THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 99, THÁNG 02/2023

0
1498

CHỦ ĐỀ : BỘ GIÁO LUẬT – BỐN MƯƠI NĂM SAU 

_LỜI GIỚI THIỆU_

Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 40 năm ban hành Bộ Giáo luật (ngày 25-1-1983). Cách đây 10 năm, Thời sự Thần học đã dành ba bài viết trong Số 59 (tháng 2-2013) để kỷ niệm 30 năm ban hành. Lần này trọn số 99 được dành cho việc nhìn lại toàn thể Bộ Giáo luật, đã được sửa đổi khá nhiều dưới triều đại của Đức thánh cha Phanxicô, với việc cải tổ hoàn toàn Quyển VI bàn về chế tài, và một phần Quyển VII về thủ tục tố tụng trong việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu.

Trước hết, chúng tôi điểm qua những khoản luật đã được thêm vào, sửa đổi, thu hồi. Kế đó, chúng tôi sẽ phân tích những lãnh vực được sửa đổi nhiều hơn cả, liên quan đến: tổ chức giáo triều, đời sống thánh hiến, tố tụng hôn nhân, chế tài. Sau cùng, đối chiếu Bộ Giáo luật Latinh với Bộ Giáo luật các Giáo hội Đông phương (được ban hành ngày 18-10-1990).

1. NHỮNG ĐIỀU LUẬT ĐƯỢC SỬA ĐỔI

Bài này gồm hai phần: phần thứ nhất là cái nhìn tổng quan những khoản luật đã được sửa đổi; phần thứ hai là bản dịch các điều luật được sửa đổi, do Linh mục Giuse Đỗ Đức Dũng, SDB thực hiện.

2. CUỘC CẢI TỔ GIÁO TRIỀU ROMA : NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐỊNH HƯỚNG

Bộ Giáo luật 1983 chỉ dành hai điều 360-361 cho giáo triều Roma. Vào lúc soạn thảo, một dự luật về giáo triều đang được bàn thảo và được ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày 28 tháng 6 năm 1988 với Tông hiến Pastor bonus, thay đổi Tông hiến Regimini Ecclesiae universae của ĐTC Phaolô VI ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1968. Ngay từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ lãnh đạo Giáo hội, ĐTC Phanxicô đã xúc tiến một cuộc cải tổ giáo triều, và kết quả là Tông hiến Praedicate evangelium được ban hành ngày 19 tháng 3 năm 2022.

Tông hiến gồm 11 phần: (1) Dẫn nhập. (2) Những nguyên tắc và tiêu chuẩn phục vụ của giáo triều Roma. (3) Các quy tắc tổng quát. (4) Phủ Quốc vụ khanh. (5) Các Bộ. (6) Các cơ quan công lý. (6) Các cơ quan kinh tế. (7) Các Sở. (8) Các luật sư. (9) Các cơ quan trực thuộc Tòa thánh. (11) Những điều khoản chuyển tiếp.

Trong bài này, linh mục Gianfranco Ghirlanda, S.J. (thăng hồng y ngày 27 tháng 8 năm 2022), nguyên khoa trưởng giáo luật và viện trưởng đại học Gregoriana, giới thiệu những nét chính của văn kiện này, đặc biệt qua việc phân tích những nguyên tắc của việc cải tổ.

Nên lưu ý về danh xưng của các “Bộ”. Trước đây, trong tiếng Latinh, các bộ được gọi là “Congregationes” theo nguyên gốc là các cuộc họp của các hồng y để nghiên cứu và giải quyết một vấn đề nào đó. Sau công đồng Vaticano II, xuất hiện thêm các “Secretariatus” (Văn phòng) và “Consilia” (Hội đồng) mang tính cách nghiên cứu hơn là quyết định. Từ nay, tất cả các cơ quan trung ương này đều được gọi là “Dicasteria” (gốc từ tiếng Hy-lạp dikasterion có nghĩa là nơi xét xử), và thiết tưởng vẫn có thể dịch sang tiếng Việt là “Bộ” (tuy bao gồm cả các Hội đồng trước đây).

3. NHỮNG THAY ĐỔI PHÁP LÝ VỀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Trong quyển Hai của Bộ Giáo luật, ngoài giáo triều Roma, những thay đổi đáng kể hơn cả liên quan đến đời sống thánh hiến. Linh mục Phan Tấn Thành điểm qua các văn kiện của Tòa thánh về nếp sống này, và chú ý cách riêng đến những sửa đổi về việc thành lập các hội dòng mới, việc rời bỏ hội dòng và đời sống các nữ đan sĩ chiêm niệm.

4. QUYỂN VI : CHẾ TÀI

Quyển Sáu của Bộ Giáo luật đã được duyệt lại hoàn toàn, và luật mới được ĐTC Phanxicô ban hành ngày 23-5-2021 với Tông hiến Pascite gregem Dei. Sau một bài phỏng vấn Đức cha Juan Ignacio Arrieta, Thư ký của Hội đồng Giáo hoàng (nay là Bộ) về các bản văn pháp lý, về những lý do và tiêu chuẩn biên soạn bản văn, độc giả có thể đọc bản dịch trong hiến với lời chú giải của cha JB. Lê Ngọc Dũng, Đại diện Tư pháp Giáo phận Nha Trang.

5. THỦ TỤC TUYÊN BỐ HÔN NHÂN VÔ HIỆU MITIS IUDEX DOMINUS IESUS

Trong khung cảnh Thượng hội đồng giám mục bàn về gia đình, vào ngày 15-8-2015, Đức thánh cha Phanxicô đã ban hành Tự sắc Mitis iudex, sửa đổi vài điều khoản của Bộ Giáo luật liên quan đến thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Sau khi ôn lại những khái niệm cơ bản của giáo luật về các lý do khiến cho hôn nhân vô hiệu, cũng như những phương cách giải quyết (hoặc hữu hiệu hóa hôn nhân; hoặc là xin tuyên bố vô hiệu), bài viết nêu bật những sự đổi mới trong thủ tục xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu do Tự sắc này du nhập. Bản dịch Tự sắc cũng là của linh mục JB. Lê Ngọc Dũng.

6. BỘ GIÁO LUẬT CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG

Bộ Giáo luật (Codex iuris canonici viết tắt CIC) ban hành ngày 25-11-1983 chỉ chi phối các tín hữu thuộc nghi điển Latinh. Bảy năm sau đó, ngày 18-10-1990, ĐTC Gioan Phaolô II ban hành Bộ Giáo luật dành cho các Giáo hội Đông phương (Codex canonum Ecclesiarum Orientalium, viết tắt CCEO). Giữa hai bộ luật có những khác biệt đáng kể. Trong quá khứ, sự phân biệt giữa Đông phương và Tây phương được xác định bởi tiêu chuẩn ranh giới địa lý khá rõ rệt, nhưng ngày nay, do những làn sóng di dân, nhiều tín hữu Đông phương sống tại những những lãnh thổ ngoài nghi điển không còn là chuyện hiếm hoi nữa. Sau khi giới thiệu sơ lược khái niệm về các Giáo hội Đông phương và Bộ Giáo luật dành cho họ, Mauricio Nicolás Pinto Vázquez trình bày những thay đổi của ĐTC Phanxicô đề ra trong Tự sắc De concordia inter codices nhằm dung hòa những khác biệt giữa hai bộ luật, cách riêng trong việc cử hành bí tích hôn phối.

7. PHỤ LỤC

Những nguồn dữ liệu nghiên cứu giáo luật.

Lưu ý về từ ngữ. Bản văn chính thức của giáo luật là tiếng Latinh (tuy gần đây, nhiều khi bản văn được ban hành bằng tiếng Ý, rồi sau đó mới được dịch sang tiếng Latinh). Không có bản văn dịch nào được coi là chính thức. Vì thế không lạ gì mà có nhiều bản dịch khác nhau bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, và thậm chí ngay cả tiếng Ý nữa. Điều này cũng xảy cho tiếng Việt, cách riêng trong là trong số báo này. Mỗi dịch giả chọn từ ngữ mà mình nghĩ là thích hợp hơn cả, cho dù xem ra không mấy quen thuộc. Chẳng hạn như: Romanus Pontifex phải dịch là “Giám mục Roma” thì đúng hơn là “giáo hoàng”; Secretariatus Status phải dịch là “Phủ Thủ tướng” thì đúng hơn là “Phủ Quốc vụ khanh”. Đối lại, tiếng Việt vẫn giữ nguyên danh từ “Bộ”, mặc dù trong nguyên bản đã có sự thay đổi từ “Congregationes” sang “Dicasteria”. Nên biết là trong ngôn ngữ hành chánh, “Bộ” tương đương với Ministère trong tiếng Pháp và Department trong tiếng Anh.

_Trung tâm Học vấn Đa Minh_

_TRONG SỐ NÀY_

  • Lời giới thiệu, tr. 7-11
  • Những khoản luật trong Bộ Giáo luật 1983 được sửa đổi, Tsth biên tập, tr. 13-30.
  • Cuộc cải tổ giáo triều rôma năm 2022, Gianfranco Ghirlanda, tr. 31-55.
  • Những văn kiện tòa thánh về đời sống thánh hiến, Phan Tấn Thành, tr. 56-72.
  • Tại sao cải tổ Bộ Hình luật của Giáo hội ?, Juan Ignacio Arrieta, tr. 73-148.
  • Mitis Iudex Dominus Iesus, Tsth biên tập, tr. 149-175.
  • Hòa hợp hai bộ giáo luật, Phan Tấn Thành, tr. 176-200.
  • Vài địa chỉ hữu ích để tìm hiểu Giáo luật, tr. 201-212.

Nguồn: https://tsthdm.blogspot.com/2023/02/thoi-su-than-hoc-so-99-thang-022023.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here