho nhiệm vụ cộng tác vào việc phát triển toàn diện con người. “Phát triển toàn bộ con người và toàn thể mọi người“ là nhiệm vụ cấp bách cho mọi người hôm nay.

31. Niềm tin vào Chúa Kitô cứu độ là một sự soi sáng từ bên trong cho bản chất của việc phát triển, đồng thời cũng là một chỉ nam trong công cuộc cộng tác. Trong thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Côlôsê, chúng ta đọc thấy: “Đức Kitô là Trưởng Tử giữa mọi thụ sinh” “mọi sự được tạo dựng do Người và cho Người” (1, 15-16). Thật vậy, tất cả “tồn tại nơi Người”, vì “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, và đã giảng hòa cả vạn vật nhờ Người và cho Người” (1,20).

Kế hoạch trên đây của Thiên Chúa đã được khởi đầu với sự trường tồn trong Chúa Kitô, “hình ảnh trọn hảo của Chúa Cha và đạt được tột đỉnh nơi Đấng là Trưởng Tử giữa các vong nhân” (Cl 1,15-18). Lịch sử của chúng ta đã được ghi khắc trong kế hoạch đó, và được đánh dấu bằng những nỗ lực cá nhân và tập thể, để nâng cao thân phận con người, lướt thắng những trở ngại không ngừng nảy sinh trên đường chúng ta đi, chuẩn bị cho chúng ta thông phần vào sự viên mãn “hiện diện nơi Chúa” và được thông ban “cho thân mình Người, nghĩa là Giáo hội” (Cl 1,18;Xc Ep 1,22-23).[55] Trong khi đó, tội lỗi vẫn không ngừng theo đuổi chúng ta và phá hỏng các thành tựu của chúng ta, nhưng nó đã bị đánh bại và được chuộc lại nhờ sự “hòa giải” do Chúa Kitô thực hiện (Cl 1,20). [56]

Ở đây, các viễn tượng mở rộng. Người ta tìm lại được những giấc mơ về một nền “tiến bộ không cùng”, tiến bộ này đã được thay đổi tận gốc nhờ một nhãn quan mới do đức tin Kitô giáo mở ra. Đức tin xác quyết với chúng ta rằng một tiến bộ như thế chỉ có thể thực hiện vì Chúa Cha đã quyết định từ khởi thủy cho con người thông phần vào vinh quang của Ngài trong Đức Kitô phục sinh, “trong Người, chúng ta được tha tội nhờ máu Người” (Ep 1,7), và trong Người, Chúa Cha đã muốn đánh bại tội lỗi, bắt nó phục tùng lợi ích lớn nhất của chúng ta (56), lợi ích này vượt hẳn trên tất cả những gì mà tiến bộ có thể thực hiện.

Vậy trong khi chúng ta vùng vẫy giữa những tối tăm và thiếu xót của chậm tiến, của tiến bộ thái quá, chúng ta có thể nói được rằng, một ngày kia “cái thân xác hư nát này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1Cr 15,54), khi Chúa “trao vương quyền lại chỉ Thiên Chúa là cha” (15,24) và tất cả mọi công trình và hoạt động xứng đáng với con người sẽ được cứu chuộc.

Hơn nữa, sự nhận thức do đức tin sẽ soi sáng rõ ràng các lý do thúc đẩy Giáo hội phải bận tâm về vấn đề phát triển, coi nó như một bổn phận của chức thừa tác mục vụ, động viên mọi người suy tư về bản chất và các đặc tính của sự phát triển đích thực của con người. Qua các cố gắng của mình, Một đàng Giáo hội muốn phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa, nhằm làm cho mọi sự qui về sự viên mãn ở nơi Đức Kitô (Cl 1,19) mà chính người đã thông ban cho thân mình người; và đàng khác, Giáo hội muốn đáp trả ơn gọi nền tảng của mình là “bí tích”, nghĩa là “dấu chỉ và phương tiện cho sự kết hợp mật thiết của loài người với Thiên Chúa và của sự hợp nhất của toàn thể nhân loại”.[57]

Nhận thức trên đã gợi hứng cho một vài giáo phụ, với lối trình bày độc đáo, các ngài đã đưa ra một quan niệm về ý nghĩa của lịch sử và ý nghĩa về lao động của con người, xét như hướng về một cứu cánh cao hơn và luôn luôn xác định bằng mối quan hệ với công trình của Đức Kitô. Nói cách khác, có thể tìm lại được trong giáo huấn của các giáo phụ có một cái nhìn lạc quan về lịch sử và về lao động, nghĩa là về giá trị trường tồn của các thành tựu đích thực của con người, vì đã được Chúa Kitô cứu độ và dành cho Nước Thiên Chúa đã hứa.[58]

Chính bằng cách đó mà trong lời giảng dậy, cũng như trong cách thực hành cổ xưa nhất của Giáo hội, đã có xác tín rằng, ơn gọi buộc Giáo hội  chính Giáo hội – các thừa tác viên và từng thành phần trong Giáo hội, phải làm giảm bớt nỗi khốn cùng của những người đau khổ, dù xa hay gần, và phải làm việc đó không những với “của dư thừa” mà còn cả với “của cần thiết”. Trong khi con người gặp túng thiếu, không được dành ưu tiên cho việc trang trí không cần thiết những giáo đường và cho những đồ vật quý giá dùng vào việc phụng tự, trái lại có thể có trường hợp bắt buộc phải bán đi những của cải đó để có lương thực, quần áo, nhà cửa cho những người thiếu thốn.[59] Ở đây, như người ta đã ghi nhận, có một chỉ dẫn về “bậc thang giá trị” trong khuôn khổ của những quyền tư hữu giữa cái “có” và cái “là”, nhất là khi cái “có” của một vài người có thể làm thiệt hại tới cái “là” của nhiều người khác.

Cảm hứng từ “Vui Mừng và hy vọng”,[60] Đức Phaolô VI trong Thông Điệp của người đã đi theo đường hướng trên. Về phần tôi, tôi còn muốn nhấn mạnh thêm về tính cách nghiêm trọng và cấp bách của nó, cầu xin Chúa ban cho tất cả các Kitô hữu sức mạnh để trung tín đem ra thực hành.

32. Nghĩa vụ dấn thân vào công cuộc phát triển các dân tộc, không phải chỉ là một bổn phận của cá nhân, càng không thể là một bổn phận mang tính cá nhân chủ nghĩa, làm như nó có thể được thực hiện chỉ bằng những cố gắng riêng rẽ của mỗi người. Đó là một mệnh lệnh cho tất cả và cho mỗi người nam nữ, cũng như cho các đoàn thể và các quốc gia, cách riêng, nó buộc Giáo hội công Giáo, các Giáo hội và các cộng đồng Giáo hội khác. Đây là một lãnh vực mà chúng tôi sẵn sàng cộng tác với các Giáo hội khác. Theo nghĩa đó, chúng tôi là người công giáo, chúng tôi mời các người anh em Kitô của chúng tôi tham gia vào các sáng kiến của chúng tôi, cũng thế, chúng tôi tuyên bố sẵn sàng cộng tác vào những sáng kiến của họ, vui mừng đón nhận những lời mời gửi tới cho chúng tôi. Trong công cuộc tìm kiếm sự phát triển toàn bộ con người, chúng tôi cũng có thể làm được nhiều với những tín đồ của các tôn giáo khác, như việc đó đã được làm ở nhiều nơi.

Thật vậy, việc cộng tác vào công cuộc phát triển toàn bộ con người và toàn thể mọi người là một bổn phận của tất cả đối với tất cả, và đồng thời nó phải là một cái gì chung cho tứ phương thiên hạ: Đông và Tây, Bắc và Nam, hay như từ ngữ thường dùng, chung cho các “thế giới” khác nhau. Trái lại, nếu người ta tìm cách thực hiện ở một phía, chỉ trong một thế giới thôi, cái đó sẽ được thực hiện “trên lưng kẻ khác”, và nơi nào việc đó bắt đầu thì chỉ vì các người khác bị quên lãng, và việc phát triển trở thành thái quá và hư hỏng.

Các dân tộc và các quốc gia cũng có quyền được phát triển cách toàn bộ. Như đã nói, nếu việc phát triển này bao gồm những khía cạnh kinh tế và xã hội, thì nó cũng phải bao gồm cả căn tính văn hóa của mỗi tập thể và sự mở ra với siêu việt. Không bao giờ được lấy nhu cầu phát triển làm cớ để áp đặt trên người khác cách sống riêng hay niềm tin tôn giáo của mình.

33. Một mô hình phát triển không tôn trọng và không khuyến khích các quyền con người, quyền các nhân hay quyền xã hội kinh tế và chính trị, kể cả quyền lợi của các quốc gia và các dân tộc, thì không thể thực sự xứng đáng với con người.

 Có thể ngày nay hơn là trong quá khứ, người ta nhận thấy rõ hơn sự mâu thuẫn nội tại của một cuộc phát triển bị giới hạn vào khía cạnh kinh tế mà thôi. Một cuộc phát triển như vậy dễ làm con người và những nhu cầu sâu xa nhất của con người bị lệ thuộc vào những đòi hỏi của việc kế hoạch hóa kinh tế hay của chủ trương duy lợi nhuận.

Dây liên kết nội tại giữa công cuộc phát triển đích thực với việc tôn trọng nhân quyền, một lần nữa, lại bộc lộ tính cách luân lý của nó: không thể nâng cao con người một cách đích thực, phù hợp với ơn gọi tự nhiên và lịch sử của mỗi người, bằng cách chỉ sử dụng các của cải và dịch vụ dư giả, hay bằng cách có những hạ tầng cấu trúc hoàn hảo.

Khi các cá nhân và cộng đoàn không thấy các đòi hỏi luân lý, văn hóa và thiêng liêng được nghiêm chỉnh tôn trọng, những đòi hỏi này đặt nền tảng trên phẩm giá con người và trên căn tính riêng của mỗi cộng đồng, bắt đầu từ gia đình và các tập thể tôn giáo, thì khi ấy những cái khác như tài nguyên sẵn có, khả năng dồi dào về phương tiện kỹ thuật, ứng dụng vào đời sống thường nhật một mức độ sung sướng vật chất nào đó, tất cả những thứ đó sẽ tỏ ra không đủ làm chúng ta thỏa mãn, và với thời gian, chúng ta trở nên đáng khinh, Chúa đã nói rõ điều đó trong Tin Mừng, khi Ngài lưu ý tất cả chúng ta về bậc thang giá trị đích thực: “Được cả thế giới mà phải thiệt thân thì nào có lợi gì?” (Mt. 16,26).

Tùy theo các đòi hỏi riêng của con người, nam hay nữ, thiếu nhi, người trưởng thành hay người già cả, một cuộc phát triển đích thực phải bao hàm, nhất là nơi những người can dự tích cực và có trách nhiệm về tiến trình đó, một ý thức sống động về giá trị các quyền lợi của tất cả và của từng người, và đồng thời, về sự cần thiết phải tôn trọng quyền của mỗi người được sử dụng đầy đủ những phúc lợi của khoa học và kỹ thuật.

Bên trong mỗi quốc gia, sự tôn trọng tất cả mọi quyền có một tầm quan trọng lớn lao, đặc biệt quyền được sống ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc sống, các quyền gia đình xét như một cộng đồng xã hội cơ bản hay “tế bào” của xã hội, sự công bằng trong các quan hệ lao động, các quyền liên hệ chặt chẽ tới sự sống của cộng đồng chính trị, các quyền đặt nền tảng trên ơn gọi siêu việt của con người, khởi đầu bằng quyền được tự do tuyên xưng và thực thi đức tin của mình.

Trên bình diện quốc tế, tức bình diện những quan hệ giữa các quốc gia, hay theo cách nói thông thường, giữa các “thế giới”, cần phải tôn trọng trọn vẹn căn tính của mỗi dân tộc với các đặc trưng lịch sử và văn hóa của họ. Như Thông Điệp “Phát triển các Dân Tộc” đã mong ước, cũng cần nhìn nhận các dân tộc có đồng quyền “ngồi vào bàn tiệc”,[61] thay vì như Lazarô nằm ngoài cửa, trong khi “đàn chó tới liếm ghẻ chốc của anh ta” (Lc.16,21). Các dân tộc cũng như các cá nhân phải được hưởng sự bình đẳng căn bản,[62] trên đó được thiết lập, chẳng hạn Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, một sự bình đẳng làm nền tảng cho quyền của con người được thông phần vào tiến trình phát triển toàn bộ.

Để trở thành một cuộc phát triển toàn diện, cuộc phát triển đó phải được thực hiện trong khuôn khổ của sự liên đới và tự do, không bao giờ hy sinh cái này cho cái kia vì bất cứ lý do nào. Tính cách luân lý của cuộc phát triển là nhu cầu thăng tiến được quan tâm, khi người ta tôn trọng nghiêm chỉnh tất cả các đòi hỏi thuộc phạm vi chân lý và sự thiện, là phạm vi của con người thụ tạo. Hơn nữa, người Kitô hữu là người đã được dạy cho biết nhìn thấy nơi con người có hình ảnh của Thiên Chúa, được mời gọi thông phần vào chân lý và sự thiện là chính Thiên Chúa, nên họ không thể quan niệm một kiểu dấn thân cho phát triển và thực hiện phát triển bên ngoài việc nhìn nhận và kính trọng phẩm giá độc nhất của “hình ảnh đó”. Nói cách khác, cuộc phát triển đích thực phải được xây dựng trên tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, cộng tác vào việc làm cho các quan hệ giữa cá nhân và xã hội trở thành dễ dàng. Đó là một nền văn minh của tình thương mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thường hay nói tới.

34. Vì mang tình cách luân lý, nên việc phát triển không thể gạt sang một bên lòng kính trọng đối với những hữu thể hợp thành thế giới hữu hình mà nét đặc trưng là trật tự, vì vậy mà người Hy Lạp xưa gọi là: “vũ trụ” (cosmos). Các thực tại đó cũng đòi hỏi phải được kính trọng, như điểm đáng lưu ý sau đây cho thấy.

Điểm thứ nhất là nên ý thức nhiều hơn rằng, người ta không thể thản nhiên sử dụng các loại hữu thể hữu sinh hay vô sinh- động vật, thảo mộc, khoáng chất  như người ta muốn, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình. Trái lại, phải để ý tới bản tính của mỗi hữu thể và của các dây liên kết lẫn nhau trong một hệ thống có trật tự, tức là”vũ trụ” (cosmos).

Điểm thứ hai dựa trên nhận định mỗi ngày một hiển nhiên hơn về tính cách giới hạn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, một vài loại trong các thứ này hễ cạn là hết, không lấy ở chỗ khác được, như người ta thường nói. Việc sử dụng những tài nguyên này như thể chúng vô tận, với một quyền chiếm hữu tuyệt đối, sẽ đe dọa nghiêm trọng khả năng phục vụ của chúng, không những đối với thế hệ này, mà nhất là đối với thế hệ mai sau.

Điểm thứ ba liên quan trực tiếp tới hậu quả của một mô hình phát triển nào đó, về phẩm chất cuộc sống trong các vùng kỹ nghệ hóa. Chúng ta đều biết rằng, việc kỹ nghệ hóa luôn luôn gây ra, một cách trực tiếp hay gián tiếp, việc ô nhiễm môi sinh cùng với hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe dân chúng.

Một lần nữa, hiển nhiên là sự phát triển, ý chí kế hoạch hóa hướng dẫn phát triển, việc sử dụng và cách dùng các tài nguyên, không thể tách rời khỏi sự kính trọng đối với các đòi hỏi luân lý. Một trong những đòi hỏi này hiển nhiên buộc phải giới hạn việc sử dụng thiên nhiên hữu hình: quyền thống trị do Đấng Sáng Tạo ban cho con người không phải là một quyền tuyệt đối, và người ta không thể nói về một thứ tự do sử dụng và lạm dụng hay định đoạt sự vật như mình muốn. Giới hạn mà ngay từ đầu chính Đấng Sáng Tạo đã muốn con người tuân giữ và được diễn tả cách tượng trưng bằng lệnh cấm ăn trái cấm
(St 2,16 – 17) cho thấy một cách khá rõ rằng trong khuôn khổ của thiên nhiên hữu hình, chúng ta lệ thuộc vào những quy luật, không những có tính cách sinh học mà còn có tính cách luân lý, và người ta không thể vi phạm mà không bị trừng phạt.

Một quan điểm đúng đắn về phát triển không thể không đếm xỉa đến những suy tư trên, những suy tư này liên quan đến việc sử dụng những yếu tố thiên nhiên, đến việc tái tạo các tài nguyên, cũng như đến những hậu quả của một kỹ nghệ hóa vô trận tự, những suy tư đó, một lần nữa, đặt trước lương tâm chúng ta một chiều kích luân lý, đặc tính của phát triển.[63] 

V. MỘT CÁCH ĐỌC CÁC VẤN ĐỀ HIỆN ĐẠI THEO QUAN ĐIỂM THẦN HỌC

35. Nhận ra tính cách luân lý trên là đặc tính chính yếu của phát triển, chúng ta phải xem xét các trở ngại trong một cái nhìn đó. Như vậy, trong những năm qua, từ khi Thông Điệp của Đức Phaolô VI được công bố, nếu công cuộc phát triển đã không được thực hiện, hoặc chỉ đã được thực hiện một phần nhỏ, không đều đặn, nếu không muốn nói là mâu thuẫn, thì các nguyên nhân của nó không hẳn chỉ có tính cách kinh tế, như đã nói trên, còn có các động cơ chính trị nữa. Thực vậy, các quyết định làm gia tăng hay kìm hãm “công cuộc phát triển các dân tộc”, không là gì khác hơn những yếu tố có tính cách chính trị. Để khắc phục các cơ chế quái ác nhắc tới ở trên, và để thay thế chúng bằng những cơ chế mới, công bình hơn và phù hợp hơn với lợi ích chung của nhân loại, cần phải có một quyết tâm chính trị hữu hiệu. Tiếc thay, sau khi phân tích tình hình, và kết luận rằng, quyết tâm chính trị này chưa đủ mức.

Một văn kiện có tính cách mục vụ như Thông điệp này sẽ thiếu sót, nếu việc phân tích chỉ hoàn toàn nhằm vào những nguyên nhân kinh tế và chính trị của sự chậm phát triển (và theo một mức độ nào đó cả trong điều gọi là phát triển thái quá) cho nên cần phải tìm ra những nguyên nhân thuộc phạm vi luân lý đã kìm hãm tiến trình phát triển và ngăn cản việc phát triển đầy đủ, tức là những nguyên nhân nằm trong cách cư xử của con người, xét như là những chủ thể có trách nhiệm.

Cũng vậy, một khi người ta đã có được những phương tiện khoa học và kỹ thuật giúp các dân tộc đạt tới một sự phát triển đích thực nhờ những quyết định cụ thể và không thể thiếu trong phạm vi chính trị, thì người ta chấp nhận một lập trường chủ yếu có tính cách luân lý. Đối với các tín đồ, nhất là các Kitô hữu, những lập trường này xuất phát từ những nguyên tắc đức tin, với sự hỗ trợ của ơn Chúa.

36. Vì vậy phải nhấn mạnh rằng một thế giới bị chia cắt thành khối, bị chi phối bởi những ý thức hệ cứng ngắc với những hình thức đế quốc khác nhau, thay vì tương tùy và liên đới, thì chỉ có thể là một thế giới bị các “cơ cấu tội lỗi” thống trị. Tất cả các yếu tố tiêu cực đã đi ngược với ý thức đích thực về lợi ích chung của nhân loại, và về bổn phận cổ võ ích chung đó, những yếu tố này đã tạo nên nơi người ta, cá nhân cũng như các định chế – cái cảm tưởng như thể chúng là những trở ngại mà mới nhìn thì thấy rất khó vượt qua.[64]

Nếu tình trạng hiện nay phát xuất từ nhiều khó khăn khác nhau, thì không phải vô ích nếu nói tới những “cơ cấu tội lỗi”, những cơ cấu này, như tôi đã cho thấy trong Tông Huấn “Hòa giải và Sám hối” (Reconciliatio et Penitentia), bắt nguồn từ tội cá nhân, và do đó luôn luôn được liên kết với những hành vi cụ thể của những con người làm nẩy sinh ra chúng, củng cố chúng và gây trở ngại cho việc diệt trừ chúng.[65] Như vậy, những cơ cấu ấy củng cố lẫn nhau, lan tràn ra và trở thành nguồn gốc của những tội khác và chúng chi phối cách sống của con người.

“Tội”“cơ cấu tội lỗi” là những phạm trù ít được áp dụng vào tình trạng thế giới hiện nay. Tuy nhiên, không dễ mà hiểu được cách thật sâu sắc cái thực tại xuất hiện dưới mắt chúng ta, nếu không vạch rõ gốc rễ những tai họa đang tác hại nơi chúng ta.

Quả thật, người ta có thể nghĩ tới những thái độ “ích kỷ” và thiển cận, người ta có thể nghĩ tới “những tính toán giá trị sai lầm”, những “quyết định kinh tế thiếu khôn ngoan”. Và trong mỗi phán đoán về giá trị đó, người ta đã nêu ra một yếu tố mang tính cách đạo đức hay luân lý. Vận mệnh con người là như thế, khó mà phân tích sâu xa các hành động và thiếu sót của những con người cụ thể, nếu không đưa ra cách này cách khác, những phê phán hay những qui chiếu có tính cách đạo đức.

Tự nó, phê phán trên có tính cách tích cực, nhất là nếu nó mạch lạc, chặt chẽ từ đầu đến cuối, dựa trên đức Tin vào một Thiên Chúa và trên giới luật của Ngài: làm lành tránh dữ.

Đó chính là sự khác biệt giữa hình thức phân tích theo chính trị, xã hội với việc qui chiếu trực tiếp vào “tội” cũng như “cơ cấu tội lỗi”. Theo quan điểm vừa nói, cần để ý tới ý muốn của Thiên Chúa chí thánh cùng với dự định của Ngài về con người cũng như về công lý và tình thương của Ngài. Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Đấng cứu độ con người, là Chúa và là Đấng ban sự sống, Ngài đòi hỏi con người phải có những thái độ rõ ràng, trong đó bao gồm cả những hành động hay thiếu xót đối với tha nhân. Điều này liên hệ tới phần thứ hai của Thập Giới (Xh 20,12-17; Tl 5,16-21): khi không giữ những giới răn này, người ta xúc phạm tới Thiên Chúa và gây thiệt hại cho tha nhân, qua việc du nhập vào thế giới những cơ cấu điều kiện hóa và những trở ngại, những điều này vượt khỏi hành động của một cá nhân cũng như cuộc đời ngắn ngủi của con người. Người ta cũng vi phạm giới luật đó trong quá trình phát triển các dân tộc, mà sự trì trệ phải được hiểu theo cách nhìn trên.

37. Thêm vào việc phân tích tổng quát có tính cách tôn giáo trên, ta có thể kể tới một vài nhận định riêng biệt giúp thấy rằng, trong số các hành vi hay các thái độ nghịch với ý muốn của Thiên Chúa và với ích lợi của tha nhân, cũng như các cơ cấu chúng đưa tới, có hai yếu tố mà ngày nay xem như có tính cách đặc trưng nhất: một bên chỉ có tìm lợi nhuận, bên kia là khát vọng quyền bính với mục đích áp đặt ý muốn của mình trên kẻ khác. Để định nghĩa đúng hơn về mỗi thái độ, ta có thể nói thêm rằng, họ làm như vậy với bất kỳ giá nào. Nói cách khác, chúng ta đứng trước sự tuyệt đối hóa những thái độ của con người cùng với tất cả những hậu quả do đó mà ra.

Dẫu rằng, hai thái độ trên tự chúng có thể tách biệt, có thể có thái độ này mà không có thái độ kia, nhưng trong bức tranh bày ra, trước mắt chúng ta, hai thái độ trên liên kết bất khả phân ly, mặc dù có thể một trong hai chiếm được ưu thế.

Dĩ nhiên không phải chỉ có các cá nhân là nạn nhân của thái độ tội lỗi lưỡng diện đó, các quốc gia và các khối cũng có thể là nạn nhân của chúng. Điều này khiến có thêm nhiều cơ cấu tội lỗi mà tôi đã nói trên kia. Nếu người ta xét một số hình thức đế quốc hiện đại, dưới ánh sáng các tiêu chuẩn luân lý trên, người ta sẽ khám phá ra rằng, đằng sau một số quyết định nào đó, bề ngoài như chỉ dựa trên các lý do sinh kế hoặc chính trị, nhưng lại chứa đựng những hình thức thờ ngẫu tượng thực sự. Chúng mang tên: tiền bạc, ý thức hệ, giai cấp, kỹ thuật học.

Tôi muốn đưa vào đây cái mô hình phân tích trên, nhất là để cho thấy đâu là bản tính đích thực của sự dữ mà người ta phải trực diện trong vấn đề phát triển các dân tộc, những tội này tạo nên những cơ cấu tội lỗi. Định mệnh như vậy cho thấy một cách chính xác đâu là con đường phải theo để khắc phục chúng trên bình diện cách sống của con người.

38. Đây là một con đường dài phức tạp, và hơn nữa, luôn luôn mong manh hoặc vì các ý định và thực hiện của con người tự chúng mỏng dòn  hoặc vì các điều kiện bên ngoài có những đột biến rất khó đoán trước được. Tuy nhiên, phải có can đảm lên đường, và khi người ta đã đi được vài bước hay một đoạn đường, thì phải đi tới cùng.

Trong bối cảnh những suy tư trên, quyết định lên đường và tiếp tục đi, trước hết có một ý nghĩa luân lý mà những tín hữu nam nữ nhìn nhận như do Thiên Chúa đòi hỏi. Ý muốn của Thiên Chúa là nền tảng độc nhất và đích thực cho một nền đạo đức học có tính cách tuyệt đối và bắt buộc.

Ước gì những người nam, người nữ, không theo một tín ngưỡng nào rõ ràng, vẫn có được một xác tín rằng, các trở ngại cho việc phát triển toàn bộ không chỉ thuộc phạm vi kinh tế, mà còn tùy thuộc những thái độ thâm sâu hơn, được diễn tả nơi con người bằng những giá trị có tính cách tuyệt đối. Vì vậy, đối với những người có trách nhiệm, cách này hay cách khác, lo cho anh em mình có được một đời sống xứng đáng với con người hơn, chúng ta mong ước rằng dù có tín ngưỡng hay không, họ cũng nhận thức đầy đủ về sự cần thiết cấp bách phải thay đổi các thái độ tinh thần, là những thái độ đặc trưng trong mối quan hệ của con người với chính mình, với người thân cận, với các cộng đồng nhân loại, dù xa mấy đi nữa; và với thiên nhiên. Làm như vậy là vì các giá trị cao hơn như là công ích, hay để lấy lại kiểu nói thích đáng của Thông Điệp “Phát Triển Các Dân Tộc”: vì sự phát triển của toàn bộ con người và của toàn thể mọi người.[66]

Đối với các Kitô hữu, cũng như đối với tất cả những ai nhận biết ý nghĩa thần học chính xác của tiếng “tội”, thì sự thay đổi cách ăn ở, tâm thức hay cách hiện hữu, được gọi là hoán cải theo ngôn ngữ Kinh Thánh (Mc 1,15; Lc 13,3.5; Is 30,15). Sự hoán cải đó rõ ràng nói lên một mối tương quan với Thiên Chúa, với lỗi đã phạm, với những hậu quả, và như vậy là với tha nhân, cá nhân hay cộng đoàn. Thiên Chúa là Đấng “điều khiển lòng trí những người cầm quyền trị nước” [67] và tâm trí mọi người, nên Ngài có thể, theo như chính lời Ngài đã hứa, dùng Thánh Thần biến cải “các trái tim bằng đá” thành “trái tim bằng thịt” (Ed:36,26).

Trên con đường của sự hoán cải đang mong đợi đưa tới việc lướt thắng các trở ngại luân lý trong việc phát triển, người ta có thể nhấn mạnh tới ý thức ngày một gia tăng về sự tương tùy giữa người này với người kia, và giữa các quốc gia như là một giá trị tích cực và luân lý. Sự kiện có những người nam hay nữ ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới cảm thấy bản thân mình có liên đới với những bất công và vi phạm nhân quyền, xảy ra trong những nước xa xăm, mà chắc họ chẳng bao giờ có dịp đặt chân tới, sự kiện đó là một dấu chỉ khác của thực tại đã được nội tâm hóa trong lương tâm và như thế, là có một ý nghĩa luân lý đi kèm.

Điều đó, trước tiên chính là sự kiện tương tùy, được cảm nhận như một hệ thống cần thiết của những quan hệ trong thế giới hiện đại, cùng với những thành tố kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo. Hệ thống này được nâng lên hàng phạm trù luân lý. Khi sự tương tùy được nhìn nhận như thế, thì câu trả lời tương ứng như là một thái độ luân lý và xã hội, và như một “nhân đức” chính là tình liên đới. Như vậy, liên đới không phải là một mối đồng cảm mơ hồ hay xúc động hời hợt trước những đau khổ của bao người xa gần. Ngược lại, đó là quyết tâm chắc chắn và bền vững lo cho công ích, nghĩa là cho ích lợi của tất cả và của từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm về mọi người. Một quyết tâm như vậy, dựa trên xác tín vững chắc rằng việc phát triển toàn diện đang bị ngăn trở bởi lòng ham hố lợi nhuận, và lòng khao khát quyền bính như đã nói trên, chỉ có thể lướt thắng được những thái độ và những cơ cấu tội lỗi, dĩ nhiên với ơn của Thiên Chúa, nhờ một thái độ hoàn toàn đối nghịch lại: dấn thân lo cho ích lợi của tha nhân, sẵn sàng như Tin Mừng nói, “chết đi” cho người khác thay vì bóc lột họ, “phục vụ” người khác thay vì đàn áp họ để mưu lợi riêng (Mt 10,40-42; 20.25; Mc 10,42-45; Lc 22,25-27).

39. Việc thực thi tình liên đới trong mọi xã hội sẽ đạt được giá trị trọn vẹn của nó, khi các thành phần biết nhìn nhận nhau như là những nhân vị. Những ai có khả năng hơn vì có nhiều của cải và hưởng nhiều dịch vụ chung hơn, phải cảm thấy có trách nhiệm đối với những người yếu kém hơn, và phải sẵn sàng chia sẻ cho họ những gì mình có. Về phần mình, những người yếu kém hơn, trong cùng một hướng liên đới, không nên có một thái độ thuần túy tiêu cực hoặc phá hoại xã hội, nhưng hãy làm những gì thuộc về phần mình nhằm ích lợi của mọi người, trong khi vẫn bênh vực những quyền chính đáng của mình. Các nhóm trung gian không được chỉ quan tâm cách ích kỷ tới những quyền lợi riêng của mình, nhưng phải tôn trọng quyền lợi kẻ khác.

Trong thế giới ngày nay, có thể coi những điều sau đây như là dấu chỉ tích cực: sự gia tăng ý thức về tình liên đới giữa người nghèo với nhau, các hoạt động của họ để ủng hộ nhau, các cuộc biểu tình công khai trên bình diện xã hội mà không dùng tới bạo động, nhưng bằng cách nói lên những nhu cầu và quyền lợi của họ trước sự bất lực và thối nát của chính quyền. Do sự dấn thân theo Tin Mừng, Giáo hội cảm thấy được mời gọi phải đứng về phía đám đông những người nghèo, công nhận tính cách chính đáng những yêu sách của họ, góp phần thỏa mãn những yêu sách đó, mà không quên ích lợi của các nhóm trong khuôn khổ ích chung.

Tiêu chuẩn đó cũng có thể áp dụng một cách loại suy trong các quan hệ quốc tế. Sự tương tùy phải biến thành liên đới, dựa trên nguyên tắc là của cải được tạo dựng dành cho mọi người: những gì mà kỹ nghệ con người sản xuất bằng cách biến cải các nguyên liệu với sự đóng góp của lao động, cũng phải được để cho mọi người sử dụng.

Vượt lên trên mọi hình thức chủ nghĩa đế quốc và ý muốn bênh vực chủ quyền quốc gia, các nước giàu mạnh nhất phải ý thức được trách nhiệm luân lý đối với các nước khác, để có thể thiết lập một quan hệ quốc tế đích thực, với nguyên tắc: mọi dân tộc đều bình đẳng, các sự khác biệt hợp pháp của mỗi dân tộc phải được tôn trọng. Các nước yếu kém nhất về mặt kinh tế hoặc đang ở ranh giới của sự sống còn, phải được các nước khác và cộng đồng quốc tế giúp đỡ, chính họ cũng có thể đóng góp vào ích chung, nhờ các kho tàng nhân bản và văn hóa của họ, những kho tàng này nếu không có sự trợ giúp, sẽ bị mai một.

Sự liên đới giúp chúng ta nhìn người khác, con người, dân tộc hay quốc gia, không phải như bất kỳ một dụng cụ nào mà người ta khai thác, một cách ít tốn kém, khả năng lao động và sức mạnh thể lực của họ, để rồi lại vất bỏ khi họ không phục vụ được nữa. Trái lại, phải coi họ như “đồng loại”, như một “trợ tá” (St 2,18-20) mà chúng ta phải cho tham dự đồng hàng vào bữa tiệc cuộc sống mà Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người đến dự. Từ đó phát sinh tầm quan trọng của việc thức tỉnh lương tâm tôn giáo nơi các cá nhân và nơi các dân tộc.

Như vậy, bóc lột, đàn áp, tiêu diệt người khác phải được loại bỏ. Trong tình trạng hiện nay của một thế giới bị phân chia thành các khối kình chống nhau, các sự kiện trên nằm trong nguy cơ chiến tranh và trong mối quan tâm thái quá tới sự an toàn. Do đó, nhiều khi gây thiệt hại cho sự tự chủ, cho sự tự do định đoạt, và cho cả sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia yếu nhất. Những nước này rơi vào những cái gọi là “vùng ảnh hưởng” hay “chu vi an toàn”.

Các “cơ cấu tội lỗi” và các tội do các cơ cấu trên gây ra, chúng cũng hoàn toàn đối nghịch với hòa bình và phát triển, bởi vì theo diễn ngữ nổi tiếng trong Thông Điệp của Đức PhaolôVI: “Phát triển là danh hiệu mới của Hòa Bình”.[68]

Như vậy, sự liên đới mà chúng tôi đề nghị là con đường đi tới hòa bình, và đồng thời cũng là con đường đi tới phát triển. Thật vậy, không thể có hòa bình trên thế giới, nếu các người hữu trách không đi tới chỗ nhìn nhận rằng, sự tương tùy, tự nó, đòi hỏi phải vượt lên trên khuynh hướng chính trị theo khối, phải từ bỏ mọi hình thức đế quốc và kinh tế, về quân sự hay chính trị, và phải biến sự nghi ngờ lẫn nhau thành cộng tác. Cộng tác chính trị là hành vi đặc trưng của sự liên đới giữa các cá nhân và các dân tộc.

Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Piô XII, đã lấy câu “Hòa Bình là Hoa Trái của Công Lý” (Opus justitiae pax) làm khẩu hiệu cho thời giáo hoàng của ngài. Ngày hôm nay, có thể nói, cũng đúng như thế và cũng với sức mạnh của lời thần hứng trong Kinh Thánh (Is 32,17; Gr 3,18): Opus solidaritatis pax: Hòa Bình là Hoa Trái của liên đới.

Mục tiêu của hòa bình mà mọi người hằng trông đợi, chắc chắn sẽ đạt được nhờ việc thực thi công lý xã hội và quốc tế, đồng thời cũng cũng nhờ việc thực thi các nhân đức để khuyến khích “sự chung sống”, và dạy chúng ta biết sống hợp nhất để xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp hơn trong thống nhất, bằng cách biết cho và biết nhận.

40. Chắc chắn rằng sự liên đới là một nhân đức Kitô giáo. Từ phần khai triển trên đây, người ta có thể thoáng thấy nhiều điểm tương đồng giữa liên đới và bác ái. Bác ái là dấu chỉ để phân biệt các môn đệ của Chúa Kitô (Ga:13,35).

Dưới ánh sáng đức Tin, sự liên đới không chỉ để mà liên đới, nhưng còn hướng tới những chiều kích đặc thù của Kitô giáo, đó là sự hoàn toàn vô vị lợi, sự tha thứ và hòa giải. Lúc đó, tha nhân không còn chỉ là một người có những quyền lợi và được bình đẳng trên cơ bản với mọi người, nhưng là hình ảnh sống động của Thiên Chúa là Cha, được máu Chúa Kitô cứu chuộc và là đối tượng hoạt động liên lỉ của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, người đó phải được yêu mến ngay cả khi họ là thù địch. Ta phải yêu mến họ bằng tình yêu Chúa đã yêu mến họ, và phải sẵn sàng hy sinh cho họ, kể cả phải hy sinh tính mạng: “Hy sinh mạng sống cho anh em mình” (1Ga 3,16).

Lúc đó, ý thức về một Chúa là Cha chung, và mọi người là anh em trong Chúa Kitô, “những người con trong Người Con”, về sự hiện diện và hoạt động ban sự sống của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta có một tiêu chuẩn mới để giải thích về thế giới. Vượt lên trên những liên hệ máu mủ và tự nhiên, là những mối liên hệ vốn rất mãnh liệt và chặt chẽ, ánh sáng đức tin còn cho thấy một kiểu mẫu mới để hiệp nhất nhân loại, mà cuối cùng sự liên đới phải dựa vào đó, kiểu mẫu hiệp nhất tối thượng, phản ảnh của đời sống thân mật nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, chính là điều mà người Kitô hữu chúng ta gọi là “hiệp thông”.

Sự hiệp thông đặc thù đó của Kitô giáo, được duy trì một cách kỹ càng, được mở rộng và phong phú hóa nhờ ơn Chúa, sự hiệp thông này là linh hồn của ơn gọi kêu mời Giáo hội phải trở nên Bí Tích theo nghĩa đã trình bày.

Vậy sự liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa, cả trên bình diện cá nhân lẫn trên bình diện xã hội, quốc gia hay quốc tế. Các “cơ chế quái ác” và các “cơ cấu tội lỗi” mà chúng ta đã nói, chỉ có thể bị đánh bại bằng việc thực thi sự liên đới nhân bản và Kitô giáo mà Giáo hội mời gọi chúng ta và không ngớt cổ võ. Chỉ bằng cách đó mà nhiều năng lực tích cực có thể được giải phóng hoàn toàn, hầu phục vụ phát triển và hòa bình.

Nhiều vị Thánh được Giáo hội tôn vinh đã cống hiến cho chúng ta những chứng tá đáng khâm phục về sự liên đới đó, và có thể nêu gương cho chúng ta trong các hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Trong số các vị đó, tôi muốn nhắc tới thánh Pierre Claver đã dâng mình phục vụ cho người nô lệ ở Mỹ châu Nam (Carthagene Colombia), và thánh Maximilien Kolbe, vị thánh đã hy sinh mạng sống vì một người tù không quen trong trại tập trung Auschwitz-Oswiecim.

VI. MỘT VÀI ĐƯỜNG HƯỚNG RIÊNG

41. Giáo hội không có những giải đáp kỹ thuật cho chính vấn đề chậm tiến, như Đức Phaolô VI đã tuyên bố trong thông điệp của ngài.[69] Thật vậy, Giáo hội không đề xuất những hệ thống hay những chương trình kinh tế và chính trị, Giáo hội không tỏ ra thiên về hệ thống này hay hệ thống kia, Giáo hội chỉ mong muốn phẩm giá con người được thực sự tôn trọng và cổ võ, và chính Giáo hội có được khoảng cách cần thiết để chu toàn sứ mạng của mình trong thế giới.

Nhưng Giáo hội rất am tường về những vấn đề của nhân loại,[70] và điều đó phải thúc đẩy Giáo hội mở rộng sứ mạng tôn giáo của mình tới những lãnh vực trong đó những con người, nam cũng như nữ, đang nỗ lực hoạt động nhằm mưu cầu hạnh phúc, một thứ hạnh phúc luôn luôn tương đối, nhưng có thể tìm được nơi trần gian này và phù hợp với phẩm giá làm người của họ.

Theo gương các vị tiền nhiệm, tôi phải lập lại rằng, những gì đụng chạm tới phẩm giá con người và các dân tộc, chẳng hạn việc phát triển đích thực, không thể thu gọn vào một vấn đề “kỹ thuật”. Làm như vậy, việc phát triển sẽ mất đi ý nghĩa đích thực của nó, và người ta sẽ phản bội con người cũng như các dân tộc mà mình phải phục vụ.

Đó là lý do mà Giáo hội, ngày hôm nay cũng như cách đây 20 năm và trong tương lai, vẫn phải lên tiếng về bản chất, về các điều kiện, các đòi hỏi và các mục tiêu của việc phát triển đích thực, cũng như về những gì ngăn trở việc phát triển đó. Làm như vậy, Giáo hội hoàn tất sứ mạng phúc âm hóa của mình, bởi vì Giáo hội đã đi bước đầu trong việc đóng góp vào công cuộc giải quyết vấn đề cấp bách của việc phát triển khi công bố sự thật về Chúa Kitô, về chính Giáo hội và về con người, bằng cách áp dụng sự thật đó vào một hoàn cảnh cụ thể.[71]

Phương tiện mà Giáo hội dùng để đạt được mục tiêu ấy là giáo huấn của Giáo hội về vấn đề xã hội. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, để giúp đặt vấn đề một cách đúng đắn, cũng như để tìm ra giải pháp tối ưu, thiết tưởng cần có một sự hiểu biết chính xác hơn và cố gắng phổ biến rộng rãi hơn “toàn bộ những nguyên tắc suy tư và những tiêu chuẩn phê phán cùng những đường hướng hành động” được đề nghị trong giáo huấn của Giáo hội.[72]

Như vậy, người ta sẽ thấy ngay rằng, những vấn đề phải đối phó, trước tiên có tính cách luân lý, và cả việc phân tích chính vấn đề phát triển cũng như những phương tiện để khắc phục những khó khăn hiện nay, đều không thể loại trừ chiều kích chính yếu đó.

Giáo huấn của Giáo hội về vấn đề xã hội không phải là một “đường lối thứ ba” giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tập thể Macxit, cũng không phải là một giải pháp khả thể trong những giải pháp ít triệt để hơn, nhưng giáo huấn đó là một loại riêng. Đó cũng không phải là một ý thức hệ, nhưng là một cách trình bày chính xác những kết quả của sự suy tư nghiêm chỉnh về những thực tại phức tạp của cuộc sống con người trong xã hội và trong bối cảnh quốc tế, dưới ánh sáng đức tin và truyền thống Giáo hội. Mục đích chính là giải thích các thực tại trên, bằng cách xét xem chúng có phù hợp hay không với các đường hướng của giáo huấn Tin Mừng về con người và về ơn gọi, vừa có tính cách trần thế, vừa có tính cách siêu việt của con người.Như vậy, giáo huấn của Giáo hội về vấn đề xã hội có mục đích hướng dẫn cách ăn ở, cách cư xử của người Kitô hữu, vì thế, nó không nằm trong lãnh vực ý thức hệ mà trong lãnh vực thần học, đặc biệt thần học luân lý.

Việc giảng dạy và phổ biến giáo huấn về vấn đề xã hội thuộc về sứ mạng Phúc Âm của Giáo hội. Và vì là Giáo lý nhằm mục đích hướng dẫn cách ăn ở của con người, nên giáo huấn đó cũng đòi hỏi mỗi người tùy theo vai trò, ơn gọi, hoàn cảnh của mình phải dẫn thân cho công lý.

Việc thực thi thừa tác vụ Phúc Âm hóa trong lãnh vực xã hội thuộc về chức năng tiên tri của Giáo hội. Sứ mạng này cũng bao gồm việc tố cáo các tội ác và các bất công. Nhưng cũng nên nhấn mạnh rằng, việc rao giảng bao giờ cũng quan trọng hơn là tố cáo, và lời tố cáo không thể loại trừ lời rao giảng, vì lời rao giảng đem lại cho lời tố cáo một cơ sở đích thực và sức mạnh của động lực nhấn mạnh.

42. Giáo lý của Giáo hội về vấn đề xã hội, ngày nay hơn là quá khứ, có bổn phận mở rộng tới một viễn tượng quốc tế theo đường hướng của Công Đồng Vatican II,[73] của thông điệp mới nhất,[74] và cách riêng của thông điệp mà lúc này chúng ta đang kỷ niệm.[75] Không phải là thừa thãi, nếu chúng ta dựa vào đó để xét lại và đào sâu những chủ đề, những đường hướng đặc trưng mà huấn quyền đã lập lại trong những năm gần đây.

Ở đây, tôi muốn lưu ý tới một trong những điều ấy: đó là sự lựa chọn hay sự ưu tiên dành tình thương cho sự nghèo khổ. Đó sự lựa chọn hoặc một hình thức đặc biệt của việc dành ưu tiên trong việc thực thi bác ái Kitô giáo mà truyền thống Giáo hội đều làm chứng. Điều đó liên quan đến đời sống mỗi Kitô hữu vì người kitô hữu phải bắt chước Chúa Kitô, nhưng nó còn được áp dụng cho cả những trách nhiệm xã hội của chúng ta, và như vậy, cho cách sống và những quyết định đúng đắn của chúng ta trong phạm vi tư hữu và sử dụng của cải.

Nhưng ngày nay, vì vấn đề xã hội đã có chiều kích quốc tế,[76] tình thương ưu tiên cũng như các quyết định do tình thương đó gợi lên, không thể không bao trùm đám đông vô số những người đói khát, những người hành khất, những kẻ không nhà, những người thiếu thốn thuốc men, và trên hết, những người không còn một chút hy vọng nào một tương lai tốt đẹp hơn: không thể không ghi nhận rằng, có những thực tại như thế; không muốn nhìn nhận những thực tại đó, là tự đồng hóa với “người giàu có yến tiệc linh đình” làm bộ không biết Lazarô, người ăn mày đang nằm gần cửa nhà(Lc 16,19-31).[77]

Trong đời sống thường nhật, chúng ta phải để ý đến những thực tại ấy, cũng như để ý đến những quyết định có tính cách chính trị và kinh tế của chúng ta. Cũng vậy, các vị lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong khi có bổn phận luôn luôn phải dành ưu tiên cho chiều kích nhân bản đích thực trong các kế hoạch của mình, thì cũng không được quên rằng, phải quan tâm trước tiên đến nạn nghèo khó đang giai tăng: Tiếc thay con số người nghèo này thay vì giảm lại cứ gia tăng, không phải chỉ trong các nước chậm phát triển, nhưng cả trong những nước đã phát triển, điều đó cũng gây công phẫn không kém.

Cần phải nhắc lại một lần nữa cái nguyên tắc đặc trưng của giáo lý Kitô giáo về vấn đề xã hội, đó là: của cải trần thế, tự căn bản, được dành cho hết mọi người.[78] Quyền tư hữu là đúng đắn và cần thiết, nhưng nó không loại bỏ nguyên tắc trên. Thật vậy, tư hữu như là mắc một món nợ xã hội,[79] nghĩa là trong việc tư hữu, người ta nhận ra, như một tính cách nội tại, một chức năng xã hội được thiết lập và biện minh bởi nguyên tắc của cải phải được dùng cho mọi người. Và trong việc dấn thân cho người nghèo, không nên xao nhãng hình thức đặc biệt của những người nghèo, đó là bị tước đoạt các quyền căn bản của con người, cách riêng quyền tự do tôn giáo và quyền có sáng kiến kinh tế.

43. Sự quan tâm tích cực đến người nghèo, được gọi là thành ngữ thật diễn cảm “những người nghèo của Thiên Chúa”,[80] phải được thể hiện ở mọi mức độ, bằng những hành vi cụ thể để có thể chắc chắn đạt được một số những cải cách cần thiết.

Tùy theo từng hoàn cảnh, người ta sẽ ấn định các cải cách cấp bách nhất, và những phương tiện để thực hiện, nhưng không được quên những cải cách mà tình trạng mất quân bình trên phạm vi quốc tế, như đã nói trên, đòi hỏi.

Về điểm này, tôi muốn đặc biệt nhắn đến một số vấn đề sau đây: – Việc cải tổ hệ thống thương mại quốc tế, hệ thống này đang bị thao túng bởi chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch và chủ nghĩa trao đổi song phương ngày càng tăng; – Việc cải tổ hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế mà ngày nay người ta nhất trí là còn thiếu sót; – Vấn đề trao đổi kiến thức kỹ thuật và việc sử dụng hữu hiệu những kiến thức đó; – Sự cần thiết phải xét lại cơ cấu của các tổ chức quốc tế hiện hữu, trong khuôn khổ một trật tự pháp lý quốc tế.

a/ Hệ thống thương mại quốc tế, ngày nay, thường làm nảy sinh việc kỳ thị các sản phẩm của các nền kỹ nghệ non trẻ trong các nước đang phát triển, đang khi đó nó lại làm nản lòng những người khai thác nguyên liệu thô. Đằng khác, vẫn có một thứ phân công lao động quốc tế theo đó, các sản phẩm có giá thành thấp của một số quốc gia mà tại đó luật lệ hữu hiệu về lao động không có hoặc quá yếu, các sản phẩm đó lại được bán ở những nơi khác trên thế giới với những khoản tiền kếch xù cho những xí nghiệp chuyên sản xuất kiểu đó, một loại sản xuất không có biên giới.

b/ Đặc tính của hệ thống tiền tệ quốc tế, là sự biến động thái quá của các phương pháp hối đoán và lãi xuất làm phương hại đến cán cân chi phối và tình trạng nợ nần của các nước nghèo.

c/ Các kỹ thuật cao và việc chuyển nhượng chúng ngày nay trở thành một trong những vấn đề chính trong việc trao đổi quốc tế, và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Không thiếu trường hợp các nước đang phát triển bị từ chối cung cấp các kỹ thuật cao mà họ cần, hay người ta chuyển nhượng cho họ một vài kỹ thuật vô ích.

d/ Về các tổ chức quốc tế, theo nhiều người, hình như đã tới lúc phải xét kỹ lại, và nếu cần thì sữa chữa cơ chế điều hành, các chi tiêu quản trị và tính hữu hiệu của chúng. Dĩ nhiên, một tiến trình tế nhị như vậy không thể thực hiện được nếu không có sự cộng tác của nhiều người. Nó giả thuyết rằng người ta phải vượt lên trên những tranh chấp chính trị, cũng như phải từ bỏ ý định sử dụng những tổ chức này vào những mục đích riêng, trong khi chúng chỉ có một lý do tồn tại duy nhất là phục vụ ích chung.

Các định chế và các tổ chức hữu hiệu đã giúp ích nhiều cho các dân tộc. Tuy nhiên, đứng trước một giai đoạn mới và khó khăn hơn của công trình phát triển đích thực, nhân loại hôm nay cần có một mức độ tổ chức quốc tế cao hơn để phục vụ các xã hội, các nền kinh tế và các nền văn hóa thế giới.

44. Phát triển đòi hỏi trước hết một óc sáng kiến từ phía các nước cần phát triển.[81] Mỗi nước phải hành động theo trách nhiệm của mình, chứ đừng trông cậy mọi sự vào các nước may mắn hơn, và phải cùng hợp tác với các nước khác có chung một hoàn cảnh. Mỗi nước phải khai thác và sử dụng tối đa phạm vi thuộc tự do của chính mình. Mỗi nước cũng có khả năng đưa ra những sáng kiến đáp ứng cho chính các vấn đề xã hội của mình. Mỗi nước phải nhận ra nhu cầu thực sự của mình, cũng như những quyền hạn và bổn phận phải chu toàn. Việc phát triển các dân tộc được bắt đầu và tìm cách đem ra thực thi thích hợp nhất trong cố gắng của mỗi dân tộc để tự phát triển, trong sự hợp tác với các dân tộc khác.

Trong chiều hướng đó, các nước đang mở mang vẫn cổ võ việc triển nở của mọi công dân nhờ tham dự vào một nền văn hóa đã được đào sâu hơn và và sự thông tin tự do hơn. Tất cả những gì có thể giúp vào công cuộc xóa nạn mù chữ và công cuộc giáo dục cơ bản đều là một đóng góp trực tiếp vào việc phát triển đích thực. Việc giáo dục cơ bản đẩy sâu và hoàn thiện xóa nạn mù chữ, như đã được Thông Điệp “Phát triển các dân tộc” đề nghị,[82] mục tiêu này còn xa vời đối với nhiều vùng trên thế giới.

Để tiến triển trên con đường này, các nước phải tự mình nhận ra những ưu tiên và thấy rõ những nhu cầu của mình, tùy theo hoàn cảnh riêng của dân chúng, khung cảnh địa lý hay các truyền thống văn hóa.

Một số quốc gia sẽ phải gia tăng sản lượng thực phẩm để luôn luôn có sẵn những gì cần để nuôi sống. Trong thực tiễn ngày nay, còn có bao nhiêu người chết đói, nhất là trẻ em, chúng ta thấy một số gương các nước, mặc dù không phải là nước phát triển đặc biệt, nhưng đã thành công trong mục tiêu tự túc lương thực, và còn trở thành một nước xuất khẩu thực phẩm.  Có những nước khác cần cải tổ lại một số cơ cấu bất công, và cách riêng, những định chế chính trị, để thay đổi chế độ chính trị thối nát, chuyên chính và độc đoán bằng những chế độ dân chủ, đề cao việc cộng tác. Đây là một tiến trình mà chúng tôi mong được thấy phổ biến và tăng cường, bởi vì “sự lành mạnh” của một cộng đoàn chính trị là điều kiện cần thiết và bảo đảm chắc chắn cho sự phát triển”của toàn bộ con người và của toàn thể mọi người”. “Sự lành mạnh” này bộc lộ qua sự tự do tham gia và trách nhiệm của mọi người công dân trong việc chung, qua sự nghiêm minh của luật pháp, qua sự tôn trọng và thăng tiến các quyền con người.

45. Những điều nói trên đây sẽ không thực hiện được nếu không có sự cộng tác của nhiều người, nhất là của cộng đồng quốc tế, trong khuôn khổ một sự liên đới bao gồm mọi người, bắt đầu bằng những người bị đặt ra ngoài lề. Thế nhưng, những nước đang phát triển có bổn phận chính họ thực thi tình liên đới giữa họ với nhau, và với những nước bị cô lập nhất trên thế giới.

Chẳng hạn các nước cùng một vị trí địa lý nên thiết lập những hình thức cộng tác giúp họ bớt lệ thuộc vào những nước sản xuất mạnh hơn. Họ nên mở cửa cho các sản phẩm trong vùng, nghiên cứu xem các sản phẩm của mình có thể bổ túc cho nhau không, và hãy liên kết để có được những dịch vụ mà mỗi nước không thể trang bị được, cuối cùng hãy mở rộng sự cộng tác trong lãnh vực tiền tệ và tài chính.

Sự tương tùy đã là một thực tại trong nhiều quốc gia này. Nhận ra điều đó và làm cho nó trở nên tích cực hơn, đó là một giải pháp để giải quyết sự lệ thuộc quá đáng vào các nước giàu mạnh hơn, một giải pháp nằm trong chính đòi hỏi của sự phát triển đáng mong ước, không bằng cách chống đối ai, nhưng bằng cách khám phá và gia tăng tối đa những khả năng của mình. Các nước đang phát triển thuộc cùng một vùng địa lý, nhất là các nước thuộc phía Nam, có thể và phải hợp thành, như người ta đã bắt đầu làm với những kết quả khích lệ, những tổ chức mới ở cấp vùng, được hướng dẫn do những tiêu chuẩn bình đẳng, tự do và tham gia vào bản hòa tấu của nhân loại.

Điều kiện thiết yếu của sự liên đới giữa tất cả các quốc gia đòi hỏi phải có sự tự chủ và sự tự do định đoạt về mình, ngay cả ở bên trong những tổ chức, như những tổ chức vừa nói trên. Nhưng đồng thời, nó đòi hỏi người ta phải sẵn sàng chấp nhận các hy sinh cần thiết vì ích lợi của cộng đồng thế giới.

VII. KẾT LUẬN

46. Các dân tộc và các cá nhân khao khát việc giải phóng, việc mưu cầu sự phát triển toàn diện là dấu chỉ cho thấy họ muốn vượt qua mọi trở ngại đã ngăn cản không cho họ được hưởng “một đời sống xứng đáng với con người hơn”.

Mới đây, sau khi công bố Thông Điệp “Phát triển các Dân Tộc”, trong một vài vùng của Giáo hội Công Giáo, đặc biệt tại Châu Mỹ Latinh, có phổ biến một cách thức mới để tiếp cận vấn đề nghèo khổ và chậm phát triển, cách thức này coi việc giải phóng như một phạm trù căn bản và như nguyên lý hành động đầu tiên. Các giá trị tích cực của nó và cả những lệch lạc cũng như những nguy cơ lệch lạc trong cách thức suy tư và xây dựng thần học nói trên, đã được huấn luyện của Giáo hội lưu ý đúng lúc.[83]

Nên thêm rằng, khát vọng giải phóng khỏi mọi hình thức nô lệ, đối với con người và đối với xã hội, là một điều cao thượng và đáng giá. Đó là mục tiêu của sự phát triển, hay đúng hơn, của sự giải phóng và phát triển, nếu xét tới tương quan mật thiết giữa hai thực tại đó.

Một sự phát triển chỉ có tích cách thuần túy kinh tế sẽ không thể nào giải phóng được con người, trái lại cuối cùng nó sẽ nô lệ hóa con người hơn nữa. Một sự phát triển không hội nhập các chiều kích văn hóa, siêu việt và tôn giáo của con người cũng như của xã hội, và nếu càng không nhận biết những chiều kích đó và không hướng về chúng như những mục tiêu của mình, thì càng không thể đưa tới một sự giải phóng đích thực. Con người chỉ hoàn toàn được khi mình là mình, với đầy đủ các quyền và các nghĩa vụ, cũng phải nói như vậy về toàn thể xã hội.

Trở ngại chính yếu mà chúng ta phải vượt qua để đạt được một sự giải phóng đích thực, chính là “tội” và các cơ cấu phát sinh từ đó, theo mức độ tội lan tràn.[84]

Sự tự do mà nhờ đó Chúa Giêsu đã giải phóng chúng ta (Ga 5,1) thúc đẩy chúng ta hoán cải để trở nên những tôi tớ của mọi người. Như vậy, tiến trình phát triển và giải phóng được cụ thể hóa trong việc thực thi sự liên đới, nghĩa là thực thi tình thương và sự phục vụ anh em, đặc biệt những người nghèo khổ nhất: ”Ở đâu thiếu sự thật và tình yêu, ở đó tiến trình giải phóng sẽ đưa tới cái chết của một thứ tự do đã mất mọi chỗ tựa”.[85]

47. Trước những kinh nghiệm buồn thảm của những năm vừa qua, và trước bức tranh phần lớn là tiêu cực của lúc này, Giáo hội có bổn phận phải khẳng định cách mạnh mẽ, về khả năng có thể lướt thắng những trở ngại ngăn cản sự phát triển – hoặc vì thái quá, hoặc vì bất cập – và về niềm tin tưởng vào một sự giải phóng đích thực. Sự tin tưởng vào khả năng đó, xét cho cùng được xây dựng trên ý thức của Giáo hội và về Lời Chúa hứa. Lời hứa này bảo đảm với Giáo hội rằng, lịch sử chúng ta sống không khép kín vào mình nhưng vẫn hướng về vương triều của Thiên Chúa.

Giáo hội cũng tin tưởng vào con người, tuy vẫn biết con người làm điều ác, bởi vì Giáo hội biết rằng, mặc dù mang vết tích của tội nguyên tổ và tội mà mỗi người có thể phạm; nhưng nơi mỗi người vẫn có đầy đủ những đức tính và năng lực, vẫn có “tính bản thiện” (St 1,31), vì con người là hình ảnh của Đấng Sáng Tạo, để được thấm nhuần ơn cứu độ của Đức Kitô, “là Đấng, một cách nào đó, đã kết hợp với tất cả mọi người”,[86] và vì tác động hữu hiệu của Chúa Thánh Thần  “đầy tràn thế giới” (Kn 1,7).

Vì thế, không thể biện minh được cho thái độ tuyệt vọng, bi quan, thụ động. Dù có cay đắng, nhưng vẫn phải nói rằng, như người ta có thể phạm tội và ích kỷ, vì ham lợi, ham quyền thái quá, thì người ta có thể mắc lỗi khi sợ hãi, do dự, mà thực ra là hèn nhát trước những nhu cầu cấp bách của đám đông chìm sâu trong sự chậm phát triển. Tất cả chúng ta đều được mời gọi, và hơn nữa, phải đảm nhận cái thách đố kinh khủng của thập niên cuối cùng trong thiên niên kỷ thứ hai này, cho dù chỉ vì tất cả chúng ta đều bị đe dọa do những hiểm họa sắp xảy ra: một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một cuộc chiến tranh không biên giới, không kẻ thắng, không người thua. Trước mối đe dọa như vậy, sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo, giữa nước giàu và nước nghèo, không có giá trị bao nhiêu ngoài việc nói lên cái chấp nhận lớn lao nhất thuộc về những ai giàu có hơn và có khả năng hơn.

Nhưng một lý do như vậy, không phải là lý do duy nhất, cũng không phải là lý do chính. Điều quan trọng chính là phẩm giá con người, mà việc bảo vệ và thăng tiến đã được Đấng Sáng Tạo trao phó cho chúng ta. Trong mọi hoàn cảnh của lịch sử, tất cả chúng ta, nam cũng như nữ, chúng ta thật sự là những người có trách nhiệm và mắc nợ trong vấn đề này. Như nhiều người đã nhận thấy với ít nhiều rõ ràng, tình trạng hiện nay hình như không tôn trọng phẩm giá đó. Mỗi người trong chúng ta đều được tham gia vào chiến dịch không bạo động; với những phương tiện không bạo động để đạt được sự phát triển trong hòa bình, để cứu vãn chính thiên nhiên và thế giới chung quanh chúng ta. Giáo hội cũng cảm thấy liên đới sâu xa với đường hướng ấy, Giáo hội hy vọng nó sẽ dẫn tới đích.

Vì vậy, theo gương Đức Phaolo VI trong thông điệp “Phát triển các dân tộc”,[87] tôi muốn ngỏ lời một cách đơn sơ và khiêm tốn với mọi người, nam cũng như nữ, không trừ ai, để mọi người xác tín được tính cách nghiêm trọng của giây phút hiện tại, và ý thức được trách nhiệm của bản thân mình. Từ đó, bằng cách sống của bản thân và gia đình, bằng cách dùng của cải, bằng sự tham gia của người công dân, bằng sự đóng góp vào các quyết định kinh tế và chính trị, cũng như bằng chính sự dấn thân của họ trên bình diện quốc gia và quốc tế, họ sẽ đem ra thi hành các biện pháp được gợi hứng bởi tình liên đới và tình ưu tiên dành cho người nghèo những biện pháp mà do hoàn cảnh và nhất là do phẩm giá của con người đòi hỏi, con người là hình ảnh bất khả diệt của Thiên Chúa sáng tạo, tất cả chúng ta đều cùng chung một hình ảnh ấy.

Trong nỗ lực đó, các con cái Giáo hội phải là những mẫu gương và là những người hướng đạo, vì họ được mời gọi theo chương trình đã được chính Chúa Giêsu công bố trong hội đường Nagiarét: hãy “báo Tin Mừng cho kẻ nghèo…, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, loan tin cho người mù biết…” (Lc 4,18-19). Cần nhấn mạnh tới vai trò trổi vượt của giáo dân, nam cũng như nữ, như Thượng Hội Đồng Giáo Mục mới đây đã nhắc lại. Vai trò của họ là làm sinh động các thực tại trần thế với một lòng nhiệt hành Kitô giáo và sống trong trần thế như những chứng nhân và như những kẻ xây dựng hòa bình, và công lý.

Tôi muốn đặc biệt ngỏ lời với những ai nhờ Bí Tích Thánh Tẩy và sự tuyên xưng cũng một kinh Tin Kính đang cùng với chúng tôi tham gia vào sự hiệp thông đích thực, mặc dù chưa trọn vẹn. Tôi tin chắc rằng, mối lo âu bộc lộ trong thư này, cũng như các lý do thúc đẩy tôi viết, cũng là những điều mà họ đang tha thiết, bởi vì chính Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô gợi hứng cho các lý do đó. Chúng ta có thể tìm được ở đây một lời mời gọi mới, tất cả chúng ta hãy cùng nhau làm chứng cho những xác tín chung của chúng ta về phẩm giá con người được Thiên Chúa tạo dựng, được Chúa Kitô cứu độ, được Chúa Thánh Thần thánh hóa, và được mời gọi sống một đời sống xứng – hợp với phẩm giá đó trong thế giới này.

Tôi cũng xin gởi lời mời gọi này tới những ai cùng chia sẻ với chúng tôi di sản của Abraham “tổ phụ của chúng ta trong Đức Tin” (Rm 4,11-12),[88] và truyền thống của Cựu Ước, tức là những người Do thái; gởi tới những ai, như chúng tôi, cùng tin vào Thiên Chúa công bình và nhân hậu, tức là những người Hồi Giáo. Và lời mời gọi này cũng hướng tới tất cả các tín đồ của các tôn – giáo lớn trên toàn cầu.

Cuộc gặp gỡ ngày 27-10 năm ngoái ở Assisi, Thành phố của thánh Phanxicô, để cầu nguyện và để dấn thân cho hòa bình  mỗi người trong sự trung thành với xác tín tôn giáo của mình  đã làm cho mọi người thấy hòa bình, và điều kiện cần thiết để đạt được hòa bình, tức là phát triển của “toàn bộ con người và của toàn thể mọi người”, cũng là một vấn đề tôn giáo tới mức nào; và việc thực hiện đầy đủ hòa bình và phát triển tùy thuộc tới mức nào vào sự trung tín với ơn gọi làm người tín hữu của chúng ta, nam cũng như nữ. Bởi vì, trước hết hòa bình tùy thuộc vào Thiên Chúa.

48. Giáo hội biết rằng không, một thành tựu nào trên trần gian có thể được đồng hóa với vương quốc Thiên Chúa, nhưng mọi thành tựu chỉ phản chiếu, và theo một nghĩa nào đó, cho thấy trước vinh quang của vương quốc mà chúng ta trông đợi, khi lịch sử kết thúc và Chúa trở lại. Thế nhưng, sự trông đợi đó không bao giờ có thể biện minh cho thái độ lãnh đạm trong đời sống cá nhân cụ thể và đời sống xã hội, quốc gia và quốc tế, bởi vì cuộc sống trần thế này  nhất là ngày nay – là điều kiện cho cuộc sống mai sau.

Trong những gì người ta có thể làm, nhờ sự cố gắng liên đới của mọi người, và nhờ ơn Thiên Chúa ban vào một lúc nào đó của lịch sử, để làm cho đời sống của người ta xứng đáng với con người hơn, trong công việc đó, dù bất toàn và nhất thời, nhưng không một thực tại nào sẽ bị mất đi hay trở thành vô ích. Đó cũng là giáo huấn của công đồng Vatican II trong một đoạn rất có ý nghĩa của hiến chế “Vui mừng và hy vọng”: “Các giá trị về phẩm giá con người, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là một thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta có thể gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng ta được thanh tẩy khỏi mọi tỳ ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng (…). Vương quốc ấy đã hiện diện cách màu nhiệm ở trần gian này”.[89]

Hiện nay vương quốc của Thiên Chúa được hiện diện đặc biệt nhờ việc cử hành bí tích thánh thể là hiến tế của Chúa. Trong việc cử hành đó, các hoa màu ruộng đất và lao công con người – bánh và rượu – được biến đổi cách nhiệm mầu, nhưng thực sự là theo bản thể, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần và lời của vị thừa tác, thành Mình và Máu Chúa Kitô, con Thiên Chúa và con Đức Maria, nhờ Người mà vương quốc của cha hiện diện giữa chúng ta.

Các của cải trần gian và công trình của tay chúng ta làm ra  bánh và rượu -chuẩn bị cho ngày vương quốc vĩnh cửu hiện đến. Bởi vì, nhờ Thần Khí của Ngài, Đức Giêsu đã đón nhận bánh và rượu để dâng hiến chính mình lên Chúa Cha, đồng thời hiến chúng ta cùng với Ngài trong việc tái diễn hiến tế duy nhất của Ngài, hiến tế này là một sự thể hiện trước của vương quốc Thiên Chúa và là lời loan báo ngày hoàn tất chung cuộc.

Như vậy, nhờ Thánh Thể, là bí tích và là hiến tế, Đức Giêsu Kitô kết hợp chúng ta với Người, và chúng ta với nhau, bằng những giây liên kết bền chặt hơn mọi sự kết hợp tự nhiên, và Ngài sai chúng ta đi khắp thế giới, sống hợp nhất với nhau, để bằng đức tin và việc làm, làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Chuẩn bị cho vương quốc người hiện đến, và thể hiện trước việc đó trong bóng tối của thời hiện tại.

Khi tham dự vào Thánh Thể, chúng ta được mời gọi khám phá, qua bí tích này, ý nghĩa sâu xa của hành động chúng ta trong thế giới, nhằm cổ võ việc phát triển và hòa bình; chúng ta cũng được mời gọi để đón nhận nơi bí tích đó sức mạnh để dấn thân một cách quảng đại hơn theo gương Chúa Kitô, Đấng trong bí tíc này đã hy sinh mạng sống cho các bạn hữu mình (Ga 15,13). Cũng như sự dấn thân của Chúa Giêsu và trong mọi kết hợp với Người, sự dấn thân cá nhân của chúng ta sẽ không vô ích, nhưng chắc chắn sẽ phong phú.

49. Trong năm Thánh Mẫu này, tôi đã công bố để cho các giáo hữu công giáo luôn luôn nhìn lên Đức Mẹ là Đấng đi trước chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin;[90] và trong sự ân cần của người mẹ, Người luôn cầu bầu cho chúng ta bên cạnh con của Người, Đấng cứu độ chúng ta, tôi muốn phó dâng cho Mẹ và cho lời cầu bầu của Mẹ, tình thế khó khăn của thế giới ngày nay, những cố gắng mà chúng ta đã làm và sẽ làm, để góp phần vào việc phát triển đích thực các dân tộc, mà vị tiền nhiệm của tôi, Đức Phaolô VI đã đề nghị và loan báo.

Theo tập tục đạo đức của Kitô giáo, chúng tôi dâng lên Đức Trinh Nữ rất thánh những hoàn cảnh cá nhân khó khăn để Mẹ trình lại cho con của Người, nhờ đó, người làm vơi nhẹ và biến đổi những hoàn cảnh khó khăn đó. Nhưng chúng tôi cũng dâng lên Mẹ những tình trạng xã hội và cả cuộc khủng hoảng quốc tế dưới những dạng đáng lo âu như nghèo khổ, thất nghiệp, thiếu ăn, chạy đua vũ trang, chà đạp nhân quyền, tình trạng hoặc những đe dọa xung đột cục bộ hay toàn diện. Tất cả những điều đó, với tình con thảo, chúng tôi muốn đặt dưới “mắt từ ái” của Mẹ, và trong niềm tin tưởng cậy trông, chúng tôi lập lại một lần nữa bài ca từ xa xưa: “Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, xin đừng chê bỏ lời con khẩn cầu trong cơn gian nan khốn khó, nhưng xin cứu chữa chúng con khỏi mọi cơn hiểm nguy. Ôi Trinh Nữ Vinh Hiển! Ôi Trinh Nữ Diễm Phúc”.

Rất Thánh Trinh Nữ Maria, Mẹ là Nữ vương chúng ta, Mẹ là đấng đã quay lại nói với con của Mẹ: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Mẹ cũng chính là người ngợi khen Thiên Chúa Cha, vì “Ngài đã hạ bệ những kẻ quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm nhượng. Ngài cho kẻ đói khát được no đầy và đuổi kẻ giàu có trở về tay không” (Lc 1,52-53). Trong sự ân cần của người Mẹ hiền; Mẹ đoái nhìn tới những khía cạnh cá nhân và xã hội của đời sống con người trên trái đất.[91]

Trước Ba Ngôi Thiên Chúa, tôi phó dâng cho Đức Maria những gì tôi đã trình bày trong lá thư này, để mời gọi mọi người hãy suy nghĩ và dấn thân tích cực vào việc cổ võ cho mọi sự phát triển đích thực của các dân tộc, như đã nói rõ trong lời nguyện đọc vào thánh lễ cầu nguyện cho ý chỉ đó: “Lạy Chúa, Chúa muốn cho mọi dân tộc có cùng một nguồn gốc, và Chúa đã muốn quy tụ họ trong một gia đình duy nhất, xin Chúa cho mọi người nhận biết nhau như anh em và trong sự liên đới, lo cho mọi dân tộc được phát triển, để cho mọi quyền của con người được công nhận và cho cộng đồng nhân loại được sống trong bình đẳng và an hòa”.[92]

Để kết thúc, tôi dâng lời cầu nguyện trên, nhân danh các anh chị em tôi, và tôi xin gởi đến cho họ một phép lành đặc biệt như dấu chỉ chào thăm và cầu chúc.

 

Ban hành tại Rôma, cạnh Đền Thánh Phêrô,

ngày 30 tháng 12 năm 1987,

năm thứ mười triều đại giáo hoàng của tôi.

+ GIOAN PHAOLÔ II

Giáo Hoàng

 

 

(Bản dịch của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, 2004)

 

 


[1]     Lêo XIII, Rerum Novarum 15-5-1891.

[2]     Piô XI QA, 15-5-1931; Gioan XXIII, MM ; Paul VI, OA; J-P.II, LE; Pio XII, sứ điệp truyền thanh 1.6.1941 nhân dịp kỷ niệm  50 năm RN.

[3]     DV, 4.

[4]     Phaolo VI, PP

[5]     Xem Observatore Romano 25.3.1987.

[6]     Xem  huấn thị về tự do Kitô giáo và giáo phóng, Bộ Giáo Lý Đức Tin; Phaolô VI, OA.

[7]     Xem RM. Bài giảng lễ ngày 1.1.1987 , OR 2.1.1987.

[8]     PP trích dẫn 19 lần văn kiện công đồng Vat. trong đó có 16 lần  hiến chế GS.

[9]     GS, 1.

[10]   GS, 4 ; xem PP, 13

[11]   GS, 3 ; xem PP, 13.

[12]   GS, 63 ; xem PP, 9.

[13]   GS, 69 ; xem PP, 22.

[14]   GS, 57 ; xem PP, 41.

[15]   GS, 19 ; xem PP, 41.

[16]   GS, 86 ; xem PP, 48.

[17]   GS, 69 ; xem PP, 14-21.

[18]   Xem nhập đề của PP.

[19]   Thông điệp RN của Đức Leo XIII bàn về “thân phận người lao động”

[20]   Huấn thị về Tự do Kitô giáo và giải phóng; Phaolo VI, OA.

[21]   Xem MM

[22]   GS, 63

[23]   PP, 63,9

[24]   GS, 3

[25]   GS, 48.

[26]   GS, 14

[27]   GS, 87

[28]   GS, 53

[29]   GS, 76

[30]   Hai thập niên 1960-1970 và 1970-1980, chúng ta đang ở thập niên thứ ba: 1980-1990.

[31]  Diễn ngữ “thế giới thứ tư” được dùng không những để nói về những nước chậm phát triển, mà còn để chỉ về những khu vực rất nghèo hay rất cơ cực tại những nước có lợi tức cao hay trung bình.

[32]   LG, 1.

[33]   PP, 33.

[34]   Tòa Thánh đã đóng góp vào việc cử hành năm quốc tế này một tài liệu đặc biệt của Ủy ban Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình : Bạn hãy làm gì với người anh em không nhà ở ?  Giáo hội và vấn đề nhà ở (27.12.1987).

[35]   Xem Phaolo VI, OA

[36]    Tập nghiên cứu về Kinh tế thế giới 1987 do Liên Hiệp Quốc công bố chứa đựng nhiều dữ kiện về các vấn đề này (trang 8-9): Tỷ lệ thất nghiệp trong các nước phát triển có kinh tế thị trường đã tăng từ 3% năm 1970 lên 8% năm 1986. Số người thất nghiệp hiện nay là 29 triệu

[37]   Laborem Exercens

[38]   “Để phục vụ cộng đồng nhân loại: một cuộc tiếp cận luân lý với vấn đề nợ nần của các nước trên thế  giới” 27.12.1986.

[39]   PP, 54

[40]   x. Phần trình bày của tài liệu nói ở số 38.

[41]   PP, 43.

[42]  x.  tài liệu nói ở số 38, III,2.1

[43]   PP, 20-21

[44]   Bài giảng gần Progheda tại Ái nhĩ lan 29.9.2979, số 5.

[45]   PP, 37

[46]   Tông huấn Familiaris Consortio, đặc biệt số 30.

[47]   Xem Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, Liên Hiệp Quốc, New York, 1983; Gioan-Phaolo II, RH, 4.3.1983, số 17.

[48]   GS, 7,8 ; PP, 76

[49]   Familiaris Consortio  (FC), 6.

[50]   Vì vậy trong bản văn của Thông điệp từ “Phát triển” được  dùng thay vì từ “tiến bộ”, với mục đích phát triển theo nghĩa đầy đủ nhất.

[51]   PP, 19

[52]   GS, 35 ; Diễn từ cho ngoại giao đoàn, 7.1.1965.

[53]   PP, 20-21

[54]   LE, 4 ; PP, 15

[55]   PP, 42

[56]   Praeconium Pascale, sách lễ Rôma: “Cần có tội Ađam mà cái chết của Đức Kitô hủy diệt. Tội hồng phúc đã đem lại cho chúng ta một Đấng Cứu độ như vậy”.

[57]   LG, 1

[58]   St  Basile le Grand ; Théodoret de Cyr ;  St Augustin.

[59]   Xem Thánh Gioan Kim Khẩu ; Thánh Ambrosio

[60]   PP, 23.

[61]   PP, 47

[62]   PP,47 ; GS, 29 : sự bình đẳng cănbản là một trong những lý do tại sao Giáo hội vẫn luôn luôn chống lại mọi hình thức kỳ thị chủng tộc.

[63] Xem bài giảng ở Val Visdende, Ý , 12.7.1987; Phaolo VI, OA, 21.

[64]   GS, 25.

[65]   Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 16.

[66]   PP, 42

[67]   Phụng vụ giờ kinh, kinh chiều thứ Ba, tuần III.

[68]   PP, 87.

[69]   PP, 13,81

[70] PP, 13.

[71] Diễn văn khai mạc đại hội Giám mục Châu Mỹ La tinh lần thứ ba.

[72]   Huấn thị về Tự do Kitô giáo và giải phóng ; OA, số 4

[73]   GS, 83-90

[74]   MM; Pacem in terris; OA, 2-4

[75]   PP, 3,9

[76]   PP, 3

[77]   PP, 47 ; Huấn thị về tự do Kitô giáo và giải phóng, 68.

[78]   GS, 69 ; PP, 22 : Huấn thị về tự do Kitô giáo và giải phóng, 90.

[79]   Diễn văn khai mạc Đại hội Giám mục châu Mỹ La tinh lần thứ ba; Diễn từ cho một nhóm giám mục Ba lan về viếng mộ hai thánh   Tông đồ  18.12.1987.

[80]   Bởi vì Chúa muốn đồng hoá với họ (Mt 25,31-46)

[81]   PP, 55 ; GS, 86

[82]   PP, 35

[83]    Huần thị về  Vài khía cạnh của “Thần học Giải Phóng”, Bộ Giáo lý Đức tin 6.8.1984 ; xem lời nói đầu.

[84]   Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 16 ; Huấn thị về tự do Kitô giáo và giải phóng, 24

[85]   Huấn thị về tự do Kitô giáo và giải phóng,  38.41

[86]   GS, 22 ; RH, 8

[87]   PP, 5

[88]   Nostra Aetate, 4

[89]   GS, 39

[90]   LG, 58 ; Redemtoris Mater, 5-6

[91]   Marialis cultus, 57

[92]   Lời nguyện trong thánh lễ cầu nguyện cho sự phát triển các dân tộc, sách lễ Rôma.