William O. Paulsell
(Thời sự thần học số 102 (tháng 11 năm 2023) trang 174-202)
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm tạ thế của cha Thomas Merton (1915-1968), tác giả giúp chúng ta đọc lại cuộc đời của nhà văn thần bí nổi tiếng của thế kỷ XX, cách riêng theo dõi những chặng đường cải hoán của cha: từ một thanh niên phóng túng sang một đan sĩ khổ hạnh, và từ chiêm niệm Kitô giáo đến chiêm niệm các tôn giáo.
Nguồn: Longing For God. An Introduction to Christian Mysticism, Paulist Press, New York, 2021, Chapter 13, p.113-123.
Chuyển ngữ: Ts Giuse Vũ Quang Nhơn O.P.
Chú thích của ban biên tập. Các tiêu đề được thêm vào để làm nổi bật các giai đoạn của cuộc đời cha Thomas Merton. Riêng về dùng đại danh từ, chúng tôi gọi cha là “Anh” hợp theo truyền thống của dòng Trappist, gọi nhau bằng Frater (Latinh), Brother (Anh). Dòng Trappist là một ngành của Dòng Xitô, “Xitô nhiệm nhặt” (Order of Cistercians of the Strict Observance OCSO)
—————
Tới phiên của anh Merton phải canh lửa đêm trong đan viện. Anh không ngại ngùng gì. Thực vậy, trước đó, anh đã viết như sau: “Lạy Chúa, màn đêm là thời gian của sự tự do.”[1] Sau khi các đan sĩ hát Kinh Tối (kinh nguyện cuối cùng trong ngày) và đi ngủ, thì anh đi đến bên chiếc hộp nhỏ quen thuộc, nơi cất giữ các dụng cụ cho nhiệm vụ này. Có một đôi giày đế mềm để không làm phiền những người đang ngủ, một chiếc đèn pin, một chùm chìa khóa và một chiếc đồng hồ lớn có dây da mà anh đeo trên vai. Tại nhiều trạm khác nhau trên đường đi, anh sẽ tìm thấy một chìa khóa nhỏ để bấm đồng hồ, ghi lại dấu vết các lần đi tuần của mình.
Từ tầng hầm sâu nhất cho tới đỉnh tháp chuông, Thomas Merton có thể cảm nhận được lịch sử của đan viện. Được thành lập vào năm 1848 bởi một nhóm đan sĩ đến từ Pháp, đan viện Gethsemani là một địa điểm đáng chú ý. Đan viện ở vùng Knobs của Kentucky gần Bardstown rất đông những nhà tu hành lâu năm và những tập sinh đang chập chững thử nghiệm. Anh vào đây từ năm 1941 và hiện là Giám sư các sinh viên. Khi bước vào phòng hội, anh nhớ đến việc đánh bóng sàn nhà khi còn là một thỉnh sinh, chuẩn bị vào tập viện.
Có những tiếng động trong đêm: tiếng cót két trên gác đàn không người, tiếng kêu của những tấm ván cũ khi độ ẩm thay đổi, bản lề rỉ sét kêu cọt kẹt khi bị đụng tới, và âm thanh của thiên nhiên bên ngoài lọt vào qua cửa sổ mở để đón gió. Anh nghĩ đến tất cả những câu hỏi về Thiên Chúa mà anh đã suy ngẫm, và cũng đã viết trong nhật ký của mình: “Tôi không chờ đợi câu trả lời bởi vì tôi bắt đầu nhận ra rằng Ngài không bao giờ trả lời khi tôi mong đợi.”[2] Sau đó, anh viết thêm: “Sự im lặng mang lại cảm giác thoải mái hơn là khi trả lời một câu hỏi. Sự vĩnh hằng ở trong hiện tại, sự vĩnh cửu ở trong lòng bàn tay.”[3]
Đi rảo quanh đan viện, hẳn là Merton đã trầm ngâm nghĩ lại cuộc đời của mình trong quá khứ. Ông sinh ra ở Prades, nước Pháp, vào năm 1915 với song thân là nghệ sĩ, sự ra đời của John Paul bào huynh, cái chết của thân mẫu người Mỹ khi anh mới lên 6 tuổi, đã cùng với thân phụ là người New Zealand dời nhà sang Bermuda, nước Pháp và nước Anh để hành nghề họa sĩ, và cái chết của ông ta khi anh mới 16 tuổi. Một bác sĩ tốt bụng, bạn thân của thân phụ, đã chu cấp cho anh được theo học bên Anh, sau đó Merton tìm đường đến Đại học Cambridge, nơi ông dành phần lớn thời gian cho rượu và tình dục. Đó là một năm khủng khiếp, thảm khốc. Khi anh đến thăm ông bà ngoại ở New York vào mùa hè, vị bác sĩ tốt bụng đã viết thư yêu cầu ông đừng quay lại nước Anh nữa.
Giờ đây anh đã trở thành một đan sĩ Dòng Trappist, sống đời cầu nguyện và thinh lặng, viết sách và hướng dẫn các sinh viên muốn trở thành linh mục. Làm thế nào mà anh, một con người ít có khả năng nhất cho đời sống đan tu và chức linh mục, lại tìm được đường đến nơi này? Thế mà Merton cứ tiến tới và trở thành một trong những nhà văn về đời tâm linh có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX.
Tuổi trẻ
Ôn lại quá khứ, sau khi định cư ở New York với ông bà ngoại, anh đã đăng ký vào Cao đẳng Columbia (nay là Đại học), và sớm được nổi tiếng trong giới sinh viên. Anh tham gia một hiệp hội huynh đệ, viết cho tạp chí hài hước của các sinh viên, ghi danh vào đội điền kinh, có một thời gian ngắn cổ động cho chủ nghĩa Cộng sản, biên tập tạp chí hàng năm và chơi nhạc jazz ầm ĩ nhất. Một người bạn của anh đã thốt lên: “Hắn là tên khốn nạn ồn ào nhất mà tôi từng gặp.”[4]
Anh đã kết nghĩa với nhiều bạn bè ở Columbia. Robert Lax, một nhà thơ, sẽ là một người bạn và ảnh hưởng đến anh suốt đời. Edward Rice sẽ viết tiểu sử đầu tiên của Merton, Người ở trên cây sung (ngụ ý so sánh với ông Dakêu)[5]. Brahmachari, một tu sĩ Ấn Độ giáo, đã khuyến khích anh đọc Tuyên thú của Thánh Augustinô và Gương Chúa Giêsu. Bạn của Merton, Robert Giroux sau này trở thành biên tập viên tại Harcourt Brace, nơi sẽ xuất bản cuốn tự truyện đầu tiên của anh, The seven storey mountain.
Merton thích Columbia. Anh kể: “So với Cambridge, trường Columbia tuy đen đủi nhưng tràn ngập ánh sáng và không khí trong lành. Ta có thể hít bầu khí của sức sống trí thức thực sự.”[6]
Hai giáo sư đã ảnh hưởng đến anh qua những cách thức không thể ngờ được. Một người là Dan Walsh, với khóa học thần học đã gây ra một bước ngoặt với Merton khi anh tìm cách học hỏi thêm về các vấn đề đức tin. Điều khiến anh ấn tượng về Walsh là thay vì dạy về nhiều trường phái tư tưởng và hệ thống khác nhau, ông lại dạy về thần học Công giáo một cách tổng thể. Ông coi các nhà thần học khác nhau bổ sung cho nhau, đưa ra ánh sáng đa dạng về cùng một sự thật từ những quan điểm khác nhau.
Câu hỏi đôi khi được đặt ra là tại sao Merton lại theo Hội thánh Công giáo chứ không phải là Tin lành là tổ chức xem ra hợp với đầu óc phóng khoáng của anh hơn. Tuy nhiên, anh bị thu hút mạnh mẽ bởi sự kiện là thần học Công giáo đặt nền tảng trên triết học. Anh rất ấn tượng với cuốn sách Tinh thần triết học thời trung cổ của Étienne Gilson[7], trong đó nhấn mạnh ý tưởng Thiên Chúa là Hữu thể thuần túy. Merton cho biết anh cảm thấy nhẹ nhõm khi phát hiện ra rằng không có ý tưởng hay hình ảnh nào có thể định nghĩa hoặc mô tả đầy đủ về Thiên Chúa. Về sau, anh viết rằng anh đã thủ đắc “sự tôn trọng sâu sắc đối với triết học Công giáo và đức tin Công giáo.”[8]
Một người khác có ảnh hưởng lớn đối với anh là Mark Van Doren, một giáo sư văn học. Merton rất ấn tượng với khóa học của Van Doren về văn học thế kỷ XVIII – về cách ông giảng dạy cũng như sự say mê đối với môn học này. Một học kỳ, Merton đăng ký một khóa học lịch sử, và rồi phát hiện ra rằng mình đã đi nhầm phòng. Van Doren sắp bắt đầu khóa học về Shakespeare nên anh quyết định ở lại để xem nội dung nó ra sao. Merton nói rằng đó là khóa học tốt nhất mà mình nhận được ở trường đại học vì anh đã học được những điều thực sự nền tảng: “sự sống, cái chết, thời gian, tình yêu, nỗi buồn, nỗi sợ hãi, sự khôn ngoan, sự đau khổ, sự vĩnh hằng.”[9]
Mặc dù không có ai thúc giục, nhưng Merton đã bắt đầu nghĩ đến việc hoán cải. Khi ngẫm lại, anh thấy rằng từ lâu Chúa đã thúc đẩy anh hướng tới một sự thay đổi cuộc sống, nhưng anh không thể cảm nhận được điều đó. Sau vài lần do dự, anh đi bộ đến Nhà thờ Công giáo Corpus Christi cạnh khuôn viên trường Columbia và xin học đạo. Anh coi lễ rửa tội của mình như khởi đầu chứ không phải là kết thúc của một đời sống tâm linh. Lúc đó, anh chưa hình dung hành trình đó sẽ khó khăn như thế nào.
Merton không bị lôi cuốn đến với thần học trí năng, biện chứng, suy lý của thánh Thomas Aquinô, mà ông đã học được từ thầy Dan Walsh, nhưng là đến với con đường tâm linh, thần bí của thánh Augustinô. Anh lãnh bằng cử nhân văn chương tại Columbia vào năm 1938 và bắt đầu học lấy bằng thạc sĩ, viết luận văn về William Blake, luận án mà anh hoàn thành vào năm 1939. Anh ghi danh theo học tiến sĩ với luận án về Gerard Manley Hopkins, nhưng chưa bao giờ hoàn tất. Anh bị thu hút bởi khuynh hướng thần bí của những nhà thơ này.
Mùa xuân năm 1939, Merton và người bạn Robert Lax đang đi dạo trên Đại lộ số 6 ở New York. Lax hỏi Merton, “Thế thì bạn muốn trở thành một người thế nào?” Merton trả lời: “Tôi đoán điều mà tôi muốn là trở thành một người Công giáo tốt.” Lax trả lời: “Bạn nên muốn trở thành một vị thánh.” Với cuộc sống mà mình đã quen lâu này, Merton cho rằng ý tưởng này thật ngu xuẩn. Lax nói rằng Chúa sẽ làm cho anh nên thánh nếu Merton chịu để Ngài làm điều đó[10].
Mùa hè năm đó, Merton, Rice và Lax đến trọ ở một ngôi nhà nhỏ của một người bạn ở Olean, New York, nơi họ cố gắng viết tiểu thuyết. Merton đã gửi tác phẩm của mình tới nhiều nhà xuất bản khác nhau nhưng đều bị từ chối. Những ngày trở lại thành phố New York của ông giờ tràn ngập việc viết lách, bạn bè, phim ảnh, bia, nhạc jazz và khiêu vũ. Một người phụ nữ mà Merton đang hẹn hò tự hỏi liệu anh ta có hạnh phúc hơn khi trở thành một nghệ sĩ piano jazz thay vì một nhà văn hay không. Một buổi sáng kia, sau một buổi tối dài ở hộp đêm, sau đó bạn bè ngủ lại trong căn hộ của anh, anh thức dậy với cảm giác nôn nao khó chịu và cảm thấy chán ghét bản thân. Bây giờ anh bắt đầu nghĩ đến việc trở thành linh mục[11]. Khi anh đề cập chuyện này với Dan Walsh, Walsh nói: “Lần đầu tiên gặp bạn, tôi đã nghĩ bạn có ơn gọi làm linh mục.”[12] Người bạn gợi ý với Merton nên tìm hiểu về Dòng Trappist, nhưng anh nói rằng mình không bao giờ có thể sống nổi ở trong đó.
Anh đã nộp đơn xin vào dòng Phanxicô ở New York, nhưng khi biết về quá khứ của anh ở Cambridge, họ quyết định rằng anh không có ơn gọi. Trong khi đó, anh dạy các khóa học mở rộng cho Columbia, viết bài phê bình sách và có may được gặp một người đại diện, Naomi Burton, người sẽ giúp anh xuất bản sách. Cô ấy đã trở thành một người bạn tri kỷ.
Mùa xuân năm 1940, anh có chuyến đi Cuba. Khi đến thăm thị trấn Camaguey, anh đã có một trải nghiệm thần bí vô cùng quan trọng. Bối cảnh là một nhà thờ dòng Phanxicô. Phía trên bàn thờ nơi Thánh lễ đang được cử hành là ảnh thánh Phanxicô với hai cánh tay giơ lên để lộ các dấu thánh, các vết thương của Chúa Kitô ở tay và chân. Khi anh bước vào, một nhóm học sinh đang xếp hàng, đi từng hai người một, vào lấp đầy năm hoặc sáu dãy ghê đầu tiên. Một tu sĩ dòng Phanxicô mặc áo màu nâu hướng dẫn các em hát thánh ca. Tiếng hát của chúng to và rõ ràng và tràn ngập nhà thờ. Sau đó, vị tu sĩ dẫn đầu xướng kinh Tin Kính bằng tiếng Tây Ban Nha, “Yo Creo…,” (“Tôi tin”), và bọn trẻ bắt đầu đọc thuộc lòng.
Đến đây, Merton kể lại “Có điều gì đó vụt tắt trong tôi như một tiếng sét,” và dù không thực sự nhìn thấy gì, anh biết “một cách chắc chắn tuyệt đối và không thể nghi ngờ” rằng Chúa ở ngay trước mặt, giữa anh và bàn thờ. Anh viết trong nhật ký rằng: “lúc ấy ý thức về thiên đường hiện hữu xuyên qua anh như một tia chớp dường như nâng anh lên rời xa khỏi mặt đất”. Đó không phải là một trải nghiệm giác quan, nhưng bằng cách nào đó anh đã hiểu được “Thiên Chúa trong tất cả bản tính của Ngài, tất cả quyền năng của Ngài, Thiên Chúa trong xác phàm và Thiên Chúa trong chính Ngài, và Thiên Chúa được bao quanh bởi những khuôn mặt rạng ngời của…các vị thánh đang chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài và ca ngợi Thánh Danh Ngài. ”[13] Anh biết rằng trải nghiệm đó không phải là kết quả của bất cứ điều gì anh đã làm hay bất kỳ nhân đức cụ thể nào; đó chỉ là do lòng nhân từ của Chúa. Đó là một trải nghiệm rất mãnh liệt và nó bộc lộ tội lỗi của chính ông rõ ràng hơn những gì ông từng thấy trước đây khi so sánh với hành động thương xót của Thiên Chúa. Chắc hẳn ông đã rời khỏi nhà thờ với một cảm giác bí ẩn tràn ngập. Trở về New York, anh và những người bạn quay trở lại ngôi nhà nhỏ ở Olean. Mùa hè năm trước của họ thật vô tư, nhưng lần này Thế chiến thứ hai bùng nổ, và tâm trạng càng u ám hơn.
Mùa thu năm đó, Merton trở thành giảng viên dạy tiếng Anh tại trường đại học thánh Bônaventura. Lương tháng của anh 45 đô la một tháng, cộng thêm tiền ăn ở. Anh rất thích tinh thần Phanxicô của trường đại học nhưng không coi đó là một ơn gọi lâu dài. Khi chiến tranh ở châu Âu mở rộng, anh được yêu cầu đi khám sức khỏe nhưng bị từ chối vì răng xấu. Theo gợi ý của Dan Walsh, anh đã trải qua một cuộc tĩnh tâm Tuần Thánh tại đan viện Gethsemani, thuộc dòng Trappist, bắt đầu từ Chúa nhật Lễ Lá, ngày 5 tháng 4 năm 1941.
Đó là một trải nghiệm mạnh mẽ đối với Merton. Sự im lặng bao trùm tất cả mọi vật. Việc quan sát các đan sĩ hát thánh vịnh trong các Giờ Kinh Phụng Vụ đã khiến anh vô cùng cảm động. Thức ăn đơn giản, phòng khách trống trải, thời khóa biểu chặt chẽ của các đan sĩ, đã tạo nên một bầu không khí rất khác với cuộc sống hiện tại của mình. Anh bắt đầu thấy rằng kỷ luật của cuộc sống sẽ mang lại cho mình sự ổn định mà trước đây anh chưa từng có. Khi khóa tĩnh tâm kết thúc, anh nói rằng điều ước mong duy nhất là yêu mến Chúa, và điều duy nhất muốn làm là tuân theo ý Chúa. Anh tự hỏi liệu điều này có nghĩa là mình nên trở thành một tu sĩ dòng Trappist hay không.
Hồi ấy, anh thấy cảm kích với bà Catherine De Hueck Doherty, một đại gia người Nga, người mà anh đã gặp khi bà đến nói chuyện tại trường thánh Bônaventura. Bà đã thành lập Ngôi nhà tình nghĩa ở Harlem để phục vụ nhu cầu của người nghèo. Merton đã đến thăm, nhưng anh quyết định cần có một nơi chốn để có thời gian viết lách. Anh đã từ bỏ hầu hết tài sản của mình và vào ngày 10 tháng 12 năm 1941, anh đến đan viện Gethsemani bằng xe lửa. Không rõ Merton đã đi đến quyết định này như thế nào. Một số người cho rằng anh đang tìm kiếm sự ổn định trong cuộc sống hỗn loạn của mình. Mặc dù anh rất coi trọng đức tin Công giáo còn mới của mình, nhưng vẫn còn vài phong cách của trường Cambridge trong lối sống. Sự nghiêm khắc của đời sống đan tu có thể dạy cách kiểm soát những đam mê của mình. Vì vậy, Thomas Merton đã đến đan viện. John Paul, bào huynh của anh, đã gia nhập Lực lượng Không quân Canada.
Gia nhập đan viện Trappist
Merton đã được phỏng vấn bởi viện phụ, Dom Frederick Dunne, và được nhận làm thỉnh sinh vào hàng kinh sĩ. Vào thời ấy có sự phân biệt rõ ràng giữa các đan sĩ kinh sĩ và các trợ sĩ. Các kinh sĩ, với chức năng quan trọng nhất là phụng vụ, là các linh mục hoặc những người đang trong quá trình sẽ lãnh chức thánh, như Merton. Anh mặc áo trắng của tập sinh vào ngày 21 tháng 2 năm 1942, và được đặt tên mới là sư huynh, và sau khi thụ phong là Cha Louis.
Đan viện Gethsemani vào những năm 1940 là một nơi khắc nghiệt. Viện phụ cảnh báo các tập sinh rằng họ phải nhắm đến những đau buồn, hèn hạ, chay tịnh và mọi thứ mà bản tính con người ghét: thập giá. Vào thời đó, các tu sĩ ngủ trên nệm rơm. Nhà ngủ là một dãy phòng nhỏ được ngăn cách bằng tấm vách cao ngang vai. Nơi này lạnh vào mùa đông và nóng vào mùa hè. Các đan sĩ vẫn tự đánh mình bằng một cây roi nhỏ gọi là đánh tội vào ngày thứ Sáu khi đang đọc Kinh Lạy Cha. Trong Công hội thú lỗi, các tu sĩ “tố giác” với nhau về việc vi phạm tu luật, và mỗi đan sĩ phải chấp nhận hình phạt được đưa ra mà không thắc mắc. Các đan sĩ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Thư tín chỉ được gửi và nhận bốn lần một năm. Ở đó phải lao động chân tay nặng nhọc.
Nhân dịp kỷ niệm chuyến viếng thăm đầu tiên tới Gethsemani, Merton đã viết rằng đan viện là nơi duy nhất trên thế giới “nơi mà mọi thứ đều có ý nghĩa. Những gì mà tôi muốn làm nhất thì giờ đây tôi có thể cố gắng thực hành mà không gặp bất kỳ ngăn trở nào. Ngay khi bước vào trong đan viện, tôi biết mình đang tìm đúng chỗ ở.”[14] Cùng năm đó, 1942, người anh, John Paul, đến thăm Merton tại Gethsemani và được rửa tội theo đạo Công giáo. Năm sau, ông ta thiệt mạng khi chiếc máy bay của Lực lượng Không quân Canada bị rơi trên đường trở về sau một phi vụ ở Đức. Để đáp lại, Merton đã viết một bài thơ mà nhiều người coi là một trong những bài hay nhất, “Tặng người anh, được thông báo mất tích khi thi hành nghĩa vụ”.
Vào ngày 19 tháng 3 năm 1944, Merton đã hoàn tất năm tập và được tuyên khấn tạm, đồng ý ở lại thêm ba năm nữa. Cuốn sách đầu tay, Ba Mươi Bài Thơ, được xuất bản bởi New Directions. Đồng thời, được sự thúc giục của vịện phụ, anh bắt đầu viết cuốn tự truyện của mình, Núi Bảy Tầng. Cuốn sách kể lại cuộc đời của anh cho đến khi vào đan viện. Tiêu đề nhắc nhớ chương Luyện Ngục của Dante và bảy cấp độ luyện ngục mà Merton tin rằng mình phải leo lên khi thực hiện quá trình chuyển đổi từ cuộc sống trước đây sang cuộc sống của một đan sĩ.
Núi Bảy Tầng được xuất bản vào ngày 4 tháng 10 năm 1948. Các nhà kiểm duyệt của dòng Xitô đã giảm bớt độ dài của nó, và người bạn của anh là Robert Giroux, tại Harcourt Brace, đã đưa ra những đề xuất khác. Doanh số bán hàng ban đầu rất khiêm tốn, nhưng tin tức bắt đầu lan rộng. Tám tháng sau khi xuất bản, Giroux đã tặng Merton bản in thứ 100.000. Đó là một cuốn sách bán chạy nhất và vẫn tiếp tục được in cho đến ngày nay.
Thần học huyền bí
Núi Bảy Tầng là điểm khởi đầu cho nhiều người muốn nghiên cứu tư tưởng của Merton. Một trong những cuốn sách nổi tiếng hơn của ông là Những Hạt Giống Chiêm Niệm Mới, một phiên bản mở rộng và sửa đổi của cuốn sách trước đó, Những Hạt Giống Chiêm Niệm.[15] Ở đây, chúng ta tìm thấy một số ý tưởng cơ bản của anh về sự thần bí, được gọi là chiêm niệm trong cuốn sách này.
Hai chương đầu tiên tìm cách trả lời câu hỏi: Chiêm niệm là gì? Merton định nghĩa nó là “sự biểu hiện cao nhất của đời sống trí tuệ và tinh thần (của một người). Đó chính là cuộc sống, hoàn toàn tỉnh táo, hoàn toàn năng động, hoàn toàn nhận thức được rằng nó đang sống.” Sự sống và sự hiện hữu của chúng ta đến từ “Nguồn mạch vô hình, siêu việt và vô cùng phong phú. Trên hết, chiêm niệm là nhận thức về thực tế của Nguồn mạch đó.”[16] Đó chính là ý nghĩa của sự huyền bí, một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Nguồn mạch. Nó vượt quá “lý trí và đức tin thông thường. Đó là chiều sâu đức tin sâu sắc hơn, một kiến thức quá sâu sắc đến mức không thể nắm bắt được bằng hình ảnh, lời nói hay thậm chí bằng những khái niệm rõ ràng.”
Chiêm niệm nhận biết Thiên Chúa “dường như đụng chạm đến Người. Hay đúng hơn biết rằng mình được Thiên Chúa đụng chạm đến cách vô hình”[17] Đó là món quà của nhận thức đột ngột, “sự thức tỉnh về Thực tại; bên trong tất cả những gì là có thật.” Đó là món quà tình yêu ban không, không phải thứ chúng ta có thể đạt được bằng nỗ lực trí tuệ. “Đó là sự khai sáng làm thức tỉnh và sự hiểu biết trực quan đáng kinh ngạc mà nhờ đó tình yêu đạt được sự chắc chắn về sự can thiệp sáng tạo và năng động của Thiên Chúa vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.”[18]
Chương hai cho chúng ta biết chiêm niệm (thần bí) không phải là gì. Nó không cung cấp cho chúng ta một khái niệm về Thiên Chúa. Những gì một người trải nghiệm thì không thể diễn tả được. Merton viết, đó không phải là “một trạng thái xuất thần hay ngây ngất, cũng không phải là nghe được những lời bất chợt không thể thốt nên lời.”[19] Đó không phải là năng khiếu tiên tri hay khả năng đọc được bí mật của người khác. Đó không phải là một lối thoát khỏi thống khổ, xung đột, đau đớn hay nghi ngờ. Đó là sự thừa nhận rằng chúng ta không biết gì về Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa vượt xa mọi hình ảnh, khái niệm, từ ngữ hoặc lý luận. Nhà thần bí nhận thấy rằng Chúa không phải là một thứ có thể định nghĩa được. Đúng hơn, Thiên Chúa là một “Đấng Ai đó thuần túy”, Đấng khơi dậy nhận thức trước “cái tôi sâu thẳm” của chúng ta[20]. Đối với Merton, “không có ý tưởng nào về Ngài, dù trong sáng và hoàn hảo đến đâu, đủ sức để diễn tả Ngài thực sự là gì.”[21] Trong sự chiêm niệm, chúng ta đơn giản là lạc lối trong mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Trong một tiểu luận về “Những người Chiêm niệm và Khủng hoảng Đức tin” trên tạp chí Hành Trình Đan Tu , Merton đã viết rằng “tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi nếm trải Thiên Chúa”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “kiến thức thần bí… không chỉ là kiến thức mơ hồ về Thiên Chúa vô hình. Đó cũng là một kinh nghiệm về Thiên Chúa – một cuộc gặp gỡ cá vị và trìu mến với Đấng đã mạc khải chính Ngài cho chúng ta.”[22]
Trong một buổi nói chuyện dành cho các đan sĩ châu Á ở Bangkok, anh nói rằng cuộc chuyển hóa nội tâm là ý nghĩa của tất cả đời đan tu . “Nếu một lần nào, nhờ sự siêu thoát và tâm hồn trong trắng mà bạn thâm nhập vào được thâm cung bí mật ở đáy trải nghiệm thông thường của mình, bạn sẽ đạt được sự tự do mà không ai có thể chạm tới.”[23] Những gì Merton nói ở đây thực sự không khác gì những gì các nhà thần bí khác đã nói qua nhiều thế kỷ. Trải nghiệm thần bí mở ra cho chúng ta mầu nhiệm, mầu nhiệm về Thiên Chúa, Đấng không thể định nghĩa, mô tả hay phân tích được. Đó là lý do tại sao các nhà thần bí không thể kể lại cho chúng ta nhiều về trải nghiệm của họ. Nhiều người sẽ nói những gì họ trải nghiệm là nhận thức về tình yêu. Kinh nghiệm của họ được xem như một món quà ân huệ của một Thiên Chúa yêu thương. Nhận thức thần bí về Thiên Chúa đưa người ta đến một tầm cao mới, một chiều sâu vượt xa sự đa dạng tôn giáo, các công thức đạo lý, các tín điều và các thể chế giáo hội. Merton tin rằng có chân lý trong tất cả các tôn giáo. Ông nhìn thấy những điểm yếu của Giáo hội của mình cũng giống như những người theo Tin lành nhìn thấy những thiếu sót trong các giáo hội của họ. Anh đã đi tìm kiếm vượt lên các biên cương và thăm dò những bí ẩn.
Một trong những câu nói được trích dẫn nhiều nhất của Merton được tìm thấy trong Conjectures of A Guilty Bystander (Những phỏng đoán của một kẻ tội lỗi đứng ở bên ngoài). Sau nhiều năm ở trong đan viện, anh có dịp đến trung tâm thành phố Louisville. Ở đó, anh đã được một trải nghiệm khiến đời sống đan tu của mình có một góc nhìn mới. Khi đứng ở Fourth và Walnut trong một khu vực đông đúc người mua sắm, Merton nói: “Tôi chợt choáng ngợp khi nhận ra rằng tôi yêu tất cả những người đó, rằng họ là của tôi và tôi là của họ, rằng chúng tôi không thể xa lạ với nhau. mặc dù chúng tôi hoàn toàn xa lạ.” Điều này đã mang lại cho anh một cái nhìn mới về đời đan tu của mình. Khái niệm về một cuộc sống “thánh thiện” tách biệt là một ảo tưởng. Ý tưởng cho rằng do lời tuyên khấn, các đan sĩ đột nhiên trở thành một loài khác, những thiên thần giả tạo, những người thiêng liêng hoặc những con người sống đời nội tâm đều là không đúng sự thật. Merton không đặt câu hỏi về giá trị của đời đan tu và ơn gọi của mình. Tuy nhiên, bây giờ anh nhận ra rằng mình vẫn chỉ là một con người. Anh kết luận: “Tôi hưởng được niềm vui vô tận khi được làm con người, một thành phần của dòng dõi mà chính Thiên Chúa đã nhập thể.…Giá như mọi người có thể nhận ra điều này.…Không có cách nào để nói với mọi người rằng tất cả họ đều đang vòng quanh và tỏa sáng như mặt trời.”[24]
Các tác phẩm
Thư mục của Merton rất rộng lớn và tiếp tục phát triển. Nó bao gồm các sách, bài báo, thư từ, tạp chí và tài liệu chưa được xuất bản của Merton, cũng như những sách và bài báo của những người khác về Merton. Có một Hiệp hội Quốc tế về Thomas Merton (International Thomas Merton Society), cố gắng theo kịp các ấn phẩm mới và thúc đẩy các nghiên cứu về Merton. Trung tâm Nghiên cứu Merton tại Đại học Bellarmine lưu giữ một bộ sưu tập khổng lồ Mertoniana, và còn nhiều bộ sưu tập nhỏ hơn ở các trường cao đẳng và đại học khác.
Merton có nhiều sở thích. Anh đã trao đổi thư từ với mọi hạng người trên khắp thế giới, từ các nhà thơ và nhà văn nổi tiếng, đến các thần học gia, tử tù, học sinh trung học đang viết tiểu luận và cả những người không thể tin vào Chúa. Anh ấy nhận được nhiều thư đến độ thỉnh thoảng anh sao chép một bức thư chung và gửi cho nhiều người trong danh sách của mình.
Đối thoại đại kết và liên tôn
Merton là một con người có cái nhìn rất đại kết. Anh không quan tâm đến các Hội đồng các giáo hội hoặc các tổ chức khác thúc đẩy sự hiệp nhất giữa những Kitô hữu. Anh cho rằng những cuộc trò chuyện về vấn đề tâm linh có thể tạo ra sự đoàn kết hơn bất cứ điều gì khác. Mặc dù anh đã trở lại trong thời buổi đề cao vẻ huy hoàng của Công giáo, nhưng anh lại bắt đầu quan tâm đến truyền thống Tin lành. Anh đọc và trao đổi thư từ với các nhà thần học Tin lành lớn, tham gia đối thoại với các sinh viên chủng viện Tin lành, và tiếp đón những cuộc viếng thăm cá nhân của các nhà tư tưởng, giáo sư và lãnh đạo Tin lành[25]. Mối quan tâm của ông vượt ra ngoài Kitô giáo. Ông viết về Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, Đạo giáo và thậm chí cả các Đạo thờ vật linh. Merton là con người luôn tìm kiếm. Anh luôn tìm kiếm những ý tưởng mới, những chân lý mới, không giới hạn ở học thuyết, truyền thống hay văn hóa. Anh đã lên kế hoạch đi viếng thăm Nicaragua, Chile và Mexico để thiết lập các cộng đoàn, nhưng không thành. Viện phụ không muốn mất Merton và anh đã vâng lời. Anh muốn thành lập một trung tâm đan tu nơi mà các nhà trí thức có thể tụ tập để đối thoại, nhưng điều đó cũng không thành tựu. Lúc mới bắt đầu đời đan tu, anh đã tìm kiếm sự cô tịch hơn nữa bằng cách xin phép được chuyển đến Dòng Camaldoli hoặc Dòng Chartreux là những dòng ẩn sĩ, nhưng anh không được phép.
Cuối cùng, anh được phép chuyển đến một căn nhà nhỏ trong khuôn viên đan viện, nơi đã trở thành cái am ẩn tu của anh. Ý định nguyên thủy là cất một nơi gặp gỡ đại kết với anh em Tin lành. Lúc đầu, thỉnh thoảng anh chỉ được phép sống đó vài giờ đồng hồ. Viện phụ James Fox đã tăng dần thêm thời gian và cuối cùng, Merton được phép sống như ẩn sĩ toàn thời gian trong suốt ba năm cuối đời.
Gặp gỡ các tôn giáo Á Đông
Các tôn giáo Đông phương là mối quan tâm lớn của Merton, đặc biệt là phái Thiền tông. Cuốn sách Thần Bí Và Thiền Sư gồm nhiều bài tiểu luận về nhiều truyền thống tôn giáo. Một trong những lần hiếm hoi anh được phép rời đan viện là để thực hiện một chuyến đi ngắn ngày tới New York để thăm Daisetsu Teitarō Suzuki, một trong những vị thiền sư vĩ đại nhất thời ấy. Suzuki đã viết một cuốn sách so sánh thần bí Phật giáo với thần bí của Meister Eckhart, Thần Bí: Kitô Giáo Và Phật Giáo[26]. Merton đã muốn Suzuki viết lời giới thiệu cho cuốn sách của anh về các Sư phụ trên sa mạc, nhưng các bề trên Dòng không cho phép. The Way of Chuang Tzu của Merton là một cuốn sách về Đạo giáo mà anh nói rằng: “Tôi thích viết cuốn sách này hơn bất kỳ cuốn sách nào khác mà tôi có thể nhớ được.” [27]
Zen and The Birds of Appetite có một bài tiểu luận về “Trải nghiệm siêu việt”. Merton định nghĩa trải nghiệm siêu việt là “một trải nghiệm siêu-ngã mang tính siêu hình hoặc thần bí, đồng thời là một trải nghiệm về ‘Đấng Siêu việt’ hay ‘Tuyệt đối’ hay ‘Thiên Chúa’ không như là đối tượng mà là Chủ thể.”[28] Câu nói này hàm chứa đầy ý nghĩa. Trải nghiệm là khám phá thực chất của tất cả những gì hiện hữu bằng cách vượt qua bản ngã, đó là cái tôi giả tạo, hay vô-ngã như Merton gọi là cái tôi mà chúng ta đang sống và trở nên một với Bản Ngã của Chúa trong cái mà các nhà thần bí gọi là con đường kết hiệp.
Điều này vượt quá tầm mức bình thường về kinh nghiệm tôn giáo. Các nhà thần bí nói về việc từ bỏ bản ngã hay sự hủy diệt cái ngã. Một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa dường như khiến cho cái ngã trở nên vô nghĩa khi họ rơi vào trong nhận thức về Thiên Chúa. Merton đưa điều này vào viễn tượng của Kitô giáo. Đối với anh, trải nghiệm đặt nên tảng trên Chúa Kitô hoặc Thánh Linh ở trong chúng ta, nhờ đó nhà thần bí đồng hóa với Chúa Kitô. Như Thánh Phaolô đã giải thích: “Không còn là tôi sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đối với Merton, vấn đề là mang lấy tâm tình của Đức Kitô (1 Cr 2,16; Pl 2,5). Merton viết, nhà thần bí “không bao giờ thuần túy hay đơn giản là cái ngã hoàn toàn thực nghiệm.” Đó là con người “được đồng nhất với Chúa Kitô, nên một với Chúa Kitô”.
Người thần bí sống như thế nào? Không có câu trả lời nào cho câu hỏi này, nhưng chúng tôi nhận được một trợ giúp nhờ chính Merton. Một trong những người trao đổi thư từ với anh là ông Abdul Aziz, một quan chức chính phủ Pakistan đã nghỉ hưu. Ông ấy muốn biết Merton đã trải qua những ngày ở am ẩn dật như thế nào. Merton đã đưa ra một câu trả lời khá tường tận. Anh nói, cái am ở cách tu viện khoảng mười phút đi bộ, ẩn sâu trong rừng. Anh đi ngủ vào khoảng 7 giờ 30 tối. và thức dậy lúc 2 giờ 30 sáng. Anh nguyện Kinh Thần Vụ mà các đan sĩ đọc chung với nhau bảy lần một ngày. Sau đó, ông dành khoảng một giờ để suy ngẫm Lời Chúa và ăn sáng đơn giản, chủ yếu là bánh mì và trà hoặc cà phê. Anh đọc sách cho đến khi mặt trời mọc trong khoảng hai giờ tùy theo mùa.
Lúc mặt trời mọc, ông nguyện một giờ kinh khác Thần Vụ và sau đó làm công việc chân tay, thường bao gồm dọn dẹp cái am và chẻ củi. Đến 9 giờ sáng là đến giờ nguyện Kinh Thần Vụ, sau đó anh viết vài lá thư. Sau đó anh đi ra đan viện để dâng thánh lễ bởi vì ông chưa được phép cử hành thánh lễ ở trong am. Anh dùng bữa ở đan tu viện và trở về am.
Buổi chiều, anh đọc sách nhiều hơn, nguyện Kinh Thần Vụ và dành ra từ một đến hai tiếng đồng hồ để suy ngẫm. Khoảng 4 giờ chiều, anh cầu nguyện trong giờ Kinh Thần Vụ cuối cùng và chuẩn bị một bữa ăn tối đơn giản. Có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm, rồi anh đi ngủ.
Việc suy niệm của anh chú ý đến sự hiện diện của Thiên Chúa, ý muốn của Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa. Tất cả điều này đều dựa trên đức tin cần thiết để biết được sự hiện diện của Chúa. Anh không tưởng tượng ra bất cứ điều gì, anh cũng không có bất kỳ hình ảnh chính xác nào về Chúa trong đầu. Đúng hơn, Merton viết, “vấn đề tôn thờ Ngài là vô hình và vô cùng vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta.” Anh mô tả lời cầu nguyện của mình là “một kiểu vươn lên phát xuất từ cõi lòng của Hư không và Tĩnh mịch”. Anh nói rằng lời cầu nguyện của mình không phải là suy nghĩ về bất cứ điều gì, mà là “việc trực tiếp tìm kiếm Khuôn mặt của Đấng Vô hình, điều không thể tìm thấy trừ khi chúng ta lạc lối trong Đấng Vô hình.”[29]
Ký sự Á châu
Merton liên tục nhận được lời mời phát biểu hoặc tham dự các hội nghị, nhưng viện phụ thời đó luôn từ chối sự cho phép. Tuy nhiên, khi nhận được lời mời tham dự một cuộc họp của các đan sĩ châu Á ở Thái Lan vào tháng 12 năm 1968, anh đã được tân viện phụ cho phép lên đường. Hành trình sẽ bao gồm nhiều chuyện, ngoài việc tham dự một hội nghị. Anh dự tính sẽ đến thăm Calcutta, New Delhi, dãy núi Himalaya, Madras, Ceylon (nay là Sri Lanka) và Bangkok. Do cái chết bất ngờ, anh không thể thăm viếng Indonesia, Hồng Kông, Miến Điện, Nepal và Nhật Bản. Anh muốn gặp càng gỡ nhiều vị đạo sư càng tốt: các học giả, các Lạt ma, các cao tăng, các thiền sư, các nhà sư, các nhà hiền triết, các guru và bậc thầy và rōshis[30]. Ký sự Á châu của Merton là một nguồn tài liệu phong phú để hiểu về con người của anh. Ở đây chúng ta tìm hiểu lý do tại sao anh lại bị thu hút bởi các tôn giáo Đông phương, cuối cùng anh đang tìm kiếm điều gì và anh thực sự hiểu tôn giáo như thế nào. Nó không chỉ chứa các ghi nhận nhật ký mà còn có một số thư từ và bài tiểu luận nổi bật
Ký sự bắt đầu bằng việc anh cất cánh trên chiếc máy bay Pan American ở San Francisco. Merton viết rằng cuối cùng anh đã “đi đúng con đường của mình sau nhiều năm chờ đợi, băn khoăn và loay hoay”. Anh đã nói rõ mục tiêu của mình: “Mong sao tôi không trở về khi chưa giải quyết xong đại sự.” Thật là không rõ “đại sự” nói đây là gì, nhưng ý tưởng sẽ được giải thích dần dần dọc theo cuộc hành trình.
Một trong những điểm nổi bật của chuyến đi bao gồm một loạt những cuộc hội kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Lần thứ nhất là vào buổi chiều ngày 4 tháng 11 năm 1968[31]. Một chuyến đi dài lên núi trên chiếc xe Jeep đã đưa ông đến cung điện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nơi hộ chiếu của Merton bị một quan chức Ấn Độ kiểm tra. Merton mô tả Đức Đạt Lai Lạt Ma là “một nhân vật rất uy nghi. Ông ấy mạnh mẽ và lanh lợi, to lớn hơn là tôi nghĩ ”. Ông ấy là một “con người rất vững vàng, mạnh mẽ, hào phóng và ấm áp”. Toàn bộ cuộc trò chuyện là về tôn giáo, triết học và thiền định Merton nói về mối quan tâm cá nhân và sự trân trọng thần bí Tây Tạng. Đức Lạt Ma gợi ý rằng anh nên nghiên cứu các triết lý Đông phương và những cuốn sách mà ông nên đọc, đồng thời thúc giục Merton phát triển nền tảng vững chắc về siêu hình học. Ngài hứa sẽ có một cuộc trò chuyện khác sau hai ngày nữa.
Giữa những cuộc trò chuyện đó, Merton nghĩ về cuộc sống và tương lai của chính mình. Anh đã có lượng định mới về am ẩn dật của mình tại đan viện Gethsemani. Nó thực sự mang lại sự yên tĩnh cho loại hình nghiên cứu và thiền định mà đức Lạt Ma đề xuất. Anh cũng nghĩ đến việc chuyển đến một am ẩn dật ở Alaska, nơi mà sẽ ít bị xao lãng và gián đoạn hơn. Tiếp theo đó, ký sự ghi lại nhiều câu chuyện với các nhà sư. Vài vị cao tăng được tham khảo ý kiến đã phản đối sự cô tịch tuyệt đối và gợi ý rằng Merton nên sống cô tịch trong khoảng một năm và sau đó sẽ ra ngoài một thời gian. Anh cho rằng những ngày vừa rồi ở Ấn Độ đã “cực kỳ hiệu quả về mọi mặt”. Anh viết, ở đây, có nhiều điều mình không hiểu rõ lắm, nhưng có lẽ cũng chẳng cần phải hiểu. Mặc dù yêu quý đan viện Gethsemani và nói với các đan sĩ rằng anh sẽ mãi mãi là đan sĩ tại đó nhưng anh thấy rằng mình cần phải rời xa đó một thời gian dài. Những thất vọng của anh đối với Gethsemani và Dòng Xitô đã tạo ra nhu cầu phải chuyển đổi sang một khung cảnh khác và giải quyết nhiều vấn đề.
Vào ngày 6 tháng 11, anh có buổi tiếp kiến lần thứ hai với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Có một số cuộc thảo luận về các vấn đề triết học, và Merton gặp chút khó khăn khi trình bày cho Đức Lạt Ma ý kiến của mình. Nhưng sau đó họ quay trở lại vấn đề thiền định. Đức Lạt ma đã trình bày tư thế ngồi thiền mà ngài cho là cần thiết. Tiếp theo, cuộc trò chuyện chú trọng vào việc “quán định”. Merton gọi đó là một “cuộc trò chuyện sôi nổi” mà cả hai bên đều thích thú. Anh viết trong Ký sự rằng Đức Lạt Ma “nhấn mạnh đến sự siêu thoát, về một ‘cuộc sống xuất thế’ nhưng vẫn coi đó là một cách để hiểu biết đầy đủ và tham gia vào các vấn đề của cuộc sống và thế giới.” Ngài mời Merton quay lại để trò chuyện về nếp sống đan tu bên Tây phương.
Merton kể lại rằng cuộc hội kiến lần thứ ba với Đức Đạt Lai Lạt Ma là tuyệt vời hơn cả. Ngài muốn biết về các lời khấn. Các lời khấn đan tu phương Tây có mối liên hệ gì việc truyền thụ tâm linh không? Các đan sĩ Tây phương, sau khi tuyên khấn hứa, có tiến bộ gì đến “sự giác ngộ” không? Những phương pháp khổ hạnh nào đã giúp thanh lọc tâm trí họ khỏi đam mê? Ngài quan tâm đến “đời sống huyền bí” hơn là những việc tuân giữ kỷ luật bên ngoài. Tại sao các đan sĩ không ăn thịt? Còn đồ uống có cồn và phim ảnh thì sao? Merton kết luận: “Đó là một cuộc thảo luận rất ấm áp và thân tình và cuối cùng tôi cảm thấy chúng tôi đã trở thành những người bạn rất tốt và bằng cách nào đó khá thân thiết với nhau”. Merton đã viết trong một lá thư gửi về đan viện Gethsemani: “Tôi hy vọng tôi có thể mang trở lại tu viện của mình một điều gì đó về trí huệ châu Á mà tôi may mắn được tiếp xúc”.
Một trong những phần khó hiểu và bí ẩn nhất trong hành trình của Merton là đến tàn tích Polonnaruwa ở Ceylon (nay là Sri Lanka). Polonnaruwa là một thành phố cổ được người theo đạo Hindu và đạo Phật coi là thánh địa. Merton lưu ý rằng ở đây “ít người, không có người ăn xin, đường đất. Hoang tàn.” Sau đó, anh tìm thấy một khu phức hợp nhiều đan viện. Có những tàn tích của cung điện và đền thờ. Anh đi cùng với cha tổng đại diện giáo phận địa phương, một người dị ứng với các tôn giáo khác. May mắn thay, cha lùi lại để Merton có thể tiến đến gần các bức tượng Phật, đi chân trần mà không khó chịu vì chạm đến trên cát và cỏ ướt. Merton vô cùng xúc động trước ba bức tượng khổng lồ: một tượng Đức Phật ngồi, một tượng Đức Phật nằm và một bức tượng lớn của một đệ tử của ngài đứng bên đầu tượng Đức Phật nằm[32]. Anh cảm động trước “sự im lặng của những khuôn mặt phi thường. Những nụ cười tuyệt vời. To lớn nhưng mà tinh tế. Tràn đầy mọi quyền năng, không hỏi gì, biết hết mọi thứ, không từ chối gì, bình yên.”
Merton đã viết trong nhật ký của mình rằng anh đã “bị đánh gục” bởi sự sáng sủa của những bức tượng, hình dạng, đường nét và thiết kế của chúng. Anh nói rằng đột nhiên, gần như bị ép buộc, bị giật ra khỏi cách nhìn thông thường của mình về sự vật. Sự trong sáng nội tâm dường như bùng nổ từ những tảng đá. Vào thời điểm đó “không có câu đố, không có vấn đề và thực sự không có gì bí ẩn”. Anh đã trải nghiệm “cảm giác về vẻ đẹp và giá trị tinh thần cùng tồn tại trong một ánh sáng thẩm mỹ.” Những người yêu mến Thomas Merton mong ước gì biết được ý đinh của anh khi nói: “Tôi biết và đã nhìn thấy những gì tôi đang tìm kiếm một cách mù mờ. Tôi không biết còn lại gì nữa không, nhưng bây giờ tôi đã nhìn thấy và chọc thủng bề mặt và vượt ra khỏi bóng tối và sự trá hình.”
Giống như tất cả những trải nghiệm thần bí, trải nghiệm này không thể diễn tả được. Anh nói rằng không thể viết được về nó. Một người ở trường đại học Phật giáo nói với Merton: “Những kẻ tạc những bức tượng đó không phải là người phàm”.
Sau trải nghiệm này, anh đến Singapore và đã có một cuộc thăm viếng ngắn ngủi với vợ chồng một giáo sư triết học; sau đó đến Bangkok, Thái Lan, để tham dự hội nghị vốn là mục tiêu đầu tiên của chuyến đi. Một viện phụ người Hà Lan đến khách sạn và đưa anh đến trung tâm hội nghị Chữ Thập Đỏ nơi cuộc họp sẽ được tổ chức, cách Bangkok khoảng ba mươi cây số.
Tiết mục cuối cùng được ghi trên Ký sự Á châu ghi rằng hôm ấy là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, anh sẽ cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Louis và sau đó đi đến trung tâm Chữ Thập Đỏ. Cùng ngày hôm ấy, anh gửi một lá thư cho thư ký của mình tại Gethsemani, anh Patrick Hart, trong đó có đoạn viết: “Tôi nghĩ đến tất cả các bạn trong Ngày Lễ này và khi lễ Giáng sinh đến gần, tôi cảm thấy nhớ nhà Gethsemani.”[33] Tại hội nghị, anh đã thuyết trình về “Chủ nghĩa Marx và những viễn tượng đan tu viện”.
Vào ngày 10 tháng 12 năm 1968, đan viện Gethsemani nhận được điện tín từ Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok thông báo rằng Thomas Merton đã qua đời. Không ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra nhưng có vẻ như anh đã trở về phòng để tắm và nghỉ ngơi. Vừa tắm xong, anh vẫn còn ướt, chạm vào một chiếc quạt điện và có lẽ bị chập điện. Thi hài của Merton được tìm thấy nằm trên sàn với bệ quạt cao ngang người. Da thịt của ông có vài vết bỏng. Nguyên nhân chính thức của cái chết là do tai nạn điện giật.
Như thế đã kết liễu cuộc đời của một người có ảnh hưởng tinh thần lớn trong thế kỷ XX. Chúng ta tự hỏi anh sẽ làm được gì nhiều hơn nếu sống lâu hơn. Nỗi buồn phủ lên đan viện Getsemani và trong lòng nhiều độc giả của ông. Tuy nhiên, các sách của anh vẫn tiếp tục được đọc và có nhiều nhóm Merton đang hoạt động trên khắp thế giới; những ấn phẩm mới về anh tiếp tục xuất hiện; và Merton vẫn thay đổi cuộc sống của mọi người. Ông đã đưa thần bí vào thế kỷ XX, đồng thời các bài viết của ông về phân biệt chủng tộc, hòa bình và chiến tranh hạt nhân vẫn không mất đi tầm quan trọng của chúng. Chúng tôi đọc chúng và thấy chúng phù hợp đến mức nghe như thể chúng được viết ngày hôm nay.
Kiến thức của Merton về truyền thống thần bí Kitô giáo rất sâu sắc và rộng rãi, và anh bắt đầu khám phá chiều sâu của nền thần bí trong Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Đạo giáo và Hồi giáo. Tất cả những điều này đã gây được tiếng vang với những người đang tìm kiếm chiều sâu hơn những gì mà các giáo hội truyền thống Tây phương đã cung cấp. Những ai trong chúng ta yêu thích tiềm năng của đạo lý thần bí đều mắc một món nợ lớn với Merton.
Dưới nhiều khía cạnh, cuộc đời sống của Merton có những tương đồng với cuộc đời của thánh Augustinô: một cuộc sống phóng túng không có phương hướng; một cảm giác rằng phải có điều gì đó tốt hơn; và một mối quan tâm lơ mơ về đến tôn giáo lúc thăng lúc trầm, và hầu như tàn lụi. Nếu bạn đọc các bài viết của ông theo thứ tự thời gian, (điều gần như không thể thực hiện được), bạn sẽ thấy một sự tiến triển liên tục từ một người mới trở lại Công giáo bảo thủ và đan sĩ dòng Trappist đến một người quan tâm đến Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo, với một vài điều bàn thêm về các Đạo thờ Vật linh. Những bậc thầy của ông bao gồm từ các giáo sư thần học và văn học tại Đại học Columbia cho đến Đại Thiền sư D. T. Suzuki và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Merton trao đổi thư từ với các nhà thơ và nhà văn trên khắp thế giới và luôn tìm kiếm những kiến thức và trải nghiệm mới. Anh ấy đã vượt qua các biên cương và bỏ họ lại đàng sau. Tuy nhiên, anh vẫn tiếp tục khẳng định đức tin Kitô giáo của mình ngay vào chính ngày lìa trần.
Thomas Merton kêu gọi chúng ta tiếp tục tìm kiếm, thăm dò và luôn đào sâu đời sống nội tâm của mình bao lâu chúng ta còn sống.
———————————
Phụ thêm
Thư tịch về Thomas Merton rất phong phú.
Có thể tham khảo bài Thomas Merton’s Life And Work tại http://merton.org/chrono.aspx#links
The Thomas Merton Center at Bellarmine University | 2001 Newburg Rd, Louisville KY, 40205
[1] Thomas Merton, The Sign of Jonas (New York: Harcourt, Brace & Co., 1953), 349.
[2] Merton, Sign of Jonas, 358
[3] Merton, Sign of Jonas, 361.
[4] Edward Rice, The Man in the Sycamore Tree (Garden City, NY: Doubleday, 1970), 25.
[5] See James Harford, Merton and Friends: A Joint Biography of Thomas Merton, Robert Lax, and Edward Rice (New York: Continuum, 2006).
[6] Rice, Sycamore Tree, 25
[7] Étienne Gilson, The Spirit of Medieval Philosophy, trans. A. H. C. Downes (New York: Charles Scribner’s Sons, 1940).
[8] Thomas Merton, The Seven Storey Mountain (New York: Harcourt, Brace & Co., 1948), 175
[9] Merton, Seven Storey, 180.
[10] Merton, Seven Storey, 260.
[11] Merton, Seven Storey, 276–77
[12] Merton, Seven Storey, 259
[13] Thomas Merton, Run to the Mountain: The Journals of Thomas Merton, vol. 1 (1939–1941), ed. Patrick Hart, OCSO (San Francisco: HarperSanFransico, 1995), 218. Xem thêm The Secular Journal of Thomas Merton (Garden City, NY: Doubleday, 1969), 76–78.
[14] Jim Forest, Living with Wisdom: A Life of Thomas Merton, rev. ed. (Maryknoll, NY: Orbis, 2008), 81.
[15] Thomas Merton, New Seeds of Contemplation (New York: New Directions Books, 1962).
[16] Merton, New Seeds, 1.
[17] Merton, New Seeds, 2–3.
[18] Merton, New Seeds, 5.
[19] Merton, New Seeds, 10.
[20] Merton, New Seeds, 13
[21] Merton, New Seeds, 15
[22] Thomas Merton, “Contemplatives and the Crisis of Faith,” in The Monastic Journey, ed. Brother Patrick Hart, OSCO (Kansas City: Sheed, Andrews and McMeel, 1977), 176–77
[23] Trích dẫn trong “The Monk” bởi John Eudes Bamberger trong: Thomas Merton: A Monastic Tribute, ed. Brother Patrick Hart, OSCO (New York: Sheed & Ward, 1974), 56.
[24] Thomas Merton, Conjectures of a Guilty Bystander (Garden City, NY: Doubleday, 1966), 140–41.
[25] See William Oliver Paulsell, Merton and the Protestant Tradition, The Fons Vitae Thomas Merton series (Louisville: Fons Vitae, 2017).
[26] D. T. Suzuki, Mysticism: Christian and Buddhist (New York: Dell, 1961).
[27] Thomas Merton, The Way of Chuang Tzu (New York: New Directions, 1969), 10.
[28] Thomas Merton, Zen and the Birds of Appetite (New York: New Directions, 1968), 71.
[29] Thomas Merton, The Hidden Ground of Love: The Letters of Thomas Merton on Religious Experience and Social Concerns, ed. William H. Shannon (New York: Farrar, Straus & Giroux, 1985), 62–64.
[30] Brother Patrick Hart, in “Foreword” to The Asian Journal of Thomas Merton by Thomas Merton, ed. Brother Patrick Hart, James Laughlin, et al (New York: New Directions, 1968), xxiv–xxv.
[31] Merton, Asian Journal, 100–125.
[32] Merton, Asian Journal, 233–36.
[33] Merton, Asian Journal, 257