Thời Sự Thần Học: Thần Học Lịch Sử & Lịch Sử Thần Học – Số 72

0
2109


 

LỜI GIỚI THIỆU

Người ta thường trách rằng giới trẻ Việt Nam yếu về môn sử học. Có lẽ nhiều chuyên viên đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này, nhưng không rõ đã mấy ai đặt câu hỏi: Lịch sử là gì? Phải chăng đó là học thuộc lòng niên biểu của các biến cố?

Như sẽ thấy qua các bài viết dưới đây, “lịch sử” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa:

– 1/. Thường lịch sử được hiểu như là một “di tích” thuộc về quá khứ mà ta cần phải ghi nhớ và bảo tồn; tuy vậy đôi khi lịch sử cũng được hiểu về hiện tại và tương lai nữa, chẳng hạn như khi nói “bên dòng lịch sử; chịu trách nhiệm trước lịch sử”.

– 2/. Có khi lịch sử được hiểu về những sự kiện hoặc biến cố đã xảy ra, đôi khi nó được hiểu về môn học ghi lại các biến cố đó (trước đây gọi là “sử ký”). Trong các ngôn ngữ châu Âu, có sự phân biệt giữa “histoire”“historiographie”, đó là chưa kể sự phân biệt trong tiếng Anh giữa history và story hoặc trong tiếng Đức giữa geschichte và historie!

– 3/. Ngoài ra, bên cạnh chuyện viết lại và giải thích các biến cố lịch sử, có người còn muốn đi tìm ý nghĩa của lịch sử, quen được gọi là “triết lý về lịch sử” (khác với lịch sử triết học): lịch sử chỉ là một chuỗi những chuyện xảy ra ngẫu nhiên, hoặc có một sự liên hệ giữa các biến cố dẫn đến một mục tiêu nào đó? Trong bối cảnh ấy, nảy ra câu chuyện “thần học lịch sử”, mà ta có thể hiểu theo hai nghĩa: “thần học về lịch sử”, hoặc “lịch sử của thần học”.

Trong thế kỷ XX, những cuộc nghiên cứu sử học đã góp phần rất lớn cho sự tiến triển thần học. Một đàng phong trào “trở về nguồn” đã cho thấy Giáo Hội (cũng như thần học) không phải là một định chế bất động cứng nhắc, nhưng đã trải qua nhiều cuộc canh tân thay đổi. Hơn thế nữa, chiều kích lịch sử là một yếu tố cấu thành của Kitô giáo: khác với các tôn giáo và các triết học cổ thời, mạc khải của Kitô giáo gắn liền với một lịch sử, “lịch sử cứu độ”. Ý thức về “lịch sử” không những giúp thần học có một cái nhìn năng động về Giáo Hội (mạc khải, phụng vụ, tín điều, các định chế,… không phải là những phạm trù cố định cứng nhắc), mà còn giúp cho Giáo Hội ý thức rằng mình là một cộng đồng trên đường lữ hành. Nói cách khác, lịch sử không chỉ liên quan đến những chuyện đã xảy ra trong quá khứ mà còn hướng đến tương lai. Dưới cặp mắt đức tin, lịch sử không phải là một chuỗi những biến cố xảy đến do ngẫu nhiên, nhưng nằm trong một kế hoạch rộng lớn, hướng về một cứu cánh tuyệt đối ở cuối dòng lịch sử.

Các bài trong số này có thể chia làm hai nhóm: “Thần học lịch sử”“Lịch sử thần học”. Nhóm thứ nhất gồm những nghiên cứu về các quan điểm thần học về lịch sử (tương tự như các quan điểm về lịch sử – sử quan – trong triết học): Lịch sử là gì? Lịch sử có ý nghĩa gì không? Nhóm thứ hai gồm những bài giới thiệu lịch sử của thần học và của các nền thần học khác nhau trong Giáo Hội. Khỏi nói ai cũng biết, những đề tài này ít khi được thảo luận trong các Chủng Viện hoặc Học Viện thần học tại Việt Nam.

I. THẦN HỌC LỊCH SỬ

“Thần học lịch sử” có thể hiểu theo hai nghĩa:

– a/. Thần học lịch sử (Historical theology) nghiên cứu các “nguồn mạch” và sự tiến triển của đạo lý (đôi khi cũng gọi là “thần học thực chứng”, Positive theology); nó khác với lối tiếp cận suy diễn của “thần học hệ thống” (Systematic theology).

– b/. Tìm hiểu ý nghĩa của lịch sử theo thần học Kitô giáo (Theology of history). Ở đây chúng ta bàn theo nghĩa thứ hai.

1. Trong bài viết mở đầu “Thiên Chúa ngươi ở đâu? Vài tiền đề của suy tư thần học về lịch sử vào đầu thế kỷ XXI”, linh mục Juan Alberto Casas Ramírez gợi lên những bối cảnh định hướng cho những câu hỏi về tác động của Thiên Chúa trong lịch sử: Lịch sử là gì? (Những quan niệm khác nhau về lịch sử, cách riêng sự khác biệt giữa “biến cố” và “sử ký”); Thế giới này có liên quan gì với Thiên Chúa không? Có ba lối trả lời cho câu hỏi thứ hai, tùy theo quan niệm về tương quan giữa Thiên Chúa với lịch sử: tha lực – tự lực – thiên lực (heteronomy, autonomy, theonomy).

2. Tiếp đến, trong bài “Ý nghĩa của lịch sử theo Kitô giáo: hy vọng và tình yêu lân tuất” linh mục Pedro Barrajón giới thiệu ba đường lối tiếp cận của các tác giả Kitô giáo về ý nghĩa lịch sử: thánh Augustin, viện phụ Joakim de Fiore, triết gia Giambattista Vico, tượng trưng cho ba thời đại (Giáo phụ – Trung đại – Cận đại). Sau đó, theo tác giả, chìa khóa của lịch sử có thể tìm thấy nơi thập giá Đức Kitô, nơi biểu lộ tình yêu lân tuất của Thiên Chúa. Thiết tưởng đây là một đề tài rất thời sự trong Năm Thánh lòng Chúa Thương xót (lân tuất).

3. Lịch sử Giáo Hội là một môn được dạy tại tất cả các Chủng Viện và Học Viện thần học. Trong thế kỷ XX, môn này đã bị xét lại: đó là một môn lịch sử (cũng giống như lịch sử các thể chế khác) hay là một môn thần học? Sự khó khăn nằm trong chính bản chất của nó:

– a/. “Lịch sử” có thể hiểu như là những biến cố đã xảy ra, và cũng có thể hiểu như là “sử ký”, ghi lại và giải thích các biến cố đó.

– b/. “Giáo Hội” có thể hiểu như một tổ chức xã hội nhân loại, hoặc như một thực thể siêu nhiên. Cha Alvarez Gomez cho thấy các vấn đề được đặt ra khi viết lịch sử Giáo Hội: một đàng phải tuân theo những tiêu chuẩn thực nghiệm của môn sử học, đàng khác cần phải nhìn Giáo Hội dưới quan điểm thần học nữa, một thực thể vừa siêu nhiên vừa hữu hình, vừa mang chiều kích hằng cửu vừa mang dấu tích thời gian.

II. LỊCH SỬ THẦN HỌC

Nhóm thứ hai gồm những bài viết về lịch sử của khoa thần học. Trong chương trình đào tạo tại các Chủng Viện và Học Viện ở Việt Nam, có ghi môn “Lịch sử Giáo Hội” chứ không có môn “Lịch sử thần học”. Phải hiểu lịch sử thần học như thế nào?

4. Trước hết, giáo sư Rovira Belloso cho thấy những quan niệm khác nhau về thần học trải qua 20 thế kỷ lịch sử Kitô giáo. Kể cả vào thời nay, phương pháp thần học cũng khác nhau trong các ngành thần học nền tảng, thần học lịch sử, thần học hệ thống. Ở cuối bài, độc giả có thể tìm thấy thư mục về lịch sử thần học: lịch sử thần học, lịch sử đạo lý, lịch sử thần học tâm linh.

5. Ngày nay, với chủ trương hội nhập văn hóa, thần học mang nhiều bộ mặt khác nhau tùy theo mỗi lục địa hoặc quốc gia. Tuy nhiên, chưa biết các nền thần học ấy sẽ tồn tại được bao lâu. Đối lại, lịch sử cho thấy hai Truyền thống thần học lớn của các Giáo Hội Đông phương và Giáo Hội Tây phương (Hy Lạp và Latin). Trong quá khứ, không thiếu những hiểu lầm giữa đôi bên, dẫn tới sự ly khai giữa Constantinopolis và Rôma (1054): bên này kết án bên kia là lạc giáo! Nhờ những nghiên cứu lịch sử gần đây, người ta nhận thấy rằng, đôi bên cùng có chung một đức tin, chỉ khác nhau trong phương pháp thần học, những lối tiếp cận hoặc những lối nhấn khác nhau. Các sự khác biệt ấy làm cho việc hiểu biết đức tin thêm phong phú. Cha Raniero Cantalamessa cho thấy điều đó khi trình bày bốn chân lý căn bản của đức tin:

– a/. Mầu nhiệm Tam Vị;

– b/. Mầu nhiệm Đức Kitô;

– c/. Thánh Linh;

– d/. Ơn cứu độ.

Hai bài cuối cùng của số này mang tính “thời sự”:

6. Linh mục Phan Tấn Thành giới thiệu Tông huấn Amoris laetitia về tình yêu trong gia đình, được Đức Phanxicô ban hành ngày 19/3/2016.

7. Phương thức học và việc thay đổi phương thức học của sinh viên đại học là đề tài bài thuyết trình của Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, phó viện trưởng viện Sư Phạm Kỹ Thuật (Tp. HCM), tại giảng đường Trung Tâm Học Vấn Đaminh, ngày 23/4/2016.

Số báo này có thể xem như bổ túc cho số 54 (tháng 11/2011), bàn về “Những nguồn mạch thần học”, mở đầu với bài viết “Thời sự thần học – thần học thời sự” (trang 5-26), trong đó có đề cập nguồn gốc của khái niệm “Dấu chỉ thời đại”.

Trung Tâm Học Vấn Đaminh

***

NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

 

THIÊN CHÚA NGƯƠI Ở ĐÂU? Vài tiền đề cho suy tư thần học về lịch sử vào đầu thế kỷ XXI_Juan Alberto Casas Ramírez

Ý NGHĨA CỦA LỊCH SỬ THEO KITÔ GIÁO: Hy vọng và tình yêu lân tuất_Pedro Barrajón

LỊCH SỬ GIÁO HỘI: SỬ HỌC HAY THẦN HỌC?_Jesús Álvarez Gómez

NHỮNG QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU VỀ THẦN HỌC TRẢI QUA LỊCH SỬ KITÔ GIÁO_José M. A. Rovira Belloso

THẦN HỌC ĐÔNG PHƯƠNG VÀ THẦN HỌC TÂY PHƯƠNG_Raniero Cantalamessa

GIỚI THIỆU TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU_Phan Tấn Thành

PHƯƠNG THỨC HỌC TẬP Ở ĐẠI HỌC_Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường

 

 

—————————-

Ghi chú:

– Các Ấn phẩm của Anh Em Đaminh được bán tại Thư Viện Trung Tâm Học Vấn Đaminh, Nhà Sách Martino (Giáo Xứ Đaminh – Ba Chuông), Nhà Sách Đức Bà Hòa Bình và một số Nhà sách Công giáo khác.

– Các Chủng Viện và Học Viện đặt mua số lượng nhiều, có thể liên hệ với chúng tôi qua email:
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

HỌC VIỆN – TRUNG TÂM HỌC VẤN ĐAMINH, 90 Nguyễn Thái Sơn, Phường 3, Quận Gò Vấp, Tp. HCM