Thông Điệp Pacem in Terris (Hòa Bình Trên Thế Giới) Của ĐGH Gioan XIII (Ngày 11-04-1963)

0
3575


THÔNG ĐIỆP PACEM IN TERRIS

(HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚI)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN XIII

VỀ VIỆC DỰNG XÂY HÒA BÌNH GIỮA CÁC DÂN TỘC

TRÊN CHÂN LÝ, CÔNG BÌNH, BÁC ÁI VÀ TỰ DO

11-04-1963

***

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII

***

Đức Gioan XXIII, Chúa quan phòng đặt làm giáo hoàng,

Gửi Chư Huynh đáng kính: Các Thượng Phụ Giáo Chủ, Trưởng Giáo Chủ, Tổng Giám Mục, Giám Mục, Các Vị bản quyền, hiện thông hảo cùng tòa thánh, Các Giáo Sĩ, Giáo dân và tất cả những người thành tâm trên thế giới.

Về vấn đề: Xây Dựng Hòa Bình Giữa Các Dân Tộc Trên Chân Lý, Công Bình, Bác Ái Và Tự Do.

Giáo Hoàng Gioan XXIII, kính gửi Chư huynh đáng kính và các con thân mến Lời chào và Phép Lành Tòa Thánh.

***

NHẬP ĐỀ

 

TRẬT TỰ TRONG VŨ TRỤ

1.- Hòa bình trên thế giới, tức nguồn ước vọng sâu xa của con người trong mọi thời đại, chỉ có thể xây đắp, kiện toàn, một khi người ta triệt để tôn trọng cái trật tự mà Chúa đã thiết lập.

Khoa học tân tiến, và cả những phát minh của kỹ thuật đều minh chứng  rằng: trong các động vật, cũng như trong các tiềm lực của vũ trụ, đều hiện hành một trật tự lạ lùng. Sự cao cả của con người là ở chỗ biết khám phá ra trật tự ấy, biết  tạo nên những khí cụ thích nghi  để chinh phục những tiềm lực thiên nhiên này, và biến cải nó thành hữu ích.

Nhưng, điều mà những tiến bộ của khoa học và những phát minh  kỹ thuật minh chứng trước hết, chính là sự Thiên Chúa vô cùng cao cả. Ngài là Đấng Sáng Tạo đã dựng nên vũ trụ và chính con người. Ngài dựng nên vạn vật bởi hư vô, rồi thông vào đấy phần khôn ngoan hoàn hảo, như lời Thánh vịnh đã ca ngợi: “Lạy Chúa, lạy Chúa, uy danh Chúa vang lừng khắp năm châu”[1] nơi khác: “Công trình Chúa không sao kể xiết! Mọi sự Chúa dựng nên đều tuyệt tác”[2]. Còn như con người Chúa đã tạo sinh “giống hình ảnh Chúa”[3] có trí khôn, có tự do và cho làm chủ vạn vật, như trong Thánh vịnh: “ Chúa dựng nên con  người thua kém thiên thần, nhưng Chúa đã cho con người đầy vinh quang, hạnh phúc, Chúa đã giao phó cho con người được toàn quyền sử dụng mọi sự, và đặt mọi sự tùng phục con người”[4].

TRẬT TỰ TRONG NHÂN LOẠI

2.- Trật tự hoàn hảo của vũ trụ nói đây tương phản hẳn với tình trạng rối loạn mà ta thấy xuất hiện giữa cá nhân với cá nhân, giữa các dân tộc với dân tộc, hình như chỉ có bạo lực mới có thể giải quyết được những mối tương quan của họ.

Nhưng Đấng Sáng Tạo vũ trụ đã in sâu trong con người một trật tự khác, trật tự này lương tâm nhân loại nhìn nhận là có và bắt con người phải tôn trọng: “Họ chứng tỏ rằng trong tâm hồn họ đã in sâu một luật lệ, bởi vì, chính lương tâm họ cũng minh chứng như thế”[5]. Mà làm sao có thể lại không minh chứng điều đó, bởi vì tất cả vạn vật Chúa dựng nên đều phản chiếu sự Chúa vô cùng khôn ngoan, và càng phản chiếu rõ rệt, mỗi khi thể chất của tạo vật càng hoàn toàn hơn.[6]

Người ta thường hay lầm tưởng rằng mối giao hảo giữa cá nhân với cộng đồng chính trị có thể giải quyết bằng những định luật xưa nay vẫn chi phối những động lực, và vật thể vô linh của vũ trụ. Trái lại, chính những nguyên tắc qui định đời sống con người có một yếu tính khác: phải tìm những nguyên tắc đó ở chỗ mà Thiên Chúa đã ghi tạc, tức là trong bản tính con người.

3.- Chính những nguyên tắc đó vạch rõ cách sinh hoạt cho nhân loại bất cứ trong mối tương quan giữa cá nhân với cá nhân trong đời sống xã hội; giữa công dân với chính quyền trong cộng đồng quốc gia; hay là giữa nhiều quốc gia với nhau; sau hết, giữa các quốc gia với cộng đồng thế giới: Chính cái việc thành lập cộng đồng thế giới này mới khẩn trương, vì công ích của toàn thể nhân loại đang đòi hỏi.

***

PHẦN I

TRẬT TỰ GIỮA CÁ NHÂN MỖI:

CÁ NHÂN LÀ MỘT NHÂN VỊ, CÓ QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ

 

TRƯỚC HẾT, PHẢI ĐỀ CẬP ĐẾN TRẬT TỰ GIỮA TỪNG CÁ NHÂN VỚI NHAU

Trong một xã hội có qui củ và phong phú, nguyên tắc căn bản phải là nguyên tắc dạy mỗi cá nhân là một nhân vị, nghĩa là một nhân tính có trí khôn, và ý chí tự do, bởi thế mà con người tự có quyền lợi, có nghĩa vụ, chính vì quyền lợi và nghĩa vụ đều phát sinh trực tiếp và đồng một lúc, từ bản tính con người: vì thế cả hai đều phổ thông, bất khả xâm phạm và bất khả di nhượng[7].

Nếu ta nhìn nhân vị dưới ánh sáng chân lý do Chúa mặc khải, chúng ta càng phải đề cao nhân vị hơn nữa, bởi  vì con người đã được Máu Chúa Kitô cứu chuộc, đã nhờ ân sủng trở thành con cái và bạn hữu Thiên Chúa, và được thông phần vinh quang trường cửu.

NHỮNG QUYỀN LỢI, QUYỀN ĐƯỢC SỐNG VÀ HƯỞNG MỘT NẾP SỐNG XỨNG HỢP

4. Đề cập đến quyền lợi của con người, ta cần nói ngay rằng: Phàm ai cũng có quyền sống, quyền giữ thân thể trọn vẹn, quyền hưởng những phương tiện thiết yếu và vừa đủ cho một đời sống xứng hợp : như của ăn, áo mặc, nhà ở, nghỉ ngơi, thuốc men và những sự giúp đỡ của xã hội. Bởi thế, con người có quyền được bảo đảm về tính mạng, như khi đau yếu, tàn tật, góa bụa, già lão, thất nghiệp, và mỗi khi vì những hoàn cảnh ngoài ý muốn, con người không có những phương tiện sinh sống cần thiết [8].

QUYỀN HƯỞNG NHỮNG GIÁ TRỊ LUÂN LÝ VÀ VĂN HÓA

5. Ai cũng có quyền được người khác tôn trọng nhân phẩm, thanh danh, quyền được tự do đi tìm chân lý, và trong phạm vi trật tự luân lý và công ích cho phép, được tự do phát biểu ý kiến, phổ biến tư tưởng, theo đuổi bất cứ nghệ thuật nào, và sau hết, được quyền theo theo dõi  những tin tức một cách khách quan.

6. Luật thiên nhiên cũng đòi cho con người được quyền hưởng những đặc ân về văn hóa, do đó được theo học một nền học vấn căn bản, một nền giáo dục chuyên nghiệp cân xứng với trình độ tiến hóa của mỗi dân tộc. Phải tổ chức làm sao, để cho mỗi cá nhân, tùy theo khả năng của họ, có thể bước tới trình độ cao về học vấn, và, trong xã hội, có thể đảm đang những chức vụ, những trách nhiệm thích hợp với tài ba và năng lực của mình[9].

QUYỀN TÔN THỜ THIÊN CHÚA, THEO SỰ ĐÒI BUỘC CỦA LƯƠNG TÂM CHÂN CHÍNH

7. Trong các quyền lợi của con người, phải kể cả quyền được tôn thờ Thiên Chúa theo mệnh lệnh của lương tâm, và được tuyên xưng tôn giáo của mình trong đời sống tư nhân, cũng như trong đời sống công khai. Lactanxiô ngày xưa đã xác định: “Sở dĩ Chúa cho chúng ta sống là để chúng ta dâng lên Ngài, là Đấng Sáng Tạo, lòng tôn sùng chính đáng, chúng ta chỉ nhìn nhận, tuân theo một mình Ngài. Cái tình hiếu thảo này ràng buộc chúng ta với Thiên Chúa, và chính vì thế mới có tôn giáo”[10]. Đức Lêo XIII, vị Tiền nhiệm còn lưu danh, cũng đã quả quyết: “ Chính cái quyền tự do chân chính, xứng đáng với địa vị con cái Thiên Chúa và bảo toàn  nhân vị, nó hùng mạnh hơn cả bạo lực, và những hành động bất công: Giáo hội vẫn cầu mong tự do, vẫn coi tự do như một báu vật yêu quí hơn cả. Từ ngàn xưa, các thánh Tông đồ vẫn đòi quyền tự do này, các nhà Hộ giáo vẫn đề cao trong sách vở, và từng ức vạn các thánh Tử đạo, đã lấy xương máu để minh chứng[11]

QUYỀN ĐƯỢC TỰ  DO CHỌN MỘT NẾP SỐNG

8. Bất cứ ai cũng có quyền được tự do chọn một nếp sống riêng. Bởi thế, họ có quyền lập gia đình, trong ấy hai vợ chồng đều bình đẳng trong quyền lợi và nghĩa vụ: hoặc người ta có quyền theo ơn kêu gọi làm linh mục hay tu dòng.[12]

Gia đình, một khi xây dựng trong một cuộc hôn nhân đã được tự do kết hợp, duy nhất và bất khả phân ly, tất nhiên phải được công nhận là một tiểu tổ đầu tiên và đương nhiên của xã hội. Bởi thế, cần phải chuẩn  bị những biện pháp thuộc lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, luân lý, cốt để bảo toàn gia đình, và giúp gia đình thực hiện cái sứ mệnh của mình.

Cha mẹ là những người đầu tiên có quyền lợi phải bảo đảm việc nuôi nấng và giáo dục con cái.[13]

QUYỀN LỢI KINH TẾ

9. Nhìn sang địa hạt kinh tế, luật thiên nhiên còn cho con người không những được quyền đòi có việc làm, mà lại được tự do kén chọn việc làm[14].

Cùng với quyền lợi trên đây, người ta có cả quyền yêu cầu, trong khi làm việc, được hưởng những điều kiện không làm nguy hại đến sức khoẻ phần xác, không làm tổn thương nền phong hóa, và không ngăn trở sự phát huy những khả năng chính đáng của lớp thanh niên. Về phía nữ giới, họ có quyền đòi những những điều kiện làm việc cân xứng với nhu cầu theo giới của mình, và thích hợp với nghĩa vụ người vợ và người mẹ trong gia đình [15].

Vì nhân vị, con người còn quyền được phát triển những hoạt động kinh tế trong những  điều kiện thông thường, mà cá nhân lãnh phần trách  nhiệm [16].

10. Cứ như đấy, ta cần phải nói lên rằng: mỗi người thợ có quyền hưởng một số lương thực quy định theo những qui tắc công bình, và tùy theo khả năng của đương sự, để số lương này có thể bảo đảm cho người thợ và gia đình họ một mức sống phù hợp với nhân phẩm. Đức tiên Giáo hoàng Piô XII đã tuyên bố: “Đi theo với luật được đòi có việc làm đã in sâu trong bản tính thiên nhiên, con người còn có quyền lợi thiên nhiên khác, tức là được hưởng một số lương khả dĩ tự sống và nuôi nấng  con cái: đấy, luật thiên nhiên buộc phải bảo tồn nhân sinh một cách sâu xa đến thế”[17].

11. Luật tự nhiên còn cho con người được cả quyền tư hữu, trong ấy gồm cả quyền có phương tiện sản xuất. Như ta đã có dịp tuyên bố nơi khác, quyền lợi này “là một bảo đảm hữu hiệu cho phẩm giá con người, là một cách giúp cho con người thực hiện những trách nhiệm cá nhân, duy trì sự ổn định và êm ấm gia đình, đồng thời là một sự cộng tác vào nền hòa bình và thịnh vượng chung”[18]. Đàng khác, cũng nên nhắc lại rằng: Tự bản tính quyền tư hữu bao giờ cũng  bao hàm một trách vụ xã hội[19].

QUYỀN TỰ DO HỘI HỌP VÀ LẬP HỘI

12. Chính vì con người tự bản tính là để sống trong xã hội, thành ra con người có quyền hội họp và lập hội tức là quyền cho phép các đoàn thể được có những tổ chức thích hợp để dễ đạt tới mục đích, quyền được đứng ra tự nhận lấy một số trách nhiệm ngõ hầu tiến tới những mục tiêu đã định[20].

Thông điệp “Mẹ và Thầy” đã xác định rằng: việc thành  lập một số những hiệp hội, hay những đoàn thể trung gian, có khả năng theo đuổi những mục tiêu – mà ngoài ra cá nhân không tài nào có thể đạt tới, nếu không đoàn kết lại với nhau – hiện nay quả là một phương tiện tối khẩn, để thực hiện quyền tự do và trách nhiệm của một nhân vị [21].

QUYỀN DI CƯ VÀ KIỀU NGỤ

13. Mọi người đều có quyền được tự do di chuyển và cư ngụ trong cộng đồng chính trị, chỗ mình đang là một công dân; họ cũng ccó quyền, một khi đầy đủ lý do, được xuất ngoại và kiều ngụ ở ngoại quốc[22]. Nhưng nguyên sự kiện mình là người nước này hay người nước khác sẽ không bao giờ có thể là một trở lực chính đáng cấm con người không được gia nhập xã hội nhân loại, cấm thành một công dân của khối cộng đồng thế giớí, nơi mà toàn thể nhân loại đoàn tụ với nhau vì những mối dây liên lạc cố hữu chung.

QUYỀN CÔNG DÂN

14. Đi theo phẩm giá con người, còn cả quyền được tham dự  một cách tích cực vào đời sống công cộng và góp phần cá nhân vào thiện ích chung. Đức tiên Giáo hoàng Piô XII đã giải thích :“Con người theo yếu tính của nó, không phải là một đối tượng, hay một yếu tố thụ động trong đời sống xã hội; trái lại, nó phải là chủ nhân, là nền tảng, là cứu cánh”[23].

Phẩm giá con người còn có quyền đòi pháp luật bảo vệ những quyền lợi riêng của mình, bảo vệ một cách hữu hiệu, hết mọi người bằng nhau, và chiếu theo những nguyên tắc công bình. Đức tiên nhiệm Piô XII đã tuyên bố: “Do trật tự  pháp  lý mà Thiên Chúa đã quy định, con người được hưởng một quyền lợi đặc biệt và vĩnh viễn, do đó mỗi cá nhân được bảo đảm an ninh, và được cả một khu vực quyền lợi có pháp luật bảo vệ cho khỏi bị người khác lấn áp, vi phạm”[24].

NHỮNG NGHĨA VỤ MỐI LIÊN LẠC BẤT KHẢ PHÂN CÁCH GIỮA QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ TRONG MỘT NGƯỜI

15. Trước đây, ta đã nhắc lại những quyền lợi phát sinh tự luật thiên nhiên. Nhưng trong con người – đứng làm chủ – đã có bao nhiêu quyền lợi thì cũng có bấy nhiêu nghĩa vụ tương ứng. Luật thiên nhiên cho quyền lợi, nhưng ban hành những nhiệm vụ: chính luật thiên nhiên đây là nguồn gốc, là sức tồn tại và là mãnh lực bất hủ.

Thí dụ: quyền được sống đem theo nghĩa vụ phải bảo tồn sự sống, quyền được hưởng một đời sống xứng hợp buộc ta có nghĩa vụ phải ăn ở cho có phẩm cách; quyền được tự do tìm chân lý buộc ta có nghĩa vụ càng phải nghiên cứu  và mở mang tầm học hỏi.

Mối tương quan giữa quyền lợi và nghĩa vụ nơi nhiều người khác nhau.

16. Trong đời sống xã hội, khi luật thiên nhiên cho ai một quyền lợi, lẽ cố nhiên cũng buộc nơi người khác một nghĩa vụ, tức là nghĩa vụ phải nhìn nhận và tôn trọng quyền lợi đó. Như vậy, cái hiệu lực bắt buộc nói đây phát sinh tự luật thiên nhiên : chính luật thiên nhiên ban quyền lợi và đòi phải có nghĩa vụ tương ứng. Bởi thế, người nào chỉ biết đòi quyền lợi không, mà quên những nghĩa vụ của mình, hay không chu toàn những nghĩa vụ đó, tức là dùng tay này phá hủy công việc mà tay kia đang xây dựng.

TINH THẦN CỘNG TÁC

17. Tự bản tính, con người là phải xã hội, phải chung sống người này với người khác, và cùng tìm thiện ích cho nhau. Vì thế, muốn cho đoàn thể được thuận hòa, lẽ tất nhiên là phải nhìn nhận quyền lợi người khác và thi hành bổn phận của mình. Ai cũng có nhiệm vụ phải góp vào một tay, để mưu lấy trật tự chung, để trong ấy những quyền lợi, những nghĩa vụ sẽ được thỏa mãn một cách hiệu quả hơn.

Để lấy thí dụ: Nếu chỉ thừa nhận con người được quyền có các phương tiện sinh sống: chưa đủ; nhưng mỗi người còn phải, tùy khả năng mình, cung cấp đầy đủ những phương tiện ấy nữa.

Đời sống xã hội không phải chỉ là tổ chức cho trật tự, nhưng còn phải đem lại lợi ích cho con người. Lẽ cố nhiên là phải nhìn nhận, phải tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của nhau, nhưng  hết mọi người còn phải hợp tác với nhau trong những chương trình, mà trình độ văn minh ngày nay cho phép thực hiện, và nhiều khi còn khuyến khích và thúc đẩy nữa.

TINH THẦN TRÁCH NHIỆM

18. Nhân phẩm đòi con người phải hoạt động theo sự mình quyết định và phải được tự do trong đời sống xã hội, chính ở tại những quyết định cá nhân đó mà có sự tôn trọng các quyền lợi, có sự thi hành các nghĩa vụ, có sự hợp tác trong vô số những hoạt động khác. Nghĩa là con người chỉ hoạt động, một khi tự sáng kiến, tự xét đoán, và tự ý thức được nhiệm vụ, chứ không phải khi bị cưỡng bách, bị thúc đẩy từ bên ngoài.

Một xã hội mà chỉ xây đắp trên những mối tương quan cường lực sẽ không còn gì là nhân đạo, bởi vì nó kềm hãm tự do phát triển và kiện toàn đời sống.

CHUNG SỐNG TRONG CHÂN LÝ, CÔNG BÌNH, BÁC ÁI VÀ TỰ DO

19. Cứ như trên, một xã hội chỉ có trật tự, hữu ích, và tôn trọng nhân phẩm, một khi xây dựng trên nền tảng chân lý, như lời thánh Phaolô: “Anh em hãy chừa tính nói dối, hãy thẳng thắn nói thật với nhau, bởi vì hết mọi người đều là chi thể trong một bản thân” [25]. Muốn như thế, cần phải thành thực nhìn nhận quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người.

Thực ra, xã hội sẽ đạt được kết quả trên đây, nếu, dưới ánh sáng sự công bình, người ta không những tôn trọng quyền lợi kẻ khác, thi hành nghĩa vụ của mình, mà lại, nếu người ta có tinh thần bác ái, biết nhìn nhận những nhu cầu của người khác như của chính mình, biết cho họ thông công tài sản của mình, và biết trao đổi cho nhau, một cách dồi dào hơn, những giá trị thiêng liêng. Bấy nhiêu cũng chưa đủ, xã hội còn phải sống trong tự do, nghĩa là trong những phương thức xứng hợp với con người, bởi vì chỉ có con người mới lãnh được trách nhiệm về việc làm của mình.

20. Chư Huynh đáng kính và các con thân mến,

Xã hội con người tiên vàn phải quan niệm nó như một thực tại thuộc phạm vi thiêng liêng, do đó con người, dưới ánh sáng chân lý, sẽ thông cho nhau những kho tàng kiến thức, sẽ thi thố những quyền lợi và thực hành những nghĩa vụ, sẽ thi đua học hỏi những giá trị luân lý, sẽ đồng hưởng vẻ đẹp cao quý trong sự vật, sẽ sẵn sàng thông cho người khác những gì tốt nhất nơi mình, và thâu nhận cho mình những gì tốt đẹp tìm thấy nơi người khác. Những giá trị trên đây phải thấm nhuần, và hướng dẫn mọi phạm vi : văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị, pháp luật và tất cả mọi hình thức khác của đời sống xã hội trong cuộc sống tiến hóa thường xuyên của nó.

THIÊN CHÚA LÀ NỀN TẢNG TRẬT TỰ LUÂN LÝ

21. Trật tự hiện hành trong xã hội loài người có một yếu tính luân lý, vì được xây đắp trên chân lý, thực hiện trong công bình, kiện toàn trong bác ái, và sau hết tìm thấy trong tự do một mức thăng bằng, để mỗi ngày tiến tới chỗ nhân đạo hơn.
Cái trật tự  luân lý – mà những nguyên tắc có tính cách phổ thông tuyệt đối, bất di bất dịch đây – thực ra bắt nguồn từ Thiên Chúa, là Đấng siêu việt và có biệt vị. Người là Chân lý, là Đấng Toàn Thiện, là Nguồn gốc sau cùng ban sức linh hoạt cho một xã hội có qui củ, phong phú, và thích hợp với phẩm giá con người[26]. Về điều này thánh Tôma đã giải thích : “Sở dĩ lý trí đứng làm qui tắc cho lòng muốn con người và do đó có thể đo lường được mức độ của lòng muốn, là vì lý trí phát sinh từ một pháp luật trường cửu, chính là lý trí Thiên Chúa… Tại thế, lòng muốn con người tốt lành là tùy thuộc ở pháp luật trường cửu này hơn là tùy ở lý trí loài người” [27].

TRIỆU CHỨNG CỦA THỜI ĐẠI

22. Thời đại chúng ta có ba đặc điểm. Trước hết là cuộc thăng tiến kinh tế và xã hội của tầng lớp lao động. Lớp người này tập trung lực lượng, trước hết là để đòi hỏi những quyền lợi kinh tế, xã hội; sau đấy đòi hỏi những quyền lợi chính trị, rồi cuối cùng, đòi được tham gia những giá trị văn hóa bằng những phương cách thích hợp. Giới lao động thế giới ngày nay yêu sách được xử  đối không phải như những vật vô tâm vô trí mà người ta tha hồ lợi dụng, nhưng phải được coi như những nhân vị trong hết mọi lãnh vực đời sống công cộng, nghĩa là trong lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị.

23. Đặc điểm rõ rệt thứ hai là sự kiện nữ giới gia nhập đời sống công khai, sự gia nhập đây có lẽ mau chóng hơn trong những dân tộc chịu ảnh hưởng văn minh Công giáo, và chậm trễ hơn – nói một cách chung – trong các dân tộc có những truyền thống, văn hóa khác. Mỗi ngày càng ý thức hơn về nhân phẩm của mình, nữ giới không chịu để thiên hạ coi mình như một vật vô hồn, hay một khí cụ: trái lại, nữ giới đòi phải được những quyền lợi và những nghĩa vụ xứng với nhân vị, dù trong gia đình, hay ngoài đời sống xã hội.

24. Đặc điểm thứ ba : nhân loại ngày nay, đã biến đổi sang một hình thức xã hội, chính trị hoàn toàn mới mẻ. Hết mọi dân tộc hoặc đã chinh phục, hoặc sắp chinh phục lại nền độc lập quốc gia, nên sớm muộn sẽ không còn đế quốc thống trị, hay quốc gia bị trị.

Ngày nay con người trong bất cứ dân tộc nào, hay ở lục địa nào, là công dân của một nước độc lập, hay là sắp sửa độc lập, không một chủng tộc nào muốn làm nô lệ ngoại lai. Ngày nay, đang là thời cáo chung những luồng dư luận, hồi xưa đã từng ăn sâu trong bao nhiêu thế hệ, theo đó có những lớp người bằng lòng nhận tình trạng tự ty mặc cảm, và, trái lại, có những người quá tự tôn mặc cảm, vì ỷ vào địa vị kinh tế, xã hội, ỷ vào giới của mình, hay địa vị chính trị của mình.

25. Ngày nay đang thịnh hành, đang phổ biến sâu rộng tư tưởng về sự bình đẳng giữa hết mọi người, xét về nhân phẩm. Bởi vậy, ít ra theo lý trí và nguyên tắc, không thể nào có lý do bào chữa cho thuyết kỳ thị chủng tộc. Đây mới thật là một bước tiến vô cùng quan trọng trên con đường đưa đến xây dựng một cộng đồng thế giới, theo những nguyên tắc mà ta đã trình bày. Nghĩa là : một khi con người ý thức được những quyền lợi của bản thân, cố nhiên cũng phải ý thức nổi những nghĩa vụ của mình. Đã có quyền lợi, tất nhiên có nghĩa vụ thi thố những quyền lợi đó, như là những phương thức biểu dương nhân vị, và, đồng thời, nơi người khác, có nghĩa vụ phải nhìn nhận và tôn trọng những quyền lợi đó.

Rồi, một khi những nguyên tắc của đời sống dân sự đã được trình bày bằng danh từ “quyền lợi và nghĩa vụ” lúc ấy con người mới cởi mở trước những giá trị thiêng liêng, mới hiểu chân lý, công bình, bác ái, tự do là gì, mới ý thức được rằng mình đang là thành phần trong một xã hội như thế. Sâu xa hơn nữa, đứng trước những lý do trên đây, con người đã được chuẩn bị để hiểu rằng : Thiên Chúa là Đấng Siêu việt, là Đấng có biệt vị. Khi đó, những mối tương quan giữa nhân loại với Thiên Chúa, trước mắt con người, sẽ được coi như nền tảng cho đời sống, không những đời sống trong thâm tâm, mà lại cả đời sống cộng đồng trong xã hội.

***

PHẦN II

NHỮNG MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA CÁ NHÂN VỚI CÔNG QUYỀN

TRONG MỘT CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ

 

SỰ CẦN THIẾT CỦA CÔNG QUYỀN QUYỀN BÍNH BẮT NGUỒN TỪ THIÊN CHÚA

26. Xã hội của nhân loại sẽ không có trật tự, sẽ không được phong phú, nếu không có những người nắm giữ chính quyền hợp pháp để duy trì những tổ chức, và bảo đảm một cách đầy đủ những thiện ích chung. Quyền bính đây do bởi Thiên Chúa như thánh Phaolô đã dạy: “Chẳng có quyền bính nào mà không phát xuất từ Thiên Chúa”[28]. Lý thuyết của thánh Tông đồ trên đây đã được thánh Gioan Chrysostômô chú giải như sau: “Ngài muốn nói gì? Phải chăng mỗi vị trong chính quyền đã được Thiên Chúa tôn phong vào chức vụ ? Dĩ nhiên, thánh Phaolô sẽ đáp: đấy không phải điều tôi muốn quả quyết. Tôi không nói đến từng cá nhân trong chính quyền, nhưng có ý nói về chính việc cai quản. Tức là bảo: chính sự kiện có công quyền, một bên có người chỉ huy, một bên có người phục tùng, cái đó không phải ngẫu nhiên mà có, nhưng bởi Chúa khôn ngoan xếp đặt”[29]. Nói thế khác, Thiên Chúa đã dựng nên con người có bản tính xã hội, nhưng vì không một xã hội nào “có thể bền vững mà không có một người chỉ huy, để hoạt động một cách hiệu lực, và, đứng ở trên, hướng dẫn mọi người phục vụ cho một chương trình chung, cho nên hết mọi cộng đồng nhân loại cần phải có một quyền bính, để quản trị. Quyền bính đây, cũng như chính toàn thể xã hội, đều phải lấy Tạo Hóa, và, như thế, phải lấy Thiên Chúa làm nền tảng” [30].

27. Chính quyền bính cũng không thóat ra khỏi vòng pháp luật. Quyền bính chỉ là một khả năng chỉ huy cho hợp lẽ phải. Thành ra, chính cái tiềm lực bắt buộc là do bởi luật luân lý và luật luân lý dựa trên Thiên Chúa, là nguồn gốc và  cứu cánh. Đức tiên Giáo hoàng Piô XII đã dạy :“ Trật tự tuyệt đối của các sinh vật và ngay cái mục đích của con người tức con người tự do, có những quyền lợi, những nghĩa vụ bất khả xâm phạm, con người đứng làm nguồn gốc và làm cứu cánh của xã hội cũng bao hàm nhà nước như một cộng đồng cần thiết phải có quyền bính; vì không có quyền bính tức đoàn thể sẽ không tồn tại, không thể sống… Theo lý trí và theo đức tin công giáo, trật tự tổng quát này cần phải bắt nguồn từ Thiên Chúa, là Đấng có biệt vị, là Chúa sáng tạo mọi loài, bởi thế, những tước vị của công quyền chẳng qua chỉ là sự thông công chính quyền bính Thiên Chúa vậy” [31].

28. Nếu quyền bính chỉ dựa trên sự đe dọa, sự sợ phải tù tội, hay là hứa hẹn được ân thưởng, thì làm sao có đủ hiệu lực thúc đẩy người ta đi tìm thiện ích chung ? Hoặc giả có thúc đẩy đi nữa chắc chắn sẽ không theo phương thức xứng hợp với nhân phẩm, là một loài có tự do và lý trí. Quyền bính, tiên vàn, là một hiệu lực luân lý. Những ai nắm giữ quyền bính, trước hết phải kêu gọi đến lương tâm, đến nghĩa vụ sẵn sàng phục vụ công ích. Nhưng con người đều bình đẳng trong  nhân phẩm tự nhiên; không ai có quyền quyết định bắt ép người khác phải tuân theo : quyền này chỉ dành cho Thiên Chúa – một mình Ngài thẩm cứu và xét đoán những điều quyết định thầm kín của con người. Bởi vậy, quyền bính nhân loại chỉ có thể bắt buộc lương tâm, khi nào nó liên kết với quyền bính Thiên Chúa và thông công quyền bính Thiên Chúa một phần nào [32].

Xác định nguyên tắc này, tức là cũng bảo đảm nhân phẩm của người dân, vì rằng khi phục tùng chính quyền, không phải người dân phục tùng họ, theo tư cách vị ấy là người; nhưng thực ra, người dân phục tùng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo vạn vật  theo một trật tự do chính Người đã an bài. Hơn nữa, khi chúng ta tôn trọng Thiên Chúa, không phải là chúng ta tự hạ, nhưng chính là ta tự nâng cao giá trị của mình, bởi vì phụng sự Thiên Chúa, tức là cai trị rồi [33].

29. Quyền bính mà trật tự luân lý đòi hỏi, phát xuất tự Thiên Chúa. Bởi thế, nếu những vị cầm quyền có tuyên bố những luật lệ, hay thi hành những phương pháp trái với trật tự luân lý, tức là trái với ý nguyện Thiên Chúa, thì tất nhiên những luật lệ hay phương pháp kia không thể bắt buộc lương tâm, bởi vì “phải vâng lệnh Thiên Chúa hơn vâng lệnh người trần gian”[34]. Hơn nữa, trong trường hợp này, quyền bính không phải quyền bính nữa, nhưng là cường quyền áp bức. Thánh Tôma dạy: “Pháp luật nhân loại chỉ có tính cách một lề luật, khi nào nó hợp với lẽ phải; và lúc ấy hiệu lực của pháp luật là do luật trường cửu. Nhưng khi nào pháp luật đi ra ngoài lẽ phải, nó sẽ trở thành bất công, không còn yếu tính một lề luật, trái lại, nó là một hình thức bạo lực”[35].

Quyền bính bởi Thiên Chúa, nhung sự kiện này không làm cho con người mất quyền tuyển cử những vị cai trị mình, mất quyền quyết định về chính thể, hay mất quyền đặt ra những  qui tắc và giới hạn cho việc thi hành quyền bính. Cứ như đây, học thuyết ta mới trình bày thiết tưởng có thể thích hợp với bất cứ một chính thể nào thực sự dân chủ [36].

THỰC HIỆN THIỆN ÍCH CHUNG, ĐẤY LÀ LÝ DO TỒN TẠI CỦA CÔNG QUYỀN

30. Hết mọi cá nhân, mọi đoàn thể trung gian đều phải cộng tác, mỗi người theo phạm vi của mình, để mưu thiện ích cung cho toàn thể. Tất cả phải theo đuổi những quyền lợi của mình, sao cho phù hợp với thiện ích chung trong khi cộng tác – bằng của cải hay bằng công việc – họ phải theo những chỉ thị mà công quyền đã xác định, hợp với qui tắc công bình và tùy ở hình thức và giới hạn khả năng của mỗi người. Những hành động mà chính quyền truyền xuống, tự nó, phải đích đáng, phải có một nội dung tốt lành, theo luật luân lý, hay ít ra có thể hướng định cho nên tốt.

Tuy nhiên, trách vụ của chính phủ chỉ có ý nghĩa, một khi nhằm gây thiện ích chung, cho nên những quyết định của công quyền cần phải tôn trọng cái bản tính thực sự của thiện ích, và phải tùy ở hoàn cảnh của thời cuộc [37].

NHỮNG PHƯƠNG TIỆN CĂN BẢN CỦA THIỆN ÍCH CHUNG

31. Những đặc điểm có tính cách nhân chủng phân biệt từng đoàn thể nhân loại cũng thuộc trong phạm vi thiện ích chung, nhưng tự nó, không có yếu tố để định nghĩa thiện ích một cách toàn vẹn được [38] . Thiện ích chung, theo lý thuyết, chỉ có thể định nghĩa trong hết mọi khía cạnh căn bản sâu xa, cũng như chỉ có thể xác định theo lịch sử, một khi qui hướng về con người. Bởi vì thiện ích chung là một yếu tố căn bản, liên hệ đến bản tính nhân loại[39].

Sau nữa, bản tính của thiện ích chung còn buộc hết mọi công dân phải tham gia, tùy theo những thể thức khác nhau, như việc làm, công nghiệp, và điều kiện mỗi người. Bởi thế, công quyền chỉ nhắm phục vụ những quyền lợi của toàn thể, không thiên vị một cá nhân, hay một lớp người trong xã hội. Đức Tiên Giáo Hoàng Lêô XIII đã tuyên bố: “Không thể nào cho phép công quyền dân sự quay sang phục vụ một người, hay một số ít người, bởi vì công quyền được thiết lập là vì thiện ích chung của toàn thể”[40]. Tuy nhiên, đức công bình và sự vô tư đôi khi cũng cho phép những vị cầm quyền trong nước được dành một sự săn sóc riêng cho những thành phần yếu ớt nhất trong xã hội, vì không đủ khả năng bênh hộ những quyền lợi chính đáng của mình [41].

32. Ở đây, ta cần lưu ý đến một sự kiện là thiện ích chung bao hàm tất cả con người, với những nhu cầu thiêng liêng và vật chất. Quan niệm như thế, thiện ích đòi ở nơi chính phủ một chính sách thích hợp, tôn trọng các hệ thống giá trị, và tùy theo tỉ lệ công bằng, phải dành cho xác cũng như hồn những nguồn lợi vật chất hay thiêng liêng cân xứng [42] . Những nguyên tắc trên đây hoàn toàn ăn nhiịp với những điều mà ta đã giải thích trong thông điệp “Mẹ và Thầy”: Thiện ích chung “bao hàm tất cả những điều kiện trong đời sống xã hội, với mục đích là những điều kiện này giúp con người đạt tới sự hoàn hảo của mình một cách toàn diện và dễ dàng hơn ”[43].

Con người thành bởi thân xác và linh hồn bất tử, cho nên trong cuộc sống trần gian này, không thể được thỏa mãn trong hết mọi đòi hỏi theo bản tính, cũng không thể đạt tới hạnh phúc hoàn toàn. Bởi thế, những phương tiện đã được thiết lập để phục vụ công ích, không được cản trở việc cứu rỗi trường cửu của con người, trái lại, càng phải tích cực giúp đỡ việc đó nữa[44].

ĐỊA VỊ CỦA CÔNG QUYỀN ĐỐI VỚI QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁ NHÂN

33. Theo tư tưởng hiện đại, thiện ích chung ở tại nhất là việc bảo vệ những quyền lợi và những nghĩa vụ của con người, nhiệm vụ của nhà cầm quyền là bảo đảm sự nhìn nhận và tôn trọng những quyền lợi đó, là dung hòa, bênh hộ, phát huy những quyền lợi trên đây, nói thế khác, là giúp đỡ mỗi công dân dễ thi hành những nghĩa vụ của mình. Bởi vì “sứ mệnh thiết yếu của mọi quyền bính chính trị là bênh vực những quyền bất khả xâm phạm của con người và giúp cho mỗi người dễ thi hành trách vụ riêng biệt của mình” [45].

Bởi vậy nếu công quyền không chịu nhìn nhận, hay là vi phạm những quyền lợi con người, lúc ấy công quyền đã không chu toàn nghĩa vụ của mình, mà lại những quyết định của công quyền cũng mất hết giá trị pháp lý [46].

DUNG HÒA, BẢO VỆ NHỮNG QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA NHÂN VỊ

34. Công quyền, có một nghĩa vụ căn bản là xếp đặt những mối liên quan pháp lý giữa các công dân với nhau, để việc thi hành những quyền lợi nơi người này không làm ngăn trở, hay làm tổn thương đến việc thi hành những quyền lợi đó ở nơi người khác; mà lại càng làm cho việc thi hành những nghĩa vụ tương ứng được chu đáo. Sau nữa, công quyền có nghĩa vụ duy trì những quyền lợi của hết mọi người được toàn vẹn, và ở đâu bị vi phạm, thì cần được tái lập ngay[47].

SỰ THĂNG TIẾN CÁC QUYỀN LỢI CỦA CON NGƯỜI

35. Công quyền có nhiệm vụ cộng tác vào việc thành lập một tình trạng, trong ấy mỗi người có thể bênh vực quyền lợi và thi hành những nghĩa vụ  của mình một cách dễ dàng. Bài học kinh nghiệm minh chứng rằng: nếu chính quyền không kịp thời hành động trong phạm vi kinh tế, xã hội, văn hóa tất nhiên giữa các công dân sẽ gây nên những bất bình đẳng, nhất là ở thời đại ngày nay. Như thế, những quyền lợi căn bản của con người không còn hiệu lực, mà rồi việc thi hành những nghĩa vụ tương ứng cũng bị tổn thương.

36. Bởi vậy, việc tối khẩn là công quyền phải lưu tâm đến việc chỉnh đốn xã hội song song vớisự tiến bộ kinh tế. Công quyền phải tùy theo mức độ sản xuất quốc gia để phát triển những công vụ thiết yếu, như đường sá, phương tiện chuyển vận, giao thông, phân phát nước uống, nhà cửa, y tế, giáo dục, những điều kiện thích hợp cho việc hành đạo, tổ chức giải trí. Công quyền phải lo tổ chức những chế độ bảo đảm cho những trường hợp tai nạn, những gánh nặng gia đình, để không một cá nhân nào phải thiếu những nguồn lợi thiết yếu cho một đời sống xứng hợp. Công quyền hãy để ý cho những lớp lao động đến tuổi đi làm có một việc tương ứng với khả năng của họ; và mỗi người thợ được hưởng một số lương công bằng đích đáng; trong các công nghiệp, họ có thể lãnh lấy phần trách nhiệm; làm sao có thể thành lập những đoàn thể trung gian, để cho đời sống xã hội được thêm dễ dàng, sung mãn. Sau hết, liệu cho hết mọi người được hưởng những quyền lợi văn hóa tùy theo hình thức và trình độ thích hợp.

MỰC QUÂN BÌNH GIỮA HAI HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG QUYỀN

37. Công ích đòi ở chính quyền, đứng trước những quyền lợi của con người, phải thi hành hai việc: một là hòa giải và bênh vực những quyền lợi đó, hai là cổ võ, nhưng đồng thời giữ mức thăng bằng giữa hai hoạt động này. Nghĩa là nói, một bên, chính quyền đề phòng những ưu thế dành cho cá nhân, hay là cho một số đoàn thể không được tạo nên trong quốc gia những tình trạng ưu đãi; bên kia, sự chính quyền để tâm bênh vực những quyền lợi của toàn dân đừng đi đến chỗ áp dụng một chính sách mà rồi ra sẽ tự phản, nghĩa là hạn chế một cách quá đáng, hay là sẽ làm cho những quyền lợi nói trên không thể thi hành một cách hoàn toàn. “Cần phải luôn luôn nhắc lại nguyên tắc sau đây: Hoạt động của nhà nước trong lãnh vực kinh tế, dù có đi sâu rộng đến đâu trong các khu vực xã hội, không khi nào được tiêu diệt quyền tự do hoạt động của cá nhân, trái lại, phải cổ võ quyền tự do này, làm sao có thể bảo đảm được những quyền lợi thiết yếu của con người”.[48]

Chính cái nguyên tắc thăng bằng nói đây phải được luôn luôn chú trọng, những khi công quyền gia tăng cố gắng, để cho công dân được dễ hưởng những quyền lợi của họ, và làm cho họ đỡ vất vả khi phải thi hành những nghĩa vụ trong đời sống xã hội.

CƠ CẤU VÀ SỰ ĐIỀU HÀNH CÔNG QUYỀN

38. Trong việc tổ chức công quyền, không thể xác định một cách tuyệt đối cơ cấu nào tốt hơn cả, cũng như không thể quyết định công thức nào thích hợp nhất, trong khi áp dụng các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Thực ra, trong việc lựa chọn hình thức cai trị trong một nước, hay định đoạt những phương thức điều hành cho chính quyền. Cần phải chú trọng rất nhiều đến hoàn cảnh riêng biệt và những sự kiện lịch sử của mỗi dân tộc: nó thay đổi tùy thời gian, tùy địa phương. Tuy nhiên, ta thiết tưởng: phù hợp hơn cả đối với đòi hỏi của bản tính con người, là việc tổ chức các cộng đồng nhân loại về phương diện chính trị, được xây đắp trên nguyên tắc nhân quyền, theo ba trách vụ chính của công quyền. Thực thế, trong chế độ này, không những các quyền hạn và sự điều hành công quyền, nhưng cả đến các mối tương quan giữa thường dân và đại diện chính quyền, đều được xác định bằng từ ngữ pháp luật, và như vậy người dân được bảo đảm trong việc thi hành các quyền và chu toàn các nghĩa vụ của mình.

39. Tuy thế, muốn  cho một chế độ pháp lý và chính trị theo kiểu vừa nói trên, có thể đem lại kết quả, thì trong khi hoạt động, cũng như trong các phương pháp đưa ra, công quyền phải ý thức được cái thể trạng của các vấn đề phức tạp mà họ phải giải quyết, tùy theo hoàn cảnh của xứ sở.  Điều cần thiết là mỗi quyền hành phải cương quyết thi thố nhiệm vụ của mình. Quyền lập pháp thực hiện trong giới hạn mà trật tự luân lý đã quy định, và theo những nguyên tắc ghi trong hiến pháp, phải đi sát với những đòi hỏi của công ích, theo đà biến chuyển thường xuyên của các hoàn cảnh. Quyền hành pháp phải làm nổi bật vai trò pháp lý, sau khi đã thấu triệt các luật lệ, và nghiên cứu đầy đủ các hoàn cảnh. Quyền tư pháp phải thực hiện sự công minh, phải nhân đạo nhưng không thiên vị, phải cương quyết để đừng nao núng trước áp lực của hai bên tranh tụng.

Trật tự công bằng còn đòi cho các công dân, cũng như các đoàn thể trung gian, trong khi thi hành các quyền lợi và nghĩa vụ của họ, được hưởng sự bênh vực pháp lý một cách hữu hiệu, trong các dây liên lạc giữa họ với nhau, cũng như trong các mối tương quan với nhân viên chính quyền [49].

TRẬT TỰ PHÁP LÝ VÀ LƯƠNG TÂM LUÂN LÝ

40. Một trật tự pháp lý, ăn nhịp với  trật tự luân lý và tương đối có thể sánh kịp với một trình độ trưởng thành chính trị, lẽ cố nhiên sẽ là một yếu tố căn bản cho sự thực hiện công ích.

Nhưng ở thời đại chúng ta, đời sống xã hội đã trở nên phức tạp, nhiều hình thể và rất nhộn nhịp, thành ra những quyết định pháp lý, dù có là thành quả của một kinh nghiệm lâu dài, hay của một khối óc lo xa, cũng vẫn còn khiếm khuyết. Ngoài ra, những mối liên lạc giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân hay các đoàn thể trung gian với công quyền, hay giữa các cơ quan chính quyền ở trong một nước với nhau, nhiều khi nêu lên những vấn đề phiền phức, tế nhị đến nỗi không tìm ra một giải pháp thích hợp trong những khung cảnh pháp lý nhất định. Trong trường hợp như thế các nhà cầm quyền muốn trung thành với trật tự pháp lý hiện hữu, đồng thời muốn cởi mở trước những tiếng gọi từ đời sống xã hội phát lên, để cố dung hòa khung cảnh pháp lý với đà biến  chuyển của các hoàn cảnh : cũng như để giải quyết vấn đề mới mẻ một cách thích đáng, lẽ tất nhiên các nhà cầm quyền phải ý thức rõ rệt về bản tính và tầm bao la của chức vụ mình, phải có một mức thăng bằng, một sự thẳng thắn, một tầm hiểu rộng, một tinh thần thực tế, để cứu xét tại chỗ , một cách khách quan, tất cả những trường hợp cụ thể, sau hết, phải có một ý chí cương nghị, để hoạt động mau chóng và hiệu nghiệm[50].

SỰ THAM GIA CỦA CÔNG DÂN VÀO ĐỜI SỐNG  QUỐC GIA

41. Người công dân có thể tham gia một phần chủ động vào đời sống công khai, đấy là quyền lợi đi liền với nhân phẩm của họ: nhưng những phương thức trong việc tham gia này còn tùy ở mức độ trưởng thành của cộng đồng chính trị, nơi mà người công dân đang là thành phần và đang hoạt động.

Khả năng được can thiệp vào đời sống chung mở rộng cho con người nhiều cơ hội để phục vụ. Được yêu cầu để gia tăng những cuộc tiếp xúc và trao đổi ý kiến với thường dân, các nhà cầm quyền càng hiểu rõ những đòi hỏi khách quan của công ích. Ngoài ra, sự thay đổi, đúng theo nhiệm kỳ, những người cầm quyền trong các công vụ còn giúp cho công quyền có cơ hội tránh hết mọi tinh thần cổ hủ, và luôn luôn tái diễn xuất linh hoạt mới mẻ theo nhịp tiến bộ của xã hội [51].

TRIỆU CHỨNG CỦA THỜI ĐẠI

42. Trong việc tổ chức pháp lý những cộng đồng chính trị hiện đại, ta nhận thấy một khuynh hướng muốn soạn thảo, bằng những công thức rõ rệt, khúc chiết, một bản hiến chương về tất cả những quyền lợi căn bản của con người : Bản hiến chương này thường được thâu  nhận, hay là được liệt vào làm thành phần hoàn bị trong các tập hiến pháp của các quốc gia.

43. Thứ hai, trong các tập hiến pháp, người ta đang cố xác định bằng những danh từ pháp lý, những phương thức chỉ định những người ra giữ nhiệm kỳ công vụ, những mối tương quan của họ với nhau, những quyền hạn, và sau cùng, những phương tiện và cách thức họ phải tuân giữ trong khi thừa hành chức vụ.

Thứ ba, người ta quyết định, bằng danh từ quyền lợi và nghĩa vụ những mối liên lạc giữa công dân với công quyền. Công quyền có nhiệm vụ trước hết là nhìn nhận, tôn trọng những quyền lợi và nghĩa vụ công dân, sau đó, bảo đảm sự điều hòa, bênh hộ và phát triển những quyền lợi  và nghĩa vụ đó.

Dĩ nhiên, ta không thể nhận lý thuyết cho rằng: Chỉ có ý muốn của con người – hoặc cá nhân hoặc đoàn thể – mới là nguồn gốc duy nhất và trước hết, để phát sinh những quyền lợi và nghĩa vụ công dân, phát sinh cả hiệu lực bắt buộc của hiến pháp, và của quyền bính quốc gia [52].

Tuy nhiên, những khuynh hướng Ta vừa nêu lên minh chứng rằng: con người của thời đại ta đã ý thức được một cách linh động cái nhân phẩm của mình; vì thế họ được thúc đẩy ra tham gia vào việc công, và đòi pháp luật quốc gia bảo đảm những quyền lợi bất khả xâm phạm của họ. Họ yêu cầu các nhà cầm quyền chỉ được ra nắm chính quyền bằng cách tuân theo những thủ tục do pháp luật đã ấn định và chỉ được thi hành quyền bính trong những giới hạn mà pháp luật đã ban bố.

***

PHẦN III

NHỮNG TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ

 

CÁC QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ

44. Ta cũng phải nhắc lại điều mà các Đức Tiên Giáo Hoàng thường luôn luôn nhắn nhủ: các cộng đồng chính trị đều có quyền lợi và bổn phận đối với nhau, vì thế, sự liên lạc giữa các cộng đồng phải được điều hòa trong chân lý, công bình, trong sự liên đới sống động và trong tự do. Đã điều hòa sự liên lạc giữa các các nhân, thì luật luân lý cũng phải điều hòa mối liên lạc giữa các cộng đồng chính trị.

Điều đó không có gì là khó hiểu khi người ta nhận thức được rằng: cả các nhà cầm quyền khi hành động với danh nghĩa và vì quyền lợi của các cộng đồng chính trị, cũng không có thể gạt bỏ được nhân vị của mình và bởi đó, không có thể chà đạp lên luật của bản tính, tức là luật luân lý.

Vả lại, quả là một điều phi lý, nếu những người được đưa ra điều khiển công vụ lại bị cưỡng bách phải chối bỏ nhân phẩm mình. Phải chăng họ nắm giữ những chức vụ cao như vậy, chính là vì họ có những đức tính đặc biệt khiến cho người ta nhận họ là những phần tử ưu tú hơn hết của xã hội.

Ngoài ra, trật tự luân lý đòi hỏi sự hiện diện của quyền bính trong xã hội loài người không được dùng quyền bính để đi ngược trật tự đó, và khi nào nó đi ngược lại, tức khắc sẽ không còn là quyền bính nữa, vì Chúa đã dạy rằng: “Hỡi các vua chúa, hãy cố mà nghe, hỡi những người có quyền hành trên trái đất, hãy cố mà hiểu, hỡi những ai có quyền thống trị các dân tộc và những ai hãnh diện được điều khiển các quốc gia, hãy lắng tai nghe: quyền bính là của Chúa ban cho các ngươi, và quyền thống trị cũng là do Đấng Tối Cao ban xuống: Người sẽ luận đoán hành động và dò xét dự tính của các ngươi”[53].

45. Sau cùng, cũng cần phải nhớ rằng: trong khi điều hòa sự liên lạc giữa các cộng đồng chính trị, quyền bính chỉ được dùng để thực hiện công ích: chính đó là lý do tồn tại của quyền bính. Và một trong những yếu tố căn bản của công ích chính là sự thừa nhận và tôn trọng trật tự luân lý. “Trật tự của các cộng đồng chính trị cần phải được xây trên nền tảng bất di bất dịch của luật luân lý, luật đã được Tạo Hóa biểu lộ qua trật tự thiên nhiên và được ghi khắc vào tâm khảm con người, không gì xóa được. Như một hải đăng sáng, luật luân lý phải dùng ánh sáng các nguyên tắc của mình để điều khiển hành động của mọi người và mọi quốc gia. Họ phải cố gắng theo các lời chỉ dẫn , các ám hiệu hữu ích và thuận lợi của luật luân lý, nếu không muốn để cho hành động và sức cố gắng xây dựng một trật tự mới của mình trở nên nguy hiểm và vô ích” [54].

TRONG CHÂN LÝ

46. Sự liên hệ giữa các cộng đồng chính trị phải được điều hòa trong chân lý.Trước hết, trong các sự liên lạc, chân lý đòi phải gạt bỏ mọi sự kỳ thị chủng tộc. Cần phải nhận tôn chỉ này, là theo giá trị của nhân tính, mọi cộng đồng chính trị đều bình đẳng, vì thế, mọi cộng đồng được quyền tồn tại, phát triển, và dùng mọi phương tiện chính đáng để phát triển. Mỗi cộng đồng là người thứ nhất chịu trách nhiệm trong việc thể hiện sự phát triển đó, và được quyền hưởng mọi danh giá và danh dự xứng đáng.

Giữa các cá nhân thường có những sự khác biệt nhau nhiều khi rõ rệt về trí thức, đức tính, khả năng sáng chế, và trong sự chiếm hữu của cải. Những điều đó không thể bào chữa cho ý định muốn đem mình lên trên người khác, nhưng những khác biệt đó phải là nguồn trách nhiệm trong sự cộng tác mà mỗi người và mọi người phải làm, để nâng cao đời sống của nhau.

47. Các cộng đồng chính trị cũng như vậy: có những cộng đồng tiến hơn những cộng đồng khác trên các lãnh vực khoa học, văn hóa, và các phát triển kinh tế. Ưu thế đó chẳng những không cho phép các dân tộc tiến bộ thống trị cách bất công những dân tộc ít được may mắn, mà còn bắt buộc các dân trên đóng góp rộng rãi hơn vào việc mưu đồ hạnh phúc cho nhau.

Dĩ nhiên là không thể có sự kiện người này hơn người khác về bản tính, vì bản tính mọi người đều cao quí bằng nhau. Và các cộng đồng chính trị cũng như vậy: xét về bản tính các cộng đồng này đều bình đẳng về phẩm giá tự nhiên bởi vì cộng đồng nào cũng là một cơ cấu mà các phần tử cấu tạo là những con người. Vả lại, lịch sử chứng minh rằng không gì làm các dân tộc đau đớn bằng những gì xúc phạm gần hay xa tới danh dự họ và đó là một phản ứng tâm lý rất chính đáng.

Chân lý còn đòi buộc người ta luôn luôn giữ một thái độ khách quan bình thản trong những sáng kiến đã nhờ các phát minh mới đây của kỹ thuật mà thực hiện được, và nhờ đó các dân tộc dễ hiểu biết nhau một cách một cách rộng rãi hơn. Đã hẳn là mỗi cộng đồng có quyền đề cao những cái tốt đẹp của riêng mình, nhưng phải tuyệt đối bài trừ những phương pháp thông tin phản chân lý và làm tổn thương cách bất công tói danh dự của dân tộc này hay dân tộc khác [55].

TRONG CÔNG BÌNH

48. Những tương quan giữa các cộng đồng chính trị còn phải được điều hòa theo công bình, nghĩa là, ngoài sự nhìn nhận quyền lợi của nhau, còn phải thi hành mọi bổn phận đối với nhau nữa.

Mỗi cộng đồng chính trị được quyền tồn tại, phát triển và dùng mọi phương tiện chính đáng để phát triển. Mỗi cộng đồng có quyền là người thứ nhất chịu trách nhiệm thể hiện sự phát triển đó, và có quyền bảo vệ thanh danh và phẩm giá mình. Đồng thời do đó, các cộng đồng chính trị khác cũng có bổn phận phải tôn trọng các quyền lợi kể trên, và phải tránh mọi hành động có thể vi phạm đến nó. Như trong sự liên hệ giữa các cá nhân, người này không có quyền tìm ích lợi cho mình trong sự thiệt hại cho người khác, thì trong sự liên hệ giữa các cộng đồng cũng thế, cộng đồng này không có quyền phát triển khi phải lấn át, đè nén các cộng đồng khác. Phải nhớ lời thánh Augustinô: “Khi đã gạt bỏ công bình ra ngoài, các quốc gia sẽ biến thành gì, nếu không phải thành những phường đạo tặc vĩ đại ?” [56].

Chắc chắn rằng giữa các cộng đồng chính trị thường có thể xảy ra, và thật sự đã xảy ra nhiều sự va chạm quyền lợi, nhưng cần phải tránh các cuộc va chạm đó, và cần phải giải quyết các cuộc tranh chấp đó không phải bằng võ lực, hoặc bằng gian trá, xảo quyệt, nhưng vì liên hệ đến con người, nên phải giải quyết trong sự hiểu biết nhau qua các giá trị khách quan và sự thông cảm.

SỐ PHẬN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

49. Từ thế kỷ XIX, trong cuộc diễn tiến của lịch sử, người ta đã phổ biến mạnh các khuynh hướng muốn cho ranh giới các cộng đồng chính trị ăn khít với ranh giới các quốc gia. Nhưng vì nhiều lý do thường người ta không thể làm cho cương giới địa dư ăn khít với cương giới chủng tộc. Do đó, đã sinh ra hiện tượng các dân tộc thiểu số và các vấn đề liên quan.

Ta cần phải minh xác rằng: bất cứ một hành động nào nhắm mục đích xâm phạm hay bóp nghẹt sự sinh hoạt của các dân tộc thiểu số đều là một vi phạm nặng nề vào đức công bình và khi người ta cố tâm tiêu diệt các dân tộc thiểu số, thì tội ấy càng nặng hơn nữa.

Không những thế, sự công bình còn đòi hỏi công quyền phải cố gắng góp công trong sự phát triển và nâng cao những điều kiện sinh sống dân tộc thiểu số, và dùng những phương pháp hữu hiệu để nâng đỡ ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, các tài nguyên và sáng kiến kinh tế của họ.[57]

50. Tuy nhiên, cũng phải nhận rằng: nhiều khi các dân tộc thiếu số, vì phản ứng trước hoàn cảnh lao khổ hay trước những sự kiện lịch sử dĩ vãng, đã quá quan trọng hóa những yếu tố chủng tộc của mình, đến nỗi đặt nó lên trên cả những giá trị của toàn thể nhân loại, làm như tất cả nền công ích của đại gia đình thế giới đều phải tùy thuộc quyền lợi riêng quốc gia của họ. Không, chính lẽ ra họ phải ý thức cái tình trạng nhiều ưu điểm mà họ đang thụ hưởng: tức là sự tiếp xúc hằng ngày với lớp người có một nền văn hóa, hay một nền văn hóa khác biệt, càng làm cho họ thêm dồi dào về phương diện thiêng liêng và tinh thần, làm cho họ có cơ hội được thấm nhuần những giá trị riêng biệt trong khu vực họ đang sống. Và sự kiện này sẽ thành tựu mỹ mãn, khi mà chính dân tộc thiểu số biết tự coi mình như một cái cầu thuyên chuyển sức sống linh hoạt qua nhiều hình thức ở giữa các truyền thống và văn hóa khác nhau, chứ đừng tự tạo cho mình một khu vực đụng chạm vì chính cái đó sẽ gây thiệt hại và ngăn trở cuộc tiến hóa chung.

LIÊN ĐỚI SỐNG ĐỘNG

51. Bởi vậy, chân lý và công bình phải chi phối những liên lạc giữa các cộng đồng chính trị, và các cộng đồng này phải sống động nhờ tình liên đới hữu hiệu, thể hiện dưới muôn ngàn hình thức hợp tác về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, y tế và thể thao, là những hình thức có thể thực hiện và có nhiều hiệu quả đối với thời đại chúng ta. Về vấn đề này, chúng ta đừng quên rằng sứ mạng tự nhiên của chính quyền không phải là dùng biên giới quốc gia để ngăn chặn nhãn giới người dân, nhưng trước hết là phải bảo vệ thiện ích chung của quốc gia và dĩ nhiên thiện ích này không thể tách rời khỏi thiện ích của toàn thể cộng đồng nhân loại.

52. Như vậy, trong khi theo đuổi những quyền lợi của mình, các cộng đồng chính trị chẳng những tránh gây thiệt hại cho nhau, nhưng còn phải chung góp các dự án và tài nguyên của mình để đạt tới các mục tiêu mà các cộng đồng không thể đạt tới được nếu không hành động như vậy. Tuy nhiên, trong trường hợp này, trên hết phải tránh những kế hoạch mưu lợi cho một nhóm cộng đồng chính trị và đừng làm hại cho những cộng đồng khác mà trái lại phải mang đến cho họ những lợi ích tích cực.

53. Để thỏa mãn một đòi hỏi khác của thiện ích chung toàn thế giới, mỗi cộng đồng chính trị phải tán trợ những cuộc trao đổi trong quốc nội dưới mọi hình thức giữa các tư nhân hoặc giữa các đoàn thể trung gian. Trong nhiều miền trên thế giới có những nhóm người khác nhau ít nhiều về mặt chủng tộc nhưng vẫn chung sống với nhau; phải lo sao cho yếu tố khác biệt của mỗi nhóm đừng biến thành kín mít, ngăn cản các mối liên lạc với những người thuộc các nhóm khác. Làm như thế là đi ngược với thời đại chúng ta, trong đó bao nhiêu khoảng cách giữa các dân tộc hầu như đã được xóa bỏ. Ta không nên quên rằng: nếu vì một vài yếu tố chủng tộc mà chúng ta khác biệt nhau, thì cũng có vô số những yếu tố chung và căn bản khác do bản tính con người làm cho chúng ta luôn luôn cũng gặp nhau trong thế giới các giá trị thiêng liêng, và sự thấm nhuần các giá trị đó làm cho chúng ta được hoàn thiện không ngừng. Chúng ta phải nhận rằng, sự giao dịch với nhau chính là quyền và bổn phận của mỗi người.

SỰ QUÂN BÌNH GIỮA DÂN CƯ, ĐẤT ĐAI VÀ TÀI SẢN

54. Chúng ta biết rõ rằng: trên trái đất này có những nước đất trồng trọt được thì mênh mông mà dân cư thì ít, trái lại, cũng có những nước mà nguồn lợi thiên nhiên và vốn để khai thác không cân đối với nhau. Điều đó đòi hỏi giữa các dân tộc phải có sự cộng tác để cho vốn, của cải và con người dễ được di chuyển từ nước này qua nước khác.[58]

Ta nghĩ cũng cần phải chú ý đến điều này là mỗi khi có thể được người có vốn phải đi tìm công việc, chứ không ngược lại.

Như thế sẽ giúp cho nhiều người có dịp cụ thể để tạo một tương lai sáng sủa mà không bị bó buộc phải bỏ quê hương điều mà khi thực hành, thường gây ra những đổ vỡ đau đớn và thường đòi một thời gian lâu dài, khó khăn, để thích nghi với những người và hoàn cảnh xã hội mới.

VẤN ĐỀ TỊ NẠN CHÍNH TRỊ

55. Tình phụ tử bao la mà Chúa nung nấu trong lòng ta làm cho ta đau đớn, khi nhìn thấy hiện tượng tị nạn chính trị: hiện tượng đã có tầm rộng rãi và nhiều cảnh đau thương khôn kể.

Điều đó chứng tỏ rằng: Có nhiều qui chế chính trị quá bóp chẹt các phạm vi tự do mà người ta có quyền thụ hưởng và cần phải có để được sống xứng đáng với địa vị con người, trái lại, trong các qui chế chính trị nói trên người ta đã đi đến chỗ phủ nhận nhân quyền tự do đó, nếu không bãi bỏ thực sự. Điều đó minh chứng rằng: dã đảo lộn hẳn trật tự trong sự sống chung bởi lý do tồn tại của công quyền chính là để thực hiện thiện ích chung và yếu tố căn bản của thiện ích chung là nhìn nhận phạm vi tự do và quyền bất khả xâm phạm của sự tự do đó.

56. Cũng không cần phải nhắc lại nơi đây rằng: các người di cư chính trị cũng là người, và họ cũng phải được hưởng quyền lợi của con người: quyền lợi mà không một ai cắt xén được mặc dầu họ đã bị tuyên bố mất quyền công dân ở tổ quốc của họ.

Bởi vì trong các quyền lợi có liên hệ đến con người, chính là quyền cho họ có thể đi đến một xứ sở, nơi mà họ tin rằng có thể tạo một tương lai cho chính bản thân và cho gia đình mình. Do đó, các cộng đồng chính trị, có bổn phận phải tán thành sự sáp nhập số người tị nạn, và tùy ở điều kiện công ích mỗi nơi, phải ủng hộ sự sáp nhập những phần tử mới đó trong cộng đồng của mình.

Ta hân hoan lợi dụng dịp này để tỏ lòng thành thực tán dương mọi sáng kiến kích động và cổ võ tình liên đới nhân đạo và đức bác ái công giáo, nhằm mục đích làm cho sự di chuyển con người từ cộng đồng này sang cộng đồng khác bớt đau khổ.
Ta cũng nhắc cho mọi tâm hồn thiện chí hãy lưu tâm và cám ơn các cơ quan quốc tế chuyên biệt vì công cuộc họ đã làm trong địa hạt hết sức tế nhị này.

VIỆC GIẢI GIỚI

57. Ta đau đớn khi nhận thấy rằng: trong nhiều cộng đồng chính trị mà nền kinh tế dồi dào hơn, người ta đã phát minh ra, và còn tiếp tục phát minh ra nhiều khí giới kinh khủng, và vì thế, người ta đã tiêu hao bao nhiêu nghị lực tinh thần và bao nhiêu nguồn lợi kinh tế. Công dân các cộng đồng ấy đã chịu hy sinh không ít, và cùng lúc đó, các cộng đồng chính trị khác cũng không được hưởng sự cộng tác cần thiết cho sự phát triển kinh tế và sự tiến bộ xã hội của mình.

Như ta đã biết: để biện hộ cho sự sản xuất vũ khí này, người ta thường đưa ra luận điệu: chỉ có một nền hòa bình duy nhất có thể thực hiện được, đó là nền hòa bình xây trên thế quân bình về binh lực. Vì thế, hễ một cộng đồng võ trang, là các cộng đồng khác cũng phải võ trang theo. Nếu một cộng đồng chế tạo vũ khí nguyên tử, thì các cộng đồng khác cũng phải chế tạo vũ khí nguyên tử có sức phá hoại đồng đều.

58. Do đó, nhân loại luôn luôn phải sống trong sự đe dọa của một cuộc chiến tranh có thể bộc phát bất cứ lúc nào, với một sức tàn phá khôn lường. Bởi vì khí giới đã sẵn, và nếu không thể tin rằng có người dám cả gan đứng ra chịu trách nhiệm về những sự đau thương tàn khốc do chiến tranh gây ra, nhưng vẫn có thể tin được rằng chỉ một sự kiện bất ngờ và không thể kiểm soát được, có thể khơi ngòi cho tất cả bộ máy chiến tranh đó. Và dù người ta có thể kiểm soát các khí giới nói đây một cách hữu hiệu, để chiến tranh không thể xảy ra được, thì cũng có đủ lý mà sợ rằng: chỉ sự liên tiếp thí nghiệm các khí giới nguyên tử cũng có thể nguy hại cho sự sống trên trái đất.

59. Vì thế, sự công bình, sự khôn ngoan và lòng nhân đạo đòi người ta phải ngừng cuộc thi đua võ trang, và đồng thời phải hạn chế các khí giới có trong các nước, phải loại trừ khí giới nguyên tử, để sau cùng, đi đến một cuộc tài giảm binh bị có sự kiểm soát hữu hiệu. Đức Tiên Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên  bố:”Không được để cho một cuộc thế chiến với tất cả sự đổ vỡ kinh tế, xã hội của nó và tất cả sự lầm lẫn, xáo trộn luân lý, có thể tái diễn một lần thứ ba trên nhân loại nữa” [59].

60. Nhưng ta cũng phải nhìn nhận rằng: sự ngưng võ trang, sự hạn chế tiềm lực chiến tranh, và hơn nữa sự tài giảm binh bị sẽ không thể, hoặc hầu như không thể nào thực hiện nổi, bao lâu người ta không chịu thi hành một cuộc giải giới toàn diện, nghĩa là một cuộc giải giới cả trong tâm hồn: phải làm sao tiêu diệt cho tận gốc cái tâm trạng cứ nơm nớp sợ hãi chiến tranh! Muốn như thế, cần phải loại trừ ý tưởng cho rằng phải xây dựng hòa bình trên mức thăng bằng võ lực và, thay vào đấy, phải đề cao nguyên tắc dạy rằng hòa bình chỉ có thể xây dựng trên lòng tin tưởng lẫn nhau. Ta đoán chắc rằng điều đó có thể thực hiện được vì không những nó là cái mà lương tri đòi hỏi, mà lại chính đấy mới là cái mọi người mong muốn, và thực ra rất hữu ích.

61. Trước hết đó là cái mà lương tri đòi hỏi: vì thực ra ai cũng thấy, hay ít ra ai cũng nhận ra rằng: sự bang giao giữa các cộng đồng, cũng như sự bang giao giữa cá nhân với cá nhân, không thể được qui định bởi sức mạnh của võ lực, nhưng là phải qui định bằng những nguyên tắc của lý trí, tức là bằng chân lý, công bình và sự đoàn kết thực tế.

Thứ hai, đó là điều mà mọi người tha thiết mong chờ. Vì ai mà lại không mong trách khỏi hiểm họa chiến tranh và không mong cho hòa bình được duy trì và mỗi ngày được thêm bảo đảm!

Sau hết, đó là một điều rất hữu ích. Vì nhờ có hòa bình, mà cá nhân, gia đình, dân tộc và toàn thể nhân loại đều được hưởng những tiện nghi. Lời cảnh cáo của Đức Giáo Hoàng Piô XII ngày nay vẫn còn vang dội: “Với hòa bình không mất gì hết, nhưng với chiến tranh sẽ mất tất cả” [60].

62. Vì thế, là Đại Diện Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc thế giới và tác tạo hòa bình, là phát ngôn viên cho nguyện vọng sâu xa cho cả gia đình nhân loại theo sự thúc bách của lòng, Ta hằng lo lắng cho hạnh phúc muôn dân. Ta thấy có bổn phận khuyên giục mọi người, nhất là những ai cầm vận mệnh các quốc gia, đừng có tiếc rẻ công lao khó nhọc, ngõ hầu liệu cho thời cuộc được trôi chảy hợp với lương tri và xứng với phẩm giá con người.

Trong các Hội nghị tối cao, hãy cố nghiên cứu vấn đề then chốt, là tìm ra một thế quân bình quốc tế thật nhân đạo, xây đắp trên lòng tin tưởng lẫn nhau, trên sự thành thật đàm phán, và trên sự trung thành thực hiện những điều đã chấp thuận. Hãy cố phân tích vấn đề cho thật tỉ mỉ, để tìm lấy một khởi điểm có thể đưa tới những hiệp ước bền bỉ, thành thực và hữu ích.

Còn Ta, lúc nào Ta cũng thành khẩn xin Chúa chúc lành và nâng đỡ mọi cố gắng của họ, để có thể đạt được những thành quả tích cực.

TRONG TỰ DO

63. Mối liên lạc giữa các cộng đồng chính trị phải được điều hòa trong tự do. Nghĩa là không một cộng đồng nào có quyền đè ép hay xen vào nội bộ một cộng đồng khác cách không chính đáng. Trái lại, mọi cộng đồng phải cộng tác để làm cho trong mỗi cộng đồng được phát triển tinh thần trách nhiệm, óc sáng kiến và tin tưởng rằng chính mỗi cộng đồng phải đẩy mạnh mọi việc phát triển trên mọi lãnh vực.

CUỘC THĂNG TIẾN CỦA NHỮNG QUỐC GIA ĐANG TRÊN ĐƯỜNG MỞ MANG KINH TẾ

64. Cùng chung một nguồn gốc, cùng lãnh nhận một ơn Cứu chuộc, cùng có một số mệnh, bấy nhiêu sự đã ràng buộc mọi người thành một gia đình Kitô hữu. Cũng vì thế mà trong thông điệp “Mẹ và Thầy” Ta đã khuyến khích các cộng đồng chính trị có nền kinh tế dồi dào hơn, hãy cố gắng giúp đỡ các cộng đồng khác đang trong giai đoạn phát triển kinh tế.

Ta sung sướng nhận thấy rằng lời kêu gọi của Ta đã được rộng rãi chấp nhận, và hy vọng rằng, trong tương lai, lời kêu gọi của Ta còn góp phần vào sự làm cho các quốc gia chậm tiến, trong một thời gian ngắn hết sức, sẽ đi đến một sự phát triển kinh tế khả dĩ làm cho công dân của mình được sống trong những điều kiện xứng hợp với địa vị con người.

65. Nhưng, cần phải nhắc đi nhắc lại điều này, là sự giúp đỡ nói trên đây phải được thực hiện trong sự hoàn toàn tôn trọng tự do của các cộng đồng chính trị đang phát triển, điều cần nhất là các cộng đồng chính trị ấy phải tự nhận mình là người đầu tiên chịu trách nhiệm, và là động tác chính trong việc thực hiện sự phát triển kinh tế và sự cải tiến xã hội của mình.

Đức Tiên Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên bố: “Trong cuộc cải tiến mới mẻ xây trên nguyên tắc luân lý, không được vi phạm tự  do, vi phạm sự thống nhất lãnh thổ và an ninh của các quốc gia khác, mặc dầu cho đất đai của họ có lớn hay nhỏ đi nữa, khả năng tự vệ của họ có mạnh hay yếu gì cũng vậy. Lẽ cố nhiên, các cường quốc có tài nguyên dồi dào, có thế lực mạnh mẽ, bao giờ cũng có quyền ưu tiên trong việc xác định những qui chế hợp đồng kinh tế giữa họ với các nước nhỏ; nhưng dù thế, các nước nhỏ cũng như bất cứ nước nào khác, trong phạm vi công ích, vẫn có toàn quyền độc lập chính trị, và quyền được đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp quốc tế, cũng như quyền được bảo vệ nền mở mang kinh tế riêng. Vì chỉ có họ mới theo đuổi được cách tương ứng: công ích, sự sung mãn vật chất và tinh thần của dân tộc họ” [61].

66. Những cộng đồng chính trị có nền kinh tế mở mang, trong công cuộc viện trợ dưới nhiều hình thức cho các nước kém mở mang có nghĩa vụ phải nhìn nhận và tôn trọng những giá trị luân lý và những đặc tính nhân chủng của những nước này, cấm không được có sự tính toán thống trị dân tộc khác. Có như thế, họ mới đem lại “một công trình quí hóa để tạo nên một cộng đồng thế giới, trong mọi thành phần ý thức được nghĩa vụ, cũng như những quyền lợi của mình, sẽ cùng chung nhau một cách bình đẳng về thực hiện nền thiện ích chung cho toàn thể nhân loại” [62].

TRIỆU CHỨNG CỦA THỜI ĐẠI

67. Càng ngày nhân loại càng nhận định rõ ràng: mọi cuộc tranh chấp hiện thời giữa các dân tộc đều không có thể được giải quyết bằng võ lực, mà cần phải đi đến đàm phán.

Đã hẳn rằng nhận định như thế là vì thấy sức tàn phá ghê gớm của các khí giới tối tân, và vì người ta run sợ trước những tai họa và trước những tàn khốc do các loại khí giới ấy gây nên. Bởi thế, không ai có thể cho rằng: trong thời đại nguyên tử này, có thể dùng chiến tranh làm dụng cụ xây dựng công bình.

68. Nhưng, than ôi, ngày nay, sự lo sợ ấy vẫn còn là luật thống trị các dân tộc. Sự lo sợ đó thúc đẩy người ta tung ra những món tiền khổng lồ để võ trang, và cũng có lẽ tin được như người ta nói – làm như thế không phải để gây chiến, nhưng để làm cho người khác đừng gây chiến. Dù sao ta còn hy vọng rằng: trong những cuộc giao tiếp và liên lạc với nhau, con người còn nhận ra mối tình nhân loại ràng buộc họ, và họ sẽ tự hiểu rằng: trong những nghĩa vụ căn bản phát sinh từ bẩm tính, không gì cao quí bằng tuân theo mệnh lệnh của tình thương, là đưa nhân loại đến chỗ đoàn kết chân thành, cho dù dưới nhiều hình thức khác nhau, như thế mới có thể mang lại nhiều thành quả tươi đẹp.

***

PHẦN IV

TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC CÁ NHÂN

VÀ CÁC CỘNG ĐỒNG QUỐC GIA VỚI CỘNG ĐỒNG THẾ GIỚI

 

SỰ LIÊN THUỘC GIỮA CÁC CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ

69. Những tiến bộ mới nhất của khoa học và kỹ thuật đã có ảnh hưởng sâu rộng trên con người, và đã gây ra cho họ, trên khắp mặt đất một trào lưu nhằm gia tăng sự cộng tác và siết chặt sự hiệp nhất của họ với nhau. Ngày nay, những cuộc trao đổi tài sản và tư tưởng, cũng như những nhịp giao thông dân sự đã được bành trướng rất nhiều. Người ta đã gia tăng gấp bội nào là những mối giao hảo giữa các công dân, các gia đình và các đoàn thể trung gian trong nhiều nước khác nhau, nào là những cuộc tiếp xúc giữa các nhà cầm quyền trong nhiều quốc gia. Cũng thế, tình hình kinh tế trong một nước ngày càng thấy phải lệ thuộc vào tình hình kinh tế các nước khác.

Nền kinh tế của các quốc gia dần dần đi đến tình trạng phải liên kết chặt chẽ với nhau, để sau cùng, chỉ còn là những thành phần trong toàn bộ của nền kinh tế thế giới độc nhất. Sau cùng, sự tiến bộ xã hội, trật tự, an ninh và thái bình của mỗi cộng đồng chính trị nhất thiết phải liên đới với tiến bộ, trật tự, an ninh và thái bình của những cộng đồng khác. Do đó, người ta nhận thấy rằng một nước lẻ loi nhất định không có đủ phương tiện để cung cấp, một cách thỏa đáng, cũng như để đạt tới mức bành trướng thường xuyên của mình. Sự tiến bộ và thịnh đạt trong mỗi quốc gia vừa là nguyên nhân, vừa là hiệu quả của sự thịnh đạt và tiến bộ của tất cả các quốc gia khác.

CÁCH TỔ CHỨC HIỆN TẠI CỦA CÁC CÔNG QUYỀN KHÔNG ĐỦ ĐỂ BẢO ĐẢM THIỆN ÍCH CHUNG CHO TOÀN THỂ NHÂN LOẠI

70. Tính thống nhất của gia đình nhân lọai đã có từ ngàn xưa, bởi vì nó đoàn tụ con người, hết thảy đều bình đẳng như nhau, trong phẩm giá tự nhiên. Cho nên người ta phải luôn luôn chung sức, để mưu lấy thiện ích chung một cách thỏa đáng, chính cái thiện ích chung này liên hệ đến toàn thể gia đình nhân loại.

Thời xưa các chính phủ được coi như có đủ phương tiện để mưu thiện ích chung cho toàn dân. Họ cố đạt tới đích đó bằng những cuộc ngoại giao thông thường hay bằng những buổi gặp gỡ trên một trình độ cao hơn, nhờ các lợi ích pháp lý, như các hiệp định và các hòa ước: đó là những phương thức của luật tự nhiên, của nhân quyền và cả luật quốc tế.

Nhưng ngày nay, trong cuộc giao tế giữa các quốc gia, đã có những thay đổi sâu rộng. Một phần, vì công ích đặt ra những vấn đề cực kỳ quan trọng, khó khăn cần phải giải quyết nhanh chóng, nhất là khi bảo vệ sự an ninh và hòa bình thế giới. Phần khác, xét về pháp lý, công quyền của các cộng đồng chính trị đều bình đẳnh như nhau: họ có cố gắng gia tăng những cuộc hội nghị, và những cuộc nghiên cứu để thiết lập những lợi khí pháp lý hữu hiệu nhiều đến đâu đi nữa cũng không đủ khả năng để đề cập đến và giải quyết những vấn đề đó một cách thỏa đáng. Không phải vì họ thiếu thiện chí hay sáng kiến, nhưng vì họ không đủ thẩm quyền nữa.

Trong hiện tình của cộng đồng nhân loại, cách tổ chức và cách điều hành hành chánh quốc gia, cũng như quyền bính của tất cả các chính phủ phải thú nhận rằng không còn đủ thế lực để cổ võ nền thiện ích chung cho toàn thể nhân loại.

LIÊN QUAN GIỨA CUỘC TIẾN HÓA LỊCH SỬ CỦA THIỆN ÍCH CHUNG VỚI SƯ ĐIỀU HÀNH CÁC CÔNG QUYỀN

71. Nhìn kỹ, ta thấy một mối liên quan chính yếu liên kết công ích với cơ cấu và sự điều hành của các công quyền. Trật tự luân lý đòi hỏi phải có một số công quyền để phục vụ công ích trong dân sự xã hội, đồng thời cũng đòi cho công quyền đó phải có những phương tiện cần thiết để thi hành nhiệm vụ của mình. Do đó, những cơ quan của quốc gia, là những cơ quan đại diện công quyền, thừa hành và theo đuổi mục đích của công quyền, phải có một hình thức và một hiệu lực, khả dĩ tìm ra được đường lối và những phương tiện mới mẻ thích hợp với đà tiến hóa của xã hội, để bảo đảm cho thiện ích chung…

Ngày nay, thiện ích chung của toàn thể nhân loại đặt ra những vấn đề có tầm mức thế giới. Những vấn đề đó chỉ có thể giải quyết được bởi một công quyền mà quyền hạn, hiến pháp và các phương tiện hành động cũng rộng lớn theo tầm mức thế giới và có thể hoạt động trên toàn diện địa cầu. Bởi vậy, chính trật tự luân lý đòi buộc sự thiết lập một công quyền có quyền hạn trên toàn thế giới.

CÔNG QUYỀN PHẢI ĐƯỢC THIẾT LẬP DO SỰ NHẤT TRÍ TÁN ĐỒNG CHỨ KHÔNG PHẢI DO CƯỜNG LỰC ÁP BỨC

72. Cái cơ quan có tính cách công cộng, vừa có thẩm quyền phổ biến trên toàn thế giới, vừa có những phương tiện hữu hiệu, để cổ võ công ích cho toàn thể nhân loại, cần phải được thiết lập do sự đồng tâm nhất trí, chứ không được dùng quyền lực mà bắt buộc phải tiếp nhận. Vì rằng : công quyền nói đây có thể chu toàn, một cách hữu hiệu nhiệm vụ của mình, nhưng cũng phải vô tư đối đầu với hết mọi người, tuyệt đối đứng ngoài tinh thần đảng phái và lưu ý đến những đòi hỏi khách quan của Thiện ích chung toàn thể nhân loại. Nếu cái quyền siêu quốc gia hay quyền quốc tế đó được thiết lập bằng cường lực do các nước mạnh hơn, chắc người ta có thể sợ rằng quyền đó sẽ phục vụ những tư ích, hay sẽ thiên về nước này, nước khác, chính sự kiện này sẽ làm tổn hại giá trị và hiệu lực hoạt động của nó. Mặc dầu mức độ phát triển kinh tế và tài nguyên binh bị đã gây ra những chênh lệch giữa các cộng đồng chính trị, nhưng tất cả các cộng đồng này đều thắc mắc được hưởng những quyền lợi pháp lý và đều có phẩm giá tinh thần như nhau. Đó là lý do rất chính đáng khiến các cộng đồng quốc gia chỉ nhận cách miễn cưỡng, một quyền bính mà người ta bắt họ phải nhận vì cường lực, hoặc một quyền bính đã thành lập không có sự tham gia của họ, hoặc một quyền bính mà họ không tự do tán thành.

THIỆN ÍCH CHUNG TOÀN THẾ GIỚI VÀ QUYỀN LỢI CỦA NHÂN VỊ

73. Cũng như thiện ích chung của một quốc gia nói riêng, thiện ích chung của toàn thể nhân loại không thể qui định, nếu không nại đến con người. Vì thế, công quyền trong cộng đồng quốc tế phải nhằm mục tiêu chính yếu này là thừa nhận, tôn trọng bảo vệ và khuếch trương quyền lợi của con người. Điều đó có thể thực hiện được, hoặc bằng cách thiết lập trên bình diện thế giới, những điều kiện khả dĩ giúp chính phủ quốc gia chu toàn được sứ mệnh của mình.

NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ

74. Trong mỗi nước, những mối quan hệ giữa công quyền với công dân, với gia đình, cũng như với các đoàn thể trung gian phải được chỉ huy và quân bình hóa theo nguyên tắc hỗ trợ. Dĩ nhiên nguyên tắc đó cũng phải điều hành các mối quan hệ giữa quyền quốc tế với các chính phủ quốc gia. Quyền quốc tế có nhiệm vụ cứu xét và giải quyết những vấn đề, mà công ích của toàn thể nhân loại nêu ra trong lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị hay văn hóa. Chính vì những vấn đề đó phức tạp, bao la và khẩn cấp, mà các chính phủ quốc gia không được phép tự tiện giải quyết như ý mình muốn.

Quyền bính của cộng đồng thế giới không được phép hạn chế sức hành động của các quốc gia trong phạm vi riêng biệt của họ, và cũng không được thay thế họ. Trái lại, quyền đó phải cố gây ra trong mọi nước trên thế giới, những điều kiện để giúp không những các chính phủ, mà lại cả cá nhân và các đoàn thể trung gian được dễ dàng chu toàn trách nhiệm, dễ dàng thi hành nghĩa vụ và sử dụng quyền lợi của mình trong những hoàn cảnh an toàn hơn [63].

TRIỆU CHỨNG CỦA THỜI ĐẠI

75. Ai cũng đều biết rằng: ngày 26-6-1945 đã thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc, khởi điểm, trong tương lai, cho nhiều cơ quan liên chính phủ khác. Các tổ chức này đã được uỷ thác nhiều trọng trách có giá trị quốc tế, trên bình diện kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế. Mục đích chính yếu của Liên Hiệp Quốc là bảo tồn và củng cố nền hòa bình giữa các dân tộc, là cổ võ và khuếch trương giữa họ với nhau, những mối giao hảo xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng tôn trọng lẫn nhau và cộng tác một cách sâu rộng trong mọi ngành hoạt động của con người.

76. Một trong những công việc trọng đại nhất đã thực hiện được do Liên Hiệp Quốc là bản Tuyên Ngôn thế giới Nhân quyền, được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận ngày 10-12-1948. Trong lời tựa, bản Tuyên ngôn đã nói lên mục tiêu chung là phải cổ động cho hết mọi dân tộc, hết mọi quốc gia phải thừa nhận và tôn trọng thực sự, tất cả những quyền lợi và tự do kể trong bản Tuyên ngôn.

Ta cũng biết rằng: Một vài điểm trong bản Tuyên ngôn đã gây nên những vấn nạn và tại đấy làm cho phải dè dặt nhiều lắm. Dẫu vậy, Ta cũng coi bản Tuyên ngôn đó như một bước tiến đến sự thành lập một tổ chức pháp lý chính trị trong cộng đồng thế giới. Bản Tuyên ngôn đó trịnh trọng thừa nhận cho hết mọi người không trừ  ai, đều có nhân phẩm; bản đó tuyên bố rằng: một cá nhân có quyền tự do đi tìm chân lý, tuân giữ những qui luật luân lý, thi hành những nghĩa vụ của đức công bình, đòi hỏi những điều kiện sinh sống xứng với phẩm giá con người, cũng như có những quyền lợi khác liên kết với các quyền lợi trên.

77. Bởi thế, Ta nhiệt liệt mong muốn cho Liên Hiệp Quốc có thể mỗi ngày càng thích nghi các cơ cấu cũng như các phương tiện hành động với sứ mệnh bao la và cao quí của mình. Ước chi mau đến cái phút mà tổ chức đó bảo đảm, một cách hữu hiệu, những quyền lợi của nhân vị : những quyền lợi đó, phát xuất trực tiếp từ phẩm giá tự nhiên của con người, và cũng vì đấy các quyền lợi đó phổ thông, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng bộ. Ta càng nóng lòng mong muốn như thế, vì ngày nay người ta tham gia nhiều hơn vào những công việc chung trong nước, người ta quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề thế giới, và ý thức rõ rệt hơn về cái tư cách mình phải làm những thành phần chủ động trong đại gia đình nhân loại.

***

PHẦN V

CÁC HUẤN THỊ MỤC VỤ

 

NGHĨA VỤ PHẢI THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG CÔNG

78. Một lần nữa, Ta kêu gọi các hiền tử của Ta hãy tích cực tham gia vào sự điều khiển các công việc trong nước, và Ta xin họ hãy góp phần cổ võ cho nền công ích của tất cả gia đình nhân loại, cũng như của chính nước họ. Được đức tin soi sáng và đức ái thúc đẩy, họ phải cố gắng làm sao để những chế độ liên hệ đến sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa hay chính trị, chẳng những không làm ngưng trệ, mà trái lại, càng đẩy mạnh những cố gắng đang làm cho con người thêm hoàn hảo, trên bình diện tự nhiên cũng như siêu nhiên.

NĂNG LỰC KHOA HỌC, KHẢ NĂNG KỸ THUẬT CHUYÊN MÔN, NGHỀ NGHIỆP

79. Để cho những nguyên tắc lành mạnh ăn sâu vào nền văn minh, và để cho tinh thần Kitô giáo thấm nhuần nền văn minh đó, các hiền tử của Ta sẽ không được tự mãn, vì cho rằng mình đã được ánh sáng đức tin, hay là đang ôm ấp một hoài bão muốn làm việc thiện. nhưng họ còn phải có mặt trong chế độ xã hội và, từ bên trong, họ phải gieo ảnh hưởng vào các cơ cấu đó nữa.

Thế nhưng cái đặc sắc trổi nhất của nền văn minh hiện nay là do ở những phát minh khoa học và kỹ thuật. bởi vậy, không thể hành động rong các tổ chức đó được, nếu thiếu năng lực khoa học, thiếu khả năng kỹ thuật và tài ba chuyên nghiệp.

TRONG HÀNH ĐỘNG CẦN TỔNG HỢP CÁC YẾU TỐ KHOA HỌC, KỸ THUẬT, NGHỀ NGHIỆP, TINH THẦN

80. Tuy nhiên, phải xác nhận rằng: các đức tính trên đây không đủ để gây cho những cuộc giao tiếp trong đời sống hàng ngày có một sắc thái đầy đủ nhân loại. Sắc thái này đòi phải có chân lý làm nền tảng cho các cuộc giao tiếp, có công bình làm quy tắc, có tình tương ái làm động lực và có tự do làm hòa khí.

Người ta chỉ có thể đạt được mục tiêu nói trên, khi cẩn thận giữ những điểm sau đây: trước hết, trong những hoạt động hiện thế, tuân giữ những luật lệ riêng biệt của mỗi phạm vi, và sử dụng những phương pháp thích đáng; sau đấy phù hợp nếp sống của mình với quy luật luân lý, nghĩa là xử trí như những công dân thi thố các quyền lợi của mình, chu toàn các nghĩa vụ và làm tròn một công tác. Sau cùng phải hiến thân hoạt động, coi đấy như một cách hưởng ứng trung thành giới răn Thiên Chúa, như một cách cộng tác vào việc sáng tạo của Ngài, và như một cách góp công vào sự thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa quan phòng trong lịch sử. Điều đó đòi hỏi con người phải sống thực sự việc mình đang làm và coi đó như một tổng hợp các cố gắng khoa học, kỹ thuật và chuyên nghiệp với những giá trị thiêng liêng cao quý nhất.

HÒA HỢP GIỮA ĐỨC TIN TÔN GIÁO VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG HIỆN THẾ CỦA TÍN HỮU

81. Một sự kiện ai cũng biết: trong những nước đã được học hỏi về giáo lý Công giáo từ lâu, những tiến bộ khoa học và kỹ thuật hiện thời rất thịnh đạt, và những phương tiện thích nghi để thực hiện những chương trình của họ rất dồi dào, nhưng thường ra tinh thần và chất men Kitô giáo lại không thấm nhuần sâu sa.

Người ta có lý để tự hỏi về các nguyên do gây nên tình trạng khiếm khuyết đó, nhất là những người hiện còn mang tên Công giáo, và thực ra đang áp dụng, ít ra trong một phần đời sống của họ theo tôn chỉ Phúc âm, lại là chính những người đã hay đang góp phần đáng kể vào việc thiết lập những chế độ nói trên. Nguyên do sự kiện đó Ta thiết tưởng ở tại việc họ không phù hợp với Đức tin của họ. Bởi thế, muốn vãn hồi sự thống nhất trong tâm trí họ, điều cần thiết là, trong các việc họ làm, phải có ánh sáng Đức tin chiếu dọi, và động lực đức bác ái thúc đẩy.

NỀN GIÁO DỤC THANH NIÊN PHẢI ĐƯỢC PHÁT HUY TOÀN DIỆN CON NGƯỜI

82. Nếu Đức tin tôn giáo của tín hữu nhiều khi không phù hợp với nếp sống của họ, thì đó, theo ý Ta, còn là tại sự huấn luyện của họ về giáo lý cũng như về luân lý Kitô giáo, vẫn còn thiếu sót. Trong rất nhiều lãnh vực thường không có sự thăng bằng giữa sự học giáo lý với sự học các khoa đời: người ta theo đuổi các khoa đời tới mức độ tối cao, trong khi đó, về việc huấn luyện đạo giáo, người ta đứng trong mức sơ đẳng. Cho nên nhất thiết thanh niên phải có một nền giáo dục đầy đủ và liên tục, thực hiện thế nào để nền học thức đạo giáo và sự tinh luyện lương tâm phải tiến đồng nhịp với các kiến thức khoa học và sự tài khéo kỹ thuật, luôn luôn thăng tiến. Sau hết, phải chuẩn bị thanh niên cho biết chu toàn cách xứng đáng các trách vụ đang đợi mỗi người trong họ[64].

CẦN PHẢI CỐ GẮNG KHÔNG NGỪNG

83. Nơi đây, Ta nhấn mạnh rằng: khó mà nhận được, một cách thỏa đáng mối liên hệ đích thực giữa các sự kiện nhân loại với các đòi hỏi của đức công bình, hay nói thế khác, khó mà quy định một cách xác đáng, các nguyên tắc của lý thuyết và các chỉ thị phải được áp dụng thế nào và đến lúc nào, trong hiện tình của xã hội.

Việc quy định các phương thức đó lại càng khó khăn hơn nữa, vì rằng: thời đại chúng ta, trong khi mỗi người phải hoạt động để mưu công ích cho toàn thể nhân loại, đang bị lôi cuốn bởi một “hiếu động chủ nghĩa” ghê gớm; bởi thế từng ngày một, ta phải cứu xét để biết xếp đặt các sự kiện xã hội thế nào cho phù hợp với các đòi hỏi của công bình; và chính việc đó không cho phép các hiền tử của Ta được tưởng rằng họ có quyền ngừng lại, để thỏa mãn với quãng đường họ đã qua.

Vả lại, người ta thường cũng có lý khi nghĩ rằng những công trình đã thực hiện được cho đến nay, đều không đủ để cung cấp nhu cầu. Người ta phải ra tay sáng kiến những công cuộc trọng đại hơn, thích hợp hơn trong những phạm vi cực kỳ khác biệt : cơ quan sản xuất, nghiệp đoàn, chức nghiệp tổ hợp, an ninh xã hội, công cuộc văn hóa, cơ quan pháp lý, chính trị, cứu tế, thể thao và các tổ chức tương tự khác. Đó là những nguyện vọng của thế hệ hiện tại; nhờ sự khảo cứu về nguyên tử và những cuộc thi hành không gian, thế hệ này tự mở cho mình những con đường hoàn toàn mới mẻ với những viễn tượng hầu như vô tận.

NHỮNG LIÊN QUAN GIỮA NGƯỜI CÔNG GIÁO VỚI NGƯỜI KHÔNG CÔNG GIÁO TRONG PHẠM VI KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ

84. Các nguyên tắc mà Ta vừa mới trình bày nơi đây bắt nguồn trong chính bản tính nhân loại, hay thường ra, trong phạm vi luật tự nhiên. Rất nhiều lần, trong khi thực hành những nguyên tắc đó, người Công giáo cộng tác dưới nhiều hình thức, hoặc với những người Kitô giáo ly khai với Tòa Thánh, hoặc với những người sống ngoài mọi tin tưởng Kitô giáo, nhưng nhờ ánh sáng của lý trí, họ trung thành giữ đạo luân lý tự nhiên.

“Ước chi khi ấy người Công giáo phải thận trọng ăn ở thủy chung như nhất với mình và đừng nhận một sự hòa giải nào làm tổn thương sự thuần túy của đạo giáo và nền luân lý. Nhưng họ cũng đừng chỉ biết lo đến lợi riêng của mình, trái lại, phải chân thành cộng tác trong mọi vấn đề tự nó chính đáng hoặc có thể đưa đến chỗ tốt đẹp”[65].

85. Lẽ công bình là phải luôn luôn phân biệt sự lầm lạc với những kẻ lỗi lầm, cả trong trường hợp những người có tư tưởng sai lạc, hay có những ý niệm thiếu sót về đạo giáo hay luân lý. Con người lạc đường trong lầm lỗi vẫn còn là một người, và vẫn giữ nhân phẩm đáng được tôn trọng của mình. Không bao giờ con người mất quyền tự giải phóng mình cho khỏi lầm lạc và tự tìm cho mình một con đường đưa tới chân lý. Và để giúp con người, Chúa Quan Phòng luôn luôn bên cạnh để ủng hộ. Rất có thể là một người hôm nay thiếu tia sáng đức tin, hoặc bị lạc trong sai lầm nhưng ngày mai, nhờ ánh sáng Thiên Chúa soi cho, người đó trở về lĩnh hội chân lý. Nếu, để thực hiện những công cuộc hiện thế, các tín hữu giao dịch với những người, vì quan niệm sai lạc mà không tin, hoặc không tin đầy đủ, lẽ tất nhiên những cuộc tiếp xúc kia có thể là cơ hội, là yếu tố thúc đẩy mối cảm tình đưa họ về chân lý.

86. Cũng thế, người ta không thể đồng hóa những thuyết triết học sai lầm về bản tính, nguyên thủy và cứu cánh của vũ trụ và con người, với những trào lưu lịch sử đã được xây dựng với một mục đích kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị, dẫu rằng những trào lưu này đã bắt nguồn và vẫn còn khai hứng từ các học thuyết nói trên. Học thuyết một khi được xác định và công thức hóa sẽ không thay đổi nữa, nhưng những trào lưu kia, lấy những điều kiện cụ thể và hay thay đổi của đời sống làm đối tượng sẽ không thế mà không chịu ảnh hưởng sâu rộng của cuộc tiến hóa đó được. Vả lại, tùy theo mực độ phù hợp của những trào lưu đó với những nguyên tắc lành mạnh của lý trí và thích hợp với những nguyện vọng chính đáng của con người, hỏi rằng ai có thể cấm không cho nhận, trong những trào lưu đó, những yếu tố tích cực và đáng được tán thưởng?

87. Bởi thế, rất có thể rằng: những cuộc gặp gỡ thuộc phạm vi thực tế, từ trước đến nay người ta cho là không hợp thời và vô ích, ngày nay lại có thể đem lại những lợi ích đích thực, và những hứa hẹn tươi đẹp cho tương lai. Nhưng, sự xét đoán đã đến lúc thích thời hay chưa, và sự ấn định những thể thức và mực độ trong việc phối trí những cố gắng về kinh tế, xã hội, văn hóa hay chính trị nhằm mưu công ích cho toàn thể cộng đồng : đó là những vấn đề phải được giải quyết và cân nhắc tùy theo đức khôn ngoan đứng trên để điều hòa tất cả các nhân đức khác liên hệ đến cuộc sống cá nhân và xã hội. Trong trường hợp những người Công giáo, sự quyết định những vấn đề đó thuộc thẩm quyền, trước hết, của những người có uy tín nhất trong phạm vi chính trị, và nhiều khả năng hơn hết trong vấn đề liên hệ; mặc dầu, trung thành với những nguyên tắc của luật thiên nhiên những người này tuân theo học thuyết xã hội của Giáo hội và vâng phục các chỉ thị của các vị có thẩm quyền trong Giáo hội. Thực ra nên nhớ rằng : không phải Giáo hội chỉ có quyền lợi và nghĩa vụ bảo vệ cho giáo thuyết về đức tin hay luân lý được toàn vẹn, nhưng, đối với những con cái của mình, quyền bính của Giáo hội còn bao trùm cả phạm vi thế tục, mỗi khi cần phải quyết định về sự ứng dụng học thuyết trên vào những trường hợp cụ thể [66].

HOẠT ĐỘNG TỪNG GIAI ĐOẠN

88. Không thiếu những người có tâm hồn quảng đại, khi gặp những cảnh ngộ ít phù hợp hay trái ngược với đức công bình, họ sốt sắng khởi xướng một cuộc cải cách toàn diện, nhưng vì đi quá đà, muốn một lúc vượt thắng hết mọi giai đoạn, lúc ấy, công việc của họ có hình thức hầu như cách mạng.

Với những người này Ta muốn nhắc cho họ nhớ rằng: nhịp tiệm tiến là luật của mọi cuộc sống, và những chế độ loài người cũng chỉ có thể cải thiện với điều kiện là biết chế ngự nó từ bên trong, và phải theo luật tiệm tiến. Đức Tiên Giáo Hoàng Piô XII đã chỉ giáo : “Không phải cuộc cách mạng, nhưng một cuộc tiến hóa điều hòa, sẽ đem lại sự cứu thoát và công bình. Công việc của bạo lực chỉ luôn luôn nhằm phá hoại chứ không bao giờ xây dựng, chỉ nhằm khích động các đam mê, chứ không bao giờ thắng đoạt nó. Là nguyên nhân phát động sự thù ghét và tai biến, chứ không lo đoàn tụ con người trong tình huynh đệ, nó đẩy người ta và các đảng phái vào con đường cùng, con đường phải kiến thiết lại dần dần, sau những ngày thử thách đau thương, trên những đổ nát chất đống bởi bất hòa”[67]

CÔNG VIỆC BAO LA

89. Hết thảy những người thiện chí ngày nay đều phải đảm nhận một trách vụ bao la, là nối lại những mối liên quan của cuộc sống trong xã hội trên những nền tảng luân lý, công bình, bác ái và tự do : liên quan giữa các tư nhân với nhau, liên quan giữa công dân và quốc gia, liên quan giữa các quốc gia với nhau, sau hết, liên quan giữa các cá nhân, các gia đình, các đoàn thể trung gian với quốc gia, với cộng đồng thế giới. Đây mới thật là các trách vụ cao quí hơn hết, bởi vì mục tiêu của nó là nhằm mở đường thống trị cho nền hòa bình đích thực, trong trật tự Thiên Chúa đã thiết lập.

Những người tham gia vào công việc đó quả thực là quá ít ỏi, nhưng họ đã có công lao rực rỡ đối với xã hội loài người, và hôm nay đây, Ta để lời ca ngợi họ một cách công khai. Đồng thời, Ta khuyến khích họ cứ gia tăng những hành động tác thiện của họ. Ta dám hy vọng rằng : sau họ sẽ có nhiều người khác kế tiếp, nhất là những tín hữu, giàu lòng bác ái và có lương tâm đối với nghĩa vụ. Mỗi tín hữu, trong thế giới ngày nay, phải là như một tia sáng rực rỡ, một trung tâm bác ái và một lớp men cho cả toàn khối. Điều đó, mỗi người sẽ thực hiện được, tùy theo mức độ họ biết kết hợp với Thiên Chúa.

Thực ra, hòa bình sẽ không thể vãn hồi giữa nhân loại, nếu trước hết nó không vãn hồi trong từng cá nhân, nghĩa là, nếu mỗi người tự mình không tuân giữ các trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập. “Linh hồn ngươi muốn thắng các đam mê trong mình ư?” Thánh Augustinô hỏi. Và ngài trả lời : “ Thì nó cứ tuân phục Đấng ở trên đi, rồi nó sẽ thắng được kẻ ở dưới.Và người sẽ được hòa bình: hòa bình đích thực, hòa bình không mập mờ, hòa bình được hoàn toàn thiết lập trên trật tự. Và trật tự riêng biệt của hòa bình là gì ? Là Thiên Chúa điều khiển linh hồn, điều khiển thể xác. Không có gì qui củ hơn” [68].

CHÚA CỦA HÒA BÌNH

90. Lời giáo huấn mà Ta vừa mới dành riêng cho những vấn đề giờ đây đang là mối âu lo vĩ đại cho nhân loại và liên hệ trực tiếp đến mức thăng tiến của xã hội loài người, đã được bộc phát trong Ta bởi một ngưỡng vọng sâu xa, mà Ta biết rằng nó cũng là ngưỡng vọng của tất cả những người thiện chí : tức là được trông thấy trên thế giới, một nền hòa bình vững chắc hơn.

Mặc dầu bất xứng, nhưng Đại diện cho Đấng mà tiên tri đã báo trước là “Chúa Hòa Bình”[69], Ta nghĩ rằng Ta có nghĩa vụ phải cống hiến tất cả nỗi lo lắng, cũng như các nghị lực của Ta để cố đem lai đặc ân này cho toàn thể nhân loại. Nhưng hòa bình chỉ là một tiếng trống rỗng, không có nghĩa, nếu nó không được xây trên “trật tự” mà, với một niềm hy vọng nồng nhiệt, Ta đã phác họa những nét chính trong Thông điệp này: Trật tự đặt trên chân lý, xây theo đức công bình, lĩnh nhận từ đức bác ái sức sống và mức sung mãn, và sau cùng, được biểu thị, một cách sung mãn trong tự do.

Thực ra, đây là một công trình siêu việt, cao quý: con người với sức riêng mình khó mà thực hiện nổi, cho dù có thiện chí đáng phục đến đâu đi nữa. Nhưng, để xã hội loài người có thể tái diễn nơi mình, một cách y hệt cái hình ảnh của Nước Thiên Chúa, lẽ cố nhiên cần phải có ơn trên.

91. Đó chính là lý do khiến cho, trong những ngày thánh này, lời cầu nguyện của Ta dâng lên, cách sốt sắng hơn, trước tôn nhan Đấng mà hồi xưa đã dùng cuộc khổ nạn và cái chết của mình để thắng tội lỗi, nguồn mạch thứ nhất sinh ra tất cả các mối bất hòa, các nỗi cùng cực và các cảnh chênh lệch: với Máu cực thánh, Ngài đã hòa giải nhân loại với Cha Ngài ngự trên trời. “Chính Ngài là Hòa Bình của ta, Ngài là Đấng, từ hai dân tộc đã qui tụ thành một… Ngài đã đến để công bố Hòa Bình, Hòa Bình cho các người ở nơi xa, cũng như  Hòa Bình cho các người ở gần” [70]. Cũng một tín điệp hòa bình nói đây hiện còn vang dội trong Phụng Vụ của những ngày Tuần Thánh : “Chúa Giêsu, phục sinh, ngự giữa các môn đệ, và nói cho họ : Bình an cho chúng con, Alleluia. Và các môn đệ được trông thấy Chúa đã vui mừng khôn xiết”[71]. Cũng một Chúa Kitô đem lại cho ta sự hòa bình :“Cha để lại cho chúng con sự hòa bình, sự hòa bình của Cha. Hòa bình của Cha ban xuống khác với hòa bình của thế gian”[72]. Chính sự hòa bình do Chúa Cứu Thế đem lại là ơn Ta khẩn khoản cầu xin trong các kinh nguyện của Ta. Xin Ngài xua đuổi ra khỏi tâm hồn những gì có thể nguy hại cho hòa bình, xin Ngài biến đổi hết mọi người thành những chứng nhân của chân lý, công bình và tình yêu huynh đệ. Xin Ngài soi sáng cho những người nắm trong tay vận mệnh các dân tộc, để họ lo mưu hạnh phúc chính đáng cho dân chúng, họ bảo tồn ân huệ vô giá của hòa bình, sau hết, xin Chúa Kitô đốt cháy lòng hết mọi người và thúc họ đập tan các hàng rào chia rẽ, thắt chặt dây tương thân tương ái, biết am hiểu người khác và tha thứ cho những ai đã gây thiệt hại cho mình. Và như thế, nhờ Chúa, tất cả các dân tộc trên mặt đất kết thành một cộng đồng huynh đệ thực sự, và giữa họ với nhau hòa bình sẽ tươi nở và tồn tại vĩnh viễn.

Để hòa bình trên đây có thể dội xuống trên tất cả đoàn chiên mà Chư Huynh có nhiệm vụ chăn dắt, nhất là trên các lớp người nghèo khó cần được giúp đỡ và che chở cách riêng, Ta rộng tay ban xuống cho Chư Huynh đáng kính, cho các Linh Mục triều và dòng, cho các Tu sĩ và Nữ tu, cho toàn thể giáo hữu, nhất là cho những ai nhiệt tâm đáp lại lời Ta khuyên nhủ, Phép lành Tòa Thánh. Với tất cả những người thiện chí sẽ đọc bức Thông điệp này, Ta nguyện xin Thiên Chúa Tối Cao ban xuống cho họ niềm hạnh phúc và hưng thịnh.

 

Ban hành tại Rôma, gần điện Thánh Phêrô,

ngày 11 tháng 04 năm1963,

năm thứ  5 Triều đại của Ta.

+ GIOAN XXIII

GIÁO HOÀNG

 

 


[1] Tv. 8,1

[2] Tv. 103, 24

[3] Tc. Kn.1,26

[4] Tv. 8, 5-6

[5] Rom. 2, 15

[6] Tv. 18, 8-11

[7] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1942 và Gioan XXIII, Huấn từ ngày 4.01.1963

[8] Piô XI, Thông điệp Divini Redemptoris, và Piô XII, Điện văn lễ Hiện Xuống 1941

[9]Piô XII, Điện văn Sinh Nhật 1942

[10] Divinae Institutiones, quyển IV, chương 28,2.

[11] Thông điệp Libertas praestantissimum

[12] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1942

[13] Thông điệp Casti Connubii, và Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1942

[14] Piô XII, Điện văn lễ Hiện Xuống 01-6-1941

[15] Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum

[16] Gioan XXIII, Thông điệp Mater  et  Magistra

[17] Điện văn lễ Hiện Xuống, )1-6-1941

[18] Thông điệp Mater  et  Magistra

[19] Thông điệp Mater  et  Magistra

[20] Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum

[21] Xem A.A.S. LIII,  1961, tr.430

[22] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1952

[23] Điện văn Sinh nhật 1944

[24] Điện văn Sinh nhật 1942

[25] Eph. 4,25

[26] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1942

[27] Summa Theol.  Ia,IIae, 9.19, a.4;  cf. a.9

[28] Rm. 13, 1-6

[29] In Epist. ad Rom. c.13, vv.1-2, homil.XXIII

[30] Lêô XIII, Thông điệp Immortale Dei

[31] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1944

[32] Lêô XIII, Thông điệp Diuturnum Illud

[33] Nt. và Thông điệp Immortale Dei

[34] Cv. 5,29

[35] Summa Theol.  Ia,IIae.  a.3  và Piô XII, Điện văn Sinh Nhật 1944

[36] Lêô XIII, Thông điệp Diuturnum Illud và Piô XII, Điện văn Sinh Nhật 1944.

[37] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1942

[38] Piô XII, Thông điệp Summi Pontificatus

[39] Piô XII, Thông điệp Mit brennender Sorge

[40] Lêô XIII, Thông điệp Immortale Dei

[41] Lêô XII, Thông điệp Rerum novarum

[42] Piô XII, Summi Pontificatus

[43] AAS. LIII, 1961

[44] Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno

[45] Piô XII, Diễn văn lễ Hiện Xuống 01-6-1941

[46] Piô XI, Thông điệp Mit brennender Sorge, và Divini Redemptoris

[47] Piô XI, Tđ. Divini Redemptoris; Piô XII, Điện văn Sinh Nhật 1942

[48] Gioan XXIII, Thông điệp Mater  et  Magistra

[49] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1942

[50] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1944

[51] Piô XII, Điệnvăn Sinh nhật 1942

[52] Lêô XIII, Tông thư Annum ingressi

[53] Kng. 6, 2-4

[54] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1941

[55] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1940

[56] De Civitate Dei, quyển IV, chương 4 ; Piô XII, Điện văn Sinh nhật                1939

[57] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1941

[58] Gioan XXIII, Thông điệp Mater  et  Magistra

[59] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1941;  và Bênêdictô XV, Adhortatio ngày 01-8-1917

[60] Piô XII, Điện văn ngày 24 – 8 – 1939

[61] Piô XII, Điện văn Sinh nhật 1941

[62] Gioan XXIII, Thông điệp Mater  et  Magistra

[63] Piô XII, Bài phát biểu cho thanh niên Công giáo tiến hành Ý, ngày 12-9-1948

[64] Gioan XXIII, Thông điệp  Mater  et  Magistra

[65] Gioan XXIII, Thông điệp Master  et Magistra

[66] Gioan XXIII, MM; Lêô XIII, Thông điệp Immortale Dei;  Piô XI, Thông điệp Ubi Arcanmo;  Piô XII, bài phát biểu cho phái đoàn liên đới phụ nữ quốc tế Công giáo ngày 11- 9 – 1947

[67] Bài phát biểu cho công nhân Ý, ngày 13-6-1943

[68] Miscellanes  Augustiana

[69] Is. 9,6

[70] Eph. 2, 14 – 17

[71] Resp.  ad  Mat. in feria VI infra oct. Paschae

[72] Yn 14, 27